THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

NĂM SỨ ĐIỆP THƯƠNG XÓT 2020

 

TĐCTT - Tất Niên 2019 và Lịch Sinh Hoạt 2020

 

Sinh Hoạt Hội Ngộ

 

TĐCTT cử hành Ngày Chúa Nhật Lời Chúa

 

 

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Mon, Jan 20, 2020 at 12:30 PM
Subject: TĐCTT Cử Hành Ngày Chúa Nhật Lời Chúa 2020
To: TDCTT googlegroup <tdctt@googlegroups.com>, <tdctt-bcc@googlegroups.com>

“Họ sẽ nhìn xem Đấng đã bị họ đâm thâu” (Gioan 19:37): “Này là Người” (Gioan 19:5)

Quí TĐCTT chí thiết của em trong Năm Sứ Điệp Thương Xót 2020

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”

Nếu theo dõi diễn tiến của ĐTC Phanxicô ở Tòa Thánh Vatican, chúng ta sẽ thấy được rằng vào ngày 30/9/2019, lễ Thánh Giêronimo, vị Thánh chuyên về Thánh Kinh, đã dịch Thánh Kinh sang tiếng Latinh và dẫn giải Thánh Linh, trong thời gian ở Belem, ĐTC đã ban hành Tông Sắc Thiết Lập Chúa Nhật Lời Chúa, trong đó, ở đoạn 3, ngài tuyên bố như thế này: "tôi tuyên bố Chúa Nhật Thứ Ba Thường Niên được giành cho việc cử hành, học hỏi và truyền đạt lời Chúa"

Nhóm TĐCTT chúng ta, luôn trung thành với Giáo Hội, luôn theo dõi những gì xẩy ra trong Ngôi Nhà Giáo Hội Mẹ của mình, nhờ đó sẵn sàng lắng nghe và đáp ứng những gì được Vị Chủ Chăn đại diện Chúa Kitô trên trần gian này dẫn dắt. Chẳng hạn như viêc chúng ta đã tích cực đáp ứng Năm Thánh Thương Xót bằng một số sinh hoạt đặc biệt trong năm, hay như việc chúng ta cũng đã liên lỉ tặng quà cho anh chị em homeless vào Ngày Thế Giới Người Nghèo (Chúa Nhật 33 Thường Niên) suốt 3 năm nay, ngay từ năm đầu tiên. Lần này cũng thế, chúng ta không thể nào coi thường hay không hưởng ứng Ngày Chúa Nhật Lời Chúa này. 

Tuy nhiên, vì năm 2020 này, Chúa Nhật III Thường Niên lại trùng ngay vào thời điểm Đầu Năm Âm Lịch của chúng ta, (mùng 1 tết là ngày Thứ Bảy 25/1), và cuối tuần Tết này (bao gồm 3 ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chúa Nhật, 24-26/1), chúng ta không thể tổ chức gì được. Nhưng LTXC vẫn quan phòng sắp xếp cho chúng ta như sau, bao gồm thời điểm, địa điểm và nội dung Ngày Chúa Nhật Lời Chúa như sau:

Thời điểm: Thứ Năm ngày 23/1/2020, từ 7 đến 9 giờ tối

Địa điểm: Nhà của AC Duy Dung: 12721 Monroe Street - Garden Grove, CA 92841

Nội Dung: 

1- Tổng lược Tông Sắc Aperuit Illis về việc thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa (phần 1: 20 phút), và 

2- Cách Thức suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa (phần 2: 1 tiếng 40 phút)

Biệt chú: 

- Vì thời giờ chỉ có 2 tiếng hiếm quí, nên xin quí anh chị tham dự đến sớm hơn 5-7 phút trước khi khai mạc đúng giờ;

- Không có vấn đề ăn uống bấy giờ (xin ăn trước hay sau tại nhà, nếu đói thì hy sinh cầu cho Giáo Hội ở Đức quốc); 

- Xin mang theo Thánh Kinh hay tập sách Lời Chúa, hoặc xem trong smart phone;

- Tài liệu cần thiết để học hỏi và theo dõi sẽ được phổ biến cho tham dự viên;

- Xin mặc Đồng Phục Mầu Trắng Phục Sinh (mầu cho Chúa Nhật và hướng về chính Chúa Nhật Lời Chúa 26/1/2020);

- Xin quí trưởng nhóm giúp gọi nhắc anh chị em trong nhóm của mình

Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đấng sáng lập Nhóm TĐCTT, đồng hành với chúng ta trong buổi Hội Ngộ Cử Hành Lời Chúa đầu tiên của chúng ta, như ĐTC Phanxicô mong muốn và cho lợi ích thiêng liêng của mỗi người chúng ta.

em tĩnh

TĐCTT - Đức Tin Tuân Phục

TĐCTT - Đức Ái Trọn Hảo

TĐCTT - Niềm Vui Thương Xót

Buổi Hội Ngộ Cử Hành Ngày Chúa Nhật Lời Chúa: Bố Cục và Nội Dung

 

1- Trước hết được mở màn bằng việc tìm hiểu Tuyển Hợp Tông Sắc của ĐTC Phanxicô,

2- Sau đó là phần chia sẻ về cách thức suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa, và

3- Sau hết là phần vấn đáp về tính cách giữa Lời Chúa và Thánh Thể.

1- Tông Sắc của ĐTC Phanxicô: Tuyển Hợp

ĐTC PHANXICÔ: TÔNG SẮC NGÀY CHÚA NHẬT LỜI CHÚA APERIUT ILLIS

 (NGƯỜI ĐÃ MỞ TÂM TRÍ CỦA HỌ)

 NHỮNG CÂU TIÊU BIỂU

 (TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch cho TĐCTT tham dự Ngày Chúa Nhật Lời Chúa, Thứ Năm 23/1/2020)

3- Tôi tuyên bố Chúa Nhật Thứ Ba Thường Niên được giành cho việc cử hành, học hỏi và truyền đạt lời Chúa

8- Ngày giành cho Thánh Kinh không được coi như là một biến cố hằng năm, mà là một biến cố suốt năm

9-  Thánh Kinh được hình thành như là một lịch sử cứu độ, trong đó Thiên Chúa nói năng và tác hành để gặp gỡ tất cả con người nam nữ hầu cứu họ khỏi sự dữ và sự chết. Để đạt được mục đích cứu độ này, Thánh Kinh, bởi hoạt động của Thánh Linh, biến những ngôn từ loài người được viết ra theo kiểu cách của loài người thành lời Chúa (cf. Dei Verbum, 12)… Bởi vậy, Thánh Linh là Đấng làm cho Thánh Kinh trở thành lời hằng sống của Thiên Chúa, được cảm nghiệm và truyền đạt theo đức tin của dân thánh Ngài.

10- Hoạt động của Thánh Linh không chỉ liên quan đến việc hình thành Thánh Kinh; hoạt động này còn tác động nơi những ai nghe lời Chúa nữa. Những lời của các Nghị phụ Công Đồng có tính cách hướng dẫn như sau: Thánh Kinh cần phải được "đọc và dẫn giải theo ánh sáng của cùng một Thần Linh là Đấng nhờ Ngài Thánh Kinh được viết lên" (Dei Verbum, 12). Mạc khải của Thiên Chúa đạt đến chỗ viên trọn nơi Chúa Giêsu Kitô; tuy nhiên, Thánh Linh vẫn không thôi tác động. Thật sự là giảm thiểu nếu giới hạn hoạt động của Vị Thần Linh này vào việc linh ứng viết Thánh Kinh và các tác giả khác nhau của Thánh Kinh. Chúng ta cần phải tin tưởng vào hoạt động của Thánh Linh, vì Ngài tiếp tục đường lối của Ngài trong việc "linh ứng" bất cứ khi nào Giáo Hội giảng dạy Thánh Kinh, bất cứ khi nào Huấn Quyền dẫn giải Thánh Kinh một cách chân thực (cf. ibid.,10), và bất cứ khi nào mỗi một tín hữu lấy Thánh Kinh làm tiêu chuẩn cho đời sống thiêng liêng của họ.

11- "Các lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn từ loài người, thì giống như lời phát biểu của loài người mọi đàng, giống như Ngôi Lời của Thiên Chúa Cha hằng hữu, khi mặc lấy nơi bản thân mình xác thịt yếu đuối của loài người, thì cũng trở nên tương tự như họ" (khoản 13). Chúng ta có thể nói rằng việc nhập thể của Lời hằng hữu là những gì làm nên và mang lại ý nghĩa cho mối liên hệ giữa lời Chúa và ngôn ngữ loài người chúng ta, nơi tất cả tính chất ngẫu nhiên về lịch sử và văn hóa của mối liên hệ này.

12- Khi Thánh Kinh được đọc theo chiều hướng của cùng Vị Thần Linh đã linh ứng viết ra mình thì Thánh Kinh vẫn hằng là những gì mới mẻ. Cựu Ước không bao giờ cũ kỹ, một khi Cựu Ước vẫn là một phần của Tân Ước, bởi tất cả đều được biến đổi nhờ cùng Vị Thần Linh đã linh ứng viết Cựu Ước. Toàn thể bản văn sách thánh đóng vai trò ngôn sứ không phải liên quan tới tương lai mà là hiện tại của bất cứ ai được nuôi dưỡng bởi lời này. Chính Chúa Giêsu đã minh nhiên nói điều này vào lúc khởi đầu cho thừa tác vụ của Người: "Hôm nay đoạn Thánh Kinh này đã được nên trọn như quí vị nghe thấy" (Luca 4:21). Những ai kín múc của dinh dưỡng hằng ngày từ lời Chúa thì trở nên, như Chúa Giêsu, một con người hiện đại của tất cả những ai họ gặp gỡ: họ không liều mình rơi vào tình trạng nhung nhớ cằn cỗi về quá khứ, hay mơ màng về một lý tưởng vời vợi chưa tới. Thánh Kinh hoàn thành công việc ngôn sứ của mình trước hết nơi những ai lắng nghe Thánh Kinh. Thánh Kinh mang tính chất vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Chúng ta nhớ đến những lời của tiên tri Êzêkiên khi tuân theo lệnh của Chúa mà ăn cuộn sách thì ngài nói cho chúng ta biết rằng: "Miệng của tôi thì ngọt ngào như mật ong" (3:3). Thánh ký Gioan cũng vậy, trên đảo Patmos, đã tái diễn cảm nghiệm ăn cuộn sách của tiên tri Êzêkiên, thế nhưng còn thêm rằng: "Miệng tôi thì ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi ăn vào rồi thì dạ dày của tôi cảm thấy đắng cay" (Khải Huyền 10:10). Tính chất ngọt ngào của lời Chúa khiến chúng ta muốn chia sẻ lời Chúa với tất cả những ai chúng ta gặp gỡ trên đời này và muốn loan báo niềm hy vọng vững chắc được chất chứa nơi lời Chúa (cf. 1Pet 3:15-16). Tính chất đắng cay của lời Chúa, ngược lại, thường xuất phát từ việc chúng ta nhận thức thấy cái khó khăn liên lỉ sống lời Chúa biết bao, hay cảm nghiệm riêng tư của chúng ta khi thấy lời Chúa bị loại trừ như thể chẳng có nghĩa lý gì cho cuộc sống.

13- Một thách đố khác được đặt ra bởi Thánh Kinh liên quan đến yêu thương. Lời Chúa liên lỉ nhắc nhở chúng ta về tình yêu nhân hậu của Chúa Cha, Đấng kêu gọi con cái của mình sống yêu thương. Đời sống của Chúa Giêsu đầy những thể hiện trọn hảo về tình yêu thần linh này, một tình yêu không giữ lại bất cứ cái gì, mà trọn vẹn hiến mình cho tất cả mọi người… Nghe Thánh Kinh rồi thực hành thương xót: đó là một thách đố cả thể đối với chúng ta trong đời sống.

14- Một trong những giây phút quan trọng nhất nơi mối liên hệ của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người là ở trình thuật về biến cố Biến Hình… Một sự biến hình tương tự cũng xẩy ra với Thánh Kinh, một Thánh Kinh tự biến hình bất cứ khi nào Thánh Kinh nuôi dưỡng đời sống của người tín hữu. 

Xin xem lại toàn bản văn tông sắc này ở cái link: ĐTC Phanxicô: Tông Sắc Thiết Lập Chúa Nhật Lời Chúa

Xin nghe lại ở cái link: TDCTT-2020/NgayCNLoiChua-TongSacDTCPhanxico.mp3

2- Cách thức suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa

Sau đây là tất cả kinh nghiệm của em trong việc suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa lần đầu tiên xin được chia sẻ với Quí TĐCTT như một gợi ý:

1- Là Kitô hữu, ngày nào cũng phải trang trọng đọc PVLC, nhờ đó, từ từ, chính Lời Chúa “là thần linh” (Jn 6:63) mới làm cho chúng ta thấy được cái mới lạ và sâu xa trong Lời Chúa nói chung và PVLC nói riêng, cho dù năm trước đã đọc rồi.

 

2- Khi suy niệm PVLC, phải công nhận rằng có lẽ cảm nghiệm hứng thú nhất là lúc khám phá ra được cái then chốt hay cái liên hệ (thường khó thấy) giữa các Bài Đọc trong phần PVLC hôm đó, nhất là PVLC Chúa Nhật hay PVLC Lễ Trọng.

 

3- Phúc Âm bao giờ cũng là bài đọc chính yếu, còn các bài đọc I và II chỉ phụ họa cho Bài Phúc Âm mà thôi, còn riêng Bài Đáp Ca, ngay sau Bài Đọc I, thường là các Bài Thánh Vịnh, chất chứa tâm thức nhân linh trước mạc khải thần linh.

 

4- Thường thì Bài Đọc I trích từ Cựu Ước (ngoại trừ Mùa Phục Sinh hoàn toàn theo Sách Tông Vụ thuộc Tân Ước), có tính cách qui về bài Phúc Âm, và Bài Đọc II (bao giờ cũng Tân Ước) có tính cách diễn giải hay áp dụng bài Phúc Âm.

 

5- Nếu nắm vững được ý nghĩa của bài Phúc Âm thì sẽ thấy được mối liên hệ của Bài Đọc I và Bài Đọc II, nơi ý nghĩa của 2 bài đọc với bài Phúc Âm cùng ngày, ngược lại cũng có thể nhờ 2 Bài Đọc này mà thấy ý nghĩa của Phúc Âm.

 

6- Tuy nhiên, cần phải nắm bắt được ý nghĩa của bài Phúc Âm theo chiều hướng phụng vụ, tức chiều hướng được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho từng ngày và từng mùa phụng vụ, chứ không phải chỉ hiểu theo ý nghĩa của Thánh Kinh thôi.

 

7- Điển hình nhất là bài Phúc Âm về phép lạ Bánh Hóa Ra Nhiều, một bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho hầu hết các mùa: Mùa Vọng, Giáng Sinh, Thường Niên hậu Giáng Sinh, Phục Sinh và Thường Niên hậu Phục Sinh:

 

8- Mùa Vọng - Tuần I Thứ 4 (Mathêu - lần 2); Gíáng Sinh - Thứ Ba sau Hiển Linh (Marco - lần 1); Thường Niên hậu GS - Tuần 5 Thứ 7 (Marco - lần 2); Phục Sinh - Tuần 1 Thứ 6 (Gioan lần 1), Thường Niện hậu PS - Tuần 18 Thứ 2 (Mt lần 1).

 

9- Nên cần phải đặt Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc vào mùa Phụng Vụ mới thấy được ý nghĩa khác nhau của cùng bài Phúc Âm ở mỗi mùa phụng vụ: tại sao Giáo Hội lại chọn bài Phúc Âm hôm nay cho mùa phụng vụ này?

 

10- Để biết được ý nghĩa của bài Phúc Âm cho từng mùa phụng vụ, cần phải lưu ý đến Mầu Nhiệm Chúa Kitô của Mùa Phụng Vụ ấy, vì Giáo Hội cử hành tất cả các Mầu Nhiệm của Chúa Kitô và về Chúa Kitô trong trọn một phụng niên.

 

11- Mùa Vọng để cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô Nhập Thể và Giáng Sinh; Mùa Chay và Phục Sinh để cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô Khổ Giá và Phục Sinh;

 

12- Mùa Thường Niên hậu GS tiếp tục với Mầu Nhiệm Chúa Kitô Thiên Sai Hiện Thế; Mùa Thường Niên hậu PS tiếp tục với Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống, nhờ Thánh Thần ban sự sống, và qua Giáo Hội Chứng Nhân Thừa Tác.

 

13- Vì PVLC trực tiếp liên quan bất khả phân ly với các mùa phụng vụ mà ý nghĩa của một bài Phúc Âm theo PVLC là ở ngay ý nghĩa của Mùa Phụng Vụ, nghĩa là ở ngay Mầu Nhiệm của Chúa Kitô của từng Mùa Phụng Vụ được cử hành.

 

14- Mầu Nhiệm Chúa Kitô được Giáo Hội cử hành ở từng Mùa Phụng Vụ, theo thứ tự thời gian trong suốt phụng niên, có thể được tóm lại thành các chủ đề hay đề tài ở những câu Phúc Âm then chốt với các mùa phụng vụ như sau:

 

15- Gioan 1:14 - "Lời đã hóa thành nhục thể (MV) và ở giữa chúng ta (Bát Nhật GS), và chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người (sau Bát Nhật GS), vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý (TN hậu GS)". 

 

16- Mathêu 20:28 - "Con Người đến không phải để được hầu hạ (MC 4 tuần đầu), nhưng để phục vụ (MC 2 tuần cuối), để hiến mạng sống mình cho nhiều người được cứu độ (Tuần Thánh).

 

17- Gioan 11:25 - "Thày là sự sống lại (Bát Nhật Phục Sinh), và là sự sống (sau Bát Nhật Phục Sinh cho tới Hiện Xuống).

 

18- Gioan 16:8-11 - "Khi Đấng Biện Hộ đến (Hiện Xuống), Ngài sẽ thuyết phục thế gian về tội lỗi (chung nhân loại), về đức công chính (riêng Giáo Hội và Kitô hữu) và về việc luận phạt (chung thẩm)".

 

19- Chúa Giêsu Kitô ở trong cả Lời của Người và Thánh Thể của Người: Người ở nơi Lời của Người là để tỏ mình ra; Người ở nơi Thánh Thể của Người là để hiện tại hóa mầu nhiệm về Người (tất cả mọi mầu nhiệm suốt phụng niên).

 

20- Thánh Thể có nhờ Lời Nhập Thể và Giáng Sinh (MV và GS), một Thánh Thể Con Thiên Chúa (TN sau GS), đã khổ nạn và tử giá (MC và Tuần Thánh) và đã sống lại (PS), để ban sự sống, nhờ Thánh Linh và qua Giáo Hội (TN sau PS).

 

 

 

 

Xin nghe lại ở cái link: TDCTT-2020/NgayCNLoiChua-CachSuyNiemPVLC.mp3

 

 

 

3- Vấn đáp về tính cách giữa Lời Chúa và Thánh Thể

 

 

Phần cuối cùng này đã trở nên hào hứng và sôi nổi với vấn nạn được em đặt ra: Giữa Thánh Thể và Lời Chúa, thực tại nào hơn?

 

Tham dự viên được chi thành 3 nhóm chủ trương: 1- Thánh Thể hơn (7 người); 2- Cả hai ngang nhau (4 người), 3- Lời Chúa hơn (2 người); còn 6 người nữa đang suy nghĩ chưa thể dứt khoát chọn lựa ra sao....

Em đã trình bày ý nghĩ của em như sau:

 

Thánh Lễ bao gồm 2 phần: phần Phụng Vụ Lời Chúa và phần Phụng Vụ Thánh Thể, theo khuôn mẫu của biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra cho 2 môn đề đi về làng Emmau (xem Luca 24:27,30), một khuôn mẫu đã được cộng đồng Kitô hữu tiên khởi áp dụng (xem Tông Vụ 2:42), và từ đó đã trở thành truyền thống về phụng vụ của chung Giáo Hội cho tới nay.
Nếu thần tính cao trọng hơn nhân tính, cho dù cả 2 bản tính đã nên một bởi mầu nhiệm ngôi hiệp bất khả phân ly, thì thần tính vẫn cao trọng hơn nhân tính; và nếu linh hồn cao trọng hơn thân xác thế nào, cho dù cần có cả 2 để tạo nên nhân tính bất khả thiếu của nhân loại, thì Lời Chúa cũng cao trọng hơn Thánh Thể Chúa như vậy. Thật vậy:

1- Thánh Thể sẽ chẳng bao giờ có trên bàn thờ nếu không có Lời truyền phép của vị linh mục chủ tế, Lời thánh hiến bánh và rượu để bánh và rượu, nhờ quyền phép của Chúa Thánh Thần, trở thành Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô, một Lời thánh hiến (cũng là Lời truyền phép) được vị chủ tế lập lại nguyên văn Lời của chính Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly khi Người thết lập Bí Tích Thánh Thể (xem Mathêu 26:26-28; Luca 22:19-20).

2- Chính vì "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) mới có Thánh Thể, và vì thế Thánh Thể đã trở thành phương tiện, thành dấu chỉ cho Người tỏ mình ra, nơi các biến cố Nhập Thể và Giáng Sinh, Khổ Giá và Phục Sinh: Các mầu nhiệm về Chúa Kitô và của Chúa Kitô đã được hiện thực hóa trên bàn thờ, bởi thế nên mỗi Cử Hành Thánh Thể (Eucharistic Celebration) là Giáo Hội cử hành tất cả Mầu Nhiệm Chúa Kitô, cho dù Mầu Nhiệm Chúa Kitô được Giáo Hội tưởng nhờ từng mùa PV;
3- Chính Lời Chúa mới làm nên ý nghĩa Thánh Thể, hay của việc Cử Hành Thánh Thể theo phụng vụ của Giáo Hội, bởi thế mà các Bài Đọc đã được Giáo Hội cố ý chọn cho ngày Chúa Nhật mới làm nên Phụng Vụ Thánh Lễ Chúa Nhật, và cũng chính vì thế chúng ta không thể dự lễ cưới, hay lễ mồ, được cử hành vào ngày Chúa Nhật thay cho Lễ Chúa Nhật;

4- Có những lúc chúng ta không thể dự lễ và dâng lễ, tức là không thể cử hành Phụng Vụ Thánh Thể và rước lấy Thánh Thể, nhưng chúng ta vẫn có Lời Chúa, vẫn không thiếu Lời Chúa, và vẫn phải sống Lời Chúa, vì Lời Chúa cũng có Chúa Giêsu hiện diện bằng Thần Linh của Người, như Chúa Giêsu hiện diện nơi Thánh Thể bằng chính Mình Thánh và Máu Thánh của Người ở dạng Bánh Thánh và Rượu Thánh sau khi bánh và rượu được biến thể bởi Lời Truyền Phép.

5- Thực tế cho thấy chúng ta rước Thánh Thể nhưng vẫn sống ngược lại với đức ái trọn hảo của Thánh Thể, cho đến khi nào chúng ta biết sống Lời Chúa chúng ta mới có thể trở thành tấm bánh bẻ ra như chính Chúa Giêsu Kitô là Bánh Bởi Trời Xuống (nơi mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh) đã được bẻ ra (nơi mầu nhiệm khổ nạn và tử giá), để ban sự sống thần linh cho thế gian (nơi mầu nhiệm phục sinh và hiện xuống).

Tóm lại, có thể nói, nếu Lời Chúa liên quan đến thần tính của Con Thiên Chúa, và Thánh Thể liên quan đến nhân tính của Chúa Kitô, và nếu nhân tính không thể nào hơn được thần tính thì, cho dù thần tính và nhân tính đã được hiệp nhất nên một thành Ngôi Vị duy nhất nơi Con Thiên Chúa Làm Người ngay giây phút Truyền Tin, Thánh Thể cũng vẫn không thể nào bắng thần tính, và chỉ là phương tiện để thần tính tỏ mình ra mà thôi.

Áp dụng thực hành:

 

Dẫn giải thêm về bài Phúc Âm Phép Lạ Bánh Hóa ra nhiều ở khoản 8 trên đây, bằng cách nêu lên chi tiết then chốt khác nhau ở mỗi bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn cho 5 Mùa phụng niên, trừ Mùa Chay (vì chay nên nhịn bánh!)

 

Mùa Vọng - Tuần I Thứ 4 (Mathêu - lần 2): Nếu đề tài của Mùa Vọng là "Lời đã hóa thành nhục thể" thì Bánh Hóa Ra Nhiều ám chỉ Lời là Bánh Hằng Sống từ trời xuống

Gíáng Sinh - Thứ Ba sau Hiển Linh (Marco - lần 1): Nếu đề tài của Mùa Giáng Sinh (sau Bát Nhật Giáng Sinh) là "chúng tôi đã được thấy vinh hiển của Người", thì các tông đồ muốn gải tán dân chúng vì bất khả nuôi họ đã thấy vinh hiển bánh hóa nhiều 

Thường Niên hậu GS - Tuần 5 Thứ 7 (Marco - lần 2): Nếu đề tài của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh là "Người Con duy nhất đền từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" thì Phép Lạ Bánh Hóa nhiều đã tỏ tỏ ra lòng thương xót đầy ân sủng của Người

Phục Sinh - Tuần 1 Thứ 6 (Gioan lần 1): Nếu đề tài của Mùa Phục Sinh "Thày là sự sống" thì Phép Lạ Bánh Hóa ra nhiều ám chỉ Chúa Kitô là Bánh Bởi Trời xuống để ban sự sống cho thế gian.

Thường Niện hậu PS - Tuần 18 Thứ 2 (Mt lần 1): Nếu đề tài của Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh là Thánh Thần "đến để thuyết phục thế gian về tội lỗi, công chính và luận phạt", thì Phép Lạ Bánh Hóa nhiều nhờ thừa tác vụ của các tông đồ công chính.

 


Xin nghe lại ở cái link: TDCTT-2020/NgayCNLoiChua-VanDapvaApDung.mp3

 

Hậu Chấn Cháo Gà

Chị Hoàng Minh cống hiến cho anh chị em tham dự 2 nồi cháo gà (ước lượng 40 người), cho dù em đã xin ăn uống trước hay sau buổi hội ngộ về Ngày Lời Chúa này

Tạ ơn LTXC và Cám ơn Quí AC tham dự viên Lời Chúa, gia chủ Duy Dung và nồi cháo Hoàng Minh

 

Xin mời Qúi TĐCTT theo dõi hay ôn lại Ngày Chúa Nhật Lời Chúa được Nhóm TĐCTT chúng ta cử hành ở những cái links đưới đây:

TDCTT-2020/NgayCNLoiChua-TongSacDTCPhanxico.mp3

TDCTT-2020/NgayCNLoiChua-CachSuyNiemPVLC.mp3

TDCTT-2020/NgayCNLoiChua-VanDapvaApDung.mp3

https://youtu.be/QbZnlnLR32I

(cái link youtube này bao gồm 2 mp3 đầu, không có mp3 cuối về vấn đáp)