THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương
Trau Dồi Phụng Vụ Lời Chúa
(Lưu Niệm Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương dự Khóa Trau Dồi Phụng Vụ Lời Chúa Thứ
Bảy 2/12/2017)
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL
Dẫn Nhập
Trong việc cử hành Lòng Thương Xót Chúa bằng Chuỗi Kinh Thương Xót hằng ngày vào
lúc 3 giờ chiều qua điện thoại viễn liên (teleconference phone), Nhóm Tông Đồ
Chúa Tình Thương (TĐCTT) có thêm phần chia sẻ Lời Chúa theo phụng vụ từng ngày
trước khi kết thúc. Vì thấy việc chia sẻ Lời Chúa hằng ngày như thế thật cần
thiết và mang lại rất nhiều lợi ích thiêng liêng, người viết có ý định tổ chức
cho nội bộ TĐCTT một Khóa
Trau Dồi Phụng Vụ Lời Chúa.
Mục đích
là để giúp cho nhau, trong nội bộ TĐCTT chúng ta, say sưa thưởng thức và nghiền
gẫm Lời Chúa hơn nơi Phụng Vụ hằng ngày, nhờ đó, Lời Chúa thực sự "là đèn soi
bước con đi và là ánh sáng soi đường con bước" (Thánh Vịnh 119:105).
Kinh nghiệm cho
thấy, không phải là Kitô hữu Công giáo chẳng những ít đọc Lời Chúa, mà nếu có
đọc, nhưng vì Lời Chúa có vẻ khô khan (hơn tiểu thuyết hay tin tức v.v.) và
lại khó hiểu nữa, nên nhiều người thiện chí cảm thấy không còn hứng thú đọc nữa,
chỉ đi lễ để được nghe giảng Lời Chúa là đủ. Tuy nhiên, nếu tự mình cảm
nghiệm được Lời Chúa, thay vì cứ được mớm cho ăn như trẻ nhỏ bởi các cha, Kitô
hữu giáo dân Công giáo mới có thể trưởng thành trong việc suy nghĩ, chọn lựa,
quyết định, tác hành và phản ứng theo tinh thần Phúc Âm và mô phỏng đúng
theo gương Chúa Mẹ.
Theo người
viết, để
hằng ngày có thể thưởng thức Lời Chúa, thưởng thức một cách say mê và ngon
lành, đến độ ngày nào không có Lời Chúa, không đọc Lời Chúa là ngày kể như vô
nghĩa và thiếu mất một cái gì quan trọng, chúng ta cần biết cách suy niệm và cảm
nghiệm Phụng Vụ Lời Chúa, ở 3 khía cạnh chính yếu
bất khả thiếu và bất khả phân ly sau đây: 1- Phụng Vụ Lời Chúa trong ngày nói
chung và
Bài Phúc Âm nói riêng chất
chứa một mạc khải thần linh như thế nào?
Mạc khải thần
linh của Phụng Vụ Lời Chúa trong ngày liên hệ với Mầu Nhiệm Chúa Kitô của Mùa
Phụng Vụ bấy giờ ra sao??
Giáo Hội
là người mẹ cố ý soạn dọn bữa tiệc Phụng Vụ Lời Chúa thịnh soạn bao gồm các văn
bản Thánh Kinh cho riêng ngày hôm đó muốn nhắn nhủ con cái mình những gì???
Đối với riêng cá nhân người
viết thì
trên trần gian này không một sự gì khôn ngoan bằng lời Chúa, không một sự
gì thiện hảo bằng Lời Chúa và không một sự gì quyền năng bằng Lời Chúa. Vậy tại
sao Lời Chúa không được ưu tiên để trên cao trong cuộc đời Kitô hữu, mà lại đặt
Lời Chúa ở dưới cái gầm tủ vật chất đầy lo toan, dù cần thiết, hay dưới cái gầm
bàn công việc rất bận bịu, dù quan trọng, hằng ngày của chúng ta?! Nếu không có
Lời Chúa thì việc bận bịu của chúng ta cần phải làm, và vật chất của chúng ta
cần phải được, sẽ có thể gây ra một thứ side effect - một phản tác dụng hay một
phản ứng tai hại, bởi thiếu Lời Chúa chúng ta chắc chắn sẽ không thể nào đủ khôn
ngoan sáng suốt và sức mạnh để có thể giải quyết mọi sự theo đúng ý Chúa,
do đó chúng ta càng lao đầu sống lại càng sống trong triền miên bất an, bất hòa
và bất hạnh!
Chính cái cảm nghiệm thấy được tầm mức quan trọng như thế của Lời Chúa nói chung
và Phụng Vụ Lời Chúa nói riêng, đã thúc đẩy người
viết
dấn thân thực hiện Khóa Trau Dồi Phụng Vụ Lời Chúa này với anh chị em TĐCTT thân
yêu của mình, vào thời
điểm kết thúc phụng niên Năm A sửa soạn phụng niên Năm B, Thứ Bảy ngày 2/12/2017
ở Brothers of Saint Patrick Giáo Phận Orange California, suốt cả một ngày. Khóa
này được diễn tiến, trước
hết là những chia sẻ dẫn nhập tổng quan về Phụng Vụ Lời Chúa, bao gồm cả cách
thức suy nghiệm Phụng Vụ Lời Chúa, và sau đó là những chia sẻ tiêu biểu thực tế
cụ thể về cả Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật lẫn Phụng Vụ Lời Chúa Ngày Thường. Sau
hết là phần thực tập để áp dụng thực hành của tham dự viên được chia theo nhóm,
để cùng nhau suy nghiệm Phụng Vụ Lời Chúa bất cứ ngày nào trong phụng niên, tùy
chọn, và cuối cùng sẽ được đúc kết chung.
Chớ gì Lời Chúa "là thần linh và là sự sống" (Gioan
6:63) luôn trở thành Lương Thực Hằng Ngày cho cuộc hành trình đức tin Kitô hữu
Công giáo của chúng ta. Sau đây là bản tóm gọn những chia sẻ từ Khóa Trau Dồi
Phụng Vụ Lời Chúa này.
Phụng Vụ Lời Chúa - Tổng Quan
(Tông Vụ 2:40-47; Luca 24:13-36)
Xác Tín
1- Lời
Chúa là mạc khải thần linh chứ không phải do loài người nghĩ ra,
là tất cả những gì từ trời, những gì chân thật nhất và hoàn hảo nhất, đến độ
không ai có thể nghĩ ra và có thể làm được nếu không được tỏ cho biết và được hỗ
trợ bởi ân sủng thần linh; và chính
vì con người thuần túy không thể nghĩ ra hay làm được như thế mới chứng tỏ "Đó
là Lời Chúa",
Lời chẳng những thăng hóa con người về phương diện nhân bản tự nhiên mà còn thần
linh hóa con người về phương diện đời sống tu đức siêu nhiên.
2- Điển hình nhất là 3 tinh thần xuất phát từ mạc khải thần linh là Lời Chúa
(cùng với gương Chúa) sau đây:
2.1 Làm
đầu là làm đầy tớ (xem
Mathêu 20:26-28 & 2Corinto 5:19), chứ không phải kiểu quân sư phụ của Khổng giáo
hay kiểu đế quốc quân chủ hoặc thuộc địa ngày xưa;
2.2 Nạn
nhân phải làm hòa với phạm nhân của
mình (xem Mathêu 5:23-24), chứ không phải phạm nhân phải xin lỗi nạn nhân của
mình theo phép công bằng;
2.3 Yêu
thương kẻ thù (xem
Mathêu 5:44 & Roma 5:8), tức dám chết cho cả kẻ thù, chứ không phải chỉ từ bi hỉ
xả là đủ, hay kiểu quân tử không thèm chấp tiểu nhân.
Suy Diễn
1- Việc
Cử Hành Thánh Thể (Celebration
of Eucharist) của Giáo Hội hiện nay bao
gồm hai phần chính là phần Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể là
những gì bất khả thiếu và bất khả phân ly, chẳng
những theo Truyền Thống -
"Họ chuyên cần nghe các tông đồ... tham dự lễ bẻ bánh" (Tông Vụ 2:42), mà
còn theo chính khuôn mẫu của Chúa Kitô Phục Sinh đã thực hiện với 2 môn
đệ về Emmau,
ở chỗ Người dẫn giải Thánh Kinh trước rồi sau đó mới tỏ ra những cử chỉ / cử
hành Thánh Thể (xem Phúc Âm Luca 24:13-36).
2- Theo bài Phúc Âm Luca 24:13-36 thì chính
Lời Chúa đã biến đổi hai môn đệ tuyệt vọng bỏ về làng Emmau này,
bằng cách từ từ dẫn họ đến chỗ gặp gỡ chính Chúa Kitô bản thân là Lời Chúa (xem
Gioan 1:14), nơi Cử Hành Thánh Thể khi "Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng
và bẻ ra cho họ", nhờ
đó họ đã nhận ra Người và trở về để làm chứng cho Người với
các tông đồ, và chính Người cũng hiện ra ngay lúc họ làm chứng về Người để chứng
tỏ Người thực sự sống lại đúng như lời chứng của họ.
3- Phụng
Vụ chính yếu ở nơi việc Cử Hành Thánh Thể là Cử Hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Vì
Thánh Thể bao gồm tất cả Mầu Nhiệm Chúa Kitô,
một Thánh Thể đã được thụ thai và giáng sinh, đã rao giảng bằng môi miệng và
chữa lành bằng bàn tay,
đã chay tịnh và biến hình,
đã chịu khổ nạn và tử giá, đã phục sinh và thăng thiên, sẽ tái giáng trong vinh
quang cánh chung. Đó là lý do Mùa Phụng Vụ nào trong phụng niên cũng qui về
Thánh Thể và cũng Cử Hành Thánh Thể để tưởng niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô của từng
mùa. Phần
Phụng Vụ Lời Chúa dẫn Kitô hữu vào Mầu Nhiệm Chúa Kitô nơi phần Phụng Vụ Thánh
Thể, nhờ đó họ được hiệp nhất nên một với Mầu Nhiệm Chúa Kitô.
Cảm Nghiệm
1- Vì Lời Chúa là mạc khải thần linh từ trời, chứ không xuất phát từ con người
trần gian thấp hèn, nên tự
trí khôn của con người tạo vật hạn hẹp không thể nào thấu hiểu được Lời Chúa,
cho tới khi chính Lời Chúa "là ánh sáng" (Gioan 8:12), "là thần linh và là sự
sống" (Gioan 6:63) tỏ cho họ. Nghĩa là chỉ
có Lời Chúa mới làm cho con người hiểu Lời Chúa.
2- Nên con người phải luôn cởi mở trước Lời Chúa, ở chỗ khao khát Lời Chúa, sống
không thể thiếu Lời Chúa, bằng cách coi
Lời Chúa ưu tiên trên hết mọi sự, như trân trọng đặt Lời Chúa ở trên giá cao (xem
Mathêu 5:15), không
bao giờ dám để Lời Chúa ở dưới gầm bàn, gầm tủ, gầm giường v.v.,
nghĩa là coi Lời Chúa không ưu tiên bằng hay không giá trị bằng các thứ vật chất
cần cho sự sống thể lý, cho dù là những bận bịu cần thiết về tông đồ hay mục vụ.
Bởi không có Lời Chúa thì chúng ta sẽ chỉ giải quyết mọi sự theo tự nhiên không
đẹp lòng Chúa: "Ngươi chỉ phán đoán theo kiểu của loài người mà không theo tiêu
chuẩn của Thiên Chúa" (Mathêu 16:23).
3- Vì chính Lời Chúa mới làm cho trí khôn con người hiểu được Lời Chúa mà tâm
hồn nào thực sự khao khát Lời Chúa cứ
phải tiếp tục đọc Lời Chúa, cho dù không hiểu, đừng bao giờ bỏ, như
thể đóng cửa lại thì Lời Chúa là ánh sáng sẽ chẳng thể nào soi chiếu vào lòng
trí tăm tối của họ, trái
lại, cho dù chán chường, như đã xẩy ra nơi hai môn đệ về Emmau, nhưng hai vị vẫn
tiếp tục lắng nghe Lời Chúa trong lúc tuyệt vọng nhất, không xua đuổi người
khách lạ chẳng hề quen biết có vẻ khinh khi hai vị từng là môn đệ của Thày Chí
Thánh, mà hai vị mới thực sự cảm thấy "lòng mình ấm lên" (Luca 24:42), để nhờ đó
tiến đến chỗ nhận ra Người và làm chứng về Người.
Phân Tích
1- Lời Chúa trong Thánh Kinh và Lời Chúa theo Phụng Vụ tự bản chất là một, hoàn
toàn giống nhau, không có gì thay đổi, nhưng được suy diễn khác nhau. Ở chỗ: Nếu Lời
Chúa trong Thánh Kinh liên quan đến Mạc Khải Thần Linh thì
Lời Chúa theo Phụng Vụ liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Kitô.
Lời Chúa trong Thánh Kinh được linh ứng viết ra, còn Lời Chúa theo Phụng Vụ do
Mẹ Giáo Hội soạn dọn cho con cái "để họ được sống và sống viên mãn" (Gioan
10:10).
2- Lời Chúa trong Thánh Kinh liên quan đến Mạc Khải Thần Linh, mà Mạc
Khải Thần Linh bao gồm 2 chiều kích chính yếu là "những sự dưới đất" và "những
sự trên trời" (Gioan
3:12), như Chúa Giêsu đã đề ra với nghị viên Nicôđêmô. Nếu Mạc Khải Thần Linh về
"những sự dưới đất" liên hệ tới con người, như phải tái sinh mới được vào Nước
Trời (xem Gioan 3:3,5), thì Mạc Khải Thần Linh về "những sự trên trời" liên hệ
tới Thiên Chúa, như bản tính và ý muốn của Thiên Chúa, hay căn tính của Chúa
Kitô v.v.
3- Thế nhưng, hai
chiều kích "trời" và "đất" này bao giờ cũng phải thích ứng với nhau, và phải đạt
đến chỗ hội ngộ thần linh giữa Thiên Chúa và loài người. Điển
hình nhất là các câu Phúc Âm tiêu biểu sau đây: "Thiên Chúa yêu thế gian đến ban
Con Một mình ("những sự trên trời") để ai tin vào Người thì không phải
chết nhưng được sự sống ("những sự dưới đất")" (Gioan 3:16); "Thiên Chúa
là Thần Linh ("những sự trên trời"), những ai tôn thờ Ngài phải tôn thờ
trong tinh thần và chân lý ("những sự dưới đất")" (Gioan 4:24); "Tôi là
ánh sáng thế gian ("những sự trên trời"), ai theo Tôi sẽ được ánh sáng sự
sống ("những sự dưới đất")" (Gioan 8:12)
4- Riêng Phúc
Âm là Bài Đọc chính yếu của phần Phụng Vụ Lời Chúa có chỗ chỉ bao gồm "những sự
trên trời" hay chỉ "những sự dưới đất" hoặc cả hai.
"Những sự trên trời" được tiêu biểu nhất là các Dụ Ngôn Nước Trời (xem Mathêu
đoạn 13). "Những sự dưới đất" được tiêu biểu nhất là Tám Mối Phúc Thật (xem
Mathêu 3 đoạn 5-7). Cả "những sự dưới đất" cũng như "những sự trên trời" được
tiêu biểu nhất nơi việc Chúa Giêsu làm phép lạ hay trừ quỉ để tỏ quyền năng cứu
độ của Người ("những sự trên trời") nơi chính tình trạng khốn nạn bất lực của
con người ("những sự dưới đất").
Suy Niệm
1- Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa thì Bài
Phúc Âm là chính,
chi phối các bài đọc khác. Bởi thế, nên đọc bài Phúc Âm trước hết để biết được Mạc
Khải Thần Linh thực sự là gì nơi bài Phúc Âm ấy,
sau đó, suy nghĩ xem Mạc
Khải Thần Linh chính yếu ở bài Phúc Âm này có hợp với Mầu Nhiệm Chúa Kitô của
Mùa Phụng Vụ bấy giờ, như
Mùa Vọng và Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, hay Mùa Thường Niên sau Mùa
Giáng Sinh hoặc sau Mùa Phục Sinh.
2- Vì Phụng Vụ là việc Cử Hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô mà mỗi
Mùa Phụng Vụ đều có một chủ đề riêng. Mùa
Vọng và Mùa Giáng Sinh theo
chủ đề: "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14); Mùa
Thường Niên Hậu Giáng Sinh:
"Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14); Mùa
Chay và Tuần Thánh:
"Thày thực sự từ Cha mà đến. Giờ đây Thày bỏ thế gian mà về cùng Cha” (Gioan
16:28); Mùa
Phục Sinh:
"Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Mùa
Thường Niên Hậu Phục Sinh:
"Các con sẽ nhận được quyền lực khi Thánh Thần ngự xuống trên các con, rồi các
con sẽ là những chứng nhân của Thày ... cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ
1:8).
3- Sau khi đã nắm bắt được Mạc Khải Thần Linh ở Bài Phúc Âm, thì sau đó cần phải
xem Mạc
Khải Thần Linh ấy có thích ứng với Mầu Nhiệm Chúa Kitô của Mùa Phụng Vụ bấy giờ
hay chăng (theo
các chủ đề của từng mùa được gợi ý trên đây)? Nếu thích ứng thì Mầu Nhiệm Chúa
Kitô được Bài Phúc Âm cho thấy cũng phải ứng nghiệm với cả các Bài Đọc khác
trong phần Phụng Vụ Lời Chúa nữa.
4- Sau hết, vấn đề cuối cùng cần được đặt ra đó là qua
phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm ấy,
phần phụng vụ được Mẹ Giáo Hội chọn đọc, Mẹ
Giáo Hội muốn huấn dụ những
gì cần
con cái mình phải thực hành trong Mùa Phụng Vụ bấy giờ?
Phụng Vụ Lời Chúa - Ứng Dụng
Phụng Vụ Lời Chúa Ngày Chúa Nhật (chia sẻ gợi ý)
(Chúa Nhật 33 Thường Niên: Châm Ngôn 31:10-13,19-20,30-31; 1Thessalonica 5:1-6;
Mathêu 25:14-30)
1- Bài Phúc Âm cho
Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm A là dụ ngôn Chúa Giêsu nói về nén bạc chủ trao cho
3 người đầy tớ. Mạc Khải Thần Linh trong dụ ngôn này bao gồm cả "những sự trên
trời" (ở phần đầu bài Phúc Âm) là ông chủ ám chỉ Chúa Kitô ký thác công ơn cứu
chuộc của Người cho thành phần môn đệ của Người để sinh lợi, và "những sự dưới
đất" là thái độ đáp ứng của 3 loại người đầy tớ đối với những gì được ký thác
cho họ: trong khi 2 người đầu sinh lợi gấp trăm, 5 sinh 5 và 2 sinh 2, còn người
cuối cùng thì vẫn giữ nguyên để trả về cho chủ, chẳng sinh lợi gì, và ở phần sau
của bài Phúc Âm lại cho thấy Mạc Khải Thần Linh về "những sự trên trời", đó là
Chúa Kitô khi "trở về", ám chỉ Người tái giáng, ban thưởng cho 2 người đầy tớ
sinh lợi và trừng phạt tên đầy tớ không sinh lợi gì!
2- Tại sao người
đầy tớ không sinh lợi nhưng vẫn hoàn trả lại nguyên vẹn nén bạc cho chủ, không
hề làm thiệt hại gì tới nén bạc ấy, mà vẫn bị chủ trừng phạt một cách khủng
khiếp đến hư đi đời đời như thế? Nếu không phải vì người đầy tớ này kiêu ngạo,
không chấp nhận thân phận làm tôi của mình, một thân phận cần phải hy sinh vất
vả để sinh lợi cho chủ được hưởng còn mình bị thiệt, nghĩa là tên đầy tớ ấy muốn
làm chủ hơn là làm đầy tớ, coi mình ngang hàng với chủ, muốn lên bằng chủ như nữ
nguyên tổ Eva xưa (xem Khởi Nguyên 3:5). Trong khi đó, hai người đầy tớ kia biết
thân biết phận tôi tớ của mình đã chấp nhận vị chủ của mình bằng việc tỏ ra tin
tưởng và tuân phục.
3- Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm A rất thích hợp với chủ đề của Mùa Thường Niên Hậu Mùa Phục Sinh, liên quan đến vấn đề "tận cùng trái đất", ở những tuần cuối cùng của Mùa Thường Niên này, tức liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Kitô Cánh Chung, Đấng "xuất hiện lần thứ hai để mang ơn cứu độ cho những ai thiết tha trông đợi Người" (Do Thái 9:28), những ai tin tưởng Người, như hai người đầy tớ làm cho công ơn cứu độ của Người sinh lợi bác ái yêu thương gấp trăm cho tha nhân bằng tất cả thiện chí cố gắng của mình.
4- Nếu hai người đầy tớ sinh lợi cho chủ trong Bài Phúc Âm được biểu hiệu nơi
"người vợ tài đức" trong Bài Đọc 1, "người phụ nữ kính sợ Chúa" được Bài Đáp Ca
khen ngợi, thì người đầy tớ không sinh lợi trong cùng Bài Phúc Âm được Bài Đọc 2
diễn tả chính xác là hắn, trong khi tự mình hắn cảm thấy việc giữ nguyên nén bạc
để trả về cho chủ là "yên ổn và an toàn", nhưng không ngờ "chính lúc đó tai họa
thình lình giáng xuống trên mình", ở chỗ, chủ đã công minh ra lệnh "hãy ném nó
ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".
5- Mẹ Giáo Hội soạn dọn Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm A,
vào thời điểm gần kết thúc phụng niên Năm A này, là để huấn dụ con cái mình nói
chung, và nhắc nhở các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội nói riêng, như câu xướng
trước Bài Phúc Âm kêu gọi: "Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể
xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người - Alleluia"
Phụng Vụ Lời Chúa Ngày Thường trong tuần (chia sẻ gợi ý)
(Thứ Tư
Tuần 33 Thường Niên: 2Macabê 7:1,20-31; Luca 19:11-28)
1- Bài Phúc Âm cho
Thứ Tư của Tuần 33 Thường Niên Năm Lẻ có nội dung hơi giống Bài Phúc Âm của Chúa
Nhật 33 Thường Niên Năm A đầu tuần, cũng chất chứa một Mạc Khải Thần Linh có hai
chiều kích "những sự trên trời" và "những sự dưới đất".
2- "Những sự trên
trời" trong Bài Phúc Âm liên quan tới Vị Chủ là "một người quí tộc", ám chỉ Con
Thiên Chúa làm người, trước khi "đi phương xa", ám chỉ đi chịu chết, để được
phong vương, ám chỉ phục sinh vinh hiển, đã trao "10 nén bạc", ám chỉ tất cả
công ơn cứu độ của mình, cho 10 người đầy tớ, ám chỉ tất cả thành phần lãnh đạo
phục vụ Giáo Hội, sinh lợi cho đến khi ông "trở về", ám chỉ mầu nhiệm tái giáng,
thì trao lại cho ông cả vốn, ám chỉ ân ban, lẫn lời, ám chỉ đức bác ái yêu
thương đối với tha nhân.
3- "Những sự dưới
đất" trong Bài Phúc Âm liên quan đến 3 loại thành phần đầy tớ, trong đó có hai
thành phần đầy tớ sinh lợi cho chủ, 1 sinh 10 và 1 sinh 5, còn người đầy tớ thứ
ba thì "giữ trong khăn" nguyên nén bạc được chủ trao cho để trả về cho chủ, nên
bị chủ "lấy đi cả cái nó đang có" là nén bạc nó không sinh lợi, để trao cho
"người đã có 10 nén".
4- Sự kiện Vị Chủ
trong Bài Phúc Âm, ám chỉ Chúa Kitô, ra lệnh lấy nén bạc của người đầy tớ không
sinh lợi mà trao cho người đầy tớ sinh lợi nhiều nhất, là sự kiện thuộc Mạc Khải
Thần Linh về "những sự trên trời", về Lòng Thương Xót Chúa. Ở chỗ, Người không
để cho ơn cứu độ vô cùng cao quí của Người bị hoang phí bởi bất cứ một người đầy
tớ bất lương vô dụng nào, trái lại, Người muốn cho ơn cứu độ của Người phải được
sinh lợi thật sự bởi thành phần đầy tớ tín trung hữu dụng.
5- Tuy nhiên,
thành phần đầy tớ tín trung hữu dụng "đã có được ban thêm cho dư dật" này không
phải là để hưởng thụ mà là để phục vụ, nghĩa là để sinh lợi bù đắp thay cho
những ai không sinh lợi, và thân phận của họ vì thế sẽ càng trở nên giống Chúa
Kitô hơn ai hết, ở chỗ, họ chắc chắn trở thành tế vật cho phần rỗi tha nhân:
"Cành nho nào đã sinh trái sẽ được cắt tỉa đi cho càng sinh trái hơn" (Gioan
15:2).
6- Như thế, Mạc
Khải Thần Linh trong Bài Phúc Âm của Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm A này là ở chỗ
Thiên Chúa muốn cứu độ loài người bằng chính những người đầy tớ trung tín hữu
dụng của Chúa Kitô, một Mạc Khải Thần Linh rất thích hợp với Mầu Nhiệm Chúa Kitô
Cánh Chung là thời điểm "không biết có còn đức tin trên thế gian này nữa hay
chăng" (Luca 18:8), thời điểm cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn bao giờ hết, nhờ
đức tin của những "cành nho đã sai trái được cắt tỉa cho càng sai trái hơn".
7- Bài Đọc 1 cũng
rất hợp với Mạc Khải Thần Linh trong Bài Phúc Âm, ở chỗ 7 người con trai tử đạo
trong cùng một ngày của một bà mẹ, đã nhờ chính đức tin mãnh liệt nơi người mẹ
của họ, một người mẹ giống người đầy tớ trong Bài Phúc Âm sinh lợi tối đa từ 1
nén thành 10 nén. Nhờ đó, nhờ đức tin trải qua đêm tăm tối, theo bản tính tự
nhiên, trước 7 người con do mình cưu mang sinh dưỡng chết trong cùng một ngày
như thế, mà sau đó, người mẹ tràn đầy đức tin này, cũng như tất cả mọi tâm hồn
sống đức tin đến độ trở thành tế vật đền bù cho phần rỗi của tha nhân, "khi thức
giấc" mới "no thoả nhìn chân dung Chúa", đúng như cảm nhận nơi câu họa của Bài
Đáp Ca cùng ngày.
8- Mẹ Giáo Hội soạn dọn Phụng Vụ Lời Chúa cho Thứ Tư trong Tuần 33 Thường Niên
Năm Lẻ vào thời điểm gần kết thúc phụng niên này là để huấn dụ con cái mình nói
chung và nhắc nhở các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội nói riêng, đó là hãy theo
Chúa Kitô cho tới cùng, tới tột đỉnh hành trình cứu độ của Người là Giêrusalem,
đúng hơn hãy để cho Người dẫn họ đi với Người đến Giêrusalem, nơi được Bài Phúc
Âm kết thúc ở câu: "Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem".
Phụng Vụ Lời Chúa
Ngày Chúa Nhật và Ngày Thường
(đúc kết sau khi được mổ xẻ theo nhóm)
Sau khi lắng nghe hai nhóm đúc kết những gì từng nhóm chia sẻ về Phụng Vụ Lời
Chúa Chúa Nhật (I Mùa Vọng Năm B) và Ngày Thường (Lễ Thánh Anrê Tông Đồ), những
chia sẻ dựa vào những gì đã được gợi ý ở phần
đầu,
người viết đã trình bày thêm suy nghiệm của mình về hai bài Phụng Vụ Lời Chúa
này, theo thứ tự các ý chính được tóm gọn như sau:
Phụng Vụ Lời Chúa
(do chính nhóm tự chọn)
về Lễ Thánh Anrê Tông Đồ 30/11
1- Lễ Kính một vị Thánh Tông Đồ (hay
lễ nhớ bất cứ thánh nào) cũng phải liên hệ với Mầu Nhiệm Chúa Kitô là cốt lõi
của Phụng Vụ;
2- Tông đồ là ơn
gọi làm môn đệ của Chúa Kitô nhưng được ủy thác cho sứ vụ trở thành những chứng
nhân tiên khởi cho Chúa Kitô;
3- Sứ vụ làm chứng
cho Chúa Kitô của các tông đồ trước hết là ở chỗ các vị được sai đi để loan báo
về Người (Bài Đọc 1 & Đáp Ca);
4- Thánh Anrê là 1 trong 4 môn đệ tiên khởi và tông đồ chính yếu được
Chúa Giêsu tuyển chọn để đánh bắt con người ta (Bài Phúc Âm).
Phụng Vụ Lời Chúa
(do chính nhóm tự chọn)
về
Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B
1- Phụng Vụ Lời
Chúa cho Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh theo chủ đề là "Lời đã hóa thành nhục thể và
ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14);
2- Biến cố "Lời đã hóa thành nhục thể", được Cựu Ước tiên báo ở hình ảnh ẩn dụ
là "băng
qua các tầng trời mà ngự xuống" (Bài Đọc I);
3- Với Kitô giáo thì Thiên Chúa đã hóa thân làm người nơi Con Ngài là Đức Giêsu
Kitô, Đấng sẽ lại đến mà họ cần mong chờ (Bài Đọc 2);
4- Lòng
mong chờ thực sự của Kitô hữu được thể hiện ở chỗ "tỉnh thức" vì họ không biết
được thời điểm chính xác Người đến (Phúc Âm);
5- Người chắc chắn
sẽ đến vào lúc "nửa đêm" là lúc tối tăm nhất và là lúc con người mê ngủ nhất,
như trong dụ ngôn 10 trinh nữ phù dâu;
6- Lý do là vì con
người vướng mắc nguyên tội đầy những đam mê nhục dục tính mê nết xấu "yêu tối
tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19);
7- Thiên Chúa lại
muốn tỏ hết bản tính là tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài ra nơi tận cùng tăm
tối của con người để cứu con người;
8- Nên việc "tỉnh thức" để thấy nhan Chúa mà được cứu độ là ở lòng tin tưởng vào
Lòng Thương Xót Chúa (Bài Đọc 1, Đáp Ca & Alleluia).