THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

Fatima Lòng Thương Xót Chúa

 

TĐF Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Loạt bài chia sẻ cho cuộc tĩnh huấn 10/2015 của Liên Đoàn Tông Đồ Fatima TGP LA CA và được Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ phổ biến qua các số báo liên tục qua các năm 2016-2017

 

 

Vấn đề quan trọng nhất và cần thiết nhất hiện nay của Phong Trào TĐF cũng như của tất cả mọi phong trào khác hoặc hội đoàn khác, không phải là ở chỗ phát triển về hàng ngang là làm sao cho có nhiều hội viên, phát triển ở nhiều nơi v.v. mà là làm sao để sống đúng với đặc sủng ban đầu của mình và đúng với bản chất làm nên phong trào của mình, thay vì đông mà chẳng hiểu gì mấy và chẳng sống ra làm sao... 

 

Đó là lý do, trong khóa tĩnh huấn cho Liên Đoàn Tông Đồ Fatima TGP LA CA 2 ngày 17-18/10/2015 ở Cộng Đoàn Phục Sinh San Gabriel, theo lịch trình 3 năm long trọng dọn mừng Bách Chu Niên Biến Cố Thánh Mẫu Fatima (1917-2017), tôi đã bắt đầu đi sâu vào chủ đề  "Fatima Lòng Thương Xót Chúa" là chủ đề tôi đã phát động và thực hiện (trước tiên ở Liên Đoàn TĐF TGP Seattle WA năm 2013-2014 và Liên Đoàn TĐF TGP Los Angeles từ 2014), bằng những vấn đề rất then chốt và quan trọng như sau:

 

1- Hiện nay cả Giáo Hội đang sống Lòng Thương Xót Chúa (LTXC), vậy Phong Trào TĐF có sống LTXC hay chăng? Nếu có thì ở chỗ nào và nếu không thì tại sao?

 

2- Nếu Fatima không có LTXC thì phải chăng Fatima đã hết thời và không còn hợp thời nữa??

 

3- Nếu Fatima có LTXC thì ở chỗ nào và TĐF cần phải sống LTXC ra sao theo Thánh Mẫu Fatima???

 

Tuy đã có 3 cuộc tĩnh tâm (2 ở TGP Seattle và 1 ở TGP Los Angeles như trên đã đề cập) về chủ đề "Fatima Lòng Thương Xót Chúa", nhưng năm nào cũng có các đề tài riêng hợp với chủ đề này. Năm nay, chủ đề ghép "Fatima Lòng Thương Xót Chúa" được chia ra làm 2 ngày: Thứ Bảy về Fatima và Chúa Nhật về Lòng Thương Xót Chúa. 

 

Bởi thế, các đề tài để diễn giải chủ đề kép chung này được sắp xếp theo thứ tự như sau: Thứ Bảy - Bí Mật Fatima phần một (1), Bí Mật Fatima phần hai (2), Bí Mật Fatima phần ba (3); Chúa Nhật - Kinh Nguyện Fatima Lòng Thương Xót Chúa (4), Thị Kiến Fatima Lòng Thương Xót Chúa (5) và Tông Đồ Fatima Sống Lòng Thương Xót Chúa (6).

 

 

 

1- Bí Mật Fatima phần một 

 

 

Theo Hồi Ký của Chị Lucia là một trong 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải năm 1917, thì chỉ có một Bí Mật Fatima duy nhất nhưng Bí Mật Fatima duy nhất này lại được cấu tạo nên bởi 3 phần khác nhau.

 

Căn cứ vào nội dung của từng phần khác nhau và toàn phần của một bí mật duy nhất này, chúng ta sẽ thấy cả 3 phần bất khả phân ly của nó đều có liên hệ mật thiết với nhau theo diễn tiến lạ lùng của lịch sử.

 

Trước hết, về cấu trúc, Bí Mật Fatima phần nhất là một thị kiến (về hỏa ngục) và phần ba cũng là một thị kiến (về tử đạo), hoàn toàn không có một lời Đức Mẹ nói trong 2 phần thị kiến này, chỉ có phần hai mới có những lời Đức Mẹ loan báo về dự án thần linh liên quan đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và hòa bình thế giới cùng với phần rỗi của các linh hồn mà thôi.

 

Sau nữa, về liên hệ giữa 3 phần của bí mật này là ở chỗ, bề ngoài dường như Bí Mật Fatima có vẻ quá ư là thảm thương và đầy tính chất tiêu cực chán chường: nào là hỏa ngục kinh hoàng vô cùng khốn nạn ở phần một, nào là chiến tranh tàn khốc và cộng sản bách hại ở phần hai, nào là thế giới tội ác đang bị hủy diệt và máu của các người lành bị sát hại đổ ra ở phần ba. 

 

Thế nhưng, chính cái tính chất bề ngoài có vẻ thực sự là thảm thương và tiêu cực nơi Bí Mật Fatima toàn phần đầy đen tối ấy mới càng sáng tỏ hơn nữa dự án cứu độ của Thiên Chúa và công cuộc cứu chuộc của Ngài trong một thời điểm lịch sử chưa bao giờ "cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn" như thế. 

 

Thật vậy, cốt lõi của Bí Mật Fatima phải nói là chính ơn cứu độ cho thời điểm lịch sử "cấn đến Lòng Thương Xót Chúa hơn" này. Và cái cốt lõi cứu độ ấy đã chi phối cấu trúc 3 phần của Bí Mật Fatima: phần một là thị kiến về tình trạng con người mất ơn cứu độ và bị đời đời hư đi trong hỏa ngục, phần hai về dự án cứu độ con người qua Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, và phần ba về ơn cứu độ được ban cho tội nhân nhờ máu tử đạo của thiện nhân.

 

Riêng về phần nhất của Bí Mật Fatima là thị kiến hỏa ngục, nữ tu Lucia là Thiếu Nhi Fatima thụ khải lớn nhất và duy nhất sống sót đã ghi lại trong Hồi Ký của chị như sau:

 

Đức Mẹ chỉ chúng con thấy một biển lửa bao la hình như ở dưới lòng đất.  Ngụp lặn trong đó là ma quỉ và các linh hồn dưới hình người, giống như những cục than đỏ rực, như những cục sắt  đen thui hay cháy đỏ, bừng bừng trong hỏa hào, khi bị cuốn lên với cuộn khói kinh sợ, như lò tóe tia lửa, rồi rơi trở lại bất chấp đầu đuôi, những tiếng kêu la, than khóc vì đau đớn và tuyệt vọng làm chúng con kinh hoàng và run sợ.  Có thể phân biệt được ma quỉ nhờ sự hung dữ và tàn bạo như những con thú kỳ lạ và khủng khiếp; đen đủi và cháy thấu.  Thị kiến chỉ kéo dài trong giây lát.  Chúng con biết phải cảm tạ Mẹ Thiên Quốc nhân từ biết bao đã sửa dọn cho chúng con trong lần hiện ra lần đầu với lời hứa sẽ đem chúng con về thiên đàng.  Nếu không chắc chúng con đã chết vì sợ hãi và lo lắng”.  

 

Để biết hỏa ngục kinh hoàng và vô cùng khủng khiếp đáng sợ hãi đến đâu, nhờ đó chúng ta cố gắng chẳng những sống sạch tội và sẵn sàng chịu khổ đau đền tội lỗi của mình ngay ở đời này, mà còn như Thiếu Nhi Giaxinta liên lỉ tìm kiếm hy sinh và chấp nhận mọi đau khổ cho phần rỗi "các linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn", chúng ta hãy suy nghĩ về những gì được Chị Thánh Faustina viết ra trong Nhật Ký của chị theo lệnh của Chúa sau đây:

 

“Ngày 20/10/1936. Hôm nay con được một Thiên Thần đưa vào vực thẳm hỏa ngục. Đó là một nơi của cực hình khốn khổ; nó lớn lao và dữ dội khủng khiếp biết là chừng nào! Những loại cực hình con được trông thấy đó là: cực hình thứ nhất tạo nên hỏa ngục đó là mất Chúa; cực hình thứ hai là lương tâm đời đời than khóc; cực hình thứ ba là thân phận của con người không bao giờ đổi thay nữa; cực hình thứ bốn là lửa sẽ nung nấu linh hồn nhưng không bao giờ hủy diệt linh hồn, một thứ khổ đau khủng khiếp, vì nó là ngọn lửa hoàn toàn thiêng liêng bốc lên bởi cơn giận của Thiên Chúa; cực hình thứ năm là bóng tối tăm tùy thuộc và một mùi nghẹt thở kinh khủng, và cho dù tối tăm mù mịt như thế các ma quỉ và các linh hồn bị trầm luân vẫn trông thấy nhau cùng tất cả mọi sự dữ của nhau và của mình; cực hình thứ sáu là liên lỉ ở bên Satan; và cực hình thứ bảy là kinh hoàng tuyệt vọng, thù ghét Thiên Chúa, những lời nói ghê tởm, nguyền rủa và lộng ngôn. Có những cực hình đặc biệt nhắm vào những linh hồn riêng biệt. Có những cực hình về những thứ giác quan. Mỗi một linh hồn phải chịu đựng những khổ đau khủng khiếp và khôn tả, liên quan tới cách thức họ phạm tội. Có những hang động và những hầm hố của cực hình là nơi xẩy ra những hình thức khổ đau quằn quại khác nhau. Con chết ngất trước cảnh tượng của những cực hình này nếu uy quyền toàn năng của Thiên Chúa không nâng đỡ con. Chớ gì tội nhân biết rằng họ sẽ bị cực hình đời đời kiếp kiếp, nơi những giác quan họ dùng để phạm tội. Con viết điều này theo lệnh của Chúa, để không một linh hồn nào có thể chữa mình nói rằng không có hỏa ngục, hay không người nào đã từng ở đó nói rằng chưa có ai cho biết nó như thế nào.

 

Con là nữ tu Faustina, theo lệnh Chúa truyền, đã viếng thăm các vực thẳm hỏa ngục để có thể nói với các linh hồn về nó và chứng thực về sự hiện hữu của nó. Giờ đây con không thể nói về nó; nhưng con được lệnh Chúa viết nó ra. Ma quỉ cảm thấy tràn đầy hận thù với con, nhưng chúng phải vâng phục con theo lệnh Chúa. Những gì con viết chỉ là một bóng mờ của những gì con đã thấy. Thế nhưng con nhận thấy một điều là hầu hết các linh hồn ở đó là những ai không tin rằng có hỏa ngục. Khi con tỉnh lại, con khó có thể thản nhiên không rùng mình hoảng sợ. Các linh hồn chịu khổ ở đó kinh hoàng khủng khiếp là chừng nào! Bởi thế con thiết tha nguyện cầu hơn nữa cho các tội nhân ơn ăn năn hoán cải. Con không ngừng nài xin tình thương của Thiên Chúa đoái đến họ. Ôi Chúa Giêsu ơi, con thà bị sầu đau cho tới tận thế, quằn quại với những khổ đau thượng thặng, còn hơn là xúc phạm đến Chúa bằng một tội nhỏ mọn nhất”.  (Nhật Ký – Lòng Thương Xót Chúa trong Hồn Con, khoản 741).

 

Ngày nay người ta sống như thể không có Thiên Chúa hay không còn Thiên Chúa - Thiên Chúa đã chết rồi. Mà nếu không có Thiên Chúa hay không còn Thiên Chúa thì đâu còn hỏa ngục nữa. Nhưng chính khi họ phủ nhận Thiên Chúa, mất Thiên Chúa thì hỏa ngục xuất hiện ngay trong lòng của họ và trên thế giới này. Ở chỗ họ chỉ biết hận thù ghen ghét nhau. Thế nên lịch sử loài người đã xẩy ra 2 thế chiến một và hai là hiện tượng sát hại nhau chưa bao giờ có, và các cuộc diệt chủng cũng chưa bao giờ xẩy ra, một hiện tượng xẩy ra trong thế kỷ 20.

 

Thậm chí một số người còn tin có Thiên Chúa một cách nào đó thì họ chỉ chấp nhận một trong hai thực tại: một là nếu thực sự có Lòng Thương Xót Chúa thì không thể nào có hỏa ngục, không bao giờ có hỏa ngục, hại là nếu thực sự có hỏa ngục thì không thể nào có Lòng Thương Xót Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng yêu thương không thể nào lại dựng nên con người để nỡ lòng giáng phạt họ một cách khủng khiếp đời đời đến như vậy. 

 

Đến đây vấn đề được đặt ra là nhiều linh hồn được cứu độ hay nhiều linh hồn bị hư đi, nghĩa là các linh hồn được lên thiên đàng nhiều hay ít? Đây là một vấn đề đã được một người nào đó trong dân Do Thái đặt ra với Chúa Giêsu rồi: "Thưa Ngài, có phải những kẻ được cứu độ ít lắm chăng?" (Luca 13:23). 

 

Trong câu nghi vấn đã có tình cách khẳng định này, người hỏi Chúa Giêsu muốn Người xác nhận cảm nhận của họ là đúng. Ở chỗ, người ta được rỗi ít lắm, không nhiều. Tại sao người này dám khẳng định như thế? Nếu không phải vì họ bị ảnh hưởng Do Thái giáo của họ, luôn nghĩ rằng tất cả dân ngoại không phải Do Thái đều là thành phần tội lỗi nhơ nhớp xấu xa đáng bị trừng phạt, tức bị hư đi, chỉ có họ là thành phần giữ luật Chúa mới được cứu độ, thậm chí trong dân của họ không phải ai cũng được cứu độ - thành phần thu thuế và đĩ điếm tội lỗi bị hư đi là cái chắc.

 

Người đặt vấn đề cứu rỗi này với Chúa Giêsu dường như chủ trương vấn đề cứu độ là 1- do con người hơn là một ân sủng, tức do việc con người làm - việc con người giữ lề luật, và 2- không có vấn đề ăn năn thống hối để được cứu độ nữa, một khi sa ngã phạm tội là hư đi đời đời, như trường hợp của ma quỉ từng là các thiên thần ngay từ ban đầu. 

 

Tuy nhiên, trường hợp hư đi của thiên thần khác với loài người, và sở dĩ thiên thần chỉ phạm tội một lần liền bị hư đi đời đời ngay lập tức, không thể cứu độ được nữa, là vì 1- thiên thần là loài thiêng liêng thông minh hiểu biết xuất chúng hơn loài người là loài có xác thể hữu hình, 2- thiên thần tự mình sa ngã phạm tội chứ không bị bất cứ ai cám dỗ như con người, và 3- thiên thần không sống trong thời gian như con người, nên không có hay không còn cơ hội để ăn năn thống hối hoán cải. 

 

Về sự thật loài người được cứu độ nhiều hay ít, chúng ta có thể khẳng định một cách không sai lầm rằng loài người được cứu độ nhiều và hư đi ít. Tại sao chúng ta dám nói một cách dứt khoát mà không sợ sai lầm như vậy? 

 

Trước hết, theo lập luận trần gian, không ai thấy lỗ mà cứ nhào vô làm ăn thế nào, thì Thiên Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan không thể nào chịu thua lỗ các linh hồn đã được Ngài trân trọng dựng nên và cứu chuộc bất cứ giá nào. 

 

Sau nữa, Thiên Chúa toàn năng hơn satan và bọn ngụy thần của hắn không thể nào lại thua chúng là thành phần tạo vật vô cùng thấp hèn chẳng là gì trước nhan Ngài. Chẳng lẽ chúng chẳng dựng nên con người và cứu chuộc con người lại chiếm được nhiều linh hồn hơn Ngài hay sao? 

 

Sau hết, Thiên Chúa đã hứa cho con cháu của tổ phụ Abraham là cha của những kẻ tin bao gồm hết mọi người được cứu độ rằng họ sẽ đông như sao trời như cát biển, nghĩa là họ được cứu độ vô số kể. 

 

Thế nhưng, trên thực tế, nhất là ngày nay, lại không thể nào xẩy ra như vậy, lại không thể nào xẩy ra chuyện nhiều linh hồn được cứu độ, trái lại, vô số các linh hồn bị hư đi đời đời thì có. Bởi ngày nay con người đã và đang phạm những tội ác khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử loài người.

 

Vào lần hiện ra đầu tiên ngày 13/5/1917, khi Lucia hỏi Đức Mẹ về Amélia khoảng 18-20 tuổi là môt trong những người bạn của em vừa qua đời rằng cô ta có được về thiên đàng hay chăng, thì em được Đức Mẹ cho biết rằng "nó sẽ phải ở trong luyện ngục cho đến tận thế". 

 

Không biết em Amélia này, một thiếu nữ quê mùa, chứ không quá sức văn minh như ngày nay, đã phạm những tội nào vào thời bấy giờ, chứ không phải những tội kinh khủng chưa từng có như ngày nay, mà bị một hình phạt nặng nề dài dẳng như thế, "cho tới tận thế", nay đã cả 100 năm? 

 

Sự kiện Amélia này càng chứng tỏ cho thấy tội ác của con người ngày nay đã vượt quá sức tưởng tượng và đáng bị trừng phạt, không phải ở trong luyện ngục mà là hỏa ngục, là tận cùng hỏa ngục. Vậy thì làm sao nhiều linh hồn được cứu độ hơn là bị hư đi, hoàn toàn trái ngược với niềm tin theo lý thuyết của chúng ta trên đây!

 

Đúng thế, những gì con người bất khả thì Thiên Chúa có thể. Bởi vì, đối với Ngài là Đấng "đã dồn con người vào tình trạng bất trung để tỏ lòng thương tất cả mọi người" (Roma 11:32) thì "ở đâu tội lỗi càng gia tăng thì ở đó ơn phúc càng trổi vượt" (xem Rôma 5:20).

 

Thiên Chúa là Đấng chuyên nghiệp cứu độ. Ngài có cách đặc biệt của Ngài. Như mạc khải thần linh đã cho thấy, Ngài thường sử dụng thiểu số để cứu đa số, theo kiểu mặc cả của Abraham (xem Khởi Nguyên 18:22-32), hay đã dùng kiểu tăng bội, như năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi đám đông dân chúng (xem Marco 6:34-44). 

 

Thực tế cho thấy, Ngài đã chỉ cần dùng duy Con Một của Ngài để cứu chuộc cả loài người. Công cuộc cứu chuộc này vẫn được áp dụng cho đến tận thế, ở chỗ, khi phụng vụ Thánh Thể được cử hành hằng ngày thì loài người lại được cứu độ. Mà mỗi ngày có cả mấy trăm ngàn Thánh lễ được dâng lên, căn cứ vào số linh mục trên thế giới hiện nay, trừ đi những vị không dâng lễ hằng ngày, thì các linh hồn liên tục được cứu độ biết là chừng nào. 

 

Bởi thế, Kitô hữu Công giáo tham dự Thánh lễ hằng ngày hay hằng tuần thực sự đã cộng tác vào việc cứu độ các linh hồn biết bao. Chưa hết, ngoài Thánh lễ, họ còn có thể cứu các linh hồn bằng chính đời sống đức tin hằng ngày của họ, bằng những việc làm nhỏ bé, những hy sinh âm thầm, hiệp với công ơn cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, như giọt nước trong chén rượu được hòa tan thành rượu và từ đó được trở nên chính máu cứu chuộc bất diệt của Chúa Kitô. 

 

Ở Fatima, Thiên Chúa đã có cách đặc biệt của Ngài, như được Mẹ Maria tiết lộ ở ngay đầu phần hai của Bí Mật Fatima sau đây, và phải nói những gì Mẹ tiếp lộ ấy đó là tất cả Bí Mật Fatima và là chính Sứ Điệp Fatima. Vậy phương cách cứu độ của Thiên Chúa ở Fatima như được Mẹ Maria tiết lộ ở Fatima đó là gì và như thế nào?