ƠN GỌI TÔNG ĐỒ CHÚA TÌNH THƯƠNG
TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Tông Đồ Chúa Tình Thương: Danh Xưng
Ơn gọi của Tông Đồ Chúa Tình Thương được chất chứa trong chính danh xưng Tông Đồ Chúa Tình Thương của họ. Và danh xưng Tông Đồ Chúa Tình Thương của họ xuất phát từ chính Thánh Kinh, ở hai đoạn khác nhau của Phúc Âm Thánh Mathêu, một ở cuối đoạn 9 và đầu đoạn 10 và một ở đoạn 14 cũng như ở đoạn 15.
Ở đoạn 9, Thánh Mathêu đã thuật lại sự kiện: "Chúa Giêsu tiếp tục đi đến. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, Người loan truyền tin mừng về vương quốc của Thiên Chúa, và Người chữa lành mọi thứ bệnh nạn tật nguyền. Trông thấy đám đông thì Người động lòng thương. Họ lang thang lạc loài như không có người chăn... Đoạn Người triệu tập 12 môn đệ lại mà ban cho các vị quyền trừ khử các thứ thần ô uế và chữa lành các loại bệnh nạn tật nguyền... Chúa Giêsu đã sai những người này đi như Nhóm 12, sau khi đã dặn dò họ như sau... Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho đi nhưng không..." (35-36; 10:1,5,8);
Ở đoạn 14, Thánh Mathêu đã thuật lại sự kiện: "Nghe tin ấy, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: 'Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn'. Ðức Giêsu bảo: 'Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn'..." (13-16).
Ở đoạn 15: "Ðức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường... Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông" (câu 32,36).
Hai sự kiện khác nhau được Thánh ký Mathêu thuật lại trên đây tỏ tường cho thấy, trước hết, mọi hành động Chúa Giêsu là hiện thân và là dung nhan Thương Xót của Chúa Cha làm đều xuất phát từ Lòng Thương Xót Chúa của Người. Đó là lý do cả hai lần Thánh ký Mathêu đều ghi chú cẩn thận rằng: "Người động lòng thương".
Và cả hai lần "người động lòng thương" này đều có liên quan mật thiết với các việc làm của thành phần tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn đang ở với Chúa Giêsu bấy giờ: lần thứ nhất liên quan đến sứ vụ truyền giáo của các vị, và lần thứ hai cùng thứ ba liên quan đến việc đáp ứng thỏa đáng như cầu đói khát về thể lý của dân chúng.
Như thế có nghĩa là sở dĩ các tông đồ được chọn và được sai đi truyền giáo hay phục vụ là vì Chúa Giêsu động lòng thương dân chúng. Bởi thế nên những gì các vị làm theo chỉ thị của Chúa Giêsu, tiêu biểu đặc biệt ở trong 2 trường hợp điển hình này, là những việc làm phát xuất từ Lòng Thương Xót Chúa và của Lòng Thương Xót Chúa.
Do đó, để chu toàn sứ vụ truyền giáo và phận sự phục vụ của mình, các tông đồ cần phải làm sao cho dân chúng là đối tượng chính yếu của LTXC thấy được LTXC nơi con người của các vị và qua việc làm của các vị. Và chính vì vậy mà chúng ta có thể gọi các vị là Tông Đồ Chúa Tình Thương, một danh xưng bao gồm các sứ vụ chính yếu của các tông đồ cần phải được tiếp nối bởi thành phần môn đệ Chúa Kitô qua mọi thời đại, nhất là trong thời điểm của LTXC từ tiến bán thế kỷ 20 tới nay và sau này nữa.
Tông Đồ Chúa Tình Thương: Sứ Vụ
Vì đã nhận danh xưng Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT) nên những ai đã tích cực và chủ động đáp ứng lời kêu gọi của vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi ngài kêu gọi vào thời điểm 17-18/8/2002 ở Balan, để từ ngày 4/4/2009 cho tới nay và sau này, trở thành một Nhóm TĐCTT (như Nhóm 12 Tông Đổ xưa, hơn là Phong Trào có tính cách to lớn) cũng phải tiếp nối chẳng những sứ vụ rao giảng cho những người anh chị em nghèo khổ về đời sống thiêng liêng, mà còn đáp ứng nhu cầu của những người anh chị em nghèo đói khốn khổ trong đời sống xã hội nữa.
Đó là lý do Nhóm TĐCTT được lập ra, trước hết và trên hết, nhắm mục đích chính yếu là để loan truyền LTXC bằng hai hình thức hay cách thức khác nhau nhưng đi đôi với nhau, bất khả phân ly:
Cách thứ nhất đó là bằng các cuộc tĩnh tâm, từ năm 2011, như Nhóm 12 Tông Đồ xưa được Chúa Giêsu tuyển chọn và sai đi rao giảng vì Người động lòng thương dân chúng bơ vơ tất tưởi như chiên không có chủ chăn, và
Cách thứ hai đó là bằng các việc bác ái cứu trợ cho những người anh chị em nghèo khổ ở các nơi, bao gồm cả ở thành phố như những người anh chị em homeless ở downtown Los Angeles vào các dịp Giáng Sinh và Phục Sinh hằng năm, từ năm 2013, lẫn ở cả những vùng sâu vùng xa ở Việt Nam, như trong chuyến hành trình truyền giáo xuyên Việt trong Năm Thánh Thương Xót 2016, một việc bác ái cứu trợ cũng phản ảnh việc các tông đồ đã cố gắng đáp ứng nhu cầu vật chất của dân chúng đói khát khiến Chúa Giêsu động lòng thương liền bảo các vị phải tự lo cho họ ăn.
Cả hai cách thức này đều là những gì thể hiện LTXC. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, có những nhà giảng thuyết nổi tiếng, thu hút dân chúng, đến độ cái tên của họ làm nên hiện tượng đám đông, và đám đông kéo nhau qui tụ lại bởi cái tên lừng danh của họ. Thế nhưng, thực tế phũ phàng cho thấy cũng không thiếu những trường hợp chính cái danh tiếng này đã lèo lái dân chúng bị mê hoặc đến cuồng tín đi sai lạc, hay đã tỏ ra chống đối giáo quyền khi bị giáo quyền cảnh giác hoặc ngăn chặn đà tiến của nó, hoặc đã ngấm ngầm nhân danh mình (và đám đông) mà rao giảng hơn là nhân danh Chúa ...
Kinh nghiệm cũng cho thấy có những con người hăng say làm việc bác ái cứu trợ, nhưng lại nhân danh bác ái cứu trợ, nhân danh đức bác ái để lỗi phạm đức bác ái. Ở chỗ tranh giành nhau gây quĩ, tranh giành nhau đất dụng võ, tranh giành nhau đối tượng phục vụ, tranh giành nhau ảnh hưởng, thậm chí gây tác hại mục vụ cho nhau và chửi bới nhau chẳng khác gì người đời; trong gia đình hai vợ chồng cùng làm việc bác ái cứu trợ mà cứ không thôi cãi nhau; cùng một hội đoàn làm việc bác ái cứu trợ mà vẫn cứ hận thù ghen ghét nhau, chấp nhất nhau, không tha thứ cho nhau, tránh mặt nhau v.v.
Chính trong thành phần các tông đồ được sống gần Chúa, được tận mắt thấy những việc lạ lùng Người làm, nhất là thấy được chính gương trọn lành Người sống, và được nghe những lời giảng dạy vô cùng khôn ngoan của Người, thế mà, cả sau khi đã đi truyền giáo, đã làm thành phần thừa sai truyền giáo tiên khởi, và sau này sẽ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô, các vị vẫn còn đầy tinh thần thế gian, còn theo khuynh hướng trần tục, chẳng hạn cạnh tranh chẳng những với nhau (xem Luca 9:46, 22:24) mà còn với cả người ngoài (xem Luca 9:49-50), động một tí là nổi cơn thịnh nộ đòi chém giết như trường hợp hai anh em Giacôbê và Gioan muốn khiến lửa trời xuống thiêu hủy một khu làng của người Samaria (xem Luca 9:53-55) v.v.
Bởi thế, muốn thực sự đóng vai trò làm tông đồ của Chúa, tức vai trò làm chứng cho Chúa, các vị cần phải trải qua một cảm nghiệm thần linh liên quan đến LTXC nữa. Thật vậy, cho dù "tinh thần thì linh hoạt nhưng bản chất yếu nhược" (Mathêu 26:41), các tông đồ vẫn phản bội Chúa (xem Mathêu 26:14-16), vẫn chối Chúa như trường hợp tông đồ Phêrô (xem Luca 22:54-62), vẫn bỏ chạy như trường hợp của tất cả tông đồ sau khi Người bị bắt trong Vườn Cây Dầu (xem Marco 14:50).
Thế nhưng, các vị vẫn được LTXC tha thứ và tiếp tục sử dụng làm chứng nhân cho Người sau khi Người phục sinh từ trong kẻ chết và truyền cho các vị: "Các con là chứng nhân về những điều ấy" (Luca 24:48), về những gì liên quan đến LTXC, như các vị được thấy các thương tích còn trên thân xác phục sinh của Chúa (xem Luca 24:40), và các vị nghe Người truyền "nhân danh Người cần phải loan truyền lòng thống hối để được tha tội cho tất cả mọi dân nước" (Luca 24:47).
Như vậy có nghĩa là Tông Đồ Chúa Tình Thương không phải chỉ thực hiện các sứ vụ liên quan đến LTXC ("Người động lòng thương"), như rao giảng tin mừng cứu độ và chăm lo cho những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, mà trên hết và trước hết, TĐCTT cần phải làm sao có thể cảm nghiệm được chính LTXC nơi bản thân mình, nhờ đó mới có thể loan truyền LTXC một cách chân hực và sống động, ngay trong chính những hoạt động tông đồ của mình.
Tông Đồ Chúa Tình Thương: Huy Hiệu
Thật thế, nếu TĐCTT không thực sự cảm nghiệm được LTXC, và vì thế không có LTXC là tinh thần và là hồn sống nơi từng Tông Đồ Chúa Tình Thương, không được LTXC chiếm đoạt và biến đổi, thì tất cả mọi hoạt động của họ, dù bề ngoài có bác ái đến đâu, có nhiệt thành đến mấy, có hiệu quả thật nhiều... cũng có nguy cơ gây phản chứng vào một lúc nào đó, tại đâu đó, ở chỗ, chẳng những không làm chứng cho LTXC thì chớ, trái lại, còn làm cho LTXC bị tổn thương trầm trọng nữa là đàng khác.
Một TĐCTT mà thực sự sống LTXC phải là một TĐCTT thật sự cảm nghiệm được Niềm Vui Thương Xót, ở chỗ, nhờ được LTXC chiếm đoạt và biến đổi, họ có thể "trở nên mọi sự cho mọi người" (1Cor 9:22): họ chẳng những biết thương cảm xót xa nỗi khốn khổ của những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, mà còn hào hứng hoan hỉ được chia sẻ khốn khổ với họ, trải qua khốn khổ như họ và thậm chí chịu đựng khốn khổ thay họ, như chính Chúa Kitô đã "hiến sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mt 20:28).
Đúng thế, chính vì họ biết thương cảm xót xa nỗi khốn khổ của những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, như Người Samaritanô Nhân Lành "nhìn thấy thì động lòng thương" (Luca 10:33) trước một người anh em nạn nhân xa lạ bị lọt vào tay bọn cướp dọc đường đang quằn quại đớn đau bên lề, mà họ mới có thể chia sẻ khốn khổ với họ, trải qua khốn khổ như họ và thậm chí chịu đựng khốn khổ thay họ, như Người Samaritanô đã thực hiện trong dụ ngôn Chúa Giêsu sử dụng để trả lời cho vấn nạn "ai là tha nhân của tôi?" (Luca 10:29).
Thật vậy, sau khi nhìn thấy nạn nhân và động lòng thương, Người Samaritanô Nhân Lành này đã tiến tới chỗ chia sẻ khốn khổ với nạn nhân, trải qua khốn khổ như nạn nhân và chịu đựng khốn khổ thay cho nạn nhân.
Người Samaritanô chia sẻ khốn khổ với nạn nhân ở chỗ, trước hết dừng bước, cho dù có thể bỏ đi như vị tư tế và thày Levi trước đó với lý do chính đáng, nhất là vì nạn nhân lại là một kẻ xa lạ, không phải là người bà con Samaritanô với mình, sau đó bước xuống khỏi lưng lừa và tiến gần nạn nhân để cẩn thận quan sát để có thể cấp cứu nạn nhân, và đã lấy dầu cùng rượu mà xức vào các thương tích của nạn nhân.
Người Samaritanô Nhân Lành chẳng những chia sẻ khốn khổ với nạn nhân bằng những tác động bác ái như thế, mà còn thậm chí trải qua khốn khổ như nạn nhân và chịu đựng khốn khổ thay cho nạn nhân. Ở chỗ, Người Samaritanô Nhân Lành này trải qua khốn khổ như nạn nhân bằng hành động gồng mình để có thể đưa nạn nhân nặng nề như xác chết từ mặt đất lên trên lừng lừa của mình, cho nạn nhân hoàn toàn chiếm chỗ ngồi cao trọng của chính mình, rồi sau đó hết sức vất vả đưa nạn nhân nằm trên lưng lừa đến tận quán trọ.
Trong việc bác ái cứu trợ nạn nhân xa lạ bên vệ đường này, Người Samaritanô Nhân Lành chẳng những free công của mình, mà còn sẵn lòng chịu thiệt thòi về vị thế của mình (nhường chỗ tốt hơn là lưng lừa cho nạn nhân), về sức lực của mình (phải đi bộ vất vả để nạn nhân được cưỡi), và về tiền bạc của mình nữa, ở chỗ phải trả tiền (2 quan tiền) cho chủ quán để chủ quán thay mình mà chăm sóc nạn nhân.
Vì tinh thần và đường lối sống chuyên nghiệp LTXC được lý tưởng hóa nơi Người Samaritanô Nhân Lành như thế mà Nhóm TĐCTT đã lấy huy hiệu bao gồm 3 yếu tố chính, từ ngoài vào trong, đó là con mắt, con ngươi và con người.
Con mắt là để nhìn thấy. Thế nhưng con mắt không thể nhìn thấy nếu không có con ngươi. Và cho dù có con ngươi con người vẫn không thể nào nhìn thấy chân dung của nhau là hình ảnh thần linh để tôn trọng nhau và yêu thương nhau như Chúa yêu thương họ, nếu con người không có tấm lòng, nghĩa là trong cái nhìn của con người, hay trong con mắt của con người phải có một tấm lòng, đúng hơn con người cần phải nhìn nhau bằng tấm lòng, bằng lòng yêu thương thì họ mới có thể trở thành một Người Samaritanô Nhân Lành.
Đó là lý do nơi Huy Hiệu TĐCTT, từ ngoài vào trong là con mắt để nhìn, con tim để yêu và con người để phục vụ. Câu điệp khúc (hát 2 lần) để kết thúc bài Hiệu Ca TĐCTT có câu "Xin cho con mắt thương xem mọi người là anh em. Xin cho con tim cao cả yêu người như Chúa đã" là những gì cho thấy được tất cả yếu tố cần thiết bất khả thiếu ở trong huy hiệu TĐCTT.
Thật vậy, Linh Đạo của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương được diễn tả qua biểu hiệu (logo) của mình, một biểu hiệu bao gồm 3 yếu tố chính yếu đó là con mắt, con ngươi và con người. Con mắt không thể nhìn thấy nếu không có con ngươi, nhưng con ngươi không thể nhìn thấy con người nếu không có con tim. Bởi thế, Linh Đạo Tông Đồ Chúa Tình Thương có thể tóm gọn lại ở câu: "nhìn thấy (bằng con mắt tự nhiên) thì động lòng thương (bằng con tim hiệp thông)" (Luca 10:33), cử chỉ then chốt của Người Samaritanô Nhân Lành, một con người đã tự động dấn thân cứu giúp nạn nhân, một người chẳng hề quen biết với mình, cho tới cùng, với bất cứ giá nào.
"Nếu
chúng ta biết
nhìn anh chị em của chúng ta bằng Lòng Thương Xót Chúa
(LTXC), chúng ta sẽ thấy con người đáng thương của họ trước tội lỗi đáng
phạt của họ, thậm chí họ càng tội lỗi càng cần được thông cảm, bù đắp và cứu
giúp như chính LTXC đối với từng con người tội lỗi khốn nạn đáng thương chúng
ta. Nếu
chúng ta biết nhìn lỗi lầm của anh chị em chúng ta bằng con mắt của một
tội nhân như họ hay hơn họ, thay vì bằng con mắt của một quan tòa, chỉ
biết phán quyết theo tội phúc và thưởng phạt, đúng phép công bằng, thì chúng ta
chắc chắn sẽ không bao giờ dám ném đá họ, trái lại, còn thấy mình nếu không
có ơn Chúa đã sống tội lỗi hơn họ”. (Trích
đoạn bài "Đâu là ranh giới giữa công bằng và tình thương?"
của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, trong tập
sách
Dung
Nhan Tình Thương - Cẩm Nang Năm Thánh,
trang 176).