THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của

Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

 

Bản Án Giêsu - Chân Dung Thương Xót



Cái tên “Philatô” lịch sử này quan trọng và nổi tiếng đến độ, ngay cả vị tiền hô Gioan Tẩy Giả là con người cao trọng nhất được nữ giới sinh ra (xem Mathêu 11:11), các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô, là nền tảng của Giáo Hội (xem Epheso 2:20), cũng không được nhắc đến tên trong Kinh Tin Kính của Kitô giáo nói chung và của Giáo Hội Công Giáo nói riêng. 

Chính trong trình thuật của Thánh Ký Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta mới thấy được rõ ràng những chi tiết quan trọng và cần thiết ở bên trong Dinh Tổng Trấn Philatô liên quan đến việc truy xét của vị tổng trấn này với Chúa Giêsu và về Chúa Giêsu, cũng như liên quan đến lý do chính yếu Người bị lên án tử.

 

Căn cứ vào trình thuật của Thánh ký Gioan thì Tổng Trấn Philatô chất vấn Chúa Giêsu 3 lần, hay ba điều, thứ tự như sau: 1- “Ngươi có phải là Vua Dân Do Thái hay chăng?” (Gioan 18:33), 2- Chân lý nghĩa là gì?” (Gioan 18:38), 3- “Ngươi từ đâu tới vậy?” (Gioan 19:9).

 

1- “Ngươi có phải là Vua Dân Do Thái hay chăng?” (Gioan 18:33). Chúa Giêsu đã không bao giờ tự xưng mình một cách tự động hay khi được hỏi đến minh nhiên, công khai và chính thức rằng: “Ta là Đức Kitô” hay “Ta là Vua”. Lý  do, chỉ vì đó là 2 tước hiệu, một liên quan đến giáo quyền Do Thái (Kitô) và một đụng chạm đến chính quyền Đế quốc Rôma (Vua). Cho dù Người quả thực là Đức Kitô và là Vua, như trong 3 năm công khải tỏ mình ra Người vẫn luôn tìm cách chứng thực rằng Người là Đức Kitô và là Vua: là Đức Kitô đối với chung Dân Do Thái và riêng giáo quyền Do Thái là Hội Đồng Đầu Mục, và là Vua đối với chung loài người và với riêng thẩm quyền Đế Quốc Rôma bấy giờ là quyền lực đang đô hộ dân Do Thái và dân Do Thái đang mong được giải thót bởi một Vị Thiên Sai (Kitô) như đã từng xẩy ra trong Lịch Sử Cứu Độ của họ.

 

 

Vì tránh đụng chạm, Người đã trả lời câu chất vấn đầu tiên này của Tổng Trấn Philatô một cách gián tiếp khẳng định như sau: “Chính ngài nói tôi là vua – It is you who say I am a king” (Gioan 18:37). Kiểu trả lời khẳng định một cách gián tiếp này, Chúa Giêsu cũng đã áp dụng với Hội Đồng Đầu Mục Do Thái khi được hội đồng này cùng nhau đồng thanh hỏi một cách trực tiếp, dứt khoát và chính thức, như Thánh ký Luca thuật lại rằng: "Như thế thì ngươi có phải là Con Thiên Chúa chứ gì?và câu trả lời của Người là: "Chính các ngài nói Tôi như thế đó - It is you who say I am" (Luca 22:69).

 

 

Còn Thánh ký Mathêu cho biết chỉ có Thượng Tế Caipha (26:57) là người đã thay hội đồng chất vấn Chúa Giêsu: "Ta truyền cho ngươi phải thề trước Thiên Chúa hằng sống mà nói cho chúng ta biết ngươi có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa hay chăng?" (26:63), và vị có thẩm quyền này cùng với cả hội đồng của ông bấy giờ đã nhận được câu trả lời khẳng định một cách gián tiếp như sau: "Chính ngài là người đã nói thế - It is you who say it..." (26:64). Chỉ có ở trình thuật của Thánh ký Marco mới có câu trả lời "Tôi đúng là thế - I am" trực tiếp khẳng định của Chúa Giêsu với vị thượng tế này thôi (xem 14:62), nghĩa là trực tiếp thừa nhận điều vị thượng tế hỏi là đúng; nhưng dầu sao, ở câu Phúc Âm của Thánh ký Marcô này Người vẫn không thẳng thừng và mãnh liệt lập lại một cách rõ ràng những gì được hỏi "Ngươi có phải là Đức Kitô, Con của Đấng Thánh hay chăngrằng "Phải, tôi chính là Đức Kitô, Con của Đấng Thánh đây".  

 

 

2- "Chân lý nghĩa là gì?” (Gioan 18:38): Ở trong câu khẳng định một cách gián tiếp mình là Vua Dân Do Thái, là Đấng đến giải thoát dân Do Thái, không phải bằng quyền lực chính trị và tình trạng bị đô hộ về thể lý, mà là bằng quyền lực thần linh và tình trạng nô lệ tội lỗi "ngồi trong tăm tối và bóng tử thần" (Luca 1:79). Chân lý ở đây chính là Chúa Kitô, một Chúa Kitô tỏ mình ra là Chân Lý qua các việc Ngài làm, trước hết và trên hết, ở chỗ Người "đến không phải để làm theo ý của mình mà là ý của Đấng đã sai" (Gioan 6:38), nhờ đó, Người mới có thể hoàn thành công cuộc cứu độ trần gian của Người với tư cách là Đức Kitô Thiên Sai của dân Do Thái. 

 

 

Sở dĩ Tổng Trấn Philatô không nhận được câu trả lời của Chúa Giêsu, vì ngay bấy giờ ông đã thấy Chân Lý, đã đối diện với chính Chân Lý, và cho dù chưa nhận biết Chân Lý là chính Chúa Kitô, qua những việc Người làm, nhất là việc Người chấp nhận khổ nạn và tử giá theo ý Đấng đã sai «để làm chứng cho chân lý» (Gioan 18 :37) tức là để chứng tỏ Người là ai (xem Gioan 8:28), ông cũng cảm nhận được Chân Lý một cách nào đó, qua những gì ông đã khẳng định được treo trên đầu của cây thập tự giá đóng đanh Chúa Giêsu: "Giêsu Nazarét, Vua Dân Do Thái(Gioan 19:19).  

 

3- “Ngươi từ đâu tới?” (Gioan 19:9). Sở dĩ có câu hỏi thứ ba này là vì Tổng Trấn Philatô sau khi đã cố gắng điều tra và cảm thấy rằng Chúa Giêsu 2 lần: "Ta chẳng thấy hắn có tội gì cả - I find no case against thia man / him(xem Gioan 18:38;19:6), đã nghe thấy dân Do Thái lên án tử cho Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi có luật và theo luật thì hắn phải chết vì hắn xưng mình là Con Thiên Chúa(Gioan 19:7). Đúng thế, cái tội đáng chết của Chúa Giêsu ở đây, đối với chung Dân Do Thái và riêng Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, đó là tội "lộng ngôn. Ông chỉ là một con người mà dám xưng mình là Thiên Chúa(Gioan 10:33).

 

 

Ở câu hỏi thứ ba này, chính Philatô là một con người hữu thần, chứ không phải hoàn toàn vô thần, chứng tỏ cũng muốn tìm về Chân Lý là những gì ông muốn biết, đã đặt vấn đề nhưng chưa có câu trả lời, một câu trả lời sẽ được giải đáp thỏa đáng liên quan đến nguồn gốc của một nạn nhân kỳ lạ mà ông đang đối diện và chất vấn. Đó là lý do ông không trực tiếp hỏi "Ngươi có phải là Con Thiên Chúa hay chăng?" như câu hỏi thứ nhất "Ngươi có phải là Vua dân Do Thái hay chăng?", mà là hỏi: "Ngươi từ đâu đến?", một vấn nạn cũng đã gây nhức nhối trong dân do Thái về Chúa Giêsu trước đó (xem Gioan 7:27-28), đến độ họ đã không chịu được nữa mà hỏi thẳng với Người rằng: "Ông còn để cho chúng tôi phải nghi nan cho đến bao giờ nữa chứ? Nếu ông thực sự là Đức Kitô thì hãy nói thẳng ra cho chúng tôi biết đi(Gioan 10:24). 

 

 

Ở đây cũng thế, Chúa Giêsu vẫn nhất định dứt khoát không chính thức và công khai xưng mình: "Tôi là Đức Kitô", vì Người biết họ bấy giờ không thể nào chấp nhận được Chân Lý ấy, đến độ, như Người đã khẳng định với cả dân Do Thái cũng như với các tông đồ rằng: "Các người sẽ tìm kiếm Tôi, nhưng nơi tôi đi quí vị không thể tới được"(Gioan 13:33; 7:33), chẳng những thế, trong chính lúc họ tìm kiếm Người, muốn biết Người là ai và từ đâu đến thì họ đã được Chúa Kitô cảnh báo cho họ biết trước rằng: "các người sẽ chết trong tội lỗi của mình(Gioan 8:21).

 

 

Điển hình là Tông Đồ Phêrô, như đã được phân tích, trong khi cố gắng theo sát Thày bắt đầu cuộc khổ nạn của Người thì lại chối bỏ Thày 3 lần, nhất là trường hợp Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, như đã phân tích, trong khi muốn biết Người là ai thì lại lên án tử cho Người sau khi nghe Người chấp nhận những gì họ đang ngờ vực về Người liên quan đến nguồn gốc thần linh của Người.

 

Vì Mầu Nhiệm Tử Giá thuộc về Mạc Khải Thần Linh, một mạc khải thần linh lên đến tột đỉnh khi Chúa Kitô tự nguyện hiến mạng sống mình trên Thập Tự Giá mà chỉ ở nơi Thánh Giá con người mới thấy được "tất cả sự thật(Gioan 16:13) về Chúa Kitô và nơi Chúa Kitô, như chính Người đã khẳng định: "Khi nào các người treo Con Người lên, các người sẽ biết Tôi là Ai?" (Gioan 8:28), hay mới biết Người từ đâu đến và sẽ đi đâu, vì chỉ ở nơi Thánh Giá mà mọi người mới được cứu chuộc: "Khi nào Tôi bị treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng Tôi" (Gioan 12:32).

 

 

Thật vậy, ngay sau khi Chúa Giêsu tắt thở trên Thánh Giá, và qua các hiện tượng thiên nhiên bất thường biến động bấy giờ, Chúa Giêsu đã được nhận biết bởi cả dân Do Thái lẫn dân Ngoại, như Thánh ký Luca thuật lại thì: "Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: ‘Người này quả thật là công chính!’ Và khi thấy những việc xảy ra như thế, tất cả những đám người đã tụ tập đông đảo để xem cảnh tượng ấy đều đấm ngực trở về nhà ».

 

 

Như thế, biến cố Tử Giá của Chúa Kitô, trước hết và trên hết, nguyên nhân chính không phải là do loài người, nhất là thành phần thẩm quyền liên hệ trực tiếp bấy giờ, bao gồm cả Tổng Trấn Philatô hay Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, mà là chính Thiên Chúa, Đấng muốn lợi dụng những bất toàn của con người, lầm lạc (nơi Hội Đồng Đầu Mục Do Thái) và hèn yếu (nơi Tổng Trấn Philatô), để hoàn thành Dự Án Cứu Độ của Ngài nơi Con Ngài là Đức Kitô Thiên Sai Cứu Thế, Đấng đã tuyên bố: "Không ai có thể lấy mạng sống của Tôi được. Tôi tự nguyện bỏ nó đi. Tôi có quyền bỏ nó đi và có quyền lấy nó lại(Gioan 10:18).

 

 

Nếu thế thì quả thực đúng như Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã cảm nhận, xác tín và tuyên bố rằng: «Thiên Chúa đã dồn con người vào tình trạng bất tuân để tỏ lòng xót thương với tất cả mọi người – God has imprisioned all in disobedience that he might have mercy on all» (Roma 11 :32) 

 


Vậy, Chúa Kitô Tử Giá là việc chính Người muốn thực hiện để chứng thực Người quả là Đức Kitô Thiên Sai của Dân Do Thái và từ đó Người cũng là Vua của loài người, Đấng Cứu Tinh Nhân Trần - Redemptor Hominis (Nhan đề của Thông Điệp đầu tay của ĐTC GPII ban hành Chúa Nhật I Mùa Chay ngày 4/3/1979), Đấng đã giải phóng con người khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết là những gì thuộc vương quốc của ma quỉ ngay từ ban đầu nơi nguyên tội!

 

Ôi cao cả thay Mầu Nhiệm Cứu Chuộc! Ôi, vĩ đại thay Tình Yêu Thiên Chúa!! Ôi diễm phúc thay Loài Người Tội Lỗi!!!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL