THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

NGẪU TƯỢNG ĐẠO THEO


Chẩn Bệnh, Chứng Bệnh và Trị Bệnh


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 


Dẫn Nhập


NGẪU TƯỢNG ĐẠO THEO - CHẨN BỆNH
1- Tần số tội lỗi
2- Remote control cám dỗ
3- Ôm bom khủng bố

NGẪU TƯỢNG ĐẠO THEO - CHỨNG BỆNH
4- On/off đức tin
5- Tẩu hỏa nhập ma 
6- Sợ ma ban ngày
7- Nạn nhân bản thân
8- Thương hại: hơn "thương hàn", thua thương xót
9- Thứ thương xót sặc hận thù... 
10- Nhân danh bác ái khủng bố 
11- Nói ra, nói vào và nói lại
12- Bóp méo sự thật
13- Dead end ... No way out 
14- May quá Chúa thương vậy thì xui quá Chúa...
15- "Làm việc cho Chúa"
16- CEO
17- Ba cao một thấp
18- Rút ống là tiêu tùng
19- Hội kín thợ xây trật tự thế giới mới
20- Xưng tội của nhau
21- "Có tội gì đâu mà xưng"
22- "và những điều thiếu sót…”
23- “không biết mình thực sự đã nói gì”
24- Muốn được Chúa thương mà lại sợ bị Chúa yêu
25- Một phát súng trúng hai con chim
26- Thiên đường trần thế
27- Thiên đường tàn tật
28- "Phải chăng ít kẻ được cứu rỗi?" 
29- Như đám trẻ ngồi ngoài đường phố
30- Thành phần những cao thủ hiệp sĩ mù
31- Xa cha phung phá - gần cha hoang đàng

NGẪU TƯỢNG ĐẠO THEO - TRỊ BỆNH
32- Linh đạo GPS 
33- Wifi Thiêng Liêng
34- Recalculate

 

Tổng kết



Dẫn Nhập


Người ta vẫn nói những ai trở lại đạo để lấy chồng hay lấp vợ Công giáo là những người thuộc dạng đạo theo. Ấy thế mà thực tế phũ phàng cho thấy kể cả thành phần đạo gốc, thường là thành phần được rửa tội từ nhỏ, thành phần sinh ra từ một gia đình Công giáo, nếu không khéo, cũng sống đức tin thuộc dạng “đạo theo” này hơn là dạng thật sự là “theo đạo”.


Nếu thành phần Kitô hữu Công giáo “theo đạo” là những người sống đức tin chân chính theo đúng tinh thần Phúc Âm và giáo huấn truyền thống nhưng luôn thức thời của Mẹ Giáo Hội thì thành phần Kitô hữu Công giáo sống đức tin theo dạng “đạo theo” là những người sống đức tin theo ý nghĩ, ý thích, ý muốn chủ quan của mình, theo khuynh hướng tự nhiên vốn thiên về “đường rộng thì nhiều người đi” (Mathêu 7:13) của mình, thậm chí có những trường hợp cực đoan theo chiều hướng cấp tiến thái quá hay theo chiều hướng bảo thủ bất cập.


Nhân dịp Năm Thánh Mẫu Fatima Bách Niên 2017, để tỏ ra nhận biết và yêu mến Mẹ Maria thực sự là Đấng đã đến Fatima năm 1917 để tiết lộ một Bí Mật Thương Xót cho Kitô hữu chúng ta và để thành lập một Đạo Binh Thương Xót trong Kitô hữu chúng ta, một Bí Mật Thương Xót và một Đạo Binh Thương Xót được bắt nguồn từ chính Sứ Điệp Thương Xót do Mẹ ban bố đó  là “đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm dến nhiều lắm rồi” (13/10/1917).


Nghĩa là Mẹ kêu gọi Kitô hữu chúng ta chẳng những hãy từ bỏ tội lỗi mà trở về với “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta”, tức là trở về với Chúa Giêsu Kitô, mà còn hãy sống xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa Kitô như Mẹ nữa. Nói cách khác, một cách thực tế hơn, Mẹ Maria đã kêu gọi Kitô hữu chúng ta hãy thực sự theo Chúa Kitô “là  Đường / Đạo” (Gioan 14:6), ở chỗ “bỏ mình và vác thập giá mà theo Thày” (Mathêu 20:24), chứ đừng theo bất cứ một phản kitô nào (anti-christ), một thứ ngẫu tượng nhân tạo và giả tạo của thành phần “đạo theo”.


Sau đây là một số hình thức hay kiểu cách hoặc đường lối sống đức tin ở dạng “đạo theo” hơn là “theo đạo”, mà người viết đã từng đề cập đến trong các bài chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa từ trước đến nay, hay ở các khóa Lòng Thương Xót Chúa, xin được tổng hợp lại ở đây để chúng ta cùng nhau suy nghĩ, tự kiểm, tránh né, cải tiến v.v. hầu nhờ đó có thể đi vào chính ngạch (mainstream) hay về nguồn với Chúa Kitô “là sự thật và là sự sống” (Gioan 14:6), nghĩa là về với chính Lòng Thương Xót Chúa, vì Chúa Kitô chính là chân dung thương xót / misericordiae vultus” (ĐTC Phanxicô).


NGẪU TƯỢNG ĐẠO THEO - CHẨN BỆNH


1- Tần số tội lỗi


Muốn nghe truyền thanh hay muốn xem truyền hình thì cần phải có radio hay tivi. Nhưng radio hay tivi không thể nào phát thanh hay phát hình nếu không bắt đươc tần số hay làn sóng của nguồn phát thanh hay phát hình.


Nơi mỗi một con người, cho dù họ là thành phần Kitô hữu được lãnh nhận Phép Rửa, được khỏi nguyên tội, vẫn còn nguyên tần số cũng là làn sóng tội lỗi nơi bản thân của họ. Đó là đam mê nhục dục, tính mê nết xấu, những gì khiến con người hướng hạ theo xác thịt và hướng nội theo lòng vị kỷ.


Khuynh hướng hạ theo xác thịt và khuynh hướng nội theo lòng vị kỷ ấy chính là mầm mống tội lỗi nơi con người nói chung và Kitô hữu nói riêng. Có thể nói nếu tội lỗi bắt đầu từ ma quỉ và do ma quỉ là “cha của các thứ dối trá” (Gioan 8:44) thì quả thực đam mê nhục dục cùng tính mê nết xấu nơi con người chính là nôi công của ma quỉ, là bom mìn của ma quỉ được bí mật gài sẵn nơi từng con người. Về phần mình, nếu con người chỉ biết hướng hạ theo xác thịt và hướng nội theo lòng vị kỷ, họ sẽ tác hành như bị quỉ ám, như là tay sai đắc lực của ma quỉ nơi liên hệ nhân bản ở mọi cấp độ và lãnh vực trong sinh hoạt của cộng đồng nhân loại.


2- Remote control cám dỗ


Đúng thế, chính vì nơi con người ta, từ sau nguyên tội, đã có sẵn mầm mống tội lỗi, mà ma quỉ không cần phải vất vả lên trên thế gian này, hay cần phải đến sát với từng người, để cám dỗ họ. Hắn chỉ cần ung dung ngồi rung đùi ở dưới hỏa ngục để cám dỗ chúng ta, bằng bộ phận viễn khiến - remote control, một bộ phận cám dỗ từ xa cũng đã được cài đặt sẵn cùng tần số tội lỗi nơi con người nhiễm nguyên tội. 


Ma quỉ cám dỗ con người đầy những đam mê nhục dục và tính mê nết xấu trên thế gian này là mầm mống tội lỗi do chúng cài đặt sẵn nơi bản thân họ, bằng bộ phận viễn khiến, bằng cách ấn vào những nút bấm tự ái, tự kiêu, tự phụ, tự mãn, xác thịt, tham lam, ghen ghét, hận thù, kỳ thị, đàn áp, sát hại... Có thể nói ở dưới hỏa ngục, ma quỉ không chỉ sử dụng bộ phận viễn khiến để cám dỗ loài người mà thật sự chúng điều khiển con người múa may quay cuồng hòa nhịp với hỏa ngục ngay trên khấu trường thế gian.


Ngay từ ban đầu chính đệ nhất thần luxiphe cũng đã sử dụng bộ phận remote control của hắn ở nơi chính cái đuôi của hắn (xem Khải Huyền 12:4), ám chỉ gương mù của hắn, bóng tối của hắn, khiến 1/3 thần trời đã bị hất nhào xuống mất chỗ đứng của mình trên trời (xem Khải Huyền 12:8). 


Nếu thế gian này được coi là thiên đường của thành phần hư đi đời đời trong hỏa ngục, một thế gian còn được cứu độ dù khốn khổ hơn cả hỏa ngục, thì hỏa ngục được coi như hậu trường xui bẫy con người trên trần gian này. Ở hậu trường hỏa ngục, satan chỉ cần remote control cám dỗ con người ta bằng ve vẩy cái đuôi của hắn cũng đủ tiêu tán biết bao nhiêu là đoàn thể Kitô hữu rồi. 


Dấu hiệu tỏ tường nhất cho thấy satan đang ve vẩy cái đuôi gương mù cám dỗ của hắn đó là những lời nói hành nói xấu, vu oan cáo vạ, chụp mũ xuyên tạc tung ra từ những "cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo" - lắt léo gian dối là bản chất của satan (xem Mathêu 5:37; Gioan 8:44). Có thể nói "cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo" đây chính là hình ảnh cái đuôi của satan. 

 

 

3- Ôm bom khủng bố


Nạn khủng bố (terrorism) có thể nói được bùng lên từ ngày 11/9/2001 ở Hoa Kỳ, khi đất nước được coi là đệ nhất cường quốc trên thế giới này bị tổ chức Al Qaeda bất ngờ khủng bố tấn công (terrorist attack) ngay giữa thanh thiên bạch nhật vào hai địa điểm tiêu biểu quan trọng nhất của nó là Trung Tâm Thương Mai Thế Giới ở New York và Ngũ Giác Đài ở Virginia. Kể từ đó nạn khủng bố nổ ra khắp nơi, nhất là sau khi một tổ chức khủng bố quốc tế khác được gọi là Nhà Nước Hồi Giáo - ISIS (Islamic State in Iraq and Syriaxuất hiện ở Iraq vào giữa năm 2014. Cách thức khủng bố của ISIS thường là ôm bom tự sát.


Vì Kitô hữu vẫn còn mầm mống nguyên tội là đam mê nhục dục cùng tính mê nết xấu, như bom đạn của ma quỉ còn cài đặt nơi bản thân của từng người, mà nếu Kitô hữu không cẩn trọng sẽ luôn mang trong mình giòng máu khủng bố bằng cách ôm bom tự sát ở các sinh hoạt trong gia đình, ngoài cộng đoàn hay hội đoàn hoặc giáo xứ. Có những Kitô hữu rất nhiệt thành nhưng đùng một cái, vì bất mãn với cha, với nhau, đã tháo ngòi tự ái cho bùng nổ, khiến cả một tổ chức liên hệ của họ phải hứng chịu một hệ lụy thảm thương là chia rẽ, nghi kỵ, đấu đá v.v. Và hậu quả là một số trong họ đã bị tử nạn hay trọng thương bởi mức độ lỗi bác ái.


Tuy nhiên, từ năm 2016 và 2017, ở một số nước Âu Châu (Pháp, Đức, Tây Ban Nha v.v.) đường lối khủng bố tấn công s dụng một cách thức khác, rẻ tiền hơn, dễ dàng hơn và khó bị ngăn chặn hơn, đó là lái xe đâm vào đám đông. Kitô hữu cũng thường sử dụng cách thức khủng bố rẻ tiền hơn, dễ dàng hơn và khó kiểm soát ngăn chặn hơn, đó là nói hành nói xấu nhau, khiến cho những ai thích nghe nói hành nói xấu không bị tử thương, bởi tin theo rồi xa lánh người anh chị em bị nói xấu, hoặc tiếp tay nói xấu họ, thì cũng trọng thương bởi bị ám ảnh bởi những lời nói hành nói xấu ấy, đâm ra có ác cảm với người anh chị em nạn nhân!


Nếu "cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo" là hình ảnh tiêu biểu cho cái đuôi gương mù của con khủng long (xem Khải Huyền 12:4) thì satan rất ư là khoái chí khi thấy tác động nhè nhẹ ve vẩy cái đuôi của nó cũng đủ làm cho thế gian bị khủng bố khắp nơi, như hiện trạng đang xẩy ra trên thế giới này, được tiêu biểu nơi loại khủng bố rẻ tiền đâm xe vào đám đông bằng cách lèo lái "cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo" của thành phần tôn thờ ngẫu tượng đạo theo. 


 

NGẪU TƯỢNG ĐẠO THEO - CHỨNG BỆNH

 


4- On/off đức tin

 

 

Chứng bệnh thông thường nhất và hiển nhiên nhất của thứ Đạo Theo đó là sống đạo một cách mâu thuẫn hay sống đạo chưa chân thực, còn mang tính cách giả hình bề ngoài làm sao ấy, chưa sâu xa nội tâm thật sự: đạo đức nhưng không thánh thiện


Ở chỗ, hằng ngày đọc kinh xem lễ, hằng tuần ăn chay, hằng tháng xưng tội, hằng năm tĩnh tâm v.v. Thế mà đụng một chút là tự ái nổi lên ngay lập tức, dễ xét đoán xấu cho người khác, thường phê bình chỉ trích hay chê bai những người khô khan nguội lạnh hơn mình, hoặc những người giữ đạo hay làm lễ không đúng như kiểu cách của mình và như mình, chấp nhất những ai phạm đến họ, không tha thứ cho phạm nhân, dù phạm nhân vô ý hay do chính họ gán ghép cho phạm nhân những điều mà họ tưởng là phạm nhân gây ra cho họ, cố ý phạm đến họ.


Nếu vào nhà thờ thì Kitô hữu tắt điện thoại di động đi - off hand phone - cho tới khi ra khỏi nhà thờ mới mở nó ra lại - on hand phone, thì trái lại, đối với một số không ít Kitô hữu chúng ta, vào nhà thờ thì chúng ta "on" đức tin lên nhưng ra khỏi nhà thờ thì chúng ta "off" đức tin liền. Chẳng hạn chen nhau ra khỏi parking. Ai vội vàng lấn lướt là tung chưởng miệng liền v.v.


Chứng bệnh on - off đức tin này quả thực vẫn thường xuyên xẩy ra nơi không ít những tâm hồn Kitô hữu được tiếng là đạo đức. Bề ngoài thi hành các việc đạo đức tốt lành mà tinh thần đức tin lại không có, nên đã có những ý nghĩ, lời nói, tác hành và phản ứng phản kitô, hoàn toàn ngược lại với những việc đạo đức của họ. 


Trong khi hằng ngày họ đọc "xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợi chúng con", nhất là khi lần hạt Mân Côi, họ vẫn cứ chấp nhất nhau. Trong khi họ lên rước lấy Đấng yêu thương họ cho đến cùng, họ lại tỏ ra khinh bỉ Người nơi những người anh chị em hèn mọn nhất đáng thương của Người về thể lý hay về luân lý. Họ là thành phần Kitô hữu chỉ "on" đức tin trong nhà thờ, còn ngoài nhà thờ thì họ "off" đức tin! 


Theo kỹ thuật tân tiến, có thể nói nơi con người của mình và đời sống đạo của mình, họ chưa có hay không có "wifi thiêng liêng" (xin xem đoạn 28, phần trị bệnh), nên họ chưa liên lạc được với thế giới siêu nhiên, với "thượng giới" (Gioan 8:32, 3:12), một lien lạc bất khả thiếu được gọi là giao tiếp thần linh đúng với ý nghĩa của việc cầu nguyện, việc thiêng liêng đạo đức, đó là việc giao tiếp với "Thiên Chúa là thần linh trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24), chứ không phải chỉ theo truyền thống, hình thức, tình cảm, thói quen, nhu cầu. 


Chính vì chưa sống đạo thật sự mà đời sống đức tin có vẻ đạo đức của họ như thế đôi khi phản tác dụng, như đã từng xẩy ra cho môt số gia đình, nơi cha mẹ rất đạo đức nhưng con cái của họ lại bỏ đạo. Bởi vì chúng thấy các việc đạo đức của cha mẹ của chúng không làm cho các vị tốt hơn, mà lại ra tệ hơn, thì chúng kết luận rất thực tế rằng: như vậy việc đọc kinh hằng ngày, việc đi thờ đi lễ và rước lễ không có công hiệu - "not working", "not worthy" - thế thì dại gì mà bắt chước, mất giờ, uổng công, vô ích v.v.

 


5- Tẩu hỏa nhập ma 


Nếu Kitô hữu nào lên rước Chúa mà vẫn còn để lòng hận thù ghen ghét nhau, không chịu tha cho phạm nhân của mình, như lời Chúa dạy là chính mình là nạn nhân phải tự động đến làm hòa với phạm nhân, chứ không phải phạm nhân cần phải đi làm hòa với mình (xem Mathêu 5:23-24), thì coi chừng họ bị tẩu hỏa nhập ma (Cultivation Insanity) như một tông đồ Giuđa đã ôm ấp ý định phản nộp Thày mình bằng 30 đồng bạc (xem Luca 22:1-6). 


Thật vậy, với ý định xấu xa phản nội Thày sẵn có trong lòng từ lâu mà người môn đệ đáng thương này vẫn bất chấp những khôn khéo nhắc nhở kín đáo của Thày mình, thậm chí còn chấp nhận cả miếng bánh Người cố ý trao cho trao cho như dấu hiệu anh ta là chính kẻ phản bội nữa, mới xẩy ra chuyện "lập tức Satan nhập vào lòng anh ta" (Gioan 13:27), và "ngay sau khi Giuđa ăn miếng bánh ấy thì anh ta đi ra. Bấy giờ là đêm tối" (Gioan 13:30). 


Những Kitô hữu nào rước Chúa mà vẫn tiếp tục không tha thứ cho nhau thì chính tình trạng bất an và nặng nề trong tâm hồn họ, gây ra bởi lòng chấp nhất hận thù ghen ghét của họ, cho dù họ cứ xưng tội rước lễ, đã đủ chứng tỏ cho thấy họ thực sự đang bị tẩu hỏa nhập ma. 

 


6- Sợ ma ban ngày


Thành phần Kitô hữu bị tẩu hỏa nhập ma vì chấp nhất nhau, không chịu tha thứ cho nhau, trong khi cứ rước lễ, còn ở chỗ họ tỏ ra sợ ma ban ngày, ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Ma không xuất hiện với họ hay nát họ trong đêm tối mà là ngay giữa ban ngày. Thứ ma ngay giữa ban ngày này không cần phải nát họ mà họ cũng cứ tự nhiên bị hoảng lên và nhanh chân chạy mất tiêu. tại sao vậy? Xin thưa, tại vì thứ ma ban ngày này là thứ ma "có chị thì không có tôi". Vừa thoáng thấy bóng của ai không ưa thích, hay thù hằn mình hoặc mình hận tức, thành phần Kitô hữu bị tẩu hỏa nhập ma liền cảm thấy hoảng sợ tránh xa liền lập tức.


Nếu chẳng may bất ngờ chạm trán với những con ma ban ngày ấy, thành phần Kitô hữu bị tẩu hỏa nhập ma đã sẵn bất an và sợ sệt tự nhiên trở thành cấm khẩu, không nói được nữa, hay đứng tần ngần ra đó coi rất ư là ngộ nghĩnh, chẳng biết phản ứng ra làm sao, cuống lên như đứng trước một con ma thực sự vậy. Trong khi đó, đối phương của họ, có những người chẳng hề biết mình trở thành thủ phạm hay tử tội trong lòng họ, lại hồn nhiên cười nói và chào hỏi họ, khiến họ lại càng bối rối, nhất là xẩy ra trước mặt những người đi với họ bấy giờ đã biết những gì xẩy ra giữa họ với người anh chị em có vẻ ma quái ấy của họ.


Nếu trên thế gian có ma ban ngày đối với một số Kitô hữu đầy lòng nghi kỵ và nhỏ mọn như thế thì thiên đàng cũng không thể không có những con ma ấy, nghĩa là một khi có họ thì không thể có đối phương của họ, và như thế thiên đàng cũng chẳng khác gì hỏa ngục là nơi đầy ghen ghét hận thù. Tóm lại, thành phần Kitô hữu còn vị kỷ là những người chối bỏ thiên đường của vị Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu, vị Thiên Chúa chỉ cần lòng nhân lành hơn là của lễ của họ (xem Mathêu 9:13; Hosea 6:6). Vậy thiên dường của họ ở đâu sau khi họ qua đi mà không chịu tha cho anh chị em mình đây?


Những con ma ban ngày đây không phải chỉ là những đối phương bằng xương bằng thịt của các con người chấp nhất nhỏ mọn, thành kiến và nghi kỵ, mà còn là những con ma vô hình hiện hình ngay ở bên trong tâm linh của họ, khiến họ sợ nó hơn ai hết - vì nó chính là quan án chí công xét xử họ; họ sợ nó hơn bao giờ hết - vì nó không thôi vạch trần chân tướng giả trá của họ ra; họ sợ nó trên hết mọi sự - vì nó là chính án phạt của họ cả đời này lẫn đời sau.


Con ma hết sức rùng rợn và vô cùng ghê gớm ấy chính là sự thật về bản thân họ. Họ sợ sự thật về mình, bởi một khi họ chấp nhận nó thì họ phải hoán cải là những gì hoàn toàn phản nghịch với bản chất buông tuồng và khuynh hướng thả lỏng của họ, và vì thế là những gì họ chẳng bao giờ muốn, họ muốn chối bỏ và thậm chí triệt hạ bao nhiêu có thể như tổng trấn Philatô đã ra lệnh sát hại Chúa Kitô là chính chân lý vậy. Sự thật về bản thân con người quả thực là con ma ám ảnh con người ngày đêm cho đến khi họ chấp nhận sự thật thì bấy giờ họ mới được giải phóng (xem Gioan 8:32): "Thày đây" (Mathêu 14:27), không phải "là ma" (Mathêu 14:26): "đừng sợ" (Mathêu 14:27). 


Một khi bản thân Kitô hữu sợ ma ban ngày này vẫn tiếp tục không nhận ra chính sự thật về bản thân mình thì chính họ là những bóng ma chờn vờn trên thế gian nàyđã từng nát dọa biết bao nhiêu người anh chị em có liên hệ với họ, gần gũi họ và biết đến họ, bởi họ tưởng nghĩ, ước muốn, nói năng, tác hành và phản ứng chẳng khác gì như một bóng ma, nghĩa là họ vẫn còn sống trong tăm tối, chưa sống thực với mình và như Thiên Chúa muốn theo đúng sự thật về họ là thực tại bất biến mà họ cứ tiếp tục chối bỏ hay tránh né.


7- Nạn nhân bản thân


Thành phần Kitô hữu chấp nhật nhau và không chịu tha thứ cho anh chị em mình như chính Chúa đã tha cho họ, thì trước hết và trên hết, họ chẳng hiểu thương xót là gì, chẳng biết ơn Lòng Thương Xót Chúa tí nào. Chúa tha thứ cho họ là để họ tha thứ cho nhau. Nếu họ không tha thứ cho nhau, những xúc phạm của anh chị em họ phạm đến họ, những xúc phạm phải nói chẳng là gì so với những gì họ xúc phạm đến Chúa (xem Mathêu 18:21-35), thì họ thực sự là kẻ vô ơn đối với Lòng Thương Xót Chúa, thậm chí chưa thật lòng thống hối ăn năn về các tội họ xúc phạm đến Chúa. Nếu họ thật lòng thống hối ăn năn chỉ vì cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa đối với họ thì họ không thể nào không tha thứ cho nhau. 


Khi bị anh chị em xúc phạm đến bản thân mình, mà mình còn chấp nhất không chịu quảng đại bao dung tự động tha thứ cho phạm nhân thì kinh nghiệm cho thấy chính nạn nhân trở thành nạn nhân của chính mình họ. Nghĩa là một thứ nạn nhân kép. Nạn nhân gấp đôi, nạn nhân hai lần, lần đầu với phạm nhân và lần sau với chính bản thân họ. Thật vậy, khi bị xúc phạm bởi một phạm nhân nào đó, con người tự ái nói chung và Kitô hữu nói riêng hay có khuynh hướng tự vệ là trả thù. Bởi thế, chỉ khi nào "mắt đền mắt, răng đền răng" mới có thể thanh toán món nợ không đội trời chung với nhau, và chỉ cho tới lúc bấy giờ nạn nân mới hả giận và mãn nguyện.


Thế nhưng, để tiến tới chỗ có thể hả giận và mãn nguyện khi thấy phạm nhân đối phương của mình phải gánh chịu hậu quả đáng đời như mình đã chịu bởi họ, thậm chị họ chịu nhiều hơn mình thì càng tốt, mình càng vui, thì chính những cảm giác và mong muốn đầy hận thù ấy đã chứng tỏ cho thấy người Kitô hữu này đang bị tẩu hỏa nhập ma, hoàn toàn phản kitô, và chính vì thế họ trở thành một nạn nhân đáng thương. Họ là một nạn nhân đáng thương không phải chỉ vì họ đã nhốt phạm nhân của họ vào ngục thất chấp nhất của lòng họ hơn là họ nhốt chính họ vào đó, và chính vì thế mà chỉ khi nào họ có thể tha thứ cho phạm nhân họ mới cảm thấy bản thân họ tự nhiên trở nên nhẹ nhàng hẳn đi, không còn nặng nề nữa, như được giải thoát khỏi cảnh ngục tù giam hãm khốn nạn. 


8- Thương hại: hơn "thương hàn", thua thương xót


Khi nhìn thấy một người anh chị em homeless, trong đầu óc không ít người, như chính họ thú ra hay tự nhiên công khai thốt lên một trong những ý nghĩ thầm kín hay những suy đoán như sau: "Cho họ làm gì. Họ là thành phần nghiện ngập hút sách.... Cho họ chẳng những uổng tiền mà còn làm hại họ nữa... Họ là những kẻ lười biếng không chịu đi làm...  Họ làm nghề ăn xin đó..." Thế rồi chẳng bao giờ họ cho bất cứ một ai. Có thể nói, ở một nghĩa nào đó thành phần Kitô hữu này là thành phần bị thương hàn, lạnh cảm, lãnh đạm... Mà lạnh là dấu hiệu của sự chết. Một thi thể vô hồn là một thân xác lạnh cứng. Tâm hồn của những con người lãnh đảm dửng dưng trước tình trạng khốn khổ của anh chị em mình cũng đang mang cái chết thiêng liêng trong mình.


Chính vì Thiên Chúa không chỉ từ trời ban ơn xuống cho nhân loại khốn cùng mà còn đích thân giáng thế làm người như họ và chịu khổ với họ, chịu khổ của họ và chịu khổ thay họ mà có đích thân đến với những người anh chị em hèn mọn của mình, chúng ta mới hiểu được họ. Đến độ chúng ta chẳng những cảm thương họ mà còn thậm chí cảm phục họ nữa. Thật vậy, trong hai Đêm Giáng Sinh 24/2015 và 24/2016, hai vợ chồng chúng tôi đã đi tìm những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô sống đời homeless ở downtown Los Angeles, mang theo đồ ăn thức uống, đồ dùng và tiền bạc để biếu tặng họ. 


Có người đã không cần bất cứ điều gì của chúng tôi, cho dù bấy giờ họ đang co ro trong một cái sleeping bag không đủ ấm. Phải chăng họ là người tự trọng muốn tự lập mưu sinh chứ không muốn ăn xin và nhận của bố thí, hay chỉ là một kẻ bất cần đời? Có người chỉ cần một ly hot chocolate của chúng tôi là đủ, không cần tiền. Có người chỉ xin chúng tôi mấy dolars, thế thôi. Họ có ngờ đâu trong Đêm Giáng Sinh, trong một xó vắng ẩn khuất, nhìn mãi mới thấy họ, họ tưởng không còn ai để ý đến họ nữa, nhưng họ vẫn không thể nào tránh được con mắt thần linh vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa là Cha trên trời của họ. Ngài vẫn quan tâm đến họ, qua đôi mắt bất chợt thấy họ của chúng tôi, và nhờ đôi tay của chúng tôi, mang đến cho họ một chút quà Giáng Sinh. 


Một tác động thương hại nào đó, cho dù có khá hơn "thương hàn", nhưng vẫn chưa phải là thương xót. Bởi vì, so với thương hàn thì thương hại còn biết nhúc nhích một chút, một tác động chứng tỏ còn người còn sống, chưa hoàn toàn hôn mê hay vô hồn vô cảm. Tuy tác động thương hại, bằng cách "cho họ mấy đồng tội nghiệp" có thể xuất phát từ lương tâm áy náy, không cho không được, nghĩa là hoàn toàn vì người cho hơn người nhận. Bởi người cho muốn được an lòng, muốn được yên lương tâm nên mới cho, mà đôi khi còn cảm thấy tiếc nuối và lo âu nhỡ của họ cho lọt vào tay kẻ bất xứng. Trái lại, một con người biết thương xót là con người chia sẻ không chỉ vì hoàn cảnh đáng thương của người nhận thu hút họ, lôi kéo họ, khiến họ không thể bỏ đi, mà chính họ còn được thúc đẩy bởi lòng cảm thương của họ, đến độ họ cần phải đến gần với nạn nhân và nhờ đó đáp ứng nhu cầu thật sự thích hợp của nạn nhân


Dầu sao thương hại cũng là một tác động căn bản nhất của lòng thương xót, của một tấm lòng cảm thương, một tấm lòng cảm thương mà một khi lên tới tột đỉnh sẽ có những tác hành như Người Samaritanô nhân lành. Ở chỗ, trước hết là tác động bất khả thiếu là "động lòng thương" (thương xót người chứ không phải thương hại mình cho yên lương tâm), cho dù nạn nhân không phải là đồng hương của mình. Sau đó là tác động xuống khỏi lưng lừa, đến gần nạn nhân (chứ không phải ngồi trên lưng lừa thương hại quẳng xuống mấy đồng bạc rồi bỏ đi), cộng thêm tác động băng bó cho nạn nhân, chẳng những thế còn cố gắng một mình hì hục đưa nạn nhân lên lưng lừa là chỗ thoải mái của mình. Chưa hết, sau đó lại còn vất vả đem nạn nhân vào quán trọ, thâu đêm chăm sóc cho nạn nhân, trao phó nạn nhân cho chủ quán cho đến khi trở lai thanh toán mọi phí tổn của nạn nhân (xem Luca 10:25-37). Qua dụ ngôn Người Samaritano nhân lành, thương xót chẳng những ở chỗ xót xa chính cái khốn khổ của nạn nhân, mà còn dấn thân chia sẻ khốn khổ với họ, coi khốn khổ của họ là của mình, thậm chí chịu khốn khổ thay cho họ nữa. Đó là thương xót!


9- Thứ thương xót sặc hận thù... 


Thành phần Kitô hữu bị tẩu hỏa nhập ma còn có một thái độ rất ư là kỳ quặc nữa đó là thái độ thương xót sặc hận thù. Ở chỗ, khi nghe tin tức hay xem tin tức, khi thấy xẩy ra những chuyện gây ra bởi tội ác động trời, chẳng hạn như khủng bố tấn công giết chết biết bao nhiêu là con người vô tội, hay những đoạn video clip cho thấy thành phần khủng bố sát hại con người ta một cách vô cùng dã man ác độc, tự nhiên con người ta cảm thấy thương xót các nạn nhân, và nguyền rủa những kẻ khủng bố vô nhân đạo.


Những cảm nhận và phản ứng tự nhiên ấy nơi con người trước thành phần nạn nhân vô tội bị khủng bố và thành phần phạm nhân hung dữ tự nó không thể nào tránh được. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là thành phần Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, Đấng trước khi chết đã "xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:39), có biết cầu nguyện cho phạm nhân trong cuộc chăng, hay chỉ thương cảm với thành phần nạn nhân thôi. 


Nếu xét về phương diện luân lý và phần rỗi thì phạm nhân đáng thương hơn, cần cầu nguyện hơn là nạn nhân. Nếu chỉ vì thương cảm nạn nhân mà tỏ ra hận thù với phạm nhân, chỉ muốn chém muốn giết họ, tận diệt họ đi cho rồi, không hề cầu nguyện cho họ, thì không phải là một thứ thương xót sặc hận thù hay sao? Chưa hết, nếu phạm nhân khủng bố là người, mà tôi cũng là người, tôi cũng có thể phạm tội như họ hay hơn họ nữa, nếu không có ơn Chúa. Vậy nếu chúng ta biết ơn Chúa là Đấng đã gìn giữ chúng ta cho khỏi rơi vào tình trạng của thành phần phạm nhân khủng bố mù tối đáng thương này thì chúng ta không thể nào không cầu cho họ để họ được cứu rỗi.


Đó là lý do trong Khóa Lòng Thương Xót Chúa XIV - 2014 ở Giáo Phận Arlington Virginia (11-13/9), mở đầu là chính ngày 11/9, ngày kỷ niệm đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công ngay giữa thanh thiên bạch nhật vào hai cơ quan chính yếu là Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York và Ngũ Giác Đài ở Virginia, tôi đã đề nghị với anh chị em tham dự viên hãy cầu nguyện cho cả thành phần phạm nhân nữa, thì mới thật sự giống Lòng Thương Xót Chúa và sống Lòng Thương Xót Chúa. Sau đó, ở các Khóa Lòng Thương Xót Chúa tiếp theo, tôi cũng thường hay nhắc nhở anh chị em tham dự viên một ý nguyện rất hợp với Lòng Thương Xót Chúa ấy, vì họ chính là "các linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn". 


10- Nhân danh bác ái khủng bố 


Nếu theo Đức Thánh Cha Phanxicô thì thế chiến thứ ba đang xẩy ra ở từng vùng trên khắp thế giới, một loại thế chiến mang hình thức khủng bố tấn công, gây ra bởi một số thành phần tín đồ Hồi giáo cực đoan, hầu hết nhắm vào thế giới Kitô giáo tây phương đang băng hoại. Theo chiều hướng của Cựu Ước, động một tí Thiên Chúa ra tay giáng phạt thành phần bất trung trong dân của Ngài, hay thành phần ngoại bang phạm đến dân thánh của Ngài thế nào, thì thành phần thánh chiến Hồi giáo cuồng tín cũng nhân danh Thiên Chúa để khủng bố Kitô giáo như vậy. 

Ngày Thứ Sáu 27/8/2017, tin tức cho biết tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS vừa tung ra một đoạn video clip cho thấy quân thánh chiến ISIS dẵm lên trên các cây thập tự giá và đốt hình ĐTC Phanxicô với lời đe dọa sẽ tấn công và chiếm Roma. Trong năm 2016, họ cũng tung ra một lời đe dọa tương tự nhắm vào Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo Rôma nói riêng: chúng tao sẽ bẻ gẫy hết mọi cây thánh giá của chúng mày, chúng tao sẽ chiếm Roma và sẽ bắt tất cả phụ nữ của chúng mày làm nô lệ. 

Đúng vậy, thành phần Kitô hữu bị tẩu hỏa nhập ma cũng thế, thành phần sống đức tin kiểu đạo theo hơn là theo đạo còn bị một triệu chứng nguy hiểm nữa, đó là nhân danh bác ái để khủng bố, nhân danh nhân quyền để tác hại. Sở dĩ họ nhân danh nhân quyền để khủng bố (bằng quyền phá thai của thai mẫu trên thai nhi vô tội, bằng quyền triệt sinh an tử hoặc triệt sinh trợ tử của kẻ mạnh trên người yếu), là vì họ đã trở thành vô thần. 

Có những Kitô hữu đi gây quĩ bác ái nhưng lại cạnh tranh nhau, tranh giành nhau, thậm chí triệt hạ nhau, như thể việc bác ái là việc của họ chứ phải của Chúa, Đấng có thể hoàn tất việc của Ngài nơi họ bằng cách thức của Ngài và khi tới thời điểm của Ngài, Đấng không bao giờ chấp nhận cách làm việc bác ái như là một thứ business duy lợi cho họ hơn là cho những người nghèo được họ nhân danh để gây quĩ

Đức ái không phải ở chỗ thương cảm hay thông cảm với người này mà lại phạm đến người khác, bênh người này mà lại choảng người kia. Đó là thứ bác ái chia rẽ. Thứ bác ái bè phái. Thứ bác ái giả tạoChúa Kitô đã không chấp nhận thứ đức ái của tông đồ Gioan, thứ đức ái mến Chúa mà lại giết người, khi ngài thấy dân làng Samaria không chịu tiếp rước Thày của mình thì xin Thày cho ngài sai lửa trời xuống thiêu hủy họ đi (xem Luca 9:54).

Thành phần làm việc bác ái kiểu khủng bố nhau này có phải là loại ân nhân kiểu buôn người hay chăng? Bởi vì, ở một nghĩa nào đó, những con người đáng thương được thành phần Kitô hữu nhân danh bác ái để gây quĩ cứu trợ hay bênh vực đã trở thành nạn nhân của họ, khi họ sử dụng chính việc bác ái gây quĩ cứu trợ hay việc bênh vực để khủng bố những ai không cho họ gây quĩ bác ái, (bởi họ không hội đủ điều kiện hay đã bất tuân qui định trước đó), hay những ai gây quĩ cạnh tranh với họ, kiếm chác được nhiều hơn họ, hoặc những ai phạm đến nạn nhân được họ bênh vực một chiều theo kiểu mỵ dân

Thành phần được họ nhân danh để gây quĩ cứu trợ đã chẳng những trở thành cớ vấp phạm cho họ, mà bỗng dưng còn trở thành nạn nhân vô tội của họ, khi họ làm xấu mặt những người anh chị em đã khốn khổ lại càng đáng thương hơn nữa bởi cách thức gây quĩ cứu trợ kiểu làm ăn buôn bán thương mại hoàn toàn trần tục duy lợi của họ.

Khi còn thực hiện Chương Trình Phát Thánh Tin Mừng Sự Sống qua Sài Gòn Radio Hải Ngoại 106.3 FM ở Nam California nửa tiếng vào mỗi tối Thứ Sáu trong tuần, tốn 300 Mỹ kim cho từng lần phát thanh, và vì thế hằng năm chi phí lên tới trên 16 ngàn Mỹ kim, mấy anh chị em chúng tôi đã phải tìm hết cách gây quĩ. Một trong những hoạt động gây quĩ của chúng tôi đó là mở quán kỷ vật ở Ngày Thánh Mẫu hằng năm tại Carthage Missouri do Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ tổ chức.

Chúng tôi luôn luôn tuân theo tất cả và từng qui định của Ban Tổ Chức Ngày Thánh Mẫu đối với các quán kỷ vật: Chúng tôi không bán những thứ không được phép, dù thấy các quán chung quanh bày bán, và chúng tôi không bao giờ nhào ra khỏi quán để mời mọc khách hàng, dù thấy một số quán làm v.v. Thậm chí ban tổ chức cho chúng tôi chỗ nào, dù không thuận lợi mấy, cũng được.

Chúng tôi tin vào Đấng Quan Phòng Thần Linh: Nếu việc của chúng tôi làm quả thực là việc của Ngài và đẹp lòng Ngài thì cho dù chúng tôi không gây được nhiều quĩ ở đây, lần này, thì Ngài sẽ có cách khác để chúng tôi vẫn có thể tiếp tục việc của Ngài. Quả thực là thế, đã có 3 lần quĩ phát thanh của chúng tôi không còn đủ trả tiến cho tuần tới, thế mà Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống của chúng tôi vẫn liên tục phát thanh hằng tuần suốt 13 năm 3 tháng 10 ngày. 


11- Nói ra, nói vào và nói lại


Con người nói chung và Kitô hữu nói riêng, vì vẫn là con người như ai nên họ còn nguyên đó những khuynh hướng tự nhiên của mọi người và như mọi người khác trên trần gian này. Bao gồm cả khuynh hướng nói ra, nói vào và nói lại.


"Nói ra" nghĩa là nói những gì mình cảm thấy không thể giữ trong lòng, vì muốn khoe khoang hay vì bất mãn hoặc vì ngứa tai gai mắt của mình dù với người khác chưa chắc đã thế v.v. Chẳng hạn đi dự lễ Chúa Nhật, sau lễ, nào là phê bình cha giảng dài, ca đoàn hát không hay, trẻ con làm chia trí, xem lễ thì đứng ve vãn ở ngoài nhà thờ, vừa rước xong lễ đã kéo nhau ra về v.v. Thậm chí còn phê phán hay chụp mũ cả giáo hoàng: ngài phải mặc áo này, cầm gậy kia và đi giầy nọ mới là giáo hoàng thật, bằng không là giáo hoàng giả v.v. Vậy thì chẳng lẽ nhân vật Giêsu Nazarét trần truồng trên thập tự giá không phải là Con Thiên Chúa hay sao?!


"Nói vào" nghĩa là hùa theo những điều nói hành nói xấu mình được nghe về người khác. Nhất là nạn nhân bị nói xấu thuộc nhân vật mình vốn có ác cảm hay là kình đích của mình thì mình lại càng tỏ ra kinh nghiệm nhiều  về người đó hơn ai hết, đến độ càng nói càng hứng thú, moi móc vạch trần họ ra trước khi cùng nhau đóng đanh họ. Lương tâm bấy giờ có nhắc nhở là đang nói hành nói xấu người khác thì lương tâm liền được trấn an bằng lý lẽ hợp tình hợp lý là cần phải nói về họ để rút kinh nghiệm cho nhau v.v.


"Nói lại" nghĩa là bất cứ những gì đụng đến bản thân chúng, mà chúng ta trực tiếp nghe thấy hay gián tiếp nghe được, chúng ta đều nói lại cho bằng được để đính chính hay lấy lại danh thơm tiếng tốt cùng uy tín của mình. Cho dù có những điều người ta nhận xét rất đúng về mình, mình vẫn tìm cách bao che tránh né một cách khôn khéo để khỏi bị hiểu lầm. Trong khi đó, những điều không hay không tốt của và về người khác thì chúng ta chẳng ngần ngại công khai "nói ra" hay "nói vào" một cách thoải mái.


12- Bóp méo sự thật


Không biết lời tiên báo của Chúa Giêsu về ngày tận thế đã ứng nghiệm chưa, nhưng chúng ta thấy hiện tượng tiên tri giả và kitô giả liên quan đến thời điểm tận thế đã thực sự xuất hiện đầy giẫy trên thế giới hiện nay, cả trong lẫn ngoài Giáo Hội, thậm chí đã đánh lừa được nhiều người (xem Mathêu 24:24). Nếu ma quỉ là "cha của các thứ dối trá" (Gioan 8:44) thì tất cả những gì dối trá đều xuất phát từ chúng. Thánh phần tiên tri giả và kitô giả bởi thế đều là tay sai đắc lực của ma quỉ trong việc gieo rắc lầm lạc trên thế giới, càng ngày càng nhiều và càng trắng trợn một cách vô cùng quỉ quyệt khéo léo. Ở chỗ, chúng tung ra chân lý (một phần) để bóp méo sự thật (toàn phần). Chẳng hạn chúng sử dụng chiêu bài bênh vực Giáo Hội để tấn công giáo hoàng và khủng bố tín hữu. 


Cái chiêu sử dụng chân lý để bóp méo sự thật của thành phần Kitô hữu tiên tri giả và phản kitô tôn sùnng ngẫu tượng đạo theo đã phần nào được lộ diện nơi một số điều họ đã làm và tuyên truyền. Chẳng hạn như họ thêm vào sự thật, hay họ bớt đi sự thật, hoặc họ thay thế sự thật. Ở những trường hợp điển hình sau đây:


Sự thật bị thêm vào: Đó là di chúc của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã được họ thêm thắt vào những điều hoàn toàn không có trong đó. Đó là một số những kinh nguyện được ơn toàn xá v.v. Tôi là người đã dịch nguyên văn di chúc của ngài, được Tòa Thánh phổ biến sau khi ngài qua đời vào đầu tháng 4/2005. Trong đó, ngài không hề bao gồm một số kinh nguyện được ai đó thêm thắt vào và tự động thay ngài ban ơn toàn xá, một ơn mà chính giáo hoàng cũng không làm, mà chỉ ban qua văn thư chính thức của Tòa Ân Giải Tối Cao như vẫn thường thấy theo thủ tục của Giáo Hội. 


Sự thật bị bớt đi: Đó là tấm ảnh Lòng Thương Xót Chúa, một tấm ảnh được Chị Thánh Faustina theo lệnh Chúa ngày 22/2/1931, cần phải được vẽ ra phổ biến. Một bức ảnh bao gồm những yếu tố chính như chính mắt chị thị kiến thấy Người bấy giờ: 1- mặc áo trắng; 2- hai tia sáng đỏ và trắng phát ra từ dấu thánh nơi cạnh sườn Chúa; 3-  năm dấu thánh của Người; và hàng chữ "Giêsu ơi con tin nơi Chúa". Đây là một tấm ảnh có thể nói là bao gồm tất cả mạc khải thần linh, về một Vị Thiên Chúa đã tỏ hết mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà con người cần phải tin tưởng để được cứu độ, vì Người là Đấng Vượt Qua, toàn thắng tội lỗi và sự chết. Năm dấu thánh của Người trên thân xác phục sinh (áo trắng) chứng tỏ Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, nên hãy tin tưởng vào Người. 


Đó là lý do tấm ảnh Lòng Thương Xót Chúa này theo ý của Chúa Giêsu cần phải được trưng bày trong Lễ Lòng Thương Xót Chúa. Bởi trong lễ Lòng Thương Xót Chúa có bài Phúc Âm về sự kiện Chúa Kitô Phục Sinh tỏ 5 dấu thánh của Người ra khiến tông đồ Toma cứng lòng đã phải tuyên xưng đức tin. Ấy thế mà, theo chính mắt tôi thấy, có một số tấm Ảnh Lòng Thương Xót Chúa không có năm dấu thánh tí nào, hay có những tấm ảnh không có hàng chữ "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa", thậm chí còn có tấm ảnh chẳng có hai yếu tố then chốt làm nên tất cả sự thật về những gì Lòng Thương Xót Chúa mong muốn.


Sự thật bị thay thế: Đó là Bí Mật Fatima phần ba mà có những chuyên viên về Fatima cho là Bí Mật Fatima Thứ 3. Chính Chị Lucia là một trong 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải năm 1917 đã viết rõ chỉ có một bí mật nhưng có 3 phần. Ba phần hoàn toàn liên hệ mật thiết với nhau bất khả phân ly, chứ không tương phản nhau. Hai phần đầu và cuối là hai thị kiến, chỉ có phần thứ hai là phần mẹ Maria nói. Nhưng trong Bí Mật Thứ 3 của các chuyên viên về Fatima phổ biến và tuyên truyền thì toàn là những lời Đức Mẹ nói, nói theo ý của họ, bao gồm tối ba ngày ba đêm, thế chiến thứ 3 và tận thế. Chính vì phần Bí Mật Fatima thứ ba được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tiết lộ ngày 26/6/2000 qua Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, bao gồm cả chữ viết cuủa Chị Lucia và được đích thân chị công nhận là do chị viết, không có những chi tiết được các chuyên gia Fatima này suy đoán phải có trong đó mà họ vẫn tiếp tục không chấp nhận thứ Bí Mật Fatima phần 3 được Tòa Thánh phổ biến, cho rằng Tòa Thánh chưa tiết lộ toàn bộ phần bí mật này, còn giấu diếm, thậm chí còn bí mật thứ 4 và thứ 5 nữa. 


Thế mới xẩy ra chuyện một chuyên viên Việt Nam về Fatima, vốn nổi tiếng là chống phá thẩm quyền Giáo Hội, đã dám ngang nhiên tung ra một Bí Mật Fatima thứ 3 mà nhân vật này cả quyết khẳng định công khai (bằng văn tự) là "thật", do chính nhân vật này nghiên cứu được, từ nguồn này nguồn nọ, chứ không phải do chính Mẹ Maria tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima ngày 13/7/1917 và được Chị Lucia viết ra đệ trình lên giám mục địa phương rồi sau đó được vị giám mục địa phương gửi về cho Tòa Thánh từ cuối thập niên 1950.



13- Dead end ... No way out 


Trong đoạn 23 của Phúc Âm Thánh ký Mathêu, Chúa Kitô đã nói về thành phần biệt phái và luật sĩ, nói một cách nghiêm thẳng và thậm chí "thậm tệ" nữa là đàng khác, về thái độ kiêu căng, ham danh, thích quyền của họ, cũng như về đời sống giả hình của họ, ở chỗ họ coi nhẹ điều trọng và coi trọng điều nhẹ, nghĩa là họ tuân giữ luật lệ kiểu đạo theo hơn là theo đạo. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Người cũng phân tích giữa con người của họ và việc làm bất xứng của họ cần phải xa tránh không được noi theo bắt chước, với vai trò thày dạy của họ là những gì cần phải được kính trọng (xem Mathêu 23:2-3).


Ở đây Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta một điều rất quan trọng đó là chúng ta giữ luật là luật của Chúa chứ không phải luật của những vị thày dạy mà không giữ, những vị thày dạy đầy gương mù gương xấu, và vì thế đừng vì họ là thày dạy luật bởi tư cách riêng của họ mà bỏ luật của Chúa. Chúng ta giữ luật của Chúa vì Chúa chứ không phải vì họ nên họ càng bất xứng với luật Chúa và với vai trò làm thày dạy của họ mà chúng ta càng phải giữ luật để làm gương cho họ, nhờ đó họ nhận biết đường lối sai trái của mình mà trở về với Chúa, sống xứng đáng hơn. 


Hội đoàn nào, cộng đoàn nào, giáo xứ nào, thậm chí kể cả Hội Thánh đi nữa, chúng ta không bao giờ thấy được mọi người đều trọn hảo và được như ý của chúng ta. Nếu vậy thì chúng ta không gia nhập bất cứ đoàn thể nào, hay chúng ta ra khỏi tất cả các đoàn thể hay sao, tẩy chay mọi đoàn thể chỉ vì một số cá nhân bất xứng hoặc không được như ý của chúng ta hay sao? 

Thế thì chúng ta đi đâu đây? Chẳng lẽ chúng ta lập ra một tổ chức toàn là những người chúng ta cho là tốt lành nhất, được ý chúng ta nhất? - Dead end / cùng đường! Chúng ta có thể làm được như vậy không? Trong khi chính chúng ta cũng chẳng hơn gì ai, cũng "nhân vô thập toàn"! - No way out / không lối thoát.

Nếu vậy thì chúng ta chẳng khác gì như thành phần perfectionist, chủ trương đã làm phải ra làm, không làm thì thôi. Nghĩa là bản thân họ phải trọn lành rồi mới làm linh mục, mới đi tu, mới lập gia đình, phải thật giỏi rồi mới phục vụ v.v. Nghĩa là đọc kinh mà còn chia trí thì không nên đọc kinh, bất xứng, mất công, phí giờ... Vậy thì bao giờ họ mới chẳng còn chia trí để mà đọc kinh chứ?! Coi chừng rơi vào bẫy của satan. Thế thì bao giờ chúng ta mới trọn lành, trọn lành ở chỗ nào, nếu ở chỗ "như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48) thì đó chỉ là một cớ thoái thác, trốn tránh, và không bao giờ chúng ta dám làm gì cả, bởi chúng ta chưa trọn lành, và chẳng bao giờ chúng ta có thể trọn lành như Chúa muốn, cũng chẳng có ai trọn lành như ý chúng ta để xứng đáng được chúng ta cộng tác hết. Dead end - no way out. 

Vậy thì tại sao, trước một dead end là đường cùng và no way out không lối thoát như thế, chỉ còn một cách duy nhất mới có thể thoát khỏi tình trạng nguy vong và tự diệt - the only way out, đó là chúng ta hãy biết lợi dụng mọi sự bất lợi để sống trọn lành hơn và nhờ trọn lành chúng ta chẳng những ngăn chặn được sự dữ bằng sự lành mà còn lợi dụng được cả chính sự dữ nữa! Như chính Chúa Kitô đã giáo huấn và làm gương cho chúng ta, đã chẳng những biến thập giá là tiêu biểu cho tội lỗi và chết chóc thành ân sủng và sự sống bằng cách từ cõi chết sống lại, nghĩa là bằng cách đi vào lòng địch (là tội lỗi và chết chóc) để "canh tân tất cả mọi sự" (Khải Huyền 21:5).

Nếu Chúa Kitô "là đạo / đường" (Gioan 14:6) thì chúng ta theo đạo là chúng ta theo Chúa Kitô, chúng ta giữ đạo là giữ Chúa Kitô, chúng ta truyền đạo là chúng ta truyền đạt Chúa Kitô, và chúng ta tử vì đạo là chúng ta chết vì Chúa Kitô, thì một khi chúng ta bỏ đạo là chúng ta bỏ Chúa Kitô nhưng chúng ta trở lại đạo là chúng ta trở lại với Chúa Kitô, vì chỉ có ở nơi Người "là đạo" chúng ta mới thật sự đi đúng hướng, vì Người đồng thời cũng là "sự thật", và mới đạt đến tầm vóc viên mãn của mình nơi Người là "sự sống". Chỉ có con đường dẫn đến sự thật mới gặp sự sống là thế. 

14- May quá Chúa thương vậy thì xui quá Chúa...


Kitô hữu sống đức tin kiểu đạo theo hơn là theo đạo cũng hay buông ra những lời chứng tỏ đức tin của mình, có vẻ vô tội nhưng lại là những lời có thể chất chứa một phản chứng bất thường. Mỗi lần gặp điều lành hay thoát được điều dữ chúng ta thường nghe thấy câu: "May quá Chúa thương". Vậy thì suy ra, nếu bị rủi hay không thoát khỏi điều dữ thì chẳng lẽ Chúa không thương hay sao, hay là Chúa ghét mình, bỏ rơi mình nên để mình bị bất hạnh vô phúc như thế. 


Đối với thành phần Kitô hữu này thì chỉ có Núi Tabor biến hình mà không có Núi Sọ tử giá. Trong khi Chúa Kitô tỏ mình ra trên Núi Sọ có thể nói còn rõ hơn trên Núi Tabor nữa: "Khi nào quí vị treo Con Người lên quí vị mới biết Là Tôi" (Gioan 8:28). Nghĩa là con người chỉ nhận ra Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất nơi Chúa Kitô tử giá, Đấng là dung nhan thương xót của Cha trên trời qua cuộc khổ giá của Người.


Kitô hữu sống đức tin kiểu đạo theo hơn là theo đạo còn hay có tâm trạng là một khi mình sống đàng hoàng, đạo đức, hằng tuần vẫn đi lễ Chúa Nhật, vn làm việc bác ái xã hội, vẫn ăn ngay ở lành v.v. thì không thể nào lại gặp dữ được, bằng không, bất cứ một sự dữ nào xẩy ra cho họ thì họ liền kêu trách Chúa: tại sao con thế này mà Chúa lại đối x với con như vậy chứ; tại sao con này thng kia khô khan nguội lạnh, tội lỗi xấu xa hơn con mà chúng nó vẫn cứ ung dung sống ngon lành với đủ mọi thứ may lành chứ v.v. 


Có nghĩa là thành phần Kitô hữu sống đức tin kiểu đạo theo giống như người anh cả trong nhà cha của mình, làm gì cũng phải được cha trả công như một tên đầy tớ (xem Luca 15:29), không muốn tất cả của cha là của con (xem Luca 15:31), trong khi thành phần Kitô hữu sống đức tin kiểu theo đạo thì cảm thấy mình chỉ xứng đáng làm tôi tớ trong nhà cha của mình, nhưng lại được cha phục hồi tất cả phẩm vị xứng đáng làm con trong nhà (xem Luca 15:21-24).


15- "Làm việc cho Chúa"


Kitô hữu chúng ta nói chung, và nhng ai hoạt dộng tông đồ nói riêng, thường hay có câu nói rất tự nhiên là "làm việc cho Chúa". Nhưng nếu lưu ý một chút, chúng ta sẽ thấy nên nói rõ thêm "làm việc cho vinh danh Chúa", hay chỉ nên nói "làm việc của Chúa" thì hơn. Bởi vì chúng ta là tạo vật chỉ là hư không có gì đâu mà "cho Chúa". Những gì chúng ta làm gọi là "cho Chúa" ấy chỉ đáng gọi là "trả về cho Chúa những gì Ngài ban tặng cho con" thế thôi. Nghĩa là chúng ta nỗ lực sử dụng nén bạc Chúa ban cho mình để làm cho nó sinh lợi thiêng liêng như Ngài mong muốn.


Nếu chúng ta sống theo tâm thức "cho Chúa" trong hoạt động tông đồ của mình thì chúng ta sẽ có nguy cơ đi đến chỗ đòi lại: con làm việc "cho Chúa" thì Chúa phải ban cho con ơn này ơn kia, không được để con bị xui xẻo; nhất là có nguy cơ làm theo ý mình hơn là ý Chúa, để rồi không được như ý mình thì nhẹ là bỏ cuộc âm thầm với lý do khéo léo, hai là bỏ cuộc linh đình bằng những đấu đá tranh giành hay thư rơi thư rụng v.v.


Trái lại, nếu chúng ta luôn ý thức rằng mình "làm việc của Chúa" thì chúng ta sẽ: 1- chỉ tìm ý Chúa và theo ý Chúa là chủ của mình là đầy tớ của Ngài mà thôi; 2- Vì "làm việc của Chúa" nên chính Ngài sẽ lo việc của Ngài, chúng ta chỉ việc làm hết sức mình là đủ, ngoài ra cứ tin vào Ngài mà làm, đừng lo, nếu Ngài không ban cho chúng ta đủ nhân lực thì Ngài ban cho chúng ta thêm tinh thần, để chúng ta có thể biến một ngày 24 tiếng thành 36 tiếng; 3- vì chúng ta "làm việc của Chúa" nên chỉ cần chúng ta làm trọn theo ý Chúa là đủ, là thành công, chứ không phải thành công hay thất bại là do chúng ta được trần gian khen hay chê; 4- và vì "làm việc của Chúa" nên cuối cùng chúng ta mới có thể nói như Chúa dạy: "Khi các con hoàn tất mọi sự theo lệnh truyền thì hãy nói 'Chúng tôi là những người đầy tớ bất xứng (hay 'vô dụng' - vì không có chúng tôi thì cũng có người khác có khi còn giỏi hơn cả chúng tôi nữa); chúng tôi chỉ làm theo phận vụ của mình mà thôi" (Luca 11:10).


Như thế, giá trị và tính cách của việc Kitô hữu làm, thường được coi là hay kể như "công nghiệp" đây, chỉ có giá trị và tính cách tương đối, như tác động "đáp ứng" hay "cộng tác" thiết yếu bất khả thiếu nơi phần chúng ta với chính ơn cứu chuộc của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc duy nhất của nhân loại (xem 4:12). Thiên Chúa mới là Đấng cứu chuộc chúng ta nơi Con của Ngài, phần chúng ta, tự mình, chúng ta không thể "tự độ" (như thuyết nhà Phật), nhưng chúng ta vẫn phải biết "chấp nhận" ơn cứu độ của Ngài thì chúng ta mới "được quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12).


16- CEO 

 

CEO là 3 mẫu tự viết tắt của cụm từ Chief Executive Officer, nghĩa là vai trò làm tổng giám đốc điều hành của một hãng nào đó hay cơ quan thương mại nào đó


Nếu thành phần Kitô hữu sống đức tin kiểu đạo theo ở chỗ "may quá Chúa thương" căn cứ vào công nghiệp của mình thì trái lại, cũng có những Kitô hữu sống đức tin kiểu đạo theo một cách hoàn toàn ngược lại, ở chỗ chọn lựa, cái gì hợp với mình thì giữ, cái gì khó thì bỏ, hay lúc thích thì làm, lúc không thích thì bỏ, như đã và đang xẩy ra cho một số Kitô hữu chỉ đến nhà thờ vào một số ngày lễ đặc biệt thôi, và thường có 2 lễ đặc biệt nhất trong năm họ đến tham dự, và 2 lễ duy nhất này đã được ai đó tóm gọn rất hay trong 3 chữ tắt là CEO (Christmas Easter Only).


Chưa hết, còn một lễ nữa, đúng hơn 1 nghi thức được Kitô hữu đặc biệt nhất là Kitô hữu Mễ Tây Cơ chú ý nữa, đó là nghi thức xức tro vào Thứ Tư mở màn cho Mùa Chay. Họ kéo nhau đến rất đông, còn hơn cả lễ trọng nữa. Nhưng chỉ để nhận tro xong thì về, không tham dự Lễ Tro. Bởi thế, một số nhà thờ đã xức tro vào lúc kết thúc Thánh lễ hơn là vào sau bài giảng. Dầu sao thì thành phần Kitô hữu này vẫn còn nhớ đến Chúa, vẫn còn giữ đạo ở một mức độ nào đó, cho dù là kiểu đạo theo hơn là theo đạo.


17- Ba cao một thấp 


Dân Việt Nam chúng ta ở Hoa Kỳ có một cụm từ đã trở nên một thành ngữ quen thuộc về 4 loại chứng bệnh thông thường hay xẩy ra cho riêng người Việt chúng ta ở Hoa Kỳ (so với ở Việt Nam trước năm 1975), đó là "ba cao một thấp": ba cao là cao mỡ (high cholesterol), cao máu (high blood pressure), cao đường (high blood glucose), và một thấp là thấp khớp (Rheumatoid Arthritis). Trong các chứng bệnh về thể lý 3 cao một thấp này thì chứng cao mỡ và cao máu là thứ cao nguy hiểm, bởi chúng có thể đi đến chỗ tai biến mạch máu não mà đột quị.


Trong lãnh vực thiêng liêng cũng thế, con người ta nói chung và tâm hồn Kitô hữu nói riêng cũng mắc phải những loại chứng bệnh ba cao một thấp này: cao mỡ tham lam, cao máu tự ái, cao đường tình cảm, và thấp khớp mặc cảm


Chính vì tham lam của ăn thiêng liêng, như thích nghe giảng tĩnh tâm hay cầu xin cho được đủ mọi thứ ơn lành, nhưng lại không chịu mang ra áp dụng thực hành (exercise) hay đem ơn được nhận lãnh ra chia sẻ bằng việc phục vụ, mà con người mới bị cao mỡ vị kỷ, gây ra tình trạng bị tắc nghẹn tác động thần linh như "gió muốn thổi đâu thì thổi" (Gioan 3:8) nơi họ, khiến họ bị liệt bại không thể nào tiến đức, hay có tiến thì rất ư là chậm chạp như thể dậm chân tại chỗ


Chính vì tự ái mà con người ở trong trạng thái cao máu thiêng liêng, đụng một cái là đột quị liền. Căn nguyên của chứng bệnh cao máu tự ái này là vì họ tự kiêu, không biết mình, bởi thế không thể nào chấp nhận những gì trái với ý nghĩa của mình, ý thích của mình và ý muốn của mình, và tất cả những gì mình nghĩ, mình thích và mình muốn đều phải đạt thành, bằng không là có chuyện ngay lập tức, là tai biến mạch máu não xẩy ra liền.


Chính vì quá dồi dào tình cảm và chỉ theo tình cảm của mình cũng như nương dựa vào tình cảm của con người trần gian mà tâm hồn Kitô hữu mới bị chứng bệnh cao đường trong đời sống thiêng liêng. Mỗi khi tâm hồn cảm thấy yếu xìu bởi bị ai đó chê bai, phê bình chỉ trích, thì chỉ cần một chút kẹo ngọt ve vuốt khen tặng của ai đó là họ lấy lại sức liền. Những việc làm của họ, đạo đức cũng như tông đồ, phải được khen tặng mới bền, trái lại bị chê là họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc. 


Chứng bệnh thấp khớp hay phong thấp liên quan đến khớp xương, đến việc vận động và di chuyển của con người, khiến con người khó đi lại bình thường, chứ đừng nói đến chạy nhẩy. Thậm chí không bị què quặt nhưng nhiều khi cần phải chống gậy mới đi đứng nổi. Chứng thấp khớp thiêng liêng là ở chỗ tâm hồn Kitô hữu cảm thấy buồn bực hay bất mãn, thậm chí bị mặc cảm hay trầm cảm, bởi họ có tài mà trở thành vô dụng, vì trước đó họ đã hoạt động giúp ích rất nhiều đến độ không có họ không xong, giờ đây đôi khi hay lắm lúc họ còn cần có người nhà dìu đi cho khỏi bị té ngã nữa.


Các chứng bệnh thuộc loại "ba cao" liên quan đến việc kiêng cữ. Có một lần tôi đặt vấn đề với tham dự viên Khóa Lòng Thương Xót Chúa rằng: thường có bệnh, điển hình nhất là loại cao máu, cao mỡ và cao đường, mới kiêng vậy không có các chứng bệnh này thí có cần phải kiêng cữ hay chăng? Hầu hết nói là không! Tôi liền gợi ý thêm bằng một câu hỏi: Vậy nếu hai nguyên tổ giữ mình kiêng ăn trái cấm thì có bị chết về phần thiêng liêng hay chăng? Chính vì Thiên Chúa đã bảo các vị phải kiêng, ở chỗ "đừng ăn" hay đúng hơn "không được ăn" (Khởi Nguyên 2:17) trái cấm mà các vị cứ ăn, tức không kiêng, nên các vị đã di truyền cho con cháu của mình chẳng những các chứng bệnh 3 cao tai hại về đời sống thiêng liêng, mà còn chính thói quen nguy hiểm là bất chấp kiêng cữ nữa, đó là thói quen phạm tội, bởi phạm tội là tác động cứ ăn (tức c làm) những gì mình không được phép ăn (làm) trái với ý muốn tối thượng của Thiên Chúa. 


Đó là lý do Con Thiên Chúa làm người đã phải nhắc nhở và cảnh báo chung loài người và riêng thành phần Kitô hữu môn đệ của Người qua các vị tông đồ nghe bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi của Người về nguyên tắc cần phải chẳng những tránh "đường rộng dẫn đến diệt vong" là sống thoải mái thậm chí buông thả không chịu kiêng cữ, mà còn phải cố mà "qua cửa hẹp" dẫn đến sự sống (xem Mathêu 7:13), ở chỗ kiêng cữ đến độ "móc mắt", "chặt tay" ... "thà bị mất một phần thân thể mà được vào thiên đàng còn hơn nguyên thân xác lại bị quăng vào hỏa ngục" (xem Mathêu 5:29-30).


 

18- Rút ống là tiêu tùng


Thành phần Kitô hữu sống đức tin còn yếu kém, lệ thuộc vào trần gian và bị trần gian chi phối thì cũng chẳng khác gì như trường hợp của thành phần bệnh nhân nằm trong bệnh viện, thậm chí ở trong phòng chăm sóc cao cấp - ICU (Intensive Care Unit), nơi mà thân thể yếu nhược và trầm trọng của họ cần phải được tiếp vận hay tiếp sức bằng các thứ trợ thở hay trợ dưỡng, không thể thiếu những thứ này, bằng không, một khi rút ống ra thì họ sẽ không thể nào tồn tại được. 


Đúng thế, những Kitô hữu sống đạo hay hoạt động tông đồ một cách khoe khoang, cảm thấy mình hữu dụng và được nhiều lời khen tặng, thế nhưng để biết họ có thực sự sống đức tin hay chăng, có Vì Chúa và lợi ích thiêng liêng của cộng đoàn, giáo xứ hay hội đoàn của họ hay chăng, chỉ cần xem họ phản ứng ra sao trước những lời phê bình chỉ trích hay trước những góp ý xây dựng đụng đến họ. Nếu họ rút lui không tiếp tục sinh hoạt hay phục vụ nữa thì chẳng khác nào như họ bị rút ống trợ thở và ống trợ dưỡng của họ ra vậy! 


Ma quỉ ở dưới hỏa ngục remote control cám dỗ thành phần Kitô hữu đạo theo này rất ư là dễ dàng, bằng một cuộc khủng bố rẻ tiền, bằng một vụ đâm xe vào đám đông, thế là xong. Tức là bằng một lời nói của ai đó. Lời phê bình chỉ trích. Nặng thì chê bai. Nhẹ thì góp ý xây dựng. Nhưng chính vì họ không theo đạo là theo Chúa Kitô nên cuối cùng đã bỏ cộng đoàn của họ là nơi đang cần đến các nén bạc Chúa trao cho họ. Nghĩa là chính cộng đoàn cũng trở thành nạn nhân như họ, gây ra bởi vụ khủng bố đâm xe rẻ tiền này. 


Có những trường hợp cả nhóm lệ thuộc vào một ngưòi. Họ rủ cả đám vào nhóm này, nhập hội kia. Sau đó, bản thân của nhân vật có tầm ảnh hưởng thu hút này cảm thấy bất mãn hay không hợp với hội đoàn này hoặc đoàn thể kia nữa liền rút lui, thế là cả đám rút lui theo. Đám người sống hùa theo ở một nghĩa nào đó như thể bị nhân vật này giật giây hay rút ống vậy. Họ không giống như dân làng Samaria, sau khi nghe người phụ nữ trong làng, một con người đã từng sống lén lút buông tuồng trắc nết với 6 người đàn ông không phải là chồng mình, kêu gọi họ ra gặp Chúa Kitô, nhưng sau khi gặp được Người rồi thì dân làng đã nói với người phụ nữ loan báo Chúa Kitô rằng dân làng của chị tự mình đã cảm nghiệm được Chúa Kitô hơn là lời của chị về Người


"Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Ðức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Ðức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: 'Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Ðấng cứu độ trần gian'" (Gioan 4:39-42).


Bởi thế, giả sử như sau đó, cho dù người phụ nữ loan báo Chúa Kitô ấy có trở lại đời sống buông thả như trước hoặc hơn trước, thì dân làng của chị vẫn tin và Chúa Kitô, bởi Chúa Kitô là chính chân lý không thể nào bị bóp méo theo đời sống của chị, và vì thế đức tin của dân làng chị cũng không thể nào bị chị ảnh hưởng. 


Như thế đạo theo ở đây còn có nghĩa là Chúa Kitô là đạo, là đường bị ảnh hưởng bởi đời sống tồi tàn của một con người nào đó, đến độ có tác dụng làm cho đức tin của người khác bị ảnh hưởng theo. Đương sự bị chi phối bởi hành vi cử chỉ của loài người mà bỏ đạo, bỏ Chúa Kitô đúng là một con người sống đức tin theo kiểu đạo theo, theo người khác là đạo của mình, hơn là theo đạo là chính Chúa Kitô, là sự thật bất biến. 


19- Hội kín thợ xây trật tự thế giới mới


Trong một cuộc tĩnh tâm, tôi bất chợt hỏi tham dự viên rằng làm sao biết được đâu là người Công giáo, hay đâu là đặc tính chính yếu, nổi bật nhất của tín hữu Công giáo? Nhiều người nói ngay rằng đó là lòng tôn sùng Đức Mẹ. Tôi liền khai mở thêm: lòng tôn sùng Mẹ Maria có cả ở nơi các tín hữu Chính Thống giáo nữa, thậm chí cả ở nơi tín đồ Hồi giáo. 


Nghe thế có người trả lời câu hỏi của tôi bằng một giải đáp khác về đặc tính của tín hữu Công giáo: Đó là tôn sùng Bí Tích Thánh Thể. Tôi vẫn vừa đóng vừa mở như sau: Lòng tôn sùng Thánh Thể cũng có cả ở bên Giáo Hội Chính Thống giáo, thậm chí ở cả bên Giáo Hội Anh giáo, chứ không riêng gì Công giáo. Trong khi đó, cũng là Kitô hữu, nhưng các giáo phái Tin Lành chẳng tôn sùng Đức Mẹ cũng chẳng tin Chúa Giêsu Thánh Thể. 


Cuối cùng tôi đã cho biết nhận định riêng của mình về đặc tính nổi bật nhất và chính yếu nhất nơi Kitô hữu Công giáo đó là lòng tôn sùng Đức Thánh Cha, một lòng tôn sùng đã được ít là 3 dòng tu đề cao và thực hiện, đó là Dòng Tên, Dòng Don Bisco và Dòng Đồng Công. Bởi vì, cả Chính Thống Giáo, Anh giáo và các giáo phái Tin Lành, tuy đều là Kitô hữu, cùng tin vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng vẫn không chấp nhận và thuận phục quyền bính Giáo Hoàng. 


Có một lần, cách đây trên 20 năm, có một nhóm ở Giáo Phận Orange California bất ngờ mời tôi tới tham dự giờ cầu nguyện của họ. Tôi đã cố gắng sắp xếp tới ở một tư gia. Nhóm cầu nguyện này thật là sốt sắng khi đọc Kinh Mân Côi kính mến Đức Mẹ. Họ quì gối, họ giang tay v.v. Thế nhưng, sau giờ kinh nguyện, trong lúc chia sẻ, họ bắt đầu mang giáo hoàng ra làm thịt, phê bình chỉ trích, chụp mũ xuyên tạc ngài đủ điều theo những nhận xét chủ quan của họ... Tôi đã lắng nghe và cuối cùng cho họ biết rằng những ý nghĩ của họ đã bị ảnh hưởng từ đâu và tác dụng nguy hiểm trong việc làm mất uy tín và thế giá của giáo hoàng gây ra cho nhau và nơi nhau v.v. Đó, trong trường hợp của nhóm sống đạo này, ai bảo rằng việc họ tôn sùng Đức Mẹ là biểu hiệu cho thấy họ quả thực là tín hữu Công giáo?


Thánh Gioan Tông Đồ, trong Thư Thứ Hai chỉ có 1 đoạn duy nhất của ngài, ở câu 7, có điểm mặt của thành phần kitô giả hay phản kitô - anti-christ như sau: "Có nhiều k mê hoặc đã lan tràn khắp thế gian, họ là những kẻ không công nhận Ðức Giêsu Kitô đến trong xác thịt. Ðó là kẻ mê hoặc và là tên phản Kitô". Và Thánh nhân, trong Thứ Thứ Nhất, đoạn 2 câu 19 còn cho biết thêm thành phần phải kitô này từ đâu mà đến: "Họ từ hàng ngũ của chúng ta mà xuất hiện" (Gioan 2:19), nghĩa là từ chính thành phần Kitô hữu, hay chính Kitô hữu là thành phần phản kitô. Ở chỗ nào? Nếu không phải ở chỗ: "không công nhận Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt". Vậy đâu là dấu hiệu cho thấy thành phần Kitô hữu phản kitô "không công nhận Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt"? Theo tôi, có thể căn cứ vào 4 dấu hiệu sau đây: 


1- Trước hết, thành phần "phản kitô không công nhận Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt" là thành phần ghét bỏ Người Mẹ của Người và chống đối việc tôn sùng Người Mẹ của Người, Người Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ của Con của Ngài, nhờ đó Con của Ngài đã có thể "đến trong xác thịt", và là Người Mẹ chính Con của Ngài cũng đã ngoan ngoãn tùng phục (xem Luca 2:52) và kính nể (xem Gioan 2:3-4,7-8). Nếu Chúa Kitô còn tùng phục và kính nể Mẹ Maria của Người thì Kitô hữu nào ghét bỏ Mẹ của Người và chống đối việc tôn sùng Mẹ của Người không phải là thành phần phản kitô hay sao!?


2- Sau nữa, thành phần "phản kitô không công nhận Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt" là thành phần không tin Chúa Giêsu Thánh Thể, thậm chí còn có những hành động lăng nhục và phạm thánh đến Thánh Thể của "Đức Giêsu Kitô", Đấng "đã đến trong xác thịt" để trong xác thịt của mình và bằng xác thịt của mình "hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:28), và là Đấng đã ban chính bản thân mình là Bánh Sự Sống cho chiên của Người "được sự sống và là sự sống viên mãn hơn" (Gioan 10:10), nhờ Bí Tích Thánh Thể là Hy Tế Mình Máu Thánh do Người thiết lập trong Bữa Tiệc Ly.


3- Còn nữa, thành phần "phản kitô không công nhận Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt" là thành phần khai thác, đàn áp, bóc lột hay loại trừ những người anh chị em có xương có thịt hèn mọn nhất của Chúa Kitô ở trên trần gian này, những con người bần cùng khốn khổ được Người đồng hóa với chính mình Người, đến độ bất cứ ai khinh thường họ và bỏ bê họ là khinh thường và bỏ bê Người (xem Mathêu 25:31-46). 


4- Sau hết, thành phần "phản kitô không công nhận Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt" là thành phần chống đối giáo hoàng, vị đại diện Chúa Kitô, hiện thân có xương có thịt của Người ở trên trần gian này, vị được chính Người trao chìa khóa Nước Trời là quyền cầm buộc và tháo cởi, một thẩm quyền, qua Công Đồng Vaticano I (1870), đã được Giáo Hội tuyên tín như là một ơn vô ngộ, khi Người long trọng lấy thẩm quyền của mình tuyên bố một tín điều phải tin hay luân điều phải giữ. Nếu "Đức Giêsu Kitô" đã tin tưởng và trao quyền cho một con người có xương có thịt thay Người và cùng Người chăn dắt đàn chiên của Người thì những kẻ chống đối vị đại diện Người không phải là phản kitô hay sao!?


Một trong những thành phần anti-Christ phản Kitô điển hình nhất trong lịch sử Giáo Hội và nguy hiểm nhất, dữ dội nhất, không phải là cộng sản, mà là một tổ chức xuất phát ở Anh quốc từ năm 1717, đó là Tam Điểm, một hội kín (lodge) thợ xây (masonry) trật tự thế giới mới (new world order), bằng những thứ cách mạng (revolution) về cả xã hội lẫn tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng, theo chiều hướng lật đổ (overturn) cho đến khi hoàn toàn hủy hoại (destroy) hết mọi trật tự về luân lý hay siêu linh bất diệt, được Thiên Chúa thiết lập cho con người và nơi con người nói chung và Giáo Hội của Chúa Kitô nói riêng, để nhờ lật đổ và hủy hoại, qua thể chế dân chủ bị lạm dụng nơi ngành lập pháp và tư pháp ở các nước Tây phương Kitô giáo văn minh tân tiến duy nhân bản, mà tái thiết vương quốc của satan theo chiều hướng trật tự thế giới mới thuần tục. 


Căn cứ vào chủ trương lật đổ những gì là chân thật và siêu nhiên cần cho việc hoàn thiện hóa con người được dựng nên theo hình ảnh thần linh như thế, có thể nói tam điểm chính là "tên lăng loàn - the man of lawlessness", một tác nhân gây ra hiện tượng "bỏ đạo / bội giáo tập thể - the mass apostasy", được Thánh Phaolô nhắc tới cần phải xuất hiện và xẩy ra trước khi Chúa Kitô tái giáng (xem 2Thessalonica 2:3).


Đó là lý do chúng ta thấy chưa bao giờ thế giới Kitô hữu nói chung bị tục hóa như ngày nay, một cơn bão lốc (tornado) tục hóa đã càn quét thế giới Kitô giáo bằng chủ nghĩa duy nhân bản, duy thực dụng theo chiều hướng tương đối hóa tất cả mọi sự, và là một thứ tục hóa vô cùng nguy hiểm được Đức Thánh Cha Phanxicô hiên ngang mãnh liệt phản chống đến cùng, để bảo v đàn chiên của mình, nên chẳng lạ gì ngài đã trở thành mục tiêu chính yếu tấn công của tam điểm, một tổ chức có đặc tính chống đối giáo hoàng, như Đức Thánh Cha Lêô XIII nhận định và cảnh giác trong Thông Điệp Humanum Genus ban hành ngày 20/4/1884, ở câu tiêu biểu sau đây.


"... Giờ đây đã đến lúc thành phần tà phái này công khai tuyên bố, những gì kín mật nơi họ được họ âm mưu từ lâu, đó là hủy bỏ quyền bính thần linh của các vị Giáo Hoàng và hủy diệt chính vai trò giáo hoàng là những gì được thiết lập bởi quyền bính thần linh... Thành phần Tam Điểm đặc biệt muốn tấn công Giáo Hội bằng lòng hận thù bất khả hóa giải, và họ sẽ không bao giờ nghỉ yên cho đến khi họ hủy hoại được bất cứ những gì được các vị Giáo Hoàng thiết lập cho đạo giáo" (đoạn 15).


Như thế, những ai dám chống đối giáo hoàng của mình, cho dù là nhân danh Giáo Hội Tông Truyền, hãy coi chừng kẻo là những tay phản Kitô tam điểm, một hội kín đến độ hầu như chẳng có phần tử nào biết nhau, nhưng đã chính thức gia nhập mà phản bội thì khó lòng thoát chết, và tính cách kín mật của tam điểm còn ở chỗ không biết mình đã là phần tử của nó, khi hung hăng theo chiều hướng và chủ trương lật đổ cùng phá hoại của nó và như nó


Riêng bản thân của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài bị thành phần Kitô hữu Công giáo bảo thủ theo chiều hướng tam điểm muốn lật đổ và triệt hạ là vì họ cho ngài là một tên phản Kitô, phá Giáo Hội Tông Truyền, mà thật ra họ lại càng chứng tỏ ngài còn tông truyền hơn cả họ nữa, vì ngài mong muốn và thôi thúc cả Giáo Hội phải trở về nguồn là Chúa Kitô, Đấng chỉ muốn "lòng nhân lành hơn hy lễ" (Mathêu 9:13), Đấng ngồi đồng bàn với tội nhân thu thuế và gái điếm, hoàn toàn trái tai gai mắt nhóm biệt phái và kinh sư Do Thái duy luật tự cho mình là thành phần công chính (xem Mathêu 9:10-11). 


Chính sự kiện ngài bị thành phần Kitô hữu Công giáo bảo thủ theo dõi, tấn công, chụp mũ và tuyên truyền cho đến khi lật đổ và triệt hạ được ngài theo chiều hướng tam điểm phản Kitô, lại càng cho thấy ngài giống Chúa Kitô, và những gì ngài làm hoàn toàn đúng với tinh thần Phúc Âm và gương Chúa Kitô, Đấng đã khẳng định với các vị tông đồ trong Bữa Tiệc Ly về thân phận của các vị và là một khẳng định đã ứng nghiệm nơi trường hợp của vị đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đáng kính đáng mến của chúng ta hiện nay:


"Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Ðấng đã sai Thầy"(Gioan 15:19-21)


20- Xưng tội của nhau


Có những trường hợp buồn cười xẩy ra là ngay trước khi xưng tội hay đang đứng xếp hàng chờ xưng tội thì lại phạm tội thêm. Thường xẩy ra như vậy khi hàng người xưng tội thì dài mà hối nhân đang ở trong tòa giải tội bấy giờ thì không biết đến bao giờ ra. Không biết có phải là hối nhân đang xưng tội ấy xưng quá nhiều tội chăng? Hay hối nhân lợi dụng bàn hỏi với vị giải tội về đời sống đạo hoặc thắc mắc xem những gì mình bối rối không biết có phải là tội hay chăng để mà xưng v.v.? Nhưng theo kinh nghiệm thì dường như đa số hối nhân chẳng những xưng tội mình còn xưng tội cho cả người khác nữa nên mới lâu như vậy.


Chẳng hạn thay vì xưng: "Trình cha con chửi vợ con 3 lần", thì lại còn xưng thêm tội của vợ mình "vì vợ con nó chẳng những dám cãi tay đôi với con mà còn thách thức con chửi nó nữa". Hoặc: "Trình cha con đã ngoại tình 1 lần", thì lại xưng thêm tội của chồng mình: "vì chồng con bê tha cờ bạc, rượu chè, không quan tâm gì đến con, thậm chí lại còn la mắng con". Nghĩa là "lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại anh chị em một phần". Như thế thì ăn năn dốc lòng chừa ở chỗ nào. Hối nhân đâu có hoàn toàn nhận tội đâu mà sửa, mà thật lòng thống hối ăn năn. 


Trong một lần giúp tĩnh tâm ở Giáo Phận Fortworth vào đầu tháng 6/2017, trong tình trạng  bất ngờ thiếu linh mục. Thay vì 3 vị như dự tưởng thì chỉ còn 1 vị duy nhất. Để giúp cho vị linh mục duy nhất này và trên 40 anh chị em tham dự tĩnh tâm có thể xưng tội trong một thời gian có hạn, tôi đã đề nghị gợi ý với quí anh chị ấy kiểu xưng tội short cut / express - đốt giai đoạn như sau: 


1- chỉ xưng tội của mình, đừng xưng thêm tội của bất cứ người nào, nghĩa là đừng thêm chữ "vì" thế này thế kia sau tội của mình; 


2- đọc kinh ăn năn tội trước khi vào xưng tội, vì phải ăn năn rồi mới xứng thú, chứ không phải xưng thú rồi mới ăn năn; 


3- chỉ xưng một số tội thật sự cần xưng, ngoài tội trọng ra và một số tội có tính cách nghiêm trọng, chứ đừng xưng các lỗi lặt vặt chẳng bao giờ chừa được, như đọc kinh chia trí v.v. 


Có thể tóm gọn 3 chi tiết trên đây vào một câu mở đầu xưng tội như sau: "Thưa cha, trong 1/2/3/4/5 (tuần, tháng, năm) qua, sau khi xét mình lại, con cảm thấy hết sức hối hận về những hành vi cử chỉ con đã phạm đến Chúa vô cùng cao cả và thiện hảo của con ở một số điều sau đây: thứ nhất, con đã...; thứ hai con đã...; thứ ba con đã... Còn những gì con vô tình quên sót, cũng xin cha tha thứ cho con. Con đã ăn năn dốc lòng chừa, giờ đây xin cha ban phép giải tội cho con." Tối hôm đó, vị linh mục duy nhất ấy đã giải tội cho 40 anh chị em tham dự tĩnh tâm trong vòng hơn 30 phút đồng hồ một chút!


Cũng liên quan đến vấn đề xưng tội, đôi khi hay nhiều khi chúng ta phạm tội ngay khi đang chờ xưng tội, ở chỗ, chúng ta tỏ ra bực tức đến ghét mặt ai đó ở trong tòa giải tội trước chúng ta, khi họ vì lý do nào đó bắt chúng ta phải chờ lâu, nhất là khi gần hết giờ xưng tội ấn định, và nhất là ở trong trường hợp chúng ta đã cố gắng sắp xếp mãi mới giành được giờ đến tòa giải tội: "thắng cha nào đó" hay "con mẹ nào đó" xưng tội sao mà lâu thế!? Chờ cho hối nhân đó ra để nhìn xem là ai cho bõ tức. Để rồi tới phiên mình vào tòa không biết chúng ta có nhớ mà xưng tội vừa mới phạm ấy hay chăng, hay có xưng thì lại xưng rằng: "con cảm thấy tức giận người anh chị em con xưng tội trước con, (vì nó xưng tội lâu quá trong khi con mãi mới có giờ đi xưng tội như hôm nay)..."


Nếu sống đức tin kiểu đạo theo thì chúng ta dễ dàng có những thái độ và hành vi cử chỉ tương tự như vậy, ở chỗ, chúng ta trọng hình thức (xưng tội) hơn tinh thần (bác ái), coi phương tiện (bí tích) hơn cùng đích là đức ái trọn hảo, tức là chính Thiên Chúa. 


Trong chuyến Hành Hương Thời Điểm Fatima 2017, vào chính ngày 13/5, thời điểm mừng kỷ niệm đúng 100 năm Thánh Mẫu Fatima, tôi và một số anh chị em Tông Đồ Chúa Tình Thương trong phái đoàn hành hương của tôi không được rước lễ. Vì chúng tôi cần phải đứng tại chỗ vừa để giữ đồ cho nhau vừa để làm dấu chỉ điểm chỗ tụ họp chung nhóm nhờ đó khỏi lạc nhau như lễ đêm hôm trước. Nên đến khi chúng tôi cố gắng chen được tới chỗ rước lễ thì hết Bánh Lễ. 


Không biết những anh chị em cố gắng chen lấn đến bất lịch sự để rước Chúa cho bằng được trước chúng tôi như chúng tôi thấy bấy giờ, cảm thấy như thế nào - chắc có thể vì sự sốt sắng nhà Chúa thiêu đốt tôi hay chăng (xem Gioan 2:17). Riêng tôi, thà không được rước lấy Vị Thiên Chúa là Tình Yêu vô cùng nhân hậu còn hơn là tranh giành nhau đến lỗi đức bác ái để làm sao rước lấy Người cho bằng được. Tôi cảm thấy rất khao khát rước lấy Người, nhưng không thể vì thế mà phạm đến Người, khi chen lấn xô đẩy những người anh chị em khác cũng khao khát rước lấy Người. 


Đối với tôi, thà để cho họ được rước lấy Người còn tôi bị hụt hẫng còn hơn. Vì chính lòng khao khát Thánh Thể của tôi hợp với đức bác ái yêu thuơng của tôi chính là những yếu tố thiết yếu bất khả thiếu để tôi được hiệp nhất nên một với Vị "Thiên Chúa là thần linh trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24). Không ngờ, chiều tối hôm đó, Đấng thấu suốt mọi sự đã bù đắp cho chúng tôi bằng cách dẫn chúng tôi đến kính viếng Đền Thờ Ba Ngôi Cực Thánh ở cuối Quảng Trường Fatima, nơi bắt đầu có Thánh Lễ mà chúng tôi không biết. Thế là chúng tôi đã được rước lấy Người để được hiệp nhất với Người bằng cả thân xác tro bụi của chúng tôi nữa.


21- "Có tội gì đâu mà xưng"


Có lần trong một bài chia sẻ tĩnh tâm vào giữa thập niên 1990 về Fatima, tôi đã bất ngờ khiến tham dự viên rằng cảm thấy thắc mắc trước câu khẳng định của tôi: "càng thanh thiện càng phải cải thiện". Trước nhiều bộ mặt ngơ ngắc tôi liền dẫn giải như sau: nếu "Thiên Cúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) thì chỉ có ai gần ánh sáng mới thấy mình rõ hơn ai hết, mới thấy mình nhiều tối tăm, nhiều chổ sần sùi, xấu xa ghê tởm, cần phải làm đẹp lại bằng ơn tha thứ qua bí tích hòa giải. Đó là lý do các thánh là những người không phạm tội nhiều như chúng ta mà lại xưng tội thường xuyên hơn chúng ta. Còn chúng ta, có một số người còn dám tự phụ nói rằng: "có tội gì đâu mà xưng".


"Có tội gì đâu mà xưng", trước hết, có thể là ở chỗ lương tâm của người anh chị em Kitô hữu ấy đã ra chai đá nên chẳng còn biết tội lỗi là gì nữa. Đúng như lời cảnh giác của Đức Thánh Cha Piô XII trong sứ điệp gửi Đại Hội Giáo Lý toàn quốc Hoa Kỳ ngày 26/10/1946: "tội lỗi của con người ngày nay là bị mất đi ý thức tội lỗi". Hay đã bị ảnh hưởng quá sâu đậm của chủ nghĩa tương đối hóa, cho mọi sự của Thiên Chúa liên quan đến các nguyên tắc luân lý và đạo lý bất di bất dịch chỉ là những gì tương dối về giá trị, nên ai muốn giữ gì thì giữ, giữ hay không tùy ý, còn những gì thuộc quyền hạn dân sự cho phép theo chủ nghĩa duy nhân bản coi con người là nhất, thì mới là những gì tuyệt đối, không ai được đụng vào, không ai được chạm tới.


Ở những thành phố lớn trên thế giới, điển hình nhất là Nữu Ước hay Chicago, bầu trời trở thành nhỏ hẹp, vì nó bị che khuất bởi các thứ cao ốc ngất trời dọc suốt nhiều con đường trong thành phố. Con người tột đỉnh văn minh ngày nay về nhân quyền cũng thế, quan niệm về thần linh (trời cao) và đức tin siêu nhiên của họ nói chung và của Kitô hữu nói riêng đã bị che khuất bởi những cao ốc khoa học thực dụng và kỹ thuật tối tân, nhất là bởi các thứ ngẫu tượng tự do nhân quyền. Đó là lý do, chỉ khi nào con người ra khỏi thành phố, ra bên ngoài các khu phố trọc trời, họ mới thấy lại được bầu trời, cho dù chỉ là một bầu trời bị vẫn đục bởi pollution, bởi ô nhiễm kỹ nghệ. Và chỉ khi nào họ lên tới một đỉnh núi, nghĩa là xa thật xa thành phố trọc trời, họ mới chẳng những thấy được bầu trời lồng lộng trên đầu mà còn cả toàn cảnh nhân gian bên dưới nữa.


Tuy nhiên, để lên được tới đỉnh núi để hoan hưởng những giây phút hay cảm giác siêu thoát tuyệt vời như thế, con người chẳng những phải lao nhọc leo núi mà còn phải can đảm dứt khoát dám bỏ lại sau lưng những gì là trọc trời che khuất trời cao và đầy ồn ào bận rộn trong bầu khí ô nhiễm nữa. Trong khi leo núi khó khăn vất vả con người rất khó ngã thế nào thì lúc xuống núi có vẻ như dễ dàng hơn, đỡ mệt hơn, nhanh chóng hơn, nhưng lại nguy hiểm hơn, dễ ngả hơn. Đó là lý do con đường xống dốc mới cần có những chỗ khó đi để cầm hãm đà gục ngã của con người. Chắc có lẽ vì thế mà Thiên Chúa thường để cho con người đang sống buông thả hay bê bối gặp phải một số những trục trặc rắc rối như để nhắc nhở họ, đánh động họ, ngăn chặn họ một cách nào đó... về con người yếu hèn của họ, dễ sa ngã của họ, cho họ khỏi hư vong.


22- "và những điều thiếu sót…”


Trong nghi thức thống hối đầu lễ, chúng ta chẳng những phải thú nhận rằng "tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm" của mình để làm hòa với Thiên Chúa, Giáo Hội cũng như với anh chị em của chúng ta trong cộng đồng phụng vụ bấy giờ nói chung và những anh chị em có liên hệ với chúng ta nói riêng, mà còn phải bao gồm cả "những điều thiếu sót" nữa. 


"Những điều thiếu sót" đây, theo tự nhiên, thường bị chúng ta cho là không quan trọng, nên không xét tới, không quan tâm cho lắm. kể cả khi chúng ta đi xưng tội cũng thế, "những điều thiếu sót" hầu như cũng chẳng bao giờ ở trong bản xét mình của chúng ta. Tuy nhiên, căn cứ vào giáo huấn của Chúa Kitô trong Phúc Âm thì "những điều thiếu sót" này lại là những gì quan trọng và có thể gây ra hậu quả vô cùng quan trọng là mất linh hồn. 


Trường hợp của một nhà phú hộ ăn mặc lụa là gấm vóc và ngày ngày yến tiệc linh đình, nhưng không hề giúp đáp một Lazarô vô cùng khốn khổ ở ngay cổng nhà của ông một cách lộ liễu không thể nào không thấy, không phải là "những điều thiếu sót" của nhà phú hộ này hay sao, cho dù nhà phú hộ không hề chửi mắng hay tống cổ Lazarô đi, "những điều thiếu sót" khiến nhà phú hộ "không thể từ đây sang đó và từ đó sang đây", nghĩa là hư đi đời đời (xem Luca 16:19-31).


Trường hợp của người đầy tớ được trao cho nén bạc ít nhất trong 3 người đầy tớ cũng thế, cho dù không hề làm hư hao đi một chút nào những gì chủ trao, trái lại, đã cẩn thận giữ kỹ để hoàn lại chủ một cách đầy đủ, nhưng vẫn bị hư đi, bởi thái độ và hành động của người đầy tớ này thuộc về dạng "những điều thiếu sót" vậy (Mathêu 25:24-30).


23- “không biết mình thực sự đã nói gì”


Khi nói đến cầu nguyện thì Kitô hữu chúng ta thường hay có khuynh hướng cầu xin. Xin hết ơn này đến ơn khác. Xin đủ mọi ơn. Xin cho mình cũng như cho nhau, cho người còn sống cũng như đã qua đời. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta cầu xin mà "không biết mình thực sự nói gì" (Luca 9:33), như trường hợp của chính tông đồ Phêrô ở trên Núi Tabor với Thày và cảm thấy khoái thú đến độ xin Thày cho phép ngài dựng lên 3 cái lều, một cho Thày, một cho Moisen và một cho Elia..


Không phải hay sao, chúng ta cảm thấy mình đầy kiêu căng tự ái nên tha thiết xin Chúa ban cho chúng ta ơn "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29) như Chúa. Ấy thế mà khi Ngài ban cho chúng ta ơn "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" thí chúng ta không nhận. Ở chỗ, cách Ngài ban không như chúng ta tưởng. Chẳng hạn, không phải bằng một thứ thuốc an thần, uống vào thì đờ người ra, ai muốn làm gì thì làm, không bao giờ phản ứng lại, mà bằng một cái tát của một ai đó trước mặt đám đông. Nếu ngay lúc bấy giờ chúng ta bình tĩnh chấp nhận cái tát đó, không phản ứng lại, thì quả thực chúng ta đã "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" rồi vậy. 


Đó là lý do, ngay trước khi khuyên chúng ta "hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" thì Người bảo chúng ta rằng: "Hãy mang lấy ách của Tôi". Tức là hãy chấp nhận cái tát nhục nhã ấy thì tự nhiên chúng ta nên giống Chúa là Đấng đã làm gương sống "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng". "Học" ở đây là phản ảnh, là hiện thực, thế thôi.


Hiện tượng "không biết mình đã nói gì" đây gây ra bởi vấn đề không biết cầu nguyện là gì, hay nói đúng hơn, cầu nguyện một cách bất lịch sự. Không phải hay sao, nếu cầu nguyện vẫn được định nghĩa một cách vừa cụ thể vừa dễ hiểu là nói chuyện với Chúa, mà khi cầu nguyện, kinh nghiệm cho thấy, không ít Kitô hữu chúng ta chỉ biết đọc hết kinh này đến kinh khác, xin hết ơn này đến ơn khác, thế thôi, chỉ biết nói là nói, nói thao thao bất tuyệt với kinh kệ và ơn xin, không giành ra những phút thinh lặng để nghe Chúa nói với mình, để nghe Lời Chúa? 


Nếu chúng ta nói chuyện với ai mà không để người khác nói, cứ ào ào nói, cướp cả lời người đối thoại với mình thì mình có nói chuyện một cách lịch sự với họ hay chăng, hay là lần sau không ai dám nói chuyện với một con người bất lịch sự như mình nữa. Đôi khi hay nhiều khi Chúa không ban ơn cho những gì mình xin là cách Chúa gián tiếp nói với hay đúng hơn trả lời cho những ai cầu nguyện một cách bất lịch sự với Ngài như vậy...! 



24- Muốn "được" Chúa thương mà lại sợ "bị" Chúa yêu


Trong một Khóa Lòng Thương Xót Chúa 2017 có một câu hỏi được tham dự viên đặt ra là "làm sao để có thể yêu Chúa như một người tình", tôi đã đề nghị với vấn nhân này rằng: "Hãy để cho Chúa yêu mình". Người đặt câu hỏi liền đáp rằng mình vẫn để cho Chúa yêu đấy chứ! Tôi liền gợi ý thêm với vấn nhân như thế này: vậy có ai trong chúng ta tự nhiên thích đau khổ hay chăng? Không một ai! Mà Chúa Kitô không thể nào và không bao giờ tách khỏi Thánh Giá, đến độ ở đâu có Người là ở đó có Thánh Giá. Như thế, hãy để Chúa yêu tức là hãy vác Thánh Giá với Người, thế thôi, và một khi tâm hồn đạt tới độ cảm thấy "cái thú đau thương" và xin được đau thương với Người là lúc chúng ta đã "yêu Chúa như một người tình". 


Vị trưởng tông đồ đoàn Phêrô chỉ vì ngay lành và hết sức mộ mến Thày đã phát ngôn một câu tự nó muốn tách Chúa Kitô ra khỏi Thánh Giá, mà ngài, vừa mới được Thày khen tặng cùng được Người ký thác chìa khóa Nước Trời cho, liền trở thành satan (xem Mathêu 16:16-23). Đó là lý do, ngay trong dịp này, Chúa Kitô đã kêu gọi "ai muốn theo Thày thì phải từ bỏ chính bản thân mình và vác thập giá mình mà theo Thày" (Mathêu 16:24).


Như thế, để cho Chúa thương hay Chúa yêu có nghĩa là hãy chấp nhận cả Thánh Giá cứu độ của Người, hãy bỏ mình và vác thập giá của mình mà theo Người, bằng không, chỉ là môi mép, chỉ là một ảo vọng. Theo tâm lý tự nhiên loài người ai cũng sợ bị bỏ rơi, bị loại trừ, bị ruồng bỏ, bị coi thường, chẳng có giá trị gì, chỉ là đồ bỏ v.v. Trái lại, ai cũng tự nhiên cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc khi được yêu, nhất là được những ai mình yêu yêu lại, như trong tình yêu phái tính, hoặc được những ai có quyền hành thế lực và danh vọng quan tâm sử dụng, nể nang, coi trọng. Vậy thì còn gì sợ bằng bị Thiên Chúa bỏ rơi, loại trừ, thế nên, còn gì hạnh phúc bằng được Thiên Chúa yêu thương!


Tuy nhiên, trên thực tế sống đạo, Kitô hữu hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, theo tự nhiên, đều sợ "bị" Chúa yêu. Điển hình nhất là chuyện chúng ta có những lúc bối rối băn khoăn hay cầu xin Chúa soi lòng mở trí cho con biết Chúa muốn con làm gì, nhưng đến khi biết được ý Chúa thì liền phủ nhận, bởi vì ý Chúa ấy không hợp với ý của con, ý Chúa ấy bắt con phải bỏ mình và vác thập giá. 


Đúng thế, để có thể hiệp nhất nên một với Chúa, không phải là ở chỗ chúng ta liên lỉ nhớ đến Người, mà là luôn tuân theo Thánh Ý Chúa ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự. Bằng không, chính trong lúc chúng ta nhớ đến Chúa, chúng ta lại phạm tội mất lòng Người, và vì thế mới gọi là tội cố tình, bởi chúng ta biết không được làm điều trái ý Chúa đó mà chúng ta cứ làm theo ý của mình. 


Mà làm sao biết được ý Chúa, nếu không phải ý Chúa là những gì không phải ý của chúng ta, nghĩa là những gì trái ý chúng ta, những gì xẩy ra ngoài ý muốn của chúng ta, cho dù những trái ý ấy gây ra do chính tội lỗi của chúng ta, như tai nạn bởi chúng ta chạy xe ẩu, nhưng nếu biết lợi dụng, cái hậu quả trái ý chúng ta đó được biến thành sự thiện cho chúng ta, giúp chúng ta sống tốt lành hơn. 


Thậm chí làm theo ý Chúa cũng chưa đủ, còn phải chấp nhận ý Chúa nữa. Chị Faustina đã tỏ ra "bất mãn" với Chúa đến độ sợ Chúa hiện ra, tìm cách tránh Người, vì chị cảm thấy Chúa oái oăm làm sao ấy. Cứ muốn chị phải làm điều này điều kia, nhưng phải trình với bề trên và phải được bề trên đồng ý, trong khi đó hầu như chẳng lần nào bề trên đồng ý với những gì Chúa bảo chị. Như thế, nguyên việc chị làm theo ý Chúa mà thôi cũng chưa đủ, cho tới khi chị phải chấp nhận cả những gì trái với ý Chúa nữa.


Chính Chúa Kitô cũng thế, tất cả cuộc sống trần gian của Người chỉ đến để làm trọn Ý Cha là Đấng đã sai Người (xem Gioan 6:38), nhờ đó Người chứng tỏ Người chính là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), Đấng Thiên Sai của dân Do Thái cũng chính là Đấng Cứu Thế của toàn thể nhân loại. Thế nhưng, cuối cùng, Chúa Kitô còn phải chấp nhận Thánh Ý Cha của Người nữa, chẳng những trong Vườn Cây Dầu trong Đêm Thứ Năm Tuần Thánh: "Cha ơi, nếu được xin cất chén này cho Con, nhưng đừng theo ý Con, một cứ ý của Cha" (Luca 22:42), mà còn ở trên Thánh Giá nữa: "Chúa Trời Tôi ơi, Chúa Tròi Tôi ơi, sao Chúa lại nỡ bỏ rơi Tôi?" (Mathêu 27:46), nhưng "Con xin phó tâm thần Con trong tay Cha" (Luca 23:46).


Đó, còn ai được Thiên Chúa Cha thương bằng chính Con Một của Ngài, mà cũng còn ai chịu khốn khổ đến tận cùng như Con của Ngài!? Đường lối thương yêu của Vị "Thiên Chùa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) là thế đó. Là ở chỗ vì Ngài muốn thông mình ra cho con người để họ có thể yêu như Ngài yêu, thì hãy để cho Ngài được tự do yêu mình, sử dụng mình theo ý của Ngài, vì chỉ có nhờ thế mà con người vô cùng bất xứng và xấu xa hèn hạ của Kitô hữu chúng ta mới được tràn đầy chính đức ái trọn hảo của Ngài là Cha thương xót ở trên trời (xem Luca 6:36), để có thể yêu nhau như Thày đã yêu thương chúng ta (xem Gioan 13:34). 


25- Một phát súng trúng hai con chim

 

Qua nhiều lần được gọi đến xin cầu nguyện, hầu hết và hầu như là các chị, liên quan đến con cái hư hỏng hay người chồng chưa được như ý của các chị về đời sống đạo hay cách sống đạo v.v. tôi đều sử dụng chiêu khuyên bảo "một phát súng trúng hai con chim". Các chị cảm thấy các chị xin mãi mà không được Chúa nhậm lời các chị. Thậm chí có chị còn tỏ ra nản chí muốn bỏ cuộc nữa. Như thể các chị cần gì thì phải giống như kiểu mì ăn liền - instant food to go. Lợi dụng cơ hội, tôi nhắc nhở các chị một số nguyên tắc tu đức và khuyến nghị phương cách hiệu nghiệm nhất để các chị có thể đạt được ý nguyện, như người đàn bà ngoại bang người xứ Canaan muốn gì được nấy (xem Mathêu 15:28).


Trước hết, tôi khuyên các chị hãy nhớ rằng nếu các chị là người mẹ chỉ sinh ra con cái về phần xác mà còn biết thương con cái của mình như thế thì chẳng lẽ Thiên Chúa là Đấng vô cùng thiện hảo, khôn ngoan và toàn năng, đã dựng nên con cái của các chị lại không biết thương con cái của các chị hơn các chị hay sao?! Vậy hãy cứ tiếp tục tin tưởng vào Ngài, sau khi đã làm hết sức, chứ đừng bắt Ngài phải làm phép lạ ngay tức khắc theo như ý của mình. Đôi khi được ơn một cách dễ dàng quá hóa ra vô ơn bội nghĩa với Chúa và còn làm mất lòng Chúa hơn, như trường hợp điển hình của người bất toại 38 năm, không thể tự mình xuống Hồ Chiên khi nước động để được chữa lành, thì đột nhiên được Chúa chữa lành cho một cách nhưng không, chẳng những anh ta không biết ơn Chúa mà lại còn sử dụng cơ thể được Người chữa lành đó, có thể chuyển động theo ý mình, để đi tố cáo Người với người Do Thái để họ bắt Người nữa (xem Gioan 5:1-15).


Sau nữa, tôi khuyên các chị là hãy biết ơn Chúa vì đã tạo cho các chị cơ hội để sống thánh thiện hơn nhờ đứa con hư của các chị. Bằng không, các chị có thể kiêu ngạo về những gì chúng hơn người. Biết đâu Chúa muốn chúng trở thành huấn luyện viên sống Lòng Thương Xót Chúa của các chị và cho các chị. Để rồi, khi các chị đã chín mùi tin tưởng và thánh đức, Chúa sẽ lấy phúc đức xứng đáng của các chị mà bù đắp cho những gì tiêu cực thiếu sót sai lầm nơi con cái của các chị mà làm cho chúng trở về với Ngài vào đúng thời điểm ấn định của Ngài. Như thế là Thiên Chúa đã bắn một phát súng trúng hai con chim là cả hai mẹ con của các chị. Và như thế cũng có nghĩa là các chị là những cành nho đã sinh trái đươc Ngài cắt tỉa đi bằng những đau khổ thử thách bất khả thiếu để các chị càng sinh hoa kết trái hơn nữa (xem Gioan 15:2).


Sau hết, tôi còn nhắc nhở các chị (cũng như cho chính mình) rằng chúng ta chẳng xứng đáng với ơn Chúa ban. Bởi chúng ta chẳng co công lênh gì nếu khôn cậy nhờ vào công nghiệp của Chúa Kitô và nhân danh Chúa Kitô. Chưa hết, chúng ta lại còn không dùng ơn Chúa nên với những ơn gài đã ban co chúng ta về đủ mọi phương diện, vậy thì liệu Ngài còn tin tưởng ban thêm ơn vô cùng quí báu của gài cho cúng ta nữa hay chăng? Nhất là chúng ta lại còn là thành phần Kitô hữu đã bao nhiêu lần liên lỉ từ chối không làm theo ý của Ngài, bằng các tội lỗi trọng nhẹ, vô tình hay cố ý của chúng ta, thì tại sao chúng ta lại muốn Ngài, thậm chí bắt Ngài phải làm theo ý của chúng ta mỗi khi chúng ta xin Ngài chứ. Hay nhất là chúng ta hãy xin Ngài chỉ một ơn cần thiết duy nhất đó là xin cho con xứng đáng với ơn của Chúa và sử dụng ơn Chúa ban cho nên.


26- Thiên đường trần thế

 

Trong trận bão lụt Harvey ở Houston TX vào cuối tháng 8/2017 thì cơn bão này còn khủng khiếp kinh hoàng hơn cả trận bão lụt Ike năm 2008. Nhà của các đứa em tôi ở đó đã bị tràn ngập nước. Còn đỡ hơn một số người khác phải đứng ở trên nóc nhà chờ được rescued / giải cứu. Thậm chí có những xe bị ngập nước lên đến mui gần chìm. Có những người đang lội nước lên cho tới gần cổ. Chỉ có một ngày thôi mà tới trên 2 ngàn cú điện thoai gọi xin cấp cứu, khiến cơ quan cấp cứu không biết đâu đến cứu trước đâu đến cứu sau. Có cả bao nhiêu căn nhà bị tornado / bão lốc tốc bay nữa. Đã bão lụt (hurricane) lại còn kèm theo cả bão lốc (tornado) nữa thì càng ghê rợn. 


Có những người khôn lanh đã chạy lên Dallas để lánh nạn. Trong rận bão Ike năm 2008 phải mất 32 tiếng đồng hồ mới từ Houston lên tới Dallas vốn chỉ cách nhau 4 tiếng lái xe. Bởi thế, thậm chí thị trưởng thành phố Houston cũng không dám ra lệnh di tản kẻo dân bị mắc kẹt giữa đường giữa bão lụt nữa thì càng khốn hơn. Thật là thảm. Trong khi đó, cùng thời gian, California, nơi vốn bị đông đất, khí hậu chỉ khá nóng thôi, mà một số người, trong đó bao gồm cả Kitô hữu, vẫn cảm thây và tỏ ra khó chịu. Không biết cho chọn giữa California và Houston Texas bấy giờ thì chẳng lẽ họ chọn ở Houston?! 


Chỗ nào con người cũng muốn là thiên đường, nhưng là thứ thiên đường của họ và thứ thiên đường họ muốn. Bởi thế nên hai nguyên tổ vẫn không thỏa mãn với thiên đường của Thiên Chúa, mà là thiên đường của các vị, thiên đường như nhị vị muốn. Cuối cùng các vị đã tìm được thiên đường của mình, khi nhị vị bị Chúa đuổi ra khỏi địa đường... để cho tới nay miêu duệ loài người của các vị vẫn tiếp tục tìm kiếm một thứ thiên đường trần thế theo ý họ... Thế nhưng, thực tế phũ phàng cho thấy, họ càng tìm kiếm thiên đường trần thế của mình thì họ lại càng có nguy cơ vĩnh viễn đánh mất thiên đường trường sinh vinh phúc là được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa là những gì Ngài giành cho những ai "qua cửa hẹp mà vào" (Mathêu 7:13).

Nếu so sánh với hỏa ngục thì quả thực thế gian này phải gọi là thiên điường. Giả sự Thiên Chúa bất ngờ thay đổi ý định của Ngài, sai thiên thần xuống hỏa ngục, bảo cho thành phần bị đời đời hư đi ở đấy biết rằng Ngài cho họ trở lại trần gian, nhưng ở đó họ phải chịu khốn nạn hơn dưới hỏa ngục cả trăm ngàn lần và kéo dài cả trăm ngàn năm, sau đó họ được cứu độ thì chẳng lẽ họ không nhào ngay lên hết. Ấy thế mà thành phần môn đệ của Đấng đã phải trả một giá cứu chuộc vô cùng đau thương khốn nạn để cứu họ chỉ mới chịu khổ một chút xíu đã than thân trách phận, đã buông bỏ Chúa. Họ muốn đoạt lấy thiên đường bằng một giá for sale, hay for free. 

Nếu Thiên Chúa vô cùng công bằng, ngay từ ban đầu, thay vì trừng phạt hai nguyên tổ cùng với miêiu duệ của ông bà thì bắt ông bà và con cháu phải trải qua cuộc khổ nạn và tử giá như Chúa Kitô, chắc ông bà và con cháu ông bà muốn được rỗi cũng phải chấp nhận theo phép công bằng thôi. Đằng này, chính Con Thiên Chúa làm người đã chịu khổ nạn và tử giá thay cho loài người, chỉ cần họ "vác thập giá mình" (Mathêu 16:24), chứ không phải vác thập giá vô cùng khốn nạn của Người, mà họ vẫn không muốn chịu. Họ muốn sống ở trên đời này như thuở ban đầu khi chưa có nguyên tội, nghĩa là không có đau khổ. Thế nhưng, bóng thánh giá đã có ngay từ trong vườn địa đường, ở ngay giữa vườn, nơi cây biết lành biết dữ là lương tâm của họ, cây họ không được đụng đến bằng cách làm trái với lương tâm, và cũng là nơi có cây sự sống là chính ý muốn tối hậu của Thiên Chúa mà họ phải tuân giữ mới được sống. Thiên đường trần thế, nếu có, chính là ở chỗ đó và chỉ có ở đó, ở chỗ "thế gian này đang qua đi cùng với các ước vọng của nó, nhưng ai làm theo ý muốn của Thiên Chúa thì sẽ muôn đời tồn tại" (1Gioan 2:17).

27- Thiên đường tàn tật

 

 

Nếu thà móc mắt hay chặt tay còn hơn là nguyên thân thể mà bị vứt vào hỏa ngục (xem Mathêu 5:29-32) thì quả thực thiên đàng toàn là thành phần tàn tật. Nghĩa là thành phần "qua cửa hẹp mà vào" (Mathêu 7:13). Ở chỗ biết tránh dịp tội. Vì dịp tội không phải bên ngoài con người là thế gian với đầy những cám dỗ, mà là chính bản thân của con người, là con mắt của con người, là tay chân của con người. 


Cho dù có một người nữ nào đó ăn mặc hết sức là sexy, khêu gợi nhục dục đến đâu chăng nữa, nếu Kitô hữu vẫn luôn biết giữ gìn con mắt của mình một cách nết na nghiêm cẩn, thì gương mù sexy ấy nơi người nữ vẫn không thể nào hay khó lòng khiến nam nhân ấy thèm thuồng đến ngoại tình trong lòng mình với nàng (xem Mathêu 5:28).


Nếu dịp tội ở nơi bản thân của chủ thể, nơi con mắt, lỗ tai và tay chân v.v. của họ, thì thế gian là nơi xẩy ra gương mù bất khả tránh (xem Mathêu 18:7; Luca 17:1). Con người vốn xu hướng về cái xấu, thế gian lại đầy những cái xấu, ma quỉ lại vô cùng gian xảo, thì làm sao con người không thể không sa ngã một cách liên tục và dễ dàng chứ! 


Nữ nguyên tổ Evà khi còn ở trong trạng thái công chính nguyên thủy, lúc chưa có đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, trí khôn còn sáng suốt, ý chí còn vững mạnh, mà còn bị ma quỉ đánh gục ngay khi hắn vừa tung ra chiêu đầu tiên, huống chi miêu duệ của bà đã bị nhiễm lây nguyên tội nên mang một nhân tính bị băng hoại thì làm sao có thể chiến đấu với chúng được chứ, nếu không biết cẩn thận kiêng cữ. Nguyên tội xẩy ra một phần cũng chỉ vì hai nguyên tổ không chịu kiêng cữ đúng như Chúa căn dặn "không được ăn" (Khởi Nguyên 2:17). 


Bởi thế, trên thiên đàng toàn là những người tàn tật ở đây có nghĩa là toàn là các vị tử đạo, dám hy sinh mạng sống mình để theo đạo hơn sống đức tin theo kiểu là đạo theo. Đó là lý do Tông Đồ Gioan đã được thị kiến thấy và viết ra trong Sách Khải Huyền của ngài (7:14-17) về thành phần tử đạo tật nguyền này như sau:


"Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Ðền Thờ của Người; Ðấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ".


28- "Phải chăng ít kẻ được cứu rỗi?" 


Trong tất cả các Khóa LTXC ở các nơi trong Năm Thánh Mẫu Fatima Bách Niên 2017 chủ đề "Fatima - Thánh Mẫu Thương Xót", ngoài các đề tài chính để diễn giải chủ đề chung này, tôi còn gợi ra những vấn nạn liên quan đến vấn đề chính yếu nhất và then chốt nhất ở Fatima nói riêng và ở mầu nhiệm Kitô giáo nói chung. Đó là vấn nạn về Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí (về phía Thiên Chúa) và Phần Rỗi vô cùng quan trọng (về phía loài người), có thể được tóm tắt như sau:


Trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: 'Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?' Người bảo họ: 'Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được'” (Luca 13:22-24). Vậy Các linh hồn được cứu rỗi nhiều hay ít? Muốn được cứu độ phải làm sao? 

Mẹ Maria hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima lần thứ bốn vào trưa ngày 19-8-1917 tại Valinhos mà kêu gọi: “Hãy cầu nguyện thực nhiều và hy sinh cho tội nhân; nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì không có ai hy sinh cầu cho họ”.  Có thật là “nhiều linh hồn sa hỏa ngục” đúng như Đức Mẹ nói hay chăng? Chúng ta có chịu trách nhiệm về số phận các linh hồn bị hư đi không? 

 

1-    Các linh hồn được cứu rỗi nhiều hay ít? Muốn được cứu độ phải làm sao?

Trước hết, cho dù chính Chúa Kitô không minh nhiên xác quyết số phận các linh hồn được rỗi nhiều hay ít, nhưng theo lập luận tự nhiên và Thánh Kinh thì các linh hồn được rỗi nhiều. Theo lập luận tự nhiên, nếu mạnh được yếu thua, thì Thiên Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan, toàn thiện và toàn năng không thể nào thua ma quỉ chỉ là tạo vật của Ngài, không khôn ngoan, trọn lành và quyền năng như Ngài. Đúng vậy, nếu Thiên Chúa đã yêu đến cùng, yêu đến không còn thể nàio yêu họ hơn được nữa, thì chắc chắn Ngài sẽ cứu rất nhiều linh hồn cho đáng với Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí của Ngài, nhiều đến độ như sao trời như cất biến, thành phần tin vào Ngài như tổ phụ Abraham là cha của kẻ tin.

 

Sau nữa, làm thế nào để được cứu độ, thì câu trả lời ở ngay lời Chúa "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Luca 13:22-24). Câu hỏi có tính cách khẳng định "ít" người được cứu độ đây có thể là của một luật sĩ hay của một người biệt phái là thành phần tự coi mình là công chính, nên chắc chắn sẽ được cứu độ, và thành phần như họ thì ít. Bởi thế, chính họ là thành phần bị Chúa Kitô cảnh giác là "nhiều người sẽ tìm cách vào mà không được". Tại sao thế? Tại vì họ tìm cách vào bằng đường lối duy luật hơn là lòng nhân lành là tinh thần của lề luật, và nhất là vị họ tự cao tự đại, tự kiêu tự đắc, khinh người, nên với tầm vóc to cao như vậy, họ không thể lọt vào cửa hẹp, nơi chỉ có những ai "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" (Matheu 18:3) mới có thể dễ dàng vào được mà thôi, như người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện một cách khiêm tốn và xin được thương xót (xem Luca 18:10-14).

 

2-    Có thật là “nhiều linh hồn sa hỏa ngục” đúng như Đức Mẹ nói hay chăng? Chúng ta có chịu trách nhiệm về số phận các linh hồn bị hư đi không?

 

Đề tài hội thảo thứ nhất đã khẳng định là nhiều linh hồn được cứu độ mà Mẹ Maria lại nói nhiều linh hồn bị hư đi thì có mâu thuẫn không? Thưa không, vì "nhiều" nơi lời Mẹ nói có ý nghĩa là dù 1 linh hồn cũng là nhiều đối với Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, là đệ nhất tạo vật về ân sủng, là con người được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, tràn đầy tình yêu nhân hậu, không thể nào chịu được tình trạng hư đi dù chỉ 1 linh hồn, con chiên lạc cuối cùng còn "nhiều" hơn 99 con được chủ chiên để lại để tìm cho bắng được "một" con duy một con chiên lạc ấy.

 

Chúng ta tất nhiên phải chịu trách nhiệm về các linh hồn hư đi, cho dù là do chính họ. Bởi chúng ta cho dù không tự đẩy họ xuống hố hỏa ngục nhưng chúng ta biết họ sắp sa xuống đó mà chúng ta không tìm hết cách ngăn cản họ thì gián tiếp chúng ta đã nhúng tay vào tình trạng hư đi của họ. Nếu không để ý đến phần rỗi của anh chị em mình mà chỉ nghĩ đến phần rỗi của mình thôi thì chúng ta chẳng hiểu ơn cứu độ là gì. Đức Mẹ trực tiếp nhắc chúng ta về trách nhiệm cứu các linh hồn mà còn gián tiếp trách khéo chúng ta về việc chúng ta không coi trọng Ơn Cứu Độ vô cùng vô giá của Thiên Chúa, để cho Ơn Cứu Độ hư đi khi chúng ta để cho một linh hồn hư đi không hết lòng cứu họ. Chính vì chúng ta không quí trọng Ơn Cứu Độ ở chỗ quan tâm cứu các linh hồn mà chúng ta đã phải chịu hậu quả bởi đó mà ra, ở chỗ chúng ta vẫn cứ lẹt bẹt trên đường thánh thiện, vẫn sống theo tinh thần phản Kitô, chưa thực sự vào mainstream, vào chính ngạch, vào chính nguồn mạch của Lòng Thương Xót Chúa.

 

Do đó, cho dù họ có kể lể với Chúa đến thế nào chăng nữa: "'Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi'. Nhưng ông sẽ đáp với anh em: 'Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!'". (Luca 13:26-27). Phải chăng lời chung thẩm này của Chúa Kitô với thành phần tự phụ tưởng mình được cứu rỗi bởi chính nỗ lực của bản thân mình cũng áp dụng cho cả thành phần Kitô hữu sống đức tin theo kiểu đạo theo hơn là theo đạo?


29- Như đám trẻ ngồi ở ngoài đường phố


Có lẽ không có đoạn Phúc Âm nào nói rõ về thành phần Kitô hữu sống đức tin theo kiểu đạo theo bằng bài Phúc Âm của Thánh Luca được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Tư Tuần 24 Thường Niên, một bài tôi đã chia sẻ như sau:

 

"Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: 'Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc'. Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: 'Người bị quỷ ám'. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: 'Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi'. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình". 

 

Ở đây, qua nhận định của Chúa Giêsu về thành phần biệt phái và luật sĩ này, chúng ta thấy con người phải tuân hợp với chân lý, chứ chân lý không tuân hợp với con người, không theo con người, không như ý nghĩ thiển cận và ý muốn vị kỷ của con người, cho dù chân lý có thích ứng với con người để con người dễ lĩnh hội và chấp nhận (theo chiều hướng của bài Đọc 1 hôm nay).  

 

Chính vì thành phần biệt phái và luật sĩ trong dân Do Thái tự phụ cho rằng mình thông luật và cẩn thận tuân giữ luật lệ nhờ đó trở nên công chính hơn ai hết, nên tưởng mình là đệ nhất thiên hạ về lề luật Chúa, ai cũng phải theo như ý họ nghĩ về lề luật một cách duy luật mới được, bằng không, vẫn bị họ cho là "bị quỉ ám", dù vị ấy có là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã từng là đèn soi chiếu cho Đấng đến sau ngài được họ tìm đến trước đó để truy nguyên về Đấng Thiên Sai (xem Gioan 5:35; Gioan 1:24-27), thậm chí còn bị họ cho là "mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi", dù vị ấy có là Chúa Kitô, Đấng "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), là "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9). 

 

Kinh nghiệm tu đức cũng cho thấy, Giáo Hội Công giáo chẳng những bị quyền bính chính trị bách hại suốt giòng lịch sử của mình ở khắp nơi, mà còn thường trở thành mục tiêu chống đối của chính nội bộ Kitô hữu Công giáo của mình nữa, bao gồm cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân, theo chiều hướng cấp tiến hay bảo thủ của họ: Giáo Hội bị coi là quá chậm chạp trước những con mắt cấp tiến, hay ngược lại Giáo Hội bị coi là phá giới trước con mắt của thành phần bảo thủ nếu Giáo Hội cần phải thích nghi những gì tùy phụ theo thời cuộc để mưu ích hơn cho phần rỗi các linh hồn.  

 

Chưa hết, thực tế phũ phàng cho thấy, theo chiều hướng canh tân cởi mở của Công Đồng Chung Vaticanô II, đặc biệt là về phụng vụ, đã xẩy ra tình trạng quá trớn bởi thành phần cấp tiến thừa thắng xông lên, Giáo Hội lại bị kêu trách là tại cởi mở, trong khi các nguyên tắc về cởi mở được Giáo Hội ấn định một cách đàng hoàng rõ ràng lại không được trung thực tuân giữ. Thế nhưng, cuối cùng mọi sự sẽ được sáng tỏ, đúng như Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: "sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".  

 

Đó là lý do, trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã nhắn nhủ người môn đệ Timôthêu của ngài về cách thức phải sống làm sao cho xứng đáng trong Giáo Hội của Chúa "là cột trụ và nền tảng chân lý" như thế này: 

 

"Con thân mến, cha viết cho con những điều này, cha hy vọng ngày gần đây cha sẽ đến gặp con. Nhưng nếu cha còn trì hoãn, thì thư này giúp cho con biết phải cư xử thế nào trong nhà Thiên Chúa, là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý".  

 

"Nhà Thiên Chúa là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý"  đây như thế nào, Thánh Phaolô đã cho biết tiếp như sau: 

 

"Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển".

 

Phải chăng theo ngài thì "Nhà Thiên Chúa là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý" đây chính là Nhà của "mầu nhiệm tình thương", hay nói rõ hơn, là nhà của Chúa Giêsu Kitô, vì Người là chính hiện thân của tình thương, của tình yêu vô cùng nhân hậu Thiên Chúa, "đã được tỏ hiện trong xác thịt (xem Gioan 1:14), minh chính trong Thánh Thần tỏ hiện cho Thiên Thần (xem Luca 4:16-21; Gioan 1:51), rao giảng cho Dân Ngoại (xem Marco 16:16), kính tin trong thế gian (xem Tông Vụ 4:12,19)siêu thăng trong vinh hiển (xem Philiphe 2:9-11)".


30- Thành phần những cao thủ hiệp sĩ mù


Theo tự nhiên, có lẽ phái nữ thích coi phim tình cảm còn phái nam thích coi phim võ thuật, giống như phái nữ thích đi mua sắm đồ trang điểm (quần áo, giầy dép, son phấn v.v.) thì phái nam thích sắm những gì về máy móc kỹ thuật hay thể thao v.v. Không ngoại lệ, là một nam nhân, tôi cũng thích phim võ thuật. Lại càng thích những tay hiệp sĩ cao thủ có tinh thần hiệp khách cứu nhân độ thế bằng võ nghệ cao cường của mình, nhưng có vẻ khiêm tốn, ẩn dật, thản nhiên, nhường nhịn v.v. cho đến khi thực sự cần phải ra tay. 


Trong số thành phần hiệp sĩ cao thủ đó, phải kể đến nhân vật cao thủ hiệp sĩ mù, như có lần tôi đợợc coi trong một rạp ciné ở Việt Nam hồi thập niên 1960, võ nghệ cao cường đến độ, cho dù không thấy đối phương bằng mắt, mà chỉ cần sử dụng đôi tai quá thính của mình để chẳng những tài tình tránh đỡ được những đòn độc thủ tấn công của đối phương, mà còn có thể hạ đối thủ bằng những độc chiêu phản công bất ngờ mà đối thủ không thể ngờ được và đỡ được


Ở đây tôi muốn nói đến thành phần cao thủ hiệp sĩ mù hạ sơn hành hiệp trong đời sống thiêng liêng cua họ, trong cuộc hành trình đức tin của họ, không phải kiểu theo đạo mà là kiểu đạo theo. Ở chỗ, mắt của họ bị một cái xà chắn ngang (xem Mathêu 7:3-5), như bị bịt mắt, như mù lòa chẳng thấy gì trước mặt, thế mà lại có thể đoán được những ý nghĩ sâu xa tận thâm tâm của đối phương, của những người anh chị em đồng đạo, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại của họ mới tài tình. 


Nhưng lại toàn là những đoán mò, đoán xấu, suy bụng ta ra bụng người, lấy những gì xấu xa ở trong bụng mình ra nhét đầy vào bụng của người khác, vào thâm tâm của anh chị em mình, nơi mà chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự mới biết được và mới có quyền phán xét cùng thưởng phạt người ấy. Như thế, thành phần cao thủ hiệp sĩ mù này, tự việc đoán xét xấu cho người khác như thế, đã mặc nhiên cho bản thân họ biết người khác hơn họ biết chính mình họ. 


Có những lúc thành phần cao thủ hiệp sĩ mù này chẳng những đoán xấu cho người khác theo chủ quan và thành kiến của mình mà còn nói hành nói xấu người khác theo kiểu "nói ra, nói vào" (Ngẫu Tượng 11) nữa, lấy lý do chính đáng để chạy tội của mình, đó là để rút kinh nghiệm cho nhau, để giúp cho đối phương nên tốt hơn, để tránh tai hại cho công ích v.v. Vậy thì tại sao Chúa Giêsu ở trong Bữa Tiệc Ly đã không công khai cho tông đồ đoàn biết tông đồ Giuđa Íchca chính là người môn đệ phản nộp Người chứ (xem Gioan 13:21-31). Như thế thì chẳng lẽ Chúa Giêsu ngu hơn thành phần cao thủ hiệp sĩ mù này hay sao?


Vì không tri kỷ tri bỉ - không biết mình biết người như thế mà thành phần cao thủ hiệp sĩ mù thiêng liêng này đã múa may quay cuồng như thể tung ra những chiêu túy quyền chẳng khác gì như một tên say rượu trước nhan Thiên Chúa là Vị Thẩm Phán chí công, Đấng có thể, vào một lúc nào đó, sẽ dùng gậy ông đập lưng ông để hạ thủ họ. Bằng cách để cho họ bị đong lại chính cái đấu mà họ đong cho người khác, nghĩa là họ cũng sẽ bị, vào một lúc nào đó, một trường hợp nào đó, xét đoán lại đúng như họ đã đoán xấu cho anh chị em họ (xem Mathêu 7:2). 


Đó là lý do có mấy lần tôi đố những tham dự viên tĩnh tâm rằng: đố biết làm gì sai mà lại được thưởng, mà đúng lại bị phạt? Một câu hỏi quá lạ lùng và hết sức mâu thuẫn. Thế nhưng, thực tế sống đạo lại đúng như thế. Thà đoán sai ý định của anh chị em mình theo chiều hướng đoán lành, đoán tốt cho họ, thì vẫn đẹp lòng Chúa hơn là đoán đúng ý đồ xấu xa của người khác mà lại đoán xấu cho những người ấy. Nghĩa là việc doán lành cho anh chị em mình dù đoán sai, không đúng, còn hơn là đoán xấu cho người khác dù đoán đúng.


Là loài người với nhau và là anh chị em cùng Con một Cha trên trời, chúng ta không có quyền đoán xét ai, phán xét ai, lên án ai, trừng phạt (trả thù) ai, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền này, còn chúng ta chỉ có phận sự thông cảm những lầm lỗi yếu đuối của anh chị em mình, như chính mình cũng nhân vô thập toàn như ai, cũng muốn được thông cảm như ai, nhất là chúng ta có phận sự tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta như chính chúng ta được Thiên Chúa thứ tha. 


Thành phần phạm nhân phạm đến chúng ta, dù cố tình đến đâu và nhiều lấn đến mấy, thậm chí không chịu xin lỗi chúng ta, thì đã có Chúa công minh xét xử họ. Như thế, chúng ta mới thực sự là những tay cao thủ hiệp sĩ mù, ở chỗ: nạn nhân tự động đến làm hòa với phạm nhân (xem Mathêu 5:23-24)


Thần tượng đáng tôn thờ của thành phần cao thủ hiệp sĩ mù này đó là Chúa Kitô Tử Giá, Đấng cho dù thành phần giết Người có cố tình đến đâu chăng nữa: trước hết là một Đế Quốc Roma, qua tổng trấn Philato, muốn biết "Chân lý nghĩa là gì?" (Gioan 18:38), mà sau khi gặp được chính Chân Lý thì lại cố tình ra lệnh đóng đanh Chân Lý. Sau nữa là một Giáo Quyền Do Thái hận thù ghen ghét Người đến độ: "Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Cesar" (Gioan 19:15) - "Máu của nó đổ lên đầu lên cổ chúng tôi và con cháu chúng tôi" (Mathêu 27:25). Thế nhưng Người vẫn vô cùng từ bi thương xót với tất cả mọi phạm nhân của Người: "Xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 24:23). 


Trong Dự Án Cứu Độ của Thiên Chúa, có thể được coi như ván cờ thế, Thiên Chúa vô cùng cao cường, nơi Chúa Con của Ngài là một Nhân Vật Lịch Sử Giêsu Nazarét, đã chấp loài người cả hai tay và hai chân, nghĩa là tứ chi của Ngài hoàn toàn bị đóng vào thập tự giá, bất động, không còn nhúc nhích được gì, không còn phản ứng được nữa, thậm chí Ngài còn chấp cả chính con tim của Ngài, một con tim để lộ ra nơi tấm thân trần trụi cho đối thủ loài người tội lỗi vô cùng hung dự độc ác dễ dàng đâm chém. 


Thế mà cuối cùng tất cả vương quốc của satan tưởng toàn thắng rạng ngời vinh hiển lại vô cùng nhục nhã thảm bại, bởi tội lỗi và sự chết của loài người xuất phát từ "cha của những sự dối trá" (Gioan 8:44) đã được chính Lòng Thương Xót Chúa hấp thụ nơi "Đấng không biết đến tội lỗi đã trở thành tội lỗi" (2Corinto 5:21) là Con của Ngài, và từ đó đã tội lỗi và sự chết nơi con người yếu hèn khốn nạn tội lỗi xấu xa nhưng vô cùng đáng thương, nơi Chúa Kitô Vượt Qua, đã được biến đổi thành "ân sủng và tình thương", giòng chữ trong thị kiến cuối cùng về Fatima 13/6/1929, một thị kiến xuất hiện như một dạo khúc dẫn vào Thời Điểm của Lòng Thương Xót Chúa, một thời điểm kể như được chính thức bắt đầu bằng tấm Ảnh Lòng Thương Xót Chúa, mà Chúa Giêsu muốn Chị Thánh Faustina vẽ ra như chị thấy Chúa bấy giờ vào ngày 22/2/1931, và phổ biến LTXC qua bức Ảnh LTXC này. 


31- Xa cha phung phá - gần cha hoang đàng

 

 

Thành phần sống đức tin theo kiểu đạo theo hơn là theo đạo còn là thành phần gần cha hoang đàng nữa. Mới nghe thấy câu nói "xa cha phung phá - gần cha hoang đàng" người ta có cảm tưởng như là một cái gì đó trái tai nghịch nhĩ khó nghe. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng lại hiển nhiên cho thấy quả thật là như vậy. Không đúng hay sao nơi trường hợp của hai người con trong dụ ngôn người cha nhân hậu. 

 

 

Thật vậy, không phải xa cha phung phá hay sao khi người con xa cha phung phá là đứa con thứ nhưng lại gần cha hơn người anh của mình nên đã tin tưởng cha và trở về với cha để được cha phục hồi phẩm vị làm con thay vì nó chỉ xin làm đầy tớ của cha. Trong khi đó, người anh  của người em phung phá xa cha ở gần cha, không hề bỏ nhà đi như em của mình, không hề làm phật lòng cha, thế mà lại xa cha hơn em của mình, lại hoang đàng hơn ai hết, ở chỗ không hiểu cha của mình, làm gì cũng phải trả công như tên đầy tớ, cho dù mang thân phận làm con cái trong nhà, không cho rằng tất cả của cha là của con.

 

 

Trong các Khóa LTXC về chủ đề "Trọn Lành như Cha Thương Xót" (Mathêu 5:48; Luca 6:36) của Năm Thánh Thương Xót 2016, tôi nêu lên mấy vấn nạn liên quan đến dụ ngôn người cha nhân hậu với hai người con đáng thương này (xem Luca 15:11-32), trong đó có vấn nạn "trong hai người con này thì người con nào đáng thương hơn". Ở phần đúc kết, sau khi nghe các tiểu nhóm cho biết câu trả lời của mình, tôi đã nêu lên cảm nghĩ của tôi là người con cả đáng thương hơn. Bởi vì: 1- gần cha mà không hiểu cha; một thứ mù quáng rất nguy hiểm, ảo tưởng, sống đức tin kiểu đạo theo hơn là theo đạo; 2- người con này đáng thương đến độ chính người cha phải đi tìm anh ta, ở chỗ ra ngoài nhà gặp anh ta, trong khi đứa con thứ phung phá chẳng cần tìm nó mà nó vẫn tự động trở về.

 

 

Những gì Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn người cha nhân hậu với hai người con đáng thương này đã thực sự ứng nghiệm nơi hai thành phần trong dân Do Thái bấy giờ, đó là thành phần công chính, bao gồm luât sĩ và biệt phái, và thành phần bất chính tội lỗi, tiêu biểu nhất là đám nam nhân thu thuế phản quốc và đám nữ giới đĩ điếm nhơ nhớp. Điển hình nhất là trường hợp Chúa Giêsu gọi viên thu thuế Levi cũng chính là Mathêu, sau đó Người đã đến thăm và dùng bữa tại nhà của viên thu thuế vừa bỏ hết mọi sự mà theo Người ngay sau khi bất chợt được Người kêu gọi (xem Mathêu 9:9-13).

 

 

Theo trình thuật của chính viên thu thuế Levi sau đó trở thành Tông Đồ Mathêu này, đồng thời cũng là vị thánh ký đã viết ra cuốn Phúc Âm thứ nhất trong bộ 4 Phúc Âm của Giáo Hội, thì "xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: 'Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?' Nghe thế, Chúa Giêsu bảo rằng: 'Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi'".

 

 

Trong đoạn Phúc Âm này, chúng ta thấy một cảnh tượng thật tuyệt vời, cho thấy ai là thành phần sống đức tin kiểu theo đạo và ai là thành phần sống đức tin kiểu đạo theo. Trong "khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người" đây nghĩa là gì, nếu không phải là những hạng người "thu thuế" nam nhân và "tội lỗi" nữ giới làm đĩ điếm (trong đó có thể có cả người phụ nữ tội lỗi trong thành là Mai Đệ Liên - Luca 7:37,8:2), đã hiểu được Vị "Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, gọi là Emmanuel" (Gioan 1:14) hơn ai hết, nên Người ở đâu họ nhào tới đó, không sợ mình là thành phần xấu xa tội lỗi nhơ nhớp đáng bị nguyền rủa và hằng bị xã hội khinh bỉ xa tránh. 

 

 

Và chính Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành đến để tìm kiếm từng con chiên lạc, ở đây, qua thái độ và tính cách nhân hậu của Người đã thu hút được cả một đám chiên lầm lạc trở về với Người, ngồi đồng bàn với Người cũng như với các môn đệ của Người, nghĩa là ngang hàng với Người và bình đẳng như các môn đệ của Người. Trước nhan Thiên Chúa và Lòng Thương Xót Chúa vô cùng bất tận của Người thì ai cũng đáng thương và cần được Người thương, miễn là biết tin tưởng đến với Người, chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa của Người, để Người thương xót, như bài Phúc Âm cho thấy: "có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người".

 

 

Chính vì Chúa Giêsu cứ để cho thành phần thu thuế nam nhân và tội lỗi nữ điếm ngồi đồng bàn với mình như thế mà Người đã bị thành phần công chính biệt phái và luật sĩ có mặt bấy giờ chỉ trích và trách móc, thành phần không ngồi cùng bàn với Chúa Kitô và bọn người nam nữ bất xứng trước mắt của những kẻ công chính, họ như người con cả không vào nhà với cha và đứa em phung phá bất xứng của hắn. Họ là thành phần con cả công chính mà lại xa Chúa Kitô, không chịu đồng bàn với Chúa Kitô, đúng hơn, không thèm đồng bàn với Chúa Kitô, vì Chúa Kitô gần với những hạng người nhơ nhớp xấu xa bất xứng với họ, trong khi thành phần phung phá tội lỗi thu thuế và gái điếm, như đứa con thứ, lại được ở gần với Đấng Cứu Chuộc mình. 

 

 

Như thế, thành phần công chính sống kiểu đạo theo hơn là theo đạo trong bài Phúc Âm, được tiêu biểu nơi nhóm biệt phái và luật sĩ, chính là những kẻ sống công chính một cách bất chính, một cách không chân thực, theo chiều hướng giả hình (xem Mathêu đoạn 23), coi những gị phụ thuộc và bề ngoài, thậm chí là "hy lễ", hơn cả những gì chính yếu và tinh thần là "lòng nhân hậu", trong khi đó thành phần sống đức tin kiểu theo đạo là "những người tôn thờ Thiên Chúa đích thực thì tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24).

 

NGẪU TƯỢNG ĐẠO THEO - TRỊ BỆNH

 

 

32- Linh đạo GPS 

 

 

Nói gì thì nói, con người Kitô hữu là đối tượng tấn công dữ dội của ma quỉ tự mình không thể nào "bền đỗ đến cùng (để) được cứu độ" (Mathêu 24:12). Chắc chắn sẽ sa ngã phạm tội, chưa nói đến chuyện "bỏ mình và vác thập giá mà theo Thày" (Mathêu 16:24). Tuy nhiên, nếu họ biết chân thành "khao khát nhân đức trọn lành" (Mathêu 5: 6) và lắng nghe để đáp ứng các tác động Thần Linh như "gió muốn thổi đâu thì thổi" (Gioan 3:8) thì thế nào họ cũng vào được Nước Trời.


Thật vậy, tác động thần linh hướng dẫn cuộc hành trình đức tin của họ đây chẳng khác gì như bộ phận định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System). Chỉ cần họ bấm đúng điểm đến là Nước Trời, ở địa chỉ Lòng Thương Xót Chúabằng lòng chân thành khao khát của họ, thì dù họ có bị lạc đường mấy chăng nữa theo ý riêng của họ, theo khuynh hướng đường rộng của họ, họ vẫn có thể đi đến nơi về đến chốn, cho dù cuộc hành trình đức tin của họ có lủng củng và lầm đường lạc lối.


Điển hình nhất là trường hợp của người đàn bà Samaria sống với 6 người đàn ông không phải là chồng mình (xem Gioan 4:15-16), cuối cùng họ vẫn có thể đạt đến đích điểm họ muốn đến là Nước Trời. Hay của chàng trưởng ban thu thuế Giakêu lùn, gian tham của cải bằng nghề nghiệp của mình, nhưng cuối cùng đã trở thành homeless khi ơn cứu độ đến với chàng (xem Luca 19:1-10). Hoặc của người trộm tử tội được cho là bị đóng đinh ở bên phải Chúa Kitô Khổ Giá có thể cả cuộc đời làm nghề trộm cắp cuối cùng lại ăn trộm được cả Nước Trời nhanh hơn ai hết: "Ngay hôm nay anh sẽ được ở cùng Tôi trên thiên đàng" (Luca 23:43).


Bộ phận định vị GPS về vật liệu này được chỉ đạo của một vệ tinh (satellite) trên không gian thế nào thì tác động thần linh cũng xuất phát từ chính Thánh Linh là "Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa" (Roma 8:26-27).


Đúng thế, nếu "những kẻ tôn thờ chân thật là những kẻ tôn thờ Thiên Chúa là Thần Linh trong Thần Linh và chân lý" (Gioan 4:24): "trong Thần Linh" nghĩa là được tác động bởi ân sủng siêu nhiên chứ không phải theo xác thịt, theo cảm tình cảm giác tự nhiên, và "trong chân lý" là như ý Thiên Chúa muốn, chứ không phải theo ý nghĩ hay ý riêng của mình, cho dù là những ý nghĩ hay ý riêng tốt đẹp và lợi ích mấy chăng nữa, thì sống đức tin nghĩa là theo đạo "trong Thần Linh và chân lý" chứ không phải đạo theo xác thịt và ý riêng của con người trần tục.


Nếu bộ phận viễn khiến Remote Control cám dỗ của ma quỉ có sẵn tần số tội lỗi của loài người thì bộ phận định vị toàn cầu GPS cũng có sẵn vệ tinh hướng lộ "trong Thần Linh và chân lý". Chỉ cần con người nói chung và Kitô hữu nói riêng có wifi nơi bản thân họ cũng như trong cuộc đời của họ... 


Đôi khi hay lắm khi con người sử dụng GPS và bấm đúng nơi đến là Nước Trời đấy, nhưng lại đánh sai địa chỉ của điểm đến, theo chiều hướng đạo theo thì vẫn không đạt tới Nước Trời như lòng mong ước. Chẳng hạn như thay vì họ cho địa chỉ "lòng nhân lành" thì lại cho địa chỉ "duy lễ vật" (xem Mathêu 9:13; Hosea 6:6). 


Điển hình là thành phần biệt phái và luật sĩ Do Thái đã làm, thành phần điển hình nhất sống công chính kiểu đạo theo hơn là theo đạo, ở chỗ, như chính Chúa Kitô đã vạch trần bộ mặt thật chỉ toàn giả hình của họ ra trong nguyên đoạn 23 Phúc Âm Thánh Mathêu: họ trọng hình thức hơn tinh thần (văn tự luật hơn tinh thần luật - 23:5,23-28), chọn cái hèn hơn cái trọng (của lễ hơn bàn thờ, vàng của đền thờ hơn đền thờ - 23:16-22), coi nhân tạo hơn thiên tạo (tập tục loài người hơn lề luật Thiên Chúa - Marco 7:8-13).


Bởi thế, theo lòng tự phụ của mình, thành phần đạo theo kiểu biệt phát và luật sĩ Do Thái này cứ tưởng mình mới là kẻ duy nhất đến được Nước Trời (xem Luca 13:23), nhưng hóa ra, cuối cùng, họ vĩnh viễn không tới được đích điểm mong muốn (xem Mathêu 8:11-12; Luca 13:28-29), nếu may mắn lọt được vào Nước Trời, bấy giờ họ mới thấy rằng họ còn đến sau cả thành phần tội lỗi bị họ khinh bỉ và tính sử dụng luật lệ để ném đá nữa (xem Mathêu 9:11; Gioan 8:3-4). Đó là lý do ai nhất sẽ thành bét, kẻ trước sẽ về sau phũ phàng là như vậy (xem Mathêu 19:30, 20:16; Luca 13:30).


 

33- Wifi Thiêng Liêng


Tuy nhiên, để có thể xài được bộ phận định vị GPS thần tình và hết sức thuận lợi cho việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác một cách chính xác này, bộ phận định vị ấy cần phải có wifi (wireless fidelity), nghĩa là cần phải làm sao trực tiếp liên lạc được với vệ tinh chỉ đạo ở trên trời dù đang đứng ở bất cứ chỗ nào, đang lạc ở bất kỳ nơi đâu. Bằng không, người sử dụng không biết đâu mà mò và chắc chắc không thể nào hay khó lòng mà tìm được hướng đi đích thực hay lối thoát lạc hướng.


Yếu tố wifi trong đời sống thiêng liêng này chính là đức tin của Kitô hữu, một đức tin không cần giây nối bình thường của lý trí hay tình cảm tự nhiên nơi con người là những gì tự chúng hữu hạn và khả giác không thể nào liên lạc được với thế giới siêu nhiên vô hình như đức tin và bằng đức tin. Thật ra lý trí và cảm tình tự bản chất không có gì là xấu. Chúng chẳng khác nào như một thứ móc nối (giây) từ cấp độ tự nhiên lên tới thế giới siêu hình hay tâm linh vô hình. 


Tuy nhiên, chúng không thể nào trực tiếp chạm tới thực tại thần linh, một thực tại vượt lên trên những gì là tự nhiên, (chứ không ngược lại với tự nhiên), chỉ có đức tin siêu nhiên, hoàn toàn không còn tính chất thuần lý hay thuần cảm nào nữa, mới có thể giao tiếp với "Thiên Chúa là thần linh trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24), Đấng cũng cố ý thanh tẩy một số tâm hồn ưu tuyển bằng đêm tối tăm đức tin để họ có thể siêu thoát mà hiệp nhất nên một với Ngài.


Bởi thế, wifi đức tin ở đây không phải là thứ wifi thuần lý mà là thứ wifi cảm nghiệm thần linh, ở chỗ tin tưởng vào Đấng quan phòng thần linh, Đấng biết con người hơn họ biết mình và yêu họ hơn họ yêu bàn thân, Đấng chỉ muốn những gì là thiện hảo nhất cho họ, như một Vệ Tinh Thần Linh chỉ đạo họ qua Linh Đạo GPS cho tới khi họ về tới Nước Trời là thực tại hiệp thông thần linh.  


34- Recalculate: Tune-up


Mỗi khi người sử dụng bộ phận định vị GPS đi lạc đường hay không muốn đi theo con đường như GPS hướng dẫn mà quẹo sang lối khác thì liền nghe thấy tiếng từ GPS nói "recalculate", tức là tái định hướng. Cũng thế, trong cuộc hành trình đức tin về trời, Kitô hữu cần phải tái định hướng nhiều lần, không phải lúc nào cũng U turn, vì theo GPS có những lúc chỉ cần quẹo phải, có những lúc lại phải quẹo trái, miễn là đi đúng hướng, miễn là đến đúng đích, cho dù xa hơn, cho dù lâu hơn.


Kitô hữu cần phải "recalculate" - tái định hướng mỗi khi họ cảm thấy áy náy lương tâm, cảm thấy hối hận, cảm thấy bối rối bất an, cảm thấy lỡ làng lầm lỗi. Bằng một chốc lát tĩnh lặng hồi tâm. Bằng một thời điểm âm thầm cầu nguyện. Bằng một cuộc tĩnh tâm cuối tuần. Bằng việc hòa giải. Bằng việc bàn hỏi linh hướng v.v. Để nhờ đó họ tiếp tục tiến tới theo chiều "tái định hướng" của linh đạo GPS 


Tiếng nói vang ra từ bộ phận GPS đây là ai vậy, nếu không phải là tiếng lương tâm của con người, một thiết bị không trực thuộc bản tính của con người, như trí khôn, lòng muốn và tình cảm hoặc giác quan ở nơi linh hồn và thân xác của con người v.v., mà là được Thiên Chúa cài đặt (build-in) trong con người khi Ngài tạo dựng nên họ, không phải chỉ cho riêng thành phần Kitô hữu mà là cho tất cả mọi con người và mỗi một con người được sinh vào trần gian này, một thiết bị có thể so sánh với cái loa phát thanh để Thiên Chúa là Thần Linh thông đạt ý muốn của Ngài cho con người hữu hình tạo vật của Ngài và hướng dẫn con người về với Ngài là cùng đích tối hậu và trên hết của họ, qua môi miệng của vị thiên thần hộ thủ, vị thiên thần được Giáo Hội Công Giáo dâng lễ kính hằng năm vào ngày 2/10.


Đó là lý do trong ngày lễ Thiên Thần Bản Mệnh, giờ kinh phụng vụ ban mai của Giáo Hội đã trích Lời Chúa ở Sách Xuất Hành về vai trò của các vị như sau: "Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn. Trước mặt người, hãy ý tứ và nghe lời người. Ðừng làm cho người phải chịu cay đắng; người sẽ không tha lỗi cho các ngươi, vì danh Ta ngự trong người" (23:20-21).  Và trong Lời Cầu kết thúc, Giáo Hội đã nguyện rằng: "Lạy Chúa, Chúa đã truyền cho các thiên sứ hằng gìn giữ chúng con trên khắp nẻo đường, xin cho chúng con ngày hôm nay luôn bước đi trong đường lối Chúa, để không bao giờ phải vấp ngã".


Chính vì tông đồ Phêrô đang đi trên mặt nước tiến đến cùng Thày bị chi phối bởi phong ba bão tố không nhìn thẳng vào Thày nữa nên đã chìm xuống, cho tới khi ngài "tái định hướng" bằng cách nhìn lại Thày mình: "Thày ơi cứu con", ngài mới nhờ Thày mà an toàn lên thuyền (xem Mathêu 14:24-32). Trong dời sống thiêng liêng cũng thế, trong nhưng con phong ba bão tố khổ đau, hễ bao giờ Kitô hữu không còn nhìn vào Đấng Quan Phòng thần linh bằng wifi đức tin của mình thì chắc chắn sẽ bắt đầu bị chìm xuống, cho đến khi "tái định hướng" thần linh. Như thế, việc "tái định hướng" thiêng liêng cũng chính là việc cần phải "tune-up" tức phục hưng đức tin của mình lại vậy.  


Các Thánh Tông Đồ đã thâm tín được tầm quan trọng của việc cần phải "tune-up" đức tin nên các ngài đã "xin Thày tăng thêm đức tin cho chúng con" (Luca 17:5). Thế nhưng, Thày của các vị đã không tăng thêm đức tin cho các vị theo kiểu phim tầu là dùng hai cánh tay thông nội lực của mình sang cho thân thể của môn đồ, mà là dùng chính những thử thách bên ngoài để làm cho các vị cảm thấy bản thân của các ngài thật sự là bất lực hầu chỉ còn biết tin tưởng tuyệt đối vào một mình Người là Đấng Phục Sinh "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18), nhờ đó Người có thể làm chủ các ngài và sử dụng các ngài trong việc tiếp tục tỏ mình ra trên thế gian cho đến tận thế và ban phát Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí của Người cho nhân loại để họ "được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10).


Một khi đức tin đựợc tune-up hay được phục hưng thì, ở bất cứ nơi đâu, dưới hầm hồ hay trong rừng rú, hoặc trên núi cao hay dưới lòng nước, những nơi thường bị mất sóng nếu yếu wifi, và ở bất cứ vào lúc nào, hay ở bất cứ chuyện chi, tâm hồn Kitô hữu vẫn không bị mất liên lạc, nghĩa là vẫn có thể giao tiếp được với "Thiên Chúa là Thần Linh trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24), bởi họ có được một wifi thiêng liêng là đức tin cực mạnh, chứ không phải thứ wifi dổm, dễ bị mất sóng, dễ bị mất liên lạc, theo lối sống đức tin kiểu đạo theo của họ, sống đức tin kiểu on/off ở tầm mức đạo đức mà không thánh đức, kiểu ba cao một thấp cọc cạch, kiểu giả hình giống như thành phần biệt phái và kinh sư Do Thái thời Chúa Kitô (xem Mathêu đoạn 23), kiểu như đám trẻ ngồi ngoài phố chợ than van trách móc vì không được như ý của mình, kiểu hâm hâm dở dở có thể bị Chúa mửa ra khỏi miệng của Ngài (xem Khải Huyền 3:16). 



Tổng kết

 

Tóm lại, ngẫu tượng đạo theo đây là gì, nếu không phải là chính ý riêng, ý nghĩ, ý thích của con người Kitô hữu trong việc tin đạo, giữ đạo và truyền đạo, chẳng khác gì thành phần biệt phái và kinh sư Do Thái ngày xưa ở vào thời của Chúa Giêsu, Đấng đã tìm hết cách chữa lành cho họ và lợi dụng chính những ánh mắt theo dõi của họ để tấn công Người mà recalcute - tái định hướng họ về đàng ngay nẻo chính là tinh thần của lề luật, là lòng nhân hậu thương xót, là ân sủng cứu độ, nhờ đó, họ trở thành một tín hữu theo đạo đích thực "tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24), như chàng biệt phái chính qui Saolê nhiệt thành từ một tín hữu Do Thái giáo quá chân tín theo tâm thức ngây thơ khờ khạo của mình được chiếm đoạt và biến đổi thành một Đại Tông Đồ Dân Ngoại Kitô Giáo. 


Việc tái định hướng thiêng liêng nói riêng và việc sử dụng GPS thần linh nói chung là những gì thực ra đã được chính đệ nhất tạo vật về ân sủng là Mẹ Maria thực hiện từ lâu lắm rồi. Bằng cách "lưu giữ và suy niệm trong lòng" (Luca 2:19,51) những gì xẩy ra cho Mẹ hay chung quanh Mẹ để nhờ dó Mẹ có thể hưởng ứng ngay và đáp ứng trọn vẹn tất cả những gì Thiên Chúa muốn nơi Mẹ, nhờ đó, Mẹ luôn biết Chúa muốn Mẹ làm gì và Mẹ đã làm theo đúng như vậy, nên Mẹ luôn "đầy ơn phúc" (Luca 1:28).


Mẹ "đầy ơn phúc" không phải chỉ ở chỗ "Chúa ở cùng cô" (Luca 1:28) mà còn ở chỗ "cô được ơn nghĩa với Thên Chúa" nữa (Luca 1:30), vì Mẹ luôn tỏ ra "tin tưởng tuân phục" (xem Rma 1:5): "Em có phúc vì đã tin" (Luca 1:45). Có thể nói và phải nói rằng tất cả đời sống "đầy ân phúc" của Mẹ là ở câu Mẹ thưa trong biến cố Truyền Tin Lời Nhập Thể: "Này tôi là tôi tớ của húa, xin hãy thực hiện nơi tôi như lời Ngài truyền" (Luca 1:38). Riêng tôi, tôi không thích cụm từ "xin vâng" bằng nguyên câu "xin hãy thực hiện nơi tôi như lời Ngài truyền". 


Câu Mẹ khẳng định với tổng thần Gabiên trong biến cố Truyền Tin "tôi không biết đến nam nhân" không thể nào dịch thành hay hoàn toàn đồng nghĩa với "tôi không biết đến việc vợ chồng" (Luca 1:34), hay "tôi giữ mình đồng trinh", vì "không biết đến việc vợ chồng" hay "giữ mình đồng trinh" có thể là bởi bị hoạn bẩm sinh hay nhân tạo thì sao, trong khi "không biết đến nam nhân" cho thấy cả một tinh thần siêu thoát coi Thiên Chúa trên hết mọi sự, chỉ kính mến Thiên Chúa mà thôi và yêu quí tất cả mọi tạo vật của Ngài hoàn toàn vì Chúa và trong Chúa. 


Cụm từ "xin vâng", theo cảm nghiệm của tôi, cũng không thể nào sát nghĩa với câu "xin hãy thực hiện nơi tôi". Bởi vì, "xin vâng" đây như một tác động hiện tại nhiều hơn, trong khi "xin hãy thực hiện nơi tôi" chất chứa tính chất tương lai nữa, tính chất dài lâu sau này, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, bao giờ cũng ready, cũng sẵn sàng. Ngoài ra "xin vâng" có vẻ chủ động, làm chủ, trong khi "xin hãy thực hiện nơi tôi" lại có tính cách tin tưởng, phó thác, trong thể thụ động đúng với thân phận tạo vật hay tôi tớ của mình nhưng lại rất tích cực, ý thức, sinh động, hưởng ứng, hiến thân, sẵn sàng hợp tác và đáp ứng. 


Nếu "đức tin tuân phục" của Mẹ, đức tin diễm phúc của Mẹ được tiêu biểu nơi hình ảnh Trái Tim Mẹ thì quả thực Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một tấm lòng Đầy Ơn Phúc, đã được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô Con Mẹ để đồng công với on cứu chuộc loài người, quả là nơi cho Kitô hữu yếu hèn vô phúc chúng ta nương náu, và là đường lối mô phạm thánh đức đưa Kitô hữu thiện chí chúng ta trong việc tận hiến cho Mẹ và noi gương bắt chước Mẹ đến cùng Thiên Chúa muôn đời. 


"Kính mừng Đầy Ơn Phúc. Chúa ở cùng Mẹ hơn mọi tạo vật nơi Chúa Giêsu là quả phúc của lòng Mẹ.... xin Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa thương chuyển cầu cho chúng con là kẻ có tội chạy đến cùng Mẹ, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen".


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL