Đầu Xuân chia sẻ VỀ TÌNH HÌNH DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

"Phức tạp", đó là những chữ, những lời, được đọc và được nghe nhiều trong mấy tháng qua.

Tình hình phức tạp, diễn biến phức tạp. Thực tế đã qua đúng là như vậy. Thực tế đang tới chắc cũng là thế. Tính cách phức tạp và mức độ phức tạp có thể rất khó lường.

Mọi phức tạp đều ảnh hưởng đến đời sống đạo. Nhân dịp đầu Xuân, tôi xin chia sẻ vài nhận xét khiêm tốn của tôi.

1. Cảnh lẫn lộn tốt xấu

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh cánh đồng có lúa tốt nhưng cũng có cỏ lùng chen vào: Lúa tốt do chủ trồng. Cỏ lùng do kẻ xấu gieo. Cả lúa cả cỏ cùng mọc xanh tươi. Đến mùa gặt, chủ mới phân loại. Lúa thì được giữ trong kho. Cỏ thì đem đi đốt (x. Mt 13,24-30).

Những lời Chúa phán trên đây cho chúng ta thấy tính cách phức tạp của cuộc đời. Sống ở đâu cũng là sống trong một xã hội, sống với những cơ cấu và sống chung cùng những người khác. Đó là một thứ cánh đồng. Cỏ lùng, mà Chúa nói, là những người xấu, việc xấu. Chúng phát sinh và phát triển. Cảnh lẫn lộn đó cũng thấy ngay cả trong Hội Thánh.

Cảnh lẫn lộn đó càng ngày càng phức tạp hơn, khi việc xấu người xấu lại khéo đội lốt việc tốt người tốt. Thời Chúa Giêsu, Người khuyên dân chúng đừng theo loại xấu đó. Nhưng phức tạp càng thêm phức tạp, khi những người đạo đức giả đó trở thành một giai cấp quyền lực trong đạo. Chính họ đã bày mưu giết Chúa Giêsu.

Tất nhiên, chương trình cứu độ của Chúa không chấm dứt ở đó.

Tôi có cảm tưởng là cuộc phấn đấu giữa thiện và ác trên thực tế Hội Thánh nói chung và Hội Thánh Việt Nam nói riêng cũng đang diễn biến phức tạp. Chắc chắn sau cùng Chúa sẽ thắng. Nhưng trong hành trình đi tới chiến thắng cuối cùng, các môn đệ Chúa phải triệt để trung thành với Chúa. Tuy nhiên, trên thực tế ai trong chúng ta dám nói là mình không bao giờ phạm tội. Thành ra, chính chúng ta gọi là tốt, mà cũng không luôn tốt. Tốt xấu lẫn lộn ngay trong chính mình ta. Bao lần mạnh đâu theo đó một cách tuỳ tiện. Tình hình mất ý thức về tội đang phát triển một cách đáng ngại. Hiện tượng không biết và không cần phân biệt đúng sai cũng đang phổ biến mạnh.

2. Cảnh không thi hành ý Chúa

Từ ít năm nay, nhất là trong Năm Thánh vừa qua, một phong trào được nở rộ, đó là phong trào học hỏi về đạo. Phải nói ngay là những phong trào đó bề ngoài coi như đạo đức. Nhưng chất lượng không phải đâu cũng hoàn toàn mang Tin Mừng. Nguyên nhân hoặc ở nội dung thiếu vắng lời Chúa, hoặc ở người dạy trống vắng đời sống nội tâm, hoặc ở người học hời hợt, không chủ ý học để hành.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phân loại và đánh giá người ta một cách đơn giản. Một loại là những người nghe lời Chúa mà không thực hành, một loại là những người nghe lời Chúa mà thực hành. Những người không thực hành thì bị phạt, những người thực hành thì được thưởng. Xin đọc lại nguyên văn đoạn Phúc Âm đó:

"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác.

"Vậy, ai nghe lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví như người ngu xây nhà trên cát. Gặp mưa sa nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ tan tành" (Mt 7,21-27).

Những lời Chúa Giêsu phán trên đây làm tôi khiếp sợ. Nhân danh Chúa nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ, những việc như thế thường được coi là những việc đạo đức do người đạo đức mới làm được, thế mà Chúa Giêsu lại không nghĩ như vậy. Chúa Giêsu để ý đến ý hướng khi ta làm những việc lành. Chẳng hạn, tôi dâng thánh lễ đúng phụng vụ, thì việc đó luôn sinh hiệu quả tốt. Nhưng nếu tôi dâng thánh lễ với mục đích chỉ để làm kinh tế hay để khoe khoang và trong tình trạng mang tội trọng, thì tôi dâng lễ sai thánh ý Chúa, đáng bị Chúa phạt.

Nghe lời Chúa, nhưng không thi hành lời Chúa đang là một lối sống đạo khá bình thường.

Một tình hình nữa đang diễn biến phức tạp, đó là: Càng ngày càng thêm kinh mới. Càng ngày càng mọc lên những công trình xây cất mới. Càng ngày càng thêm nhiều tổ chức mới. Tất cả đều nhân danh Chúa. Nhưng, nếu xét về sự thực thi Tám mối phúc, thì xem ra xa lạ. Nếu thế, thì lối sống đạo của chúng ta đang trở thành một thứ phức tạp cực kỳ nguy hiểm.

Ấy là chưa nói tới những việc gieo rắc hận thù, gian dối, phân hoá, dưới nhãn hiệu "nhân danh Chúa". Những phức tạp như thế, xem ra đang được tự do phát triển một cách bình thường. Đó là một diễn biến phức tạp có khả năng đưa Hội Thánh Việt Nam rời xa Tin Mừng.

Một diễn biến phức tạp khác rất nguy hiểm, đó là cảnh đi vào con đường thênh thang.

3. Cảnh đi vào con đường buông thả

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu phán: "Hãy qua cửa hẹp mà vào thiên đàng, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường hẹp thì đưa tới sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy" (Mt, 7,13-14).

Lời Chúa phán trên đây vốn được kính trọng, nhưng xem ra không luôn được thực hành nghiêm túc. Thậm chí, ngay cả việc nhắc đến lời đó, cũng đã và đang bị hạn chế. Lý do sau cùng chỉ vì người ta muốn được an tâm đi theo lối sống tự do hưởng thụ. Lối sống tự do hưởng thụ đang là một mời gọi của đà phát triển kinh tế và tự do. Tự do và hưởng thụ, nếu thực thi trong những ranh giới được phép, thì vẫn cần cảnh giác, kẻo dễ sa vào hư hỏng. Đạo đức Phúc Âm khuyên người môn đệ Chúa hãy tự hy sinh, tự từ bỏ cả nhiều cái được phép hưởng, vui sống khó nghèo để góp phần vào việc cứu rỗi các linh hồn và đổi mới Hội Thánh.

Trên thực tế tại Hội Thánh Việt Nam, nhiều người vốn coi trọng việc đi vào cửa hẹp, đi trên đường hẹp, theo lời Chúa dạy. Họ sống từ bỏ mình một cách quảng đại, âm thầm. Đang khi đó, không thiếu người lại đi vào cửa rộng đường rộng. Phạm vi tự do càng ngày càng rộng thêm. Nhiều người tự cho phép mình được làm những gì mình thích. Ranh giới tự do cũng do họ tự đặt ra cho mình. Thậm chí một số người có vẻ quả quyết họ và Chúa Thánh Thần là một trong một phương diện nào đó. Họ mở ra một chân trời quyền lực rộng lớn, để tự quyết định.

***

Những diễn biến phức tạp trên đây khiến chúng ta lo ngại. Nhưng bên cạnh đó, đang phát triển những diễn biến đáng mừng. Đó là những phong trào đạo đức trở về với Đức Kitô và thánh giá của Người. Tôi tin Mùa Xuân thiêng liêng đang và sẽ đến với Hội Thánh chúng ta từ thánh giá của Đức Kitô. Chính sự từ bỏ quảng đại theo gương Đức Kitô mới là yếu tố chính của tình yêu cứu độ.

+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần