MẸ MARIA - THÁNH MẪU THƯƠNG XÓT
1- Mẹ Maria là Thánh Mẫu
Thương Xót - Vì Mẹ được Đấng toàn năng thương xót thực
hiện những điều trọng đại
Nếu không
được Thiên Chúa thương xót và không cảm nhận được bản thân mình được
Thiên Chúa thương xót thì chúng ta không thể nào biết xót thương.
Thế mà, LTXC lại hướng về và giành cho những gì là khốn nạn tội lỗi
và khốn khổ đau thương. Vậy Mẹ Maria đầy ơn phúc, không hề có một
tội lỗi nào, dù là nguyên tội hay tư tội, và nhờ vô nhiễm nguyên tội
ngay từ lúc được hoài thai trong lòng thai mẫu của mình mà Mẹ Maria
cũng không phải chịu hậu quả của tội lỗi là đau khổ và chết chóc,
thì Mẹ có cần đến LTXC hay chăng? Nếu không thì tại sao trong Ca
Vịnh Ngợi Khen - Magnificat của mình, một ca nguyện Mẹ được đầy
Thánh Thần vang lên đáp lại lời ca ngợi của bà chị Isave của Mẹ:
"Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và thần trí tôi mừng rỡ trong Thiên
Chúa là Đấng cứu chuộc độ của tôi. Vì Người đã thương đến phận thấp
hèn tôi tớ của Ngài, nên mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc" (Luca
1:46-48).
Căn cứ vào chính những lời mở đầu Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ trên đây,
chúng ta thấy ngay lý do Mẹ Maria đầy ơn phúc thánh hảo của chúng ta
đã thực sự cảm nhận LTXC nơi Mẹ: trước hết vì Mẹ được Thiên Chúa cứu
độ - "Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi" , sau nữa vì Mẹ chỉ là
tôi tớ của Ngài mà "Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi
những sự trọng đại vì danh Thánh của Ngài" ( Luca 1:49), chứ
không phải chỉ vì Mẹ xứng đáng.
Trước hết vì Mẹ được Thiên Chúa cứu độ - "Thiên Chúa là Đấng cứu
độ tôi". Chúng ta không biết ngay từ lúc hoài thai Mẹ Maria đã
có trí khôn chưa, đã nhận biết mình được hoài thai vô nhiễm nguyên
tội hay chăng. Cho dù mạc khải Thánh Kinh không hề
đề cập đến vấn đề này, nhưng chúng ta có thể suy
đoán rằng Mẹ có thể đã nhận biết mình được hoài thai vô nhiễm nguyên
tội ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên của Mẹ. Tại sao? Tại vì một
khi được ơn vô nhiễm nguyên tội tức là được ở trong tình trạng công
chính nguyên thủy, với một bản tính trọn hảo, không có đam mê nhục
dục và tính mê nết xấu là mầm mống của nguyên tội, và tinh thần của
con người vô tội lúc ban đầu ấy rất ư là tinh anh với trí khôn sáng
suốt và ý muốn tự do, có khả năng biết được bản thân mình và tạo vật
chung quanh, như Adong đã đặt tên cho thú vật đúng với từng loại
(xem Khởi Nguyên 2:19).
Chính vì thế, vì ngay từ đầu biết mình được Thiên Chúa gìn
giữ cho khỏi nguyên tội, bằng không Mẹ cũng giống như tất cả loài
người sau khi "tội lỗi và sự chết nhờ tội lỗi đã đột nhập vào
thế gian bao gồm tất cả mọi người" (xem Roma 5:12). Nếu Mẹ
không được Thiên Chúa thương cho hưởng trước ơn cứu độ của Chúa
Kitô, Lời Nhập Thể là Con của Mẹ sau này, thì Mẹ cũng chẳng bao giờ
xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa. Đó là lý do Mẹ đã công nhận và
tuyên xưng rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và thần trí tôi
mừng rỡ trong Thiên Chúa là Đấng cứu chuộc độ của tôi".
Sau nữa vì Mẹ chỉ là tôi tớ của Ngài mà "Thiên Chúa là Đấng
toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại vì danh Thánh của Ngài"
( Luca 1:49), chứ không phải chỉ vì Mẹ xứng đáng. "Những sự
trọng đại" Mẹ đề cập đến ở đây một cách trông trống là gì, nếu
không phải Mẹ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ "Con Đấng Tối Cao"
(Luca 1:32), làm Mẹ "Con Thiên Chúa" (Luca 1:35), mà vẫn còn trinh
nguyên như lòng Mẹ "không hề biết đến nam nhân" (Luca 1:34) ước
nguyện và mong muốn, và cũng chính vì thế mà Mẹ đã được Thiên Chúa
thực hiện một việc trọng đại nữa bất khả thiếu và bất khả phân ly
với thiên chức Thiên Chúa Thánh Mẫu này là được hoài thai vô nhiễm
nguyên tội.
Ở đây, Mẹ đã chẳng những phải tuyên
xưng thân phận tôi tớ bất xứng của Mẹ, mà còn chính vì thế mới thấy
rằng những gì Mẹ được "Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng thực hiện"
nơi Mẹ tự chúng đã là trọng đại lại còn trọng đại hơn nữa khi chúng
được ban cho một con người thấp hèn như Mẹ. Nên cũng chính vì vậy mà
Mẹ không phải là nguyên động lực thúc đẩy Thiên Chúa thực hiện nơi
Mẹ những điều trọng đại như thế, nhưng là bởi "danh thánh của Ngài",
bởi Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót đã tự động và một cách nhưng
không muốn thông ban cho riêng một mình Mẹ là một trong cả loài
người. Cùng lắm thì lòng khiêm cung sâu thẳm như hư không của Mẹ
trước nhan Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, Toàn Hữu và Hằng Hữu đã khiến
Ngài vô cùng cảm hứng không thể không thông hết mình ra cho Mẹ nơi
Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng trinh nguyên thánh hảo của Mẹ.
2- Mẹ Maria là Thánh Mẫu
Thương Xót - Vì Mẹ đã được
thông phần khổ giá của Chúa Kitô và với Chúa
Kitô
Có thể nói Thiên Chúa đã thông hết mình ra
cho Mẹ khi ban chính Con Một của Ngài cho Mẹ để nhờ Mẹ và qua Mẹ
Ngài ban Người cho cả loài người tội lỗi là giòng dõi của Mẹ nữa.
Khi thụ thai và cưu mang "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan
1:14), trong cung dạ trinh nguyên và bằng con tim tin tưởng của
mình, bản thân của cô thôn nữ Nazarét trẻ trung Maria tuyệt mỹ đã
đính hôn với chàng Giuse ấy (xem Luca 1:26-27), bấy giờ, trong biến
cố Truyền Tin, như thể đã được "mặc mặt trời" (Khải Huyền
12:1), vì đã được Đấng là "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12)
ngự ngay trong thân xác của cô.
Thế nhưng, mức độ "đầy ơn phúc" (Luca 1:28) của Mẹ và nơi
Mẹ, ngay từ khi được hoài thai trong lòng thai mẫu, sau đó, do bởi "đức
tin tuân phục" (Roma 1:5) của Mẹ đã chẳng những tăng lên cho
tới mức độ Mẹ đã có thể chất chứa được chính Vị Thiên Chúa vô cùng
cao cả, Đấng cả vũ trụ bao la hầu như vô cùng bất tận này cũng không
thể nào có thể trở thành nơi cho Ngài ngự, lại đến ở ngay nơi thân
xác thấp hèn và mềm yếu của Mẹ là một thiếu nữ vô danh tiểu tốt
trong biến cố Truyền Tin, mà còn tăng lên cho tới tột độ khi Mẹ đứng
bên thập giá của Chúa Kitô Con Mẹ trên Đồi Canvê (xem Gioan 19:25),
thời điểm phải nói là Mẹ đã trở nên "rực rỡ như mặt trời"
(Diễm Tình Ca 6:10).
Nếu Chúa Giêsu Kitô là Vị Thiên Chúa hóa thân làm người vô cùng nhân
hậu, là tất cả mạc khải thần linh về Lòng Thương Xót Chúa, một Lòng
Thương Xót Chúa đã tỏ hết mình ra nơi cuộc khổ nạn và tử giá của
Người, thì Mẹ Maria Đồng Công Cứu Chuộc "rực rỡ như mặt trời"
trên Đồi Canve thật sự là Vị Thánh Mẫu Thương Xót.
Ở chỗ trái tim của Mẹ, tấm lòng của Mẹ quả thực đã chất ngất đớn đau
chưa từng thấy trong cả cuộc đời trần thế của Mẹ bởi lưỡi gươm đâm
thâu (xem Luca 2:35), khi Mẹ chứng dự vào cuộc khổ nạn và tử giá của
Con Mẹ và với Con Mẹ, nhất là lúc thi thể vô hồn của Con Mẹ bị lưỡi
đóng đâm vào khiến "máu và nước chảy ra" (Gioan 19:34),
không phải chỉ vì Mẹ quá thương Con Mẹ là Vị Thiên Chúa làm người vô
cùng đau khổ bấy giờ mà còn thương loài người vô cùng hèn hạ khốn
nạn tội lỗi bằng chính Lòng Thương Xót của một Vị Thiên Chúa đã chết
không còn biết và không còn có thể động lòng thương được nữa ngoài
chính Trái Tim Người Mẹ của mình.
Bấy giờ Mẹ Maria chẳng những đau cái đau của Chúa, đau cái đau với
Chúa mà còn đau cái đau thay Chúa nữa. Nếu đối tượng của Lòng Thương
Xót - Mesiricordia Chúa là Nỗi Khốn Cùng - Misera của con người hay
là chính con người (bao gồm cả tội lỗi họ vấp phạm lẫn hậu quả của
tội lỗi là đau khổ và chết chóc họ phải chịu) thì tất cả mọi tội lỗi
và khổ đau của con người, gọi chung là Nỗi Khốn Khổ ("Khốn" về phần
hồn sa ngã phạm tội và "Khổ" về phần xác phải chịu đau khổ và chết
đi) của họ đã được tan biến đi trong Lòng Thương Xót Chúa vô biên,
một Lòng Thương Xót đã được hoàn toàn tỏ hiện nơi Chúa Kitô Tử Giá
và chất chứa nơi Lòng Tin Tưởng Đầy Ơn Phúc của Mẹ Đồng Công Maria.
Nơi cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Giêsu Kitô Con của mình, Mẹ
Maria chẳng những không hề tỏ ra oán hận thành phần hành hạ, xỉ nhục
và sát hại Người Con duy nhất đáng vô cùng kính mến tôn thờ của Mẹ,
mà còn trái lại, thương cho họ, "vì họ lầm không biết việc họ
làm" (Luca 23:34). Tuy nhiên, thành phần dân Do Thái lẫn dân
ngoại Roma có lên án tử và sát hại Con của Mẹ chăng nữa, cũng chỉ vì
tội lỗi của chung loài người, bằng không, Con Thiên Chúa đâu có phải
chịu khổ và chịu chết một cách vô cùng đau đớn, nhục nhã và đáng
thương hơn cả tội nhân đáng thương như thế. Nhưng Mẹ cũng không oán
trách loài người, trái lại, càng như thế thì đối với Mẹ họ càng đáng
thương và cần được thương cho đến cùng, để có thể được cứu độ.
Tuy nhiên, cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ không
phải chỉ là một cuộc trả giá, là một việc cứu chuộc mà thôi, một
việc cần phải có để đền bù lại tội lỗi của loài người bằng cái chết
vô giá của Con Thiên Chúa, mà thực sự và chính yếu là một hành động
thần linh vô cùng khôn ngoan và toàn năng muốn tỏ tất cả Lòng Thương
Xót của mình ra nơi tất cả những gì là khốn khổ của loài người. Bởi
vậy, là Người Mẹ bất khả phân ly với Con Mẹ là Chúa Giêsu Kitô, Dung
Nhan của Lòng Thương Xót, Mẹ cũng cảm nghiệm được Lòng Thương Xót
Chúa hơn ai hết và đã loan truyền Lòng Thương Xót Chúa hơn bao giờ
hết khi đứng kề bên thập tự giá của Chúa Giêsu, bằng việc tái sinh
các linh hồn từ trong Lòng Thương Xót Chúa của Mẹ!
3- Mẹ Maria là Thánh Mẫu
Thương Xót - Ở chỗ Mẹ được đầy ân phúc để bù đắp ân phúc đã bị
mất đi bởi nguyên tội
Theo dự án
thần linh, Thiên Chúa dựng nên một tạo vật duy nhất "đầy ơn phúc" là
Mẹ Maria, đệ nhất tạo vật về ân sủng của Ngài, là để ban Mẹ cho loài
người là giòng dõi của Mẹ.
Thật vậy, nếu Thiên Chúa là Đấng toàn thiện và toàn mãn, khi tỏ mình
ra và thông mình ra, bằng tất cả thượng trí khôn ngoan và toàn năng
của mình, phải làm sao cho thấy tất cả những gì là toàn hảo và toàn
mỹ của mình, thì đó là lý do Ngài đã tạo dựng nên một tạo vật, tuy
không phải là Thiên Chúa như Ngài nhưng lại hoàn toàn
giống Ngài, tràn đầy tất cả những gì là toàn chân thiện mỹ
của Ngài dù không phải như Ngài. Tạo vật đó chính là
Mẹ Maria, một tạo vật duy nhất mang danh xưng "đầy ơn phúc"
(Luca 1:28), đúng như lời Sứ Thần Gabiên kính chào Mẹ mở đầu cho
Biến Cố Truyền Tin: "Kính mừng đầy ơn phúc", chứ không phải
"kính mừng Maria đầy ơn phúc" như trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn
đọc.
Danh xưng chính xác nhất về Mẹ Maria và xứng hợp nhất của Mẹ Maria
quả thực là "đầy ơn phúc", ở chỗ, trước hết và trên hết, Mẹ
đầy Thiên Chúa "là Đấng Có" (Xuất Hành 3:14), Đấng Tự Hữu,
Toàn Hữu và Hằng Hữu, Mẹ được "Chúa ở cùng" (Luca 1:28)
ngay từ khi hoài thai trong lòng thai mẫu, trong khi cả loài người
đang ở dưới quyền thống trị của Satan trong vương quốc của hắn,
trong đó bao hàm cả vị tổ phụ Abraham "là cha của tất cả các kẻ
tin" (xem Roma 4:16), cả Moisen được chọn làm vị giải phóng dân
tộc Do Thái khỏi cảnh làm tôi Ai Cập, cả Vua Đavít là tổ phụ của
chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, cả Vị hôn phu Giuse của Mẹ "là một
con người công chính" (Mathêu 1:19), cả Tiền Hô Gioan Tẩy Giả
của Con Mẹ là nhân vật "cao trọng nhất trong thành phần được phụ
nữ sinh ra" (xem Mathêu 11:11).
Mẹ Maria được "Chúa ở cùng" như thế có nghĩa là Mẹ có tất
cả những gì Thiên Chúa có, theo tầm vóc của loài người, có nghĩa là
Mẹ phải là một tuyệt phẩm tạo dựng của Thiên Chúa, đến độ có thể nói
Mẹ chính là chân dung thần linh của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đã
dựng nên loài người theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài (xem
Khởi Nguyên 1:26), ở chỗ: trước hết, là hình ảnh của Thiên Chúa, nên
loài người đã được Thiên Chúa tạo dựng nên từng người một cách đặc
thù, hoàn toàn không giống bất cứ một người nào từ tạo thiên lập địa
cho đến tận thế cho dù loài người có nhiều như sao trên trời như cát
dưới biển chăng nữa; sau nữa, loài người được dựng nên tương tự như
Thiên Chúa ở chỗ biết yêu thương và hiệp thông, như Thiên Chúa duy
nhất nhưng lại có 3 Ngôi và 3 Ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.
Tuy nhiên, hình ảnh thần linh nơi loài người đã bị méo mó khi con
người qua hai nguyên tổ của họ sa ngã phạm tội, vì hai con người đầu
tiên này đã có ước muốn cùng tác hành không "tương tự như Thiên
Chúa", nghĩa là không biết yêu thương và hiệp thông thực sự, mà
chỉ biết duy cái tôi vị kỷ đầy tham vọng của mình mà thôi. Và đó là
lý do ngay trong án phạt nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15), hình ảnh
một người nữ đã xuất hiện ở lời hứa cứu độ của Thiên Chúa, như thể
người nữ này đã được Thiên Chúa tiền định để chụp bắt cơ hội nguyên
tội chợt xẩy ra hết sức hiếm có ấy để dùng Mẹ là tạo vật tuyệt hảo
tuyệt mỹ của Ngài bù đắp lại tất cả những gì là khiếm khuyết và tội
lỗi của loài người là một tạo vật linh ư vạn vật nhưng tự bản chất
bất toàn không thể nào toàn hảo như chính Đấng tạo dựng nên mình,
(dù được Thiên Chúa dựng nên tốt đẹp), và vì bất toàn nên không thể
nào không xẩy ra khiếm khuyết và lỗi lầm sa phạm, nếu không liên lỉ
được "Chúa ở cùng" như nơi Mẹ Maria "đầy ơn phúc",
một tình trạng "đầy ơn phúc" mà chính Mẹ cũng phải liên lỉ
chẳng những gìn giữ cho khỏi vơi đi hay mất đi bởi tội lỗi mà còn
phải làm sao gia tăng theo từng tác động thần linh trong suốt cuộc
đời của Mẹ, bằng chính "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) của
Mẹ, một đức tin là yếu tố chủ quan nơi Mẹ để Mẹ nhờ đó mới "có
phúc vì đã tin" (Luca 1:45).
Đúng thế, theo dự án thần linh cứu độ của mình, nhất là theo khuynh
hướng thần linh của mình trong việc ban phát một cách nhưng không ("các
con đã lãnh nhận nhưng không cũng phải cho đi nhưng không" -
Mathêu 10:8), ban phát tất cả ("ban Con duy nhất của mình cho
thế gian" - Gioan 3:16), ban phát cho tới cùng ("chết cho
người mình yêu" - Gioan 15:13), nên tất cả những gì Thiên Chúa
ban phát cho ai thì chúng cần phải sinh hoa kết trái thế nào, bằng
việc chia sẻ hơn là giữ kỹ chẳng sinh lợi gì, một thứ nguyên vẹn bị
nguyền rủa và trừng phạt đời đời (xem Mathêu 25:24-30), Mẹ Maria
cũng thế, mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ là để bù đắp có tình
trạng "vô phúc" của loài người, một tình trạng "vô phúc" có
nghĩa đen là "không có phúc" hay "thiếu ơn phúc" hoặc "mất ơn phúc"
thậm chí "bất hạnh" (theo nghĩa đen cũng có nghĩa là "vô phúc").
Đó là lý do trong dụ ngôn về nén bạc được Thánh ký Mathêu thuật lại
ở đoạn 25, Chúa Giêsu đã đề cập đến một chi tiết là những gì Ngài
ban chẳng những cần phải được sinh lợi mà không được phung phí nữa,
nếu người này không sinh lợi thì để cho người khác sinh lợi thế bằng
chính vốn liếng nén bạc của họ: "Các ngươi hãy lấy của kẻ có 1
ngàn mà trao cho kẻ có 10 ngàn. Những ai đã có thì lại được ban thêm
cho càng dồi dào" (28-29). Nếu không thể nói chỉ vì loài người
mắc nguyên tội đã trở thành "vô phúc" mà Mẹ Maria mới được "đầy
ơn phúc", như thể Thiên Chúa đã lấy tất cả ơn phúc của loài
người mà ban cho một mình Mẹ, thì phải nói rằng Thiên Chúa ban cho
Mẹ được "đầy ơn phúc" là để bù đắp cho cái "vô phúc" của
con người.
Phải chăng Mẹ Maria đã ý thức được như vậy qua lời ở ca Vịnh Ngợi
Khen Magnificat của Mẹ: "Ngài đã trông đến phận thấp hèn tôi tớ
của Ngài mà từ nay muôn đời tất cả mọi thế hệ sẽ khen rằng tôi diễm
phúc" (Luca 1:48)? Chắc chắn một điều là vì Mẹ được "đầy ơn
phúc" nên Mẹ phải giống Thiên Chúa nhất, Đấng là Tình Yêu Thương Xót
chỉ muốn thông mình ra cho loài người tạo vật vô cùng khốn nạn của
mình thế nào thì Mẹ cũng tràn đầy Lòng Thương Xót của Ngài, với Ngài
và như Ngài trong việc chia sẻ tình trạng "đầy ơn phúc" của
Mẹ cho giòng dõi của mình như vậy. Tức Mẹ được thương xót thể nào
thì Mẹ cũng xót thương như thế, bắt chước Chúa Kitô Con Mẹ: "Cha
Thày yêu Thày thế nào Thày cũng yêu các con như vậy" (Gioan
15:9).
4- Mẹ Maria là Thánh Mẫu
Thương Xót - Ở chỗ Mẹ luôn tìm cách làm cho giờ Chúa đến vào ngay
những lúc hết rượu
Phúc
Âm đã cho chúng ta thấy hai trường hợp điển hình về ý thức của Mẹ liên
quan tới tình trạng "đầy ơn phúc" của Mẹ, đến nỗi khiến Mẹ cảm
thấy trách nhiệm khẩn thiết của Mẹ về tình trạng "đầy ơn phúc"
cần phải được chia sẻ này, theo đúng ý muốn của Đấng đã ban ơn phúc cho
Mẹ, đến độ đã thông chính bản thân của Ngài cho Mẹ là "Lời đã hóa
thành nhục thể" (Gioan 1:14) trong thân xác thấp hèn của Mẹ, cũng
như theo khuynh hướng ban phát của Đấng đã muốn đến với chung loài người
qua bản thân của Mẹ.
Trường hợp thứ nhất là việc Mẹ "vội vã lên đường" (Luca 1:39)
đến viếng thăm bà chị họ của Mẹ ở "một tỉnh thuộc đồi núi xứ Giuđêa"
(Luca 1:39) không phải để giúp đỡ bà theo tình nghĩa họ hàng tự nhiên về
máu mủ, cho bằng, vì Đấng toàn hữu đang thực sự hiện diện trong lòng của
Mẹ bằng chính huyết nhục của Mẹ, Đấng luôn muốn thông mình ra cho nhân
loại, ban mình cho loài người, Đấng muốn qua Mẹ "đầy ơn phúc",
nhất là lúc chính thân xác trinh nguyên của Mẹ vừa được cưu mang chính
Con Thiên Chúa "đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14) làm người,
để chia sẻ mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ cho cả hai mẹ con của vị
tiền hô Gioan Tẩy Giả. Đến độ, Mẹ vừa mở lời chào bà chị họ của Mẹ thì
thai nhi liền "nhẩy mừng trong lòng bà, làm Bà Isave tràn đầy Thánh
Linh" (Luca 1:41), như chính bà Isave thú nhận: "khi chị vừa
nghe lời em chào thì con trong lòng chị nhẩy mừng" (Luca 1:44).
Trường hợp thứ hai là việc Mẹ hiện diện ở tiệc cưới Cana, một hiện diện
hiếm có đối với một con người thích ẩn dật và khiêm tốn như Mẹ, nhất là
ở những bữa tiệc tùng sang trọng như thế. Dường như chỉ vì có cả sự hiện
diện của Con Mẹ cùng với các môn đệ nồng cốt đầu tiên của Người mà Mẹ đã
không thể nào không tới, một hành động kề cận của Mẹ bên Chúa như báo
trước việc Mẹ kề cận bên thập giá Con Mẹ sau này (xem Gioan 19:25), một
kề cận liên quan đến một sự kiện tối quan trọng hơn sự kiện nước lã hóa
thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana này, một sự kiện nước lã hóa thành rượu
ngon như thể ám chỉ đến một cuộc biến đổi thần linh trên Đồi Canve sau
này, cuộc biến đổi dấm chua, (một chất dung dịch ám chỉ niềm đớn đau
chua chát của cả Chúa Kitô lẫn Mẹ của Người phải chịu trước tội lỗi của
chung loài người và riêng thành phần vô ơn bội nghĩa với ơn cứu chuộc vô
giá trong giòng thời gian), thành nguồn ơn cứu độ nơi "máu và nước
chảy ra" (Gioan 19:29-30,34) từ cạnh sườn của Chúa Kitô Tử Giá bị
lưỡi đòng đâm thâu.
Bởi thế, tuy phép lạ hóa nước lã thành rượu theo tự nhiên để cứu vãn
tình thế khó xử cho đôi tân hôn ở tiệc cưới Cana, về tính cách của nó,
có vẻ tầm thường không đáng kể và hình thức bề ngoài cho một nhu cầu tự
nhiên không cần thiết, nhưng lại quan trọng để báo trước mầu nhiệm cứu
độ, mầu nhiệm bữa tiệc Nước Trời được Thiên Chúa khoản đãi khách dự tiệc
bằng chính huyết nhục Con Ngài. Do đó, vai trò của Mẹ Maria ở bên Con Mẹ
trong tiệc cưới Cana cũng báo trước vai trò đồng công cứu chuộc của Mẹ
sau này, một vai trò bất khả thiếu, cho dù tự thân Con Mẹ vẫn có thể cứu
chuộc loài người. Thế nhưng, chính vì muốn được cứu độ con người cần
phải cộng tác với Thiên Chúa mà Mẹ Maria đã đại diện loài người hợp tác
với Ngài, với tư cách là một môi giới giữa Con Mẹ là tất cả mạc khải
thần linh của Thiên Chúa lúc nào cũng muốn tỏ mình ra và loài người khốn
khổ lúc nào cũng ở trong tình trạng hết rượu, thiếu rượu ân sủng thần
linh, thậm chí hết rượu và thiếu rượu mà họ cũng không biết hay không
công nhận hoặc coi thường nữa, như đã xẩy ra trong tiệc cưới Cana này
(xem Gioan 2:9).
Nếu Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria được "đầy ơn phúc" là để Mẹ
chia sẻ cho loài người, nhất là vào những lúc họ "hết rượu" ân
sủng thần linh, lúc họ đã mất ơn nghĩa với Chúa gây ra bởi nguyên tội,
thì việc Mẹ can thiệp vào biến cố ở tiệc cưới Cana đã cho thấy Mẹ ý thức
biết bao về trách nhiệm của một con người "đầy ơn phúc" như Mẹ.
Trước hết, Mẹ đã tự động biết được tình trạng "vô phúc" bất hạnh bấy giờ
ở tiệc cưới Cana và đã chủ động ra tay cứu giúp, chứ chính Mẹ không cần
phải có ai nhắc bảo Mẹ hay van xin Mẹ, bởi chẳng có ai biết Mẹ quyền thế
trước mặt Con Mẹ mà làm điều ấy. Như thể Mẹ "đầy ơn phúc" luôn
tìm cách để tràn ra, để chia sẻ, như "Thiên Chúa là ánh sáng"
(1Gioan 1:5) luôn soi sáng vậy.
Sau nữa, Mẹ đã đến với Con của Mẹ trước, không phải để xin Con Mẹ hãy ra
tay cứu giúp đôi tân hôn và chủ tiệc, cho bằng báo cho Con Mẹ biết rằng
Người đang có một cơ hội hết sức thuận lợi để Người có thể tỏ mình ra
cho các môn đệ của Người thấy mà tin vào Người: "Họ hết rượu rồi"
(Gioan 2:3,11).
Sau đó Mẹ đã biết Mẹ cần phải làm một việc bất khả thiếu nữa đó là dọn
đường cho Con Mẹ để Con Mẹ có thể dễ dàng và mau chóng tỏ mình ra như
Người mong muốn, dù chưa tới giờ cứu độ cuối cùng của Người, đó là việc
Mẹ đến thẳng với nhóm phục tiệc để bảo họ "hãy làm theo những gì
Người bảo" (Gioan 2:5).
GIÁO HỘI - CHỨNG NHÂN THƯƠNG XÓT
1- Giáo Hội là Chứng Nhân Thương
Xót - Vì Giáo Hội được sinh ra từ
cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô Tử Giá
Nếu tột đỉnh của tất cả LTXC là ở nơi
Chúa Kitô Tử Giá, và nếu "Người đã yêu thương những kẻ thuộc về Người
thì Người chứng tỏ Người đã yêu thương họ cho tới cùng" (Gioan 13:1), ở
chỗ chẳng những "vì họ mà Con tự hiến" (Gioan 17:19), "chết cho người
mình yêu" (Gioan 15:13), mà còn ở chỗ không còn yêu hơn đươc nữa, không
còn gì để cho ngoài những giọt "máu và nước chảy ra" (Gioan 19:34) cuối
cùng từ thi thể bất động trên thập tự giá của mình, thì, như Eva xuất
phát từ cạnh sườn của Adong đang thiếp ngủ say thế nào (xem Khởi Nguyên
2:21), Giáo
Hội cũng được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô Tử Giá, mà
Giáo Hội chính là và phải là Chứng
Nhân Thương Xót.
"Máu và nước" tuôn ra (nhìn bề ngoài) từ cạnh sườn của Chúa Kitô đã
chết, hoàn toàn bất động, đúng hơn từ chính trái tim ở bên trong thi thể
của Chúa Giêsu chất chứa một số ý nghĩa tiêu biểu như sau:
Trước hết, là biểu hiệu cho chính Cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc vượt
qua từ sự chết / Tử Giá (qua hình ảnh "máu" - tia sáng đỏ trong tấm Ảnh
LTXC) đến sự sống / Phục Sinh (qua hình ảnh "nước" - tia sáng trắng
trong tấm Ảnh LTXC).
Sau nữa, là biểu hiệu cho chính Chúa Kitô "là sự sống lại ("máu" cứu độ)
và là sự sống ("nước" tái sinh)" (Gioan 11:25), "Vị mục tử nhân
lành đến cho chiên được sự sống ("máu" sinh lực) và là sự sống viên mãn
hơn ("nước" Thánh Linh)" (Gioan 10:10).
Sau hết, là biểu hiệu cho các Bí Tích Thánh chính yếu liên quan đến sự
sống thần linh, đặc biệt là 3 Bí Tích Nhập Môn Kitô giáo, đó là Bí Tích
Thanh Tẩy ("máu" hy sinh đền tội) là Bí Tích làm Kitô hữu được "sự sống
lại", Bí Tích Thánh Thể ("nước" thần lực trường sinh - Gioan 4:13; 6:35)
là Bí Tích làm cho Kitô hữu được "sự sống", và Bí Tích Thêm Sức ("nước"
Thánh Linh - Gioan 7:37-39) là Bí Tích làm cho Kitô hữu được "sống viên
mãn hơn" để nhờ đó họ có thể làm chứng cho Chúa Kitô cùng với Chúa Thánh
Thần và bởi Chúa Thánh Thần (xem Gioan 16:26-27; Luca 14:48-49).
Nếu "máu và nước" tiêu biểu và án chỉ các Bí Tích ban cứu độ, thì được
xuất phát từ cạnh sườn của Chúa Kitô Tử Giá, Giáo Hội cũng chính là Bí
Tích Cứu Độ, tức là dấu chỉ và là phương tiện của LTXC trong việc truyền
đạt sự sống thần linh cho những ai tin vào Chúa Kitô nhờ chứng từ của
Giáo Hội được tỏ hiện qua các cành nho sinh hoa trái của Giáo Hội.
Giáo Hội là chứng nhân thương xót ở đây, ở chỗ được hạ sinh từ cạnh sườn
của Chúa Kitô Tử Giá, liên quan đến vai trò thừa tác của Giáo Hội trong
việc thông ban sự sống thần linh của Chúa Kitô cho "những ai chấp
nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan
1:12) bởi Giáo Hội nói chung và các thừa tác viên thánh chức đại diện
Giáo Hội nói riêng.
Giáo Hội là chứng nhân thương xót ở đây nhờ được hạ sinh từ cạnh sườn
của Chúa Kitô Tử Giá cũng liên quan đến vai trò làm Mẹ của Giáo Hội nữa,
ở chỗ Giáo Hội tỏ ra quan tâm và chăm sóc cho từng đứa con của mình,
thành phần do chính Giáo Hội hạ sinh nơi Bí Tích Thánh Tẩy, nuôi dưỡng
bằng Bí Tích Thánh Thể, dạy dỗ bằng giáo dục huấn quyền, tăng trưởng
bằng Bí Tích Thêm Sức, tha thứ bằng Bí Tích Hòa Giải, ban quyền bằng Bí
Tích Truyền Chức, kiên cường bằng Bí Tích Xức Dầu Thánh và chúc phúc
bằng Bí Tích Hôn Phối.
Giáo Hội là chứng nhân thương xót vì được hạ sinh từ cạnh sườn của Chúa
Kitô Tử Giá ở đây còn liên quan đến chính Mầu Nhiệm Giáo Hội là Nhiệm
Thể của Chúa Kitô, một hiệp thông thần linh giữa các phần thể thuộc một
thân thể Chúa Kitô duy nhất, như chính Chúa Kitô mong muốn và đã cầu
nguyện cùng Cha để nhờ đó Người được thế gian nhận biết mà được sự sống:
"Con sống trong họ, Cha sống trong Con để sự hiệp nhất của họ được
trọn vẹn. Nhờ đó thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con và Cha yêu
thương họ như Cha đã yêu thương Con" (Gioan 17:23).
Giáo Hội là chứng nhân thương xót nhờ xuất phát từ cạnh sườn của Chúa
Kitô Tử Giá ở đây liên quan đến cả sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội "duy
nhất" nữa. Một Giáo Hội chia rẽ, không yêu thương nhau thì làm sao có
thể làm chứng cho Chúa Kitô, trái lại, một Giáo Hội hiệp nhất là một
Giáo Hội chẳng những "duy nhất" mà còn là một Giáo Hội "thánh thiện"
nữa, một tình trạng "duy nhất" và "thánh thiện" được tỏa ra tỏ tường nơi
đức ái trọn hảo của Giáo Hội mang tính chất "tông truyền" của một "đức
tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6), nhờ đó Giáo Hội có thể tạo nên
một tác dụng "công giáo" mãnh liệt nơi chứng từ yêu thương của mình: "tất
cả mọi người cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ của Thày đó là các
con yêu thương nhau" (Gioan 13:35).
2- Giáo
Hội là Chứng Nhân Thương Xót - Vì Giáo Hội đã được chứng dự vào chính cuộc
Vượt Qua của Chúa Kitô
Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập trên nền
tảng "Đá" là "Phêrô" nói riêng (xem Mathêu 16:18) và các tông đồ nói
chung (xem Mathêu 18:18; Epheso 2:20). Thế nhưng, để các Nhóm 12 Tông Đồ
này trở thành nền tảng của Giáo Hội nhờ đức tin tông truyền của các vị,
các vị cần phải được chính Chúa Kitô "tăng thêm đức tin" cho
các vị (Luca 17:5), có thế các vị mới có thể và xứng đáng trở nên thành
chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô và cho Chúa Kitô, Đấng mà các vị được
Người tuyển chọn ở với Người để sai các vị đi (xem Marco 6:7), sau khi
các vị đã đích thân chứng kiến thấy tất cả thực tại thần linh nơi Người
bằng chính mắt của các vị, tai của các vị và tay của các vị (xem 1Gioan
1:1-3), và đã tuyên xưng đúng "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) về
Người: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu
16:16).
Bởi vậy, trong suốt thời gian được ở với Chúa Giêsu Kitô ngay
"từ ban
đầu" (Gioan 15:27), "từ phép rửa của Gioan cho tới ngày Người được cất khỏi chúng
ta" (Tông Vụ 1:22), các tông đồ được Chúa Kitô đích thân tỏ mình ra
cho các vị một cách trực tiếp (qua các bài giảng hay huấn dụ hoặc hành
vi cử chỉ của Người liên quan đến riêng cùng các vị), hay gián tiếp qua
những giao tiếp của Người (bằng lời nói, việc làm và phản ứng) với thành
phần dân chúng cũng như với thành phần thông luật và lãnh đạo trong dân.
Cốt lõi của những gì Người muốn tỏ ra cho các tông đồ biết đó là thực
tại thần linh về Người, một mầu nhiệm mà các vị không thể nào cảm nghiệm
được và nắm bắt được bằng việc tiếp xúc tự nhiên với Người hay bằng suy
luận của tâm trí của các vị. Thực tại thần linh về Người đó là những gì
không thể nào nhận ra nếu không có đức tin, đó là căn tính về Người, như
chính tông đồ Phêrô đại diên chung tông đồ đoàn đã công khai tuyên xưng
rất chính xác khi được Người hỏi: "Phần các con cho Thày là ai?":
"Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16),
một lời tuyên xưng hoàn toàn chính xác nhưng không xuất phát từ con
người mà từ trời: "Không phải con người thuần túy tỏ cho con điều
này mà là Cha của Thày trên trời" (Mathêu 16:17).
Chính vì lời tuyên xưng đức tin chính xác này của tông đồ Phêrô
"không phải con người thuần túy tỏ cho con điều này mà là Cha của Thày
trên trời" mà ngay sau đó tông đồ Phêrô đã cho thấy ngay cái cảm
nghiệm đức tin hay ý niệm đức tin của mình (có tính cách chủ quan) hoàn
toàn khác hẳn với thực tại đức tin hay chân lý đức tin (có tính cách
khách quan), thậm chí còn rất ư là trái ngược với thực tại đức tin nữa,
khi ngài thân tình quí mến Thày can gián Thày sau khi nghe Thày lần đầu
tiên tiết lộ về Bí Mật Vượt Qua của Người rằng: "Người phải lên
Giêrusalem và chịu nhiều đau khổ ở đó trong tay thành phần kỳ lão,
trưởng tế và luật sĩ, rồi bị giết chết, và sẽ sống lại vào ngày thứ ba"
(Mathêu 16:21).
Sở dĩ vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập và cắt
đặt trở thành một "Satan" trước mặt Chúa Kitô bấy giờ, đáng bị Người xua
đuổi, bị Người quở trách thậm tệ chưa từng thấy, hơn bất cứ một vị tông
đồ nào, là vì tông đồ Phêrô này đã phạm đến một trọng tội làm méo mó
chân dung và căn tính của Người là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống", một thực tại đức tin đúng như ngài đã tuyên xưng chính xác
mới trước đó một chút. Và sở dĩ vị lãnh đạo tông đồ đoàn là Phêrô chủ
chốt này vấp phạm một lỗi lầm theo khách quan không thể tha thứ này chỉ
vì "ngươi xét đoán không theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa mà theo loài
người" (Mathêu 16:23).
Đúng thế, tông đồ Phêrô đã "xét đoán không theo tiêu chuẩn của Thiên
Chúa mà theo loài người" ở chỗ, theo ngài, đã là "Đức Kitô Con
Thiên Chúa hằng sống" thì không thể nào lại có thể bị loài người
làm chủ và sát hại như thế. Tuy phán đoàn này đúng theo lý lẽ và lập
luận của loài người nhưng lại không đúng với những gì Thiên Chúa vô cùng
khôn ngoan phán quyết, ở chỗ, "một người chết thay cho nhiều người"
(Gioan 11:50; Mathêu 20:28), và "không một ai trên trời hay dưới đất
hoặc trong lòng đất xứng đáng" (Khải Huyền 5:3), về cả tư cách lẫn
khả năng, để chết cho nhiều người, nhờ đó cái chết của họ có một tác
dụng thần linh là cứu độ tất cả mọi người trên trần gian này, ngoài
chính "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", "Con Chiên bị
sát tế" (xem Khải Huyền 5:5). Mà cái chết này không phải là một cái
chết êm ái dịu dàng, cái chết tốt lành của một lãnh tụ được dân quí mến
và thương tiếc, trái lại, là một cái chết vô cùng đớn đau và nhục nhã,
của một tên đại tội phạm, bị đóng đanh giữa hai tên tử tội trộm cướp,
hoàn toàn bất xứng với thân phận của "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống".
Chính vì là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", một Vị Thiên
Chúa là Tình Yêu Thương Xót, đến độ "yêu thế gian đến nỗi đã ban Con
Một của Ngài" (Gioan 3:16), thậm chí "đã không dung tha cho Con
của Ngài, một đã phó nộp Người" (Roma 8:32), mà Con Một của Ngài
mới cần phải làm sao có thể thực sự là Dung Nhan Thương Xót
(Misericordiae Vultus - nhan đề của Tông Sắc Năm Thánh Thương Xót của
ĐTC Phanxicô), thành hiện thân sống động của LTXC, cho tới độ Người đã
trở thành đáng thương chính tội nhân đáng thương, cho đến độ Cha không
nhận ra chính dung nhân của mình nữa, trước tiếng kêu vô cùng thống
thiết của Con Ngài trên thập tự giá: "Chúa Trời tôi ơi, Chúa Trời
tôi ơi, nhân sao Ngài lại bỏ rơi tôi" (Mathêu 27:46).
Bởi vậy, các tông đồ làm chứng cho Chúa Kitô chính là làm chứng cho
LTXC, chứ không phải chỉ làm chứng về một sự kiện vừa thần linh vừa lịch
sử đó là sự kiện nhân vật Giêsu Nazarét "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa
hằng sống" đã thật sự Vượt Qua từ sự chết đến sự sống. Đó là lý do
Chúa Kitô Phục Sinh đã phán cùng các tông đồ đang lo sợ ẩn mình trong
căn nhà khóa kín sau cuộc khổ nạn và tử giá của Người, rằng: "Các
con là chứng nhân về điều ấy" (Luca 24:48), không phải chỉ về những
diễn tiến nơi Cuộc Vượt Qua của Người mà nhất là và chính yếu là về
LTXC, căn nguyên thúc đẩy Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót đã sai Con
Ngài và cống hiến Con Ngài cho phần rỗi của nhân loại chỉ là tạo vật vô
cùng thấp hèn và khốn nạn của Ngài.
3- Giáo Hội là Chứng Nhân Thương
Xót - Ở chỗ Giáo Hội được Chúa Kitô phục sinh ủy thác
cho thừa tác vụ tha thứ
Giáo Hội, qua
thành phần chứng nhân tiên khởi là các tông đồ, được chứng dự vào chính
cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô như thế mà, Giáo Hội, cũng qua các ngài,
được Chúa Kitô Phục Sinh trao ban quyền tha tội của Người khi thông ban
Thánh Linh của Người cho các tông đồ: "Các con hãy nhận lấy Thánh
Linh. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; các con cầm tội
ai thì tội của người ấy bị cầm lại" (Gioan 20:22-23).
Chính khi Giáo Hội đóng vai thừa tác viên
thương xót bằng việc tha tội cho con người Kitô hữu
theo năng quyền Chúa ban là Giáo Hội đồng thời cũng thực hiện việc "nhân
danh Thày rao giảng cho tất cả mọi dân nước lòng thống hối để được ơn
tha tội" (Luca 24:47). Bởi thế, nếu việc ban bí tích hòa giải là
một cách rao giảng về LTXC để tội nhân thống hối lãnh nhận ơn tha thứ
thì các vị thừa tác viên, theo Vị Giáo Hoàng Thương Xót Phanxicô, chẳng
những không được sử dụng tòa giải tội để tra tấn tội nhân, trái lại, vì
ý thức sâu xa chính bản thân mình cũng là tội nhân như ai, các vị phải
thương cảm tội nhân hơn ai hết và vì thế mà dịu dàng với tội nhân để họ
dễ dàng trở về với LTXC, hơn là hoảng sợ không dám trở lại tòa LTXC là
tòa giải tội nữa.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây không phải là "tha tội" mà là "cầm
tội". Thật vậy, nếu Giáo Hội là thừa tác viên thương xót bằng năng quyền
tha tội được ủy nhiệm thay mặt Chúa Kitô của mình để rao giảng lòng
thống hối cho con người được ơn tha tội, thì tại sao lại còn có vấn đề
"cầm tội" của người ta, của tội nhân, nhất là khi họ thành tâm thống hối
ăn năn muốn được thứ tha, tức là như thế thì vẫn còn có một số tội nào
đó Giáo Hội không thể nào tha được theo bản chất tội phạm, hơn là không
được tha theo thẩm quyền tha tội của mình?
Thật ra LTXC bao la bất tận không một tội
nào mà không thể tha, cho dù là tội tầy trời chăng nữa, cho dù nhiều tội
mấy chăng nữa. Tất cả đều đã được tha thứ nơi Chúa Giêsu Kitô Vượt Qua
và bởi Người, cho dù là những tội kinh tởm khủng khiếp nhất ấy chưa kịp
phạm hay chưa phạm bởi chúng ta là kẻ đang sống hoặc bởi những con người
chưa sinh vào trần gian cho đến tận thế. Công nghiệp của Chúa Kitô, vì
là Thiên Chúa, nên có giá trị vô cùng, chẳng những có thể cứu được
nguyên thế gian tội lỗi của chúng ta đây, từ tạo thiên lập địa cho đến
tận thế, mà còn cứu được cả muôn muôn ức triệu thế giới tội lỗi khác
nữa. Bởi thế, tội lỗi, cả về phẩm lẫn về lượng, có thể vượt ra ngoài
LTXC vô cùng bất tận.
Tiếc thay, vô cùng tiếc thay, đến nỗi
có lẽ vì thế mà Chúa Giêsu đã khóc 2 lần (xem Gioan 11:35; Luca 19:41), chỉ có một tội duy nhất không thể thứ tha và không
được tha
thứ, đó chính là thứ "tội bị cầm lại". Thậm chí chính Giáo Hội nắm chia
khóa đóng mở trong tay (xem Mathêu 16:18) cũng không thể
nào tha thứ được, không phải vì Giáo Hội không tha được mà chính vì tội ấy
không được tha. Đó là tội phạm đến Thánh Linh là chính thâm cung thương xót,
hay là
chính Lòng (thâm cung) Thương Xót Chúa, một thứ tội hoàn toàn và dứt
khoát không chấp nhận LTXC, nên "không thể được tha thứ cả
ở đời này lẫn đời sau" (Mathêu 12:32). Bởi vì tội phạm đến Thánh
Linh này là tội ngang nhiên chối bỏ (deny) chính Thiên Chúa, chối bỏ
(deny) chính yếu tính LÀ Thiên Chúa và căn tính LÀM Thiên Chúa: "Nếu chúng ta chối bỏ
(deny) Ngài thì
Ngài cũng chối bỏ (deny) chúng ta. Nếu chúng ta bất trung (unfaithful) thì Ngài vẫn trung
thành (faithful), vì Ngài không thể chối bỏ (deny) chính mình Ngài" (2Timotheu 2:12).
Thật vậy, bởi Thánh Linh là Thâm Cung Thương Xót, hay là chính Lòng
Thương Xót Chúa, mà Thiên Chúa đã vô cùng khôn ngoan và toàn năng trong
việc cứu độ loài người tạo vật vô cùng thấp hèn và tội lỗi, bằng việc
ban tặng và thí mạng chính Con Một Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô cho
loài người vô cùng khốn nạn bất xứng, bằng một tình yêu thương xót hoàn
toàn nhưng không, một tình yêu tuyệt hảo, một tình yêu vô đối, một tình
yêu vô cùng bất tận, đến độ Ngài không còn cách nào, dù điên khùng ngu
xuẩn đến mấy, yêu thương họ hơn được nữa, ngoài cái giá phải trả cho tội
lỗi khủng khiếp của họ để nhờ đó họ được tái sinh và hiệp thông thần
linh với Ngài, một cái giá quá cao đó là một Thiên Chúa Làm Người là Đức
Giêsu KitôTử Giá!
Đối với riêng Giáo Hội, Thánh Linh được ban cho chung loài người và được
sai đến cho riêng Giáo Hội Chúa Kitô sau biến cố Thăng Thiên về trời của
Chúa Giêsu, là để "dẫn các con vào tất cả sự thật" (Gioan
16:13), ở chỗ giúp cho Giáo Hội càng ngày càng hiện thực đức tin của
mình trong việc "nhận biết Cha là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất
và Đấng Cha sai là Giêsu Kitô" (Gioan 17:3), bằng cách "Ngài sẽ
lấy từ Thày những gì Ngài sẽ truyền đạt cho các con" (Gioan 16:14),
nghĩa là Ngài làm cho Giáo Hội nên giống Chúa Kitô, nên một với Chúa
Kitô, nhờ đó Giáo Hội mới có thể cùng với Ngài và nhờ Ngài mà làm chứng
cho Chúa Kitô: "Khi Đấng An Ủi đến, là Thần Chân Lý đến từ Cha cũng
là Đấng chính Thày sai đến từ Cha, Ngài sẽ làm chứng cho Thày. Các con
cũng phải làm chứng nữa..." (Gioan 15:26-27).
Đối với chung nhân loại, bởi Thánh Thần là thâm cung Thương Xót, là
chính Lòng Thương Xót Chúa mà Nhiệm Thể Chúa Kitô có Chúa Kitô là Đầu và
Thánh Linh là Hồn Sống, Giáo Hội thực sự đúng là Chứng Nhân Thương Xót,
ở chỗ, Giáo Hội chẳng những thi hành thừa tác vụ tha thứ của mình trong
nội bộ con cái của Giáo Hội, mà còn bằng thừa tác vụ tông đồ truyền giáo
"cho muôn dân - ad gentes" nữa (xem Mathêu 28:19), để "nhân
danh Người (Chúa Giêsu Kitô) rao giảng lòng thống hối để được ơn tha thứ"
(Luca 24:47) cho họ, trước hết bằng Bí Tích Thanh Tẩy.
Bằng chứng từ Thương Xót của Giáo Hội nơi các phần thể của Giáo Hội trên
khắp thế giới, trong việc phục vụ bác ái xã hội về mọi lãnh vực như giáo
dục về tinh thần, sức khỏe về thể xác, nhân quyền về phẩm giá v.v., như
các dòng tu nam nữ vẫn thực hiện trong giòng lịch sử Giáo Hội, Chúa
Thánh Thần liên tục "chứng minh cho thế gian thấy họ sai lầm về tội
lỗi, về công lý và về luận phạt" (Gioan 16:8), những gì đã được
chính Chúa Giêsu dường như đã viết xuống trên đất trong trường hợp Người
tỏ LTXC với cả người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình lẫn
thành phần tố cáo chị (xem Gioan 8:1-11).
Bởi thế, một khi Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót, qua Chúa Giêsu Kitô,
vị Thiên Chúa Nhập Thể Vượt Qua, đã yêu loài người vô cùng thấp hèn,
khốn nạn và tội lỗi đến cùng, không thể nào yêu họ hơn được nữa, và đồng
thời Ngài cũng, nhờ Thánh Thần là Thâm Cung Thương Xót, Đấng từ cả Cha
và Con mà đến, tìm hết cách để giúp con người vô cùng yếu hèn mù quáng
nhận biết tình yêu thương xót của Ngài, mà con người vẫn không nhất định
không chấp nhận, vẫn cứ chối bỏ LTXC cho tới cùng, thì linh hồn vô cùng
vô phúc ấy chỉ còn đời đời "khóc lóc và nghiến răng" (Mathêu
13:42; 22:13): "khóc lóc" vì vô cùng đau khổ cùng đời đời khổ
đau, và "nghiến răng" vì hối hận cũng đã lỡ mất rồi không còn
kịp nữa, không còn cơ hội để được cứu độ nữa như khi còn sống trên trần
gian, và vì thế, vì "muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết
chân lý" (1Timotheu 2:5) mà Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu Kitô, Vị
Thiên Chúa đã hóa thân Làm Người, đã đổ mồ hôi máu nhỏ xuống đất (xem
Luca 22:44)!
4- Giáo Hội là
Chứng Nhân Thương Xót - Ở chỗ Giáo
Hội được thông phần khổ nạn như Chúa
Kitô trên thế gian này
Giáo Hội là chứng nhân thương xót không phải chỉ ở chỗ thi hành thừa tác
vụ tha thứ theo năng quyền Chúa ban cho Giáo Hội liên quan đến tội lỗi
của riêng nội bộ con cái trong Giáo Hội (đặc biệt bằng Bí Tích Hòa Giải)
cũng như của chung loài người (đặc biệt bằng Bí Tích Rửa
Tội), mà còn ở chỗ được thông phần vào Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô trong
giòng lịch sử của Giáo Hội nữa.
Thật vậy, nếu "đầy tớ không hơn chủ nhân và sứ giả không hơn vị sai
phái" (Gioan 13:16), thì Giáo Hội không thể nào thoát được thân
phận khổ nạn và tử giá như Chúa Kitô và với Chúa Kitô: "Nếu các con
thấy thế gian thù ghét các con thì các con hãy biết rằng họ đã ghét Thày
trước các con rồi. Nếu các con thuộc về thế gian thì thế gian ưu ái các
con như của riêng nó; sở dĩ thế gian thù ghét các con là vì các con
không thuộc về thế gian. Nhưng Thày đã chọn các con ra khỏi thế gian.
Các con hãy nhớ những gì Thày đã nói với các con, đó là tôi tớ không hơn
chủ nhân. Họ sẽ gây khốn đốn cho các con như họ đã gây khốn đốn cho
Thày.... Vì Thày mà họ làm cho các con tất cả những điều ấy, vì họ không
biết gì về Đấng đã sai Thày" (Gioan 15:18-21).
Nhưng cũng chính trong cuộc khổ nạn và tử giá bởi thế gian như thế mới
chứng tỏ Giáo Hội thật sự thuộc về Chúa Kitô và hoàn toàn sống ngược với
thế gian, chứ không hùa theo thế gian và bị thế gian đồng hóa. "Lời
đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14): Lời nhập thể chứ không biến
thể, tuy "Người nên giống chúng ta mọi đàng" (Do Thái 2:17): "Chúng
ta có Đấng bị cám dỗ mọi đàng như chúng ta mà không phạm tội" (Do
Thái 4:15).
Và cũng chính nhờ bị thế gian thù ghét, bắt bớ và sát hại mà vẫn, qua vị
phó tế tử đạo tiên khởi Stephano, như Chúa Giêsu thương cảm tha thứ cho
kẻ làm khốn hại mình: "Xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc
họ làm" (Luca 23:34), mà Giáo Hội càng trở thành Chứng Nhân Thương
Xót tỏ tường hơn bao giờ hết và hơn ai hết, và như thế Giáo Hội tỏ ra "trọn
lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), đồng thời
Ngài cũng chính "là Đấng thương xót" (Luca 6:36).
Trong khi Giáo Hội là chứng nhân thương xót qua thừa tác vụ tha thứ chỉ
giới hạn vào thành phần có chức thánh thuộc hàng tư tế là các vị giám
mục và linh mục, thì vai trò chứng nhân thương xót của Giáo Hội còn có
thể hiện thực chẳng những qua các việc phục vụ bác ái xã hội của Kitô
hữu nói chung, bao gồm cả thành phần tín hữu giáo dân, và của các dòng
tu nam nữ nói riêng, mà còn qua các đau khổ thử thách của họ trải qua
trong đời sống gia đình hay xã hội hoặc Giáo Hội. Việc họ nhẫn nại chịu
đựng lẫn nhau, vui chịu bệnh nạn tật nguyền, sống an phận nghèo khổ,
quảng đại tha thứ cho những ai làm khốn hay làm hại mình v.v. không phải
là các chứng từ thương xót hùng hồn hay sao, và vì thế chẳng lẽ lại
không có tác dụng thần linh trong việc cứu độ các linh hồn cần đến LTXC
hay sao?
Trong cuộc Vượt Qua của mình nói chung và cuộc Khổ Nạn của Người nói
riêng, Chúa Kitô không phải chỉ bị thành phần dân Do Thái nói chung và
thành phần lãnh đạo của họ nói riêng, bao gồm cả các luật sĩ, kỳ lão và
trưởng tế, bắt giữ hạch tội, lên án tử giá, xỉ vả nhạo báng, cũng như bị
cả dân ngoại là quân Rôma bấy giờ luận tội và kết án tử giá theo ý muốn
của dân Do Thái, mà nhất là còn bị chính các vị tông đồ là thành phần
bạn hữu thân cận nhất của mình âm mưu phản bội bán đi sau khi Người được
xức dầu thơm ở Bêthania (xem Mathêu 26:14-16), bỏ rơi tẩu thoát khi
Người bị bắt giải đi trong Vườn Cây Dầu, và trắng trợn chối bỏ khi Người
đang bị hạch tội bởi Hội Đồng Đầu Mục Do Thái ở Dinh Caipha.
Giáo Hội cũng thế, cuộc khổ nạn của Giáo Hội như Chúa Giêsu và với Chúa
Giêsu của Giáo Hội cũng bao gồm cả những cái nhức nhối nhất và xót xa
nhất ở ngay trong lòng của Giáo Hội, ngay trong nội bộ của Giáo Hội, với
những chia rẽ công khai đầy gương mù: giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma với
Giáo Hội Chính Thống Đông Phương năm 1052, hay với phong trào Thệ Phản
Tin Lành khởi xướng từ vị linh mục Dòng Au-Quốc Tinh Luther năm 1517 ở
Đức quốc, hoặc với cuộc ly khai thành Giáo Hội Anh Giáo gây ra bởi Vua
Henry VII bên Anh quốc năm 1535. Chưa kể đến những bè rối cùng với các
lạc thueý6t gây lũng đoạn Giáo Hội từ thế kỷ thứ tư suốt mấy thế kỷ liền
sau đó.
Ngày nay, nỗi xót xa đau đớn trong lòng của Giáo Hội là ở chỗ Kitô hữu
khắp nơi nói chung, nhất là Tây phương nói riêng, bị tục hóa rất nhiều,
đến độ thế giới Tây phương Kitô giáo đã trở thành thế giới phản kitô qua
chủ nghĩa tương đối duy nhân bản, tôn sùng quyền làm người và giảiquyết
mọi sự theo chiều hướng thực dụng, bất chấp mọi luân thường đạo lý và
chân lý Thánh Kinh. Hậu quả của tình trạng bị tục hóa này là ơn gọi tu
trì và linh mục chẳng những trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết, mà còn
bao gồm cả biết bao nhiêu là những thứ cấp tiến quá trớn, hoàn toàn
ngược lại với thành phần cực đoan bảo thủ. Thậm chí còn bao gồm cả hiện
tượng linh mục lạm dụng tình dục vị thành niên, một hiện tượng bị bùng
ra từ TGP Boston tiểu bang Massachusetts Hoa Kỳ từ đầu năm 2002 tới nay.
Có thể nói chính Chúa Kitô vẫn còn tiếp tục chịu khổ nơi Giáo Hội và với
Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người để nhờ đó Người có thể tỏ LTXC cho chung
thế giới loài người và cho riêng nội bộ Giáo Hội, và nhờ đó Giáo Hội mới
có thể trở thành Chứng Nhân Thương Xót của Người và với Người.
KITÔ HỮU - TÔNG ĐỒ THƯƠNG XÓT
1- Kitô Hữu là Tông Đồ
Thương Xót - Vì đó là ơn gọi chính yếu bất khả châm chước cho những
ai là con
Thiên Chúa
Lý do trước
hết và trên hết buộc Kitô hữu phải là Tông Đồ Thương Xót bởi vì họ
là con Thiên Chúa, Đấng được Chúa Kitô kêu gọi họ "Các con hãy
thương xót như Cha của các con là Đấng thương xót" (Luca 6:36).
Như thế, nếu không biết thương xót như Cha của mình thì thành phần
đã lãnh nhận Phép Rửa để được trở nên con cái Thiên Chúa đã không
sống đúng với ơn gọi trọn lành như Cha trên trời của mình (xem
Mathêu 5:48).
Thật vậy, đã là con cái của Thiên Chúa thì phải có một bản tính hoàn
thiện và đời sống trọn lành mới thật sự là con cái của Ngài, và đời
sống trọn lành để tỏ hiện bản tính hoàn thiện của mình là con cái
Thiên Chúa đã được tóm gọn trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu
và đã được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở 3 đoạn 5-7, nhưng ở
trong Phúc Âm Thánh Luca ở đoạn 6 được gọi là Bài Giảng Mặt Bằng, vì
Chúa Giêsu và 12 tông đồ được Người tuyển chọn trên núi theo Người
xuống núi gặp gỡ dân chúng từ khắp nơi tuôn đến với Người ở một mặt
bằng (xem Luca 6:17).
Nội dung chính yếu của Bài Giảng Trên Núi cũng là Bài Giảng Mặt Bằng
này chẳng qua chỉ là giáo huấn của Chúa Kitô, Người Con đẹp lòng Cha
mọi bề (xem Mathêu 3:17) nên cần phải nghe theo lời Người (xem
Mathêu 17:5), vì Người là Con ruột của Thiên Chúa, Đấng biết Cha
mình là ai và muốn gì nên "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18)
cho chung loài người và cho riêng "những
ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa"
(Gioan 1:12).
Nếu Bài Giảng Trên Núi của Thánh ký Mathêu ám chỉ ơn gọi cao cả của
các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi, nền tảng cho một
Giáo Hội được Người thiết lập như là một "thành xây trên núi
không thể khuất được nữa" (Mathêu 5:14), ơn gọi "nên trọn
lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu
5:48), một ơn gọi cao cả, một ơn gọi siêu việt, thì Bài Giảng Mặt
Bằng của Thánh ký Luca ám chỉ ơn gọi liên quan đến nhân loại hơn là
với Thiên Chúa, ở chỗ "thương xót như Cha của các con là Đấng
thương xót" (Luca 6:36).
Như thế, có thể định nghĩa ơn gọi nên trọn lành như Cha trên trời là
Đấng trọn lành chính là ơn gọi thương xót như Cha là Đấng thương
xót. Nếu Thiên Chúa là Đấng trọn lành ở chỗ thương xót thì càng
thương xót càng trọn lành, vì thương xót chính là cốt lõi của bản
tính trọn lành, là đệ nhất ưu phẩm của Thiên Chúa, là chân dung của
Vị "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Gioan 4:8,16).
Chính vì thương xót là một ưu phẩm tối thượng của Thiên Chúa mà
chúng ta mới nói Lòng Thương Xót Chúa (LTXC) / the Mercy of God /
the Lord of Mercy, hơn là Lòng Chúa Thương Xót (không biết cụm từ
này phải dịch sang tiếng Anh như thế nào), vì Lòng Chúa Thương Xót,
theo cấu trúc của cụm từ 4 chữ được đặt theo kiểu Việt ngữ này, nhấn
mạnh đến hành động của Thiên Chúa, đến tác động thương xót và thương
xót trở thành tác động của Thiên Chúa hơn là ưu phẩm của Ngài.
Trong khi thực tế cho thấy bản chất hoặc tính chất hay phẩm chất là
những gì dính liền với bản vị và bản tính của một hữu thể, yếu tố có
trước và chi phối tác hành của hữu thể đó. Như thế, nếu nói rằng
Lòng Chúa Thương Xót thì ở một nghĩa nào đó, chúng ta đã vô tình hạ
giá ưu phẩm thương xót của Thiên Chúa xuống thành một tác động. Theo
ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, cho dù nói đến tác động
thương xót của Thiên Chúa, chữ thương xót vẫn không bao giờ trở
thành động từ mà luôn là danh từ (ám chỉ bản chất): "Lord, have
mercy on me" (Kinh Thương Xót trong phần thống hối đầu lễ của
Giáo Hội) hay là tĩnh từ (ám chỉ tính chất): "The Lord your God is
the merciful God" (Đệ Nhị Luật 4:31).
Theo thần học và tu đức Kitô giáo, một khi đã lãnh nhận Phép Rửa Tái
Sinh, Kitô hữu trở thành những đứa con thừa nhận của Thiên Chúa
trong Chúa Giêsu Kitô Con Một Ngài và nhờ Thánh Thần được Ngài ban
cho họ để ở trong họ. Mà đã là con cái thì phải có cùng một bản tính
với cha của mình, không phải một cách bẩm sinh như Chúa Giêsu Kitô
là Con Ruột của Chúa Cha "được sinh ra mà không phải được tạo
thành" như loài người tạo vật chúng ta, mà là được thông phần
hay được tham dự vào bản tính thần linh của Thiên Chúa mà thôi.
Một khi Kitô hữu nhờ Phép Rửa tái sinh đã được thông phần vào bản
tính thần linh của Thiên Chúa thì Kitô hữu đồng thời cũng sống sự
sống thần linh của Thiên Chúa, sống sự sống thần linh với Thiên Chúa
và sống sự sống thần linh như Thiên Chúa, một sự sống thần linh vô
cùng viên mãn và trọn lành đã được hoàn toàn tỏ hiện nơi bản thân và
cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Làm Người, và
là một sự sống thần linh tràn đầy Thánh Linh của Thiên Chúa, một sự
sống thần linh liên lỉ đáp ứng theo tác động của Thánh Linh như "gió
muốn thổi đâu thì thổi" (xem Gioan 3:8) ở mọi nơi, trong mọi
lúc và hết mọi sự.
Chính vì sự sống thần linh nơi Kitô hữu là một sự sống thần linh như
Chúa Kitô là Dung Nhan của Lòng Thương Xót - Miseridordiae Vultus đã
sống và theo Thánh Thần là Đấng được Chúa Kitô Phục Sinh thông sang
cho các tông đồ để các vị có thể tha tội lỗi cho con người (xem
Gioan 20:21-22) tác động như vậy mà Kitô hữu nhờ đó mới có thể "nên
trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" ở chỗ "thương
xót như Cha là Đấng thương xót".
2- Kitô Hữu là Tông Đồ
Thương Xót - Vì là một tội nhân vô cùng khốn nạn đã được
thương xót, tha thứ và cứu chuộc
Thế nhưng,
thực tế sống đạo phũ phàng cho thấy ơn gọi "các con hãy nên trọn
lành như Cha trên trời của các con là Đấng trọn lành" (Mathêu
5:48) là một lý tưởng bất khả đạt, thậm chí đối với con người vô
cùng thấp hèn yếu đuối khốn nạn dại khờ thì chỉ là một ảo tưởng, vô
vọng, và ơn gọi "các con hãy thương xót như Cha của các
con là Đấng thương xót" (Luca 6:36) cũng thế, đối với con người
vốn hướng hạ, vị kỷ và gian ác thì ơn gọi "thương xót như Cha"
này chỉ là những gì cuồng tín, ngu dại, điên khùng, nhu nhược, thua
thiệt v.v.
Thật thế, cho dù đã lãnh nhận Phép Rửa Tái Sinh để được tham phần
vào bản tính thần linh của Thiên Chúa và sống sự sống thần linh của
Thiên Chúa, với Thiên Chúa và như Thiên Chúa, Kitô hữu vẫn không thể
nào "nên trọn lành như Cha trên trời của mình là Đấng trọn lành"
bằng việc "thương xót như Cha thương xót". Bởi vì, Kitô hữu
vẫn còn nguyên mầm mống nguyên tội là đam mê nhục dục cùng
tính mê nết xấu và vẫn phải tiếp tục gánh chịu tất cả hậu quả phũ
phàng thảm thương của nguyên tội là đau khổ và chết đi, chưa kể còn
bị ma quỉ cám dỗ và thế gian mê hoặc.
Trước hết, theo bản tính tự nhiên vốn hướng hạ, là con người, Kitô
hữu vẫn tiếp tục và hằng liên lỉ tìm kiếm những gì là thoải mái dễ
chịu, không bao giờ chấp nhận những gì là khó chịu về thể lý và trái
ý về tâm lý, liên quan đến thân phận, hoàn cảnh và môi trường sống
của họ, trong đó bao gồm đặc biệt nhất là mối liên hệ về nhân sinh
với tha nhân. Và theo tâm lý tự nhiên vốn hướng nội, chỉ tìm kiếm
bản thân mình, sống vị kỷ, là con người, như bất cứ ai khác, Kitô
hữu chủ trương "ai là anh em tôi?" chứ không phải "tôi là anh em
họ!".
Nghĩa là, trong mối liên hệ nhân sinh về xã hội, bao gồm tất cả mọi
con người không phải là chính bản thân mình, tức bao gồm cả cha mẹ,
vợ chồng và con cái lẫn thân thuộc và thân hữu, Kitô hữu, theo
khuynh hướng tự nhiên, vẫn luôn "chọn bạn mà chơi", tức là chỉ chọn
những ai mình quen biết để ngồi đồng bàn với họ, những ai mình thích
họ hay họ thích mình để nói chuyện với họ, giúp đỡ họ, nể nang họ và
bênh vực họ, còn những ai Kitô hữu không hợp, hay họ không thích
Kitô hữu hay Kitô hữu không thích họ, vì bất cứ lý do nào, thì Kitô
hữu xa lánh họ, không thích trò truyện với họ, không dám đến gần họ,
như dân Do Thái với dân ngoại ngày xưa.
Bởi thế, đối với những ai xúc phạm đến Kitô hữu, làm hại họ, nói
hành nói xấu họ, chụp mũ họ, hiểu lầm họ, vu khống họ, thì họ khó
lòng mà tha thứ cho thành phần kẻ thù của họ ấy, trái lại, họ thậm
chí còn tìm cách trả đũa, ăn miếng trả miếng, mắt đền mắt, răng đền
răng, thậm chí kẻ thù của họ còn phải chịu khổ chịu thiệt chịu khốn
hơn họ nữa họ mới cảm thấy dễ chịu, họ mới cảm thấy vui "cho mày
chết", "đáng đời mày". Bởi thế, vấn đề "khi các con đến dâng của
lễ mà ngay khi đó chợt nhớ rằng có ai phạm đến các con thì các con
hãy bỏ của lễ lại đó mà về làm hòa với họ đã rồi hãy đến mà dâng lễ
vật" (Mathêu 5:23-24) đúng là những hành vi cử chỉ quái gở. Và
vấn đề "ai tát má này thì các con hãy chìa cả má kia nữa"
(Mathêu 5:39) thì lại càng là một thứ khùng điên không thể nào có
chuyện như thế trên đời này.
Chưa hết, với những Kitô hữu còn tiếp tục chiều hướng "chọn bạn mà
chơi" và thái độ "mắt đền mắt răng đền răng" như thế thì một khi họ
gặp những người anh em đồng đạo nào không đạo đức như họ hay không
đạo đức theo kiểu họ nghĩ, nhất là khi gặp những con người Kitô hữu
khác sống một cuộc đời bê bối, một cuộc đời buông thả, cờ bạc,
nghiện ngập, ngoại tình, gian tham, hống hách v.v. chưa kể đến ly dị
tái hôn hay đồng tính luyến ái v.v. thì chắc chắn sẽ trở thành đồ
nguyền rủa trước mắt họ, thậm chí bị họ khinh bỉ trong lòng, chửi
vào mặt, nói hành nói xấu và xa lánh thật xa v.v.
Trong khi đó, chính bản thân của những Kitô hữu này cũng chẳng tốt
lành gì, thậm chí có vẻ tốt lành đạo đức, đọc kinh đi lễ hằng ngày,
chay tịnh hằng tuần, xưng tội hằng tháng, tĩnh tâm hằng năm, bố thì
mỗi khi có thể v.., nếu vẫn còn có những tâm tưởng và hành vi cử chỉ
cùng phản ứng phản kitô trên đây, đời sống đạo của họ chỉ là giả
hình, xây trên cát mà thôi... Cho tới lhi Thiên Chúa phải nhúng tay
vào, cho họ trở thành một thứ bị nguyền rủa như họ đã nguyền rủa kẻ
khác, cho họ sa ngã như thành phần tội nhân bị họ khinh bỉ và xa
lánh, cho họ bị thù hắn oán ghét như họ đã oán ghét anh em họ v.v.
bấy giờ họ mới cảm thấy thông cảm với tha nhân mà không dám khinh
một ai nữa.
Cũng chỉ cho tới bấy giờ họ mới thấy rằng ơn gọi "nên trọn lành
như Cha trên trời là Đấng trọn lành" quả thực là ở chỗ "thương
xót như Cha của các con là Đấng thương xót", và ơn gọi này
không phải là một thứ lý tưởng thuần túy bất khả đạt như là một ảo
tưởng hoang đường mà là những gì cần thiết nhất và xứng đáng nhất để
họ có thể tác hành xứng với thân phận và tư cách là con cái của
Thiên Chúa vô cùng toàn hảo (xem Mathêu 5:45), bằng không họ cũng
chỉ tác hành như dân ngoại hay như tội nhân (xem Luca 6:32-34;
Mathêu 5:46-47) tầm thường trên thế gian này mà thôi, hoàn toàn bất
xứng với thiên chức làm con Thiên Chúa.
Thế nhưng, chính những ơn gọi trổi vượt này, mà theo bản tình tự
nhiên con người không thể nào vươn tới, đã cho thấy nó xuất phát từ
mạc khải thần linh, nó là đạo từ trời chứ không phải từ con người
thuần túy, từ bất cứ một giáo tổ thuần nhân nào, một ơn gọi cần phải
có ân sủng thần linh mới có thể chấp nhận và đạt tới, đạt tới thật
sự, như lịch sử Giáo Hội Kitô giáo cho thấy nơi các vị thánh qua
giòng thời gian ở mỗi thời đại của các ngài, thành phần thiểu số
được Thiên Chúa tỏ mình ra cho một cách nào đó và vào một thời điểm
nào đó, để nhờ đó và từ đó, nhờ được thương xót và cảm nghiệm được
lòng thương xót Chúa, họ mới có thể và xứng đáng trở thành chứng
nhân của Lòng Thương Xót Chúa, chứng nhân về chính bản thân họ đã
được Thiên Chúa thương xót để "xót thương như Cha thương xót",
như mẫu gương của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô (1Timotheu 1:12-16):
"Tôi
tạ ơn Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Ðấng đã ban sức mạnh cho tôi,
vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia, tôi
là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người
thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa
có lòng tin. Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn
ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với
Người. Ðây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: đó là Ðức
Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu
tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Ðức Giêsu Kitô muốn tỏ
bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt
tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời".
3- Kitô
Hữu là Tông Đồ Thương Xót - Ở chỗ phục vụ
những anh chị em hèn mọn nhất và tha
thứ cho kẻ thù
Một khi
Kitô hữu đã thực sự cảm
nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa thì họ chẳng những biết thông cảm
với tha nhân nói chung, nhất là với những người anh chị em hèn mọn
nhất của Chúa Kitô về mọi thứ yếu kém, bất hảo và tồi tệ của những
người anh chị em này về mọi phương diện thể lý, tâm lý và luân lý,
mà còn quan tâm đến người khác nhiều hơn, đến độ có thể dấn thân
phục vụ để đáp ứng những nhu cầu cần thiết của tha nhân, bằng việc
làm cụ thể, bằng lời nói ủi an phấn khích, nhất là bằng lời nguyện
cầu cho họ, theo ba cấp độ tác hành thương xót được Chúa Giêsu dạy
Chị Thánh Faustina (xem Nhật Ký - số 742).
“Con
gái của Cha ơi, nếu Cha cần nhờ con để người ta tôn kính tình thương
của Cha, thì con phải là người đầu tiên trổi vượt trong sự tin cậy
vào tình thương của Cha. Cha đòi hỏi nơi con những việc làm của tình
thương được bắt nguồn từ tình yêu đối với Cha. Ở mọi nơi và trong
mọi lúc, con phải chứng tỏ tình thương đối với tha nhân của mình.
Con không được lẩn trốn làm điều này, hay tìm cách miễn trừ hoặc tự
miễn cho mình làm điều này.
Cha ban cho con 3 cách thế để
thực thi tình thương đối với tha nhân của con: thứ nhất là bằng việc
làm, thứ hai là bằng lời nói, thứ ba là bằng cầu nguyện. Tầm mức
viên trọn của tình thương được chất chứa nơi ba cấp trật này, và đó
là một dấu chứng không thể chối cãi của tình yêu đối với Cha. Nhờ
cách này mà một linh hồn tôn vinh và dâng niềm tôn kính lên tình
thương Cha”.
Theo đường lối tu đức tự nhiên và bình thường thì Kitô hữu vốn
nghĩ rằng muốn thực hành các hành động đạo đức của mình một cách tốt
lành theo ý Chúa, thì Kitô hữu cần phải thi hành theo thứ tự từ
trong ra ngoài như sau: trước hết là cầu nguyện để biết được ý Chúa,
sau đó mới đến lời nói liên quan đến những gì Chúa soi sáng khi cầu
nguyện và sau cùng mới tới việc làm những gì được cho là đẹp lòng
Chúa sau khi đã suy nghĩ cầu nguyện. Thế nhưng, ở đây, khi thực thi
thương xót, Chúa Giêsu lại dạy ngược lại, việc làm cụ thể đầu tiên,
sau đó mới tới lời nói và sau cùng là cầu nguyện! Tại sao thế? Xin
thưa là như thế này:
Trưóc hết là việc làm tỏ lòng thương xót
cụ thể là những gì chúng ta thường tỏ ra với những người gần gũi với
chúng ta và hầu như để đáp ứng nhu cầu vật chất của họ, liên quan
đến "thương người có 14 mối thương xác 7 mối: thứ nhất cho kẻ đói
ăn, thứ hai cho kẻ khát uống, thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc, thứ
bốn viếng kẻ liệt cùng tù rạc, thứ năm cho khách đỗ nhờ, thứ sáu
chuộc kẻ làm tôi, thứ bảy chôn xác kẻ chết", những việc làm cụ thể
này cũng được Chúa Kitô lấy làm tiêu chuẩn để phán xét tối hậu trong
cuộc chung thẩm (xem Mathêu 25:31-46).
Sau nữa là lời nói tỏ lòng thương xót là những gì liên quan đến
tâm hồn của những ai gần gũi mình, an ủi họ khi họ sầu thương,
khuyến khích họ khi họ chán nản, khuyên bảo họ khi họ thắc mắc và
bối rối, khuyên can họ khi họ có ý định làm những gì sai quấy không
hợp với luật Chúa và Giáo Hội, chỉ bảo họ khi họ lầm lỗi v.v., nghĩa
là những gì liên quan tới việc "thương linh hồn 7 mối", nhất là 4
mối đầu tiên: "thứ nhất lấy lời lành mà khuyên người, thứ hai mở dậy
kẻ mê muội, thứ ba an ủi kẻ âu lo, thứ bốn khuyên bảo kẻ có tội".
Nếu chúng ta đọc tiếp 3 mối cuối cùng trong việc "thương linh
hồn 7 mối" chúng ta sẽ thấy bao gồm 3 thái độ thương xót cao nhất,
đặc biệt là mối thứ 7: "Thứ năm tha kẻ dể ta, thứ sáu nhịn kẻ mất
lòng ta, thứ bảy cầu cho kẻ sống và kẻ chết". Thật vậy, mối "thương
linh hồ" thứ sáu và thứ bảy là hai mối đụng chạm đến chính bản thân
của chúng ta, thành phần nạn nhân của sự dữ do phạm nhân gây ra cho
mình, nhưng nạn nhân vốn là thành phần đáng thương lại phải tỏ ra
thương xót phạm nhân, ở chỗ "tha kẻ dể ta" và "nhịn kẻ mất lòng ta".
Sau hết là việc cầu nguyện tỏ lòng thương xót: "Thứ bảy, cầu
cho kẻ sống và kẻ chết". "Kẻ sống và kẻ chết" ở đây theo bình thường
là kẻ còn sống chưa chết và kẻ chết là kẻ đã không còn sống trên
trần gian này nữa. Nếu thế thì cầu cho kẻ sống và kẻ chết đây không
có gì là khó lắm, dễ làm thôi, nhất là đối với những người thân yêu
của mình đã qua đời và những người còn sống xin chúng ta cầu nguyện,
cũng như chính những người chúng ta cảm thấy họ đáng thương cần cầu
nguyện cho, như các nạn nhân của thiên tai và nhân tai.
Tuy nhiên, nếu "kẻ sống và kẻ chết" đây hiểu theo nghĩa thiêng
liêng, như lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Người sẽ trở lại
trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không
bao giờ cùng", thì "kẻ sống và kẻ chết" đây chính là chiên và
dê (Mathêu 25:31-33): chiên là kẻ sống, được xếp ở bên phải Đức Kitô
thẩm phán, vì được ơn nghĩa Chúa và được cứu rỗi; còn dê là kẻ chết,
bị xếp ở bên trái Vị Thẩm Phán, vì không có lòng thương xót nên bị
hư đi đời đời.
Vậy việc "cầu cho kẻ sống và kẻ chết" ở đây khi Kitô hữu chúng
ta còn sống trên đời này có nghĩa là, trước hết chúng ta cầu cho
những người anh chị em vẫn còn ơn nghĩa Chúa của chúng ta thuộc
thành phần "kẻ sống" được trung thành với ơn nghĩa Chúa cho tới
cùng, được mỗi ngày một thánh đức hơn mà làm chứng cho Chúa Kitô.
Sau nữa chúng ta cầu cho "kẻ chết" là những người anh chị em đang
sống trong tội lỗi, mất ơn nghĩa Chúa, những người anh chị em sống
đạo đức nhưng mù quáng giả hình, những người anh chị em hận thù ghen
ghét chúng ta, những người anh chị em chúng ta ác cảm, những người
anh chị em sống gian ác, các phạm nhân gây tai họa cho anh chị em
mình như chúng ta nghe hay thấy tin tức hằng ngày v.v.
Việc cầu nguyện tỏ lòng thương xót sở dĩ được Chúa Giêsu xếp
cao nhất trong 3 hành vi thương xót là vì cầu nguyện bao gồm cả "kẻ
sống và kẻ chết", bao gồm toàn thể thế giới, vượt không gian và thời
gian, nhất là xuất phát từ chính lòng tin tưởng vào một mình Thiên
Chúa là Đấng duy nhất có thể làm được những gì con người bất khả sau
khi họ đã hết sức, trong lời nói và việc làm, mà không được, mà vẫn
bất thành, trong việc giúp đáp một hay một số anh chị em đáng thương
nào đó về phần rỗi đời đời vô cùng quí báu của họ.
4- Kitô
Hữu là Tông Đồ Thương Xót - Ở chỗ chấp nhận
mọi đau khổ vì phần rồi và
cho phần rỗi các linh hồn