THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

Năm Thánh Gia Huynh Đệ 2021

 

Chia Sẻ Trực Tuyến Chủ Đề "Fatima - Thánh Mẫu Thương Xót"

 

1- Fatima - Ơn Gọi Thương Xót

 

  TĐCTT-HSTTM Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL 

Chia sẻ trực tuyến Thứ Năm ngày 13/5/2021, và được thâu lại Thứ Bảy 19/6/2021

 https://youtu.be/xsgjlcdLQh4 

 

Lời Chúa

 

Phúc Âm theo Thánh Mathêu 25:1-13 

1 "Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi! "7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! "9 Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn."10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! "12 Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! "13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.  

Trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về 10 cô trinh nữ với 5 cô khôn ngoan và 5 cô khờ dại được Thánh ký Mathêu thuật lại trong 13 câu ở đầu đoạn 25 Phúc Âm của ngài có một số chi tiết ẩn dụ, như 10 cô trinh nữ, đèn và dầu, chàng rể đến chậm, nửa đêm và có tiêng hô lên. Những ẩn dụ này ám chỉ những gì và có ý nghĩa ra sao, theo ý của Đấng muốn nói với các môn đệ của Người bấy giờ? 

Trước hết, dụ ngôn này được Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người, chứ không phải với các vị lãnh đạo Do Thái giáo trong hội đồng đầu mục của họ, hay nói với thành phần biệt phái và luật sĩ, hoặc nói với chung dân chúng, nên chúng ta có thể hiểu là Chúa Giêsu muốn ám chỉ thành phần môn đệ của Người, những vị đang lắng nghe Người bấy giờ cũng như các môn đệ của Người qua mọi thời đại, nhất là vào thời của những ngày cùng tháng tận. Bởi dụ ngôn này được Chúa Kitô nói tới ngay sau những gì Người nói về Ngày Tận Thế ở đoạn 24 trước đó, và trước dụ ngôn chung thẩm ở cuối cùng đoạn 25 này. Nếu dụ ngôn nén bạc, ở giữa dụ ngôn 10 cô trinh nữ đầu đoạn 25 và dụ ngôn chung thẩm ở cuối đoạn 25, những nén bạc được chủ trao cho 3 hạng đầy tớ để sinh lợi, ám chỉ thành phần lãnh đạo trong Giáo Hội, thì 10 cô trinh nữ đây ám chỉ chung Kitô hữu, thành phần đã được thánh tẩy bởi Phép Rửa và trở nên  tinh tuyền như các cô trinh nữ duyên dáng đáng yêu. 

Sau nữa là "đèn" và "dầu" trong dụ ngôn này ám chỉ cây đèn đức tin cháy lửa đức mến bằng dầu đức cậy, một đức cậy bất khả thiếu nhất là trong những cơn gian nan khốn khó thử thách như trong bài Phúc Âm hôm nay, thử thách ở chỗ "chàng rể đến muộn", trông đợi mãi chẳng thấy đâu, đến thiếp ngủ hết, khi trời càng về khuya, càng đen tối và càng buồn ngủ, nhất là vào lúc "nửa đêm", một đức cậy như thứ dầu đèn được dự trữ trong lòng của 5 cố trinh nữ khôn ngoan cần thiết và bất khả thiếu để lúc nào cũng sẵn sàng nghênh đón Đấng "sẽ xuất hiện lần thứ hai mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi" (Do Thái 9:28). 

Sau hết là "tiếng hô to" thông báo "chàng rể đến hãy ra nghênh đón Người", một tiếng hô vào ngay lúc "nửa đêm" là lúc trời tối tăm mù mịt nhất, và đồng thời cũng là lúc con người buồn ngủ nhất, thậm chí bao gồm cả 5 cô trinh nữ khôn ngoan, một tiếng hô chắc chắn không phải từ chàng rể Giêsu, hay cô dâu Hội Thánh, hoặc từ các cô trinh nữ Kitô hữu nghênh đón chàng rể, thì chỉ còn xuất phát từ Mẹ Maria mà thôi. Phải chăng "tiếng hô to" vào lúc "nửa đêm" của lịch sử loài người, một loài người đang càng ngày càng bị khủng hoảng về mọi phương diện, nhất là đức tin siêu nhiên và văn hóa chân chính, thì "sứ điệp Thánh Mẫu" của Mẹ Maria đã liên tục lập đi lập lại mỗi lần Mẹ hiện ra, nhất là trong thời khoảng liên quan đến lịch sử thế giới, được gọi là Thời Điểm Maria, nghĩa là từ sau Cách Mạng Pháp 1789 đến Cách Mạng Nga 1917, và theo thứ tự thời gian: đầu tiên trong nguyện đường ở kinh đô ánh sáng Paris năm 1830, đến ngọn núi La Salette năm 1846, tới hang động Lộ Đức năm 1858 và rõ nhất ở làng quê Fatima năm 1917.  

 

Fatima - Tột Đỉnh Thời Điểm Maria

Thật vậy, 3 biến cố Thánh Mẫu đầu tiên trong loạt 4 biến cố Thánh Mẫu, như được kể trên, trong thế kỷ 19 này đều xẩy ra ở Pháp, một đất nước có thể nói là đệ nhất văn minh thời ấy, nơi đã chẳng những là khởi điểm của Thời Minh Tri (Enlightenment Age), với một triết gia Descarde chủ trương "ego sum qui sum - tôi nghĩ nên tôi có", được coi là mở màn cho thời kỳ lý trí nhận thức của con người, mà còn lên tới tột đỉnh của nó với cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Từ đó, ý hệ mới của Thời Minh Tri đã chẳng những biến đổi thể chế chính trị mà còn tác động tới cả đức tin tôn giáo ở đất nước vồn mang danh là trưởng nữ của Giáo Hội này. Phải chăng chính trong bối cảnh lịch sử đầy biến động về chính trị gây nguy hiểm đến đức tin này mà Mẹ Maria đã chọn hiện ra 3 lần liền trong vòng 28 năm để cảnh báo và cứu chữa con cái của Mẹ. 

Ở biến cố Thánh Mẫu Paris năm 1830, Mẹ hiện ra với Chị Thánh Catarina Labuare lần đầu tiên vào đêm 19/7 ở trong nguyện đường của nhà dòng, để báo cho chị biết "Pháp và thế giới đang trải qua những thời điểm tệ hại xấu xa", và trong lần hiện ra đầu tiên trong Thời Điểm Maria này của mình, Mẹ Maria đã tỏ mình ra là một Đức Mẹ Ban Ơn cho các tội nhân, như hình ảnh ở hai mặt trên chiếc khuy ảnh đeo ngực được Mẹ tỏ ra ngày 27/11 cho chị tập sinh 24 tuổi Dòng Nữ Tử Bác Ái của Thánh Vincent de Paul này đã nói lên ý nghĩa ấy.  

Ở biến cố Thánh Mẫu La Salette năm 1846, Mẹ hiện ra vào ngày 19/9, áp lễ Đức Mẹ Đau Thương vào thời ấy, ở trên một ngọn núi với 2 thiếu niên Melanie 15 tuổi và Maximin 11 tuổi, và Mẹ đã khóc, như Bí Mật La Salette được thiếu niên thụ khải Melanie sau đó đã viết lại tiết lộ cho biết, và theo suy diễn thì sở dĩ Mẹ khóc là Mẹ thấy tình hình con cái của Giáo Hội ở Pháp nói chung, và hàng giáo sĩ lẫn tu sĩ nói riêng, đang bị thần dữ tấn công đến bại hoại, cần phải cảnh giác, nhất là Mẹ kêu gọi thành phần "tông đồ cuối thời" của Mẹ hãy hiên ngang chiến đấu chống lại cuộc tấn công của thần dữ. 

Ở biến cố Thánh Mẫu Lộ Đức năm 1858, Mẹ đã hiện ra 18 lần với Bernadette, một thiếu nữ 14 tuổi, trong một hang động, trong đó, những lần quan trọng nhất là những lần Mẹ tỏ cho Bênađét biết Mẹ là ai và muốn gì, như lần thứ 3 ngày 18/2, lần 8 ngày 24/2, lần 9 ngày 25/2, lần 12 ngày 2/3, và lần 16 ngày 25/3, lần Mẹ đã tự xưng: "M là Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội". Vào lần hiện ra thứ 8 ngày 24/2, Mẹ kêu gọi Bênađét: “Hãy ăn năn thống hối! Hãy ăn năn thống hối! Hãy ăn năn thống hối!” “Hãy cầu xin Thiên Chúa cho các tội nhân!”. “Con hãy bò bằng đầu gối vào hang đá và hãy hôn đất để tỏ dấu hiệu ăn năn thống hối thay cho các tội nhân”. 

Ở biến cố Thánh Mẫu Fatima năm 1917, Mẹ không còn hiện ra ở Pháp nữa, vì tình hình thế giới và Giáo Hội ở vào đầu thế kỷ 20 đã có tầm vóc quốc tế hơn, và có thể vì thế mà Mẹ đã cố ý chọn một địa điểm và thời điểm liên quan đến lịch sử thế giới sẽ xẩy ra trong ngắn hạn (liên quan đến cộng sản Nga sô), trung hạn (liên quan đến thế chiến thứ 2) và dài hạn (liên quan đến nạn khủng bố), cả 3 thời điểm này đều được Mẹ tiết lộ trong toàn bộ Bí Mật Fatima. Đúng thế, địa điểm được Mẹ Maria chọn hiện ra lần thứ 4 trong Thời Điểm Maria của Mẹ không còn ở Pháp quốc mà là ở Bồ Đào Nha, vào một thời khoảng liên quan đến sự kiện xuất hiện cộng sản Nga sô, và tại một địa điểm liên quan đến Hồi giáo là Fatima. 

 

Fatima - Tiếng Hô Nửa Đêm

Nếu thời điểm Mẹ hiện ra ở Fatima liên quan đến cộng sản Nga số và địa điểm Mẹ hiện ra liên quan đến Hồi giáo như thế thì quả thực biến cố Thánh Mẫu Fatima là tột đỉnh của Thời Điểm Maria, một biến cố có tính cách khẩn trương và có tầm vóc bao trùm cả Giáo Hội lẫn lịch sử thế giới, chẳng những trong thế kỷ 20 mà còn bao gồm cả thế kỷ 21. Do đó, ba vấn đề chính yếu được đặt ra ở đây là: 1- tại sao Mẹ Maria không hiện ra ở Fatima vào các tháng nào khác mà vào 6 lần liền, từ Tháng 5 đến Tháng 10, và lần nào cũng vào ngày 13 trong tháng? 2- Tại sao Mẹ Maria lại chọn hiện ra ở Fatima mà không hiện ra ở bất cứ nơi nào khác ở Bồ Đào Nha tương tự như Fatima để tự xưng mình là "Mẹ Mân Côi"?? 

Trước hết, Mẹ Maria hiện ra ở Fatima năm 1917 chỉ có 6 lần, từ Tháng 5 cho đến Tháng 10, là vì thời khoảng 6 tháng liền được Mẹ ấn định này có liên quan đến thời khoảng bắt đầu xuất hiện của đảng cộng sản Ngô sô, một chế độ cộng sản đã được Mẹ tiết lộ và báo trước ngay trong lần hiện ra thứ 3 ngày 13/7/1917, ở phần 2 của Bí Mật Fatima. Cộng sản Nga sô bắt đầu tiến trình cách mạng của mình khi Lenin từ Đức về Nga vào ngày 16/4/1917, để thực hiện Cuộc Cách Mạng Tháng Mười vào 6 tháng sau đó, nhưng Cách Mạng Tháng Mười này chỉ thành công vào ngày 7/11/1917. Như thế, rõ ràng là thời khoảng 7 tháng của cộng sản Nga sô ngay từ đầu, từ tháng 4 đến tháng 11 đã thực sự xẩy ra trước ngày 13/5/1917 và sau ngày 13/10/1917, nghĩa là khít khao "vây bọc" trọn thời khoảng 6 tháng của biến cố Thánh Mẫu Fatima. 

Sau nữa, về sự kiện ngày 13 trong tháng được Mẹ cố ý chọn để hiện ra hằng tháng trong thời khoảng này thì lại liên quan đến chính biến cố Fatima và cấu trúc của Fatima, theo chiều hướng 1 mà 3, số 1 đứng trước số 3 và ghép lại thánh số 13, đúng như thực tế cho thấy: 1- Chỉ có 1 biến cố Thánh Mẫu Fatima nhưng lại có 3 giai đoạn: tiền Fatima (1916), chính Fatima (1917) và hậu Fatima (1925 và 1929); 2- Chỉ có một Bí Mật Fatima mà lại có 3 phần ở trong bí mật này và cả 3 phần đều hết sức liên hệ mất thiết với nhau, bất khả thiếu và bất khả phân ly; 3- Chỉ có một Sứ Điệp Fatima mà lại có 3 Mệnh Lệnh Fatima là cải thiện đời sống, tôn sùng Mẫu Tâm và lần hạt Mân Côi; 4- chỉ có một Đạo Binh Dàn Trận nhưng có 3 thiếu nhi Fatima, với 3 ơn gọi chuyên biệt được ủy thác cho từng em thụ khải, như sẽ được nói đến dưới đây. 

Sau hết, về địa điểm Fatima được Mẹ Maria hiện ra, và lại là địa danh Mẹ xưng mình "Mẹ là Mẹ Mân Côi" ngày 13/10/1917 là vì liên quan đến Hồi giáo, ở chỗ, tên Fatima là tên người con gái của vị giáo tổ đạo Hồi Mohammed, trong khi đó danh xưng "Mẹ Mân Côi" liên quan đến lịch sử đụng độ với đạo quản của Hồi giáo ở Vịnh Lepantô năm 1571, thời Thánh Giáo Hoàng Piô V, vị đã kêu gọi thế giới Kitô giáo chẳng những đoàn kết giữa lúc thế giới Kitô giáo đang bị phân hóa bởi phong trào thệ phản Tin Lành từ năm 1517, cũng như từ cuộc tách biệt Giáo Hội ở Anh quốc khỏi Giáo Hội Roma năm 1535, mà còn cùng nhau cầu kinh Mân Côi nữa, để rồi, chính nhờ Kinh Mân Côi mà đạo quân Kitô giáo yếu thế đã thắng được đạo quân hùng mạnh của đế quốc Ottoman Hồi giáo vào ngày 7/10/1571, bởi thế sau đó mới có Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng (Our Lady of Victory) vào ngày 7/10/1571, và sau này, lễ ngày 7/10 để cử hành Đức Mẹ Chiến Thắng đã được đổi thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi.  

Như đã nói, Thời Điểm Maria, về thời gian, được bắt đầu sau Cuộc Cách Mạng Pháp 1789 cho tới Cuộc Cách Mạng Nga. Nhưng nếu căn cứ vào nội dung, tính cách và sứ điệp của cả 4 biến cố Thánh Mẫu Fatima trong vòng chưa đầy 90 năm (1830 - 1917) này, thì chỉ có ở Fatima tiếng hô nửa đêm của Mẹ Maria trong dụ ngôn 10 cô trình nữ cầm đèn đi đón chàng rễ mới thật là rõ ràng, vì tiếng hô ấy trực tiếp liên quan đến chàng rể: "Kìa, chàng rể đến, hãy ra nghênh đón Người", nghĩa là liên quan đến Chúa Kitô Con Mẹ, chẳng hạn như lời kêu gọi của Mẹ Maria vào lần hiện ra thứ hai ngày 13/6 với một em thiếu nhi Fatima thụ khải, đó là Lucia, sau này thực sự trở thành một trinh nữ, trong dòng Dorothêu ở Tây Ban Nha: "Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến" (13/6). 

Nếu ở trong dụ ngôn chàng rể đến là để dẫn các cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn mà còn mang theo cả dầu vào dự tiệc cưới với Người, ở trong lâu đài tiệc cưới, thì trong câu Mẹ Maria nói trên đây, lâu đài được Thiên Chúa chọn để mở tiệc cưới Nước Trời cho Con Một của Ngài ấy chính là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Bởi Chúa Giêsu, như lời Mẹ nói, muốn Người Mẹ của mình "được nhận biết và yêu mến", bằng lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, đúng như lời Mẹ tiết lộ vào lần hiện ra thứ 3 ngày 13/7, ở đầu phần 2 của Bí Mật Fatima: "Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới". 

Fatima Đạo Binh Dàn Trận

Thế nhưng, điều kiện để được vào dự tiệc cưới với Chàng Rể Giêsu vào lúc nửa đêm, vừa tối tăm nhất về thời gian vừa buồn ngủ nhất về nhân sinh này, chẳng những phải là một trình nữ mà còn phải là một trinh nữ khôn ngoan, mang dầu theo với đèn là lòng tin tưởng liên lỉ trông đợi chàng rể tới, cho dù muộn màng và cho dù buồn ngủ. Ở biến cố Thánh Mẫu Fatima chúng ta thấy thành phần các cô trinh nữ khôn ngoan đã có thể nghênh đón chàng rể Giêsu, đó là 3 em thiếu nhi Fatima thụ khải: Giaxinta, Phanxicô và Giaxinta. Ba em là những thiếu nhi ngây thơ trong trắng, và các em đã mạnh mẽ tỏ ra tin tưởng cậy trông vào Chúa Mẹ, khi các em đồng thanh, bất chấp tuổi tác non nớt và thể lý yếu đuối của mình, bất chấp gian nan thử thách trong đời, đáp ứng lời kêu gọi của Mẹ Maria ngay lần đầu tiên ngày 13/5/1917:  

"Các con có muốn dâng mình cho Thiên Chúa để chấp nhận tất cả mọi đau khổ Thiên Chúa gửi đến cho các con, để đền tạ những tội Người đã phải chịu và để cầu cho tội nhân ơn ăn năn hoán cải không?" - "Vâng, chúng con muốn - Yes, we are willing".  

Đúng thế, đó là "ơn gọi thương xót" ở Fatima nơi chung 3 em thiếu nhi Fatima thụ khải. "Thương xót" là bởi vì ơn gọi này liên quan, trước hết và trên hết, đến ơn cứu độ vô cùng cao quí của Chúa Kitô, một ơn cứu độ xuất phát từ chính lòng thương xót Chúa đối với loài người thụ tạo tội lỗi, và vì thế cũng liên quan đến phần rỗi của các linh hồn nói chung, nhất là các tội nhân, đặc biệt là "các linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn". "Thương xót" là bởi vì ơn gọi này còn liên quan đến chính bản thân của những ai được kêu gọi, thông phần vào với lòng thương xót Chúa, tác hành như Chúa Giêsu Kitô, trong việc đền tạ và đền bù thay cho tội nhân để nhờ đó họ được cứu độ. Chính vì thế nên các em thiếu nhi Fatima thụ khải, tự bản chất vốn ngây thơ vô tội, mới xứng đáng cùng với Chúa Kitô cứu độ các tội nhân đáng thương. 

Tuy nhiên, vì ơn gọi thương xót ở Fatima này chính yếu là ở việc đền tạ Thiên Chúa về những tội lỗi xúc phạm đến Người, bởi chung loài người, nhất là bởi Kitô hữu con cái của Giáo Hội, mà ơn gọi thương xót này đã trở thành ơn gọi chuyên biệt của một trong 3 thiếu nhi Fatima thụ khải, đó là thiếu nhi Phanxicô, em trai duy nhất trong 3 em. Đọc Hồi Niệm của Chị Lucia, nếu để ý, chúng ta thấy được rằng mỗi thiếu nhi Fatima thụ khải, dù có một ơn gọi thương xót chung là đền tạ Chúa và cứu tội nhân, vẫn đều có một ơn gọi chuyên biệt của mình để đạt tới ơn gọi thương xót chung ấy:  

Nếu ơn gọi của thiếu nhi thụ khải Lucia lớn nhất là "làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến", như Mẹ đã tiết lộ cho em biết vào ngày 13/6/1917, về ý của Chúa Giêsu muốn em "ở lại thế gian lâu hơn" hai em Phanxicô và Giaxinta của em là để em thực hiện sứ vụ liên quan đến lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một sứ vụ sẽ được chia sẻ ở đề tài "Trái Tim Thương Xót" vào ngày 13/6/2021, và nếu ơn gọi của Giaxinta là nữ thiếu nhi Fatima thụ khải nhỏ nhất trong 3 em là hy sinh cứu các tội nhân đáng thương cho khỏi sa hỏa ngục, sau khi em cảm thấy quá kinh hoàng hoảng sợ trước thị kiến hỏa ngục ở phần 1 của Bí Mật Fatima ngày 13/7/1917, một em liên quan đến đề tài "Sứ Vụ Thương Xót" sẽ được chia sẻ vào ngày 13/9/2021, thì ơn gọi của thiếu nhi thụ khải nam duy nhất ở Fatima đó là đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể, bằng chuỗi Kinh Mân Côi, một em thiếu nhi đã cảm thấy ấn tượng trước dung nhan vô cùng buồn thảm của Đức Mẹ, khi Mẹ nói lời di chúc như những gì Mẹ muốn trăn trối ở Faima vào lần hiện ra cuối cùng ngày 13/10/1917 rằng: "Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi". 

Có thể nói, 3 thiếu nhi Fatima thụ khải năm 1917 được Mẹ Maria triệu tập ngay vào lần hiện ra đầu tiên, 13/5, khi Mẹ chưa xưng mình là ai và đến để làm gì, như một đạo binh dàn trận của Mẹ, và thế trận Mẹ lập cho các em như một vòng tròn, và từ ngoài vòng tràn có đường bán kính dẫn vào tâm điểm của vòng tròn: Nếu tâm điểm của vòng trọn là Chúa Giêsu Thánh Thể, thì thiếu nhi Phanxicô ở ngay trọng tâm, và nếu ở ngoại biên là vòng tròn ám chỉ các tội nhân đáng thương cần được cứu vớt, thì thiếu nhi Giaxinta ở vùng ngoại biên vòng tròn này, còn đường bán kính từ ngoại biên vòng tròn vào tâm điểm vòng tròn là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, vì "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là đường dẫn còn đến cùng Thiên Chúa", như Mẹ đã an ủi thiếu nhi Lucia ngày 13/6, vì em "phải ở lại thế gian lâu hơn để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến", tức thiếu nhi Lucia đứng ở vị thế đường bán kính, từ ngoại biên tội nhân hướng về tâm điểm Thánh Thể. 

Cũng có thể sánh vì 3 thiếu nhi Fatima thụ khải, theo ơn gọi chuyên biệt của mình trên đây, thì thiếu nhi Phanxicô đóng vai "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu", đã dựa mình vào ngực Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly, còn thiếu nhi Giaxinta như Veronica trao khăn lau mặt cho Chúa Giêsu, và thiếu nhi Lucia được cùng Mẹ Maria đứng kề bên Thánh Giá Chúa Kitô. 

 

Fatima - Thiếu Nhi Đền Tạ

Thật thế, trong Hồi Niệm Thứ Bốn của mình, chị Lucia đã cho chúng ta thấy hình ảnh một Phanxicô ngày xưa, ngày trước Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, thích ngồi ở một tảng đá trên đồi cao để thổi sáo, nhưng sau đó đã bỏ thói quen và sở thích lành mạnh của mình này, thậm chí bỏ cả những giây phút chơi đùa vui vẻ hữu ích với chị Lucia và em Giaxinta của mình để tìm chỗ cầu nguyện an ủi Đấng được em gọi là “Chúa Giêsu ẩn thân - hidden Jesus” của em.

Thật ra, theo lời Đức Mẹ nói, việc hiến mình hy sinh chịu mọi đau khổ của 3 Thiếu Nhi Fatima có hai mục đích rõ ràng, đó là, thứ nhất, để đền tạ Thiên Chúa bị tội lỗi xúc phạm, và, thứ hai, để cầu cho tội nhân ăn năn cải thiện đời sống. Thế nhưng, đối với Phanxicô là Thiếu Nhi Fatima chú trọng đến Thiên Chúa hơn các tội nhân, thì mục đích thứ nhất vẫn quan trọng và khẩn thiết hơn. Hồi Ký Lucia 4 thuật lại điều này như sau:

“Ngày kia, con hỏi em: 'Phanxicô, điều nào em thích hơn, an ủi Chúa chúng ta hay cải hối các tội nhân để không một linh hồn nào phải xuống hoả ngục nữa?'. 'Em thích an ủi Chúa chúng ta hơn. Chị không để ý đến tháng vừa rồi Đức Mẹ của chúng ta buồn lắm sao, khi Người nói rằng người ta không được xúc phạm đến Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều rồi? Em thích an ủi Chúa chúng ta rồi mới cải hối các tội nhân để họ đừng xúc phạm đến Ngài nữa.

“Có một lần, con và Giaxinta vào phòng của em, em nói với chúng con: 'Hôm nay đừng nói nhiều nghe vì em nhức đầu lắm đó. Giaxinta nhắc anh: 'Nhưng đừng quên dâng cầu cho tội nhân nghe'. 'Ừ. Nhưng anh phải dâng để an ủi Chúa chúng ta và Đức Mẹ của chúng ta trước đã, rồi sau đó mới dâng cho các tội nhân và Đức Thánh Cha'”. 

Đền tạ, đối với Phanxicô, cũng như với Giaxinta và Lucia, trước hết ở tại việc hy sinh chịu mọi đau khổ Chúa gửi đến cho. Chị Lucia đã đề cập đến điều này như sau: 

“Một ngày kia, khi con tỏ cho em biết rằng con bất hạnh là chừng nào khi bị những tấn công đầu tiên bắt nguồn từ cả trong gia đình lẫn bên ngoài, Phanxicô đã phấn khích con bằng những lời này: 'Không sao đâu! Đức Mẹ đã chẳng nói là chúng ta sẽ phải chịu nhiều đau khổ đó sao, để đền tạ Chúa của chúng ta và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Người, vì tất cả những tội lỗi mà các Ngài phải chịu? các Ngài buồn quá đi! Nếu chúng ta ủi an các Ngài bằng những chịu đựng này thì chúng ta sung sướng biết bao!'”

Riêng trường hợp của em, em đã chịu khổ để đền tạ như được chị Lucia thuật lại như sau: 

“Trong khi bị bệnh, em lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ và bằng lòng. Có những lần con hỏi em rằng: 

- Phanxicô ơi em có đau lắm không?

- Đau lắm chị, nhưng không sao! Em đang chịu khổ để an ủi Chúa, để rồi sau đó, một thời gian ngắn nữa thôi, em sẽ về trời mà! 

- Khi em lên đó rồi, đừng quên xin Đức Mẹ đem chị lên trên ấy sớm nhé.

- Em không xin điều đó đâu! Chị quá rõ là Người chưa muốn chị ở đó mà.

Trước khi em chết 1 ngày, em nói với con rằng: 

- Chị coi! Em bệnh quá sức; giờ đây không còn lâu nữa em sẽ về trời.

- Vậy thì em hãy nghe đây. Khi em lên đó rồi, đừng quên cầu nguyện thật nhiều cho các tội nhân nhé, cho Đức Thánh Cha, cho chị và cho Giaxinta nữa.

- Vâng, em sẽ cầu nguyện. Thế nhưng, tốt hơn chị hãy xin Giaxinta cầu nguyện cho những điều này, vì em sợ rằng em sẽ quên mất khi em được thấy Chúa. Vào lúc ấy em chỉ muốn an ủi Chúa mà thôi”.

Phảiđền tạ, đối với Phanxicô, không những là hy sinh chịu khổ vì Chúa, còn chính là an ủi, là thông cảm với Chúa, Đấng đã bị xúc phạm và tỏ ra buồn sầu

Phanxicô đã an ủi và thông cảm với Chúa là Đấng Quá Sầu Buồn ở chỗ thích sống gần gũi với Chúa. Đối với em, gần gũi, kề cận với Chúa Giêsu cũng là một việc cần thiết để an ủi Chúa. Do đó, hễ có dịp là Phanxicô tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mà em gọi là Chúa Giêsu Ẩn Thân. Chị Lucia kể lại rằng: 

“Ngày kia, em ra khỏi nhà gặp con… Con bắt đầu đi đến trường, và trên đường đi, con đã nói với các người em họ của con về tất cả những điều này (cầu nguyện cho một người mẹ có đứa con trai bị tố cáo phạm tội có thể bị tù đầy, như bà này đã nhờ chị Têrêsa là chị ruột của Lucia xin Lucia cầu với Đức Mẹ cứu con của bà). Khi chúng con tới Fatima, Phanxicô nói với con rằng: 

- Chị ơi! Trong khi chị đi đến trường, em sẽ ở lại với Chúa Giêsu Ẩn Thân, và em sẽ xin Người ban ơn ấy cho. 

Tan học, con đến gọi em mà hỏi: 

- Em có cầu xin Chúa ban cho ơn ấy không vậy? 

- Có, em có cầu nguyện. Xin chị nói với chị Têrêsa rằng anh ấy sẽ được về nhà mấy ngày nữa. 

Thật thế, mấy ngày sau, người con trai đáng thương ấy trở về. Vào ngày 13, anh ta và cả nhà đến tạ ơn Đức Mẹ về điều ấy.    

Một lần khác, con nhận thấy là, sau khi chúng con đã rời nhà, Phanxicô bước đi rất chậm. Con hỏi em:

- Làm sao vậy. Em hầu như không thể bước đi nổi nữa rồi! 

- Em bị nhức đầu quá đi, em cảm thấy sắp ngã đến nơi rồi nè.

 - Vậy thì đừng đi nữa. Em hãy ở nhà đi! 

- Em không muốn đâu. Em thích ở trong nhà thờ với Chúa Giêsu Ẩn Thân trong khi chị đi học”.    

Đối với Phanxicô, đền tạ chẳng những ở tại việc hy sinh vì Chúa, gần gũi với Chúa, mà còn tránh làm bất cứ điều gì làm mất lòng Chúa nữa   

Chị Lucia thuật lại như sau:    

“Khi thấy con bối rối và ngờ vực, em khóc và nói: 'Nhưng làm sao mà chị lại có thể cho rằng đó là việc của ma qủi? Chị không thấy là Đức Mẹ và Thiên Chúa ở trong ánh sáng cao vời đó sao? Không có chị làm sao chúng em tới đó được, vì chị là người đối đáp mà'. Đêm đó, sau khi dùng cơm tối, em đến nhà con, gọi con ra hiên nhà mà nói: 'Này! Mai chị không đi thật à?' 'Chị không đi thật mà. Chị đã bảo với các em là chị sẽ không trở lại đó nữa thây'. 'Thế thì xấu hổ thật! Tại sao bây giờ chị lại có thể nghĩ như vậy được? Chị không thấy rằng việc đó không thể nào là việc của ma qủi ư? Thiên Chúa đã buồn sầu vì bao tội lỗi đủ rồi, bây giờ chị không đi, Người lại còn buồn hơn nữa! Thôi, chị nói đi đi!'”    

Riêng trường hợp của em, vì chuyên tâm an ủi Chúa, nên em cũng rất sợ làm điều mất lòng Người, như chị Lucia thuật lại như sau: 

“Hôm ấy, ngay từ sáng sớm, chị Têrêsa của em đến tìm con. 

- Chị hãy mau đến nhà của chúng em! Phanxicô nguy lắm rồi nên em muốn nói với chị điều gì đó. 

Con vội vàng mặc quần áo đi ngay. Em xin mẹ em cũng như anh chị em hãy đi ra ngoài, vì em muốn xin con một điều bí mật. Họ đi ra rồi, em nói với con thế này:

- Em sẽ xưng tội để có thể rước Lễ rồi chết. Em xin chị nói cho em biết là chị có thấy em phạm bất cứ một tội nào chăng, rồi chị cũng đi hỏi cả Giaxinta cho em nữa xem nó có thầy em phạm lỗi gì không nhé.    

Con trả lời em:   

- Em đã không vâng lời mẹ em một ít lần khi bà bảo em ở nhà nhưng em đã bỏ nhà đi với chị hay bỏ đi trốn. 

- Đúng thế. Em có nhớ đến nó. Vậy chị đi hỏi Giaxinta xem nó có nhớ điều gì khác nữa không. 

Con ra đi, và Giaxinta, sau khi suy nghĩ một chút đã trả lời rằng: 

- Xin chị nói với anh ấy rằng, trước khi Đức Mẹ hiện ra với chúng ta, anh ấy đã ăn cắp một xu của bố để mua một hộp nhạc của ông José Marto ở Casa Velha; và có lần bị những đứa con trai ở Aljustrel ném đá vào những đứa khác ở Boleiros, anh ấy cũng đã lấy đá ném họ nữa! 

Khi con cho em biết điều em Giaxinta của em nói, em đã trả lời rằng: 

- Em đã xưng những điều ấy rồi, nhưng em sẽ xưng lại nữa. Có thể vì những tội này của em mà Chúa đã quá buồn rầy! Cho dù em không chết đi nữa, em sẽ không bao giờ tái phạm những tội này nữa. Em hết sức đau lòng về những tội ấy”.    

Chắp tay lại, em đã nguyện rằng: ‘Ôi Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn’”.

Phanxicô chẳng những để ý đền tạ Chúa Giêsu Ẩn Thân bằng việc hy sinh vì Chúa và gần gũi với Chúa, em còn để ý đến Mẹ Maria nữa, Đấng mà em cũng gọi là Đấng Quá Sầu Bi

Hồi Ký Lucia 4 cũng đề cập đến điều này nơi Phanxicô: “Trong khi Giaxinta có vẻ chỉ quan tâm đến một điều là cải hối các tội nhân để cứu các linh hồn cho khỏi sa hỏa ngục, thì Phanxicô lại tỏ ra chỉ nghĩ đến an ủi Đức Mẹ, Đấng mà em cảm thấy quá sầu bi”. 

Đối với cả Chúa Giêsu và Đức Mẹ mà em đều cho là Đấng quá Sầu Buồn, cũng như Giaxinta và Lucia, Phanxicô đã làm mọi sự có thể để hy sinh, như lời Thiên Thần dạy, với ý chỉ mà Đức Mẹ đã dạy các em vào lần hiện ra thứ ba, 13/7/1917: Hãy đọc nhiều lần, nhất là khi các con làm việc hy sinh: 'Ôi Chúa Giêsu, vì yêu Chúa, cho các tội nhân ăn năn hối cải và để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. 

Tuy nhiên, đối với riêng Chúa Giêsu, để đền tạ Chúa, Phanxicô còn tìm dịp ở gần Chúa nữa. Cũng thế, đối với riêng Đức Mẹ, để đền tạ Người, Phanxicô cũng tìm dịp để lần hạt Mân Côi như Đức Mẹ đã dặn em vào lần hiện ra thứ nhất. Mỗi lần thấy vắng Phanxicô, Lucia và Giaxinta đi tìm gọi, thường thấy Phanxicô đang lẩn trốn đi cầu nguyện một mình, và thấy em giơ tràng hạt lên làm hiệu cho cả hai biết là Phanxicô đang lần hạt đấy. 

Trong bài giảng phong Chân Phước cho Thiếu Nhi Phanxicô, người đã qua đời lúc gần 11 tuổi (11/6/1908-4/4/1919) tại Linh Địa Thánh Mẫu Fatima ngày 13/5/2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói (nhất là ở đoạn 2) về vị Á Thánh nam trẻ nhất Giáo Hội này như sau: 

“Theo dự án thần linh, ‘một người nữ mặc mặt trời’ (Rev 12:1) từ trời xuống mặt đất này để viếng thăm các trẻ em diễm phúc của Chúa Cha. Bằng một giọng nói và con tim từ mẫu, Bà đã nói với các em rằng Bà xin các em hãy dâng mình làm vật hy sinh đền tạ, khi cho các em biết là Bà đã sẵn sàng dẫn các em đến với Thiên Chúa rồi. Thế nên, các em đã thấy một luồng ánh sáng phát ra từ bàn tay từ mẫu của Bà thấu vào nội tâm của các em, nhờ đó các em cảm thấy mình được chìm ngập trong Thiên Chúa, theo các con cho biết, như một người thấy mình trong gương soi vậy. 

“Sau đó, Phanxicô, một trong ba trẻ em diễm phúc, đã than lên rằng: ‘Chúng ta nóng lên trong luồng ánh sáng là Thiên Chúa đó mà chúng ta không bị thiêu rụi đi. Thiên Chúa giống như cái gì nhỉ? Không thể nào nói được. Thật vậy, chúng ta không thể nào có thể nói cho người ta biết được’. Thiên Chúa: một ánh sáng bừng cháy mà không thiêu hủy. Moisen cũng đã có cùng một cảm nghiệm khi ông thấy Thiên Chúa trong bụi cây cháy; ông đã nghe thấy Thiên Chúa nói rằng Ngài quan tâm đến việc dân Ngài phải làm nô lệ nên đã quyết định nhờ ông giải cứu họ: ‘Ta sẽ ở cùng ngươi’ (x Ex 3:2-12). Những ai nhận được sự hiện diện này đều trở nên một nơi trú ngụ để thành một ‘bụi cây cháy’ của Đấng Tối Cao. 

“Điều gây ấn tượng nhất và đã hoàn toàn chiếm đoạt Chân Phước Phanxicô là việc Thiên Chúa ở trong luồng ánh sáng vô tận đã thấu nhập tận thâm tâm ba em ấy. Thế nhưng, Thiên Chúa chỉ nói với một mình Phanxicô, như em cho biết, là Ngài “buồn biết bao”. Có một đêm kia, bố của em nghe thấy em thổn thức thì hỏi em tại sao em khóc; người con của ông liền trả lời rằng: “Con đang nghĩ đến Chúa Giêsu là Đấng rất buồn phiền vì các tội lỗi đã xúc phạm đến Người”. Em đã được thúc đẩy bởi một ước vọng duy nhất đó là “an ủi Chúa Giêsu và làm cho Người được vui” – thật lạ lùng về ý nghĩ của các trẻ em. 

“Một cuộc biến đổi đã xẩy ra trong cuộc đời em, một cuộc đổi thay chúng ta có thể gọi là tận gốc rễ: một cuộc biến đổi hoàn toàn khác thường đối với trẻ nhỏ ở vào lứa tuổi của em. Em hăng say dấn mình vào cuộc sống thiêng liêng, được biểu lộ bằng việc chuyên tâm sốt sắng cầu nguyện, và đã đạt tới một thứ thần hiệp thực sự với Chúa. Cuộc sống thiêng liêng này thôi thúc em tiến đến việc thanh tẩy tâm linh bằng việc từ bỏ những thích thú riêng tư và ngay cả những trò chơi vô tội của thuở thiếu thời.

”Phanxicô không hề than phiền khi chịu đựng các đau đớn cả thể do bệnh nạn gây ra làm cho em phải chết. Để an ủi Chúa Giêsu, tất cả hầu như là quá ít đối với em, ở chỗ, em đã chết với một nụ cười trên môi. Bé Phanxicô đã có một ước vọng cả thể trong việc đền bồi những xúc phạm của các tội nhân, bằng việc nỗ lực sống tốt lành và hiến dâng các hy sinh và lời cầu nguyện. Đời sống của Giaxinta, đứa em gái của em, nhỏ hơn em gần hai tuổi, cũng được những cảm thức này tác động”.