Đức Giáo Hoàng Bin Đức XVI – tiếp tc lot bài giáo lý v Cu Nguyn Th Tư 30/11/2011 – bài th 15 v vic cu nguyn ca Chúa Giêsu.

 

Anh chị em thân mến,

 

Trong những bài giáo lý gần đây, tôi đã chia sẻ về một số thí dụ về việc cầu nguyện trong Cựu Ước. Hôm nay, tôi muốn bắt đầu nhìn vào Chúa Giêsu và việc cầu nguyện của Người, một tác động xẩy ra suốt cuộc sống của Người, như là một luồng kín ẩn tưới dội cuộc sống của Người, các mối liên hệ của Người và các hành động của Người – và là những gì hướng Người liên lỉ tới cuộc toàn hiến mình, theo dự án yêu thương của Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu cũng là Thày dạy chúng ta cầu nguyện; thật vậy, Người là sự trợ giúp huynh đệ, và chủ động mỗi lần và mọi lúc chúng ta hướng về Cha. Như một tước hiệu được cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo tóm gọn, thực sự “cầu nguyện hoàn toàn được hiện tỏ và hiện thực nơi Chúa Giêsu” (541-547). Chúng ta muốn nhìn vào Người trong các bài giáo lý tới đây.

 

Một giây phút đặc biệt trên con đường của Người đó là việc Người cầu nguyện, sau khi Người lãnh nhận phép rửa ở Sông Dược Đăng (Jordan). Thánh Ký Luca ghi nhận rằng Chúa Giêsu – sau khi cùng với tất cả mọi người lãnh nhận phép rửa bởi tay Thánh Gioan Tẩy Giả – đã trải qua một cuộc cầu nguyện thiết tha và lâu dài: “Bấy giờ, khi tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa, và khi Chúa Giêsu cũng lãnh nhận phép rửa cùng cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Linh ngự xuống trên Người” (Lk 3:21-22). Chính việc “cầu nguyện” này, khi đối thoại cùng Cha, làm sáng tỏ hành động Người đã hoàn tất, cùng với rất nhiều người trong dân của Người đến bờ sông Dược Đăng. Qua việc cầu nguyện, Người đã cống hiến cho việc lãnh nhận phép rửa của Người một tính chất chuyên biệt và cá thể.

 

Vị Ban Phép Rửa đã mạnh mẽ kêu gọi hãy sống thực sự là “con cái của Abraham”, bằng việc hoán cải thành người tốt, cũng như bằng việc sinh hoa trái xứng với lòng ăn năn thống hối ấy (cf. Luke 3:7-9). Và một số đông dân Yến Duyên (Israel) đã được thúc đẩy – như Thánh Ký Marcô ghi nhận là “tuốn đến với Gioan tất cả xứ Giuđêa, và tất cả dân chúng ở Giêrusalem; và họ được ngài ban phép rửa cho ở Sông Dược Đăng, khi họ xưng thú tội lỗi của mình” (1:5). Vị Ban Phép Rửa này thực sự mang lại một cái gì mới mẻ, đó là việc lãnh nhận phép rửa cần phải đánh dấu một khúc quanh quyết liệt – một thứ loại trừ đi các hành vi cử chỉ liên hệ tới tội lỗi mà bắt đầu một cuộc sống mới.

 

Thậm chí Chúa Giêsu đón nhận lời mời gọi này – Người hòa mình vào đám đông tội nhân, đang đợi dọc theo bờ sông Dược Đăng. Tuy nhiên, như ở nơi thành phần Kitô hữu sơ khai, cũng như nơi chúng ta, vấn đề được đặt ra là: Tại sao Chúa Giêsu tự nguyện lãnh nhận phép rửa thống hối và hoán cải này? Người không cần xưng thú tội lỗi – Người không có tội – và vì thế Người không cần hoán cải. Vậy thì tại sao có hành động này? Thánh Ký Mathêu tường trình về sự ngỡ ngàng của Vị Ban Phép Rửa như thế này: “Tôi cần phải được Người rửa cho mới phải, mà Người lại đến với tôi ư?” và câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Giờ đây hãy cứ làm như thế đi; vì nhờ đó chúng ta mới hoàn tất được tất cả những gì là chính đáng” (câu 15). Trong thế giới Thánh Kinh thì chữ “chính đáng” này nghĩa là hoàn toàn chấp nhận Ý Muốn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho thấy việc Người gần gũi với thân phận của dân Người, thành phần, theo Vị Ban Phép Rửa, nhìn nhận sự thiếu sót khi chỉ coi mình là con cái của Abraham – thế nhưng cũng là thành phần muốn làm theo Ý Muốn của Thiên Chúa, thành phần muốn dấn thân thực hiện việc đáp ứng giao ước của Thiên Chúa với Abraham.

 

Bởi thế, trong việc đi xuống sông Được Đăng, Chúa Giêsu – Đấng vô tội – tỏ tường bày tỏ việc Người liên kết với những ai nhìn nhận tội lỗi của họ, thành phần muốn thống hối và thay đổi cuộc sống của họ; Người làm cho chúng ta hiểu rằng, vấn đề thuộc về dân Chúa nghĩa là tiến vào một viễn cảnh mới về đời sống – sống hợp với Thiên Chúa.

 

Nơi tác động này, Chúa Giêsu ngưỡng vọng về Cây Thập Giá; Người bắt đầu hoạt động của Người bằng việc ở vào vị trí của thành phần tội nhân; bằng việc vác lên vai gánh nặng tội lỗi của toàn thể nhân loại; bằng việc hoàn tất Ý Muốn Chúa Cha. Khi trầm mình cầu nguyện, Chúa Giêsu bày tỏ mối liên hệ thân mật Người có với Cha ở trên Trời; Người cảm nghiệm thấy tình phụ thân của Ngài; Người đón nhận vẻ đẹp đòi hỏi của tình yêu Ngài – và trong việc đối thoại với Cha, Người cảm thấy vững mạnh về sứ vụ của Người. Nơi những lời vang vọng từ Trời (cf. Luke 3:22), đã sớm có một ám chỉ về Mầu Nhiệm Vượt Qua, về Thập Giá, và về Cuộc Phục Sinh. Tiếng thần linh gọi Người là “Con Cha, Con Yêu Dấu” – gợi lại Isaac, người con yêu dấu mà người cha Abraham đã sẵn sàng hy sinh theo lệnh của Thiên Chúa (cf. Genesis 22:1-14).

 

Chúa Giêsu chẳng những là Con Đavít, giòng dõi vương giả thiên sai, hay là người tôi tớ là Đấng Thiên Chúa hài lòng – Người cũng là Con Duy Nhất, Con Yêu Dấu – như Isaac – Đấng Thiên Chúa Cha ban tặng cho phần rỗi của thế gian. Trong giây phút mà nơi việc cầu nguyện Chúa Giêsu sâu xa sống thân phận làm Con riêng của Ngài, và sống cảm nghiệm được vai trò Phụ Thân của Cha (cf. Luke 3:22b) như thế, thì Thánh Linh ngự xuống (cf. Luke 3:22a) – Vị Thần Linh hướng dẫn Người thực hiện sứ vụ của Người, và là Đấng Chúa Giêsu tuôn đổ khi Người bị treo trên thập giá (cf. John 1:32-34; 7:37-39), để Người có thể soi sáng hoạt động của Giáo Hội. Trong việc nguyện cầu, Chúa Giêsu liên lỉ giao tiếp với Cha để thực hiện cho tới cùng dự án yêu thương đối với nhân loại.

 

Tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu – sống trong một gia đình sâu xa gắn bó với truyền thống đạo giáo của dân Yến Duyên – hiện lên trước một bức phông của việc cầu nguyện đặc biệt. Những căn cứ chúng ta thấy trong các Phúc Âm đã chứng thực điều ấy: Việc cắt bì của Người (cf Lk 2:21), và việc Người được dâng trong đền thờ (cf Lk 2:22-24), cũng như việc giáo dục và huấn luyện Người thụ lãnh ở Nazarét nơi ngôi nhà thánh đức (cf. Luke 2:39-40 and 2:51-52). Ở đây chúng ta đang nói về “khoảng 30 năm” (Lk 3:23), một thời gian dài của cuộc sống hằng ngày ẩn dật – cho dù được đánh dấu bằng những cảm nghiệm tham dự vào những giây phút thể hiện sống đạo cộng đồng, như việc hành hương lên Giêrusalem (cf. Luke 2:41). 

 

Trong việc trình thuật cho chúng ta biết về đoạn Chúa Giêsu 12 tuổi trong đền thờ, ngồi giữa các bậc thày (cf. Luke 2:42-52), Thánh Ký Luca nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu, Đấng cầu nguyện sau khi lãnh nhận phép rửa ở Sông Dược Đăng, đã từng quen thuộc lâu đời với việc cầu nguyện thân mật cùng Thiên Chúa Cha, việc cầu nguyện sâu xa theo các truyền thống và kiểu cách của gia đình Người, cũng như theo các kinh nghiệm quan trọng có được từ đó. Câu trả lời của cậu bé 12 tuổi với Mẹ Maria và Thánh Giuse, đã cho thấy vai trò làm Con thần linh, là những gì cần được mạc khải bởi tiếng từ trời sau khi Người lãnh nhận phép rửa: “Cha mẹ tìm con làm chi chứ? Cha mẹ không biết rằng con cần phải ở nơi nhà của Cha con hay sao?” (Lk 2:49). Khi lên khỏi nước ở Sông Dược Đăng, Chúa Giêsu không khai mở việc cầu nguyện của mình; trái lại, Người tiếp tục mối liên hệ liên lỉ thường xuyên với Cha – và chính nơi mối hiệp nhất thân mật của Người với Ngài, mà Người hoàn tất việc chuyển tiếp từ đời sống ẩn dật ở Nazarét sang thừa tác vụ công khai.

 

Chắc chắn là giáo huấn của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện, xuất phát từ đường lối Người đã học nguyện cầu trong gia đình của Người, thế nhưng nó được bắt nguồn sâu xa và thiết yếu nơi việc Người làm Con Thiên Chúa, nơi mối liên hệ chuyên biệt của Người với Thiên Chúa Cha. Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đáp câu hỏi: Chúa Giêsu đã học cách thức cầu nguyện từ ai? Như thế này: “Chúa Giêsu, bằng con tim nhân loại của mình, đã học cách cầu nguyện từ mẹ của Người, cũng như từ truyền thống Do Thái. Thế nhưng, việc cầu nguyện của Người xuất phát từ một nguồn kín mật hơn, vì Người là Con hằng sống của Thiên Chúa, Đấng nơi nhân tính thánh hảo của mình, dâng lên Cha của mình lời cầu nguyện con thảo toàn hảo của Người” (541).

 

Theo trình thuật Phúc Âm, thì khung cảnh cầu nguyện của Chúa Giêsu bao giờ cũng giao điểm giữa việc xen kẽ giữa truyền thống của dân Người, và cái mới mẻ của mối liên hệ riêng tư đặc thù với Thiên Chúa. “Nơi vắng vẻ” (cf. Mark 1:35; Luke 5:16) là chỗ Người thường lui tới, “núi” là nơi Người lên để cầu nguyện (cf. Luke 6:12; 9:28), “đêm” là thời gian thanh vắng được Người sử dụng (cf. Mark 1:35; 6:46-47; Luke 6:12), tất cả đều nhắc lại những giây phút suốt con đường mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước, và nói lên tính cách tiếp tục về dự án cứu độ của Ngài.  Thế nhưng, đồng thời chúng cũng đánh dấu những giây phút quan trọng đặc biệt của Chúa Giêsu, Đấng ý thức việc dự phần vào dự án này một cách hoàn toàn trung thành với Ý Muốn của Cha.

 

Trong việc cầu nguyện của chúngta cũng thế, chúng ta cần phải gia tăng học cách tiến vào lịch sử cứu độ, mà tột đỉnh của nó là Chúa Giêsu; để canh tân trước nhan Thiên Chúa quyết định riêng của chúng ta, trong việc cởi mở bản thân của chúng ta ra cho Ý Muốn của Ngài, và xin Ngài sức mạnh để tuân hợp ý muốn của chúng ta với ý muốn của Ngài – trong hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta – theo dự án yêu thương của Người đối với chúng ta.

 

Việc cầu nguyện của Chúa Giêsu đụng chạm tới tất cả giai đoạn thừa tác vụ của Người, cũng như tất cả mọi ngày trong cuộc sống của Người. Những thứ khốn khó không trở thành chướng ngại cầu nguyện. Thánh Ký Marcô trình thuật về một trong những đêm ấy, sau một ngày vất vả về việc hóa bánh ra nhiều, và ngài viết: “Lập tức Người cho các môn đệ lên thuyền đi trước Người sang bờ bên kia, đến Bethsaida, trong khi Người giải tán đám đông. Và sau khi Người lìa họ, Người đã lên đồi cầu nguyện. Rồi tối đến, chiếc thuyền đã ra khơi, mà Người ở một mình trên đất” (Mark 6:45-47).

 

Khi cần thực hiện những quyết định khẩn trương và phức tạp, việc Người cầu nguyện càng trở lên lâu giờ và thiết tha. Trước việc chọn lựa 12 Tông Đồ chẳng hạn, Thánh Luca nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã cầu nguyện cả đêm để sửa soạn cho giây phút đó: “Trong những ngày ấy, Người lên đồi để cầu nguyện; và Người tiếp tục cầu cùng Thiên Chúa suốt cả đêm. Và khi ngày đến, Người đã gọi các môn đệ tới và chọn từ họ 12 vị, thành phần được Người gọi là tông đồ” (Lk 6:12-13).

 

Trong việc nhìn vào việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, vấn đề được đặt ra là tôi làm sao để có thể cầu nguyện? Chúng tôi làm sao để có thể cầu nguyện? Thời giờ nào chúng tôi giành cho mối liên hệ của tôi với Thiên Chúa? Ngày nay có còn một thứ giáo dục và huấn luyện đầy đủ về cầu nguyện hay chăng? Mà ai là thày dạy cầu nguyện chứ?

 

Trong Tông Huấn Verbum Domini, tôi đã nói về tầm quan trọng của việc nguyện đọc Thánh Kinh (the prayed reading of Sacred Scripture). Khi thu thập những khám phá của Thương Nghị Giám Mục Thế Giới, tôi đặc biệt đặt nặng hình thức lectio divina. Vấn đề lắng nghe, suy niệm, thinh lặng trước nhan Chúa là Đấng đang lên tiếng nói, là một nghệ thuật cần được học biết, bằng việc thực hành nó một cách liên lỉ. Thật sự thì cầu nguyện là một tặng ân, trước hết và trên hết, cần phải được đón nhận – nó là công việc của Thiên Chúa – thế nhưng, nó đòi phải dấn thân và liên tục về phần của chúng ta; vấn đề liên tục và nhất trí là những gì quan trọng hơn hết. Gương về kinh nghiệm của Chúa Giêsu cho thấy rằng, việc cầu nguyện của Người, được tác động bởi vai trò thân phụ của Thiên Chúa, và bởi mối hiệp thông của Thần Linh, trở nên sâu xa nhờ việc thực hành lâu dài và bền bỉ – cho đến Vườn Cây Dầu và trên Thập Giá.

 

Ngày nay, Kitô hữu được kêu gọi trở thành những chứng nhân cầu nguyện, vì thế giới của chúng ta thường bị bịt bùng trước những chân trời thần linh, cũng như trước niềm hy vọng dẫn đến cuộc hội ngộ với Thiên Chúa. Nhờ mối thân tình sâu xa với Chúa Giêsu – và bằng việc sống mối liên hệ con cái với Cha trong Người và với Người – bằng việc trung thành và nhất trí cầu nguyện chúng ta có thể mở các cánh cửa hướng về bầu trời của Thiên Chúa. Thật vậy, khi bước theo đường lối cầu nguyện – không lưu ý gì tới mối quan tâm trần thế - chúng ta có thể giúp kẻ khác hành trình cùng một con đường: vì cũng đúng về việc cầu nguyện của Kitô hữu, khi hành trình theo đường lối của mình, mà những con đường được mở ra.

 

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy làm cho mình, trong mối liên hệ thiết tha với Thiên Chúa, trong việc cầu nguyện không tùy cơ nhưng liên lỉ, và đầy lòng tin tưởng, có thể soi sáng đời sống của mình, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Và chúng ta hãy xin Người cho chúng ta có thể truyền đạt – cho những con người gần chúng ta, cũng như cho những ai chúng ta gặp trên đường phố – niềm vui được gặp gỡ Chúa, Đấng là ánh sáng cho đời sống của chúng ta. Cám ơn anh chị em.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/11/2011