TỈNH THỨC

Có những bất ngờ gây nên đổ vỡ tan hoang. Có những bất ngờ xé nát mọi chương trình, mọi kế hoạch, mọi dự kiến. Như thể đã xảy ra trong lịch sử xưa. Như thể cũng mới xảy ra trong quá khứ gần. Xảy ra cho những cá nhân. Xảy ra cho những cộng đoàn. Cũng xảy ra cho những vùng rộng lớn.

Những bất ngờ như thế đã được Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm, như những cảnh báo.

1. Mấy cảnh báo quan trọng

Về cảnh báo nhắm vào xã hội, Chúa Giêsu nhắc lại cảnh hồng thuỷ thời ông Nôe. "Quả thế, thời ông Nôe thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho đến ngày ông Nôe vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới, cuốn đi tất cả. Cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy" (Mt 24,37-39).

Lời cảnh báo trên đây được áp dụng cho nhiều biến cố đã xảy ra tại vô số lãnh thổ. Mất mát, điêu tàn ập tới lúc không ngờ. Đột nhiên Đấng Xét Xử tới.

Về cảnh báo nhắm vào những người có trách nhiệm lo cho cộng đoàn, Chúa Giêsu đưa ra ví dụ người chủ và đầy tớ: "Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về, mà thấy anh ta đang làm như vậy... Nhưng nếu đầy tớ xấu xa nghĩ bụng: Chủ ta còn lâu mới về, rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa. Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết. Chủ sẽ loại hắn ra, bắt hắn phải chung số phận với những tên đạo đức giả" (Mt 24,45-51).

Lời cảnh báo trên đây cho thấy những người được trao trách nhiệm chăm sóc cộng đoàn cũng có thể trở thành hư hỏng, lạm dụng quyền lợi để áp bức và hưởng thụ thay vì phục vụ tuân theo ý Chúa. Nhưng mọi lạm dụng sẽ phải chấm dứt. Chấm dứt vào lúc bất ngờ, không kịp sám hối. Kết quả phải hứng chịu là không những mất hết mà còn bị phạt nặng nề.

Về cảnh báo nhắm vào từng cá nhân, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn những nén bạc: "Người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ của mình đến, mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm nén, lấy số tiền ấy làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai nén, gây lời được hai nén khác. Còn người đã lãnh một nén, thì đào lỗ chôn giấu" (Mt 25,14-18).

Sau một thời gian dài, ông chủ về, và đòi các đầy tớ tính sổ. Người được trao năm nén đã làm lời thêm được năm nén. Người được trao hai nén cũng đã làm lời thêm được hai nén. Hai đầy tớ đó được ông chủ khen và được trọng thưởng. Còn người được trao một nén mà không làm lời, thì bị ông chủ mắng, bị lấy bạc lại và bị phạt (x. Mt 25,19-30).

Với cảnh báo trên đây, Chúa dạy mỗi người phải biết dùng mọi ơn Chúa ban để nên người tốt hơn. Nhận ơn Chúa mà không dùng là tiêu cực. Không làm việc lành khi có thể làm là thiếu sót. Tiêu cực và thiếu sót cũng là lầm lỗi. Thời gian để làm việc lành mà không tận dụng, sẽ chấm dứt có thể bất ngờ, không kịp tỉnh ngộ.

Về cảnh báo chung cho mọi người, Phúc Âm ghi lại mẩu chuyện sau đây: "Khi Đức Kitô vừa trong đền thờ đi ra, thì các môn đệ của Người lại gần, chỉ cho Người xem công trình kiến trúc đền thờ. Nhưng Người nói: Anh em nhìn thấy tất cả những cái đó, phải không? Thầy bảo thật anh em, tại đây sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, tất cả đều sẽ bị phá đổ" (Mt 24,1-2).

Với cảnh báo trên đây, Chúa Giêsu muốn đưa lòng trí các môn đệ lên cao hơn. Đừng tự đắc về thành công, uy tín, nhưng hãy tìm những giá trị đời đời bền vững. Những giá trị trần thế rồi cũng có lúc đổ vỡ tan tành.

2. Có Đấng trên trời xét xử

Mấy cảnh báo vừa trình bày mang hai ý nghĩa. Một là đời sống mỗi người sẽ có lúc chấm dứt. Hai là mọi người đều sẽ bị xét xử sau khi chết. Đây là điều hết sức quan trọng nên được suy nghĩ thêm.

Ai xét xử chúng ta? Thưa không phải bất cứ ai ở trần gian này, cũng không phải lương tâm ta, nhưng là chính Chúa.

Đấng xét xử chúng ta ở ngoài lịch sử, và ở trên chúng ta. Chúa xét xử theo luật đạo đức hướng thượng. Nghĩa là một luật đạo đức quy chiếu về Đấng Tối Cao là Đấng Tạo Thành. Chỉ có Đấng ấy mới công minh, thấu suốt mọi việc từng người.

Chúa Giêsu hay nhắc đến Đấng ngự trên trời trong việc sống đạo. Thí dụ: "Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo. Và Cha trên trời, Đấng thấu suốt những kín đáo, sẽ trả công cho anh em" (Mt 6,3).

"Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em" (Mt 6,6).

"Khi ăn chay, anh em nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh em ăn chay, trừ Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Vì Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em" (Mt 6,17).

Có một Đấng Tối Cao nhìn thấu suốt đời sống mỗi người, từ tư tưởng, tình cảm, ước muốn, lời nói, việc làm thiếu sót, và mọi hoàn cảnh cụ thể của họ. Đó là một an ủi lớn lao cho những người yếu đuối bé mọn sống âm thầm với những việc lành nhỏ. Nhưng đó cũng lại là một răn đe cho những ai đạo đức giả, hoặc tuyệt đối chỉ quy chiếu về những luật trần thế do con người làm ra.

Một thoáng nhìn về tỉnh thức Phúc Âm vừa trình bày, cho phép chúng ta suy nghĩ rằng: Ngày hết, tháng hết, năm hết, nhưng con người không hết trách nhiệm về thời gian đã qua của mình. Có Đấng hằng sống vô hình đã nhìn thấu suốt. Người sẽ xét xử.

Nhận thức trên đây sẽ giúp chúng ta biết nhìn lại đời mình với lòng sám hối, cảm tạ và khấn nguyện.

Thiết tưởng những việc đạo đức đó cũng sẽ là một tỉnh thức cuối năm. Tỉnh thức này có nhiều khả năng làm mới lại lương tâm chúng ta, với những giá trị thiêng liêng cao đẹp.

+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần