Sống vất vả và mang nhiều
thứ gánh nặng, đó là thân phận con người, nhất
là thời nay.
Cảm thương thân phận đó, Chúa Giêsu nhắn nhủ
chúng ta:
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề,
hãy
đến cùng Thầy. Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Anh em hãy mang lấy ách của Thầy và hãy học cùng Thầy,
vì Thầy có lòng hiền lành và khiêm nhường.
Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì
ách của Thầy thì êm ái, và gánh của Thầy thì nhẹ
nhàng”
(Mt 11,28-30).
Ở đây, chỉ xin nói về một số vất vả và gánh nặng
trên đường thiêng liêng
gợi ý cho chúng ta chạy đến với Trái tim Chúa.
1/ Trước hết là đổi mới con người cũ
Tâm hồn chúng ta có nhiều dơ bẩn và sai trái.
Những tính mê nết xấu chứa nhiều ác tính. Tội
nặng, tội nhẹ, cho dù được tha, vẫn để lại nhiều
hậu quả xấu. Những hậu quả
đó vẫn sống. Chúng chìm
vào tiềm thức, rơi
sâu xuống vô thức, trở thành những đợt sóng ngầm
với những khát vọng thầm kín không kiểm soát nổi.
Xoá được những vết nhơ tâm hồn không là việc dễ.
Dẹp tan được những sức mạnh xấu trong con người
càng không đơn giản. Mà cứ thế, chúng sẽ bị ác
thần lợi dụng. Con người cũ của ta là gánh nặng
cho ta và cho bao người khác.
Chúng ta phải đổi mới con người của ta. Thấu
suốt hoàn cảnh đó, Chúa Giêsu khuyên dạy ta một
cách giải quyết, đó là hãy
đến với Trái tim Chúa hiền
lành và khiêm nhường.
Thực vậy, khi chúng ta chạy đến với Trái tim
Chúa và học ở Trái tim Người sự hiền lành và
khiêm nhường, thì
chính Trái tim Chúa sẽ dần dần
đổi mới tâm hồn ta.
Sự đổi mới tâm hồn được thực hiện trong thẳm sâu
con người. Trước hết và căn bản là trái tim sẽ
tập sống hiền lành và khiêm nhường. Nhờ đó, sẽ
đón nhận được ơn đổi mới Chúa ban cho, như tiên
tri Edekiel mô tả:
“Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi, các
ngươi sẽ được thanh sạch. Các ngươi sẽ được sạch
mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các
ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng
các ngươi”
(Ed 36,26-27).
Với thần khí mới, chúng ta sẽ nhận ra Thiên Chúa
là tình yêu xót thương,
hiền lành và khiêm nhường. Chúa sẽ ban cho chúng
ta ơn biết cộng tác với Chúa trong việc đổi mới
chính ta. Khi ta được Chúa biến đổi trái tim ta
nên giống Trái tim Người, thì
chính trái tim ta sẽ là một tác phẩm tuyệt vời
có sức làm sáng danh Chúa hơn
mọi tác phẩm trần thế.
Một thứ vất vả và gánh nặng khác thúc giục chúng
ta chạy đến với Trái tim Chúa hiền lành và khiêm
nhường, đó là những đau khổ của ta.
2/ Cách chịu đau khổ
Những đau khổ chúng ta gặp hằng ngày thực rất
nhiều. Quen nhất là bệnh tật, túng thiếu, thiên
tai, bị khinh khi, bị hiểu lầm, bị xúc phạm,
thiếu khả năng, thiếu tài đức.
Đàng nào chúng ta cũng phải đau khổ. Nhưng khi
chúng ta đem những đau khổ của ta đặt vào Trái
tim hiền lành và khiêm nhường của Chúa, thì
chúng ta sẽ
được nhận ra những
ý nghĩa cao đẹp của những đau khổ ấy, và
được Chúa làm cho đau khổ dịu đi.
Chắc chắn là chúng ta cần phải đền tội và cần
được thanh luyện.
Chắc chắn là chúng ta có phần nào trách nhiệm về
cuộc tử nạn của Chúa. Chắc chắn là chúng ta có
phần nào trách nhiệm về tội lỗi người khác, và
về những đau khổ của họ. Thế thì
những
đau khổ của
ta sẽ là của lễ đền tội chính đáng.
Cũng chắc chắn là khi chúng ta chịu đau khổ
trong cầu nguyện, thì
bao người
sẽ được nhờ. Việc hy sinh hãm
mình cầu nguyện của chúng ta sẽ xua
đuổi được ma quỷ ra khỏi lòng
nhiều người.
Những đau đớn của chúng ta cũng sẽ góp phần đưa
Hội Thánh đến vinh quang (x. Mt 16,21).
Rất nhiều khi, những đau khổ ta chịu chứng tỏ
được lòng
mến yêu của ta
đối với Chúa, với Hội Thánh và với người khác
một cách có chất lượng. Đau khổ là trường dạy
yêu thương. Những người đau khổ là
những địa chỉ Chúa tìm
đến.
“Không phải những người khoẻ mạnh cần đến thầy
thuốc, nhưng là những người đau bệnh”
(Lc 5,31).
Đau khổ mang biết bao ý nghĩa cao đẹp. Những ý
nghĩa đó được
Trái tim Chúa dạy ta, nếu chúng ta chấp nhận
cũng sống hiền lành và khiêm tốn như Người. Lúc
ấy, đau khổ sẽ bỏ được nhiều tính cách khắc
nghiệt, nhiều khi còn
được an ủi đỡ nâng.
Sau cùng một thứ vất vả gánh nặng của chúng ta,
đó là đẩy lùi hận thù, và xây dựng yêu thương
hoà bình
3/ Xây dựng yêu thương hoà bình
Chúng ta là con cái Chúa tình yêu. Chúng ta
được sai đi đem yêu thương đến cho mọi người.
Chúng ta có sứ vụ xây dựng hoà bình
cho cộng
đoàn đạo đời của ta.
Việc đó khá phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cứ
thực hiện bổn phận của mình.
Cách thực hiện tốt nhất là chúng ta cậy nhờ Trái
tim Chúa.
Trái tim Chúa sẽ huấn luyện trái tim ta nên hiền
lành khiêm nhường. Nhờ đó, chúng ta sẽ đón nhận
được những ơn Chúa Thánh Thần cần cho việc xây
dựng hoà bình.
Thánh Phaolô viết:
“Hoa trái của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc,
bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,
hiền hoà, tiết
độ”
(Gl 5,22).
Cũng nhờ hiền lành và khiêm nhường, chúng ta
cũng sẽ biết cách đối xử với mọi thứ người, như
thánh Phaolô dạy:
“Hãy chúc lành cho mọi người
bắt bớ anh em. Chúc lành chứ đừng nguyền rủa.
Vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy
đồng tâm nhất trí với nhau. Đừng tự cao tự đại,
nhưng ham thích những gì
hèn mọn. Anh em
đừng cho mình
là khôn ngoan.
Đừng lấy ác báo ác. Nhưng chú tâm vào những điều
mọi người cho là tốt. Hãy
làm tất cả những gì anh em có thể làm
được, để sống hoà thuận với mọi người”
(Rm 12,14-18).
Chúng ta hãy hiền lành và khiêm nhường,
để khi chúng ta nói về chân lý,
chúng ta cũng sẽ nói một cách khiêm nhường
hiền từ, nhất là, để khi chúng ta phục vụ, chúng
ta
sẽ cố gắng chu toàn bổn phận của mình như
người tôi tớ.
Chúng ta không những học nơi Trái tim Chúa sự
hiền lành và khiêm nhường, mà chúng ta còn
dâng mình ta cho Trái tim Chúa. Qua sự dâng mình
này, chúng ta xin Chúa cho trái tim ta,
được đầy tình
yêu Chúa.
Đạo đức đang xuống dốc một cách trầm trọng. Chúa
muốn thanh luyện chúng ta. Chúng ta hãy
khiêm nhường
đón nhận ơn thanh luyện đó, nhờ Trái tim Chúa
Giêsu hiền lành và khiêm nhường.
+
Gm.
Gioan B. Bùi Tuần