THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương
Chúa Giêsu Thánh
Thể ở Fatima
và Lễ Lòng Thương Xót Chúa
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL
Nếu Fatima là dạo khúc mở màn cho thời điểm của Lòng Thương Xót Chúa, trước hết
là ở Thị Kiến Ân Sủng và Tình Thương, một thị kiến chỉ xẩy ra một năm rưỡi
trước Ảnh Lòng Thương Xót Chúa, một thị kiến đã chất chứa nội dung "ân sủng và
tình thương" của Ảnh Lòng Thương Xót Chúa, thì Fatima còn mật thiết liên hệ với
Lòng Thương Xót Chúa ở chỗ Chúa Giêsu Thánh Thể là cốt lõi ở Fatima, cũng là Hy
Tế cứu độ sống động trong phụng vụ, được cử hành long trọng trong Lễ Lòng Thương
Xót Chúa theo lời yêu cầu của Chúa Giêsu vào Chúa Nhật Thứ II Phục Sinh.
Thế nhưng, đâu là mối liên hệ giữa Chúa Giêsu Thánh Thể ở Fatima với Lễ Lòng
Thương Xót Chúa này? Để nắm bắt được mối liên hệ này của Sứ Điệp Fatima và
Sứ Điệp Lòng Thương Xót Chúa, trước hết chúng ta cần phải biết được Chúa Giêsu
Thánh Thể ở Fatima như thế nào và Lễ Lòng Thương Xót Chúa ra sao, sau đó, chúng
ta mới có thể suy ra được mối liên hệ của Chúa Giêsu Thánh Thể ở Fatima với Lễ
Lòng Thương Xót Chúa.
Chúa Giêsu Thánh Thể ở Fatima
Biến Cố Fatima có thể được chia ra làm 3 giai đoạn: giai đoạn tiền biến cố,
giai đoạn chính biến cố và giai đoạn hậu biến cố. Giai đoạn chính biến cố là
giai đoạn năm 1917, bao gồm 6 lần (từ Tháng 5 đến Tháng 10) chính Mẹ Maria hiện
ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào ngày 13 trong tháng, và giai đoạn hậu biến cố là
giai đoạn xẩy ra sau năm 1917, bao gồm 2 lần (1925 và 1929) Mẹ Maria hiện ra
riêng với Chị Nữ Tu Lucia là một trong 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải còn sống sót.
Còn giai đoạn Tiền Biến Cố Fatima là giai đoạn Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3
Thiếu Nhi Fatima ba lần vào năm 1916, để đặt nền tảng cho Biến Cố Fatima và sửa
soạn cho việc Mẹ Maria sẽ chính thức hiện ra với các em vào năm 1917 sau đó, và
cả 3 lần hiện ra trong giai đoạn tiền biến cố Fatima này đều liên quan đến
việc đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể, băng nguyện cầu, bằng hy sinh và bằng rước
lễ.
Lần thứ nhất, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào Mùa Xuân
năm 1916 ở trong hang Loca do Cabeco, để kêu gọi và dạy các em cầu nguyện để đền
tạ Chúa Giêsu Thánh Thể như sau:
·
"Lạy Chúa, con tin kính Chúa, con thờ lạy Chúa, con trông cậy Chúa và con
yêu mến Chúa. Xin Chúa thứ tha cho những người không tin kính Chúa, không thờ
lạy Chúa, không trông cậy Chúa và không yêu mến Chúa".
Lần thứ hai, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào Mùa Hè cùng
năm, sau giờ nghỉ trưa, ở dưới bóng cây bên một giếng nước, để kêu gọi các em hy
sinh cầu nguyện và dạy cho các em biết cách hy sinh đền tạ Chúa mà cứu rỗi các
tội nhân:
"Hãy biến mọi sự có thể thành những hy sinh dâng lên Chúa như một việc để
đền tạ tội lỗi Ngài đã bị xúc phạm mà cầu cho tội nhân ơn ăn năn hối cải".
Lần thứ ba, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào một buổi
chiều Mùa Thu cũng năm ấy, trên đường các em từ Pregueira về Lapa, để cho các em
rước Mình Thánh (Lucia) và Máu Thánh (Phanxicô và Giaxinta), sau khi kêu gọi các
em sấp mình đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể như sau:
·
"Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần, con sấp mình thờ lạy
Chúa. Con xin dâng lên Chúa Mình Máu châu báu, linh hồn và Thiên Tính của Chúa
Giêsu Kitô đang hiện diện trong các nhà tạm trên khắp thế giới, để đền tạ những
lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã phải chịu. Xin vì công
nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa Giêsu và của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ
Maria, xin Chúa ban cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải".
Lễ Lòng Thương Xót Chúa
Trong Nhật Ký của Chị Thánh Faustina, qua 2 khoản đặc biệt liên quan đến Lễ Lòng
Thương Xót Chúa được trích dịch dưới đây, Chúa Giêsu ngỏ ý muốn: 1- Một lễ Kính
Lòng Thương Xót Chúa; 2- được cử hành vào Chúa Nhật II Phục Sinh; 3- một lễ xuất
phát từ chính Lòng Thương Xót Chúa; 4- để Chúa có thể tuôn đổ tình thương của
Ngài cho các tội nhân.
·
"Cha
mong có một Lễ Kính Tình Thương. Cha muốn bức ảnh mà con vẽ bằng cọ này phải
được long trọng làm phép vào ngày Chúa Nhật Thứ Nhất sau Lễ Phục Sinh; Ngày Chúa
Nhật này phải là ngày Lẽ Kính Tình Thương. Cha ước mong các vị linh mục loan
truyền tình thương vĩ đại này của Cha cho các linh hồn những tội nhân. Để tội
nhân đừng sợ tiến đến với Cha. Những ngọn lửa tình thương đang nung nấu Cha -
bừng bừng muốn toé ra. Cha muốn tuôn đổ những ngọn lửa tình thương này xuống
trên các linh hồn ấy". (Nhật
Ký số 49)
·
"Hỡi
con gái của Cha, hãy nói cho toàn thể thế giới biết về tình thương khôn thấu của
Cha. Cha mong ước Lễ Kính Tình Thương là một nơi cư trú và náu ẩn cho tất cả các
linh hồn, đặc biệt cho các tội nhân khốn nạn.
“Vào ngày đó, tận đáy vực thăm thẳm của tình thương nhân ái Cha được mở ra. Cha
trào đổ cả một đại dương ân sủng trên các linh hồn đến với mạch nguồn tình
thương Cha. Linh hồn đi Xưng Tội và Hiệp Lễ sẽ được hoàn toàn thứ tha các tội
lỗi và hình phạt. Vào ngày đó, tất cả những bờ đê mà ân sủng tràn qua sẽ vỡ bờ.
“Đừng có một linh hồn nào lại sợ đến gần Cha, cho dù các tội lỗi của linh hồn có
đỏ ngầu. Tình thương của Cha rất vĩ đại, đến nỗi, không có một trí khôn nào, dù
của loài người hay của thiên thần, có thể dò thấu được cho đến đời đời kiếp
kiếp. Mọi sự hiện hữu đều phát xuất từ những tầng sâu thẳm của tình thương dấu
ái nhất của Cha. Mọi linh hồn gắn bó với Cha sẽ chiêm ngắm tình yêu và tình
thương của Cha đến muôn đời.
“Lễ Kính Tình Thương phát hiện từ tận đáy lòng từ ái của Cha. Ước muốn của Cha
là lễ này phải được cử hành long trọng vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục
Sinh. Nhân loại sẽ không có hoà bình cho đến khi họ quay về với Mạch Nguồn của
Tình Thương Cha. (Nhật
Ký số 699)
Thế nhưng, trong tất cả cuốn Nhật Ký của Chị Thánh Faustina, không thấy chỗ nào
rõ ràng liên quan đến lý do tại sao Chúa Giêsu muốn chọn Chúa Nhật II Phục Sinh,
chứ không phải bất cứ một Chúa Nhật nào khác hay lễ trọng nào khác, như Lễ Thánh
Tâm Chúa hoặc Thứ Sáu Tuần Thánh v.v., để làm lễ kính Lòng Thương Xót Chúa,
ngoài một chỗ duy nhất Người cho biết tổng quát như sau:
·
"Không có một linh hồn nào được trở nên công chính cho tới khi nó tin
tưởng trở về với tình thương của Cha, và đó là lý do tại sao Chúa Nhật thứ nhất
sau Phục Sinh trở thành Lễ của Tình Thương" (Nhật Ký - 570).
Căn cứ vào câu nói tên đây của Chúa Giêsu, vấn đề vẫn cần phải đặt ra ở đây là
tại sao việc công chính của các linh hồn lại liên quan đến Lễ của Tình Thương
hay Lễ Lòng Thương Xót Chúa là lễ Chúa Giêsu chỉ muốn nó được cử hành vào Chúa
Nhật I sau Phục Sinh hay Chúa Nhật II Phục Sinh mà thôi? Như thế, Chúa Nhật Thứ
I sau Phục Sinh hay Chúa Nhật Thứ II Phục Sinh phải có một ý nghĩa sâu xa
nào đó đối với Lòng Thương Xót Chúa!
Đúng thế, chỉ có Chúa Nhật I sau Phục Sinh hay Chúa Nhật II Phục Sinh mới có bài
Phúc Âm hợp với Chúa Nhật này. Đó là bài Phúc Âm 8 ngày sau hay 1 tuần sau khi
Người sống lại (xem Gioan 20:26), Chúa Giêsu hiện ra một lần nữa, lần thứ hai
với chung các tông đồ, bao gồm cả tông đồ Tôma, vị tông đồ vắng mặt vào lần hiện
ra thứ nhất của Người và nhất định không chịu tin khi được tất cả 10 tông đồ
khác thuật lại rằng Thày của các vị đã phục sinh và hiện ra với các vị (xem
Gioan 20:25).
Có thể nói, lần hiện ra thứ hai này của Chúa Kitô Phục Sinh chỉ nhắm vào riêng
tông đồ Tôma mà thôi, cho dù Người có hiện ra chung với các vị tông đồ khác
nữa, nhờ đó Người đã công chính hóa vị tông đồ cuối cùng này, bằng cách làm cho
vị tống đồ ấy không thể nào không tin vào Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên
Chúa của con" (Gioan 20:28). Đúng như lời Người đã khẳng định với Chị Faustina:
"Không có một linh hồn nào được trở nên công chính cho tới khi nó tin
tưởng trở
về với tình thương của Cha".
Tuy nhiên, để có thể chinh phục được lòng tin của vị tông đồ có vẻ
cứng lòng này, Chúa Giêsu đã phải chứng thực Người quả thực là Đấng Tử Giá, bằng
cách cho vị tông đồ đòi phải thấy được những dấu tích trên thân xác của Thày.
Chính các dấu vết tử giá vẫn còn ở trên thân xác thực sự phục sinh của Người đã
khiến cho vị tông đồ ấy không thể nào phủ nhận được Người chính là Thày của
mình, chứ không phải là ma quái hay một nhân vật giả tạo nào khác. Và chính
những dấu tích tử giá còn trên thân xác phục sinh vinh hiển của Người đã chứng
tỏ Người là "Chúa" đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, mà còn là "Thiên Chúa"
hằng sống thông ban sự sống cho những ai tin tưởng chấp nhận Người: "Giêsu ơi,
con tin nơi Chúa!".
Đó là lý do, trong Lễ Lòng Thương Xót Chúa được cử hành vào Chúa Nhật thứ I sau
Phục Sinh hay Chúa Nhật II Phục Sinh ấy, Chúa Giêsu còn muốn tấm Ảnh Lòng Thương
Xót Chúa chẳng những được làm phép (xem Nhật Ký - 49) mà còn được trưng bày nữa
(xem Nhật Ký - 88).
Bởi vì, tấm ảnh Lòng Thương Xót Chúa này là tất cả nội dung của bài Phúc Âm cho
Chúa Nhật ấy, bài phúc âm Chúa Giêsu tỏ các dấu vết tử giá của Người ra để chinh
phục niềm tin của tông đồ Tôma, một bài phúc âm thực sự được phản ảnh nơi
tấm Ảnh Lòng Thương Xót Chúa, một tấm ảnh về một Chúa Giêsu Phục Sinh trong
tấm áo trắng, nhưng vẫn còn các dấu tử giá, nhưng lại là những dấu vết, nhất
là ở trái tim Người, đã phát hai luồng sáng đỏ và trắng bao hàm ý nghĩa tử giá
và phục sinh, thông ban ơn cứu độ và sự sống, "ân sủng và tình thương", cho
những ai tin tưởng vào Người: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!", hàng chữ ở cuối
tấm ảnh.
Vậy thì đâu là mối liên hệ giữa Chúa Giêsu Thánh Thể ở Fatima và Lễ Lòng Thương
Xót Chúa?
Nếu không phải Chúa Giêsu Thánh Thể ở Fatima, một Chúa Giêsu Thánh Thể vẫn còn
mang trên mình các dấu tử giá của Người, tức là các dấu vết tử giá trên thân xác
phục sinh của Người vẫn còn nhức nhối đớn đau hơn bao giờ hết bởi những tội
"lộng ngôn và vô ơn", "những lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính
Người đã phải chịu", nhưng Người vẫn chấp nhận để "ban cho các tội nhân ơn ăn
năn hối cải", tức là để làm sao có thể công chính hóa các linh hồn, làm cho các
linh hồn tin vào Người.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, không phải ai cũng có thể dễ dàng và mau chóng tin
vào Người nếu không nhận biết Người và nếu không được Người đặc biệt tỏ mình ra
cho, như trường hợp của tông đồ Tôma. Có những lúc Kitô hữu chúng ta, cho dù đã
lãnh nhận đức tin nhờ Phép Rửa nhưng vẫn có thái độ như tông đồ Tôma cứng tin,
như thể "lộng ngôn và vô ơn", như thể "lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ
lãnh đạm" đối với sự hiện diện thần linh và tinh yêu vô cùng trọn hảo của Người,
một hiện diện và tình yêu vẫn liên tục được sống động nơi Bí Tích Thánh Thể.
Kitô hữu chúng ta, theo cảm nghiệm tu đức cho thấy, cũng chỉ nhận biết và tin
tưởng vào Chúa Kitô Phục Sinh khi thấy được các dấu tích tử giá của Chúa Kitô. Ở
chỗ, khi Người để cho chúng ta phải chịu khổ đau thử thách, như một tác động
nhắc nhở chúng ta về Người, nhờ đó chúng ta trở về với Người từ những mê hoặc
hoang đường trần gian: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!".
Sau đó, cho dù chúng ta đã trở về với Người, Người vẫn tiếp tục tỏ các dấu vết
tử giá của Người cho chúng ta, đến độ chúng ta có những lúc cảm thấy hoàn
toàn bất lực không thể nào nên thánh, mà chỉ còn biết: "Giêsu ơi, con tin nơi
Chúa!".
Sau hết, cho dù chúng ta đã được Người chiếm đoạt, Người vẫn tỏ các dấu tích tử
giá của Người cho chúng ta, để chúng ta cảm nghiệm được chính các đau khổ của
Người trước tội lỗi loài người, nhờ đó chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả bản thân
mình cho phần rỗi các linh hồn, bằng niềm tin tưởng cậy trông vào Lòng Thương
Xót Chúa của mình thay cho "các linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn".
Bài này đã được phổ biến ở NS ĐMHCG số 4/2017