CHỐNG LẠI NÃO TRẠNG VÀ TRÀO LƯU PHÁ SẢN GIA ĐÌNH KHẮP NƠI

 

(Bản nhận định và kêu gọi của hai cuộc họp quốc tế về gia đình)


 

Theo Tông Hiến Pastor Bonus của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về công việc của Tòa Thánh Rôma, ban hành ngày 28-06-88, trong đó, ở khoản 141.3 có nói đến “nỗ lực làm cho các quyền lợi của gia đình được công nhận và bênh vực trong sinh hoạt xã hội và chính trị, cũng như bảo trì và phối kết những sáng kiến bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai và yêu chuộng trách nhiệm sinh sản”, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã tổ chức những cuộc họp quốc tế với sự tham dự của những nhà lập pháp và những chính trị gia thế giới, như những lần sau đây:

Cuộc Họp Quốc Tế Thứ Nhất của Những Chính Trị Gia và Các Nhà Lập Pháp ở Âu Châu diễn ra tại Varese, Nước Ý, ngày 8-10/3/1993, về “Các Quyền Lợi của Gia Đình trước Ngưỡng Cửa của Ngàn Năm Thứ Ba”, đề tài này cũng là đề tài cho Cuộc Họp Thứ Nhất của Những Chính Trị Gia và Các Nhà Lập Pháp ở Mỹ Châu, diễn ra tại Rio de Janeiro ngày 28-31/8/1993.

Cuộc Họp Quốc Tế Thứ Hai của Những Chính Trị Gia và Các Nhà Lập Pháp ở Mỹ Châu diễn ra tại Mexico City ngày 6-8/6/1996 về “Phẩm Giá của Gia Đình và Sự Sống trong Lãnh Vực Chính Trị và Ngành Lập Pháp ở Mỹ Châu theo Chiều Hướng của Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống”, và Cuộc Họp Quốc Tế Thứ Hai của Những Chính Trị Gia và Các Nhà Lập Pháp ở Âu Châu diễn ra tại Vatican ngày 22-24/10/1998 về “Mối Liên Hệ giữa Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền Năm 1948 và Hiến Chương Nhân Quyền về Gia Đình Năm 1983 của Tòa Thánh Rôma”.

Sau đây là nguyên văn những nhận định của Những Chính Trị Gia và Các Nhà Lập Pháp ở Mỹ Châu, cũng như ở Âu Châu, trong Cuộc Họp Quốc Tế Lần Hai, về não trạng của con người ngày nay đối với cơ cấu gia đình cùng giá trị của sự sống con người.

Những nhận định của Cuộc Họp Quốc Tế Lần Hai của Những Chính Trị Gia và Các Nhà Lập Pháp ở Mỹ Châu.

“Bất chấp tất cả mọi biến động lung tung xẩy ra nơi địa lục to lớn của chúng ta, một thực tại vẫn còn đó ở ngay tâm điểm của mọi quốc gia, đó là gia đình, một tế bào căn bản, nguyên khởi và sống còn của xã hội. Trong đời sống gia đình làm nên bởi hôn nhân, sự sống con người đã được thụ thai, sinh nở và nuôi dưỡng. Vì gia đình là cung thánh của sự sống, do đó, những vấn nạn nghiêm trọng liên quan đến sự sống của con người, như phá thai, trợ tử cũng như các mối đe đọa và các cuộc tấn công sự sống không thể là những vấn nạn chẳng có liên quan gì tới gia đình. Vì gia đình là yếu tố chính yếu tiên khởi của xã hội mà những qui chế về kinh tế và xã hội phải góp phần xây dựng gia đình và phải làm cho gia đình thêm vững chắc.

“Ngày nay, chúng ta được báo động trước tình trạng sự sống của con người và gia đình đang bị tấn công trong tất cả mọi xứ sở của chúng ta. Bởi thế, họp nhau lại tại Thành Phố Mễ Tây Cơ này, chúng tôi muốn gửi đến các chính trị gia và các nhà lập luật đồng nghiệp lời kêu gọi của chúng tôi đây.

“Vào giây phút này chúng tôi muốn phác tả cho thấy những đặc tính chính của cuộc khủng hoảng, muốn tái xác nhận những nguyên tắc phải được bảo trì; cũng như muốn nêu lên một vài đề nghị thực tế và khẩn thiết.

1) CUỘC KHỦNG HOẢNG Ở MỸ CHÂU

“Vấn đề dân số xẩy ra theo chiều hướng khác nhau tại các quốc gia. Việc di dân tăng phát đã gây ra những thách đố khác nhau. Tiến trình của việc làm giảm bớt và nắm vững tình trạng tăng nhân số, được các chuyên gia coi như là vấn đề chuyển tiếp về dân số, cũng đang được tiến triển tốt đẹp nơi nhiều vùng đất của chúng ta. Tuy nhiên, bởi hiểu lầm về những dữ kiện dân số, tân ý hệ Malthusian đã hào hứng phác họa ra các qui chế kiểm soát dân số tại rất nhiều quốc gia của chúng ta, qua việc ngừa thai, chặn thai, thậm chí phá thai. Được các quốc gia giầu có nâng đỡ, các tác nhân thuộc ý hệ hủy hoại và lầm lạc này đã trở thành những tổ chức quốc tế giầu tiền lắm của dấn thân vào việc, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là, ‘âm mưu chống lại sự sống’ (Thông Điệp Sự Sống Con Người, đoạn 17). Vì họ mâu thuẫn với quyền lợi của dân chúng mà các tổ chức quốc tế phải nhắm vào việc phục vụ công ích phổ quát và phải tránh những hoạt động không xứng hợp với sứ vụ nguyên thủy của mình.

“Phá thai là một sự dữ đầu tiên và là một trong những nạn trầm trọng trong thời đại của chúng ta. Ở Hoa Kỳ, phá thai đã được hợp pháp hóa đến những mức độ cao nhất của tình trạng tệ hại và rùng rợn nơi những việc phi nhân bản như ‘việc phá thai bán phần’. Ở Châu Mỹ Latinh, những khoản luật bênh vực quyền sống vẫn còn hiệu lực đã bị triệt tiêu bởi việc không chịu áp dụng chúng, cũng như bởi những nỗ lực phối hợp tranh đấu cho việc phá thai khỏi bị luật pháp trừng phạt, cùng với những dự định biến tội ác này thành một ‘thứ quyền’, nại đến nhiều lý do sai quấy, trong số đó có lý do ‘sức khỏe sinh sản của nữ giới’ và ‘quyền sinh sản’.

“Trợ tử cũng vào hùa với phá thai trong việc khinh thường sự sống. Ở Bắc Mỹ Châu, những nỗ lực sử dụng việc trợ tử đang đe dọa mạng sống của hằng triệu con người không có khả năng tự vệ, nhất là thành phần già yếu và tật nguyền, những người có quyền được yêu thương và chăm sóc trong gia đình.

“Chính luật lệ là nguyên tắc của quyền lợi cũng đang bị bại hoại. Ở đằng sau những cuộc tấn công hủy diệt sự sống, chúng ta thấy được chủ nghĩa pháp lý tích cực và duy lợi, qua việc hạ bệ quyền sống vốn có từ đầu xuống theo ý muốn tuyệt đối của các nhà lập pháp, chuyên viên pháp luật hay vị lãnh thủ quốc gia. Gắn liền với những lực lượng này là các hình thức tàn nhẫn của chủ nghĩa tư bản (x Thông Điệp Bách Niên, đoạn 33) cùng với chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, làm suy giảm, thậm chí hủy diệt đi cả giá trị lẫn trách nhiệm của dục tính, hôn nhân và đời sống gia đình. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định, những lực lượng như vậy đang soi mòn đến tận gốc rễ của nền dân chủ đích thực (x. Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, đoạn 20).

“Phương tiện truyền thông xã hội thường bị lạm dụng để cổ võ ‘nền văn hóa tử vong’ cũng như cổ võ quan niệm duy vật và duy lạc của con người, phản khắc với các giá trị của hôn nhân và gia đình.

“Qui chế về kinh tế của các quốc gia chúng ta thường không thiên về gia đình. Phụ nữ bị buộc phải làm việc ngoài nhà và không được nâng đỡ để thực hiện sứ vụ làm mẹ của họ. Ở một số quốc gia, những nạn xã hội như tình trạng gia đình bần cùng túng thiếu, cảnh nhiều nhà chỉ có một cha hay một mẹ, tình trạng thiếu niên bê tha, nghiện hút và tội ác bạo lực trở nên tệ hại bởi các chương trình an sinh thất sách. Ở một số quốc gia khác lại thiếu những khoản an sinh đầy đủ khiến cho các gia đình nghèo phải sống trong một tình trạng rất thiếu kém và thê thảm.

“Các quyền căn bản của cha mẹ về vấn đề giáo dục không luôn luôn được công nhận. Các chương trình dạy tính dục, do Chính Phủ bó buộc và thường bởi các tổ chức kiểm soát dân số điều khiển, vi phạm đến quyền lợi của phụ huynh và cổ võ các lối sống hưởng lạc. Nhiều cha mẹ không được tự do chọn cho con cái một chương trình giáo dục hợp với đức tin và lương tâm của mình, hay họ phải trả nhiều tiền cho một chương trình giáo


“Trẻ em ở nhiều miền đất đã trở thành nạn nhân của những khai thác vô loài, qua việc lao động trẻ em, mãi dâm trẻ em và hình ảnh trẻ em khiêu dâm. Nỗi khổ của ‘các trẻ em bụi đời’, nạn nhân của tình trạng thiếu kỷ cương gia đình, là một gương mù và là một nỗi hổ ngươi cho nhiều thành phố lớn nhất của chúng ta.


“Nữ giới phần lớn phải sống trong cảnh bần cùng. Họ thường bị tổn hại vì thiếu học hành. Cùng với con cái, họ là những nạn nhân chính của cảnh tan vỡ gia đình. Ở một số xã hội, họ là những nạn nhân cho quyền lực dục tính của nam giới. Trái lại, phong trào nữ giới cấp tiến, bằng việc phát động ý niệm sai lầm về ‘giống tính’, đồng thời đã làm hại họ ở hết mọi quốc gia thuộc Mỹ Châu, làm thấm nhập từ từ những thành kiến phản lại chủ nghĩa nữ giới chân chính là chủ nghĩa bảo vệ phẩm vị của nữ giới.

“Sau hết, chúng tôi muốn nói lên nỗi quan tâm sâu xa nhất của chúng tôi về một tân ‘kiểu mẫu sức khỏe’ nhắm đến việc làm cho quyền sống khỏe mạnh bị lệ thuộc vào việc giải quyết của cá nhân hay của xã hội.Õ

2) NHỮNG SỰ THẬT VỀ GIA ĐÌNH VÀ SỰ SỐNG

“Đối diện với những vấn nạn và thách đố này, chúng tôi muốn tái xác nhận một số những nguyên tắc quan trọng hơn để soi dẫn đường lối chúng ta đi.

1. “Chúng tôi tái công nhận phẩm vị và giá trị bẩm sinh của hết mọi con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa nên có khả năng yêu thương hy hiến bản thân mình.

2. “Chúng tôi tái xác nhận là các quyền lợi của con người đều do bẩm sinh mà có, như được nêu lên trong Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền (1948)

3. “Chúng tôi tái công nhận giá trị và tầm quan trọng hiện tại của Bản Hiến Chương về Các Quyền Lợi của Gia Đình được Tòa Thánh phổ biến (1983). Bởi thế, chúng tôi tái xác nhận rằng gia đình được hưởng những quyền lợi phát xuất từ chính căn tính của mình là tế bào căn bản của xã hội.

4. “Chúng tôi tái xác nhận rằng gia đình được làm nên bởi hôn nhân là cuộc hiệp nhất giữa một người nam và một người nữ để hướng đến việc truyền đạt sự sống con người.

5. “Chúng tôi tái xác nhận rằng tính chất bất khả phân ly của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ cần phải được bảo vệ bởi những luật lệ để phục vụ thiện ích cho xã hội.


6. “Chúng tôi tái công nhận quyền sống của tất cả mọi con người, từ lúc thụ thai cho tới khi tự nhiên chết đi. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy: ‘Không ai được đặc quyền hay được chuẩn chước đối với qui tắc luân lý cấm việc trực tiếp lấy mạng sống của một con người vô tội. Dù là người nắm trong tay quyền làm chủ thế giới hay là người nghèo nhất trong các người nghèo trên mặt đất này thì cả hai cũng không khác nhau. Đối với những đòi buộc của luân lý, tất cả chúng ta hoàn toàn bình đẳng như nhau’ (Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, đoạn 57)Õ

3- NHỮNG ĐỀ NGHỊ

 

“Theo chiều hướng của những sự thật này, chúng tôi kêu gọi những chính trị gia và các nhà lập pháp đồng nghiệp hãy đối diện với những vấn nạn nơi các quốc gia của chúng ta, và để đạt mục đích này, chúng tôi xin nêu lên những đề nghị sau đây.

1- “Chúng tôi yêu cầu các chính trị gia và các nhà lập pháp hãy thực hiện một nỗ lực bao quát quốc tế hướng chiều về sự sống con người. Chúng tôi đề nghị nên hình thành một nhóm nghị viên ở hết mọi quốc gia thuộc lục địa của chúng ta để bênh vực sự sống và gia đình. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị là những nhóm này hãy cùng nhau hoạt động qua một cơ cấu điều hợp Liên Mỹ Châu, nối kết với Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình.

2- “Chúng tôi yêu cầu luật lệ hãy tái nhận thức lại vai trò của mình trong việc bênh vực hết mọi sự sống của con người, nhất là của những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Chúng tôi đề nghị hãy thực hiện việc giáo dục về luật tự nhiên, một thứ luật căn bản cho các quyền lợi phổ quát của con người, đầu tiên là quyền sống, nhờ đó nó mới thực sự là nền tảng cho chủ nghĩa dân chủ. Phải dạy đầy đủ toàn bộ học thuyết xã hội của Giáo Hội, với tất cả những điều cần thiết liên quan đến việc phù sinh và gia đình, nơi các trường học, các đại học cộng đồng, các đại học toàn khoa cũng như nơi các học viện cao cấp. Điều này bao gồm cả việc liên tục dạy tại các học đường ấy các vấn đề về luân lý hợp với Huấn Quyền.

3- “Chúng tôi yêu cầu hãy triệt để tuân giữ và áp dụng những qui tắc thuộc hiến và luật pháp vẫn còn hiệu lực nơi nhiều quốc gia chúng ta trong việc bảo vệ các quyền lợi của thai nhi. Chúng tôi khích lệ việc cổ võ để ý thức được những luật lệ này, cũng như để tỉnh táo biết được những nỗ lực về phía các chính trị gia và các nhà lập pháp trong việc họ muốn làm suy giảm đi những luật lệ này, bằng việc họ làm ngơ cho việc phá thai bất hợp pháp xẩy ra, hay bằng việc thực hiện mà không bị luật pháp trừng trị, hoặc bằng việc đề xướng lên những quyền lợi không chân chính.

4- “Chúng tôi yêu cầu hãy thực hiện việc trợ giúp phù sinh cho những người phụ nữ đang muốn phá thai hay những người đã phá thai. Chúng tôi đề nghị là phải lập thêm các trung tâm phù sinh cho nữ giới, và phải ủng hộ cũng như nâng đỡ những trung tâm đang hoạt động.

5- “Chúng tôi yêu cầu phải bảo vệ hợp pháp cho những thai nhi từ lúc thụ thai. Chúng tôi đề nghị ban hành những khoản luật dứt khoát phù sinh đối với việc thử thai và cấy giống. Chúng tôi hoan hô lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi các chuyên gia luật pháp và các vị lãnh đạo chính quyền trong việc công nhận và bênh vực ‘các quyền tự nhiên của chính nguồn mạch sự sống con người’ (Diễn Từ ngỏ với Hội Nghị về Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống và Luật Pháp, ngày 24/5/1996, đoạn 6: L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 29/5/1996, trang 12).

6- “Chúng tôi yêu cầu thực hiện tình trạng công bình về kinh tế cho các gia đình, để ‘vốn liếng nhân bản’ không thể thay thế của gia đình được phát triển, không bị Chính Quyền kiểm soát một cách thiếu chính đáng và không bị các qui chế của xã hội gây tổn hại. Chúng tôi đề nghị lập ra những qui định đặc biệt về gia đình ở mọi quốc gia, không phải chỉ là những qui định thuần túy về xã hội mà còn nêu lên cả những phương thức để phục hồi trọn vẹn vai trò tự nhiên của gia đình trong lãnh vực kinh tế và phát triển cho lợi ích chung.

7- “Chúng tôi yêu cầu những qui định đặc biệt về gia đình hãy cống hiến cho nữ giới những điều kiện cụ thể để dung hòa vai trò làm mẹ của họ với những ước vọng về chuyên môn cũng như về học vấn của họ. Chúng tôi đề nghị hãy thực hiện những bước tiến để đạt được điều này, nhất là trong lãnh vực về tài chính.

8- “Chúng tôi yêu cầu hãy công nhận vai trò giáo dục không thể thay thế của gia đình. Chúng tôi đề nghị hãy lập những khoản luật thuận lợi cho cha mẹ, nhất là những cha mẹ nghèo, trong việc tự do chọn trường học.

9- “Chúng tôi yêu cầu hãy công nhận quyền của phụ huynh trong việc cung cấp ‘vấn đề dạy dỗ chính đáng con cái mình về dục tính và yêu đương’ (Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, đoạn 97). Chúng tôi đề nghị hãy cổ võ học hỏi bản văn mới được Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình phổ biến là Sự Thật và Ý Nghĩa về Tính Dục Con Người, Những Hướng Dẫn cho Việc Giáo Dục trong Gia Đình.

10- “Chúng tôi yêu cầu các phương tiện truyền thông xã hội hãy có trách nhiệm về vấn đề luân lý hơn nữa. Chúng tôi đề nghị hãy thiết lập hay kiên cố các cơ cấu tổ chức giúp cho việc dễ dàng thực thi trách nhiệm về nghề nghiệp.

11- “Chúng tôi yêu cầu hãy thực hiện một cuộc thẩm định về thực tại dân số ở Mỹ Châu thực sự theo đường lối khoa học, không bị chi phối bởi chiều hướng ý hệ hay tư lợi. Chúng tôi đề nghị đặc biệt bảo vệ thành phần di dân bằng luật pháp và các qui chế chính đáng.

12- “Chúng tôi yêu cầu hãy chấm dứt ‘đế quốc ngừa thai’ để kiểm soát dân số bằng việc cổ võ phá thai, chặn thai và ngừa thai. Chúng tôi khích lệ vai trò trách nhiệm của phụ huynh, được hỗ trợ bằng cách phát động hết sức rộng rãi những phương pháp tân thời trong vấn đề ngừa thai tự nhiên, những phương pháp theo khoa học chắc chắn đạt được hay hoãn được việc thụ thai khi có những lý do chính đáng.

13- “Chúng tôi yêu cầu hãy đối xử công bằng và yêu thương đối với mỗi một con trẻ, thành phần là phúc lành Thiên Chúa ban. Chúng tôi đề nghị hãy lập ra những khoản luật mới để bảo vệ quyền lợi và an sinh của trẻ em, nhất là những em trở thành nạn nhân của công việc khai thác lao động, mãi dâm hay khiêu dâm.

14- “Chúng tôi xin các cơ quan có uy thế hãy làm cho sự sống và gia đình trở thành đề tại chính ở Thượng Hội Giám Mục Mỹ Châu tới đây.

“Sau hết, chúng tôi kêu gọi những chính trị gia, những nhà lập pháp và tất cả mọi con người nam nữ có thiện chí hãy liên hợp với chúng tôi trong việc chiến đấu cho sự sống và gia đình. Một lần nữa, chúng tôi nhất định dấn thân cho lý tưởng cao cả này. Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có một tương lai sáng sủa hơn, bởi thế chúng tôi xin phó thác tất cả mọi hoạt động của chúng tôi cho sự sống và gia đình ở trong tay Thiên Chúa là Chúa của Sự Sống và là Đấng Tạo Dựng của gia đình”.

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dich từ tuần san L' O sservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 26/6/1996)