THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

Mầu Nhiệm Vượt Qua - Với Các Liên hệ


(Ba Vấn Đề Liên Hệ về Ngày của Chúa, Rửa tội Đêm Vọng Phục Sinh và về các Bí Tích)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



1- Tại sao Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các tông đồ không vào ban sáng hay trong ngày mà vào chiều tối?

Mầu Nhiệm Vượt Qua: Ngày Chúa lập ra


Chúa Giêsu không hiện ra với các vị tông đồ đầu tiên, như thánh ký Marcô đã thuật lại theo thứ tự (16:9-16) 
đã hiện ra với Chị Maria Mai Đệ Liên vào ban sáng, và cũng đã hiện ra với 2 môn đệ đi về làng Emmaus ban chiều, nhưng mãi đến ban tối (evening) mới hiện ra với các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi chính yếu của Người, thành phần duy nhất được Người đích thân sai đi rao giảng tin mừng "cho mọi tạo vật" (Marco 16:15), với tư cách là "các chứng nhân" (Luca 24:48) của Người, với quyền tái sinh vào sự sống thần linh những ai tin vào Người bằng việc "lãnh nhận phép rửa" (Marco 16:16) "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mathêu 28:19).

Cho dù người nữ (mang thân phận giáo dân) được Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra đầu tiên, sau đó tới các môn đệ (với tư cách, so với các tông đồ, được coi như giáo sĩ), thế nhưng cả hai thành phần này đều phải trình lại với các vị tông đồ là hàng giáo phẩm có thẩm quyền trong Giáo Hội Chúa Kitô. 

Như thế, sở dĩ Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các tông đồ sau cùng, vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần (xem Gioan 20:19), chẳng phải là để chứng từ của những kẻ được Người hiện ra trước các vị giúp các vị dễ tin hơn khi Người hiện ra với các vị, mà là vì đúng hơn vai trò quan trọng hơn của các vị, như nhân loại được Thiên Chúa hóa công dựng nên sau cùng trong mọi tạo vật lại là tạo vật quan trọng nhất của Ngài. Ngày thứ sáu tạo dựng, ngày tạo dựng cuối cùng, ngày con người là tạo vật chính yếu được dựng nên, so với 5 ngày trước đó, có thể nói là ngày chính yếu nhất, vì nếu Thiên Chúa không dựng nên loài người để nhờ đó Ngài có thể làm người và tỏ hết bản tính là tình yêu nhân hậu của Ngài ra thì chắc đã không có 5 ngày trước. Bởi thế, theo ý định tạo dựng của Thiên Chúa thì con người có trước hết, dù theo thời gian được dựng nên sau hết. Như thể trứng gá có trước con gà về tiến trình thời gian nhưng thật ra theo dự án tạo dựng thì con gà có trước mới có trứng gà, và nếu không có con gà cũng chẳng có trứng gà vậy.

Nếu tính theo thời gian về thể lý thì quả thực các vị tông đồ được Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra sau cùng, nhưng xét về thời gian theo nhãn quan thần linh thì các vị lại là thành phần được Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra trước nhất. Tại sao? Ở chỗ nào?? Câu trả lời ở ngay câu họa của bài Đáp Ca cho Lễ Phục Sinh Chúa Nhật: "Đây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy hân hoan về ngày đó". 

Thật vậy, ngày của Chúa không giống như ngày của nhân loại tính theo thời gian về thể lý, từ sáng tới tối, trái lại, ngày của Thiên Chúa được bắt đầu từ "buổi chiều tối" (evening) cho đến sáng, như Sách Khởi Nguyên lập lại điều này sau mỗi ngày tạo dựng của Ngài: "Thế là qua một buổi chiều tối và một buổi sáng. Đó là ngày thứ 1... ngày thứ 2... ngày thứ 3... ngày thứ 4... ngày thứ 5... ngày thứ 6" (các câu 5,8,13,19,23,31)

Vậy, nếu theo ngày của Thiên Chúa, từ tối đến sáng, thì các tông đồ đã trở thành những người được Chúa Kitô hiện ra đầu tiên, bởi vai trò quan trọng nhất của các vị trong Giáo Hội Người đã thành lập và thánh hóa, một Giáo Hội "tự bản chất là truyền giáo" (Công Đồng Chung Vaticano II: Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo # 2 - 7/12/1965), là "ánh sáng muôn dân - lumen gentium" (Nhan đề của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticano II - 21/11/1964), là loan truyền Tin Mừng Sự Sống (the Gospel of Life) bằng chứng từ Phục Sinh của các tông đồ và đức tin tông truyền của Giáo Hội. 


Nếu Mầu Nhiệm Vượt Qua, hay đúng hơn Biến Cố Vượt Qua, được bắt đầu từ Thứ Năm Tuần Thánh, với Bữa Tiệc Ly vào lúc chiều tối giữa Chúa Giêsu với các vị môn đệ tông đồ của Người, lúc Người ngay trước khi lập Bí Tích Thánh Thể đã bắt đầu cuộc khổ nạn của Người khi "Người càng cảm thấy hết sức xao xuyến - He grew deeply troubled" ngay trước khi tiết lộ "một người trong các con sẽ phản bội Thày" (Gioan 13:21), cho đến Tối Chúa Nhật (sau Kinh Thần Vụ tối), có nghĩa là, theo đúng tiến trình ngày của Chúa ngược chiều với ngày tự nhiên, tiến trình từ tối đến sáng, (bởi thế mới gọi là Tam Nhật Vượt Qua từ chiều tối Thứ Năm tới lễ Đêm Vọng Phục Sinh qua sáng Chúa Nhật), thì quả thực Biến Cố Vượt Qua của Chúa Kitô quả thực chính "là Ngày Chúa đã làm nên, chúng ta hãy hân hoan về ngày ấy".


2- Tại sao thành phần dự tòng bao giờ cũng được rửa tội vào lễ Đêm Vọng Phục Sinh?


Mầu Nhiệm Vượt Qua: Tác dụng thần linh

Nếu Bí Tích Thánh Tẩy Kitô giáo có hai tác dụng: Thánh Hóa và Thanh Tẩy, gọi tắt là Thánh Tẩy, ở chỗ, "ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12) xua tan "bóng tối sự chết (Thánh Vịnh 23:4; Luca 1:79) nơi họ, thành phần mà về phần mình, nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất (xem Tông Vụ 4:12), họ thật sự đã "được vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24; 1Gioan 3:14), được đưa "từ tối tăm vào ánh sáng lạ lùng" (1Phêrô 2:9), thì họ cần phải được lãnh nhận phép rửa vào chính Đêm Vọng Phục Sinh, vì hợp với ý nghĩa của đêm này.

Thật vậy, Đêm Vọng Phục Sinh chính là Đêm Vượt Qua của Chúa Kitô, thời điểm nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét đã bị giáo quyền Do Thái giáo lên án và chính quyền dân ngoại Rôma kết án cùng đóng đanh vào thập tự giá, nhưng đã sống lại từ trong cõi chết, nghĩa là đã Vượt Qua sự chết mà vào Sự Sống, đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết, đúng hơn, đã biến tối tăm thành ánh sáng, biến chết chóc thành sự sống, theo đúng ý nghĩa "từ trong cõi chết sống lại", theo chiều hướng đi vào tận chính lòng địch để bắt địch. khống chế địch và điều khiển địch.

Bởi thế, ý nghĩa Vượt Qua của Chúa Kitô ở đây bao gồm 2 chiều kích: chiều kích cứu chuộc (redemption) bằng cuộc khổ nạn và tử giá của Người, và chiều kích công chính hóa (justification) bằng việc phục sinh từ trong cõi chết của Người: "Người chết đi để tiêu diệt sự chết và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con" (câu tuyên xưng đức tin ngay sau phần truyền phép Thánh Thể trong Thánh Lễ). 

Nơi nhân tính của Người, một nhân tính Người đã mặc lấy đã Vượt Qua như thế nên nhân tính của loài người nói chung, một nhân tính đã bị hư đi bởi nguyên tội và theo nguyên tội, nên ai sinh ra với nhân tính loài người đều vướng mắc nguyên tội, cho dù chính mình không phạm nguyên tội như hai nguyên tổ, nhờ cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, Thiên Chúa hóa thân làm người, đã được cứu chuộc và công chính hóa, nhất là đối với những ai tin nhận Người bằng cách lãnh nhận phép rửa (xem Marco 16:16).

Đó là lý do trong Bài Đọc thứ 8 trong 9 bài đọc của Lễ Đêm Vọng Phục Sinh, một bài đọc Tân Ước ngay trước Bài Phúc Âm, Giáo Hội đã chọn đọc Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Rôma: 

"Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy" (6:1-4).

Tuy nhiên, trong Mầu Nhiệm Vượt Qua này của Chúa Kitô, cuộc khổ nạn và tử giá của Người không phải đối tượng của đức tin cho bằng sự kiện sống lại từ trong cõi chết của Người, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận trong bài Giáo Lý về niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo thứ 19 của ngài ở buổi triều kiến chung Thứ Tư 19/4/2017 như sau: 

"Việc chấp nhận Chúa Kitô đã chết đi và Người đã chết trên thập tự giá, không phải là một tác động đức tin; nó là một sự kiện lịch sử. Trái lại, việc tin tưởng Người đã phục sinh mới là (tác động đức tin). Đức tin của chúng ta được xuất phát từ sáng Phục Sinh". 

Việc lãnh nhận Phép Rửa của thành phần dự tòng người lớn chính là việc tuyên xưng đức tin vậy, tin vào Vị Đấng Phục Sinh là "Chúa và Thiên Chúa" (Gioan 20:28), hay "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25): là "Chúa" vì Người "là sự sống lại" đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết; là "Thiên Chúa" vì Người là "sự sống" vĩnh hằng bất diệt. Và chính nhờ tin mà được công chính hóa (xem Roma 3:22,5:1).

Trong Nhật Ký của Chị Thánh Faustina, khoản 570, Chúa Giêsu cũng đã chẳng những tái xác định nguyên tắc "được công chính hóa nhờ tin" mà còn khẳng định đức tin liên quan đến Mầu Nhiệm Phục Sinh (hơn biến cố Khổ Giá) rằng: "Không một linh hồn nào sẽ được công chính hóa cho tới khi tin tưởng quay về với tình thương của Cha, và đó là lý do tại sao Chúa Nhật thứ nhất sau Phục Sinh là Lễ Chúa Lòng Thương Xót Chúa”  (chứ không phải Thứ Sáu Tuần Thánh, là ngày có bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan về sự kiện cạnh sườn của Người bị lưỡi đòng đâm vào làm cho "nước và máu chảy ra" - Gioan 19:34).

Việc được công chính hóa đây tự bản chất bao gồm cả việc tha tội và thánh hóa. Mà thành phần dự tòng người lớn là thành phần chẳng những mắc nguyên tội mà còn cả tư tội nữa, nên khi được công chính hóa bởi Phép Thánh Tẩy thì họ được tha cả tư tội nữa, nhờ lòng tin tưởng của họ nơi quyền năng phục sinh của Người (xem Mathêu 28:19).

Tóm lại, thành phần dự tòng lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy vào Đêm Vọng Phục Sinh thật là thích hợp theo đúng ý nghĩa Vượt Qua của chính Chúa Kitô, một cuộc Vượt Qua của Vị Thiên Chúa Làm Người có tác dụng cứu độ (salvation) chung nhân loại và riêng những ai tin tưởng vào Người, điển hình nhất là thành phần dự tòng người lớn (hơn là trẻ em chưa có trí khôn), những con người đã từng sống tội lỗi trong quá khứ, nhưng nhờ Thánh Linh là Thần Chân Lý đã nhận biết "tất cả sự thật" (Gioan 16:13). Đêm Vọng Phục Sinh là thời điểm cử hành mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô cũng là thời điểm cử hành đức tin Kitô giáo, được tiêu biểu tuyệt vời qua việc ban Bí Tích Thánh Tẩy cho anh chị em dự tòng Kitô giáo. 

 



3- Chúa Kitô có thiết lập bí tích nào sau khi Người từ trong cõi chết sống lại hay chăng? Nếu có thì các bí tích ấy là những bí tích nào và có những đặc điểm nào?? Đặc điểm ấy giống nhau hay khác nhau???

Mầu Nhiệm Vượt Qua: Nguồn mạch Bí Tích

Theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo thì chính Chúa Giêsu đã thiết lập 7 bí tích (xem sách Giáo Lý số 1210). Tuy nhiên, ngoại trừ Bí Tích Thánh Thể (và Bí Tích Truyền Chức Thánh) cùng Bí Tích Rửa Tội, hầu như không thấy nói đến việc Chúa Giêsu đã thiết lập từng bí tích này khi nào, ở đâu và với ai? 

Bởi thế, chúng ta có thể suy đoán theo từng bản chất và mục đích cùng ý nghĩa của mỗi bí tích liên quan đến nguồn gốc thiết lập của mỗi bí tích bởi chính Chúa Kitô, và hoàn toàn tuân phục mọi phán quyết của thẩm quyền Giáo Hội về tính chất chính xác và chân thật của vấn đề được người viết suy diễn ở đây.

Trước hết, điều thứ nhất liên quan đến việc Chúa Giêsu thiết lập các bí tích đó là cần phải hội đủ các tông đồ là thành phần được Người trao cho "các chìa khóa Nước Trời" (xem Mathêu 16:19; 18:18), những yếu tố then chốt để mang ơn cứu độ đến cho nhân loại nói chung và nội bộ Giáo Hội nói riêng, một thành phần tông đồ là nền tảng của Giáo Hội (xem Epheso 2:20) và là đại diện cho Giáo Hội. 

Bởi thế, căn cứ vào Phúc Âm chúng ta thấy 7 Bí Tích được chính Chúa Giêsu thiết lập khi có đầy đủ các tông đồ ở ba lần khác nhau: lần nhất và lần hai đều ở cùng một nơi là Nhà Tiệc Ly, còn lần ba ở trên núi thuộc miền Galilêa. Lần nhất Người lập 3 Bí Tích một lúc: Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Truyền Chứa Thánh và Bí Tích Hôn Phối. Lần hai, sau khi sống lại từ trong cõi chết, cũng ở Nhà Tiệc Ly, Người đã lập 3 Bí Tích một lúc: Bí Tích Giải Tội, Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Xức Dầu Thánh. Lần ba cũng là lần cuối cùng Người đã lập Bí Tích Rửa Tội, trước khi về trời ở Galilêa.

Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh, khi: "Người cầm lấy bánh, tạ ơn và bẻ ra rồi trao cho các môn đệ mà phán: 'Này là mình Thày bị nộp vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày'" (Luca 22:19). Người lập Bí Tích Thánh Thể khi phán: "Này là mình Thày bị nộp vì các con", và Người ngay sau đó lập Bí Tích Truyền Chức Thánh khi phán: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày". Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trước rồi mới lập Bí Tích Truyền Chức Thánh sau, nghĩa là Chức Thánh chỉ là phương tiện cho Thánh Thể của Người, chứ không phải nếu không có linh mục thì cũng chẳng có Thánh Thể, nên linh mục quan trọng hơn Thánh Thể như lập luận của một số người. Nếu không có Thánh Thể cũng chẳng có linh mục. Thánh Thể là chính, linh mục hay chức thánh là phụ, cho dù cả hai bất khả phân ly.

Chúa Giêsu lập Bí Tích Hôn Phối, khi Người truyền cho các môn đệ của mình rằng: "Thày ban cho các con một giới răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Thày yêu thương các con thế nào các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy" (Gioan 13:34,15:12). Thật vậy, ý nghĩa và mầu nhiệm hôn nhân Kitô giáo là ở chỗ "phản ảnh mầu nhiệm cao cả giữa Chúa Kitô và Giáo Hội" (Epheso 5:32): "Chồng phải thương yêu vợ mình như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội" (Epheso 5:25), và "vợ phải vâng lời chồng trong hết mọi sự như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ như Chúa Kitô là đầu của thân thể mình là Giáo Hội" (Epheso 5:22-23). Đó là lý do Bài Phúc Âm trong thánh lễ thành hôn thường có bài Phúc Âm có lời Chúa Giêsu dạy về giới răn mới liên quan đến tình yêu của Người với Giáo Hội và giữa các phần tử Giáo Hội với nhau

Chúa Giêsu lập Bí Tích Hòa Giải, khi "Người thở hơi trên các môn đệ mà phán: 'Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội của người ấy bị cầm lại" (Gioan 20:22-13). Ở đây, theo thứ tự của câu Người nói, thì trước khi trao quyền tha tội cho các tông đồ, Chúa Kitô đã thông ban Thánh Linh từ thân xác phục sinh của Người cho các vị, để không phải các vị chỉ nhờ Thánh Linh, Đấng đến để làm cho thế gian thấy họ sai lầm về tội lỗi, về công lý và về sự luận phạt (xem Gioan 16:8), hầu tha tội cho hối nhân, mà chính bản thân các vị cũng được công chính hóa bởi Thánh Linh nữa, vì các vị đã nhút nhát bỏ Thày mà tẩu thoát (xem Marco 14:50), thậm chí còn chối bỏ Thày mình (xem Marco 14:66-72).

Chúa Giêsu lập Bí Tích Xức Dầu Thánh, khi "những dấu hiệu kèm theo những ai tuyên xưng đức tin của mình đó là họ sẽ nhân danh Thày mà khu trừ ma quỉ; họ sẽ nói ngôn ngữ hoàn toàn mới; họ sẽ có thể bắt rắn trong tay; họ có thể uống chất độc vô hại; họ sẽ đặt tay chữa lành cho bệnh nhân" (Marco 16:17-18). "Những ai tuyên xưng đức tin đây" trong lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ ở đây, trước hết và trên hết, áp dụng cho chính các tông đồ, thành phần chứng nhân tiên khởi về đức tin của các vị. Bởi thế, chỉ có các vị mới được Người trao quyền "trừ quỉ" (Mathêu 10:1), nên các vị giám mục thừa kế các ngài trong Giáo Hội mới có thẩm quyền ủy thác nhiệm vụ hay quyền năng trừ quỉ cho một vị linh mục nào đó xứng đáng trong giáo phận của các ngài. Vậy cũng chỉ có các tông đồ mới có quyền chữa lành bệnh nạn (xem Mathêu 10:1), một tác dụng của Bí Tích Xức Dầu Thánh cho bệnh nhân hay kẻ yếu liệt.

Chúa Giêsu lập Bí Tích Thêm Sức, khi Người phán cùng các tông đồ rằng: "Các con là những chứng nhân về điều này. Này Thày sai xuống trên các con lời Chúa Cha đã hứa. Các con hãy ở lại thành này cho tới khi các con nhận được quyền lực từ trên cao" (Luca 24:48). Thánh Linh các tông đồ nhận được vào ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem cũng chính là Thánh Linh các vị đã nhận được chính Chúa Kitô thông ban cho các vị từ thân xác phục sinh của Người (xem Gioan 20:22). Tuy nhiên, vị Thánh Linh được Chúa Kitô thông ban cho các vị từ thân xác phục sinh của Người mới chỉ để công chính hóa bản thân các vị và ban cho các vị quyền tha tội mà thôi, còn Thánh Linh các vị nhận được khi Thánh Linh hiện xuống thì từ Cha do Chúa Kitô sai xuống trên các vị (xem Gioan 15:26), như "quyền lực từ trên cao" (Luca 24:49; xem Tông Vụ 1:8) để nhờ đó các vị mới có thể làm chứng cho Người. Và vì Bí Tích liên quan đến việc làm chứng cho Chúa Kitô, và việc làm chứng này lại liên quan trực tiếp đến vai trò chính yếu của các tông đồ, mà chỉ có các vị Giám Mục mới có năng quyền ban bí tích này mà thôi, khi con người đã đến tuổi thanh thiếu niên, cho dù nhờ Phép Rửa họ nhận từ nhỏ họ đã có Thánh Linh, vị Thánh Linh công chính hóa họ, như vị Thánh Linh được Chúa Kitô Phục Sinh thông cho các tông đồ đã công chính hóa các vị vậy. 

Chúa Giêsu lập Bí Tích Rửa Tội, khi Người phán "Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ thuộc tất cả mọi dân nước. Các com hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mathêu 28:19). Sở dĩ Bí Tích Rửa Tội là bí tích duy nhất Chúa Giêsu thiết lập, và thiết lập cuối cùng, ở miền Galilêa và ở trên núi, là vì Bí Tích Rửa Tội nhắm đến dân ngoại, và Galilêa là miền đất Do Thái đầy những dân ngoại, đã từng là nơi chính Người đã xuất thân và tỏ mình ra cùng hẹn tái ngộ với các tông đồ ở đây sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết. Trong câu lệnh truyền trên đây của Chúa Kitô liên quan đến Phép Rửa, ngay trước đó, Chúa Kitô Phục Sinh, trước hết và trên hết, muốn các tông đồ phải "đi tuyển mộ các môn độ ở mọi dân nước" đã (rồi mới rửa tội). Nghĩa là, theo ý của Người, để "ai tin và chịu phép rửa thì sẽ đưoọc cứu độ" (Marco 16:16), các tông đồ cần phải làm chứng cho Người, rao giảng về Người chẳng những bằng giáo thuyết Kitô giáo mà còn bằng chính tinh thần Phúc Âm Kitô giáo của các vị, bằng không, người ta chẳng nhận biết Chúa Kitô nơi các vị mà trở lại để lãnh nhận Phép Rửa Cứu Độ bởi các vị. 

Tóm lại, nếu lấy biến cố Vượt Qua làm mốc thì trước khi Chúa Kitô phục sinh, Người đã lập 3 Bí Tích yêu thương là Thánh Thể, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối, và sau khi từ trong kẻ chết sống lại Người đã lập 4 Bí Tích công chính hóa là Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Thêm Sức và Rửa Tội. Tất cả 7 Bí Tích đều xoay quanh Mầu Nhiệm Vượt Qua và Mầu Nhiệm Vượt Qua là nguồn mạch của 7 Bí Tích, vì Mầu Nhiệm Vượt Qua là Mầu Nhiệm Yêu Thương và Sự Sống.

Các Bí Tích là phương tiện để Chúa Kitô Phục Sinh, "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) thông ban sự sống thần linh của Người cho những ai tin tưởng đón nhận Người nơi các bí tích ấy. Như khi Người còn sống trên thế gian thì nhân tính của Người nói chung và thân xác của Người nói riêng đã là phương tiện, là bí tích để Người tỏ mình thế nào, nay Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người cũng được coi "như bí tích của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" (Hiến Chế tín lý về Giáo Hộ - Lumen Gentium, khoản 1)