THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
của
Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương
Chúa Kitô - Diễn Tiến Cuộc Khổ Nạn
Trong Tam Nhật Thánh, nhất là Thứ Sáu Tuần Thánh, thời điểm tưởng niệm biến cố được Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ của Người khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể phải làm để tưởng nhớ đến Người, Đấng "đã bị nộp vì các con" (Lk 22:19), chúng ta hãy giành chút thời giờ để đọc kỹ hay nghe kỹ lại những gì xẩy ra cho Người qua Phúc Âm Thánh Gioan, một phúc âm được Giáo Hội chọn đọc cho chính ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này, một phúc âm cũng rất ăn khớp với bộ Phúc Âm Nhất Lãm về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
1- Về sự kiện Chúa Giêsu trước Thượng Tế Anna có riêng hẳn một đoạn không có ở bất cứ Phúc Âm nào (18:12-14,19-24);
2- Về sự kiện Tông Đồ Phêrô chối Thày: Có 3 trường hợp khác nhau rõ ràng hoàn toàn xẩy ra ở dinh Thượng Tế Anna: lần nhất khi vị tông đồ này vừa được tông đồ Gioan ra cổng đưa vào bên trong (18:16-17); lần hai đang ngồi sưởi (18:18,25) và lần ba khi Chúa Giêsu bị giải sang cho thượng tế Caipha (18:26-27).
Đến đây, Phúc Âm Thánh Luca cho biết hai chi tiết: thứ nhất là lần chối thứ ba cách lần chối thứ nhất 1 tiếng (22:59) và sau lần chối thứ ba Chúa Giêsu quay lại nhìn tông đồ Phêrô (22:61). Như thế, căn cứ vào các chi tiết của Phúc Âm Thành Gioan và Luca thì thời gian Chúa Giêsu ở Dinh Thượng Tế Anna khoảng chừng 1 tiếng đồng hồ, và khi Người được giải sang Dinh Thượng tế Caipha thì đó là lúc Người quay nhìn vị tông đồ chối bỏ mình.
3- Về sự kiện Chúa Giêsu bị phán quyết và lên án ở Dinh Thượng tế Caipha, Phúc Âm Thánh Gioan hoàn toàn không đề cập gì tới, vì Phúc Âm Thánh Mathêu và Phúc Âm Thánh Marcô đã trình thuật lại sự kiện này với những chi tiết giống nhau, bao gồm 3 phần: phần cáo gian, phần vấn đáp và phần kết án (Mt 26:57-67; Mk 14:53-65).
Ngoài ra, cũng ở chỗ Phúc Âm Thánh Gioan im lặng này, riêng Phúc Âm Thánh Mathêu còn thêm một sự kiện nữa, đó là sự kiện tông đồ Giuđa nghe tin Hội Đồng Do Thái lên án tử cho Thày mình và giải Thày đến cho Tổng Trấn Philatô thì cảm thấy hối hận và quyết định đi trả lại tiền bán Thày cho họ rồi đi tự tử (xem Mt 27:1-5).
4- Về sự kiện Người được Tổng Trấn Philatô phân xử, một sự kiện chỉ có Phúc Âm Thánh Gioan là nói rõ nhất, bao gồm 3 màn phân xử rõ ràng: màn thứ nhất (Jn 18:28-38): "Sự thật là gì?" (câu 38) - Chúa Giêsu được Philatô hạch hỏi về vương quyền của Người; màn thứ hai (18:38,19:1-7): "Này là Con Người ấy"- Chúa Giêsu bị Philatô cho hành hạ; màn thứ ba (19:8-16): "Đây là vua của các ngươi"- Chúa Giêsu bị Philatô ra lệnh đóng đanh trước áp lực của dân Do Thái.
Đối với thái độ của dân Do Thái và thẩm quyền Philatô, ở màn 1, Philatô bảo dân Do Thái tự xử nhưng họ trả lời họ không có quyền tố cáo ai, nhưng sau khi hạch hỏi bị cáo, Philatô tuyên bố bị cáo vô tội; ở màn thứ hai, Philatô tính thả bị can nhưng dân chúng đòi tha Baraba, nên ông ra lệnh hành hạ bị can rồi tuyên bố trước mặt dân chúng là bị can vô tội, nhưng bị đám trưởng tế và vệ binh la ó đòi đóng đanh, vì bị can dám cho mình là Con Thiên Chúa; ở màn ba, sau khi hạch hỏi về nguồn gốc thần linh của bị cáo, thẩm quyền Philatô lại đem bị can ra tuyên bố vô tội, nhưng bị dân Do Thái dọa rằng nếu tha cho bị can là ông chống lại hoàng đế Ceasar và Ceasar là vua duy nhất của dân Do Thái chứ không phải bị can Giêsu, Philatô đã đành phải ra lệnh đóng đanh bị can vô tội theo ý dân Do Thái.
Trong vụ phân xử Chúa Giêsu ở Dinh Philatô, còn có một sự kiện không được Thánh Ký Gioan kể tới, vì đã được thuật lại ở Phúc Âm Thánh Luca (22:2-12) đó là sự kiện Chúa Giêsu được giải đến cho quận vương Hêrôđê. Sự kiện này xẩy ra ở màn xử đầu tiên ở Dinh Philatô, sau khi vị tổng trấn này muốn tha cho bị can thì dân Do Thái tố cáo bị can muốn dấy loạn bằng giáo thuyết của mình khởi đầu từ Galilêa là địa dự thuộc thẩm quyền của quận vương Hêrôđê.
Căn cứ vào diễn tiến ở cả Dinh Caipha và Dinh Philatô liên quan tới sự kiện xử án nhân vật Giêsu Nazarét này thì mỗi thẩm quyền nhắm vào một tội danh khác nhau của Chúa Giêsu, tùy theo tính chất của mỗi thẩm quyền. Chẳng hạn, trong khi thẩm quyền Do Thái lên án Người liên quan đến tôn giáo, đến nguồn gốc thần linh của Người, thì thẩm quyền dân ngoại Rôma lại lưu ý tới khía cạnh chính trị, đến quyền bính vua chúa của Người đối với dân Do Thái.
5- Về đoạn đường núi sọ: Thánh Ký Gioan không hề thuật lại tí nào, vì đã có Phúc Âm Nhất Lãm trình thuật, chẳng hạn sự kiện Simon thành Cyrênê bị bắt vác thập giá phụ với Chúa Giêsu, và riêng Phúc Âm Thánh Luca còn thuật lại sự kiện Chúa Giêsu nhắc nhở thành phần phụ nữ thành Gialiêm khóc thương Người (23:27-31).
6- Về Núi Sọ Canvê: Phúc Âm Thánh Gioan có 3 đầu trong 4 chi tiết dưới đây giống với Phúc Âm Nhất Lãm, đó là: Chúa Giêsu bị đóng đanh ở giữa 2 tên trộm, y phục của Người được đám quân lính Rôma bắt thăm chia chác, trên đầu cây thập tự giá của Người có treo tấm bảng đề "Vua Dân Do Thái", và Người bị thẩm quyền Do Thái cùng với dân chúng xỉ nhục và nhạo báng. Ngoài ra, chỉ có Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại những chi tiết đặc biệt khác (19:25-37), như sự kiện dưới chân thập giá của Chúa Giêsu có Mẹ của Người và môn đệ yêu dấu, sự kiện Người trăn trối Thánh Gioan cho Mẹ Người và Mẹ Người cho Thánh Gioan, sự kiện Người kêu "Tôi khát", và sự kiện cạnh sườn của Người bị lưỡi đòng của một người lính Rôma đâm vào, khiến máu cùng nước chảy ra.
Ngoài ra, cũng ở chỗ Phúc Âm Thánh Gioan im lặng này, riêng Phúc Âm Thánh Mathêu còn thêm một sự kiện nữa, đó là sự kiện tông đồ Giuđa nghe tin Hội Đồng Do Thái lên án tử cho Thày mình và giải Thày đến cho Tổng Trấn Philatô thì cảm thấy hối hận và quyết định đi trả lại tiền bán Thày cho họ rồi đi tự tử (xem Mt 27:1-5).
7- Về những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập tự giá, Thánh Gioan thuật lại 4 lời, Thánh Luca 3 lời và Thánh Mathêu với Thánh Marcô chỉ có 1 lời. Tất cả là 8 lời chứ không phải 7, thứ tự như sau: 1- "Cha ơi, xin tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Lk 23:34); 2- "Tôi bảo cho anh biết hôm nay anh sẽ được ở cùng Tôi trên thiên đàng" (Lk 23:43); 3- "Hỡi bà, đó là người con của bà" (Jn 19:26); 4- "Đó là Mẹ của con" (Jn 19:27); 5- "Chúa Trời Con ơi, Chúa Trời Con ơi, sao Ngài lại bỏ rơi Con?" (Mt 27:46; Mk 15:34); 6- "Tôi khát" (Jn 19:28); 7- "Giờ đã hoàn tất" (Jn 19:30); 8- "Cha ơi, Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha" (Lk 23:46).
Phúc Âm Thánh Gioan, theo chu kỳ phụng niên, dù không thuộc về một chu kỳ nào nhất định, cũng được Giáo Hội sử dụng vào các thời điểm phụng vụ đặc biệt, như Mùa Vọng: Chúa Nhật 3 thuộc chu kỳ Năm B; Mùa Giáng Sinh: Đại Lễ Giáng Sinh lễ ban ngày, và Chúa Nhật 2 sau Giáng Sinh; Mùa Chay Các Chúa Nhật 3-5 thuộc chu kỳ Năm A và B, và Chúa Nhật 5 Năm C; Tuần Thánh Ngày Thứ Năm lễ nghi Rửa Chân và Ngày Thứ Sáu nghi thức thương khó; Mùa Phục Sinh: Các Chúa Nhật suốt mùa này; Mùa Thường Niên: Chúa Nhật 2 cho cả 3 chu kỳ A-B-C, Chúa Nhật 17-21 và Lễ Chúa Kitô Vua thuộc chu kỳ Năm B.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL