SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 

M
ùa Vọng Tuần II Năm C (Chúa Nhật) và Năm Lẻ (Trong tuần)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Chúa Nhật


Lời Chúa


 Bài Ðọc I: Br 5, 1-9

"Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi".

Trích sách Tiên tri Barúc.

Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa.

Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa.

Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Pl 1, 4-6. 8-11

"Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Ðức Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô.

Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giêsu Kitô. Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Kitô, anh em được Ðức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! - Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 3, 1-6

"Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.

Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: "Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.



Suy niệm

 

Nhập thể dọn đường  


Mùa Vọng là Mùa đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng mang đến cho chung loài người và riêng dân Do Thái Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Bởi vì, từ sau nguyên tội, loài người đã sống trong đau thương, về cả tâm hồn lẫn thể xác, đến độ, đúng như cảm nghiệm của Phật giáo: "đời là bể khổ". 


Thế nhưng, vì Thiên Chúa dựng nên con người là để được sống đời đời, để được hưởng phúc trường sinh bất diệt, mà họ không thể nào chấp nhận được thân phận khổ đau bất hạnh của mình. Theo giòng lịch sử, họ đã tìm đủ cách để làm sao có thể "vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24).


Đó là là lý do mới có các "đạo" giáo khác nhau, tức là có những "con đường", những "đạo lộ" khác nhau để con người vừa có thể thoát khổ vừa có thể được đạt được hạnh phúc. Một trong những "con đường" hay "đạo l" rõ ràng có chủ trương "cứu độ" con người, như "đạo" Do Thái và "đạo" Thiên Chúa (Kitô giáo), đó là "đạo" Phật (Phật giáo)


Tuy nhiên, trong khi "đạo" Phật chủ trương "tự độ", nghĩa là tự cứu mình, bằng cách diệt dục là tham sân si khi còn sống trên đời này, cũng như bằng đường lối đầu thai luân hồi sau khi chết nếu chưa hoàn toàn diệt dục, cho tới khi giác ngộ mới được siêu thoát vào cõi niết bàn, thì Do Thái giáo và Kitô giáo lại trông chờ "Ơn Cứu Độ" từ Trời Cao.


Thật vậy, tự bản tính thụ tạo của mình, một tạo vật hữu hình và hữu hạn, so với Thiên Chúa Hóa Công là Đấng tự hữu, toàn thiện và toàn năng, con người chẳng là gì ngoài bản chất bất toàn và bất lực của mình, chỉ có thể trở thành viên mãn nhờ Ngài và trong Ngài, như họ đã được thông phần vào sự hiện hữu của Ngài nhờ được Ngài dựng nên. 


Thậm chí khi mới được tạo dựng, còn sống trong tình trạng công chính nguyên thủy, chưa biết đến tội lỗi là gì: "trần truồng không biết xấu h" (Khởi Nguyên 2:25), loài người còn sa ngã phạm tội, huống chi bởi nguyên tội họ lại càng mù quáng, sai lạc và yếu nhược hơn nữa, làm sao có thể "tự độ", tự cứu được bản thân mình như lòng mong ước.


Đó là lý do, ngay từ ban đầu, nghĩa là ngay sau nguyên tội, Thiên Chúa chẳng những đã tự động hứa ban Ơn Cứu Độ cho con người qua Đấng Thiên Sai Cứu Tinh của Ngài (xem Khởi Nguyên 3:15), mà còn khôn ngoan không để con người có thể "tự độ", bằng cách đuổi họ ra khỏi địa đường, kẻo họ hái cây sự sống mà ăn (xem Khởi Nguyên 3:22).


Thế là lịch sử của loài người nói chung và lịch sử của dân Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn nói riêng đã trở thành Lịch Sử Cứu Độ, lịch sử đợi trông Ơn Cứu Độ, một Mùa Vọng đợi trông cho được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết là những gì liên lỉ chẳng những hành hạ con người mà còn giúp cho con người càng có lý do sâu xa chính đáng mãnh liệt trông chờ Đấng Thiên Sai Cứu Thế mau đến.


Lời Chúa qua miệng Tiên Tri Barúc trong Bài Đọc 1 cho Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng hôm nay đã cho thấy Thiên Chúa không quên lời hứa cứu độ của Ngài từ ban đầu, trái lại, Ngài vẫn hiện diện trong giòng lịch sử của loài người nói chung và Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái nói riêng. Bởi thế, trong Bài Đọc 1 hôm nay, Ngài đã phấn khởi dân Ngài chẳng những ở chỗ kêu gọi họ sống cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực mà còn hướng họ về một tương lai sáng lạn tràn đầy sự sống như sau:


Trước hết, Thiên Chúa đã phấn khởi dân Ngài sống cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực: 


"Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi ("vượt qua sự chết" - Gioan 5:24), hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi ("mà vào sự sống" - Gioan 5:24). Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý ("được sự sống" - Gioan 10:10), và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi ("và được sự sống viên mãn" - Gioan 10:10). Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian (ám chỉ việc Thiên Chúa tỏ mình ra qua Con của Ngài nơi dân Do Thái: "Ơn cứu độ xuất phát từ dân Do Thái" - Gioan 4:22). Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa".


Sau nữa, Thiên Chúa hướng họ về một tương lai sáng lạn tràn đầy sự sống:


"Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông (là hướng mặt trời mọc, mặt trời Công Chính là Chúa Kitô - xem Luca 1:78). Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây (ám chỉ cả dân ngoại, cả loài người cũng được thừa hưởng giao ước Thiên Chúa đã thiết lập với dân Do Thái) họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh ("Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ" - 1Timothêu 2:4), họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử (có thể là ám chỉ loài người bị ngụy thần bắt cóc, sống nô lệ cho hắn, nhưng được lấy lại chức phận con cái Thiên Chúa). Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ (bằng cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô) mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa (có thể là ám chỉ các thứ quyền lực sự dữ), lấp đầy những hố sâu (có thể  ám chỉ các cám dỗ gian tà dối trá lừa đảo), để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang".


Theo chiều hướng được Thiên Chúa cứu độ kêu gọi và phấn khích trong Bài Đọc 1 hôm nay, dân Do Thái cảm thấy hân hoan vui sống với tràn đầy những tâm tình hứng khởi được chất chứa trong Bài Đáp Ca hôm nay:


1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. 


2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. 


3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. 


4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. 


Phải, lịch sử của loài người nói chung và của dân Do Thái nói riêng là một Mùa Vọng trông chờ Ơn Cứu Độ, trông chờ Ngày Giải Thoát, một thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại và Do Thái, như thể tất cả mọi sự đều chẳng những hướng về thời điểm định mệnh ấy, thời điểm được Tiên Tri Giêrêmia của Cựu Ước trong Bài Đọc 1 của Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng tiên báo một cách trống trống là "Ngày ấy" (liên quan đến lần đến thứ nhất của Chúa Kitô), mà còn từ thời điểm quyết liệt ấy, thời điểm được Thánh Tông Đồ Phaolô của Tân Ước xác định rõ 2 lần trong Bài Đọc 2 hôm nay là "ngày của Ðức Giêsu Kitô" (liên quan đến lần đến thứ hai của Chúa Kitô): "anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô..."


Đúng thế, đối với Kitô hữu thì Chúa Kitô đã tới rồi, như mặt trời công chính chiếu tỏa khắp nhân gian, như một "Ngày" vô tận. Bởi thế, khi lãnh nhận Phép Rửa, tức khi họ chấp nhận Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), họ đã mặc lấy Người và nhờ đó cũng trở nên "ánh sáng trần gian" (Mathêu 5:14), trở thành "con cái sự sáng, con cái ban ngày(1Thessalonica 5:5), ở chỗ, như Thánh Phaolô viết trong Bài Đọc 2 hôm nay: "Lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, nhờ đó anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Kitô".


Vẫn biết là Ơn Cứu Độ được ban nhưng không cho con người từ Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu qua Đấng Thiên Sai Cứu Thế Con của Ngài. Thế nhưng, về phần mình, con người phải làm sao để có thể lãnh nhận và xứng đáng hoan hưởng Ơn Cứu Độ nhưng không và vô cùng cao quí đó nữa. 


Trong việc sửa soạn cho con người có thể đón nhận Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí này, tức là đón nhận chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến, Thiên Chúa đã phải cho xuất hiện vào một thời điểm lịch sử trong "đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế", một Vị Tiền Hô của Con Ngài và cho Con Ngài là "Gioan, con Giacaria, trong hoang địa", như được Bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay đề cập tới


Nhân vật lịch sử Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này xuất hiện với mục đích "đi trước Chúa để sửa soạn đường lối ngay thẳng cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên" (Luca 1:76-77). Bằng cách, như Phúc Âm hôm nay cho biết: "Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: 'Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

Vâng, Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, với tư cách là "tiếng kêu trong hoang địa", được Thiên Chúa sai đến trước Chúa Kitô là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) để thực hiện sứ vụ "sửa soạn đường lối ngay thẳng cho Chúa" nơi dân Do Thái, nhờ đó "dân Chúa" mới có thể nhận biết Đấng Thiên Sai Cứu Thế của họ. Và ngài đã "sửa soạn đường lối ngay thẳng cho Chúa" nơi dân Do Thái, ở chỗ "rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội", bằng cách ngài ra tay "lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy uốn cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng". 

Điển hình là thành phần Pharisiêu và Saducê đến chịu phép rửa với mình, Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này đã thẳng thắn "lấp... bạt" và "uốn... san" như thế này: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: 'Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.' Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa" (Mathêu 3:7-10).

"Hỡi Chúa Hài Đồng, xin cho con biết hạ mình xuống, khiêm nhượng và đơn sơ như trẻ con, để con được làm bạn thân của Chúa!" (Lời nguyện tắt của Linh Mục Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC).




 

Lời Chúa


Ngày 8 tháng 12

Ðức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

(Lễ Trọng)

 


Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".

Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại: "Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn".

Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa: "Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".

Thiên Chúa phán bảo con rắn: "Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).

Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

3) Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-6. 11-12

"Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô".

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Ðức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.

Cũng trong Ðức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Ðấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

"Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!" Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.



ĐTC GPII: Bài Giảng Thánh Lễ Trọng Kính Mẹ Vô Nhiễm 2004, Kỷ Niệm 150 Năm Tín Điều Thánh Mẫu Vô Nhiễm Nguyên Tội


1.     “Kính mừng đầy ơn phúc, Chúa ở cùng người!” (Lk 1:28)


Chúng ta ngỏ cùng Trinh Nữ Maria mỗi ngày một số lần những lời lẽ này của Tổng Thần Ga-Biên. Chúng ta lập lại những lời ấy hôm nay đây một cách hân hoan cảm mến vào ngày Lễ Trọng Vô Nhiễm Nguyên Tội, khi nhớ lại là vào ngày 8/12/1854, Chân Phước Piô IX đã công bố tín điều cao quí này của đức tin Công Giáo chính tại Đền Thờ Vatican đây.


Tôi thân ái chào tất cả mọi người đến đây hôm nay, nhất là những vị đại diện Các Hội Thánh Mẫu Học Toàn Quốc, thành phần tham dự Hội Nghị Thánh Mẫu Học Maria Quốc Tế do Giáo Hoàng Học Viện Thánh Mẫu tổ chức.


Tôi cũng chào tất cả mọi anh chị em hiện diện nơi đây, hỡi anh chị em thân mến, những người đã đến đây để tỏ lòng tôn kính của người con thảo tỏ ra đối với Vị Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tôi đặc biệt chào ĐHY Camillo Ruini là vị tôi lập lại những lời chúc mừng thân ái nhất của tôi dịp mừng kỷ niệm linh mục của ngài, với tất cả tấm lòng tri ân ngài về việc ngài quảng đại dấn thân phục vụ và tiếp tục phục vụ Giáo Hội với tư cách là tổng đại diện Giáo Phận Rôma cũng như với tư cách là chủ tịch hội đồng giám mục Ý quốc.


2.     Cao cả biết bao mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội được phụng vụ hôm nay tỏ ra cho chúng ta thấy! Một mầu nhiệm không ngừng thu hút việc chiêm ngưỡng của các tín hữu và khiến cho các thần học gia phải suy tư. Đề tài của Cuộc Hội Nghị Thánh Mẫu vừa rồi, “Đức Maria Nazarét Lãnh Nhận Con Thiên Chúa trong Lịch Sử”, đã giúp cho việc học hỏi sâu xa hơn tín lý hoài thai vô nhiễm của Mẹ Maria, một cuộc hoài thai vô nhiễm như điều kiện cần phải có để lãnh nhận trong cung lòng của Mẹ Lời Thiên Chúa nhập thể, Đấng Cứu Độ nhân trần.


“Đầy ơn phúc” là ngôn từ, theo nguyên ngữ Hy Lạp của Phúc Âm Thánh Luca, Thiên Thần ngỏ cùng Mẹ Maria. Đó là danh xưng được Thiên Chúa, qua sứ giả của mình, muốn nói về vị Trinh Nữ này. Ngài hằng nghĩ về Mẹ và thấy Mẹ như thế, “ab aeterno”.


3.     Ở bài thánh ca của Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô, được công bố trước đây, Vị Tông Đồ đã chúc tụng Thiên Chúa là Cha vì Ngài “đã chúc phúc cho chúng ta trong Chúa Kitô bằng mọi phép lành thiêng liêng trên trời” (1:3). Còn những phúc lành đặc biệt nào nhất Thiên Chúa lại không đoái nhìn tới Mẹ Maria ngay vào lúc mở màn thời gian! Mẹ Maria thật sự là có phúc hơn mọi người nữ (x Lk 1:42).


Chúa Cha đã tuyển chọn Mẹ trong Chúa Kitô trước khi tạo thành thế gian, nhờ đó, Mẹ là tạo vật thánh hảo và vô nhiễm trước nhan Ngài trong yêu thương, khi Ngài tiền định Mẹ là hoa trái đầu mùa của thành phần con cái được Ngài thừa nhận nơi Chúa Giêsu Kitô (x Eph 1:4-5).


4.     Việc tiền định về Mẹ Maria, cũng như việc tiền định về mỗi một người trong chúng ta, là những gì tương đối so với việc tiền định về Người Con. Chúa Kitô là “giòng giống” sẽ “đạp đầu” con cựu xà, theo Sách Khởi Nguyên (3:15); Người là Con Chiên “vô tì vết” (x Ex 12:5; 1Pt 1:19), bị sát tế để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi.


Được hưởng trước cuộc tử nạn cứu độ của Người, Maria, Mẹ của Người, được gìn giữ khỏi nguyên tội cũng như khỏi hết mọi tội lỗi khác. Nơi cuộc chiến thắng của vị tân Adong ấy cũng có cả cuộc chiến thắng của một tân Evà là Mẹ của thành phần được cứu chuộc nữa. Bởi thế, Vô Nhiễm Nguyên Tội là một dấu hiệu của niềm hy vọng cho tất cả mọi kẻ sống, thành phần đã chiến thắng Satan nhờ máu của Con Chiên (x Rev 12:11).


5.     Hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng người tỳ nữ thấp hèn Nazarét, người tỳ nữ thánh hảo và vô nhiễm trước nhan Thiên Chúa trong đức mến yêu (x Eph 1:4), một “đức mến yêu” ở chính nguồn mạch của mình là chính Thiên Chúa, Duy Nhất và Ba Ngôi.


Công cuộc cao cả của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Đấng Cứu Chuộc! Trong tông sắc “Ineffabilis Deus”, Đức Piô IX đã nhắc lại rằng Đấng Toàn Năng đã thiết lập “cùng một cấp độ duy nhất về nguồn gốc của Mẹ Maria lẫn việc nhập thể của Đức Khôn Ngoan thần linh” ("Pius IX Pontificis Maximi Acta," Pars prima, p. 559).


Tiếng “xin vâng” của Vị Trinh Nữ này đáp lời truyền tin của Thiên Thần đóng vai trò cụ thể hóa thân phận trần gian của chúng ta, vai trò của một tặng ân thấp hèn hiến dâng cho ý muốn thần linh trong việc cứu độ nhân loại không phải từ lịch sử mà là trong lịch sử. Thật vậy, được gìn giữ vô nhiễm khỏi hết mọi tì ố của nguyên tội, vị “tân Evà” này được hưởng một cách đặc biệt công cuộc của Chúa Kitô là Vị Trung Gian và là Đấng Cứu Chuộc hoàn hảo nhất. Được cứu chuộc trước tiên bởi Con của mình, Mẹ được hoàn toàn tham dự vào sự thánh thiện của Người. Mẹ đã là những gì toàn thể Giáo Hội mong ước và hy vọng trở thành. Mẹ là hình ảnh cánh chung của Giáo Hội.


6.     Đó là lý do mà Đấng Vô Nhiễm, vị cho thấy “từ ban đầu của Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa Kitô không tì ô hay nhăn nheo, rạng ngời kiều diễm” (Kinh Tiền Tụng), bao giờ cũng đi trước Dân Chúa trong cuộc hành trình đức tin hướng về Nước Trời (x “Ánh Sáng Muôn Dân, 58; thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, 2).


Nơi việc hoài thai vô nhiễm của Mẹ Maria, Giáo Hội thấy hiện lên, ngưỡng vọng nơi phần thể cao quí nhất của mình đây, ơn cứu độ Phục Sinh.


Trong biến cố Nhập Thể, Giáo Hội thấy Người Con và Người Mẹ này liên kết với nhau bất khả phân ly: “Người là Chúa và là Đầu của Giáo Hội, và Mẹ, khi thưa tiếng xin vâng đầu tiên của Tân Ước, báo hiệu cho thấy thân phận của Giáo Hội trong vai trò làm hiền thê và làm mẹ” ("Redemptoris Mater," No. 1).


7.     Hỡi Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, vị được Thiên Chúa tiền định hơn hết mọi thụ tạo làm vị bầu cử ân sủng và là mô phạm thánh đức của Dân Ngài, hôm nay đây con xin lập lại một cách đặc biệt việc hiến dâng toàn thể Giáo Hội cho Mẹ.


Xin Mẹ hướng dẫn con cái của Mẹ trong cuộc hành trình đức tin, giúp họ hằng tuân hợp và trung thành với Lời Chúa.


Xin Mẹ đồng hành với hết mọi Kitô hữu trên con đường hoán cải và nên thánh, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi cũng như trong việc tìm cầu sự mỹ lệ thật sự, sự mỹ lệ lúc nào cũng là dấu hiệu và phản ảnh Sự Mỹ thần linh.


Xin Mẹ, một lần nữa, xin cho tất cả mọi dân nước được an bình và cứu độ. Xin Cha hằng hữu, Đấng muốn Mẹ là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đấng Cứu Chuộc, cũng tái diễn trong thời đại của chúng con đây, qua Mẹ, những điều kỳ diệu của tình yêu nhân hậu của Ngài. Amen!

 

 

 

 

 

Thứ Hai

 

(Nếu không bị Lễ Trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm át đi như năm 2024)

 


Lời Chúa


Bài Đọc I: Is 35, 1-10

"Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu thoát các ngươi".

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa; hãy nở hoa như cây thuỷ tiên, hãy tràn đầy hân hoan và niềm vui! Hoang địa sẽ được vinh quang của núi Liban, và vẻ tráng lệ của Carmel và Saron. Chính họ sẽ được thấy vinh quang của Chúa, và vẻ tráng lệ của Thiên Chúa chúng ta.

Hãy nâng đỡ những bàn tay mỏi mệt, và hãy làm vững mạnh những đầu gối rã rời. Hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước. Hang dã thú nơi chó rừng ẩn náu sẽ trở thành vườn lau vườn sậy.

Nơi ấy sẽ có những con đường người ta sẽ gọi là thánh lộ, không tội nhân nào được qua đường đó; đường này sẽ thuộc về các ngươi, và những kẻ ngây thơ sẽ không lạc lối. Đường ấy sẽ không có vết chân sư tử, và không ác thú nào đi trên đường này, chỉ những kẻ được giải phóng đi trên đó thôi. Những kẻ được Chúa cứu thoát sẽ trở về, và vào thành Sion với lời ca vang, cùng với triều thiên hân hoan trên đầu họ. Họ sẽ được niềm vui và hoan hỉ; họ không còn đau khổ và than van.

Đó là lời Chúa.

 

Đáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Đáp: Này đây Chúa chúng ta sẽ đến và cứu độ chúng ta (Is 35, 4d).

Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. - Đáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Đáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. - Đáp.

 

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! - Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 5, 17-26

"Hôm nay chúng tôi đã thấy những việc lạ lùng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!"

Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?" Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: "Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: "Các tội của ngươi đã được tha", hay nói: "Ngươi hãy đứng dậy mà đi", đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất". Người nói với người bất toại rằng: "Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà".

Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: "Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng".

Đó là lời Chúa.

 


Suy niệm

 

Nhập thể chính lộ  



H
ôm nay, ng
ày Thứ Hai trong Tuần Thứ Hai của Mùa Vọng, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bất toại để chứng tỏ là Người có quyền tha tội cho con người.


"Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: 'Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!'"


Cho dù tự mình Chúa Kitô có quyền tha tội, thế nhưng, trước mắt thế gian, Người chỉ là một con người thuần túy, cho dù có quyền năng làm phép lạ, Người vẫn không phải là Thiên Chúa nên không thể nào có quyền tha tội được, như lập luận tự nhiên của các luật sĩ và biệt phái trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?".


Vậy, để chứng tỏ mình thật sự có quyền tha tội lỗi cho con người, vì tội lỗi là nguồn gốc gây ra mọi hậu quả tai hại cho con người phải chịu, như bệnh nạn tật nguyền và chết chóc, Chúa Giêsu đã chữa lành hậu quả của tội lỗi, tức là phá hủy quyền lực của sự dữ, quyền lực của tội lỗi, một sự dữ về luân lý là những gì con người cần phải được giải thoát trước hết và trên hết. Đó là lý do để chứng tỏ mình có quyền tha tội Chúa Giêsu đã chữa lành hậu quả của tội, như trong cùng bài Phúc Âm hôm nay thuật lại:


"Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: 'Các tội của ngươi đã được tha', hay nói: 'Ngươi hãy đứng dậy mà đi', đàng nào dễ hơn? Song để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất. Người nói với người bất toại rằng: 'Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà'. Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: 'Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng'".


Ý nghĩa của Bài Phúc Âm hôm nay về việc Chúa Giêsu tỏ mình ra là Đấng có quyền tha thứ tội lỗi cho con người qua việc Người làm phép lạ chữa lành một người bại liệt đối với Mùa Vọng là Mùa đợi trông Ơn Cứu Độ, cũng là trông đợi chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, là ở chỗ: nguyên tội, cũng là tội lỗi, đã làm cho con người trở thành bại liệt, trở nên bất lực không còn làm được việc lành nữa, không còn tự do của những người con cái Thiên Chúa nữa. Bởi thế, họ không thể "tự độ" nếu chính Thiên Chúa không ra tay "cứu độ" họ.


Con người sau nguyên tội và bởi nguyên tội đã thực sự trở thành bất toại, như cảm nghiệm được chính Thánh Tông Đồ Phaolô diễn tả liên quan đến cuộc chiến nội tâm bất khả vượt thoát và chế ngự của ngài trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma (7:14-24) như sau: 


"Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này : khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!"


Thiên Chúa quả thực đã ra tay cứu độ loài người tội lỗi bất toại khi Ngài tỏ mình ra nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến không phải chỉ để cứu độ con người khỏi khổ đau và chết chóc về phần xác mà chính là để cứu độ phần hồn của con người cho khỏi tội lỗi và cái chết đời đời, nhờ đó cả thân xác của họ cũng nhờ linh hồn bất tử và công chính hóa mà được cứu độ và phục sinh trong vinh quang.


Thiên Chúa đã báo trước công cuộc cứu độ của Ngài qua Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi". Nhờ đó, Ngài canh tân đổi mới tất cả những gì là hoang tàn đổ nát và yếu hèn bất lực của con người tội lỗi, như chính Ngài phán qua những hình ảnh ẩn dụ trong Bài Đọc 1 hôm nay: 


"Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa; hãy nở hoa như cây thuỷ tiên, hãy tràn đầy hân hoan và niềm vui! Hoang địa sẽ được vinh quang của núi Liban, và vẻ tráng lệ của Carmel và Saron. Chính họ sẽ được thấy vinh quang của Chúa, và vẻ tráng lệ của Thiên Chúa chúng ta".


Thật vậy, qua những hình ảnh tiêu biểu và ẩn dụ ấy, Thiên Chúa muốn nói rằng Ngài sẽ cứu độ thân phận bi quan thê thảm của con người cho khỏi mọi bất hạnh, đúng hơn Ngài sẽ biến mọi bất toàn nơi con người và sự dữ của con người thành trọn lành và sự lành, như lời Ngài phán trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay:


"Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước. Hang dã thú nơi chó rừng ẩn náu sẽ trở thành vườn lau vườn sậy".


Nhờ Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, con người tội lỗi được Ngài đưa vào "chính lộ", nghĩa là đưa đến với Chúa Kitô "là đường" (Gioan 14:6), một con đường hẹp nhưng lại là con đường của sự thật đưa tới sự sống, con đường mà "không một tội nhân nào" vốn xu hướng và ham thích những gì là thênh thang thoải mái dễ chịu có thể theo đuổi ngoại trừ "những kẻ ngây thơ" là thành phần tin tưởng theo Chúa Kitô, như những gì cũng được lời Chúa phán trong Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy: 


"Nơi ấy sẽ có những con đường người ta sẽ gọi là thánh lộ, không tội nhân nào được qua đường đó; đường này sẽ thuộc về các ngươi, và những kẻ ngây thơ sẽ không lạc lối. Đường ấy sẽ không có vết chân sư tử, và không ác thú nào đi trên đường này, chỉ những kẻ được giải phóng đi trên đó thôi. Những kẻ được Chúa cứu thoát sẽ trở về, và vào thành Sion với lời ca vang, cùng với triều thiên hân hoan trên đầu họ. Họ sẽ được niềm vui và hoan hỉ; họ không còn đau khổ và than van".


Bài Đáp Ca hôm nay bày tỏ tâm tình của "những ai tôn sợ Chúa" đang trông đợi "Ơn Cứu Độ của Chúa gần đến", nhờ đó cuộc hội ngộ thần linh mới có thể trở thành hiện thực giữa Thiên Chúa ("lòng nhân hậu") và loài người ("sự trung thành"), giữa đất ("đức trung thành") và trời ("đức công minh"):

 

1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. 


2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. 


3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. 


 

Thứ Ba

 

Bài Ðọc I: Is 40, 1-11

"Thiên Chúa an ủi dân Người".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa ngươi phán: Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giêrusalem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi.

Và có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh quang Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán. Có tiếng bảo: "Hãy hô lên!", và tôi nói: "Tôi sẽ hô lên điều gì?" Mọi xác phàm như cỏ dại; mọi vinh quang của nó đều như hoa ngoài đồng. Cỏ dại đã khô, hoa đã tàn, vì hơi Chúa đã thổi trên chúng. Vì chưng, dân là cỏ dại: Cỏ dại đã khô, hoa đã tàn, mà lời Chúa chúng ta tồn tại đến muôn đời.

Hỡi ngươi là kẻ đem tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ! Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Ðây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực, và cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng, và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như một mục tử. Người ẵm những chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2. 3 và 10ac. 11-12. 13

Ðáp: Thiên Chúa chúng ta sẽ đến trong uy quyền (Is 40, 9-10).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.

2) Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Ðáp.

3) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên; đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. - Ðáp.

4) Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở, trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. - Ðáp.

 

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! - Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 12-14

"Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư đi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, thì quả thật, Thầy bảo các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con ở trên trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này phải hư đi".

Ðó là lời Chúa.


 


Suy niệm


  Nhập thể tìm kiếm 



B
ài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần Thứ Hai Mùa Vọng hôm nay là Bài Phúc Âm được Thánh ký Luca thuật lại về dụ ngôn con chiên lạc Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người:


"Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, thì quả thật, Thầy bảo các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con ở trên trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này phải hư đi".


Bài Phúc Âm con chiên lạc này cũng có ý nghĩa tương tự như Bài Phúc Âm hôm qua và cũng rất hợp với Mùa Vọng. Tại sao? Tại vì, "con chiên lạc" đây là hình ảnh của một loài người đã vấp phạm ngay từ ban đầu. "Lạc" ở chỗ không vâng nghe lời Chúa mà theo ý riêng của mình. "Lạc" ở chỗ cứ tưởng tự mình có thể nên giống như Thiên Chúa bằng việc làm trái với ý muốn của Ngài, và nhờ theo ý mình mới là Chúa tể ngang hàng với Ngài. "Lạc" ở chỗ tin theo ma quỉ gian dối lừa đảo hơn là tin vào Thiên Chúa chân thật. "Lạc" ở chỗ đi tìm sự sống và hạnh phúc trong sự chết và bất hạnh. "Lạc" ở chỗ sau khi sa ngã chẳng những không nhận lỗi mình và xin lỗi Chúa lại còn đổ lỗi cho nhau. "Lạc" ở chỗ tự cho mình là công chính do bởi việc mình giữ luật, và vì thế không cần đến ơn cứu độ của Thiên Chúa, không cần đến LTXC v.v.

 

 

Tại sao con người "lạc", nếu không phải là vì con người chưa có hay không có Thánh Linh là Thần Chân Lý, Đấng duy nhất có thể "dẫn vào tất cả sự thật" (xem Gioan 16:13). Và đó là lý do Thiên Chúa cần phải nhập thể để nhờ đó thông ban Thánh Linh của Người cho họ. Và cũng chính vì thế mà sau khi con người được thông ban Thánh Linh qua Lời Nhập Thể và Vượt Qua mà vẫn cố tình "lầm", ở chỗ không chấp nhận tất cả mạc khải thần linh nơi Chúa Giêsu Kitô thì họ đã phạm tội lộng ngôn phạm đến Thánh Linh, một tội không thể tha thứ cả đời này lẫn đời sau (xem Mathêu 12:31-32; Marco 3:28-29; Luca 12:10)

 

 

Sở dĩ Luxiphe và bọn ngụy thần phạm tội chỉ một lần duy nhất là hư đi liền, không được cứu độ như con người, là vì: 1- loài thần thiêng là loài thiêng liêng sáng láng, thông biết hơn con người một trời một vực, biết được tội mình phạm đến Thiên Chúa khủng khiếp là chừng nào, kèm theo hậu quả vô cùng khốn nạn của tội họ phạm, mà họ cứ phạm; 2- loài thần thiêng không sống trong thời gian như loài người, nên không có thời gian ăn năn thống hối và cải thiện đời sống; 3- loài thần thiêng không bị cám dỗ như con người, tự mình làm những gì bất xứng với thân phận tạo vật của mình, lộng ngôn phạm thượng đến chính Đấng vô cùng toàn thiện, khôn ngoan và toàn năng, đã tạo dựng nên mình.


Chính vì thương cảm con người tạo vật của mình thật sự là "lạc", ở chỗ "lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34), mà Thiên Chúa chẳng những không chấp thái độ vô cùng phạm thượng của họ, khi họ tỏ ra không tin tưởng vào Ngài cho bằng tin tưởng vào ma quỉ lừa dối họ, không chấp hành động bất tuân Thánh Ý vô cùng thiện hảo của Ngài, và không chấp hành vi cử chỉ mù quáng không biết nhận lỗi và xin lỗi của họ, mà trái lại còn chộp ngay lấy cơ hội ngàn năm một thuở hiếm có là tội lỗi của họ để tự động hứa cứu độ họ, bằng cách tìm kiếm họ nơi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), và mang họ về nhà Cha nơi Chúa Kitô vượt qua. 


Thật vậy, trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 7, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến việc Thiên Chúa tìm kiếm con chiên lạc nơi Lời Nhập Thể và Vượt Qua như sau:


"Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời. Nếu Thiên Chúa đi tìm con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, là vì đời đời Ngài yêu thương họ nơi Ngôi Lời, và trong Đức Kitô Ngài muốn nâng họ lên danh phận làm một người con được thừa nhận. Thế nên, Thiên Chúa đi tìm kiếm con người là sở hữu đặc biệt của Ngài bằng một đường lối không giống như các tạo vật khác. Con người là sở hữu của Thiên Chúa bởi việc yêu thương chọn lựa: Thiên Chúa tìm kiếm con người theo tấm lòng hiền phụ rung cảm của mình.

            

"Tại sao Thiên Chúa lại tìm kiếm con người? Là vì con người đã bỏ Ngài mà đi, ẩn mình đi như Adong đã làm trong Vườn Địa Đàng (x.Gn.3:8-10). Con người đã để cho mình bị kẻ thù của Thiên Chúa (x.Gn.3:13) làm lạc hướng. Satan đã đánh lừa con người, làm cho con người tin rằng họ cũng là một thần linh, như Thiên Chúa, họ có khả năng biết lành biết dữ, cai trị thế giới theo ý mình mà không cần phải căn cứ vào ý muốn thần linh (x.Gn.3:5). Đi tìm kiếm con người qua Con của mình như thế là Thiên Chúa muốn chinh phục con người, để họ rời bỏ những đường nẻo gian ác đã dẫn họ càng ngày càng đi sai lạc. 'Làm cho họ rời bỏ' những đường nẻo này nghĩa là làm cho họ hiểu được rằng họ đang đi sai đường lạc hướng; nghĩa là chế ngự sự dữ ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử loài người. Chế ngự sự dữ: đó là ý nghĩa của việc cứu chuộc".


Hình ảnh Thiên Chúa đi tìm kiếm con chiên lạc loài người trong Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy Ngài thực sự là một vị mục tử vô cùng nhân lành, luôn ở với chiên của mình và biết từng con chiên của Ngài; Ngài hết lòng yêu thương và tận tình chăm sóc cho từng con chiên một, như Ngôn Sứ Isaia cảm nhận trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Người chăn dắt đoàn chiên Người như một mục tử. Người ẵm những chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ".


Bởi thế, Thiên Chúa, Đấng "sẽ đến trong quyền lực, và cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng, và đưa đi trước những chiến lợi phẩm", như Tiên Tri Isaia tiên báo trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã trấn an dân của Ngài, một dân tộc được Ngài yêu thương nhưng lạc loài, ở chỗ hằng liên lỉ bất trung với Ngài như một người vợ ngoại tình với đủ mọi tà thần và ngẫu tượng, rằng: "Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giêrusalem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi".


Chính vì thế, vì Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, vì được Thiên Chúa vô cùng nhân hậu cứu độ, mà dân của Ngài, trong Bài Đọc 1 hôm nay, được kêu gọi "hãy trèo lên núi cao... hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ!", theo tâm tình hân hoan chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa của Bài Đáp Ca hôm nay: 

1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. 

2) Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. 

3) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên; đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. 

4) Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở, trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. 



Thứ Tư


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Is 40, 25-31

"Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðấng Chí Thánh phán rằng: Các ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã dựng nên muôn loài này? Ðấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của người rất lớn và quyền năng của Người rất cao.

Hỡi Giacob, tại sao ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?

Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu.

Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi.

Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã.

Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi.

Ðó là Lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 103: 1-2, 3-4, 8,10

Ðáp: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.

Xướng 1) Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người. - Ðáp.

2) Người đã thứ tha mọi tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái. - Ðáp.

3) Chúa là Ðấng thương xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia - Chúa chúng ta sẽ đến trong quyền lực, và sẽ làm cho mắt các tôi tớ Người được sáng. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 11:28-30

"Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.

Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.

Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.

Ðó là Lời Chúa.

 


Suy niệm

 

  Nhập thể bồi dưỡng   


Trong suốt tuần thứ nhất Mùa Vọng, nội dung của các bài Phúc Âm đều liên quan đến mạc khải thần linh của Thiên Chúa cho việc cứu độ con người thế nào (Ơn cứu độ cho cả dân ngoại - Thứ Hai; là mạc khải thần linh - Thứ Ba; là Bánh sự sống - Thứ Tư; là ánh sáng chiếu soi - Thứ Năm; là đá tảng  -  Thứ Sáu; là tình thương - Thứ Bảy) thì trong tuần thứ hai Mùa Vọng, các bài Phúc Âm đang xoay quanh thân phận khốn khổ đáng thương của con người cần được Thiên Chúa cứu độ và trông mong Ơn Cứu Độ.


Thật thế, thân phận khốn khổ của con người tội lỗi cần được Thiên Chúa cứu độ được biểu hiệu ở bài Phúc Âm hôm thứ hai nơi người bất toại được Chúa Giêsu chữa lành, và ở bài Phúc Âm hôm qua thứ ba nơi con chiên lạc được tìm thấy, và ở bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần Thứ Hai Mùa Vọng, nơi con người khốn cực cần được bồi dưỡng:


"Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".


Ở đây, qua lời Chúa trong bài Phúc Âm này, chúng ta thấy trước hết là tình trạng khốn khổ của con người: "khó nhọc và gánh nặng" - Quả thật không ai có thể chối cãi được thực trạng con người mệt mỏi "khó nhọc" cả về phần xác lẫn ê chề "gánh nặng" về tinh thần. 


Đúng thế, theo tâm lý tự nhiên và theo kinh nghiệm sống đạo, thực tế cho thấy con người thường sốt sắng vào lúc ban đầu, như khi mới lấy nhau hay mới chịu chức linh mục, hoặc mới đảm nhận một chức vụ nào đó v.v. Bấy giờ tất cả đều nhẹ nhàng dễ chịu, thậm chí còn hứng khởi hăng say nữa. Thế nhưng, qua thời gian, nếu không có đời sống nội tâm, nhất là khi bị đụng chạm, họ sẽ cảm thấy "khó nhọc" nơi những gì họ yêu thích và theo đuổi một cách mê man ngay từ đầu ấy, đến độ chúng trở thành "gánh nặngđến muốn trút bỏ, bằng cách ly dị, phá giới hay từ chức. 


Phải, vào chính lúc ấy, chính lúc con người như hết bình điện nhiệt thành cần phải được "recharge" để lấy lại lòng nhiệt thành ban đầu, con người mới cần phải được Chúa "nâng đỡ bổ sức cho", bằng ân sủng của Người, bằng lời của Người, qua một cuộc tĩnh tâm hoặc linh hướng nào đó hay nhờ đọc Thánh Kinh, bằng các bí tích thánh của Người


Thế nhưng, vấn đề ở đây không phải là sau đó và chỉ nhờ đó chúng ta có thể cảm thấy ngay được "ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng" đâu. Trái lại, ở chỗ hoàn toàn ngược lại với những gì chúng ta suy nghĩ, đó là chúng ta cần phải trước hết và trên hết chấp nhận gian nan thử thách đã: "Hãy mang lấy ách của Ta", rồi sau đó chúng ta mới "hãy học cùng Ta", chứ không phải ngược lại, nghĩa là chứ không phải chúng ta cứ "học cùng Ta" bằng cách nhìn lên gương "dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng" của Người là chúng ta tự nhiên có thể vác thánh giá theo Người được ngay đâu. Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng Chúa là Chúa nên Chúa chịu được còn tôi là người nên tôi không chịu được. 


Kinh nghiệm sống đạo cho thấy, sau những cơn thử thách khổ đau khiến chúng ta cảm thấy "khó nhọc và gánh nặng" mà chúng ta nhờ ơn Chúa vẫn vui nhận và trải qua được, chúng ta sẽ cảm thấy càng ngày càng được biến đổi nên giống Chúa Kitô "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng", thậm chí mới thực sự cảm thấy được "ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng", đến độ, có những vị thánh còn say sưa với đau khổ, hứng thú với khổ đau, sống không thể không có đau khổ, (như thể ăn không thể thiếu ớt cay và càng cay càng thú vị vậy), để nhờ đó, nhờ càng khổ đau họ càng được nên giống Chúa Kitô hơn, và các linh hồn càng được cứu độ nhiều hơn. 


Thật vậy, bởi nguyên tội và sau nguyên tội, bản tính của con người đã bị băng hoại, và phải chịu hậu quả của nguyên tội ngay ở đời này. Ở chỗ, nam nhân thì "khó nhọc" (đổ mồ hôi xôi nước mắt mới có của ăn - xem Khởi Nguyên 3:17-19) và nữ nhân thì "gánh nặng" (mang nặng đẻ đau và phải phục tùng chồng mình - xem Khởi Nguyên 3:16). Chỉ duy một con người duy nhất không chịu hậu quả "khó nhọc" và "gánh nặng" là Mẹ Maria, Vị chẳng những bởi được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội do Thiên Chúa ban, mà còn nhờ ở chính con người của Mẹ, một con người "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" giống Chúa Giêsu Kitô Con của Mẹ nhất, ở chỗ sống đúng thân phận "tôi tớ Chúa" (sống một cách ngoan ngoãn "hiền lành" - không hung hăng vượt biên, không như nữ nguyên tổ Evà dám vượt quá cái giới hạn tạo vật vô cùng thấp hèn của mình trước nhan Chúa), và sống trọn phận vụ của một người tôi tớ là "xin vâng" của mình (phản ảnh tinh thần "khiêm nhượng trong lòng" của Mẹ, không bao giờ làm chủ, làm theo ý mình, mà là theo ý Chúa như Con Mẹ).


Một tạo vật Vô Nhiễm Nguyên Tội sống "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" là Mẹ Maria đã xuất hiện như Rạng Đông của Mặt Trời Công Chính là Chúa Giêsu Kitô, như báo trước cho thấy thân phận vướng mắc nguyên tội đầy "khó nhọc và gánh nặng" này của con người sẽ được Chính Thiên Chúa hóa thân làm người nơi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) gánh vác, bù đắp và biến đổi ở cuộc Vượt Qua của Người, bằng tinh thần "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" của Người.  chỗ, "tuy thân phận là Thiên Chúa nhưng Người vẫn không tự cho mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, mà đã tự hủy ra như không... và vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá' (Philiphê 2:6,8), hoàn toàn trái ngược lại với thái độ kiêu căng ngạo mạn và hành động phản loạn bất tuân của con người tạo vật nơi hai nguyên tổ của họ ngay từ ban đầu, một thái độ và hành động vì thế đã làm cho con người bắt đầu cảm thấy "khó nhọc và gánh nặng", và do đó họ cần phải trông chờ Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Thế.


Đúng thế, một khi con người cảm thấy mình "khó nhọc và gánh nặng" họ mới một là buông xuôi hai là chạy đến với Chúa để được bồi dưỡng vươn lên. Họ có thể buông xuôi ở chỗ, như chính Thiên Chúa nhận định về dân của Ngài qua lời Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Hỡi Giacob, tại sao ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?


Thiên Chúa đã trấn an họ để họ có thể tin tưởng mà chạy đến với Người như sau: "Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu. Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi. Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã. Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi".


Đó là lý do con người cần phải hết lòng trông đợi Chúa, Đấng luôn ở với họ, biết họ hơn họ biết mình và yêu họ hơn họ yêu bản thân h, luôn tìm cách cứu độ họ bằng cách tỏ mình ra cho họ, một tiến trình mạc khải thần linh đạt đến tột đỉnh của mình nơi Lời Nhập Thể Vượt Qua, Đấng được Thiên Chúa hứa ban cho họ như Đấng Thiên Sai Cứu Thế của họ. Thế nên, con người cần phải có tâm tình chúc tụng ngợi khen và tin tưởng cậy trông của Bài Đáp Ca hôm nay với Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu của họ:


1) Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người. 


2) Người đã thứ tha mọi tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái. 


3) Chúa là Ðấng thương xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta. 

 


 

11/12: THÁNH GIÁO HOÀNG ĐAMASÔ I

(305? – 384)

VHTK THÁNH ĐAMASÔ I, GIÁO HOÀNG Ngày 11 Tháng 12 - GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT

Theo chứng từ của người thư ký của ngài là thánh Giêrôme, thì thánh Đamasô là “một người không ai sánh bằng, rất hiểu biết Kinh Thánh, một tiến sĩ trinh trắng của một Giáo hội trinh trắng, rất yêu quý sự khiết tịnh, và sung sướng khi nghe được những lời khen ngợi nhân đức này.” 

Thánh Đamasô rất hiếm khi được nghe những lời tán dương mình như vậy. Những tranh giành nội bộ có tính cách chính trị, các tà thuyết, các tương giao căng thẳng với chính các Giám mục của ngài và của Giáo hội Ðông phương đã làm cản trở sự bình an trong triều đại Giáo Hoàng của ngài. 

Là con của một linh mục Rôma, có lẽ thuộc gốc Tây Ban Nha, Đamasô khởi sự là một phó tế trong nhà thờ của cha mình, sau đó ngài là linh mục của một nhà thờ mà sau này là vương cung thánh đường San Lorenzo ở Rôma. Ngài phục vụ Ðức Giáo Hoàng Liberius (352-366) và đi theo Ðức Giáo Hoàng khi bị lưu đầy. (chi tiết được thêm thắt bởi cao tấn tĩnh từ một nguồn khác)

Khi Ðức Liberius từ trần, Đamasô được bầu làm Giám mục Rôma vào tuổi 60; nhưng một thiểu số khác lại chọn và tấn phong một phó tế khác là Ursinus làm Giáo Hoàng. Cuộc tranh luận giữa Đamasô và Giáo Hoàng đối lập gây nên nhiều xung đột giữa vương cung thánh đường, gây gương mù cho các Giám mục Ý. Cho dù cuộc chiến cụ thể đã ngưng, nhưng đức Đamasô còn phải chiến đấu với các đối thủ ngài trong suốt cuộc sống của mình. Trong một thượng Hội đồng do Đamasô triệu tập nhân ngày sinh nhật của ngài, đức Đamasô yêu cầu các Giám mục tán thành các hành động của ngài. Nhưng câu trả lời của các Giám mục thật cộc lốc: “Chúng tôi quy tụ để mừng sinh nhật, chứ không để kết án một người vắng mặt (unheard).” Khoảng năm 378, những người ủng hộ vị Giáo Hoàng đối lập còn tìm cách đưa đức Đamasô ra tòa về một tội phạm nghiêm trọng – có lẽ tội dâm dục. Ngài đã phải thanh minh trước toà dân sự cũng như trước một công đồng của Hội Thánh. 

Khi là Giáo Hoàng, ngài có lối sống thật đơn giản trái ngược với các giáo sĩ ở Rôma, và ngài rất hăng say chống lại tà thuyết Ariô và các tà thuyết khác. Một sự hiểu lầm trong văn từ về Ba Ngôi Thiên Chúa đã đe dọa mối giao hảo thân thiện với Giáo hội Ðông phương, và đức Đamasô là người ôn hoà đã dàn xếp cách tốt đẹp. Đây là một vị Giáo Hoàng sáng chói trong Hội Thánh. Ngài đã xác nhận quyền tài thẩm trên toàn thể Giáo Hội là do Thánh Phêrô lãnh được bởi Chúa Giêsu Kitô.

Chính trong thời Giáo Hoàng của ngài (380) mà Kitô giáo được tuyên bố là tôn giáo chính thức của Rôma, và tiếng Latinh trở nên ngôn ngữ chính thức trong phụng vụ nhờ sự cải cách của Ðức Giáo Hoàng. Cũng nhờ ngài khuyến khích thánh Giêrôme học hỏi Kinh Thánh để rồi dịch Kinh Thánh từ nguyên bản sang Latinh, nhờ đó mà bộ phổ thông (Vulgate) được chào đời, đó là bộ Kinh Thánh mà Công Ðồng Triđentinô (11 thế kỷ sau) tuyên bố là “có giá trị để đọc giữa công chúng, được dùng để tranh luận, và để rao giảng.” 

Giữ cho đức tin được tinh ròng ở Công Đồng Nicêa chống lại phái Ariô, Đức Đamasô đã triệu tập nhiều công đồng. Công Đồng Constantinople đã đưa Ngài tới danh hiệu cao cả nhất là “viên ngọc của đức tin”. (chi tiết được thêm thắt bởi cao tấn tĩnh từ một nguồn khác)

Thánh Đamasô là một văn sĩ – không phải là tác giả của nhiều cuốn sách như các văn sĩ Kitô hữu khác đã thực hiện. Ngài ưa thích viết các vần thơ trên các tấm bia đá: Là những câu nói ngắn toát lên cái ý nghĩa chính cần phải được phô diễn. Ngài viết rất nhiều bia mộ cho các vị tử đạo. Và ngài viết một tấm bia về chính bản thân ngài cho thấy đức khiêm nhường của ngài và lòng kính trong của ngài đối với các vị tử đạo.Trong một nghĩa địa Rôma có một hầm mộ Giáo Hoàng do ngài xây dựng ngài để lại ở đó là tấm bia có hàng chữ như sau: “Tôi, Đamasô, ao ước được chôn táng ở đây, nhưng tôi sợ làm thế sẽ xúc phạm đến hài cốt của các Thánh.” Thay vì thế, khi ngài chết, ngài được chôn táng chung với mẹ ngài và một em gái của ngài.

Từ một sắc lệnh của Đamasô (được gán cho thánh Giáo Hoàng Đamasô): Có rất nhiều cách sắp đặt Tên của Chúa Giêsu dưới nhiều hình thức: “Ngài là Chúa, bởi lẽ Ngài là Thần khí; là Ngôi Lời, bởi vì Ngài là Thiên Chúa; là Con, bởi Ngài là Con độc nhất sinh bởi Đức Chúa Cha; là Người, vì Ngài được sinh ra bởi Đức Trinh nữ; là tư tế, vì Ngài hiến dâng minh làm hiến tế; là Đấng chăn chiên, vì Ngài là người canh gác; là Sâu bọ, vì Ngài đã sống lại; là Núi, vì Ngài mạnh mẽ; là Đường, vì chỉ có một con đường thẳng tắp qua Ngài để đến với sự sống; là Con Chiên, vì Ngài chịu đau đớn; là Đá – Góc, vì Ngài là lời dạy bảo; là Thầy, vì Ngài chỉ cho biết phải sống thế nào; là Mặt trời, vì Ngài là là Đấng chiếu  soi; là Chân lý, vì Ngài từ Chúa Cha mà đến; là Sự sống, vì Ngài là Đấng tạo dựng; là Bánh vì Ngài là xác thịt; là người Samari, vì Ngài là người bảo vệ; là Chúa Kitô, vì Ngài đã được xức dầu; là Giêsu, vì Ngài là Đấng Trung gian; là Cây nho, vì chúng ta được cứu chuộc bởi máu Ngài; là Sư tử, vì Ngài là vua, là Tảng Đá, vì Ngài vững mạnh; là bông hoa, vì Ngài là Đấng được chọn; là ngôn sứ, vì Ngài đã mặc khải điều sẽ xảy đến.”

Lời bàn

Lịch sử của triều đại Giáo Hoàng và lịch sử Giáo hội được gắn bó chặt chẽ với tiểu sử cá nhân của đức Đamasô. Trong một giai đoạn then chốt và nhiều khó khăn của Giáo hội, ngài đã xuất hiện như một người bảo vệ đức tin đầy nhiệt huyết, biết khi nào phải tiến và khi nào phải thủ. Thánh Đamasô giúp chúng ta ý thức hai đức tính của một người lãnh đạo xứng đáng: Luôn nhận ra sự thôi thúc của Thần khí và phục vụ. Cuộc chiến đấu của ngài nhắc cho chúng ta biết rằng Ðức Kitô không bao giờ hứa che chở Ðá Tảng của Người khỏi cơn phong ba, bão táp hay những người theo Người không gặp các khó khăn. Người chỉ đảm bảo sự chiến thắng sau cùng. 

Lời trích

Đây là bản văn của văn mộ chí mà Ðức Đamasô đã viết cho chính ngài: 

“Ngài là đấng đi trên biển đã làm câm nín các ngọn sóng ác liệt, là đấng ban sự sống cho những hạt mầm tàn tạ của thế gian; Ngài là đấng tháo gỡ xiềng xích tử thần, và đã đưa về cho Martha người anh của cô sau ba ngày trong mộ tối. Tôi tin rằng, Ngài sẽ đưa Đamasô chỗi dậy từ tro bụi”

Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB

http://loichua.donboscoviet.org/ngay-11-thang-12-thanh-damaso-1-giao-hoang/

 

 

 

12/12/2024 là Thứ Năm Lễ kính Đức Mẹ Gualalupe ở chung Mỹ Châu và riêng Hoa Kỳ

 

(xin xem những gì liên quan đến Mẹ và lễ Mẹ Gualalupe ở cuối cùng, sau PVLC Thứ Bảy và tiểu sử Thánh Gioan Thánh Giá)

 

 


Thứ Năm


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Is 41, 13-20

"Ta là Ðấng Thánh của Israel, Ta là Ðấng Cứu Chuộc ngươi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp.

Hỡi con sâu Giacóp, hỡi dân Israel, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi. Ta sẽ đặt ngươi như chiếc bừa mới tinh và có răng nhọn, ngươi sẽ băm các đồi ra như rơm rác. Ngươi sẽ sàng chúng và gió sẽ cuốn chúng đi, và cơn lốc sẽ làm chúng tan tác. Còn ngươi, ngươi sẽ vui mừng trong Thiên Chúa, sẽ hân hoan trong Ðấng Thánh của Israel.

Những kẻ thiếu thốn nghèo nàn tìm nước, nhưng luống công, lưỡi chúng đã khô đi vì khát nước. Ta là Chúa, Ta sẽ nhậm lời chúng. Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc, và suối nước tràn giữa thung lũng. Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước.

Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 144, 1 và 9. 10-11. 12-13ab

Ðáp: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng (c. 8).

Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Chúa hảo tâm với hết mọi loài,và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.

2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.

3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con trong bình an, để tâm hồn chúng con được hoàn toàn vui mừng trước nhan Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 11, 11-15

"Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!"

Ðó là lời Chúa.

 


Suy niệm


  Nhập thể tiền hô  



Nếu trong tuần thứ hai Mùa Vọng, ba ngày đầu các bài Phúc Âm đã xoay quanh thân phận khốn khổ đáng thương của con người cần được Thiên Chúa cứu độ và trông mong Ơn Cứu Độ, thì 3 bài Phúc Âm cuối tuần này liên quan đến một con người đặc biệt đó là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả


Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã khen tặng Vị Tiền Hô được sai đến trước Người là Đấng cao trọng hơn ông để dọn đường cho Người là Đấng đến sau ông:


"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: 'Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!'"


Trước hết, Chúa Giêsu đã minh định Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là con người cao cả nhất loài người, không một ai cao trọng hơn ngài, thậm chí có thể nói bao gồm cả Mẹ Maria. Phải chăng chính vì thế mà trong tất cả các thánh (ngoài trừ Mẹ Maria), chỉ có một mình Thánh Gioan Tẩy Giả mới được Giáo Hội mừng lễ sinh nhật trần gian của ngài, 24/6 (trước Lễ Giáng sinh 6 tháng), (lễ sinh nhật nước trời tưởng nhớ cái chết mất đầu của ngài 29/8) mà là mừng ở bậc Lễ Trọng (solemnity), hơn cả lễ sinh nhật Mẹ Maria ngày 8/9, chỉ ở bậc lễ kính (feast)? 


Dầu sao nhân vật Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này, về cấp độ ân sủng, ngài không thể nào "Đầy Ơn Phúc" (Luca 1:28) như Mẹ Maria, và phải chăng đó là lý do Chúa Giêsu đã ám chỉ về Mẹ Maria ngay sau khi khen tặng vị tiền hô của Người: "người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông"? 


Đúng thế, nếu càng khiêm hạ nhỏ bé thì càng lớn lao cao trọng trên nước trời thì ai bé nhỏ bằng Mẹ Maria nên nhờ đó Mẹ Maria mới càng lớn lao cao trọng nhất trên Nước Trời, nghĩa là vì Mẹ càng nhỏ, càng trở thành hư không, thành zero, Mẹ mới càng đầy Thiên Chúa là sự hữu, là tất cả, mới càng giống Chúa Kitô, đến độ phản ảnh Người là mặt trời công chính, như Mẹ được Thánh ký Gioan thị kiến thấy và mô tả trong Sách Khải Huyền của ngài như "mặc mặt trời" (12:1), hay như Diễm Tình Ca cho biết là "rực rỡ như mặt trời" (6:10). Trong khi đó Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ là cái đèn soi mà thôi (xem Gioan 1:6-8;5:35).


Sở dĩ Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này là một con người cao cả nhất loài người, tất nhiên không phải về lãnh vực ân sủng, như trên đã cảm nhận và phân tích, cho dù ngài có được cho rằng khỏi nguyên tội khi còn là thai nhi 6 tháng trong lòng thai mẫu, vào chính lúc ngài nhẩy mừng khi nghe thấy lời Mẹ Maria chào mẹ của ngài (xem Luca 1:44), mà là về vai trò của ngài, một vai trò không ai trên trần gian này có thể hơn được ngài. Giống như trường hợp các vị linh mục, cho dù không đầy ân phúc như Mẹ Maria trong cấp trật ân sủng, nhưng vẫn hơn Mẹ trong vai trò linh mục của các vị, bởi các vị được đồng hóa với Chúa Kitô và là Chúa Kitô (Alter Christus) khi các vị thi hành thừa tác vụ thánh.


Sứ vụ cao trọng vô tiền khoáng hậu của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này là ở chỗ ngài là vị trung gian giữa Cựu Ước và Tân Ước. Thật vậy, nếu nền tảng của Nhà Thiên Chúa được xây trên "nền tảng các tông đồ và tiên tri" (Êphêsô 2:20), thì Thánh Gioan Tẩy Giả chẳng những là vị tiên tri của các vị tiên tri, "tiên tri của Đấng Tối Cao" (Luca 1:46) được tiên báo bởi chính một vị tiên tri trong Cựu Ước (xem Isaia 40:3), mà còn là "chàng phù rể" (Gioan 3:29) ở sát ngay bên với Chàng Rể Kitô hơn hết mọi ngườiđã nhận biết Chúa Kitô trước để rồi sau đó đã giới thiệu Người cho các tông đồ tiên khởi của Chúa Kitô (xem Gioan 1:35-51). 


Chưa hết, sứ vụ cao trọng của ngài còn lên đến tột đỉnh ở chỗ ngài đã làm phép rửa cho chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, như thể ngài đã trở thành người cha thiêng liêng của Con Thiên Chúa làm người. Không một vị tiên tri nào trong Cựu Ước đã được tận mắt nhìn thấy Chúa Kitô và gặp Chúa Kitô, ngoài trừ Thánh Gioan Tẩy Giả. Và cũng không một tông đồ nào đã nhận biết Chúa Kitô như ngài, cho dù các vị đã sống với Chúa Kitô 3 năm, trong khi ngài chưa hề gặp Người mà vẫn có thể nhận ra Người để giới thiệu Người cho các vị (xem Gioan 1:33-34). Nếu các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô trên thế giới nói chung thì Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân tiên khởi cho Chúa Kitô trước dân Do Thái cũng như trước các tông đồ của Chúa Kitô nói riêng. 


Phải chăng Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng được lời Chúa qua miệng Tiên Tri Isaia tiên báo và ám chỉ trong Bài Đọc 1 hôm nay ở các câu sau đây: "Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này"? Phải chăng Thánh Gioan Tẩy Giả, với sứ vụ cao trọng đệ nhất thiên hạ của ngài chính là "cây hương nam trong hoang địa",  "cây tùng trong sa mạc"?


Việc "Lời đã hóa thành nhục thể", một mầu nhiệm vô cùng mầu nhiệm, rất khó có thể chấp nhận với tâm thức tự nhiên của con người, trái lại, còn có thể "trở thành cớ vấp phạm cho nhiều người trong Israel" (Luca 2:34), nên còn được Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan đã cẩn thận sửa soạn cho việc Người xuất hiện trước dân Do Thái của Ngài, ở chỗ sai "vị tiên tri của Đấng Tối Cao" là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này đến trước để dọn đường cho "Người tỏ mình ra" (Gioan 1:31), nhờ đó dân của Ngài mới có thể nhận biết Người mà được cứu độ. 


Đó là lý do, cũng trong Bài Đọc 1 hôm nay, qua miệng Tiên Tri Isaia, Thiên Chúa đã trấn an dân của Ngài rằng: "Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp. Hỡi con sâu Giacóp, hỡi dân Israel, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi... Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc (phải chăng ám chỉ tác động làm phép rửa đổ nước trên đầu lãnh nhận nhân?), và suối nước tràn giữa thung lũng (phải chăng ám chỉ ân sủng tràn đầy tâm hồn người lãnh nhận phép rửa?). Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước" (phải chăng "nước" ở đây ám chỉ Thần Linh được Thiên Chúa tuôn đổ xuống cho những ai tin tưởng).


Cũng như các Bài Đáp Ca đã được Giáo Hội chọn đọc trong tuần này, Bài Đáp Ca hôm nay cũng chất chứa tâm tình hân hoan trước Vị Thiên Chúa cứu độ và cất tiếng chúc tụng ngợi khen lòng nhân lành từ ái của Ngài:


1) Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Chúa hảo tâm với hết mọi loài,và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.


2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. 


3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. 





Thứ Sáu


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Is 48, 17-19

"Chớ gì ngươi lưu ý đến giới răn của Ta".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa là Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi phán: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ðấng phán dạy ngươi những điều hữu ích, Ðấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, và sự công chính của ngươi sẽ như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ như cát và con cháu ngươi sẽ đông đúc, và danh ngươi sẽ không bị xoá, bị diệt trước nhan thánh Ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (x. Ga 8, 12).

Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.

3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Này đây Ðức Vua là Thiên Chúa địa cầu sẽ đến. Chính Người sẽ cất ách tù đày của chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 11, 16-19

"Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: "Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!"

"Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: "Ông ta phải quỷ ám!" Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: "Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình".

Ðó là lời Chúa.


 

 

 

Suy niệm


 Nhập thể sự thật  



Hôm nay, Thứ Sáu tuần thứ hai Mùa Vọng, bài Phúc Âm tiếp tục về nhân vật Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, một bài Phúc Âm tiếp ngay sau bài Phúc Âm cũng của Thánh ký Mathêu hôm qua:


"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: 'Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: 'Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!' Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: 'Ông ta phải quỷ ám!' Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: 'Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi'. Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình".


Mới đọc bài Phúc Âm này, chúng ta cứ tưởng nhân vật chính hay đối tượng được Chúa Kitô nói tới chính là "bọn trẻ ngồi nơi phố chợ", nhưng thật ra là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả nói riêng và mối liên hệ mật thiết giữa ngài và Chúa Kitô nói chung. Đúng thế, vì là Mùa Vọng hướng đến mầu nhiệm nhập thể giáng sinh mà chúng ta cần phải thấy được chiều hướng chính yếu ấy của bài Phúc Âm chỉ có trong Mùa Vọng mà không hề có trong Mùa Thường Niên, cả ngày thường lẫn Chúa Nhật này.

 

"Gioan đến, không ăn không uống" cho thấy vị tiền hô này sống khổ hạnh, bởi sứ vụ chính yếu của ngài là rao giảng cùng làm phép rửa thống hối, một phép rửa liên quan đến bản tính vướng mắc nguyên tội của loài người, cần phải đền tội để tỏ lòng ăn năn thống hối thật sự. Đó là lý do bài Phúc Âm cho ngày Thứ Năm hôm qua, Chúa Kitô đã nói về tinh thần sống khổ hạnh này của vị tiền hô như sau: "Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được". Chính các môn đệ của ngài cũng sống khổ hạnh giống như ngài (xem Mathêu 9:14; Marco 2:18; Luca 5:33).

 

Tinh thần và đời sống khổ hạnh của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả và cái chết mất đầu của ngài vì chân lý là dấu chỉ, đúng như sứ vụ tiền hô của ngài là loan báo Đấng đến sau, cho thấy một Chúa Kitô chay tịnh 40 ngày trong hoang địa và cũng là một Chúa Kitô tử nạn về nhân tính của Người, một nhân tính đã được mặc lấy để gánh tội trần gian và xóa tội trần gian (xem Gioan 1:29). Như thế, có thể nói Tiền Hô Gioan Tẩy Giả và Chúa Kitô, chẳng những có liên hệ với nhau về huyết nhục họ hàng mà còn về lãnh vực thiêng liêng nữa, hay nói cách khác, mối liên hệ về huyết nhục họ hàng của ngài và Chúa Kitô là biểu hiệu cho mối liên hệ thiêng liêng nơi sứ vụ tiền hô của ngài và sứ vụ cứu chuộc của Con Thiên Chúa làm người.

 

"Con Người đến có ăn có uống bình thường", có vẻ như không khổ hạnh bằng vị tiền hô của mình, không "cao trọng hơn" vị tiền hô của mình, như ngài đã báo trước về Đấng đến sau nhưng cao trọng hơn ngài (xem Gioan 1:26-27). Chính Tiền Hô Gioan Tẩy Giả khi đang bị giam trong ngục của quận vương Hêrôđê cũng tỏ ra hết sức thắc mắc, đến độ đã phải sai các môn đệ của ngài đến hỏi Chúa Kitô rằng: "Thày có phải là Đấng phải đến hay chăng, hay chúng tôi phải đợi một vị khác" (Mathêu 11:3; Luca 7:19). "Sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình" là câu Chúa Giêsu đã trả lời cho tiền hô Gioan của mình, khi Người trưng dẫn các việc Người thực hiện để cho vị tiền hô này biết (xem Mathêu 11:4-5).

 

Đúng thế, chính việc Chúa Kitô "có ăn có uống bình thường", nhờ đó Người mới có thể "là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi", mới có thể gần gũi với họ và họ mới dám đến gần Người mà nghe Người và trở lại với Người (xem Mathêu 9:10), Đấng "đã trở nên giống như anh em mình hoàn toàn, (ngoại trừ tội lỗi), để Người trở nên vị thượng tế nhân hậu và trung tín trong việc phụng sự Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân" (Do Thái 2:17 và 4:15). Chúa Kitô là Lời nhập thể giáng sinh, mặc lấy nhân tính của loài người là để chẳng những ở với loài người như một "Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Gioan 1:14), mà còn làm cho loài người có thể ở với Người nữa, nhờ đó họ có thể được hiệp thông thần linh với Cha trên trời trong Thánh Linh.

 

Nếu mầu nhiệm nhập thể "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) là một mầu nhiệm thật là mầu nhiệm, đến độ có thể thành cớ vấp phạm cho nhiều người trong dân Do Thái, như đã thực sự xẩy ra khi thành phần lãnh đạo của họ lên án tội lộng ngôn phạm thượng của Người, vì Người chỉ là loài người mà lại dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa (xem Gioan 10:33; Mathêu 26:63-66), mà Thiên Chúa đã cần phải dọn đường cho Con của Ngài xuất hiện bằng cách sai Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đến trước Người như là một vị "tiên hô của Đấng Tối Cao" (Luca 1:76).

 

Bởi vậy, cũng như không nhận biết Chúa Kitô thì không thể nhận biết Cha là Đấng sai Người cũng là Đấng Người tỏ ra cho biết thế nào, thì ai không chấp nhận Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là "tiếng kêu trong sa mạc", cũng không thể nào có thể nhận biết chính "Lời" nhập thể là "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) của tiếng kêu trong sa mạc ấy. Đó là lý do, trong Bài Phúc Âm hôm nay, chính Chúa Giêsu đã khẳng định: "Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: 'Ông ta phải quỷ ám!' Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: 'Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi'".


Quả vậy, thực tế sống đạo cho thấy, một khi con người không thành tâm tìm kiếm chân lý là một thực tại khách quan hoàn toàn có thật ở bên ngoài mình và ở bên trên mình, (như thực tại mặt trời hiện hữu để chiếu tỏa ánh sáng cho sinh vật trên mặt đất này sống động và phát triển), soi sáng cho con người của mình và chi phối cuộc đời của mình, thì con người sẽ chẳng bao giờ nhận ra chân lý và được chân lý giải phóng (xem Gioan 12:32), nếu một khi họ cứ muốn tạo ra chân lý theo ý nghĩ thiển cận lại đầy thiên kiến và hết sức mù quáng chủ quan của họ.


Thành phần muốn sáng tạo nên sự thật này là thành phần hết sức độc đoán, đúng như thái độ và hành động của bọn trẻ con chẳng biết gì mà cứ tưởng mình là nhất, ai cũng phải theo mình mới được, một bọn trẻ con đã được chính Chúa Giêsu sử dụng trong bài Phúc Âm hôm nay, để ám chỉ thành phần tương đối hóa tuyệt đối (là chân lý và lề luật của Thiên Chúa) và tuyệt đối hóa tương đối (là ý nghĩ, ý thích và ý riêng của con người): "Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: 'Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!'"


Hai nguyên tổ ngày xưa trong vườn địa đàng cũng chẳng khác gì như bọn trẻ con này. Ở chỗ, các vị đã bất chấp sự thật lời Chúa về trái cấm và việc đụng đến trái cấm ấy, và coi ý nghĩ, ý thích và ý riêng của mình, do rắn quỉ tinh ranh dối trá lừa đảo mớm cho, là sự thật, là đúng nhất. Và vì sự thật bao giờ cũng là sự thật, cho dù nó có bị phủ nhận và triệt hạ nơi lương tâm và hành động của con người, không một loài thụ tạo nào có thể tạo nên sự thật, trái lại, h cần phải nhận biết, chấp nhận và tuân theo "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) nữa mới được bình an, công chính và sự sống. 


Tuy đã sa ngã bởi chối bỏ sự thật và sau đó mới nhận ra sự thật thì đã lỡ hết rồi, đã bị chết đúng như lời cảnh báo vô cùng chân thật của Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 2:15-17;3:19). Thế nhưng, vẫn chưa muộn, nếu con người còn biết chấp nhận sự thật là mình đã lầm lạc mà hối lỗi, xin lỗi và chừa lỗi. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt con người là tạo vật của Ngài hơn ai hết, hơn chính bản thân họ, nên lúc nào Ngài cũng sẵn sàng tha thứ cho họ và ra tay cứu độ họ một khi họ thành tâm chạy đến với Ngài, khi họ còn thiện chí lắng nghe Ngài, như Ngài đã nói qua miệng Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay: 


"Thiên Chúa là Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi phán: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ðấng phán dạy ngươi những điều hữu ích, Ðấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, và sự công chính của ngươi sẽ như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ  như cát và con cháu ngươi sẽ đông đúc, và danh ngươi sẽ không bị xoá, bị diệt trước nhan thánh Ta".


Bài Đáp Ca hôm nay cũng theo chiều hướng của cả Bài Đọc 1 lẫn Bài Phúc Âm hôm nay trong việc kêu gọi con người hãy sống theo sự thật và trong sự thật hơn là gian ác dối trá, nhờ đó họ mới không bị hủy diệt mà còn được tồn tại và phát triển nữa:


1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. 


2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.


3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. 

 

 

 

THÁNH LUCIA

13/12

A. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

 

Lucia sinh ra tại Syracusas ở đảo Sicilia thuộc nước Ý. Cô mồ côi cha ngay từ khi còn bé. Cô đã theo đạo ngay từ nhỏ, và đã được giáo dục đức tin vào Chúa thật chu đáo. Cô cũng đã có ước nguyện dành trọn của đời của mình để thờ phụng Chúa.

 

Cuộc sống tưởng sẽ êm đềm trôi, ai dè khi vừa tới tuổi trưởng thành  thì một sự việc đã xảy ra ngoài ý muốn của cô. Mẹ của cô, một người gốc Hy Lạp tên là Eutychia đã ép buộc cô phải lập gia đình với một chàng thanh niên giàu có của một gia đình quen biết theo tập tục thời bây giờ, bất chấp sự thoả thuận của đôi nam nữ này.

 

Rất may một biến cố bất ngờ xảy ra trong gia đình giúp Lucia "thoát nạn". Bà mẹ của cô bị một cơn bệnh "thập tử nhất sinh" nhưng cuối cùng bà đã qua khỏi. Lucia cho rằng bà được khỏi là do phép lạ của Chúa, do việc cầu nguyện của cô. Chính sự việc này đã khiến bà đổi ý không còn bắt Lucia phải kết hôn nữa. Từ đó Lucia thêm phần tin tưởng vào Chúa. Cô bán tất cả phần gia tài mình có rồi phân phát cho kẻ nghèo khó.

 

Sự việc tưởng như thế là xong nhưng có dè đâu chàng thanh niên bị từ chối kết hôn vẫn còn say mê Lucia. Vì bị từ chối kết hôn, anh ta cảm thấy cay cú nên đã tố cáo Lucia với Hoàng đế Roma là Ðiôclêtianô lúc đó. Ông vua này vốn là một người không có cảm tình gì với người Kitô hữu. Ngược lại còn căm ghét những người có đạo một cách điên cuồng. Lucia bị bắt và bị giam cầm chỉ vì cô là người có đạo và  hiện đang theo đạo.

 

Lính tráng đã giải cô đến trước mặt vị quan Paschase. Paschase đã dụ dỗ cô dâng hương tế thần nhưng cô không đồng ý, sau đó ông này âm mưu muốn hủy hoại đời trinh tiết của Lucia bằng cách để cho số thanh niên đâm đãng làm nhục cô cho đến chết. Nhưng tình thương của Chúa thật nhiệm màu. Chúa đã làm phép lạ gìn giữ Lucia làm cho thân xác Lucia hoá ra nặng như đá nên không kẻ nào có thế làm hại được nàng.

 

Sau đó với sự nóng giận của một người thua cuộc, quan Paschase đã đã cho quân lính tẩm dầu vào thân xác Lucia và đốt cháy cho đến chết. Lucia đã hy sinh ví Chúa 304.

 

B. LÒNG CAN ĐẢM CỦA MỘT CHỨNG NHÂN

 

Lucia bị bắt. Người ta điệu người ra trước mặt quan Paschase. Quan khuyên người bỏ đạo, Lucia đáp:

 

 - Thưa quan, tôi chỉ kính thờ một Thiên Chúa chân thật mà thôi. Vì yêu mến Người trên hết mọi sự, nên tôi đã phân phát gia tài tôi cho người nghèo, bây giờ còn chính mạng sống tôi đây, tôi sẵn sàng tận hiến để làm lễ vật tiến dâng Người.

- Cô hãy nói thế cho người có đạo nghe. Ở đây tôi chỉ biết vâng  lệnh hoàng đế Rôma thôi.

- Quan biết vâng phục mệnh lệnh vua chúa dưới đất thì tôi càng phải vâng giữ giới răn của Thiên Chúa trên trời. Ngài muốn làm gì tôi thì làm, tôi chỉ một mực trung thành với Chúa tôi thờ mà thôi.

- Chúa bà gì cô? Người ta tố cáo với tôi là cô đã phung phá sản nghiệp ông cha để lại cho tình nhân.

- Phải, tôi chỉ có một tình nhân mà tôi say mến, và vị đó chính là Chúa Giêsu Kitô.

- Ta truyền lệnh đánh đòn cô, xem cô còn nói hay được mãi hay không .

- Thưa quan, lời hay lẽ phải tôi chẳng lo thiếu. Vì chính Chúa Thánh Thần dùng miệng tôi mà nói, chứ không phải tôi nói đâu.

- Vậy trong cô có Chúa Thánh Thần ư ?

- Vâng, ai sống đạo đức và khiết trinh thì người ấy là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự.

- Được rồi. Ta sẽ giam cô vào một nhà chứa và những thanh niên xấu nết trong thành làm ô uế cô, như thế chắc Chúa Thánh Thần sẽ bỏ cô.

- Thưa quan, nếu bị cưỡng ép mà người ta xúc phạm đến thân xác tôi, thì linh hồn tôi vẫn còn thánh thiện. Sức mạnh của cánh tay loài người không thể phá nổi đền thờ thiêng liêng của

 

Thiên Chúa đâu. Nếu người ta hãm hiếp trái ý muốn của tôi thì tôi sẽ đẹp gấp đôi.

Nghe những lời đối đáp cứng rắn của một thiếu nữ như thế ông Paschase tức giận điên lên, liền hạ lệnh cho lính lôi Lucia đến một nhà chứa và cho phép mọi thanh niên được  tự do ra vào.

 

Nhưng lạ thay, Thiên Chúa đã làm cho thánh nữ hoá nặng như núi đá: dù quan đã phải huy động một số lính lực lưỡng khoẻ mạnh thậm chí còn dùng cả những cặp bò khoẻ mạnh để kéo, nhưng cũng chẳng động một ly. Trước phép lạ nhãn tiền như thế, ông Paschase đỏ mặt xấu hổ đến tột cùng. Không những ông đã không mở mắt ra để nhìn nhận quyền phép của Thiên Chúa mà lại còn căm hờn hơn để báo thù. Ông ra lệnh lấy nhựa và dầu trét kín thân thể Lucia rồi đốt. Nhưng một lần nữa Thiên Chúa đã dùng quyền phép giữ gìn Người trọn vẹn trong đống lửa: dù một sợi tóc cũng không bỉ cháy. Sau cùng lính phải dùng gươm mà chém đầu Lucia. Hôm ấy là ngày 13.12. 304.

 

Theo lời kể của Sigebert (1030-1112) một tu sĩ ở Genbloux trong sách "Sermo de Sancta Lucia" thì thi hài của Lucia được an táng tại Sicilia hơn 400 năm, cho đến khi Quận công Spoleto chiếm được đảo và cho di chuyển Thánh tích về Corfinium ở Ý. Năm 972, Thánh tích lại được dời chuyển một lần nữa bởi hoàng đế Otho I về nhà thờ Thánh Vincent tại Metz. Một cánh tay của Thánh nữ được cắt ra cho tu viện Luitburg thuộc giáo phận Spires. Một phần Thánh tích của Thánh nữ Lucia được tìm thấy tại Constantinopolis năm 1204 và chuyển về tu viện Thánh Geremia. Thánh tích được an vị tại đây hơn 777 năm.

 

Sau đó ngày 07 tháng 11 năm 1981, hai tên trộm người Sicilia đập vỡ hòm kiếng lấy hài cốt của Thánh nữ đem đi chỉ còn chừa lại xương sọ và mặt nạ. Thánh tích lại được trả về một tháng sau đó theo lời khẩn khoản yêu cầu của giáo quyền của đảo Sicilia.

Nguồn:tgpsaigon.net


C- Gương Thánh Nhân

Các thiếu nữ có tên thánh là Lucia chắc phải thất vọng khi muốn tìm hiểu về vị thánh quan thầy của mình. Các sách cổ viết dài dòng nhưng rất ít chi tiết liên hệ đến truyền thuyết. Các sách mới đây cũng dài dòng dẫn chứng một sự kiện là những truyền thuyết này không có trong lịch sử. Chỉ có một chi tiết về Thánh Lucia còn sót lại đến ngày nay, đó là người cầu hôn với thánh nữ vì bị từ chối nên đã tố cáo ngài là Kitô hữu, do đó ngài bị xử tử ở Syracuse thuộc Sicily vào năm 304. Nhưng cũng đúng là tên của thánh nữ đã được nhắc đến trong lời cầu nguyện Rước Lễ Lần Ðầu, có những địa danh và một bài dân ca mang tên thánh nữ, và qua bao thế kỷ, hàng chục ngàn thiếu nữ đã hãnh diện chọn ngài làm quan thầy.


Các bạn bè của Lucia có lẽ cũng ngạc nhiên về Ðấng mà Lucia yêu quý, đó là một người đi rao giảng khắp nơi, sống trong một dân tộc nô lệ và đã bị tiêu diệt cách đó 200 năm. Người từng là một người thợ mộc, từng bị chính dân của Người kết án và chết trên thập giá. Với tất cả tâm hồn, Lucia tin tưởng rằng chính Người đã sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa đã minh chứng tất cả những gì Người nói và hành động. Ðể làm chứng cho đức tin ấy, thánh nữ đã thề giữ mình đồng trinh.
Thật là một điều khôi hài đối với các bạn ngoại giáo của thánh nữ! Giữ mình trong trắng trước khi thành hôn là một lý tưởng cổ hủ của người Rôma, ít người còn giữ nhưng không ai kết án lý tưởng ấy. Tuy nhiên, ngay cả cô ta không muốn kết hôn thì điều đó thật quá đáng. Chắc cô ta phải có điều gì xấu xa cần giấu diếm, như miệng lưỡi thế gian thường đồn đãi.

 

Cũng dễ để hiểu những khó khăn của một thiếu nữ Kitô Giáo, khi phải chiến đấu trong một xã hội trần tục như ở Sicily vào năm 300. Cũng tương tự như xã hội ngày nay, nhiều thói tục của xã hội đã ngăn cản chúng ta sống xứng đáng là người theo Ðức Kitô.

 

Chắc chắn Thánh Lucia đã nghe biết về nhân đức anh hùng của các vị đồng trinh tử đạo. Ngài muốn trung thành với tấm gương của các đấng ấy, cũng như theo gương của người thợ mộc, là Người mà ngài tin là Con Thiên Chúa.

 

Lời Bàn

Nếu bạn chọn Thánh Lucia làm quan thầy thì đừng thất vọng. Vị quan thầy của bạn thực sự là một nữ anh thư, hơn hẳn mọi người, là một hứng khởi vô tận cho bạn và cho mọi Kitô hữu. Sự can đảm sống luân lý của người thiếu nữ Sicilian tử đạo ấy đã tỏa sáng, như để soi dẫn giới trẻ ngày nay, cũng như giới trẻ trong thời đại ấy.



Thứ Bảy


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Hc 48, 1-4. 9-11

"Elia sẽ đến lần thứ hai".

Trích sách Huấn Ca.

Bấy giờ Elia như lửa hồng xuất hiện. Lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người hiềm ghét ông đã hao đi, vì chúng nó chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa từ trời xuống. Elia, người được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe bởi ngựa lửa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai thấy ngài và được hân hạnh thiết nghĩa với ngài.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. - Ðáp.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. - Ðáp.

3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Ngày của Thiên Chúa gần đến; này đây, Người sẽ đến cứu chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 17, 10-13

"Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: "Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?"

Chúa Giêsu trả lời: "Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".

Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.

Ðó là lời Chúa.

 



Suy niệm


  Nhập thể dấu báo  


Ngày cuối cùng Thứ Bảy trong tuần thứ hai Mùa Vọng hôm naybài Phúc Âm cũng của Thánh ký Mathêu, dù không tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, vẫn tiếp tục về nhân vật Tiền Hô Gioan Tẩy Giả được sai đến trước để dọn đường cho Đấng đến sau như thế này:


"Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: 'Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?' Chúa Giêsu trả lời: 'Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ'. Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả".


Nếu bài Phúc Âm hôm kia, Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng, Tiền Hô Gioan Tẩy Giả liên quan đến chung nhân loại, và bài Phúc Âm hôm qua, ngài liên quan đến riêng dân Do Thái, thì trong bài Phúc Âm hôm nay, ngài liên quan đến các môn đệ và thành phần luật sĩ


Thật vậy, những gì Chúa Giêsu nói về Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đây xẩy ra sau khi Người đã biến hình trên núi trước mặt 3 môn đệ thân tín nhất của Người là Phêrô, Giacôbê và Gioan (xem Mathêu 17:1-8), và chính tam vị tông đồ này đã thấy một trong hai nhân vật chính của Cựu Ước xuất hiện với Thày của các vị bấy giờ đang biến hình, đó là Tiên Tri Êlia.


Trong các tiên tri trong Cựu Ước, đệ nhất tiên tri là Êlia, vị đại tiên tri duy nhất đã được ca tụng trong Cựu Ước qua Sách Huấn Ca ở Bài Đọc 1 hôm nay:


"Bấy giờ Elia như lửa hồng xuất hiện. Lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người hiềm ghét ông đã hao đi, vì chúng nó chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa từ trời xuống. Elia, người được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe bởi ngựa lửa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai thấy ngài và được hân hạnh thiết nghĩa với ngài".


Để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ là: "Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?", Chúa Giêsu, trước hết đã khẳng định vấn đề được các luật sĩ cảm nhận và đặt ra là đúng. Cho dù họ có thể đã không hiểu được "tất cả sự thật" về câu họ nói. Đó là lý do một đàng thì họ cảm nhận Elia cần phải đến trước, đàng khác, họ lại không chấp nhận Elia khi Elia đến nơi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả: "Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ". Vì họ tưởng rằng Elia sẽ đến theo kiểu vinh quang hiển hách như Bài Đọc 1 hôm nay diễn tả.


Hậu quả của việc dân Chúa nói chung và thành phần thông luật cũng như lãnh đạo dân chúng nói riêng không chấp nhận Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đó là họ chẳng những không thể nhận biết Đấng cao trọng đến sau ngài, mà còn bách hại và sát hại Người nữa: "Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ". 


Như thế, sứ vụ trung gian môi giới giữa Cựu Ước và Tân Ước của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả không phải chỉ là để hoàn thành các lời tiên tri trong Cựu Ước về Chúa Kitô và giới thiệu Người cho các tông đồ của Tân Ước như một chứng nhân, mà còn liên quan đến thân phận của ngài như là một tiên báo cho cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô đến sau ngài. 


Nếu sứ vụ của vị Đại Tiên Tri Êlia, như Chúa Giêsu cho biết trong Bài Phúc Âm hôm nay, đó là "phải đến để chấn hưng mọi sự" thế nào, đặc biệt là qua biến cố vị đại tiên tri này làm cho dân Chúa tỉnh thức trước mê hoặc của đám phù thủy thờ thần Baal mà trở về với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình (xem Sách Chư Vương quyển 1 cả đoạn 18), thì sứ vụ chính yếu của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng được sai đến để chấn chỉnh dân Do Thái, đúng như lời tiên tri của thân phụ Giacaria của ngài về sứ vụ tương lai của ngài: "Con sẽ đi trước Chúa, dọn đường thẳng ngay cho Người. Cho dân Ngài biết Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên" (Luca 1:76-77), một sứ vụ được ngài hiện thực bằng lời rao giảng, gương sống khổ hạnh và phép rửa thống hối, kèm theo cả bằng chứng từ của chính bản thân, nhất là ở chỗ ngài là người đầu tiên làm chứng cho chân lý (cũng là cho Chúa Kitô là chân lý - Gioan 14:6) vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), bằng chính cái đầu của ngài (xem Mathêu 14:10). 


Chính vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả mang thân phận khổ nạn giống như Chúa Kitô sau này, như dấu báo về cuộc vượt qua của mình mà Chúa Kitô đã khẳng định "Elia phải đến trước đã?", nghĩa là số phận của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là dấu báo cuộc vượt qua của Người: "Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ". Và nhờ việc gán ghép tài tình này của Chúa Kitô mà "Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả".


Bởi vậy, cho dù có trông đợi Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, có trông đợi Đấng Thiên Sai Cứu Thế, nếu con người không nhận ra dấu chỉ thời đại, nhận ra dấu báo của Người, như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là dấu báo Chúa Kitô đến sau, thì như dân Do Thái, vì đã không chấp nhận Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bởi vị này không hợp với thiên kiến của họ, cho tới nay họ vẫn trông chờ một Đấng Thiên Sai theo ý họ nghĩ thế nào, Kitô hữu chúng ta cũng thế, cho dù có chấp nhận Chúa Kitô khi lãnh nhận Phép Rửa, cũng vẫn có thể theo đuổi một vị kitô giả theo chủ quan ngẫu tượng của mình.


Thế nên, hợp với tâm tình và xác tín trong Bài Đáp Ca hôm nay, chúng ta hãy cùng với Thánh Vịnh gia vừa khẩn nguyện cùng Vị Thiên Chúa cứu độ vừa tuyên xưng tình thương vô cùng nhân hậu của Ngài như sau:  


1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.


2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. 


3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. 

 

 

 

Ngày 14 tháng 12

Thánh Gio-an Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

lễ nhớ bắt buộc

 

Thánh Gio-an Thánh Giá chào đời năm 1542 ở Phon-ti-vê-rốt, nước Tây Ban Nha. Sau một ít năm sống trong dòng Các-men, và được thánh nữ Tê-rê-xa thành A-vi-la khuyến khích, thánh Gio-an đã muốn thực hiện việc cải cách trong dòng. Điều này khiến thánh nhân phải chịu đựng muôn vàn đau khổ, thử thách. Người qua đời tại U-bê-đa, nổi tiếng là một bậc khôn ngoan, thánh thiện, như chúng ta có thể nhận thấy qua các tác phẩm của người.

 

 

Nhận biết mầu nhiệm được ẩn giấu nơi Chúa Ki-tô Giê-su

Phụng Vụ Giờ Kinh Sách - Bài đọc 2

Trích bài ca thiêng liêng của thánh Gio-an Thánh Giá, linh mục.

 

Dù các bậc thánh sư đã khám phá ra bao điều mầu nhiệm, lạ lùng, đồng thời nhiều tâm hồn đạo đức ngay ở đời này đã được cảm nghiệm những điều ấy, thế nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần phải nói ra, cần được hiểu biết.

 

Chính vì vậy, ta phải đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Người như thể một hầm mỏ phong phú, chứa nhiều tầng kho tàng quý giá ở bên trong. Có hết sức đào, cũng chẳng bao giờ hết. Hơn thế nữa, ở mỗi tầng, chỗ này hay chỗ nọ, người ta còn khám phá ra những lớp kho tàng mới.

 

Vì thế, thánh Phao-lô đã nói về Chúa Ki-tô : Trong Người, có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa. Các kho tàng đó, linh hồn không thể vào, cũng không thể tới được, nếu trước đó không chịu những đau khổ thấm thía bên trong lẫn bên ngoài, không được Thiên Chúa ban cho ơn hiểu biết và nhạy cảm, không kiên trì tập luyện về đời sống thiêng liêng.

 

Thật vậy, tất cả những điều này còn ở cấp độ thấp và mới chỉ là những điều kiện giúp ta vươn tới thâm cung cao thẳm là hiểu biết các mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Đó mới là đỉnh cao của sự khôn ngoan ta có thể đạt tới khi còn ở đời này.

 

Ôi ! Ước chi sau cùng con người hiểu được rằng mình không thể nào đạt tới các kho tàng cũng như sự khôn ngoan khôn dò của Thiên Chúa, nếu trước đó không chịu đau khổ thấm thía và nhiều cách đến độ coi đó là niềm vui và ước muốn của mình ! Linh hồn nào thật sự khao khát sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì trước tiên phải ao ước đi vào mầu nhiệm thẳm sâu của thập giá.

 

Vì thế, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Ê-phê-xô kẻo họ nản chí khi gặp gian truân, ngõ hầu họ được mạnh mẽ và nhờ được bén rễ sâu, được xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, họ đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài, rộng, cao, sâu và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy họ sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.

 

Thánh giá chính là cửa ngõ phải qua để rồi vào kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa. Đó là cửa hẹp. Có nhiều người muốn hưởng những hoan lạc xuất phát từ thánh giá, nhưng lại ít có người chịu đi qua cửa này.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Gio-an linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình, xin ban cho chúng con hằng biết noi gương sáng của người, để mai sau được chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển. Chúng con cầu xin

 

 

 

 

Tiểu Sử

Gioan de Yepes sinh tại Phontiveros, gần Avila. Tây Ban Nha ngày 24-6-1542. Cha ngài làm thợ dệt, bị gia đình giàu có làm nghề buôn bán loại trừ vì đã cưới một người vợ kém hơn. Mẹ ngài là một người đàn bà thánh thiện, trở thành goá phụ sau khi sinh Gioan. Không nguồn lợi, với 3 đứa con, bà đã làm thuê cho một thợ dệt. Bé Gioan dần dần đã học nghề thợ mộc, may vá, điêu khắc, hội hoạ trong tình yêu mến Chúa Giêsu Kitô.

Trong mọi việc, ngài có thói quen tự hỏi: “Vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì?”

Ngài không trốn tránh một hy sinh nào. Lúc 12 tuổi, Gioan được học đọc, học viết với các nữ tu ở Medina del Campo. Đức bác ái của ngài bao la: tư hồi còn niên thiếu, ngài đã dùng giờ rảnh để phục vụ các bệnh nhân ở nhà thương, dầu vẫn theo học văm phạm và triết học nơi các cha dòng Tên.

Năm1563, Gioan gia nhập dòng Carmêlô và năm sau được gửi học tại Đại học Salamanca. Năm 1567, ngài thụ phong linh mục ở Medina và đã gặp thánh nữ Avila. Thánh nữ đã khuyên ngài thực hiện việc cải tổ dòng Camêlô như thánh nữ đang làm. Thánh nữ nói với ngài: “Đây là công trình đòi hy sinh và máu. Tôi không biết cha sẽ phải chịu khổ tới đâu nhưng chắc chắn cha phải chịu khổ”.

Gioan trở thành người con thiêng liêng của người nữ tu Carmêlô này. Cha 25 tuổi và chị 52 tuổi. Chị gửi cha đến với hai người bạn ở Duruelô trong cảnh cô tịch và đây là nguồn gốc của dòng Carmêlô canh tân đi chân không, ngài lấy tên là Gioan Thánh Giá. Sự nghèo túng thật khủng khiếp, ngài chỉ sống bằng cỏ, nhưng vẫn dùng những khúc ca tạ ơn Chúa vì đã chỉ cho biết phải sống và cư xử cách nào. Ngài hành động cách khác thường trên những người chung quanh, giải thoát họ khỏi những việc hư hỏng, tạo cho họ một lòng yêu thích hy sinh.

Sau khi chống lại đoàn thể các tu sĩ Carmêlô ở Alcala de Hélenrés, Ngài trở thành tuyên uý của tu viện Avila trong 5 năm, thánh nữ Têrêxa giới thiệu với con cái mình: “Cha là vị thánh”.

Sự thánh thiện của Gioan vượt quá nhiều người và trở nên khó hiểu, sự canh tân khiến ngài bị tố cáo là nổi loạn. Các thầy dòng Carmêlô chước giảm chống lại các thầy dòng Carmêlô đi chân không. Cuối cùng, sau những nhục mạ dữ dội, ngài bị cầm tù ở Tolêđô. Người ta đối xử cứng rắn với ngài, 3 lần mỗi tuần họ đưa ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay. Nhưng ngài cảm thấy đang đi đúng đường Chúa muốn và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu khổ cực. Những bắt bớ tăng thêm đức tin và lý tưởng của ngài. Đáp lại, ngài yêu mến nhiều hơn và trong hầm tối thiếu khí trời, ngài trước tác những vần thơ bí nhiệm làm thành cuốn “Thánh ca thiêng liêng” (cantiques spirituelles).

Được 9 tháng, thánh nhân vượt ngục. Trước khi đến tu viện định tới, ngài dừng lại trong một dòng nữ. Ngài nghe một nữ tu ca hát về “hạnh phúc của đau khổ” và bỗng ngài phải bám chặt vào cửa sắt nhà khách. Ngài đã xuất thần. Ý tưởng được chịu khổ vì Chúa đã làm cho ngài cả thấy dư tràn hạnh phúc. Phép lạ này trong tâm hồn, như muốn lôi kéo cả thân xác đổi mới theo... thánh Têrêxa nói: “Không có cách gì để nói về Thiên Chúa với cha Gioan Thánh Giá. Ngài xuất thần ngay và lôi kéo người khác theo”.

Một ngày kia quỳ bên song sắt, thánh nữ nghe cha nói về Chúa Ba Ngôi, thì thánh linh như muốn nâng ngài lên. Khiêm tốn, ngài nắm lấy tay vào thành ghế. Nhưng hoạt động thần linh đã nâng ngài lên tới trần nhà. Têrêxa ở trước mặt ngài cũng xuất thần và bay bổng. Một nữ tu tiến vào, cảm kích và cảnh tượng vội đi gọi các nữ tu khác đến chiêm ngưỡng cả hai vị thánh được Chúa chúc phúc.

Đức Thánh Cha và vua Philipphe II ủng hộ những cuộc cải cách và bây giờ Gioan phải nhận nhiều trọng trách. Ngài làm bề trên dòng Calvariô. Ngài lập cộng đoàn Carmêlô Baeza và 3 năm sau được chọn làm tu viện trưởng ở Grenade. Đi đường qua các thành Tây Ban Nha, ngài chinh phục các linh hồn về cho Chúa Kitô, chính ngài đã xây dựng một thuỷ lộ, một tu viện. Trong 15 ngày, ngài đã viết cuốn “Ngọn lửa tình yêu sống động” (La vive flamme d'amour). Cuối cùng ngài trở thành Tổng Đại diện Andalousia.

Sự trong trắng của thánh nhân đã tạo cho ngài một quyền năng trên quỷ thần. Ngài đã giải thoát nhiều bị quỷ ám. Người ta nói rằng, bằng những dấu thánh giá ngài dẹp tan cơn bão, bằng lời nguyện, ngài dập tắt một hoả hoạn. Các thú vật quý mến ngài. Để giữ mình trong sạch, thánh nhân tự nhận lấy đau khổ nhưng lại rất thương cảm những đau khổ của người khác, ngài còn tế nhị hơn nữa đối với những đau khổ tinh thần mà ngài gọi là “đêm tối của tâm hồn”. Nhưng ngài hiểu rằng, những đau khổ này thanh tẩy tâm hồn rất nhiều. Không kết hợp với Chúa được nếu không có khổ hạnh trong tâm hồn.

Thường nhà dòng nghèo khó đến độ có ngày không có bánh ăn. Tập họp ở nhà ăn, thánh nhân nói với các tu sĩ về hạnh phúc được chịu khổ vì Chúa Giêsu Kitô. Họ khóc vì nhiệt tâm và lui ra. Bỗng chuông reo, một người vô danh đã đem bánh cho nhà dòng. Các tu sĩ trở lại phòng ăn. Lần này, thánh nhân khóc và nói: “Ôi, vậy là Chúa đã thấy sự yếu đuối của chúng con không chịu thử thách được lâu. Ngài đã sớm thương hại chúng ta”.

Lần kia, ngài đã trả lời Chúa Giêsu khi ngài hỏi về phần thưởng ngài muốn rằng: “Lạy Chúa, xin cho con được chịu khổ và bị khinh miệt vì Chúa”.

Và Ngài đã xin 3 ơn này là: đừng có ngày nào mà không được chịu đau khổ, đừng là bề trên vào lúc chết và được chết trong khiêm hạ. Thiên Chúa đã nhận lời Ngài.

Những tháng bị giam cầm, với bao đau khổ dữ dằn người ta đối xử, đã huỷ hoại thân thể ngài. Mệt nhọc vì du hành tới Andalousia, làm thánh nhân bị thiêu đốt ở chân, các vết thương mở rộng. Ngài chịu đau đớn kinh khủng đến nỗi lần kia ngài nói với người đối thoại:

- Xin lỗi, tôi không trả lời nổi. Tôi bị đay nghiến và đau nhức.

Thánh nhân được chọn một trong hai nơi để chữa bệnh, hoặc ở Baeza, nơi người ta quý mến, hoặc ở Ubeda, nơi tu viện trưởng có ác cảm với ngài. Ngài đã chọn tu viện Ubeda. Những cư xử nghiêm nhặt làm cho ngài đau đớn thêm. Nhưng ngài càng ôm chặt Thánh Giá vào lòng. Vị tu viện trưởng cảm động vì sự dịu dàng không mệt mỏi, vì lòng bác ái sâu xa của bệnh nhân, cuối cùng đã hiểu và xin ngài tha thứ.

Gioan báo trước mình sẽ chết đêm 14-12 (năm 1591). Các tu sĩ đọc kinh phó linh hồn, ngài xin đọc sách Diễn tình ca. Các cơn đau không ngừng gia tăng khi chuông reo giờ kinh sáng, ngài cầm thánh giá nói: “Lạy Chúa, con phó linh hồn trong tay Chúa”.

Ngài còn nhìn các tu sĩ, hôn Chúa Kitô và tắt thở. Ngài đã viết: “Vào xế chiều cuộc sống này, bạn được phán xét về tình yêu”.

Gioan Thánh Giá để lại nhiều sách luôn được suy gẫm như: Đường lên Carmêlô, Đêm tối tâm hồn, Ngọn lửa tình yêu sống động, Thánh ca thiêng liêng. Ngài được phong thánh năm 1726. Và Đức Piô XI đã đăt ngài làm Tiến sĩ Hội Thánh năm 1962.
 
 Trích trong Theo Vết Chân Người (Chân dung các thánh nhân)

 

http://truyen-tin.net/BiographyOfSaints.aspx?SID=240

 

Gương Sống

“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình vác thánh giá mình mà theo Ta” (Mc 8, 34).
Câu Kinh thánh này được thể hiện rõ nét trong cuộc đời của Thánh Gioan Thánh Giá, con người của đam mê, bí ẩn và tin tưởng cùng phương châm sống của Ngài là “tình yêu và hy sinh” dệt nên con người sống hoàn toàn vì tình yêu trong tâm tình tạ ơn suốt cả cuộc sống ngài. Ngài sống trọn cuộc sống trong đau đớn nhưng vẫn hằng cảm tạ Chúa như trong Thánh vịnh 41 “Con ngâm nga bài thánh nhạc thâu đêm, Thành kinh nguyện dâng Chúa Trời hằng sống” (Tv 41,9). Thật khó để có thể tìm được một con người như ngài, dù cuộc sống có là chi, có bị đối xử bất công thế nào, bị đánh đập dã man, hay bị ngưỡi đãi vì sự ghét ghen của anh em mình,… thì ngài vẫn không ngừng cất lên lời ca tạ ơn vì Thiên Chúa đã ban cho ngài được như vậy, ngài đem tình yêu thương đến tận mọi nơi trong cộng đoàn, trong mọi người và trong chính sâu thẩm của tâm hồn ngài. Chính vì lẽ đó, ngài đã thốt lên “Có ai thấy Thiên Chúa bởi sự tàn nhẫn đâu ?” hay “Ở đâu không có tình yêu, hãy đem lại tình yêu và bạn sẽ tìm thấy tình yêu.” .

Đối với ngài, Thiên Chúa không bao giờ có sự tàn nhẫn, không bao giờ có bất công nhiều người trong chúng ta chúng ta chắc hẳn, khi gặp một biến cố, một khó khăn nào đó có thể sẽ thốt lên những lời than trách, những câu thở dài, nhưng với Gioan đó không phải là những hình phạt hay nói một cách tế nhị hơn “thánh giá Chúa gửi đến”. Những đau khổ mà ngài chịu là những kinh nghiệm sống, những lời tạ ơn cho thế hệ chúng ta hôm nay đang từng bước theo ngài, theo lại lối xưa ngài đã từng dấn thân và bước đi, để hôm nay ngài đã được ở lại trong Thiên Chúa của tình yêu. Ngài cũng muốn mời gọi chúng ta gieo rắc tình yêu của chính mình, tình yêu phát xuất tự trong tâm hồn sâu thẳm để dành cho mọi người xung quanh, để tất cả mọi nơi là tình yêu, và hy sinh cho nhau cách khiêm nhu trọn vẹn.

Khi suy niệm về cuộc đời của ngài, chúng ta có thể tìm thấy nhiều tâm tình tạ ơn của Thánh nhân để lại trong những tác phẩm của ngài, những tâm tình đó có thể được thốt lên bằng những vần thơ du dương, hay những hy sinh thường ngày của cuộc sống. Trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc sống ngài luôn sống với sự tạ ơn và niềm vui đến từ Thiên Chúa, có lẽ vì điều này mà con người của ngài toát lên được vẻ đẹp của thánh thiện và lòng trắc ẩn mà ngài cảm nghiệm được từ nơi Thiên Chúa đã dành cho nhân loại và chính ngài đã sống điều này suốt cả chặng đường theo Đức Kitô. Ngài dạy rằng, chỉ khi nào chúng ta dám cắt bỏ sợ dây dục vọng thì chúng ta mới có thể bay lên cùng Thiên Chúa. “Sợi dây dục vọng” mà Gioan muốn nhắc tới thiết nghĩ không đơn thuần chỉ là những thú vui xác thịt, xa hoa trần thế chóng qua, mà còn là những ước mơ danh vọng, những suy tính trong tương lai của một con người đang dấn thân, đang tìm kiếm. Có thể thấy rằng, chính ngài đã sống điều này trước khi dạy chúng ta sống, ngài đã sống điều ngài muốn nói và ngài tìm gặp được Chúa ngay trong cuộc sống trần thế.

“Vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ là gì?” Thói quen đặt câu hỏi trong tất cả mọi công việc của mình làm đã khiến ngài không tránh né một hy sinh nào, vì ngài biết rõ việc mình đang làm và tâm tình mà Thiên Chúa muốn trao gửi vào công việc ấy qua bàn tay thánh thiện của ngài. Ngài yêu thương các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo cách đặc biệt, yêu như Chúa đã yêu họ vậy. Gioan như gắn cuộc sống của mình với họ, họ đau mình cũng đau, họ thiếu vắng tình yêu, mình phải đem tình yêu đến và trao cho họ như là điều Thiên Chúa muốn và đã làm vậy. Sống mật thiết với Thiên Chúa trong tất cả con người của ngài đã tạo nên nơi ngài một đức ái bao la ngay từ lúc còn trẻ, thể hiện trong các công việc phục vụ bệnh nhân với tâm tình yêu thương và hy sinh mà rất nhiều người cảm phục và mến mộ.

Gioan Thánh Giá rất thích cuộc sống khó nghèo, và sự nghèo túng khủng khiếp không bao giờ lay chuyển được tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa. Ngài luôn dùng những khúc ca tạ ơn Chúa vì đã cho ngài biết ngài phải sống và cư xử cách nào. Vì vậy, ngài hành động khác thường trên những người xung quanh, giải thoát họ khỏi những việc hư hỏng tạo cho họ một lòng yêu thích hy sinh. Sự thánh thiện của ngài vượt quá nhiều người và trở nên khó hiểu, công cuộc canh tân cải tổ nhà dòng của ngài (cùng với Thánh nữ Têrêxa Avila) bị người khác cho là nổi loạn và đã trừng phạt ngài. Người ta đối xử cứng rắn với ngài, ba lần mỗi tuần họ đưa ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay. Nhưng ngài cảm thấy đang đi đúng con đường của Chúa muốn, và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu được khổ cực. Những bắt bớ làm tăng thêm đức tin và lý tưởng của ngài. Đáp lại, ngài yêu mến nhiều hơn và trong hầm tối thiếu khí trời, ngài dệt nên những vần thơ từ đau khổ tạo thành cuốn “thánh ca thiêng liêng” mang phong thái riêng của ngài, tác phẩm của tình yêu và tạ ơn ngài dâng lên Thiên Chúa.

Thánh nhân đã nhận lấy đau khổ để đổi lấy sự trong sạch cho bản thân, thế nhưng ngài lại thương cảm cho những đau khổ của người khác, ngài còn tế nhị hơn với những đau khổ tình thần mà ngài diễn tả đó là “đêm tối của tâm hồn”.Nhưng ngài hiểu rằng, những đau khổ kia thanh tẩy tâm hồn rất nhiều. Ngài từng chia sẻ, chúng ta không thể kết hợp được với Thiên Chúa nếu không có khổ hạnh trong tâm hồn. Khi con người chúng ta đang lo nghĩ, đang suy tư về những danh vọng, những vinh hoa hay vinh quanh cho bản thân, là khi chúng ta chưa có thể kết hợp được với Thiên Chúa, chưa đi vào con đường mà tình yêu phải bước đi. Những đố kị, ghen ghét nhau trong cộng đoàn, trong anh em là những lệch lạc của con đường tình yêu mà ngài dạy. Sự trong sạch phải luôn đi kèm với tình yêu trao ban, cho dù chính bản thân bị thiệt thòi, bị đau khổ, chỉ có thế, chúng ta mới tìm thấy sự trong sạch cho tâm hồn được. Phải luôn đồng cảm với những con người khổ hạnh vì bệnh tật và trao gửi tình yêu của mình cho họ, để giúp họ ngày một nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa ngày đêm đang dành cho họ và không bao giờ ngưng.

“Lạy Chúa, xin cho con chịu khổ hạnh và khinh miệt vì Chúa”. Lời cầu nguyện ấy đã được Thiên Chúa nhậm lời khi mà Thiên Chúa đã ban cho ngài ngày nào cũng được chịu khổ hình, đau khổ, chết trong khiêm hạ và tâm nguyện của ngài đừng là bề trên trong giờ lâm chung. Có bao giờ chúng ta giống thánh nhân chưa? Cầu nguyện xin được đau khổ… điều đó không có nghĩa, ngày hôm nay chúng ta cứ xin cho được chịu đau khổ, chịu khinh miệt, nhưng ngài muốn qua cuộc sống của ngài, chúng ta hãy bắt chước noi theo, luôn tạ ơn Thiên Chúa trong tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống, không cầu mong danh vọng, vinh quang cho bản thân, sống khiêm nhu và ngợi khen Chúa mỗi ngày.

Cuộc đời của ngài là một nổ lực quả cảm, dám sống trọn vẹn với tên gọi của ngài : “Gioan Thánh Giá”. Sự điên rồ của thập giá xưa thể hiện nơi Đức Kitô thế nào để nhân loại hứng lấy được tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng, thì nay cũng tái diễn lại nơi cuộc sống của ngài như vậy dành cho hết thảy mọi người. Thánh giá, chỉ có những người có đức tin mới có thể chấp nhận được hình hài ô nhục của nó, chẳng phải người Do Thái từng cho đó là sự bỉ ổi, sự xấu xa đó sao? Chỉ có những người trộm cướp, những tên giết người mới bị dùng đến hình phạt này, nhưng Chúa Giêsu đã phải mang lấy hình phạt nhục nhã này, để chúng ta được giải thoát, được trở về với Chúa Cha và để minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Gioan đã không sợ khi nhận lấy cái tên mới của mình, cái tên của “sự điên rồ thế gian” – Gioan Thánh Giá, để cũng mang vào mình bao sự bất công, dò xét, đánh đập mà những người khác dành cho mình. Thế nhưng, hoàn cảnh nào đi nữa, ngài luôn sống với một tâm tình của Tình yêu – Tạ ơn – Hy sinh. Thánh Gioan Thánh Giá cũng mời gọi chúng ta mỗi ngày cùng bước vào những chặng đường của hành trình tìm kiếm Đức Kitô, từ bỏ bản thân hay những ảo tưởng của mình bằng cách sống nhiệm nhặt và thật lòng khiêm nhường, cam chịu đau khổ thiệt thòi. Cuộc đời của ngài đã chứng minh cho chúng ta rằng đau khổ làm cho linh hồn chúng ta tinh khiết, ví tựa như thanh củi được đốt trong lò sưởi, lửa cháy thiêu đốt là làm tan nát thanh củi nhưng tạo nên được ngọn lửa hồng rực sáng.

Không am tường được hết ý nghĩa và tâm tình của ngài nơi cuộc đời cũng như những tác phẩm của ngài để lại nếu chúng ta không đi sâu vào cuộc đời tu hành của Gioan. Suốt cuộc đời tu hành bị anh em đày đọa nhưng không bao giờ oán hận, có lẽ trong thâm tâm Gioan vẫn im lặng chấp nhận với nụ cười nhân ái và tha thứ mà họ không thể nào hiểu được. Chính những hành hạ bất công đó đã làm cho Gioan ngày càng thêm gần gũi với Chúa Tình Yêu hơn. Có bao giờ, chúng ta đã im lặng để suy nghĩ, để học hỏi ngài về những nhân đức mà ngài đã sống chưa?

Lạy Thánh Gioan Thánh Giá, xin giúp chúng con từ bỏ con người, từ bỏ cái tôi tội lỗi thấp hèn của chúng con để sống cuộc sống vì Thiên Chúa, vì cộng đoàn và vì anh em xung quanh chúng con. Xin cũng cho chúng con luôn biết chấp nhận hy sinh, đau khổ vì tình yêu, vì lòng yêu mến như ngài đã từng sống và dạy chúng con. Trên Thiên quốc, xin hãy ngày đêm để mắt đến những công việc chúng con đang làm cũng như những gì chúng con đang suy nghĩ… Xin cho chúng con biết học đòi được nhân đức bác ái của ngài, để qua cuộc sống hôm nay của chúng con, nhiều người cũng nhìn ra Thiên Chúa là tình yêu nữa.
Francis John Mary MG

https://dongcatminh.org/gioan-thanh-gia-tinh-yeu-va-hy-sinh/

 

Thánh Gioan Thánh Giá

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI – Huấn Từ Triều Kiến Chung Thứ Tư 16/2/2011

Bài 132 Giáo Lý Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền 138 bài

  

 

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hai tuần trước tôi đã trình bày về vị đại thần bí gia Tây Ban Nha Teresa of Jesus. Hôm nay, tôi muốn nói về một vị thánh quan trọng khác của mảnh đất này, một người bạn thiêng liêng của Thánh Teresa, một cải cách nhân, và như Thánh Teresa, cũng là phần tử của gia đình Dòng Carmelo, đó là Thánh Gioan Thánh Giá, vị thánh được Đức Giáo Hoàng Piô XI vào năm 1926 công bố là một trong những vị tiến sĩ của Hội Thánh, và là vị theo truyền thống được nói đến như là “Vị Tiến Sĩ Thần Bí – Doctor Mysticus”.

 

Thánh Gioan Thánh Giá được sinh ra vào năm 1542 tại một khu làng nhỏ Fontiveros, gần Avila, ở Castilla la Vieja, con của ông bà Gonzalo de Yepes và Catalina Álvarez. Gia đình của ngài rất nghèo vì người cha, thuộc giòng quí tộc Toledo, bị tẩy chay khỏi gia đình và không cho hưởng gia tài bởi đã ông đã lập gia đình với Catalina, một thợ dệt tơ thường hèn. Cha của Thánh Gioan chết khi ngài còn rất trẻ, và vào năm lên 9 tuổi, Thánh Gioan đã cùng với mẹ và người anh em Phanxicô của mình đến Medina del Campo, gần Valladolid, một trung tâm thương mại và văn hóa.  đây ngài đã theo học "Colegio de los Doctrinos", đồng thời cũng thi hành các việc làm thấp hèn cho các nữ tu thuộc tu viện nhà thờ Magdalen.

 

Về sau, nhờ phẩm chất nhân bản và thành quả học vấn của mình, đầu tiên ngài được nhận làm y tá ở  Hospital of the Conception rồi  Học Viện các Cha Dòng tên vừa được thiết lập  Medina del Campo. Thánh Gioan vào nay name 18 tuổi và học các khoa về xã hội, hùng biện và các ngôn ngữ cổ điển trong vòng 3 năm. Vào cuối những ngày đào luyện của mình, ngài đã cảm thấy ơn gọi của mình rất rõ ràng, đó là sống đời tu sĩ, và trong số nhiều dòng tu hiện hữu  Medina bay giờ, ngài cảm thấy ơn gọi vào Dòng Carmelo.

 

Vào mùa thu name 1563, ngài bắt đầu thời gian tập sinh của mình giữa các tu sĩ Dòng Carmelo của thành phố ấy, với tên tu sĩ là Mathêu. Năm sau ngài được gửi đến Đại Học Salamanca danh tiếng, nơi ngài học Triết Lý và Nghệ Thuật 3 năm. Vào name 1567, ngài thụ phong linh mục và trở về Medina del Campo để cử hành Thánh Lễ mở tay với đầy những thong mean của gia đình ngài.


Chính ở nơi nay đã xẩy ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Thánh Gioan và Teresa of Jesus. Cuộc gặp gỡ này là cuộc gặp gỡ quan trọng cho cả hai vị: Thánh Teresa phác họa dự án của mình để canh tân Dòng Carmelo cho cả ngành nam nữa, và đề nghị Thánh Gioan cộng tác thực hiện “cho Thiên Chúa được vinh quang hơn”. Vị linh mục trẻ này cảm thấy được thu hút theo các ý nghĩ của Thánh Teresa cho đến độ trở thành một đại trợ tá viên của dự án này. Cả hai đã làm việc với nhau mấy tháng trời, chia sẻ với nhau các tư tưởng và dự thảo để sớm bao nhiêu có thể mở nhà đầu tiên cho các Đan Sĩ Carmelo Đi Chân Không (Discalced Carmelites). Việc khai trương này xẩy ra vào ngày 28/12/1568, ở Duruelo, một địa điểm hiu quạnh ở địa hạt Avila.

 

Nhờ Thánh Gioan, cộng đồng nam giới đầu tiên được hình thành với 3 đồng bạn khác. Khi tái khan dòng theo Luật Primitive, cả 4 vị đã nhận những tên mới: Thánh Gioan bay giờ gọi mình là Gioan “Thánh Giá”, một danh xưng sau này ngài được oàn vũ biết đến. Vào cuối name 1572, theo yêu cầu của Thánh Teresa, ngài trở thành vị giải tội và đại diện của Đan Viện Nhập Thể ở Avila là nơi Thánh Teresa là đan viện mẫu. Các vị có những năm tháng hợp tác chặt chẽ và thân hữu thiêng liêng giúp cho nhau trở nên phong phú hơn. Trong giai đoạn này các tác phẩm quan trọng nhất của Thánh Teresa và những bản văn đầu tiên của Thánh Gioan được viết ra.

 

Việc thiết tha canh tân Dòng Carmelo không trôi chảy xuôi may dễ dàng, thậm chí nó còn gây đau khổ trầm trọng cho Thánh Gioan nữa. Sự vụ thê thảm nhất đó là việc ngài bị bắt và giam giữ vào năm 1577 ở tu viện của các tu sĩ Dòng Carmelo Giữ Luật Cũ ở Toledo, gây ra bởi một cáo buộc bất chính. Vị thánh ở trong tù 6 tháng trời, chịu đựng thiếu thốn và kiềm chế về thể lý cũng như luân lý. Ở nay ngài đã sáng tác, trong số các bài thơ, thi phẩm nổi tiếng “Ca Khúc Linh Thiêng - Spiritual Canticle”. Sau heat, vào đêm 16 rạng 17 tháng 4 năm 1578, ngài đã có thể thoát thân một cách mạo hiểm liều lĩnh, trú ẩn ở đan viện các Đan Sĩ Carmelo Đi Chân Không của thành phố này. Thánh Teresa và các đồng bạn của Thánh Gioan đã heat sức vui mừng cử hành việc thoát thân này của Thánh Gioan, và sau một thời gian ngắn để lấy lại sức khỏe, Thánh Gioan được sai đến Andalucia, nơi ngài đã sống 10 năm ở mấy tu viện, nhất là ở Granada. Ngài đã càng ngày càng nắm giữ các chức vụ quan trọng trong hội dòng, từ từ trở thành vị đại diện tỉnh dòng, và hoàn thành việc biên soạn các luận đề về đời sống thiêng liêng.

 
Sau đó ngài trở về quê quán của mình, như một phần tử của việc tổng quản trị gia đình tu trì Thánh Teresa, một gia đình bấy giờ đã được toàn quyền tự lập. Ngài đã sống tại Đan Viện Carmelo ở Segovia, thi hành vai trò làm bề trên của cộng đồng này. Vào năm 1591, ngài đã được thôi hết tất cả mọi trách nhiệm để nhắm tới một Tỉnh Dòng tu trì mới ở Mễ Tây Cơ. Trong khi sửa soạn cho cuộc hành trình dài này với 19 đồng bạn, ngài đã rút về một tu viện quạnh hiu gần Jean, nơi ngài trở bệnh nặng.

 

Ngài đã phải đương đầu những khổ đau khủng khiếp một cách thanh thản và nhẫn nại đầy gương sáng. Ngài đã chết vào đêm ngày 13 rạng 14 Tháng 12 năm 1591, trong khi các an hem của ngài đang nguyện Kinh Ban Mai. Ngài đã giã từ họ khi nói rằng: “Hôm nay tôi về Trời hát Kinh Phụng Vụ”. Di hài của ngài được đưa về Segovia. Ngài được Đức Clemente X phong chân phước vào năm 1675 và được Đức Benedict XIII phong thánh năm 1726.

 

Thánh Gioan được coi như là một trong những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương Tây Ban Nha. Những tác phẩm quan trọng nhất của ngài gồm có 4 cuốn sau đây: “Lên Núi Cát Minh - Ascent of Mount Carmel”, “Đêm Tối Linh Hồn - Dark Night of the Soul”, Ca Khúc Linh Thiêng - Spiritual Canticle”, và “Lửa Sống Yêu Thương - Living Flame of Love".

 

Trong cuốn “Ca Khúc Linh Thiêng”, Thánh Gioan trình bày con đường thanh tẩy của linh hồn, tức là việc gia tăng hoan hỉ chiếm hữu Thiên Chúa cho tới khi linh hồn cảm thấy rằng nó kính mến Thiên Chúa bằng chính tình yêu nó được Ngài yêu thương.

 


Cuốn “Lửa Sống Yêu Thương” tiếp tục chiều hướng này, diễn tả chi tiết hơn cuộc hiệp nhất biến đổi với Thiên Chúa. Thí dụ được Thánh Gioan sử dụng là thí dụ về ngọn lửa: khi lửa cháy và đốt củi tì nó trở thành ngọn lửa rực sáng thế nào thì Thánh Linh cũng vậy, Đấng trong thời gian đêm tăm tối thanh tẩy và “rửa sạch” linh hồn, sau đó, qua thời gian, soi chiếu và sưởi ấm linh hồn như một ngọn lửa. Sự sống của linh hồn là việc liên tục cử hành của Thánh Linh, để con người có thể thấy được vinh quang của mối hiệp nhất với Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng.

 

 

Cuốn “Lên Núi Cát Minh” trình bày cuộc hành trình thiêng liêng theo chiều hướng của cuộc thanh tẩy tiến triển của linh hồn, cần thiết để tiến lên đỉnh trọn lành Kitô giáo, được biểu hiệu bằng đỉnh Núi Cát Minh. Việc thanh tẩy này được nêu lên như một cuộc hành trình con người trải qua, hợp tác với tác động thần linh trong việc giải thoát linh hồn khỏi tất cả mọi thứ dính bén hay quyến luyến ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Cuộc thanh tẩy này, một cuộc thanh tẩy tiến đến chỗ hiệp nhất với Thiên Chúa, cần phải là một cuộc thanh tẩy toàn diện, bắt đầu với đường lối của các giác quan và tiếp tục với cuộc thanh tẩy chiếm được nhờ ba thần đức - tin cậy mến – đó là cuộc thanh tẩy về ý hướng, ký ức và ý muốn.

 

 

Cuốn “Đêm Tối” diễn tả khía cạnh “thụ động”, tức là khía cạnh Thiên Chúa nhúng tay can thiệp vào tiến trình “thanh tẩy” của linh hồn. Thật vậy, tự mình, nỗ lực của loài người không thể vào tận căn gốc sâu xa của những xu hướng và thói quen xấu xa: Nó có thể kềm chế chúng nhưng không thể làm cho cúng hoàn toàn bật gốc. Để làm điều ấy cần đến tác động đặc biệt của Thiên Chúa, tác động thanh tẩy tâm linh  một cách toàn diện và sửa soạn nó cho xứng với cuộc hiệp nhất yêu thương với Ngài. Thánh Gioan diễn tả việc thanh tẩy này là ‘thụ động” chính là vì, mặc dù được linh hồn chấp nhận, nó được hiện thực bởi tác động mầu nhiệm của Thánh Linh, Đấng là một ngọn lửa, thiêu đốt hết mọi ô nhơ. Trong tình trạng ấy, linh hồn phải trải qua tất cả mọi thứ thử thách, như thể nó ở trong đêm tăm tối vậy.

 


Những nhận định này về các tác phẩm cính của vị thánh này giúp chúng ta tiến đến những điểm nổi bật trong giáo huấn về thần bí bao rộng và sâu xa của ngài, một giáo huấn có mục tiêu bày tỏ cho thấy con đường vững chắc để đạt tới sự thánh thiện, đến tình trạng trọn lành Thiên Cúa kêu gọi tất cả mọi người chúng ta. Theo Thánh Gioan Thánh Giá, hết mọi sự hiện hữu, được Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành. Nhờ các tạo vật, chúng ta có thể khám phá ra Đấng đã lưu lại dấu vết của Ngài nơi chúng. Tuy nhiên, đức tin là nguồn duy nhất được ban cho con người để họ nhận biết Thiên Chúa chính xác như Ngài là, như Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn truyền đạt cho con người Ngài đều nói nơi Chúa Giêsu Kitô, Lời hóa thành nhục thể của Ngài. Chúa Giêsu Kitô, Đấng là đường lối duy nhất và tối hậu đến cùng Cha (cf. John 14:6). Bất cứ một sự gì khác được tạo dựng nên chẳng là gì so với Thiên Chúa, và không một sự gì chân thực ngoài Ngài ra. Bởi thế, để có được một tình yêu Thiên Chúa trọn hảo, hết mọi tình yêu khác cần phải nên giống như tình yêu thần linh trong Chúa Kitô.

 

Đó là điểm xuất phát ra việc nhấn mạnh của Thánh Gioan Thánh Giá về nhu cầu cần phải được thanh tẩy và trống rỗng nội tâm để được biến đổi trong Thiên Chúa, Đấng là cùng đích duy nhất của sự trọn lành. Cuộc “thanh tẩy” này không phải là ở chỗ chỉ thiếu thốn về thể lý các sự vật hay việc sử dụng chúng. Trái lại, những gì linh hồn tinh tuyền và tự do làm đó là loại trừ đi hết mọi sự lệ thuộc lệch lạc vào các sự vật. Hết mọi sự cần phải được đặt trong Thiên Chúa như là tâm điểm và là cùng đích của đời sống. Tiến trình thanh tẩy dài lâu và khó khăn này đòi hỏi sự cố gắng của con người, nhưng vai chính thực sự vẫn là Thiên Chúa: tất cả những gì con người có thể làm đó là “phó mình”, là cởi mở trước tác động thần linh và đừng gây trở ngại cho tác động thần linh này.

 

Khi sống các thần đức, con người được thăng hoa và cống hiến giá trị cho nỗ lực của mình. Nhịp điệu gia tăng của đức tin, đức cậy và đức mến là những gì song hành với việc thanh tẩy cũng như với một hiệp nhất gia tăng với Thiên Chúa cho tới khi họ được biến đổi trong Ngài. Khi người ta tiến đến đích điểm ấy, thì linh hồn được chìm ngập vào chính sự sống của Ba Ngôi, tới độ Thánh Gioan khẳng định rằng linh hồn có thể yêu mến Thiên Chúa bằng chính tình yêu Thiên Chúa yêu thương linh hồn, vì Ngài yêu thương nó trong Thánh Linh. Đó là lý do tại sao Vị Tiến Sĩ Thần Bí này chủ trương rằng không có vấn đề hiệp nhất yêu đương với Thiên Chúa nếu không đạt đến tột đỉnh nơi cuộc hiệp nhất Ba Ngôi. Ở trong tình trạng cao cả này, linh hồn thánh hảo biết hết mọi sự trong Thiên Chúa và không còn phải qua tạo vật để đến với Ngài nữa. Bấy giờ linh hồn cảm thấy tràn ngập tình yêu thần linh và hoàn toàn hoan lạc trong tình yêu này.

 

Anh chị em thân mến, cuối cùng vấn nạn còn lại là: Vị thánh giảng dạy về thần bí cao cả này, về đường lối gian khổ để đạt đến đỉnh trọn lành này, phải chăng muốn nói với chúng ta một điều gì đó, nói với thành phần Kitô hữu bình thường sống trong các oàn cảnh của cuộc đời ngày nay, hay ngài chỉ là một mẫu gương, một mô phạm cho một ít linh hồn được tuyển chọn có thể thực sự thực hiện đường lối thanh tẩy này, đường lối tiến lên huyền nhiệm ấy? Để có thể thấy được câu trả lời, trước hết chúng ta cần phải nhớ rằng đời sống của Thánh Gioan Thánh Giá không phải là một “chuyến bay ngang qua các đám mây huyền nhiệm”, mà là một cuộc đời rất khó nhọc, rất thực tế và cụ thể, vừa là một con người cải cách hội dòng đến gặp phải nhiều chống đối, và vừa là bề trên tỉnh dòng, bị giam giữ bởi anh em dòng ngài, bị những xỉ nhục không thể nào tưởng tượng nổi cũng như việc đối xử tàn tệ về thể lý. Nó là một đời sống khó nhọc, thế nhưng, chính trong những tháng ngày ở trong tù ngục ấy, ngài đã viết một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của mình. Nhờ đó chúng ta mới có thể hiểu được rằng đường lối với Chúa Kitô, bước đi với Chúa Kitô là “Đường Lối” không phải là một đè nén chồng chất lên trên gánh nặng vốn đã đủ, mà là một cái gì hoàn toàn khác hẳn, nó là một thứ ánh sáng, là một thứ sức mạnh giúp chúng ta có thể mang vác gánh nặng ấy.

 

Nếu một người có tình yêu cao cả trong Ngài thì tình yêu này như cống hiến cho họ đôi cánh, và họ chịu đựng những trục trặc trong đời sống một cách dễ dàng hơn, vì họ có trong chính mình một thứ ánh sáng là đức tin: được Thiên Chúa yêu thương và để mình được yêu thương bởi Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Tác động để mình được yêu thương này là ánh sáng giúp chúng ta mang vác gánh nặng hằng ngày của mình. Thánh thiện không phải là công việc của chúng ta, là công việc khó khăn của chúng ta, mà đúng ra nó chính là “sự cởi mở”, ở chỗ mở ra các cánh cửa sổ của linh hồn để ánh sáng của Thiên Chúa có thể lọt vào bên trong, đừng lãng quên Thiên Chúa, vì chính lúc cởi mở trước ánh sáng của ngài linh hồn có được sức mạnh cũng như niềm vui của kẻ được cứu chuộc. Chúng ta hãy cầu cùng Chúa để Ngài giúp chúng ta tìm thấy sự thánh thiện ấy, đó là việc hãy để mình được Thiên Chúa yêu thương, một ơn gọi của tất cả mọi người chúng ta cũng là việc cứu chuộc thực sự vậy. Cám ơn anh chị em.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/2/2011

 

 

 

 

 

 

Lễ Đức Mẹ Guadalupe (12/12)

(Lễ Kính ở Mỹ Châu, bao gồm cả Hoa Kỳ)

 

Lễ Đức Mẹ Guadalupe dù chưa được Giáo Hội chính thức mừng kính trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, như Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2 hay Lễ Đức Mẹ Fatima 13/5, nhưng ở Mỹ Châu Latinh nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng Lễ Đức Mẹ Guadalupe được cử hành ở bậc lễ kính (feast). Sau đây là sự tích Mẹ Gualalupe theo https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%A9c_M%E1%BA%B9_Guadalupe

Đức Mẹ Guadalupe (Tiếng Tây Ban NhaNuestra Señora de Guadalupe) còn được biết với tên gọi Đức Trinh Nữ Guadalupe (Tiếng Tây Ban Nha: Virgen de Guadalupe) là một tước hiệu mà Giáo hội Công giáo Rôma dành cho Đức Trinh Nữ Maria.

Hai tài liệu, được xuất bản trong thập niên 1640, một bằng tiếng Tây Ban Nha, một bằng tiếng Nahuatl (ngôn ngữ của người dân Aztec), cùng thuật lại một câu chuyện xảy ra trong khi đi bộ từ ngôi làng của mình đến thành phố Mexico vào sáng sớm ngày 9 tháng 12 năm 1531 (Ngày hôm sau là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Đế quốc Tây Ban Nha)[1], nông dân Juan Diego thấy trên sườn đồi Tepeyac một cô gái chừng mười lăm mười sáu tuổi, được bao quanh bởi hào quang ánh sáng. Nói chuyện với anh ta bằng ngôn ngữ địa phương Nahuatl, Bà đã yêu cầu Juan Diego đi nói với Giám mục xây dựng một nhà thờ ngay tại nơi đó. Từ những lời nói của bà, Juan Diego nhận ra đó chính là Maria. Diego đã kể lại câu chuyện của mình với Tổng Giám mục người Tây Ban Nha, Fray Juan de Zumárraga, người đã yêu cầu ông quay trở lại đồi Tepeyac để nói với người phụ nữ lạ là hãy cho một dấu hiệu để chứng minh.

Dấu hiệu đầu tiên mà bà tỏ ra là việc chữa lành bệnh tật cho người chú của Juan. Đức Trinh Nữ nói với Juan Diego hãy leo lên đồi Tepeyac và hái những bông hồng. Mặc dù lúc đó đang là tháng 12 đã rất muộn so với mùa hoa nở nhưng Juan Diego đã tìm thấy những bông hoa hồng Castilian trên đỉnh đồi cằn cỗi, không có nguồn gốc từ Mexico. Đức Trinh Nữ yêu cầu ông sắp xếp những bông hồng vào trong chiếc áo choàng tilma dệt bằng sợi xương rồng của mình. Điều kỳ lạ xảy ra khi Juan Diego mở áo choàng trước khi sự chứng kiến của Giám mục Zumárraga vào ngày 12 tháng 12, những bông hoa rơi xuống sàn nhà nhưng ở vị trí đó lại xuất hiện hình ảnh của Đức Trinh Nữ Guadalupe một cách kỳ diệu được in trên vải[2].

Tấm hình này hiện nay vẫn còn được trưng bày tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe, một trong những điểm hành hương thu hút nhiều người nhất trong thế giới công giáo[3]. Hình ảnh này cũng phổ biến trong văn hóa Mê xi cô với tên gọi: Nữ Vương Mexico[4]. Năm 1910, Giáo hoàng Piô XI công bố Ðức Mẹ Guadalupe là Quan Thầy của châu Mỹ Latinh và sau đó của Philippin vào năm 1935. Năm 1999, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố Maria là Bổn mạng của toàn châu Mỹ, Nữ vương châu Mỹ La Tinh, và người bảo vệ cho những trẻ em không được sinh ra[5][6][7].

Tên gọi

Trong tài liệu đầu tiên viết về cuộc hiện ra, cuốn Mopohua Nican, viết bằng ngôn ngữ Nahuatl vào khoảng năm 1556[8], Maria nói với Juan Bernardino, chú của Juan Diego, rằng hình ảnh trên tấm áo choàng tilma được gọi bằng cái tên: "Đức Trinh Nữ hoàn hảo, Thánh Maria Guadalupe"[9].

Tuy nhiên, giữa các học giả hiện nay không đồng thuận về tên "Guadalupe" được gán cho hình ảnh này[10]. Các ý kiến khác nhau có thể được nhóm lại thành hai quan điểm chính. Quan điểm đầu tiên cho rằng đã có sự hiểu lầm giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nahuatl. Quan điểm thứ hai cho rằng tên gọi Tây Ban Nha "Guadalupe", có chung nguồn gốc với tên gọi Đức Maria Guadalupe vùng Extremadura.

Quan điểm đầu tiên về nguồn gốc Nahuatl của tên gọi này là của Luis Becerra Tanco[10]. Vào năm 1675, trong cuốn Felicidad de Mexico của mình, Becerra Tanco đã đưa ra ý kiến: Juan Bernardino và Juan Diego sẽ không thể hiểu được tên Guadalupe vì hai phụ âm " d. "và" g " không tồn tại trong ngôn ngữ Nahuatl. Ông đã đưa ra hai tên bằng tiếng Nahuatl được phát âm giống như "Guadalupe " là: Tecuatlanopeuh [tek ʷ at͡ɬa'nopeʍ"], "người được sinh ra từ tảng đá", và Tecuantlaxopeuh tek ʷ ant͡ɬa'ʃopeʍ, "người xua đuổi những kẻ dữ khỏi chúng ta"[10].

Nó cũng đưa ra gợi ý rằng cái tên Tây Ban Nha này là sự thuật lại một thuật ngữ trong tiếng Nahuatl, Coātlaxopeuh [koa ː t͡ɬa'ʃopeʍ], có nghĩa là "người đập đầu con rắn" và nó có thể được đề cập đến thần rắn lông vũ Quetzacoatl[11].

Những người ủng hộ nguồn gốc tiếng Tây Ban Nha của tên gọi đưa ra lập luận rằng:

  • Juan Diego và Juan Bernardino đã quen với tiếng Tây Ban Nha có hai phụ âm "g" và "d" kể từ khi lãnh nhận phép rửa tội mà trong tên của họ có cùng những phụ âm này.
  • Không có một tài liệu nào đưa ra tên gọi khác của Đức Trinh Nữ (ngoài cái tên Guadalupe) trong khoảng thời gian gần 144 năm giữa lần hiện ra vào năm 1531 và khi Becerra Tanco viết cuốn sách của mình năm 1675, cho thấy tên Tây Ban Nha "Guadalupe" là chính xác.
  • Các tài liệu của các tác giả người Tây Ban Nha hiện nay và của dòng thánh Phanxicô chứng tỏ rằng việc thay một cái tên Tây Ban Nha cho một cái tên bản địa, chẳng hạn như "Tepeaca" hoặc "Tepeaquilla" sẽ không có nghĩa nếu dùng cho 1 tên có nguồn gốc Nahuatl. Điều này cho thấy tên "Guadalupe" có nguồn gốc Tây Ban Nha là đúng[12].

Lịch sử

Sau cuộc xâm lược của người Tây Ban Nha kéo dài từ năm 1519-21, một đền thờ nữ thần Tonantzin tại đồi Tepeyac bên ngoài Thành phố Mexico đã bị phá hủy và một nhà nguyện dành riêng cho Đức Trinh Nữ được xây dựng nay tại đó. Các người da đỏ mới cải đạo theo Công giáo ở xa vẫn tiếp tục đến đó hành lễ và thực hiện các nghi thức thờ phượng của mình. Tuy nhiên không chắc chắn họ có gọi tên Maria giống như tên nữ thần Tonantzin hay không[13].

Một ghi chép đầu tiên nhắc đến sự tồn tại của bức vẽ là vào năm 1556, khi Tổng Giám mục Alonso de Montufar, dòng Ða Minh, giảng một bài khen ngợi lòng sùng kính Đức Mẹ Guadalupe, bày tỏ sự kính trọng với bức tranh được vẽ trong nhà nguyện tại Tepeyac, nơi phép lạ mới xảy ra. Vài ngày sau đó ông nhận được văn thư trả lời của Francisco de Bustamante, người đứng đầu các tu sĩ dòng Phanxicô và là người trông coi nhà nguyện Tepeyac, ông này bày tỏ thái độ không đồng tình trước vị Phó vương về việc Tổng Giám mục cổ vũ người dân bản địa mê tín dị đoan khi tôn thờ 1 bức tranh được vẽ bởi một họa sĩ người bản địa tên là Marcos Cipac de Aquino:

Lòng sùng kính đã được cổ vũ trong một nhà nguyện dành riêng cho Đức Mẹ, được gọi là Guadalupe, trong thành phố này là rất có hại cho người dân địa phương, bởi vì nó làm cho họ tin rằng hình ảnh này được vẽ bởi người da đỏ Marcos là trong một trường hợp thần kỳ.[14]

Ngày hôm sau, Tổng Giám mục Montufar mở một cuộc điều tra. Các tu sĩ Phanxicô nhắc lại tuyên bố của mình rằng hình ảnh khuyến khích thờ phượng ngẫu tượng và mê tín dị đoan, và làm chứng rằng nó đã được vẽ bởi "Người da đỏ tên là Marcos"[14]. Điều này đã có từ trước khi Dòng Đa Minh cho phép người Aztec kính viếng Guadalupe theo lời Tổng Giám mục. Vấn đề đã chấm dứt khi các tu sĩ dòng Phanxicô bị tước mất quyền trông coi đền thờ[15] và khung hình tilma được trưng bày trong 1 nhà thờ lớn hơn[16].

Một tài liệu đầu tiên diễn giải chi tiết hơn về hình ảnh và cuộc hiện ra là cuốn Imagen de la Virgen Maria, Madre de Dios de Guadalupe, một cuốn sách chỉ dẫn cách thờ phượng trong cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha xuất bản năm 1648 bởi Miguel Sanchez, một linh mục giáo phận Mexico City[17]. Một bản văn ngắn dày 36-trang được viết bằng ngôn ngữ Nahuatl có tên là Huei tlamahuiçoltica ("sự kiện trọng đại"), đã được xuất bản vào năm 1649 bởi Luis Lasso de la Vega. Có ý kiến cho rằng tài liệu này có mối quan hệ chặt chẽ với câu chuyện về Đức Trinh nữ của Sánchez. Tài liệu này bao gồm 7 phần. Trong phần Mopohua Nican ("Ở đây nó được kể lại"), thuận lại các cuộc hiện ra và nguồn gốc siêu nhiên của hình ảnh; phần Nican motecpana ("Đây là một tài liệu theo lệnh truyền"), mô tả lại 14 phép lạ của Đức Mẹ Guadalupe, và Nican tlantica ("Ðến đây chấm dứt"), nói về việc tôn kính Đức Mẹ trong xứ Tây Ban Nha Mới[18].

Juan Diego

Sự nổi tiếng ngày càng tăng của hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe đã dẫn đến một sự quan tâm song song dành cho Juan Diego. Vào năm 1666 Giáo hội, với mục đích thiết lập một ngày lễ dành cho ông ta đã bắt đầu thu thập thông tin từ những người đã quen biết với Juan Diego. Vào năm 1723 một cuộc điều tra chính thức cuộc sống của ông được thực hiện, nhiều thông tin đã được thu thập. Năm 1987, dưới triều Giáo hoàng John Paul II, người có mối quan tâm đặc biệt với các vị thánh và người Công giáo ngoài châu Âu, đã thành công trong việc đề nghị Bộ phong thánh suy tôn Juan Diego lên hàng đáng kính. Vào ngày 06 Tháng 5 năm 1990, ông được phong chân phước bởi chính Joh Paul II trong Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe ở thành phố Mexico và được tuyên bố "là người bảo vệ và bênh vực của các dân tộc bản địa", với ngày lễ kính là ngày 09 tháng 12.

Thời điểm này, các sử gia và các nhà thần học đã bắt đầu đặt câu hỏi về mức độ tin cậy trong các bằng chứng về Juan Diego. Không có bất cứ dòng nào đề cập đến Juan hay sự việc kỳ lạ mà anh ta gặp trong các tác phẩm của Giám mục Zumárraga dòng Phanxicô, mặc dù trong bản viết tay của ông có nói đến bức vẽ kỳ lạ. Trong các bản ghi của cuộc điều tra mà Giáo hội tiến hành năm 1556 cũng bỏ qua những thông tin về người này. Và cũng không phải bất cứ một tài liệu nào khác nói đền sự tồn tại của 1 người tên là Juan Diego cho đến giữa thế kỷ 17.

Những nghi ngờ trên thực tế không phải mới được nêu ra. Ngay từ năm 1883 Joaquín García Icazbalceta, sử gia và người viết tiểu sử của Zumárraga, trong một văn bản mật về Đức Mẹ Guadalupe gửi cho Giám mục Labastida, đã rất do dự khi chứng minh các câu chuyện về cuộc hiện ra và nói kết luận của ông rằng hoàn toàn không có một người đàn ông[19]. Gần đây nhất là năm 1996, Giám đốc của Vương cung thánh đường Guadalupe, Guillermo Schulenburg, ở tuổi 83 tuổi và sau 33 năm phục vụ đã buộc phải từ chức sau một cuộc phỏng vấn với tạp chí Công giáo Ixthus, khi ông nói rằng Juan Diego là "một biểu tượng chứ không phải là một thực tế"[20]. Sau đó ông còn viết thư cho Giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên ngài đừng phong thánh cho Juan Diego vì cho rằng không có đủ chứng cớ rõ ràng về cuộc đời vị này. Theo Schulenburg, huyền thoại Juan Diego được dựng lên để an ủi người thổ dân da đỏ mà địa vị kinh tế và xã hội trong thế kỷ 16 thấp hơn so với người Mexico da trắng, có tổ tiên là người Tây Ban Nha [21].

Năm 1995, trong quá trình tiến hành phong thánh cho Juan Diego, Xavier Escalada, một linh mục dòng Tên đang viết một bách khoa thư về huyền thoại Guadalupe, đã cho công bố 1 tấm giấy bằng da (Codex Escalada) với những hình vẽ minh họa cuộc đời của Juan Diego và biến cố gặp gỡ Đức Trinh Nữ trong hào quang ánh sáng. Tài liệu quan trọng này đã được vẽ trong khoảng năm 1548, thời điểm mà những nhân chứng có thể đã biết đến Juan Diego. Đồng thời nó mang chữ ký của 2 học giả nổi tiếng ở thế kỷ 16 là linh mục Antonio Valeriano và Bernardino de Sahagun. Do đó nội dung của nó được xem là đáng tin cậy[22].

Tuy vậy một số học giả vẫn còn hoài nghi, mô tả hình ảnh trên cuộn giấy da "giống với hình ảnh Thánh Phaolô gặp Chúa Kitô trên đường Damascus, được vẽ bởi Thánh Luca và chữ ký của St Peter hơn là mô tả về Juan Diego"[23]. Linh mục Fidel Gonzalez, một thành viên trong ủy ban Toà Thánh có nhiệm vụ tìm hiểu về cuộc đời của Thánh Juan Diego đã kết luận là không thể phủ nhận Juan Diego là nhân vật có thật. Cuối cùng, các Giám mục Mexico cho hay, Toà Thánh xác nhận 1 phép lạ đã xảy ra qua lời cầu bàu của Thánh Juan Diego khiến cho một thanh niên người Mexico đã được chữa lành sau khi sọ bị vỡ vì lao mình từ một cái tháp cao dưới ảnh hưởng của bia rượu[21]. Năm 2002, Gioan Phaolô II, trong chuyến thăm Ðền Thánh Guadalupe lần thứ năm, đã cử hành Lễ Phong Thánh cho Juan Diego.


Phân tích bức ảnh

 

Tấm vải thô và hình ảnh đã được tiến hành phân tích nhiều lần bằng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện có. Có ít nhất 4 cuộc khảo sát đã được tiến hành trong khoảng 1751,1952 – 1982. Ba trong số đó đã được xuất bản thành sách.

 

Năm 1756, họa sĩ nổi tiếng Miguel Cabrera xuất bản tác phẩm nghiên cứu của mình trong cuốn sách "American Marvel". Bao gồm kết quả phân tích đôi mắt và các khảo sát thông thường khác của ông và 6 họa sĩ khác[24].

 

Năm 1929, Một tài liệu chú dẫn về hình ảnh chiếc đầu của một người đàn ông phản chiếu trong mắt phải của Ðức Trinh Nữ được công bố bởi nhà nhiếp ảnh Alfonso Marcue. Năm 1951, Carlos Salinas tiến hành xét nghiệm bức tượng ảnh và đưa ra hình ảnh một chiếc đầu của một người đàn ông phản chiếu trong mắt phải của Ðức trinh Nữ[25]. Năm 1956, Tiến sĩ Torroela-Bueno, một bác sĩ về nhãn khoa, xét nghiệm con mắt của Ðức Trinh Nữ trong bức ảnh.

 

Năm 1958, Tiến sĩ Rafael Torija-Lavoignet cho xuất bản tác phẩm nghiên cứu của ông, cuốn Purkinje-Sanson, được trình bày để nói về Bức Tượng Ảnh Ðức Bà Guadalupe. Năm 1962, Tiến sĩ Charles Wahig, O.D. tuyên bố sự khám phá của ông về hình ảnh phản chiếu trong mắt của Ðức Trinh Nữ khi nghiên cứu bức Tượng Ảnh với độ phóng lớn lên gấp 25 lần. Năm 1975, người ta đã cho gỡ khung kính ra để Tiến sĩ Enrique Grave, một bác sĩ nhãn khoa khác, có thể nghiên cứu kỹ hơn về bức vẽ [26].

 

Năm 1979, Tiến sĩ sinh lý học và côn trùng học USDA, Philip Serna Callahan đã chụp ra 40 bức hình của bức ảnh bằng tia hồng ngoại tuyến. Các bức ảnh và phát hiện của ông đã được xuất bản thành sách vào năm 1981[27]. Trong tác phẩm này, kết luận rằng bức vẽ nguyên thủy không có bản vẽ dưới, không có bản phác thảo hay bất kỳ nét cọ nào[28].

 

Cũng trong năm này, Tiến sĩ, bác sĩ nhãn khoa Jose Aste-Tonsmann dùng kỹ thuật phân tích sophisticate và nghệ thuật nhiếp ảnh digital để lấy ảnh cả hai mắt đã tuyên bố đã tìm thấy có ít nhất bốn hình ảnh của con người hiện ra trong cả hai mắt của Ðức Trinh Nữ. Khi phóng đại hình ảnh con mắt lên gấp 2500 lần, khẳng định sự có mặt của một nhóm người gồm 1 người đàn ông, người đàn bà và nhóm trẻ em. Tất cả là 14 người được lưu lại trong đồng tử của con mắt tương tự như bản chụp con mắt bình thường khi xảy ra "phép lạ" [29].

 

Năm 2002, José Antonio Flores Gómez, một nhà phục chế mỹ thuật, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Proceso Mexico đã đưa ra một số vấn đề kỹ thuật của mảnh vải mà ông đã tiến hành nghiên cứu trong các năm 1947 và 1973[30]. Bức vẽ chưa từng được sơn phủ.

 

Cuốn "Proceso" cũng được xuất bản vào năm 2002 ghi lại cuộc phỏng vấn với José Sol Rosales, trước đây là giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Thống kê cổ vật nhân tạo (Patrimonio Artístico Mueble) của Viện Mỹ thuật (Inba) tại thành phố Mexico. Cuộc phỏng vấn này được trích dẫn từ một báo cáo mà Rosales đã viết vào năm 1982 trình bày những phát hiện của ông khi thực hiện quá trình kiểm tra tấm vải bằng ánh sáng tia cực tím - ở độ phóng đại thấp – dưới kính hiển vi âm thanh stereo, loại vẫn được sử dụng cho phẫu thuật để tạo nên không gian ba chiều của mẫu vật. Trong tác phẩm này đã khẳng định màu sắc và độ sáng của bức vẽ rất đặc biệt[31].

 

Những người công giáo có nhiều cơ sở cho niềm tin vào sự siêu nhiên và tính chất kỳ diệu của bức ảnh. Trong gần 500 năm tồn tại kể từ khi "phép lạ" xảy ra, tấm vải vẫn tồn tại mà không bị mục nát. Trong khi một bản sao được làm trên chất liệu tương tự chỉ giữ được khoảng 15 năm[32]. Năm 1971, sự cố tràn dung dịch axit amoniac lên phần trên và bên phải bức vẽ. Mặc dù không được sửa chữa nó đã tự phục hồi như cũ[33]. Năm 1921, một trái bom đã nổ ngay dưới chân bức vẽ khiến nhiều đồ vật bị phá hủy nhưng bức vẽ lại không bị hư hại gì. Các ngôi sao xuất hiện trên tà áo Đức Maria trùng với bản đồ sao xuất hiện trên bầu trời Mêxicô hôm xảy ra phép lạ.

 

Nhiều trang web Công giáo dẫn chứng (mặc dù không dẫn nguồn) vào năm 1936[34], Friz Hahn, giáo sư ở Mexico, lấy hai sợi chỉ từ tấm vải gửi cho Tiến sĩ Richard Kuhn, Khoa trưởng Phân khoa Hóa học Ðại Học Kaiser Wilhelm, sau khi nghiên cứu cùng với các giáo sư của phân khoa đã đi đến kết luận là màu sắc của các sợi chỉ không nằm trong danh sách những màu sắc mà họ đã nghiên cứu và hiểu biết[29].

Trong Giáo hội Công giáo

Năm 1555, trong một buổi họp Hội Ðồng, Tổng Giám mục thứ hai của Mexicô, Alonso de Montufar đã hoàn thành hồ sơ gián tiếp công nhận sự lạ Ðức Mẹ hiện ra. Liền năm sau đó, ông cho xây dựng thánh đường tôn kính Đức Mẹ tại đây và hoàn thành vào năm 1567.

Ngày 25 tháng 5 năm 1754,Giáo hoàng Biển Đức XIV chấp thuận Đức Mẹ Guadalupe là Thánh Quan Thầy của Tân Tây Ban Nha và cho phép cử hành lễ kính vào ngày 12 Tháng 12.

Năm 1910, Giáo hoàng Piô X công bố Ðức Mẹ Guadalupe là Quan Thầy của châu Mỹ Latinh. Năm 1935, Piô XI đặt Ðức Trinh Nữ Guadalupe làm quan thầy của Philippines[5][35][36]. Năm 1945, Piô XII tuyên bố rằng Ðức Trinh Nữ Guadalupe là "Nữ hoàng của Mixicô và của toàn lãnh thổ Mỹ Châu" và nhấn mạnh: Tượng Ảnh Ðức Mẹ đã được vẽ lại "qua ngòi bút linh ứng chứ không phải bởi thế giới này". Năm 1946, ông tuyên bố Ðức Bà Guadalupe là quan thầy của Mỹ Châu.

 

Năm 1961, Giáo hoàng Gioan XXIII cầu nguyện cùng Ðức Bà Guadalupe là Quan Thầy của Mỹ Châu. Ông diễn tả Ðức Bà Guadalupe là người Mẹ và là người Thầy Ðức Tin của tất cả người dân châu Mỹ. Năm 1966, Phaolô VI gửi tới Ðền Thánh Ðức Bà Guadalupe một Bông Hoa Hồng bằng vàng[37]. Năm 1979, Gioan Phaolô II gọi Ðức Bà Guadalupe là "Ngôi Sao dẫn đường Truyền giáo", ngài quỳ trước Tượng Mẹ, cầu xin Mẹ giúp đỡ và gọi Ðức Bà là Mẹ của Mỹ Châu.

 

Ngày 12 tháng 12 là ngày lễ kính Ðức Mẹ Guadalupe theo lịch phụng vụ theo quy định cho tất cả các địa phận ở Hoa Kỳ vào năm 1988. Vào năm 1999, Gioan Phaolô II, trong chuyến viếng thăm Ðền Thánh lần thứ 3, công bố ngày 12 tháng 12 là ngày Lễ kính Ðức Mẹ Guadalupe theo lịch phụng vụ cho cả toàn châu Mỹ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - GIẢNG LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE

 

TẠI ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ CHIỀU NGÀY 12/12/2016

 

 

captura-de-pantalla-2016-12-12-a-las-18-27-46-740x466

 

 

"Việc nhìn lên Đức Mẹ Guadalupe là để nhớ lại rằng cuộc viếng thăm của Chúa bao giờ cũng nhờ ở những ai làm cho Lời Ngài 'hóa thành nhục thể',

 thành phần tìm cách hiện thực sự sống của Thiên Chúa nơi bản thân mình, trở thành những dấu hiệu sống động của lòng thương xót Ngài".

 

"Phúc cho em là kẻ đã tin": bằng những lời này, Bà Isave đã xức dầu cho sự hiện diện của Đức Maria nơi nhà của bà. Những lời xuất phát từ lòng dạ của bà, từ bên trong; những lời âm vang tất cả những gì bà cảm nghiệm thấy từ cuộc thăm viếng của người chị em họ hàng: "Khi tôi vừa nghe thấy tiếng em  chào thì thai nhi trong lòng tôi hân hoan nhẩy mừng. Phúc cho em là người đã tin tưởng".

Thiên Chúa thăm viếng chúng ta ở trong bụng dạ của một người phụ nữ, chuyển động bụng dạ của người phụ nữ kia bằng một bài ca ngợi khen chúc tụng, một bài ca hân hoan vui mừng. Cảnh tượng của bài Phúc Âm cho thấy tất cả những gì là sinh động của việc Thiên Chúa viếng thăm, đó là lúc Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta thì Ngài tác động nội tâm của chúng ta, Ngài bắt đầu lay chuyển những gì chúng ta là, cho đến khi tất cả đời sống của chúng ta được biến đổi thành lời chúc tụng và ngợi khen. Khi Thiên Chúa viếng thăm chúng ta thì Ngài khiến chúng ta cảm thấy xốn sang bồn chồn, bằng một thứ xốn sang bồn chồn của những ai cảm thấy họ đã được mời gọi để loan báo những gì Ngài sống và là Đấng ở giữa dân Ngài. Đó là những gì chúng ta thấy nơi Đức Maria, người môn đệ tiên khởi và là vị thừa sai đầu tiên, một Hòm Bia mới của Giao Ước, Đấng không muốn lưu lại ở một nơi được giành cho mình trong các đền thờ của chúng ta, nhưng lên đường thăm viếng và hỗ trợ vào thời kỳ thai nhi Gioan đang được thai nghén bằng sự hiện diện của mình. Người đã làm như thế vào năm 1531, ở chỗ Người đã đến Tepeyac để phục vụ và hỗ trợ thành phần Dân đang được thai nghén đớn đau này, để trở thành Mẹ của họ và là Mẹ của tất cả mọi dân tộc. 

Cùng với bà Isave, hôm nay đây, cả chúng ta nữa muốn xức dầu cho Người và chào Người bằng lời: "Phúc cho Người là Đấng đã tin", và tiếp tục tin tưởng "những gì Chúa đã phán cùng Người sẽ được nên trọn". Thế nên Đức Maria là biểu tượng của người môn đệ, của người nữ tin tưởng và nguyện cầu, vị biết cách để hỗ trợ và phấn khích đức tin của chúng ta và niềm hy vọng của chúng ta ở những giai đoạn đặc biệt chúng ta cần phải trải qua. Nơi Đức Maria, chúng ta thấy một phản ảnh trung thực không phải là một thứ đức tin thi ca ngọt ngào, mà là một đức tin mạnh mẽ, nhất là trong lúc những say mê ngọt ngào về các sự vật bị tan vỡ và lại xẩy ra khắp mọi nơi những thứ mâu thuẫn đầy xung khắc. 

Chắc chắn chúng ta cần phải học từ đức tin mạnh mẽ và hữu ích ấy là một đức tin đã từng biểu hiệu và đang biểu hiệu Người Mẹ của chúng ta; cần phải học từ đức tin này làm sao để đi vào bên trong lịch sử mà làm muối và ánh sáng trong đời sống của chúng ta cũng như trong xã hội của chúng ta.  Xã hội chúng ta đang xây đắp cho con cái của chúng ta càng ngày càng hiện lên những dấu hiệu chia rẽ và phân mảnh, đẩy nhiều con người vào hậu trường, nhất là những ai đang gặp khó khăn để có được những gì là tối thiểu cho một cuộc sống xứng đáng. Một xã hội muốn tỏ ra khoe khoang khoác lác về những tiến bộ khoa học và kỹ thuật mà lại mù quáng và vô cảm trước hằng ngàn ngàn những gương mặt trải dài dọc con đường tiến bộ ấy, bị loại trừ bởi cái kiêu hãnh mù quáng của một thiểu số. Một xã hội cuối cùng tiến đến chỗ thiết lập một thứ văn hóa vỡ mộng, một thứ văn hóa giải mê và một thứ văn hóa thua bại nơi nhiều người anh em của chúng ta, thậm chí sấu khổ nơi nhiều người khác vì họ cảm thấy những khó khăn họ cần phải đối diện để khỏi bị lạc lối.

Chúng ta, dù không nhận ra, dường như trở nên quen thuộc với lối sống trong môt xã hội ngờ vực, với tất cả những gì được xã hội này phỏng định cho hiện tại của chúng ta nhất là cho tương lai của chúng ta; nỗi ngờ vực dần dần phát sinh ra tình trạng ơ hờ lãnh đạm và phân tán.

Khó khăn biết bao để hãnh diện về cái xã hội phúc hạnh này của chúng ta khi chúng ta thấy rằng lục địa Mỹ Châu thân yêu của chúng ta đã trở nên quen thuộc với việc nhìn thấy hằng ngàn ngàn trẻ em và giới trẻ trên đường phố, ăn xin và nằm ngủ ở các trạm xe lửa, trong hầm xe điện ngầm hay bất cứ ở nơi nào có chỗ. Trẻ em và giới trẻ bị khai thác làm việc bất hợp pháp hay bị đẩy đi tìm kiếm một ít đồng bạc cắc ở các giao lộ, bằng cách lau chùi kính xe của chúng ta... và họ cảm thấy rằng họ không có chỗ trên 'chuyến xe lửa cuộc đời - train of life'. Biết bao nhiêu là gia đình đang hằn lên thương đau khi nhìn thấy con cái của mình trở thành nạn nhân của những tay buôn tử thần. Khó khăn biết bao khi thấy cách thức chúng ta bình thường hóa việc loại trừ đi những vị lão thành của chúng ta, mặc họ sống lẻ loi cô độc, chỉ vì họ không còn sản xuất được nữa, hay thấy, như các vị giám mục ở Aparecida quá biết, "tình trạng bấp bênh đang ảnh hưởng tới phẩm giá của nhiều phụ nữ. Một số trong họ, ngay từ hồi còn nhỏ hay thanh thiếu niên, đã chịu rất nhiều hình thức bạo lực cả trong lẫn ngoài nhà của họ". Chúng là những trường hợp có thể làm cho chúng ta thành bại liệt, có thể gây ngờ vực cho đức tin của chúng ta và nhất là cho niềm hy vọng cậy trông của chúng ta, cho cách nhìn về tương lai và đối diện với tương lai.

Trước tất cả những hoàn cảnh đó, chúng ta cần phải cùng với bà Isave nói rằng "Phúc cho em là người đã tin tưởng", và học từ đức tin mãnh liệt và hữu ích này là những gì đã trở thành biệu hiệu và đang là biểu hiệu cho Người Mẹ chúng ta.

Việc cử hành mừng Mẹ Maria, trước hết và trên hết, là việc tưởng nhớ đến Người Mẹ này, là nhớ rằng chúng ta không và sẽ không bao giờ là một thành phần dân mồ côi. Chúng ta có một Người Mẹ! Và đâu có người mẹ này thì ở đấy bao giờ cũng có sự hiện diện và hương vị gia đình. Đâu có người mẹ này thì anh em có thể đánh nhau nhưng cảm quan hiệp nhất bao giờ cũng sẽ thắng vượt. Đâu có người mẹ này thì cuộc tranh đấu cho tình huynh đệ sẽ không bao giờ bị thiếu vắng. Tôi luôn bị ấn tượng khi thấy, nơi các dân tộc khác nhau ở Châu Mỹ Latinh, những người mẹ tranh đấu này, những người mẹ, thường một mình, đảm đang nuôi con cái khôn lớn. Đó là Đức Maria với chúng ta, với con cái của Mẹ: một người nữ đang chiến đấu chống lại thuú xã hội của nỗi ngờ vực và mù tối, một xã hội thờ ơ lãnh đạm và phân tán; một người nữ đang chiến đấu để củng cố niềm vui Phúc Âm, đang chiến đấu để cống hiến "nhục thể" cho Phúc Âm.

Việc nhìn lên Đức Mẹ Guadalupe là để nhớ lại rằng cuộc viếng thăm của Chúa bao giờ cũng nhờ ở những ai làm cho Lời Ngài "hóa thành nhục thể", thành phần tìm cách hiện thực sự sống của Thiên Chúa nơi bản thân mình, trở thành những dấu hiệu sống động của lòng thương xót Ngài.

Việc cử hành tưởng nhớ Đức Maria cũng khẳng định trước tất cả những gì là khác biệt éo le rằng "nơi tâm can và đời sống của các dân tộc chúng ta vẫn đang có một cảm quan mãnh liệt về niềm hy vọng cậy trông, bất chấp các điều kiện sống dường như che khuất tất cả mọi niềm hy vọng cậy trông".

Mẹ Maria, vì Mẹ đã tin tưởng, đã mến yêu; vì Mẹ là nữ tỳ của Chúa và là tôi tớ của anh em Mẹ. Việc cử hành tưởng nhớ Mẹ Maria là cử hành ở chỗ chúng ta, như Mẹ, được mời gọi để ra đi gặp gỡ những người khác bằng cùng một cái nhìn, bằng cùng một lòng thương xót sâu xa, bằng các cử chỉ tương tự. Việc chiêm ngưỡng Mẹ đó là việc cảm thấy lời mời gọi mãnh liệt noi gương bắt chước đức tin của Mẹ. Sự hiện diện của Mẹ dẫn chúng ta đến chỗ hòa giải, cống hiến cho chúng ta sức mạnh để kiến tạo nên những mối liên hệ nơi mảnh đất Mỹ Châu Latinh diễm phúc của chúng ta, bằng cách "đồng thuận" với sự sống và "bất thuận" với tất cả những thứ lãnh đạm, loại trừ hay phủ nhận các dân tộc và con người. Chúng ta đừng sợ ra đi tìm kiếm người khác bằng cùng một ánh mắt. Một ánh mắt làm cho chúng ta thành anh em. Chúng ta làm thế là vì, như Juan Diego, chúng ta biết rằng ở đây có Mẹ của chúng ta, chúng ta biết rằng chúng ta đang nấp dưới bóng của Mẹ và sự bảo vệ bao che của Mẹ, nguồn mạch niềm vui của chúng ta, và chúng ta đang ở trong vòng tay của Mẹ.

https://zenit.org/articles/popes-homily-for-feast-of-our-lady-of-guadalupe/
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu sắc.

 

Francis with OL of Guadalupe