
 |
Tin Mừng
cho Người Thời Đại
Chúa Nhật 05.10.2008
Lm. Đỗ Vân Lực, op.
|
CUỘC XUNG ÐỘT Ý THỨC HỆ
(Mt 21:33-43)
Cuộc đối thoại tuần qua giữa các vị đại diện Hội Ðồng Giám Mục
Việt Nam và chính phủ đã hoàn toàn bế tắc. Bế tắc nên không thể chấm dứt cảnh
bạo lực, bạo động và bạo hành nơi các cơ quan truyền thông, hệ thống cảnh sát,
công an và lũ côn đồ. Lúc nào chúng cũng đòi lấy mạng những người dám tranh đấu
cho công lý như Ðức TGM Ngô Quang Kiệt và LM Vũ Khởi Phụng.
Nằm sâu trong những ồn ào và bạo loạn đó là cuộc đối kháng giữa
hai ý thức hệ.
Cuộc đối đầu giữa hai ý thức hệ đó đã xuất hiện ngay trong Tin
Mừng hôm nay. Nếu không, tại sao cuộc bạo động và đổ máu khủng khiếp lại xảy ra
ngay tại vườn nho Chúa ? Hãy cố gắng lắng nghe tiếng Chúa hôm nay và nhìn kỹ vào
cuộc chiến thắng cuối cùng để có thể giữ vững niềm tin và tràn đầy niềm hy vọng
giữa bao thách đố hôm nay.
BẠO ÐỘNG ÐẪM MÁU
Vườn nho là biểu tượng của sự sống và hòa bình. Nhưng những kẻ
nắm quyền trong vườn nho một thời gian đã dùng bạo lực và lạm dụng quyền hành để
gây cảnh chết chóc ngay trong vườn nho. Cả bài ngôn sứ Isaia và dụ ngôn Tin mừng
đều diễn tả một thực tế bi đát.
Chủ vườn nho “những mong họ sống công bình,
mà chỉ thấy toàn là đổ máu;
đợi chờ họ làm điều chính trực,
mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.” (Is 5:7)
Ông chủ đã tìm mọi cách để liên lạc với bọn tá điền, nhưng chỉ
được trả lời bằng bạo lực. Nhiều lớp đầy tớ đã được ông sai đi. Nhưng tất cả đều
nếm mùi thất bại ê chề. Ngay cả quý tử của ông cũng bị giết hại. Tới lúc đó, ông
chủ mới vỡ mộng về bọn tá điền. Bất công lớn quá mức ông có thể chịu đựng !
Trước tiên, cả hai nhóm đầy tớ đều đến “để thu hoa lợi,” (Mt
21:34) tức là xác định quyền hưởng dụng tài sản trên vườn nho. Ðại diện cho công
lý, họ lên tiếng đòi hỏi bọn tá điền giữ đúng cam kết. Nhưng tham vọng đã làm
cho bọn này ra mù quáng, không còn nhận ra trách nhiệm tối thiểu. Không những
thế, họ còn phạm những tội ác tầy trời.
Cuối cùng, khi sai người con, ông chủ muốn xác định quyền sở hữu
chủ của mình trên toàn thể vườn nho. Nhưng tận thâm tâm, bọn tá điền đã phủ nhận
quyền tư hữu của cá nhân ông chủ. Ðất đai của toàn dân, chứ không thuộc về một
cá nhân nào. Ai đang nắm quyền, người ấy có thể vận dụng mọi phương tiện để quản
lý theo ý mình. Do đó, họ mới ra tay giết cả con ông chủ để thực hiện mưu đồ.
Thế là bùng nổ cuộc tranh chấp giữa hai ý thức hệ. Một ông chủ nỗ
lực xác định quyền tư hữu của mình trên toàn thể vườn nho. Một bên, các tá điền
(vô sản chuyên chính) quyết hạ tận gốc mọi quyền tư hữu nơi ông chủ bằng một
cuộc cách mạng đẫm máu.
Bọn tá điền đã nghĩ gì khi hành động như thế ? Có lẽ chúng đã
đánh giá mỗi đối tượng theo cách nhìn đầy tham vọng của mình. Dưới mắt chúng,
công lý chẳng có giá trị gì. Chỉ có chủ nghĩa vô sản mới là sức mạnh vô địch.
Ngược với những gì ông chủ nghĩ khi sai người con như người đầy quyền lực, chúng
lại nhìn cậu như người cuối cùng phải thanh toán để chấm dứt nòi giống bọn địa
chủ. Có thế, mới có thể chiếm trọn vẹn gia tài, thỏa mãn mọi tham vọng ngông
cuồng.
Tại sao chúng làm như thế ? Có lẽ chúng thấy vườn nho đang nằm
trong tay, nên phải hành động cấp thời, trước khi ông chủ hiện diện. Khi ông chủ
đến, chúng đã thành một lực lượng “bách chiến bách thắng.” Ông chủ đành phải
chấp nhận thực tế và không thể thay đổi gì được nữa.Chúng muốn đặt ông chủ trong
tình trạng đã rồi. Nhìn thấy cảnh tượng đó, làm sao ông trở tay kịp thời để
lấy lại quyền tư hữu xưa ?.
Nhưng thực tế không đúng như chúng tưởng. Ông chủ sẽ xuất hiện.
Nếu đơn thương độc mã đến vườn nho, chắc chắn ông sẽ bị thanh toán như quý tử.
Nhưng ông sẽ có cách bắt trọn ổ tá điền với bao tham vọng ngông cuồng. Chúng sẽ
tiêu tan cả hình hài cùng với thứ chủ nghĩa quái đản trong đầu chúng. Chỉ vì
không biết rõ mình là ai, cũng chẳng cần biết đến những tương quan ngang dọc cực
kỳ quan trọng trong cuộc sống, nên họ đã đánh mất tất cả !
Một cuộc đổi đời lớn lao sẽ diễn ra chớp nhoáng, khiến bọn tá
điền trở tay không kịp. Số phận chúng đã được an bài. Mọi giá trị sẽ bị
đảo ngược. “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.” Người
Con đã bị giết là chính Thánh Tử Giêsu, Ðấng sẽ phục hồi mọi giá trị và sự sống
đích thực cho những ai xả thân vì Nước Thiên Chúa. .
Một lớp tá điền mới xuất hiện. Tiêu chuẩn duy nhất để tuyển chọn
tá điền mới là phải biết sinh hoa lợi, và nộp cho ông chủ. Như vậy, họ vừa phải
nỗ lực làm việc, vừa phải trung thành với chủ vườn nho là Thiên Chúa. Vì trung
thành, họ sẽ chia sẻ vườn nho là Nước Thiên Chúa với Thánh Tử của Người. Thế là
sau khi mất tất cả, họ được nhận lại tất cả. Họ đã sống như Con Người “không có
chỗ dựa đầu.” Nhưng cuối cùng họ có mọi sự. Nghĩa là, quyền tư hữu được phục hồi
trọn vẹn.
VẤN ÐỀ MẤU CHỐT
Tham vọng chiếm đoạt vườn nho của bọn tá điền bắt nguồn từ sự phủ
nhận quyền tư hữu của ông chủ. Chính tham vọng đó đã gây nên thảm trạng trong
vườn nho. Tương tự, hiện nay, vì những bất cập trong luật pháp Việt Nam, nhất là
việc phủ nhận quyền tư hữu, đã gây bao thảm cảnh cho dân tộc và Giáo Hội Công
Giáo Việt Nam.
Sinh ra đời, ai cũng muốn có của cải riêng. Quyền tư hữu là một
quyền rất tự nhiên của con người. “Tư hữu và các hình thức khác của quyền tư hữu
‘bảo đảm cho con người một nơi rất cần thiết để thực thi sự độc lập của cá nhân
và gia đình. Quyền tư hữu phải được coi như việc mở rộng quyền tư do con người.
Khi giúp con người thi hành trách nhiệm, quyền tư hữu là một trong những điều
kiện đạt tới tự do xã hội.’ Quyền tư hữu là một yếu tố nòng cốt vạch định chính
sách chính thức cho xã hội và kinh tế trong chế đô dân chủ. Quyền tư hữu bảo đảm
cho xã hội một nền trật tự đúng đắn.”[i]
Quyền tư hữu cũng vạch ra một giới hạn con người phải tôn trọng. Nếu
không có quyền tư hữu, người ta có thể xâm phạm của người khác dễ dàng, nhất là
khi có quyền bính trong tay. Tham vọng sẽ hướng dẫn những kẻ cầm quyền vượt qua
mọi giới hạn để thực hiện mưu đồ cá nhân hay tập thể.
Không những phải nhận ra giới hạn của mình, nhưng người cầm quyền
còn có bổn phận thiết lập luật pháp để “bảo đảm quyền tư do cá nhân và quyền tư
hữu.”[ii]
Có thế con người mới có thể sống trong một xã hội ổn định và phát triển.
Nếu không tôn trọng tự do và quyền tư hữu của con người, nhà cầm quyền đã tạo
một khoảng trống rất lớn trong tiến trình hội nhập với trào lưu văn minh nhân
loại và hạnh phúc dân tộc. Nơi khoảng trống đó toàn thấy bạo loạn và đổ máu.
Cuộc bạo loạn trong vườn nho Chúa là một minh chứng hùng hồn.
Trước tình hình lộn xộn hiện nay ở Việt Nam, HÐGMVN đã vạch ra
ngay mấu chốt vấn đề : “Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng
vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã
hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người
dân.”[iii]
Một khi quyền lợi chính đáng không được quan tâm, người dân còn tinh thần đâu để
xây dựng ? Cuộc sống trì trệ kéo theo bao đổ vỡ lớn lao về mọi mặt luân lý, xã
hội, gia đình, giáo dục v.v. Không biết bao giờ mới có thể lấy lại được niềm tin
con người và ổn định cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc.
ÐỐI DIỆN BẤT TƯƠNG PHÙNG
HÐGMVN đã dứt khoát và mạnh mẽ chủ trương quyền tư hữu là mấu
chốt giải quyết mọi vấn đề. Chủ trương như thế có phù hợp với lập trường của nhà
cầm quyền Việt Nam không ?
Hôm 01/10/2008, sau khi kết thúc Hội nghị thường niên, Hội đồng
giám mục Việt Nam, do chủ tịch là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn dẫn đầu đã đến
gặp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mở đầu cuộc gặp gỡ, “Thủ tướng Việt Nam nhắc lại
lập trường cố hữu của Hà Nội là theo pháp luật và Hiến Pháp Việt Nam hiện hành,
đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại.”[iv]
Như thế làm sao có quyền tư hữu ? (Những ai đang hí hửng về Việt Nam mua nhà đất
phải lưu ý đến sự kiện này !) Quyền tư hữu đã bị phủ nhận hoàn toàn, còn có thể
nói gì với nhau ?
Ðể áp đảo những người đòi quyền tư hữu, cả một bộ máy truyền
thông và một hệ thống quân đội, cảnh sát cũng như bọn côn đồ đã bạo hành trong
lời nói cũng như hành động. Ông Thủ tướng là người dẫn đầu và gây nên cảnh bạo
hành đó. Ông chính thức và công khai lên án TGM Ngô Quang Kiệt đã ''thiếu tôn
trọng và hợp tác với chính quyền Hà Nội, có những lời lẽ thách thức Nhà nước,
xúc phạm dân tộc, coi thường vị thế đất nước.”[v]
Suốt cuộc gặp gỡ ông Thủ tướng, các GMVN chỉ nghe thấy những lời
kết án và hù dọa. “Thủ tướng Việt Nam tuyên bố là Nhà nước sẽ không dung thứ
những vụ tập hợp cầu nguyện đòi lại đất ở giáo xứ Thái Hà, số 178 Nguyễn Lương
Bằng và tòa Khâm sứ cũ, số 42, Nhà Chung. Ông yêu cầu Hội đồng giám mục có quyết
định chấm dứt những hành vi đó, để không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Giáo hội
với Nhà nước cũng như giữa Việt Nam với Vatican.”[vi]
Chẳng biết lời đe dọa đó có đem lại ích lợi cho ai không ?
Cứ tưởng biện pháp hành chánh do UBND thành phố Hà Nội hù dọa Ðức
Tổng chỉ là chuyện cấp dưới sai lầm.Chắc hẳn khi gặp nhân vật cao cấp chóp bu
này, các vị đại diện HÐGMVN cũng hy vọng ông giữ lời hứa và có cái nhìn sáng
suốt hơn cấp dưới. Ai dè đầu óc của một nhân vật cao cấp nhất trong bộ máy hành
chánh nhà nước cũng “sè sè ngọn cỏ” mà thôi !
Nhân danh “đạo đức cách mạng,” ông lên án Ðức Tổng Kiệt là sai
trái. Ông còn yêu cầu Đức Tổng giám mục Hà Nội khắc phục những sai trái. Truyền
thông nhà nước hay Ðức Tổng sai trái ? Tại sao ông không khắc phục những sai
trái của hệ thống truyền thông của ông đi ?! Chẳng lẽ ông cũng không thấy được
những sai trái của truyền thông ? Hay ông cố tình tạo ra những sai trái đó ?
“Xin nhắc lại là trong những ngày qua, báo chí Việt Nam đã liên
tục đả kích Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, nhất là dựa trên một câu nói bị
cắt xén khỏi bản tuyên bố của Đức Cha khi gặp Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội
ngày 20/09/2008. Trong bản trình bày quan điểm của Hội đồng giám mục công bố
ngày 27/09 vừa qua, các giám mục Việt Nam đã lên án việc các phương tiện truyền
thông Việt Nam bóp méo, cắt xén thông tin. Nhiều vị giám mục với tư cách cá nhân
trong những ngày qua cũng đã bày tỏ sự ủng hộ Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt.”[vii]

Vị Lãnh Ðạo Giáo Hội đầy sáng kiến và can đảm !
Hiện nay, “theo hãng tin Công giáo Asia News của Ý, chính quyền
Hà Nội đang gây áp lực buộc Đức Cha Ngô Quang Kiệt từ chức, bằng cách đặt
camera quay phim chung quanh Tòa Tổng giám mục, đặt thiết bị nghe lén điện thoại,
thuê người đi biểu tình phản đối Đức Tổng Giám mục. Bất cứ ai ra vào Tòa Tổng
Giám mục đều bị quay phim, còn Đức Cha Ngô Quang Kiệt coi như đang trong tình
trạng quản thúc tại gia.”[viii]
Tóm lại, trên mảnh đất Tòa Khâm Sứ và Linh Ðịa Giáo xứ Thái Hà
hôm nay, đang diễn ra một cảnh tượng y hệt vườn nho của Chúa ngày xưa. Các tá
điền thi nhau tác oai tác quái trên các tôi tớ Chúa. Nhưng cuối cùng, dù có bị
giết hay loại bỏ, Người Con sẽ trỗi dậy cùng với các người tôi tớ. Người sẽ trở
thành “đá tảng góc tường” để xây nên Nước Chúa ở trần gian. Ðó là nguồn hy vọng
của chúng ta. Chính vì thế, giữa thử thách trăm bề hôm nay, “anh em đừng lo lắng
gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn,
mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.” (Pl 4:6)
Lạy Chúa, xin Chúa ban thêm ơn khôn ngoan, can đảm và niềm an
ủi cho Ðức TGM Ngô Quang Kiêt và đoàn chiên của Ngài ! Amen.
đỗ lực, 5.10.2008
[i]
Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 176.

|