SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 


Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 

 

Tuần XXXII Thường Niên Năm B (Chúa Nhật) Năm Chẵn (trong tuần)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Chúa Nhật


Phụng Vụ Lời Chúa 

 

Bài Ðọc I: 1 V 17, 10-16

"Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông Êlia".

Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: "Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống". Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: "Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh".

Bà thưa: "Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi".

Êlia trả lời bà rằng: "Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: 'Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất'".

Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 1).

Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. - Ðáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. - Ðáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Dt 9, 24-28

"Ðức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội lỗi".

Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 24, 42a và 44

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng: vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 12, 41-44 {hoặc 38-44}

"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, {Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn".}

Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".

 

Ðó là lời Chúa.

Image result for Mk 12, 41-44

 

Suy niệm

 

Chủ đề sự sống của Mùa Phục Sinh tiếp tục nơi Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B hôm nay, một sự sống được thể hiện qua lòng tin tưởng của con người, được tiêu biểu nơi hai bà góa, hai bà đều là những người phụ nữ vô danh tiểu tốt trong dân chúng, một ở trong Bài Đọc 1 và một ở trong Bài Phúc Âm.

 

Thật vậy, ở trong Bài Đọc 1, bà góa vô danh thứ nhất trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay sống sự sống tin tưởng đây, như Sách Các Vua thuật lại, ở Sarephta. Và đức tin của bà "quả phụ đang lượm củi trước cửa thành" bấy giờ được tỏ ra qua việc bà đã có vẻ dại dột đến liều lĩnh nghe lời tiên tri Elia, khi bà đáp ứng đúng như những gì vị tiên tri này yêu cầu bà giúp ông: "Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống'. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: 'Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh'".

 

Bà sống đức tin dại dột liều lĩnh ở chỗ bà đã biết cái tai hại của việc bà làm liên quan đến chính mạng sống của bà và đứa con trai duy nhất của bà đang ở trong cơn hạn hán bấy giờ, như chính bà đã cảm nhận và thành thực thưa với nhân vật lạ mặt mà bà có thể hoàn toàn không hề biết đó là một vị đại tiên tri trong dân hồi ấy: "Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi".

 

Tuy nhiên, bà vẫn tin vào những gì nhân vật lạ mặt này trấn an bà để bà khỏi phải lo sợ và bảo đảm với bà về một một tương lai tồn tại của cả hai mẹ con bà: "Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: 'Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất'".

 

Không biết bà góa ở Sarephta này đáp ứng lời yêu cầu của tiên tri Elia là vì tương lai của hai mẹ con bà căn cứ vào lời hứa hẹn không biết có thật hay chăng, hoặc chỉ vì tin tưởng mà làm, hay cũng chỉ vì nghĩ rằng đằng nào cũng chết, không sớm thì muộn, chỉ có cái là chết sớm hơn khi chia bớt một phần ăn cho một người nữa, bởi thế cứ làm theo lời nhân vật lạ mặt mới từ đâu tới thành của bà cũng chẳng sao: "Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán".

 

Hành động của bà góa trong Cựu Ước này là môt hành động, theo con mắt trần gian, là những gì dại dột và liều lĩnh nhất, ở chỗ, trước hết, bà đã tin tưởng vào một nhân vật lạ mặt, và thứ hai, bà đã mù quáng tin tưởng vào một lời tiên báo mơ hồ khó tin của nhân vật ấy, trong khi đó chính Chúa Giêsu đã công nhận hành động đáp ứng này của bà đã xuất phát từ lòng tin tưởng của bà: 

"Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ísrael; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Sarephta miền Sidon". (Luca 4:25-26).

Việc tiên tri Elia được sai đến giúp cho bà góa thành Serephta và con trai của người đàn bà sống tin tưởng vào Thiên Chúa này được sống còn trong cơn hạn hạn chết người bấy giờ đã cho thấy Ngài là vị Thiên Chúa cứu độ, đúng như cảm nhận đầy tin tưởng của bài Đáp Ca hôm nay:

1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. 

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. 

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. 

Việc tiên tri Elia được sai đến giúp cho bà góa thành Serephta và con trai của người đàn bà sống tin tưởng vào Thiên Chúa được sống còn trong cơn hạn hạn chết người bấy giờ chẳng những cho thấy Vị Thiên Chúa cứu độ trong Cựu Ước mà nhất là nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), một người Con khi hóa thành nhục thể đã đóng vai thượng tế để có thể tự hy hiến bản mình cho phần rỗi muôn dân, như Thánh Phaolô Tông Đồ đã cảm nhận và xác tín trong Bài Đọc II hôm nay:

"Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để hủy diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người".

 

Thế nhưng, vẫn biết Chúa Kitô khổ nạn và tử giá đã cứu chuộc toàn thể nhân loại, ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài chỉ được ban cho nhng ai có lòng tin, tức là những ai nhận biết Người, chấp nhận Người mới được quyền làm con Thiên Chúa như Người và với Người (xem Gioan 1:12). 

 

Đó là lý do, trong Bài Phúc Âm hôm nay, ở phần đầu không buộc đọc, Chúa Giêsu đã cảnh giác dân chúng về một đời sống giả hình, không có gì là chân thật, hoàn toàn không sống theo đức tin nơi thành phần luật sĩ bấy giờ: "Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: 'Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn'".

 

Trái lại, cũng trong chính Bài Phúc Âm hôm nay, phần cần phải đọc bên dưới, sau phần về thành phần luật sĩ, thành phần Người cảnh giác dân chúng, thì Người đã khen ngợi một bà góa vô danh với các môn đệ của Người như sau:


"Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: 'Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình'".

 

Thật vậy, cũng như bà góa thành Serephth xưa, bà góa được Chúa Giêsu quan sát thấy bỏ vào hòm tiền của Đền Thờ một số tiền quá ư là bé mọn, chẳng đáng là gì, chỉ là số không đối với người giầu, nhưng lại là người được Chúa Giêsu xác nhận là "đã bỏ nhiều hơn hết", bởi vì "bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".

 

Có nghĩa là người đàn bà góa này đã cho đi tất cả, không phải chỉ có vài xu cuối cùng trong túi, trong nhà, số tiền cuối cùng của cuộc sống của bà, mà là chính mạng sống của bà, một hành động vô cùng điên dại và liều lĩnh trước mắt thế gian, nhưng hết sức cao cả trước nhan Thiên Chúa, mà nếu không có đức tin mãnh liệt không thể nào làm được, vì là hành động tỏ ra tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng "nâng đỡ những người mồ côi quả phụ".

 

Đời sống của Kitô hữu siêu nhiên hay chăng, trọn lành hay chăng, hoặc siêu nhiên tới đâu và trọn lành tới đâu là ở ngay chính đức tin của họ, ở tầm mức tin tưởng của họ. Nếu đức tin không phải là một mớ kiến thức về tín lý hay giáo lý được thông biết như là một khoa học, thì đức tin chính là ở tác động hay đời sống đáp ứng với tất cả bản thân của con người cho Cha trên trời trong tất cả mọi sự, cho dù trí khôn của họ không hiểu được việc Ngài làm, ý muốn của họ không chấp nhận được những gì Ngài gửi đến cho, và cuộc đời của họ chỉ toàn là bất hạnh khốn cùng v.v.

 

Có lần, vào mùa hè năm 1999, gia đình chúng tôi đã lái xe đi một vòng Nước Mỹ, như hằng năm, mỗi năm ở những nơi khác nhau, nhưng năm nay chúng tôi ghé Salk Lake City, nơi có bãi tắm được nói là bơi không chìm. Đúng thế, chiều hôm ấy, cả nhà 5 người chúng tôi, cả bố mẹ lẫn con cái đều xuống tắm. Đúng như tin đồn, ai mà xuống bơi ở đây thì dù chẳng biết bơi cũng bơi được, không sợ chìm, bởi nồng độ muối ở đây khá mặn, tuy không bằng Biển Chết bên Đất Thánh, nơi dù không bơi cũng không thể nào chìm được, bởi nồng độ muối ở đó quá mặn.

 

Trong khi hai đứa con trai vị thành niên của chúng tôi bơi vui vẻ, thì đứa con gái út gần 9 tuổi của chúng tôi cứ đứng một chỗ nghịch nước một mình vậy thôi. Tôi mới nói với cháu rằng con cứ bơi đi con sẽ bơi được như các anh, nhưng cháu vẫn không dám bơi. Tôi phấn khích cháu thêm khi bảo cháu rằng vậy thì bố đỡ bụng con nếu con sợ chìm, cháu vẫn cứ lắc đầu. 

 

Cháu từ chối không phải là không tin rằng cháu được bố thương và bảo vệ, mà chỉ không tin được sự kiện cứ bơi thì không chìm, như chính cháu đích mắt thấy hai anh cháu bấy giờ, hoàn toàn vì cháu quá lo sợ bị chìm, bị chết đuối, dù có bố bên cạnh. Đây là trường hợp điển hình cho thấy đức tin là một tác động hoàn toàn phó thác bản thân vào đối tượng mình tin tưởng. 

 

Thực tế sống đạo cũng cho thấy, là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng tin là có Thiên Chúa, Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, cứu chuộc chúng ta, không bao giờ bỏ rơi chúng ta, luôn muốn chúng ta là con cái của Ngài được hạnh phúc, không bao giờ vui mừng khi thấy chúng ta khổ đau hay bị đầy đọa, vậy mà khi đau khổ xẩy ra, chúng ta có còn tin tưởng như thế nữa hay chăng, nhiều khi khổ quá đâm ra trách Chúa, bỏ Chúa thậm chí còn nguyền rủa Chúa! 

 

Nếu đức tin không thể nào trở nên chân thật, sâu xa và vững mạnh nếu không có gian nan thử thách thì gian nan thử thách chính là dịp để Kitô hữu sống đức tin và chứng tỏ đức tin, nhờ đó, chúng ta mới có thể chiến thắng thế gian (xem 1Gioan 4:4), mới có thể làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng tỏ mình ra sống động nơi những ai tin vào Người và để Người chiếm đoạt, nhờ đó Người có thể sống trong họ và tiếp tục tỏ mình cho thế gian qua chứng từ đức tin của họ. 



Ngày 10 tháng 11

Thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh

 

Thánh nhân sinh tại Ê-tru-ri-a. Năm 440, người làm giáo hoàng. Với tầm nhìn xa trông rộng và nghị lực phi thường, người đã đương đầu với nguy cơ xâm lăng của dân man di và lạc giáo của Êu-ti-khê đang đe doạ niềm tin về mầu nhiệm Nhập Thể. Nhưng trong tư cách một mục tử, người ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình và không ngừng nhắc nhở các tín hữu thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Người qua đời năm 461.

 

Leo the Great, Gregory the Great - Kindle edition by St. Leo the Great, St.  Gregory the Great. Religion & Spirituality Kindle eBooks @ Amazon.com.

 

 

Người ta không biết được thánh Lêo sinh ra ngày nào và cả nơi sinh của Ngài cũng không được biết chắc. Có lẽ Ngài là người Roma. Chúng ta chỉ biết được rằng: Ngài là một phó tế góp phần cai quản dưới hai triều Giáo hoàng Cêlestinô I và Sixtô III và được bầu làm giáo hoàng năm 440. Được chọn làm giám mục Roma, phải đợi 40 ngày sau Ngài mới được trở về.

 

Trước trách nhiệm chất đầy, Ngài đã sợ: - Lạy Chúa, có sự cân xứng nào giữa gánh nặng Chúa trao và sự yếu hèn của con, giữa sự cất nhắc và sự hư không của con ?

 

Và Ngài tiếp : - Chúa đã đặt gánh nặng cho con, xin Chúa gánh với con, xin Chúa hãy là người hướng dẫn và nâng đỡ con.

 

Công cuộc Ngài làm thật lớn lao và đa diện khó có thể tóm kết lại được mà không bất công. Dầu vậy, có thể nói công cuộc này qui về 4 hình thái chính: kiểm soát lạc giáo bên Tây phương, can thiệp về giáo thuyết quan trọng bên Đông phương, bảo vệ Roma khỏi cuộc tấn công của dân rợ và những nỗ lực của một mục tử và một nhà giáo dục.

 

Thánh Lêô đã phải có biện pháp đối với không dưới ba lạc giáo. Không còn dễ dãi cho những người theo Pêlagiô được hiệp thông nữa và đòi phải công khai tuyên xưng đức tin trước khi được nhận là phần tử đầy đủ của Giáo hội. Những người trốn thoát cuộc tấn công của Valda Phi Châu đã mang thuyết Manichêô đến Roma. Thánh Lêô thấy rằng: cộng đoàn bí mật này phải được công khai đưa ra ánh sáng. Ngài cũng nhiệt liệt ủng hộ các giám mục Tây Ban Nha và Phi Châu chống lại thuyết Priscillanô, những cuộc tranh luận về giáo thuyết tại Giáo hội bên Đông phương liên quan tới chính bản tính của Chúa. Hai nhà tiền phong của cuộc tranh luận là Eutiches, một tu viện trưởng ở Constantinople và thánh Plavianê, thượng phụ giáo chủ Constantinople là người trong cuộc chiến đã bị những người theo Eutiches hành hạ cho đến chết.

 

Năm 451, một cộng đồng qui tụ trên 600 giám mục về Chalcedonia. Thánh Lêô đã viết lá thư danh tiếng gởi Plavianô, trình bày giáo thuyết về ngôi vị và bản tính của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã đặt bức thư này trên mộ thánh Phêrô, vị thủ lãnh tiên khởi của Giáo hội và ăn chay cầu nguyện suốt 40 ngày. Bức thư được đọc tại công đồng và đã được nhận như một bản tuyên xưng đức tin. Quyền tối thượng của Đức giáo hoàng tỏ hiện khi giám mục đồng thanh kêu lớn : - Chính thánh Phêrô đã nói qua Lêô.

 

Như thế đứng đầu các giám mục không mấy quan tâm tới quyền tối thượng của Roma. Ngài đã cất giữ được sự hiệp nhất Giáo hội. Ngài đã viết: "Đức tin của Phêrô đã được chính Thiên Chúa mặc cho sự kiện vững không thể lay chuyển nổi. Dù cho sự cúng lòng của các lạc giáo hay sư man rợ của lương dân cũng sẽ không bao giờ đảo lộn được đức tin này".

 

Trong số các quyết định, Ngài đã tạo được sự đồng ý giữa Đông Tây cử hành lễ phục sinh vào cùng một ngày ở khắp nơi.

 

Một cuộc chiến khác chờ đón Đức Giáo hoàng Attila và rợ Hung Nô võ trang hùng hậu, gieo rắc những khủng khiếp chiến tranh và tàn phá. Người ta nói rằng: những người man di này khi sinh ra là mẹ họ nghiền mặt đi cho hợp với nón sắt, và chính họ xẻ má cho râu hết mọc nổi. Họ thờ thanh gươm khắc sâu vào bàn thờ, tưới máu các tù nhân trên đó và làm một thiết đồ bằng đầu các địch thủ. Năm 452, họ đổ vào miền Bắc Italia gieo rắc tàn phá trên đường tiến quân. Không một đoàn quân nào có sức bảo vệ Roma. Các tướng lãnh và hoàng đế Valentinô III run sợ chỉ biết đặt niềm tin tưởng vào Đức giáo hoàng.

 

Thánh Lêô sau 3 ngày cầu nguyện chay tịnh đã ra đón người gieo vãi kinh sợ trên thế gian. Và điều gì đã xảy ra ? Người ta có thể tưởng tượng được một Attila hùng hổ với đoàn quân đông đảo đối diện với người cha chung của các Kitô hữu mặc phẩm phục giáo hoàng và chỉ có tình yêu trong lòng làm khí giới. Attila tiến đến Roma với những dự tính đẫm máu, nhưng Đức Lêô đã đổi lòng hắn. Vương quốc được bình an với lễ vật triều cống hàng năm. dân Hung Nô trở lại Pannonnia. Đức Giáo hoàng nói với nhà vua: - Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu chúng ta khỏi tai họa khủng khiếp.

 

Đối với dân chúng vui mừng sung sướng, Ngài truyền cho họ phải cảm tạ Chúa.

 

Nhưng lòng nhiệt thành và biết ơn ban đầu đã không tồn tại được lâu. Dân chúng vô ơn và sa đọa, khi nỗi sợ qua rồi họ quên rằng lòng thương xót họ đã cứu vương quốc và họ lao mình vào các cuộc chơi bời phóng đãng. Cả đến nhà vua Valentinô cũng làm gương xấu cho dân chúng. Những lời trách cứ của đức giáo hoàng không được đến xiả tới. Và ba năm sau, những rợ Vandales dưới quyền vua Ghenséric kéo quân tới. Các nhân vật lớn chạy trốn, cửa thành bỏ ngõ và Đức giáo hoàng một mình ở lại với dân Roma. Ngài một lần nữa ra đón quân xâm lăng. Lần này họ ít bị khắc phục hơn lần trước.

 

Dầu vậy, ảnh hưởng của thánh Lêô cũng đáng đủ để kiềm chế bớt cuộc chém giết và sự tàn phá, các nhà thờ được tôn trọng. Trái với lời hứa hẹn, nhiều dân thành vẫn bị bắt. Đức giáo hoàng đã chuyển đồ cứu tế cho họ, sai các linh mục tới nâng đỡ họ và còn mua chuộc lại một số lớn các tù nhân.

 

Những năm cuối đời Ngài dành sửa sang lại các tai họa do các cuộc xâm lăng gây nên, xây dựng lại các tu viện mà với cảm quan về nghệ thuật, Ngài đã làm giàu thêm bao nhiêu là họa phẩm. Ngài để lai nhiều bài giảng, nhiều thư từ rất quan trọng, ngày nay chúng ta còn đọc được.

 

Thánh Lêô từ trần năm 461. Ngài xứng đáng được mệnh danh là người đầu tiên được chôn cất trong đại vương cung thánh đường thánh Phêrô. Đức giáo hoàng Sergiô I ghi trên bia mộ của Ngài: "Tôi canh chừng kẻo lang sói luôn rình mò phá phách đoàn chiên".

 

Đây là lời thánh Lêô để lại : - "Các con được thấm nhập vào Chúa".

 

- " Trong tâm hồn mỗi tín hữu còn có cái trên trời mà người ta thán phục".

 

- "Nước Trời không đến với những người ngủ mê.

 

Năm 1754, Ngài được suy tôn lên bậc thánh tiến sĩ trong Giáo hội.

http://conggiao.info/thanh-leo-ca-giao-hoang-va-tien-si-hoi-thanh--461-d-19714

 

Việc phục vụ đặc biệt trong tác vụ của tôi

(Phụng Vụ Giờ Kinh Sách ngày 10/11)

 

Trích bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng.

 

Hội Thánh phổ quát của Thiên Chúa được tổ chức theo những cấp bậc khác nhau, sao cho các chi thể khác nhau duy trì được sự toàn vẹn của thân thể thánh. Tuy nhiên, như thánh Tông Đồ nói : Tất cả chúng ta chỉ là một trong Đức Ki-tô. Và cũng chẳng ai vì chức vụ của người khác mà bị tách ra, đến nỗi một phần chi thể tầm thường nào đó không còn liên kết với đầu nữa. Vậy anh em thân mến, hợp nhất trong đức tin và trong phép rửa, chúng ta làm thành một xã hội không phân biệt giai cấp, và chúng ta có chung một phẩm giá, theo lời thánh Phê-rô tông đồ nói : Cả anh em nữa, hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây lên ngôi Đền Thờ thiêng liêng và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Và ngay sau đó, thánh nhân nói thêm : Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa.

Thật vậy, dấu thánh giá làm cho mọi người đã được tái sinh trong Đức Ki-tô thành những bậc quân vương, rồi Thánh Thần xức dầu thánh hiến họ thành những tư tế : như vậy, không kể việc phục vụ đặc biệt trong tác vụ của tôi, mọi Ki-tô hữu sống theo ơn Thánh Thần đều biết mình đồng phận với hàng quân vương và được tham gia nhiệm vụ tư tế. Thật vậy, còn gì có tính cách vương giả cho bằng tâm hồn nhờ suy phục Thiên Chúa mà thành người cai quản chính thân xác mình ? Và còn gì có tính cách tư tế cho bằng hiến dâng cho Chúa lương tâm tinh tuyền, và tiến dâng những lễ phẩm vô tỳ tích của lòng đạo đức trên bàn thờ là chính lòng mình ? Nhờ ơn Thiên Chúa, mặc dầu những lễ dâng đó đã trở thành của chung mọi người, nhưng đối với anh em, thật là đạo đức và đáng ca ngợi khi anh em vui mừng với ngày đăng quang của tôi, coi đó như niềm vinh dự riêng của anh em, mà cử hành trong khắp cả Hội Thánh lễ mừng một mầu nhiệm tư tế duy nhất. Khi dầu thánh hiến tuôn chảy, mầu nhiệm ấy hẳn đã đổ tràn lên các chi thể cấp trên dào dạt hơn, nhưng cũng trào không ít xuống các chi thể cấp dưới.

 

Vậy, anh em thân mến, cho dù chúng ta có dư lý lẽ để cùng vui mừng vì được thông chia ân huệ trên đây, nhưng chúng ta còn có lý do đích thực và chính đáng hơn nữa khi không dừng lại ở thân phận mọn hèn của tôi. Ngược lại, sẽ hữu ích hơn nhiều, xứng hợp hơn nhiều, nếu chúng ta đưa mắt tâm hồn lên chiêm ngưỡng vinh quang của thánh cả Phê-rô tông đồ và cử hành ngày lễ hôm nay chủ yếu là để tôn kính người. Chính suối nguồn mọi đoàn sủng đã tuôn đổ cho người ngập tràn muôn ơn, đến nỗi vì chỉ có một mình người đã nhận được nhiều ơn, nên không có ơn nào được thông ban cho người khác mà chính người lại không được chia sẻ. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Đức Ki-tô đã tự hiến hoàn toàn để cứu chuộc loài người.

 

Thánh Giáo Phụ Lêô Cả

 

Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 5/3/2008

Bài Giáo Lý 68 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

Anh chị em thân mến,

 

Để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta với các vị Giáo Phụ của Giáo Hội, những luồng ánh sáng hướng dẫn thực sự từ xa, trong cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay đây, chúng ta sẽ nhìn đến một vị giáo hoàng, vị mà vào năm 1754, đã được Đức Biển Đức XIV tuyên bố là tiến sĩ của Giáo Hội: hiển nhiên là tôi muốn nói về Đức Leô Cả. Như danh xưng của ngài được truyền thống gán cho, ngài thực sự là một trong những vị đại giáo hoàng làm vẻ vang cho Ngai Tòa Rôma. Ngài đã đóng góp rất lớn cho việc kiên cường quyền bính và thế giá của ngài tòa này. Ngài là vị Giám Mục Rôma đầu tiên lấy tên Lêô, một danh xưng sau đó được xưng nhận bởi 12 vị giáo hoàng nữa. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên chúng ta thấy được việc ngài giảng dạy cho dân  chúng qui tụ lại bên ngài trong các cuộc mừng lễ. Điều này làm cho chúng ta tự nhiên nghĩ về ngài liên quan tới các buổi Triều Kiến chung Thứ Tư; một cuộc gặp gỡ trong các thập niên gần đây đã trở thành một cách thức gặp gỡ thông thường và cần thiết với tín hữu cũng như với nhiều khách thăm viếng khác trên khắp thế giới. 

 

Thánh Lêô vào đời ở Tuscia. Ngài đã trở thành một vị phó tế của Giáo Hội Rôma vào khoảng năm 430 và qua giòng thời gian ngài đã tiến lên vị trí cao cả. Ngài nổi bật trong vai trò phó tế này và vào năm 440 Galla Placidia đang cai quản Đế Quốc Rôma Tây Phương bấy giờ đã sai ngài tới Gallia để giúp giải quyết một tình trạng rất ư là khó khăn.

 

Tuy nhiên, vào mùa hè năm đó, Đức Giáo Hoàng Sisto III – một danh xưng liên quan tới những tấm vi thạch ghép uy linh ở Santa Maria Maggiore – qua đời. Chính Thánh Lêô là vị kế nhiệm ngài; ngài đã nghe tin này trong khi đang thực hiện sứ vụ hòa bình của ngài ở Gaul.

 

Khi trở về Rôma, vị tân Giáo Hoàng này đã đăng quang vào ngày 29/9/440. Giáo triều của ngài kéo dài 21 năm và phải công nhận là một trong những giáo triều quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội. Khi qua đời vào ngày 10/11/461,  vị Giáo Hoàng này đã được mai táng gần một Thánh Phêrô. Thánh cốt của ngài vẫn còn được lưu giữ ở một trong những bàn thờ ở Vatican cho tới ngày nay.

 

Giáo Hoàng Lêô đã sống vào những thời buổi rất khó khăn: nào là những cuộc xâm chiếm của man dân cứ tái đi diễn lại, nào là tình trạng dần dần suy yếu về quyền lực đế quốc ở Tây phương cùng với một cuộc khủng hoảng lâu dài về xã hội là những gì buộc vị Giám Mục Rôma – như đã từng xẩy ra ở một mức độ trầm trọng hơn  nữa vào một thế kỷ rưỡi sau đó trong giáo triều của Đức Grêgôriô Cả – phải lãnh nhận vai trò ở những gì đang xẩy ra về dân sự lẫn chính trị thời bấy giờ. Điều này hiển nhiên đã giúp vào việc làm gia tăng tầm quan trọng và thế giá của Ngai Giáo Hoàng Rôma.

 

Thánh Lêô Cả được đặc biệt nhớ đến về một số những gì xẩy ra trong cuộc đời của ngài vào năm 452, khi ngài gặp Attila người Mông Cổ ở Matua và đã chinh phục được ông hủy bỏ cuộc xâm chiếm của ông là những gì đã tàn phá các miền đông bắc Ý quốc. Việc làm này của ngài đã cứu được cả phần đất còn lại của bán đảo Ý quốc.

 

Biến cố quan trọng đáng ghi nhớ này đã trở thành biểu hiệu cho những nỗ lực hòa bình của vị Giáo Hoàng ấy. Tiếc thay, một sáng kiến khác của vị giáo hoàng này xẩy ra sau đó 3 năm không được thành công cho lắm. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy lòng can đảm kinh khủng. Vào mùa xuân năm 455, Đức Lêô đã không thể ngăn chặn được các nhóm quân Geiseric Vandals xâm chiếm và tàn phá Rôma hai tuần lễ. Dầu sao cử chỉ do vị Giáo Hoàng này thực hiện – vị đã đi tay không cùng với hàng giáo sĩ của ngài đến gặp kẻ xâm lược trong nỗ lực thuyêá phục ông ta dừng tay – đã tránh cho Rôma khỏi bị thiêu rụi và cứu được Đền Thờ Thánh Phêrô, Thánh Phaolô và Thánh Gioan là những nơi dân chúng Rôma đang khiếp sợ ẩn náu.

 

Chúng ta đã biết rõ những hành động của Giáo Hoàng Lêô, nhờ những bài giảng tuyệt hay của ngài – khoảng gần 100 trong số những bài giảng của ngài đã được bảo trì bằng tiếng Latinh xuất sắc và rõ ràng – cũng như nhờ ở các bức thư của ngài, khoảng ở con cố 150. Trong các bản văn của mình, vị Giáo Hoàng này đã cho thấy tất cả những gì là cao cả của mình, trong việc phục vụ cho chân lý bằng bác ái yêu thương, bằng việc thực hiện không mỏi mệt một thứ ngôn từ chứng tỏ ngài vừa là một thần học gia vừa là vị chủ chiên. 

 

Đức Lêô Cả, vị luôn nhận biết các tín hữu của mình và dân chúng Rôma, song cũng biết được cả mối hiệp thông giữa các Giáo Hội khác nhau cùng những nhu cầu của chư giáo hội này, đã là một vị củng cố và không ngừng phát động vai trò chính yếu của Rôma, cho ngài là vị thừa kế đích thực của Thánh Phêrô Tông Đồ: nhiều vị giám mục tham dự Công Đồng Chung Chalcedon – hầu hết là đông phương – đã hoàn toàn thấy được điều ấy.

 

Diễn ra vào năm 451, với 350 vị giám mục, công đồng này là một cuộc tụ họp quan trọng nhất chưa hề thấy được cử hành trong lịch sử Giáo Hội. Chalcedon đã tiêu biểu cho mục tiêu cuối cùng về Kitô học của ba công đồng chung trước đó: Công Đồng Chung Nicea năm 325, Constantinople năm 381 và Êphêsô năm 431. Ngay vào thế kỷ thứ 6, 4 công đồng này, những công đồng đã tổng hợp đức tin của Giáo Hội sơ khai, được so sánh với 4 cuốn Phúc Âm, như Thánh Grêgôriô Cả khẳng định trong một bức thư nổi tiếng của ngài (I,24), trong đó ngài đã tuyên bố rằng chúng ta cần phải “chấp nhận và tôn kính, như bốn cuốn Phúc Âm Thánh, 4 Công Đồng ấy”, vì, như ngài giải thích thêm, nhờ những công đồng ấy mới có “cấu trúc của đức tin thánh hảo được dựng nên như trên một nền đá”.

 

Khi bác bỏ lạc thuyết của Eutiche, một lạc thuyết chối bỏ nhân tính thực sử của Con Thiên Chúa, Công Đồng Chalcedon đã khẳng định mối hiệp nhất nơi một Ngôi Vị duy nhất, không lẫn lộn và không phân chia, của hai bản tính nhân loại và thần linh.

 

Vị Giáo Hoàng này đã khẳng định niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật trong một bản văn tín lý quan trọng gửi cho vị giám mục ở Constantinople, được gọi là  “Tom to Flavianus”, một bức thư được đọc ở Công Đồng Chung Chalcedon và được hoan hô bởi các vị giám mục tham dự, được ghi vào văn bản của Công Đồng với những lời này: “Phêrô đã nói qua miệng của Lêô”, các vị nghị phụ đã cùng nhau kêu lên như thế.

 

Từ việc can thiệp này cũng như những cuộc can thiệp khác trong vấn đề tranh luận về Kitô học trong những năm ấy, rõ ràng là vị Giáo Hoàng này cảm thấy trách nhiệm khẩn trương của vị Thừa Kế Thánh Phêrô, vị có vai trò đặc thù chuyên nhất trong Giáo Hội, vì “chỉ có một vị Tông Đồ duy nhất được lý thác cho những gì được truyền đạt cho tất cả mọi vị tông đồ”, Đức Lêô đã khẳng định như thế trong một những bài giảng về Thánh Phêrô và Phaolô (83,2).

 

Vị giáo hoàng này đã thực thi những trách nhiệm như thế, ở Tâp phương cũng như Đông phương, bằng việc  can thiệp vào những trường hợp khác nhau cách khôn ngoan, cương quyết và minh tường qua các bản văn của ngài cũng như qua những bản viết thảo của ngài. Làm như thế là ngài đã chứng tỏ cho thấy tầm quan trọng của thượng quyền Rôma bấy giờ, cũng như ngày nay, để hiệu nghiệm giúp vào mối hiệp thông là một đặc tính của Giáo Hội Chúa Kitô duy nhất.

 

Ý thức được tầm quan trọng về lịch sử của những thời buổi ngài đã sống và tình trạng đổi thay đang diễn ra – một thời điểm khủng hoảng trầm trọng – từ dân ngoại tới thành Rôma Kitô Giáo, bằng việc giảng dạy và chăm sóc mục vụ, Đức Lêô Cả đã có thể sống gần gũi với dân chúng và tín hữu. Ngài đã phấn khích việc bác ái ở một thành Rôma đang chịu tình trạng đói kém, tị nạn, bất công và nghèo khổ. Ngài đã ngăn cản những thứ mê tín dị đoan của dân ngoại và các hoạt động của những nhóm Nhị Nguyên Thuyết. Ngài đã liên kết phụng vụ với đời sống hằng ngày của Kitô hữu bằng việc liên kết, chẳng hạn, việc chay tịnh với đức bác ái và bố thí, nhất là trong 4 “tempora” là những gì đánh dấu những thay đổi theo mùa trong năm. đặc biệt là Đức Lêô Cả giảng dạy tín hữu – thậm chí ngày nay các lời của ngài vẫn còn áp dụng cho cả chúng ta nữa – rằng phụng vụ Kitô giáo không phải chỉ là một cách thức để tưởng nhớ những biến cố trong quá khứ mà là những gì chú trọng tới những sự thật vô hình đang sinh động nơi đời sống của hết mọi người. Ngài nhấn mạnh trong một bài giảng (64,1-2) là chúng ta cần phải cử hành Phục Sinh bất cứ lúc nào trong năm “chứ không phải là một cái gì đó trong quá khứ, mà là một biến cố của hiện tại”.

 

Vị Giáo Hoàng Thánh này nhấn mạnh rằng điều này là toàn phần của một biến cố được hòa tấu: Như vị Hóa Công thở sự sống vào con người được nặn lên từ bùn đất thế nào thì sau nguyên tội Ngài đã sai Con Ngài vào thế gian để trả lại cho con người phẩm vị của họ và hủy diệt triều đại của ma quỉ bằng sự sống mới của ân sủng như thế.

 

Đó là mầu nhiệm về Kitô học được Đức Leô Cả góp phần  trọng yếu và hiệu nghiệm bằng bức thư của ngài cho Công Đồng Chung Êphêsô, khẳng định trong công đồng này những gì Thánh Phêrô đã nói ở Caesarea-Philippi.

 

Với Thánh Phêrô và như Thánh Phêrô, ngài đã tuyên xưng  rằng: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thiên Chúa cùng với con người, “không xa lạ với nhân loại nhưng xa lạ với tội lỗi” (cf. Serm. 64).

 

Bằng sức mạnh của niềm tin Kitô học này của mình, ngài đã là một con người cao cả rao giảng an bình và yêu thương. Bởi thế, ngài tỏ cho chúng ta thấy đường lối là trong tin tưởng chúng ta biết sống bác ái. Nhờ Thánh Lêô Cả, chúng ta học biết tin tưởng vào Chúa Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, và hiện  thực đức tin của chúng ta hằng ngày qua các hoạt động cho hòa bình cũng như qua tình yêu thương tha nhân.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/3/2008

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

 

 

Lời nguyện (Phụng Vụ Giờ Kinh ngày 10/11)

 

Lạy Chúa, Chúa đã xây dựng Hội Thánh Chúa trên nền tảng vững chắc là các Tông Đồ, khiến cho sức mạnh của ác thần không tài nào thắng nổi. Xin nhậm lời thánh giáo hoàng Lê-ô nguyện giúp cầu thay, mà cho Hội Thánh luôn giữ vững chân lý và được vui hưởng thái bình. Chúng con cầu xin

 

 


Thứ Hai

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 1, 1-9

"Thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn con".

Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Phaolô, tôi tớ Thiên Chúa, cùng là Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, để rao giảng đức tin cho những kẻ được Thiên Chúa kén chọn và làm cho họ nhận biết chân lý; chân lý đó giúp họ ăn ở đức hạnh và ban cho họ niềm hy vọng sống đời đời mà Chúa, Ðấng chẳng hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời. Khi đã đến thời, Người đã tỏ lời Người ra bằng việc rao giảng mà Người đã uỷ thác cho cha theo lệnh của Thiên Chúa là Ðấng cứu chuộc chúng ta. Gửi cho Titô, con yêu dấu thuộc cùng một đức tin. Nguyện ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu chuộc chúng ta, ở cùng con.

Lý do Cha để con ở lại đảo Crêta là để con chỉnh đốn những gì còn thiếu sót, và thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn. Con người được chọn phải là người không có gì đáng trách, chỉ kết hôn một lần; có con cái ngoan đạo, không mang tiếng buông tuồng hoặc ngỗ nghịch. Vì chưng, chủ tịch cộng đoàn, theo tư cách là người quản lý của Chúa, phải là người không có gì đáng trách, không kiêu căng, không nóng nảy, không mê rượu, không gây gỗ, không trục lợi đê hèn, nhưng hiếu khách, hiền lành, tiết độ, công minh, thánh thiện, tiết hạnh, nắm giữ lời chân thật hợp với đạo lý, để có thể dùng đạo lý lành mạnh mà khuyên dụ và phi bác những kẻ chống đối.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6a

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi tìm kiếm long nhan Chúa (x. c. 6).

Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hưởng bả phù hoa. - Ðáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.

 

 Alleluia: Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 17, 1-6

"Dù một ngày bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.

"Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: "Tôi hối hận", thì con hãy tha thứ cho nó".

Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: "Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển", nó liền vâng lời các con".

 

Ðó là lời Chúa.

Image result for Lk 17, 1-6

 

 

 

Suy nghiệm Lời Chúa

 

Thánh thiện: Một phát triển ngược - không lớn lên mà là nhỏ đi


Hôm nay, Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm bao gồm 3 vấn đề "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ" của Người, những vấn đề dường như hoàn toàn khác nhau, chẳng liên quan gì đến nhau: vấn đề thứ nhất là "gương xấu", vấn đề thứ hai là "sửa bảo nhau" và vấn đề thứ ba là "lòng tin hạt cải".

Về "gương xấu": 
"Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này".

Về "sửa bảo nhau": "Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: 'Tôi hối hận', thì con hãy tha thứ cho nó"

Về "lòng tin hạt cải":
 "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển', nó liền vâng lời các con".

Th
ật ra, nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy cả 3 vấn đề này đều có liên hệ với nhau. Chẳng hạn: vì "gương xấu không thể nào" không xẩy ra trên thế gian này (vấn đề 1), nên có thể sẽ khiến cho một số người nhẹ dạ như "những trẻ nhỏ" sa ngã phạm tội (vấn đề 2), nhưng muốn khỏi bị gương mù lôi cuốn đến vấp ngã thì cần phải có một "đức tin" trưởng thành thật là vững chắc (vấn đề 3).

Tr
ước hết, về vấn đề "gương xấu": sở dĩ "không thể nào mà không xảy ra" là vì thế gian này, nhất là vì bản tính của con người, đã bị nguyên tội làm băng hoại, nên mới có những tư tưởng, lời nói, hành vi cử chỉ và việc làm xấu xa bậy bạ. Đôi khi chính đối tượng nhân không có gì là xấu xa bậy bạ, nhưng đối tượng nhân này tự nhiên lại trở thành "dịp tội" cho một người nào đó. Điển hình nhất là một người nữ đẹp, dù rất đoan trang nết na, vẫn rất có thể trở thành "dịp tội" cho một cặp mặt nhục dục nam nhân nào đó.

Trong tr
ường hợp này, người nữ vô tình ấy không làm "gương xấu", mà người nam nhục dục kia vẫn có thể phạm tội, bởi "dịp tội" ở ngay con mắt của nam nhân này (xem Mathêu 5:28-29), ở ngay xu hướng thèm thuồng nhục thể của chàng ta. Nếu anh ta nhắm mắt lại, quay đi hay bỏ đi chỗ khác khi bị cám dỗ thì đã không phạm tội ngoại tình trong lòng của mình. Trái lại, nếu người nữ đã đẹp lại còn ăn mặc sexy thì hành động khiêu dâm hay thân mình gợi dục đến xúi dục mời gọi của nàng quả thực càng là "gương xấu" gây "dịp tội" cho thành phần nam nhân vốn có khuynh hướng chiếm đoạt...

Thế gian đã không thể tránh "gương xấu" mà còn càng gia tăng gương xấu hơn bao giờ hết trong một thế giới càng văn minh về vật chất và càng văn hóa về nhân quyền
, những gương xấu khủng khiếp chưa bao giờ có, chẳng hạn quyền phá thai, quyền được hôn nhân đồng tính v.v., khiến cho Chúa Giêsu dường như đã thấy trước và đã phải công nhận "vì sự dữ gia tăng mà lòng người hầu hết trở nên nguội lạnh" (Mathêu 24:12).

Đối với những ai gây "gương xấu" như thế thì phải chịu trách nhiệm về hành vi cử chỉ của mình: "
vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này". Tại sao hình phạt cho thành phần gây ra gương xấu không phải là một hình phạt nào khác ngoài hình phạt "bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển"? Phải chăng là vì họ chẳng khác gì như đàn heo bị quỉ nhập nên đã lao đầu xuống biển sau khi đám quỉ xuất khỏi người bị chúng ám (xem Mathêu 8:28-30)?

Tuy nhiên, không ai trong chúng ta dám vỗ ngực cho mình là trưởng thành, khó có thể hay không thể nào sa ngã trước bất cứ một 
gương xấu vào một lúc nào đó trong đời, và cũng chẳng ai dám tự phụ cho mình là chưa bao giờ gây gương mù gương xấu cho ai, nghĩa là chúng ta chưa bao giờ phạm tội, vì tội lỗi của chúng ta tự bản chất là một gương mù. Bởi thế, ai cũng có lỗi và cũng cần phải ăn năn thống hối và hoán cải. 

Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta không dám chỉ bảo cho ai hay sửa lỗi cho ai. Trái lại, chính vì chúng ta lỗi lầm mới thấy được cái xấu xa và tai hại của lầm lỗi gây gương mù gương xấu 
tác hại lẫn nhau của chúng ta, mà chúng ta càng cần phải giúp cho nhau tránh khỏi những lầm lỗi như chúng ta, tránh gây tác hại xấu cho chung đoàn thể của chúng ta, bằng cách giúp nhau hoàn chỉnh lại những gì cần thiết. 

Nhất là phải có lòng quảng đại thứ tha một khi phạm nhân tỏ lòng thống hối ăn năn, thậm chí họ cứ sa đi ngã lại nhiều lần trong ngày nhưng vẫn có thiện chí hoán cải qua hành động họ tỏ thiện chí 
đến xin lỗi chúng ta: "nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: 'Tôi hối hận', thì con hãy tha thứ cho nó". 

C
ó thế, có thông cảm tha thứ cho hối nhân, mới chứng tỏ chúng ta sửa lỗi cho nhau chỉ vì thương nhau và cho công ích, bằng không, nếu cứ chấp nhất nhau, một khi họ đã hối hận và xin lỗi chúng ta, thì rõ ràng là chúng ta sửa bảo nhau chỉ vì những lý do không chính đáng, và chắc chắn chúng ta cũng không được Chúa thứ tha, thậm chí Ngài còn để cho chúng ta bị đong lại đúng cái đấu chúng ta đong cho anh chị em của chúng ta nữa (xem Luca 6:38)

Để có thể vừa tránh gương xấu bất khả tránh xẩy ra trên thế gian đã bị băng hoại bởi nguyên tội này, và để có thể giúp nhau hoàn chỉnh cuộc đời theo ý Chúa, chúng ta không thể nào thiếu đức tin hay yếu đức tin. Hình ảnh "những trẻ nhỏ" bị lôi cuốn bởi gương xấu và sa ngã theo gương xấu là hình ảnh tiêu biểu cho bản tính yếu đuối của con người, cho một đức tin non dại chưa trưởng thành của Kitô hữu. 


Đó là lý do trong Bài Phúc Âm hôm nay "c
ác Tông đồ thưa với Chúa rằng: 'Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con'". Thật ra đức tin tự bản chất đối nội không tăng trưởng, vì đức tin đã chất chứa tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, không còn thiếu một sự gì. Tuy nhiên, đức tin ấy, đối ngoại, vẫn có thể gia tăng hay giảm sút, mạnh mẽ hay yếu mềm, tùy ở môi trường của đức tin, tùy ở mỗi một người có biết thực hành đức tin hay chăng, nhất là có biết chấp nhận mọi gian nan đau khổ thử thách để sống đức tin và chứng tỏ đức tin hay chăng! 

Tuy nhi
ên, đức tin gia tăng hay lớn lên hoặc mạnh mẽ không phải ở chỗ phát triển về hình dạng như thân thể của con người trong thời kỳ trưởng thành, mà trái lại càng nhỏ đi, nhỏ như "hạt cải" được Chúa Giêsu ví trong bài Phúc Âm hôm nay, "một hạt nhỏ nhất trong các hạt giống" (Mathêu 13:32), nhưng lại có khả năng và quyền lực thần kỳ trong việc có thể "khiến cây dâu này rằng: 'Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển', nó liền vâng lời các con". 

T
ại sao thế, nếu không phải, theo nguyên tắc tu đức và đường lối siêu nhiên, thì càng nhỏ lại càng lớn: "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này là kẻ lớn nhất trên Nước Trời" (Mathêu 18:4)! 

Kinh nghi
ệm sống đức tin cũng cho thấy, một khi càng cậy mình lại càng thất bại, hay có thành công rồi cũng thất bại, thất bại một cách chua cay, bằng không, càng thành công càng nguy hiểm cho phần rỗi, Trái lại, cho dù đã cố gắng hết sức, lại càng chẳng làm được gì, càng bất lực trong những việc đạo đức và tông đồ mình ham muốn, mà nhờ đó mới có thể hoàn toàn trông cậy vào Chúa, mới càng được Chúa chiếm đoạt và càng làm được những việc cao cả chưa từng thấy và theo sức tự nhiên không thể nào làm được, vì Chúa sống trong họ và hoạt động qua họ, nhờ họ.

Tóm lại, có 3 điều chính yếu Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, liên hệ với nhau: 1- tội lỗi gây ra gương mù là những gì bất khả tránh trên thế gian này; 2- các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội cần phải giúp những ai gây gương mù chỉnh sửa lại; 3- nhưng cần phải có đức tin mới có thể thực hành đức bác ái yêu thương, nhất là đối với thành phần tội nhân đáng thương.

Chính vì đức tin là yếu tố cần thiết bất khả thiếu cho thành phần lãnh đạo dân Chúa mà, trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô đã đề cập với người môn đệ Titô của ngài như sau: "Phaolô, tôi tớ Thiên Chúa, cùng là Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, để rao giảng đức tin cho những kẻ được Thiên Chúa kén chọn và làm cho họ nhận biết chân lý; chân lý đó giúp họ ăn ở đức hạnh và ban cho họ niềm hy vọng sống đời đời ... Gửi cho Titô, con yêu dấu thuộc cùng một đức tin".

Đức tin là yếu tố then chốt để chọn thành phần lãnh đạo dân Chúa, như thánh nhân tiếp tục căn dặn môn đệ Titô của ngài chỉ chọn lựa những ai sống đức tin bằng đời sống chân chính như sau: "Con người được chọn phải là người không có gì đáng trách, chỉ kết hôn một lần; có con cái ngoan đạo, không mang tiếng buông tuồng hoặc ngỗ nghịch. Vì chưng, chủ tịch cộng đoàn, theo tư cách là người quản lý của Chúa, phải là người không có gì đáng trách, không kiêu căng, không nóng nảy, không mê rượu, không gây gỗ, không trục lợi đê hèn, nhưng hiếu khách, hiền lành, tiết độ, công minh, thánh thiện, tiết hạnh, nắm giữ lời chân thật hợp với đạo lý, để có thể dùng đạo lý lành mạnh mà khuyên dụ và phi bác những kẻ chống đối".

Chỉ có
những tâm hồn sống đức tin nói chung và thành phần lãnh đạo dân Chúa nói riêng mới có thể cảm nghiệm thấy thấm thía tâm tình của Thánh Vịnh 23 trong Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hưởng bả phù hoa.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

 

 

 

Ngày 11 tháng 11

Thánh Mác-ti-nô, giám mục

 

Thánh nhân sinh khoảng năm 316 trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, sau đó bỏ binh nghiệp. Trước tiên, người làm đồ đệ của thánh Hi-la-ri-ô, lập đan viện Li-guy-gê, nước Pháp. Rồi khi được đặt làm giám mục giáo phận Tua (năm 372), người thành lập nhóm đan sĩ truyền giáo. Cùng với họ, người đi giảng Tin Mừng ở các vùng quê thuộc miền Tu-ren và các vùng phụ cận. Người qua đời năm 397.

Ngày 11 tháng 11  THÁNH MÁC-TI-NÔ  Giám Mục

 

Gương Thánh nhân: Thánh Mác-ti-nô sinh năm 316, tại Pan-nô-ni, nước Hun-ga-ri, trong một gia đình ngoại giáo; nhưng chính Thánh nhân lại mến mộ đạo Chúa, nên lớn lên đã ghi tên vào sổ dự tòng ở một họ đạo gần đó, mặc dầu bị gia đình chống đối mãnh liệt.

Năm lên 15 tuổi, thánh nhân bị bắt quân dịch. Ngài bị sung vào đạo binh Rô-ma và phục dịch tại xứ Gôn (nước Pháp ngày nay). Đây là nơi sau nầy ngài sẽ rao giảng Tin mừng.

Sống trong quân ngũ, thánh nhân phải gần gũi với đủ thứ hạng người, phần đông họ là những thanh niên ham vui chơi phóng đãng, rượu chè be bét. Ngài không những chẳng chạy theo họ, mà còn luôn làm gương tốt cho họ, có dịp thì khuyên bảo họ theo đường ngay nẻo chánh. Đặc biệt ngài có lòng bác ái yêu thương anh em, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Một hôm ngay mùa đông trên đường đi công tác, thánh nhân gặp ngay ở cổng thành A-mi-en một người ăn xin trần trụi, lạnh run lặp cặp. Ngài liền nhớ lại câu Chúa nói: “Ta trần trụi, các ngươi đã cho áo mặc”.

Đến gần người đó, ngài nói:

– Tôi không có tiền bạc, chỉ có áo quần và khí giới.

Nói xong thánh nhân rút kiếm ra, xẻ đôi chiếc áo choàng đang mặc, và trao cho người ăn mày một nửa.

Tương truyền đêm hôm đó trong giấc ngủ, thánh nhân thấy Chúa Giê-su choàng nửa chiếc áo ngài cho người ăn mày hôm qua và nói:

– Đây là chiếc áo Mác-ti-nô đã cho Ta.

Năm 20 tuổi, thánh nhân lãnh Bí tích Rửa tội. Và 2 năm sau thì xin được giải ngũ, trở về gia đình. Ngài ao ước cho cha mẹ ngài trở lại đạo, và cầu nguyện xin Chúa. Chúa nhậm lời cho mẹ ngài theo đạo, còn cha ngài thì từ chối.

Thánh nhân nghe danh tiếng thánh Hi-la-ri-ô thì đem lòng mộ mến, ngài đã đến xin được chỉ giáo. Và năm 361, ngài đã thành lập tại Li-gu-gê một tu viện, đây là tu viện đầu tiên ở xứ Gôn, nước Pháp.

Từ đó, lòng đạo đức thánh thiện của thánh nhân ngày càng triển nở sâu đậm. Cầu nguyện, hãm mình, ép xác hằng ngày là lẽ sống của ngài. Vì lòng nhân đức tột bậc, ngài được Chúa chọn làm Giám mục giáo phận Tua năm 371. Trong suốt thời gian làm Giám mục, ngài luôn nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên, củng cố hàng giáo sĩ, chỉnh đốn các tu viện. Năm 375, chính ngài lập thêm tu viện ở gần sông Loa, đây là trung tâm văn hóa và truyền giáo của ngài.

Có thể nói thánhMác-ti-nô là một Giám mục truyền giáo. Ngoài ra việc chăm sóc giáo phận, huấn luyện các tu sĩ, thánh nhân rảo khắp các làng mạc thành thị, rao giảng đạo Chúa. Ngài đến hầu hết các nơi trong xứ Gôn (nước Pháp), không một làng nào, thành nào mà chẳng được ngài loan báo Tin mừng Nước Trời. Và ngài đã đem được nhiều linh hồn về cho Chúa.

Nhưng đời sống con người có hạn, ai ai cũng phải đi đến cõi chết. “Thánh Mác-ti-nô thấy trước cái chết của minh từ lâu, và ngài nói với anh em rằng: ngày thân xác mình phải tiêu tan đã gần. Bấy giờ có một sự kiện khiến ngài phải đi viếng giáo phận Con-đa-si; hàng giáo sĩ ở đó bất thuận với nhau, ngài biết giờ chết của mình, nên vì muốn tái lập lại sự hòa thuận, nên ngài vẫn quyết định lên đường, hy vọng đạt được đỉnh trọn lành của các nhân đức, nếu có thể tái lập và để sự bình an lại cho Hội thánh”.

“Vậy sau một thời gian ở lại thị trấn đó, đúng hơn là nơi giáo phận mà ngài đã đến, ngài đã hòa giải được các giáo sĩ với nhau, và khi định trở lại tu viện thì bỗng nhiên ngài thấy mình không còn đủ sức nữa, ngài liền gọi anh em đến và cho biết ngài kiệt sức rồi…”

“Ôi con người tuyệt diệu không chịu khuất phục trước lao nhọc, và cũng không chịu khuất phục trước cái chết; không để mình nghiêng ngả về bên nào; không sợ chết thì không ngại sống. Ánh mắt và đôi tay ngài luôn hướng về Thiên Chúa, không để tinh thần bất khuất mình ngơi cầu nguyện…”

Thánh nhân qua đời ngày 8 tháng 11 năm 397 và được mai táng tại giáo phận Tua. Ngài đã được tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Mác-ti-nô Giám mục, hằng ngày dùng lời cầu nguyện, việc hy sinh hãm mình, cầu cho kẻ tội lỗi và người ngoại đạo trở về cùng Chúa, và hết lòng lo cho mọi người tin theo Chúa được hòa thuận thương yêu nhau.

Lời nguyện:Lạy Chúa, xưa thánh Giám mục Mác-ti-nô đã làm vinh danh Chúa, khi còn sống cũng như lúc qua đời. Nay xin Chúa cũng ban cho chúng con những hồng ân kỳ diệu, để dù chết, chúng con chẳng lìa xa tình thương của Chúa bao giờ.

 

Một người chống đối hành động vô lương tâm muốn trở nên một tu sĩ; một tu sĩ bị gài ép để trở nên một giám mục; một giám mục chống đối những người vô tôn giáo nhưng cũng xin tha thứ cho những người lạc giáo – đó là Thánh Martin ở Tours, một trong những vị thánh nổi tiếng.

Ngài sinh trong một gia đình vô tôn giáo ở chỗ bây giờ là Hungary, và được lớn lên ở Ý. Là con của một cựu chiến binh, ngài bị ép buộc phải gia nhập quân đội vào lúc 16 tuổi. Ngài theo học đạo, và được rửa tội lúc 18 tuổi. Người ta kể rằng, ngài sống như một tu sĩ hơn là một binh sĩ. Năm 23 tuổi, ngài từ chối tham dự cuộc chiến của Hoàng Ðế Julian Caesar chống với thế giới bằng lập luận sau: “Tôi đã phục vụ ngài như một người lính; bây giờ hãy để tôi phục vụ Ðức Kitô. Hãy thưởng cho những người muốn chiến đấu. Nhưng tôi là một người lính của Ðức Kitô, và thật sai lầm nếu tôi đi đánh nhau”. Sau nhiều khó khăn, ngài được giải ngũ và trở thành môn đệ của Ðức Giám Mục Hilary ở Poitiers.
Martin được tấn phong làm người trừ quỷ, và hoạt động tích cực chống với bè rối Arian. Ngài trở thành vị ẩn tu, trước hết sống ở Milan, và sau đó sống ở một đảo nhỏ. Khi Ðức Hilary được phục hồi quyền bính sau thời gian lưu đầy, Martin trở về Pháp, và thành lập tu viện có thể nói đầu tiên ở Pháp, gần Poitiers. Ngài sống ở đó trong 10 năm, đào tạo các môn đệ và đi rao giảng khắp nước.
Dân chúng ở Tours đòi hỏi ngài làm giám mục cho họ. Và ngài bị lừa đến thành phố này và được đưa đến nhà thờ, là nơi ngài lưỡng lự nhận chức giám mục. Một vài giám mục tấn phong nghĩ rằng ngài không xứng đáng làm giám mục, vì cái bề ngoài xuề xòa và mái tóc thiếu chải chuốt của ngài.
Cùng với Ðức Ambrôsiô, Ðức Giám Mục Martin chống với Ðức Giám Mục Ithacius về đề nghị xử tử những người lạc giáo – cũng như sự can thiệp của hoàng đế vào vấn đề này. Ngài còn thuyết phục được hoàng đế tha chết cho Priscillian (người chủ trương những điều sai lạc về nhân tính của Ðức Kitô). Vì những nỗ lực này, Ðức Giám Mục Martin bị cho là cùng phía với bọn lạc giáo, và sau cùng Priscillian bị xử tử. Sau đó Ðức Giám Mục Martin xin chấm dứt việc bách hại những người ở Tây Ban Nha theo tà thuyết của Priscillian. Ngài còn muốn cộng tác với Ðức Giám Mục Ithacius về một vài lãnh vực, nhưng vì lương tâm không thấy ổn thỏa nên ngài đã bỏ dở ý định ấy.
Khi đến giờ chết, các môn đệ xin ngài đừng bỏ họ. Ngài cầu nguyện, “Lạy Chúa, nếu dân của Ngài vẫn còn cần đến con, con sẽ không từ chối làm việc. Nhưng con xin vâng theo ý Chúa”.

Lời Bàn

Ðiều Thánh Martin quan tâm về sự cộng tác, nhắc nhở cho chúng ta biết hầu như không có gì hoàn toàn trắng hoặc hoàn toàn đen. Các thánh cũng là những tạo vật ở trần gian: Họ cũng phải do dự khi quyết định như chúng ta. Bất cứ quyết định nào của lương tâm đều ít nhiều có sự liều lĩnh. Nếu chúng ta chọn đi hướng Bắc, có thể chúng ta không biết được những gì xảy ra ở hướng Đông, hướng Tây hay hướng Nam. Tuy nhiên, quá thận trọng không dám quyết định, thì cũng không phải là nhân đức khôn ngoan, thật vậy, nếu cho rằng “không quyết định là sự quyết định” thì đó là một quyết định sai lầm.

 

Thánh Mác-ti-nô, con người khó nghèo và khiêm tốn

(Phụng Vụ Giờ Kinh Sách ngày 11/11)

Trích thư của sử gia Xun-pi-xi-ô Xê-vê-rô.

Giám mục Mác-ti-nô đã biết trước giờ ra đi của mình từ lâu. Người cho anh em biết giờ thân xác của người phải tiêu tan đã gần kề. Bấy giờ có một việc khiến người phải đi thăm giáo xứ Can-đơ : các giáo sĩ thuộc Hội Thánh ấy đang bất hoà với nhau. Vì muốn tái lập sự hoà thuận, nên dù biết những ngày cuối đời của mình không còn nhiều, người vẫn không vì thế mà từ khước ra đi. Thật vậy, người nghĩ rằng các hoạt động của mình sẽ kết thúc hoàn hảo, nếu người vãn hồi được sự hoà thuận cho Hội Thánh ấy.

Vậy sau một thời gian lưu lại thị trấn ấy, hay đúng hơn là Hội Thánh người đã tới, và đã tái lập được sự hoà thuận giữa các giáo sĩ với nhau, người nghĩ đến việc trở về đan viện. Nhưng bỗng nhiên sức lực của người sút giảm trầm trọng. Người gọi anh em đến và cho biết mình sắp ra đi. Lúc đó, ai nấy đều buồn phiền khóc lóc và đồng thanh than van : “Cha ơi, sao cha lìa bỏ chúng con ? Cha để chúng con bơ vơ lại cho ai ? Lũ sói rừng hung ác sắp xông vào đoàn chiên của cha, ai sẽ giữ chúng con khỏi bị cấu xé, khi người mục tử đã bị đánh rồi ? Chúng con biết cha ao ước được liên kết với Đức Ki-tô, nhưng phần thưởng dành cho cha đã chắc chắn rồi, cha có trì hoãn một chút cũng không làm cho phần thưởng giảm đi. Xin cha thương chúng con hơn là lìa bỏ chúng con !”

Họ khóc lóc khiến người cảm động. Lúc nào người cũng hoàn toàn kết hợp với Chúa, nên người dễ động lòng thương xót. Có kẻ nói rằng người đã khóc. Người hướng về Chúa, và chỉ đáp lại những người đang khóc bằng lời cầu nguyện sau : “Lạy Chúa, nếu con vẫn còn cần thiết cho dân Chúa, thì con không quản ngại vất vả. Chỉ xin cho ý Chúa được thể hiện.”

Ôi con người tuyệt diệu, không chịu thua vất vả, cũng không chịu khuất phục trước cái chết ! Người hoàn toàn không theo ý riêng mình : không sợ chết, cũng chẳng ngại sống ! Đôi mắt và đôi tay người luôn hướng về trời, không để cho tinh thần bất khuất của mình ngơi cầu nguyện. Rồi các linh mục bấy giờ đang tề tựu bên người xin người đổi bên nằm cho dễ chịu, nhưng người nói : “Xin anh em cứ để yên, xin cứ để tôi hướng lên trời hơn là nhìn xuống đất, để linh hồn tôi thẳng đường khi giờ tôi về với Chúa đã điểm.” Nói xong, người nhìn thấy quỷ đứng bên cạnh. Người liền bảo : “Đồ thú dữ, ngươi đứng đây làm gì ? Đồ sát nhân, ngươi đừng hòng kiếm được gì ở nơi ta. Tổ phụ Áp-ra-ham đang đón ta vào lòng của người.”

Nói những lời đó xong, người trút hơi thở cuối cùng để về trời. Giám mục Mác-ti-nô được tổ phụ Áp-ra-ham đón nhận vào lòng, hưởng niềm hoan lạc. Giám mục Mác-ti-nô, con người khó nghèo và khiêm tốn tiến vào trời, hưởng đầy tràn phúc lộc của Thiên Chúa. 

 

Lời nguyện (Phụng Vụ Giờ Kinh ngày 11/11)

Lạy Chúa, xưa thánh giám mục Mác-ti-nô đã làm vinh danh Chúa khi còn sống cũng như lúc qua đời, nay xin Chúa cũng ban cho chúng con những hồng ân kỳ diệu, để dù sống dù chết, chúng con chẳng lìa xa tình thương của Chúa bao giờ. Chúng con cầu xin

 

 

Thứ Ba


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 2, 1-8. 11-14

"Chúng ta hãy sống đạo đức, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Ðấng cứu độ chúng ta".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Con thân mến, con hãy giảng dạy những gì hợp với đạo lý lành mạnh. Những ông cao niên hãy sống tiết độ, đoan trang, khôn ngoan, lành mạnh trong đức tin, đức mến, đức kiên nhẫn. Các bà cao niên cũng thế, phải ăn ở thánh thiện, chớ nói hành nói xấu, chớ mê say rượu chè, nhưng biết dạy đường lành, để dạy cho các thiếu phụ biết mến chồng thương con, khôn ngoan, thanh khiết, tiết độ, chăm lo việc nhà, hiền hậu, tùng phục chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị xúc phạm.

Các thanh niên cũng thế, con hãy khuyên dạy cho chúng biết tiết độ. Trong mọi sự, con hãy nên gương mẫu về các việc lành, tinh tuyền trong giáo huấn, trang nghiêm, lời lẽ lành mạnh không ai bắt bẻ được, để đối phương phải xấu hổ, vì không thể nói xấu chúng ta điều gì.

Vì chưng, ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 18 và 23. 27 và 29

Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).

Xướng: 1) Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. - Ðáp.

2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối người đi. - Ðáp.

3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu. Những người hiền sẽ được đất nước, và cư ngụ ở đó tới ngàn thu. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 3, 9b-11. 16-17

"Anh em là đền thờ của Thiên Chúa".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em là toà nhà của Thiên Chúa. Theo ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi như một kiến trúc sư lành nghề, đã đặt nền móng, còn kẻ khác thì xây lên. Nhưng mỗi người hãy xem coi mình xây lên thế nào? Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Ðức Kitô.

Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy.

Ðó là lời Chúa. 

 

Alleluia: Cl 3, 16a và 17c

Alleluia, alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Ðức Kitô mà tạ ơn Chúa Cha. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 17, 7-10

"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.

"Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

Ðó là lời Chúa.

 



Suy nghiệm Lời Chúa

 

"Đầy tớ vô dụng": làm việc "của" Chúa chứ không phải làm việc "cho" Chúa


Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên hôm nay sát ngay bài Phúc Âm hôm qua, vẫn ở trong bối cảnh Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ của Người để trả lời cho các vị về vấn đề các vị xin Người gia tăng đức tin cho các vị.

Đúng thế, sau khi "các Tông đồ thưa với Chúa rằng: 'Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con'. Chúa liền phán rằng: 'Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển, nó liền vâng lời các con'", thì Chúa Giêsu nói tiếp những gì được Thánh ký Luca thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay:

"Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: 'Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng: 'Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống'? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'".

Vậy, phần cuối của bài Phúc Âm hôm qua và cả bài Phúc Âm hôm nay có liên hệ gì với nhau hay chăng? Nói cách khác, việc gia tăng đức tin nơi các tông đồ ở cuối bài Phúc Âm hôm qua, và thái độ các vị cần phải tỏ ra sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầy tớ của mình như Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, có liên hệ gì với nhau hay chăng?

Vấn đề là ở chỗ nếu không có liên hệ gì với nhau chắc Chúa Giêsu đã không nói 2 vấn đề này liền với nhau như thế. Bởi vì, nếu người đầy tớ làm công cho chủ không biết phận mình, trái lại, theo tự nhiên cảm thấy mình bị chủ lợi dụng, luôn bắt mình phải phục dịch hầu hạ chủ, cho dù đuợc trả lương cân xứng, vẫn cảm thấy tủi nhục đến độ có thể bỏ cuộc, hay tỏ ra ngang bướng hoặc lén lút biếng nhác cách nào, thậm chí đành phải xin thôi. 

Trái lại, người đầy tớ nào biết thân biết phận sẽ thấy rằng tất cả những gì mình làm là phải, là việc của mình, việc của một người đầy tớ trong nhà: "chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm". Không có gì là nhục nhã. Chẳng có gì là tủi hổ. Không có gì là bất công. Chẳng có gì là vô phúc. Trái lại, thậm chí còn cảm thấy được vinh dự là đàng khác. Ở chỗ có việc làm xứng với thân phần thấp hèn của mình, tay làm hàm nhai, không lệ thuộc ai hay ăn bám người nào. Chẳng có việc nào là tầm thường hèn hạ khi sống hợp với nhân phẩm và nhân cách của mình. 

Thế nhưng, với thân phận đầy tớ, họ vẫn không thể nào làm hơn được nữa để giúp cho chủ của họ, nên họ vẫn thực sự cảm thấy mình chỉ "là đầy tớ vô dụng". "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng" đây còn có thể hiểu là nếu không có họ thì chủ vẫn lo xong việc của chủ thôi, bằng cách thuê mướn những người khác, lắm khi còn khả năng hơn và tinh thần hơn họ nữa, và việc làm của những người đầy tớ thay thế họ đó có thể nhanh hơn họ làm và hoàn hảo hơn họ làm.

Trong đời sống hoạt động tông đồ, có một số tâm hồn cảm thấy không có họ thì hội đoàn này, đoàn thể kia, giáo xứ này, cộng đoàn nọ không thể phát triển, trái lại, sẽ bị sụp đổ, thất bại. Họ làm như họ là chủ chứ không phải là đầy tớ. Họ không chấp nhận ai hơn họ và không thể chịu được khi bị người khác phê bình, chỉ trích, chê bai, chửi bới v.v. Cái gì cũng phải làm theo ý của họ mới được. Ý của họ bao giờ cũng hay, cũng nhất, không thể nào bỏ qua v.v.

Họ tưởng rằng họ làm việc "cho" Chúa hơn là họ làm việc "của" Chúa. Chúng ta chẳng có gì gọi là "cho" Chúa. Bởi vì Chúa chẳng thiếu thốn gì, trái lại, Ngài còn ban cho chúng ta tất cả mọi sự những gì cần thiết (tài năng, thiện chí, tinh thần, vật chất, thời giờ, môi trường v.v.) để chúng ta có thể phục vụ mà làm sinh lợi các nén bạc Ngài trao cho từng người chúng ta. Bởi thế, khi làm việc tông đồ là chúng ta, ở một cách nào đó, "trả về" Chúa những gì Ngài đã ban cho chúng ta, "trả về" Ngài chẳng những cả vốn lẫn lời gấp trăm: 2 sinh 2, 5 sinh 5 và 10 sinh 10 (xem Mathêu 25:14-30).

Thật vậy, làm việc tông đồ hay thừa tác vụ là chúng ta làm việc "của" Chúa, việc Chúa trao cho chúng ta là thành phần Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, một việc không thể nào không làm, để chứng tỏ chúng ta là Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, vì tự bản chất của mình, chúng ta "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14), không thể nào không chiếu sáng, một "ánh sáng" không phải tự họ mà có, nhưng chỉ là những gì phản ánh Đấng "là ánh sáng thế gian"(Gioan 8:12)

Đúng thế, để có thể xứng đáng làm việc "của" Chúa, chúng ta, về phần tiêu cực, không bao giờ được làm theo ý riêng của mình, dù ý đó có tốt đến đâu và có lợi đến mấy chăng nữa, nếu nó không phải là ý Chúa hay không hợp với ý Chúa, được tỏ ra qua bề trên hay ý chung của đoàn thể, và về phần tích cực, cần phải để cho chính Chúa làm trong chúng ta và qua chúng ta, bấy giờ chúng ta mới có thể trọn vẹn hoàn tất những gì Ngài trao phó cho chúng ta.  

Cho tới trình độ tin tưởng vào Chúa, hoàn toàn để cho Ngài làm mọi sự cho việc "của" Ngài trong chúng ta và qua chúng ta, chúng ta mới thấm thía lời Chúa Giêsu dạy chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay sau khi chúng ta chỉ là thành phần đầy tớ hoàn thành nhiệm vụ của mình: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng". Tuy nhiên, về phía chúng ta đối với Chúa thì chúng ta chỉ là phương tiện để Ngài sử dụng làm việc "của" Ngài, còn về phần Ngài thì chính Ngài sẽ sử dụng việc "của" Ngài như phương tiện để thánh hóa những thành phần đầy tớ "vô dụng" như chúng ta.

Không phải hay sao, chỉ khi nào chúng ta cảm thấy mình thật sự là "vô dụng", nghĩa là cảm thấy mình hoàn toàn bất lực, không làm được gì thiện hảo ngoài Chúa, Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan và toàn năng mới chính thức và chủ động làm việc "của" Ngài trong chúng ta và qua chúng ta. Bởi thế, kinh nghiệm tu đức cho thấy, chính Ngài cũng ra tay thanh tẩy chúng ta khỏi khuynh hướng tự phụ và cậy mình, để chúng ta chỉ tin vào Ngài và để Ngài làm chủ chúng ta thôi. Như thế, khi chúng ta làm việc "của" Chúa là chúng ta đáp ứng tác động của Chúa, hay tích cực cùng chủ động cộng tác với Chúa, trong việc Ngài muốn cứu độ và thánh hóa chúng ta.

Như thế, chúng ta có "vô dụng" thì ân sủng của Chúa mới tác dụng thần linh biến đổi chúng ta, mới sinh hoa trái thánh đức cho chúng ta, đúng như Thánh Phaolô đã cảm nhận trong Thư gửi môn đệ Titô của ngài ở Bài Đọc 1 hôm nay: "Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

Đúng vậy, đúng như câu họa của bài Đáp Ca hôm nay xác tín: "Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ", một xác tín phản ảnh tất cả cảm nhận thần linh của Thánh Vịnh 36 ở Bài Đáp Ca hôm nay như thế này:

1) Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu.

2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối người đi.

3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu. Những người hiền sẽ được đất nước, và cư ngụ ở đó tới ngàn thu.


 

Ngày 12 tháng 11

Thánh Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo

Thánh nhân sinh khoảng năm 1580 tại U-cơ-rai-na, trong một gia đình theo Chính Thống Giáo. Nhưng người lại sớm gắn bó với giáo hội U-cơ-rai-na hợp nhất với Rô-ma. Năm 1617, người làm tổng giám mục Pô-lốc và dấn thân phục vụ dân tộc mình không so đo tính toán, nhất là cố gắng lo cho việc hợp nhất Hội Thánh. Thành công trong hoạt động tông đồ của người đã khiến cho các kẻ thù của Hội Thánh Công Giáo căm ghét người. Người bị giết ở Vi-tép trong lúc đang viếng thăm các tín hữu, năm 1623.

12 Tháng Mười Một Thánh Josaphat (1580?-1623) – HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH

 

Gương Thánh nhân: Thánh Gio-sa-phát sinh tại Vla-đi-mia, nước Ba-lan, năm 1581, trong một gia đình quí phái làm nghề thương mại.

Lớn lên thánh nhân làm phụ giúp một thương gia ở Quin-na. Nhưng ngài cảm thấy lý tưởng đời ngài là phục vụ Chúa và cứu vớt các linh hồn, vì mọi sự ở đời đều mau qua chóng mất, chỉ có Chúa mới tồn tại, chỉ có phần rỗi linh hồn mới xứng đáng mọi người kiếm tìm hơn hết. Ngài cầu xin Chúa soi sáng cho ngài phải chọn đường nào, và sau cùng đã xin gia nhập dòng thánh Ba-si-li-ô.

Nhờ nhân đức và đời sống thánh thiện, năm 1614, thánh nhân được chọn làm bề trên nhà dòng. Ngài tận tụy đào luyện các tu sĩ và luôn nêu gương khắc khổ cầu nguyện cho họ. Nhờ đó, nhà dòng ngày càng phát triển, các tu sĩ ngày càng thêm nhân đức trọn lành.

Danh tiếng thánh nhân lan rộng nên năm 1617, ngài được Đức Giáo Hoàng tấn phong Giám mục phụ tá cho Tổng Giám mục ở Pô-lô, và năm sau lên kế vị.

Từ ngày lên làm Tổng Giám mục, thánh nhân càng nổ lực sống khắc khổ nhiệm nhặt hơn, để nêu gương cho hàng giáo sĩ, các tu sĩ và đoàn chiên. Đặc biệt ngài dồn hết sức lực vào công việc hiệp nhất trong Hội thánh. Vì lúc đó các Ki-tô hữu phần đông theo nghi thức By-xăn-tin. Thánh nhân dùng sách vở và lời giảng dạy kêu gọi mọi người trung thành với Hội thánh Chúa sáng lập, tuân theo phụng vụ Rô-ma. Nhưng có số người phản đối. Ngài cương quyết giữ vững lập trường hiệp nhất, thế nên họ thù ghét ngài, tìm cách ám hại ngài.

Năm 1623, trên đường đi thăm mục vụ trong tổng giáo phận, thánh nhân bị một đám người thuộc nhóm ly khai giết chết cách dã man. Xác ngài được đưa về chôn cất tại Pô-lô. Và năm 1867, thánh nhân được tôn phong Hiển thánh với thành tích bảo vệ hiệp nhất trong Giáo hội. Chính Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 11 đã ngợi khen ngài: “Theo kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa thì Hội thánh đã được thiết lập để vào thời viên mãn sẽ trở thành như một đại gia đình bao gồm tất cả nhân loại. Và chúng ta biết rằng: cùng với các dấu hiệu khác nói lên đặc tính của mình, Hội thánh được nhận thức nhờ ở sự hiệp nhất đại kết”.

“Thật vậy, khi Đức Ki-tô phán bảo các tông đồ: Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ta, vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân (Mt. 28, 18-19), thì không những Người trao cho họ sứ mạng Người đã lãnh nhận nơi Chúa Cha, mà hơn nữa, Người còn muốn cộng đoàn tông đồ hiệp nhất, các phần tử phải liên kết với nhau bằng một sợi dây đôi thật khắng khít; bên trong là nhờ một đức tin và nhờ đức ái mà Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng chúng ta (Rm. 5,5), còn bên ngoài là nhờ quyền bính của một người duy nhất trên tất cả, vì Đức Ki-tô đã đặt Phê-rô làm thủ lãnh các tông đồ, làm như một nguyên lý vĩnh viễn và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất, nhưng để cho sự hiệp nhất và hòa hợp nầy được mãi mãi tồn tại. Thiên Chúa quan phòng đã hiến thánh chúng bằng dấu hiệu của sự thánh thiện và tử đạo”.

“Vinh dự đó cũng đã được ban cho thánh Gio-sa-phát, Tổng Giám mục Pô-lô-xơ, thuộc nghi lễ đông phương La-vô-ni-a, chúng ta thật có lý để coi ngài như cột trụ thời danh và cao cả, nhất là miền ấy. Quả vậy, khó tìm được người nào mang lại vinh dự cho dòng giống Xơ-la-vơ và đã tiếp tục làm được cho phần rỗi của dân Người hơn là Vị mục tử và là tông đồ của họ. Nhất là vì ngài đã đổ máu đào để hiệp nhất Hội thánh, ngài cảm thấy Chúa linh ứng thúc đẩy hoạt động để tái lập sự hiệp nhất của Hội thánh khắp hoàn cầu; ngài hiểu có thể cộng tác vào đó nhiều, nếu duy trì nghi thức Đông phương Xô-la-vơ và dòng thánh Ba-xi-li-ô trong sự hiệp nhất và Hội thánh phổ quát”.

Quyết tâm: Suốt đời sống trung thành với Hội thánh Chúa, và đem hết tài năng sức lực hiệp cùng mọi người thiện chí, cổ động và cầu nguyện cho mọi người hiệp nhất nên một ràn chiên và một chủ chăn, theo gương thánh Gio-sa-phát.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh Giám mục Gio-sa-phát đầy tinh thần yêu mến, khiến người hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Xin Chúa thương nhậm lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho Giáo hội cũng được đầy tinh thần yêu mến, và cho chúng con hằng biết noi gương Người, không ngại xả thân vì anh em.

Ngày 12/11: Thánh Josaphat (1580?-1623) - "ĐƯỢC LỜI LÃI CẢ THẾ GIAN MÀ MẤT  LINH HỒN THÌ NÀO CÓ ÍCH GÌ?" (Mt 16.26)


Thánh Josaphat, vị giám mục theo lễ điển Ðông Phương, được coi là vị tử đạo cho sự hợp nhất giáo hội vì ngài cố gắng đưa Chính Thống Giáo về hợp nhất với Rôma.
Vào năm 1054, một sự chia cắt chính thức được gọi là đại ly giáo đã xảy ra giữa Giáo Hội Ðông Phương ở Constantinople và Giáo Hội Tây Phương ở Rôma, vì những bất đồng về thần học và đời sống độc thân của giáo sĩ. Cho đến năm thế kỷ sau, một giáo chủ Chính Thống Giáo ở Kiev và năm giám mục Chính Thống Giáo, quyết định đưa hàng triệu người Chính Thống Giáo dưới quyền về hợp nhất với Rôma. Khi Thượng Hội Ðồng ở Brest Litovsk khai mạc vào năm 1595, thì Thánh Josaphat Kunsevich lúc ấy chỉ là một cậu bé trai, nhưng đã được chứng kiến các kết quả tích cực cũng như tiêu cực của thượng hội đồng.
Hàng triệu Kitô hữu đã không đồng ý với các giám mục về sự hiệp thông với Công Giáo, và cả đôi bên đều tìm cách giải quyết sự bất đồng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng vũ lực. Do đó cả hai phía đều có nhiều người đã tử vì đạo. Giữa những xáo trộn ấy, Thánh Josaphat là một tiếng nói hòa bình.
Khi còn niên thiếu, nhờ sự khuyến khích của hai vị linh mục dòng Tên, nên ngài đã gia nhập tu viện Holy Trinity ở Vilna năm 1604. Trong thời gian này, ngài quen thân với Joseph Benjamin Rutsky, là người trở lại Kitô Giáo sau một thời gian theo phái Calvin. Cả hai đều muốn sự hợp nhất trong giáo hội và cải tổ đời sống tu trì.
Sau đó, Josaphat được gửi đi trông coi một cơ sở ở Rôma, còn Rutsky được làm tu viện trưởng ở Vilna. Khi Rutsky được làm giáo chủ của Kiev, thì Josaphat lại được thế chỗ Rutsky làm tu viện trưởng. Nhân cơ hội này, Josaphat thi hành kế hoạch cải tổ, nhưng đường hướng cải tổ phản ảnh một đời sống nghiêm nhặt và khắc khổ của ngài, nên không mấy ai hưởng ứng. Ngay cả một tu hội còn dọa ném ngài xuống sông!
Khi là vị giám mục đầu tiên ở Vitebsk, và sau đó ở Polotsk vào năm 1617, Ðức Giám Mục Josaphat phải đối diện với nhiều khó khăn. Có thể nói giáo hội lúc ấy thật thối nát, giáo sĩ tái hôn đến hai ba lần, và họ không lo lắng gì đến việc mục vụ hoặc đời sống gương mẫu. Trong vòng ba năm, Ðức Giám Mục Josaphat phải chấn chỉnh lại giáo hội qua các thượng hội đồng, phân phát sách giáo lý khắp nơi, và áp đặt những quy luật cho hàng giáo sĩ. Nhưng đáng kể hơn cả là chính đời sống của ngài mà hầu như lúc nào cũng đi rao giảng, giáo dục đức tin, thăm viếng những kẻ đau ốm.
Bất kể công việc và tiếng tăm của Ðức Giám Mục Josaphat, những người Chính Thống Giáo ly khai đã bầu một tổng giám mục của họ ngay ở cùng một thành phố. Thật đau lòng cho Ðức Giám Mục Josaphat khi thấy những người ngài phục vụ, bị phân ly trong những cuộc bạo loạn. Ngay cả giáo phận cũ của ngài ở Vitebsk cũng chống đối sự hợp nhất và chống chính ngài. Ðau khổ hơn cả, là chính người Công Giáo mà ngài tìm cách hợp nhất cũng chống đối ngài, chỉ vì họ không thích lễ điển Byzantine mà ngài chủ trương, thay vì lễ điển Rôma. Vì sợ hãi hoặc vì ngu dốt, vị chưởng ấn của Lithuania, tin lời đồn đãi rằng ngài xúi giục dân chúng nổi loạn, nên thay vì giúp đỡ thì lại lên án Ðức Giám Mục Josaphat. Thực sự, ngài chỉ dùng đến quyền lực khi các người ly khai chiếm nhà thờ Mogilev, và ngài xin nhà cầm quyền giúp phục hồi lại quyền bính.
Vào tháng Mười 1623, Ðức Giám Mục Josaphat quyết định trở về Vitebsk để đích thân lắng dịu vấn đề. Ngài biết rất nguy hiểm nhưng cho biết, “Nếu tôi xứng đáng được phúc tử đạo, thì tôi không sợ chết”.
Những người ly khai coi đây là cơ hội để trừ khử Josaphat và làm ngài mất uy tín, nếu họ xúi giục được phe của ngài nổi loạn trước, và coi đó là cái cớ để chống lại. Sự đe dọa tính mạng của ngài quá lộ liễu đến nỗi ngài phải lên tiếng, “Quý vị muốn giết tôi sao? Quý vị phục kích tôi trên đường phố, trên cầu cống, trong chợ búa, ở khắp mọi nơi. Chính tôi đây. Tôi đến với quý vị như một mục tử. Quý vị biết là tôi rất vui mừng để hy sinh cho quý vị. Tôi sẵn sàng chết cho sự hợp nhất của Giáo Hội dưới quyền Thánh Phêrô và các giáo hoàng kế vị”.
Khi người ly khai thấy kế hoạch thất bại, họ lập mưu bằng cách, đưa một linh mục tên Elias đến nơi tụ họp của phe đức giám mục, để lên tiếng sỉ vả bất cứ ai đi ngang qua, nhất là vu khống Ðức Giám Mục Josaphat và Giáo Hội Công Giáo, cốt để chọc tức.
Biết được thâm ý của họ, Ðức Giám Mục Josaphat giữ im lặng và cầu nguyện nguyên ngày. Qua ngày hôm sau, Elias lại đến nữa và các người phục dịch của đức giám mục, đã bắt nhốt Elias trong một căn phòng khi ngài đi vắng. Trở về nhà, thấy vậy ngài đã mở cửa phòng cho Elias trốn đi. Nhưng đã quá trễ. Ðám ly khai chỉ chờ có thế, để báo động cả thành phố đến bao vây với gậy gộc trên tay.
Khi bước ra sau vườn, ngài thấy đám du côn đánh đập các người phục dịch và các linh mục khác, ngài lớn tiếng kêu: “Này các con, các con làm gì những người đó vậy? Nếu các con muốn chống đối cha, thì có cha đây, đừng đụng đến những người ấy!” Sau tiếng hô to, “Hãy giết tên theo giáo hoàng”, bọn họ đánh đập Ðức Giám Mục Josaphat với gậy gộc, sau đó họ dùng rìu và cuối cùng bắn vào đầu ngài. Thi thể đầy máu của ngài bị họ kéo lê ra sông, và quăng xuống đó cùng với xác con chó của ngài.
Những anh hùng vô danh trong thảm kịch này, là các người Do Thái ở Vitebsk. Họ đã liều mạng xông vào toà giám mục, để can gián và cứu những người trong toà giám mục khỏi bị sát hại. Nhờ sự can đảm của họ, nhiều người đã được cứu sống. Cũng chính những người Do Thái này đã công khai lên án các tên sát nhân và thương tiếc Ðức Giám Mục Josaphat, trong khi người Công Giáo ở thành phố lại trốn chui trốn nhủi vì sợ hãi.
Thông thường, sự bạo động luôn luôn có hậu quả trái ngược. Vì hối hận và kinh hoàng về cuộc bạo động khiến họ mất đi một vị giám mục thánh thiện, nên công chúng lại hướng về sự hợp nhất với Rôma. Và sau cùng, đức tổng giám mục mà phe ly khai dựng lên là Meletius Smotritsky, cũng đã hoà giải với Rôma.
Vào năm 1867, Ðức Giám Mục Josaphat là vị thánh đầu tiên của Giáo Hội Ðông Phương được Rôma tuyên phong Hiển thánh.

 

Lời Bàn

Mầm mống chia rẽ được bắt đầu vào thế kỷ thứ tư, khi Ðế Quốc La Mã bị chia cắt làm hai phần Ðông và Tây. Không một lý do nào có thể biện minh cho sự phân ly hiện nay trong Kitô Giáo, mà trong đó 64 phần trăm là Công Giáo Rôma, 13 phần trăm là các Giáo Hội Ðông Phương (hầu hết là Chính Thống Giáo) và 23 phần trăm Tin Lành, trong khi 71 phần trăm dân số thế giới chưa được biết đến Ðức Kitô, thì họ phải là những người được mục kích sự hợp nhất Kitô Giáo và đức bác ái của những người mệnh danh là Kitô hữu!

http://giaoxutanviet.com/ngay-12-thang-11-thanh-gio-sa-phat-giam-muc-tu-dao/

 

Người đã đổ máu mình vì sự hợp nhất của Hội Thánh Thiên Chúa

(Phụng Vụ Giờ Kinh Sách ngày 12/11)

Trích thông điệp Hội Thánh của Thiên Chúa của đức giáo hoàng Pi-ô XI.

Hội Thánh của Thiên Chúa đã được thiết lập theo một kế hoạch kỳ diệu, để khi thời gian viên mãn, Hội Thánh nên như một đại gia đình bao gồm toàn thể nhân loại. Chúng ta biết rằng, người ta nhận ra Hội Thánh là của Thiên Chúa nhờ sự hợp nhất phổ quát cũng như nhờ một số đặc tính khác.

Chúa Ki-tô không những trao riêng cho các Tông Đồ sứ vụ Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha khi Người nói : Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất ; vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Nhưng Người còn muốn đoàn Tông Đồ hợp nhất hoàn toàn nhờ hai mối dây rất chặt chẽ : bên trong là lòng tin và lòng mến mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Người ban cho chúng ta ; còn bên ngoài là việc một người cai quản mọi người, vì Chúa đã trao quyền lãnh đạo các Tông Đồ cho ông Phê-rô, đặt ông làm nguyên lý vĩnh cửu và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất.

Và để mãi mãi duy trì sự hợp nhất và đồng tâm ấy, Thiên Chúa quan phòng đã lấy sự thánh thiện cùng với ơn tử đạo như một ấn tín mà thánh hiến Hội Thánh. Thánh Giô-sa-phát, tổng giám mục Pô-lốc, thuộc nghi lễ Xi-la-vô-ni-a trong Hội Thánh Đông Phương được cả hai vinh dự ấy. Chúng ta có đủ lý do để nhìn nhận người là vinh quang rực rỡ và là cột trụ của những người Xi-la-vô-ni-a theo nghi lễ Đông Phương. Bởi lẽ, khó có ai khác đã làm rạng danh họ hay đã góp phần vào ơn cứu độ cho họ hơn vị mục tử này và cũng là tông đồ của họ, nhất là do việc người đã đổ máu mình vì sự hợp nhất của Hội Thánh. Hơn thế nữa, khi cảm thấy mình được ơn trên thúc đẩy để tái lập sự hợp nhất phổ quát của Hội Thánh, người hiểu rằng mình có thể đóng góp nhiều hơn nữa, nếu duy trì được nghi lễ Xi-la-vô-ni-a Đông Phương và nếp sống đan viện theo thánh Ba-xi-li-ô, trong Hội Thánh duy nhất và phổ quát.

Trong khi đặc biệt quan tâm đến việc giúp cho những người đồng hương của mình liên kết với Toà Thánh Phê-rô, thánh Giô-sa-phát đã tìm mọi lý lẽ để cổ võ cũng như để củng cố mối liên kết ấy, nhất là người nghiên cứu những sách phụng vụ mà các tín hữu Đông Phương và cả chính những người ly khai cũng quen sử dụng, theo truyền thống của các giáo phụ. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng như thế, người khởi công tái lập sự hợp nhất một cách vừa thật mạnh mẽ vừa thật êm dịu và rất hiệu quả, đến nỗi những kẻ đối nghịch đã gọi người là tên bắt cóc các linh hồn.

 

Lời nguyện (Phụng Vụ Giờ Kinh ngày 12/11)

 

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh giám mục Giô-sa-phát đầy tinh thần yêu mến, khiến người hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Xin Chúa thương nhậm lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho Giáo Hội cũng được đầy tinh thần yêu mến, và cho chúng con hằng biết noi gương người, không ngại xả thân vì anh em. Chúng con cầu xin

 

 

 

 

Thứ Tư

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 3, 1-7

"Xưa chúng ta cũng lầm lạc, nhưng chiếu theo lòng từ bi Chúa, chúng ta đã được cứu thoát".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Con thân mến, con hãy nhắc bảo mọi người phải tùng phục thủ lãnh và những người quyền chức, biết vâng lời, sẵn sàng làm mọi việc thiện, đừng thoá mạ ai, và đừng gây gỗ, nhưng ở khoan dung, tỏ lòng rất mực hiền từ với mọi người. Vì chưng, xưa kia chúng ta cũng ngu muội, bất phục, lầm lạc, nô lệ cho tham vọng và nhiều khoái lạc khác, sống trong gian ác và ghen tương, khả ố và đố kỵ lẫn nhau. Nhưng khi Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta, qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.

2) Người dẫn tôi qua con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

Alleluia: 1 Tx 2, 13

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà là như lời của Thiên Chúa và đích thực là thế. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 11-19

"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

Ðó là lời Chúa.


 

Suy nghiệm Lời Chúa


Thiên Chúa là cùng đích chứ không phải là phương tiện

 

 

Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem của Người, một cuộc hành trình đã đi tới chỗ "Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa".

Thật vậy, cuộc hành trình Giêrusalem của Chúa Giêsu, theo bài Phúc Âm hôm nay ghi nhận, thì kể như mới rời khỏi miền bắc nước Do Thái là Xứ Galilêa, và bắt đầu vượt qua "biên giới" giữa hai miền trung bắc mà vào miền trung của nước này là Samaria. Bởi vì, cũng theo bài Phúc Âm này, Người đã chữa lành cho 10 nạn nhân phong cùi, trong đó có một "là người xứ Samaria". 

Vậy thì 9 người kia có thể toàn là người Do Thái chính gốc, một là họ vốn thuộc về dân cư ở Samaria, chung đụng với thành phần Do Thái vẫn bị những người Do Thái chính cống coi là thứ ngoại lai nhơ nhớp đáng xa tránh, hai là ở Galilêa hoặc Giuđêa nhưng một mình đến cư ngụ ở Samaria để xa tránh gia đình bởi thân phận bị cùi hủi của mình. Có thể vì thế mà họ đã tập trung ở cùng một chỗ với nhau như bài Phúc Âm cho biết: "vào một làng kia", hoàn toàn bị cách ly với xã hội lành mạnh bên ngoài.

Thế nhưng, họ đâu có ngờ rằng, ở một nơi xa vắng cách ly như vậy, một thế giới của những con người bị bỏ rơi, bị kinh sợ, như ma quái ấy, một ngày kia, bất ngờ, họ lại được gặp một vị cứu tinh là Chúa Giêsu, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: 'Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi'".

Đúng vậy, biết thân biết phận, 10 nạn nhân bị phong cùi đáng thương này "đứng ở đàng xa", chứ không dám đến gần ai. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao từ xa mà họ biết được nhân vật mà hình như họ chưa bao giờ gặp, nhưng lại là vị dường như họ hằng mong chờ ấy là "Chúa Giêsu", Đấng duy nhất có thể cứu họ chứ? 

Không biết có bao giờ Chúa Giêsu đã đến chỗ này hay chưa? Hay là có một ai đó trong họ đã biết Người trước khi đến làng cùi này? Hoặc họ được ai đó ngay lúc bấy giờ liều lĩnh đến báo cho họ biết có sự hiện diện của Chúa Giêsu? Có thể là họ đã nghe tin đồn về Người từ dân làng chung quanh hay chăng, hoặc từ chính những người thân nhân nào đó trong họ đến thăm họ? v.v.

Chỉ biết rằng, Chúa Giêsu không thể không động lòng thương họ khi thấy được hoàn cảnh hết sức đáng thương như thế. Bởi vậy, Người đã đáp ứng lời họ kêu lên cùng Người "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi", bằng lời truyền "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Và thành phần nạn nhân phong cùi không trực tiếp xin Người chữa lành cho mà chỉ gián tiếp xin Người chữa lành nếu Người "thương xót" họđã đồng thanh tin tưởng tuân hành và được chữa lành như bài Phúc Âm cho thấy: "Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch".

Tuy nhiên, sự vụ không chấm dứt ở chỗ này. Sau đó, Phúc Âm tiếp tục cho biết rằng: "Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: 'Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này'. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: 'Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi'".

Trong đời sống đạo cũng thế, khi chúng ta gặp gian nan khốn khó, tai ương hoạn nạn, đớn đau khổ sở v.v. chúng ta rất mau mắn chạy đến cầu xin cùng Chúa cho chúng ta chóng thoát khỏi những thứ bất hạnh vô phúc ấy. Thậm chí khấn hứa với Ngài điều này điều nọ. Như đã từng xẩy ra trong cuộc vượt biển của thuyền nhân Việt Nam ở thập niên 1980 đang trong cơn nguy tử. Có những lúc chúng ta cầu được ước thấy, để rồi sau khi thoát nạn rồi, chúng ta chẳng giữ lời khấn nguyện gì cả, trái lại, còn lợi dụng xã hội tự do văn minh mà sống một cách vô thần duy vật nữa, như thực tế phũ phàng cho thấy trong cộng đồng Người Việt hải ngoại chúng ta.

Trường hợp của 9 nạn nhân phong cùi được khỏi nhưng vô ơn như thế, hay trường hợp của những ai được ơn mà vô ơn, thì họ coi Thiên Chúa chỉ là phương tiện cứu độ, như cái phao bám víu trong lúc khẩn cấp vậy thôi, để rồi sau khi tai qua nạn khỏi, họ vứt Ngài đi như vứt bỏ một thứ không còn giá trị gì nữa, hoàn toàn vô dụng, như thể không bao giờ họ gặp gian nan khốn khó như vậy hay hơn vậy nữa. 

Nếu ai có thái độ không coi Thiên Chúa như cùng đích của mình như người phong cùi Samaritanô trở về tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã chữa lành cho mình, thì hãy coi chừng họ sẽ được ứng nghiệm những gì Chúa Giêsu đã nghiêm khắc cảnh báo với nạn nhân bất toại 38 năm được Người chữa lành sau đây: "Hãy nhớ nhé, giờ đây anh đã được khỏi rồi đó. Đừng phạm tội nữa kẻo anh sẽ trở nên tệ hại hơn đó" (Gioan 5:14). 

Thật vậy, trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolo đã nhắc nhở người môn đệ Titô của mình về chân lý Thiên Chúa là cùng đích và là chủ tể, qua các công việc Ngài làm cho con người và ân sủng Ngài ban cho con người, chứ không phải là phương tiện để con người lạm dụng bằng tất cả lòng vô ơn nguy hiểm đến phần rỗi của họ, như câu chuyện về 9/10 người cùi được Chúa Giêsu chữa lành trong Bài Phúc Âm hôm nay. Lời nhắc nhủ của Thánh Phaolô như thế này:

"Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta, qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

Đúng thế, chỉ có những tâm hồn nào tìm kiếm Chúa như cùng đích của mình mới cảm thấy tất cả xác tín và tâm tình tuyệt vời cho thấy cảm nghiệm thần linh sâu xa về tình trạng tràn đầy sự sống viên mãn nơi họ, như con chiên được vị chủ chiên nhân lành chăn dắt (xem Gioan 10:10), một tâm tình được chất chứa trong Thánh Vịnh 22 ở bài Đáp Ca hôm nay sau đây;

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

2) Người dẫn tôi qua con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.


 

13 Tháng Mười Một, Thánh Frances Xavier Cabrini (1850-1917)

Mother Cabrini, Italian- American Photograph by Science Source


Thánh Frances Xavier Cabrini là công dân Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh. Chính lòng tin tưởng mãnh liệt vào sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ sức mạnh để trở nên một phụ nữ dũng cảm làm việc cho Ðức Kitô.

 

Francesca Cabrini sinh năm 1850 ở Sant’Angelo Lodigiano, Lombardi, nước Ý trong một gia đình có đến 13 người con. Khi 18 tuổi, ngài ao ước trở thành một nữ tu nơi ngài theo học sư phạm, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên bị từ chối. Sau đó thánh nữ làm việc bác ái ở Cô Nhi Viện Ðấng Quan Phòng ở Cadogne, nước Ý.  

Vào tháng 9 năm 1877, ngài tuyên khấn và mặc áo dòng.

Khi đức giám mục đóng cửa cô nhi viện vào năm 1880, ngài đặt sơ Frances làm tu viện trưởng tu hội Nữ Tu Thánh Tâm Truyền Giáo (the Missionary Sisters ở the Sacred Heart) và bảy phụ nữ khác làm việc ở cô nhi viện cũng đã gia nhập tu hội này.

  

Ngay từ khi còn nhỏ, Thánh Frances đã có ý định đi truyền giáo ở Trung Cộng, nhưng theo sự khuyên bảo của Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII, cùng với sáu nữ tu khác, ngài đến thành phố Nữu Ước để phục vụ hàng ngàn người Ý di dân đang sinh sống ở đây.


Ngài gặp nhiều chán nản và khó khăn trên bước hành trình. Khi đến thành phố Nữu Ước năm 1889, căn nhà được hứa để làm cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ thì lại không có. Ðức tổng giám mục khuyên ngài trở về Ý. Nhưng Frances, một phụ nữ can đảm có thừa, đã rời bỏ tư dinh của đức Tổng và tự tay gầy dựng cô nhi viện. Và ngài đã thành công.


Trong 35 năm, mẹ Frances Xavier Cabrini đã thành lập 67 trung tâm để chăm sóc người nghèo, trẻ mồ côi, người ít học và bệnh nhân. Nhận thấy nhu cầu cần thiết của người di dân Ý trước viễn ảnh bị mất đức tin, ngài mở trường học và các lớp dạy giáo lý người lớn.


Mẹ Francesca Cabrini qua đời vì bệnh sốt rét ngày 22 tháng 12 năm 1917 tại Chicago, Illinois, USA . Thi hài của mẹ được chuyển về nhà thờ ở New York kế cận “Mother Cabrini High School” do mẹ sáng lập. Tu hội của Mẹ ngày nay đã có mặt tại các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Nam Mỹ.


Đức Chân Phước Giáo Hoàng Pius XI đã tôn phong Chân Phước cho mẹ Frances Xavier Cabrini ngày 13 tháng 11 năm 1938 liên quan đến một phép lạ chữa lành đôi mắt của một cậu bé do sự chuyển cầu của Đấng Đáng Kính Frances Xavier Cabrini.


Tám năm sau, Đức Giáo Hoàng Pius XII đã tuyên phong Mẹ Frances Xavier Cabrini lên hàng hiển thánh ngày 07 tháng 7 năm 1946 liên quan đến một phép lạ chữa lành căn bệnh lâu năm của một nữ tu và đặt Thánh Frances Xavier Cabrini là quan thầy của người di dân.


Trong nghi lễ phong thánh cho Mẹ Cabrini Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố: “Mặc dù hiến pháp của tu hội ngài rất đơn sơ, nhưng ngài được ban cho một tinh thần phi thường đến nỗi, một khi tin rằng đó là ý Chúa, ngài không để bất cứ điều gì cản trở việc thực hiện mà những công trình ấy vượt quá sức lực của một phụ nữ.”

 

Lời Bàn
Lòng thương người và sự tận tụy của Mẹ Cabrini vẫn còn được nhận thấy qua hàng trăm ngàn nữ tu của ngài, họ chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, viện dưỡng lão và các trung tâm quốc gia. Chúng ta than phiền về sự tốn kém y tế trong một xã hội giầu có, nhưng tin tức hàng ngày cho thấy hàng triệu người khác trên thế giới không có một chút gì được gọi là y tế, và họ đang mời gọi những người noi gương Mẹ Cabrini đến, để phục vụ người dân trên đất nước của họ.

https://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=1&id=564 (trừ lời bàn cuối cùng)

 

 

 

Thứ Năm

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Plm 7-20

"Xin anh tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Philêmon.

Anh thân mến, tôi rất đỗi vui mừng và an ủi, vì lòng bác ái của anh, vì hỡi anh, nhờ anh mà tâm hồn các thánh được hài lòng.

Bởi đó, dầu trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có đủ quyền để truyền cho anh điều phải lẽ, nhưng tôi thà nại vào đức bác ái mà nài xin anh thì hơn, vì anh cũng như tôi. Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh cho Ônêsimô, đứa con tôi đã sinh ra trong xiềng xích. Xưa kia nó là người vô ích cho anh, nhưng hiện nay, nó lại hữu ích cho cả anh và tôi nữa, tôi trao lại cho anh. Phần anh, anh hãy đón nhận nó như ruột thịt của tôi.

Tôi cũng muốn giữ nó lại để thay anh mà giúp đỡ tôi trong lúc tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý anh, nên tôi không muốn làm gì, để việc nghĩa anh làm là một việc tự ý, chứ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa anh một thời gian để rồi anh sẽ tiếp nhận nó muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với tôi, huống chi là đối với anh, về phần xác cũng như trong Chúa.

Vậy nếu anh nhận tôi là bạn hữu, thì xin anh hãy đón nhận nó như chính mình tôi vậy. Nếu nó đã làm thiệt hại cho anh điều gì, hay mắc nợ anh, xin anh hãy tính vào sổ của tôi. Chính tôi là Phaolô đây, tôi tự tay viết là tôi sẽ thanh toán, trừ phi tôi kể ra cho anh hay rằng chính anh mắc món nợ với tôi. Hỡi anh, thật thế. Nhờ anh tôi sẽ được hân hoan trong Chúa: anh hãy làm cho tôi được thoả lòng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Phúc thay con người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ (c. 5a).

Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. - Ðáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. - Ðáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. - Ðáp.

 

Alleluia: 2 Tx 2, 14

Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 17, 20-25

"Nước Thiên Chúa ở giữa các ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".

Ðó là lời Chúa.



Suy n
g
hiệm Lời Chúa

Nước Trời chính là Chúa Kitô


Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên, thuật lại cho chúng ta lời Chúa Giêsu trả lời cho "những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu 'Khi nào nước Thiên Chúa đến'".

Trong khi câu hỏi liên quan đến thời điểm "khi nào Nước Thiên Chúa đến", câu trả lời của Chúa Giêsu lại nói đến địa điểm hay nơi chốn "Nước Chúa đến" như thế này: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: 'Này nước trời ở đây hay ở kia'. Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông".

Ở đây, qua câu trả lời này, Chúa Giêsu dường như muốn xác định bản chất của Nước Thiên Chúa, để rồi, nếu biết được thực chất của Nước Thiên Chúa là gì và như thế nào thì sẽ biết Nước Thiên Chúa này địa điểm ở đâu và thời điểm bao giờ đến. Đó là lý do ngay khi bắt đầu trả lời Người đã minh định: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát". 

Lời đầu tiên trong câu trả lời này của Chúa Giêsu như thể Người muốn nói rằng Nước Thiên Chúa là một thực tại vô hình, chứ không phải hữu hình, là một thực tại thần linh chứ không phải trần thế. Và chính vì thế, vì bản chất thiêng liêng và thần linh của một thực tại như thế mới có thể xẩy ra chuyện "nước Thiên Chúa ở giữa các ông". 

Chúa Giêsu như muốn nói với hay muốn nhắn nhủ những người biệt phái hỏi người bấy giờ rằng: quí vị chỉ cần có được một nhận thức đức tin siêu nhiên là sẽ thấy Nước Trời ở ngay giữa quí vị, không cần phải tìm ở đâu xa xôi, và vì thế, Nước Trời lúc nào cũng hiện hữu ở giữa quí vị, không cần phải chờ đợi làm chi.

Đúng thế, nếu "ở đâu có hai ba người hợp lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ" (Mathêu 18:20), thì Nước Trời đây không phải là chính Chúa Kitô hay sao? Bởi thế, khi trả lời cho những người biệt phái hỏi Người về thời điểm khi nào Nước Trời đến thì thay vì Người trả lời là Nước Trời đã đến rồi (xem Marcô 1:15) Người lại trả lời về địa điểm của Nước Trời, vì ngay lúc bấy giờ Người chính là Nước Trời đang ở trước mặt họ và đang ở giữa họ, một Nước Trời đã đến với họ và ở cùng họ mà họ không nhận ra, chưa nhận thấy, dù Người luôn tỏ mình ra cho họ.

Vì Nước Trời chính là Chúa Kitô mà ngay sau khi trả lời cho những người biệt phái hỏi Người về Nước Trời bấy giờ, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về chính bản thân Người như sau:

"Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: 'Này Người ở đây và này Người ở kia', các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".

Qua câu căn dặn có tính cách cảnh báo này, Chúa Giêsu như muốn nói với các môn đệ của Người rằng: các con không thể nào hiểu được Thày đâu, chính vì thế mà "các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy", vì "nơi Thày đi các con không thể đến được" (Gioan 13:33). 

Thày là Đấng không phải như những gì người ta tưởng đâu các con à, đừng có mà nghe theo óc tưởng tượng giả tạo của họ: "Người ta sẽ bảo các con: 'Này Người ở đây và này Người ở kia', các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm". Các con chỉ có thể nhận biết Thày thực sự là ai khi Thày "bị treo lên" (Gioan 8:28), nghĩa là chỉ sau khi "Thày đi để dọn chỗ cho các con" trên thập tự giá "để Thày ở đâu các con cũng được ở đó với Thày" (xem Gioan 14:3): "Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".

Thế nhưng, con đường tử nạn tràn đầy sự dữ và tận cùng sự dữ này của Chúa Kitô mới thật sự chứng tỏ sự khôn ngoan vô cùng và bất diệt của Thiên Chúa trong việc Ngài nhờ đó mới được dịp và có thể tỏ hết bản tính toàn thiện vô cùng từ bi thương xót của Ngài ra như Ngài là cho nhân loại nhận biết mà được cứu độ, mà được hiệp thông thần linh với Ngài. Nếu "Nước Trời ở giữa quí vị", như Chúa Giêsu nói với "những người biệt phái" trong Bài Phúc Âm hôm nay, ám chỉ Người ở giữa họ mà họ không nhận ra, và sở dĩ họ không nhận ra Người vì bản thân của Người từ bi nhân hậu và khổ nạn là những gì hoàn toàn phản lại với tâm thức và lòng mong chờ của họ, thậm chí trái nghịch cả với cả các môn đệ của Người. Như thế, "Nước Trời ở giữa quí vị" đây cũng là lòng thương xót luôn thương cảm tha thứ và hy sinh phục vụ cho lợi ích của nhân loại của một Vị Thiên Chúa làm người.

Do đó, chỉ có những ai có lòng xót thương mới nhận ra "Nước Trời ở giữa" họ và ở nơi họ mà thôi. Trong Bài Đọc 1 hôm nay, theo chiều hướng của Bài Phúc Âm về thực tại thần linh "Nước Trời ở giữa" những ai có lòng xót thương như Chúa Kitô, Thánh Phaolô đã xin với người bạn Philêmon của ngài tha cho người nô lệ của nhân vật này là Ônêsimô, tội đã ăn cắp của nhân vật ấy rồi bỏ trốn sang Roma rằng:

"Anh thân mến, tôi rất đỗi vui mừng và an ủi, vì lòng bác ái của anh, vì hỡi anh, nhờ anh mà tâm hồn các thánh được hài lòng. Bởi đó, dầu trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có đủ quyền để truyền cho anh điều phải lẽ, nhưng tôi thà nại vào đức bác ái mà nài xin anh thì hơn, vì anh cũng như tôi. Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh cho Ônêsimô, đứa con tôi đã sinh ra trong xiềng xích. Xưa kia nó là người vô ích cho anh, nhưng hiện nay, nó lại hữu ích cho cả anh và tôi nữa, tôi trao lại cho anh. Phần anh, anh hãy đón nhận nó như ruột thịt của tôi... Vì biết đâu nó xa anh một thời gian để rồi anh sẽ tiếp nhận nó muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với tôi, huống chi là đối với anh, về phần xác cũng như trong Chúa".

 

Bài Đáp Ca hôm nay, được trích từ Thánh Vịnh 145, bày tỏ cảm nhận thần linh về Vị "Thiên Chúa nhà Giacóp" xót thương "phù trợ" những ai khốn cùng: "người bị áp bức... những kẻ đói ... những người tù tội... những kẻ đui mù... những kẻ bị khòm lưng khuất phục... những khách kiều cư... những người mồ côi quả phụ...", một tình thương tỏ hiện giữa loài người như "Nước Trời ở giữa" họ như thể "làm vua cho đến muôn đời"

 

1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.


 

 

Thứ Sáu

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Ga 4-9

"Kẻ nào giữ vững đạo lý này, sẽ được Chúa Cha và Chúa Con".

Trích thư thứ hai của Thánh Gioan Tông đồ.

Thưa Bà đáng kính, tôi rất đỗi vui mừng vì đã gặp thấy trong hàng con cái Bà có những kẻ sống trong chân lý, theo mệnh lệnh chúng ta đã nhận từ nơi Chúa Cha. Và thưa Bà, bây giờ tôi xin Bà, không phải như thể tôi viết cho Bà một mệnh lệnh gì mới, nhưng là mệnh lệnh chúng ta có từ ban đầu: là chúng ta phải thương yêu nhau. Và lòng mến này là chúng ta hãy sống theo mệnh lệnh của Người, vì đây là mệnh lệnh, là anh em hãy sống theo luật yêu mến, như anh em đã học biết từ ban đầu.

[Ấy là vì đã có lắm kẻ lừa gạt xuất hiện trong thế gian, những kẻ không tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô đến trong xác thịt. Ðó là kẻ lừa gạt, và là Phản-Kitô. Hãy coi chừng chính mình anh em, để khỏi làm hư hỏng mất các công khó của chúng tôi, nhưng mà để được lĩnh một phần thưởng sung mãn. Phàm ai xông tới trước mà không lưu lại trong giáo huấn của Ðức Kitô, tất không có Thiên Chúa. Kẻ nào lưu lại trong giáo huấn, kẻ ấy được có Cha và Con.]

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 1. 2. 10. 11. 17. 18

Ðáp: Phúc đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa (c. 1b).

Xướng: 1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh toàn, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. - Ðáp.

2) Phúc đức những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm kiếm tìm Ngài. - Ðáp.

3) Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài. - Ðáp.

4) Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài. - Ðáp.

5) Xin gia ân cho tôi tớ Ngài được sống, để tuân giữ những lời Ngài răn. - Ðáp.

6) Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. - Ðáp.

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 17, 26-37

"Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.

"Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

"Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.

"Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại".

Các môn đệ thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?" Người phán bảo các ông: "Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó".

Ðó là lời Chúa.



 

Suy nghiệm Lời Chúa

Về Ngày Cùng Tháng Tận


Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm vẫn tiếp tục với lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người, từ dấu chỉ Nước Trời ở bài Phúc Âm hôm qua đến sự kiện Nước Trời trong bài Phúc Âm hôm nay theo chiều hướng của câu những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu về thời điểm Nước Trời đến trong bài Phúc Âm hôm qua.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, những lời của Chúa Giêsu nói về ngày tận thế, một thời điểm cho ngày cùng tháng tận của thế giới này, đã xẩy ra như thế nào, được Thánh ký Luca ghi lại những lời Chúa Giêsu cho biết một cách tổng quan liên quan đến dấu hiệu của nó, đến việc cần phải đối phó với nó, và đến hiện tượng của nó thứ tự như sau:

Ngày tận thế - Dấu hiệu: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người. Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".

Ngày tận thế - Đối phó: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó".

Ngày tận thế - Hiện tượng: "Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người đàn ông nằm trên một giường, thì một người b đem đi, và người kia sẽ được để lại. Có hai người phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ b đem đi, còn người kia sẽ được để lại".

Trước hết, về dấu hiệu của mình thì ngày tận thế "xẩy ra như thời Noe" và như "thời ông Lót". Nghĩa là bấy giờ, vào những thời được Chúa Giêsu nêu lên đây, "thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng", "người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất". Tức trong khi con người ta chẳng để ý gì hết, cứ vui vẻ hưởng thụ và làm ăn sinh sống, thì "cũng sẽ xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện". 

Như thế thì quả thực "ngày Con Người xuất hiện" xẩy ra đùng một cái, chứ không từ từ hay được báo trước về ngày giờ chính xác của nó: "Như chớp lóe ra từ đông sang tây thế nào thì Con Người đến cũng như vậy" (Mathêu 24:27), hoàn toàn ngoài dự tưởng của con người, vào chính lúc con người không ngờ và chẳng kịp sửa soạn gì hết, ngoại trừ việc duy nhất là họ cần phải liên lỉ tỉnh thức: "Hãy tỉnh thức vì các con không biết được ngày giờ nào" (Mathêu 25:13).

Nếu vào "thời ông Noe" người ta cùng mọi sinh vật trên mặt đất bị đại hồng thủy hủy diệt (xem Khởi Nguyên 7:4), và vào "thời ông Lót" người ta bị mưa lửa từ trời đổ xuống thiêu hủy (xem Khởi Nguyên 19:24), chỉ vì con người bấy giờ quá ư là hư hỏng tội lỗi, toàn là nhục dục vào "thời ông Noe(xem Khởi Nguyên 6:3,5), thậm chí còn nhục dục đồng tính nữa vào "thời ông Lót" (xem Khởi Nguyên 19:4-14), thì hiện nay, con người càng văn minh về vật chất lại càng phá sản về luân lý, chắc chẳng cần bị Thiên Chúa ra tay, chính họ sẽ tự hủy diệt mình bằng quyền tự do được phép phá thai thoải mái và đồng tính hôn nhân vô sản lăng loàn của họ, chưa kể đến tình trạng con người bị tiêu diệt bởi chiến tranh và khủng bố cùng tai nạn nhân tạo liên tục xẩy ra chưa từng có trong lịch sử loài người.

Sau nữa, về cách đối phó với ngày tận thế, đối phó với những gì "xảy ra trong ngày Con Người xuất hiện" thì dù bất chợt xẩy ra vẫn còn có thể thoát nạn, vẫn còn có thể cứu vãn. Ở chỗ, đừng tiếc xót gì hết, như "trường hợp vợ ông Lót" trong lúc chạy trốn mà vẫn ngoảnh lại như còn tiếc xót những gì bị mất mát nên đã bị trở thành tượng muối (xem Khởi Nguyên 19:26). Lúc bấy giờ chỉ còn một cách duy nhất là "bỏ của mà chạy lấy người", đúng như lời Chúa căn dặn trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về".

Không biết ở đây có phải Chúa Giêsu muốn nói đến những thành phần Kitô hữu chứng nhân vào thời bấy giờ hay chăng, thành phần "ở trên mái nhà", tức là những con người loan truyền những gì được nói cho biết một cách riêng tư (xem Mathêu 10:27; Luca 12:3), và thành phần "ở ngoài đồng", tức là những người đang gieo rắc hạt giống đức tin hay đang gặt hái mùa màng (xem Gioan 4:35-38). Vì chính lúc "sự dữ gia tăng mà lòng con người hầu hết ra nguội lạnh" (Mathêu 24:12) thì "Tin Mừng về Nước Trời được rao giảng khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước. Chỉ sau đó mới tới ngày cùng tận" (Mathêu 24:14).

Sau hết, về hiện tượng của ngày tận thế, một thời điểm liên quan đến chết chóc, một thời điểm được biểu hiệu bằng chết chóc, một thời điểm con người đã đi đến chỗ tột cùng băng hoại, như chính Chúa Giêsu đã ám chỉ trong lời cuối cùng của Bài Phúc Âm hôm nay: "Xác chết ở đâu thì diều hâu bâu lại đó". 

Như thế thì phải chăng thế giới ngày nay cũng sắp sửa tận thế hay thậm chí đang ở ngày vào thời tận thế, vì họ đang "sống" trong sự chết: trong trận lụt "văn hóa sự chết - culture of death" (thành ngữ của ĐTC Gioan Phaolô II), thậm chí càng ngày nó càng trở thành một "văn hóa tận số - terminal culture" (ĐTC Phanxicô trả lời phỏng vấn từ Thổ Nhĩ Kỳ về Roma ngày 30/11/2014).

Chính lúc con người tự hủy diệt và không thể nào cứu được mình như thế, như một "xác chết" mới lại là lúc xuất hiện của "diều hâu" là loài chim vốn nhậy cảm với mùi chết chóc và thích rúc rỉa những gì là thối rữa. Và vì thế những ai không bị "diều hâu" rúc rỉa là thành phần được cứu rỗi, như được Chúa Giêsu ám chỉ về số phận của kẻ "được" mang đi, tức "được" giải thoát, "được" cứu độ, cũng như của người "bị" để lại cho "diều hâu" xâu xé làm thịt trong bài Phúc Âm hôm nay như sau: 

"Trong đêm ấy (đêm ám chỉ chết chóc và quyền lực hoành hành kinh khủng của sự dữ) sẽ có hai người đàn ông nằm trên một giường (hình như ở đây là hình ảnh ám chỉ đến tội đồng tính hôn nhân và hiện tượng đồng tính luyến ái?), thì một người được đem đi, và người kia sẽ b để lại. Có hai người phụ nữ xay cùng một cối (phải chăng đây là hình ảnh ám chỉ tội tạo sinh ngoại nhiên xẩy ra cho trường hợp của một người vợ son sẻ không con và một người nữ mang thai mướn thụ thai nhờ tinh trùng của người chồng có vợ không con?), thì một người sẽ được đem đi, còn người kia sẽ b để lại".

Theo chiều hướng ấy và ý nghĩa được suy diễn như vậy, ở đây người chia sẻ phụng vụ lời Chúa xin phép được tạm chuyển đổi chữ "bị" thành chữ "được" và chữ "được" thành chữ "bị" ở bản dịch của bài Phúc Âm hôm nay (xin so với nguyên văn câu này ở trong bài Phúc Âm của phần Lời Chúa trên đây).

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo về tình trạng băng hoại của loài người, sống như vô thần và chỉ biết hưởng thụ hiện sinh thôi, rất nguy hiểm cho phần rỗi, nếu không biết dứt khoát với chính bản thân mình và với thế gian, trung kiên với những gì là chân thật, như "ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về". Và đó là lý do trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Gioan Tông Đồ, qua Thứ Thứ Hai của ngài, mới có những lời lẽ ngài muốn nói cùng đối tượng bức thư của ngài như sau:


"Thưa Bà đáng kính, tôi rất đỗi vui mừng vì đã gặp thấy trong hàng con cái Bà có những kẻ sống trong chân lý, theo mệnh lệnh chúng ta đã nhận từ nơi Chúa Cha. Và thưa Bà, bây giờ tôi xin Bà, không phải như thể tôi viết cho Bà một mệnh lệnh gì mới, nhưng là mệnh lệnh chúng ta có từ ban đầu: là chúng ta phải thương yêu nhau. Và lòng mến này là chúng ta hãy sống theo mệnh lệnh của Người, vì đây là mệnh lệnh, là anh em hãy sống theo luật yêu mến, như anh em đã học biết từ ban đầu.


Họ là thành phần được Thánh Vịnh 118 ở Bài Đáp Ca hôm nay ca ngợi là thành phần "Phúc đức" như sau:

1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh toàn, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa.

2) Phúc đức những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm kiếm tìm Ngài.

3) Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài.

4) Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài.

5) Xin gia ân cho tôi tớ Ngài được sống, để tuân giữ những lời Ngài răn.

6) Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa.

 

 

 

15/11

Thánh Albertô Cả, Giám mục Tiến sĩ Hội thánh

 

Saint Albert the Great, Bishop and Doctor - My Catholic Life!

I. ĐÔI HÀNG LỊCH SỬ

Thánh Albert Cả là linh mục Ða Minh người Ðức có ảnh hưởng đến lập trường dứt khoát của Giáo Hội đối với triết lý của Aristote được du nhập vào Âu Châu do sự phát triển của Hồi Giáo.

Các sinh viên triết biết đến ngài như vị thầy của Thánh Tôma Aquinas. Sự hiểu biết về triết Aristote của Thánh Albert tạo môi trường thích hợp cho Thánh Tôma Aquinas phát triển cái nhìn tổng hợp của ngài về văn hóa Hy Lạp và thần học Kitô Giáo. Nhưng Thánh Albert vẫn xứng đáng là một học giả am tường, trung thực và cần cù.

Ngài sinh năm 1206 tại Lauingen (Bavaria). Là con cả của một lãnh chúa quyền thế và giàu có ở Ðức. Ngay từ nhỏ ngài đã nổi tiếng thông minh. Lớn lên, ngài vào trường đại học ở Padua, nước Ý, và chính ở đây ngài gia nhập dòng Ða Minh khiến gia đình thật khó chịu.

Sự lưu tâm vô bờ của ngài đến các lãnh vực khác nhau đã thúc giục ngài viết các tổng lược về: khoa học tự nhiên, hùng biện, toán học, thiên văn, luân lý, kinh tế, chính trị và siêu hình học. Công trình này phải mất 20 năm mới hoàn tất. Ngài nói, “Mục đích của chúng tôi là đưa ra tất cả những học thuật trước đây để Giáo Hội Tây Phương có thể lĩnh hội được.”

Ngài đạt được mục đích ấy trong khi vừa giảng dạy tại Paris và Cologne, khi làm bề trên dòng Ða Minh và ngay cả khi là giám mục của Regensburg từ năm 1260 đến 1262.

Ngài bảo vệ các dòng Ða Minh và Phanxicô chống lại sự tấn công của William ở Thành Amour, và giúp Thánh Tôma chống lại với tà thuyết Averroi.Thánh
Thánh Albert là vị tiến sĩ uyên bác về mọi phương diện (Universal Doctor), một nhà học giả, một quản trị gia, một nhà triết gia, vạn vật học, và một nhà thần học siêu đẳng, nêu gương các đức tính của một nhà thông thái ngày nay.

Ngài qua đời ngày 15 tháng 11 năm 1280 tại Cologne, Prussia (modern Germany) và được mai táng trong nhà thờ Thánh Andrea, Cologne.

Ngài được Đức Giáo Hoàng Gregory XV tôn phong Chân Phước năm 1622 và Đức Giáo Hoàng Pius XI phong thánh và tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 16 tháng 12 năm 1931. Đức Pius XII đặt làm quan thầy những nhà chuyên môn tự nhiên học năm 1941.

II. SỰ NGHIỆP.

Nhìn lại cuộc đời của thánh Albertô, chúng ta thấy Ngài quả thực là một thiên tài Chúa ban cho Giáo Hội, là vị tiến sĩ uyên bác về mọi phương diện (Universal Doctor), một nhà học giả, một quản trị gia, một nhà triết gia, vạn vật học, và một nhà thần học siêu đẳng, nêu gương các đức tính của một nhà thông thái ngày nay, thế nhưng sau những đức tính nổi bất đó, tôi còn thấy một đức tính tuy không nổi bất nhưng lại rất sáng chói cho rất nhiều người ngày hôm nay. Đó là biết rút lui đúng thời đúng lúc nhường GHẾ cho những người có khả năng hơn.

Lịch sử ghi lại: “ Khi đã hoàn thành công cuộc hết sức có thể, Ngài xin từ chức để trở lại đời sống một tu sĩ đơn giản.”

Tấm gương của Ngài phải nói là một bài học cho nhiều người hôm nay.

Cụ thể nhất là việc Đức Thánh Cha Bênêđictô Ngày 11 tháng 2 năm 2013, tuyên bố sẽ từ chức Giám mục Rôma, Giáo hoàng Giáo hội Công giáo kể từ ngày 28 tháng 2 năm 2013.

Trong công nghị lúc 11 giờ sáng ngày 11 tháng 2 năm 2013, trước sự hiện diện của các hồng y và giám mục, ngài tuyên bố:

“Anh em rất thân mến.

Tôi triệu tập anh em đến dự Công nghị này không phải để chỉ nói về 3 cuộc phong thánh, nhưng còn để thông báo cho anh em một quyết định rất quan trọng đối với đời sống Giáo hội. Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa. Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, những còn bằng đau khổ và cầu nguyện. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị dao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi. Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các hồng y ngày 19 tháng 4 năm 2005, để từ ngày 28 tháng 2 năm 2013 sắp tới, Tòa Roma, Tòa Thánh Phêrô sẽ trống tòa từ lúc 20 giờ và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật Nghị Hồng y để bầu vị giáo hoàng mới.

Anh em rất thân mến, tôi chân thành cảm ơn anh em vì tất cả lòng quý mến và công việc mà anh em đã cùng mang gánh nặng sứ vụ của tôi, và tôi xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy phó thác Hội Thánh cho vị Mục Tử Tối cao, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và cầu xin Mẹ Maria của Ngài, với lòng từ mẫu xin Mẹ trợ giúp các Hồng y trong việc bầu vị giáo hoàng mới. Về phần tôi, cả trong tương lai, tôi muốn hết lòng phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa bằng cuộc sống dành trọn cho việc cầu nguyện.”

Thật là tấm gương sáng chói cho tất cả những ai đang sống trong Giáo hội của Chúa.

Một câu chuyện khác cũng thật cảm động: “Ngày 28/8/2020, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố từ chức. Ông nói trong cuộc họp báo:

“Tôi đã quyết định từ chức Thủ tướng”. “Tôi không muốn bệnh tật dẫn tới những sai lầm trong các quyết sách quan trọng”.

“Tôi xin lỗi từ tận đáy lòng mình rằng mặc dù được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản, nhưng tôi vẫn quyết định từ chức dù vẫn còn 1 năm nhiệm kỳ. Tôi không thể làm Thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân”

Ngày 03/9/2021, người kế nhiệm ông Shinzo Abe là đương kim Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lại tuyên bố từ chức. Ông Suga cho biết:

“Như tôi đã nhiều lần nói với mọi người, bảo vệ mạng sống và sức khỏe của người dân là trách nhiệm của tôi với tư cách thủ tướng. Đó là những gì mà bản thân tôi cống hiến”.

“Tôi nhận ra tôi cần nguồn năng lượng rất lớn. Tôi không thể làm cả hai việc (tái tranh cử và xử lý đại dịch). Tôi phải chọn một việc thôi”

Các Thủ tướng Shinzo Abe và Yoshihide Suga đã đặt quyền lợi nhân dân Nhật Bản lên trên quyền lợi cá nhân và đảng phái chính trị. Tuy còn sức khoẻ, còn rất minh mẫn, được nhân dân ủng hộ, nhưng ông Shinzo Abe từ chức trước nhiệm kỳ 1 năm vì “tôi không muốn bệnh tật dẫn tới những sai lầm trong các quyết sách quan trọng”, “tôi không thể làm Thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân”. Còn ông Yoshihide Suga thì “bảo vệ mạng sống và sức khỏe của người dân là trách nhiệm của tôi với tư cách thủ tướng”, “tôi cần nguồn năng lượng rất lớn”, “tôi không thể làm cả hai việc”, “tôi phải chọn một việc thôi”.

Nước Nhật hùng mạnh là bởi họ có những nhà lãnh đạo như thế. Họ không tranh luận về chủ thuyết. Họ không hô khẩu hiệu. Họ hành động. Họ biết tuy họ vĩ đại, nhưng còn có nhiều người vĩ đại hơn - nên phải nhường bước. Nếu họ là người vĩ đại nhất thì nước Nhật hết đường tiến.”

 

ĐTC Biển Đức XVI về Thánh Albertô Cả

 

Anh Chị Em thân mến,
 
Một trong những bậc đại sư của nền thần học thời trung cổ là Thánh Albetô Cả. Danh xưng “Cả” (Magnus) mà ngài đã trải qua trong lịch sử cho thấy tính chất bao rộng và sâu xa nơi giáo thuyết của ngài, một giáo thuyết ngài hòa hợp với đời sống thánh đức. Tuy nhiên, thành phần đồng thời của ngài không ngại qui cho ngài những tước hiệu tuyệt diệu thậm chí vào lúc bay giờ. Một trong những người moan đệ của ngài là Ulric ở Strasbourg, đã gọi ngài là “sự lạ và phép lạ của thời đại chúng ta”.
 
Ngài được sinh ra ở Đức, vào đầu thế kỷ 13. Khi còn trẻ ngài đã đến Ý, đến Padua, địa điểm của một trong những đại học đường nổi tiếng nhất thời trung cổ. Ngài đã dấn thân học hỏi khoa được gọi là “liberal arts”: văn phạm, thuật hùng biện, biện chứng pháp, đại số, hình học, thiên văn học và nhạc, tức là về văn hóa nói chung, chứng tỏ ngài hào hứng đặc biệt về các khoa học tự nhiên là những khoa học chẳng bao lâu trở thành lãnh vực ưu ctú cho việc chuyên muôn hóa của ngài. Trong thời gian ngài ở Padua ngài đã tham dự Nhà Thờ của các tu sĩ Dòng Đaminh, thành phần ngài sau đó gia nhập bằng việc tuyên các lời khan dòng.
 
Các nguồn liệu nguyên cứu về các vị thánh cho rằng Thánh Albetô đã từ từ tiến đến quyết định này. Mối liên  hệ sâu đậm của ngài với Thiên Chúa, gương thánh đức của Anh Em Tu Sĩ Dòng Đaminh, nghe những bài giảng của Chân Phước Jordan thành Saxony, vị thừa kế của Thánh Đaminh làm Tổng Quyền Dòng Giảng Thuyết, là những yếu tố quyết liệt giúp ngài chế ngự mọi ngờ vực và thậm chí thắng vượt được việc chống đối của gia đình ngài. Thiên Chúa thường nói với chúng ta trong những name tháng trẻ trung của chúng ta và chỉ cho chúng ta thấy được dự phóng của đời sống chúng ta. Cũng thế đối với Thánh Albetô, cũng như cho tất cả chúng ta, việc tư riêng nguyện cầu, được nuôi dưỡng bằng lời Chúa, việc thường xuyên lãnh nhận các Bí Tích và việc được linh hướng bởi thành phần khôn ngoan là phương tiện khám phá ra tiếng nói của Thiên Cúa và tuân theo tiếng của Ngài. Ngài đã lãnh nhận áo dòng từ Chân Phước Jordan thành Saxony.
 
Sau khi thụ phong linh mục, các vị bề trên của ngài sai ngài đi dạy học ở các trung tâm khác nhau học hỏi về thần học kế can với các tu viện của các Cha Dòng Đaminh. Các phẩm tính thông sáng của ngài đã có thể giúp ngài hoàn hảo những nghiên cứu về thần học của ngài ở đại học đường thời danh nhất bay giờ là Đại Học Paris. Từ bấy giờ trở đi Thánh Albetô bằt đầu hoạt động đặc biệt của mình như một cây bút, một hoạt động ngài đã theo đuổi suốt cuộc đời của ngài.
 
Những công việc có tính cách thanh thế đều được ủy thác cho ngài. Vào năm 1248, ngài có trách nhiệm mở một khóa học hỏi về thần học ở Cologne, một trong những thủ đô theo vùng quan trọng nhất ở Đức, nơi ngài đã sống qua những thời điểm khác nhau và là nơi trở nên thành phố thừa nhận của ngài. Ngài đã mang theo mình từ Paris một học sinh xuất sắc là Thánh Tôma Aquinas. Nguyên công làm thày của Thánh Tôma cũng đủ để heat lòng ca ngợi Thánh Albetô rồi. Mối liên hệ và tương kính và tương thân đã phát triển giữa hai đại thần học gia này, những thái độ nhân bản là những gì rất hữu ích trong việc phát triển ngành kiến thức này. Vào năm 1254, Thánh Albetô được chọn làm Giám Tỉnh Các Cha Đaminh Tỉnh Dòng Teutonic là tỉnh dòng bao gồm các cộng đồng rải rác khắp vùng rộng lớn ở Trung Âu và Bắc Âu. Ngài nổi bật về lòng nhiệt thành được ngài thi hành thừa tác vụ này, bằng việc viếng thăm các cộng đồng và liên tục kêu gọi anh em mình trung thành với giáo huấn và gương sáng của Thánh Đaminh.
 
Những tặng ân của ngài không thoát khỏi sự chú ý của vị Giáo Hoàng thời ấy, đó là Đức Alexander IV, vị muốn Thánh Albetô ở với mình một thời gian tại Anagni là nơi các Giáo Hoàng thường đến ở chính Rôma cũng như ở Viterbo, để làm cố vấn thần học co vị giáo hoàng này. Cũng vị giáo hoàng ấy đã bổ nhiệm Thánh Albetô làm Giám Mục ở Regensburg, một giáo phận rộng lớn và trứ danh, thế nhưng lại là một giáo phận đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Từ năm 1260 đến 1262, Thánh Albetô đã thi hành thừa tác vụ này bằng cuộc dấn thân không ngừng nghỉ, thành đạt trong việc phục hồi an bình và hòa hợp cho thành phố ấy, trong việc tái tổ chức lại các giáo xứ và các tu viện cũng như trong việc cống hiến một lức nay mới cho các hoạt động bác ái.
 
Trong năm 1263-1264, Thánh Albetô rao giảng ở Đức cũng như ở Bohemia, theo lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Urban IV. Sau đó ngài trở về Cologne và lãnh vai trò giảng viên đại học, học giả và tác giả. Là một con người cầu nguyện, khoa học và bác ái, việc ngài can thiệp uy thế của ngài vào các biến cố khác nhau của Giáo Hội cũng như của xã hội thời bấy giờ đã được hoan nghênh: trước heat ngài là một con người của sự hòa giải và hòa bình ở Cologne, nơi vị Tổng Giám Mục này đã đụng chạm trầm trọng với các cơ cấu của thành phố này; ngài đã đóng góp tối đa trong Công Đồng Lyon Thứ Hai name 1274 là công đồng được Đức Giáo Hoàng Gregôriô IX triệu tập để khuyến khích hiệp nhất giữa các Giáo Hội Latinh và Hy Lạp sau cuộc phân rẽ bởi cuộc đại ly giáo với Đông phương xẩy ra vào năm 1054. Ngài cũng đã dẫn giải tư tưởng của Thánh Tôma Aquinas là những gì đang bị chống đối và thậm chí còn bị nhiều cuộc lên án bất công.
 
Ngài đã chết trong phòng của ngài tại tu viện Thánh Giá ở Cologne vào năm 1280, và được anh em mình tôn kính rất sớm. Giáo Hội đã đặt ngài lên bàn thờ bằng việc phong chân phước cho ngài vào năm 1622 và phong thánh cho ngài vào năm 1931, khi Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên bố ngài là Tiến Sĩ của Giáo Hội. Đó that sự là việc công nhận thích đáng về con người cao cả này của Thiên Chúa và là một học giả ngoại hạng, chẳng những về các sự that của đức tin mà còn về nhiều ngành kiến thức lớn khác; that vậy, với một thoáng nhìn vào các tước hiệu của rất nhiều hoạt động của ngài, chúng ta nhận thấy rằng có một cái gì đó lạ lùng về văn hóa của ngài và những khuynh hướng bách khoa đã dẫn ngài chẳng những đến chỗ quan tâm tới triết lý và thần học, như các nhân vật đương thời của ngài, mà còn tới các hết mọi ngành khác được biết đến bay giờ, từ vật lý tới hóa học, từ thiên văn tới vi thể học, từ thảo mộc tới thú vật. Vì lý do ấy Đức Giáo Hoàng Piô XII đã đặt ngài làm Quan Thày của thành phần say mê các khoa học thiên nhiên và cũng gọi ngài là “Tiến Sĩ về vũ trụ” chính bởi vì sự bao rộng nơi những mối quan tâm và kiến thức của ngài.
 
Dĩ nhiên, các phương pháp khoa học được Thánh Albetô Cả sử dụng không phải là những phương pháp được thiết lập vào các thế kỷ sau đó. Phương pháp của ngài chỉ ở tại việc quan sát, diễn tả và phân loại hiện tượng ngài nghiên cứu, thế nhưng nhờ thế ngài đã mở cánh cửa cho việc nghiên cứu trong tương lai. Ngài vẫn có nhiều điều để dạy chúng ta. Trước hết, Thánh Albetô Cả cho thấy rằng không có vấn đề chống đối nhau giữa đức tin và khoa học, bất chấp xẩy ra một số giai đoạn hiểu lầm được lịch sử ghi nhận. Là một con người của đức tin và cầu nguyện, Thánh Albetô Cả có thể thản nhiên nuôi dưỡng việc nghiên cứu các khoa học tự nhiên và sự tiến bộ về kiến thức của ngành tiểu thế giới và đại thế giới, khám phá thấy các định luật hợp với từng vấn đề, vì tất cả đều góp phần vào việc nuôi dưỡng nỗi khao khát Thiên Chúa và lòng mến yêu Thiên Chúa. Thánh Kinh nói với chúng ta về thiên nhiên tạo vật như là thứ ngôn ngữ đầu tiên nhờ đó Thiên Chúa là thượng trí, là Lời, tỏ cho chúng ta biết một cái gì đó về chính mình Ngài. Sách Khôn Ngoan chẳng hạn, nói rằng hiện tượng thiên nhiên, được trang điểm với những gì là cao cả và đẹp đẽ, giống như các tác phẩm của một nhà nghệ sĩ, qua đó, nhờ so sánh, chúng ta có thể nhận biết Vị Tác Giả của thiên nhiên này (cf Wis 13:5). Nơi tính chất tương tự về cổ điển ở Thời Trung Cổ và ở Thời Phục Hưng, người ta có thể so sánh thế giới thiên nhiên với một cuốn sách được Thiên Chúa viết ra được chúng ta đọc theo các cách thức khác nhau của những ngành khoa học (cf. Address to the participants in the Plenary Meeting of the Pontifical Academy of Sciences, 31 October 2008; L'Osservatore Romano English edition, 5 November 2008, p. 6). Thật vậy, có biết bao nhiêu là khoa học gia, sau Thánh Albetô Cả, đã thi hành việc nghiên cứu của mình theo hứng khởi bởi nỗi ngỡ ngàng và niềm tri ân về một thế giới mà, đối với con mắt của họ là thành phần học giả và tín hữu, đã xuất hiện và đang xuất hiện như là một công cuộc tốt lành của một Vị Hóa Công khôn ngoan và yêu thương! Bởi thế việc nghiên cứu khoa học được biến thành một bài thánh ca chúc tụng. Enrico Medi, một đại thiên văn vật lý gia của thời đại chúng ta, vị đã ở vào tiến trình phong chân phước, đã viết: “Ôi các giải ngân hà huyền diêu các người… tôi thấy các người, tôi tính toán về các người, tôi hiểu biết về các người, tôi nghiên cứu về các người và tôi khám phá ra các người, tôi thấu suốt các người và tôi qui tụ các người. Từ các người tôi thấy được ánh sáng và làm cho nó trở thành kiến thức, tôi thấy các chuyện vận và làm cho nó thành sự khôn ngoan, tôi thấy được các mầu sắc tóe rạng và làm cho nó thành thi ca; tôi cầm lấy trong tay mình tinh tú các người, và cảm thấy rùng mình nơi cái duy nhất của hữu thể tôi, tôi nâng các người lean trên chính các người và dâng hiến các người lên Đấng Hóa Công bằng lời cầu nguyện, để qua duy một mình tôi tinh tú các người có thể tôn thờ” (Le Opere. Inno alla creazione).
 
Thánh Albêtô Cả nhắc nhở chúng ta rằng có một mối thân tình giữa khoa học và đức tin và qua ơn kêu gọi của chúng trong việc nghiên cứu thiên nhiên, các khoa học gia có thể đi vào con đường thánh đức chân thực và thiết tha. Tính chất cởi mở đặc biệt của ngài cũng được tỏ hiện cho thấy nơi một kỳ công về văn hóa được ngài thi hành một cách thành công, tức là việc ngài chấp nhận và cảm nhận tư tưởng của Aristote. Thật vậy, trong thời của Thánh Albetô Cả, kiến thức đã được trải rộng nhờ nhiều tác phẩm của nhà đại tiết lý Hy Lạp này, vị đã sống một phần tư thế kỷ trước Chúa Kitô, nhất là nơi lãnh vực đạo lý và siêu hình. Những tác phẩm này cđã cho thấy năng lực của lý trí, đã giải thích một cách minh bạch rõ ràng ý nghĩa và vấu trúc của thực tại, tính chất dễ hiểu của thực tại và giá trị cùng mục đích của các hành động con người. Thánh Albetô Cả đã mở cửa cho việc hoàn toàn chấp nhận vào triết lý và thần học trung cổ triết lý của Aristote, một thứ triết lý sau đó được Thánh Tôma cung cấp cho một hình thức nhất định. Chúng ta có thể nói việc chấp nhận triết lý của một người ngoại tiền Kitô giáo là một cuộc cách mạng thực sự về văn hóa vào thời bay giờ. Tuy nhiên, nhiều tư tưởng gia Kitô giáo đã cảm thấy sợ triết lý của Aristote, một thứ triết lý ngoài không phải Kitô giáo, nhất là vì, được trình bày bởi những nhà dẫn giải người Ả Rập của ông ta, nó đã được giải thích một cách, ít là ở một số điểm nào đó, như thể hoàn toàn bất khả hòa hợp với đức tin Kitô giáo. Bởi thế đã xẩy ra những gì là nan giải, ở chỗ, đức tin và lý trí có xung khắc với nhau hay chăng?
 
Một trong những công nghiệp lớn lao của Thánh Albetô đó là, với sự khiêm khắc về khoa học, ngài đã nghiên cứu các tác phẩm của Aristote, tin tưởng rằng tất cả những gì that sự hữu lý đều hợp với đức tin được mạc khải trong Thánh Kinh. Nói cách khác, Thánh Albertô Cả do đó đã góp phần vào việc hình thành một thứ triết lý tự lập, khác hẳn thần học và liên kết với thần học chỉ bằng mối hiệp nhất về chân lý. Bởi thế mà vào thế kỷ 13 mới có một phân  biệt rõ ràng giữa hai ngành kiến thức là triết lý và thần học, những ngành kiến thức, nhờ đối thoại với nhau, hợp tác một cách thuận hòa trong việc khám phá ra ơn gọi đích thực của con người, khao khát chân lý và hạnh phúc; và nhất là thần học được Thánh Albetô định nghĩa như là “kiến thức của cảm xúc”, một kiến thức cỉ vẻ cho con người ơn gọi của họ hướng đến niềm vui vĩnh hằng, một niềm vui xuất phát từ việc hoàn toàn gắn bó với chân lý. Thánh Albertô Cả có thể truyền đạt những quan niệm này một cách đơn giản và dễ hiểu. Là một người con chân thực của Thánh Đaminh, ngài muốn rao giảng cho Dân Chúa là thành phần được chính phục bởi lời của ngài cũng như bởi gương sống của ngài.
 
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin Chúa để các thần học gia thức giả không bao giờ bị thiếu thốn trong Hội Thánh, các thần học gia khôn ngoan và đạo hạnh như Thánh Albetô Cả, và xin ngài giúp cho mỗi người chúng ta biết chấp nhận “công thức thánh thiện” ngài đã theo đuổi trong cuộc đời của ngài, đó là “hãy mong muốn tất cả những gì tôi mong muốn cho vinh quang của Thiên Chúa, như Thiên Chúa mong muốn cho vinh quang của Người tất cả những gì Người mong muốn”, nói cách khác, hãy luôn tuân hợp ý muốn của Thiên Chúa, để bao giờ cũng mong muốn và làm hết mọi sự chỉ hoàn toàn cho vinh quang của Người.
 
 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20100324_en.html


Thứ Bảy

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 3 Ga 5-8

"Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho chân lý".

Trích thư thứ ba của Thánh Gioan Tông đồ.

Ông Gai-ô thân mến, xin ông cứ trung tín làm những gì ông đã thi hành cho các anh em, mặc dầu họ là ngoại kiều. Họ đã chứng minh lòng bác ái của ông trước mặt cộng đoàn; ông nên rộng rãi tiễn họ lên đường sao cho xứng đáng với Chúa. Vả chăng, chính vì danh Chúa, họ đã lên đường mà không nhận lãnh gì của dân ngoại. Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho Chân lý.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).

Xướng: 1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.

2) Trong nhà người có tài sản phú quỳ, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công minh. - Ðáp.

3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. - Ðáp.

Alleluia: 2 Tm 1, 10b

Alleluia, alleluia! - Ðấng Cứu Chuộc chúng ta là Ðức Giêsu Kitô đã dùng Tin Mừng mà tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 18, 1-8

"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng:

"Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù". Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: "Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc".

Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

Ðó là lời Chúa.


 

Suy nghiệm Lời Chúa

Ngày chỉ còn duy đức tin cứu độ


Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên hôm nay liên quan đến những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ về "một dụ ngôn dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng".

Nguyên văn dụ ngôn này như sau: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'".

Phải chăng đây là dụ ngôn liên quan đến ngày tận thế nói chung và cuộc chung thẩm nói riêng? Bởi vì, nếu tất cả mọi sự xẩy ra trên trần gian này, mà thực tế phũ phàng cho thấy, sự dữ dường như lấn át sự lành, kẻ lành bị thua kẻ mạnh. Kẻ dữ lại được may lành hơn người công chính. Người lành thường gian nan khốn khó lận đận. Kẻ cô đơn yếu thế (mà bà góa trong Bài Phúc Âm hôm nay tiêu biểu) bị đàn áp bất công. Bởi thế, nếu không có đời sau, không có vấn đề thưởng phạt công minh thì sống đức tin và tin vào Chúa thật là vô lý và vô cùng dại dột. Mất cả 2 đời.

Đó là lý do, sau khi đã nói với các môn đệ về dụ ngôn bà góa kêu oan, hay cũng có thể nói là dụ ngôn quan tòa nể xử, Chúa Giêsu đã kết thúc bằng một câu vừa để trấn an và phấn khích các môn đệ của Người vừa có tính cách cảnh báo liên quan đến ngày tận thế như sau:

"Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

Qua câu này, Chúa Giêsu chỉ có ý khuyên các môn đệ của Người, không phải chỉ cho thành phần môn đệ đang ở bên Người bấy giờ, mà cho mọi thế hệ môn đệ của Người, phải "bền đỗ đến cùng mới được cứu độ" (Mathêu 24:13). Nhất là thế hệ môn đệ cuối cùng ở vào thời tận thế, thời Người đến lần thứ hai, đến lần cuối cùng, thời điểm mà như Người cảnh báo: "không biết có còn đức tin trên thế gian này nữa hay chăng?

Đúng thế, thời tận thế là thời kinh hoàng khủng khiếp đến độ đối với loài người về cả thể xác lẫn linh hồn của họ, như Chúa Giêsu còn thẳng thắn tiết lộ không giấu diếm như sau: "vì những ngày ấy tràn đầy những gì là thống khổ hơn bất cứ thời nào từ khi hiện hữu thế giới này... Thật vậy, nếu giai đoạn này không được rút ngắn lại thì không một ai được cứu độ..." (Mathêu 24:21-22).

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ở khoản 675 cũng đã phải công nhận cuộc thử thách cuối cùng Giáo Hội phải trải qua đầy nguy hiểm đến đức tin của Kitô hữu là phần tử của mình vào thời điểm trước khi Chúa Kitô đến lần thứ hai cũng là lần cuối như sau:

"Trước khi Ðức Kitô quang lâm, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng khiến nhiều tín hữu bị lung lạc đức tin (x. Lc 18, 8; Mt 14, 12). Những cuộc bách hại mà Hội Thánh phải chịu trong suốt cuộc lữ hành trên trần thế (x. Lc 21, 12; Ga 15, 19-20) sẽ vạch trần 'mầu nhiệm sự dữ' dưới hình thức bịp bợm tôn giáo; hình thức này chỉ đem lại cho con người một giải đáp giả tạo cho các vấn đề của họ để rồi họ phải xa rời chân lý. Sự bịp bợm tôn giáo nham hiểm nhất là sự bịp bợm của tên Phản Kitô, nghĩa là của một thuyết Mêsia giả hiệu: trong đó, con người tự tôn vinh chính mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa và Ðấng Mêsia của Người đã đến trong xác phàm (x. 2Th 2, 4-12; 1Th 5, 2-3; 2Ga 7; 1Ga 2, 18. 22)".

Nếu ma quỉ là cha của tất cả những gì dối trá (xem Gioan 8:44), thì càng vào thời điểm ngày cùng tháng tận càng cho thấy đầy tràn những gì là gian dối, toàn là fake news, là thuyết âm mưu v.v. nhiều tiên tri giả - fake / false prophet và kitô giả - fake / anti christ, và kẻ lành, thành phần công chính vào thời ấy là thành phần phái yếu, cô thân cô thế và lép vế, như bà góa trong bài Phúc Âm hôm nay, bị bách hại và oan ức, và đó là một trong những lý do cần có một cuộc chung thẩm vào giây phút chấm dứt lịch sử loài người, để chân lý được sáng tỏ, và bấy giờ chỉ có "những ai bền đổ đến cùng mới được cứu độ" (Mathêu 24:13), nghĩa là trung thành với chân lý, những gì là chân thật, dù bị thiệt thân.

Theo chiều hướng của Bài Phúc Âm, Thánh Gioan Tông Đồ trong Bài Đọc 1 hôm nay, qua Thư Thứ Ba của mình, ngài đã khuyên nhân vật được ngài viết thư về vấn đề "trung tín" cần có liên quan đến "lòng bác ái" đối với tha nhân trong việc "cộng tác... hoạt động cho chân lý" như sau:

"Ông Gai-ô thân mến, xin ông cứ trung tín làm những gì ông đã thi hành cho các anh em, mặc dầu họ là ngoại kiều. Họ đã chứng minh lòng bác ái của ông trước mặt cộng đoàn; ông nên rộng rãi tiễn họ lên đường sao cho xứng đáng với Chúa. Vả chăng, chính vì danh Chúa, họ đã lên đường mà không nhận lãnh gì của dân ngoại. Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho Chân lý".

Những ai bền đỗ đến cùng, trung thành với chân lý bất chấp mọi sự ấy quả thật là "người tôn sợ Chúa", được Thánh Vịnh 111 ở Bài Đáp Ca hôm nay khen tặng là "phúc đức" như sau:

 

1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.

2) Trong nhà người có tài sản phú quỳ, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công minh.

3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.

 

 

THÁNH MARGARITA SCOTLAND / Tô Cách Lan

(1045-1093)

A Clerk of Oxford: St Margaret of Scotland

 

Toàn lãnh thổ Anh Quốc xôn xao náo động khi hay tin nhà vua tử trận, ngai vàng rơi vào tay quân xâm lăng! Hoàng tử Edgar tuyên bố lên ngôi thế quyền vua cha chống giặc xâm lăng. Ðể tránh đổ máu, hoàng hậu Agatha và công chúa Margaret trốn sang Tô Cách Lan. Họ được vua Malcolm niềm nở tiếp đón. Sự đón nhận thân thiện và ấm cúng hơn khi vua Tô Cách Lan “phải lòng” Margaret, công chúa Anh Quốc.

Nàng công Chúa Margaret nhan sắc tuyệt vời; tính tình thùy mỵ, đoan trang và trầm lặng. Chính những tư cách đó đã “thu hồn” nhà lãnh đạo Tô Cách Lan, vốn bẩm tính nóng nẩy bồng bột. Tuy nhiên, Margaret đã khám phá nơi Malcolm sự chân thành đạo hạnh như những kho tàng quí giá ẩn sâu dưới bề mặt gập ghềnh như vùng đồi núi xứ Tô. Hai người yêu nhau. Lễ thành hôn cử hành năm 1070 vừa khi Margaret tròn 24 tuổi đời. Thật là ngày trọng đại cho toàn dân Tô Cách Lan nói chung và cho vua Malcolm nói riêng. Margaret trở thành Hoàng Hậu Tô Cách Lan.

Là người Công Giáo chân chính, ngay từ khởi đầu cuộc đời hôn nhân, Margaret đã hướng tâm trí chồng vào công cuộc từ thiện bác ái. Tay nàng luôn mở rộng, đón nghe lời van nài của người nghèo khổ. Chẳng bao lâu, Margaret nhận thấy “quê hương thứ hai” của nàng cần phải đổi thay. Vì trong nhiều trường hợp, Linh Mục cũng như giáo dân lơ là việc thực hành Ðức Tin. Sự giáo dục trẻ em bị bỏ rơi. Việc giữ chay và mừng kính các ngày lễ đã dần rơi vào quên lãng.

Ngoài sắc đẹp duyên dáng và lòng đạo hạnh đáng yêu của vợ, vua Malcolm còn thấy Margaret có một trí thông minh xuất chúng, biết nhìn xa trông rộng. Bởi đó, nhiều lần Malcolm đã tham khảo ý kiến nàng về việc nước và trao đặt công cuộc ích quốc lợi dân nơi tay nàng.

Công việc đầu tiên nhân danh quyền bính của chồng, Margaret kêu gọi họp công đồng toàn quốc. Các vị Giám Mục và Linh Mục trong nước hội họp và bàn luận để chấn chỉnh cách sống đạo của Giáo Hội Tô Cách Lan. Kết quả trông thấy! Giáo Hội Tô Cách Lan ngày một cải tiến. Người ta xây nhà thờ mới, sửa chữa nhà thờ cũ. Các nhà truyền giáo ngoại quốc được mời đến truyền đạo. Nhiều tu viện được thành lập, trong đó có đan viện Dunfermline do chính hoàng hậu Margaret và vua Malcolm thiết lập. Con em được giáo dục chu đáo.

Thánh Margarita ở Tô Cách Lan quả thật là một phụ nữ đã được giải phóng nghĩa là ngài hoàn toàn tự do để trở thành chính bản thân mình theo đúng nghĩa. Ðối với ngài, điều đó có nghĩa được tự do để yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Margarita không phải sinh ra là người Tô Cách Lan. Ngài là con gái của Công Chúa Agatha Hung Gia Lợi và Thái Tử Edward Atheling của xứ Anglo-Saxon. Thời niên thiếu, ngài sống trong triều đình của người bác là vua thánh Edward, vua nước Anh. Khi bị William xâm chiếm, trên đường chạy trốn, gia tộc ngài bị đắm tầu ở bờ biển Tô Cách Lan. Vua Malcolm của Tô Cách Lan làm quen với hoàng tộc này và ông đã say mê sự duyên dáng cũng như vẻ đẹp của Margarita. Và họ đã kết hôn ở lâu đài Dunfermline năm 1070.

Vua Malcolm là người tốt bụng, nhưng cộc cằn và không có học thức, cũng giống như quê hương của ông. Vì tình yêu của Malcolm dành cho Margarita mà bà có thể thay đổi tính tình nóng nẩy của ông, cũng như chỉ bảo cách đối xử và giúp ông trở nên một vị vua nhân đức. Bà đã biến triều đình thành một nơi lịch thiệp và mỹ miều. Ông đã để mọi việc trong nước cho bà quản trị và thường hỏi ý của bà khi có vấn đề quốc sự.

Margarita là một ơn huệ Chúa ban cho người dân Tô Cách Lan. Trước khi bà đến đây, có rất nhiều người dốt nát và nhiều hủ tục trong nước. Bà tìm cách cải tiến quê hương chồng bằng cách cổ võ việc giáo dục và nghệ thuật. Về cải cách tôn giáo, bà khích lệ tổ chức các thượng hội đồng và đích thân tham dự các buổi thảo luận nhằm chấn chỉnh những tệ đoan tôn giáo rất phổ thông thời ấy của tu sĩ cũng như giáo dân, tỉ như vấn đề buôn thần bán thánh, cho vay lời cắt cổ và loạn luân. Cùng với đức lang quân, bà xây dựng nhiều nhà thờ trong nước và chính tay bà thêu áo lễ cho các linh mục.

Dù bận rộn với đại cuộc nhưng Margaret không hề bê trễ việc gia đình. Nàng luôn thiết tha sủng ái và phục vụ chồng. Thêm vào đó nàng phải nuôi nấng và giáo gục 8 người con: 6 hoàng tử và 2 công chúa. Ngày ngày cung điện hoàng gia vang dội lời cầu kinh hai buổi sáng chiều. Nàng dậy các con yêu thương người nghèo khổ, chăm lo việc học hành, dậy chúng học lịch sử hai nước tổ tiên.

Vừa bước ra khỏi lâu đài, hoàng hậu Margaret liền được bọn nghèo khổ, kẻ túng đói, người tật nguyền vây quanh. Họ biết rõ lòng từ ái của nàng. Ai ai cũng được nàng tận tình giúp đỡ. Nàng đến từng căn nhà tồi tàn săn sóc bệnh nhân, thăm nom người nghèo. Giữa những công việc bề bộn hầu như không ngừng đó, Margaret luôn xếp giờ dự lễ, cầu nguyện và đọc Thánh Kinh hằng ngày.

Lúc này hoàng hậu Margaret đã 47 tuổi. Công việc nàng làm đã bằng cả chục người đàn bà khác. Sức nàng yếu kém dần. Thánh giá lần lượt đè trên vai. Vua Malcolm, chồng nàng, và hai hoàng tử phải xuất chinh bảo vệ giang sơn, chống giặc ngoại xâm. Quân ngoại bang quá lớn mạnh, lại thêm giặc nội công, nhà vua và quân đội Tô Cách Lan thật vất vả để chống đỡ giang sơn.

Tại hoàng cung, hoàng hậu Margaret đang bệnh nặng. Nàng thiết tha cầu cho chồng và hai con. Nàng dâng mọi nỗi thương đau bệnh tật, nguyện cầu cho cuộc trở về an toàn của chồng con, cách riêng cho phúc lợi tinh thần của họ.

Một hôm, một thân hình xác xơ, thiểu não, mình đầy thương tích, xuất hiện trước cửa phòng hoàng hậu. Ðó chính là hoàng tử Edgar, con nàng. Với bộ mặt rướm máu, phủ bụi đường, Edgar tiến đến bên giường mẹ, gối quì trong trầm mặc thương đau! Margaret đã cảm biết sự thật phũ phàng, nhẹ nhàng hỏi con:

-Cha con thế nào?

-Mẹ ơi, cha và Edward đã tử trận!

Nói xong, hoàng tử Edgar vùi mặt khóc thảm thương. Hoàng hậu Margaret thều thào trong hơi thở:

-Chúa ơi, còn đau thương nào lớn hơn đau thương này!?Cầu mong thánh giá này thanh tẩy con khỏi mọi tội nhơ!

Sau khi an ủi Edgar và gọi đầy tớ băng bó vết thương cho chàng, Margaret cho mời cha tuyên úy đến.

-Hai điều tôi xin cha, bao lâu cha còn sống, xin vui lòng nhớ cầu cho linh hồn hai vợ chồng tôi qua Thánh Lễ và kinh nguyện hằng ngày; đồng thời trông nom các con tôi, dậy chúng biết Chúa và thực hiện Thánh Ý Ngài.

Sau khi cha tuyên úy hứa thi hành các điều hoàng hậu xin, Margaret xưng tội và rước Mình Thánh Chúa lần sau hết. Thế rồi linh hồn nàng an bình giã từ vương quốc bé nhỏ vừa bị xé rách nơi trần gian, để bay về vương quốc vĩnh cửu thần tiên trên trời. Hôm đó là ngày 16 tháng 11 năm 1093, bốn ngày sau khi vua Malcolm và hoàng tử Edward tử trận.

Hoàng hậu Margaret được chôn cất tại nguyện đường đan viện Dunfermline, và được phong thánh năm 1250.

Lời Bàn

Có hai cách thi hành việc bác ái: cách “sạch sẽ” và cách “bẩn thỉu.” Cách “sạch sẽ” là tặng tiền bạc, quần áo cho các tổ chức phục vụ người nghèo. Cách “bẩn thỉu” là dùng chính bàn tay của mình để phục vụ mà không sợ dơ bẩn. Nhân đức trổi vượt của Thánh Margarita là lòng thương người nghèo. Mặc dù rất giầu sang, nhưng ngài đã đích thân thăm viếng người bệnh hoạn và chăm sóc họ với chính đôi tay của mình. Trong mùa Vọng và mùa Chay, hai ông bà đã quỳ xuống để phục vụ các trẻ em mồ côi và người nghèo hèn. Giống như Ðức Kitô, bà đã thi hành bác ái trong phương cách “bẩn thỉu.”

Lời Trích

“Khi bà lên tiếng, trong lời nói đầy sự khôn ngoan ấy có sức thay đổi lòng người. Khi bà im lặng, sự thinh lặng đầy suy tư. Toàn thể bề ngoài của bà phù hợp với tính tình trầm lặng mà dường như bà được sinh ra với một cuộc đời nhân đức” (Turgot, cha giải tội của Thánh Margarita).


Đaminh Maria cao tấn tĩnh, tổng hợp từ 2 vị linh mục: Cha Raymond Nguyễn Mạnh Thư, CRM và Cha Đaminh Phạm Xuân Uyển, SDB

 

St. Gertrude the Great - Saints & Angels - Catholic Online

Thánh Giêtruđê, “Người Nữ duy nhất gốc Đức quốc được gọi là ‘Cả’”

(ĐTC Biển Đức XVI)

 

 

 

 

 

 

...

​​