“Thiên Chúa đã yêu nhân loại đến ban Con Một của Ngài..." 

(Gioan 3:13-18) 

 

Xin biệt tặng các tâm hồn khao khát LTXC, sống LTXC và loan truyền LTXC

TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


 

(13) Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống. (14) Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, (15) để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (18) Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.

 

Đặc tính đầu tiên của tình yêu chân chính và hoàn hảo đó là ban tặng, ban tặng một cách tự nguyện và vô tư. Bởi thế, theo tâm lý tình cảm và kinh nghiệm yêu thương, nếu không biết ban tặng thì không phải hay chưa phải là yêu thương, và ban tặng một cách bất đắc dĩ, hay ban tặng một cách rụt rè dè xẻn, hoặc ban tặng một cách cân bằng tương xứng, thì chỉ là một tình yêu tự nhiên tầm thường, chẳng cao cả bao nhiêu. Thế nhưng, cho dù có ban tặng một cách tự nguyện và vô tư chăng nữa, nếu chưa ban tặng tất cả mọi sự của mình cho người yêu, ban tặng cái quí nhất của mình cho người yêu, bao gồm chính bản thân mình cho người mình yêu, cũng chưa phải hay không phải là yêu thương trọn hảo, yêu thương trọn vẹn, yêu thương hết lòng. 

 

Nếu "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một" của Ngài đó là Thiên Chúa đã ban cho loài người tất cả mọi sự của Ngài, tất cả những gì cao quí nhất của Ngài, đã ban cho họ chính bản thân của Ngài. Vì không gì cao quí bằng "Con Một" của Ngài, bởi "Con Một" của Ngài là chính bản thân của Ngài: "Cha và Tôi là một" (Gioan 10:30); "Cha Tôi ở trong Tôi và Tôi ở trong Ngài" (Gioan 10:38) - "Ngay từ ban đầu đã có Lời, Lời ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa" (Gioan 1:1); "Người Con này là phản ảnh vinh hiển của Cha, là hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Do Thái 1:3). 

 

Thật vậy, Vị "Con Một" được Thiên Chúa ban cho thế gian đây chính là bản thân của Thiên Chúa. Bởi vì, Vị "Con Một" này, theo Kinh Tin Kính, chẳng những "được sinh ra mà không phải được tạo thành" như một tạo vật mà còn có "cùng bản thể với Đức Chúa Cha", là chính một Vị Thiên Chúa như Cha, cho dù là một Ngôi Vị khác - Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, chứ không hạ cấp hơn Chúa Cha theo chủ trương của bè rối Arianism (căn cứ vào câu Phúc Âm Gioan 14:28), do Arius (250-336) là một giáo sĩ ở Alexandria Ai Cập đề xướng, đã bị Công Đồng Chung Nicea năm 325 lên án. 

 

·         465. Các lạc thuyết đầu tiên không phủ nhận thần tính của Đức Kitô, cho bằng chối bỏ nhân tính thật của Người (Ảo thân thuyết theo chủ trương Ngộ đạo). Ngay từ thời các Tông Đồ, đức tin Kitô giáo nhấn mạnh đến việc Nhập Thể thật của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong xác phàm[9]. Nhưng vào thế kỷ thứ III, để chống lại Phaolô Samosatênô, tại Công đồng họp ở Antiôchia, Hội Thánh phải khẳng định rằng: Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính chứ không phải do được nhận làm nghĩa tử. Công đồng chung thứ I, họp tại Nicêa vào năm 325, tuyên xưng trong Tín biểu của mình rằng: Con Thiên Chúa “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha” (trong tiếng Hy Lạp là homousion)[10], và Hội Thánh đã kết án Ariô là người đã khẳng định rằng “Con Thiên Chúa đã xuất phát từ hư vô”[11] và “có một bản thể hay yếu tính khác với Chúa Cha”[12]. - (Câu được trích dẫn trên đây và các câu dưới đây từ Bản Dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam) 

 

Theo mạc khải thần linh và giáo lý Công giáo, Đức Giêsu Kitô chính là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), "là Thiên Chúa thật và là người thật", tức có hai bản tính: Thiên Tính (bản tính của Thiên Chúa) và nhân tính (bản tính của nhân loại), nhưng chỉ có một Ngôi Vị duy nhất, chứ không phải hai Ngôi Vị căn cứ vào 2 bản tính, như bè rối Nestorianism do Nestorius (386-450), Thượng Phụ Constantinople (428-431) chủ trương, một chủ trường Đức Giêsu có hai ngôi vị là Lời Thần Linh và Con Người Giêsu, vì thế cũng phủ nhận cả tước hiệu Theotokos (Mẹ Thiên Chúa) bằng tước hiệu Christotokos (Mẹ Đức Kitô). Công Đồng Epheso đã lên án chủ trương sai lầm có thể nói là lạc thuyết nhị tính lưỡng vị này năm 431. 

 

·         466. Lạc thuyết của Nestôriô cho rằng trong Đức Kitô ngôi vị nhân loại được liên kết với Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Chống lại lạc thuyết này, Thánh Cyrillô Alêxanđria và Công đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 431 tuyên xưng rằng: “Ngôi Lời đã làm người, khi một thân thể do một linh hồn có lý trí làm cho sống động được kết hợp với Ngài theo Ngôi Vị”[13]. Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình từ lúc tượng thai. Chính vì vậy, Công đồng chung Êphêsô vào năm 431 công bố rằng Đức Maria, nhờ sự tượng thai nhân loại của Con Thiên Chúa trong lòng bà, bà đã rất thật sự trở thành Mẹ Thiên Chúa: “[Đức Maria là] Mẹ Thiên Chúa…, không phải vì bản tính của Ngôi Lời và thần tính của Ngài đã bắt đầu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ rất thánh, nhưng vì từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra thân xác thánh thiêng đó, do một linh hồn có lý trí làm cho sống động, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác đó theo Ngôi Vị, nên có thể nói Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác phàm”[14].

 

Ngược lại, trong mầu nhiệm Ngôi Hiệp (hypostasis hay hypostatic union), một mầu nhiệm xẩy ra ngay khi Trinh Nữ Maria thụ thai Lời Nhập Thể, bản tính nhân loại, xuất phát từ Người Mẹ trần gian của Người, một nhân tính được thiên tính mặc lấy (assumed), chứ không bị thiên tính thấu nhập (absorbed) để chỉ còn duy một bản tính duy nhất (single nature), và bản tính duy nhất này một là thiên tính hai là tổng tính bao gồm cả hai bản tính nên một, như chủ trương của lạc thuyết nhất tính (monophysitism) là lạc thuyết đã bị Công Đồng Chung Chalcedon lên án năm 451.

 

·         467. Những người chủ trương thuyết Nhất Tính (Monophysitae) khẳng định: bản tính nhân loại không còn tồn tại nơi Đức Kitô, khi bản tính đó được Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận. Để chống lại lạc thuyết này, Công đồng chung thứ IV, họp tại Chalcêđônia năm 451, tuyên xưng:

 

“Theo sau các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng Một Chúa Con Duy Nhất là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm có một linh hồn có lý trí và một thân xác; đồng bản thể với Đức Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, ‘giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi’;[15] sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những thời cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

 

Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt, sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn khi kết hợp với nhau trong một Ngôi Vị và một Đấng duy nhất”[16].

 

Vì Đức Giêsu Kitô Lời Nhập Thể có 2 bản tính nên có hai ý muốn khác nhau, ý muốn loài người và ý muốn Thiên Chúa, như chúng ta từng thấy thuật lại trong Phúc Âm, nhất là sự kiện Người cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu vào tối đêm Thứ Năm Tuần Thánh, chứ không phải chỉ có một ý muốn duy nhất, như lạc thuyết monothelitism, một lạc thuyết đã bị Công Đồng Chung Constantinople năm 681 lên án.

 

·         475Một cách tương tự, trong Công đồng chung thứ VI, Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Đức Kitô có hai ý muốn và hai hoạt động theo hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại, không đối kháng nhưng hợp tác với nhau, cho nên Ngôi Lời làm người, trong sự phục tùng theo nhân tính đối với Chúa Cha, đã muốn điều mà Người đã quyết định, theo thần tính, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, về ơn cứu độ chúng ta[36]. Hội Thánh nhận biết rằng “ý muốn nhân loại của Người luôn theo ý muốn thần linh, không miễn cưỡng, không đối kháng, và hơn nữa, ý muốn nhân loại của Người đã phục tùng ý muốn thần linh và toàn năng của Người”[37].

 

Chính vì Đức Giêsu Kitô là Lời Nhập Thể, là "Con Một" Thiên Chúa, mà Người chính là Thiên Chúa nhập thể, là Thiên Chúa hóa thân làm người, mà Người mới được thụ thai "bởi phép Đức Chúa Thánh Thần" (xem Mathêu 1:20; Luca 1:35), chứ không phải bởi bất cứ nam nhân nào, thậm chí đó "là một con người công chính" như phu quân của Trinh Nữ Maria (xem Mathêu 1:19). Và sở dĩ Trinh Nữ Maria chỉ thuần là một tạo vật mà lại trở thành Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Đấng có trước mình và dựng nên mình là vì vị Trinh Nữ này chỉ là một phương tiện được Thiên Chúa tuyển chọn và sử dụng để thụ thai và sinh ra "Con Đấng Tối Cao" (Luca 1:35).

 

Vị Thiên Chúa được thụ thai "bởi Phép Đức Chúa Thánh Thần", thụ thai một cách lạ lùng siêu việt chưa từng có, một thứ thụ thai vô tiền khoáng hậu, vì được thụ thai bởi một Trinh Nữ, hoàn toàn khác với và hoàn toàn vượt trên việc thụ thai cách lạ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả (xem Luca 1:36) hay của Tiên tri Samuel (xem 1Samuel 1:19-20) bởi một người mẹ đã mất trinh và cần phải ăn ở với chồng mới có các vị, cho dù đã luống tuổi như mẹ của thai nhi Gioan hay son sẻ như mẹ của thai nhi Samuel. 

 

Vì thế, vì được thụ thai bởi một Trinh Nữ và bởi Thánh Thần mà Vị Thiên Chúa Làm Người cũng đã được và phải được sinh ra một cách đặc biệt, xứng với phẩm giá vô cùng cao trọng của Người. Nghĩa là Người được sinh ra mà Mẹ của Người vẫn trinh nguyên, như thể Người biến hình trên Núi Tabor sau này, hay như lúc thân xác phục sinh của Người hiện ra giữa các môn đệ trong khi cửa nhà vẫn đóng kín. Mẹ của Người chẳng những đồng trinh trước khi và đang khi sinh con mà còn cả sau khi sinh con nữa. 

 

Bởi cung dạ của Mẹ Người là nơi đã thụ thai và cưu mang "Con Một" của Thiên Chúa, một Vị "Con Một" "đồng bản thể với Đức Chúa Cha" toàn hảo, đã trở thành một cung thánh vô cùng linh thiêng, không thể nào sau khi Người được hạ sinh lại bị tục hóa bởi "ước muốn nhục dục, hay bởi ý muốn của con người" (Gioan 1:13), và vì thế không thể nào có một tạo vật nào khác đã lọt vào hay ở trong cung thánh ấy như Người và sau Người là nơi đã được và chỉ được giành riêng cho duy một mình Người mà thôi.

 

·         499. Việc suy niệm sâu xa hơn trong đức tin về việc Đức Maria đồng trinh mà làm mẹ, đã đưa Hội Thánh đến chỗ tuyên xưng Đức Maria thật sự và trọn đời đồngtrinh[40], cả trong khi sinh hạ Con Thiên Chúa làm người[41]. Thật vậy, việc sinh hạ Đức Kitô “không làm suy giảm nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn” củaMẹ[42]. Phụng vụ của Hội Thánh tôn vinh Mẹ là Aeiparthenos, ”Đấng trọn đời đồng trinh”[43].

 

·         500. Về điều này, đôi khi người ta phản đối rằng Thánh Kinh có nhắc đến các anh em và chị em của Chúa Giêsu[44]. Hội Thánh vẫn luôn hiểu rằng những đoạn văn này không hề ám chỉ những người con khác của Đức Trinh Nữ Maria: ông Giacôbê và ông Giuse, “anh em của Chúa Giêsu” (Mt l3,55), thật ra là con của một bà Maria nào đó là môn đệ của Đức Kitô[45], bà này được cẩn thận phân biệt là “bà Maria khác” (Mt 28,l). Đây là những người anh em bà con họ hàng gần, theo như cách nói quen dùng trong Cựu Ước[46].

 

Và cũng chính vì Vị "Con Một" của Thiên Chúa này là Lời Nhập Thể, là chính Thiên Chúa Hóa Thân Làm Người, mà tất cả những gì Người làm và từng cử chỉ hành động của Người, dù nhỏ mọn mấy đi nữa, hay kín đáo mấy đi nữa, cũng là chính Thiên Chúa làm, cũng là hành động của Thiên Chúa, vì thế chúng có một giá trị vô cùng, giá trị cứu độ tất cả loài người từ tạo thiên lập địa cho tới tận thế, chẳng những một trái đất này mà cả muôn ngàn trái đất như thế này chăng nữa.

 

515. Các sách Tin Mừng đã được viết ra bởi những người trong số những người đầu tiên đã có đức tin[2] , và muốn cho những người khác được tham dự vào đức tin đó. Đã được biết Chúa Giêsu là ai trong đức tin, họ có thể thấy và chỉ cho người khác thấy những dấu tích của mầu nhiệm của Người trong suốt cuộc đời trần thế của Người. Từ những mảnh tã quấn thân ngày Người Giáng Sinh[3] , cho đến chút giấm lúc Người chịu khổ hình[4] , và tấm khăn liệm ngày Người Phục Sinh[5] , mọi sự trong cuộc đời Chúa Giêsu đều là dấu chỉ của mầu nhiệm của Người. Qua những cử chỉ, những phép lạ, những lời nói của Người, Người mạc khải “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). Như vậy, nhân tính của Người xuất hiện như một “bí tích”, nghĩa là, một dấu chỉ và dụng cụ của thần tính của Người, và của ơn cứu độ mà Người mang lại: những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người, dẫn chúng ta đến với mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm Con Thiên Chúa của Người và sứ vụ cứu chuộc của Người.

 

Như trường hợp của loài người, theo bản tính, là loài linh ư vạn vật, bao gồm 2 yếu tố chính yếu bất khả thiếu là linh hồn và thân xác, nhưng chỉ có một ngôi vị (person) duy nhất, cũng gọi là nhân vị (human person), với chủ thể là "tôi" được thể hiện qua tất cả những gì "con người" suy nghĩ, ước muốn, chọn lựa, quyết định, phát biểu, thái độ, tác hành và phản ứng, bao gồm cả quyền lợi cùng trách vụ của bản thân con người "tôi" v.v. Cũng tương tự như thế, nơi Ngôi Vị (Person) duy nhất hiệp nhất cả thần tính và nhân tính của Đức Giêsu Kitô này Chủ Thể chính là Vị "Con Một" của Thiên Chúa. Người làm gì cũng làm với tư cách của một Thiên Chúa, như Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 1992 đã xác tín như sau:

 

·         468. Sau Công đồng Chalcêđônia một số người biến nhân tính của Đức Kitô thành như một chủ thể có ngôi vị riêng. Chống lại những người này, Công đồng chung thứ V, họp tại Constantinôpôli, năm 553, tuyên xưng rằng: “Chỉ có một Ngôi Vị duy nhất, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Một Ngôi Vị trong Ba Ngôi Chí Thánh”[17]. Bởi vậy, mọi sự trong nhân tính của Đức Kitô đều phải được quy về Ngôi Vị thần linh của Người với tư cách là chủ thể riêng của Người [18], không những các phép lạ, nhưng cả những đau khổ[19] và chính cái chết: chúng tôi tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng bị đóng đinh vào thập giá về phần xác, là Thiên Chúa thật, là Chúa vinh quang, và là một Ngôi trong Ba Ngôi chí thánh”[20].

 

·         470. Trong sự kết hợp kỳ diệu của mầu nhiệm Nhập Thể, “bản tính nhân loại được đảm nhận, chứ không bị hoà tan”[23], nên qua các thế kỷ, Hội Thánh hằng tuyên xưng Chúa Kitô có một linh hồn nhân loại thật với các hoạt động của trí tuệ và ý chí, và một thân xác nhân loại thật. Nhưng đồng thời Hội Thánh đã phải luôn nhắc lại rằng bản tính nhân loại của Đức Kitô thuộc hẳn về Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã đảm nhận nó. Tất cả những gì Đức Kitô là và tất cả những gì Người làm trong bản tính nhân loại, đều xuất phát từ “một Đấng trong Ba Ngôi Thiên Chúa”. Vì vậy, Con Thiên Chúa truyền thông cho nhân tính của Người cách thức hiện hữu riêng của Ngôi Vị mình trong Ba Ngôi. Như vậy, trong linh hồn cũng như trong thân xác của Người, Đức Kitô diễn tả theo cách thế nhân loại cung cách hành xử của Thiên Chúa Ba Ngôi[24]:

“Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay nhân loại, suy nghĩ bằng trí óc nhân loại, hành động theo ý chí nhân loại, yêu mến bằng quả tim nhân loại. Sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”[25].

 

Vì Vị "Con Một" đây xuất phát từ chính tình yêu thương thế gian của Thiên Chúa mà Người đã hiện diện trên thế gian này như là chính hiện thân sống động của tình yêu Thiên Chúa, đến để bày tỏ tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa đối với thế gian vô cùng thấp hèn lại đầy tội lỗi xấu xa ghê tởm, "đến để kêu gọi không phải kẻ tự cho mình là công chính mà là thành phần tội lỗi" (xem Mathêu 9:13), "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư hoại" (Luca 19:10), đúng như ý muốn của Thiên Chúa đã ban tặng Người cho thế gian, đó là "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ" (Gioan 3:17).

 

Chính vì biết rằng nhờ mình mà thế gian mới được cứu độ nên Vị "Con Một" của Thiên Chúa đã phải làm sao cho thế gian tin vào mình, đúng như mục đích Thiên Chúa nhắm đến khi ban tặng Người cho thế gian: "để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời". 

 

Mà thành phần cần tin vào Vị "Con Một" của Thiên Chúa này trước hết và trên hết là dân Do Thái, một dân tộc đã được Thiên Chúa tuyển chọn trong các dân trên thế giới, để tỏ mình ra cho họ, lập giao ước với họ, hứa ban cho họ chẳng những Đất Hứa mà còn làm cho họ trở nên mầm mống của một Dân Tộc Mới trong Vương Quốc được Vị "Con Một" này thiết lập bằng cuộc Vượt Qua của Người, Đấng đã mặc lấy nhân tính chung của loài người để cứu chuộc nhân tính đã bị băng hoại của loài người, nhưng lại mang giòng máu Do Thái của họ như một Đấng Thiên Sai của họ, cứu họ khỏi tội lỗi và sự chết về lãnh vực thiêng liêng hơn là về lãnh vực chính trị.

 

Vậy, để làm cho dân Do Thái tin rằng mình thật sự là Vị "Con Một" của Thiên Chúa, thì Đức Giêsu Kitô phải chứng tỏ mình hiệp nhất nên một với Thiên Chúa nên hoàn toàn phản ảnh Thiên Chúa, thích hợp với tâm tình và ý muốn của Thiên Chúa qua những gì Người nói và làm. 

 

Trước hết, Người đã phản ảnh tâm tình của Thiên Chúa vô cùng yêu thương nhân hậu, đúng như Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất đã tỏ ra với dân tộc Do Thái này trong Lịch Sử Cứu Độ của họ, cho dù bề ngoài Ngài rất nghiêm khắc đến độ 2 lần muốn tận diệt họ, những cũng qua 2 lần này mới thấy được Vị Thiên Chúa của họ vô cùng nhân hậu đến đâu đối với tấm lòng luôn bất trung phản bội Ngài.

 

Một số trường hợp điển hình cho thấy Đức Giêsu Kitô đã tỏ ra vô cùng yêu thương nhân hậu như Cha của Người (xem Gioan 5:19-30) ở 5 câu chuyện cảm động sau đây, 5 trường hợp cho thấy Người yêu thương từng cá nhân một, đi tìm từng con chiên lạc, nhất là những tâm hồn tội lỗi đáng thương, liên quan đến thành phần thu thuế và làm điếm là những hạng tội lỗi đáng khinh bỉ và ghê tởm trong xã hội Do Thái bấy giờ. 

 

Hai trường hợp liên quan đến thành phần thu thuế tội lỗi đó là trường hợp của viên thu thuế Lêvi cũng gọi là Mathêu (xem Mathêu 9:9-13; Luca 5:27-32) và của viên trưởng ban thu thuế lùn Gia-Kêu (xem Luca 19:1-10). Và vì chẳng những Người kêu gọi riêng viên thu thuế Mathêu theo Người mà còn ngồi ăn uống với ông ở nhà của ông giữa nhiều người thu thuế và tội lỗi khác rủ nhau đến với Người (xem mathêu 9:10), nên Người đã bị thành phần tự cho mình là công chính Pharisiêu trách móc qua các môn đệ của Người (xem Mathêu 9:11), nhưng Người đã lợi dụng ngay dịp này để minh xác về đối tượng chính yếu duy nhất trong sứ vụ cứu độ của Người là những ai bị bệnh chứ không phải ai lành mạnh (xem Mathêu 10:12).

 

Ba trường hợp liên quan đến thành phần làm điếm tội lỗi đó là: Thứ nhất là trường hợp của người phụ nữ Samaritanô mà Người đã tự động khôn khéo tìm cách gặp gỡ riêng tư ở bờ Giếng Giacóp, một người đàn bà tội lỗi sống với 6 người đàn ông không phải là chồng của chị (xem Gioan 4:4-30). Thứ hai là trường hợp của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đáng bị ném đá chết, nhưng Người đã khôn khéo chẳng những cứu cá nhân chị khỏi chết về phần xác mà còn cả về phần hồn nữa, và nhất là Người đã sử dụng chị để cứu cả thành phần duy luật tố cáo chị nữa, khi nhắc nhở họ về thân phận tội lỗi của họ (xem Gioan 8:1-11). Thứ ba là trường hợp của người phụ nữ tội lỗi trong thành (xem Luca 7:36-50), được cho là Chị Maria Mai Đệ Liên, đã bất chấp ánh mắt khinh bỉ của chủ nhà Pharisiêu để đến rửa chân Người bằng nước mắt đầm đìa của chị, lau khô chân của Người bằng tóc của chị, hôn chân Người và xức dầu thơm cho chân của Người (xem Luca 7:38), một con điếm chuyên nghiệp nhưng "tội lỗi đầy giẫy của chị được tha thứ vì tình yêu lớn lao của chị" (Luca 7:47).

 

Thế nhưng, oái oăm thay, chính khi Đức Giêsu Kitô, Vị "Con Một" của Thiên Chúa bày tỏ tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa như thế, không phải chỉ ở chỗ chữa lành các thứ tật nguyền bệnh hoạn về phần xác đáng thương của con người và khu trừ ma quỉ về tâm linh khốn nạn của con người, mà chính là ở chỗ chữa lành các thương tật về phần hồn của con người, giải thoát họ khỏi quyền lực tối tăm của sự chết, thì thành phần tri thức và thẩm quyền Do Thái cho mình là công chính nhờ giữ luật lệ Moisen lại tỏ ra bất mãn, không phục và ngứa tai gai mắt, không chấp nhận.

Tuy nhiên, Đức Giêsu Kitô không phải chỉ tỏ mình ra ở chỗ trở thành hiện thân trung thực và phản ảnh sống động cho bản tính yêu thương vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, mà còn ở chỗ làm theo ý của Ngài nữa. Người luôn lấy việc Người làm ra, hoàn toàn theo ý Cha là Đấng đã sai Người để chứng thực mình cho chung người Do Thái bấy giờ và riêng thành phần tri thức cùng lãnh đạo Do Thái bấy giờ biết rằng Người quả thực là Đấng Thiên Sai (xem Gioan 5:30,36-37; 6:38; 7:28-29; 8:42; 10:37-38), là Vị "Con Một" của Thiên Chúa, đúng như lời tuyên xưng của Tông Đồ Phêrô: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16). 

 

Và chứng thực cuối cùng và trên hết để Đức Giêsu Kitô, Vị "Con Một" của Thiên Chúa cho thấy quả thực "Cha và Tôi là một" (Gioan 10:30) và "Cha Tôi ở trong Tôi và Tôi ở trong Ngài" (Gioan 10:38), như Người đã tỏ tình yêu thương vô cùng nhân hậu của Cha ra mà còn hoàn toàn làm theo ý Cha là Đấng đã sai Người, đó là biến cố Vượt Qua của Người, một biến cố chứng tỏ Người "đã yêu thương những kẻ thuộc về mình trên thế gian này thì Người muốn chứng tỏ rằng Người yêu thương họ đến cùng" (Gioan 13:1), và cũng là biến cố để Người làm rạng danh Cha của Người: "Cha ơi, đã đến giờ rồi! Xin hãy làm hiển vinh Con của Cha để Con Cha làm hiển vinh Cha" (Gioan 17:1).

 

Đến đây, chúng ta hãy tự vấn:

 

1-      Chúng ta là ai mà tự nhiên được chính Thiên Chúa toàn hảo và vô cùng uy nghi cao cả yêu thương đến ban Con Một của Ngài như thế? Chúng ta có xứng đáng hay chăng? Có công gì hay chăng? 

 

2-      Tại sao là thành phần loài người tạo vật vô cùng hèn hạ và khốn nạn tội lỗi lại được Thiên Chúa yêu thương như vậy? Tại sao Ngài dám ban tặng cho chúng ta chính "Con Một" vô cùng cao quí của Ngài là chính bản thân của Ngài?

 

3-      Nếu quả thực Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến ban Con Một của Ngài cho chúng ta như thế là để chúng ta nhờ Người mà được cứu độ, khi chúng ta tin vào Người, khi chúng ta nhận biết Tình Yêu của Thiên Chúa nơi Người, khi chúng ta chấp nhận Người là món quà cao quí nhất được Thiên Chúa nhưng không ban tặng cho chúng ta, thì chúng ta đã đáp ứng tình yêu của Ngài ra sao? 

 

4-      Hay là chúng ta vẫn tiếp tục thờ ơ lãnh đạm với Ngài, với Tặng Ân Con Một của Ngài, vẫn thờ ơ với Tặng Ân Cứu Độ vô cùng quan trọng bất khả thiếu này, vẫn coi trần gian và những gì chúng ta yêu thích theo bản tính tự nhiên hơn Món Quà Thần Linh vô cùng cao quí là chính "Con Một" này của Thiên Chúa?

 

5-      Chúng ta có ý thức được rằng vì vô cùng yêu thương nhân hậu, Thiên Chúa sẽ không ra tay trừng phạt chúng ta khi chúng ta bất chấp tặng ân "Con Một" được Ngài ban cho chúng ta để chúng ta được cứu độ, mà là chính chúng ta tự trừng phạt chúng ta đúng như Lời Người đã khẳng định: "Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

(Bài này đã được Nguyệt San Hiệp Nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam phổ biến

trong Số Báo 5/2016 Năm Thánh Tình Thương)