THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
của
Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương
Theo bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan luôn được Giáo Hội chọn đọc vào Thứ Sáu Tuần Thánh, (trong khi các bài Phúc Âm Nhất Lãm của Thánh Ký Mathêu cho Chu Kỳ Phụng Vụ Năm A, Thánh Marcô cho Năm B và Thánh Luca cho Năm C), và chỉ có nơi phúc âm của vị thánh ký biệt danh là “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” này (Gioan 13:23, 19:26, 20:2; 21:7,20), chúng ta mới biết được thêm các chi tiến cần liên quan đến lý do tại sao hay nguyên nhân sâu xa tại sao Tông Đồ Phêrô đã chối Thày mình một cách dễ dàng và mau chóng đến như thế, trong khi mới trước đó vị tông đồ này đã thề sống chết với Thày (xem Gioan 13:37), và đó là lý do trong khi “tất cả đều bỏ Người mà thoát thân” (Marco 14:50) thì ngài cùng với Tông Đồ Gioan (cũng là 2 vị tông đồ cùng đến mồ sau khi nghe tin xác Thày không còn trong mồ) vẫn cố “theo sát Chúa Giêsu“ (Gioan 18:15).
Sự kiện thứ nhất đó là ngài được Tông Đồ Gioan là vị quen biết với Thượng Tế Anna can thiệp để ngài có thể qua cổng là nơi ngài đang đứng bấy giờ mà vào bên trong khu vườn của Dinh Thượng Tế. Việc can thiệp ngay lành này của Tông Đồ Gioan có thể đã gây ngay mối nghi vấn cho phe Thượng Tế, do đó, người phụ nữ canh cổng bấy giờ mới đặt vấn đề với Tông Đồ Phêrô liền: “Ngươi không phải là một trong đám môn đệ của tên ấy hay sao?” Bị chất vấn bất ngờ, như bị một quả đấm ngay vào mặt, vị trưởng Tông Đồ đoàn hăng say cách đó không lâu đã phản ứng không kịp, để rồi bị choáng váng ngã xuống: “Không phải tôi đâu” (Gioan 18:17). Tác động chối Thày của ngài lần thứ nhất này có thể thông cảm được, là vì ngài muốn dấu kín chân tướng của mình để có thể nhờ đó “theo sát Thày” cùng với tông đồ Gioan, tức là được vào bên trong.
Quả thế, nhưng thương ôi, nhờ được lọt vào bên trong mà ngài tiếp tục chối thêm hai lần nữa, khi chỉ một mình ngài lạc loài đứng sưởi với thành phần bộ hạ của vị Thượng Tế, khiến ngài làm sao tránh được trở thành mục tiêu chú ý của đối phương. “Họ nói với ngài rằng: ‘người không phải là môn đệ của hắn hay sao?’”, và trong khi một đàng vừa tiếp tục theo dõi Thày ở bên trong Dinh Thượng Tế một đàng vừa lo lắng bị lộ tẩy thì lại bị cả đám nhào vô đánh hội đồng bằng cách chặn hỏi một cách bất ngờ, một câu hỏi có tính cách khẳng định như câu hỏi ở ngoài cổng, nhưng lần này cả đám hỏi chứ không phải chỉ một người nữ hỏi, khiến người môn đệ đã dám cả gan hứa quyết với Thày “cho dù tất cả có lung lạc đức tin vào Thày, con cũng không bao giờ lay chuyển niềm tin với Thày” (Mathêu 26:33) vẫn không thể chống cự lại sức mạnh của đám đông tấn công bấy giờ, nên ngài đã tiếp tục cố gắng che dấu thân phận: “Không phải là tôi” (Gioan 18:25).
Thế nhưng, cho dù bị đánh hội đồng như thế, và cho dù, theo phản ứng tự nhiên về cả tâm lý lẫn thể lý, ngài đã cố gắng cong người lại (bảo vệ con tim) và ôm lấy đầu (bảo vệ cái mặt), một phản ứng sống còn của một người bị tấn công theo bản năng tự vệ mạng sống, một phản ứng cho thấy người môn đệ cả này vẫn tiếp tục muốn bảo vệ tấm lòng trung kiên và thân phận môn đệ của mình với Thày cho đến cùng, mặc dầu bề ngoài có vẻ phũ phàng và mâu thuẫn. Để rồi, cuối cùng ngài vẫn không thể nào chống cự được với nhát dao đâm thật mạnh xuống lưng của ngài là phần thân thể ngài cong mình lại để đỡ đòn hội đồng, hầu bảo vệ tim và mặt, bởi một kẻ trong thành phần đối phương, một nhát dao ngài không ngờ rằng chân tướng của ngài đã hoàn toàn bị lộ tẩy bởi thân nhân của người bị ngài chém đứt tai trong Vườn Cây Dầu cách đó ít lâu (xem Gioan 18:26): “Thế nhưng tao chẳng thấy mày ở với hắn trong vườn đó hay sao?” (Gioan 18:26-27).
Tuy nhiên, nếu so sánh với Phúc Âm Nhất Lãm về 3 lần vị trưởng tông đồ đoàn này chối bỏ Thày mình thì 3 lần ngài chối bỏ theo Thánh ký Gioan có tính chất gián tiếp hơn là trực tiếp. Bởi trong Phúc Âm Thánh Gioan, ngài chỉ phủ nhận bản thân ngài thôi: "Tôi không phải" hay "Không phải tôi" (18:17,25 - hai lần đầu, còn lần cuối cùng không thấy Thánh ký Gioan thuật lại nguyên câu trả lời của ngài), còn ở trong Phúc Âm Nhất Lãm, ngài quả thực chối bỏ Thày của ngài: "Tôi không biết người ấy" (Mathêu 26:72,74; Marco 14:71; Luca 22:57). Dầu sao, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng là chối bỏ Thày (trực tiếp) hay không dám nhận mình là môn đệ của Thày (gián tiếp).
Vấn đề ở đây là hành động 3 lần chối Thày của Tông Đồ Phêrô hoàn toàn là do ý ngay lành, vì ngài sợ bị lộ tẩy chân tướng, vì ngài sợ không được lén lút theo Thày. Ngài đã lấy chính Thày ra để chống đỡ, bằng cách phủ nhận Thày. Nhưng dầu sao, tự hành động chối Thày của ngài, tức hành động thà để cho Thày bị đánh đập, bị chối bỏ, còn hơn mình bị đánh đập, bị lộ tẩy, cũng đáng trách. Bởi thế, ngay sau khi thấy được cặp mắt của Thày đầy cảm thương như nhắc nhở (xem Luca 22:61): đấy, con thấy không, Thày đã bảo con rồi mà “giờ đây con chưa thể theo Thày được đâu, sau này con sẽ theo Thày” (Gioan 13:36 và xem cả 21:19), “Ngài đã đi ra ngoài mà khóc lóc thảm thiết” (Luca 22:62), và sau này ngài vẫn cảm thấy rất buồn khi bị Thày có vẻ ngờ vực tình yêu của ngài đối với Thày qua ba lần chất vấn “con có yêu mến Thày hay chăng?” – “Vâng thưa Thày, Thày biết rõ mọi sự, Thày biết rằng con yêu mến Thày” (Gioan 21:17).
Theo mạc khải tư, được cả Chúa Giêsu và Mẹ Maria cho biết: Mẹ Maria qua đan viện mẫu đan viện Phanxicô ở tây Ban Nha trong thế kỷ 17 là Maria D'Agreda, người đã ghi lại trong cuốn Thần Nhiệm Đô, và Chúa Giêsu qua nữ tu Josepha người Tây Ban Nha tu dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Poitiers Pháp quốc vào năm 1923, được chị ghi lại trong cuốn Tiếng Gọi Tình Yêu của Chúa Kitô, thì sự kiện xẩy ra và lý do xẩy ra "sự cố" chối Thày này của vị lãnh đạo tông đồ đoàn như sau:
Thần Nhiệm Đô:
"Mẹ đặc biệt lo đến thánh Phêrô lúc ấy. Luxiphe sách động bọn nữ tì và quân lính đến hạch hỏi ông, đồng thời nó cám dỗ ông rất mạnh, làm ông phải nao núng. Ông đã chối Thầy mình hai lần nữa, trước khi gà gáy lần thứ hai, tại sân nhà thượng tế Caipha. Chối lần thứ hai xong, ông định bụng lẻn ra ngoài. Nhưng vừa không thuộc đường lối, vừa không dám ra phía cổng đang bị canh giữ nghiêm ngặt, ông cứ luẩn quẩn mãi trong sân. Cho tới lúc một kẻ bà con với tên Manchu đến quả quyết nói thẳng với bọn lính chính hắn đã gặp ông ở vườn Cây Dầu với Chúa, ông to tiếng thề rằng: mình chẳng hề có biết ông Giêsu là ai bao giờ cả. Nhìn thấy cảnh tượng đó trong Linh Hồn Chúa, Mẹ Maria liền sấp mình xuống đất, châu lệ chứa chan, xin ơn tha thứ cho ông. Theo lời Mẹ xin, Chúa Giêsu tỏ tình thương xót ghé nhìn ông, và ban cho ông đầy ánh sáng sinh ra trong ông một hối hận cay đắng. Trong lúc gà gáy lần thứ hai, ông nhớ lại lời Chúa báo trước. Tâm hồn tan nát, vừa đau đớn vừa khóc nức nở, ông lủi thủi lẻn ra một cái hang. Ở đó ông chua xót khóc mãi tội mình. Sợ ông thất vọng, Mẹ Maria sai một thiên thần hầu cận đến bí mật ban thêm nghị lực, lòng tin tưởng và ơn an ủi cho ông".
Tiếng Gọi Tình Yêu:
"Tất cả các môn đệ của Cha đều tẩu thoát; một mình Phêrô bị tính tò mò thúc đẩy,
tuy nơm nớp lo sợ, trà trộn vào trong đám lính. Chung quanh Cha tất cả toàn là
những người làm chứng gian vu oan cáo vạ, hết điều này đến điều khác, làm cho
các quan án bất công càng thêm giận dữ. Họ gọi Cha là một tên mê hoặc quyến dũ,
một kẻ tục hoá Ngày Sabát, một tiên tri giả, cả những người đầy tớ và bộ hạ, bị
những gian cáo này kích động, cũng la lối dọa nạt Cha.
Phải, cho dù lý do thúc đẩy tông đồ Phêrô là tò mò, nhưng cái tò mò của ngài, theo người viết này, lại xuất phát từ lòng ngài gắn bó với Thày của ngài. Có thể nói, sự kiện ngài chối Thày 3 lần chẳng những ứng nghiệm lời Thày đã tiên báo và khẳng định về riêng ngài là "bây giờ con chưa thể theo đến đó được, nhưng sau này con sẽ theo" (Gioan 13:36), mà còn là dịp ngài thực tập theo Thày, khi ngài chính thức được Vị Thày Phục Sinh của ngài ủy thác sứ vụ chăn dắt các chiên con chiên mẹ cho ngài trên bở biển hồ Tiberia:
"'Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn'. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: 'Hãy theo Thầy'." (Gioan 21:18-19).
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL