SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 

M
ùa Thường Niên Tuần IV 

Năm B (Chúa Nhật) Năm Chẵn (trong tuần)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



 

Chúa Nhật


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: Ðnl 18, 15-20

"Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: "Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Ðáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 32-35

"Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 1, 14 và 12

Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 1, 21-28

"Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người". Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for mark 1 21-28


Suy nghiệm Lời Chúa

 

 

 

ĐỨC KITÔ - THẦN HIỂN

 

 

 

Mới đọc Bài Đọc I cho Chúa Nhật Thứ IV Thường Niên Năm B hôm nay, nếu lưu ý tới tâm thức của dân Do Thái qua giòng lịch sử, sẽ thấy có một sự mâu thuẫn thật là mâu thuẫn ở nơi họ. Đó là, họ tỏ ra sợ hãi Thiên Chúa, nhất là mỗi khi Ngài tỏ mình ra cho họ, nghĩa là qua sự kiện thần hiển của Ngài (theophany), một cuộc thần hiển bao gồm những hiện tượng sấm xét, mây mù, lửa bốc, khói tỏa, động đất v.v. như trong biến cố ở Núi Sinai, được thuật lại trong Sách Xuất Hành (19:16-20) như sau:

 

"Ðến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ. Ông Mô-sê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa; họ đứng dưới chân núi. Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì Ðức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. Ðức Chúa ngự xuống trên núi Xi-nai, trên đỉnh núi. Người gọi ông Mô-sê lên đỉnh núi, và ông đi lên".

 

Lý do họ đã không muốn thấy những cuộc thần hiển kinh thiên động địa, đầy tính cách rùng rợn kinh hoàng này là như thế, họ đã ngỏ ý muốn và họ đã nhận được lời hứa đáp ứng thỏa đáng lời yêu cầu có lý của họ, như những gì Moisen nói với dân chúng trong Sách Đệ Nhị Luật ở Bài Đọc I hôm nay:

 

"Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó".

 

Ở đây, qua lời hứa với dân Do Thái về một "một tiên tri như ta" (tức như Moisen) như thế Thiên Chúa như muốn lập lại lời Ngài đã hứa với hai nguyên tổ ngay sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15) về "Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis" (ĐTC Gioan Phaolô II - nhan đề Thông Điệp đầu tiên ngày 4/3/1979), Đấng thuộc "giòng dõi người nữ". Và lời Ngài hứa ngay từ ban đầu với chung loài người và lời Ngài hứa với dân Do Thái qua Moisen trong Bài Đọc I hôm nay đã trở thành hiện thực "vào lúc thời điểm viên mãn" (Galata 4:4), tức "vào thời kỳ sau hết, Thiên Chúa đã nói với chúng ta nơi Người Con của Ngài" (Do Thái 1:1), chứ không phải "bằng nhiều thể nhiều cách khác nhau trong những thời gian đã qua" (Do Thái 1:1), và Người Con của Ngài "đã được hạ sinh bởi một người nữ, được sinh hạ dưới lề luật để cứu những ai bị lệ thuộc lề luật, hầu chúng ta được nhận lãnh thân phận làm dưỡng tử" (Galata 4:4-5).

 

Tuy nhiên, cho đến khi Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần này xuất hiện, nơi Nhân Vật Lịch Sử Giêsu Nazarét, đóng vai "một tiên tri như (Moisen)", trong việc "nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người", như Moisen lập lại lời Thiên Chúa về sứ vụ của vị tiên tri tương lai đầy hứa hẹn ấy với dân Do Thái trong bài Đọc I hôm nay, nhất là khi Vị Đại Tiên Tri Thiên Sai này nói cho họ biết tất cả sự thật về bản thân Người, thì dân Do Thái lại không chịu tin, lại tỏ ra hoàn toàn mâu thuẫn với cha ông của họ là thành phần sợ các cuộc thần hiển đầy rùng rợn đến chết được, như họ bày tỏ trong Bài Đọc I hôm nay; trái lại, họ còn lên án Người, ném đá Người và tìm cách sát hại Người nữa: "Ông chỉ là một con người mà cho mình là Thiên Chúa" (Gioan 10:33), và chính vì thế cuối cùng Người đã bị Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, sau khi nhân danh Thiên Chúa hỏi Người và được Người xác nhận Người là ai, thì đã vì Người mà vấp phạm: "Hắn lộng ngôn phạm thượng... Hắn đáng chết" (Mathêu 26:65-66).

 

Dân Do Thái mâu thuẫn và thật là mâu thuẫn ở chỗ đó. Nói đúng ra dân nào cũng vậy, cũng là người, cũng mang nhân tính nhiễm lây nguyên tội đầy mù quáng. Ở chỗ, họ chẳng những không chấp nhận Vị Thiên Chúa vô hình thần hiển đáng sợ, mà cũng chẳng chấp nhận Thiên Chúa hiện thân hữu hình như họ, sống gần gũi với họ. Đó là lý do câu xướng trước Bài Phúc Âm hôm nay mới được Giáo Hội chọn câu Phúc Âm của Thánh ký Gioan, liên quan đến cả mầu nhiệm nhập thể về phía Thiên Chúa lẫn điều kiện cứu độ bất khả thiếu về phía con người (ở những chi tiết được người viết gạch dưới): "Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. - Alleluia" (xem Gioan 1:14 và 12).

 

Và đó cũng là lý do, về phía con người, Giáo Hội đã chọn những câu trong Thánh Vịnh 94 (1-2. 6-7. 8-9) để khuyên dân Chúa "đừng cứng lòng" khi "các bạn nghe tiếng Người" như sau:

 

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta".

 

Thế nhưng, nếu vị Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay tỏ lòng mong muốn "ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng", thì Thánh Phaolô, Vị Tông Đồ Dân Ngoại, trong Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Corintô ở Bài Đọc II hôm nay nêu lên cho Kitô hữu một lối sống bình an tự tại, không bị chi phối bởi những lo lắng trần gian, nhờ đó mới có thể gắn bó với Chúa, một lối sống có thể nói là trinh khiết, hay của thành phần trinh nữ, như sau (người viết cố ý nhấn mạnh đến những chi tiết được gạch dưới):

 

"Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa".

 

Vấn đề được đặt ra liên quan đến Bài Đọc II hôm nay, một bài đọc được Giáo Hội chọn đọc để ngầm bảo với con cái của mình rằng chỉ có khi nào "hoàn toàn khắng khít với Chúa",

"khỏi phải lo lắng", như thành phần không vợ không chồng, như thành phần tu sĩ nam nữa sau này trong lịch sử Giáo Hội, thì như thế những ai sống theo ơn gọi vợ chồng khó nghe lời Chúa lắm sao, và vì thế sẽ khó nhận thức được những gì Chúa muốn và trọn vẹn đáp trả ý muốn của Thiên Chúa? Khách quan mà nói thì đúng như vậy. Đó là lý do, trong Bài Đọc I tuần trước, Thánh Phaolô đã khuyên Kitô hữu sống đời gia đình hãy sống ở thế gian như không thuộc về thế gian: "có vợ như không có vợ".

 

Nghĩa là vợ chồng hãy chấp nhận nhau trong Chúa và vì Chúa, nên có xẩy ra những gì khác nhau, nghịch nhau và thậm chí đụng nhau, họ vẫn có thể trung thành với nhau cho đến cùng. Chính khi vợ chồng sống đức ái trọn hảo, bằng đức tin sâu xa như thế, trong đời sống hôn nhân gia đình, là họ đã thực sự sống lời Chúa rồi vậy. Nhất là khi họ nhận biết Thiên Chúa tỏ mình ra qua các biến cố ngoài ý muốn của họ trong đời sống hôn nhân gia đình, những biến cố cũng là những gì Thiên Chúa muốn nói với con người, như việc Chúa Giêsu trừ thần ô uế trong bài Phúc Âm hôm nay Chúa Kitô muốn lập lại lời Người đã báo trước trong Bài Phúc Âm tuần trước rằng "Nước Thiên Chúa gần đến rồi" vậy.

 

Chính vì Chúa Giêsu Kitô chẳng những là "một tiên tri như (Moisen)" mà còn là chính "Lời đã có ngay từ ban đầu, Lời hằng ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa" (Gioan 1:1), "Lời (ấy) đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), nên khi "Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta (mới) kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ".

 

Cái "uy quyền" xuất phát từ Người qua lời "giảng dạy" của Người là do ba yếu tố bất khả thiếu sau đây: trước hết, xuất phát từ chính bản thân của Người là một Ngôi Vị Thần Linh, một Ngôi Vị đầy Thánh Linh, đầy sự sống, được tỏa ra từng lời nói, cử chỉ, tác hành và phản ứng của Người; sau nữa, xuất phát từ chính lời của Người, một lời chất chứa chính chân lý và là một chân lý có tác dụng "giải phóng" (Gioan 8:32) những tâm hồn nào khao khát chân lý, cởi mở và biết lắng nghe; sau hết, xuất phát từ chính các việc quyền năng Người làm, chẳng hạn như việc Người chữa lành và trừ quĩ, những việc đầy quyền năng có tác dụng tất yếu trong việc làm gia tăng thần lực cho lời giảng dạy của Người.

 

Phải chăng, chính vì thế mà trong Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Marcô, ngay sau khi nhận định "người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ", liền thuật lại việc Người cứu chữa một người bị thần ô uế ám như sau: "Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: 'Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa'. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: 'Hãy im đi và ra khỏi người này!' Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy".

 

Đúng vậy, nếu Thánh ký không cố ý sử dụng việc trừ thần ô uế ám của Chúa Giêsu để chứng tỏ cái "uy quyền" của Người nói chung và của lời Người nói riêng thì tại sao, ngay sau sự kiện trừ tà này của Chúa Giêsu, Thánh ký Marco cho biết thêm một chi tiết là lạ liên hệ tới lời giảng dạy của Người hơn là tới chính việc Người làm: "Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: 'Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người'. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa".

 

"Ðấy là một giáo lý mới ư?", dân chúng chứng kiến thấy việc Chúa Giêsu trừ tà nói như vậy, nói về "giáo lý", tức về những gì liên quan đến lời nói, đến lời giảng dạy hay đến giáo huấn của Người, chứ không phải họ nói rằng: Ðấy là một quyền năng mới ư? Bởi vì thứ "giáo lý" mới này, đối với dân chúng, ở nơi việc trừ tà của Chúa Giêsu, là những gì liên quan đến lệnh truyền của Người: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" đúng như họ đã cảm nhận: "Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người".

 

Thật thế, chính nhờ quyền lực vô song của "giáo lý mới" là lời Thiên Chúa mà nạn nhân bất hạnh trong Bài Phúc Âm hôm nay mới được trừ cho khỏi thần ô uế, ám chỉ các khuynh hướng trần tục đầy tính chất xấu xa hèn hạ nhơ nhớp, nhờ đó, Kitô hữu, như nạn nhân, mới có thể trở nên tinh tuyền, khỏi các đam mê nhục dục và tính mê nết xấu v.v., và mới có được một tấm lòng gắn bó với Chúa, không còn bận bịu lo toan trần tục, theo tinh thần  của Bài Đọc II hôm nay, để rồi, nhờ tấm lòng gắn bó với Chúa, theo chiều hướng của câu xướng trước Bài Phúc Âm hôm nay, họ mới dễ "đón nhận Người", nhờ đó, "Người sẽ ban cho họ quyền làm con cái Thiên Chúa", nghĩa là được hiệp thông thần linh với "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14) - Alleluia".

 

 

 

Ngày 28 tháng 1

Thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

lễ nhớ bắt buộc


Sinh năm 1225 trong một gia đình quý tộc ở A-qui-nô, rồi theo học tại đan viện Mon-tê Cát-xi-nô, tiếp đến tại đại học Na-pô-li, cuối cùng Tô-ma nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo và hoàn tất việc học tại Pa-ri và Cô-lô-nhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là An-bê-tô Cả. Thánh Tô-ma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng dòng thánh Đa-minh là chiêm niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết rất nhiều. Nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại đan viện Xi-tô ở Phốt-xa-nô-va. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng đưa về Tu-lu-dơ năm 1369.

 


Bài đọc 2

Không có gương nhân đức nào mà không có nơi thập giá

Trích bài chia sẻ của thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục.

Có cần thiết Con Thiên Chúa phải chịu đau khổ vì chúng ta không ? Thưa cần lắm, và có thể tóm lại trong hai lý do : một là để làm phương dược chữa trị tội lỗi, hai là để làm gương cho chúng ta noi theo.

Xét về phương dược để chữa trị mọi sự dữ mà chúng ta mắc phải vì tội lỗi, chúng ta gặp thấy linh dược nhờ cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô.

Nhưng xét về gương sáng thì ích lợi cũng không nhỏ, vì cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô đủ để soi sáng trọn vẹn cuộc đời chúng ta. Quả vậy, bất cứ ai muốn sống đời hoàn hảo, người ấy không cần làm gì khác ngoài việc khinh chê những gì Đức Ki-tô đã khinh chê trên thập giá và ao ước những gì Người đã ước ao. Bởi lẽ không có gương nhân đức nào mà không có nơi thập giá.

Nếu bạn muốn tìm một tấm gương bác ái, thì đây : Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Đó là điều Đức Ki-tô đã thực hiện trên thập giá. Vậy nếu Người đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, thì khi vì Người mà chúng ta phải chịu bất cứ đau khổ nào, sẽ chẳng có chi là quá nặng.

Nếu bạn muốn tìm một tấm gương nhẫn nhục, thì nơi thập giá có cả một tấm gương sáng ngời. Thật vậy, sự nhẫn nhục sẽ lớn lao vì hai lý do : hoặc khi người ta chịu những đau khổ lớn lao, hoặc khi người ta chịu những đau khổ có thể tránh được mà lại không tránh. Quả thế, Đức Ki-tô đã mang lấy những đau khổ lớn lao trên thập giá, và nhẫn nhục chịu đựng : Người chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín trước mặt kẻ xén lông, Người chẳng hề mở miệng. Như thế, sự nhẫn nhục của Đức Ki-tô trên thập giá thật là lớn lao : Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục.

Nếu bạn muốn tìm một tấm gương khiêm nhường, thì xin bạn nhìn lên Đấng chịu đóng đinh : Đấng vốn là Thiên Chúa mà đã muốn chịu xét xử dưới thời Phong-xi-ô Phi-la-tô và chịu chết.

Nếu bạn muốn tìm một tấm gương tuân phục, bạn chỉ việc bước theo Đấng đã vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết : Cũng như vì một người duy nhất, tức là ông A-đam, đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ trở thành người công chính.

Nếu bạn muốn tìm một tấm gương khinh chê của cải trần gian, bạn chỉ việc bước theo Đấng là Vua các vua và là Chúa các chúa, nơi Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết, thế mà trên thập giá Người đã chịu trần truồng, bị chế giễu, bị khạc nhổ, bị đánh đập, bị đội vòng gai và phải uống giấm chua mật đắng.

Vậy bạn đừng bám víu vào y phục và của cải, vì áo xống tôi, chúng đem chia chác ; đừng bám víu vào danh dự, vì Người đã chịu lăng nhục và bị đánh đòn ; đừng say mê chức tước, vì họ đã kết một vòng gai làm vương miện đội lên đầu Người ; và đừng ham mê thú vui nữa, vì tôi khát nước, lại cho uống giấm chua.

Lạy Chúa, Chúa làm cho thánh Tô-ma trở nên một bậc thầy lỗi lạc, vì đã ban cho người lòng tha thiết sống cuộc đời thánh thiện và hăng say giảng dạy đạo lý cao siêu. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con ngày càng hiểu biết điều người dạy và ra công bắt chước việc người làm. Chúng con cầu xin

ĐTC Biển Đức XVI:

23/6/2010 –  Bài 112: Thánh Thomas Aquinas - Tổng Luận Thần Học

16/6/2010 – Bài 111: Thánh Thomas Aquinas - Triết Lý Thần Học

2/6/2010 – Bài 110: Thánh Thomas Aquinas - Tiểu Sử

 

 

 

Thứ Hai


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I (Năm II): 2 Sm 15, 13-14. 30; 16, 5-13a

"Chúng ta hãy trốn khỏi Absalon. Hãy để Sêmê nguyền rủa theo lệnh của Chúa".

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có kẻ đến báo tin cho Ðavít rằng: "Toàn dân Israel hết lòng theo Absalon. Ðavít liền nói cùng các cận thần của ông ở Giêrusalem rằng: "Hãy chỗi dậy, chúng ta trốn đi, vì chúng ta không sao thoát khỏi tay Absalon. Các ngươi hãy ra mau đi, kẻo nó đến bắt chúng ta, gây tai hại cho chúng ta và dùng gươm giết hết dân thành". Ðavít trèo lên núi Cây Dầu, ông vừa leo vừa khóc lóc, đi chân không, đầu phủ khăn. Toàn dân theo ông cũng trùm đầu, vừa leo vừa khóc. Vậy vua Ðavít đến Bahumrim. Và này xuất hiện một người thuộc dòng họ Saolê, tên là Sêmê, con ông Giêra. Anh ta vừa đi vừa nguyền rủa, rồi ném đá Ðavít và những cận vệ của vua. Toàn thể dân chúng và tất cả binh sĩ đều đi hai bên tả hữu nhà vua. Vậy Sêmê nguyền rủa nhà vua rằng: "Hỡi kẻ khát máu, người của Bêlial, xéo đi, xéo đi! Chúa đã đổ trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Saolê mà ngươi đã tiếm vị. Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay Absalon, con ngươi. Này tai hoạ hành hạ ngươi, vì ngươi là một tên khát máu". Bấy giờ Abisai con trai của Sarvia, tâu vua rằng: "Cớ sao thằng chó chết này nguyền rủa đức vua tôi? Ðể tôi đi lấy đầu nó". Vua phán rằng: "Hỡi con của Sarvia, Ta với khanh có liên hệ gì đâu? Cứ để mặc nó nguyền rủa. Vì Chúa bảo nó: 'Hãy nguyền rủa Ðavít', ai dám hỏi nó: 'Tại sao ngươi hành động như vậy?'" Và Ðavít nói với Abisai và toàn thể các cận vệ rằng: "Kìa, con trai bởi lòng ta sinh ra, mà còn tìm giết ta, phương chi con của Giêmini đây. Hãy để nó nguyền rủa theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ nhìn thấy nỗi khổ tâm của ta, và hôm nay, Người sẽ đổi lời dữ ra hạnh phúc cho ta". Ðavít và các cận vệ của ông cứ tiếp tục đi.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 3, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con! (c. 8).

Xướng: 1) Thân lạy Chúa, nhiều thay người bách hại con, nhiều thay người nổi dậy chống con. Về con, nhiều kẻ thốt ra lời: "Hết trông hắn được Chúa trời cứu độ". - Ðáp.

2) Nhưng, lạy Chúa, Chúa là thuẫn hộ thân con, là vinh quang con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. Con lên tiếng kêu cầu tới Chúa, và Chúa đã nghe con từ núi thánh của Ngài. - Ðáp.

3) Con nằm xuống và đã ngủ ngon, rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng con. Con không kinh hãi ức triệu người ở chung quanh đồn trú hại con. Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con! - Ðáp.  

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia. 

Phúc Âm: Mc 5, 1-20

"Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.

Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.

Ðó là lời Chúa. 


Loving pigs more than Jesus – Pens and Picks

 


Suy nghiệm Lời Chúa

 

   

Đức Kitô Trừ Quỉ

  

Ngày Thứ Hai trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay, quyền uy trừ quỉ của Chúa Giêsu trong Bài Phúc Âm hôm nay thực sự là những gì phản ảnh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này.

Đúng thế, nếu quỉ cả không thể nào đi trừ quỉ con, vì ma quỉ không thể nào tự chia rẽ nhau, như chính Chúa Giêsu khẳng định trong Bài Phúc Âm Thứ Hai tuần trước, và nếu loài người vốn bị ma quỉ thống trị từ sau nguyên tội không ai có thể trừ quỉ, thì ai trừ được quỉ người đó chắc chắn phải từ Thiên Chúa là Đấng vô cùng toàn năng mà đến, hay là chính Thiên Chúa, như trường hợp của Vị Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô trong Bài Phúc Âm hôm nay.

Thật vậy, trong các người bị quỉ ám được bộ Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại, chưa có một trường hợp nào đầy kinh hoàng và thật khiếp sợ như trường hợp này, một trường hợp được Thánh ký Marco thuật lại trong Bài Phúc Âm hôm nay, vừa quá dữ tợn, quá mãnh liệt và quá nhiều quỉ, chứng tỏ không một con người thuần túy nào có thể trừ quỉ ngoại trừ một mình Vị Thiên Chúa Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô:

"Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy".

Sự kiện "một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra" và "người đó vẫn ở trong các mồ mả" (câu này bản dịch có thể bị hiểu lầm là người bị quỉ ám  bên trong các ngôi mộ, đúng hơn là "ẩn nấp ở giữa các ngôi mộ - the man had taken refuge among the tombs") cho thấy ma quỉ đồng nghĩa với chết chóc và gây ra chết chóc (xem Gioan 8:44), mà đã là người thì tự nhiên ai cũng sợ chết và bị chết về thể lý, không ai có thể thoát chết và làm chủ được sự chết, ngoại trừ Đấng từ cõi chết sống lại là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý".

Cho dù vì kiêu ngạo ngay từ ban đầu mà đệ nhất thần trời là minh thần Luxiphe đã cùng với 1/3 thần trời trở thành ma quỉ (xem Khải Huyền 12:4,7-9), chúng sau đó đã tỏ ra biết mình, như Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy thái độ của chúng tự động tỏ ra với Đấng quyền năng hơn chúng, dù Người còn ở đằng xa, và van xin với Người là Đấng mà chúng nhận biết là ai và đừng ra tay làm khốn chúng: 

"Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: 'Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi'". 

Thế nhưng, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" đến để cứu độ con người được dựng nên theo hình ảnh thần linh và tương tự thần linh (xem Khởi Nguyên 1:26-27) khỏi tội lỗi và sự chết gây nên bởi ma quỉ ngay từ ban đầu, khỏi tình trạng con người đang bị nô lệ ma quỉ và bị ma quỉ thống trị. Bởi thế Người đã ra tay trừ chúng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". 

Tuy nhiên, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, trước khi chúng xuất ra, "Người hỏi nó: 'Tên ngươi là gì?' Nó thưa: 'Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm'. Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy". Nếu tên của một con quỉ ám người ấy là "cơ binh" thì có thể suy ra rằng

1- Ma quỉ là một tập thể hơn là từng cá nhân, (hoàn toàn khác hẳn với con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa nhờ đó trở thành từng cá nhân được Ngài yêu thương), nên chúng không thể tách lìa nhau, "trừ khử nhau... chia rẽ nhau" (Marco 3:23-24); 

2- Ma quỉ là một quyền lực mãnh liệt, quyền lực tối tăm, quyền lực sự dữ, quyền lực chết chóc, không gì có thể thắng nổi, (như ở nơi trường hợp người bị chúng ám được diễn tả trong Bài Phúc Âm hôm nay), ngoi trừ quyền năng của một mình Thiên Chúa.

Ma quỉ chẳng những là một quyền năng nhưng tự bản chất chúng vẫn sợ đau khổ, vẫn sợ bị trừng phạt, bởi thế, cho dù tự mình là một quyền lực hủy hoại, chúng cũng đã đề nghị với Đấng trừ chúng, đúng hơn là xin cùng Đấng không thể nào không trừ chúng, cho chúng nhập vào đàn heo ở gần đó để chúng tự dùng quyền năng chết chóc của mình mà thực hiện một hành động "tự tử" qua đàn heo ấy, còn hơn bị một tay cao thủ hơn mình như Chúa Kitô ra tay hạ sát cho đỡ bị nhục nhã:

"Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: 'Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo'. Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối". 

Sự kiện đám quỉ xin nhập vào đàn heo đây dường như ám chỉ là ở nơi đâu vốn sống theo xu hướng về xác thịt, về đam mê nhục dục, về tham lam hưởng thụ, về những gì xấu ra tồi bại thấp hèn đều là những chỗ của ma quỉ và giành cho ma quỉ, những chỗ hết sức thuận lợi cho ma quỉ hoành hành hơn đâu hết, những chỗ ma quỉ là tác nhân mang lại chết chóc cho những tâm hồn quay cuồng theo cuộc sống buông thả như thế... 

Trường hợp của những con người sống băng hoại buông thả ấy có thể nói còn tệ hại và nguy hiểm hơn cả của trường hợp những ai bị quỉ ám nữa, vì người bị quỉ ám hoàn toàn xẩy ra ngoài ý muốn của họ, và họ không thể tự cứu mình cho đến khi được giải cứu bởi quyền lực thần linh của Thiên Chúa. Họ thật là đáng thương và cần cứu. Một khi được cứu và tỉnh lại, họ trở thành những con người tốt hơn trước, như trường hợp nạn nhân đương sự trong Bài Phúc Âm hôm nay: 

"Kẻ trước kia bị quỉ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng... Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị qu ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: 'Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con'. Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục".

Về phía thành phần dân chúng nói chung và chủ nhân của đàn heo bị thiệt hại nói riêng: "họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng", đến độ, họ chẳng những không tỏ ra cảm phục "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", như dân làng Samaria của người phụ nữ tội lỗi đã "tuốn ra gặp Người" mà còn "tin vào Người" nữa (xem Gioan 4:30,39), và mừng cho nạn nhân bị quỉ ám vốn là người trong làng của mình, mà họ lại còn có một thái độ hoàn toàn phản ngược, ở chỗ họ đã tỏ ra sợ hãi Chúa Kitô, như thể họ sợ hãi quyền năng trừ quỉ của Chúa, sợ hãi hành động bị trừ quỉ gây thiệt hại cho họ... 

Phải chăng đó là lý do ma quỉ đông như "đạo binh" đã thích thú ở vùng lầy bại hoại này, một vùng đầy những ma quỉ đông như cả một "đạo binh", một sào huyệt của ma quỉ nên chúng không muốn rời bỏ một nơi béo bở như vậy, và "nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy"? 

Và cũng phải chăng sau khi thoát khỏi cảnh bị ma quỉ khống chế ở miền này, nạn nhân được trừ quỉ không muốn ở lại một miền đất như sào huyệt của ma quỉ ấy nữa, mà chỉ muốn theo Đấng đã trừ qủi cho mình, theo Đấng đã giải thoát mình, một trường hợp duy nhất trong Phúc Âm liên quan đến nạn nhân trừ quỉ muốn theo Chúa Kitô sau khi được trừ quỉ??

Nhất là phải chăng Chúa Giêsu không chấp nhận lời xin rất chân thành và tốt lành hiếm có này của nạn nhân bị quỉ ám được Người giải thoát là vì Người muốn anh ta trở thành tông đồ của Người và cho Người ở ngay vùng đất của ma quỉ này, một vùng đất dân địa phương ở đấy không muốn thấy sự hiện diện cứu độ của Người, sợ hãi quyền năng giải thoát của Người, nhờ đó, nhờ sự hiện diện gián tiếp của Người qua chứng nhân sống động là anh ta mà ma quỉ không dám hoành hành miền đất ấy nữa. Anh ta trở thành như một ấn tín cứu độ của Người ở vùng này và cho vùng đất vốn là của ma quỉ và thuộc về ma quỉ mà chính anh ta đã từng là ngai tòa ngự trị của chúng giữa vương quốc của chúng ở đấy???

Trong bài giảng cho Lễ Thứ Sáu 29/1/2016 tại Nhà Trọ Thánh Matta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh một lần nữa, trong nhiều lần khác, về tình trạng tội lỗi là những gì khả chấp còn băng hoại là những gì bất khả chấp, như trường hợp của dân làng sống ở "địa hạt Giêrasa" có thái độ sợ Chúa trên đây trong bài Phúc Âm hôm nay, khi ngài kết thúc bài giảng của mình bằng lời cầu nguyện như sau:

"Lạy Chúa, xin cứu chúng con, xin cứu chúng con cho khỏi bị băng hoại. Ôi Chúa, vâng, chúng con là những tội nhân, thế nhưng không bao giờ trở thành băng hoại. Chúng con xin Chúa ban cho chúng con ơn này". 

Lời cầu nguyện này của Đức Thánh Cha Phanxicô là để kết thúc bài giảng liên quan đến Bài Phúc Âm trong ngày hôm ấy (Thứ Sáu tuần trước) về một Vua Đavít đi từ tội lỗi (ngoại tình với vợ người ta) đến băng hoại (lén lút sát hại người tôi trung của mình là chồng của một người vợ vì sợ mà ăn nằm với mình), và chính vì tội lỗi của vị vua được gọi là Thánh Vương Đavít này, cho dù vua đã tỏ ra thống hối, vua vẫn phải chịu tất cả mọi hậu quả bởi đó mà ra do chính Thiên Chúa ra tay sửa phạt vua, đúng như những gì Ngài phán qua miệng Tiên Tri Nathan trong Bài Đọc 1 Thứ Bảy tuần trước:

"Lưỡi gươm sẽ không bao giờ rời khỏi dòng dõi ngươi cho đến muôn đời, vì ngươi đã khinh dể Ta, đã cướp vợ của Uria người Hêthê làm vợ mình. Vì thế Chúa phán rằng: Từ gia đình ngươi, Ta sẽ gây nên tai hoạ đổ trên đầu ngươi. Ngay trước mặt ngươi, Ta sẽ đem thê thiếp của ngươi trao cho người khác, nó sẽ ăn ở với chúng ngay dưới ánh sáng mặt trời. Ngươi đã hành động thầm lén, còn Ta, Ta sẽ làm việc đó trước mặt toàn dân Israel và giữa thanh thiên bạch nhật".

Bài Đọc 1 hôm nay đã cho thấy những lời cảnh báo ấy của Thiên Chúa đã trở thành hiện thực và ứng nghiệm qua sự kiện nhà vua này chẳng những bị chính một trong những người con trai của mình là Absalon phản loạn mà còn bị một lê dân thường hèn dám ngang nhiên ném đá và công khai nhục mạ nữa:

"Và này xuất hiện một người thuộc dòng họ Saolê, tên là Sêmê, con ông Giêra. Anh ta vừa đi vừa nguyền rủa, rồi ném đá Ðavít và những cận vệ của vua...: 'Hỡi kẻ khát máu, người của Bêlial, xéo đi, xéo đi! Chúa đã đổ trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Saolê mà ngươi đã tiếm vị. Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay Absalon, con ngươi. Này tai hoạ hành hạ ngươi, vì ngươi là một tên khát máu'".

Tuy nhiên, phản ứng của vị vua tội lỗi nhưng không đến nỗi quá băng hoại này, trái lại, đã biết thống hối và thật tình thống hối này, qua thái độ vua sẵn sàng chấp nhận bị phạm thương và nhục mạ trước mặt quần thần của vua, và không cho phép ai được đụng đến phạm nhân của vua, nhất là đã trấn an một cận vệ của mình đang nguyền rủa phạm nhân và muốn ra tay cắt đầu hắn:

"'Cớ sao thằng chó chết này nguyền rủa đức vua tôi? Ðể tôi đi lấy đầu nó'. Vua phán rằng: 'Hỡi con của Sarvia, Ta với khanh có liên hệ gì đâu? Cứ để mặc nó nguyền rủa. Vì Chúa bảo nó: 'Hãy nguyền rủa Ðavít', ai dám hỏi nó: 'Tại sao ngươi hành động như vậy?' Và Ðavít nói với Abisai và toàn thể các cận vệ rằng: 'Kìa, con trai bởi lòng ta sinh ra, mà còn tìm giết ta, phương chi con của Giêmini đây. Hãy để nó nguyền rủa theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ nhìn thấy nỗi khổ tâm của ta, và hôm nay, Người sẽ đổi lời dữ ra hạnh phúc cho ta". Ðavít và các cận vệ của ông cứ tiếp tục đi".

Theo tự nhiên, ai cũng sợ chết nên chẳng ai dám đụng đến kẻ có quyền giết mình như vua chúa của mình. Bởi thế, con người dám công khai ném đá vua cùng triều thần của vua và phạm thượng nhục mạ Vua Đavít trong Bài Đọc 1 hôm nay quả là điên khùng, như thể bị quỉ ám vậy, một thứ quỉ ám chỉ có thể bị trừ bằng bác ái yêu thương của một tấm lòng tan nát khiêm cung như Vua Đavít ở Bài Đọc 1 hôm nay. 

Ngược lại, cũng có thể nói Thánh Vương Đavít đã bị quỉ ám khi phạm tội ngoại tình và sát nhân, bằng không, tự bản chất vốn tốt lành, đầy tin tưởng và yêu thương của vua từ nhỏ cũng như sau này, căn cứ vào các đoạn sách Samuel trước đó thuật lại về vua trong 2 tuần vừa qua, vì thế vua cần phải được trừ quỉ, và Thiên Chúa đã thực hiện việc trừ quỉ này cho vua, chẳng những đã dùng lời nói của Tiên Tri Nathan mà còn qua những hành động và lời nói phạm thượng của một tên lê dân của vua nữa trong Bài Đọc 1 hôm nay. 

Bài Đáp Ca hôm nay như phản ảnh tâm tình đối với Thiên Chúa của Vua Đavít trong lúc vua bị đứa con mình phản loạn và bị một lê dân của mình ném đá cùng nhục mạ:

1) Thân lạy Chúa, nhiều thay người bách hại con, nhiều thay người nổi dậy chống con. Về con, nhiều kẻ thốt ra lời: "Hết trông hắn được Chúa trời cứu độ". 

2) Nhưng, lạy Chúa, Chúa là thuẫn hộ thân con, là vinh quang con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. Con lên tiếng kêu cầu tới Chúa, và Chúa đã nghe con từ núi thánh của Ngài. 

3) Con nằm xuống và đã ngủ ngon, rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng con. Con không kinh hãi ức triệu người ở chung quanh đồn trú hại con. Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con!   

 


Thứ Ba


Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I (Năm II): 2 Sm 18, 9-10. 14b. 24-25a. 30 - 19, 3

"Absalon con cha ơi, sao cha không chết thay cho con?"

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Absalon đang cỡi lừa, tình cờ gặp các cận vệ của Ðavít, và khi con lừa đi qua dưới cây sồi to lớn rậm rạp, thì đầu ông vướng vào cây sồi, và ông bị treo lơ lửng, và con lừa ông đang cỡi cứ chạy. Có người thấy vậy, liền đi báo cho Gioáp rằng: "Tôi đã thấy Absalon bị treo trên cây sồi". Gioáp cầm ba chiếc lao phóng thẳng vào tim Absalon.

Bấy giờ Ðavít đang ngồi giữa hai cửa, còn người lính gác lúc đó đi trên thành phía trên cửa, ngước mắt lên trông thấy một người chạy về. Tên lính gác hô to báo tin cho vua. Vua liền nói: "Nếu chỉ có một đứa, tức là nó mang tin mừng". Vua nói với anh ta: "Ngươi hãy qua bên này". Khi anh ta đi qua và đứng đó, thì tên Kusi xuất hiện và tâu vua rằng: "Tâu đức vua, tôi mang đến cho vua một tin mừng, vì hôm nay, Chúa đã xét xử bênh vực đức vua, Người đã giải thoát đức vua khỏi tay tất cả những kẻ dấy lên chống lại đức vua". Vua hỏi Kusi: "Absalon con ta có bình an không?" Kusi thưa lại: "Ước gì các thù địch của đức vua và toàn thể những kẻ dấy lên chống đức vua, đều bị tai hoạ như chàng thanh niên đó".

Bấy giờ vua buồn sầu và đi lên lầu nơi cổng thành mà khóc lóc. Ngài vừa đi vừa nói: "Con ơi, hỡi Absalon! Absalon con ơi! Sao cha không chết thay cho con! Absalon con ơi! Absalon con ơi! Chớ gì ai để cha chết thay cho con. Absalon con ơi! Con ơi, hỡi Absalon!"

Người ta đi báo tin cho Gioáp hay rằng đức vua khóc lóc và than tiếc con, nên hôm đó cuộc chiến thắng trở nên tang chế cho toàn dân, vì hôm đó, dân chúng nghe nói rằng: "Ðức vua thương tiếc con mình".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 85, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con (c. 1a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con, vì con đau khổ và cơ bần. Xin bảo toàn mạng sống con, vì con hiếu thảo với Ngài, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa. - Ðáp.

2) Ngài là Thiên Chúa của con, xin thương con, lạy Chúa, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì, lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. - Ðáp.

  

Alleluia: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 5, 21-43

"Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: "Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: "Ai đã chạm đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi "Ai chạm đến Ta?" Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: "Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh".

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: "Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: "Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: "Talitha, Koumi!", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn.

Ðó là lời Chúa.




 

 

 

Suy nghiệm Lời Chúa


  

Đức Kitô cứu chữa   


Hôm nay, Thứ Ba trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinhchủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này vẫn tiếp tục với phụng vụ lời Chúa hôm nay nói chung và bài Phúc Âm nói riêng.

Thật thế, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" đã tỏ mình ra trong bài Phúc Âm hôm nay ở chỗ chữa lành cho một người đàn bà bị bệnh loạn huyết 12 năm và đã hồi sinh một bé gái 12 tuổi.

Trước hết là phép lạ chữa lành người đàn bà loạn huyết 12 năm:

"Có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: 'Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành'. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: 'Ai đã chạm đến áo Ta?' Các môn đệ thưa Người rằng: 'Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi Ai chạm đến Ta?' Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: 'Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh'".

Sau nữa là phép lạ hồi sinh một bé gái 12 tuổi: 

"Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: 'Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?' Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: 'Ông đừng sợ, hãy cứ tin'. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: 'Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó'. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: 'Talitha, Koumi!', nghĩa là: 'Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!' Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn".

Theo bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm thì 2 phép lạ này bao giờ cũng đi liền với nhau, nhưng có cái lạ là con số 12 trùng hợp ở giữa hai nạn nhân nhận được phép lạ của Chúa Giêsu, rồi một điều nữa là phép lạ chữa lành cho nữ nạn nhân loạn huyết 12 năm đã kéo dài thời giờ khiến bé gái 12 tuổi "đang hấp hối" không kịp chữa lành khi còn sống như người đàn bà loạn huyết 12 năm. Ngoài ra, sự kiện "đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía" khiến Người không thể đi nhanh hơn cũng là nguyên nhân chậm trễ khiến Chúa Giêsu không đến kịp lúc trước khi bé gái chết. 

Tuy nhiên, vì là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", Chúa Giêsu vẫn có thể tỏ mình ra một cách hữu hiệu nhất và sáng tỏ nhất vào bất cứ lúc nào, tùy từng trường hợp của mỗi người cũng như của những ai liên hệ, miễn là làm sao để mang lại lợi ích thiêng liêng tối đa chẳng những cho chính nạn nhân đương sự mà còn cho chung cả cộng đồng của họ nữa. Phải chăng đó là lý do có con số trùng hợp 12 với 12: 12 x 12 = 144, hình ảnh vuông trọn của con số đông được tuyển chọn, bao gồm cả cựu ước (12 chi tộc dân Do Thái) lẫn tân ước (12 tông đồ của Giáo Hội), như được Sách Khải Huyền đề cập tới (21:17) về một Tân Thánh Đô Giêrusalem?

Về trường hợp của người đàn bà loạn huyết 12 năm, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" muốn tỏ mình ra ở một "đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía", nhờ đó, riêng người đàn bà bị bệnh loạn huyết có thể lợi dụng dịp may hiếm quí ấy mà tự động chạm đến gấu áo của Người hầu được chữa lành, bằng không, như những lần khác, Người thường xuống thuyền để tránh đám đông thì bà ấy chẳng bao giờ có thể chạm đến Người

Và mục đích Người cố ý lên tiếng hỏi "ai đã đụng đến Tôi" một cách công khai giữa đám đông trong Bài Phúc Âm hôm nay, không phải là vì Người không biết kẻ nào đã động đến Người, hay Người muốn kẻ đụng đến Người tự thú; thực sự Người đã biết được rằng chính những gì từ Người xuất ra, (như tác dụng thần linh và ân sủng vẫn từ các Bí Tích Thánh hiện nay), và quyền lực chữa lành từ Người thông ra đó đã chữa lành con người chạm đến Người là ai; vì thế, mục đích Người lên tiếng là để cho mọi người hiện diện bấy giờ hãy lưu ý đến nạn nhân được Người chữa lành, đúng hơn đến yếu tố bà đã được chữa lành là chính "đức tin con đã chữa con" của bà, một đức tin có tác dụng chữa lành dù bề ngoài Người như thể không biết và hoàn toàn do đương sự tự động làm thôi.

Về trường hợp của bé gái 12 tuổi hấp hối và lìa đời, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" muốn tỏ mình ra vào chính lúc em chết rồi mới rạng ngời hơn lúc em đang hấp hối, và mới đúng lúc hơn, bởi vì, lúc ấy mới là lúc có đông người thương cảm về cái chết mệnh yểu của một "lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây" như em đến chia buồn với tang gia, đông hơn là lúc em mới hấp hối. 

Đối với Người, cái chết tự nhiên về phần xác của con người trên trần gian này, như trường hợp của bé gái 12 tuổi này, hay của Lazarô bạn thân của Người (xem Gioan 11:11), chỉ là một giấc ngủ mà thôi: "Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó", còn có thể thức dậy được, đúng hơn, còn có thể đánh thức dậy bằng quyền năng của Người, vì thân xác chết chóc của con người sau nguyên tội và bởi nguyên tội, nhờ quyền năng Vượt Qua của Người sau này, hay nhờ Thánh Thần của Người (xem Roma 8:11), "sẽ được sống lại vào ngày sau hết" (Gioan 11:24).

Bài Đọc 1 cho Năm Chẵn hôm nay cho thấy một con người bao gồm cả hai hiện tượng loạn huyết và chết chóc của hai nạn nhân trong Bài Phúc Âm hôm nay. Đó là Absalon, một trong những người con trai của Vua Đavít, một người con "loạn huyết" ở chỗ có máu phản loạn, dám ngang nhiên chống lại vương phụ Đavít của mình, và chính vì tội của mình, người con bị "loạn huyết" này đã bị chết một cách thảm thương, bởi chính vị lãnh tướng của vua cha:

"Trong những ngày ấy, Absalon đang cỡi lừa, tình cờ gặp các cận vệ của Ðavít, và khi con lừa đi qua dưới cây sồi to lớn rậm rạp, thì đầu ông vướng vào cây sồi, và ông bị treo lơ lửng, và con lừa ông đang cỡi cứ chạy. Có người thấy vậy, liền đi báo cho Gioáp rằng: 'Tôi đã thấy Absalon bị treo trên cây sồi'. Gioáp cầm ba chiếc lao phóng thẳng vào tim Absalon".

Thế nhưng nếu hai nạn nhân trong Bài Phúc Âm hôm nay được "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" chữa lành và hồi sinh thế nào, Absalon "loạn huyết" và bị "ba chiếc lao phóng thẳng vào tim" trong Bài Đọc 1 hôm nay cũng được bù đắp bằng sự lành thắng sự dữ, như thể lỗi lầm của người con này được chữa lành và hồi sinh bởi chính vua cha của nó, bằng quyền lực yêu thương thứ tha vô bờ bến của vua cha, như Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy:

"'Tâu đức vua, tôi mang đến cho vua một tin mừng, vì hôm nay, Chúa đã xét xử bênh vực đức vua, Người đã giải thoát đức vua khỏi tay tất cả những kẻ dấy lên chống lại đức vua'. Vua hỏi Kusi: 'Absalon con ta có bình an không?' Kusi thưa lại: 'Ước gì các thù địch của đức vua và toàn thể những kẻ dấy lên chống đức vua, đều bị tai hoạ như chàng thanh niên đó'. Bấy giờ vua buồn sầu và đi lên lầu nơi cổng thành mà khóc lóc. Ngài vừa đi vừa nói: 'Con ơi, hỡi Absalon! Absalon con ơi! Sao cha không chết thay cho con! Absalon con ơi! Absalon con ơi! Chớ gì ai để cha chết thay cho con. Absalon con ơi! Con ơi, hỡi Absalon!'"

Bài Đáp Ca hôm nay có thể áp dụng vào thân phận và tâm tình của chính Vua Đavít là nạn nhân bị con mình phản loạn mà lại thương mất con, nhưng cũng có thể áp dụng cho cả trường hợp của người đàn bà loạn huyết 12 năm và bé gái 12 tuổi qua đời trong Bài Phúc Âm hôm nay, và cho trường hợp của cả Absalon trong Bài Đọc 1 hôm nay nữa:

1) Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con, vì con đau khổ và cơ bần. Xin bảo toàn mạng sống con, vì con hiếu thảo với Ngài, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa. 

2) Ngài là Thiên Chúa của con, xin thương con, lạy Chúa, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì, lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa. 

3) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. 

 

 

 

 


Thứ Tư


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I (Năm II): 2 Sm 24, 2. 9-17

"Chính con đã phạm tội, nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu?"

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, vua Ðavít nói với Gioáp tư lệnh quân đội rằng: "Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc Israel, từ Ðan đến Bersabê, và kiểm tra dân chúng, để ta biết dân số".

Gioáp nạp sổ kiểm tra dân chúng cho vua. Trong dân Israel có tám trăm ngàn dũng sĩ biết xử dụng gươm, còn phía Giuđa có năm trăm ngàn người thiện chiến.

Sau khi kiểm tra dân số, Ðavít hồi hộp và thưa cùng Chúa rằng: "Con đã phạm tội nặng nề trong việc con đã làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xoá tội ác cho tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại dột". Sáng hôm sau, khi Ðavít thức dậy, có lời Chúa phán cùng ông Gad, vị tiên tri và thị kiến của Ðavít rằng: "Ngươi hãy đi nói với Ðavít: Ðây Chúa phán: Ta cho ngươi ba điều, ngươi hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi hành". Gad đến cùng Ðavít và tâu rằng: "Hoặc ngài phải chịu bảy năm đói kém trong nước ngài, hoặc trong ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt bớ ngài, hoặc là trong nước ngài phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều nào đi để tôi thưa lại cùng Ðấng đã sai tôi". Ðavít trả lời cho Gad rằng: "Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ".

Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống Israel từ sáng hôm ấy cho đến thời gian đã định. Từ Ðan tới Bersabê, có đến bảy mươi ngàn người đàn ông trong dân phải chết. Ðang lúc thiên thần Chúa giơ tay để tàn phá Giêrusalem, thì Chúa hối tiếc trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần đang giết phạt dân chúng rằng: "Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại". Bấy giờ thiên thần Chúa đang ở gần sân lúa của Aruna người Giêbusa. Khi thấy thiên thần sát phạt dân chúng, Ðavít thưa cùng Chúa rằng: "Chính con là kẻ đã phạm tội, chính con đã làm điều gian ác; nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu? Vậy xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha con".

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 6. 7

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con (c. 5c).

Xướng: 1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. - Ðáp.

2) Con xưng ra cùng Chúa tội phạm của con, và lỗi lầm của con, con đã không che giấu. Con nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con". - Ðáp.

3) Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cầu cùng Chúa trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người này. - Ðáp.

4) Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ. - Ðáp. 

Alleluia: Ga 8,12

Alleluia, Alleluia. - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống. - Alleluia. 

Phúc Âm: Mc 6,1-6

"Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương".

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người.

Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?"

Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình".

Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.

Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Ðó là Lời Chúa. 



Suy nghiệm Lời Chúa

 


   Đức Kitô Nazarét   


Phụng vụ lời Chúa, nhất là Bài Phúc Âm, cho Thứ Tư trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay vẫn tiếp tục phản ảnh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này.

Bài Phúc Âm hôm nay được Thánh ký Marco thuật lại, có nội dung phần nào giống phần đầu của bài Phúc Âm được Thánh ký Luca thuật lại và được Giáo Hội sử dụng cho Chúa Nhật IV đầu tuần này. Bài Phúc Âm hôm nay, tuy ở cùng một địa điểm và cùng một thành phần thính giả: "Chúa Giêsu trở về quê nhà" như bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, nhưng khác với bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này ở chỗ không có đoạn Chúa Giêsu bị dân làng dẫn ra sườn núi để xô Người xuống cho chết như ở phần cuối của Bài Phúc Âm Chúa Nhật vừa rồi.

Tuy nhiên, cả hai bài Phúc Âm cho Chúa Nhật đầu tuần của Thánh ký Luca cũng như cho Thứ Tư hôm nay của Thánh ký Marco đều giống nhau ở phản ứng của dân chúng về Chúa Giêsu Kitô, ở chỗ, một đàng thì họ tỏ ra "sng sốt về giáo lý của Người", đàng khác, trái lại, chính vì họ cảm thấy lạ lùng "sửng sốt" như vậy về Người "nên nói rằng: 'Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?'

Thái độ ba phải của họ đã được Thánh ký Marco trong Bài Phúc Âm hôm nay kết luận là: "Và họ vấp phạm vì Người". "Vấp phạm" ở chỗ nào? Phải chăng ở chỗ họ đã phạm tội, ở chỗ họ đã tỏ ra uất hận với Người đến độ muốn sát hại Người như trong Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho Chúa Nhật đầu tuần?

Thế nhưng, phản ứng và hành động sát hại Chúa Giêsu Kitô đây chỉ xẩy ra sau khi Người thẳng thắn cho họ biết về tình trạng mù quáng và cứng lòng tin của họ mà thôi, như Bài Phúc Âm Chúa Nhật cho biết, còn ở trong Bài Phúc Âm hôm nay, trước khi Người cảnh giác họ rằng: "Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình", thì Thánh ký Marcô đã khẳng định rằng "họ vấp phạm vì Người" rồi.

Vậy thì phải chăng không tin vào Chúa Kitô là một thái độ hay hành động hoặc trạng thái "vấp phạm". Theo nguyên tắc có thể hiểu như thế. Bởi vì, nếu Chúa Kitô là "ánh sáng thật chiếu soi mọi người..." (Gioan 1:9) thì một khi Người chưa xuất hiện thì tất cả nhân loại vẫn còn tiếp tục "ngồi trong tăm tối và trong bóng sự chết" (Luca 1:79), tức là vẫn còn ở trong tình trạng "vấp phạm", cần phải được cứu độ, cần phải được giải cứu cho khỏi tình trạng bất hạnh vô phúc ấy.

Con người lại càng "vấp phạm" hơn nữa, khi "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9), nghĩa là khi Thiên Chúa đã "hóa thành nhục thể" nơi Con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18) cho họ mà họ vẫn "không nhận biết Người" (Gioan 1:10) và vẫn "không chấp nhận Người" (Gioan 1:11), như trường hợp điển hình là dân làng Nazarét của Người được Thánh ký Marco ghi lại trong Bài Phúc Âm hôm nay.

Thật vậy, cho dù con người không phạm một thứ tội nào đó thật sự được liệt kê trong 10 điều răn, nhưng một khi con người không chấp nhận sự thật được tỏ ra cho họ, qua tiếng lương tâm của họ, qua những chứng từ của Giáo Hội, qua những nguyên tắc luân lý bất dịch, qua Giáo Huấn chân thật của Giáo Hội v.v., thì ở một nghĩa nào đó, tự mình, họ đã ở trong tình trạng "vấp phạm" rồi vậy, như chính Chúa Kitô đã khẳng định về họ dưới đây

"Phán quyết luận phạt là thế này: ánh sáng đã đến trong thế gian nhưng con người lại chuộng tối tăm hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều gian ác. Hết mọi kẻ làm điều gian ác xấu xa đều ghét ánh sáng, không muốn đến gần ánh sáng bởi sợ các việc làm của mình bị bại lộ" (Gioan 3:19-20).

Thành phần không chấp nhận sự thật hay từ chối sự thật này sở dĩ là thành phần "vấp phạm" vì họ không muốn hoán cải đời sống, trái lại họ muốn tiếp tục sống trong tội lỗi, cho dù họ thực sự biết mình đang tội lỗi, đang sống một cách giả dối và gian ác, hoàn toàn bất khả chấp. Thậm chí chính bản thân đương sự phạm nhân cũng không thể chịu được, khi họ bị lương tâm cắn rứt hay khi họ bị đau khổ bởi tội lỗi do chính họ gây ra.

Nếu họ chấp nhận sự thật thì họ phải hoán cải. Mà hoán cải thì mất tự do phạm tội. Bởi thế, họ không ngừng trốn tránh sự thật, không nương tay đàn áp sự thật và sát hại sự thật là chính những gì giải phóng họ (xem Gioan 8:32). Điển hình và thực tế nhất là trường hợp của những con người luôn trấn an lương tâm để cố tình lao đầu theo đam mê nhục dục và tham vọng lợi lộc điên cuồng của mình, bằng mọi giá, bất chấp mọi thiệt hại gây ra cho tha nhân. 

Với những con người cố tình sống trong tình trạng băng hoại thối nát ấy, như Thiên Chúa không hiện hữu, hay như Thiên Chúa đã chết, như không có đời sau, như chỉ có thiên đường trần thế, như tử thi chết 4 ngày như vậy, cho dù Chúa Giêsu vẫn có thể hồi sinh như Lazarô, nhưng có những trường hợp "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này chỉ còn biết "khóc" (xem Gioan 11:39,35; Luca 19:41) mà thôi. Đó là lý do bài Phúc Âm hôm nay đã kết lại ở chỗ: 

"Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy". 

Đúng thế, đa số thành phần dân làng ở Nazarét có "vấp phạm vì Người" chăng nữa, Người đã chẳng những không chán nản hay thất vọng, trái lại, càng vì thế Người càng phải nỗ lực rao giảng hơn nữa, ở chỗ: "Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy", chẳng những để ngăn chặn tình trạng băng hoại như ở Nazarét mà còn để cứu độ những con người đáng thương khác, thật sự lầm lạc khác. 

Bài Đọc 1 cho Năm Chẵn hôm nay trong Sách Samuel quyển thứ 2 cho biết về một Đavít lầm lạc trầm trọng một lần nữa, sau lần ngoại tình và giết người trước kia. Cái lầm lạc một lần nữa này của vị vua đệ nhị cai trị dân Do Thái này là ở chỗ: "Vua Ðavít nói với Gioáp tư lệnh quân đội rằng: 'Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc Israel, từ Ðan đến Bersabê, và kiểm tra dân chúng, để ta biết dân số'".

Thế nhưng, nhà vua đã tỏ ra hối hận về lệnh kiểm tra dân số của mình: "Sau khi kiểm tra dân số, Ðavít hồi hộp và thưa cùng Chúa rằng: 'Con đã phạm tội nặng nề trong việc con đã làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xoá tội ác cho tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại dột'". 

Tại sao thế? Tự bản chất của việc kiểm tra dân số này đâu có gì là xấu! Thế nhưng, sở dĩ vua Đavít muốn thực hiện việc kiểm tra dân số là vì vua muốn tỏ ra cái hùng hậu của vương quốc trong thời hiển trị của mình, một vương quốc mà, căn cứ vào bản tổng kết được "Gioáp nạp sổ kiểm tra dân chúng cho vua" thì "trong dân Israel có tám trăm ngàn dũng sĩ biết sử dụng gươm, còn phía Giuđa có năm trăm ngàn người thiện chiến". 

Nếu quả thật như vậy thì vua đã phạm tội đối với Thiên Chúa là Đấng đã ở với vua ngay từ khi vua còn là một cậu thanh thiếu niên được Tiên tri Samuel kín đáo xức dầu phong vương cho, ở chỗ vua đã tỏ ra kiêu hãnh, tự phụ và tự mãn v.v. không  sống chân thật với mình và với Chúa. 

Thế rồi, như trong trường hợp đã ngoại tình còn giết người của vua trước kia, lần này, vua cũng phạm hai tội liền nhau, chẳng những mù quáng kiêu hãnh lại còn gian ác ích kỷ nữa. Ở chỗ, khi được chọn một trong ba hình phạt để đền tội lỗi của mình, vua lại chọn hình phạt giáng xuống trên dân lành vô tội hơn là lên chính bản thân đáng phạt của vua là kẻ đã phạm tội:

"Ðây Chúa phán: 'Ta cho ngươi ba điều, ngươi hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi hành'. Gad đến cùng Ðavít và tâu rằng: 'Hoặc ngài phải chịu bảy năm đói kém trong nước ngài, hoặc trong ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt bớ ngài, hoặc là trong nước ngài phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều nào đi để tôi thưa lại cùng Ðấng đã sai tôi'. Ðavít trả lời cho Gad rằng: 'Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ'".

Lý do "thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ'được vua Đavít nêu lên và chọn lựa đây bề ngoài có vẻ là những gì chính đáng nhất đối với vua trong lúc vua đang mù quáng, nhưng thật ra là một mánh khóe để trốn tránh khổ đau xẩy ra cho bản thân vua, thà để cho dân lành vô tội chịu còn hơn vua. 

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Thiên Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan và nhân từ lại có thể làm theo ý muốn đầy vị kỷ và tác hại dân chúng vô tội như của vua Đavít bấy giờ chứ? Thế nhưng, thật ra, chính trong việc này Thiên Chúa muốn chứng tỏ cho vua thấy rằng tội của vua quá ư là trầm trọng đến độ chỉ có thành phần vô tội như dân lành của vua mới có thể đền thay được cho vua mà thôi, chứ chính vua mà chịu cũng chưa xứng với tội tầy đình của vua nữa: 

"Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống Israel từ sáng hôm ấy cho đến thời gian đã định. Từ Ðan tới Bersabê, có đến bảy mươi ngàn người đàn ông trong dân phải chết". 

Tuy nhiên, Thiên Chúa chẳng những công bằng giáng phạt nhưng vẫn nhân hậu như thường. Truớc hết là nhân hậu với thành phần nạn nhân vô tội bị chết trong vụ này, ở chỗ họ chắc chắn được Ngài cứu độ, chắc chắn được Ngài ban thưởng xứng đáng cho giá làm tế vật của họ, như trường hợp làm vật hy tế của Uria là chồng của người vợ mà vua ngoại tình với trước đó cũng vậy. Sau nữa, Ngài nhân hậu với phạm nhân ở chỗ dùng chính hình phạt kẻ vô tội của Ngài vừa đủ để thức tỉnh nạn nhân phạm đến Ngài. Đó là lý do Bài Đọc 1 đã kết luận như thế này:

"Ðang lúc thiên thần Chúa giơ tay để tàn phá Giêrusalem, thì Chúa hối tiếc trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần đang giết phạt dân chúng rằng: 'Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại'. Bấy giờ thiên thần Chúa đang ở gần sân lúa của Aruna người Giêbusa. Khi thấy thiên thần sát phạt dân chúng, Ðavít thưa cùng Chúa rằng: 'Chính con là kẻ đã phạm tội, chính con đã làm điều gian ác; nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu? Vậy xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha con'".

Không như dân làng Nazarét "cứng lòng tin" trong Bài Phúc Âm hôm nay, vua Đavít đã tỏ ra biết mình và hối hận về những gì mình làm trước tác động thần linh của Thiên Chúa. Bởi thế, vị vua này đã có thể xướng lên Bài Đáp Ca hôm nay rất thích hợp với vua:

1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. 

2) Con xưng ra cùng Chúa tội phạm của con, và lỗi lầm của con, con đã không che giấu. Con nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con".

3) Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cầu cùng Chúa trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người này. 

4) Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ.  

 

Ngày 31 tháng 1

Thánh Gio-an Bốt-cô, linh mục

lễ nhớ bắt buộc

Tiểu sử 
Chào đời năm 1815 tại Cát-ten-nô-vô, giáo phận Tô-ri-nô, Gio-an đã trải qua thời thơ ấu trong hoàn cảnh khó khăn, vì thế khi làm linh mục, người dấn thân lo việc giáo dục thanh thiếu niên. Người lập dòng các tu sĩ Sa-lê-diêng và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu để huấn luyện thanh thiếu niên về nghề nghiệp và đời sống đạo. Người qua đời năm 1888.

Noi gương Đức Giê-su và để cho tình yêu hướng dẫn

Trích thư của thánh Gio-an Bốt-cô, linh mục.

Nếu chúng ta muốn tỏ ra là người tha thiết quan tâm tới lợi ích đích thực của các học sinh chúng ta, và thôi thúc chúng chu toàn bổn phận, các con đừng bao giờ quên rằng mình đang thay mặt cho cha mẹ của lớp trẻ thân yêu này, lớp trẻ đã từng là đối tượng ưu ái khiến cha luôn bận tâm, lao nhọc, học hỏi, và thực thi tác vụ linh mục. Chúng còn là đối tượng cho toàn thể dòng Sa-lê-diêng chúng ta phục vụ nữa. Do đó, nếu chúng con muốn là những người cha đích thực của các học sinh, nhất thiết chúng con phải có tấm lòng của một người cha ; và như thế, chúng con đừng bao giờ dùng tới biện pháp cưỡng chế hay ra hình phạt cách vô lý và không công bằng, cũng đừng theo lối của người làm việc miễn cưỡng, hoặc chỉ làm vừa đủ để chu toàn phận sự của mình.

Các con rất thân mến, trong công việc giáo dục lâu dài của cha, biết bao lần cha đã phải tâm niệm về chân lý cao cả này : bực tức thì bao giờ cũng dễ hơn là nhẫn nại, doạ nạt một đứa trẻ thì dễ hơn là thu phục nó. Cha còn dám nói thêm rằng : thường chúng ta dễ theo tính kiêu căng và nóng nảy mà trừng phạt những em bướng bỉnh, hơn là lấy lòng cương nghị và hiền từ mà sửa dạy và chịu đựng chúng. Lòng bác ái mà cha xin chúng con chính là đức ái mà thánh Phao-lô đã dành cho các tín hữu mới trở lại đạo Chúa. Đức ái này đã khiến thánh nhân phải nhiều phen khóc lóc van nài khi thấy họ ít vâng lời và không đáp lại lòng nhiệt thành của người.

Khi sửa phạt, thật khó mà giữ được bình tĩnh. Nhưng đó lại là điều tối cần để không ai có thể nghĩ rằng ta làm thế vì muốn thị uy hay trút cơn nóng giận.

Hãy coi các trẻ nhỏ dưới quyền chúng ta như là con cái. Hãy dấn thân phục vụ chúng theo gương Chúa Giê-su. Người đến không phải để ra lệnh nhưng để vâng phục. Các con phải cảm thấy xấu hổ khi thấy mình lộ vẻ thống trị ; và nếu có thống trị thì cũng chỉ là để phục vụ đắc lực hơn mà thôi. Chúa Giê-su đã cư xử như thế với các Tông Đồ. Người chịu đựng sự dốt nát, thô kệch, và cả lòng trung thành yếu kém của các ông nữa. Rồi khi đối xử với các tội nhân cách nhân hậu và thân mật, Người đã làm cho lắm kẻ phải ngạc nhiên, nhiều người khó chịu, nhưng cũng khiến cho biết bao người hy vọng được Thiên Chúa thứ tha. Vì thế, Đức Giê-su bảo ta hãy học nơi Người để biết sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Bởi vì trẻ em là con cái chúng ta, nên khi phải sửa trị lỗi lầm của chúng, ta phải tránh mọi sự nóng giận, hay ít ra phải nén lòng tới độ xem ra đã hoàn toàn dập tắt được cơn nóng giận rồi. Tuyệt đối không được để cho cõi lòng sôi sục, không được có khoé nhìn khinh bỉ, không được phép dùng lời ăn tiếng nói hạ nhục một ai. Nhưng ta hãy cứ cảm thông lúc này và hy vọng vào tương lai. Như vậy, các con mới là những người cha đích thực, và sửa dạy chúng thật sự.

Trong những trường hợp trầm trọng, ta nên khiêm hạ nài xin Thiên Chúa, hơn là tuôn ra những lời lẽ vừa khiến cho người nghe phật lòng, lại vừa không ích lợi gì cho kẻ phạm lỗi.

Các con hãy nhớ rằng giáo dục là công việc của tâm hồn, nơi chỉ có Thiên Chúa làm chủ. Thế nên ta không thể đạt được gì nếu Thiên Chúa không dạy ta nghệ thuật và không trao cho ta bí quyết giáo dục.

Hãy cố gắng làm cho mình được yêu mến. Hãy vun trồng tâm tình kính sợ Thiên Chúa. Như thế, ta có thể dễ dàng mở được cánh cửa của bao tâm hồn và liên kết lại với chúng ta mà ca hát, ngợi khen và chúc tụng Đấng đã muốn trở nên mẫu mực của chúng ta, đường đi của chúng ta và gương lành cho chúng ta trong mọi sự, đặc biệt trong việc giáo dục thanh thiếu niên.

Xướng đápMc 10,13-14 ; Mt 18,5

XNgười ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người chạm tay vào chúng ; nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông :

Đ“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng.

XAi tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”

Đ“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng.

Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh Gio-an Bốt-cô linh mục. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu độ. Chúng con cầu xin

 

 

 


Là cha, thầy và bạn của
Thanh Thiếu Niên
Phạm Bá Nha 
 
 Cuộc đời thánh Gioan Don Bosco, như chính ngài viết trong nhật ký theo lệnh ÐGH Pio IX, ghi lại dòng Salésiens, gồm 3 phần : sống nghèo với cảnh mẹ góa con côi. Ơn gọi làm linh mục mở trường giáo dục con em và lập Dòng Salésiens. Cha Thánh suốt đời sống và phục vụ người trẻ. Trước khi qua đời, (31.01.1888), cha nói : Hãy nói với các bạn trẻ, ta chờ chúng ở trên Thiên Ðàng. Thánh nhân được phong Chân Phước 02.06.1926, và Hiển Thánh 1.4.1934, do ÐGH Pio XI. Lễ kính 31.1. hàng năm. Khi phong thánh, ÐHG tôn vinh Don Bosco là cha và thầy của thanh thiếu niên
Năm 2015, kỷ niệm 200 sinh nhật Thánh Don Bosco, ÐGH Phanxico nói : Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thánh nhân, xin hoán cải giới trẻ trong tinh thần tươi trẻ huynh đệ như xưa, ngài đã đào luyện.
 
 I. Nghèo cảnh Mẹ Góa con côi
 
 Thánh Gioan Don Bosco sinh 15.08.1815, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, tại làng Becchi, Marialdo, thị trấn Castelnuovo d’Asti, bắc Ý, xa Torino 17 cây số. Ngày 17, Gioan được rửa tội do cha Giuse Festa. Trong sổ rửa tội ghi tên em nhỏ : Bosco Joannes Melchior. Melchior là tên ông nội. Chữ Don thêm vào để ‘‘tôn kính’’ hay ‘‘cha’’.
 
 Mẹ Gioan là Magarita Occhiena di Capriglio (+1865). Ông bà thành hôn năm ông 28 tuổi bà 24 tuổi. Cha của Gioan là Phanxico Aloysii, dân quê. Ông qua đời 12.5.1817, 34 tuổi. Năm đó, Bosco mới 22 tháng, mẹ kéo Gioan vào buồng khóc, nói : Bố không còn nữa. Trên mộ ông,  ghi : Orphanorum pater, cha trẻ mồ côi. Gia đình có ba anh em : Antôn con mẹ trước, Têrêxa mất khi mới hai ngày. Giuse và Gioan. Trong nhà còn bà nội, 70  tuổi.
 
 Gia đình sống trong thời đói kém. Dân làng ăn cháo bột bắp hay mì. Người chết đói la liệt ngoài đường, miệng còn ngậm cỏ. Có tiền cũng không mua được thức ăn. Có lần bà mẹ nhờ người hàng xóm đi mua thức ăn. Họ mang tiền về. Cả nhà bàng hoàng lo sợ. Giữa lúc túng bấn ngặt nghèo, bà qua nhà bên cạnh vay mượn chút ít. Nhưng không ai có. Bà nói với các con : Khi bố chết, có dặn : phải có lòng tin. Nghe lời bố cả nhà qùi xuống cầu kinh. Rồi bà xuống bắt con bê, nấu một phần cho con ăn, qua cơn đói.
 
 Ngay trong những ngày đói kém, có người ngỏ ý muốn kết hôn. Bà từ chối : Thiên Chúa cho tôi một người chồng. Nay Chúa cất đi. Anh trao lại cho tôi ba đứa con. Tôi sẽ là người mẹ độc ác, nếu bỏ rơi chúng. Ðang khi chúng cần tôi. Người ta nói với bà tìm cho mỗi đứa một người giám hộ tốt. Bà trả lời : giám hộ chỉ là bạn. Tôi là mẹ, không bao giờ bỏ con. Dù cho tôi vàng bạc.  
 
 Chính bà để tâm dạy các con đọc kinh chung, lần chuỗi và cầu nguyện. Năm con Bosco lên sáu, xưng tội lần đầu mẹ dẫn con đến nhà thờ, tham dự Lễ, bà xưng tội trước, sau đến con. Ðức Pio XII nói về gia đình bà : hãy xem người phụ nữ góa, cùng ba đứa con cầu nguyện. Chúng như thiên thần nhỏ. Người mẹ mở tủ, lấy quần áo cho con mặc. Ðem con đi nhà thờ làng bên cạnh. Sau cơm tối, con cái vây quanh, bà nhắc các con 10 giới răn. Kể cho con cuộc tử nạn Chúa Giêsu.  Sau này, Bosco kể lại, nhờ mẹ, mà mình có lòng tôn kính Phép Thánh Thể.
 
 Mẹ con không có nghề trong tay, nên Bosco làm nhiều việc, phụ giúp nuôi gia đình, như : chăn bò, bửa củi, bồi bàn càfê, may quần áo... Năm 11 tuổi, Gioan mới cắp sách, đi bộ 4 cây số, mới đến trường. Do các linh mục điểu hành, kỷ luật.
 
 Nghèo, lại lận đận học hành, Bosco mất học nhiều năm. Từ nhỏ nuôi mộng thành linh mục. Nhưng sợ mẹ vất vả tốn kém. Bà đã nói với con :đừng băn khoăn. Mẹ nghèo, sống và chết nghèo. Năm 16 tuổi, Bosco nhập tu. Giờ rảnh Bosco xin tập họp trẻ mồ côi, vui chơi và dạy giáo lý. Sau khi làm linh mục, cha bắt tay gầy dựng theo ước mơ. Lần đầu 1 trẻ đến. Ba hôm sau có 9 em. 3 tháng có 25 em. Chẳng bao lâu, toàn trẻ mồ côi đến. Sáng lễ, xưng tội. Chiều giáo lý, hát vui chơi. Cha lập các ‘‘nguyện xá’’ qui tụ thanh thiếu niên, vui chơi. Cha có thiên tài viết nhạc thuyết phục trẻ và chủ trương : Nhà Salésiens thiếu âm nhạc, chỉ là xác không hồn. Bosco yêu giới trẻ.
 
 Có mẹ Margarita, Thánh Gioan Don Bosco trở thành nhà giáo dục thanh thiếu niên tài giỏi. Anh của Bosco nóng tính hay hành hạ em. Bà buồn. Cha sở thấy Gioan thông minh chọn vào nhà xứ học latinh, chuẩn bị đi tu. Anh ghét, bắt Gioan làm việc tối ngày lại đánh đập, có khi Gioan ngất xỉu. Nhìn xa, biết con sẽ đau khổ, bà gửi con tới nhà cậu em, xa 20 cây số. ở nhà cậu, em làm bánh mì, nặng nhọc thức khuya dạy sớm. Dưới ánh lửa tối, Gioan lấy sách ra học. Ðôi khi bà gửi con đến nhà những người quen.    
 
 Ðến hôm người anh lập gia đình, ở riêng.  Bà mẹ đem con về nhà và gửi vào cha xứ tiếp tục tu luyện. Ngày con nhập tu viện Torino, nghèo bà phải bán áo cưới may cho con áo chùng thâm. Ngày con thụ phong linh mục, bà qùi nhận phép lành, bà nói : mẹ sung sướng thấy con thành linh mục. Con thành tâm phụng sự Chúa và các linh hồn.
 
 Có lần thấy mẹ lạnh, ăn mặc lôi thôi, cha mua cho mẹ áo mới. Lâu không thấy mẹ mặc, cha hỏi. Mẹ trả lời đã bán phụ tiền nuôi trẻ. Sau nhiều năm phụ con, cạn tiền, lại già, kiệt sức, vì lũ trẻ tinh nghịch, phá phách bà xin nghỉ. Cha nói với mẹ: vắng mẹ, còn ai giúp con. Bà mẹ mắt mờ, lưng còng, hai mẹ con nhìn nhau, nước mắt lưng tròng, nói : Gioan con, mẹ hiểu và ở lại với con....cho đến chết. Tụi nó là con mẹ. Sau 20 năm phụ con, bà qua đời ai cũng mộ mến và gọi là má Magarita. Hiện có tượng má lớn ngay cổng vào làng cũ xưa. Tay mang giỏ hoa. Bà qua đời năm 1865, sau 20 năm phụ con giáo dục, giúp trẻ em. Ai cũng mộ mến gọi bà : Má Margarita. (Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng. ttr.193-197).
 
 II. Linh Mục trẻ ở Torino

Cậu kể lại giấc mơ, năm lên 10. Một đêm trong giấc mơ, Gioan Don Bosco thấy mình đứng giữa bọn trẻ đang đánh nhau và chửi tục. Cậu khuyên can, chúng không nghe. Bỗng, người áo trắng đến mỉm cười, nói :
- Bằng tình yêu, em sẽ biến chúng thành ngoan ngoãn đạo hạnh.
- Nhưng thưa ông, cháu nghèo và dốt.
- Vâng lời, chịu khó học, em sẽ làm được.
- Thưa, ông là ai ? 
- Ta là con Trinh Nữ mà mẹ em đã dạy phải cầu nguyện, em hãy xin Mẹ Ta giúp.
 Rồi kìa, Ðức Mẹ xuất hiện, mặt dịu hiền, nói với Don Bosco :
- Con nhìn xem...
Theo tay Mẹ chỉ, Bosco nhìn thấy đoàn chó dữ. Ðức Mẹ tiếp :
- Như Mẹ xử với đoàn chó dữ thế nào, con hãy xử với các trẻ như vậy.
 
 Từ giấc chiêm bao đó, Don Bosco hiểu được sứ vụ giáo dục phục vụ thanh thiếu niên.
Ngày kia, mẹ dẫn Bosco đi coi xiệc. Về nhà, Bosco nảy ra, bắt chước trong xiệc ‘'tự tập leo giây’’. Mỗi lần té, Bosco lại đọc Kinh Kính Mừng. Sau nhiều lần. Bosco thành công. Tập hết màn này, sang màn khác.
Tập xong tài nghệ này, cậu lại tập sang tài nghệ khác của ngưới làm xiếc.  Cuối cùng, Vào một tối Chúa Nhật, cậu mời một số người đến xem trình diễn.  Họ ngạc nhiên thích thú và vỗ tay tán thưởng liên  hồi. Nhưng ẩn sau cuộc giải trí lành mạnh đó Don Bosco còn có một động lực khác thúc đẩy.  Chen kẽ các tiết mục trình diễn tài nghê? cậu hát các bài thánh ca mừng kính Ðức Mẹ.  Mọi người hiện diện đều hợp giọng thánh thót dâng lên trời cao.  Thế rồi cậu hô hào mọi người:
- Nào, xin qúi vị vui lòng đọc kinh Mân Côi trong khi cháu trình diễn, nếu không cháu sẽ té nhào xuống đất, bể đầu mất !
Họ nghe theo lời cậu và bắt đầu cầu nguyện.  Cuối cuộc trình diễn.  Don Bosco nhắc lại bài giảng của cha xứ trong thánh lễ sáng hôm đó.  Mọi người ra về trong hân hoan cả tinh thần lẫn thể chất.
Một đêm khác, người ta dự trù cuộc vui chơi trần tục khiêu vũ công cộng.  Cuộc vui chơi trần tục này có thể đưa đến tội lỗi.  Don Bosco lúc đó mới 12 tuổi đầu, cậu suy tư, loay hoay tìm cách ngăn cản dân chúng khỏi cuộc vui chơi đó.  Cuối cùng, cậu đã tìm được giải pháp.  Chúa ban cho cậu có giọng hát thật hay, do đó cậu đứng giữa phố chợ bắt đầu hát.  Giọng hát  du dương trầm bổng của cậu đã thu hút được đám đông quần chúng.  Cậu từ từ dẫn họ về phía nhà thờ, để rồi mọi người cùng với cậu vào trong nhà thờ hát kinh tối và nghe cha giảng thuyết.
 
Từ nhỏ, Don Bosco đã nuôi mộng trở thành linh mục.  Nhưng tự biết phận mình con nhà nghèo nếu xin đi học, mẹ cậu sẽ phải vất vả và tằn tiện rất nhiều.  Cậu không muốn mẹ phải hy sinh như thế. Nhưng mẹ cậu thực là người tốt lành, hiểu ý con.  Bà nói với con đừng băn khoăn lo lắng về bà, nhưng hãy lo thực hiện điều Chúa muốn nơi cậu:
- Mẹ sinh ra nghèo khó, mẹ hiện sống túng nghèo, mẹ muốn chết trong nghèo hèn.

Mẹ thánh nhân nói với con lúc 14 tuổi khi vào chủng viện Chierin ở Turino : Mẹ tràn đầy niềm vui, khi thấy con mặc áo chùng thâm, nhưng con nên nhớ ‘‘chiếc áo không làm nên thầy tu’’. Nếu ngày nào con nghi ngờ ơn gọi, thì mẹ van xin con, hãy chọn con đường khác. Mẹ thích đứa con nông dân nghèo hơn linh mục sao lãng bổn phận. Lúc con chào đời, mẹ đã dâng con cho Đức Mẹ. khi con đi học, mẹ đã dặn con tôn kính Người trong khó khăn. Giờ đây con hãy chọn Đức Mẹ là nữ vương của con.

Kết quả, Don Bosco được nhập tiểu chủng viện lúc 16 tuổi.
Trong đời chủng sinh, bất kỳ lúc nào có giờ rảnh là Don Bosco tụ họp bọn trẻ mồ côi, rách rưới, rồi dẫn chúng ra ngoài đồi cỏ vui đùa với chúng và dậy giáo lý cho chúng.
Năm 1848, Don Bosco thụ phong linh mục. Sau khi lãnh Chức Linh Mục, Cha Don Bosco trở về làng dâng lễ mở tay.  Cả làng, già trẻ lớn bé vui mừng hớn hở đến dự lễ và mừng cho cha mới.  Mẹ Don Bosco nước mắt trào tràn đôi mi, lăn dài trên gò má.  Còn niềm vui sướng nào sánh bằng niềm vui mẹ thấy con bước lên bàn thánh tế lễ Chúa Tình Yêu ! Lúc đầu ngài làm tuyên úy nhà tù, sau có mẹ phụ giúp, phục vụ giới trẻ trong xóm lao động. Và 1844, làm tuyên úy lưu xá sinh viên. Từ 1856, hai mẹ con trực tiếp nuôi khoảng 150 đến 200 trẻ em.
 
 Nguyện xá ở Valdosco
 
 Năm 1848, chuyện xảy ra khiến cha nghĩ phải lập nhà riêng cho giới trẻ nghèo.

Đó là mấy tháng sau khi làm linh mục, đang khi dọn mình dâng lễ tại buồng áo, Cha Don Bosco chứng kiến cảnh ông từ la mắng một chú nhỏ không biết cách giúp lễ.  Ðộng lòng trắc ẩn, vị Linh Mục tới gần cậu bé can thiệp:
- Con có muốn Cha dậy con cách giúp lễ không ?
Với lòng biết ơn, chú bé gật đầu lia lịa !  Sau khi dậy cho cậu nhỏ biết cách giúp lễ, Cha Don Bosco xin cậu ngày hôm sau đem bạn bè của cậu đến gặp Cha.

Tên cậu Garetti Bartholomew, 16 tuổi, làm gạch. Ba hôm sau cậu rủ thêm 8 người khác, đến gặp cha. Rồi được Thiên Chúa và Ðức Mẹ thúc đẩy, Cha nghĩ ra nơi tập trung cho thanh thiếu niên đến ngày một đông. Cha đặt tên cho trung tâm này Nguyện xá. Các linh mục, dân chúng, trong vùng không tán thành vì cho rằng cha đã lôi kéo bọn trẻ, chúng không đến nhà thờ được. Trong khi đó, chính quyền làm khó dễ, cho là ồn ào, mất an ninh. Nên bước đầu cha tập trung thanh thiếu niên ngoài cánh đồng. Ngủ lều, lưu động, mưa gió, nhất là thực phẩm vô cùng khó khăn. Có những ngày, cha dẫn đàn em xin ăn. Bên ngoài nhìn vào, người ta cho cha điên. Nhưng kiên tâm, kết quả tốt, nhờ giúp đỡ người thiện nguyện. Chính trong các Nguyện Xá có thánh lễ, ca hát, lớp học chữ và nghề.

 Ngày nay, trung tâm Valdocco còn lại : lớp học, phòng ăn, phòng ngủ, sân chơi, vòi nước... xưa, rộng rãi, một lúc cho cả mấy ngàn em... Nguyện xá lần lượt xây cất, dựng lên, với bao tiếng hoan hô và khâm mộ. Các em đến ngày một đông. Nổi tiếng. 
 

 Ii. Lập Dòng Phanxico Salésiens.
 
 Một mình không thể làm xuể. Có lần Cha mệt, té, tưởng chết. Từ đó, năm 1859, cha và các cộng sự viên có ý tưởng lập Dòng Don Bosco, chuyên giáo dục thanh niên. Có dòng nam và nữ Salésiens. Người ta thường gọi Don Bosco là Vincent de Paul mới. Theo tinh thần của Thánh Phanxico. Ðược Tòa Thánh công bố, 22.07.1864, mang tên Hội Ðạo Ðức thánh Phanxico đệ Salê, với sắc lệnh Decretum Laudis. Ðức Pio IX, phê chuẩn hiến luật, 1873.
 
 - 1859, đầu tiên có dòng Nam, tên là ‘‘Phanxico Salésiens’’ (SDB). Dòng lo giáo dục, dạy nghề cho thanh thiếu niên. Dòng còn lo truyền giáo.Triết lý giáo dục là hiểu biết và yêu thương giới trẻ. Chân phước linh mục Michel Rua là 1 trong 8 tu sỹ khấn dòng đầu tiên. Sau làm Bề trên kế nghiệp Cha Bosco. Họ được chọn trong những em được cha Bosco nuôi.

 Khẩu hiệu Dòng : Da mihi animas, coetera tolle, Xin cho tôi các linh hồn. Các sự khác cứ lấy đi (x.St. 24, 21-23)                                                                                                                                                                                                                                                                                     
 (Huy hiệu) Logo Dòng cũ do Giáo sư Boas thiết kế (1885) : Ngôi sao rạng rỡ (niềm tin), mỏ neo (hy vọng), và một trái tim (tổ chức). Ðặt trên nền khu rừng nhỏ (hình đấng sáng lập) với ngọn núi cao (thành viên Salésiens vươn cao). Vòng quanh, là cành nguyệt tuế đan quanh xen nhau. Phía dưới câu khẩu hiệu Dòng.
 
 Huy hiệu mới : Thánh Bosco với vòng tay mở rộng, cô đọng trong ba từ : Lý trí, tôn giáo và lòng thương yêu. Các trung tâm (nhà dòng trên thế giới được che dưới đường chữ ‘‘S’’ (Salésiens)  Ba mũi có vòng đỏ trên đầu, chỉ ba người, người giữa cao hơn. Che bởi mái nhà.
 
 - 1872, Cha cùng thánh Marie Mazzarello lập Dòng Nữ mang tên ‘‘Dòng con Ðức Mẹ Phù Hộ Giáo Hữu’’ (FMA)
 - 1876, Cha bề trên cả Phillip Rinaldi (sau là chân phước) thành lập ‘‘Chí nguyện Don Bosco (VDB) nhiệt tâm với giới trẻ. Họ là những người độc thân, có nam, có nữ được thánh hiến. Dưới sự hướng dẫn của linh mục Salésiens.
 
 Sau khi Thánh Don Bosco qua đời, những người tình nguyện và cựu học sinh mộ mến Dòng, lập ra ba tổ chức sau, yểm trợ cho Dòng tiếp tục đào tạo thế hệ trẻ.
 - ‘‘Hội Cựu học viên Don Bosco’’ (FMA) gồm những học sinh đã chịu ơn Salésiens, rải  rác khắp nơi, đóng góp tài sức cho dòng Salésiens. 
 - ‘‘Hội Cộng tác viên Salésiens’’ gồm giáo dân sống trong gia đình và cả linh mục trong xứ đạo, sống Tin Mừng theo tinh thần Don Bosco, trên thế giới, phục vụ giới trẻ địa phương.
 - ''Hội Truyền giáo giáo dân Salésiens’’ gồm nam nữ độc thân hay có gia đình, làm việc tự nguyện, ít ngày, bên cạnh SDB, FMA, tại các nước truyền giáo, có người Salésiens.  
 
 Nay Salésiens có mặt tại 130 nước, gần 20.000 tu sỹ. VN có 11 cộng đoàn. Sau Ý, Salésiens mở  sang Nice, 1875 (Pháp) rồi Argentina... từ 1911, phát triển qua Colombia, Trung Quốc, ấn  Ðộ, Nam Phi.. Năm 1877, ‘‘Tập san Salésiens’’ đầu tiên phát hành.
 
 
 III. Trung tâm Valdosco Torino
 
 Trung tâm phát sinh Salésiens, nay còn ba nơi hành hương kính viếng, vết tích công trình thời thánh Don Bosco để lại.                                                                                                                                                                                       
 1. Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu, ở trên, có hầm. Dưới hầm đặt hơn 3.000 xương các Tử  Ðạo. Bên phải có xác Thánh Don Bosco. Vương Cung Thánh Ðường chứa khoảng 5.000... Ngày 09.06.1868, thánh lễ thánh hiến đầu tiên, có tới 1.200 em trường Don Bosco tham dự. Vòm nhà thờ có hàng chữ : Hic Domus Mea, inde Gloria mea (Ðây là nhà của Mẹ. Từ đây giải tỏa vinh quang của Mẹ). Báo Unita Catonca viết : Ngôi thánh đường do người ngheo xây cất, để phục vụ người nghèo. Sau đó trong vùng ngôi trường thứ ba xây cất.  
 
 Gioan Don Bosco qua đời ngày 31.01. 1888. 72 tuổi. Don Bosco muốn ở với đàn con, trong khu trường, thành phố Torino. Nhưng vì vệ sinh, thi thể ngài an táng bên cạnh, ở Valsalice, chiều 06.02.1888, xa Torino 400 mét.
 
 Ngày 16.05.1929, dịp phong chân phước cho cha Don Bosco, Thi thể Thánh nhân được bốc lên. Xác còn nguyên vẹn, đầy đủ. ÐGH Pio XI phong chân phước cho ngài, ngày 02.06.1929 và hiển Thánh 01.04.1934.
 
 Hòm kiếng đựng Thánh Quan, bàn tay phải, ban phép lành, được đặt trên ngực, Hai bên hông có hàng chữ khẩu hiệu Dòng Da Mihi Animas. Cetera Tolle. Ðầu và cuối Thánh Quan có hình đông trẻ em và bản đồ thế giới Salésiens. Thánh quan nặng 820 kg, dài 2m53, rộng 1m08, cao 1m32.
 
 Ngày 09.06.1929, Thánh Quan Don Bosco long trọng đặt  trong hòm kiếng nghinh về đặt bên phải Ðền Thánh Ðức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.
 
 Ðể đón chào kỷ niệm 150 năm thành lập Dòng, hòm kiếng thánh quan Don Bosco di chuyển đi 130 nước, có Salésiens. VN đón mừng từ 21.01.2011 đến 01.02.2011. Thánh quan trở về kịp năm 2015, 200 năm sinh nhật của thánh sáng lập Salésiens.
 
 2. Tấm Khăn Liệm Chúa Giêsu.
 
 Nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật thánh Gioan Don Bosco (1815-2015). Khăn Liệm được trưng bày từ 19.04 đến 24.06.2015. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đến kính viếng vào 21.06.2015.
 
 Muốn kính viếng Khăn Liệm. Vì an ninh, người hành hương được kiểm soát hành lý như đi máy bay. Ði bộ, leo giốc, khoảng hơn 10.000 bước.Mục đích vừa đi vừa suy gẫm sự Thương Khó Chúa Giêsu.      
 
 Theo Thánh sử Gioan, Chúa Giêsu đã sống lại, nhưng Khăn Liệm còn đặt gọn ở mộ. Khăn này lọt vào tay vợ Philatô, muốn tha Chúa Giêsu. Từ 325, khăn được đem qua Thổ Nhĩ Kỳ. Khăn được cất dấu, vì chính trị và tôn giáo. Lúc thấy tôn kính ở Palestin (670), ở Hy Lạp (1203).
 
 Ðến năm 1418, thấy ở Lyon, Chambery, Pháp. Năm 1506, ÐGH Julius ban hành sắc lệnh công nhận Thánh Tích của Chúa Giêsu, lễ kính vào 4.5 hàng năm. Ngày 17.9.1578, từ Pháp chuyển về Torino, Ý. Một thời gian khăn lưu vong qua Bồ Ðào Nha. Từ 1690, khăn trở lại Torino đặt trong nhà thờ Thánh Gioan Baotixita cho tới nay.
 
 Khăn dài 441cm và rộng 113cm. Qua nhiều lần xét nghiệm  (1978, 1988, 1997) và tiếp tục tranh cãi về tính xác thực của thánh tích... Ðền thánh Torino là nơi đông người đến tôn kính Khăn Liệm. Khăn được trưng bày công khai cho dân chúng kính viếng, qua các năm 1898, 1933, 1973, 1978, 1984, và 2015
 
 Các ÐGH đến viếng : Ðức Hồng Y Karol Wojtila(1978), và khi làm Giáo Hoàng Gioan Phaolo II (năm Thánh 2000) Ðức Benedicto XVI (02.05.2005), và năm nay Ðức Phanxico đến vào 21.06.2015.
 
 Ðứng trước khăn, mỗi người trong thinh nguyện, được nhìn Năm Dấu Thánh Chúa trên khăn, để lại. Những giọt nước mắt ăn năn từ từ lăn trên má. Chưa bao giờ có trong đời.
 
 Ðức Phanxicô nói: Con người trên Khăn Liệm mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Nazareth. Hình ảnh này nói với trái tim của chúng ta và đưa chúng ta trèo lên ngọn đồi Calvaire. Nhìn đến Thánh Giá và hóa mình trong im lặng hùng hồn tình yêu. Ngài còn soạn kinh khi viếng, với lời kết :
 Lạy Thiên Chúa tối cao và vinh hiển,
 xin chiếu sáng cõi lòng tăm tối của con.
 Xin ban cho con đức tin ngay thẳng,
 đức cậy vững vàng, đức mến hoàn hảo,
 cảm thức và hiểu biết, để con thi hành huấn
 lệnh thánh
 
 Trước vết thương Chúa còn in trên khăn, ai mà không cảm mến, như ‘'Bên Khăn Liệm’’
Con đứng đây lặng ngắm bóng hình
Trải dài trên khăn liệm năm xưa
Tấm khăn gởi trọn tình Thiên Chúa
Vì yêu con đến phải lụy mình
Bao vết đòn roi, bao giọt máu
Ðã nhỏ ra từ những vết thương đau
Còn in dấu mãi đến ngàn sau
Làm chứng tá một tình yêu cao cả
Xin cho con dâng lời cảm tạ
Trong tim con xin khắc mãi bóng hình Cha    
(Minh Thanh. Hành hương GXVN. 04.2015)
 

 3. ‘‘Cái Nôi’’, làng cũ của Don Bosco
 
 Ðây, quảng trường rộng lớn. Công trình lớn nhất là đại thánh đường, có tầng và hầm. Kiến trúc tối tân. Bên ngoài là beton, nhưng trong là gỗ. Sau bàn thờ trên cao là tượng gỗ Chúa Phục Sinh giang tay, cao 16 thước. Theo thánh Don Bosco, thì Chúa Phục Sinh dễ khuất phục người trẻ hơn Chúa Chịu nạn.
 
 Bên cánh phải bàn thờ chính có bàn thờ cạnh, đặt tượng thánh Dominico Savio, trên tường gắn đầy thư, kỷ vật của những cặp vợ chồng trẻ, tạ ơn, vì hiếm muộn, được ơn có con, hay nuôi con khó mà nuôi con khỏe mạnh.
 
 Làng quê thánh Don Bosco, mang tên Colle Don Bosco, có phần đất nhỏ dưới thung lũng cây cỏ um tùm, để hoang. Trong căn nhà mô hình nông trại xưa, còn nhiều dụng cụ nhà nông thô sơ. Cày, cuốc, xẻng, cào... Bên cạnh nhà ở gia đình Thánh Don Bosco, phòng ngủ, phòng nguyện gia đình dành cho Cha khi mới chịu chức. Bàn thờ phủ khăn, còn nguyên.
 
 Cũng trong khu có Bảo Tàng Truyền Giáo, nhiều kỷ vật của các vị truyền giáo Salésiens, từ 5 châu gửi về. Khu Việt Nam chưa có gì. Các cha Salésiens VN có gửi tại đây tượng Ðức Mẹ La vang, mà chưa trưng ra. Một nhà nguyện nhỏ, trên tường đầy những bao thư viết cám ơn thánh Trẻ Dominico Savio đã ban cho những cặp trẻ hiếm muộn hay khó nuôi con. 

 Bên ngoài, đầu nhà nguyện, dưới gốc cây, có mộ trống thánh trẻ Dominico Savio. Ði bộ một lên sườn đồi một chút gặp nhà của gia đình Thánh trẻ. Bà quản gia vui vẻ, cười tươi khi có phái đoàn đến. 
   
 Suốt đời, Thánh Nhân đã tôn kính Đức Mẹ và kêu cầu Đức Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu’’. Trên áo tu các tu sỹ dòng Don Bosco có ghi Da mihi animas cetera tolle tibi.
 
 Khi còn sống, Cha Thánh không Iàm phép lạ. Nhưng được cứu thoát cách lạ lùng. Một buổi tối, khi Cha Don Bosco đang đi bách bộ một mình, đột nhiên bốn gã to côn đồ giở trò ám hại Cha.  Một con chó lạ xuất hiện từ bóng tối nhẩy vào tấn công một tên côn đồ.  Ba tên kia sợ hãi bỏ chạy ! Cha Don Bosco phải gọi con chó buông tha cho nạn nhân, rồi con chó lạ lùng cùng Cha Don Bosco sánh bước về nhà.  Nhưng đang khi đi, bỗng nhiên con chó biến mất trong bóng đêm.  Về sau, nhiều lần gặp nguy hiểm trong đời, chính con chó lạ này lại đến cứu mạng Cha Don Bosco.  Nhưng tuyệt nhiên người ta không rõ nó từ đâu tới ! Hình chó và cha có trưng bày trong khu nhà cũ của cha.
 
 Theo chân Thánh lập dòng, hàng ngũ đông đảo nam nữ Salésiens, 16.092 người, tại 1.859 nhà thuộc 130 nước, có VN, từ 1952 (2009) đang hiến dâng cuộc đời phục vụ người trẻ.
 
 Cùng nhau đọc lời kinh cầu nguyện dịp 200 sinh nhật thánh tổ phụ :
 
 Lạy thánh Gioan Don Bosco, là người cha, thầy, bạn tuyệt vời của bạn trẻ. Xin cho chúng con biết noi gương Ngài cả đời đem hết tâm huyết nhiệt tình lo cho thanh thiếu niên, giáo dục bằng tình yêu và gương sáng, để giúp các em về và ở lại với Chúa mãi mãi. Amen.
 

Tài liệu viết bài
 
- Ða minh phạm xuân Uyển dịch.
  Don Bosco, Một tiểi sử mới. Sàigòn. 2014
- Ða minh phạm xuân Uyển dịch.
  Hồi ký Nguyện xá Thánh Phanxico Salê.
  Sài gòn. 2014.
- Webesite : Salésiens Don Bosco. 

http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/475-thanh-gioan-don-bosco-y-1815-1888-.html


Những chỗ chữ mầu nâu được bổ túc sau từ Đaminh Maria cao tấn tĩnh

 

Những thời khắc lịch sử trong cuộc đời Thánh Gioan Bosco

 

 

- Ngày 16/8/1815: Gioan Bosco sinh tại Becchi, Castelnuovo d’Asti, nước Ý. Cha của ngài là Phanxicô Bosco và mẹ là Magarita Occhiena.

- Năm 1817: Ông Phanxicô Bosco qua đời khi Gioan Bosco mới 2 tuổi.

- Năm 1824: Giấc mơ lúc 9 tuổi mạc khải cho Gioan Bosco sứ mệnh mà Thiên Chúa kêu gọi: Giáo dục những người trẻ bị bỏ rơi và những đứa trẻ đã theo con đường xấu.

- Năm 1826: Gioan Bosco được rước lễ lần đầu.

- Năm 1827: Gioan Bosco xa nhà để làm thuê cho trang trại Moglia ở Moncucco, vì xích mích với anh Antôn, người anh cùng cha khác mẹ không muốn Gioan Bosco đi học.
- Tháng 11/1829: Trở về nhà, Gioan Bosco bắt đầu đi học ở nơi cha già Calosso, tại Morialdo.

- Tháng 11/1830: Cha Calosso qua đời. Antôn muốn lập gia đình, nên không muốn Gioan Bosco đi học ở trường công ở Castelnuovo.

- Ngày 04/11/1831: Gioan Bosco tới Chieri ở trọ và đi làm thuê bằng nhiều việc khác nhau để kiếm sống và đi học trong thời gian 10 năm.

- Năm 1833: Gioan Bosco lãnh bí tích Thêm sức tại Buttigliera d’Asti.

- Ngày 29/3/184: Tư giáo Gioan Bosco chịu chức phó tế.

- Ngày 05/6/184: Thầy Gioan Bosco chịu chức linh mục do Đức Tổng Giám mục Torino, Fransoni, trong nhà nguyện của tòa Tổng Giám mục.

- Mùa thu năm 184: Don Bosco ghi danh vào Học viện Giáo sĩ thánh Phanxicô Assisi để đào sâu các môn thần học. Thời gian này ngài tìm hiểu thành phố Torino và khám phá ra những vấn đề nghiêm trọng của giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi, hậu quả của cuộc “Cách mạng kỹ nghệ” đang xâm nhập thành phố này.

- Ngày 08/12/184: Don Bosco gặp cậu bé Bartolomeo Garelli quê Asti, tại Valdocco, trong phòng áo của nhà thờ thánh Phanxicô Assisi. Công cuộc nguyện xá bắt đầu khởi sự.

- Ngày 12/4/1846: Nguyện xá chuyển tới khu nhà thuê của ông Phanxicô Pinardi, tại Valdocco. Nơi đây được coi như mô hình nguyện xá kiểu mẫu về sứ mệnh giáo dục Salêdiêng.

- Ngày 03/11/1846: Sau một thời gian dưỡng bệnh dài ở Becchi, Don Bosco trở về Nguyện xá, có mẹ Magaritta đi cùng. Bà đến Nguyện xá làm mẹ đám trẻ con của Don Bosco. Don Bosco thuê hai phòng để khởi sự trường học.

- Năm 1851: Don Bosco mua khu nhà Pinardi và bắt đầu xây dựng ngôi nhà thờ kính thánh Phanxocô Salê. Ngôi nhà thờ hoàn tất và được thánh hiến năm 1852.

- Ngày 26/01/1854: Don Bosco đề nghị bốn thanh niên (Rua, Cagliero, Rocchietti, Artiglia) lập nên các Salêdiêng với một lời hứa dấn thân “Thực hành đức ái với tha nhân”.

- Ngày 29/10/1854: Đaminh Saviô, một đứa trẻ thánh thiện vào Nguyện xá.

- Ngày 08/6/1856: Đaminh Saviô lập Hội Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đó là nhóm các người trẻ cộng tác với Don Bosco để giúp đỡ và làm điều tốt cho các bạn của mình.

- Năm 1858: Don Bosco đi Roma để trình bày công cuộc của ngài cho Đức Thánh Cha Pio IX, ngài được đề nghị viết lại “Những điều kỳ diệu” vào lúc khởi đầu công cuộc ngài cho Đức Thánh Cha.

- Ngày 18/12/1859: Tu hội Salêdiêng chính thức khai sinh. Công cuộc Don Bosco có 18 Salêdiêng tiên khởi.

- Tháng 03/1864: Don Bosco xây dựng đền thờ dâng kính Mẹ Phù Hộ tại Valdocco, Tôrinô.

- Ngày 09/6/1868: Thánh hiến đền thờ Đức Mẹ.

- Ngày 05/8/1872: Don Bosco cùng với Mẹ Maria Mazza-rello thành lập Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA).

- Ngày 03/4/1874: Tòa Thánh châu phê dứt khoát Quy luật của Tu Hội Salêdiêng.

- Ngày 11/11/1875: Don Bosco khởi đầu công cuộc truyền giáo Saliêdiêng tại Patagonia, Achentina.

- Năm 1876: Don Bosco thành lập Hiệp Hội Cộng tác viên Salêdiêng.

- Năm 1880: Đức Leo XIII ủy thác cho Don Bosco việc xây dựng Đền thờ kính Thánh Tâm Chúa tại Roma.

- Năm 1887: Don Bosco đi tới Roma lần cuối cùng để thánh hiến Đền thờ Thánh Tâm Chúa. Lúc này sức khỏe của ngài đã bị suy kiệt.

- Ngày 31/01/1888: Don Bosco qua đời để lại niềm thương tiếc cho khắp nước Ý và tất cả những ai từng biết về công cuộc giáo dục giới trẻ của ngài.

- Ngày 01/4/1934: Vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Don Bosco được Đức Thánh Cha Pio XI tôn phong hiển thánh.

- Ngày 24/01/1989: Don Bosco được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên bố ngài là “Cha và Thầy của giới trẻ”

 

https://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&id=873

 

 

 


Thứ Năm


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II): 1 V 2, 1-4. 10-12

"Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ; Salomon, con hãy can đảm và ăn ở xứng danh nam nhi".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Gần ngày băng hà, Ðavít truyền cho Salomon, con trai của ông rằng: "Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi chép trong Luật Môsê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: "Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel".

Vậy vua Ðavít yên giấc với các tổ phụ và được mai táng trong thành Ðavít. Ðavít làm vua Israel được bốn mươi năm: tại Hebron, ngài cai trị bảy năm; tại Giêrusalem, ngài cai trị ba mươi ba năm. Còn Salomon lên ngôi Ðavít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11ab. 11d-12a. 12bcd

Ðáp: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài (c. 12b).

Hoặc đọc: Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa (c. 12a).

Xướng: 1) Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới muôn muôn thuở". - Ðáp.

2) Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. - Ðáp.

3) Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. - Ðáp.

4) Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.- Ðáp. 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia. 

Phúc Âm: Mc 6, 7-13

"Người bắt đầu sai các ông đi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ðó là lời Chúa. 

Image result for Mk 6, 7-13

Fourth Week in Ordinary Time Thursaday | Cappie's Stuff


Suy nghiệm Lời Chúa



  

Đức Kitô sai đi    


Hôm nay, Thứ Năm trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này vẫn tiếp tục được tỏ hiện trong Bài Phúc Âm hôm nay, bài đọc chính yếu cho phần phụng vụ Lời Chúa mỗi ngày.

Ở chỗ, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", trong sự kiện Người "gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi", "Người (đã) ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế", và quả thực cái "quyền trên các thần ô uếnày nơi các tông đồ được Người sai đi như thế đã thực sự có tác dụng: "Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân".

Thế nhưng, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này không phải chỉ được tỏ hiện ở thành quả gặt hái được bởi các tông đồ, mà nhất là ở những gì các tông đồ thực hiện theo lời Người căn dặn các vị nữa, bằng không, cho dù các vị có quyền năng trừ quỉ đấy, quyền năng ấy cũng không có tác dụng gì hay chẳng tác dụng là bao nhiêu từ các vị, như sau này đã có lần các vị đã không trừ được quỉ (xem Marco 9:18,28-29), nếu các vị không sống theo tinh thần được Người chỉ bảo cặn kẽ kỹ càng trong Bài Phúc Âm hôm nay trước khi các vị lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo của các vị:

"Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áoNgười lại bảo: 'Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ'".  

Trong lời hướng dẫn sai đi này, các tông đồ thừa sai truyền giáo của Người cần phải tối thiểu có một tinh thần tin tưởng vào Đấng đã sai các vị, ở chỗ siêu thoát hơn là trần tục và phó mặc hơn là cân đo.

Trước hết là tinh thần tin tưởng ở chỗ siêu thoát hơn là trần tục: "đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo".

Truyền giáo là một công cuộc thần linh, ở chỗ truyền đạt thần linh để có thể hiệp thông thần linh, bởi thế nó không thể nào lệ thuộc vào phương tiện, cho dù là cần thiết, thậm chí cả những gì cần thiết mà có thiếu cũng vẫn có thể truyền giáo, vẫn càng đạt hiệu năng hơn, bởi tác nhân chính yếu của công cuộc và sứ vụ truyền giáo là Thánh Thần, Đấng hoàn thành mọi sự theo ý muốn của Chúa Cha, và theo mẫu gương của Chúa Kitô là Đấng "cáo có hang, chim có tổ Con Người không có chỗ dựa đầu" (Mathêu 8:20; Luca 9:58).

Truyền giáo thực sự là việc rao giảng và loan truyền tin mừng cứu độ cho nhân loại, cụ thể nhất ở nơi các vị thừa sai dấn thân truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới, từ thời các tông đồ trở đi, dọc suốt giòng lịch sử của Giáo Hội, theo lệnh truyền khẩn trương bất khả châm chước của Chúa Kitô Phục Sinh (xem Mathêu 28:19-20; Marco 16:16); và cũng chính vì sứ mệnh truyền giáo gắn liền với bản chất của Giáo Hội này (xem Sắc Lệnh Truyền Giáo, 2), Giáo Hội mới đã được lãnh nhận "Thánh Thần là Đấng ban sự sống" từ Cha do Chúa Kitô sai xuống với Giáo Hội từ Ngày Lễ Ngũ Tuần (xem Tông Vụ 1:8).

Bởi thế, kinh nghiệm hoạt động tông đồ cho thấy có thời chúng ta làm được những gì chúng ta yêu thích, những gì mong muốn, những gì chúng ta có thừa khả năng, những gì chúng ta đã mang lại dồi dào thành quả thiêng liêng cho nhiều người, và chính bản thân chúng ta cũng đã từng được nhiều người biết đến cùng cảm phục, khi chúng ta dấn thân phục vụ hăng say, với tư cách tham gia hay đóng vai trò thực hiện những việc tông đồ giáo dân của mình, trong các giáo xứ, cộng đoàn, hội đoàn, phong trào v.v. 

Thế nhưng, kinh nghiệm sống đạo cũng cho thấy không phải là không có trường hợp người tông đồ ấy lại bị người phối ngẫu của mình ngăn cản, hay bị lòng ganh tị cạnh tranh của những ai đồng hành tông đồ với mình và của mình tẩy chay loại trừ, hoặc bị liệt giường không thể làm gì được nữa v.v., chúng ta hãy yên tâm vui lòng tuân theo Thánh ý Chúa, vì chính lúc chúng ta không làm được những gì chỉ là phương tiện hơn là cùng đích truyền giáo ấy nữa lại chính là lúc chúng ta trở thành đắc lực nhất, bởi bấy giờ Thiên Chúa làm trong chúng ta qua niềm tin và sức chịu đựng của chúng ta.

Chúa Kitô cũng chỉ hoàn tất mọi sự của Người như Đấng đã sai Người mong muốn trên trần gian này một cách trọn vẹn và tối hậu không phải trong thời gian Người còn có thể đi đây đi đó rao giảng tin mừng, làm phép lạ, chữa lành và trừ quỉ, mà vào chính lúc Người kể như không còn nhúc nhích gì được nữa, trên thập tự giá ở Sọ Trường Canvê.

Sau nữa là tinh thần tin tưởng ở chỗ phó mặc hơn là cân đo: "Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Bởi vì, theo tự nhiên, con người, bao gồm cả thành phần thừa sai truyền giáo, thường lưu ý đến thành quả gặt hái được từ những gì mình làm và căn cứ vào đó để định lượng mức độ thành công hay thất bại của mình, của công việc mình làm, chứ không hay ít khi hoàn toàn chú trọng đến yếu tố chính yếu là ý muốn tối hậu của Thiên Chúa. 

Điển hình nhất là chính Chúa Giêsu Kitô, Người chỉ làm sao chu toàn ý của Đấng đã sai Người mà thôi, nghĩa là việc thành công hay thất bại của Người là ở chỗ Người có hoàn thành đúng như ý muốn của Đấng đã sai Người hay chăng, chứ không phải ở chỗ cứu được tất cả mọi linh hồn hay chăng, hay có bao nhiêu kẻ đã tin vào Người, bằng không thì Ngườđã hoàn toàn thảm bại trong công cuộc cứu chuộc loài người khi Người bị chết trên thập tự giá ở Đồi Canvê.

Thành phần không tin Người, "không chấp nhận Người" (Gioan 1:11) thì Người không cần phải bận tâm phán xét họ, cho bằng chính họ đã tự luận tội họ rồi: "Ai không tin đã bị phán xử rồi, vì họ không tin vào danh Người Con duy nhất của Thiên Chúa" (Gioan 3:18). Bởi vậy, hãy cứ để Thiên Chúa xét xử những ai chúng ta thấy gian ác, tội lỗi, cứng lòng, băng hoại v.v., kể cả những ai phạm đến chúng ta, đừng xét đoán họ, đừng nguyền rủa họ, đừng khinh thường họ, nhất là đừng trả đũa những ai phạm đến chúng ta, chúng ta mới thật sự là giống Chúa Kitô và mới có thể làm chứng nhân truyền đạt Người cho tha nhân một cách hiệu năng.

Trong Bài Đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy một vua cha "truyền giáo" cho vua con, người sẽ lên kế vị mình, và nội dung của sứ điệp "truyền giáo" từ vua cha cho vua con không phải là những gì của vua cha mà là những gì chính Thiên Chúa đã truyền dạy vua cha và đồng thời cũng là những kinh nghiệm sống đạo của vua cha với tư cách làm vua, hơn là kinh nghiệm làm vua về chính trị và quản trị chỉ là những kinh nghiệm về phương tiện bề ngoài:

"Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi chép trong Luật Môsê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: 'Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel'".

Phải, để cai trị dân của Chúa thì, trước hết và trên hết mọi sự, các vị vua cần phải gắn bó với Thiên Chúa, bằng cách tuân hành ý muốn của Ngài hơn là của mình, nghĩa là các vị không được trở thành cùng đích của mình, trái lại các vị cần phải trở thành dụng cụ trong tay Ngài, thành phương tiện thuận lợi cho Ngài sử dụng tùy nghi, nhờ đó Thiên Chúa có thể hiện thực những gì Ngài muốn nơi họ, những gì sẽ được hoàn toàn ứng nghiệm trong lịch sử cho chung cộng đồng của họ.   

Đúng vậycâu cuối cùng của Bài Đọc 1 hôm nay cho biết rằng: "Salomon lên ngôi Ðavít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền", đúng như lời Chúa đã hứa với vua cha Đavít là những gì cũng đã được chính vua cha truyền lại cho vua con Solomon trước khi chết: "Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel'".

Bài Đáp Ca hôm nay nói về Vua Đavít liên quan đến niềm tin tưởng và lòng gắn bó của vua đối với Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn vua và ở cùng vua, chẳng những ở cùng vua trong triều đại của vua vào thời ấy của dân Do Thái, mà còn bền vững đến muôn đời qua giòng dõi của vua là Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng mà vua "đã chúc tụng trước mặt toàn thể cộng đồng" như sau:

1) Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới muôn muôn thuở". 

2) Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. 

3) Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. 

4) Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.

 

 

Ngày 03.02: Thánh ANSGARIÔ, Giám mục và Thánh BLASIÔ Giám mục Tử đạo

 

Thánh ANSGARIÔ

Giám mục, tông đồ các xứ Bắc Âu (801-865)

St. Ansgar Print - Portraits of Saints

Ansgariô (hay là Anskar theo Anh ngữ) đã trở thành biệt danh Oscar ngày nay, có nghĩa là “cây lao của Thiên Chúa”. Ansgario gốc người Đức, sinh tại Picardia. Cha Ngài là một viên chức trong triều đình vua Charlemagne, đã gởi Ngài theo học tại tu viện thánh Phêrô ở Corbia. Cậu thiếu niên đã gặp được ở đó những bậc thầy có thế giá. Các môn học trần tục làm Ngài say mê đến độ nơi tâm trí Ngài ý nghĩa tôn giáo ngày một lạc phai. Nhưng một biến cố đã đánh động Ngài mạnh mẽ, nhà vua mà Ngài biết được là rất nổi danh nơi triều đình đã chết.

Cái chết đó cho Ngài thấy được tính cách hư không của mọi cái gọi là nhân bản và trần tục, Ngài cũng nhớ lại rằng: hồi nhỏ khi mất mẹ, trong một giấc mơ, Ngài thấy Đức Trinh Nữ Maria hứa sẻ bảo vệ Ngài luôn mãi, nếu biết giữ gìn đức tin và lòng mến. Sau cùng Ngài cảm thấy rằng: Chúa muốn mình làm tông đồ. Từ đó Ngài không ngừng tiến tới trong việc học hành cả về đạo lý lẫn việc đời, Ngài nhiệt thành làm tất cả những gì là tốt đẹp. Những tiến bộ và nhiệt tâm ấy lớn lao đến nỗi chẳng mấy chốc tới phiên Ngài phải dạy lại cho các tu sĩ trẻ và trẻ em. Vào tuổi hai mươi mốt, Ngài trở thành một trong những thủ lãnh tu viện Corvey. Ở Saxe hay là Corbia-Nova, được thiết lập ngay giữa trung tâm trí thức. Là giáo sư thần học, Ngài cũng đảm nhận việc giảng dậy cho dân chúng nữa.

Vào thời này, Harold là vua miền Nam Đan mạch, khi bọn phản loạn săn đuổi, đã xin trú ngụ tại triều đình vua Lu-y đặt tại Mayence. Ong đã trở lại đạo và lãnh nhận phép rửa. Khi trở về quê hương, ông đã xin các nhà truyền giáo tới rao giảng Phúc âm cho xứ sở mình. Ebbon, giám mục Reims đã dấn thân trước hết, rồi một khi gần trở lại nước Pháp, Ngài đã chỉ định Ansgario. Ansgario lên đường với một tu sĩ khác nữa. Họ làm liều đi vào miền còn hoàn toàn ngoại giáo. Những người trẻ bị bắt làm nô lệ đã trở thành các Kitô hữu đầu tiên của xứ sở. Công việc tông đồ thật vất vả nhọc mệt. Các Ngài bị trục xuất. Các tu sĩ trở lại lãnh trách nhiệm.

Một tòa đại sứ Thụy Điển xin các thừa sai. Lần này Ansgariora đi với một tu sĩ người Corbia. Vì người bạn đường cũ đã chết. Khi đi nagng qua biển Baltique, họ bị bọn cướp tấn công bóc lột hết và bị người Nang lấy trọn quà tặng họ mang dâng nhà vua ở Upsala. Các nhà truyền giáo tới biệt thự của Birca, hoàn toàn trơ trụi. Tại đây các Ngài đã thiết lập một cộng đoàn Kitô hữu. Sau một năm rưỡi mệt nhọc làm việc tông đồ, các Ngài trở về Pháp. Nhà vua đã đặt Ansgario làm tổng giám mục Hambourg bao gồm miền Scandinavia (Bắc Âu) Ansgario đi Roma để được Đức Thánh Cha bổ nhiệm và Đức Gregôriô IV đã đặt Ngài làm đại diện tại cả Na-uy và Thụy Điển. Ngài xây cất một nhà thờ chính tòa ở Hambourg, thiết lập một tu viện cho các tu sĩ Corbia.

Người ta thấy Ngài quỳ lạy dưới chân người nghèo và khiêm tốn phục vụ họ. Ngài cũng rao giảng trong các miền lân cận bất kể những thủ địch hung ác. Khi ấy như một đám mây người Normandie đặt Hambourg vào vòng máu lửa, Ansgario chỉ còn là một kẻ lang thang sống vất vưởng. Vharles de Chauve đã chiếm một tu viện miền Flandre là nơi Ngài đã thiết lập một trường truyền giáo. Giữa cao điểm của cuộc sống khốn cực âu lo, Ngài đã không hề đánh mất lòng trông cậy vào Chúa. Cuối cùng những kẻ bách hại bị xua đuổi. Xứ truyền giáo Thụy Điển lại vùng lên.

Một cộng đồng ở Constane đã đặt Ansgario làm giám mục Brême. Ngài trở lại truyền giáo ở Đan mạch, thiết lập một trung tâm tôn gíao mới, cải hóa nhà vua.

Ansgario muốn hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa bằng việc tử đạo nhưng Ngài đã qua đời êm ái tại Brême năm 865. Cuộc tử đạo của Ngài chính là cuộc chiến kiên trì suốt đời với nhiều những thất bại, lại ít có những thành công rực rỡ. Nhưng sự nhẫn nại của vị anh hùng giám mục lang thang này đã chuẩn bị cho cuộc trở lại các xứ vùng Bắc Âu.


 

Ngày 2 tháng 2

DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ĐỀN THÁNH

lễ kính

Tiểu sử 
Dâng Chúa trong Đền Thánh, Chúa Ki-tô gặp gỡ dân thánh nơi con người cụ già Si-mê-on, Đức Ma-ri-a được thanh tẩy theo luật Mô-sê, lễ Nến, đó là những tên gọi khác nhau để chỉ ngày lễ hôm nay, bốn mươi ngày sau lễ Giáng Sinh, kết thúc những ngày lễ trọng mừng việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người nơi Ngôi Lời mặc xác phàm.

Phụng Vụ Giờ Kinh

(Nhóm phiên dịch các giờ kinh phụng vụ)

Hồng ân Chúa Thánh Thần vừa thúc đẩy,
Si-mê-on vội vã tiến lên đền.
Ông cụ già được diễm phúc vô biên
Gặp gỡ Chúa Hài Nhi, liền bồng ẵm !

Lạy Đức Ki-tô, thiều quang xán lạn,
Chúc tụng Ngài là ánh sáng thiên thu,
Đến xua tan màn đêm tối mịt mù,
Khắp thiên hạ bừng lên ngày sáng chói.

Đây Cứu Chúa, Đấng ở cùng nhân loại
Đã bước vào đền thánh tiến dâng Cha
Lễ hy sinh là Thánh Thể chói loà :
Nhân thế rõ lòng Cha yêu trọn vẹn.

Lạy Đức Ki-tô, thiều quang bất biến,
Tán dương Ngài là Ánh Sáng muôn dân,
Vị Cứu Tinh đem lửa xuống cõi trần,
Ngài thắp sáng niềm tin trong vũ trụ.

Một ngày mới bừng soi lòng ngôn sứ :
Chính mắt ông được thấy Đấng cứu đời,
Miệng khấn rằng : xin cho kẻ bề tôi,
Được nhắm mắt lìa đời, lòng thanh thản.

Hỡi Ánh Sáng khởi nguyên từ Ánh Sáng,
Hỡi Mặt Trời công chính toả vinh quang,
Chúng con mong đạt tới cõi thiên đàng
Và chung hưởng thánh nhan Ngài muôn thuở.

Đức Ki-tô là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en, ta hãy tin tưởng thưa với Người :

Lạy Chúa Ki-tô, chúng con chào đón Chúa !

Vì muốn tuân giữ luật Mô-sê, Chúa đã để cho Đức Mẹ và thánh Giu-se đem Chúa vào đền thờ dâng lên Chúa Cha, - xin dạy chúng con cũng biết cùng với Chúa dâng xác hồn khi Giáo Hội cử hành thánh lễ.

Lạy Chúa Ki-tô, chúng con chào đón Chúa !

Khi ông Si-mê-on bồng ẵm Chúa trên tay, chính là lúc Chúa thân hành tìm đến với dân Chúa, - xin dạy chúng con cũng biết tìm đến với anh em.

Lạy Chúa Ki-tô, chúng con chào đón Chúa !

Chúa đã cho nữ ngôn sứ An-na nhận ra Chúa là Đấng muôn dân trông đợi, - xin dạy chúng con biết cách nói về Chúa.

Lạy Chúa Ki-tô, chúng con chào đón Chúa !

Chúa đã vui lòng chấp nhận thành dấu hiệu cho người đời chống báng, - xin cho muôn dân nhận biết Chúa là Đấng Cứu Độ.

Lạy Chúa Ki-tô, chúng con chào đón Chúa !

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Một Chúa đã mang kiếp người phàm và hôm nay được tiến dâng trong đền thánh. Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa cho tâm hồn chúng con cũng nên trong sạch, hầu xứng đáng dâng mình trước Thánh Nhan. Chúng con cầu xin

 

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Ml 3, 1-4

"Ðấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người".

Bài trích sách Tiên tri Malakhi.

Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: "Ðây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!" Lập tức Ðấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: "Này đây Người đến". Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Ðó là lời Chúa toàn năng phán.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 23, 7. 8. 9. 10

Ðáp: Vua hiển vinh là ai vậy? (c. 8a)

Xướng: 1) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu! để Vua hiển vinh Người ngự qua. - Ðáp.

2) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh. - Ðáp.

3) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự qua. - Ðáp.

4) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Ðế hiển vinh. - Ðáp. 

Bài Ðọc II: Dt 2, 14-18

"Người phải nên giống anh em Mình mọi đàng".

Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.

Ðó là lời Chúa. 

Alleluia: Lc 2,32

Alleluia, alleluia! - Ánh sang đã chiếu soi muôn dân, và là vinh quang của Israel dân Chúa. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 2, 22-32 [hoặc 22-40]

"Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

"Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa". 

[ Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. ]

Ðó là lời Chúa.


My Reflections...: 1Reflection for Sunday February 2, Feast of the  Presentation of the Lord: Luke 2:22-40

Chúng Ta Hãy Nhận Lấy Ánh Sáng Đời Đời Rạng Chiếu

(St Sophronius, bishop, Orat 3 de Hypapante 6, 7: PG 87, 3, 3291, 3293)
 

Để tôn vinh mầu nhiệm thần linh chúng ta cử hành hôm nay đây, tất cả chúng ta hãy mau mắn đến gặp gỡ Chúa Kitô. Mọi người phải hăng hái nhập vào đoàn kiệu và cầm ánh sáng.

Những ngọn nến sáng của chúng ta là dấu hiệu tỏ cho thấy ánh quang vinh thần linh của Đấng đến để đẩy lui bóng tối tăm sự dữ, và để làm cho cả hoàn vũ này tỏa chiếu rạng ngời ánh sáng đời đời của Người. Những cây nến của chúng ta cũng chứng tỏ cho thấy linh hồn của chúng ta phải làm sao cho ngời sáng khi chúng ta đi nghênh đón Chúa Kitô.

Mẹ Thiên Chúa, Vị Trinh Nữ rất tinh tuyền, đã cầm trong đôi cánh tay của mình một thứ ánh sáng thật, và đã mang Người đến cho những ai còn nằm trong u tối. Cả chúng ta nữa cũng phải mang ánh sáng đến cho tất cả mọi người được thấy, và phải phản chiếu ánh quang của ánh sáng thật khi chúng ta mau mắn đến gặp gỡ Người.

Aùnh sáng đã đến và đã chiếu tỏa trên một thế giới đầy những bóng tối tăm; Bình Minh từ trời cao đã đến viếng thăm chúng ta và chiếu sáng cho những ai còn sống trong tăm tối. Bởi thế, đây là lễ của chúng ta, và chúng ta đi theo đoàn rước cầm cây nến sáng để tỏ cho thấy rằng có một thứ ánh sáng đã chiếu rọi trên chúng ta, cũng như để tỏ cho thấy rằng vinh quang từ Người vẫn tỏa ra cho chúng ta. Bởi thế, tất cả chúng ta hãy mau mắn cùng nhau đến gặp Vị Thiên Chúa của chúng ta.

Ánh sáng thật đã đến, ánh sáng chiếu soi hết mọi người sinh vào trần gian. Hỡi anh em, tất cả chúng ta hãy nhờ ánh sáng này mà thắp sáng lên và tỏa chiếu ra. Tất cả chúng ta thông phần vào ánh quang rạng ngời của ánh sáng ấy, nhờ đó được tràn đầy ánh sáng để không ai còn ngồi trong tăm tối nữa. Chúng ta hãy chiếu soi cho chúng ta khi chúng ta cùng nhau đi với ông già Simêon đến gặp gỡ ánh sáng rạng ngời muôn thuở này. Hân hoan mừng rỡ với Simêon, chúng ta hãy hát lên bài thánh ca tạ ơn Thiên Chúa, Cha của ánh sáng, Đấng đã sai ánh sáng thật đến để đánh tan đi bóng tối tăm, cũng như để cho tất cả chúng ta được tham phần vào ánh rạng ngời của Người.

Qua con mắt của Simêon, chúng ta cũng được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa, ơn cứu độ Ngài đã sửa soạn cho tất cả mọi dân tộc và tỏ ra cho thấy như vinh quang của một dân tân Yến Duyên là chúng ta đây. Như Simêon đã ra đi khỏi những ràng buộc ở đời này khi ông được trông thấy Chúa Kitô thế nào, chúng ta cũng được giải thoát lập tức khỏi tình trạng tội lỗi cũ kỹ của mình như vậy.

Nhờ đức tin chúng ta cũng ẵm lấy Chúa Kitô, ơn cứu độ của Thiên Chúa là Cha, khi Người từ Bêlem đến với chúng ta. Trước kia chúng ta là Dân Ngoại, nay chúng ta trở thành dân Chúa. Mắt chúng ta đã được thấy Thiên Chúa nhập thể, và vì chúng ta đã thấy Người hiện diện giữa chúng ta, cũng như đã nhận lấy Người trong cánh tay của mình, mà chúng ta được gọi là một dân tân Yến Duyên. Chúng ta sẽ không bao giờ quên được sự hiện diện này; hằng năm chúng ta cử hành lễ này để tôn kính Người.

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 1332-1333)

 

ĐTC Gioan Phaolô II:

 

Bài 39 – Ngày 11/12/1996: Đức Trinh Nữ hiến dâng Đấng Cứu Thế của toàn thể nhân loại

 

 


Thứ Sáu

 

(Nếu không trùng hợp và bị át đi bởi Lễ Đức Mẹ Dâng Con trên đây)

 


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II): Hc 47, 2-11

"Ðavít đã thành tâm ca tụng và yêu mến Thiên Chúa".

Trích sách Huấn Ca.

Như miếng mỡ lóc ra khỏi thịt con vật tế lễ thế nào, thì Ðavít được chọn giữa con cái Israel như vậy. Người dỡn với sư tử như dỡn với chiên con và đùa với gấu như đùa với những chiên con. Khi còn trẻ, nào người đã chẳng hạ sát tên khổng lồ và rửa nhục cho dân, khi vung dây ném đá đánh ngã tên Goliath kiêu căng đó sao? Vì người đã kêu cầu Thiên Chúa toàn năng, và Chúa đã ban sức mạnh cho người để hạ sát tên chiến sĩ hùng dũng, để nâng cao lòng can đảm của dân người. Nhờ thế, người được tôn vinh như đã giết mười ngàn, được ca tụng vì những lời Chúa chúc lành, và được người ta trao tặng triều thiên vinh quang, vì người đã tiêu diệt quân thù chung quanh, đã thanh toán bọn giặc Philitinh cho đến ngày nay, đã đập tan sức mạnh chúng đến muôn đời. Trong mọi việc, người dùng lời ca khen mà tuyên xưng Ðấng Thánh Tối Cao; người thành tâm ca tụng Chúa, và yêu mến Thiên Chúa đã sáng tạo người, đã cho người quyền năng chống lại quân thù. Người thành lập ca đoàn trước bàn thờ Chúa, để hoà nhịp những bài thánh ca. Người tổ chức những cuộc lễ huy hoàng, quy định đầy đủ chu kỳ thời gian, để họ ca tụng thánh danh Chúa, và từ sáng sớm, họ biểu dương sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúa đã thứ tha tội lỗi của người, và tán dương sức mạnh của người đến muôn đời. Chúa đã ban cho người giao ước vương quốc và ngôi báu vinh quang trong Israel.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 17, 31. 47 và 50. 51.

Ðáp: Tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ tôi (c. 47b).

Xướng: 1) Ðường lối Thiên Chúa là đường thanh khiết, lời của Chúa được luyện trong lửa đỏ, chính Người là khiên thuẫn che kẻ nương nhờ Người. - Ðáp.

2) Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng của tôi, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ tôi! - Bởi vậy, con sẽ ca tụng Ngài giữa chư dân, lạy Chúa, và con sẽ xướng ca khen ngợi danh Ngài. - Ðáp.

3) Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài, với Ðavít và miêu duệ ông cho tới muôn đời. - Ðáp. 

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 14-29

"Ðó chính là Gioan Tẩy Giả trẫm đã chặt đầu, nay sống lại".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng, kẻ thì nói: "Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng"; kẻ thì bảo: "Ðó là Êlia"; kẻ khác lại rằng: "Ðó là một tiên tri như những tiên tri khác". Nghe vậy, Hêrôđê nói: "Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại". Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe. Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ cho", và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì?" Mẹ cô đáp: "Xin đầu Gioan Tẩy Giả". Cô liền vội vàng trở vào xin vua: "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.

Ðó là lời Chúa. 


 

Reflection on Mark 6:14-29 | New Life Narrabri


Suy nghiệm Lời Chúa

 


  Đức Kitô Đầu Não   


Ngày Thứ Sáu trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay bài Phúc Âm đã chứng thực chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này, với câu đầu tiên như thế này: "Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng".

Tuy nhiên, đối với chung dân chúng thì sở dĩ "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" trở thành "lừng lẫy danh tiếng" như thế là vì, như Bài Phúc Âm hôm nay cho biết: "kẻ thì nói: 'Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng'; kẻ thì bảo: 'Ðó là Êlia'; kẻ khác lại rằng: 'Ðó là một tiên tri như những tiên tri khác'". Còn riêng vua Hêrôđê thì khi "nghe vậy (đã) nói: 'Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại'".

Thật ra, theo nội dung của bài Phúc Âm hôm nay thì "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" không đóng vai chủ động và tự tỏ mình ta như các bài Phúc Âm trước, mà chỉ được nói đến lúc đầu thôi rồi sau đó chỉ liên quan đến những chi tiết về sự kiện vua Hêrôđê sát hại Tiền Hô Gioan Tẩy Giả vậy thôi. Thế nhưng, chính trọng sự kiện có tính cách tiêu cực như "sự cố" này cũng đã gián tiếp cho thấy Người quả thực là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý". 

Không phải hay sao, chính Hêrôđê đã phải công nhận mối liên hệ bất khả phân ly giữa Chúa Kitô là nhân vật mà ông ta chưa bao giờ gặp mà lại rất mong muốn được gặp (xem Luca 23:8) với nhân vật đã bị ông bất đắc dĩ phải cắt thủ cấp, chỉ vì đã bị lỡ lời giữa cả một triều thần bá quan văn võ để giữ lấy thể diện của mình, ở chỗ, ông đã đồng hóa hai nhân vật đặc biệt này của ông thành một: "Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại".

Cái "đầu" của Gioan bị vua Hêrôđê chặt mất đây, trước hết, là biểu hiệu cho "chân lý" đã được Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, nhân vật vốn được vua "kính nể, (vì vua) biết ngài là người chính trực và thánh thiện", hiên ngang bênh vực cho đến cùng, một "chân lý" về luân lý mà nhà vua đã bất chấp vấp phạm: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình", như thể nhà vua đã "chặt" đi "chân lý" ấy bằng đam mê nhục dục của mình, một "chân lý" được biểu hiệu nơi cái "đầu" về thể lý của nhân vật bất khuất Gioan đã bị nhà vua quả thực chặt đi để thỏa mãn ý muốn gian ác hận thù của nàng Hêrôđia là người vợ bất chính của vua, một người vợ bất chính hèn hạ vốn đã "mưu toan muốn giết ngài, nhưng không thể làm gì được", cho tới khi bất ngờ nắm được cơ hội ngàn vàng trong tay là lúc, như Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại: 

"Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: 'Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ cho', và vua thề rằng: 'Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho'. Cô ra hỏi mẹ: 'Con nên xin gì?' Mẹ cô đáp: 'Xin đầu Gioan Tẩy Giả'. Cô liền vội vàng trở vào xin vua: 'Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa'. Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ".

Chưa hết, cái "đầu" của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê chặt mất đây còn ám chỉ chính Chúa Kitô "là chân lý" (Gioan 14:6) mà ngài chỉ được sai đến trước để dọn đường và để "làm chứng" cho Người (xem Gioan 1:15), Đấng là "ánh sáng chiếu trong tăm tối nhưng tăm tối không át được ánh sáng" (Gioan 1:5), Đấng đến sau ngài nhưng lại vô cùng cao trọng hơn ngài và có trước ngài, như "đầu" của ngài, như vị thủ lãnh tối cao của ngài, đến độ ngài "không đáng cởi giây giầy cho Người" (xem Gioan 1:15,27), một "vị vua mới sinh" (Mathêu 2:2) ngày xưa đã từng bị vương phụ của Hêrôđê đương kim này bấy giờ tìm sát hại khi sau biến cố tam vị chiêm vương gia đến bái thờ Người ở Bêlem Xứ Giuđa mà không trở về trình báo lại cho vua ấy (xem Mathêu 2:1-18).

Như thế, sự kiện cái "đầu" của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bị quyền lực chính trị đầy vô luân của dân Do Thái thời ấy chặt mất đây, đã trở thành một dấu chỉ đầy bí nhiệm ám chỉ đến cuộc tử nạn của một nhân vật sau này sẽ được một quyền lực chính trị khác, uy thế hơn, là tổng trấn Philatô ở Giuđêa tôn vương là "Vua dân Do Thái" (xem Gioan 19:19; Mathêu 27:37), khi vị thẩm quyền của đế quốc Rôma này, một đàng thì muốn biết "chân lý là gì?" khi tra vấn Chúa Giêsu và đối diện với Chúa Giêsu (Gioan 18:38), một đàng, cũng như Hêrôđê đang làm vua nước bị trị Do Thái bấy giờ đã lấy "đầu" Gioan Tẩy Giả chỉ vì danh dự thế giá của mình trước kia, đành phải ra lệnh đóng đanh một con người mà tự ông biệt được là vô tội và tìm cách thả ra (xem Gioan 19:4,6,10-12).

Vậy thì sự kiện Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê sát hại quả thực có liên quan đến cuộc tử nạn của Chúa Kitô là Đấng đến sau ngài, như một dấu báo trước về Đấng mà ngài đã hai lần tuyên bố và công khai giới thiệu: ngày hôm trước với chung dân chúng - "Kìa Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian" (Gioan 1:29), và ngày hôm sau với riêng các môn đệ của ngài - "Hãy nhìn xem kìa, Con Chiên Thiên Chúa đó" (Gioan 1:36). 

Như thế, câu tuyên bố "đó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại" của một nhà vua bất luân gian ác ấy dầu sao cũng có tính cách tiên tri, như trong câu của vị thượng tế Caipha thời ấy quả thực đã chất chứa tính chất tiên tri và đã thực sự hoàn toàn ứng nghiệm về nhân vật Giêsu Nazarét đã gây chấn động cả Thành Giêrusalem là Giáo Đô Do Thái giáo về sự kiện nhân vật tầm thường này, một nhân vật xuất thân từ Galilêa xa xôi là nơi chẳng có vị tiên tri nào xuất thân (xem Gioan 7:52), chẳng phải là luật sĩ hay thành phần trong hội đồng đầu mục Do Thái, nhưng đã làm cho Lazarô, một tử thi hồi sinh sau 4 ngày đã lên mùi (xem Gioan 11:43-44), rằng "các người chẳng hiểu gì hết, các người không thấy rằng thà một người chết thay cho dân chúng còn hơn là toàn dân bị hủy diệt hay sao?" (Gioan 11:50).

Thật sự câu tuyên bố "đó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại" của vua Hêrôđê, tự nó chất chứa tính chất tiên tri, mà chính người nói không hề hay biết là mình muốn nói gì và lời ấy có ý nghĩa ra sao, không phải chỉ ám cuộc tử nạn của Chúa Kitô là "đầu" tự hiến cho Giáo Hội là thân thể của mình (xem Gioan 17:19; Epheso 5:23,25-27), mà còn ám chỉ những gì vị Tiền Hô Gioan này "làm chứng" về Đấng là "Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian" đến sau ngài đều đúng, đều ứng nghiệm nơi Chúa Kitô, như thể "Gioan ... nay đã sống lại" nơi Chúa Kitô ở cuộc tử nạn của Người vậy, Đấng "đã được sinh ra, đã đến thế gian là để làm chứng cho chân lý" (Gioan 18:37), như chính vị tiền hô của Người cũng đã được sai đến tuy "không phải là ánh sáng" như Người nhưng cũng đã "làm chứng" cho Người "là ánh sáng đã chiếu soi trong tăm tối, một thứ tăm tối không át được ánh sáng" (Gioan 1:5).

Nếu vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã được sai đến để dọn đường cho Chúa Kitô bằng cách "làm chứng" về Người và cho Người, thậm chí trước khi được thực sự và trực tiếp gặp Người, chẳng những bằng lời rao giảng thống hối kèm theo việc làm phép rửa thống hối, mà còn bằng chính cái "đầu" bất khuất của mình thế nào, thì vua Đavít trong Bài Đọc 1 cho Năm Chẵn hôm nay, được trích từ Sách Huấn Ca, cũng đã được chọn làm vương tổ của nhân vật Giêsu Nazarét "vua dân Do Thái" (Mathêu 2:2; 27:37) sau này, bằng một cuộc đời vua đã sống bao gồm cả công lênh sự nghiệp lẫn lỗi lầm của vua, nhưng ngài, như Bài Đọc 1 hôm nay nhận định, vẫn được "Chúa đã thứ tha tội lỗi của người, và tán dương sức mạnh của người đến muôn đời. Chúa đã ban cho người giao ước vương quốc và ngôi báu vinh quang trong Israel".

Bài Đáp Ca hôm nay chẳng những nói về vua Đavít mà còn nói về vị thừa kế của vua cũng như về triều đại vô cùng bất tận của vua nơi giòng dõi của vua là Đấng Thiên Sai Cứu Thế Giêsu Kitô:

1) Ðường lối Thiên Chúa là đường thanh khiết, lời của Chúa được luyện trong lửa đỏ, chính Người là khiên thuẫn che kẻ nương nhờ Người. 

2) Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng của tôi, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ tôi! - Bởi vậy, con sẽ ca tụng Ngài giữa chư dân, lạy Chúa, và con sẽ xướng ca khen ngợi danh Ngài. 

3) Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài, với Ðavít và miêu duệ ông cho tới muôn đời. 

 

 

 

 


Thứ Bảy


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II): 1 V 3, 4-13

"Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để đoán xét dân Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Salomon đến Gabaon để dâng hy lễ, vì đây là nơi cao rộng nhất. Salomon dâng trên bàn thờ này một ngàn lễ vật toàn thiêu. Tại Gabaon ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng, và phán rằng: "Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi". Salomon thưa: "Chúa đã tỏ lòng rất nhân hậu đối với cha con là Ðavít, tôi tớ Chúa, vì người đã sống trước tôn nhan Chúa trong chân lý và công bình, đã ăn ở ngay thẳng đối với Chúa. Chúa đã dành cho người một lòng nhân hậu lớn lao, đã ban cho người đứa con trai hiện đang ngồi trên ngôi báu của người. Và giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này".

Ðiều Salomon kêu xin như trên đã làm đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: "Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho ngươi được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống như ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi. Cả những điều ngươi không xin, như giàu có và vinh quang đến nỗi từ trước đến giờ, trong các vua, không vua nào được như ngươi, Ta cũng ban cho ngươi.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 118, 9. 10. 11. 12. 13. 14.

Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy con các thánh chỉ của Chúa (c. 12b).

Xướng: 1) Tuổi trẻ lấy chi giữ cho thanh khiết đường đời? Bằng cách noi theo lời vàng của Chúa. - Ðáp.

2) Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài. - Ðáp.

3) Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài. - Ðáp.

4) Thân lạy Chúa, Ngài muôn phước đức, xin dạy con các thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.

5) Con kể được ra nơi đầu môi, tất cả những huấn dụ bởi miệng Ngài. - Ðáp.

6) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang. - Ðáp. 

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta". - Alleluia. 

Phúc Âm: Mc 6, 30-34

"Họ như đàn chiên không người chăn".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Ðó là lời Chúa. 

 

 

Daily Gospel Reading – Mark 6:30-34 | Daily Bible Readings


Suy nghiệm Lời Chúa

 


  Đức Kitô động lòng

 

Hôm nay, Thứ Bảy, ngày cuối cùng trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này, vẫn tiếp tục với phụng vụ lời Chúa hôm nay nói chung và bài Phúc Âm nói riêng, ở câu "Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều".

Đúng thế, là Đấng được sai đến và thực sự đã "đến cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10), Chúa Giêsu không động lòng thương "họ như đàn chiên không người chăn" sao được! Đó là lý do, trong bài Phúc Âm Thứ Năm vừa rồi, Người đã sai cả các tông đồ của Người đi đến với họ để đáp ứng nhu cầu mục vụ của họ nữa, ở chỗ: "Các ngài trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân".

Cũng có thể vì thế, vì ảnh hưởng thành công của cuộc truyền giáo tiên khởi này của các tông đồ cho "các con chiên lạc nhà Yến Duyên / Israel" (Mathêu 15:24) mới xẩy ra hiện tượng "dân chúng đến tấp nập", ngay sau sự kiện "các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy", càng lúc càng đông "đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống", không tìm được một nơi kín đáo thuận lợi cho bản thân các vị sau chuyến đi mệt mỏi tuy đầy hứng thú, như chính Chúa Giêsu đã thông cảm và khuyên giục các vị: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút".

Có lẽ điều làm cho Chúa Giêsu động lòng nhất nơi dân chúng bấy giờ không phải chỉ vì họ đông đúc kéo đến với thày trò của Người, cho bằng sự kiện cho dù "các ngài (có) xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh (như thể tạm xa lánh họ để nghỉ ngơi một chút nhờ đó và sau đó có sức phục vụ họ hơn). (Nhưng khi) Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài". Có nghĩa là trong thành phần dân chúng này nhiều người trong họ đã cảm thấy nghiện thày trò của Người, không có không được, thậm chí đã quen hơi biết tiếng của các ngài, biết được cả ý định đi đâu cùng với điểm đến của các ngài nữa.

Họ tha thiết theo đuổi các ngài, một cách, chẳng những thấu biết về các ngài, mà còn hết sức mau mắn nữa, ở chỗ, cho dù "đi bộ" theo đường vòng hơn là đường thẳng như bằng thuyền theo đường thủy như thày trò các ngài, mà họ vẫn "kéo đến nơi đó (còn) tới nơi trước (cả) các ngài (nữa)". Thường bao giờ đến với Chúa Giêsu, họ cũng dẫn theo các nạn nhân bệnh hoạn tật nguyền, hay chính các nạn nhân tật bệnh này đích thân đến với Người. Vậy mà cả thành phần bệnh hoạn tật nguyền này trong dân chúng cũng có đủ sức và dư sức đến trước các ngài để nghênh đón các ngài!

Thật là cảm động. Thật là dễ thương. Thật là đáng thương. Bởi thế, mới có chuyện "lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều".

Đối với Chúa Giêsu, vì "người ta sống không nguyên bởi bánh mà còn bởi mọi lời bởi miệng Thiên Chúa phán ra" (Matheu 4:4), và vì chỉ có "những lời Tôi nói với quí vị toàn là thần linh và là sự sống" (Gioan 6:63) mà trước khi Người làm phép lạ bánh hóa ra nhiều nuôi họ lần thứ nhất, như đoạn Phúc Âm tiếp theo sau bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, "Người (đã) dạy dỗ họ nhiều điều".

"Nhiều điều" mà Chúa Giêsu đã muốn "dạy dỗ" cho dân chúng bấy giờ là những gì? Phải chăng về Nước Trời, bằng các dụ ngôn khác với những dụ ngôn Người đã được Người sử dụng trước đó theo Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở đoạn 13?? Phải chăng là các mối Phúc Đức Trọn Lành như Người đã giảng dạy và được Thánh ký Mathêu ghi lại trong Phúc Âm của mình kéo dài đến 3 đoạn, từ đoạn 5 đến hết đoạn 7, hay cũng đã được Thánh ký Luca ghi lại trong Phúc Âm của ngài ở đoạn 6, những gì được cả 2 vị thánh ký này ghi lại hoàn toàn chưa hề có trong Phúc Âm của Thánh ký Marco???

Căn cứ vào đoạn Phúc Âm ngay sau bài Phúc Âm hôm nay, đoạn Phúc Âm liên quan đến phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, chúng ta chẳng những biết được con số dân chúng "tấp nập kéo đến" là bao nhiêu mà còn biết cả nội dung của những gì Chúa Giêsu muốn dạy dỗ cho dân chúng bấy giờ nữa.

 Trước hết, căn cứ vào phần ăn được Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều mà còn thu lại được 12 thúng đầy thì con số dân chúng hiện diện bấy giờ là 5 ngàn người đàn ông, không kể đàn bà con nít, mà đàn bà con nít bao giờ cũng đông hơn gấp hai hay gấp ba đàn ông, thì con số dân chúng bấy giờ phải lên tới cả 15 - 20 ngàn người.

Sau nữa, về nội dung bài giảng của Chúa Giêsu, căn cứ vào Bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan, đoạn 6, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê còn dư 12 thúng đầy, và sau khi trốn lên núi để tránh cảnh dân chúng tôn vương mình, cuối cùng dân chúng cũng tìm thấy thày trò của Người thì Chúa Giêsu đã giảng dạy họ về Bánh Sự Sống là chính bản thân Người nói chung và thân xác của Người nói riêng cho những ai tin vào Người là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý": "Tôi chính là bánh sự sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời. Bánh Tôi ban chính là thịt Tôi cho thế gian được sự sống" (Gioan 6:51).

Phải, chỉ  "những lời Tôi nói với quí vị toàn là thần linh và là sự sống", và những ai khao khát lời Người, theo đuổi Người cho đến cùng như đám đông dân chúng trong Bài Phúc Âm hôm nay mới được "Người dạy dỗ họ nhiều điều", về chính bản thân của Người, nhờ đó họ mới có thể khôn ngoan và sống trọn hảo theo đúng thân phận làm người phổ quát của họ cũng như ơn gọi riêng biệt trên đời của mỗi người trong họ.

Vua Solomon, vị vua con kế vị vua cha là Đavít, trong Bài Đọc 1 cho Năm Chẵn hôm nay, đã cho thấy được thừa hưởng chẳng những ngai vàng của vua cha mà còn cả tinh thần kính sợ Thiên Chúa của vua cha nữa, người "đã sống trước tôn nhan Chúa trong chân lý và công bình, đã ăn ở ngay thẳng đối với Chúa", một "lòng kính sợ là đầu mối sự khôn ngoan" (Cách Ngôn 9:10). Chính lòng kính sợ Chúa đã giúp cho vị vua thứ ba của dân nước Do Thái này trở thành khôn ngoan nên đã biết xin và chỉ xin những gì đẹp lòng Thiên Chúa nhất, như Bài Đọc 1 cho thấy:

"Trong những ngày ấy, Salomon đến Gabaon để dâng hy lễ, vì đây là nơi cao rộng nhất. Salomon dâng trên bàn thờ này một ngàn lễ vật toàn thiêu. Tại Gabaon ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng, và phán rằng: 'Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi'. Salomon thưa: 'Chúa đã tỏ lòng rất nhân hậu đối với cha con là Ðavít, tôi tớ Chúa, vì người đã sống trước tôn nhan Chúa trong chân lý và công bình, đã ăn ở ngay thẳng đối với Chúa. Chúa đã dành cho người một lòng nhân hậu lớn lao, đã ban cho người đứa con trai hiện đang ngồi trên ngôi báu của người. Và giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này'".

Chính Thiên Chúa chẳng những công nhận là điều vị vua con Solomon này xin là khôn ngoan mà còn cho thấy cái khôn ngoan ấy ở chỗ nào nữa, thậm chí Ngài chẳng những ban cho vua đúng như những gì vua xin là chính đức khôn ngoan mà còn ban cho vua cả những gì vua không xin là giầu sang phú quí không ai bằng nữa:

"Ðiều Salomon kêu xin như trên đã làm đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: 'Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho ngươi được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống như ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi. Cả những điều ngươi không xin, như giàu có và vinh quang đến nỗi từ trước đến giờ, trong các vua, không vua nào được như ngươi, Ta cũng ban cho ngươi'".

Lời nguyện cầu đẹp lòng Chúa của vua Solomon trong Bài Đọc 1 hôm nay hoàn toàn phản ảnh tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay, một tâm tình có thể đã tràn đầy lòng trí của vua khi vua dâng lời nguyện cầu lên Vị Thiên Chúa "đã tỏ lòng rất nhân hậu đối với cha con là Ðavít... và khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con", một triều đại Đavít sẽ tồn tại muôn đời nhờ Đấng Thiên Sai Cứu Thế là giòng dõi của Đavít như vua Solomon:

1) Tuổi trẻ lấy chi giữ cho thanh khiết đường đời? Bằng cách noi theo lời vàng của Chúa.

2) Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài.

3) Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài.

4) Thân lạy Chúa, Ngài muôn phước đức, xin dạy con các thánh chỉ của Ngài.

5) Con kể được ra nơi đầu môi, tất cả những huấn dụ bởi miệng Ngài.

6) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang.  

 

Thánh BLASIÔ 
Giám mục Tử đạo (…. – 316)

www.bluearmy.com/wp-content/uploads/2021/02/St-...

 

Có nhiều câu chuyện vây quanh thánh Blasiô. Ngài là giám mục Sêbasta, miền Armênia; Ngài hiến cả xác hồn cho dân chúng… nhất là dân nghèo, Ngài đã học nghề thuốc, nhưng không bao giờ chữa bệnh cho ai mà không xin Chúa giúp trước đã, dường như vị y sĩ vĩ đại này muốn nói rằng: “Tôi băng bó cho họ nhưng Thiên Chúa chữa lành cho họ”. Ngài rao giảng, day dỗ, nhưng không có bài học nào hay hơn chính gương mẫu đời Ngài.

Năm 315, một cuộc bách hại bùng ra dưới triều đại vua Luciniô. Đức giám mục giúp đỡ các vị tử đạo. Rồi để trốn thoát các kẻ thù địch, Ngài ẩn mình ở hang núi Agêa, là nơi Ngài sống bằng rễ cây và nước lã. Thú rừng thân tình bao quanh Ngài và Ngài chữa lành cho những con bệnh tật. Mỗi ngày một đông dân chúng tuốn đến với với Ngài. Nếu thấy Ngài đang cầu nguyện chúng lặng lẽ không ngăn trở và đợi cho đến khi Ngài cầu nguyện xong. Khi đó Thánh nhân quay lại với đoàn vật và chúc lành cho chúng và đoàn vật mãn nguyện trở lại sa mạc.

Agricôla, quan cai trị Cappadecia tìm thú rừng sống trong các khu rừng gần Sêbasta, để xé các Kitô hữu. Đoàn người đi săn ngạc nhiên khi thấy cả bầy sói, gấu, sư tử trong một cái hang vây quanh một người, đang cầu nguyện. Họ vội về báo tin cho Agricôla và ông này đã truyền bắt vị tu rừng này.

Thấy binh sĩ của nhà vua. Blasiô bình thản nói :- Tôi đã sẵn sàng. Đêm qua Chúa hiện ra và nói với tôi, là Ngài ưng nhận lễ hy sinh của tôi.

Trên đường Ngài đi qua, dân chúng tuốn đến, trong số ấy có cả các lương dân. Họ khóc lóc xin người chúc lành. Một người mẹ đặt đứa trẻ đang hấp hối dưới chân Blasiô và nhìn trời bà la : – Lạy Chúa nhân từ, xin đừng bỏ qua lời cầu của tôi tớ Ngài. Xin hãy trả lại sức khỏe cho tạo vật bé bỏng của Ngài.

Blasiô cúi xuống đứa trẻ hấp hối, cầu nguyện. Trời cao đã nghe Ngài, và người mẹ hân hoan đón nhận lại đứa con tràn đầy sức sống.

Khi đức Giám mục xuất hiện, Agricôla đưa nhiều hứa hẹn lẫn lời đe dọa. Nhưng điều này đã luống công. Thánh nhân nói : – Tôi không sợ các cực hình Ngài đe dọa vì thân xác tôi nằm trong tay Ngài, nhưng linh hồn tôi thì không.

Ngài đã bị đánh đập tàn nhẫn và bị tống ngục. Các Kitô hữu tới thăm, Ngài an ủi khích lệ và chữa lành cho họ. Ngài đã giải cứu cho một đứa trẻ gần ngộp thở vì mắc xương cá. Vì kỷ niệm này và cũng vì lời cầu nguyện sau cùng khi đưa cổ cho lý hình, thánh Blasiô được kêu cầu cách đặc biệt để xin Ngài chữa lành các bệnh nhân đau cổ họng.

Những tường thuật về các phép lạ đi kèm với cái chết của Ngài thành gia sản truyền tụng rất được các giáo phụ ưa thích. Sau mỗi cuộc tra xét với một cực hình mới lại có một phép lạ đánh dấu cuộc trở lại ngay trong phòng giam của Ngài. Phép lạ lừng danh nhất là phép lạ về ngẫu tượng. Các Kitô hữu đến săn sóc những vết thương cho Ngài, đã ném xuống hồ các thần tượng của nhà cầm quyền. Họ bị tố giác và chịu tử dạo. Blasiô cũng bị kết án dìm vào hồ này, nhưng Ngài làm dấu thánh giá và đi trên mặt nước, rồi Ngài mời các quan tòa đi theo để minh chứng uy quyền các thần linh họ thờ. Những người nhận lời bị chết chìm ngay.

Vị tử đạo vừa mới cho thấy vinh quang Thiên Chúa, liền được một thiên thần mời trở lại bờ hồ để chịu cực hình, Ngài vâng lời ngay. Agricôla bối rối liền truyền chém đầu Ngài. Blasiô trước khi chết, đã nài xin Chúa tỏ lòng nhân từ với những ai nhờ lời Ngài bầu cử mà xin cứu giúp.

Nguồn: daminhvn.net