SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

 

Vấn Đề Tha Thứ và Sửa Lỗi

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Nếu "nhân vô thập toàn" thì chẳng ai có thể làm hài lòng mọi người, thậm chí còn phạm đến người khác nữa, dù vô tình hay cố tình. Nghĩa là ai cũng có thể , không thể tránh, làm buồn lòng người khác, làm tổn thượng người khác, dù nặng hay nhẹ, dù nhiều hay ít... Bởi thế, chỉ có ai nhận mình là thập toàn, là công chính mới có thể làm quan tòa lên án người khác, luận tội và ném đá người khác. 

Những con người chấp nhất lỗi lầm của những ai phạm đến mình đều là những con người nghĩ mình chẳng bao giờ phạm đến ai! Đó là trường hợp tên đầy tớ nợ vị vương chủ hắn một món nợ khổng lồ không thể trả, đáng bị bán tất cả gia đình và gia tài để trả, đột nhiên được vị vương chủ tha hết nợ cho sau khi hắn van xin khất nợ, nhưng không biết điều, đã bóp cổ đòi kẻ nợ mình một chút, và cho dù họ có van xin như hắn van xin vị vương chủ của hắn, hắn cũng cứ tống con nợ của hắn vào tù (xem Mathêu 18:23-35).

Dụ ngôn tha nợ và đòi nợ này Chúa Giêsu sử dụng để trả lời cho vấn nạn của tông đồ Phêrô về vấn đề phải tha thứ bao nhiêu lần. Căn cứ vào giáo huấn Chúa Giêsu muốn dạy trong dụ ngôn này thì Kitô hữu chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô như tông đồ Phêrô: 

1- Phải luôn luôn và liên lỉ tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, bằng không:

2- Chúng ta sẽ không được Thiên Chúa thứ tha, dù Ngài đã tha cho chúng ta rồi.

3- "Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" là như thế.

4- Món nợ của tạo vật xúc phạm đến Thiên Chúa vô cùng cao cả là món nợ khổng lồ,

5- Món nợ người khác là người như chúng ta chỉ là món nợ nho nhoi giữa tạo vật ngang hàng nhau.

6- Chính vì được Thiên Chúa vô cùng nhân hậu tha cho món nợ khổng lồ không thể trả của mình

7- Mà chúng ta cũng có bổn phận phải tha nợ như được Chúa tha, chứ không phải là có quyền tha nợ cho nhau.

8- Ngoài ra, nếu không tha nợ cho người khác thì chính họ trở thành quan tòa tống chúng ta vào ngục,

9- Đúng như cảm nghiệm của kẻ chấp nhất nên cứ nặng mình cho đến khi can đảm thứ tha thì tự nhiên nhẹ mình như được giải thoát.

10- Đó là lý do nạn nhân phải tự tình tha thứ và luôn luôn tha thứ như chính mình đã được Chúa thứ tha thì mới bình an và vui sống.

Đối với thành phần nạn nhân, Chúa Giêsu không bao giờ bảo họ phải đi sửa lỗi cho phạm nhân. Câu Chúa Giêsu nói: "Nếu người anh em của các con trót phạm tội, thì các con hãy đi sửa lỗi nó" (Mathêu 18:15) là câu Người nói với chung các thánh tông đồ bấy giờ: "Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su" (Mathêu 18:1), bởi thế, việc sửa lỗi đây thuộc thẩm quyền của Giáo Hội, Thẩm Quyền cần phải làm cho con cái của mình sống theo đúng ý Chúa. Do vậy, ngay sau đó Chúa Giêsu đã nói tới quyền bính của các tông đồ thay Người chăn giữa đoàn chiên tại thế của Người: "Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy" (Mathêu 18:18).  

Nếu hiểu rộng hơn đoạn Phúc Âm về việc sửa lỗi cho anh em mình, có thể bao gồm cả việc Kitô hữu với nhau, thậm chí khi thấy các đấng bậc có thẩm quyền làm điều sai trái, chứ không phải chỉ có người dưới sai trái, có thể, đôi khi còn có trách nhiệm sửa lỗi cho nhau nữa, để bênh vực ích chung, để ngăn ngừa gương mù gương xấu, nhưng không bao giờ sửa lỗi cho nhau khi chính bản thân người sửa lỗi là nạn nhân của phạm nhân là người mình muốn sửa lỗi, như để cho hả giận, như bị chạm tự ái mà làm, nấp dưới chiêu bài nhân danh đức bác ái.... một hành động sửa lỗi không hề thấy bất cứ chỗ nào trong Giáo Huấn trọn lành của Chúa Kitô.

Bởi thế nên mới có chuyện, với thẩm quyền của mình trong Giáo Hội, các tông đồ cần phải sửa dạy con cái mình theo thẩm quyền chính đáng của mình, còn trường hợp cá nhân của từng vị tông đồ mà bị xúc phạm, Chúa Giêsu không bảo phải đi sửa lỗi cho phạm nhân, như đã xẩy ra nơi trường hợp của Thánh Phêrô, vị mà ngay sau đoạn Giáo Hội có thẩm quyền sửa lỗi, đã lên tiếng hỏi Chúa: "Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" (Mathêu 18:21).

Trái lại, Chúa Giêsu chỉ dạy cho nạn nhân phải tỏ ra 4 tác động trọn lành xứng một người con Thiên Chúa như Người sau đây: 

1- Luôn luôn tha thứ - chứ không được giới hạn bao nhiêu thôi, như Chúa đã trả lời cho tông đồ Phêrô"

"Đức Giê-su đáp: 'Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy'"  (Mathêu 18:22)

2- Tự động tha thứ - nạn nhân phải đi làm hòa cùng phạm nhân:

"Khi các con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với các con,

thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình" (Mathêu 5:23-24) 

3- Lấy lành mà thắng dữ - chứ đừng lấy mắt đền mắt, răng đền răng

"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.39 

Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.

Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.

Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm".  (Mathêu 5:38-41) 

4- Thậm chí còn phải làm ơn cho kẻ thù mình nữa

"Hãy yêu thương kẻ thù của các con và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con" (Mathêu 5:44)  

 

Tóm lại: (Luca 6:37-38) 

"Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. (tức là hãy để chính Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sử phán xét phạm nhân, chứ nạn nhân không có quyền lên án ai hết)

Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. (nghĩa là mình được Thiên Chúa tha cho thế nào thì mình cũng có phận sự, hơn là có quyền, tha cho phạm nhân như vậy)

Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại" (chẳng những phải tha thứ cho phạm nhân mà còn yêu thương phạm nhân như tặng cho phạm nhân tấm lòng của mình)

 

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng,

xin cho chúng con biết nhìn hết mọi anh chị em chúng con,

bằng ánh mắt động lòng thương của Lòng Thương Xót Chúa,

để con được nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Amen.

 

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, 

Lễ Mẹ Thụ Thai Ngôi Lời Nhập Thể 25/3/2021