THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương
NĂM ĐẠO BINH THƯƠNG XÓT 2018
TĐCTT Hội Ngộ Vấn Đáp
TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh trả lời các câu hỏi đặc biệt của anh chị em trong nhóm ở các lần hội ngộ
Về PVLC cho Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng 2/12/2018
Ở mục chia sẻ PVLC cho Chúa Nhật I Mùa Vọng trong ngày Thứ Bảy Đầu Tháng 1/12/2018, những chia sẻ gợi ý của em về Bài Phúc Âm của Thánh Luca (21:25, 34-36) về Thời Cuối của Mầu Nhiệm Cánh Chung, bao gồm 2 ý chính:
Ý thứ nhất đó là sự kiện Chúa Kitô sẽ đến trong vinh quang: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến", và
Ý thứ hai đó là điều kiện con người cần phải có để nghênh đón Người: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!".
Cho dù là bài Phúc Âm cho Chúa Nhật 1 Mùa Vọng mà Giáo Hội vẫn cố tình chọn đọc bài Phúc Âm của Thánh Luca cho chu kỳ phụng niên Năm C (như năm 2018) liên quan đến sự kiện Người đến lần thứ hai. Lý do là vì:
1- Chúa Kitô đã đến lần thứ nhất rồi, bởi thế, Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Giáng Sinh trong giòng thời gian của lịch sử thế giới này, không phải chỉ để tưởng niệm "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14) thôi, mà còn nhất là để hướng về một thực tại chắc chắn sẽ phải xẩy ra đó là sự kiện Người đến lần thứ hai, thời điểm Giáo Hội đang thực sự trông chờ, đang thực sự sống trong Mùa Vọng, một thời điểm đón đợi, như dân Chúa xưa kia trước "khi thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Người đến..." (Galata 4:4).
2- Chúa Kitô có đến lần thứ nhất nơi lịch sử và mảnh đất của dân Do Thái, hay đến lần thứ hai với chung nhân loại, hoặc với riêng từng người sống trên thế gian này vào giờ lâm tử của họ, thì về phần con người, mỗi người ai nấy đều vẫn cần phải có cùng một tinh thần và thái độ bất khả thiếu, vô cùng khẩn thiết, đó là tinh thần "tỉnh thức và cầu nguyện", được thể hiện sống động qua thái độ được Chúa Kitô diễn tả một cách tượng hình trong cùng bài Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C theo Thánh Luca là "Hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên".
3- Riêng về phần con người nói chung và Kitô hữu nói riêng, sở dĩ họ phải "tỉnh thức và cầu nguyện" là vì, như chính Chúa Kitô đã nói trong cùng bài Phúc Âm, về phần tiêu cực: "để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến", và về phần tích cực, để họ có thể "đứng vững trước mặt Con Người!" Thế nhưng, theo Chúa Kitô, con người cần phải "tỉnh thức" ở chỗ nào, nếu không phải ở chỗ đừng "chè chén say sưa và lo lắng việc đời", và "cầu nguyện" ra sao, nếu không phải như Chúa Kitô khuyên giục và căn dặn: "hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên".
Từ những phân tích và gợi ý trên đây của em, căn cứ vào bài Phúc Âm cho Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C, đã có một số câu hỏi được nêu lên, hầu hết liên quan đến giai đoạn cuối của Thời Cánh Chung, tức đến ngày cùng tháng tận của lịch sử loài người, đến tận thế, đến sự kiện Chúa Kitô tái giáng, đến sự kiện con người phục sinh v.v. Có thể tóm gọn các câu hỏi ấy thứ tự như sau: 1- Sau tận thế có còn luyện ngục nữa hay chăng? 2- "kẻ sống và kẻ chết" trong cuộc chung thẩm là những ai?? 3- "Trời mới đất mới" là như thế nào??? 4- Tại sao Giáo Hội ngày nay lại rửa chân cho cả phụ nữ???? Em đã trả lời từng câu một như sau:
1- Sau tận thế có còn luyện ngục nữa hay chăng?
Sau tận thế không còn luyện ngục nữa. Tại sao? Tại vì:
- Trước hết và trên hết, bấy giờ mọi sự đã được canh tân (xem Khải Huyền 21:5), không còn những gì là lưng chừng, như xấu vừa vừa, xấu không đến nỗi trầm trọng cho lắm, cần phải được thanh luyện, bấy giờ tất cả những gì gian ác và tội lỗi, tất cả mọi tác nhân và những gì thuộc về sự chết, đều bị quăng vào lò lửa là sự chết lần thứ hai (xem Khải Huyền 20:14);
- Sau nữa, giai đoạn cuối thời hay tận thế là giai đoạn xẩy ra những biến động kinh hoàng nhất, chưa từng có từ tạo thiên lập địa, đến độ những ngày ấy không được rút ngắn lại thì không một ai có thể được cứu độ (xem Mathêu 24:22). Bởi thế, những ai còn "bền đỗ đến cùng thì được cứu độ" (Mathêu 24:13). Họ chính là những vị tử đạo cuối thời, bất chấp mọi thử thách kinh thiên động địa chưa bao giờ thấy như vậy mà vẫn sống đức tin trung kiên với Chúa cho đến cùng. Mà tử đạo là được rửa tội bằng máu, được về trời ngay, không phải qua luyện tội.
2- "Kẻ sống và kẻ chết" trong cuộc chung thẩm là những ai??
"Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết", đó là một trong những câu tuyên tín cuối cùng của Kinh Tin Kính Kitô hữu Công giáo đọc lên mỗi Chúa Nhật và Lễ Trọng. "Kẻ sống và kẻ chết" đây, trước hết, theo tự nhiên, thường được hiểu là những ai còn sống vào ngay giai đoạn tận thế, vào chính lúc Chúa Kitô quang lâm (xem Mathêu 24:30) để phán xét "kẻ sống và kẻ chết", và những ai đã chết trước cuộc chung thẩm.
Tuy nhiên, nếu hiểu theo tự nhiên như thế thì làm sao kẻ còn sống bấy giờ có thể thấy được Chúa Kitô thiêng liêng từ trời ngự xuống bằng con mắt trần chỉ thấy những gì là hữu hình của họ. Vì thế, theo thứ tự diễn tiến của ngày cùng tháng tận thì tất cả loài người bị chết hết, vì chẳng có ai có thể chịu đựng nổi trước những biến động kinh hoàng khủng khiếp chưa từng thấy xẩy ra, cả ở trên trời lẫn dưới đất (xem Mathêu 24:29), rồi Chúa Kitô mới quang lâm "để phán xét kẻ sống và kẻ chết".
Bởi thế, "kẻ sống và kẻ chết" đây chính là thành phần được rỗi ("kẻ sống" - tức thành phần chiên được xếp ở bên phải) và thành phần bị hư đi ("kẻ chết" - tức thành phần dê được xếp ở bên trái). Tất cả mọi người, tự tạo thiên lập địa cho đến tận thế, bấy giờ đều sống lại với thân xác của mình, và hiện diện trước nhan Chúa Kitô Quang Lâm (xem Mathêu 25:31-32), Đấng "sẽ xuất hiện lần thứ 2, không phải để chuộc tội nữa, mà là để cứu những ai thiết tha trông đợi Người" (Do Thái 9:28). Và chỉ có những ai được cứu mới có thân xác hiển vinh như thân xác vinh hiển của Người (xem Philiphe 3:21).
Tất cả mọi người, từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế, dù đã ở trên thiên đàng hay ở dưới hỏa ngục, hoặc trong luyện ngục, bấy giờ đều hiện diện trước nhan Chúa Kitô (xem Mathêu 25:32), không phải chỉ có linh hồn của họ mà là trọn vẹn bản tính loài người bao gồm cả linh hồn và thân xác của họ, một thân xác lúc ấy đã sống lại mặc lấy tính chất thiêng liêng vô hình như linh hồn của họ để nhờ đó họ có thể tồn tại không chết theo tự nhiên nữa, và chính Người phân loài người làm hai thành phần ở hai bên phải trái của Người (xem Mathêu 25:32-33), trước khi Người cho họ thấy lý do chính yếu tại sao họ được cứu độ hay bị hư mất, một lý do bề ngoài thực sự liên quan đến đức ái, mà thật ra lại sâu xa liên quan đến đức tin, vì "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6), một đức tin cứu độ. Như thế, tất cả những ai tin vào Chúa Kitô thì đều sống bác ái yêu thương, như chính bản thân Người.
Nếu mầu nhiệm cánh chung được bắt đầu vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) ở Mầu Nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh của Chúa Kitô (xem Do Thái 1:2), thì Thời Cánh Chung được kể từ khi Lời Nhập Thể cho đến khi "Người lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết". Sở dĩ Thời Cánh Chung được kể ngay từ Thời của Chúa Giêsu Kitô là vì Người chẳng những là tột đỉnh mạc khải thần linh của Thiên Chúa: "Trước kia Thiên Chúa nói với cha ông chúng ta bằng nhiều thể nhiều cách, nhưng đến thời sau hết đây, Ngài đã nói với chung ta qua Con của Ngài" (Do Thái 1:2), mà còn là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa nữa: "Ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9). Nghĩa là Thời của Chúa Kitô là Thời Cánh Chung, Thời Sau Hết, Thời Cuối Cùng, bởi tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra đều ở nơi Người là "tất cả sự thật" (Gioan 16:13), ngoài ra Thiên Chúa không còn tỏ gì khác nữa hay hơn nữa.
Sau khi Chúa Giêsu Kitô phục sinh để toàn thắng tội lỗi và sự chết của loài người nơi bản tính nhân loại của Người rồi thăng thiên về cùng Cha của Người và sai Thánh Thần từ Cha xuống trên Giáo Hội của Người, thì Thời Cánh Chung được tiếp tục "mọi ngày cho đến tận thế" (Mathêu 28:20) bởi Thánh Thần, Đấng tác động Giáo Hội Chúa Kitô trong việc làm chứng cho Chúa Kitô (xem Gioan 15:26-27; xem Tông Vụ 15:28), để "tất cả mọi tạo vật" (Marco 16:15) và "tất cả mọi dân nước" (Mathêu 28:19) nhận biết Chúa Kitô, chấp nhận ơn cứu độ của Người. Vậy tất cả ý nghĩa và mục đích của việc Chúa Kitô Quang Lâm đó là việc Người phán xét chung, ở chỗ cho tất cả thấy rằng: Người đã thực sự tỏ hết mình ra cho loài người, cả Cựu Ước, qua dân Do Thái, lẫn Tân Ước, qua Giáo Hội, ai tin vào Người, được chứng thực qua đức ái cụ thể của họ, "sẽ được cứu độ, bằng ai không tin sẽ bị luận phạt" (Marco 16:16).
3- "Trời mới đất mới" được hiểu như thế nào???
Trước khi có một thực tại được gọi là "trời mới và đất mới" (Khải Huyền 21:1) thì phải xẩy ra biến cố "trời trước kia và đất trước kia đã qua đi, đến biển cũng chẳng còn" (Khải Huyền 21:1). Có nghĩa là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên trời đất ngay từ ban đầu (xem Khởi Nguyên 1:1), cuối cùng "canh tân lại tất cả mọi sự" (Khải Huyền 21:5), nghĩa là tất cả những gì là bất toàn, xấu xa, tội lỗi, do con người gây nên, từ nguyên tội cho đến tận thế, qua giòng lịch sử của loài người, những biến động mang tính chất bất hạnh, bất ổn và bất an, được ám chỉ ở hình ảnh "biển cũng chẳng còn".
Cuộc biến đổi hay canh tân do Thiên Chúa Hóa Công "là nguyên ủy và là cùng đích" (Khải Huyền 1:8) cuối cùng thực hiện đây là ở chỗ như Ngài, nhờ Thánh Thần của Ngài (xem Roma 8:11), đã thực hiện nơi thân xác của Chúa Kitô Tử Giá vô cùng tan nát nhưng được Phục Sinh vinh quang thế nào, thì cũng thực hiện nơi riêng loài người, khi làm cho thân xác hạn hữu, vô cùng hèn mọn và chết chóc của họ, được phục sinh vinh hiển như thân xác bất tử của Chúa Kitô và "canh tân bộ mặt trái đất" (Thánh Vịnh 104:30) như vậy. Như thế, "trời mới và đất mới" đây không phải bắt nguồn từ một cuộc tạo dựng mới, khác với cuộc tạo dựng đầu tiên, mà là cuộc tạo dựng đầu tiên được Thiên Chúa canh tân theo đúng như dự án thần linh của Ngài để Ngài có thể "là tất cả trong mọi sự" (1Corinto 15:28).
4- Tại sao ngày nay Giáo Hội lại rửa chân cho cả phụ nữ????
Đây là một câu hỏi coi như có vẻ lạc đề nhưng thật ra lại liên quan đến thực tại "trời mới đất mới", đến việc Thiên Chúa "canh tân lại tất cả mọi sự" trong Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần (Redemptor Hominis, nhan đề Bức Thông Điệp đầu tay của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II). Thật vậy, hành động rửa chân của Chúa Kitô cho các đầy tớ môn đệ được Người chọn làm tông đồ của Người có một ý nghĩa rất sâu xa, nơi cả mục đích của việc Người làm cũng như nơi đối tượng được Người rửa chân cho.
Ý nghĩa rửa chân nơi mục đích của nó. Mục đích của việc Chúa Kitô rửa chân cho thành phần gọi Người "là Chúa và là Thày" (Gioan 13:13) là để cho các vị nói riêng và những ai được các vị theo chân Người rửa chân cho nói chung "được dự phần với Thày" (Gioan 13:8). Nghĩa là nhờ được Người rửa chân cho mà được nên thanh sạch, được cứu độ, được hiệp nhất nên một với Người. Đó là lý do, nếu không để Người rửa chân cho, về ý tứ tự nhiên của một người dưới được người trên rửa chân cho có vẻ khiêm nhượng đấy, nhưng tự hành động của họ không cho Người rửa chân cho lại là kiêu căng ngạo mạn. Ở chỗ, tự cho mình là công chính, tinh tuyền, nên không cần phải được rửa cho, không cần được cứu độ, không cần LTXC.
Ý nghĩa rửa chân nơi đối tượng của nó. Đối tượng của việc rửa chân đây chính là thành phần tội nhân, thành phần cần rửa để được cứu độ, để được dự phần vào LTXC hay được thừa hưởng LTXC. Đó là lý do trong đoạn 13 về biến cố rửa chân được Thánh Gioan thuật lại chỉ có 21 câu mà đã có 5 câu (gần 1/4) nói đến người môn đệ mang tên Giuđa Ichca (câu 2, 10, 11, 18 và 21). Bởi thế, nếu mục đích của việc Chúa Kitô rửa chân là để chuộc tội và tha tội cho loài người và từng người, thì hình ảnh cái "chân" được Chúa Kitô rửa cho đây, ám chỉ người môn đệ bất hạnh phản nộp thày mình là Giuđa Íchca, một đại tội nhân cần được và đáng được cứu trước tiên và trên hết, đối với một Đấng mà ngay ở đầu đoạn 13 về rửa chân, Thánh ký Gioan đã cảm nhận "Người đã yêu thương những ai thuộc về mình thì Người muốn chứng tỏ Người yêu họ cho đến cùng" (Gioan 13:1).
Tông đồ Giuđa Íchca quả thực là bàn chân trong danh sách của tông đồ đoàn, vì ở bản liệt kê 12 tông đồ nào cũng được liêt kê cuối cùng, so với tông đồ đầu đàn Phêrô (xem Mathêu 10:2-4; Marco 3:17-19; Luca 6:14-16). Mà trong số 12 tông đồ bấy giờ thì còn ai tội lỗi đáng cứu bằng người môn đệ này, nghĩa là cần phải rửa chân, trong khi cả toàn thân, ám chỉ tông đồ đoàn bao gồm 11 tông đồ còn lại, đã sạch không cần rửa nữa ngoại trừ Giuđa Íchca, như chính Chúa Kitô đã nói: "Ai đã tắm thì không cần rửa nữa (trừ cái chân của họ); họ đã hoàn toàn sạch, như các con đây, nhưng không phải là tất cả các con. (Lý do Người nói thế ... vì Người biết ai là kẻ nộp Người" (Gioan 13:10-11).
Nếu quả thực việc Chúa Kitô rửa chân cho các môn đệ của mình ám chỉ ý định Người muốn tất cả mọi người được cứu độ bằng tình yêu đến cùng của Người, đến cùng chẳng những ở chỗ hiến mạng sống mình vì người mình yêu (xem Gioan 15:13) mà còn đến tội nhân cuối cùng, tội nhân đáng thương nhất, thì ai là người dám cho mình là vô tội, dám tự phụ rằng mình không có tội để được châm chước việc Người rửa cho, để chẳng cần đến lòng thương xót của Người, chẳng cần đến ơn cứu độ vô cùng quí báu của Người. Vậy nếu phụ nữ là phái không có tội thì quả thực không cần được rửa chân.
Do đó, nếu hiểu theo nghĩa đen câu Chúa Giêsu, sau khi Người rửa chân cho các tông đồ, dạy các vị theo gương rửa chân của Người rằng: "Các con hãy rửa chân cho nhau", thì chỉ có các vị giám mục rửa chân cho nhau mà thôi, vì các vị là thành phần thừa kế các tông đồ! Thậm chí các vị giám mục có theo nghĩa đen thực hành việc rửa chân cho nhau chăng nữa, thì cũng chẳng được, vì một khi đã cử hành phụng vụ thì vị nào cũng đã phải sửa soạn đàng hoàng sạch sẽ cả tay lẫn chân rồi, không cần rửa nữa, kẻo trở thành một việc bôi bác bề ngoài.
Vậy chúng ta phải hiểu đúng ý nghĩa của việc rửa chân Chúa Kitô đã làm theo ý định của Người: một việc Người muốn thể hiện tình yêu đến cùng của Người đối với tội nhân nói chung, nhất là đối với những tâm hồn tội lỗi đáng thương nhất, thành phần mà Người cũng muốn các tông đồ được Người ủy thác cho sứ vụ phục vụ Nhiệm Thể của Người, theo gương Người, quan tâm săn sóc cứu giúp phần rỗi cần hơn ai hết của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô, vị giáo hoàng thương xót đã thực hiện đúng những gì Chúa Giêsu đã làm gương và căn dặn Giáo Hội phải thực hiện việc rửa chân này, một việc rửa chân cần cho tất cả những ai tội lỗi, nhất là ở những nơi vị giáo hoàng này đã từng tới nhiều lần là nhà tù vào các ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
5- Chúa quay lên hay quay xuống?
Từ ngày thường xuyên có Thánh Lễ tại nhà của nội bộ nhóm chúng ta, nhất là
vào các Thứ Bảy Đầu Tháng, một vấn đề được đặt ra là trên
bàn thờ Thánh
giá "Chúa quay lên hay quay xuống".
Và thường chúng ta có khuynh hướng quay Thánh giá Chúa lên (quay vào chủ tế)
hơn là quay xuống (quay ra cộng đồng). Lý do chính yếu đó là vì dâng lễ là
dâng lễ lên Chúa.
Tuy nhiên, từ khi em chứng kiến thấy Thánh Giá ở
trên bàn thờ quay xuống (quay ra cộng đồng), thay vì quay lên (quay vào chủ
tế), ngay trong Thánh Lễ được chính ĐTC Phanxicô dâng ở TGP Philadelphia
Chúa Nhật 27/9/2015, em đã đặt lại vấn đề. Bởi vì Thánh lễ ĐTC dâng đại trào
như thế là Thánh Lễ có thẩm quyền cao nhất và quan trọng nhất, (được gọi là
pontifical mass), phải thật chính xác về thần học lẫn tín lý, không thể sai
xẩy về phụng vụ.
Theo em, sở
dĩ Thánh giá trên bàn thờ quay xuống là vì:
1- Vị
linh mục chủ tế khi cử hành Thánh lễ đóng vai đại diện Chúa Kitô và thay cho
Chúa Kitô, mà
chủ tế quay xuống cộng đồng phụng vụ, thì tại sao Chúa Kitô ở nơi Thánh giá
lại quay lên hay quay vào chính mình chứ? Chúa Kitô trên Thánh giá nhìn vào
Chúa Kitô chủ tế là vô lý!
2- Của
lễ trên bàn thờ là chính Mình Máu Thánh Chúa Kitô được Chúa Kitô hiến tặng
cho chung Giáo Hội là Cộng đồng dân Chúa: "Này
là Mình Thày sẽ bị nộp vì các con.... Máu Thày sẽ đổ ra cho các con" (Luca
22:19-20), thì tại sao Chúa Kitô hiến mạng sống mình trên thập giá và đổ hết
máu (cùng nước) của mình ra từ thập giá lại không quay xuống chứ?
Bởi thế, từ
nay trở đi, chúng ta hãy quay Thánh giá trên bàn thờ xuống phía cộng đồng
phụng vụ. Trừ
khi vị linh mục chủ tế bấy giờ muốn quay lên theo ý riêng của ngài.
TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Về PVLC cho Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua 25/11/2018