THÔNG ĐIỆP SPE SALVI
của
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
gửi
Chư Vị Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ cùng Toàn Thể Tín
Hữu Giáo Dân
về
Niềm Hy Vọng Kitô Giáo
Quan niệm
về niềm hy vọng dựa vào đức tin trong Tân Ước và thời Giáo Hội sơ
khai
8. Việc giải thích này còn được củng cố bởi và liên hệ tới
cuộc sống thường nhật nếu chúng ta lưu ý tới câu 34 của đoạn 10
trong Bức Thư Do Thái, một câu theo ngữ vựng và nội dung có liên hệ
tới câu định nghĩa về đức tin tràn đầy hy vọng này và dọn đường cho
câu định nghĩa ấy. Ở đây tác giả nói với thành phần tín hữu đã từng
trải qua kinch nghiệm bị bách hại và ngài nói với họ rằng: “anh em
đã tỏ lòng cảm thương đối với các tù nhân, và anh em hân hoan chấp
nhận tài sản của mình bị cướp bóc
(hyparchonton—Vg.
bonorum), vì anh em biết rằng chính anh em đã có một sử hữu tốt
đẹp hơn (hyparxin—Vg. substantiam) và là một sở hữu
tồn tại”. Hyparchonta liên quan tới tài sản, tới những gì tạo
nên phương tiện nâng đỡ ở cuộc sống trần gian này, thật sự là tới
cái căn bản, cái “chất liệu” cho đời sống, những gì chúng ta lệ
thuộc. Cái “chất liệu” này, cái nguồn an sinh bình thường này của
đời sống, Kitô hữu đã bị cướp mất khi xẩy ra cuộc bách hại. Tuy
nhiên, họ vẫn kiên cường, vì họ coi cái chất liệu về thể lý này chỉ
là những gì nhỏ mọn. Họ có thể bỏ nó đi vì họ thấy được một “căn cứ”
tốt đẹp hơn cho cuộc sống của họ – một căn cứ tồn tại, không ai có
thể lấy mất đi được. Chúng ta không được tỏ ra loáng thoáng với mối
liên hệ giữa hai loại “chất liệu” này, giữa phương tiện nâng đỡ hay
cái căn cứ về thể chất và lời của đức tin như là một “căn cứ”, một
“chất liệu” kéo dài bền vững. Đức tin cống hiến sự sống cho cái căn
cứ mới, một nền tảng mới cho chỗ đứng của chúng ta, một nền tảng làm
tương đối hóa cái nền tảng thường lệ, tương đối hóa sự cậy dựa vào
lợi tức vật chất. Một thứ tự do mới được kiến tạo đối với cái nền
tảng thường lệ này của cuộc sống, một thứ nền tảng chỉ có khả năng
cung cấp việc nâng đỡ bề ngoài, mặc dù ở đây rõ ràng vẫn
không chối bỏ cái ý nghĩa bình thường của nó. Cái tự do mới này, cái
ý thức về “chất liệu” mới chúng ta được cống hiến cho này, được tỏ
hiện không phải chỉ ở nơi cuộc tử đạo, là biến cố con người chống
lại quyền lực hống hách của ý hệ cùng với những cơ cấu chính trị của
nó, và bằng cái chết của mình, họ canh tân thế giới này. Trước hết,
cái tự do này được thấy nơi những hành động từ bỏ cao cả, từ những
đan sĩ cổ xưa cho tới Thánh Phanxicô Assisi và những vị đương thời
của chúng ta, thành phần gia nhập các tổ chức tu trì và những phong
trào tân tiến, bỏ lại mọi sự vì tình yêu Chúa Kitô, hầu mang đến cho
con người nam nữ niềm tin và tình yêu Chúa Kitô, và hỗ trợ những ai
đang đau khổ nơi thân xác và tinh thần. Nơi trường hợp của họ, cái
“chất liệu” mới này đã chứng tỏ mình là một thứ “chất liệu” đích
thực; từ niềm hy vọng của những con người này, những con người đã
được Chúa Kitô chạm tới, một niềm hy vọng đã hiện lên cho các kẻ
khác, những người đang sống trong tăm tối và vô vọng. Trong trường
hợp của họ, vấn đề được chứng tỏ là sự sống mới này có được và là
“chất liệu” mang lại sự sống cho người khác. Đối với chúng ta là
thành phần chiêm ngưỡng những nhân vật này, đường lối của họ trong
việc tác hành và sống động thực sự là một “chứng cớ” cho thấy những
gì sẽ tới, lời hứa của Chúa Kitô, không phải chỉ là một thực tại
chúng ta đang trông chờ, mà còn là một hiện diện thực sự; Người thực
sự là “triết gia” và “chủ chiên”, vị tỏ cho chúng ta thấy sự sống là
gì và sự sống cần phải tìm kiếm ở đâu.
9. Để hiểu sâu xa hơn việc suy tư này về hai thứ chất liệu -
hypostasis
và hyparchonta – và về hai phương thức tiến tới với sự sống
được bày tỏ nơi hai từ ngữ này, chúng ta cần phải tiếp tục với một
lưu ý vắn tắt về hai chữ liên quan tới vấn đề bàn luận ở đây, những
chữ có thể được thấy ở đoạn 10 của Thư Do Thái. Tôi muốn nói đến chữ
hypomone (10:36) and hypostole (10:39). Hypo-mone
bình thường được chuyển dịch là “nhẫn nại” – kiên trì, nhất trí.
Biết chờ đợi ra sao, trong khi nhẫn nại chịu đựng thử thách, là
những gì cần thiết đối với tín hữu để có thể “lãnh nhận những gì hứa
hẹn” (10:36). Trong bối cảnh tôn giáo của Do Thái giáo xưa thì chữ
này được sử dụng một cách tỏ tường về niềm trông đợi Thiên Chúa, một
niềm trông đợi làm nên đặc tính của dân yean Duyên, vì lòng trung
thành kiên trì của họ đối với Thiên Chúa theo niềm tin tưởng vào
Giao Ước trong một thế giới đạo nghịch với Thiên Chúa. Thế nên chữ
này nói lên một niềm hy vọng được sống theo, một sự sống căn cứ vào
niềm tin tưởng của niềm hy vọng. Trong Tân Ước, niêm trông dợi Thiên
Chúa này, việc trung thành với Thiên Chúa đây, mặc một ý nghĩa mới,
ở chỗ, trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã mạc khải bản thân mình ra.
Ngài đã truyền đạt cho chúng ta cài “chất liệu” của những gì sẽ tới,
và nhờ đó niềm trông đợi Thiên Chúa có được một niềm tin tưởng mới.
Niềm
trông đợi những gì sẽ tới này xuất phát từ viễn ảnh của một hiện tại
đã được cống hiến. Nó là một thứ hướng tới, qua việc hiện diện của
Chúa Kitô, với Chúa Kitô là Đấng đang hiện diện, việc hoàn trọn Thân
Mình của Người, việc Người đến lần cuối cùng. Còn chữ hypostole
có nghĩa là lùi bước vì thiếu can đảm để công khai và thẳng thắn nói
lên một sự thật có thể gây nguy hiểm. Việc ẩn núp che đệy theo tinh
thần sợ hãi là những gì dẫn đến “hủy hoại” (Heb 10:39). “Thiên Chúa
không ban cho chúng ta một thần trí rụt rè nhút nhát mà là một thần
trí quyền năng và yêu thương, tự chế” – một đường lối tuyệt vời là
những gì ngược lại cho thấy thái độ cốt yếu của Kitô hữu như ở Thư
Hai gửi Timôthêu (1:7).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20071130_spe-salvi_en.html