THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của

Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

 

Niềm Vui Phúc Âm - Chia Sẻ Kiểm Nghiệm
 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 
 
Hằng năm, Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT), một nhóm được hình thành để hưởng ứng và tích cực đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 17-18/8/2002 ở Balan về sứ vụ làm chứng cho Lòng Thương Xót Chúa và loan truyền Lòng Thương Xót Chúa, đều thực hiện các cuộc tĩnh tâm về Lòng Thương Xót Chúa ở các nơi khác nhau, cùng một chủ đề, và chủ đề cho năm 2014 là "Người động lòng thương" (Matheu 9:36 & 14:14; Marco 6 :34 & 1:41; Luca 7:13; Gioan 11:33,35).
 
Tuy nhiên, trong các buổi họp định kỳ hằng tháng của nhóm ở những nơi khác nhau, nhất là ở Nam California, chủ đề này đã được chia sẻ học hỏi theo từng đề tài một, những đề tài được lấy từ trong Tông Huấn Niềm Vui - Gaudium Fidei của Đức Thánh Cha Phanxicô, một văn kiện rất thích hợp với chủ đề "Người động lòng thương" của Nhóm TĐCTT cho Năm 2014, một văn kiện ban hành ngày 24/11/2013, thời điểm kết thúc Năm Đức Tin từ 11/10/2013. Sau đây là các đề tài của từng nhóm và cho từng lần cùng với các gợi ý mở đầu và chia sẻ chung của anh chị em tham dự viên trong Tháng 1/2014 (ngày 2, 11 và 16).
 
 
Đề tài 1 (đoạn Tông Huấn 53): Văn Hóa Thải Trừ
 
"Chính con người bị coi là những sản vật tiêu thụ được sử dụng rồi sau đó bị thải đi. Chúng ta đã tạo nên một thứ văn hóa 'disposable - thải trừ' là thứ văn hóa hiện nay đang lan tràn. Không phải chỉ là vấn đề khai thác và đàn áp mà là một cái gì đó mới mẻ. Vấn đề loại trừ cuối cùng có liên quan tới những gì thuộc về xã hội chúng ta sống; những ai bị loại trừ không còn ở dưới đáy của xã hội hay ở ngoài rìa của xã hội hoặc bị tước lột - họ thậm chí không còn thuộc về xã hội nữa. Thành phần bị loại trừ không bị 'khai thác' mà là thành phần bị ruồng bỏ (outcast), thành phần 'cặn bã dư thừa' (leftover)".
 
Gợi ý đầu:
 
1- Về ý nghĩa của câu đề tài
- Ở đây Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến "thành phần bị ruồng bỏ (outcast), thành phần 'cặn bã dư thừa' (leftover)"
- Theo Đức Thánh Cha, những người anh chị em này còn tệ hơn cả những ai: "ở dưới đáy của xã hội hay ở ngoài rìa của xã hội hoặc bị tước lột"
- Người "ở dưới đáy của xã hội", như trường hợp buôn người, buôn gái mãi dâm, hay nô lệ tình dục v.v., nhưng vẫn còn giá trị lợi dụng;
- Người "ở ngoài rìa xã hội", như trường hợp của những ai di dân hoặc tị nạn bị hất hủi không được tiếp đón v.v., nhưng vẫn còn được thế giới quan tâm;
- Người "bị tước lột", như trường hợp của những ai bị tước đoạt các thứ quyền làm người v.v., nhưng vẫn còn được các cơ quan nhân quyền bênh vực.
- Còn "thành phần bị ruồng bỏ (outcast), thành phần 'cặn bã dư thừa' (leftover)" là thành phần "không còn thuộc về xã hội nữa".
- Chẳng hạn trường hợp được Đức Thánh Cha nói đến trong cùng một đoạn 53 của bức Tông Thư: "Tại sao có thể xẩy ra chuyện một người già lão vô gia cư bị chết phơi thây ra đó thì không phải là một tin tức cần được loan báo trong khi đó lại loan tin thị trường chứng khoán xuống 2 điểm chứ? Đó là một trong trường hợp bị loại trừ". 
 
2- Về cảm nghiệm từ câu đề tài:
- Muốn biết chúng ta có bị ảnh hưởng hay lây nhiễm "thứ văn hóa 'disposable - thải trừ' là thứ văn hóa hiện nay đang lan tràn" này chúng ta hãy căn cứ vào câu ĐTC nói ở đoạn 54 trong cùng Bức Tông Huấn ấy, nguyên văn như sau:
- "Thứ văn hóa giầu thịnh này đã khiến cho chúng ta trở thành u mê; chúng ta cảm thấy kích động khi thị trường cống hiến cho chúng ta một cái gì đó mới mẻ để mua; trong khi đó tất cả những cuộc sống lăn lộn bởi thiếu cơ hội vươn lên chỉ như là một thứ cảnh tượng bàng quan; chúng không làm cho chúng ta cảm thấy rung động".
 
3- Về áp dụng theo câu đề tài
- Căn cứ vào lời trên đây của ĐTC Phanxicô, vừa có tính cách cảnh giác vừa kêu gọi, chúng ta hãy tự kiểm xem trong vấn đề ăn uống, phục sức và đồ dùng của chúng ta, ở chỗ:
- Khi ăn uống chúng ta có ăn uống một cách phung phí trong khi có biết bao nhiêu người anh chị em của chúng ta đang đói khát không có gì để ăn để uống, thậm chí chết đói!
- Khi mua sắm (quần áo, trang sức hay đồ dùng) chúng ta có thích (hơn là cần) là mua (chẳng hạn đang có I-phone 4 bỏ đi mua I-phone 5), mua cho nhiều (rồi không biết mình có bao nhêu, hoặc mặc không hết hay không biết mặc bộ nào v.v.), trong khi đó biết bao người không gì để mặc, không đồ để xài!
- Nếu chúng ta như "Người động lòng thương", chúng ta cần phải ra tay hành động giúp đáp một cách cụ thể những người anh chị em bị xã hội loại trừ, những người anh chị em bị coi là phế thải.

- Chúng ta theo tự nhiên dễ động lòng thương khi nghe tin một anh chị em homeless ở San Jose California cuối năm trước bị chết mấy ngày mà không ai biết, hay có những người anh chị em homeless cũng ở Bắc California bị chết vì trời đột nhiên trở lạnh quá sức.

- Chúng ta động lòng thương thực sự, chứ không phải chỉ động lòng thương xuông vậy thôi, ở chỗ mỗi khi biết được trời trở lạnh quá độ, chúng ta có thể chạy báo tin cho những người anh chị em homeless của chúng ta để họ là những người không có phương tiện để theo dõi tin tức biết mà tìm cách trú ẩn.

- Chúng ta động lòng thương hơn nữa khi chúng ta tìm cách đưa những người anh chị em homeless của chúng ta vào một chỗ trú ẩn an toàn nào đó, kẻo chính họ cũng không biết đâu mà nương ẩn để thoát khỏi thiên tai khắc nghiệt.

- Chúng ta động lòng thương một cách thực tế và thiết thực rất thích đáng với trường hợp của hầu hết trong chúng ta đó là chúng ta ăn uống và mua sắm một cách vừa đáp ứng nhu cầu của mình vừa có thể giúp đáp cho biết bao người anh chị em bần cùng khốn khổ đang cần chúng ta giúp đáp. 

 

Chia sẻ chung:

 

Về người homeless:

Có những người homeless rất giầu, nhưng thích sống thoải mái như vậy; hay có những người homeless rất thành thực, vớ được tiền bạc của ai thì đi trả lại, không tham lam; tại Việt Nam một trong những miền nghèo khổ nhất đó là ở Sapa Miền Bắc gần biên giới Trung Hoa, nơi có các gia đình anh chị em thiểu số tuy không homeless nhưng cũng hết sức đáng thương.

 

Về việc làm từ thiện:

Chở người quá giang trên xe có thể nguy hiểm; có người nghèo khổ sử dụng cùng một mánh khóe ở các nơi khác nhau để làm tiền; tuy nhiên có những trường hợp thức ăn dư thừa phải đổ đi chứ không được cho dù chính người nghèo xin, vì sợ trách nhiệm gây ngộ độc; một khi giúp ai nên giúp ngay kẻo lỡ cơ hội vì họ không thể chờ đợi mình v.v.

 

Về trường hợp mất trộm:

Một khi bị mất trộm tất nhiên ai cũng tiếc xót và giận kẻ trộm, nhưng nên nghĩ rằng nếu họ xin chắc mình không cho và vì họ nghèo khổ nên mới lấy trộm thì thôi kể như tặng cho họ; có trường hợp ăn trộm mà không có tội, đó là khi ai đó gần chết mà xin chúng ta không cho thì họ có quyền ăn trộm để có thể sống còn, vì của cải vật chất là để phục vụ con người chứ không phải con người làm nô lệ cho vật chất.

 

 

 

Đề tài 2 (đoạn Tông Huấn 193): Những Tiếng Kêu La

 

"Chúng ta hiện thực hóa nhiệm vụ nghe thấy tiếng kêu la của người nghèo khổ đó là khi chúng ta tỏ ra sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác".

 
Gợi ý đầu:
 
1- Về ý nghĩa của câu đề tài
- Câu này nghe có vẻ như bình thường và đơn giản, chẳng có gì là đặc biệt, sâu xa và quan trọng cho lắm, thế mà lại liên quan đến phần rỗ đời đời của Kitô hữu chúng ta đó.
- Câu này có 2 phần rõ ràng: phần đầu là thái độ "nghe thấy tiếng kêu la của người nghèo khổ", và phần sau là phản ứng "sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác".
- "Tiếng kêu la của người nghèo khổ" có thể là hình ảnh trên TV về cảnh những trẻ em Phi Châu được trông thấy toàn thân chỉ là một bộ xương, hay là một mẫu tin tức về những người homeless bị chết lạnh, hoặc một lời nhắc khéo của ai đó về người nghèo khi thấy chúng ta tiêu xài có vẻ xa xỉ hoang phí v.v. Chúng ta có "nghe thấy" hay chăng? Nếu có thì phải tiến đến chỗ:
- "Sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác", bằng không, cho dù chúng ta có "nghe thấy" mà như không nghe, mà chỉ "nghe thấy" cái nhu cầu cá nhân của mình, chỉ "nghe theo" cái đòi hỏi thái quá và vị kỷ của mình, như trường hợp của người phú hộ trong Phúc Âm Thánh Luca 16:19-31).
 
2- Về tác hiệu của câu đề tài
- Bài Phúc Âm về Lazarô và người phú hộ cho thấy người phú hộ quả thực có "nghe thấy tiếng kêu la" của Lazarô, cho dù Phúc Âm không thuật lại một lời nào của Lazarô gì cả, nhưng sự kiện hiện diện của Lazarô "ở trước cổng" của nhà người phú hộ cũng đủ là một tiếng "kêu la" vang lừng rồi vậy, nếu người phú hộ có lòng thương yêu thật sự.
- Thế nhưng người phú hộ, "ăn mặc lụa là" và "yến tiệc linh đình" ấy vẫn không "sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác" là Lazarô, ở chỗ, cho dù Lazarô bần cùng đến độ thèm thuồng những mảnh vụn rơi xuống từ bàn tiệc của người phú hộ mà chẳng ai cho, trái lại, ông còn bị chó đến liếm ghẻ chốc ở trên thân thể của ông, thế mà người phú hộ vẫn IGNORE Lazarô, vẫn không thèm lưu ý tới, vẫn lạnh lùng dửng dưng "bay chết mặc bay".
- Bởi thế, mặc dù người phú hộ may mắn được giầu sang phú quí hơn Lazarô ấy chẳng hề chửi rủa và hất hủi đuổi Lazarô đi cho khuất mắt mình, thế mà, sau khi chết, người phú hộ này cũng bị hư đi đời đời, phải ở một nơi "không thể từ đây (nơi Lazarô đang hưởng phúc trong lòng Abraham) qua đó (nơi người phú hộ đang chịu cực hình) hay từ đó qua đây" được nữa.
- Quả đúng như tiêu chuẩn chung thẩm của Chúa Giêsu về cả chiên lẫn dê, như Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở đoạn 25, ở chỗ, những ai tỏ ra cố tình KHÔNG (= IGNORE / NEGLECT) với những người anh chị em hèn mọn của mình sẽ vĩnh viễn hư đi: KHÔNG cho ăn, KHÔNG cho uống, KHÔNG tiếp rước, KHÔNG cho mặc, KHÔNG an ủi, KHÔNG thăm viếng, chưa cần phạm những tội ác như phá thai, hiếp dâm, khủng bố, cướp phá v.v.
- Đó là lý do ngay từ đầu của mục chia sẻ mới có nhận định là câu "Chúng ta hiện thực hóa nhiệm vụ nghe thấy tiếng kêu la của người nghèo khổ đó là khi chúng ta tỏ ra sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác" liên quan đến phần rỗi đời đời của chúng ta vậy. 
 
Cha Sẻ Chung:
 
1- Về những người anh chị em homeless:
Cho dù có những người sử dụng tiền bạc chúng ta cho họ để uống rượu hay hút thuốc, nhưng một số người vẫn cứ cho họ chỉ vì lương tâm của mình hơn là căn cứ vào một số người như vậy. Bởi vì đa số anh chị em nghèo khổ homeless này cũng chỉ vì bất đắc dĩ (hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó mà mình không biết, chẳng hạn một trường hợp cụ thể Chi Hồng kể lại về người chị biết), và coi thường phẩm giá làm người của mình để mà đi ăn xin hay sống một cuộc đời bần cùng khốn khổ như vậy mà thôi. Biết đâu vì một cử chỉ được giúp đáp của chúng ta vì lòng bác ái mà vào một lần nào đó mà họ nhận biết Chúa trước khi họ qua đời hay sao v.v.
 
2- Về những gì để cho:
Không nên cho tiền mà là cho thực phẩm. Nhưng khi cho thực phẩm thì đừng cho họ những gì mình thích hay hợp với mình mà lại không hợp hay chưa chắc đã hợp với người và chưa chắc họ thích dù họ cần. Có trường hợp cho họ ăn cơm kiểu Việt Nam nhưng đã hoàn toàn thất bại. Cũng nên phòng hờ những nhu cầu bất thường không ngờ khác. Chẳng hạn trong chuyến tặng quà Giáng Sinh ở Downtown Los Angeles trước Giáng sinh 2013 vừa rồi của Nhóm TĐCTT, có một người nữ Việt Nam còn trẻ đến chẳng những nhận phần quà thực phẩm mà còn xin thêm cả băng vệ sinh đàn bà nữa...
 
3- Về việc phục vụ anh chị em nghèo khổ homeless:
Ở West Covina California, Nhà Thờ Saint Christopher, nơi có cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Giuse, theo truyền thống từ mấy năm nay, hằng năm cứ vào dịp Thanksgiving, anh chị em homeless sẽ được ăn ở trong khu vực nhà xứ 3 tuần lễ liền cho tới cuối tháng 11, chưa kẻ được tắm rửa và được có xe chở đi chơi đây đó. Anh chị em trong cộng đoàn Việt Nam này cũng hợp tác với nhà xứ để phục vụ anh chị em homeless này tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Cũng tại khu vực gần nhà xứ này, ở ngay bên cạnh, cách 1 con đường, trong khu tiệm dịch vụ, có một bụi cây có một số anh chị em homeless chui rúc sống ở đó!
 
4- Về một số trường hợp homeless thiêng liêng:
Có hai trường hợp về hai tâm hồn (một Mễ một Việt) đã từng sống đời tội lỗi nay đang tìm về với Chúa qua việc tỏ lòng kính mến Đức Mẹ và đọc Sách Thánh (Mễ) hay thường xuyên tham dự Thánh Lễ mà chưa được Rước Lễ (Việt). Đây là những tâm hồn mà Chúa gần gũi nhất, gần gũi nhất không phải như những Kitô hữu có Ơn Thánh Sủng, mà vì được Chúa quan tâm đến hơn cả thành phần công chính tốt lành. Không phải Chúa hằng đi tìm kiếm từng con chiên lạc như họ, tức đến gần với họ, hơn là với những người thuộc về 99 con chiên không cần đi tìm hay sao?
 
5- Về vấn đề áp dụng thực hành về đề tài chia sẻ:
Điểm thứ nhất, chúng ta phải tạ ơn Chúa về tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta cả hồn lẫn xác may lành hơn nhiều người. Điểm thứ hai, thế nhưng, theo ý định tối hậu và phổ quát của mình thì Thiên Chúa ban cho con người ân phúc là để chia sẻ và phục vụ ích chung chứ không phải để cho riêng một mình ai. Điểm thứ ba, bởi thế, chúng ta phải làm sao để vừa hưởng dùng tất cả những gì chúng ta có (tức được ban cho) theo đúng như ý Chúa, ở chỗ phải làm sao để "chúng ta hiện thực hóa nhiệm vụ nghe thấy tiếng kêu la của người nghèo khổ đó là khi chúng ta tỏ ra sâu xa cảm kích trước khổ đau của người khác".
 
 
 

Đề tài 3 (đoạn Tông Huấn 54): U Mê Ngu Ngốc

 

"Trong việc bảo trì một lối sống loại trừ người khác, hay trong việc bảo trì nhiệt huyết sống cho lý tưởng vị kỷ như thế đã phát triển một thứ toàn cầu hóa trạng thái dửng dưng lạnh lùng. Hầu như không thấy được điều ấy, chúng ta tiến đến chỗ không còn cảm thấy thương cảm trước tiếng kêu gào của người nghèo khổ nữa, không còn khóc thương nỗi đớn đau của người khác và cảm thấy cần giúp đáp họ, như thể tất cả những sự ấy là trách nhiệm của ai đó chứ không phải của chúng ta. Thứ văn hóa giầu thịnh này đã khiến cho chúng ta trở thành u mê; chúng ta cảm thấy kích động khi thị trường cống hiến cho chúng ta một cái gì đó mới mẻ để mua; trong khi đó tất cả những cuộc sống lăn lộn bởi thiếu cơ hội vươn lên chỉ như là một thứ cảnh tượng bàng quan; chúng không làm cho chúng ta cảm thấy rung động".

 

Gợi ý đầu:

 

1- Về ý nghĩa của câu đề tài

- Bài Phúc Âm Thánh Luca đoạn 12 câu 13-21 được chọn đọc trong đó có lời Chúa dạy cảnh báo liên quan đến số phận của "kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa thì..."

- Bài Phúc Âm này có liên quan tới đề tài được chia sẻ, nhất là câu cuối cùng: "Thứ văn hóa giầu thịnh này đã khiến cho chúng ta trở thành u mê; chúng ta cảm thấy kích động khi thị trường cống hiến cho chúng ta một cái gì đó mới mẻ để mua; trong khi đó tất cả những cuộc sống lăn lộn bởi thiếu cơ hội vươn lên chỉ như là một thứ cảnh tượng bàng quan; chúng không làm cho chúng ta cảm thấy rung động".

- Người giầu trong bài Phúc Âm đã "trở thành u mê" đến độ bị Chúa phán là "đồ ngốc". Thật vậy, về tinh thần và tâm lý, thường người giầu phải nói là nghèo nhất, vì lòng tham vô đáy của họ, bao nhiêu cũng không vừa, cũng vẫn cứ thiếu thốn và hình như càng "đói" khát hơn bao giờ hết và hơn ai hết, đến độ "ăn" hiếp cả chính người người nghèo khổ cần họ giúp đỡ và bố thí, chia sẻ những gì họ có được là do Chúa ban hơn là chỉ do công lao của họ.

 

1- Về thực hiện theo câu đề tài

- Tuy chúng ta không nghèo khổ và homeless thực sự như nhiều anh chị em của chúng ta mà chúng ta biết được hay gặp thấy, chúng ta vẫn cò thể sống tinh thần nghèo khổ và homeless ở một nghĩa nào đó, một lúc nào đó, một chỗ nào đó. Chẳng hạn sống thiếu thốn như người nghèo khổ, thay vì bỏ tiền mua sắm đồ dùng và đồ đạc đầy đủ tiện nghi, thì sử dụng những thứ vừa phải hay tầm thường hơn, hoặc chịu khó mất giờ và mất công hơn v.v.

- Chúng ta cứ hưởng dùng những gì Chúa ban cho chúng ta nhưng chúng ta vẫn không quên anh chị em bất hạnh của mình, vẫn lưu ý tới những người anh chị em nghèo khổ thiếu thốn bần cùng của chúng ta, để làm sao chúng ta vẫn sống một cách công bằng với họ, ở chỗ không xa xỉ, không sang trọng, không dư thừa v.v. trong khi nhiều người anh chị em của chúng ta thật sự đang sống trong cảnh túng thiếu và bần cùng cả về thể lý lẫn tâm lý.

 

Chia sẻ chung:

 

1- Câu truyện người nhà giầu trong bài Phúc Âm và gợi ý đầu liên quan đến khuynh hướng tham lam của người giầu có trong xã hội quả thực xẩy ra ở Orange County California liên quan đến một người Việt Nam ở Mỹ khoảng 10 năm nay, nhà ở giá cả mấy triệu đôla, nhưng keo kiệt đến độ thuê một anh Mễ bị tật ở tay cắt cỏ hằng tuần cho một căn nhà rộng lớn rất mất công mà anh đòi 75 Mỹ kim một tuần mới đáng công và bõ công, thì người gia chủ giầu có này chẳng những đã hạ xuống còn 60 Mỹ kim mà còn muốn anh làm thêm đủ thứ khác cho vườn của mình nữa v.v. 

 

2- Hãy cho bằng tất cả tấm lòng thương người thực sự của mình và bởi thế phải cho làm sao (bao gồm cả của cho lẫn cách cho) thật là xứng đáng với nhân phẩm làm người của thành phần anh chị em nghèo khổ đáng thương chúng ta.

 

3- Theo nguyên tắc phổ quát này, thì đừng mang cho những đồ ăn dư thừa, ăn không hết, để mấy ngày đến gần thiu, mà đổ đi thì tiếc và sợ tội nên đem cho người nghèo đói. Việc làm này có thể nói là một hành động coi người anh chị em nghèo đói của mình chỉ là đồ dư thừa trong xã hội, chỉ đáng ăn những thứ dư thừa của mình mà thôi.

 

4- Để tránh điều này thì đừng nấu dư quá, nếu lỡ dư thì cố mà ăn từ từ đến hết cho dù không thích, thậm chí cho dù mình có nhỡ bị đau bụng, còn hơn đối xử với người khác như thứ đồ bỏ và còn làm cho họ bị đau bụng thay mình nữa.

 

5- Tuy nhiên, những đồ dư thừa khác trong nhà, còn nguyên trong bịch, trong bao, trong loong v.v., còn xài được, còn dùng được, hay quần áo cũ được giặt sạch sẽ, vẫn có thể mang cho, nhưng chớ nói theo thói quen cụm từ "phát quà cho người nghèo" (distribution of gift to the poor) mà là "tặng quà" (presentation of gift to the poor) cho có vẻ trân trọng và tỏ ra quí mến những người anh chị em mình chia sẻ những gì có thể.

 

6- Đừng bao giờ nhân danh việc bác ái để lỗi đến chính đức bái ái, chẳng hạn tranh giành nhau gây quĩ một cách vô kỷ luật hay đấu đá nhau vì quyền lợi, hoặc nói xấu nhau khi bị động đến quyền lợi của mình, hay tỏ ra ghen tị với quyền lợi và mối lợi hơn của người khác; và nhất là đừng bao giờ nhân danh người nghèo, nhất là thành phần nạn nhân bị thiên tai để làm tiền, để thủ lợi, để moi tiền từ những tấm lòng hảo tâm đóng góp dâng cúng cứu trợ v.v.

 

Hy vọng những gị chất chứa trong bài viết được trở thành diễn đàn chung này, dù liên quan đến một nhóm anh chị em Công giáo, cũng mang lại phần nào lợi ích sống đạo cho một số tâm hồn nào chưa có dịp đọc Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm và áp dụng những gì được kêu gọi và phấn khích từ chính Vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian rất khẩn trương vào lúc này đây, để mỗi người đều thực sự cảm thấy Niềm Vui Phúc Âm nhờ đó chia sẻ cho mọi người anh chị em của mình Niềm Vui Phúc Âm của Chúa!

 

- "Tôi mời gọi tất cả mọi Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, vào chính lúc này đây, hãy thực hiện một cuộc tái tấu gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu Kitô, hay ít là hãy cởi mở để cho Người gặp gỡ mình. Tôi xin tất cả anh chị em hãy không ngừng làm như thế mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không nhắm đến họ, vì 'không ai bị loại trừ ra khỏi niềm vui được Chúa mang đến cho' [Paul VI, Apostolic Exhortation Gaudete in Domino (9 May 1975), 22: AAS 67 (1975), 297.]" (khoản 3);

 

- "Chỉ nhờ có cuộc gặp gỡ này - hay cuộc tái tấu gặp gỡ - với tình yêu của Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ làm bừng nở một thứ thân tình phong phú, chúng ta mới được giải phóng khỏi cảnh hạn hẹp và bám chặt lấy bản thân mình của chúng ta… Vì nếu chúng ta đã lãnh nhận được thứ tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta thì tại sao chúng ta lại không chia sẻ tình yêu ấy cho người khác chứ?" (khoản 8).