THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

Năm Thánh Gia Huynh Đệ 2021

 

Chia Sẻ Trực Tuyến Chủ Đề "Fatima - Thánh Mẫu Thương Xót"

 

6- Fatima - Sứ Điệp Thương Xót

 

 

TĐCTT-HSTTM Đaminh Maria cao tấn tĩnh
chia sẻ trực tuyến ngày Thứ Tư 13/10/2021



Lời Chúa

Phúc Âm Thánh Gioan 19:31-37

31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su.33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.37 Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.  

Lưỡi đòng đâm thâu

Trong đoạn Phúc Âm này của Thánh Gioan, chúng ta mới thấy được thế nào là "Ôi tội hồng phúc - O felix culpa", như được Giáo Hội hân hoan xướng lên trong Thánh Lễ Vọng Đêm Phục Sinh. Đúng thế, "Chúa Giêsu đạ yêu thương những ai thuộc về Người thì yêu họ cho tới cùng", không phải chỉ tới độ "hiến mạng sống mình vì người yêu" (Gioan 15:13), hay tới từng con người một, yêu cả đến con chiên lạc cuối cùng, khi rửa chân cho người môn đệ phản nộp Người (xem Gioan 13:10-11), mà còn đến giọt máu cuối cùng khi cạnh sườn của thi thể đã chết của Người bỗng bị một lưỡi đòng đâm vào, khiến "nước và máu chảy ra".
Nếu "máu và nước chảy ra" là biểu hiệu cho tình yêu đến cùng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô thì tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài chỉ được tỏ ra và bộc lộ chỉ sau khi Chúa Giêsu đã chết, đã tuyên bố "mọi sự đã hoàn tất" (Gioan 19:30). Đúng thế, nếu việc đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu tiêu biểu cho việc con người phạm tội mất lòng Chúa thì lưỡi đóng tiêu biểu cho chính tội lỗi của con người phạm đến Chúa, phạm đến tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài. 
Như thế, nếu tất cả mạc khải thần linh là tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa đã được tỏ ra nơi Chúa Kitô khổ nạn và tử giá, thì tình yêu vô cùng nhân hậu ấy lại được thông ban cho con người vào chính lúc họ phạm đến Ngài, đâm vào cạnh sườn của Ngài, một phần thể ám chỉ con tim hay tình yêu nơi Ngài. Thế nhưng, chỉ có những tội nhân nào biết "nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu qua" (Gioan 19:37), nghĩa là nhận biết tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài, nơi chinh tội lỗi của mình, bằng cách tin vào Ngài, mới được tha thứ và chữa lành mà thôi. 

Fatima: Sứ Điệp Thương Xót - "Thiên Chúa chúng ta"

Đó là tất cả Sứ Điệp Thương Xót nơi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima năm 1917, một biến cố Thánh Mẫu, tự mình, chỉ kết thúc vào ngày 13/6/1929, nơi thị kiến cuối cùng là thị kiến về "ân sủng và tình thương", liên quan đến Chúa Kitô tử giá và Mẹ Đồng Công, và vì thế, về mặt lịch sử, Biến Cố Thánh Mẫu Fatima còn là một dạo khúc mở màn cho Thời Điểm Thương Xót, một thời điểm được mở ra với thị kiến vào ngày 22/2/1931, sau khi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima kết thúc 18 tháng, về tấm ảnh lòng thương xót Chúa được Chúa Giêsu bảo chị nữ tu Faustina Dòng Mẹ Thương Xót ở Krakow Balan vẽ bằng cọ và trưng bày vào Lễ Lòng Thương Xót Chúa.

Tấm ảnh Lòng Thương Xót Chúa này cho thấy tất cả Sứ Điệp Thương Xót một cách tượng hình hơn ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima. Ở chỗ, một Chúa Kitô phục sinh nơi bộ áo trắng Người mặc, cùng với hai tia sáng phát ra từ Thánh Tâm của Người, đã thật sự và hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết của con người và nơi con người, những gì vẫn còn thấy nơi 5 Dấu Thánh trên thân xác phục sinh của Người. Tất cả những hình ảnh biểu tượng này như thể nhắc nhở và kêu gọi tội nhân đừng sợ mà hãy tin vào Chúa, tin vào lòng thương xót vô cùng bất tận của Chúa, Đấng đã yêu thương đến cùng" (Gioan 13:1), môt lời nhắc nhở và kêu gọi rõ ràng hiện lên ở hàng chữ bất khả thiếu ở cuối tấm ảnh: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!"
Đúng thế, tất cả Sứ Điệp Thương Xót của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima năm 1917 nói chung, ở Bí Mật Fatima nói riêng, và ở những gì xẩy ra vào lần hiện ra cuối cùng của Biến Cố Thánh Mẫu này vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917 đã cho thấy rõ Sứ Điệp Thương Xót là tin vào Lòng Thương Xót Chúa này. 

Do đó, chúng ta thấy, chỉ sau khi Mẹ Maria nói lời cuối cùng: "Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi", nghĩa là Chúa vẫn bị đâm vào cạnh sườn, vào tình yêu vô cùng nhân hậu của Người, không phải bởi dân ngoại vốn chẳng nhật biết Người, mà là bởi chính thành phần Kitô hữu môn đệ tội lỗi của Người, mới xẩy ra hiện tượng mặt trời nhẩy múa, một hiện tượng thiên nhiên ngoại thường cho thấy một thực tại phi thường về lòng thường xót Chúa, ở chỗ "ở đâu tội lỗi gia tăng thì ở đó ân sủng càng chứa chan" (Roma 5:20).

Fatima: Sứ Điệp Thương Xót - Đức Tin Chiến Thắng 

Về hiện tượng mặt trời nhẩy múa này, vì tính cách quan trọng của nó, mà chính Đức Mẹ đã phải báo trước cho 3 em thiếu nhi Fatima biết, vào lần hiện ra thứ 3 ngày 13/7/1917, lần Mẹ tiết lộ Bí Mật Fatima cho 3 em biết, một bí mật liên quan đến chính Sứ Điệp Thương Xót cũng như đến hiện tượng mặt trời ngảy múa này, và vào lần hiện ra áp cuối, để các em thông báo và loan truyền cho nhiều người chứng kiến nhờ đó họ có thể tin vào Chúa Mẹ hơn, bao gồm cả thành phần không tin và chống đối những gì họ nghe được về ngày 13/10 ấy.

Đúng thế, có ở trong cuộc mới biết được biến cố phép lạ cả thể ngày 13/10 này đã gây ra một phản tác dụng kinh hoàng là dường nào, nơi cả những kẻ không tin, bao gồm cả hàng giáo sĩ, cũng như nơi riêng gia đình của ba em thiếu nhi Fatima thụ khải, và cũng nhờ đó mới thấy được đức tin của 3 thiếu nhi Fatima thụ khải mãnh liệt tới độ nào. 

Trước hết là gia đình của 3 thiếu nhi Fatima thụ khải. Lucia là thiếu nhi lớn nhất đã bị cả cha mẹ lẫn các chị dữ dội tấn công và bắt ép làm những gì ngược với niềm tin và lương tâm của em, vì nếu chối bỏ tất cả sự thật về những gì em đã loan báo thì cả gia đình em lẫn bản thân em mới khỏi bị tai họa có thể xẩy ra, như những lời đe dọa của dân làng nếu không xẩy ra đúng như em đã loan báo về sự lạ ngày 13/10, thậm chí còn có lời đe dọa đặt bom ở chính địa điểm Đức Mẹ hiện ra nữa. Nhưng em vẫn cương quyết tin tưởng vào Đức Mẹ, nhất định không nói hay làm những gì ngược lại, dù có chịu khổ gây ra bởi chính những người thân nhân ruột thịt trong gia đình của em đến đâu chăng nữa.

Ngược lại, Phanxico và Giaxinta là hai anh em ruột, và là hai anh em họ của Lucia, 2 trong 3 thiếu nhi Fatima thụ khải, lại được cha mẹ bênh vực và bảo vệ cho tới cùng, trước tất cả mọi cuộc tấn công từ bên ngoại, nhất là bởi một vị linh mục chánh xứ ở Porto da Mos, vị đã cùng với một số giáo dân của ngài đến Fatima sớm để thăm dò điều tra 3 em. Ngài đã đích thân gặp riêng các em, Lucia trước và Giaxinta sau. 

Vị linh mục chánh xứ này vốn không tin nên đã bảo Lucia phải chối bỏ sự thật, bằng không chính ngài sẽ đích thân tuyên truyền ngược lại để chẳng còn ai đến xem nữa, nhưng Ti Marto là bố của Giaxinta còn khiêu khích và thách thức vị linh mục cứ việc đánh điện tín đi khắp nơi. Sau đó vị linh mục chánh xứ này gặp Giaxinta và bảo em chối bỏ sự thật, bằng cách đánh lừa Giaxinta rằng Lucia đã chối bỏ rồi, và sau khi không thuyết phục được em, ngài cho em tiền như dụ dỗ em, liền bị ông bố của em chặn ngay lại, và thẳng thắn khẳng định với vị linh mục rằng cho dù cha có thành công trong việc lôi kéo được các em, nhưng ông vẫn tin vào những gì các em nói.

Fatima: Sứ Điệp Thương Xót - Mặt Trời Nhẩy Múa





Về chính ngày 13/10, hôm ấy trời mưa bão và lầy lội, nhưng vẫn không thể nào cản trở được cả 100 ngàn người từ khắp nơi kéo đến Fatima để chứng kiến sự lạ Fatima hôm ấy, trong số đó không phải chỉ có những ai tin, mà cả những người không tin, bao gồm cả các vị linh mục đứng sát với chính địa điểm Đức Mẹ hiện ta, cũng có cả các nhà trí thức ở các đại học và giới truyền thông thời bấy giờ. Ba em phải được dẹp đường mãi mới tới được nơi hẹn hò hằng tháng với Đức mẹ, trong khi em Giaxinta nhỏ nhất phải được bồng bế lên tới tận nơi. 

Ngay trước giờ quyết định, vị linh mục đứng gần ngay tâm điểm của sự kiện hôm ấy hỏi em Lucia giờ giấc xẩy ra sự kiện, cho tới đúng 1 giờ trưa như Lucia nói mà chưa kịp thấy gì, ngài lên tiếng kêu gọi dân chúng "trưa qua rồi... mọi người về thôi... tất cả chỉ là ảo tưởng", thì vừa lúc ấy bắt đầu diễn tiến sự kiện cả thế nhất trong Biến Cố Thánh Mẫu Fatima 1917 nói riêng, cũng như trong toàn bộ Thời Điểm Maria của Mẹ nói chung, so với trước đó nơi 3 Biến Cố Thánh Mẫu chính yếu nhất ở Pháp hồi thế kỷ 19, như Paris năm 1830, La Salette năm 1846 và Lộ Đức năm 1858.

Đúng thế, Sự Lạ Fatima được bắt đầu diễn tiến hoàn toàn khác nhau với riêng 3 thiếu nhi Fatima thụ khải và với chung dân chúng chứng kiến. Trước hết với ba em thiếu nhi Fatima, có hai lời Đức Mẹ phán với 3 em liên quan đến chung Kitô hữu rất quan trọng, đó là "Mẹ là Đức Bà Mân Côi" và "đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi". 

Câu nói như lời di chúc được Mẹ Maria trăn trối ở Fatima vào lần hiện ra cuối cùng năm 1917 này vừa xong thì Mẹ xòe hai bàn tay của Mẹ ra, hai bàn tay được phản chiếu nơi mặt trời, rồi Mẹ thăng thiên về phía mặt trời, với hình ảnh sáng láng của Mẹ cứ tiếp tục phản ảnh nơi mặt trời. Sau đó Lucia thấy ở bên trái mặt trời có Thánh Giuse ẵm Chúa Giêsu Hài Nhi bên tay trái và cả ngài lẫn Chúa Giêsu Hài Nhi giơ tay ban phép lành cho thế giới. Lucia bấy giờ còn thấy Đức Mẹ thay hình đổi dạng 3 lần theo thự tự áo trắng thắt đai lưng xanh, rồi thấy Chúa Cứu Thế và Mẹ của Người mặc áo tím cùng ban phép lành cho thế giới, và sau cùng thấy Mẹ sáng láng mặc áo nâu Carmelô. 

Trong khi 3 thiếu nhi Fatima, nhất là Lucia, đang xuất thần ngất trí trước các thị kiến riêng biệt như thế, thì dân chúng lại được chứng kiến hiện tượng mặt trời nhẩy múa, một hiện tượng cả thể phi thường ngoại nhiên chưa từng thấy đã từng được báo chí và các học giả chứng nhân vào lúc đó thuật lại, vẫn còn tài liệu lịch sử cho đến ngày nay. Chúng ta có thể lấy chính lời khai vắn gọn nhưng rất đầy đủ về hiện tượng mặt trời nhẩy múa này của ông Ti Marto, bố của 2 em thiếu nhi Fatima là Phanxicô và Giaxinta, để biết được những gì đã xẩy ra hôm đó và vào lúc đó: 

"Chúng tôi vẫn có thể dễ dàng nhìn thẳng vào mặt trời mà không bị trở ngại tí nào cả. Lúc thì mờ mờ, lúc thì lóa lóa, liên tục như vậy. Ánh sáng tung tóe nhuốm mầu đủ kiểu lên mọi sự, người ngợm, cây cối, đất đai, kể cả không trung. Thế nhưng, phép lạ vĩ đại nhất vẫn là sự kiện mặt trời không làm chói mắt gì cả" (Mother of Christ Crusade by Sister Lucia and Father John de Marchi, 1947, Chapter X: Sixth Apparition). Trong lời tường thuật này chỉ thiếu một chi tiết có thể không làm cho ông bố đầy lòng tin này hoảng sợ nên ông coi thường không thuật lại, đó là chi tiết có một lúc mặt trời xà xuống trái đất khiến mọi người la hoảng lên tưởng đã tới giây phút tận thế.

Fatima: Sứ Điệp Thương Xót - Tất cả Sự Thật



Tóm lại, qua những gì đã xẩy ra trước mắt các nhân chứng về hiện tượng mặt trời nhẩy múa, cũng như về thị kiến riêng thiếu nhi Lucia được thấy về Mẹ Maria trong lúc hiện tượng mặt trời nhẩy múa trước mắt dân chúng, chúng ta có thể thấy được tất cả sự thật về Fatima - Sứ Điệp Thương Xót là ở chỗ này:

Về hiện tượng Mặt Trời Nhẩy Múa: Hiện tượng mặt trời nhẩy múa bao gồm 3 sự kiện bất khả thiếu và bất khả phân ly đó là 1- Mặt trời không làm con người chói mắt, 2- trái lại còn tung tỏa ra các mầu sắc con người lẫn vạn vật, 3- nhất là có lùa xà xuống trái đất mà không đè bẹp hay thiêu rụi bất cứ một sự gì, nhất là con người.

Về Thị Kiến Thánh Mẫu: Hai bàn tay xòe ra của Mẹ được phản chiếu trên mặt trời và hình ảnh sáng láng thăng thiên của Mẹ cũng liên tục phản chiếu trên mặt trời. Sau khi Thánh Giuse bế Chúa Hài Nhi chúc lành cho thế giới, Mẹ lại xuất hiện với áo trắng thắt đai xanh vô nhiễm, với áo tím đồng công và với áo nâu Carmêlô từ mẫu.

Trước hết về hiện tượng Mặt Trời Nhẩy Múa, căn cứ vào 3 sự kiện chính yếu của nó, chúng ta có thể suy ra rằng: 

1- Mặt Trời đây biểu hiệu cho chính Chúa Kitô là Mặt Trời Công Chính không chói lòa con mắt của những ai biết tin tưởng "nhìn lên Đấng họ đã bị đâm thâu qua", và Mặt Trời nhẩy múa như cho thấy Chúa Kitô chẳng những "động lòng thương" (Mathêu 18:27 & Luca 10:33) nhân loại càng ngày càng tội lỗi nói chung và Kitô hữu nói riêng, "những linh hồn cần đến  lòng thương xót Chúa hơn", mà còn bị khích động bởi việc "cầu kinh Mân Côi hằng ngày" của thành phần con cái của mình, thành phần biết lắng nghe Lời Mẹ Maria kêu gọi ở Fatima trong cả 6 lần hiện ra, bởi họ, bằng việc cầu kinh Mân Côi, tỏ ra vẫn còn nhớ công Ơn Cứu Chuộc vô cùng quí báu của Người và cầu xin cho các tội nhân ơn ăn năn hoán cải, nhận biết lòng thương xót Chúa mà không dám xúc phạm đến Chúa nữa; 

2- Mặt Trời chẳng những nhẩy múa mà còn phát tỏa các thứ mầu sắc trên con người và vạn vật là sự kiện biểu hiệu cho thấy chính vì "động lòng thương" con người như thế, qua hiện tượng mặt trời nhẩy múa, mà Chúa Kitô không thể không lợi dụng những xúc phạm của thành phần Kitô hữu tội nhân đáng thương, những xúc phạm như lưỡi đòng một đàng gây thương tích cho Chúa đồng thời lại mở lòng thương xót Chúa ra cho máu cứu chuộc và nước tái sinh sự sống phục sinh tuôn ra cho họ, và việc "cầu kinh Mân Côi hằng ngày" của con cái Mẹ, để tuôn ban vô vàn ân sủng của Người chẳng những riêng nhân loại mà còn cho chung mọi tạo vật nữa, vì ơn cứu độ của Người bao gồm tất cả những gì được Thiên Chúa tạo dựng, trong đó có thiên nhiên tạo vật vì tội lỗi của con người đã bị nguyền rửa và đang mong được giải thoát.

3- Mặt Trời xà xuống trái đất mà không đè bẹp và nghiền nát nhân loại hay thiêu hủy trái đất là sự kiện dường như ám chỉ trách nhiệm cần phải
 đáp trả của thành phần tội nhân loài người được Thiên Chúa vô cùng thương xót cứu chuộc, đến độ Ngài đã không dung tha cho Con của Ngài, một phó nộp Con của Ngài cho phần rỗi của nhân loại (xem Roma 8:32), thậm chí biến Người là Đấng không biết đến tội lỗi trợ thành tội lỗi (xem 2Corinto 5:21), nghĩa là lòng thương xót Chúa vô cùng bất tận như thế trở thành một món nợ khổng lộ đè xuống trên con người, nếu con người không biết nhận lãnh và đáp trả thì chính lòng thương xót Chúa ấy trở thành án phạt cho con người,  bấy giờ họ không còn có thể kêu ca than van trách móc gì được nữa, ngoài việc muôn đời kiếp kiếp khóc lóc vì hình phạt đời đời mất Chúa là cùng đích của mình, và nghiến răng vì hối hận cũng bằng thừa, không còn kịp nữa.

Sau nữa, về thị kiến Thánh Mẫu Mân Côi: Nếu ngay sau lời trăn trối của Mẹ Maria cho Kitô hữu rằng: "Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiện Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi", hiện tượng mặt trời nhẩy múa ám chỉ lòng thương xót Chúa lại
 càng "động lòng thương" loài người tội nhân đáng thương cần được cứu độ hơn bao giờ hết, thì sau khi tự xưng "Mẹ là Đức Bà Mân Côi", trước lời kêu gọi "đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa", thị kiến về Mẹ thăng thiên phản ảnh trên mặt trời và hình ảnh Mẹ thay đổi 3 lần sau đó như biểu hiệu cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một Trái Tim Vô Nhiễm, như được suy diễn ở đề tài "Fatima - Trái Tim Thương Xót", chất chứa 3 ý nghĩa bất khả phân ly đó là: Trái Tim Đầy Ơn Phúc, Trái Tim Đau Thương và Trái Tim Từ Mẫu.

1- Mẹ được phản ảnh trên Mặt Trời: Sự kiện đôi tay của Mẹ và hình ảnh sáng láng của Mẹ thăng thiên đều được phản ảnh trên Mặt Trời là Chúa Kitô, dường như ám chỉ tất cả những gì Mẹ có hay làm (đôi tay Mẹ) và tất cả những gì Mẹ là (hình ảnh Mẹ) đều "đầy ơn phúc", sự thật chính yếu và mở đầu cho Kinh Kính Mừng, đều ở nơi Chúa Giêsu Kitô, "Con lòng Bà gồm phúc lạ", Đấng Mẹ đã được thụ thai, cưu mang, hạ sinh, dưỡng dục và noi gương bắt chước, nhờ đó, Mẹ mới có thể phản ảnh Người, như thể Mẹ "mặc áo mặt trời" (Khải Huyền 12:1), "rực rỡ như mặt trời" (Diễm Tình Ca 6:10).

2- Mẹ tái xuất hiện với ba mầu áo: Hình ảnh Mẹ mặc áo trắng với đai lưng màu xanh ám chỉ Mẹ Đồng Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội, bởi "Thiên Chúa ở cùng trinh nữ" (Luca 1:28), đúng với ý nghĩa thứ nhất về Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ; hình ảnh Mẹ mặc áo tím cùng với Chúa Cứu Thế chúc lành cho thế giới ám chỉ Mẹ đau thương đứng kề bên Thánh Giá Chúa Giêsu (xem Gioan 19:25) để đồng công cứu chuộc loài người, hợp với ý nghĩa thứ 2 về Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ đầy đức tin tuân phục; hình ảnh Mẹ mặc áo nâu Carmêlô ám chỉ Mẹ là một từ mẫu thương xót con cái của mình, luôn bao bọc chở che từng đứa con của Mẹ, phản ảnh ý nghĩa thứ 3 về Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là Trái Tim Từ Mẫu.

3- "Mẹ là Đức Bà Mân Côi": Thị Kiến Thánh Mẫu với hai sự kiện vừa được suy diễn trên đây là những gì bất khả phân ly với tước hiệu "Mẹ là Đức Bà Mân Côi", và diễn tả ý nghĩa của tước hiệu này. "Đức Bà Mân Côi / Our Lady of Rosary" có nghĩa là "Đức Bà Chiến Thắng / Our Lady of Victory", một danh xưng đã được Thánh Giáo Hoàng Piô V tặng cho Mẹ sau cuộc chiến thắng của đạo quân Kitô giáo với Hồi giáo năm 1571 ở trận hải chiến Lepanto, một danh xưng đã được Mẹ công nhận ở cuối phần hai của Bí Mật Fatima: "Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng", ở chỗ, như Bí Mật Fatima phần thứ ba cho thấy, cứu độ các linh hồn bằng máu tử đạo của thành phần cảm tử quân trong Đạo Binh Thương Xót của Mẹ.


From: thanh kham (ĐTGM Ngô Quang Kiệt)
Date: Thu, Oct 14, 2021 at 1:58 AM
Subject: Re: Thánh Mẫu Thương Xót Fatima - Sứ Điệp Thương Xót
To: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>


Tốt lắm
Đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa
nqk