"THIÊN CHÚA KHÔNG DUNG THA CHO CON MỘT CỦA NGÀI"

(Roma 8:32)

 

(32) Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? (33) Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? (34) Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta? (35) Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (36) Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. (37) Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta. (38) Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, (39) chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.

 

Trong đoạn Thư gửi cho Giáo Đoàn Rôma trên đây, Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã bày tỏ lòng mình trước tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng "đã không dung tha cho Con Một mà đã trao nộp vì tất cả chúng ta", đến độ, về phần đối tượng được yêu thương như ngài, ngài bất chấp tất cả để đáp lại tình yêu thương vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, đến độ, ngài dám thách thức tất cả và khẳng định rằng chẳng có một sự gì có thể tách ngài khỏi tình yêu của Chúa Kitô.

 

Thế nhưng, yếu tố chính yếu và động lực chính yếu cũng là quyền lực bất khuất nơi ngài ấy đã xuất phát từ tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, của Đấng "đã không dung tha cho Con Một mà đã trao nộp vì tất cả chúng ta". Vậy thì: tại sao Thiên Chúa lại "vì tất cả chúng ta" là loài người thụ tạo đến phải hy sinh chính Con Một vô cùng cao quí của Ngài? (1); Ngài "đã không dung tha cho Con Một" của Ngài ra sao và như thế nào? (2); trước tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa như thế, chúng ta phải đáp lại ra sao? (3)

 

 

1- "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Một của Ngài một phó nộp Người vì tất cả chúng ta": Tại sao?

 

Theo lý lẽ trần gian, loài người thụ tạo không thể hiểu được mầu nhiệm yêu thương vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa toàn hảo và chân thật đến không thể nào tin được. Ở chỗ, trong khi loài người là một thụ tạo tội lỗi đáng bị trừng phạt đời đời mà Thiên Chúa chẳng những không trừng phạt họ mà còn hy sinh Con Một của Ngài cho họ! Chẳng lẽ Con Một của Ngài không đáng giá bằng loài người là tạo vật chẳng những vô cùng thấp hèn mà còn xấu xa tội lỗi vô cùng khốn nạn hay sao? 

 

Chưa hết, yêu thương loài người đến điên cuồng mất trí như thế, Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng có thật sự nắm chắc được rằng họ sẽ nhận biết và đáp ứng thật cân xứng tình yêu vô cùng toàn hảo và nhân hậu của Ngài hay chăng, hay trái lại, họ còn tỏ ra dửng dưng lạnh lùng, vô ơn bội nghĩa, thậm chí còn phản chống lại tình yêu của Ngài nữa, không tin rằng Ngài yêu họ và sẵn sàng tha thứ cho họ! Nếu thế, như thực tế đã phũ phàng và thảm thương vẫn liên lỉ cho thấy xẩy ra trong Giáo Hội, thì không phải là Thiên Chúa đã chẳng "hiến của thánh cho loại chó hay quẳng viêc ngọc trước loài heo" hay sao, những loài chẳng những không biết quí trọng những thứ quí trọng ấy, mà còn "lấy chân chà đáp chúng, thậm chí còn quay ra cấu xé" ai cho chúng những thứ ấy nữa (xem Mathêu 7:6)?

 

Chỉ có ai mất trí, ngu dại mới nhào vô làm ăn buôn bán một khi đã chắc chắn thấy trước được 100% thua lỗ nặng nề mà thôi! Chỉ có ai điên khùng loạn trí mới đi lập gia đình với một người mà mình đã thật sự biết trước rằng họ chẳng những không cân xứng với mình về đủ mọi phương diện: phẩm tính, khôn ngoan, tài năng, sắc diện, tư cách, danh tiếng, quyền lực, tài sản v.v., mà còn không thể nào đáp lại tình yêu chân thành trọn hảo của mình, trái lại, còn tỏ ra dửng dưng lạnh lùng với mình, thậm chí còn sống ngoại tình phản bội mình nữa!

 

Có thể nói, Thiên Chúa yêu thương loài người tạo vật "đến không dung tha cho Con Một của Ngài" thì như thể Ngài đang chơi một ván cờ thế với loài người, đến độ Ngài chấp cả "tướng", ở chỗ "không dung tha cho Con Một của Ngài", nghĩa là một ván cờ chấp nhận thua trước. Nếu so sánh cuộc tình của Thiên Chúa đối với loài người theo kiểu thi đấu võ thuật, thì kể như Thiên Chúa đã chấp loài người tất cả, cho đến độ, trong khi loài người được hoàn toàn tự do, và có quyền sử dụng bất cứ khí giới nguy hiểm nào nhất để tấn công Ngài, trong khi Ngài lại bị bịt mắt, bị trói tay và cột chân lại, không còn nhúc nhích gì được nữa, nghĩa là ở trong thế sẵn sàng chờ chết. 

 

Đúng thế, trước con mắt trần gian và lập luận phàm nhân, thì cả về dự án cứu độ (như ván cờ thế được chính Ngài bày ra) lẫn công cuộc cứu độ của Ngài (như cuộc tỉ thí võ lâm trên Sọ Trường Canvê), Thiên Chúa đều hoàn toàn thảm bại, nơi Người Con Tử Giá bất lực và bất động của Ngài. Thế nhưng, màn thảm kịch vô cùng thảm bại của Vị Thiên Chúa "đã không dung tha cho Con Một của Ngài" trên cây thập tự giá vô cùng nhục nhã ấy vẫn chưa hạ màn kết thúc vào lúc bấy giờ, trái lại, chính lúc "Chúa Giêsu thở hơi cuối cùng" thì "bấy giờ màn trong Đền Thờ bị xé ra làm đôi từ trên xuống dưới" (Marco 15:38), để bắt đầu mở ra một màn biến hình thần linh vô cùng huyền diệu, ở chỗ, tất cả những gì là tội lỗi và sự chết được biến đổi thành ân phúc và sự sống nơi Đấng phục sinh từ trong cõi chết. 

 

Như vậy, không phải việc "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Một của Ngài" có thể so sánh như việc Ngài thả con tôm là Con Một của Ngài để bắt con tép là loài người tạo vật, một tạo vật vô cùng thấp hèn bé mọn nhưng được Ngài yêu thương "đến không dung tha cho Con Một của Ngài" đã trở thành cao trọng quí báu ngang với chính Con Một của Ngài, và việc con tép chẳng là gì lại được Ngài yêu thương "đến không dung tha cho Con Một của Ngài" như thế cũng cho loài tép thấy một chân lý tuyệt vời về bản tính toàn hảo và vô cùng khôn ngoan cùng toàn năng của Thiên Chúa. 

 

Có thể nói rằng, chính nhờ con tép loài người mà tất cả bản tính vô cùng cao trọng và toàn hảo của Thiên Chúa đã được tỏ lộ qua giòng Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái cho tới "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), lúc mà "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta... để tỏ Cha ra" (Gioan 1:14,18), bằng cách "tuy thân phận là Con, nhưng Người đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu, để khi thành toàn, Người đã trở nên căn nguyên cứu độ cho những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8-9).

 

Đó là tất cả lý do tại sao "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Một của Ngài, một đã phó nội Người vì tất cả chúng ta" vậy.

 

 

2- "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Một của Ngài một phó nộp Người vì tất cả chúng ta": Ra sao?

 

Đúng thế, "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Người thì không bị chết nhưng được sự sống đời đời" (Gioan 3:16). Tuy nhiên, Thiên Chúa không phải chỉ "ban Con Một của Ngài" ở chỗ "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) thôi, mà còn "không dung tha cho Con Một của Ngài một phó nộp Người vì tất cả chúng ta", ở chỗ "tuy thân phận là Con nhưng Người đã biết vâng lời trong những gì phải chịu, để khi thành toàn Người trở nên căn nguyên cứu độ cho những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8-9).

 

Nghĩa là, "Lời đã hóa thành nhục thể" là để "trở nên căn nguyên cứu độ cho những ai tín phục Người" bằng việc Người tỏ ra "vâng lời nơi những gì phải chịu". 

 

Thật vậy, để cứu độ loài người tạo vật với một bản tính đã bị hư hoại bởi nguyên tội, Thiên Chúa đã phải "hóa thành nhục thể" nơi Con Một của Ngài, hay đã phải hóa thân làm người như con người, và nhờ thân phận làm người hay nhờ mặc lấy bản tính đã bị hư hoại của loài người bởi tội họ đã tỏ ra bất phục tùng Thiên Chúa ngay từ ban đầu, mà Ngài, qua Chúa Giêsu Kitô "đã vâng lời cho đến chết, cho dù chết trên thập giá" (Philiphê 2:8).

 

Nơi bản tính của loài người được Người mặc lấy khi "hóa thành nhục thể", Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã chấp nhận tất cả mọi tội lỗi của loài người, chẳng những nguyên tội mà còn tất cả mọi tội lỗi của chung nhân loại cũng như của từng cá nhân con người cho đến tận thế. Ngoài ra, kèm theo tội lỗi của chung nhân loại cũng như của từng con người được sinh ra trên trần gian này cho đến tận thế, Người còn phải gánh chịu tất cả mọi hậu quả của nguyên tội cũng như tư tội gây ra bởi loài người. 

 

Như thế, Con Một Thiên Chúa đã trở thành một đệ nhất đại tội nhân trên thế gian này và trong suốt giòng lịch sử loài người, và vì vậy, Người đã phải hứng chịu một cuộc trừng phạt xứng với thân phận đệ nhất đại tội nhân của mình thay cho toàn thể loài người và từng người. 

 

Ôi, là Đấng vô cùng khôn ngoan và toàn năng, Thiên Chúa không còn cách nào tốt đẹp và xứng đáng hơn nữa để cứu chuộc nhân loại bất khả tự cứu mình hay sao, mà lại cần phải sử dụng đến đường lối "hóa thành nhục thể" vô cùng hèn hạ, và "chết trên thập giá" vô cùng đớn đau và nhục nhã như thế chứ? 

 

Phải chăng đó là cách thức hoàn hảo nhất để Ngài có thể tỏ hết bản tính yêu thương vô cùng nhân hậu của Ngài ra cho loài người tạo vật nhờ đó được hiệp thông thần linh với Ngài, hay chỉ là một cuộc thử nghiệm yêu thương cho tới cùng của Ngài đối với một loài tạo vật không thể nào đáp lại tình yêu vô biên bất tận vô cùng trọn hảo của Ngài?

 

Không phải hay sao, trước hết, phải chăng cách thức yêu thương loài người của Thiên Chúa là cách thức tốt đẹp nhất, khôn ngoan nhất và xứng đáng nhất? - Ở chỗ, chỉ vì yêu thương loài người nói chung và từng người nói riêng mà một Vị Thiên Chúa vô cùng uy nghi cao cả, toàn thiện và toàn năng đã:

 

·         "Không biết đến tội lỗi trở thành tội lỗi" (2Cor 5:21)

·         "Không còn hình tượng gì nữa" (Isaia 52:14)

·         "Bị khai trừ khỏi nhân sinh" (Isaia 53:8)

·         "Là một con sâu bọ đất chứ không phải là người nữa" (Thánh Vịnh 22:7)

 

Sau nữa, cách thức yêu thương có vẻ điên dại ấy phải chăng chỉ là một cuộc thử nghiệm yêu thương cho tới cùng của Thiên Chúa đối với một loài tạo vật không thể nào đáp lại tình yêu vô biên bất tận vô cùng trọn hảo của Ngài? Bằng không thì tại sao, nơi Chúa Giêsu Kitô Con của mình, chính Thiên Chúa dường như đã tỏ ra lưỡng lự, ngại ngùng và trăn trở quằn quại làm sao ấy, như thể Ngài muốn bỏ cuộc, hay cố gượng ép mà làm vậy thôi:

 

·         "Giờ đây linh hồn của Thày cảm thấy bối rối, biết nói sao đây - Lạy Cha, xin hãy cứu Con khỏi giờ này? Nhưng cũng chỉ vì giờ này mà Con đã đến" (Gioan 12:27);

 

·         "Tâm can của Thày đầy những buồn đau đến nỗi chết được" (Marco 14:34), tới độ "mồ hôi đã biến thành những giọt máu nhỏ xuống đất" (Luca 22:44);

 

·         "Cha ơi, nếu được xin cất chén này cho Con. Nhưng vẫn xin cứ theo ý Cha chứ đừng theo ý của Con" (Mathêu 26:39).

 

Thật sự là như vậy, "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Một của Ngài" không phải chỉ ở chỗ đầy đọa Vị Con vô cùng yêu quí của Ngài về thể xác mà nhất là về tinh thần của Người, đến độ, Con của Ngài trên thập tự giá trước khi chết một cách vô cùng thảm não và tuyệt vọng đã phải "cả tiếng kêu la" rằng:

 

·         "Chúa Trời con ơi, Chúa Trời con ơi, tại sao Chúa lại bỏ rơi con?" (Mathêu 27:46; Marco 15:34).

 

3- "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Một của Ngài một phó nộp Người vì tất cả chúng ta": Làm gì?

 

Phải chăng, việc Thiên Chúa, qua Con Một của Ngài, đã yêu thương loài người cho tới cùng thật sự là một cuộc thử nghiệm đối với cả Thiên Chúa là chủ thể yêu lẫn loài người là đối tượng yêu? 

 

Ở chỗ, trước hết, về phía chủ thể yêu là Thiên Chúa, Ngài có thật sự nắm chắc trong tay là Ngài sẽ cứu được tất cả mọi người trong loài người hay chăng? Hay một số nào đó, không nhiều thì ít, cho dù chỉ một linh hồn thôi cũng hết sức cao quí trước nhan Ngài, bị hư đi, nhất là hình phạt đời đời kiếp kiếp của họ lại là chính tình yêu thương vô cùng nhân hậu của Ngài? Phải chăng đó là lý do chính yếu cho thấy, nơi Con của Ngài, chính Thiên Chúa đã tỏ ra lưỡng lự, ngại ngùng và trăn trở quằn quại thực hiện dự án thần linh cứu độ yêu thương của Ngài!?!

Sau nữa, về phía đối tượng yêu là loài người, thử hỏi trước tình yêu thương vô cùng nhân hậu trọn lành của Vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) đối với mình chỉ là một tạo vật vô cùng hèn hạ và xấu xa tội lỗi như thế, loài người nói chung và từng người nói riêng đã thực sự nhận biết và nhận biết một cách trọn vẹn tình yêu thương của Ngài nơi Con của Ngài hay chưa, mà nếu đã nhận biết được một phần nào, không nhiều thì ít, họ có thể nào đáp ứng hay đền đáp một cách tương xứng với tình yêu vô cùng bất tận của Thiên Chúa hay chăng? Nếu có thì được bao nhiêu người? Như thế thì phải chăng Thiên Chúa đã hầu như hoàn toàn lỗ vốn, thua bại trên trường tình... ??? 

 

Thật vậy, theo khách quan thì không thể nào chối cãi được sự thật thần linh Thiên Chúa nơi Con Một của Ngài đã yêu thương loài người vô cùng bất tận, và loài người tự mình không thể nào có thể nhận biết cho đủ và đền đáp cho cân.

 

Tuy nhiên, cũng chính vì Thiên Chúa đã biết trước tính chất bất cân đối giữa Ngài và loài người tạo vật mà Ngài, trước hết, đã phải dựng nên họ theo hình ảnh thần linh của Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-27), để nhờ đó họ có thể nhận biết Ngài và hiệp thông thần linh với Ngài.

 

Sau nữa, Ngài đã phải hóa thân làm người như họ nơi Con Một của Ngài để nhờ đó, qua Mầu Nhiệm Nhập Thể và Ngôi Hiệp của Con Ngài, Ngài đã thăng hóa hay thần linh hóa bản tính loài người vô cùng thấp hèn của họ, thậm chí, nhờ được kết hiệp thần linh với bản tính của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô mà tất cả những gì là tội lỗi và hậu quả tội lỗi của bản tính bị hư hoại bởi nguyên tội của họ được biến đổi nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người.

 

Sau hết, nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua và Thăng Thiên của Chúa Giêsu Kitô Con Một của mình, Thiên Chúa còn thông ban cho loài người tạo vật Thánh Linh của Con qua thân xác phục sinh của Người (xem Gioan 20:22) cũng chính là Thánh Linh của Ngài ở Biến Cố Hiện Xuống trong Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem, nhờ đó, nhờ Thánh Linh của mối hiệp thông thần linh giữa Cha và Con, loài người tạo vật chẳng những được "tái sinh từ trên cao", "tái sinh bởi nước và Thần Linh" (Gioan 3:3,5), "để được sống và sống viên mãn" (Gioan 10:10), mà còn có thể làm chứng cho Chúa Kitô cho tới tận cùng trái đất nữa (xem Gioan 15:26; Tông Vụ 1:8).

 

Đúng thế, "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Con Một của Ngài để ai tin vào Người thì không bị chết nhưng được sự sống đời đời" (Gioan 3:16), và "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Một của Ngài một phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32), để tỏ hết bản tính là tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài đối với loài người, chẳng những nơi Con Một của Người Nhập Thể, Vượt Qua và Thăng Thiên, mà còn qua thành phần ưu tú, thành phần được Tông Đồ Phaolô cảm nhận và xác tín rằng: "Thiên Chúa thực hiện tất cả mọi sự cho thiện ích của những ai được Ngài kêu gọi theo ý định của Ngài. Những ai Ngài biết trước thì Ngài cũng tiền định cho nên giống hình ảnh Con của Ngài... Những ai Ngài đã tiền định thì Ngài cũng kêu gọi; những ai Ngài đã kêu gọi thì Ngài cũng công chính hóa, và những ai Ngài công chính hóa thì Ngài cho họ được vinh quang" (Rôma 8:28-30). 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(Bài này đã được Nguyệt San Hiệp Nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam phổ biến

trong Số Báo 6/2016 Năm Thánh Tình Thương)