Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Tông Thư Gửi Giới Trẻ Thế Giới Năm 1985 

Tôi Phải Làm Gì Để Được Sự Sống Đời Đời? 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

 

  

10- BÍ TÍCH HÔN NHÂN CAO CẢ”

 

 

D

ựa vào bối cảnh bao rộng này, một bối cảnh mà dự án cuộc sống trẻ trung của qúi bạn liên hệ tới ý tưởng về ơn gọi Kitô hữu, Tôi muốn cùng với giới trẻ qúi bạn, thành phần Tôi đang chia sẻ Bức Thư này đây, khảo sát vấn đề ở ngay tâm điểm tuổi trẻ của tất cả qúi bạn theo một nghĩa nào đó. Đây là một trong những vấn đề trọng tâm của cuộc sống làm người, đồng thời cũng là một trong những đề tài chính yếu cho việc suy tư, sáng tạo và văn hóa. Nó cũng là một trong những đề tài chính của thánh kinh, và là một đề tài cá nhân Tôi đã nhiều lần chia sẻ và phân tích. Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, từ đó Ngài đưa vào lịch sử loài người “cái nhị tính” đặc biệt này, cùng với tính cách hoàn toàn bình đẳng trọn vẹn, về phương diện phẩm giá con người; cả với tính cách bổ túc lạ lùng, về phương diện khác nhau nơi phẩm tính, đặc tính và việc làm được gắn liền với nam tính và nữ tính của con người.

 

Bởi vậy, đây là một đề tài thiết yếu in ấn nơi “cái tôi” riêng tư của mỗi một người trong qúi bạn. Tuổi trẻ là giai đoạn cho đề tài lớn lao này gây ảnh hưởng một cách thực nghiệm và mới mẻ cho linh hồn và thân xác của mỗi một người trẻ nam nữ, và nơi lương tâm tuổi trẻ, nó hiện thân cùng với việc khám phá sâu xa về “cái tôi” riêng tư nơi tất cả khả năng tính đa diện của cái tôi này. Thế rồi, cũng ở chân trời của cõi lòng người trẻ, một cảm nghiệm mới mẻ hiện lên: đó là cảm nghiệm yêu thương, một cảm nghiệm mà ngay từ ban đầu đã được chất chứa trong dự án cuộc sống do tuổi trẻ tự động tạo nên và hình thành.

 

Trong mỗi một trường hợp khác nhau, tất cả những điều này có một diễn đạt chủ quan riêng không giống nhau, có dồi dào tình cảm, có nét đẹp siêu hình thực sự. Cũng thế, trong tất cả những điều này, còn chất chứa một huấn dụ mãnh liệt đừng làm méo mó đi việc diễn đạt này, đừng hủy hoại đi kho tàng này và đừng làm biến dạng đi nét đẹp này. Qúi bạn hãy thâm tín rằng, lời kêu gọi ấy phát xuất từ chính Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người “theo hình ảnh và tương tự như Ngài”, “như người nam và người nữ”. Lời kêu gọi này phát xuất từ Phúc Âm và vang vọng nơi tiếng lương tâm giới trẻ, nếu lương tâm họ còn đơn thành và tinh khiết: “Phúc cho ai có lòng tinh khiết, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt.5:8). Phải, nhờ tình yêu ấy được phát sinh nơi qúi bạn – và muốn trở nên một phần làm nên dự án cuộc sống của qúi bạn – qúi bạn phải là những người được thấy Thiên Chúa, Đấng là tình yêu (x.1Jn.4:8,16).

 

Bởi thế Tôi xin qúi bạn đừng làm gián đoạn cuộc đối thoại giữa qúi bạn với Chúa Kitô trong giai đoạn hết sức quan trọng của tuổi trẻ qúi bạn; chẳng những thế, Tôi xin qúi bạn hãy dấn thân hơn nữa. Khi Chúa Kitô nói “Hãy theo Tôi” thì lời kêu gọi của Người có thể hiểu là: “Tôi kêu gọi qúi bạn đến một tình yêu khác nữa”, song rất thường có nghĩa là: “Hãy theo Tôi”, theo Tôi là Phu Quân của Giáo Hội, hiền thê của Tôi; hãy đến, qúi bạn cũng trở thành phu quân đối với người vợ của qúi bạn, qúi bạn cũng trở thành hiền thê đối với người chồng của qúi bạn. Cả hai qúi bạn trở nên những người thông phần vào mầu nhiệm này, vào Bí Tích này, như Thư gửi giáo đoàn Êphêsô nói, là một cái gì cao cả: một cái gì cao cả “liên quan đến Chúa Kitô và Giáo Hội” (x.Eph.5:32).

 

Cả việc đi theo con đường này nữa cũng tùy thuộc rất nhiều vào việc qúi bạn bước theo Chúa Kitô; vào việc qúi bạn đừng tránh né Người, khi qúi bạn bị vấn đề này xâm chiếm làm qúi bạn thật sự coi nó là một biến cố lớn lao trong lòng mình, một vấn đề chỉ xẩy ra nơi qúi bạn và giữa qúi bạn. Tôi muốn qúi bạn hãy tin tưởng và xác tín rằng, vấn đề lớn lao này có một chiều kích tối hậu nơi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu – nơi Vị Thiên Chúa, Đấng mà, trong sự duy nhất của thần tính của mình, cũng là sự hiệp thông của các ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Tôi muốn qúi bạn hãy tin tưởng và xác tín rằng, “mầu nhiệm cao cả” nhân loại của qúi bạn được bắt nguồn nơi Thiên Chúa là Đấng Hóa Công, được bắt nguồn nơi Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc là người phối ngẫu “tự hiến thân mình”, và là Đấng dạy tất cả mọi người chồng và người vợ biết hiến mình trọn vẹn theo phẩm giá riêng tư của mỗi một người. Chúa Kitô dạy chúng ta sống tình yêu hôn nhân.

 

Để bắt đầu con đường theo ơn gọi hôn nhân nghĩa là học hỏi tình yêu hôn nhân, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác: một tình yêu hợp với linh hồn và thân xác, một tình yêu “nhẫn nại, từ hậu, không cứ theo ý mình và không vui khi lầm lỗi”: một tình yêu “vui trong lẽ phải”, một tình yêu “chịu đựng hết mọi sự” (x.1Cor.13:4,5,6,7).

 

Qúi bạn cần đến chính tình yêu này, nếu tương lai hôn nhân của quí bạn phải “trải qua thử thách” cả đời. Cuộc thử thách này thực sự là một phần làm nên chính yếu tính của ơn gọi, mà qua hôn nhân, qúi bạn đã có ý gói ghém trong cả dự án cuộc đời của qúi bạn rồi.

 

Bởi thế, Tôi không ngừng cầu cùng Chúa Kitô và Mẹ Tình Yêu Mỹ Lệ cho tình yêu phát sinh trong cõi lòng tuổi trẻ của qúi bạn. Trong cuộc đời của mình, nhiều lần, ở một khía cạnh nào đó, Tôi đã hỗ trợ tình yêu của giới trẻ này một cách sát cánh hơn. Nhờ kinh nghiệm này, Tôi đã hiểu được mức độ trọng yếu của vấn đề chúng ta đang bàn đến ở đây, mức độ quan trọng và mức độ cao trọng của nó. Tôi nghĩ rằng, phần lớn tương lai của nhân loại được định đoạt nơi các nẻo đường yêu thương này, khởi đầu là tình yêu trẻ trung mà qúi bạn và cô ta, qúi bạn và anh ta, khám phá thấy trên các nẻo đường tuổi trẻ của mình. Đây có thể gọi là một cuộc thám hiểm kỳ thú song cũng là một công việc trọng đại.

 

Ngày nay, các nguyên tắc luân lý Kitô giáo liên quan đến hôn nhân, trong nhiều thập niên, đã được trình bày một cách lệch lạc. Nhiều nỗ lực đang được thực hiện để áp đặt lên các hoàn cảnh, và ngay cả trên các xã hội, một kiểu cách tự xưng là “cấp tiến” “tân tiến”. Thế rồi, kiểu cách này ngấm ngầm biến đổi con người, có lẽ biến đổi nhất là người phụ nữ, từ một chủ thể trở thành một đối tượng, (một đối tượng bị đặc biệt lạm dụng), và tất cả những gì là yêu thương bị hạ xuống thành “lạc thú”, dù liên quan đến cả hai người, tự nó vẫn là ích kỷ. Sau hết là con trẻ, hoa trái và là cuộc nhập thể mới mẻ của tình yêu giữa hai người, hơn bao giờ hết, đã trở thành “một thêm thắt phiền toái”. Nền văn minh vật chất và hưởng thụ đang thấm nhập vào toàn thể cơ cấu tuyệt vời của tình yêu hôn nhân và phụ mẫu này, và đang hất văng nó ra khỏi nền tảng nhân bản sâu xa là những gì, ngay từ đầu, cũng đã được mang dấu vết và hình ảnh thần linh.

 

Qúi bạn trẻ thân mến! Đừng làm mất đi kho tàng này! Đừng in ấn vào dự án cuộc sống của mình những gì là biến dạng, thường hèn và sai lạc: tình yêu thì “vui trong sự thật”. Qúi bạn hãy tìm kiếm sự thật này ở nơi nó thực sự tìm thấy được! Nếu cần, qúi bạn hãy cương quyết đi ngược lại với trào lưu của các quan niệm thông thường và của những tâm niệm tuyên truyền! Qúi bạn đừng sợ hãi thứ tình yêu thật sự đòi hỏi con người. Những đòi hỏi này – như qúi bạn thấy chúng ở nơi giáo huấn liên tục của Giáo Hội – thực sự là khả năng làm cho tình yêu của qúi bạn trở thành một tình yêu chân chính.

 

Ngoài những chỗ khác ra, ở nơi đây, Tôi đặc biệt muốn lập lại niềm hy vọng mà Tôi đã nói lên lúc đầu, tức là niềm hy vọng mong sao cho qúi bạn sẽ “luôn sẵn sàng trả lời cho người nào đối chất qúi bạn về niềm hy vọng ở nơi qúi bạn!” (1Pt.3:15). Giáo Hội và nhân loại ủy thác cho qúi bạn thực tại cao cả của tình yêu là nền tảng của hôn nhân, gia đình và tương lai này. Giáo Hội và nhân loại mạnh mẽ tin tưởng rằng qúi bạn sẽ làm cho tình yêu ấy tái sinh; họ mạnh mẽ tin tưởng rằng qúi bạn sẽ làm cho tình yêu ấy nên kiều diễm: kiều diễm theo đường lối nhân bản và Kitô Giáo. Theo đường lối nhân bản và Kitô Giáo cao cả, chín chắn và đảm trách.

 

 

11- DI SẢN 

 

 

C

húng ta đã chạm đến một điểm tinh tế nhất trong lãnh vực bao rộng mà trong đó dự án cuộc sống, được phác hoạ từ thời tuổi trẻ, có liên hệ với “người khác”. Chúng ta hãy tiếp tục lưu ý là, điểm trọng yếu này, chỗ mà “cái tôi” cá nhân của chúng ta vươn ra cuộc sống “với kẻ khác” và “cho kẻ khác” trong giao ước hôn nhân, được nói đến ở một đoạn Thánh Kinh rất quan trọng, đó là câu “Con người lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình” (Gn.2:24; x.Mt.19:5).

 

Từ ngữ “lìa bỏ” này cần phải đặc biệt chú ý. Ngay từ đầu, giòng lịch sử nhân loại đã trôi – và sẽ trôi cho đến tận cùng thời gian – xuyên qua đời sống gia đình. Con người gia nhập gia đình qua cuộc sinh nở mà họ mắc nợ với phụ mẫu là cha và mẹ của họ, và ngay lúc họ lìa bỏ hoàn cảnh của sự sống và yêu thương đầu đời ấy để tiến sang một hoàn cảnh mới. Bằng việc “lìa bỏ cha mẹ”, mỗi một người trong qúi bạn đồng thời, ở một nghĩa nào đó, mang các vị ấy theo qúi bạn; qúi bạn nhận được một di sản đa diện, được trực tiếp khởi sự và bắt nguồn nơi các vị ấy, cũng như nơi gia đình của các vị ấy. Như thế, khi qúi bạn lìa bỏ là mỗi người trong qúi bạn vẫn còn lưu lại: di sản qúi bạn nhận lãnh ấy vĩnh viễn gắn liền qúi bạn với những người đã truyền nó cho qúi bạn, và là những người qúi bạn nặng nợ ơn nghĩa. Thế rồi cá nhân – nam cũng như nữ – sẽ tiếp tục truyền lại cùng một gia sản. Bởi thế, giới răn thứ tư trong bản Thập Giới mới mang một tính cách quan trọng: “Hãy tôn kính cha mẹ của mình” (Ex.20:12; Dt.5:16; Mt.15:4).

 

Trước hết, vấn đề ở đây là gia sản về việc làm một con người, rồi tới việc làm một người trong hoàn cảnh được ấn định xác thực hơn theo cá nhân cũng như xã hội. Ở đây, ngay cả tính cách giống nhau về thể lý với cha mẹ của mình cũng đóng góp phần của nó. Quan trọng hơn, đó là tất cả di sản về văn hóa được thể hiện hầu hết bằng ngôn ngữ hằng ngày. Cha mẹ của qúi bạn đã dạy mỗi một người trong qúi bạn nói thứ ngôn ngữ làm nên cung cách diễn đạt chính yếu nơi mối liên hệ xã hội với người khác. Mối liên hệ này được thiết lập bởi những giới hạn bao rộng hơn chính gia đình hay một hoàn cảnh nào đó. Đó là những giới hạn mà nhỏ nhất là giòng tộc, và thường nhất là dân tộc hay quốc gia, nơi qúi bạn nhập cuộc khi được sinh vào đời.

 

Qua cách thức ấy, di sản của gia đình được phát triển rộng lớn hơn. Nhờ việc lớn lên trong gia đình của mình, qúi bạn thông phần vào một thứ văn hóa đặc biệt; qúi bạn cũng thông phần vào lịch sử của dân tộc hay quốc gia của mình. Mối liên hệ gia đình đồng thời cũng có nghĩa là mối giao hảo thân hữu của một cộng đồng rộng lớn hơn gia đình, cũng như của một cơ cấu còn xa hơn căn tính cá nhân nữa. Nếu gia đình là thày dạy đầu tiên của mỗi một người trong qúi bạn, thì đồng thời - qua gia đình – qúi bạn cũng được dạy dỗ bởi giòng tộc, dân tộc và quốc gia đã gắn liền qúi bạn vào sự hiệp nhất về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử.

 

Di sản này cũng tạo nên một lời mời gọi theo nghĩa đạo đức học. Bằng việc nhận lãnh và thừa hưởng đức tin và các giá trị cùng yếu tố làm nên văn hóa của xã hội cũng như lịch sử của quốc gia mình, mỗi một người trong qúi bạn được trang bị về tâm linh nơi nhân tính riêng của mình. Ở đây chúng ta trở lại với dụ ngôn về tài năng, những tài năng chúng ta lãnh nhận từ Đấng Hóa Công, qua cha mẹ và gia đình của mình, cũng như qua cộng đồng quốc gia dân tộc chúng ta thuộc về. Về di sản này, chúng ta không thể giữ thái độ thụ động, lại càng không được có thái độ chủ bại, như người đầy tớ cuối cùng được nói đến trong dụ ngôn tài năng (x.Mt.25:14-30; Lk.19:12-26). Chúng ta phải làm hết sức mình để chấp nhận di sản tinh thần này, để xác nhận nó, để bảo tồn nó và để tăng phát nó. Đây là một việc làm hệ trọng đối với tất cả mọi xã hội, có lẽ nhất là đối với những ai thấy mình bắt đầu cuộc sống tự lập, hay đối với những ai phải bảo vệ, cho khỏi cái nguy cơ bị diệt vong từ bên ngoài, hoặc bị băng hoại từ bên trong, chính cuộc sống và căn tính thiết yếu của một dân nước riêng biệt.

 

Đang khi viết cho giới trẻ qúi bạn đây, Tôi cố gắng để ý tới tính cách phức tạp và biệt phân những trường hợp của các giòng tộc, dân tộc và quốc gia nơi thế giới chúng ta. Tuổi trẻ của qúi bạn, và dự án cuộc sống mà trong những năm trẻ trung mỗi một người trong qúi bạn đã phác họa, từ ban đầu, là một phần làm nên lịch sử của các xã hội khác nhau, và điều này xẩy ra không phải “từ bên ngoài” mà chính yếu là “từ bên trong”. Đối với qúi bạn, nó trở thành vấn đề của nhận thức gia đình đưa đến nhận thức quốc gia dân tộc: một vấn đề tâm huyết, một vấn đề lương tâm. Quan niệm “quê cha đất tổ” phát triển liền ngay sau quan niệm về “gia đình”, và theo một nghĩa nào đó, quan niệm này ở trong quan niệm kia. Khi qúi bạn dần dần cảm nghiệm mối liên đới xã hội này, một mối liên đới rộng lớn hơn mối liên đới gia đình, qúi bạn cũng bắt đầu thông phần vào trách nhiệm đối với công ích của một gia đình lớn hơn đó là “quê cha đất tổ” trần gian của mỗi một người trong qúi bạn. Những nhân vật nổi nang trong lịch sử quốc gia dân tộc, cổ hay tân, đều hướng dẫn tuổi trẻ của qúi bạn và bồi dưỡng cho việc phát triển tình yêu xã hội đó, một tình yêu vẫn hay thường được gọi là “tình yêu quê hương”.

(còn tiếp)