CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ

Ga 2,13-22

9-11-2008

Lời giới thiệu về……………….. Thánh đường LATERANÔ                 02

Đức Giêsu tẩy uế đền thờ……. Lm. PX Vũ Phan Long, ofm              03

CH Thánh Đường  LATÊRANÔ Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR         16

LATÊRANÔ và những đền thờ..Lm Vũ Xuân Hạnh                                 17

Đền thờ Thiên Chúa…………… Lm. Joseph Phạm Thanh Liêm,S.J.  22

Đền thờ Thiên Chúa…………… Lm Trần Thanh Sơn              25

Đền thờ Thiên Chúa là nơi ….. Lm  Trần bình Trọng             30

Từ Thanh Tẩy đến đền thờ G…Lm Trần Ngà                         32

Nhà cầu nguyện …………… …. Lm Gioan Trần Đình Khả                  36

Viên đá đỉnh góc………………. Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm    39

Hãy trã lại sự thánh thiêng…....Lm Jos Tạ Duy Tuyền                           49

Vào thánh đường là vào nhà....Phaolô Phạm Xuân Khôi                     51

 

   

 

Lời giới thiệu về

THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ

 

 

 

 

 

Đền Thờ Thánh Gioan ở khu Laterano là thánh đường đầu tiên của Giám Mục Roma và cũng là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Roma. Nhà thờ này là “Mẹ và Đầu” (Mater et Caput”) của tất cả các nhà thờ trên thế giới.

 

Năm 313, sau khi ra chiếu chỉ ở Milano cho giáo hội được tự do hành đạo, Hoàng Đế Constantine cho xây đền thờ ở Laterano trong thời gian 313-318 để dâng kính Chúa Cứu Thế. Thời Đức Giáo Hoàng Gregorio I (590-604) đền thờ được dâng kính cả Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Tông Đồ. ĐGH Lucio II đã ấn định tên đền thờ như hiện nay, Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano, năm 1144.Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 14, đền thờ này là trung tâm của giáo hội Roma, trụ sở và biểu tượng của Đức Giáo Hoàng.

 

Như các đền thờ khác, Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano nhiều lần bị tàn phá, hỏa hoạn, hoang tàn sau hơn 73 năm vắng chủ khi giáo triều dời về Avignon, Pháp, đươc xây lại như ngày nay thời ĐGH Sisto V (1585-1590).

 

Thánh đường dài 130m, có 5 gian. Gian chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Bước vào đền thờ, bên phải có đàn phong cầm vĩ đại với hai ngàn ống. Sau tòa giám quản có Giếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính Hoàng Đế Constantine được ĐGH Silvestro rửa tội nơi đây). Ngoài nhà thờ, bên hông trái, có tháp bút cao nhất (47m) và cổ kính nhất ở Roma bằng đá hoa cương đỏ của Ai Cập có từ thế kỷ 14 trước Chúa KiTô. Là Mẹ của các nhà thờ và là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Roma, đền thờ Thánh Gioan ở Laterano nhắc nhở các tín hữu “hồng ân rửa tội” với tất cả ý nghĩa của ơn này và mời gọi các tín hữu cảm tạ Thiên Chúa bằng chính cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong Đức

 

ĐỨC GIÊSU TẨY UẾ ĐỀN THỜ

Gioan 2,13-22

Đền Thờ Latêranô là nhà thờ chính tòa của giám mục Rôma, nên cũng là nhà thờ của các nhà thờ địa phương. Từ muôn đời, Thiên Chúa vẫn tìm cách cư ngụ giữa loài người, cho dù chẳng có một công trình kiến trúc vật chất nào có thể thật sự là nhà của Người. Kinh Thánh diễn ta điều này bằng cách nói rằng đền thờ của Thiên Chúa do Thiên Chúa chứ không do tay loài người làm ra.

 

Lm. FX Vũ Phan Long, ofm

 

I. NgỮ cẢnh

Lần đầu tiên, tác giả Gioan có một bản văn song song với các TMNL (Mc 11,15-19 ;  Mt 21,12-17;  Lc 19,45-48). Tuy nhiên, có những khác biệt:

-         Trong khi TM IV đặt biến cố này vào đầu sứ vụ của Đức Giêsu, các TMNL lại đặt ở đầu tuần Khổ Nạn. 

-         Lý do đã thúc đẩy Đức Giêsu can thiệp được gợi hứng bởi các bản văn ngôn sứ, cũng không giống nhau: “một nơi buôn bán” (Ga 2,16) thì nhắm đến chuyện mua qua bán lại,  còn “sào huyệt của bọn cướp” (Mc 11,17 và //) thì hàm chứa một cáo giác về sự trộm cắp.

-         Cuối cùng, cuộc cãi vã giữa Đức Giêsu và các đối thủ xảy ra ngay sau đó (theo Ga), hoặc lại vào ngày hôm sau (theo các TMNL : Mc 11,28 và //).

 

Trong quá khứ, người ta thường đề nghị một giả thuyết, theo chiều hướng tương phù (concordism):  Đức Giêsu đã đuổi những người buôn bán khỏi Đền thờ 2 lần, vào đầu sứ vụ (Ga) và cuối sứ vụ (TMNL). Nhưng dường như khó tin được rằng Đức Giêsu có thể lặp lại được một thách đố như thế đối với giới lãnh đạo Do-thái giáo. Đàng khác, giữa bản văn của Ga và của các TMNL có những nét tương đồng, khiến người ta phải nghĩ rằng hầu chắc các bản văn ấy đều đề cập tới một biến cố duy nhất: nơi cả hai bên, ta đều thấy cùng một cơ hội đã khiến Đức Giêsu làm cử chỉ ấy (sự hiện diện của những người buôn bán và đổi tiền trong Đền thờ), có một lời Đức Giêsu trách mắng những người bán hàng, sự can thiệp của các thủ lãnh Do thái, và nhất là dây liên hệ chặt chẽ giữa hành động này và cái chết của Đức Giêsu (Ga 2,17.19; Mc 11,18; Lc 19,47).

 

Vậy phải chọn giữa bài của Gioan và bài của TMNL: bài nào đã đặt biến cố này vào đúng thời điểm?

 

1. Đa số các nhà chú giải Công giáo và nhiều nhà chú giải Tin lành ủng hộ bài của Gioan. Luận điểm chính nằm trong chi tiết về thời gian do 2,20 cung cấp: Công việc xây dựng Đền thờ bắt đầu từ năm 20/19 tr CG (Fl. Josèphe, Ant XV, 380); vào lúc này là năm 28/27 sau CG: thời điểm này phù hợp với khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu hơn. Khi đó, người ta hiểu các TMNL đã đặt biến cố này vào cuối sứ vụ của Đức Giêsu, bởi vì các TMNL chỉ nói đến một chuyến đi lên Giêrusalem duy nhất và một lễ Vượt Qua duy nhất.

 

2. Những người nghiêng về các TMNL thì ghi nhận trước tiên rằng dây liên kết giữa thách đố này của Đức Giêsu và cái chết của Người không mấy phù hợp với thời gian khởi đầu sứ vụ của Người. Tại cuộc xử án Đức Giêsu, lời của các nhân chứng nhắc lại câu tuyên bố của Người về việc phá Đền thờ giả thiết là sự việc mới xảy ra, nên người ta còn nhớ rõ. Nhưng luận điểm mạnh nhất, là tác giả Gioan đã đưa bài tường thuật này ra đầu sứ vụ của Đức Giêsu, vì ngài trung thành với quan điểm ngài đã biểu lộ trong bài tường thuật Dấu lạ Cana (2,4.11): ngài muốn quy hướng toàn thể sứ vụ của Đức Giêsu ngay từ đầu về “giờ” Khổ Nạn của Người; hơn nữa, ngài muốn rằng Do-thái giáo chính thức được chứng kiến Đức Giêsu biểu lộ tư cách Mêsia của Người ngay từ đầu, để những người Do-thái phải ở trong một tư thế bị phán xét. Nói cho cùng, thật khó chọn bài nào, bởi vì cả hai luận đề đều có những lập luận vững chắc.

 

II. BỐ cỤc

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1-     Đức Giêsu tẩy uế Đền thờ (2,13-17);

2-     Đức Giêsu nói về phá hủy và xây dựng lại Đền thờ (2,18-22). 

 

III. Vài điỂm chú giẢi

- Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái (13):

Thời gian của dấu lạ này dĩ nhiên gợi nhớ tới lễ Vượt Qua trong đó Đức Giêsu sẽ bị xử tử. Tương quan giữa việc tẩy uế Đền thờ và cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu đã được ám chỉ. Mc 11,18 và Lc 19,47t sẽ ghi nhận rằng sự can thiệp của Đức Giêsu, vì kết án cả giới lãnh đạo Do-thái giáo, sẽ khiến các thượng tế và các kinh sư quyết định “giết Người”.

 

- trong Đền thờ (en tôi hiêrôi, 14): Đây là tiền đường của Đền thờ (đối lại với naos là Đền thờ đúng nghĩa, gần gian Thánh và gian Cực Thánh).

 

- Các môn đệ của Người nhớ lại (17): Sau khi Đức Giêsu sống lại, khi Thánh Thần đã ban cho các ông hiểu các dấu chỉ Thầy đã làm, các môn đệ đã hiểu biến cố hôm nay:

 

- Người Do-thái (18):  Trong thực tế, đây là giới lãnh đạo Đền thờ (các tư tế, các thầy Lêvi và vệ binh), những người chịu trách nhiệm về tình trạng vừa bị Đức Giêsu kết án. Như ở khắp nơi trong Tin Mừng, tác giả Gioan không phân biệt giữa các nhà lãnh đạo và dân Do-thái đã từ chối tin vào Đức Kitô. Vậy phải nói là toàn thể hệ thống phượng tự của dân này đang được đề cập đến.

 

- Các ông cứ phá hủy (làm tan rã) Đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (sẽ đánh thức dậy) (19): Câu này có thể hiểu là một mệnh lệnh: “Các ông hãy phá hủy...”, hoặc như một câu ở thì tương lai: “Các ông sẽ phá hủy...”, hoặc như một câu giả thiết: “Cứ giả sử là các ông phá hủy...”. Thật ra, các động từ “làm tan rã” (lyô) và “đánh thức dậy” (egeirô) không phù hợp chút nào với một tòa nhà vật chất cả.

 

- bốn mươi sáu năm (20): Đền thờ, với phần cung thánh và tiền đường, đã được vua Hêrôđê rộng tay chi tiền sửa sang lại thật huy hoàng. Khởi công vào năm 16 triều đại ông (x. Fl. Josèphe, Ant. jud., 15, 11, 1) vào năm 734-735 thành Rôma, là năm 20-19 tr. CG, các công việc đã kéo dài cho tới thời Tổng đốc Anbinô, năm 62-64 (Ant. jud., 20, 9, 7). Vào thời điểm của bài tường thuật này, chúng ta ở vào năm xây dựng thứ 46. Lấy khởi điểm là năm 20 hoặc 19, sự cố tẩy uế Đền thờ đã xảy ra vào lễ Vượt Qua năm 27 hoặc 28. Điều này phù hợp với Lc 3,2, vì bản văn này đã xác định phép rửa của Đức Giêsu xảy ra vào năm 15 triều đại Tibêriô, tức giữa ngày 1-10-27 và 30-9-28.

 

- ... là chính thân thể Người (21): Đền thờ mới sẽ thay thế Đền thờ cũ đã bị tục hóa chính là thân thể phục sinh của Đức Kitô. Với lời giải thích của thánh Phaolô (x. 1 Cr 3,16 và 12,27; Ep 2,21 và 4,12), Đền thờ mới là Giáo Hội, thân thể vinh hiển của Đức Kitô phục sinh, và tất cả các tín hữu được kết hợp với Người.

 

- Vậy, khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại... Họ tin (22): Máccô cứ đều đặn ghi nhận rằng các môn đệ không hiểu. Gioan thì nói cách tích cực rằng các môn đệ hiểu sau khi Đức Kitô đã sống lại (12,16). Chỉ khi Đức Giêsu được tôn vinh, các ông mới được nhận Thánh Thần (7,39), và Thánh Thần mới cho các ông hiểu tất cả những dấu lạ Đức Giêsu đã thực hiện (14,26; 15,26t). Vậy, đức tin của các môn đệ không được liên kết với cuộc Phục Sinh như với một bằng cớ về tính xác thực của những gì Đức Giêsu đã nói, nhưng như với nguyên do (= nguồn) ban Thánh Thần, là Đấng duy nhất cho phép hiểu.

 

- Họ tin vào Kinh Thánh (22): Không thể xác định rõ tác giả Gioan ám chỉ tới đoạn Cựu Ước nào. Có thể so sánh Cv 2,24t; 13,34tt, trong đó có những bản văn thường được Giáo Hội tiên khởi nhắc đến trong quan hệ với sự Phục Sinh của Đức Giêsu (đặc biệt Tv 16/15,10). Chúng ta ghi nhận rằng Kinh Thánh (Lời Thiên Chúa) và lời Đức Giêsu được đặt trên cùng một bình diện (so sánh 18,9.32) để làm nên đối tượng đức tin của các môn đệ.

 

IV. Ý nghĩa cỦa bẢn văn

 

Đức Giêsu cũng tham dự vào một đại lễ khác. Đây không phải là một lễ của một đôi vợ chồng được cử hành bởi gia đình và mọi người thân thuộc trong khung cảnh một thôn làng như Cana ở Galilê, nhưng là lễ Vượt Qua, lễ trọng nhất của Ít-ra-en, khi đó toàn dân quy tụ lại Giêrusalem. Ít-ra-en tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi Ai-cập và tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã làm cho họ thành một dân độc lập và thành Dân Ngài.

 

 

* Đức Giêsu tẩy uế Đền thờ (13-17)

Tại Đền thờ, Đức Giêsu đã không góp phần cứu lấy và gia tăng niềm vui của ngày đại lễ, nhưng đã hòa vào cảnh sống náo nhiệt trên sân Đền thờ. Con người đã rảo qua xứ sở cách an hòa (1,29.36) và đã ra tay cứu lễ mừng Cana cách hiệu quả, nay lại tỏ mình ra dưới một phương diện hoàn toàn khác. Là một người khách hành hương vô danh đến từ miền Galilê, Người đã gây ra một sự cố “động trời” tại Đền thờ Giêrusalem. Theo TM IV, vào chuyến hành hương đầu tiên thuộc đời sống công khai của Người, Đức Giêsu đã bắt đầu hoạt động tại Giêrusalem như thế đó, bắt đầu từ sân dành cho Lương dân, phần ít cao quí nhất của tiền đường, phần duy nhất mà người ngoại quốc được đặt chân đến.

 

Truyền thống vẫn yêu cầu người ta tỏ ra trang nghiêm kính cẩn tại vùng sân này, chẳng hạn, phải tránh đi qua đó chỉ để đi tắt. Nhưng các qui định này, đặc biệt vào dịp lễ Vượt Qua, không được tuân giữ: do khách hành hương phải chuẩn bị các của lễ đúng quy định (một con bò hoặc một con chiên cho trường hợp những người giàu, một con bồ câu cho trường hợp những người nghèo), và một nửa đồng bạc Do-thái (một siklos, hoặc shéqèl bằng 4 ngày công) đóng thuế Đền thờ, họ đã mua bán đổi chác gây huyên náo hỗn độn ngay tại đây. Các cửa hàng của những người bán bò và chiên được bố trí dưới các cổng, bàn của những người đổi bạc được đặt ngay ngoài trời, đã biến vùng sân này thành một cửa hàng tạp hóa vĩ đại. Tất cả tùy thuộc cách người ta quan niệm việc thờ phượng Thiên Chúa trong Đền thờ. Hẳn là dân chúng nghĩ rằng có thú vật và tiền lẻ ngay tầm tay và đặt mọi sự dưới quyền kiểm soát  của giới hữu trách Đền thờ là tiện nhất. Nhưng điều này lại không phù hợp với quan niệm của Đức Giêsu về nhà của Cha Người. Người gọi Thiên Chúa là Cha và xác định cách cư xử dựa trên ý tưởng Người có về nhà Thiên Chúa. Không phải là mọi chuyện đều có thể chấp nhận. Không phải là cứ chuyện nào tiện lợi hoặc đưa lại tiền bạc là đúng đắn. Buôn bán thú vật được dùng làm lễ hy sinh là một sinh hoạt đáng trọng, nhưng phải cách xa nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa và nơi người ta tôn kính Ngài. Đức Giêsu thấy có những lạm dụng.

 

Nay đã được đặt để trong chức năng Mêsia-Con Thiên Chúa, Đức Giêsu không chỉ vào Nhà Thiên Chúa như một khách hành hương, mà còn là người quản lý và chủ nhân. Nếu Người đã làm hành vi chứng tỏ uy quyền này ngay tại Đền thờ có lẽ là để tự mạc khải ngay giữa lòng Do-thái giáo, trước mặt các nhà lãnh đạo và đám đông đa tạp các khách hành hương, nhờ thực hiện sấm ngôn Malakhi: “Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mới mà các ngươi đợi trông đang đến... Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim... Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi (các thừa tác viên Đền thờ)...” (Ml 3,1-3).

 

Không màng tới các rủi ro, Đức Giêsu không ngần ngại nối kết sức lực của cánh tay vào sức mạnh của lời nói để thực hiện nguyện vọng của Cha Người, được diễn tả qua miệng ngôn sứ Dacaria: “Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (Dcr 14,21). “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Is 56,7), nhưng “Phải chăng các ngươi coi nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, là hang trộm cướp sao?” (Gr 7,11). Đức Giêsu đã can thiệp với biện pháp rõ ràng và dứt khoát: “Người xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: ‘Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây’” (2,15-16). Trong nhà Chúa Cha, Chúa Cha đang hiện diện; người ta phải suy nghĩ và hành động tương ứng với chân lý này.

 

Cử chỉ này, trực tiếp nhắm đưa Đền thờ trở lại với sự thanh sạch vẫn có, dường như có một tầm mức biểu tượng. Bằng cử chỉ này, Đức Kitô muốn nói rằng Người sẽ truất các tư tế mất quyền điều hành Đền thờ Thiên Chúa và sẽ loại bỏ tất cả các lễ hy sinh thú vật để thay thế bằng lễ dâng tinh tuyền mà Thiên Chúa cũng đã loan báo qua miệng ngôn sứ Malakhi: “Ta chẳng ưng nhận lễ phẩm từ tay các ngươi dâng... Và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta” (Ml 1,10-11). Đúng là đã tới giờ rồi.

 

Vào lúc ấy, hẳn là sự can thiệp cương quyết của Thầy đã khiến các môn đệ thắc mắc, nhưng nhất là khiến các ông lo sợ rằng Người sẽ phải gánh chịu những hậu quả tệ hại, từ phía những lái buôn và những thừa tác viên Đền thờ. Khi đó, các môn đệ đã nghĩ tới tiếng kêu của tác giả Thánh vịnh 69/68: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân...”, thiệt thân vì sự nhiệt thành của mình và vì những đối thủ. Vào lúc chịu Khổ Nạn, khi tuyên bố rằng Thánh vịnh này được ứng nghiệm nơi Người (Tv 69/68,5; x. Ga 15,15), Đức Giêsu công nhận rằng các ông đã linh cảm đúng: sự nhiệt thành đã thiêu đốt Người bên trong vào lễ Vượt Qua đầu tiên, sẽ thiêu đốt Người hoàn toàn vào lễ Vượt Qua cuối cùng, để biến Người thành một lễ hy sinh “đẹp lòng Chúa hơn bò bê đủ móng đủ sừng” (Tv 69/68,32). Người chính là Đấng công chính chịu đau khổ để thanh tẩy Đền thờ và nền phượng tự cũ hầu xây dựng một Đền thờ mới và thiết lập một nền phượng tự mới (cc.19-21). Việc chuyển đi từ cái cũ sang cái mới sẽ được thực hiện nhờ cái chết của Đức Giêsu.

 

* Đức Giêsu nói về phá hủy và xây dựng lại Đền thờ (18-22)

 “Người Do-thái” đây là giới lãnh đạo Đền thờ (các tư tế, các thầy Lêvi và vệ binh),  nhưng cũng là dân Do-thái, đã hỏi: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (c. 18). Đây là đề tài căn bản của tất cả những xung đột sau đó giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo Do-thái giáo. Người đã yêu cầu trả lại phẩm cách trang nghiêm cho nhà Chúa Cha; điều này không thỏa mãn người Do-thái, cũng như tất cả những gì Đức Giêsu sẽ nói và sẽ làm cũng chẳng thỏa mãn họ (x. 5,16; 6,30; 9,16; 11,45-53). Hẳn là các nhà chức trách Do-thái cảm thấy khó chịu gai chướng bởi một sáng kiến vừa lạ lùng vừa cách mạng như thế: dù không có chức tư tế và không có nhiệm vụ gì ở Đền thờ, Đức Giêsu vừa kết án một hệ thống được các nhà chức trách chuẩn nhận, mà như thế là tự cho mình có một uy quyền cao hơn uy quyền của họ. Thậm chí Người còn muốn nói là Người triệt tiêu nền phượng tự đã từng được Thiên Chúa thiết lập ở đấy, và như thế là tự gán cho mình có một uy quyền ngang bằng với uy quyền của Thiên Chúa mà Người gọi là “Cha Người”! Bởi vì Người cho rằng Người có một uy quyền thần linh, thì Người phải chứng minh điều ấy bằng cách làm một dấu lạ: một hành động phi thường cho thấy dấu ấn của Thiên Chúa trên sứ mạng cứu thế của Người (x. Mt 11,38; 16,1; Mc 8,11; Lc 11,16; 1 Cr 1,22).  

 

Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy (làm tan rã) Đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (sẽ đánh thức dậy)” (c. 19). Câu này có thể hiểu là một mệnh lệnh: “Các ông hãy phá hủy...”, hoặc như một câu ở thì tương lai: “Các ông sẽ phá hủy...”, hoặc như một câu giả thiết: “Cứ giả sử là các ông phá hủy...”. Với bối cảnh của cuộc tranh luận, Đức Giêsu dường như ám chỉ việc phá hủy và xây lại ngôi Đền thờ bằng đá tọa lạc ngay gần bên. Người Do-thái nghĩ ngay đến Đền thờ ấy, và cho rằng không thể được. Quả thật, phải là điên thì mới nghĩ có thể xây lại trong ba ngày; cũng phải là điên thì mới nghĩ rằng có thể đụng chạm được tới Đền thờ này! Cứ lấy lương tri mà xét, lẽ ra người Do-thái không nên gán những ý tưởng ấy cho một người có đầu óc sáng suốt: là những người Đông phương, đã quen với giọng văn bóng bảy cũng như những câu nói hiểm hóc, hẳn là họ phải ngờ rằng ở đây có một ý hướng biểu tượng, nhất là những động từ “làm tan rã” (lyô) và “đánh thức dậy” (egeirô) không phù hợp chút nào với một tòa nhà vật chất cả. Nhưng họ cố ý xoáy vào ý nghĩa vật chất, cũng như người phụ nữ Samari khi đề cập tới nước ban sự sống (4,11-15), như những người Do-thái khi đề cập tới bánh ban sự sống (6,34) [xem lời các nhân chứng tạo tòa án (Mt 26,61; Mc 14,58) và những người qua đường (Mt 27,40; Mc 15,29)]. Dấu lạ Đức Giêsu loan báo ở đây tương ứng với câu trả lời cho người Pharisêu trong Mt 12,39t và 16,4.

 

Người Do-thái quy các lời Đức Giêsu nói vào ngôi Đền thờ bằng gạch đá nên đã hiểu sai ý Người (x. 3,4). Đức Giêsu đang nói với họ: Các ông có thể giết chết tôi. Các ông có thể đẩy tôi đến thử thách lớn lao cùng cực nhất. Nhưng rồi tôi sẽ hoàn tất công trình của tôi và sẽ tự mạc khải ra vĩnh viễn.

 

Phần các môn đệ, sau khi Đức Giêsu sống lại, các ông mới hiểu được ý nghĩa của câu nói huyền bí ấy, và “đã tin vào lời Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói” (c. 22). Nhưng ở đây tác giả Gioan cho chúng ta được hiểu trước biến cố ấy: Đức Giêsu nói, không phải về Đền thờ bằng gạch đá, nhưng hoàn toàn về Đền thờ là thân thể của Người, nhân tính của Người. Các từ ngữ Người dùng phù hợp với ý nghĩa đó hơn: “Cứ làm tan rã Đền thờ là thân thể của tôi đi (Các ông sẽ gây ra sự tan rã, cái chết, cho thân thể tôi), và trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại (sẽ đánh thức dậy khỏi giấc ngủ ấy)”. Đàng khác, ý nghĩa hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh. Nếu các môn đệ đã linh cảm rằng lòng nhiệt thành của Đức Giêsu đối với ngôi nhà vật chất của Thiên Chúa sẽ khiến Người bị các đối thủ hãm hại (c. 17), Đức Giêsu còn biết rõ hơn các ông rằng cử chỉ này sẽ đưa Người tới cái chết. Như vậy, cái chết đối với Đức Giêsu không phải là một tai nạn bất ngờ hoặc một thất bại không thể tránh được, nhưng là một thử thách Người tự do chấp nhận, để rồi tiếp theo là một Sự Sống dồi dào phong phú hơn. Đã được báo trước như vậy, người Do-thái sẽ không thể coi đó là một chiến thắng, còn các môn đệ không thể coi đó là một cớ vấp phạm được.

 

Ở đây, ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này, ta đã thấy rõ các hậu quả của cuộc xung đột sẽ là thế nào và mục tiêu của con đường Đức Giêsu theo là gì: chết và sống lại. Cuộc Phục Sinh sẽ chuẩn nhận cho tư cách của Đấng đã bị đẩy đến một cái chết khốc liệt do việc làm và yêu sách của Người. Do cái chết này, Đền thờ mới sẽ được xây lên. Đức Giêsu Phục Sinh là “nơi” vĩnh viễn có Thiên Chúa hiện diện với Dân Ngài và có Dân Ngài thờ phượng Thiên Chúa: đây là “ngôi nhà Cha” hoàn hảo. Lời tiên báo của Đức Giêsu một phần cảm hứng từ một sấm ngôn của ngôn sứ Hôsê (Hs 6,2). Theo lời hứa của Đức Giêsu cho ông Nathanaen, các môn đệ khi ấy sẽ thấy Thầy họ là “Bết-Ên” thật, là Nhà Thiên Chúa và Cửa thiên đàng (1,51). Một cách gián tiếp, Đức Giêsu mạc khải cho các thính giả rằng Chúa Cha cư ngụ nơi Người một cách viên mãn và vĩnh viễn (8,16; 10,38; 14,10;16,32) và chỉ nơi Người, các tín hữu mới có thể gặp được Chúa Cha vô hình (14,6-10).

 

+ Kết luận

Hôm ấy, Đức Giêsu đã vào Đền thờ như vào “nhà Cha Người”; hôm ấy, vì  yêu thương Chúa Cha, Người đã đuổi những con buôn khỏi Đền thờ. Vì nhiệt thành lo cho nhà của Cha, vì muốn hoàn toàn dành ngôi nhà này cho Cha, Đức Giêsu đã nổi cơn nghĩa nộ mà bảo vệ quyền lợi của Cha, trong khi vẫn làm chủ chính mình. Như thế, Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, là bạn của kẻ tội lỗi, cũng biết nổi giận khi cần, vì vinh quang của Thiên Chúa Cha. 

 

Sau này, đàng sau tấm màn bị xé rách của Đền thờ và xuyên qua thân thể bầm dập của Đức Giêsu hấp hối, Thiên Chúa xuất hiện, bằng một tấm thân con người thật sự, đầy vinh quang thần linh. Giấc mơ của Cựu Ước, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, nay được thực hiện mãi mãi trong Đức Giêsu Phục Sinh.

 

V. GỢi ý suy niỆm

1. Theo Đức Giêsu, người ta không thể chấp nhận hay nhượng bộ mọi sự. Người ta có thể thông cảm cho việc trục trặc này, chuyện không xuôi chảy kia. Nhưng khi sự việc liên hệ đến việc thờ phượng Thiên Chúa, thì không được phép có lối suy nghĩ tương-đối-hóa. Khi sự việc liên hệ đến làm chứng cho mầu nhiệm Thiên Chúa, thì không được phép nửa vời. Phần chúng ta, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta đang có quan niệm nào về “nhà của Cha”, hoặc về nhiệm vụ và mục tiêu mà Ngài đã ban cho con người? Chúng ta có vận dụng trọn bản thân mình cho điều đó không?    

 

2. Các đối thủ của Đức Giêsu cứ đòi Đức Giêsu phải trưng ra thêm các bằng chứng. Lý do không phải là để họ đạt được niềm tin tròn đầy, nhưng nói có vẻ nghịch lý, họ đòi các bằng chứng là để phủ nhận đức tin, để họ có cớ mà nói rằng họ không tin là phải. Toàn bọ TM IV là một bài học với nhiều minh họa về niềm tin như một sự phó thác vào Đấng được Thiên Chúa sai phái tới, là Đức Kitô. Trong những trường hợp nào, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đề những ranh giới dè dặt cho niềm tin tưởng của chúng ta vào Đức Giêsu, chúng ta nêu ra những điều kiện, và chúng ta đòi những đảm bảo?

 

3. Chứng từ của các môn đệ còn đấy: lời của Đức Giêsu có một trọng lượng như chính lời Kinh Thánh. Nhờ được Kinh Thánh thôi thúc, các ông hiểu lý do khiến Đức Giêsu phải chết; nhờ được lời Đức Giêsu soi sáng, các ông hiểu Đấng Phục Sinh chính là “nơi” vĩnh viễn có sự hiện diện và chăm sóc ân cần của Thiên Chúa. Đấy là một kinh nghiệm quan trọng được chia sẻ cho chúng ta, để hôm nay chúng ta biết tiếp tục dựa vào ánh sáng của Kinh Thánh mà khám phá thêm nữa mầu nhiệm Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đã chết và đã sống lại.

 

4. Để thực hiện được điều này, cần nhận lấy bài học khác của các môn đệ. Các ông đã rảo qua một đoạn đường dài cùng với Đức Giêsu và đã được Người liên tục dạy dỗ, rèn luyện. Chúng ta có thể chờ đợi để được dẫn đến chỗ hiểu biết đầy đủ về con đường của Đức Giêsu và con đường của chúng ta chăng?

 

Lm. FX Vũ Phan Long, ofm

CUNG HIẾN THÁNH ÐƯỜNG LATÊRANÔ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi,CSsR

Thánh đường là nơi qui tụ dân Chúa, là nơi các tín hữu tới cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Thánh đường là nơi Chúa ngự, là nơi Mình Máu Thánh Chúa luôn hiện diện, là nơi dân Chúa lãnh nhận muôn vàn ơn huệ, muôn vàn hồng ân của Chúa.

 

ÐỀN THỜ LATÊRANÔ

Ðền thờ Latêranô là nhà thờ chánh toà của Ðức Giáo Hoàng. Ðức Thánh Cha với tư cách là Giám Mục Roma, cũng đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ chánh tòa. Ðền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo Hội Chúa Kitô, tượng trưng cho Tòa Thánh Roma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ khủng khiếp . Ðền thờ này do công của Hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích . Ðền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian nói trên.Lịch sử thuật lại rằng khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố Roma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi thánh đường dùng đặt ngai tòa của Ðức giáo hoàng, với tư cách là Giám Mục Roma. Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng trầm của đạo giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thời Hoàng đế Roma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội, gia nhập dân thánh Chúa trong những đêm phục sinh và mừng lễ vượt qua tại đây.

 

ÐỀN THỜ LATÊRANÔ NGÀY NAY

Ngày nay, đền thờ Latêranô vẫn vút cao, vẫn đứng sững như muốn nói với mọi người Thiên Chúa luôn yêu thương dân người. Ngày nay, vẫn có đoàn đoàn lớp người tới dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Hàng năm, ngày thứ năm tuần thánh Ðức Thánh Cha vẫn tới cử hành lễ với hàng linh mục Roma, với các Hồng y, Giám mục và Ngài diễn tả lại hành động, cử chỉ của Chúa Giêsu xưa nơi nhà tiệc ly là rửa chân cho các tông đồ.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết kính yêu Ðức Giáo Hoàng, cầu nguyện cho Ngài và cho Giáo Hội luôn trung tín với sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi,CSsR

 

 

 

LATÊRANÔ VÀ NHỮNG NGÔI ĐỀN THỜ

         

Lm. Vũ Xuân Hạnh

Kể từ sau khi Chúa Giêsu về trời, với việc các thánh tông đồ nói riêng, các Kitô hữu đầu tiên nói chung, ra đi truyền bá Tin Mừng, Hội Thánh bắt đầu hiện diện giữa lòng thế giới. Thay vì đón nhận sự hiện diện ấy, chính quyền đế quốc Rôma bắt đầu nghi kỵ và ác cảm. Gần 300 năm (từ những năm cuối thập niên 50 trải dài đến những năm 310), cuộc bắt đạo lần lượt qua mười triều đại hoàng đế (khởi đi từ Nero đến Diokletian). Thế nhưng, suốt 300 năm ròng rã phải sống chui nhủi trong những hang toại đạo, những hốc đá, rừng rậm… như một thứ “Hội Thánh hầm trú”, vậy mà không một sức mạnh của bạo quyền nào có thể đè bẹp đức tin, tưởng chừng quá non nớt, quá mới mẽ của các Kitô hữu tiên khởi.

 

Đức tin có sức mạnh riêng, có lý lẽ riêng, có sự sống riêng của nó. Sức mạnh, lý lẽ, cũng như sự sống riêng ấy là một khối tinh thần. Khối tinh thần ấy không thuộc về lý trí, hay trí tuệ, nhưng thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, một huyền nhiệm của trời cao (chứ không phải của con người). Đã là sức mạnh của cả một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, làm gì có bất cứ một sức mạnh nào khác có thể vượt qua!

 

Ngay từ khởi đầu của Hội Thánh, một đức tin xem ra chẳng đáng kể gì về bề dày thời gian, đã có thể lướt thắng mọi trở ngại. Bởi thế, mãi cho đến hôm nay, đức tin ấy, một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng ấy, đã được tinh luyện hàng ngàn năm, chắc chắn không dễ gì lay chuyển. Lịch sử vẫn còn đó, như dấu tích, như bằng chứng, hơn nữa như bài học xác đáng cho con người thời đại…

Sau một thời gian quá dài, không sao đổi dời lòng tin của các Kitô hữu, đến năm 313, hoàng đế Constantin ký sắc lệnh Milan công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên đế quốc Lamã. Sau thời gian đó, hoàng đế tiếp tục thực hiện một nghĩa cử đáng trân trọng: Ông trao tặng Đức Thánh Cha Miltiad một cung điện lộng lẫy nằm trên đồi Coelius: cung điện Latêranô ngày nay. Một thời gian không lâu sau đó, Đức Thánh Cha đã cho xây bên cạnh cung điện này một Đại Thánh đường, đó là Đại Thánh đường Latêranô. Và ngày 9. 1. 324, Đức Sylvester đã long trọng cung hiến Đại Thánh đường này.

 

Ngay từ đầu, Thánh Đường Latêranô được dâng kính Đấng Cứu Thế, với tước hiệu Vương Cung Thánh đường Chúa Cứu Thế. Thế kỷ XII, nó cũng được dâng kính thánh Gioan Baotixita và thánh Gioan tông đồ. Đại thánh đường Latêranô được xem là “Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”. Sở dĩ nhà thờ này có một chỗ đứng quan trọng trong Giáo Hội như thế là vì bốn lý do:

-         Đây là ngôi thánh đường đầu tiên được công nhận trong đế quốc.

-         Đây là nhà thờ đầu tiên trước mọi nhà thờ trong Giáo Hội. Một ngôi nhà thờ mang nhiều ý nghĩa lịch sử: Trong thời gian bị bắt đạo, Hội Thánh không thể xây một ngôi thánh đường nào. Các thánh lễ và các buổi tụ tập cầu nguyện đều lén lút tổ chức trong các nhà tư, trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh Tử Đạo. Sau khi được chính quyền công nhận, các tín hữu, từ chỗ lén lút bước vào xã hội công khai, Đại Thánh đường đầu tiên này là nơi duy nhất và sang trọng nhất, để  họ dâng kính Thiên Chúa việc thờ tự của mình.

-         Đây là Vương Cung Thánh đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Giáo hoàng.

-         Hội Thánh chính là đền thờ của Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu như những viên gạch sống động đắp xây ngôi Đền Thờ Hội Thánh. Vì ý nghĩa lịch sử lớn lao và có cả một bề dày hiện diện giữa lòng Hội Thánh, Đại Vương Cung Thánh đường Latêranô là ngôi Đền Thờ được Hội Thánh chấp nhận như một biểu trưng cho một ngôi Đền Thờ to lớn là chính Hội Thánh, nơi mà Thiên Chúa trao tặng hết tình yêu của Người và ưa thích ngự vào.

 

Ngoài chính bản thân ngôi Đền thờ Latêranô là Đại Thánh đường cổ xưa nhất, nơi đây còn có giếng rửa tội lâu đời nhất của Rôma. Tại giếng rửa tội này, hàng ngàn tân tòng đã đến đây lãnh phép rửa tội, nhất là trong các đêm vọng Phục Sinh. Cung điện Latêranô còn là nơi hội họp của 250 Công Đồng, trong đó có bốn Công Đồng chung. Các Đức  Giáo hoàng đã cư ngụ tại đây trong hơn 1.000 năm, mãi cho đến thế kỷ XIV, Đức Nicôlas V mới dời Giáo Đô về Vatican, cạnh đền thờ thánh Phêrô.

 

Qua các trận hỏa hoạn, động đất và càn quét của man dân, của Đức, của Pháp… Đền thờ Latêranô phải tái thiết lại nhiều lần. Ngày 28. 4. 1726, sau một công trình tái thiết lớn, Đức Thánh Cha Bênêditô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9. 11 hàng năm làm ngày lễ tưởng niệm cung hiến Đại Thánh đường Latêranô.

 

Nhưng trong thánh lễ kỷ niệm cung hiến Đền Thờ Latêranô hôm nay, Hội Thánh không dừng lại ở việc tưởng niệm một lịch sử đã qua đi từ lâu. Nhưng qua việc tưởng niệm này, Hội Thánh muốn chúng ta hướng tới sự tôn thờ một Ngôi Đền Thờ sang trọng, lớn lao, chất chứa mọi ngôi đền thờ, và vượt trên mọi ngôi đền thờ, và mọi ngôi đền thờ dù theo nghĩa hiện thực hoặc tinh thần, đều chỉ tìm thấy ý nghĩa của mình nơi Ngôi Đền Thờ ấy. Đó chính là Ngôi Đền Thờ mang tên Giêsu Kitô. Vì chỉ có Chúa Kitô mới là Đền Thờ đích thực như chính Người đã ám chỉ về mình trong bài Tin Mừng của lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Và lời này được thánh Gioan Tông đồ giải thích ở cuối bài Tin Mừng: “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.

 

Mừng lễ cung hiến Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi nhà thờ vật chất, ta hướng về Ngôi Đền Thờ Rất Thánh là Chúa Kitô, để nhận ra Người cũng chính là Ngôi Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi đền thờ khác là chúng ta. Ngôi Đền Thờ Mẹ rất Thánh ấy đã chấp nhận “hủy mình ra không”. Và chấp nhận được “phá hủy” như thế, để nên nguồn lợi lớn lao cho mỗi ngôi đền thờ con của Ngôi Đền Thờ Mẹ, là chính chúng ta: Người mang ơn cứu độ, mang lại sự sống trường cửu cho ta.

 

Hiểu được ý nghĩa của bài học về sự tự hiến nơi Chúa Giêsu như thế, đến lượt mình, bạn và tôi cũng hãy là những người biết dùng tất cả tài năng, sức lực, sự khôn ngoan để chung tay xây dựng cuộc đời, xây dựng Hội Thánh. Nếu một ngôi đền thờ vật chất bị phá hủy, nó chỉ trơ lại một đống đổ nát. Nhưng nếu một ngôi đền thờ là chính mỗi con người biết “phá hủy” và chấp nhận để cuộc đời “phá hủy” mình, nghĩa là biết chấp nhận tự hiến, ngôi đền thờ ấy sẽ sinh ra không biết bao nhiêu lợi ích cho chính mình và cho muôn người.

 

Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những ngôi đền thờ sống động, để cùng nhau xây nên một ngôi đền thánh vinh hiển là Hội Thánh của Chúa. Xin cho chúng con biết cho đi chính bản thân để phụng sự Chúa và phục vụ con người. Chỉ có cho đi trong tinh thần tự hủy, chúng con mới có thể làm rạng danh Chúa và xứng đáng là những ngôi đền thờ có Chúa ngự. Hay nói cho đúng, chỉ khi nào có Chúa ngự, con người chúng con mới xứng đáng gọi là đền thờ.

 

 

 

Lm. Vũ Xuân Hạnh

 

 

 

 

 

ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA

Lm. Joseph Phạm Thanh Liêm, S.J.

 

Mỗi khi kỷ niệm ngày cung hiến thánh đường, Giáo Hội thường nhắc lại cho các tín hữu một sự thật “mỗi người là đền thờ sống động của Thiên Chúa”. Thiên Chúa yêu thích và muốn hiện diện với dân Người.

 

i. NưỚc tỪ ĐỀn ThỜ chẢy ra

Sách Êdêkien cho thấy nước từ đền thờ chảy ra; nước này chảy tới đâu thì sẽ làm cho nơi đó có sự sống. “Nước chảy vào biển chết, làm cho nước biển hóa lành; … nước thành sông chảy đến đâu thì làm cho sự sống xuất hiện, hai bên bờ sông sẽ mọc lên những giống cây ăn trái, trái dùng làm lương thực còn lá dùng làm thuốc chữa bệnh”. Nước từ Đền Thờ của Đức Chúa là nguồn sức sống ban muôn ơn lành cho con người.

 

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con những trông mong được gần Ngài, lạy Chúa” (Tv.42, 2). Thánh Thần Thiên Chúa được diễn tả như dòng suối mát, thanh tẩy tâm hồn tội lỗi nhơ uế, làm dịu đam mê sục sôi nơi lòng con người. Thánh Thần Thiên Chúa như ngọn lửa thiêu đốt những xấu xa, làm tan chảy những tảng băng trong tương quan giữa con người, làm sốt mến một tâm hồn nguội lạnh, thêm sức một đầu gối rã rời, ban niềm hy vọng cho những ai tuyệt vọng.

 

Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng phục sinh kẻ đã chết. Từ đống xương khô, Thiên Chúa có thể làm sống nhờ Thần Khí của Ngài. Thánh Thần là nguồn sống cho con người, Thánh Thần từ Thiên Chúa đến như nước chảy từ đền thờ chảy ra. Nước chảy đến đâu, mang sự sống đến đó. Thánh Thần của Thiên Chúa chan hòa mặt đất. Thiên Chúa đang làm vũ trụ này sống động qua Thánh Thần của Ngài. Ngài cũng hàn gắn bao tấm lòng tan vỡ, làm trở nên dễ thương bao tâm hồn đã sơ cứng, và phục sinh bao tâm hồn đã chết. Thánh Thần Thiên Chúa đang làm tôi sống.

 

ii. Anh em là đỀn thỜ cỦa Thiên Chúa

Thánh Phaolô hỏi :”nào anh em chẳng biết anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” Mỗi người đều là đền thờ của Thiên Chúa. Như đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện với con người, thì mỗi người cũng là đền thờ sống động của Thiên Chúa. Thiên Chúa ngự nơi cung lòng mỗi người.

 

Thiên Chúa là Cha của tất cả vì Ngài tạo dựng nên tất cả. Tất cả đều nhờ Ngài mà có, đều tồn tại nhờ Ngài, kể cả giây phút hiện tại này. Thiên Chúa hiện diện nơi tạo vật và qua tạo vật tùy mức độ; Ngài hiện diện nơi con người một cách đặc biệt: “con người là đền thờ Thiên Chúa”. Đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện và lắng nghe tiếng kêu cầu của con người; Thiên Chúa ở nơi mỗi người, để lắng nghe và đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.

 

Đền thờ hữu hình bằng đá gạch được các tín hữu quý trọng, được tín hữu tới kính viếng vì Thiên Chúa hiện diện nơi đó. Nếu đền thờ bằng đá gạch còn được tôn trọng như vậy, huống chi là đền thờ sống động là mỗi con người. Thánh Thần Thiên Chúa hằng hiện diện với mỗi người; Chúa Cha và Chúa Yêsu Phục sinh hằng ở với con người (Ga.14, 23). Mỗi người, như là đền thờ của Thiên Chúa, thật có giá trị biết bao. Nếu đi qua nhà tạm người ta phải bỏ nón cúi chào, huống hồ trước đền thờ sống động là mỗi người anh em. Ước gì mỗi người thấy được giá trị tuyệt vời của mỗi anh chị em mình, ngay cả một em bé và một người bị tàn phế: họ đều là đền thờ tuyệt vời của Thiên Chúa, và Thiên Chúa đang ngự nơi họ, để rồi mỗi người phải cung kính bái chào Thiên Chúa đang hiện diện nơi họ.

 

iii. ĐỨc Yêsu tẨy uẾ đỀn thỜ

Mỗi năm người Do Thái từ khắp tứ phương thiên hạ đều tuốn về Yêrusalem để mừng lễ Vượt Qua; và vì họ ở khắp nơi về nên thường có tiền bạc của nơi họ ở, vì thế họ cần đổi tiền; họ muốn có của lễ để dâng Thiên Chúa nên nảy sinh nhu cầu mua tế phẩm. Nhu cầu và lợi nhuận đã làm đền thờ Yêrusalem không còn là nơi tôn nghiêm thờ phượng Thiên Chúa nữa, nó giống như một cái chợ, nơi mà người ta có thể buôn bán và thậm chí lường gạt để kiếm lợi. Đức Yêsu không thể chấp nhận điều này, Ngài đã bện dây thành roi để đánh đuổi kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ, xô đổ bàn của kẻ đổi tiền…. Đức Yêsu muốn rằng, đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự, là nơi dành riêng để con người gặp gỡ Thiên Chúa.

 

Mỗi người là một đền thờ của Thiên Chúa. Đền thờ này cũng có thể đã trở nên nhơ uế bởi những ham mê tiền bạc lợi lộc, ham mê sắc dục danh vọng. Thiên Chúa không còn một chỗ nhất hoặc tuyệt đối nơi lòng những người chọn vật chất trên hết nữa. Hôm nay Đức Yêsu dạy người ta rằng, Thiên Chúa phải là nhất trên tất cả; Người ta không được nhân danh bất cứ điều gì để chọn một điều khác trên Thiên Chúa. Thái độ của Đức Yêsu rất dứt khoát: “đánh đuổi”. Ngài cho con người của mọi thời đại thấy thái độ con người phải có đối với Thiên Chúa, cũng như thái độ phải có đối với những gì ngăn cản con người chọn Thiên Chúa là nhất.

Đức Yêsu Kitô cũng là Đền Thờ Thiên Chúa, nhưng Ngài còn là “cái gì” hơn thế nữa. Nơi Ngài, Thiên Chúa hiện diện một cách vô cùng đặc biệt. Ngài là Thiên Chúa nhập thể, là Đấng qua Ngài Thiên Chúa hiện diện và hành động. Đức Yêsu hành động là chính Thiên Chúa hành động, Đức Yêsu yêu là chính Thiên Chúa yêu thương. Đức Yêsu không chỉ là đền thờ sống động của Thiên Chúa, nhưng Ngài là chính Thiên Chúa làm người.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1.     Theo bạn, ngày nay người ta có tôn trọng xứng đáng phẩm giá con người không? Xin cho thí dụ minh chứng quan điểm của bạn.

2.     Theo bạn, con người có một giá trị tuyệt đối không? Xin cho ý kiến và lý lẽ bảo vệ quan điểm của bạn.

 

 

Lm. Joseph Phạm Thanh Liêm, S.J.

 

 

ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA

 

Lm. Trần Thanh Sơn

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cùng kỷ niệm việc cung hiến Đền thờ Latêranô. Đây là ngôi đền thờ đầu tiên của Giáo Hội Công giáo được chính quyền hợp pháp La mã công nhận, sau hơn 3 thế kỷ dài cấm cách. Đây cũng là nhà thờ chính toà của Giáo phận Roma, và là nơi đặt ngai toà của Đức Giáo Hoàng.

Nhân dịp này, tôi muốn được chia sẻ cùng quý ông bà anh chị em một vài suy nghĩ về ý nghĩa của đền thờ vật chất trước mắt chúng ta và cả ngôi đền thờ thiêng liêng là mỗi người chúng ta.

 

1. Đền thờ, nơi Thiên Chúa ngự trị

Trong thị kiến của mình, ngôn sứ Êdêkiel kể lại: “Uy nghi Chúa tiến vào đền thờ theo lối cửa hướng đông… Ánh vinh quang của Chúa tràn ngập đền thờ… Và người đứng gần bên tôi bảo tôi rằng: “Hỡi con người, đây là nơi đặt bệ ngai Ta, nơi Ta để chân, nơi Ta ngự giữa con cái Israel đến muôn đời”. Điều đó cho thấy Đền thờ trước hết là nơi Thiên Chúa ngự trị, và cũng là nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa.

 

Thế nhưng, qua dòng thời gian, đền thờ đã dần mất đi sự trang nghiêm cần có. Người ta đã lợi dụng đền thờ như là nơi để kiếm tiền, nơi để phô trương sự giàu có. Đó cũng là điều đã xảy ra nơi đền thờ Giêrusalem của người Do thái khi xưa. Thánh Gioan kể lại: “Lễ Vượt Qua của dân Do thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi bạc”. Như thế, Đền thờ bị coi như một nơi để người ta buôn bán, kiếm lời, và dĩ nhiên cũng trở thành nơi con người lừa dối lẫn nhau, và cũng là nơi để người ta khoe khoang sự giàu có của mình. Và cũng chính tại nơi đây, người ta dễ dàng nhân danh việc đạo đức để chứng tỏ sự giàu có của mình, để rồi khinh dể người khác.

 

Đây cũng là điều chúng ta dễ mắc phải. Chúng ta dâng cúng cho Đền thờ, để rồi đòi cho được ghi tên bảng vàng, gắn nơi trang trọng, hoặc là dâng cúng với điều kiện này nọ, thì thử hỏi, mục đích của việc chúng ta dâng cúng là gì? Phải chăng việc dâng cúng này chỉ là dịp để chúng ta chứng tỏ sự giàu có của mình với mọi người, và cũng là dịp để chúng ta sỉ nhục sự nghèo khó của anh em mình?

 

Đức Giêsu không chấp nhận điều đó. Ngài muốn trả lại ý nghĩa nguyên thủy của đền thờ. Đền thờ phải là nơi Thiên Chúa ngự trị và là nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa. Do đó, trước cảnh “Chướng tai, gai mắt” tại đền thờ Giêrusalem lúc bấy giờ, Đức Giêsu đã “chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Có lẽ đây là một trong những đoạn hiếm hoi, cho thấy sự nóng giận của Đức Giêsu, vị Thầy hiền lành. Điều đó càng cho chúng ta thấy được sự kiên quyết của Đức Giêsu đối với việc lạm dụng Đền thờ. Ngài đã hành động quyết liệt để trả lại cho đền thờ ý nghĩa đích thực của nó, cho dù điều đó có thể làm mất lòng và khơi dậy sự thù ghét của người Do thái. Đức Giêsu đã không nhân nhượng khi phải bảo vệ chân lý. Ngài đã để cho lòng nhiệt thành nhà Chúa thiêu đốt bản thân Ngài. Ngài muốn mọi người hiểu rõ rằng: Đền thờ là nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa, như lời Ngài tuyên bố: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện” (Mt 21, 13).

 

2. Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa:

Đền thờ là nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng đền thờ không chỉ được xây dựng bằng gỗ đá, vàng bạc, nhưng chính Đức Giêsu là Đền thờ của Thiên Chúa, vì qua Ngài, chúng ta gặp được một Thiên Chúa làm người đang ở giữa chúng ta, như lời thánh sử Gioan: “Nhưng Người, Người có ý nói về đền thờ là thân thể Người”.

 

Mặt khác, nhờ ân sủng của bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta cũng trở nên đền thờ của Thiên Chúa như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Anh em là toà nhà của Thiên Chúa… Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?... Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy”. Và nếu mỗi người cũng là đền thờ, chúng ta đã làm gì để thân xác chúng ta xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa? Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Corinhthô nhắc nhở chúng ta: “Phàm mọi tội người ta phạm, thì đều ở ngoài thân xác; còn kẻ tà dâm thì có tội phạm đến chính thân xác mình. Anh em không biết sao? Thân mình anh em là Đền thờ của Thánh Thần (ngự) trong anh em” (1 Cr 6, 18-19). Và trong bài đọc hai hôm nay, thánh Phaolô còn nói rõ: “Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy”. Điều này, nhắc nhở mỗi người chúng ta lưu ý hơn về việc lỗi điều răn thứ sáu. Mỗi lần chúng ta lỗi điều răn này là lúc chúng ta trực tiếp xúc phạm đến đền thờ Thiên Chúa nơi thân xác chúng ta, và như thế, có khác gì chúng ta xúc phạm trực tiếp đến Thiên Chúa.

 

Ngoài ra, để đền thờ của chúng ta thật sự vững chắc, mỗi người chúng ta cần xây dựng đời mình trên nền tảng của chính Đức Kitô, bởi vì, ngoài Đức Kitô, chúng ta không thể có một nền móng vững chắc được, như lời khẳng định của thánh Phaolô trong bài đọc hai “Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Đức Giêsu Kitô”.

 

Cuối cùng, cũng như từng viên gạch nếu để riêng lẽ không thể làm nên một đền thờ, do đó, để có thể xây dựng Đền thờ của Thiên Chúa ngày càng lớn mạnh và vững chắc, mỗi người chúng ta cần liên kết với nhau bằng tình yêu. Chính tình yêu là thứ xi-măng tốt nhất để gắn kết những viên gạch là từng người chúng ta lại với nhau. Và nếu mỗi người chúng ta đều là một viên gạch để góp phần xây dựng nên ngôi đền thờ của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng được mời gọi tôn trọng thân xác của anh chị em mình, nhất là những người nghèo hèn bất hạnh, khốn khổ. Thánh Gioan Kim Khẩu nhắc nhở chúng ta: “Anh em treo những sợi xích vàng để móc đèn, nhưng lại không bằng lòng đi thăm Ngài trong tù, nơi Ngài bị xiềng xích. Một lần nữa, nếu tôi có thể nói thế, thì không phải để ngăn cấm anh em tôn vinh Ngài (ở nhà thờ), nhưng để anh em biết cứu giúp Ngài cùng lúc đó, hay đúng hơn, trước lúc đó nữa… vừa tôn kính Ngài nơi nhà Thiên Chúa, đồng thời cũng đừng có khinh bỉ người anh em mình đang lâm cảnh cùng quẫn: Đền thờ này còn quan trọng hơn đền thờ kia nhiều”.

 

Chớ gì nhân ngày mừng lễ kỷ niệm ngày cung hiến thánh đường Latêranô, Mẹ của các nhà thờ Công giáo trên toàn thế giới hôm nay, tất cả chúng ta ý thức hơn về bổn phận của chúng ta trong việc xây dựng, và bảo vệ ngôi nhà thờ giáo xứ của chúng ta. Hơn nữa, không chỉ là làm đẹp cho ngôi nhà thờ vật chất này, mỗi người chúng ta cũng luôn ý thức giữ gìn tâm hồn của chúng ta luôn trong sạch để xứng đáng là đền thờ của Thánh Thần. Đồng thời, chúng ta cũng luôn mở rộng vòng tay, sẵn sàng chia sẻ với những anh chị em bất hạnh, để tất cả chúng ta cùng liên kết với nhau trong một tình yêu. Nhờ đó, chúng ta có thể xây dựng một ngôi Đền thờ thật đẹp, ấm cúng tình người, tình Chúa, nơi mà muôn dân có thể đến để ca ngợi Cha chúng ta ở trên trời. Amen

 

 

Lm. Trần Thanh Sơn

 

 

 

 

 

 

 

ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA LÀ NƠI THÁNH

 

Lm Trần Bình Trọng

Triết gia cũng như thần học gia luôn tìm kiếm xem Thiên Chúa hiện diện ở đâu và hiện diện thế nào trong vũ trụ. Người ta biết Chúa hiện diện khắp mọi nơi, nhưng họ cũng dành những cách thế đặc biệt và những nơi đặc biệt cho Chúa ngự trị. Trong Cựu ước, đền thờ và hòm bia giao ước được coi là những nơi ngự trị đặc biệt của Chúa như Chúa phán Ta đã chọn và thánh hoá nhà này, để muôn đời Danh Ta ngự tại dây (2Sb 7:16). Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu tỏ ra khó chịu với những người đổi tiền bạc vì họ đã biến nhà Chúa Cha thành nơi buôn bán (Ga 2:16). Trong Tân Ước, ta có thánh đường và nhà tạm là nơi Mình thánh Chúa ngự. Ta biết Chúa hiên diện khắp nơi, nhưng đặc biệt Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh thể nơi nhà tạm.

 

Có những người có thể tự hỏi tại sao hôm nay Giáo Hội mừng nơi thờ phượng thay vì mừng kính ông thánh no, bà thánh kia. Giáo hội mừng kính nơi thờ phượng vì đền thờ Latêranô, nhà thờ chính toà của Đức Giáo Hoàng, tượng trưng cho các thánh đường công giáo, còn là biểu hiệu của hai sự vật quan trọng. Trước hết thánh đường là biệu hiệu của sự hiệp nhất và cộng đồng, qui tụ giáo dân lại trong một nhiệm thể màu nhiệm của Đức Kitô, để cầu nguyện, thờ phượng, cảm ta và xin ơn. Thánh đường còn là biểu hiệu của sự tiếp nối và truyền thống, có liên kết với quá khứ và cùng nhau hướng về tương lai để đối phó với những đổi thay và thách đố mới trong xã hội và trong Giáo hội.

 

Có những người cho rằng Chúa hiện diện khắp mọi nơi nên họ cho rằng không cần đến nhà thờ cầu nguyện và thờ phượng. Họ cần nhận thức rằng, loài người cần những biểu hiệu bên ngoài để khơi dậy những tâm tình bên trong. Loài người cũng cần những biểu hiệu đạo giáo để đưa họ vào thế giới thần linh và để khơi dạy những tâm tình thiêng liêng. Nếu là thiên thần, họ không cần biểu hiệu. Còn loài người thì lại cần biểu hiệu như thánh đường, bàn thờ, tượng ảnh, đèn nến... trong việc thờ phượng thể khơi dạy đức tin và tâm tình đạo đức bên trong. Do đó người chủ trương giữ đạo tại tâm, không cần thờ phượng ở thánh đường, là lừa dối mình. Đến thánh đường thờ phượng, đức tin của người tín hữu được nâng đỡ một cách tối đa. Khi thờ phượng công cộng tại thánh đường thì người có đức tin mạnh có thể giúp củng cố đức tin của người yếu đức tin. Đến thánh đường thờ phượng, người tín hữu được bổ dưỡng và tăng sức bằng lời Chúa và Mình thánh Chúa. Khi kiệt sức về đàng thiêng liêng, họ lại đến nhà thờ để được bổ dưỡng và tăng sức bằng lời Chúa và mình thánh Chúa.

 

Thánh đường công giáo được cung hiến để làm nơi thờ phượng công cộng. Trong thánh đường có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh thể trong nhà tạm. Một dấu chỉ có Chúa hiện diện trong Bí tích thánh thể trong nhà tạm là khi đèn nhà tạm, thường là màu đỏ, được thắp sáng ở gần nhà tạm. Do đó người công giáo cần biểu lộ lòng tôn kính khi vào nhà Chúa. Người công giáo nên học hỏi với người thuộc các đạo khác xem họ tỏ ra tôn kính nơi thờ phượng của họ thế nào? Chẳng hạn người Do thái luôn tỏ ra tôn kính đền thờ và bàn thờ dâng lễ vật của họ. Họ luôn cảm tạ Thiên Chúa cho họ có được đền thờ và bàn thờ dâng lễ vật. Còn người Hồi giáo khi vào đền thờ, họ phải để giày dép ở ngoài để tỏ ta tôn kính nơi thờ phượng của họ.

 

Nhà thờ là trung tâm điểm của đời sống đức tin của người công giáo. Nhà thờ là nơi ta thường lui tới để cầu nguyện và thờ phượng hàng tuần hoặc hàng ngày, để nghe lời Chúa và rước Mình thánh Chúa. Sau khi chào đời, ta được đưa đến nhà thờ để lãnh nhận bí tích rửa tội. Ta được rước lễ lần đầu và thêm sức ở trong nhà thờ. Khi sa phạm tội, ta đến nhà thờ để lãnh phép cáo giải. Khi cưới hỏi, ta lại đến nhà thờ để lãnh nhận bí tích hôn phối. Khi một người đươc gọi lên bàn thánh, ta đến nhà thờ chính toà để dự lễ truyền chức linh mục. Khi mang bệnh nặng, ta còn được chịu phép sức dầu trong nhà thờ, hoặc tại nhà tư hay ở nhà thương. Và khi nằm xuống vĩnh viễn, xác ta được đem đến nhà thờ để được cử hành thánh lễ an táng.

 

 

Lm Trần Bình Trọng

 

 

TỪ THANH TẨY ĐỀN THỜ GIÊRUSALEM...

 

Lm Trần Ngà

Chúa Giêsu là Đấng rất hiền lành, và Ngài cũng là mẫu mực của sự hiền lành như lời Ngài dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường...” ( Mt 11, 29 )

 

Khi Chúa Giêsu và các môn đệ bị người Samaria ngăn chặn không cho đi qua làng của họ mà tiến về Giêrusalem, Giacôbê và Gioan nổi giận đùng đùng, muốn khiến lửa trời xuống đốt, Chúa Giêsu quở trách Giacôbê và Gioan vì lối xử sự nóng nảy của các ông. (Lc 9, 54)

 

Khi có người cho Chúa là người mất trí (Mc 3, 21), là kẻ nói phạm thượng (Mt 9, 3), là người lấy phép của tướng quỷ mà trừ quỷ (Mt 9, 34), thậm chí là người bị quỷ ám (Ga 7, 20), là người dại dột... Chúa Giêsu cũng chẳng lấy làm điều.

Nhất là trong cuộc thương khó, người ta lăng nhục hành hạ Chúa đủ điều, Chúa vẫn nín thinh không nói một lời. Khi chịu treo trên thập giá đau đớn lại còn bị chế nhạo, Chúa Giêsu chẳng những không giận mà lại còn cầu xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ hành hạ lăng nhục Ngài. Nói chung, Chúa Giêsu là Đấng rất dịu hiền và rất bao dung khiến ta nghĩ rằng Ngài không hề biết giận là gì.

 

Vậy mà... khi Chúa Giêsu vào Đền Thờ Giêrusalem, thấy người ta làm ô uế đền thờ thì Ngài không thể nào chịu nổi. Ngài nổi giận thật sự. Tin Mừng Gioan ghi lại: Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”

 

Thế là để thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem khỏi bị tục hoá, Chúa Giêsu phải dùng đến roi vọt, dùng đến biện pháp cứng rắn không ai ngờ như “đổ tung tiền của những người đổi bạc”, “lật nhào bàn ghế”, dùng roi để ‘xua đuổi tất cả bọn’ ra khỏi Đền Thờ!

 

Thật không thể ngờ được! Một Chúa Giêsu rất mực hiền lành khiêm nhượng, Đấng mà “cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” ( Mt 12, 20 )... giờ đây phải dùng roi vọt và biện pháp cứng rắn đối với những người xúc phạm đến sự linh thánh của Đền Thờ Giêrusalem. Điều đó chứng tỏ cho thấy rằng việc làm ô uế Đền Thờ là một hành vi rất tai hại khiến Chúa Giêsu đau khổ và bất bình xiết bao!

Đến thanh tẩy đền thờ thân thể chúng ta

 

Thân thể chúng ta cũng là những Đền Thờ, xét ra còn cao trọng hơn Đền Thờ Giêrusalem xưa. Trong chương 3 của thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô dạy: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3, 13) và qua chương 6, Thánh Phaolô tái khẳng định chân lý này: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?” (1 Cr 6, 19)

Chúa Giêsu cũng dạy rằng có Thiên Chúa Ba Ngôi hằng ngự trị nơi những ai yêu mến và tuân giữ lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).

 

Bản thân chúng ta là những Đền Thờ cao quý hơn mọi thánh đường trên khắp thế gian, vì đây là những Đền Thờ sống động, có linh hồn, có trí khôn... chứ không phải bằng gỗ đá vàng bạc vô tri vô giác, được chính Ba Ngôi Thiên Chúa xây dựng nên theo hình ảnh Ngài, được Chúa Giêsu đổ Máu Thánh ra mà cứu chuộc, được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến trong ngày lãnh Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, được Chúa Giêsu tô điểm và bồi bổ bằng lời hằng sống cũng như bằng chính Thịt Máu Ngài và nhất là mai sau được đưa lên cõi trời vinh hiển. Không một ngôi Thánh Đường vật chất nào trên thế gian có được những vinh dự lớn lao như thế.

 

Vậy nếu Chúa Giêsu yêu quý Đền Thờ Giêrusalem một thì Ngài còn yêu quý các Đền Thờ sống động này gấp trăm. Thế nên, Ngài đã không tiếc khi lấy chính Máu Thánh mình mà thanh tẩy chúng; không tiếc hiến mạng mình để chuộc lại chúng. Như thế thì bản thân mỗi người Kitô hữu là Đền Thờ vô giá!

 

Những người làm ô uế Đền Thờ Giêrusalem thì bị Chúa Giêsu đuổi đi bằng roi vọt; còn ai làm hư hại Đền Thờ thiêng liêng nơi người tín hữu thì bị Chúa đe phạt nặng nề hơn: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9, 42) Có lẽ không còn răn đe nào nghiêm khắc hơn!

 

Xin hãy hồi tâm...

 

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy cảnh tỉnh nhìn lại mình, nhìn thật sâu vào nội tâm sâu thẳm của bản thân chúng ta là Đền Thờ Thiên Chúa để nhận ra những ý tưởng đen tối, những tham vọng xấu xa, những đam mê tội lỗi đang ẩn mình trong đó... để sớm quét sạch chúng đi. Chính mỗi người chúng ta là thủ phạm trực tiếp làm ô uế Đền Thờ thân thể mình chứ không ai khác. Vậy hãy liệu mà thanh tẩy kịp thời trước giờ Chúa Giêsu lại đến.

 

 

Lm Trần Ngà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NHÀ CẦU NGUYỆN

Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Gioan 2:16).

 

Lm. Gioan Trần Đình Khả

Một người gia nhập nhóm cầu nguyện, và hằng tuần trung thành đi tham dự buổi cầu nguyện với nhóm. Mỗi lần đến phiên ông cầu nguyện, ông luôn luôn xưng thú giống nhau. "Lậy Chúa, từ lần trước chúng con gặp nhau cho đến hôm nay, các màng nhện lại đã giăng lên làm chắn ngang giữa Chúa và chúng con. Giờ đây, xin Chúa quét sạch đi những màng nhện đó để chúng con lại có thể nhìn thấy dung nhan Chúa cách rõ ràng hơn."

 

Thoạt đầu nghe ông cầu nguyện mọi người đều cảm thấy có lý. Nhưng dần dần nghe hoài thì một người trong nhóm cảm thấy khó chịu. Một hôm người kia vừa dứt lời thì ông này thêm vào, "Lậy Chúa xin giết các con nhện đó đi!"

 

Muốn cho hết màng nhện thì phải giết nhện, hoặc đuổi nhện đi chỗ khác. Muốn hồi phục lại bầu khí cầu nguyện và thánh thiện của Đền Thờ thì Đức Giêsu đã phải thẳng tay đánh đuổi những người buôn bán và đổi tiền ra khỏi đền thờ. Chắp giây thừng làm roi để đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ là dấu Đức Giêsu tỏ ra sự giận dữ của Ngài. Qua thái độ và việc làm của Đức Giêsu, chúng ta hiểu là cứ nhẫn nại, nhường nhịn và thụ động mãi trước những sự xấu và tội lỗi sẽ không có hiệu quả. Khi đứng trước sự dữ thì nguyên tắc "Một sự nhịn chín sự lành" sẽ không thành công. Nếu cứ nhịn và mãi mãi mần ngơ thì tình trạng được chân lấn lên đến đầu" rất dễ xẩy ra. Sẽ có lúc cần phải dùng đến bạo lực để đánh đổ phá tan sự dữ. Điều khó khăn là nhận định được khi nào là đúng thời điểm chúng ta có thể dùng roi để đánh đuổi phá tan sự dữ?

Đức Giêsu Giận Dữ

Đức Giêsu đã dạy hãy học cùng Ngài vì Ngài hiền lành và khiêm nhường, vậy tại sao hôm nay Ngài lại giận dữ như vậy?

 

Đức Giêsu đã tỏ ra giận dữ không phải vì bị người ta xúc phạm. Ngài giận người ta đã làm cho đền thờ của Thiên Chúa trở nên ô uế. Ngài giận dữ bởi vì một số người đã lạm dụng làm mất đi bầu khí thánh thiện linh thiêng của đền thờ, khiến nhiều người khác đã không còn dịp để thờ phượng Thiên Chúa. Người ta đã bóp méo chủ đích của nơi thờ phượng và giá trị tinh thần của việc thờ phượng. Nguyên việc mua bán đổi chác là những công việc tốt và có lợi cho kinh tế xã hội, nhưng buôn bán phải đúng nơi đúng chỗ và thuận đạo lý công bằng. Điều sai trái là người ta đã biến đền thờ thành nơi buôn bán thủ lợi. Người ta đã tuyên truyền quảng cáo cho rằng phải mua những của lễ quý và xứng đáng do họ buôn bán tại đền thờ để dâng cho Thiên Chúa thì mới có giá trị. Nhưng thực ra không phải vì họ quan tâm đến của lễ dâng cho Chúa cho bằng lo làm giầu cho chính mình. Những vị tư tế đã bắt tay với các con buôn cho phép họ buôn bán và đổi tiền để chia lời. Người ta đã khuyến khích và cổ động những hình thức của lễ vật chất bề ngoài. Họ đã nhầm lẫn cho rằng Thiên Chúa coi trọng của lễ chiên bò và của lễ dâng cúng và quên đi việc canh tân tấm lòng. Chính vì thế mà những nghi thức phụng tự đã trở nên nặng hình thức. Người ta đã làm ô danh Thiên Chúa, làm ô uế khung cảnh thánh thiện của đền thờ và làm mất đi tinh thần thánh thiện của việc thờ phượng và hiến dâng của lễ. Do đó Đức Giêsu phải giận dữ đánh đuổi họ khỏi đền thờ.

 

 

Thánh Đường Ngày Nay

Thái độ Đức Giêsu giận dữ và đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ tỏ cho chúng ta biết chúng ta cũng cần phải tôn kính những nơi thờ phượng. Thánh đường của giáo xứ cho dù lớn hay nhỏ, khang trang nguy nga hay bé nhỏ đơn sơ đều được coi là nơi thánh. Đó là nơi Thiên Chúa hiện diện và là nơi Ngài gặp gỡ dân của Ngài. Thánh đường cũng là nơi đặc biệt chúng ta tuyên xưng và củng cố niềm tin vào Đức Kitô. Chúng ta cần phải suy nghĩ và kiểm điểm lại tinh thần đến nhà thờ và việc cai quản nhà Chúa, và cách cử hành các nghi lễ phụng tự của chúng ta. Khi đến Thánh đường, chúng ta đến để làm cho nhà ấy trở nên thánh và cho mình trở nên thánh thiện hơn, chứ không mang đến đó những tinh thần thế tục làm cho nhà Chúa trở nên ô uế, mất trang nghiêm thánh thiện. Cách chúng ta cử hành và dâng lễ cần có nội dung và chiều kích nội tâm hơn là chỉ hình thức. Đóng góp xây dựng nhà Chúa để làm vinh danh Chúa chứ không phải để vinh danh mình hay để lấy lòng người phàm.

 

Mỗi lần đến nhà thờ là mỗi lần chúng ta được canh tân đổi mới tâm hồn và lối sống. Nếu cứ đòi cho đứa nhỏ được rửa tội như là một việc bùa phép để cho đứa nhỏ trở nên người Công Giáo mà cha mẹ hoặc những người đỡ đầu vẫn sống trong tình trạng rối rắm mà không lo sống tinh thần của đạo Công Giáo thì đó cũng là một hình thức chúng ta làm ô uế đền thờ và phụng vụ. Nếu khi cử hành lễ cưới, chúng ta không chú tâm đến lời hứa hôn phối, tinh thần của bài đọc, ý nghĩa hy sinh dâng hiến của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể như gương mẫu cho tình yêu của đôi tân hôn, mà chúng ta lại quá chú tâm coi trọng hoa nến, khăn trắng trải nền cho cô dâu bước đi, áo quần của phù dâu phù dể, chụp hình, quay phim, và nếu cha khó dễ không cho dùng đèn pha thì khó chịu bực tức, thì có lẽ chúng ta cũng đang trong tình trạng làm ô uế đền thờ Chúa. Khi chúng ta lạm dụng danh nghĩa nhà Chúa để quyên góp lấy tiền của dân chúng làm vào những công việc không chính đáng, hoặc thủ lợi riêng tư thì chúng ta cũng đang làm ô uế đền thờ Chúa. "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Gioan 2:16).

 

 

Lm. Gioan Trần Đình Khả

 

 

Viên đá đỈnh góc

(Ez 47,1-2.8-9.12; 1C 3,9b-11.16-17; Yn 2,13-22)

Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

 

I. Phúc Âm: Ga 2, 13-22

"Người có ý nói đền thờ là thân thể Người".

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán".

Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".

 

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

 

II. Suy NiỆm:

Thành phố Rôma có rất nhiều đền thờ. Một số ít được gọi là Vương cung thánh đường vì kiến trúc, lịch sử và ý nghĩa đặc biệt của nó. Ðền thờ Latêranô mà chúng ta kỷ niệm ngày cung hiến hôm nay là Vương cung thánh đường xưa nhất và nhiều ý nghĩa nhất.

 

Nó được xây lên ngay khi Hội Thánh Rôma vừa ra khỏi các hang toại đạo, tức là ra khỏi các cơn bắt đạo dưới thời các hoàng đế La Mã. Năm 320 tự do tôn giáo được luật pháp công nhận và bảo hộ. Dân Chúa nô nức xây các đền thờ. Và dĩ nhiên mọi người đã nghĩ đến một đền thờ cho vị Giám mục thành Rôma và cũng là vị Giáo chủ của tất cả Hội Thánh. Hoàng đế Constantin xin biến nơi này đã được rửa tội cho ông ở trong điện Latêranô làm cơ sở cho ngôi thánh đường này. Rồi người ta đã khiêng cái bàn đã từng dùng cho các Giám mục Rôma tế lễ trong các năm bắt đạo và đặt trong ngôi Ðền thờ mới. Người ta dâng điện thờ này cho Chúa Cứu Thế. Nhưng về sau người ta lại gọi nó là Vương cung Thánh đường thánh Gioan Tẩy giả.

 

Và từ thời đại này qua thời đại khác đền thờ Latêranô là nhà thờ chính tòa của vị Giám mục thành Rôma mà tất cả Hội Thánh đều coi là Giáo hội mẹ. Chỉ từ thế kỷ thứ 16 nó mới bị một nhà thờ khác cạnh tranh, đó là đền thờ thánh Phêrô và Phaolô, bây giờ ở trong điện Vatican. Nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa Giáo hội của nó vẫn toàn vẹn. Hằng năm cả Hội thánh toàn cầu hướng về nó như về người mẹ muôn thuở đã sinh ra các người con đang ở đầy mặt đất.

Thế nên chúng ta sung sướng được nghe những lời Kinh thánh vừa đọc trong thánh lễ hôm nay. Bài sách Ezekiel không gợi lên hình ảnh đền thờ Latêranô đối với tất cả Hội thánh sao?

 

Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ giá trị điện thờ này nằm ở chỗ nào? Và bài thư Phaolô nói lên hạnh phúc của chúng ta được từ người mẹ muôn thuở ấy. Chúng ta hãy đọc kỹ lại những bản văn Kinh thánh này.

 

1. Ðền Thờ Mẹ

Muốn hiểu bài sách Ezekiel, chúng ta phải ngó lại lịch sử. Dân Do Thái bấy giờ đang trong cảnh lưu đày. Ðất nước bị xâm chiếm, đền thờ bị tàn phá, dân chúng đa số bị đày sang Babylon. Còn đâu Ðất Hứa! Còn đâu Ðiện Thờ! Còn đâu các cuộc đại lễ. Tình cảnh sẽ mãi mãi như thế này sao? Chúa có ghé mắt lại thương dân nữa không? Bao giờ lại thấy có Ðiện thờ và các cuộc lễ để hiểu rằng Chúa đã tập hợp dân về và ở với dân?

 

Chính trong lúc bi thảm đó, Ezekiel và nhiều tiên tri lên tiếng an ủi con cái Chúa. Họ rao truyền lòng tin và niềm cậy. Họ giục dân cứ mến Chúa và Người sẽ xót thương dân. Người không bỏ dân mãi mãi đâu. Ðiện thờ Người sẽ được xây lại. Con cái Người sẽ lại tựu về; và đời sống sau này sẽ sung mãn.

 

Ðể cụ thể hóa lời rao giảng niềm tin vững vàng ấy, hôm nay Ezekiel kể lại cho dân nghe một thị kiến, tức là một mạc khải của Chúa... Người sai một nhân vật kỳ diệu đến dắt Ezekiel đi xem điện thờ mới trong tương lai. Từ bên dưới thềm của đền thờ có nước phun ra hướng về phía đông. Nước chảy xuống vùng hoang vu rồi ra biển và làm cho nước ở đây hóa lành. Sẽ có rất nhiều cá vì nước biển đã lành rồi.

 

Cũng như khi đi qua nơi nào, thì nước ở đền thờ chảy ra cũng đã làm cho mọi vật được sống. Nước ấy chảy thành khe và hai bên bờ cỏ mọc lên một thứ cây ăn được. Lá của chúng thì dùng làm thuốc...

 

Người Do Thái khi nghe kể như vậy đã hết sức phấn khởi và tin tưởng. Quê hương họ toàn sa mạc nóng bỏng. Thế mà điện thờ mới đã mọc lên, có nước phun ra từ dưới thềm... Nước đó chảy qua sa mạc đi đến đâu cũng làm tạo vật mọc lên sinh hoa kết quả. Nước còn chảy ra tới "biển chết" mặn đắng làm nước của nó hóa lành và sinh ra nhiều thứ cá. Nếu vậy thì quê hương họ sẽ là chốn bồng lai tiên cảnh. Không ai còn đói khát; bệnh tật cũng bị tiêu diệt vì lá cây hai bên bờ nước có sức chữa lành tất cả.

 

Cảnh tượng thay đổi làm chứng vận mạng dân Chúa sẽ được đổi mới hoàn toàn. Không những sẽ có cuộc hồi sinh mà còn có sự sống mới phát sinh từ điện thờ, và sự sống này còn sum suê tốt gấp mấy thuở xưa. Nguyên cảnh thay đổi ở Biển Chết cũng đủ để nói lên một tương lai lạ lùng. Biển ấy bây giờ mặn đắng, không cho một sinh vật nào sống được.

 

Thế mà nước điện thờ sẽ chảy đến làm cho nước mặn hóa lành và mọi thứ cá có thể sinh sản và lớn lên.

 

Chẳng ai thời bấy giờ dám bảo Ezekiel nói khoác. Nhưng chẳng ai hiểu nổi lời nhà tiên tri theo nghĩa đen. Họ thấy niềm tin vững vàng của ông trong lời ông vừa kể. Họ hiểu ông muốn nói rằng Chúa sẽ khôi phục dân đang chết dở này và cho họ được sống lại. Họ sẽ được trở về quê quán. Họ sẽ xây lại được đền thờ; và ngự nơi đền thờ, Chúa sẽ ban sự sống và mọi ơn lành cho dân.

 

Ðiều đáng để ý là trong quan niệm người dân Chúa thời bấy giờ, điện thờ có một tầm mức rất quan trọng. Ðó là nhà Chúa ngự. Dân không có điện thờ, sẽ không có Chúa ở với mình. Và điện thờ không có nước chảy, Chúa ở đó sẽ không ban ơn. Thế nên không những dân phải có điện thờ, mà còn phải xây điện thờ chỗ có suối nước. Tức là không những phải có Chúa, mà Chúa còn phải ban ơn nhiều; nếu không, sự sống con người sẽ héo hắt và chết khô.

 

Với những quan niệm và hình ảnh cụ thể ấy người xưa diễn tả tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Hình ảnh và quan niệm có thể cũ, nhưng thực tại vẫn không thay đổi. Con người vẫn cần Thiên Chúa và các ơn của Người. Họ cần Người hiện diện và ban ơn. Họ xây các đền thờ là vì thế. Và khi mừng lễ cung hiến các đền thờ, chúng ta cảm mến nhớ đến lòng thương của Thiên Chúa. Người muốn dùng ngôi nhà hữu hình để đảm bảo sự hiện diện của mình ở giữa dân Chúa. Người đã ban muôn nghìn suối nước ơn thiêng cho cả Hội Thánh từ khi có Vương cung Thánh đường Latêranô.

 

Ðây thật là nhà thờ mẹ của chúng ta, ban thêm ý nghĩa cho các ngôi thánh đường ở khắp mặt đất. Và ca tụng mẹ, chúng ta phải nghĩ đến các con. Chúng ta phải ý thức hơn nữa về ý nghĩa của các nhà thờ mà chúng ta quen gặp. Nhất là chúng ta phải quý hóa điện thờ của xứ chúng ta. Ðây là Nhà Chúa ở giữa con cái các loài người, là nơi có các dòng suối bí tích chảy ra ban ơn thiêng cho các linh hồn.

Nhưng nhà thờ vẫn chỉ là biểu tượng. Nó nói lên sự hiện diện của Chúa nhưng không phải là chính sự hiện diện ấy. Nó là hình ảnh đưa chúng ta nghĩ đến thực tại mầu nhiệm mà chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

2. Ðền Thờ Chính

Tác giả Gioan kể, hôm ấy vào dịp lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu vào đền thờ Giêrusalem và đã xua đuổi phường buôn bán ra khỏi nơi Thánh. Những tác giả khác viết sách Tin Mừng cũng kể lại chuyện này nhưng đặt nó vào ngay trước cuộc tử nạn phục sinh của Chúa. Tác giả Gioan đặt nó ngay ở đầu cuộc đời công khai của Người. Ai viết đúng sự thật hơn? Hay là đã có hai lần thanh tẩy đền thờ? Thiết tưởng điều cốt yếu ở đây là tìm hiểu tác giả Gioan có ý nghĩ gì không khi đặt câu chuyện này vào đầu cuộc đời truyền giáo của Ðức Giêsu Kitô?

 

Chúng ta biết tác phẩm của Gioan hay dùng những ngày lễ lớn của người Do Thái làm khung cảnh cho Ðức Giêsu tỏ mình ra và tuyên bố giáo lý của Người. Nếu thế thì rất nên kể việc Người thanh tẩy đền thờ vào ngay buổi đầu cuộc đời hoạt động, nếu giả sử chỉ có một lần như vậy đã xảy ra trong cuộc đời của Người mà thôi. Thanh tẩy đền thờ rồi, các lần tỏ mình ra và công bố Tin Mừng cứu độ của Người sẽ dễ dàng sáng tỏ.

 

Nhưng sâu xa hơn nữa, chúng ta cần nhớ lại Lời Tựa của sách Tin Mừng theo Gioan. Ở đó, tác giả đã khẳng định: Ngài (là Ðức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể) đã đến nơi nhà của Ngài... Và Lời đã lưu trú nơi chúng tôi... (1,11-14). Không lẽ Ngài cứ để đền thờ như trước mãi sao? Ngài phải vào và thanh tẩy nó để làm dấu và báo hiệu cho người ta biết Thiên Chúa đã đến thay đổi sự hiện diện của Người ở giữa trần gian. Chúng ta có thể nói, qua việc thanh tẩy này, Ðức Giêsu vừa công nhận đền thờ là Nhà Chúa vừa phủ nhận cách người ta sử dụng nơi này.

 

Người đã lấy dây thừng làm roi mà xua đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ, xô nhào bàn ghế của bọn đổi tiền, và làm tung tiền của quân đổi bạc. Ðiều đáng để ý là Người nhẹ nhàng hơn với những kẻ bán bồ câu. Dù sao hạng người này cũng liên hệ với dân nghèo... Người dùng chính họ để tỏ ý định của Người. Người bảo họ: Hãy cất khỏi đây các vật ấy, đừng biến nhà Cha thành một cái chợ.

 

Nếu chỉ có vậy thì người ta cũng chỉ mới thấy "lòng nhiệt thành của Người đối với Nhà Chúa" mà thôi. Nhưng đó mới là đoạn đầu của câu chuyện. Nó đã đưa đến một phản đề. Người Do Thái nói với Ðức Giêsu: "Ông có dấu nào không để tỏ ra cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế". Chắc chắn họ đã phải cầm mình hết sức. Họ đã thấy một người đến phá đổ hết cơ cấu xã hội và tôn giáo của họ. Người này không tỏ ra được dấu lạ điềm thiêng nào chứng tỏ hơn cả đền thờ, thì nhất định người ấy phải chết. Và Ðức Giêsu đã trả lời cho họ: "Phá đền thờ này đi, và trong ba ngày ta sẽ dựng lại".

 

Người Do Thái chỉ biết càm ràm mà chịu thôi, Ðức Giêsu đã đưa ra một thách đố mà chẳng ai dám nhận. Ai có can đảm phá đền thờ Giêrusalem đi để xem trong ba ngày Người có dựng lại được không? Thực ra, Ðức Giêsu đã không muốn thách đố. Ý nghĩa đích thực của Lời Người nói, phải đợi sau Phục sinh các môn đồ mới hiểu được. Nhưng ai đã đọc tác phẩm của Gioan từ đầu cho đến câu chuyện này tất phải hiểu tức khắc.

Chúng ta đã nói rằng trong Lời Tựa, Gioan đã viết: Lời đã thành xác phàm và lưu trú nơi chúng tôi... Ngài đã đến nơi nhà của Ngài tức là Thiên Chúa đã đến trong thân xác Ðức Giêsu và nhà của Thiên Chúa nơi trần gian bây giờ, chính là con người nhà tiên tri thành Nazareth, đền thờ Giêrusalem đã lỗi thời rồi. Ðền thờ mới bây giờ chính là Ðức Giêsu Kitô.

 

Người Do Thái đã tức mình với Người ư? Họ cứ giết Người đi, ba ngày sau Người sẽ sống lại. Bấy giờ họ sẽ rõ Người lớn hơn đền thờ và Người sẽ thay thế hẳn đền thờ cũ.

 

Ðiều này, Người cũng đã nói với Nathanael trước đây... Người hứa cho ông và đồng bạn sẽ được thấy "trời mở ra và các thiên thần lên xuống trên Con Người". Người đã gợi lại câu chuyện Giacob chiêm bao thấy một cái thang bắc từ đất lên trời và có thiên thần lên xuống trên thang ấy. Tỉnh dậy Giacob đã gọi nơi ông nằm chiêm bao là Ðất Thánh và ông dựng một bàn thờ ở đó. Ðức Giêsu dùng câu chuyện của ông để mạc khải điều sẽ xảy đến cho Người: Người sẽ là đền thờ của Thiên Chúa. Người ta sẽ không phải lên Giêrusalem hay núi Garazim mà thờ phượng nữa. Nhưng kẻ tôn thờ chân thật phải đến gặp Thiên Chúa nơi chính thân thể phục sinh của Ðức Giêsu Kitô. Người là điện thờ chính của đạo mới, mà những kẻ tin Người được vinh dự là các đền thờ phục, nếu chúng ta có thể nói được như vậy theo bài thư sau đây của thánh Phaolô.

 

3. Ðền Thờ Phụ

Thánh tông đồ đang nói đến sứ vụ của những người rao giảng Tin Mừng. Họ phải làm gì nếu không phải là xây dựng Hội Thánh và xây dựng các tâm hồn và con người mới? Thế mà nền móng thì đã có rồi.

Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô mà Phêrô đã tuyên bố là viên đá đã bị thợ xây loại bỏ khinh màng nhưng Thiên Chúa đã chọn làm đỉnh góc (Cv 4,11). Sự thực Phêrô chỉ nhắc lại Lời Chúa. Người đã áp dụng vào cho mình lời Sách Thánh đã biết từ nhiều thế kỷ trước (Mt 21,42; Tv 118; Ys 28,16). Và công nhận điều này rồi, các tông đồ Tin Mừng "phải coi chừng mình xây làm sao"?

 

Kết quả, các tín hữu được xây dựng lên phải là đền thờ của Thiên Chúa. Họ có Thần Trí của Thiên Chúa ngự trong mình. Họ không được hủy hoại một vinh dự như vậy, vì nếu phạm tội để mất đi sự hiện diện của Thiên Chúa ở nơi mình, không những họ làm thiệt mất mình mà còn xúc phạm đến chính Thiên Chúa, bởi đã hủy hoại đền thờ của Người.

 

Tuy nhiên họ đừng ngộ nhận tưởng mình là một đền thờ đầy đủ và tự lực. Họ có ở trong Ðức Giêsu Kitô thì mới chia sẻ được Thần Trí của Người và mới có được sự sống Thiên Chúa để trở nên đền thờ của Người. Và xét theo tương quan ấy, nói đúng ra họ là những "viên đá" sống của một đền thờ duy nhất chính là Ðức Kitô tử nạn phục sinh... Tính cách lệ thuộc này cho phép chúng ta ví họ như những đền thờ phụ phải gắn liền với đền thờ chính là thân thể mầu nhiệm của Ðức Giêsu Kitô. Và điều này cho họ thấy phải luôn luôn mật thiết với Người như thế nào?

 

Mỗi lần hội họp để cử hành phụng vụ, chúng ta lại muốn sẽ mối tương quan này lại cho xoắn xuýt hơn. Chẳng khi nào chúng ta làm thành với Chúa Giêsu một điện thờ như trong những giây phút này. Chính lời của Người và Bí tích Thánh Thể của Người, kết nạp chúng ta chặt chẽ hơn vào "viên đá đỉnh góc". Thần Trí của Người và sự sống Thiên Chúa của Người thông đến chúng ta như nước từ điện thờ Giêrusalem lan ra đến đâu thì làm ra một tạo dựng mới ở những nơi đó. Chúng ta được ơn mầu nhiệm phục sinh giết chết những gì không xứng đáng ở nơi mình như ngày xưa Chúa Giêsu đã xua đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ.

Chúng ta được thánh thiện hơn nên trở thành vật thánh và đền thánh. Chúng ta phải bảo toàn đền thờ của Thiên Chúa... và đồng thời phải nhớ "thành xây trên núi không thể khuất được" thì đền thờ của Chúa là thân mình chúng ta cũng phải có những hành động tốt chiếu sáng ra chung quanh cho mọi người biết có sự hiện diện của Thiên Chúa.

 

Hôm nay mừng lễ Cung hiến Ðền thờ, chúng ta phải nghĩ về đền thờ thiêng liêng; nhưng cũng phải quí đền thờ hữu hình của giáo xứ chúng ta và quyết tâm làm cho đền thờ này cũng đẹp đẽ sốt sắng như đền thờ trong tâm hồn.

 

Chúng ta cũng phải nhớ đến đền thờ rộng lớn bao quát tất cả mặt đất là Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải yêu mến và làm vẻ vang cho đền thờ này vì nhờ Hội Thánh chúng ta mới liên kết được với Chúa Giêsu và trở nên đền thờ Thiên Chúa.

 

 

Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

 

 

 

 

 

 

 

Hãy trẢ lẠi sỰ thánh thiêng cỦa đỀn thỜ


Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Hà nội trong những cơn mưa đầu tháng 11 vừa qua đã đánh mất đi vẻ đẹp, vẻ thơ mộng của thủ đô 4000 năm văn hiến, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Người ta không còn thấy vẻ đẹp của hồ Hoàn Kiếm, của cây liễu rũ, của lá thu bay mà chỉ thấy một thủ đô đang bị ô uế bởi ngập lụt. Đa phần dân Hà Nội không lường trước sự ô uế mà mình phải chịu như thế! Mưa lũ đã đưa toàn bộ sự dơ bẩn để phơi bày lên trên. Mưa lũ đã làm ô uế toàn bộ môi trường Hà Nội. Hơn bao giờ hết, lúc này người ta mới thấy cần có một môi trường xanh, sạch, đẹp. Hơn bao giờ hết, lúc này người ta mới thấy cần có một ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc gìn giữ vẻ đẹp và sự trong sạch của môi trường chung. Người dân đang đề nghị phải tẩy uế môi trường hòng tránh dịch bệnh. Người người đang đốc thúc nhau làm sạch lại môi trường của mình. Toàn dân Hà Nội lúc này đang cùng nhau nỗ lực để thanh tẩy, để làm sạch, làm đẹp lại môi trường.


Cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giê-su cũng chứng kiến sự ô uế của một môi trường được xem là thánh thiêng, là nơi cực thánh, thế nhưng đã bị tục hoá từ vật chất đến tinh thần. Đền thờ là nơi linh thánh đã bị lạm dụng vào việc làm ăn, buôn bán, trao đổi tiền. Nhìn vào đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tục hoá mà lòng Chúa Giê-su quặn đau. Ngài đã không thể chần chờ. Ngài đã hành động dứt khoát để thanh tẩy đền thờ, để mang lại vẻ đẹp ban đầu của đền thờ là nơi Chúa ngự, là nơi linh thánh cho con người gặp gỡ Thiên Chúa. Phúc âm nói rằng: Chúa Giê-su bện roi xua đuổi tất cả những ai can dự vào việc làm ô uế đền thờ như: những người buôn bán chiên, bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Người đã đổ tung và lật nhào bàn ghế của họ. Người khuyến cáo họ: “đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.


Hôm nay ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô, là nhà thờ chánh toà Đức Giáo Hoàng. Thánh đường La-tê-ra-nô được xem là Nhà Thờ Mẹ của tất cả mọi nhà thờ của toàn thể thế giới. Việc mừng kính ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường này nói lên sự hiệp thông của toàn thể Giáo Hội. Giáo hội luôn hiệp nhất và gắn kết với nhau làm thành một thân thể mầu nhiệm Chúa Ky-tô ở giữa thế gian này. Thánh đường là nơi Chúa ngự, là dấu chỉ hữu hình của Giáo hội Chúa hiện diện giữa thế gian. Thánh đường phải sạch sẽ bên ngoài. Thánh đường còn phải sử dụng đúng mục đích để bảo toàn sự thánh thiêng và thanh sạch bên trong.


Thánh đường còn là dấu chỉ sự hiện diện của Giáo hội, thế nên mỗi người ky-tô hữu phải là những viên đá xây dựng nên toà nhà Giáo hội. Mỗi người ky-tô hữu cũng là một đền thờ hữu hình để tôn vinh Thiên Chúa, để thánh hoá nhân loại. Do đó, đền thờ bằng đá sẽ mất ý nghĩa nếu đền thờ tâm hồn nơi các ky-tô hữu bị tục hoá, bị biến chất bởi sự ô uế tâm hồn và đánh mất sự linh thánh nơi thân xác là Đền Thờ Thiên Chúa.


Thế nên, kỷ niệm việc cung hiến đền thờ cũng là dịp nhắc nhở về đền thờ tâm hồn nơi mỗi người chúng ta. Thân xác chúng ta là đền thờ Thiên Chúa hãy biết kính trọng thân xác mình và anh em. Đừng lạm dụng thân xác trong những đam mê bất chính. Đừng lạm dụng thân xác để tìm thú vui xác thịt và kiếm tiền. Đừng phá huỷ đền thở tâm hồn trong những xa hoa truỵ lạc. Hãy biết sống đúng với phẩm giá con người là “nhân linh ư vạn vật”. Hãy sống cao thượng hơn các loài sống theo bản năng hoặc các loài vô tri vô giác. Hãy thanh tẩy từ chính tâm hồn chúng ta khỏi những bợn nhơ tội lỗi, những ước muốn gian dâm và trộm cắp. Hãy loài trừ trong tâm hồn chúng ta những cái nhìn bất chính, những ước muốn tầm thường, những đam mê vô độ. Hãy để Chúa ngự trị và chiếm đoạt tâm hồn chúng ta. Hãy sống thanh sạch. Hãy thanh tẩy tâm hồn mình thường xuyên bằng các bí tích nhất là bí tích Hoà Giải và Thánh Thể. Nhờ bí tích hoà giải mà ta luôn làm mới lại tâm hồn và nhờ bí tích Thánh Thể để ta luôn có Chúa ở trong mình.


Nguyện Xin Chúa luôn nâng đỡ và trợ giúp để chúng ta biết thanh tẩy mình mỗi ngày nên tinh tuyền, xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự, và là viên đá sống động xây dựng nhiệm thể Chúa Ky-tô mỗi ngày một vững mạnh hơn. Amen

 

 

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

 

 

Vào Thánh ĐưỜng là vào Nhà Chúa

Phaolô Phạm Xuân Khôi

 

Vương cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô là một trong những thánh đường đầu tiên được xây cất sau những cuộc bách đạo ban đầu. Thánh đường được Hoàng Đế Constantinô xây và được ĐTC Sylvester thánh hiến năm 324. Thánh Đường này tiếp tục là Nhà Thờ Chánh Tòa của Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha. Thánh Đường này được gọi là ‘Mater Ecclesiae Romae Urbis et Orbis’, Mẹ của tất cả các thánh đường ở Rôma và trên thế giới.

 

Lễ Cung Hiến này được cử hành ở Rôma lúc ban đầu, nhưng trở nên phổ quát trong nghi thức La Tinh như dấu chỉ hiệp nhất với Tòa Thánh.

Hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu vắn tắt về ý nghĩa của Thánh Đường để giúp chúng ta yêu mến Nhà Chúa hơn và tìm thấy ý nghĩa cùng sứ vụ của mình mỗi khi chúng ta vào Nhà của Ngài.

 

1. Thánh Đường là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta.

Mỗi năm người Do Thái mừng Lễ Thánh Hiến Đền Thờ Giêrusalem (Ga 10:22 ) để tưởng niệm việc thanh tẩy và tái lập phụng tự tại Đền Thờ này sau cuộc chiến thắng Vua Antioch của anh em ông Giuđa Maccabê (x. 1 Mac 4:36 -59; 3 Mac 1:2 tt; 10:1-8). Cuộc lễ này kéo dài 1 tuần trong khắp xứ Giuđêa. Còn được gọi là Lễ Đèn vì dân chúng đốt đèn treo ở cửa sổ nhà mình, tượng trưng cho Lề Luật, để mừng kỷ niệm này. Các gia đình sẽ tăng số đèn lên theo mỗi ngày của cuộc Lễ (x. 2 Mc 1:18 ). Tương tự, Nghi Thức Rôma tưởng nhớ việc Thánh Hiến Vương Cung Thánh Đường Latêranô. Đây là Thánh Đường cổ nhất và được tôn trọng nhất trong Hội Thánh Tây Phương. Bên cạnh Lễ chung này, mỗi giáo phận cũng mừng ngày thánh hiến Nhà Thờ Chánh Tòa, và mỗi giáo xứ mừng ngày thánh hiến Nhà Thờ giáo xứ cách đặc biệt.

 

Đối với người Do Thái, Đền Thờ được coi là môt nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt. Thiên Chúa đã cho họ thấy sự hiện diện của Ngài ở Hội Mạc trong hoang địa. Ở đó ông Môsê đã đàm đạo với Thiên Chúa như bằng hữu. Chúa ngự xuống đó như đám mây bao phủ Hội Mạc. Khi thánh hiến Đền Thờ Giêrusalem, vua Solômôn đã cầu nguyện như sau trước Đền Thờ vua mới xây: “Nhưng có thật sự rằng Thiên Chúa cư ngụ chung với loài người trên mặt đất này không? Tại sao, trời, dầu các tầng trời cao thẳm không thể chứa nổi Ngài, thì làm sao Đền Thờ này mà con đã xây có thể chứa nổi! Tuy nhiên, Lạy Ðức Giavê là Thiên Chúa của con! xin đoái thương lắng nghe lời cầu nguyện và van nài của tôi tớ Chúa, xin lắng nghe tiếng kêu cầu và khẩn nguyện mà tôi tớ Chúa dâng lên trước nhan Chúa hôm nay. Xin mắt Chúa ngày đêm đoái nhìn đến nhà này, là nơi mà Chúa đã phán rằng, ‘Danh ta sẽ ngự ở đó.’ Xin Chúa nghe lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa dâng lên trong nhà này” (1 Vua 8:27 -29).

 

Trong Giao Ước Mới, chúng ta cũng đến Nhà Thờ để gặp gỡ Thiên Chúa. Người đang chờ chúng ta ở đó với sự hiện diện thật của Người giữa chúng ta nơi Nhà Tạm.

 

ĐTC Gioan Phaolô II dạy: “Mỗi Thánh Đường là nhà của anh em và nhà của Thiên Chúa. Hãy coi đó là nơi chúng ta gặp Người Cha Chung của chúng ta” (Bài Giảng 3/11/1982 ). Ngôi Thánh Đường là dấu chỉ của Cộng Đồng Dân Chúa. Một cộng đồng được tạo thành bởi những tảng đá sống động – là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa qua Bí Tích Thánh Tẩy.

 

2. Thánh Đường là Thân Thể Đức Kitô

Vì Đền Thờ là nhà của Thiên Chúa nên Chúa Giêsu đã đánh đuổi các người buôn bán ra khỏi Đền Thờ khi họ biến nó thành nơi buôn bán. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa còn nói rằng: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện” (Mt 21:13 ; Mc 11:17 ; Lc 19:46 ). Không những thế, khi trả lời người Do Thái rằng: “Hãy phá hủy Ðền Thờ này đi; trong ba ngày, Tôi sẽ dựng lại”, Người nói về Ðền Thờ là chính thân thể Người (Ga 2:19 , 21). Như thế Đức Kitô đã đồng hóa Thánh Đường với Thân Xác Người, và với Nhiệm Thể Người là Hội Thánh.

 

Tiếng Hy Lạp dùng một chữ “ekklesia” để chỉ Thánh Đường, Hội Thánh và Cộng Đồng Dân Chúa tụ họp lại để cầu nguyện. Thánh Kinh cam kết với chúng ta rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta nơi trần thế. Đức Chúa Giêsu Kitô đã nhập thể để trở thành sự hiện diện thật của Thiên Chúa làm người trên thế gian. Vâng lệnh Chúa, chúng ta họp nhau lại nơi Thánh Đường để cùng nhau cầu nguyện với Cha trên Trời (Mt 18:19 ) va để tưởng nhớ mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Người (Lc 22:19 ). Vì thế mà Đức Tin của Hội Thánh Công Giáo cử hành các mầu nhiệm này trong Phụng Vụ ở các Thánh Đường.

 

Kiến trúc của Thánh Đường dạy chúng ta, từ hình dạng Thập Giá nhắc nhở chúng ta về Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô đến các bức tường dựng đứng vươn cao về hướng thiên cung. Một Thánh Đường truyền đạt các câu truyện thánh thiện qua các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc của mình. Khu vực nội đường rộng rãi để tụ họp cộng đồng tín hữu, trong quá khứ cũng như hiện tại lại, để cử hành những công trình cứu độ của Thiên Chúa.

 

3. Ý Nghĩa của các phần chính của Thánh Đường

Cửa vào Thánh Đường báo cho người ta biết rằng mình sắp sửa bước vào một nơi thánh, một nơi đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là Cổng vào Chuồng Chiên, là Đường dẫn đến cùng Đức Chúa Cha. Bước qua ngưỡng cửa Thánh Đường là bước qua Đức Kitô để chuồng chiên, để được cùng Nhiệm Thể Đức Kitô sống trong Người và chia sẻ sự sống của Người.

 

Đi qua ngưỡng cửa Thánh Đường, người ta vào tiền đường. Tiền đường là nơi chuyển tiếp giữa thế gian và nơi thánh để cầu nguyện này. Tiền đường là nơi chúng ta sửa soạn để vào gặp gỡ Thiên Chúa. Khi vào đến Tiên Đường, chúng ta có bổn phận trút bỏ tất cả những lo âu của thế gian ở bên ngoài Thánh Đường, và thinh lặng sửa soạn những gì cần thiết cả về vật chất lẫn tinh thần để vào nhà Chúa. Chào đón anh em trong tình thân hữu nơi tiền đường là điều chính đáng, nhưng biến tiền đường thành nơi để trò truyện xã giao, để vui đùa, và nhất là để buôn bán thì không nên. Cạnh tiền đường thường có Phòng Áo cho các linh mục sửa soạn y phục thánh, có các phương tiện vệ sinh để mọi người có thể sửa soạn thân thể mình trước khi vào lòng Thánh Đường.

 

Từ tiền đường chúng ta bước vào Lòng Thánh Đường. Lòng Thánh Đường theo tếng La Tinh là navis, có nghĩa là “chiếc tàu”. Như Tàu ông Noe đã che chở gia đình ông và các thú vật trong trận Đại Hồng Thủy thế nào, thì Hội Thánh cũng là “con tầu cứu độ” che chở chúng ta như thế giữa những cơn sóng gió nơi trần gian. Các Thánh Đường tượng trưng cho sự hiện diện của Hội Thánh trên khắp thế gian. Cuộc hành trình của chúng ta đến cùng Đức Kitô được phản ảnh bằng việc chúng ta tiến qua lòng Thánh Đường mà vào gian thánh, ở đó, trên bàn thờ, Thiên Đàng đột nhiên nhập vào thế giới chúng ta, và chúng ta làm một với Đức Kitô.

 

Giếng rửa tội được xây trên cùng một trục với bàn thờ như dấu chỉ hữu hình của sự liên kết chặt chẽ giữa Bí Tích Thánh Tẩy và Thánh Thể. Ngoài ra các Thánh Đường còn có các chén đựng nước thánh. Giếng rửa tội và chén đựng nước thánh nhắc cho chúng ta thanh tẩy tâm hồn trước khi lên dự tiệc Thánh Thể. Để được nên một với Đức Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải cùng chết với Người trong Bí Tích Thánh Tẩy. Khi nhúng tay vào nước thánh mà làm dấu Thánh Giá trên mình, chúng ta thưa với Chúa rằng “xin Chúa làm chủ trí óc con, tâm hồn con, và toàn thân con” để rồi chúng ta có thể chú hết tâm lực vào việc kết hợp với Chúa trong Thánh Lễ hay giờ cầu nguyện mà chúng ta sắp tham dự.

 

Về phiá trước, nằm ngang với lòng Thánh Đường là hai cánh làm thành hai “cánh tay” của Thánh Giá. Hình dạng này của Thánh Đường nhắc lại cho chúng ta về cái chết cứu độ của Chúa Giêsu và cánh tay Người giang ra vì yêu thương chúng ta trên Thập Giá. Chính sự tự hiến cứu độ này được làm tái hiện hữu trong mọi Phụng Vụ Thánh Thể.

 

“Đầu” của Thánh Giá là gian thánh mà ở đó có cung thánh. Trên đó có bàn thờ, là nơi nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Giêsu trong Tiệc Thánh Thể, bữa tiệc cho chúng ta nếm trước bữa tiệc trên Thiên Đàng, là bữa tiệc đang chờ chúng ta. Chúa Giêsu đã tự hiến Mình trên núi Calvary và đã sống lại từ cõi chết.  Biến cố cứu độ này được tái thể hiện trên bàn thờ trong mỗi buổi Thánh Lễ mà ở đó chúng ta được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu của Đức Kitô. Như thế, bàn thờ được thánh hiến và phải được tôn kính. Ở nền của bàn thờ có hòm đựng xương thánh. Theo lịch sử và truyền thống Hội Thánh, bàn thờ thường được đặt trên mộ của các thánh, hoặc hài cốt của các thánh được để dưới bàn thờ.

 

Ở trên gian thánh chúng ta cũng thấy có tòa giảng. Toà giảng là một cái bàn mà từ đó Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Ban Sự Sống của Ngài. Tòa giảng thường được trang trí bằng vật liệu và màu sắc nhu bàn thờ. Sự giống nhau trong việc thiết kế giữa bàn thờ và tòa giảng nói lên mối liên hệ mật thiết giữa Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Tòa giảng chỉ được dùng để công bố và rao giảng Lời Chúa chứ không phải là nơi đọc thông cáo hay các lời cám ơn sau Thánh Lễ.

Trong cung thánh có một cái ghế gọi là cathedra theo tiếng Hy Lạp để vị chủ tế ngồi. Nhà Thờ Chánh Tòa được gọi là cathedral vì ở đó có ghế của Đức Giám Mục. Từ ghế hay tòa này, Đức Giám Mục giáo huấn và hướng dẫn giáo hội địa phương. Một Thánh Đường giáo xứ cũng có ghế dành cho linh mục chủ tế.

 

Trên cung thánh có một Tượng Chịu Nạn. Các nhà thờ Tin Lành chỉ dùng Thánh Giá, còn Nhà Thờ Công Giáo dùng Tượng Chịu nạn, gồm có cây Thánh Giá với tượng Đức Kitô chịu đóng đinh, để nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm Phục Sinh được làm cho hiện diện vì chúng ta trên bàn thờ.

Thường thì trong Thánh Đường cũng có những bàn thờ nhỏ kính Đức Mẹ và các Thánh. Các Ngài là những gương mẫu Đức Tin, nói lên sự hiệp thông và đa dạng của Hội Thánh.

 

Mười bốn chặng Đàng Thánh Giá được được đặt dọc theo các bức tường hai bên Thánh Đường. Việc sùng kính này được bắt đầu rất sớm trong lịch sử Hội Thánh nên trở thành tục lệ của các tín hữu để theo chân Chúa Giêsu từ nhà quan Philatô ở Giêrusalem đến đồi Calvary. Theo thời gian, những người hành hương Đất Thánh vẫn tiếp tục việc sùng kính này khi họ trở về.  Vào thế kỷ thứ XIV khi các cha dòng Phanxicô được trao phó nhiệm vụ quản trị các nơi thánh tại Giêrusalem, các ngài cổ võ việc dùng hình ảnh để diễn tả Đàng Thánh Giá của Chúa.  

 

Ở cánh Thánh Đường thường có nơi chứa các dầu thánh. Các dầu này được Đức Giám Mục giáo phận làm phép và thánh hiến trong Tuần Thánh mỗi năm, được dùng trong các cuộc cử hành Bí Tích Rửa Tội, Xức Dần Bệnh Nhân, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh. Các dầu này được giữ trong các bình thánh được đánh dấu bằng những chữ tắt: OC cho Dầu Dự Tòng, OI cho Dầu Bệnh Nhân, và SC cho Dầu Thơm Thánh.

 

Nhà Tạm ngày xưa thường được đặt giữa cung thánh, nhưng đa số các thánh đường ngày nay có Nhà Nguyện Thánh Thể riêng biệt để Nhà Tạm và cũng là nơi chầu Thánh Thể thưởng trực. Từ khi bắt đầu có cử hành tiệc Thánh Thể trong Hội Thánh thời sơ khai, một phần của bánh lễ đã được giữ lại để đem đến cho những phần tử của cộng đoàn, vì đau ốm không thể tham dự lễ bẻ bánh chung được. Ngoài ra, phần lưu trữ của Mình Thánh vẫn được tiếp tục sử dụng để Chầu Thánh Thể.

 

Nhìn lên phía trên cao của Thánh Đường người ta thấy dọc theo lòng Thánh Đường và hai cánh có những cửa sổ bằng kính nhỏ. Như ánh sáng mặt trời tràn ngập không gian thế nào thì ân sủng của Thiên Chúa cũng tràn ngập nơi này và toàn thể vũ trụ như thế.  Vào thế kỷ thứ 12, Tu viện trưởng Suger ở Thánh đường Tu Viện Thánh Denis đã viết: “Ánh sáng của Thiên Chúa và nhà của Ngài phải tỏa ra sự hiện diện này để mỗi môn đệ của Thiên Chúa được soi sáng nhờ sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Ngôi Lời là ánh sáng, và Chúa Thánh Thần của lửa”.  Trong tâm trí của người thời trung cổ, ánh sáng là vị trung gian đặc biệt và huyền nhiệm của Thiên Chúa và là biểu tượng của sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian.

 

Các cửa sổ sáng dọc theo lòng Thánh Đường gồm nhiều cửa kính lớn, mỗi cửa kính có vẽ hình các Thánh hay các cảnh trong Thánh Kinh hoặc các Mầu Nhiệm Mân Côi. Ngày xưa khi các chưa có máy in, Hội Thánh thường dùng hình ảnh trong thánh đường để giáo dân những đoạn Thánh Kinh quan trọng.

 

4. Kết Luận

Thánh Đường là dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Mỗi lần chúng ta đến Nhà Thờ là chúng ta đến gặp một Thiên Chúa thật đang hiện diện nơi đó. Qua Bí Tích Thánh Thể được cử hành mỗi ngày trên bàn thờ, ơn sủng của Thiên Chúa từ các Thánh Đường đổ vào thế gian như hình ảnh các suối nước chảy ra từ Đền Thờ mà ngôn sứ Êdêkiel được thấy trong Bài Đọc 1. Những dòng suối ấy là gì nếu không phải là mỗi người trong chúng ta? Mỗi lần chúng ta đến Thánh Đường là chúng ta để Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng và tình yêu của Người trên mình, và như những dòng suối, Chúa sai chúng ta vào thế gian để đem ân sủng của Ngài mà tưới gội thế gian, làm cho nó nên trong sạch và sinh hoa quả tốt tươi.

 

Lạy Chúa con ý thức rằng thân xác con chính là đền thờ của Chúa và con người con là một dòng suối nhỏ Chúa gửi vào thế gian để đem Chúa đến cho những người mà con tiếp xúc. Xin ban cho con ơn luôn làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là Đấng ngự trong con, để dòng suối này không bao giờ khô cạn hoặc bị thế gian làm ô nhiễm. Amen

 

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi