Nhờ Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu

Per Mariam ad Jesum

  

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

soạn dọn để chia sẻ với Nhóm TĐCTT trong Năm Thánh Mẫu Fatima 2017

ngày khai mạc 11/12/2016 và các ngày 13/6, 13/7, 13/8, 13/9 và 7/10/2017

 

 

Linh Đạo Thánh Mẫu Per Mariam ad Jesum - Thời Điểm Maria

 

Nhờ Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu không phải chỉ là một Linh Đạo Thánh Mẫu được một trong số ít các vị thánh về Thánh Mẫu nổi bật nhất chủ trương và loan truyền là Thánh Long Mộng Phố (Louis de Montfort) từ đầu thế kỷ 18, trong tác phẩm thời danh của ngài là cuốn Khảo Luận về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, một tác phẩm không ngờ đã mãnh liệt ảnh hưởng đến một đại giáo hoàng thời danh ở vào cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21 là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, với khẩu hiệu giáo phẩm của ngài là "totus tuus" được lấy từ khoản 233 của tác phẩm ấy.

 

Như thế, Linh Đạo Thánh Mẫu Per Mariam ad Jesum chẳng những là một lý thuyết được phác họa trong sách vở ở tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của Thánh Long Mộng Phố, mà còn được hiện thực nơi đời sống và sứ vụ của một vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian này là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và vì thế đã cho thấy Linh Đạo Thánh Mẫu Nhờ Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu này quả thực là một linh đạo Kitô giáo hợp thời hơn bao giờ hết cho ơn gọi nên thánh của chung Kitô hữu, và cần thiết hơn lúc nào hết cho sứ vụ chăn dắt của vị chủ chiên.

 

Thế nhưng, vấn đề trước hết và trên hết được đặt ra ở đây, vấn đề nồng cốt nhất và quan trọng nhất cần được nắm bắt và thấu triệt ngay đó là tại sao lại cần phải Nhờ Mẹ Maria mới có thể đến cùng Chúa Giêsu được, bằng không, không thể nào nên thánh theo ơn gọi phổ quát của Kitô hữu và không thể nào chu toàn sứ vụ chăn chiên của các vị trong hàng giáo phẩm hay sao? Câu trả lời là vẫn có thể nhưng khó khăn và nguy hiểm hơn, nhất là vào lúc này đây.

 

Thật vậy, theo giòng lịch sử của Giáo Hội, nếu thời nào có thánh của thời đó, thời nào có dòng tu của thời đó, và thời nào có giáo hoàng của thời đó, thì thời nào cũng có linh đạo của thời đó. Sở dĩ Linh Đạo Thánh Mẫu Nhờ Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu bắt đầu được xuất hiện và rao giảng chính yếu từ tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria vào đầu thế kỷ 18 bởi Thánh Long Mộng Phố là vì đã đến Thời Điểm Maria, như Thánh Long Mộng Phố xác tín:

 

"Việc cứu độ thế giới được bắt đầu nhờ Mẹ Maria thế nào, thì cũng nhờ Mẹ nó được hoàn thành như vậy... Vào lần đến thứ hai của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria cần phải được nhận biết và cần phải được Thánh Thần công khai tỏ ra cho biết, để nhờ Mẹ Chúa Giêsu được nhận biết, yêu mến và phụng sự" (Khoản 49).

 

"Bởi thế Thiên Chúa muốn tỏ Mẹ Maria ra, một kiệt tác của Ngài, và làm cho Mẹ được nhận biết hơn vào những thời buổi sau này... Như Mẹ là đường nhờ đó Chúa Giêsu đã đến với chúng ta lần thứ nhất thế nào, Mẹ cũng lại là đường nhờ đó Người sẽ đến với chúng ta lần thứ hai như vậy, dù không cùng một kiểu cách...." (Khoản 50).

 

"Vào những thời buổi sau này, Mẹ Maria cần phải chiếu sáng hơn bao giờ hết về tình thương, quyền phép và ân sủng; về tình thương, để mang về và ưu ái đón nhận thành phần tội nhân và hoang đàng đáng thương cần phải hoán cải và trở về với Giáo Hội Công Giáo; về quyền phép, để chống lại thành phần thù địch với Thiên Chúa, thành phần muốn nổi dậy một cách đáng sợ để dụ dỗ và thắng đoạt, bằng những hứa hẹn và đe dọa, tất cả những ai chống lại họ; sau hết, Mẹ cần phải sáng tỏ về ân sủng để phấn khởi và hỗ trợ thành phần quân quốc tinh nhuệ và tôi tớ trung thành của Chúa Giêsu Kitô đang vì Người mà chiến đấu" (Khoản 50).

 

"Cuối cùng, Mẹ Maria cần phải trở thành một đạo binh dàn trận kinh hoàng đối với ma quỉ và thành phần theo hắn, nhất là vào những thời buổi sau này. Đối với Satan, vì biết rằng mình không còn bao nhiêu thời gian – hiện nay còn ít hơn bao giờ hết – để hủy hoại các linh hồn, đã gia tăng các nỗ lực của hắn và những cuộc công kích của hắn hằng ngày. Hắn sẽ không ngần ngại khuấy động lên những cuộc bách hại tàn ác và đặt các thứ cạm bẫy xảo quyệt đối với thành phần tôi tớ trung thành và con cái của Mẹ Maria, thành phần hắn thấy khó chế ngự hơn những kẻ khác" (Khoản 50). 

 

"Thiên Chúa, vào những thời buổi ấy, muốn Người Mẹ Thánh của Ngài được nhận biết, mến yêu và tôn kính hơn bao giờ hết" (Khoản 55).

 

Những gì được Thánh Long Mộng Phố viết trong tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của ngài từ đầu thế kỷ 18 về Thời Điểm Maria như thế dường như đã trở thành một viễn tượng được Trời Cao tiên báo và vì thế không thể nào không trở thành hiện thực, đúng như lịch sử đã tỏ tường chứng nhận, ít là ở hai biến cố hay hai sự kiện lịch sử hiển nhiên sau đây:

 

Trước hết là sự kiện Giáo Hội tự động tôn vinh Mẹ Maria. Đúng thế, trong 4 Tín Điều Thánh Mẫu là Tín Điều Mẹ Thiên Chúa, Tín Điều Mẹ Trinh Nguyên Trọn Đời, Tín Điều Mẹ Vô Nhiễm và Tín Điều Mẹ Mông Triệu, chưa kể Tước Hiệu Mẹ Giáo Hội, chúng ta thấy hai tín điều đầu tiên là Tín Điều Mẹ Thiên Chúa (năm 431 bởi Công Đồng Chung Epheso) và Tín Điều Mẹ Đồng Trinh (năm 649 bởi Công Đồng Laterano I) chỉ được Giáo Hội tuyên tín khi xẩy ra bè rối vào thời ấy, đang tuyên truyền lạc thuyết liên quan trực tiếp đến Chúa Kitô và gián tiếp liên quan đến Mẹ của Người, cần Giáo Hội phản bác để bênh vực đức tin chân chính tông truyền của Giáo Hội. 

 

Tuy nhiên, hai tín điều sau đó, Tín Điều Mẹ Vô Nhiễm và tín điều Mẹ Mông Triệu, cùng tước hiệu Mẹ Giáo Hội, hoàn toàn không bị chi phối bởi bất cứ một bè rối nào, cần đến thẩm quyền của cả một Công Đồng, mà chỉ vì Giáo Hội tự động muốn tôn vinh Mẹ Maria mà thôi, bởi thẩm quyền vô ngộ của một vị giáo hoàng thời đại nào đó. Đó là lý do Tín Điều Mẹ Vô Nhiễm đã được Thánh Giáo Hoàng Piô IX tuyên tín ngày 8/12/1854. Tín Điều Mẹ Mông Triệu được Đức Thánh Cha Piô XII tuyên tín ngày 1/11/1950. Sau hết, tước hiệu Mẹ Giáo Hội được Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên bố ngay giữa Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 21/11/1964, một tước hiệu cho dù không mang tính chất là một tín điều nhưng chất chứa cả một nền tảng mạc khải thần linh và khoa thần học, không thể sai lầm khi được một vị giáo hoàng long trọng tuyên bố giữa cả một công đồng chung như thế.

Sau nữa là sự kiện được chính Trời Cao thực hiện trong Thời Điểm Maria, đó là các Biến Cố Thánh Mẫu liên tục xẩy ra, đặc biệt nhất và nổi tiếng nhất là Lộ Đức năm 1858 và Fatima năm 1917, những nơi tiêu biểu nhất đã chẳng những được Giáo Hội chính thức công nhận, mà còn được chính các vị giáo hoàng đích thân đến kính viếng và khuyên giục con cái mình áp dụng thực hành Sứ Điệp Thánh Mẫu được ban bố từ các Biến Cố Thánh Mẫu ấy. 

 

Riêng Biến Cố Thánh Mẫu Fatima 1917 có thể nói là Biến Cố Thánh Mẫu hệ trọng nhất, chẳng những vì những sự lạ lùng chưa từng thấy đã xẩy ra nơi biến cố này (như hiện tượng mặt trời nhẩy múa ngày 13/10/1917), mà còn vì nội dung của chính Sứ Điệp Fatima là những gì liên quan đến riêng sứ vụ cứu độ của Giáo Hội cũng như đến chung vận mạng nguy biến của loài người, một Biến Cố Thánh Mẫu đã được chính Trời Cao, qua Mẹ Maria, chứng thực về Thời Điểm Maria, ở lời Mẹ tuyên bố khi Mẹ bắt đầu tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ hai: "Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu những gì Mẹ nói được thực hiện thì thế giới sẽ có hòa bình và nhiều linh hồn được cứu rỗi". 

 

Chưa hết, vào lần hiện ra thứ hai, ngày 13/6/1917, Mẹ Maria đã nói riêng với Thiếu Nhi Fatima lớn nhất trong 3 em là Lucia về Thời Điểm Maria đối với thành phần Tông Đồ Thánh Mẫu Maria như em sau này như sau: "Phần con, con sẽ phải ở lại thế gian lâu hơn, vì Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến. Người muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.... Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa". 

 

Như thế, những gì Thánh Long Mộng Phố tiên báo trong tác phẩm Thành Thực Sùng Kính của ngài từ đầu thế kỷ 18 về Thời Điểm Maria đã quả thực được rõ ràng ứng nghiệm: "Thiên Chúa muốn tỏ Mẹ Maria ra, một kiệt tác của Ngài, và làm cho Mẹ được nhận biết hơn vào những thời buổi sau này... " (khoản 50) không phải đã hiện thực nơi sự kiện Giáo Hội tự động tôn vinh Mẹ Maria qua Tín Điều Mẹ Vô Nhiễm Năm 1854, Tín Điều Mẹ Mông Triệu Năm 1950 và Tước Hiệu Mẹ Giáo Hội Năm 1964 hay sao? Thế rồi "Thiên Chúa, vào những thời buổi ấy, muốn Người Mẹ Thánh của Ngài được nhận biết, mến yêu và tôn kính hơn bao giờ hết" (Khoản 55) cũng đã hoàn toàn hiện thực nơi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima là biến cố Trời Cao cho biết dự án thời đại "Người muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ" (13/6/1917), một dự án cứu độ nhân loại nhờ Mẹ Maria: "Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu những gì Mẹ nói được thực hiện thì thế giới sẽ có hòa bình và nhiều linh hồn được cứu rỗi". 

 

Nếu cả hòa bình thế giới nói chung lẫn phần rỗi của các linh hồn nói riêng, theo dự án thần linh được chính Mẹ Maria loan truyền ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima đúng 100 năm trước đây, đều lệ thuộc vào lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, lệ thuộc vào Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, thì không phải là Trời Cao đã trao phó vận mệnh của loài người, chung cũng như riêng, cho Mẹ Maria rồi hay sao, và vì thế chỉ có những ai tin tưởng cậy trông nơi Mẹ, bằng đời sống tận hiến cho Mẹ, như thể họ khôn ngoan tiến vào Con Tầu Noe (một công trình được hoàn thành thời gian 100 năm) là một nơi an toàn nhất, để chẳng những thoát được tất cả những gì là nguy hiểm cho phần rỗi của mình trong Thời Điểm Maria cũng là Thời Điểm Hận Thù Quyết Thắng của Satan, mà còn để trở thành Đạo Binh Dàn Trận của Mẹ trong sứ vụ cứu rỗi "các linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn" (Mẹ Fatima - 13/7/11917).

 

Linh Đạo Thánh Mẫu Per Mariam ad Jesum - Nguyên Do chính yếu

 

Linh Đạo Thánh Mẫu Nhờ Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu là một đường lối tu đức cần thiết vì hợp với thời điểm của nó là Thời Điểm Maria như đã chứng minh ở phần trên đây. Thời Điểm Maria chỉ là lý do cho thấy tính cách khẩn trương và hợp thời của Linh Đạo Thánh Mẫu Per Mariam ad Jesum thôi. Bởi thế, vấn đề chính yếu liên quan trực tiếp đến nguyên do tại sao lại phải Nhờ Mẹ Maria để đến cùng Chúa Giêsu, hay để có thể đến cùng Chúa Giêsu được, hoặc mới có thể đến cùng Chúa Giêsu được vẫn cần phải được thâm tín, để có thể dấn thân thực hiện việc tận hiến mình cho Mẹ Maria một cách thực sự và toàn hảo.

 

Có ít là 4 nguyên do chính yếu làm nền tảng cho Linh Đạo Thánh Mẫu Per Maria ad Jesum liên hệ đến 4 nguyên tố bất khả thiếu và bất khả phân ly, những nguyên do càng cho thấy rằng không phải chỉ ở vào Thời Điểm Maria mới cần phải áp dụng thực hành Linh Đạo Thánh Mẫu này, mà Linh Đạo Thánh Mẫu này vốn đã có đó, nhưng chưa đến lúc được khám phá ra và vì thế chưa đến lúc được thực hành, như chính bản thân của Mẹ Maria, vào lần đến thứ nhất chưa được nổi nang so với chính Con của Mẹ, nhưng vào lần đến thứ hai của Người thì Mẹ lại phải đến trước, phải tỏ mình ra trước, như cảm nhận của Thánh Long Mộng Phố trong tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria khoản 49. 

 

"Mẹ Maria hiếm khi xuất hiện ở lần đến thứ nhất của Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó, con người, vì chưa được hướng dẫn và hiểu biết đầy đủ về bản thân Người Con của Mẹ, mới không bị xa lìa với chính sự thật, bằng việc họ cứ gắn liền với Mẹ.... Thế nhưng, vào lần đến thứ hai của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria cần phải được nhận biết và cần phải được Thánh Thần công khai tỏ ra cho biết, để nhờ Mẹ Chúa Giêsu được nhận biết, yêu mến và phụng sự. Không còn những lý do khiến Thánh Linh cần phải che dấu vị hôn thê của mình đi trong cuộc sống của Mẹ và tỏ Mẹ ra rất ít, vì việc rao giảng phúc âm thuở ban đầu không còn nữa". 

 

Bốn nguyên do chính yếu làm nền tảng cho Linh Đạo Per Mariam ad Jesum thứ tự như sau: Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Con Người và Ngụy Thần.

 

1- Chúa Giêsu: "Đến thời gian viên trọn Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh bởi một phụ nữ" (Galata 4:4)

 

Thật ra, là Đấng vô cùng khôn ngoan thượng trí và toàn năng, Thiên Chúa có thể thực hiện dự án nhập thể của Ngài bằng bất cứ cách nào cho xứng với bản tính cùng vị thế vô cùng uy nghi cao cả của một Vị Thiên Chúa toàn hảo. Thế nhưng, oái oăm thay, ngược ngạo thay, vô lý thay và cũng huyền diệu thay, Vị Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng này lại chọn cách "sinh bởi một phụ nữ". 

 

Đúng là mầu nhiệm nhập thể này của Thiên Chúa là những gì vô cùng oái oăm, ngược ngạo và vô lý. Ở chỗ, là Đấng Hóa Công dựng nên trời đất và loài người lại trở thành con cái của loài người. Ở chỗ, là Đấng Tự Hữu, tự mình mà có, và hằng có từ trước muôn đời, lại được sinh ra trong thời gian bởi tạo vật và sinh sau tạo vật làm mẹ của mình. Ở chỗ, là Đấng tuyệt đối tự do muốn làm gì thì làm, không lệ thuộc vào bất cứ một ngoại tại nào lại phải chờ đợi sự ưng thuận làm mẹ của một cô trinh nữ vô danh tiểu tốt ở thôn làng Nazarét nghèo nàn hẻo lánh. Ở chỗ là Đấng toàn năng muốn gì liền có lại trở nên bé mọn, hoàn toàn bất lực, phải được mẹ bồng bế trên tay, và cần được dưỡng dục như bất cứ một con trẻ nào trên trần gian này.

 

Vậy, nếu Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng mà đến trần gian bằng Con Đường Maria thì còn con đường nào khác hoàn hảo hơn để đến với Người bằng Con Đường Maria. Bởi thế, có thể nói và phải nói rằng Mẹ Maria chẳng những là Đường để Thiên Chúa đến gặp gỡ con người mà còn là Đường để con người đến cùng Ngài nữa. Mẹ Maria chẳng những là Đường đến cùng Thiên Chúa mà còn là chính Điểm Hẹn Thần Linh, là Tâm Điểm của cuộc Hội Ngộ Thần Linh cho cả Vị Thiên Chúa hóa thân làm người lẫn con người được Ngài cứu chuộc nữa. Đến với Mẹ là gặp ngay được Thiên Chúa là Đấng luôn ở cùng Mẹ (xem Luca 1:28).

 

2- Mẹ Maria: "Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại" (Luca 1:49)

 

Nếu nguyên do chính yếu thứ nhất khiến con người cần phải thực hiện Linh Đạo Thánh Mẫu nhờ Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu hơn hết là vì chính Chúa Giêsu đã đến với con người qua Con Đường Maria, thì nguyên do chính yếu thứ hai ở nơi chính bản thân của Mẹ Maria, một con người tạo vật duy nhất trong cả loài người "đầy ơn phúc", chẳng những ở chỗ Mẹ được "Chúa ở cùng" (Luca 1:28) ngay từ giây phút Mẹ được hoài thai trong lòng thai mẫu nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà còn nhớ chính "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) nữa: "Em có phúc vì đã tin" (Luca 1:45).

 

Mẹ Maria là con người tạo vật duy nhất, bao gồm cả các thần trời cao trọng hơn mẹ về bản tính tự nhiên, "đầy ơn phúc" có nghĩa là Mẹ là tạo vật duy nhất được tràn đầy Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương nhất và hài lòng Ngài nhất. Đó là lý do mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ ngay từ khi hoài thai trong lòng thai mẫu, nhờ "đức tin tuân phục" của Mẹ, chẳng những không bao giờ bị hao hụt đi một chút nào, gây ra bởi bất cứ một lầm lỗi nhỏ mọn dù vô tình nào của Mẹ, mà còn gia tăng gấp trăm từng giây từng phút trong cuộc đời của Mẹ, cho đến độ sức loài người của Mẹ không thể nào chịu nổi mức độ vô cùng sung mãn của ân sủng thần linh nữa, nhất là khi Thiên Chúa không gìn giữ Mẹ bằng một ơn đặc biệt của Ngài, và đó là lúc Mẹ đã qua đi do bởi lòng yêu mến Thiên Chúa quá mức nơi Mẹ.

 

Mẹ Maria được Sách Khải Huyền diễn tả xuất hiện như là "một điềm lạ vĩ đại trên không trung... mình mặc mặt trời" (xem 12:1), đúng như những gì chính bản thân Mẹ đã cảm thấy và đã tung hô: "Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và danh Ngài chí thánh" (Luca 1:49). Sách Diễm Tình Ca còn tiên báo trước về Mẹ như một "bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, oai hùng như đạo binh sắp hàng vào trận" (6:10). 

 

Mẹ Maria "đang tiến lên như rạng đông" bằng ơn vô nhiễm nguyên tội của Mẹ, một đặc ân Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi nhiễm lây nguyên tội bằng cách cho Mẹ được hưởng trước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), một ánh sáng đã chiếu tỏa nơi Mẹ để Mẹ xuất hiện trước Người như thể "đang tiến lên như rạng đông" và "đẹp như mặt trăng", vì như mặt trăng hấp thụ và phản ánh sáng mặt trời thế nào, Mẹ Maria cũng nhờ hưởng trước ơn cứu độ, hưởng trước "ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12) mà Mẹ đã trở thành dấu hiệu báo trước mặt trời công chính đến sau là Chúa Kitô. 

 

Mẹ Maria "rực rỡ như mặt trời" ở thiên chức làm Mẹ loài người nói chung và làm Mẹ Giáo Hội nói riêng khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa Kitô (xem Gioan 19:25), giây phút có thể nói nếu Thiên Chúa đã tỏ hết bản tính là tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài ra nơi Chúa Kitô tử giá bấy giờ thì Mẹ Maria đồng công cứu chuộc với Con Mẹ bấy giờ cũng đạt đến tột đỉnh "đầy ơn phúc" của Mẹ, và vì thế, vì khả năng được hiệp thông cứu chuộc nhân loại với Chúa Kitô, Đấng là "giòng dõi người nữ sẽ đạp nát đầu ngươi trong khi ngươi rình cắn gót chân Người" (Khởi Nguyên 3:15) mà Mẹ Maria đồng thời cũng trở nên "oai hùng như đạo binh sắp hàng vào trận" đối với quyền lực hỏa ngục là Satan và bọn ngụy thần, đối với con khủng long luôn rình chực để nuốt con trẻ do Mẹ sinh ra  (xem Khải Huyền 12:4). 

 

Một Người Mẹ Đầy Ơn Phúc như thế, đã được Thiên Chúa ở cùng, được Chúa yêu thương nhất, một Người Mẹ liên lỉ sống đức tin tuân phục, luôn khôn ngoan nhận biết được ý Chúa mà làm theo, đã sống đẹp lòng Chúa nhất, một Người Mẹ đã đồng công cứu chuộc loài người với Chúa Kitô, và đã khiến cả hỏa ngục phải khiếp sợ thì chẳng lẽ không đáng cho Kitô hữu chúng ta là những con người vô phúc bởi nguyên tội và vì thế tràn đầy mù quáng và yếu hèn khốn nạn tin tưởng cậy trông dâng mình cho Mẹ để Mẹ giúp thành phần con cái bé nhỏ của Mẹ là chúng ta đây, như Bà Rebecca với Giacóp xưa (xem Khởi Nguyên 27:1-45), đến cùng Thiên Chúa là Cha trên trời để được Ngài chúc phúc và hiệp thông thần linh với Ngài trong Chúa Giêsu Kitô và bởi Thánh Linh ban sự sống.

 

Như thế, Mẹ Maria chính là con đường an toàn nhất và bảo đảm nhất đến cùng Chúa Giêsu, con đường của những tâm hồn nào sống như những em bé cần phải được người ta đưa đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay lên đầu chúng (xem Marco 10:16).

 

3- Con Người: "Họ hết rượu rồi" (Gioan 2:3)

 

Nếu ở tiệc cưới Cana cả đôi tân hôn là nhân vật chính của bữa tiệc cưới này và vị quản gia là người đặc trách tổ chức tiệc cưới này đều không hề biết tình trạng bất ngờ thiếu rượu là yếu tố chính yếu cho một tiệc cưới thế nào thì chung con người và riêng Kitô hữu cũng thế, cũng luôn sống trong tình trạng chẳng biết mình, không biết mình ra sao và như thế nào, trái lại, còn tỏ ra những thái độ ngông cuồng, tự cao tự đại, tự phụ tự mãn, tự kiêu tự ái v.v., hay những hành động ngu xuẩn "biết vậy đừng làm", hoặc những gì hoàn toàn mâu thuẫn về phương diện luân lý, "tinh thần thì linh hoạt nhưng bản chất lại bạc nhược" (Mathêu 26:41), ở chỗ, như Tông Đồ Phaolô diễn tả (Roma 7:13-24) điều mình muốn làm thì không làm, còn điều không muốn làm lại cứ làm, cho dù biết trước hậu quả tai hại của nó.

 

Cũng chính vì con người ở trong tình trạng nhiễm lây nguyên tội, mà họ chẳng khác nào như trường hợp của người đàn bà còng lưng trong Phúc Âm (xem Luca 13:11), lúc nào cũng cúi gầm mình xuống, không thể ngẩng đầu và thân mình lên được, nghĩa là, về phương diện tâm lý và luân lý, họ luôn có khuynh hướng hạ, xu hướng về thế gian, về những gì tự nhiên dễ chịu theo ý nghĩ, ý thích và ý riêng của mình, bất chấp tiếng lương tâm và được tác động bởi hiện sủng, và vì thế họ không thể nào không ngã nhoài xuống đất, không sa ngã phạm tội mất lòng Chúa bất cứ lúc nào, chứ chưa nói đến việc họ ăn ngay ở lành, đến việc bỏ mình và vác thập giá mình mà theo Chúa, đến việc nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành cũng là Đấng thương xót (xem Mathêu 5:48; Luca 6:36).

 

Vậy bây giờ họ phải làm sao đây, nếu họ không thể tự mình sống công chính, tốt lành xứng đáng với những gì Thiên Chúa muốn thì làm sao họ có thể được cứu rỗi và hiệp thông thần linh với Ngài. Đó là lý do họ cần đến một người mẹ có thể cứu vớt họ trong chính họ thiếu rượu như trường hợp ở tiệc cưới Cana, bằng chính việc chuyển cầu thần thế của Mẹ, một tạo vật đẹp lòng Chúa nhất và vì thế Ngài không thể từ chối Mẹ một điều gì, vì chẳng có điều gì Mẹ xin cho Mẹ, mà cho con người, cho phần rỗi của con người là những gì chính Thiên Chúa cũng muốn hơn ai hết.

 

Trong tiệc cưới Cana, Mẹ Maria đã chuyển cầu bằng vai trò môi giới của Mẹ ở chỗ, trước hết, Mẹ đến với Chúa Giêsu Con Mẹ là Đấng duy nhất có thể cứu vớt con người khốn khổ để trình bày hay báo cáo với Người về trường hợp đáng thương của những ai Mẹ tự biết (hơn là họ kêu xin Mẹ) họ thiếu rượu để tự động can thiệp cho họ nhờ đó họ được thoát nạn rồi mới biết, nhưng sở dĩ nước lã hóa thành rượu còn ngon hơn trước là nhờ có sự hợp tác của loài người khi thành phần phục tiệc biết mau mắn sẵn sàng nghe theo lời Mẹ căn dặn họ để cho Chúa tỏ mình ra.  

 

Như thế Mẹ Maria chính là con đường dễ dàng nhất và nhanh chóng nhất đến cùng Chúa Giêsu, Đấng không thể từ chối Mẹ của Người điều gì; thậm chí cho dù chưa tới giờ của Người, Người vẫn đáp ứng những gì Mẹ quan tâm lo lắng muốn cứu giúp con người ta, một đức bác ái yêu thương hoàn toàn phản ảnh tình yêu vô cùng nhân hậu của Người, cũng là một đức bác ái dọn đường cho Người tỏ hết bản tính là tình yêu vô cùng nhân hậu của Người ra, đúng như mục đích "hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) của Người qua Mẹ.

 

4- Ngụy Thần: "Giòng dõi người nữ sẽ đạp nát đầu ngươi" (Gioan 19:27)

 

Mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa là mầu nhiệm Thiên Chúa hóa thân làm người và được sinh ra bởi một người nữ vào thời điểm ấn định của Ngài (xem Galata 4:4) ngay từ ban đầu đã được tỏ ra cho các thần trời như một thử thách đối với thành phần tạo vật được Thiên Chúa dựng nên với một bản tính thiêng liêng sáng láng trước tiên vào ngày tạo dựng thứ nhất, một mạc khải thần linh không thể nào không tỏ ra như thể Ngài muốn phân ánh sáng ra khỏi bóng tối (xem Khởi Nguyên 1:3-4).

 

Và cũng ngay từ ban đầu ấy bóng tối đã xuất hiện khi con khủng long cùng với một phần ba thần trời bị cái đuôi gương mù của nó lôi kéo rơi xuống đất cùng với nó, mất chỗ đứng của chúng trên trời, vì thành phần ngụy thần này chỉ là loài tạo vật đã dám cả gan tự phụ vươn mình lên ngang hàng với Thiên Chúa trong việc ngông cuồng chống lại ý định nhập thể của Thiên Chúa tối cao, ở chỗ con khủng long đã rình chực trước người nữ sắp sinh con để nuốt đi con trẻ do bà sinh ra (xem Khải Huyền 12:4,7).

 

Thái độ kiêu căng tự phụ ngông cuồng của con khủng long trở thành con rắn cũng là Satan cám dỗ cả thế gian (xem Khải Huyền 12:9) cùng với bọn ngụy thần của hắn cũng là thái độ và là phản ứng phản kitô, là thái độ và phản ứng của thành phần phản kitô là những tác nhân của Satan và bọn ngụy thần của hắn, tức là thành phần không chấp nhận Chúa Kitô đến trong xác thịt (xem 2Gioan 7), tức không công nhận Nhân Vật Lịch Sử Giêsu Nazarét là Đức Kitô hay Đấng Thiên Sai (xem 1Gioan 2:22-23).

 

Đó là lý do "những ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), nghĩa là những ai chấp nhận "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), chấp nhận Người "được hạ sinh bởi một người nữ" (Galata 4:4), Đấng "tuy thân thế là Thiên Chúa nhưng đã không tự cho mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, một đã hóa ra như không, mặc lấy thân phận tôi tớ, sinh ra như loài người, và đã tự hạ đến độ đã vâng lời cho đến chết cho dù có phải chết trên thập tự giá" (xem Philiphê 2:8), Đấng "tuy là Con nhưng cũng đã tỏ ra vâng phục nơi những gì Người phải chịu, để khi hoàn thành Người đã trở nên căn nguyên cứu độ cho những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8-9), và cũng chính là Đấng "tỏ mình ra để phá hủy các công việc của ma quỉ" (1Gioan 3:8), đúng như lời Thiên Chúa đã tuyên án trong Vườn Địa Đường sau nguyên tội đối với Satan là tên rắn quỉ cám dỗ rằng: "Giòng dõi người nữ sẽ đạp nát đầu ngươi"  (Khỏi Nguyên 3:15).

 

Như thế, những ai là con cái Thiên Chúa vì đã chấp nhận Lời nhập thể, chấp nhận Vị Thiên Chúa được thụ thai trong cung lòng tin tưởng của thôn nữ Maria và được hạ sinh từ lòng dạ trinh nguyên của người nữ thấp hèn này, so với thái độ kiêu căng tự phụ ngông cuồng của Satan và bọn ngụy thần cùng thành phần tác nhân phải kitô của hắn, thật sự là những con trẻ, chỉ biết chấp nhận tất cả những gì Thiên Chúa muốn, vì không gì chân thật và hoàn hảo hơn ý muốn của Thiên Chúa, không gì khôn ngoan và quyền năng hơn ý muốn của Ngài, một ý muốn xuất phát từ tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài, mà nếu xét theo lập luận trần gian, thì toàn là những gì bất lợi cho Ngài mà lại có lợi tối đa hết cỡ cho loài tạo vật vô cùng thấp hèn của Ngài là con người hèn hạ, khốn nạn tội lỗi chúng ta.

 

Vậy một khi con người tin nhận Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, là Thiên Chúa nhập thể, thì không thể nào không chấp nhận Mẹ của Người, bằng không họ tự mâu thuẫn và rơi vào tình trạng tôn thờ ngẫu tượng, tôn thờ một "Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), Đấng không thể nào chịu khổ nạn và tử giá, như chủ trương sai lầm một cách ngây thơ vô tội của chính vị thủ lãnh tông đồ doàn Phêrô (xem Mathêu 16:23), nên tội nghiệp ngài chỉ vì tôn kính và mến yêu Người mà ngài đã bị chính Vị Thày vô cùng yêu quí của ngài thậm tệ quở trách là "Đồ Satan" (Mathêu 16:23).

 

Tóm lại, những ai chấp nhận "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" cũng chính là Đức Kitô "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1), "đến để phục vụ và hiến mạng sống mình cho nhiều người được cứu rỗi" (Mathêu 20:28), thì cũng chính là những tâm hồn chấp nhận đứng dưới chân Thánh Giá của Người với Mẹ Maria, như tông đồ Gioan và như người nữ môn đệ Mai Đệ Liên, để được chính Đấng Tử Giá nhắn nhủ và trăn trối vào chính lúc Người sắp sửa đạp nát đầu rắn quỉ satan rằng: "Hỡi bà, đó là người con của bà" và "Người Mẹ của con đó" (Gioan 19:26-27), một Người Mẹ, quả thực khi chứng kiến thấy lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Con mình làm cho "nước và máu chảy ra" (Gioan 19:34) thì chất ngất đau đơn cái đớn đau của Con, cái đau đớn với Con và cái đớn đau thay Con (bấy giờ đã chết) để hạ sinh ra loài người bởi Chúa Kitô như một Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô.

 

Vậy những ai là con cái Thiên Chúa và là chi thể của Nhiệm Thể Giáo Hội cũng đều là con cái của Mẹ, chắc chắn được Mẹ chăm sóc và làm cho họ được nên một với Chúa Kitô và nên giống như Chúa Kitô, nhờ đó họ mới có thể đáp ứng tình yêu thương của Mẹ với tư cách là một Chúa Kitô, với Chúa Kitô và như Chúa Kitô, một tình con thảo đã được người môn đệ được Chúa Giêsu yêu là tông đồ Gioan tỏ ra với Mẹ thay Chúa Kitô ở chỗ "mang Mẹ về nhà mình" (Gioan 19:27) là chính Giáo Hội nói chung và từng tâm hồn Kitô hữu nói riêng.

 

Linh Đạo Thánh Mẫu Per Mariam ad Jesum - Tiến Trình Thánh Mẫu Hóa

(sẽ được trình bày và chia sẻ vào những ngày 13 trong các tháng Đức Mẹ cố ý chọn để hiện ra ở Fatima 1917, khi TĐCTT qui tụ lại đền tạ Mẹ)

 

Vì tôi vô phúc nên tôi phải nhờ Mẹ Maria đầy ơn phúc đến với Chúa ở cùng Mẹ.

 

Vì tôi ham mê trần gian nên tôi phải nhờ Mẹ Maria trinh nguyên đến với Lời Nhập Thể

 

Vì tôi kiêu căng tự ái nên tôi phải nhờ Mẹ Maria nữ tỳ đến với Đấng Toàn Năng

 

Vì tôi chủ quan theo ý riêng mình nên tôi phải nhờ Mẹ Maria xin vâng đến với Thánh Thần Quyền Năng

 

Vì tôi vị kỷ nên tôi phải nhờ Mẹ Maria lên đường đến với Thánh Linh Yêu Thương

 

Vì tôi bất xứng nên tôi phải nhờ Mẹ Maria chuyển cầu đến với Chúa Kitô Vinh Hiển