Linh Đạo Lòng Thương Xót Chúa

 

TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Dẫn Nhập - Linh Đạo Kitô Giáo

Linh đạo là lối sống thiêng liêng (linh là linh thiêng và đạo là đường lối, tức là đường lối thiêng liêng). Tại sao lại có vấn đề linh đạo này? Hay linh đạo này có để làm chi??

Thật ra mỗi tôn giáo, tự bản chất của mình, là một linh đạo, cho dù có khác nhau. Nếu tôn giáo được gọi là "đạo" (nếu nói vắn tắt) hay "đạo giáo" (nếu nói cho đầy đủ), và "đạo" là đường thì đạo giáo là con đường của một tôn giáo. Mà bất cứ một tôn giáo chân chính cũng đều nhắm đến đích điểm cứu độ. Bởi thế "đạo giáo" chính là con đường dẫn đến ơn cứu độ vậy.

Tuy nhiên, trong các vị giáo tổ thì chỉ có một vị duy nhất xưng mình là "đạo", tức cho mình là chính Con Đường Cứu Độ, ngoài ra, các vị khác chỉ trình bày giáo thuyết của mình về Con Đường Cứu Độ, nghĩa là hướng dẫn con người làm sao để có thể được cứu độ theo cách thức họ suy diễn mà thôi.

Đối với Kitô giáo Đức Giêsu Kitô chính là Con Đường Cứu Độ của họ dẫn họ đến chính Sự Thật ban Sự Sống. Đó là lý do Người đã chẳng những tự xưng "Thày là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Gioan 14:6), mà còn là "Ánh Sáng Sự Sống - the light of life" (Gioan 8:12).

Đức Giêsu Kitô quả thực là Con Đường Cứu Độ, là chính Linh Đạo Kitô Giáo, vì Người dẫn chung con người và riêng những ai là môn đệ của Người đến "cùng Cha" (Gioan 14:6; xem 1:18) là "tất cả Sự Thật" (Gioan 16:13), là "Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất" ở nơi Người, để họ được "Sự Sống đời đời" (xem Gioan 17:3).

Bởi vậy, linh đạo nào thì linh đạo, nếu không xuất phát từ, hay đặt nền tảng trên, hoặc phản ảnh Con Đường Cứu Độ là Chúa Giêsu Kitô, thì hoàn toàn không chân thực và sẽ dẫn những ai theo linh đạo ấy, dù vô tình hay cố ý, xa lạc đích điểm cứu độ.

Thế nhưng, vì Chúa Giêsu Kitô là một mầu nhiệm - "mầu nhiệm Chúa Kitô" (Epheso 3:4; xem Colose 2:2) mà Con Đường Cứu Độ hay Linh Đạo Kitô Giáo là cả một kho tàng phong phú cần phải được khai thác bằng nhiều cách thức khác nhau bởi những nhận vật thời đại qua giòng lịch sử của Giáo Hội.

Đó là lý do mới có những linh đạo khác nhau trong Giáo Hội. Thứ tự thời gian theo giòng lịch sử có thể liệt kê một số linh đạo tiêu biểu thường được biết đến như sau:

1- Linh đạo khổ hạnh của các vị ẩn tu ở Trung Đông hay Tiểu Á vào mấy thế kỷ đầu của Giáo Hội;

2- Linh đạo cầu nguyện và làm việc "ora et labora" của Thánh Biển Đức (Benedict) lập dòng ở Ý từ thế kỷ thứ 6;

3- Linh đạo khó nghèo của Thánh Phan Sinh (Phanxicô) Khó Khăn lập dòng ở Ý từ thế kỷ 13;

4- Linh đạo tuân phục của Thánh Y Nhã (Ignatio Loyola) lập dòng ở Tây Ban Nha từ thế kỷ 16;

5- Linh đạo thanh tẩy của bộ Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá ở Tây Ban Nha từ thế kỷ 16;

6- Linh đạo nhờ Mẹ đến với Chúa - per Mariam ad Jesum của Thánh Louis de Montfort ở Pháp từ đầu thế kỷ 18;

7- Linh đạo thơ ấu thiêng liêng của Thánh Thérèse of Infant Jesus ở Pháp từ cuối thế kỷ 19.

Linh đạo nào thì linh đạo cũng đều nhắm mục đích giúp cho Kitô hữu có thể tiến đến chỗ hay đến trình độ hoặc mức độ tu đức cao nhất là được hiệp thông thần linh với Chúa Ba Ngôi nhờ nên giống Chúa Kitô để trở thành chứng nhân cho Người.

1- Lòng Thương Xót Chúa: Sứ Điệp

Linh Đạo Lòng Thương Xót Chúa (LTXC) là gì và như thế nào? Câu trả lời ở ngay Sứ Điệp LTXC, một sứ điệp đã được chính Giêsu trao cho sứ giả thương xót của Người là Chị Thánh Faustina. Thế nhưng, đâu là Sứ Điệp LTXC mà Chị Thánh Faustina đã nhận được từ Chúa Giêsu, nếu không phải ở ngay tấm Ảnh Lòng Thương Xót Chúa! Tại sao? Bởi vì tất cả những gì Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chung loài người và riêng Kitô hữu trong thời điểm của LTXC đều ở trong tấm ảnh này, và tất cả ý nghĩa sâu nhiệm được chất chứa trong tấm ảnh ấy cùng mục đích phổ biến tấm ảnh này như ý Chúa muốn đầu được gói ghém rõ ràng nơi hàng chữ bất khả thiếu ở ngay cuối tấm ảnh: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!".

"Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!" quả thực là tất cả Sứ Điệp LTXC. Đúng thế, nếu tất cả mạc khải thần linh và tột đỉnh mạc khải thần linh của Thiên Chúa là chính Lòng Thương Xót Chúa thì chỉ có ai tin vào Lòng Thương Xót Chúa mới được cứu rỗi mà thôi. Mà Lòng Thương Xót Chúa đã được hiện thân sống động nơi Chúa Kitô Vượt Qua, một Chúa Kitô Vượt Qua được biểu hiện sống động nơi hình ảnh Người mặc áo trắng (phục sinh) nhưng vẫn còn đủ năm dấu thánh (khổ nạn và tử giá) trên thân xác phục sinh của Người, cho thấy Người đã hoàn toàn thực sự chiến thắng tội lỗi và sự chết, để thông ban cho con người tạo vật tội lỗi của Người "sự sống và sự sống viên mãn" (Gioan 10:10), một "sự sống" (tiêu biểu nơi tia sáng đỏ, ám chỉ máu cứu độ) và "sự sống viên mãn"  (tiêu biểu nơi tia sáng trắng, ám chỉ nước Thánh Linh), xuất phát từ chính Tình Yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa (tiêu biểu nơi dấu thánh ở ngực Chúa Giêsu).

Ảnh LTXC chính là Ảnh Chúa Giêsu Vượt Qua, một Chúa Giêsu khổ nạn và tử giá, thậm chí sau khi đã chết trên thập tự giá mà vẫn còn tiếp tục "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1), ở chỗ đổ hết "máu" của mình ra cho đến giọt "nước" cuối cùng từ cạnh sườn lồng ngực của Người. Bởi thế, Chúa Giêsu chính là tất cả và là tột đỉnh của LTXC, đến độ, "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9), vì "Cha Thày yêu Thày thế nào Thày cũng yêu các con như thế" (Gioan 15:9): để làm gì, nếu không phải, ngay sau câu này Chúa Giêsu đã lập tức kêu gọi các tông đồ rằng: "Hãy ở lại trong tình yêu của Thày" (Gioan 15:9). "Hãy ở lại trong tình yêu Thày" nghĩa là gì, nếu không phải là tin vào Người!

Và đó là lý do chúng ta thấy ở cuối tấm Ảnh LTXC mới có câu làm nên tất cả Sứ Điệp LTXC: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!" Nghĩa là con tin nơi Chúa, vì Chúa "Giêsu" chính "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), là chính "Chúa của con và là Thiên Chúa của con" (Gioan 20:28), Đấng đã chẳng những chiến thắng sự chết và sự chết không làm chủ được Người (vì Người "là Chúa của con"), mà còn là Đấng hằng sống và làm chủ tất cả mọi sự (vì Người "là Thiên Chúa của con").

2- Lòng Thương Xót Chúa: Cấu Trúc

Nếu tất cả Linh Đạo LTXC là ở Sứ Điệp LTXC: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!" thì làm thế nào để sống Linh Đạo LTXC này? Hay nói cách khác, đâu là cấu trúc của Linh Đạo LTXC, hay nói đúng hơn, đâu là tiến trình của Linh Đạo LTXC? Có thể nói, căn cứ vào cấu trúc hay tiến trình của Linh Đạo LTXC thì Linh Đạo LTXC nằm ở cốt lõi của mạc khải Thánh Kinh, bao gồm cả Cựu Ước nhất là Tân Ước.

Thật vậy, cốt lõi của mạc khải Thánh Kinh là gì, nếu không phải là chính LTXC, là bộ sách được linh ứng ghi lại tất cả những sự kiện lịch sử cùng với những lời nói thần linh mạc khải cho thấy quả thực "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16), một tình yêu vô cùng nhân hậu, nhưng không và tận tuyệt, chẳng những đối với riêng dân Do Thái theo giòng lịch sử cứu độ của họ (Cựu Ước) mà còn đối với chung loài người nơi Chúa Giêsu Kitô (Tân Ước) là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) "vào lúc thời gian viên trọn" (Galata 4:4).

Đó là lý do hai câu Thánh kinh, do chính Thiên Chúa gián tiếp truyền và Chúa Giêsu trực tiếp dạy, có thể nói, bao gồm tất cả mạc khải Thánh Kinh, đó là hai câu sau đây:

1- "Nghe đây, hỡi Israel! Vị Chúa là Thiên Chúa của các ngươi, Vị Chúa duy nhất. Bởi vậy các ngươi phải kính mến Vị Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đây với tất cả tấm lòng của các ngươi, với tất cả linh hồn của các ngươi, và với tất cả sức lực của các ngươi" (Đệ Nhị Luật 6:4-5 - ở đây cho dù câu truyền dạy này không phải do chính Thiên Chúa trực tiếp phán truyền nhưng gián tiếp qua trung gian Moisen là đại diện Ngài, nên Moisen đã không sử dụng đại danh từ "chúng ta" bao gồm cả Moisen khi truyền lệnh mà chỉ dùng đại danh từ "các ngươi" phải thế này thế kia);

2- "Thày ban cho các con một giới răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Như Thày đã yêu thương các con thế nào thì các con cũng phải thương yêu nhau như vậy. Cách thức mà tất cả mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thày đó là các con yêu thương nhau" (Gioan 13:34-35).

Hai câu Thánh Kinh chính yếu bao gồm tất cả mạc khải Thánh Kinh về LTXC, chẳng những ghi nhận tất cả những gì liên quan đến Tình Yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa tỏ ra với loài người nơi dân Do Thái của Ngài trong Cựu Ước, cũng như với toàn thể nhân loại nơi Chúa Giêsu Kitô trong Tân Ước, mà còn đến chính con người được Ngài yêu thương cần phải làm sao đáp ứng tình yêu của Ngài một cách xứng đáng nữa, một tình yêu đã trở thành lý do chính yếu, thành động lực thúc đẩy con người phải kính mến Chúa (Cựu Ước) và yêu thương nhau (Tân Ước).

Đúng thế, Tình Yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa là nguyên nhân chính yếu khiến con người phải kính mến Thiên Chúa hết mình, như câu Thánh Kinh thứ nhất (ĐNL 6:4-5) trong Cựu Ước cho thấy. Ở chỗ, tất cả mạc khải Thiên Chúa thực hiện trong Cựu Ước đó là: 1- Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, ngoài Ngài ra không có một chúa nào khác, và 2- Ngài duy nhất ở chỗ Ngài vừa là Đấng khởi đầu (tự hứa hẹn và tự chọn lựa) vừa là Đấng kết thúc đúng như những gì Ngài đã hứa cho dù dân tộc được Ngài tuyển chọn có liên lỉ bất trung với Ngài, bất xứng với những gì Ngài hứa ban cho họ.

Tình Yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa cũng là nguyên động lực khiến con người phải yêu thương lẫn nhau nữa, như câu Thánh Kinh thứ hai trong Tân Ước ở Phúc Âm Thánh Gioan (13:34-35) cho thấy. Ở chỗ, tất cả mạc khải Thiên Chúa thực hiện "vào lúc thời gian viên trọn" (Galata 4:4) mở màn cho Tân Ước là "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1), khi Ngài "ban Con Một mình cho thế gian" (Gioan 3:16), thậm chí "đã không dung tha một phó nộp Người" (Roma 8:32), một tình yêu "trọn lành" (Mathêu 5:48) đầy "thương xót" (Luca 6:36) cần phải được tiếp tục cho "đến cùng" là tận thế bởi thành phần được Chúa Kitô tuyển "chọn và sai đi để sinh hoa trái" (Gioan 15:16) bằng chứng từ yêu thương của họ, như chính họ đã được Người thương yêu, nhờ đó nhân loại nhận biết Chúa Kitô nơi bản thân giống Người của họ và qua đời sống chứng nhân tông đồ của họ.

3- Lòng Thương Xót Chúa: Linh Đạo  

Thế nhưng, thực tế cho thấy, cho dù Kitô hữu thực sự cảm nhận mình đã được Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót "yêu cho tới cùng" nơi Chúa Giêsu Kitô khổ nạn và tử giá, tự bản thân mình, họ vẫn không thể nào "yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con" (Gioan 15:12).

Bởi vậy, theo tu đức, muốn "yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con", Kitô hữu cần phải được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, nghĩa là họ phải làm sao để cho Chúa Kitô sống trong họ, nhờ đó, qua họ, Người mới có thể yêu thương tha nhân như Người đã yêu thương họ.

Tuy nhiên, muốn hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, nhờ đó Chúa Kitô sống trong họ và yêu qua họ, Kitô hữu cần phải được Người chiếm đoạt, ở chỗ Người có thể hoàn toàn làm chủ con người bất toàn và bất lực của họ, và nhờ đó Người có thể điều khiển đời sống của họ theo ý muốn của Người.

Cũng theo kinh nghiệm tu đức, cho dù Chúa Kitô vẫn sống trong Kitô hữu đang có ơn nghĩa với Chúa, bởi Thánh Thần của Người, nhưng Chúa Kitô hầu như bị giam lỏng, bị tê liệt, bị bất lực, không làm được gì, vì cỏ lùng đam mê nhục dục và tình mê nết xấu nơi họ lấn át lúa tốt thánh sủng trong họ.

Chưa hết, Kitô hữu lại còn mâu thuẫn, rất sợ bị Chúa bỏ rơi và cảm thấy diễm phúc khi được Chúa yêu, trong khi đó họ lại rất sợ bị Chúa yêu, thậm chí  phũ phàng chối từ tình yêu Chúa tỏ ra cho họ nồng nặc tính thánh giá đau khổ, một tình yêu họ phải tin tưởng chấp nhận: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!" 

Tóm lại, như thế thì tiến trình của Linh Đạo Lòng Thương Xót Chúa thường bao giờ cũng diễn tiến, nếu thực sự xẩy ra cho một số linh hốn ưu tuyển nào đó, (thường rất hiếm chứ không nhiều), không sớm thì muộn, không nhanh thì chậm, không dài thì ngắn, như sau:

Linh hồn phải làm sao luôn ở trong thế tỏ ra sẵn sàng tin tưởng phó thác như một con trẻ, hoàn toàn ngoan ngoãn dễ dậy trước tác động thần linh vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót, để Ngài tự do chiếm đoạt bản thân của mình và toàn quyền làm chủ cuộc đời của mình.

3.1- Tác động tin tưởng phó thác như con trẻ:

Thật vậy, Kitô hữu không thể nào yêu nhau như Chúa Kitô đã yêu thương họ, cho dù họ đã được Người yêu thương và cho dù họ, vào một lúc nào đó trong đời, được ơn cảm nghiệm được tình yêu vô cùng nhân hậu này của Người.

Bởi vì, ấn tín rửa tội chỉ thánh hóa họ, bằng cách, về phần tiêu cực, thanh tẩy họ khỏi nguyên tội (và tư tội nếu họ rửa tội khi đã có trí khôn), và về phần tích cực, làm cho họ được thông phần vào bản tính thần linh và sự sống thần linh của Thiên Chúa, nhờ đó họ trở thành những đứa con thừa nhận của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

Chính vì họ đã trở nên con cái của Thiên Chúa mà họ cần phải có một tâm tình và đời sống xứng hợp với thân phận làm con Thiên Chúa của mình, những tâm tình và đời sống của Tám Mối Phúc Thật, ở chỗ "trọn lành như Cha trên trời" (Mathêu 5:48), nghĩa là "thương xót như Cha của các con là Đấng thương xót" (Luca 6:36).

Tuy nhiên, Phép Rửa vẫn không tẩy xóa đi mầm mống nguyên tội là các đam mê nhục dục cùng tính mê nết xấu nơi bản thân con người Kitô hữu. Bởi thế, họ vẫn là tội nhân, vẫn hướng hạ, vẫn có thể sa ngã bất cứ lúc nào, vẫn tiếp tục sống trong tội lỗi. Thậm chí có những lúc trở thành đứa con phung phá tất cả gia tài ân sủng quí báu của mình bằng cuộc đời sa đọa hay bằng một tội trọng nào đó.

Dù là linh hồn đang tiến trên đường nhân đức trọn lành, sống một đời có vẻ đạo đức tốt lành, nhờ năng xưng tội rước lễ và kinh nguyện hằng ngày, cũng vẫn chưa hoàn toàn siêu thoát khi còn sống trong thế gian đầy gương mù cùng cám dỗ và sống trong xác thịt đầy dịp tội khó tránh lánh cùng chống trả.

Thậm chí có một số linh hồn dường như đang sống trọn lành, được nhiều người khâm phục và mộ mến, vẫn còn những quyến luyến trần tục nào đó, vẫn còn những tự phụ tự ái bất chính ngấm ngầm nào đó, mà họ không hề hay biết hay cho rằng chính đáng, nhưng lại là những gì bất xứng với Chúa, với tinh thần Phúc Âm, với Chúa Kitô chân thực, nên vẫn cần phải được Chúa thanh tẩy vào một lúc nào đó mà họ không biết, như họ bất ngờ bị Chúa chộp bắt như Ngài chộp bắt một Saulê đang hung hăng bách hại Kitô hữu sơ khai, theo lòng nhiệt thành với Do Thái giáo (Judaism) được cho là chính đáng duy nhất và trên hết của mình, một Saulê bị ngã ngựa (xem Philiphê 3:6; Tông Vụ 22:6-7).

3.2- Tác động thần linh muốn chiếm đoạt linh hồn:

Thật vậy, nếu một Saul ngã ngựa là trường hợp điển hình cho thấy Thiên Chúa muốn chiếm đoạt con người để họ, bất kể quá khứ của họ có thể nào chăng nữa, có xấu xa đến đâu và có đáng ghê tởm đến mấy đi nữa, trở thành những gì Ngài muốn, miễn là họ thành tâm thiện chí, và thậm chí họ càng bất xứng và bất lực, miễn là họ ngoan ngoãn dễ dậy, họ vẫn có thể trở thành nơi cho Chúa tỏ mình ra, trở thành cuộc thần hiển (theophany) của LTXC.

"Thiên Chúa đã chọn những ai bị thế gian coi là ngu xuẩn để làm cho kẻ khôn ngoan hổ thẹn; Ngài đã chọn kẻ yếu hèn trên thế giới này để làm cho kẻ quyền năng phải hổ thẹn. Ngài đã chọn kẻ thấp hèn và bị khinh bỉ, kẻ bị coi chẳng là gì để kẻ có thành không" (1Corinto 1:27-28).

Riêng chàng Saulê, sau khi được Chúa chiếm đoạt, đã trở thành một dụng cụ lợi hại được Ngài sử dụng cho phần rỗi của thành phần dân không cắt bì như dân Do Thái, với tư cách là Tông Đồ Dân Ngoại: "Ta sẽ làm cho ngươi thành ánh sáng cho chư dân, thành phương tiện cứu độ cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 13:47).

Linh hồn nào được Thiên Chúa chiếm đoạt cũng thế, cũng được biến đổi và hiệp nhất nên một với Ngài, chẳng những, về phương diện tiêu cực, không còn hay hầu như không còn suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa, tác hành và phản ứng một cách thuần tự nhiên nữa, mà trái lại, về mặt tích cực, có một tâm tưởng và ngôn hành cùng phản ứng như Chúa Kitô, đến độ, lời họ nói hay việc họ làm, cho dù đơn sơ bé nhỏ và tầm thường, vẫn có một quyền lực nội tâm thu hút thần linh, vẫn có một tác dụng thần linh nào đó nơi những ai giao tiếp với họ.

Chính vì được Chúa chiếm đoạt và biến đổi như thế, linh hồn ưu tuyển này mới có thể "yêu nhau như Thày yêu các con" (Gioan 15:12), ở chỗ, như Người: 1- "đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ" (Mathêu 20:28), 2- để "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1), 3- đến độ dám "hiến mạng sống mình cho người mình yêu" (xem Gioan 13:35, 17:19), bao gồm cả kẻ thù được mình yêu (xem Mathêu 5:43), sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm khốn mình (xem Luca 23:34).

Thực tế cho thấy tâm hồn Kitô hữu nào được Thiên Chúa chiếm đoạt thì thường có tâm trạng như sau, như được thấy nơi các vị thánh, đó là:

1- Họ không còn một quan tâm và lo lắng nào hơn ngoài phần rỗi của chính bản thân mình cũng như của các linh hồn, nghĩa là họ cảm thấy được chính cơn khát núi sọ của chính Chúa Kitô, họ quả thực đã "khao khát nhân đức trọn lành" (Mathêu 5:6)

2- Tuy nhiên, đời sống đạo của họ vẫn tiếp tục vấp phạm, cho dù là tội nhẹ hay chỉ là các lầm lỗi nho nhỏ, khiến họ cảm thấy mình hoàn toàn bất lực nếu không có ơn Chúa, và vì thế họ chẳng những tin tưởng vào LTXC hơn mà còn không dám khinh một ai, họ đã biết "thương xót người" (Mathêu 5:7);

3- Vì phần rỗi của mình, họ theo đuổi nên trọn lành như Cha trên trời của họ, ở chỗ họ sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì bất xứng với phần rỗi và thân phận làm con cái Thiên Chúa của họ, và chấp nhận tất cả những gì Thiên Chúa muốn nơi họ, nhờ đó họ đã tiến tới chỗ "có lòng thanh sạch" (Mathêu 5:8);

4- Vì phần rỗi của tha nhân, họ cảm thấy buồn khổ khi thấy các linh hồn ơ hờ với phần rỗi của mình, coi thương, dù vô tình, ơn cuộc chuộc vô giá của Chúa Kitô, nhất là thấy các linh hồn cứ xúc phạm đến Chúa, một tâm trạng cho thấy họ là "người kiến tạo hòa bình" (Mathêu 5:9);

5- Thậm chí họ sẵn sàng hy sinh cho phần rỗi vô giá của các linh hồn, dù có phải chịu cực hình gây ra bởi hậu quả tội lỗi của tội nhân thay cho tội nhân, để phần nào đền tạ Tình Yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa đã bị tội nhân phạm đến, nhờ đó tội nhân được LTXC vô biên cứu rỗi, hành động của họ như vậy chẳng khác gì như thể họ sẵn sàng chịu khốn khó vì Nước Trời (xem Mathêu 5:10-11), những khốn khó do tội nhân gây ra mà họ hứng chịu.

Thế nhưng, muốn được như vậy, tức là muốn được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, muốn được hoàn toàn trọn vẹn nên giống Chúa Giêsu Kitô, muốn trở thành chứng nhân thương xót trung thực và sống động của Người theo tác động thần linh của Thánh Thần, điều kiện trên hết và trước tiên đối với Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, đó là họ phải làm sao để cho Chúa yêu thương họ theo cách thế của Ngài, đừng sợ như "cành nho đã sinh hoa trái" cần bị "cắt tỉa cho càng sinh trái hơn" (xem Gioan 15:2), bằng lòng tin tưởng phó thác như một trẻ thơ cho Vị Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót của mình, như Mẹ Maria trong biến cố Truyền Tin: "Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài truyền" (Luca 1:38).

Tóm lại,

1- Linh đạo là gì, nếu không phải linh đạo là một đường lối tu đức giúp linh hồn Kitô hữu có thể gặp gỡ Chúa Kitô nhờ đó làm chứng cho Người. 

2- Sở dĩ có những linh đạo khác nhau là vì không phải chúng ta tìm gặp Chúa mà chính Chúa tìm gặp từng người chúng ta, và vì mỗi người đều có cuộc đời và thân phận khác nhau, nên Ngài có cách thức riêng của Người đối với từng người, như Người đã thực hiện việc gặp gỡ giữa Người với người phụ nữ Samariatnô ở Bờ Giếng Giacóp, hay với viên trưởng ban thu thuế Giakêu, hoặc với chàng Saulê hung hăng bắt đạo.

3- Những linh đạo khác nhau theo giòng lịch sử Giáo Hội nào cũng đều là con đường tu đức dẫn đến chỗ, trước hết và trên hết, gặp gỡ Chúa Kitô, một yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly với yếu tố chứng nhân. Chẳng hạn bằng đường lối tu đức sống ẩn dật và khổ chế của các vị ẩn tu, sống cầu nguyện và làm việc của vị tổ phụ dòng Biển Đức, sống nghèo hèn ngày nào đủ cho ngày ấy của tổ phụ dòng Phanxicô, sống tuân phục Thánh Ý Chúa trong mọi sự của vị tổ phụ dòng Tên, sống siêu thoát khỏi mọi tạo vật của hai vị thánh thuộc Carmelô, sống nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa của Thánh Louis Montfort, hay sống thơ ấu thiêng liêng của Thánh Therese Hài Đồng Giêsu.

4- Linh Đạo Thương Xót là gì và như thế nào, nếu không phải là tin vào LTXC: đừng sợ "bị" Thiên Chúa chiếm đoạt để Người có thể biến đổi chúng ta, và với Người chúng ta mới có thể "yêu nhau như Thày yêu" (Gioan 13:34, 15:12), nhờ đó mà "mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thày" (Gioan 13:25), nghĩa là nhờ đức ái trọn hảo mà tâm hồn TĐCTT nào tin vào LTXC đã trở thành chứng nhân sống động của LTXC.