Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 164, Chúa Nhật 12.02.2012


MỤC LỤC 

Giáo Dân (tiếp theo)                                                                                                    Vatican 2

“50 NĂM CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II VÀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN”        Lm. Bảo Tịnh, O.Cist

DẤU CHỈ HY VỌNG                                                                                  Gs. Nguyễn Đăng Trúc

Trách nhiệm người Ngôn Sứ trong hoàn cảnh Thế giới ngày nay           Lm PX. Ngô tôn Huấn

THUỐC NGỪA THAI CẤP KỲ HAY THUỐC PHÁ THAI                  Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

THUỶ TỰ HẠ                                                                                                      Br. Huynhquảng

CARITAS PHAN THIẾT: Thành lập Quĩ Tín Dụng - Tiết Kiệm tại Đagury Đa-Mi     Hồng Hương

BẠN HỮU                                                                                                       Bùi Nghiệp, Saigon

TÌM HIỂU HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (4)                                  Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

LINH MỤC GIÁO PHẬN TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ TRONG VIỄN ẢNH QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG LỜI                                                       Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

PHÒNG NGỪA SÂU RĂNG                                                                  Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD.

NÀNG DÂU THỜI NAY                                                                      Chuyện phiếm của Gã Siêu


Giáo Dân (tiếp theo) 

 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương IV: Giáo Dân (tiếp theo) 

 

34. Nhiệm vụ tư tế và phụng tự. 44* Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục công việc chứng tá và việc phục vụ của mình, nên đã nhờ Thánh Thần ban cho họ sự sống, và không ngừng thôi thúc họ thực hành những điều thiện hảo.

Thực vậy, những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh Người, Người cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế, để họ thực hành việc phụng thờ thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rồi loài người. Bởi thế, vì giáo dân đã được hiến dâng cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô (x. 1P 2,5), vì những của lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ tạ ơn. Như thế, giáo dân cung hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi. 45*

35. Nhiệm vụ ngôn sứ và chứng nhân. Chúa Kitô, vị Tiên Tri cao cả, Ðấng đã dùng chứng tá đời sống và sức mạnh của lời nói để công bố Nước Chúa Cha; Người chu toàn chức vụ tiên tri, cho đến lúc sự vinh hiển của Người tỏ ra trọn vẹn; Người chu toàn chức vụ đó không những nhờ hàng giáo phẩm, là những người nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy nhưng cũng nhờ các giáo dân; sở dĩ Người đã đặt họ làm chứng nhân, đồng thời ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn từ nữa (x. CvTđ 2,17-18; Kh 19,10) là để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội. Nếu giáo dân vững lòng tin cậy mà lợi dụng thời gian hiện tại (x. Eph 5,16; Col 4,5) và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày kia sẽ đến (x. Rm 8,25), họ sẽ tỏ ra là con cái của lời giao ước; nhưng niềm hy vọng đó, họ không nên giấu kín trong lòng, trái lại họ phải diễn tả nó qua những cơ cấu của cuộc sống trần gian, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu chống lại "bá chủ của thế gian tăm tối này và bọn tà thần" (Eph 6,12).

Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên báo trời mới và đất mới thế nào (x. Kh 21,1), thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (x. Dth 11,1), nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một. Công cuộc rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian.

Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm tìm chân lý.

Vì thế, giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quí là truyền bá Phúc Âm cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng những việc trần thế. Dù khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các ngài bị ngăn trở vì bách hại, có những giáo dân thay thế các ngài thi hành một vài phận vụ thánh tùy khả năng của họ; dù có một số giáo dân đã dốc toàn lực vào việc tông đồ, tất cả vẫn phải cộng tác vào việc mở mang và phát triển Nước Chúa Kitô trên trần gian. Vì vậy giáo dân phải khéo léo tìm hiểu sâu xa hơn chân lý Chúa mạc khải, và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình. 46*

36. Ðịa vị vương giả. Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh (x. Ph 2,8-9), và đã vào trong vinh quang nước Người. Mọi vật đều suy phục Người, cho đến khi Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả mọi sự (x. 1Cor 15,27-28). Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x. Rm 6,12), hơn nữa để, khi phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến cùng Ðức Vua, Ðấng mà phụng sự Người là thống trị. Thực thế, Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Người, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình 4; trong nước này, chính tạo vật cũng được hưởng tự do rạng ngời của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8,21). Lời Chúa hứa thật trọng đại và lệnh Người truyền cho các môn đệ thật lớn lao: "Thực vậy, tất cả mọi sự đều thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa" (1Cor 3,23).

Vì thế, tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật, giá trị của chúng, và cùng đích của chúng là ca tụng Thiên Chúa; đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hòa bình. Giáo dân giữ lấy vai trò chính yếu trong khi chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó. Nhờ khả năng chuyên môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, những hoạt động được ân sủng Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để nhờ lao công con người, kỹ thuật và văn hóa nhân loại khai thác những của cải được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia cân xứng hơn giữa họ theo ý định của Ðấng Tạo Hóa và sự soi sáng của Ngôi Lời Ngài; và tùy cách thức riêng của chúng, chúng giúp phát triển toàn diện sự tự do của con người và sự tự do của Kitô hữu. Như thế, nhờ các phần tử của Giáo Hội, Chúa Kitô sẽ đem ánh sáng cứu độ của Người chiếu soi toàn thể nhân loại mỗi ngày một hơn.

Ðàng khác, khi các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân phải góp sức làm cho các thể chế và cảnh sống đó trở nên lành mạnh, để chúng phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình, và giúp phát huy việc luyện tập các nhân đức hơn là ngăn trở chúng. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người. Và nhờ vậy, cánh đồng thế giới mới được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận hạt giống Lời Thiên Chúa, và nhiều cửa được mở rộng thêm hơn cho Giáo Hội để sứ điệp hòa bình thấm nhập vào thế gian.

Chính công cuộc cứu độ đòi hỏi tín hữu phải lưu tâm phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách một phần tử của Giáo Hội, đâu là quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng hòa hợp cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó với nhau, và hãy nhớ rằng trong mọi lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa. Vì thế, trong thời đại chúng ta, hơn bao giờ hết, người tín hữu cũng phải làm sáng tỏ sự phân biệt và hòa hợp các nghĩa vụ và bổn phận này trong phương thức hành động của họ, để sứ mệnh của Giáo Hội có thể đáp ứng những hoàn cảnh đặc biệt của thế giới ngày nay cách trọn vẹn hơn. Thực vậy, nếu phải công nhận rằng xã hội trần gian, vì lo lắng việc trần thế cách hợp pháp nên có quyền điều hành theo những qui tắc riêng biệt, thì cũng phải loại bỏ cách chính đáng tà thuyến chủ trương xây dựng xã hội bất cần đạo lý, và chủ trương chống lại hay hủy diệt tự do tín ngưỡng của người công dân 5. 47*

37. Tương quan với hàng giáo phẩm. Như mọi Kitô hữu khác, giáo dân cũng có quyền được các chủ chăn có chức thánh ban phát dồi dào ơn trợ lực chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích 6. Như con cái Thiên Chúa và như anh em trong Chúa Kitô, họ cũng sẽ trình bày với các vị ấy những nhu cầu và khát vọng của mình một cách tự do và tín cẩn. Nhờ sự hiểu biết, khả năng chuyên môn và uy tín của họ, họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội 7. Họ nên thực hiện điều đó, nếu cần, nhờ vào các cơ quan đã được Giáo Hội thiết lập nhằm mục đích ấy; và họ hãy luôn chân thành, can đảm và khôn ngoan, kính trọng và yêu mến những người thay mặt Chúa Kitô vì nhiệm vụ thánh của các ngài.

Như mọi tín hữu khác, với tinh thần vâng lời của người Kitô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều mà các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách những thầy dạy và những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội; làm như thế, họ đã theo gương Chúa Kitô, Ðấng đã vâng lời cho đến chết, để mở đường hạnh phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hoan hỷ mà không than vãn thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta, nhiệm vụ mà các ngài sẽ phải trả lẽ (x. Dth 13,17).

Phần các chủ chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao phó cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động; hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét, trong Chúa Kitô, những kế hoạch, thỉnh cầu và khát vọng của họ 8. Ðàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế.

Họ hy vọng rằng, sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội: thực vậy, nhờ sự liên lạc đó, giáo dân ý thức trách nhiệm mình một cách vững vàng hơn; lòng hăng say của họ được phát triển, và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn. Phần các chủ chăn, nhờ sự trợ lực kinh nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán đoán minh bạch và đúng đắn hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế; như vậy, toàn thể Giáo Hội được vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn hữu hiệu hơn sứ mệnh mình đối với sự sống của thế gian. 48*

38. Giáo dân, linh hồn của thế giới. Trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân phải là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng (x. Gal 5,22) và truyền bá cho thế gian tinh thần của những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hòa, những người mà Phúc Âm Chúa đã tuyên bố là có phúc (x. Mt 5,3-9). Tóm lại, "người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống" 9. 49*

 


Chú Thích:

44* Trong các số 34-36, căn cứ vào ba tước hiệu căn bản của Chúa Kitô, Công Ðồng muốn chứng minh cách thức đặc biệt mà giáo dân, với tước hiệu là phần tử Dân Chúa, được tham dự vào các nhiệm vụ khác nhau đó.

45* Số 34: Tư tế.

Tham dự vào chức tư tế cộng đồng. Ðoạn này lặp lại các số 10 và 11 về chức tư tế cộng đồng của người đã chịu phép Thánh Tẩy và được thực thi trong việc phụng tự: chức tư tế đó diễn tả và thánh hóa đời sống thường nhật của giáo dân và nhờ đó mà giáo dân thánh hóa thế gian.

46* Số 35: Tiên Tri.

Tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô: giáo dân minh chứng đức tin và đức ái trong thế giới nghề nghiệp và kỹ thuật, trong những điều kiện thông thường mà họ sinh sống; đặc biệt làm chứng trong tổ ấm và gia đình công giáo, nơi đã được bí tích Hôn Nhân thánh hóa và thánh hiến.

4 Sách lễ Roma, trích kinh Tiền Tụng lễ Kitô Vua.

5 Xem Leô XIII, Tđ. Immortale Dei, 1-11-1885 : ASS 18 (1885), trg 166tt. N.t., Tđ. Sapientiae christianae, 10-1-1890 : ASS 22 (1888-90), trg 397tt. Piô XII, diễn từ Alla vostra filiae, 23-3-1958: AAS 50 (1958), trg 220: "tính cách thế tục hợp pháp và lành mạnh của quốc gia".

47* Số 36: Vương giả. Tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô: ở đây bàn về sự kiện giáo dân thánh hóa thế gian, vì họ đem sở trường tham gia vào công cuộc tìm kiếm và xây dựng trần thế: vai trò đó làm họ thích hợp với việc tán trợ công cuộc chuẩn bị cho Phúc Âm (x. số 16) qua những giá trị nhân bản.

6 Xem Giáo luật kh. 682.

7 Xem Piô XII, diễn từ De quelle consolation, n.v.t., trg 789: "Trong những trận chiến dứt khoát, đôi khi những kẻ ở tiền tuyến lại có những sáng kiến tốt đẹp nhất...". n.t., diễn từ L'importance de la presse cathol., 17-2-1950: AAS 42 (1950), trg 256.

8 Xem 1Th 5,19 và 1Gio 4,1.

48* Số 37 đưa ra nguyên tắc tốt đẹp giữa giáo dân và hàng giáo phẩm. Giáo dân phải theo tinh thần Kitô giáo mà trọng kính tuân phục giáo phẩm, và giáo phẩm cũng phải biết thẳng thắn tiếp nhận giáo dân, biết lấy tinh thần kính trọng và bác ái mà lắng nghe họ, biết thừa nhận và đề cao địa vị và trách nhiệm của họ trong Giáo Hội. Giáo Hội cũng phải tôn trọng sự tự do chính đáng của họ trong nước trần gian.

9 Epist. ad Diognetum, 6 :x.b. Funk I, trg 400. - Xem T. Gioan Kim Khẩu, in Mt bài giảng 46 (47), 2: PG 58, 478, về men trong bột.

49* Ðể kết luận, số 38 quả quyết mỗi giáo dân tùy theo cảnh huống của mình phải là chứng nhân của Phục Sinh và là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống.

 

VỀ MỤC LỤC
“50 NĂM CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II VÀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN”
  

LTS. Ngày 02.02.2012, tại Nhà thờ Chính Toà Nha Trang đã có một buổi gặp gỡ rất quí báu. Đông đủ anh chị em tu sĩ và một số giáo dân tụ họp nhau để cứ hành ngày Quốc Tế Đời Sống Thánh Hiến. (Ngày 11.10 năm nay kỷ niệm 50 năm khai mạc Thánh Công Đồng Chung Vaticano II). Đức cha Phao-lô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám Mục GP Nha Trang, đã gợi ý đề tài chia sẻ trước thánh lễ đồng tế: "50 NĂM CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II VÀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN". Cha Bảo Tịnh, O.Cist được hân hạnh trình bày 45 phút về đề tài này. Đặc San GSVN xin được chia sẻ lại với mọi người bản tóm tắt bài thuyết trình:

 

I. LỜI VÀO

Ngày Quốc Tế đời sống Thánh hiến hôm nay đã được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II thành lập qua sứ điệp gửi Dân Chúa ngày 06.01.1997 và ấn định cử hành hằng năm vào ngày 02.02, Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thánh, với ba lý do rõ ràng:

a. Tạ ơn Chúa về ơn ban đời sống thánh hiến.

b. Để giúp cho toàn thể Dân Chúa biết thêm và yêu mến đời sống thánh hiến.

c. Liên quan đến chính những người sống đời thánh hiến: Những người sống đời thánh hiến cùng nhau cử hành những công việc lạ lùng Chúa đã thực hiện trong cuộc sống của mình và nhân dịp này họ cũng suy nghĩ về ơn ban đã lãnh nhận.

Có lẽ cũng chính vì lý do thứ ba trên đây mà Đức Cha Phaolô đã đề nghị chủ đề cho bài chia sẻ này: “50 năm Công Đồng Vaticanô và đời sống thánh hiến”.

II.  50 năm Công đỒng Vaticanô II

Khai mạc ngày 11-10-1962 theo quyết định của Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII. Mỗi khóa họp Công Đồng được triệu tập vào Mùa Thu các năm từ 1962 đến 1965 đã có trung bình khoảng 2.500 nghị phụ tham gia Công đồng.

Ngày 8-12-1965, Đức Phaolô VI long trọng tuyên bố bế mạc Công Đồng Vaticanô II. Năm nay, ngày 11.10.2012  kỷ niệm 50 năm Công Đồng Vaticanô II (11.10.1962). Và nhân dịp này ĐGH Bênêđtô cho khai mạc Năm Thánh Đức Tin.

Xin đưa ra một cái nhìn khái quát về Công Đồng:

MỘt cuỘc canh tân cỦa Giáo HỘi bẰng viỆc trỞ vỀ nguỒn

Đây là Công Đồng Chung thứ 21 trong lịch sử Giáo Hội. Trong bốn khóa họp của Công Đồng từ 1962 đến 1965, có 147 biên bản và 2.212 diễn văn cũng như 4.361 bài can thiệp bằng viết. Vào năm 1962 có 2.908 nghị phụ hợp lệ. Số giám mục tham dự trung bình hằng ngày là 2.200 vị. Có 460 chuyên viên được chính thức bổ nhiệm, gồm 235 linh mục triều, 45 linh mục Dòng Tên, 42 linh mục Dòng Đa-Minh và 15 linh mục Dòng Phan-xi-cô.Công Đồng có 168 cuộc họp công khai với 10 cuộc họp khoáng đại.

Với hai mục tiêu: “Aggiornamento” (cập nhật hóa) Giáo Hội trước thế giới hiện đại và tìm lại sự hiệp nhất đã bị đánh mất. Và một mong muốn: “Rằng Công Đồng này trở thành một Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo hội”.

Công Đồng Vaticanô II đã thông qua và công bố 16 văn kiện, trong đó (theo loại và theo thứ tự thời gian công bố):

-  Bốn Hiến chế:

1. Hiến chế về Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium, ngày 4-12-1963.

2. Hiến chế tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) ngày 21.11.1964

3. Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), ngày 18-11-1965.

4. Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thế giới Ngày nay (Gaudium et Spes),

    ngày 7-12-1965.

- Chín Sắc lệnh:

1. Sắc lệnh về những phương tiện truyền thông xã hội (Inter Mirifica), ngày 4-12-1963.

2. Sắc lệnh về Đại kết (Unitatis Redintegratio), ngày 21-11-1964.

3. Sắc lệnh về Các Giáo Hội Công giáo Đông Phương (Orientalium Ecclesiarum), ngày 21-11-1964.

4. Sắc lệnh về Mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội (Christus Dominus),
ngày 28-10-1965.

5. Sắc lệnh về việc Đào tạo Linh mục (Optatam Totius), ngày 28-10-1965.

6. Sắc lệnh về Canh tân thích nghi đời sống dòng tu (Perfectae Caritatis),
 ngày 28-10-1965.

7. Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem), ngày 18-11-1965.

8. Sắc lênh về chức vụ và đời sống linh mục (Presbyterorum Ordinis),
 ngày 7-12-1965.

9. Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Gíao hội (Ad Gentes). Ngày 07.12.1965

-  Ba Tuyên ngôn:

1. Tuyên ngôn của Giáo Hội đối với những Tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra Aetate), ngày 28-10-1965.

2. Tuyên ngôn về nền Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis,
ngày 28-10-1965.

3. Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo (Dignitatis Humanae), ngày 7-12-1965.

 

Giáo hỘi, CỘng đỒng Dân Chúa, có ơn gỌi đón nhẬn toàn thỂ nhân loẠi

Vị viện trưởng Viện Đại học Thánh Phaolô ở Ottawa, Canađa, đã tóm tắt thành quả của Công Đồng như sau:

“Chúng ta đã chuyển từ một Giáo Hội giáo sĩ sang một Giáo Hội Dân Chúa, từ một Giáo Hội của thế giới Kitô giáo sang một Giáo Hội truyền giáo, từ một Giáo Hội của lễ nghi sang một Giáo Hội của Lời Chúa, từ một Giáo Hội của lề luật sang một Giáo Hội của kinh nghiệm nhân bản, từ một Giáo Hội đồng nhất sang một Giáo Hội đa dạng, từ một Giáo Hội thích nghi với thế giới sang một Giáo Hội tham gia vào sự đột biến của thế giới, từ một Giáo Hội bảo lãnh cho trật tự xã hội sang một Giáo Hội đứng về phía người nghèo, từ một Giáo Hội cung cấp những dịch vụ tôn giáo sang một Giáo Hội cộng đồng trách nhiệm” (Aimé Savard, Công đồng Vaticanô II - THIÊN AN  chuyển ngữ).

 

III. 20 thẾ kỶ đỜi sỐng thánh hiẾn

Theo Sophie Hasquenoph, giảng sư tại đại học Lille và là tác giả cuốn Lịch Sử các Dòng và Tu Hội (Éd. Champ Vallon), có bốn giai đoạn ơn gọi tu đáp ứng những nhu cầu của từng thời đại:

a- Thế kỷ IV-XVI: Đan tu trào

b- Thế kỷ XVI-XVIII: các Dòng Tu hoạt động 

b- Thế kỷ XIX: Các Dòng tu tông đồ

d- Thế kỷ XX: Những Cộng đoàn tu Mới

 

IV. Các văn kiỆn cỦa CÔNG ĐỒNG VÀ Giáo HỘi liên quan đẾn đỜi sỐng thánh hiẾn

(Tài liệu: Lm JB Trần Hữu Hạnh Dòng Thánh Gia)

A. Công Đồng Vaticanô II

1. Perfectae Caritatis (PC): (Sắc lệnh “Đức ái trọn hảo”, nói về việc canh tân và thích nghi đời tu).

2. Lumen Gentium: (Hiến chế tín lý về Hội thánh), chương VI: Công Đồng cho thấy vị trí của đời tu trong mầu nhiệm Giáo hội.

  3. Hiến chế về Phụng vụ (SC), số 15-18, 55, 57, 80, 95, 98, 99, 101, 111, 115

  4. Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay (GS), số 38, 43

  5. Hiến chế Tín lý về Mạc khải (DV), số 25

  6. Sắc lệnh về Tác vụ Linh mục (PO), số 6, 8- 9

  7. Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục (OT), số 2, 19

  8. Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (AA), số 21, 23, 25- 26

  9. Sắc lệnh về các Giáo Hội Công giáo Đông phương (OE), số 6, 22

10. Sắc lệnh về Hiệp nhất (UR), số 6, 10, 15

11. Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội (IM), số 15, 20

12. Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo (GE), số 10

13. Sắc lệnh về Chức vụ Giám mục, Christus Dominus (CD): số 32-35: Nói về việc hoạt động mục vụ của các tu sĩ trong giáo phận. Công Đồng đặt ra những qui tắc cho mối liên hệ giữa Giám mục và tu sĩ. Những qui tắc này sẽ được khai triển trong văn kiện Mutuae Relationes, 1978, làm nền tảng cho các điều 678- 683 của Bộ Giáo Luật 1983.

14. Sắc lệnh về truyền giáo, Ad Gentes (AG): số 15 (vai trò bất khả thay thế), số 18-19 (phát huy đời tu ở các xứ truyền giáo), số 20 (lòng nhiệt thành của các tu sĩ), số 27 (các tu hội truyền giáo), số 32-33 (hợp tác với Giáo Hội địa phương trong hoạt động truyền giáo), số 40 (nhiệm vụ truyền giáo của các tu sĩ)

B. Đức Phaolô VI (1963- 1978)

Ngay sau khi bế mạc Công Đồng, các Dòng liền quan tâm vào việc canh tân sửa đổi hiến pháp, trở về nguồn gốc của mỗi hội dòng.

Công trình của Đức Phaolô VI là thực thi các quyết định của Công đồng.

1. Evangelica Testificatio (ET), 29/6/1971: (Tông huấn Chứng tá Tin Mừng): đáp lại những thách đố của thời đại.

2. Evangelii Nuntiandi  (EN), 1975 (Tông huấn Loan Báo Tin Mừng): số 79

C. Đức Gioan Phaolô II (1978- 2005)

1. Vita Consecrata (VC), 25/3/1996 (Tông huấn về Đời sống thánh hiến), là kết quả của THĐGM thế giới về chủ đề “Đời sống thánh hiến và sứ mệnh của đời sống này trong Giáo Hội và trong thế giới”. VC đã đúc kết các văn kiện của Giáo hội, cũng như những suy tư thần học về đời sống thánh hiến từ Công Đồng Vaticanô II. Đặc biệt, tông huấn khai triển hai chiều kích thánh hiến và sứ mệnh của đời sống thánh hiến.

2. Tông huấn Redemptionis Donum (RD-Hồng ân cứu độ), 25/3/1984: đào sâu chiều hướng thần bí của sự tận hiến như là đời sống mới, đời sống giao ước.

3. Novo Millennio Ineunte (Tông thư Bước vào Ngàn năm mới).

4. Redemptoris Missio, RM, 1990  (thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc): số 69-70.

5. Ecclesia in Asia, EA, số 44

6. Redemptor Hominis: Thông điệp Đấng Cứu độ con người

7. Thư gởi các người tận hiến nhân dịp Năm Thánh Mẫu (22/5/1988):  

D. Bộ Phụng tự

Hai quyển Nghi thức khấn dòng (1970) và Nghi thức Thánh hiến Trinh nữ (Ordo Consecrationis Virginum- OCV, 1970) nói đến thần học về đời tu. Nghi thức này chỉ có tính cách kiểu mẫu chung, mỗi hội dòng sẽ dựa vào đó để soạn nghi thức riêng cho mình.

E. Bộ Tu sĩ

(Bộ các hội dòng/tu hội tận hiến và tu đoàn tông đồ)

Những văn kiện của Bộ tu sĩ thường mang tính cách chấp hành thực tiễn, tức hướng dẫn thi hành một số sắc lệnh, điều luật và chỉ thị của quyền giáo huấn Hội thánh. Tuy nhiên, nhiều khi khía cạnh thần học, đạo lý cũng được đào sâu dưới nhiều góc độ.

1. Văn kiện Mutuae Relationes, 14/5/1978 (MR- Mối tương quan giữa các Giám mục với các tu sĩ) do Bộ tu sĩ và Bộ Giám mục ban hành: Những qui tắc cho mối liên hệ giữa Giám mục và tu sĩ. Những qui tắc này làm nền tảng cho các điều 678- 683 của Bộ Giáo Luật 1983. Văn kiện này cũng nói về việc các hội dòng phải cố gắng khám phá ra đặc sủng của mình, vị trí giữa lòng Giáo hội.

2. Văn kiện Chiều kích chiêm niệm của đời tu -1980: đời sống nội tâm là căn bản của đời tận hiến (Đức Gioan Phaolô II còn đào sâu chiều hướng thần bí của sự tận hiến như là đời sống mới, đời sống giao ước trong tông thư Redemptionis Donum-Hồng ân cứu độ).

3. Văn kiện Tu sĩ với sự thăng tiến con người, 1980, nói về việc tu sĩ tham gia vào sứ mệnh của Giáo Hội đối với con người và xã hội.

4. Văn kiện Những yếu tố cốt yếu của đời tu (EE), 1983, ra đời 4 tháng sau khi ban hành Bộ Giáo Luật. Tóm lại giáo huấn của Hội thánh về đời sống thánh hiến.

5.  Về việc đào tạo tu sĩ: Potissimum Institutioni (PI), 1990: huấn thị nhằm hướng dẫn việc áp dụng những qui định của giáo luật về việc đào tạo trong các dòng tu.

6. Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn: 2/2/1994

7. Huấn thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô: 19/5/2002, về việc canh tân cam kết dấn thân của đời sống thánh    hiến vào thiên niên kỷ thứ ba. Đây là thành quả của Hội nghị nhóm họp từ ngày 25 đến 28 tháng 9 năm 2001 của Thánh bộ.

F. Các văn kiện khác

1. Sách GLGHCG (CCC), số 914- 933

2. Hai Bộ Giáo luật

+ của Giáo Hội Latinh (CIC), 1983: đ. 573- 746

+ của Giáo Hội Đông phương, 1990: đ. 410- 572

 

V. ĐỀ nghỊ mỘt áp dỤng cỤ thỂ tinh thẦn Công ĐỒng cho giỚi tu sĩ ViỆt Nam hôm nay 

Dĩ nhiên mỗi Dòng, Hội Dòng hay Tu đoàn hoặc Tu Hội Đời đã phấn khởi tiếp nhận luồng gió Thánh Linh, hay Lễ Hiện Xuống Mới cho Giáo Hội và đã quyết tâm thực thi những chỉ dẫn, đề nghị của Công Đồng, đặc biệt qua Sắc lệnh “Đức ái trọn hảo” (Perfectae Caritatis) nói về việc canh tân và thích nghi đời tu. Ở đây chỉ xin đề cập tới một việc làm mà Công Đồng đề nghị mỗi tín hữu và đặc biệt mỗi tu sĩ thực hành mỗi ngày, đó là Lectio divina.

Xin biếu mỗi anh chị em một tờ bướm tóm tắt hướng dẫn thực hành LECTIO DIVINA – ĐỌC KINH THÁNH TRONG TÂM TÌNH CẦU NGUYỆN.  Kèm theo một tờ EM ĐỌC KINH THÁNH để quý giảng viên giáo lý theo đó giúp các em biết cầu nguyện bằng Lời Chúa.

Các tài liệu về Lectio divina, có thể tìm thấy trên trang mạng, địa chỉ:

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=subject&is=23   mục Lectio divina (new) cột bên trái.

Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist – Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca.

Nhà thờ Chính Tòa Nha Trang 16g00 ngày 2.2.2012

Ngày Quốc Tế Đời Sống Thánh Hiến

 

VỀ MỤC LỤC
DẤU CHỈ HY VỌNG

 

Tap san Định Hướng

Nguyễn Đăng Trúc

 

Trong tháng 2 năm 2001 vừa qua, báo giới Việt ngữ cũng như một số các nước  phân tích, thăm dò, bình luận để đưa ra những giả thiết về Tân Hồng y Nguyễn Văn Thuận có thể là ứng viên giáo hoàng tương lai.

Tự căn, việc nối ngai Thánh Phê-rô trên chức vị Giáo chủ của toàn thể Giáo hội Công giáo được xác định từ niềm tin tôn giáo, và ngay cả trong diễn tiến thực tế của lịch sử, như là một sự kiện vượt lên trên bất kỳ tính toán, dư luận, suy đoán nào của con người. Người công giáo gọi sự chọn lựa nầy là hoàn toàn do Chúa Thánh Thần.

Do đó, việc làm của báo chí, dư luận về việc nầy không khác gì  mò trăng đáy giếng!

Nhưng điều đã xảy ra như một sự kiện lịch sử, một sứ điệp làm chấn động tâm hồn của người Việt Nam và cả cộng đồng công giáo toàn cầu thì hầu như những kẻ săn bắt những tin giật gân của báo giới không mấy để tâm.

Hơn 25 năm trước đây, ngoài biến cố đau thương của Sàigòn thất thủ, một trong những sự kiện nổi bật làm mọi người, công giáo cũng như ngoài công giáo, trong và ngoài nước lưu ý là sự kiện Giám mục Nguyễn Văn Thuận được chỉ định làm Tổng Giám mục phó Sàigòn.

Trong nội bộ Công giáo, một thiểu số tín hữu đã trưng biểu ngữ thách thức:

"Nguyễn Văn Thuận Giám mục của ai?"

Phía nhà cầm quyền cộng sản đương thời, thì tố cáo Nguyễn Văn Thuận là một tội nhân có nợ máu.

Và tiếp sau lời nói là hành động: người ta viết thư cho giáo quyền yêu cầu thuyên chuyển Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận ra khỏi Sàigòn. Còn nhà nước thì ra lệnh tống giam và đày đọa đi xa, thật xa khỏi cựu thủ đô của Miền Nam Việt Nam trước đây.

Cũng Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận ấy, sau 13 năm tù tội và những năm bị lưu đày biệt xứ, ngày 21.2.2001, lại được Giáo hoàng Gioan-Phaolô II của Giáo hội Công giáo hoàn vũ tôn phong Hồng y, bên cạnh 43 vị hồng y khác trên thế giới.

Câu trả lời của Hội Thánh công giáo hẵn nhiên xác định Nguyễn Văn Thuặn là Giám mục trong Giáo hội Công giáo. Và còn hơn thế nửa !

Ba hôm sau, ngày 24.2.2001, Tổng Giám mục Sàigòn Gioan-Baotixita Phạm Minh Mẫn, nhân danh toàn Tổng giáo phận Sài gòn để nói lớn "Tu es honnor et laetitia in Israel" (Ngài là niềm vinh dự và vui mừng trong Israel). Hàng ngàn tiếng vỗ tay của người Công giáo Việt Nam khắp năm châu đến dự lễ tại nhà thờ giáo xứ Santa Maria Trestevere - Roma tiếp sau câu chúc mừng của Tổng Giám mục Sàigòn. Tiếp đó, Tổng Giám mục Mẫn đã tôn vinh con người Nguyễn Văn Thuận (đã từng bị một thiểu số tín hữu vào một thời điểm lịch sử nào đó đặt vấn đề là Giám mục của ai?) như sau:

"Con đến đây còn với tư cách khác đó là một mục tử nối bước Đức Hồng y trong Tổng Giáo phận Sàigòn. Với tư cách nầy con tạ ơn Chúa ban cho con cũng như các Giám mục Việt Nam một tấm gương chứng nhân đức tin, một tấm gương chứng nhân cho niềm hy vọng, một tấm gương con đường tình yêu của Chúa Kitô...

Đức Hồng y đã nêu cho con "một tấm gương như thế trên con đường mục tử hiện tại của mình".

Và nếu trước đây, vì hận thù, thiên kiến che mắt, người ta nói càn Nguyễn Văn Thuận có nợ máu với Việt Nam, thì trong bài giảng lễ ngày 24.2.2001, Tân Hồng y cảm động nghẹn ngào nhắc đến lời của Giáo hoàng Gioan-Phaolô II ba lần gặp là ba lần nhắc đến hai chữ Việt Nam. Con người từng bị tố cáo là mang nợ máu thì hôm nay là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, một phận vụ then chốt để băng bó vết thương của hận thù, bất công và cổ vũ hoà bình. Tự đáy lòng của mình, tân Hồng y viết trong bức thư gửi Tổng giáo phận Sàigòn như sau:

"Trong ngày trọng đại được Đức Thánh cha Gioan-Phaolô II ban tước Hồng y và tiếp đó ngày 22.2 được cùng với các Tân Hồng y đồng tế với Đức Thánh Cha cảm tạ Thiên Chúa, tôi được tin vui cho biết Tổng giáo phận nhà có tổ chức lễ tạ ơn tại nhà thờ chính toà.

Tôi rất cảm động, hiệp ý tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Tổng giám mục Gioan-Baotixita, Linh mục Tổng Đại diện đã có ý tổ chức  lễ tạ ơn tốt đẹp nầy...

Xin anh chị em thương xót giúp lời cầu nguyện cho tôi được tiếp tục phục vụ Giáo hội hoàn vũ, điều hành Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình. Trong những chuyến công du khắp các lục địa, tôi đã chứng kiến được bao nhiêu đau khổ, chết chóc, chiến tranh, bom đạn, bao nhiêu bất công, bệnh tật, nghèo đói".

Sài gòn nơi đã chứng kiến những mưu mô phát xuất từ ý hệ chủ trương bạo lực, để dấy lên đấu tranh giai cấp, để đày ải những người lương thiện, thì Sàigòn đó hôm nay không còn nghe kẻ bị bắt bớ lên lời oán trách hay mĩa mai, nhưng là lời của yêu thương và hy vọng. Cũng trong bức thư ấy, Đức Tân Hồng y viết:

"Có câu ngạn ngữ phương Tây nói "Tương lai đep hơn tất cả quá khứ".

Người đã bị gieo tiếng ác là "có nợ máu" nhân dịp nầy cũng nhắn gửi đồng bào Việt nam qua lời chuyển trong bức thư gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam:

"Mặc dù vạn dặm xa xăm, lòng con không ngừng gắn bó với Giáo hội và Quê hương. Con hằng tâm niệm....từ Bắc chí Nam mọi người sẽ đồng tâm nhất trí như anh em một nhà, cùng nhau xây dựng một quê hương giàu mạnh trong yêu thương và đoàn kết".

Người công dân Việt Nam và người Kitô hữu Nguyễn Văn Thuận không phải mang nợ máu như lời tố giác do hận thù; nhưng vinh quang cho Ngài, vì Ngài đã trả nợ làm người đối với Tổ quốc và Giáo hội: Nợ của Yêu-thương và Hy-vọng.

VỀ MỤC LỤC
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI NGÔN SỨ TRONG HOÀN CẢNH THẾ GIỚI NGÀY NAY
  

Nói đến trách nhiệm của người ngôn sứ, nói riêng, và của người tín hữu  nói chung, chúng ta nhớ ngay đến lời Chúa trong Sách E-dê-kien  sau đây:

“ Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt người làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta bảo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “ Hởi tên gian ác,  chắc chắn ngươi phải chết.”, mà người không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết  vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi người đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại. Nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó. Còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” ( Ed  33:7-9)

Lời Chúa trên đây thức tỉnh và nhắc nhở những ai có trách nhiệm dạy dỗ chân lý và loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô,  đặc biệt  trong hoàn cảnh thế giới ngày nay, nơi con người đang phải sống trong hai nghich cảnh : một đàng  là chủ nghĩa vô thần (atheism)  chối bỏ Thiên Chúa, bài xích và bách hại mọi niềm tin tôn giáo để chỉ còn đề cao sức cần lao, óc sáng tạo, hứa hẹn  một “cánh chung luận” hảo huyền về một thiên đường hạ giới. Nhưng thực  chất  và thực tế đã cho thấy đó chỉ là lừa bịp để che đậy những  bất công, gian dối, độc ác và bóc lột người cách vô nhân đạo mà thôi. Đàng khác,  là  chủ nghĩa đưa vật chất,  tiền tài, danh vọng và mọi vui thú vô luân vô đạo lên ngôi Thượng Đế. Đây cũng là  một hình thức vô thần  của chủ nghĩa tục hóa (laicism, secularism) đang lan tràn ở khắp nơi, mà hậu quả là phá hủy mọi giá trị tinh thần, luân lý, đạo đức cũng như coi rẻ hay khinh chê mọi  niềm tin  tôn giáo để chi biết sống và hưởng thụ tối đa mọi vui thú trên đời này trong giây phút  hiện tại,  không cần thắc mắc gì về một “cánh chung luận" nào cho  tương lai  của thân phận con người.

Cả hai chủ nghĩa  trên đây đều không đem lại hạnh phúc thực sự cho con người, nếu không muốn nói là  chỉ xô đẩy cho nhanh con người vào hố sâu của nghèo đói cả về thể xác lẫn tinh thần và đạo đức.

Vì một đàng,  kẻ cai trị  chỉ mượn bình phong giải phóng để che đậy thực chất  phi nhân của chủ nghĩa, lòng tham ô vô đáy của kẻ cầm quyền, muốn vơ vét mọi của cải cho tập đoàn mình, gửi tiền ra nước ngoài để phòng  thân sau khi đã bóc lột người dân cách tàn nhẫn, vô nhân đạo trong một chế độ cai trị độc đoán, phi dân chủ, phi đạo đức. Mọi sáo ngữ về tự do, độc lập và hạnh phúc chỉ là cái thúng quá nhỏ không thể úp được con voi  khổng  lồ gian ác, lừa bịp, dối trá, không  thể thuyết phục được ai tin theo, ngoại  trừ những kẻ ngây thơ,  xu nịnh.

Mặt khác, bên kia thái cực, là những kẻ tôn thờ vật chất, đưa tiền tài lên ngôi Thượng Đế, nên cũng tìm mọi cách để có nhiều tiền bạc và của cải vật chất  bất cần mọi nguyên tắc công bình và luân lý, đạo đức. Bọn này - điển hình ở Mỹ - đã cấu kết, mua chuộc  (lobby) những kẻ có quyền trong ngành lập pháp (Quốc Hội) và hành pháp (Chánh phủ)  để mặc sức  thao túng thị trường tài chính và kinh tế, để làm giầu trên sự nghèo đói, thất nghiệp của hàng triệu người dân trong các chế độ tư bản, đặc biệt là ở Hoa Kỳ nơi tập đoàn Wallstreeters, tức đại chủ nhân các ngân hàng lớn ở New York,  đã và đang chi phối nền kinh tế Mỹ và thế giới với những xảo thuật  kinh tài “siêu cộng sản” để mặc sức vơ vét của cải  nhờ khuynh đảo thị trường chứng khoán, tăng giá dầu hỏa theo ý muốn để kiếm lời đến hàng trăm tỷ dollars !  (Thực quá vô lý khi cùng một hãng xăng như Shell, Exxon, Conoco… mà ba trạm xăng trên cùng một  đường phố  bán ba giá khác nhau, có chỗ cách nhau  từ  10 đến 20 cents  1 gallon !!). Thực trạng tham ô, vô nhân đạo của bọn  tư bản mất lương tri này  đã  khiến người dân Mỹ  lần đầu tiên phải phản ứng mạnh mẽ với phong trào “Walls occupy” rầm rộ chiếm giữ các con đường có các ngân hàng  trong năm qua ở các thành phố lớn để phản đối bọn tài phiệt  cẩm đầu và thao túng các ngân hàng  lớn ở New York, khiến cho kinh tế Mỹ xuống dốc thê thảm từ mấy năm qua.

Như thế, về mặt luân lý, đạo đức thì cả hai chủ nghĩa vô thần,  và chủ nghĩa suy tôn vật chất và tục hóa đều gặp nhau ở một điểm tương đồng : đó là hạ giá con người  vì chà đạp lên mọi giá trị tinh thần, luân lý và đạo đức là nền tảng của xã hội loài người, khác biệt với loài vật sống trong rừng hoang. Cụ thể, vì không tôn trọng sự sống, một quà tặng quí giá nhất mà Đấng Tạo Hóa-  tức Thiên Chúa của người có  niềm tin-  đã ban tặng cho con người, nên người ta đã coi mạng sống của một thai nhi không bằng mạng sống của con vật  như chó , mèo, rùa (turtle) chim…Bằng cớ ở Mỹ, người ta đã ban hành luật bảo vệ súc vật, cấm hành hạ súc vật  nhưng lại cho phép phá thai, tức giết người hợp pháp, khiến hàng triệu thai nhi bị giết hàng năm ở Mỹ , đặc biệt ở Trung Hoa lục địa, và Viêt Nam hậu quả của chính sách hạn chế sinh đẻ !!! Thêm vào đó, người ta đang tìm cách định nghĩa lại về đinh chế hôn nhân để hợp thức hóa “hôn nhân đồng tính = same sex marriage) làm đảo lộn nền tảng gia đình đã có trong mọi xã hội loài người từ xưa đến nay. Chưa hết, chủ nghĩa tục hóa đã và đang thay đổi bộ mặt của con người, từ loài “linh ư vạn vật” có lý trí và lương tâm để sống phù hợp với trật tự luân lý và đạo đức, trở thành những người không có lương tri để chỉ biết tìm mọi thú vui, mọi lợi lãi trần thế bất kể sự cấm đoán của lương tâm và ý thức đạo đức, luân lý.

Do đó, xét về hậu quả,  thì chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa vật chất, tục hóa đều đáng phải nghiêm khắc  lên án và quăng vào thùng rác, vì thực chất phi luân, vô đạo, kẻ thù của tự do chân chính và hạnh phúc  của con người còn lương tri lành mạnh.  

Trước thực trạng nói trên của bộ mặt  thế giới ngày nay, người có sứ mệnh rao giảng và bênh vực cho chân lý phải làm gì ?

Chắc chắn, với chức năng hoàn toàn thiêng liêng (spiritual competence), người rao giảng Tin Mừng và dạy dỗ chân lý không hề có trách nhiệm phải kêu gọi ai nổi dậy để lật đổ một chế độ nào. Nhưng cũng không được bênh vưc và  xu nịnh  chế độ chính trị  nào để công khai  về hùa  với  kẻ gian ác, kẻ thù của tự do, của công lý, của luân lý, đạo đức  và phúc lợi chân chính của con người..

 Thử hỏi : nịnh bợ và về hùa như vậy, thì có phù hợp với chức năng  ngôn sứ, với  trách nhiệm dạy dỗ và bênh vực cho chân lý, cho lẽ phải và công bình, là nền tảng của một xã hội  lành mạnh trong  cộng đồng nhân loại  hay không?

Thánh Phaolô đã nói “ …Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”... ( 1 Cor 9 :16)

Có nghĩa là nếu người Tông đồ của Chúa Kitô ngày nay  mà không lo rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa mà chỉ  lo bênh vực cho sự gian trá, xu nịnh kẻ có quyền thế để tìm lợi ích cho riêng mình,  thì đã tự đánh mất sứ mạng thiêng liêng nói trên,  và như vậy  thật  khốn cho ai đã  dấn thân vào con đường mù quáng,  khiến phản bội  chức năng  thiêng liêng này như Thánh Phaolô đã dạy  trên đây.

Thật vậy, chính vì bỏ quên chức năng  thiêng liêng  của mình, nên một số người có chung lâp trường đã họp lại thành “đàn két  nịnh bợ” để chỉ biết ca chung một bài tôn vinh sự giả dối, bất công, và bóc lột người,  nhắm mắt , bịt tai trước những bất công và tha hóa của xã hội, để tiếp tay với tập đoàn cai trị, bưng bít sự thật, không dám đòi công lý và tự do tin ngưỡng, tự do tôn giáo, là những quyền căn bản của con người được công pháp quốc tế nhìn nhận. Và tệ hai hơn nữa, người ta vẫn chưa quên một  người trong “đàn két" này  trước đây đã  đọc một bài “tham luận chính trị” để đời,  vì nội dung xu nịnh quá trắng trợn và  hạ cấp, quá trơ trẽn vô liêm sỉ  về thực chất của điều mình nhắm mắt ca tụng, để trục lợi cá nhân, phương hại cho vai trò và chức năng  của  người rao giảng Tin Mừng và dạy dỗ chân lý.!

 Nhưng xem ra cho đến nay, “đàn két” này vẫn chưa thức tỉnh, chưa sám hối để quay về với lẽ phải, để thi hành tốt  chức năng ngôn sứ của mình, nhận lãnh từ Phép Rửa, Phép Thêm sức và Truyền Chức Thánh

Và nếu cứ tiếp tục mù quáng trong “thân phận đàn két” của mình  thì họ sẽ làm chứng tá cho ai, cho giá trị nào,  xét  theo  phán đoán của lương tâm và  phê phán của dư luận quần chúng  khách quan ?

 Không ai muốn  họ phải chống đối trong mưu đồ lật đổ chế độ nào, nhưng chỉ mong đợi họ sống  đúng với chức năng của mình là người có ơn gọi đi rao giảng sự công chính, chân lý và bác ái trong những môi trường quá ung thối vì gian ác, tham ô, lừa đảo, dối trá, phi nhân và vô luân, vô đạo. Đáng lẽ, với chức năng và kiến thức của mình, họ phải hơn ai hết  nhận rõ bản chất của thể chế chính trị  - để rồi - nều không có can đảm thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình là bênh vực cho sự thật, cho công bằng, cho luân thường đạo lý  thì  phải câm miệng  đi, để đừng  trắng trợn tiếp tay cho sự dữ được  hoành hành. vì như vậy , thật “ khốn cho họ vì đã không rao giảng Tin Mừng” mà ngược lại, còn  gây cản trở không cho Tin Mừng được rao giảng  để đem công lý vào nơi bất công, đem bác ái yêu thương vào nơi oán thù, trống vắng  tình người, đem ánh sáng chân lý vào nơi tối tăm, sình lầy vì tội lỗi. Chúa nói : ”ai có tai nghe, thì nghe.” ( Mt 13: 43; Mc 4:23; Lc 8: 8)

Mặt khác, bên kia thái cực là những người đang sống với "văn hóa của sự chết”, chối bỏ mọi niềm tin tôn giáo, để  chỉ biết đua nhau tìm kiếm tiền của và mọi thú vui vô luân vô đạo, khinh chê mọi giá trị tinh thần, luân lý, đạo đức. Cứ  xem những quảng cáo từ trong và ngoài nước  về sửa chữa thân xác cho hấp dẫn, sexy, những nơi công khai  giúp phá thai, những sòng bạc lớn nhỏ,  những nơi ăn chơi sa đọa và  nhìn xem trên truyền hình chiếu lại những người đã trên 60, 70 đang  ôm nhau nhảy nhót cuồng loạn trong những cuộc vui thâu đêm ở các hộp đêm,   thì đủ biết con người ngày nay đang đi về đâu, đang khao khát cái gì cho mục đích cuối cùng của đời mình.

Người Âu Mỹ nhảy nhót là chuyện bình thường theo văn hóa của họ. Nhưng người Việt Nam đua đòi nhẩy nhót thì lại  khác.  Trò chơi này không phải chỉ để giải trí mà chính là lối sống dẫn đến sa đọa của những người “no cơm rửng mỡ”, coi nhẹ đời sống tinh thần, đời sống đức tin.

Phải đặt hy vọng vào một Thiên Chúa cực  tốt cực lành, và  một đời sống hạnh phúc  bất diệt trên Nước Trời mai sau. Nếu ai có niềm tin đó, thì phải thể hiện khát vọng muốn đạt được  ngay từ bây giờ bầng thái độ sống  khinh chê  mọi chủ nghĩa vô thần, chuộng vật chất và tục hóa đang làm ung thối con người ở khắp nơi trên thế giới ngày nay.

Do đó, người có chức năng rao giảng  và người nghe Tin Mừng đều được mời gọi phải sống Tin Mừng đó cách cụ thể để trở nên nhân chứng cho Chúa  Kitô, Đấng  đã đến để rao giảng chân lý  và “đã hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20: 28). Chân lý mà Chúa Kitô rao giảng phải là ánh sáng  soi đường cho chúng ta đi để không vấp ngã vì mọi mưu chước của gian tà và mọi sự dữ mà biết bao người đang sống trong đó và lôi kéo người khác đi theo họ vào chốn hư mất đời đời.

Cách riêng, người có chức năng ngôn sứ, phải có can đảm vạch rõ cho tín hữu biết những nguy hại của chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa  vật chất và tục hóa đang thống trị thế giới ngày nay, thay vì chỉ lo kiếm tiền để xây nhà thờ, nhà xứ cho khang trang bề ngoài mà trống vắng bên trong.

Như thế, là người tín hữu Chúa Kiô, dù  ở cương  vị nào,  người rao giảng hay người nghe  Tin Mừng được rao giảng, tất cả phải hiểu và tin chắc rằng mọi sự trong trần thế này, như tiền bạc, danh vọng, kim cương hột  xoàn, thân mình hấp dẫn  sexy nhờ đi sửa chữa …đều sẽ tiêu tan mau chóng theo thời gian. Và, “hỡi kẻ ngu ngốc,  nếu đêm nay Ta đòi hồn mi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó” ( Lc 12 : 20-21)

Lời  Chúa trên đây là tiếng chuông báo động cho những ai đang chạy theo danh vọng trần thế, nịnh bợ kẻ  quyền thế , ca tụng sự gian tà, hay ngụp lặn trong “văn hóa của sự chết”  biết  thức tỉnh để từ bỏ con đường dẫn đến hư mất đời đời, nếu người ta còn tin có sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu  đó, sau khi chấm dứt hành trình  của mình trên dương thế này. Cách riêng, người tín hữu Chúa Kitô, thì đây là thời điểm thuận tiện để suy niệm lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Marcô dưới đây:

“ Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh  em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” ( Mc 1 :15)

Sám hối để nhìn nhận nguy hại của  mọi tội lỗi, và quay về với Chúa xin Người thứ tha để sống xứng đáng với tình thương và công lý của Người hầu được cứu độ.

Tóm lại, giữa một thế giới gian tà, đầy rẫy sự dữ, sự xấu, người tín hữu Chúa Kitô, hơn bao giờ hết, được mong đợi sống  nhân chứng đích thực cho Chúa để  mời gọi thêm nhiều người khác tin, yêu Chúa , nhờ đời sống  nhân chứng của mình, -và  như thế- sẽ góp phần  đánh tan mây mù của tội lỗi và mọi sự dữ đang bao phủ  thế giới ngày nay.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô tôn Huấn.

 
VỀ MỤC LỤC
THUỐC NGỪA THAI CẤP KỲ HAY THUỐC PHÁ THAI
 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 Nhân Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngày 19-1-2012 lên tiếng cảnh giác chính quyền coi rẻ lương tâm, coi mạng sống con người chỉ là phương tiện và HĐGM-HK lên tiếng phản đối TT Obama vì ký nghị định buộc các bảo hiểm sức khỏe phải cung cấp miễn phí mọi dịch vụ ngừa thai và phá thai cho người thụ hưởng, đồng thời kêu gọi mọi người, nhất là công giáo đoàn kết lại để tranh đấu yêu cầu TT Obama hủy bỏ nghị định phá thai đó, chúng tôi xin trình bày những loại thuốc ngừa thai hiện đang thịnh hành trên thế giới để những ai cần biết có thể tham khảo, cũng như giúp cho những ai có trách nhiệm hướng dẫn giáo dân về vấn đế ngừa thai và phá thai hiện nay có được kiến thức tối thiểu để mà hướng dẫn...

 

QUÁ TRÌNH PHỔ BIẾN THUỐC NGỪA THAI

Cũng vì nghị định đó, ở Hoa Kỳ, người ta đang tranh luận rất sôi nổi về viên thuốc có cái tên khá thơ mộng “Viên Thuốc Ban Mai / Morning after pill”. Đây là loại thuốc có tác dụng phá thai mà bất cứ ai, nam cũng như nữ ở bất cứ tuổi nào cũng có thể mua được không cần toa bác sĩ. Trong khi Giáo Hôi Công Giáo coi hành động ngừa thai là phạm tội ác (cf Đời Sống Con Người/Humanae vitae), khoa học càng ngày càng đánh giá, cho việc ngừa thai là một hình thức phá hoại xã hội và con người, thì nhiều người vẫn có cảm tưởng sai lầm là ngừa thai phải tránh chỉ vì lý do tôn giáo. Nhưng thực tế, những loại thuốc như vậy xem ra lại đang được công chúng đón nhận một cách rộng rãi, không phải chỉ để “ngừa” thai, mà căn gốc của nó lại là “phá” thai. Khổ một nỗi là thuốc lại được dán nhãn là thuốc “Ngừa Thai” để đánh lừa dư luận.

Vào cuối thập niên 1990, Cơ Quan Rockefeller đã thành lập một Tổ Hợp Quốc Tế Ngừa Thai Cấp Kỳ (ICEC), điều lệ của tổ chức đã được phổ biến rất rộng rãi, cổ động  dùng thuốc ngừa thai cấp kỳ trên khắp thê giới[1]. Thành viên của tổ chức này là Tổ Chức Liên Bang Kế Hoạch Hóa Gia Đình Quốc Tế (International Planned Parenthood Federation), Hội Đồng Cố Vấn Dân Số (Population Council), Phong Trào Cổ Động Quốc Tế Phục Vụ Dân Chúng (Population Services International và initial campaign) nhắm vào những quốc gia mà từ lâu đã có những tổ chức “kiểm soát dân số rất khắt khe” như Sri Lanka, Kenya, Mexico và Indonesia.….

Chương trình vận động dùng thuốc ngừa thai cấp kỳ lúc đó khá thành công, đến nay lại đang được phổ biến trên 140 quốc gia[2]. Thuốc có sẵn ở các nhà thuốc tây /Pharmacy và có dược sĩ sẵn sàng cố vấn, chỉ dẫn cách thức dùng cho người mua không cần toa bác sĩ, hiện lưu hành trên 58 quốc gia. Riêng tại 6 quốc gia như India/Ấn Độ, Norway/Hoà Lan, Netherlands/Phần Lan, Sweden/Thụy Điển, đa số các tỉnh bang ở Canada và Hoa Kỳ thì đàn bà con gái tuổi từ 17 trở lên được tự do mua thuốc loại này ở quày hàng thường (over- the -counter).

Việc cổ động rộng rãi và mua bán thuốc dễ dàng như vậy là một quan ngại không nhỏ đối với các tôn giáo chủ trương bảo vệ sự sống, nhất là Giáo Hội Công Giáo. Để có một thông tin chính xác, chúng tôi xin trình bày tóm gọn những loại thuốc đáng ngại đó hầu giúp những vị có trách nhiệm hướng dẫn con chiên bổn đạo nên hay không nên dùng và những ai muốn dùng mà còn lơ mơ chưa hiểu rõ?

 

CÁC LOẠI THUỐC GỌI LÀ NGỪA THAI HIỆN CÓ.

Từ nhiều năm nay, những thuốc ngừa thai cấp kỳ được Tổ Chức Ngừa Thai Cấp Kỳ Quốc Tế (ICEC) khuyến khích dùng là loại kích thích tố nhân tạo (synthetic hormone)  tên khoa học là levonorgestrel đã được tung ra thị trường dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau: Tại các quốc gia nói tiếng Anh là Plan B, Next Choice, Levonelle Pregnon. Levonorgestrel có thể dùng trong vòng 72 giờ sau khi giao hợp, nhưng thường có thể dùng được cho tới 5 ngày để ngừa thai. Các nghiên cứu cho thấy levonorgestrel không giết được thai phôi một khi thai nhi đã đậu và đã bám được vào thành tử cung. Tuy nhiên thuốc cũng vẫn có thể có tác dụng làm hư  thai / phá thai. 

Người ta thuờng hay lẫn lộn levonorgestrel với thuốc phá thai có tên RU-486. Thuốc RU-486 là một  loại steroid nhân tạo, tên khoa học là Mifepristone, tên thương mại bán trên thị trường là Mifeprex đã được cơ quan kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận là thuốc phá thai đã tới 7 tuần trong bụng mẹ. Nó có thể chấm dứt  thai kỳ khi đã thụ thai.

Một loại thuốc ngừa thai cấp kỳ nữa được chấp nhận và tung ra thị trường Âu Châu vào năm 2009 là Ulipristal acetate thì đến năm 2010 cũng được cơ quan FDA cho sử dụng tại Hoa Kỳ. Thuốc này có nhãn hiệu là EllaoneElla và hiện có mặt tại thị trường dược phẩm của 30 quốc gia trên thế giới. Tác dụng của thuốc này đã được Cơ Quan Y Học Âu Châu (European Medicines Agency) tóm tắt rõ ràng như sau: “Đây là chất chống chất progesterone hoạt động tức là làm cho chất progesterone mất khả năng giúp thụ thai. Một khi chất progesterone bị cản thì dù noão sào (trứng của người đàn bà) và tinh trùng đàn ông kết hợp thành công cho ra thai phôi cũng không thể đậu vào thành tử cung của người đàn bà được để mà phát triển, các chất đạm cần thiết để khởi đầu và bảo toàn thai nhi cũng không thể tổng hợp được[3]. Lúc đó thai phôi sẽ hư. Nghĩa là nó có thể ngăn ngừa không cho thai nhi tiếp tục phát triển và cũng có thể phá huỷ thai nhi đã được kết tinh và gắn vào thành tử cung của người mẹ rồi.

Vì thuốc Levonorgestrel là thuốc ngừa thai cấp kỳ thông dụng nhất hiện nay, nên tôi sẽ đề cập đến 2 vấn đề đã khiến người ta dùng nó trên khắp thế giới. 

1/ Chuyện thứ nhất: Người ta tuyên bố là khoa học đã chứng minh chất levonorgestrel không bao giờ làm hư thai sớm, do đó có thể dùng nó mà không sợ hư thai.

Tác dụng sơ khởi của Levonorgestrel là ngăn trứng rụng. Như đã nói, nó không giết thai phôi một khi thai phôi đã gắn được vào thành tử cung. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc Plan B cũng có thể có một tác dụng thứ hai là trứng vẫn rụng mặc dù đã uống levonorgestrel[4]. Như vậy, nếu trường hợp thụ thai xẩy ra, thì thuốc vẫn có thể ngăn cản thai nhi đó không cho nó bám vào thành tử cung được. Patrick Yeung Jr. và những đồng tác giả với ông cắt nghĩa rằng: Levonorgestrel “can dự vào sự phát triển và tác dụng bình thường của hạch trứng (corpus luteum)[5]; một khi hạch trứng bị trục trặc sẽ làm cho thành tử cung (endometrium) bị trục trặc luôn nên mất khả năng tiếp nhận thai phôi[6]. Ho lý luận rằng cái tác dụng gọi là ở giữa đó chẳng có gì là trõi ngược nhau cả, và cho rằng “thuốc Levonorgestrel có tác dụng phá thai chỉ khoảng 3%-13% thời gian” khi thuốc levonorgestrel được uống sau khi trứng rụng. Tác dụng làm hư thai này đã được cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) xác nhận, nói rằng “Levonorgestrel có tác dụng ngừa thai cấp kỳ chính thức là ngừa trứng rụng hoặc ngừa thụ thai….Thêm vào đó, nó có thể ngăn cản thai phôi gắn vào thành tử cung bằng cách làm thay đổi màng tử cung”[7]

Giáo Hội Công Giáo –ghi nhận là thuốc Lovonorgestrel đôi khi có thể có tác dụng phá thai bằng cách ngăn cản thai phôi (trứng một khi đã thụ tinh thành công) gắn vào thành tử cung của người mẹ- phán rằng dùng những loại thuốc như vậy khi nó ngăn cản thai nhi gắn vào thành tử cung “thì đã phạm tội phá thai và lỗi luân lý nặng” (Dignitas personae, n.23). 

2/ Chuyện thứ hai: Người ta cho rằng nếu dân chúng chấp nhận thuốc Plan B và dùng nhiều sẽ làm giảm những vụ mang thai ngoài ý muốn và do đó mức độ phá thai cũng giảm, như Bác sĩ Andre Lalonde thuộc Hội Sản Phụ Khoa Canada đã nói: “Biết tới và dùng loại thuốc ngừa thai cấp kỳ này nhiều có thể làm giảm tai nạn thụ thai ngoài ý muốn rất đáng kể ở Canada.[8]. Lời tuyên bố này đã được Viện Y Học /Institute of Medicine (IOM) mới đây cổ động khuyến khích rùm beng, đã được TT Obama, Bộ Y Tế Hoa Kỳ ký nghị định đòi hỏi tất cả các hãng bảo hiểm sức khỏe phải cung cấp thuốc Levonorgestrel miễn phí cho người thụ hưởng. Viện Y Học (IOM) cũng tuyên bố: Cho dùng thuốc ngừa thai này trong quảng đại quần chúng càng nhiều thì số thụ thai ngoài ý muốc càng giảm và do đó tình trạng phá thai cũng giảm thấp trên toàn quốc.”[9] 

Những quả quyết như vậy chỉ là giả dối, nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy dùng thuốc ngừa thai cấp kỳ loại này nhiều không làm giảm thụ thai ngoài ý muốn cũng như không giảm thiểu tình trạng phá thai/truỵ thai.

Năm 2010 Chelsea Polis thuộc trường Y Tế Công Cộng Johns Hopkins Bloomberg đã thử nghiệm, nghiên cứu 11 trường hợp tự nhiên và có kiểm soát đã đi đến kết luận như sau: “Chúng tôi kiểm soát lại những nghiên cứu thấy rằng những kế hoạch dùng loại thuốc ngừa thai cấo kỳ này để phòng ngừa trước, cho đến nay, không cho thấy có sự giảm sút thụ thai ngoài ý muốn.” [10]  Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2007 đã được công bố  và có in trong tờ Sản Phụ Khoa (Obstetrics and Gynecology) cũng đưa ra cùng một kết luận như vậy: “Nhiều người biết đến thuốc ngừa thai cấp kỳ này sẽ dẫn đến việc khuyến khích người ta dùng nó nhiều, nhưng  lại không cho thấy có sự giảm thiểu tỷ lệ thụ thai ngoài  ý muốn.” [11]  Và một nghiên cứu khác vào tháng 11 năm 2006 của cùng một tờ báo cũng có kết luận tương tự: “Tăng số người dùng thuốc ngừa thai cấp kỳ không cho thấy kết quả tỷ lệ giảm thiểu thụ thai.” [12] Tương tự như vậy, thuốc Levonorgestrel không làm giảm tỷ lệ hư thai/phá thai như đã nói đến ở một nghiên cứu vào năm 2004 đã được xuất bản trong sách Ngừa Thai/Contraception.[13]  Mặc dù cung cấp miễn phí thuốc ngừa thai cho 18,000 phụ nữ, nhưng “không thấy đo lường hoặc kiểm soát kết quả hư thai/phá thai, trong khi đó phòng ngừa trước bằng thuốc ngừa thai cấp kỳ, có lẽ ngừa được một số trường hợp thụ thai nơi một số bà ở một lúc nào đó thôi. Kế hoạch ngừa thai kiểu này đã không tạo được kết quả tốt và hy vọng gì về phương diện y tế công cộng.”                                     

Tóm lại, họ tuyên bố rằng thuốc ngừa thai cấp kỳ làm giảm thụ thai ngoài ý muốn và giảm tình trạng hư thai/phá thai. Nhưng cá nhân tôi không thấy một nghiên cứu nào được thực hiện trên căn bản quảng đại quần chúng mà cho ra kết quả hiện nay như vậy.

 Tuy nhiên, khuynh hướng và trào lưu quốc tế hiện nay như có vẻ vẫn muốn để dân chúng tiếp tục dễ dàng có thuốc levonorgestrel và dùng nó ngày càng nhiều, và với thời gian, những loại thuốc xem ra rất có thể giết thai phôi (như thuốc Ella và EllaOne) lại rất có thê thay thế thuốc Levonorgestrel.

Trong bài này, dù chúng tôi không đề cập đến việc dùng thuốc ngừa thai là trái với luân lý đạo đức đối với những cặp vợ chồng chính thức, nhưng nó cũng nói lên tình trạng xáo trộn tinh thần trong xã hội do hậu quả sự sống bị đe dọa vì việc dùng thuốc ngừa thai. Chúng ta không thể làm ngơ trước những phong trào đang gây rối loạn này, vì nó chính là biểu hiện rõ nét của nền văn hóa sự chết.  Sự hiểu biết và hành động đúng nguyên tắc,  chúng ta có thể ngăn chặn làn sóng tội lỗi ấy như đã thấy ở Honduras vào năm 2009, người ta đã tẩy chay, cấm bán loại thuốc ngừa thai cấp kỳ này.

 

ĐÔI LỜI KẾT

Những tổ chức lớn có ảnh hưởng nhiều, lại lắm tiền nhiều bạc, hiện đang tích cực cổ võ dùng thuốc gọi là ngừa thai nhưng lại có khả năng phá hủy sự sống trên khắp thế giới. Những người bảo vệ sự sống, chống đối việc ngừa thai bằng loại thuốc này, một khi nhận ra được tác dụng phá thai của thuốc nhưng không làm giảm được mức độ phá thai, thì những tổ chức ấy lại cố ý đánh lạc hướng những người này. Cho đến nay, những cơ quan, tổ chức như vậy đang phải đối đầu với những chống đối không mấy mạnh mẽ và hiệu quả cho lắm. Một cách nào đó đối với cộng đồng Công Giáo bảo vệ sự sống, để ngăn cản làn sóng phá thai đang lan tràn, chúng ta phải  lột mặt nạ những tuyên bố gian dối về loại thuốc ngừa thai cấp kỳ này. Họ tuyên bố “khoa học” hơn bao giờ hết, đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận những phương thuốc chấm dứt cũng như thay đổi sự sống, thì chúng ta phải trả lời họ ngay cũng bằng những sự kiện khoa học chứng minh cho họ biết là những lời tuyên bố của họ thực chất chỉ là những gì “phản lại sự sống.”

Cộng đồng Công Giáo Việt Nam chúng ta ở hải ngoại cũng như quốc nội đã có ai nghĩ đến “Sự Sống”, một vấn đề cốt lõi của đạo chúng ta chưa?  Ở Hoa Kỳ thì chúng ta  ai cũng biết là hiện có hai phong trào “bảo vệ sự sống / Pro life” và “Tự do lựa chọn / Pro choice. HĐGM-HK đã có rất nhiều thư chung và phong trào cổ đông bảo vệ sự sống, mỗi chúa nhật, cha xứ đều nhắc nhở mọi người hoạt động tích cực và cầu nguyện cho phong trào, nhất là gần đây, sau khi Obama ký nghị định mọi người đều có quyền được bảo hiểm sức khỏe cung ứng phương tiện miễn phí để ngừa thai và phá thai thì HĐGM lại ra tuyên cáo phản đối, kêu gọi mọi người, nhất là công giáo đoàn kết lại, dùng mọi phương tiện để tranh đấu buộc Obama hủy bỏ nghị định đó. Các linh mục và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGM-VN) đã có một Ủy Ban nghiên cứu những vấn đề thời sự nóng bỏng này chưa, để ít ra là cắt nghĩa cho con chiên của mình hiểu thế nào là ngừa thai, phá thai với những loại thuốc như con giao hai lưỡi kiểu này chưa? Rồi sau đó mới có thể đi đến chỗ vận động tẩy chay, yêu cầu nhà cầm quyền không cho phổ biến những loại thuốc gọi là ngừa thai nhưng lại phá thai như hiện có.

Tình trạng phá thai ở Việt Nam hiển nhiên là quá phổ thông và công khai. HĐGM-VN có trách nhiệm lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền không nên để dân chúng tự do ngừa thai và phá thai kiểu này hay kiểu khác. Vô tri bất ngộ. Không biết thì không làm hay làm  không đúng. Chỉ nói suông là “văn hóa sự chết” hay “văn hóa sự sống” thì làm sao giáo dân bình thường hiểu cho ra lẽ được. Hay là lại sợ đụng vấn đề gọi là “tế nhị?”

Giáo huấn cho giới trẻ và những cặp vợ chồng trẻ để họ hiểu rõ tác dụng của những  thuốc gọi là ngừa thai nhưng cũng có tác dụng phá thai, để họ biết mà tránh, hơn là tổ chức hội thảo về sắc dục, ghiền phim sex, ghiền trò chơi sex…như Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình đã từng tổ chức. Đọc qua những đề tài thảo luận và tên các giảng viên mà người viết cảm thấy ớn sương sống. Toàn là những đề tài cao siêu, cao vòi vọi tuốt trên tầng mây. Giảng viên, toàn là những vị bằng cấp đầy mình nào là thạc sĩ, tiến sĩ,… có cả linh mục và nữ tu tiến sĩ,  không biết đã có kinh nghiệm ghiền sắc dục, ghiền phim sex, ghiền chơi game sex  bao giờ chưa để mà truyền lại cho học viên. Chẳng lẽ cũng đã kinh qua rồi sao? Chưa biết chừng học viên lại có kinh nghiệm nhiều hơn cả huấn luyện viên?

Thật là chán mớ đời, chán cho thế sự, cho ban tổ chức, cho những vị gọi là mục tử, sao mà bê bết, lôi thôi, lếch thếch đến thế. Chẳng trách chi GHVN đang xuống dốc?

 

Fleming Island,

Florida Jan.31, 2012

NTC


[1] ICEC=International Consortium for Emergency Contraception.  http://www.cecinfo.org/

[2] http://ec.princeton.edu/questions/dedicated.html

[4] The author notes that there are some, including with the Catholic scholarly community, who suggest that an abortifacient effect is extremely unlikely. Perhaps most notable is Rev.Nicanor Pier Giorgio Austriaco, OP. See “Is Plan B an abortifacient?”, National Catholic Bioethics Quarterly, (V7N4), 703-707.

[5] Corpus Luteum/Hạch Trứng: là một khối hạch màu vàng  nằm trong buồng trứng, khi  phát triển đầy đủ và chín sẽ làm cho trứng rụng lìa khỏi buồng trứng. Nếu gặp tinh trùng đàn ông,  trứng thụ tinh xẩy ra thì hạch trứng sẽ tăng trư ởng, lớn lên và tồn tại nhiều tháng giúp cho thai nhi phát triển. Nếu thụ tinh không xẩy ra thì hạch trứng sẽ thoái hóa, co lại sinh ra kinh nguyệt. Hạch trứng tiết ra progesterone giúp cho thụ thai dễ dàng.

[6] Yeung et al., “Argument Against the Use of Levonorgestrel in Cases of  Sexual Assault,” Catholic Health Care Ethics: A Manual for Practioners, Ed.Edward J. Furton, (Philadelphia: 2009, 144)

[11]http://journals.lww.com/greenjournal/Abstract/2007/01000/Population_Effect_of_

Increased_Access_to_Emergency.25.aspx

[12]http://journals.lww.com/greenjournal/Fulltext/2006/11000/Impact_of_Increased_

Access_to_Emergency.9.aspx

VỀ MỤC LỤC
THUỶ TỰ HẠ
 

Ngày 3 tháng 11 năm 2011, một phái đoàn đại diện cho ba quốc gia đến thăm linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý tại trại giam Nam Hà. Ông Claire A. Pierangelo, phó đại sứ Hoa Kỳ tại VN; ông Michael Orona, viên chức chính trị Hoa Kỳ; ông Phillip Stonehouse, phó đại sứ Úc Châu tại VN; bà Joya Donnelly, phó đại sứ Canada tại VN; và một thông dịch viên cho phái đoàn.

Các viên chức cao cấp của ba chính phủ kết hợp cùng nhau vào thăm một tù nhân lương tâm đều có chung một mục đích là muốn đưa linh mục Nguyễn Văn Lý ra nước ngoài trị bệnh tai biến mạch máu não. Di chứng của năm lần tai biến xuất huyết là một khối u trong não, bị liệt nửa thân, tay chân phía phải không cử động được bình thường, đi đứng, sinh hoạt, ăn uống còn gặp nhiều hạn chế. Khác những lần đề nghị trước (ở tù năm 1983-1992, 2001-2005, tạm trả trả t do ngày 15/3/2010 – 24/7/2011), các chính phủ, đặc biệt là Hoa Kỳ và Canada, đã muốn đưa linh mục Lý đi ra nước ngoài định cư theo dạng tị nạn hoặc chữa bệnh, nhưng họ không đưa ra một cam kết nào là linh mục Lý có thể trở về lại VN. Nhưng trong lần thăm gặp lần này, đại diện chính thức của ba nước đề nghị với Lm Lý có thể chọn một trong ba nước trên để đi trị bệnh mà không phải lo bất cứ một khoản phí tổn nào. Quan trọng hơn, họ đều cam kết với linh mục Lý là linh mục Lý có thể trở về VN bất cứ lúc nào sau khi căn bệnh được chữa lành.

Đáp lại thiện chí và lòng nhiệt tình quí báu của đại diện cho các quốc gia trên, linh mục Lý cho biết, “Tôi cám ơn thiện chí nhân đạo của quý vị có trách nhiệm tại quý quốc, về  vấn đề đi ra nước ngoài tôi đã trả lời cho quý vị thời gian trước kia cũng như khi tôi được đưa về Nhà Chung của TGP Huế chữa bệnh thời gian qua. Tôi muốn chữa bệnh tại VN, còn hôm nay xin quý vị cho tôi suy nghĩ và hỏi ý kiến của Giáo Hội và gia tộc. Tôi sẽ có câu trả lời với quý vị sớm nhất có thể.” Ít ngày sau, cán bộ trại giam Nam Hà gọi điện thoại cho gia đình linh mục Lý và yêu cầu gia đình ra thăm linh mục Lý gấp. Không hiểu thực hư thế nào, thân nhân đã thu xếp ra thăm linh mục Lý. Trong cuộc gặp mặt với gia đình ngày 18/11/2011, linh mục Lý thông báo cho gia đình biết việc các viên chức toà Đại Sứ đến thăm linh mục Lý và cho biết lý do của việc viếng thăm của họ. Linh mục Lý cũng nhờ gia đình viết thư cám ơn và trả lời cho các toà Đại sứ trên theo ý như sau: “Tôi chỉ muốn được ở Việt Nam với tình trạng tự do hoặc tiếp tục ở tù cho hết án, chứ không đi ra nước ngoài chữa bệnh.”

* * *

Nguyễn Văn Lý là ai? Mục đích và lý tưởng gì đã làm ông kiên trì theo đuổi ngay cả khi tấm thân đã liệt, sức đã mòn, tuổi đã cao, thế mà ông vẫn trung thành với lý tưởng ấy? Châm ngôn sống mà ông đặt trên bàn giấy, nó được in ra khổ chữ lớn, được bộc giấy plastic và làm quà tặng cho bất cứ ai đến thăm gặp ông: Hãy trao mọi người tất cả lợi lạc & nhận vào mình mọi thiệt thòi.”

Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý sinh năm 1947, thụ phong linh mục vào ngày năm 1974 do Giám mục tử đạo Philiphê Nguyễn Kim Điền. Từ năm 1977, ông bị bắt và bị kết án 20 năm tù vì tội “tuyên truyền chống đối nhà nước.” Ông được trả tự do sau một thời gian ngắn. Năm 1983, ông bị bắt cùng với tội danh tương tự và bị kết án 10 năm. Sau gần 10 năm ở lao tù, ông được trả tự do vào năm 1992. Từ năm 1992, ông bị nhà nước quản chế và không được quyền thi hành sứ vụ linh mục của mình. Năm 2001, ông lại tiếp tục đứng lên dành quyền tự do, trước tiên cho chính ông và sau đó ông muốn khai sáng cho mọi người dân Việt Nam ý thức rõ rằng, quyền tự do tôn giáo là của mỗi người. Với khẩu hiệu, “Tự do tôn giáo hay là chết” ông đã châm một ngọn đuốc mới để kêu gọi ý thức của từng lớp trí thức, giáo sỹ, và cộng đồng quốc tế. Kết quả là ông bị bắt lấn thứ ba và bị kết án 15 năm tù. (Xin mở ngoặc ở đây, vì muốn áp lực tinh thần của linh mục Lý, nhà nước VN đã bắt giam tù 3 người cháu của linh mục Lý từ năm 2001-2004, để buộc ông từ bỏ lý tưởng đấu tranh cho nhân quyền và tôn giáo, nhưng ông vẫn kiên quyết bảo vệ lập trường và lý tưởng của mình). Nhờ sự can thiệp của tổ chức nhân quyền quốc tế, và các chính phủ, đặc biệt là Hoa Kỳ, ông được trả tự do vào năm 2005. Dù bị quản chế, nhưng linh mục Lý vẫn thực hiện lý tưởng đòi tự do cho chính mình và cho người Việt Nam. Ông đã giúp thành lập khối 8406, đảng Thăng Tiến Việt Nam, tự in báo giấy Tự Do Ngôn Luận mà không xin giấy phép. Ông nhiệt tình truyền bá những tư tưởng tiến bộ về tự do, nhân quyền cho mọi từng lớp nhân dân, nông dân, học sinh, sinh viên, giáo sư, giáo sỹ, và thậm chí cả các cán bộ cộng sản cũng đều là đối tượng cho linh mục Lý chinh phục. Chính lòng nhiệt huyết yêu mến tự do và nhân quyền của mình và cho người khác, ông lại bị bắt lần thứ tư vào năm 2007, ông bị kết án 8 năm tù với phiên toà “Bịt miệng” mà nhiều người trên thế giới đã thấy tấm hình ấy.

* * *

Sức mạnh và động lực gì đã khiến ông kiên trì theo đuổi lý tưởng này? Sao ông không yên phận như bao nhân sĩ trí thức khác? Sao ông không im lặng tìm sự thoả hiệp nhượng bộ để lo việc mục vụ cho giáo dân như nhiều giáo sỹ khác? Vâng! Sức mạnh ấy được xuất phát từ quả tim biết rung cảm trước nỗi đau của đồng loại. Là một linh mục Công Giáo, ông thấy xót xa khi Giáo hội bị ức chế, bị chèn ép, bị uốn nắn bởi nhà nước Cộng Sản nhằm làm công cụ cho nhà nước. Ông thấy xót xa khi các giám mục không được tự do tuyển lựa chủng sinh, không được tự do truyền chức linh mục, không được tự do cử hành các bí tích. Ông thấy xót xa khi các linh mục không được dâng thánh lễ và dạy giáo lý cho cho giáo dân. Ông thấy xót xa cho người dân không được tự do thờ phượng Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Đau đớn nhất, xót xa nhất là khi ông nhận thức được rằng ý thức hệ Cộng Sản đã, đang, và sẽ phá hoại nền nhân bản đạo đức của con người. Chính ý thức hệ Cộng Sản đã gây chia rẻ, căm hờn trong mỗi gia đình, nó đã gieo rắc sự dối trá, lường gạt ngay trong môi trường giáo dục mầm non. Và tệ hại hơn, nó đã len lỏi vào lương tâm của các giáo sỹ và đã làm cho một số giáo sĩ tê liệt trước sự ác, bất công mà đúng ra họ phải là người chiến sĩ xung trận chống lại sự ác và bất công.

Trong những nguyên tắc đấu tranh của ông, nguyên tắc căn bản chính là cần phải “Có một đời sống tâm linh và khiêm tốn vững chắc.” Theo ông, “Hòa bình không phải là hết chiến tranh. Hòa bình không phải chỉ là có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, xe cộ, bệnh viện, trường học, sân vận động, nhà hát,... Hòa bình trước hết và trên hết là một trạng thái tâm hồn an vui thanh thản với bản thân, từ hòa và nhân ái với người khác cận kề xung quanh trong một môi trường xã hội đạo đức lành mạnh và thân mật tâm giao với Thượng Đế là Cha Nhân Từ vô cùng và thật sự của mình.”[1]

Ông gọi những người người đấu tranh cho nhân quyền tôn giáo tại VN là Người Chiến sĩ dân chủ hoà bình. Ông nhắc nhở chính bản thân ông cũng như những người khác ý thức căn bản về sứ mạng của mình, “Điều duy nhất NCSDCHB cần phải làm trước tiên là bình tâm nhìn lại mình, sám hối, và thiết lập lại sự bình an nội tâm cho chính mình ít nhất tương đối vững chắc rồi mới nghĩ đến việc xây dựng công lý, hòa bình, tự do, dân chủ cách hiệu quả ổn định và vững bền cho xã hội được. Nếu chưa có bình an nội tâm, thì dứt khoát chưa nên nói hoặc làm bất cứ điều gì, dù nhỏ dù lớn đến đâu.”[2]

Thế mới rõ, sức mạnh của một con người không hệ tại ở chỗ có nhiều súng đạn, quyền uy, tài lực, nhưng thực ra nó nằm ở chỗ khiêm tốn, tự bỏ mình. “Vô uý, vô cầu, vô thủ, vô ngã, vô phân biệt” đã trở nên vũ khí của chiến sĩ hoà bình linh mục Nguyễn Văn Lý. Với châm ngôn ấy, rõ ràng ông đang tu tập bản thân để vươn tới lý tưởng sống cho người khác – không tìm ích lợi cho mình. Ông học bỏ mình bằng cách hăm hở nhận mọi thiệt thòi cho bản thân và tiếp tục chọn lựa những những giá trị chân chính phù phợp với lý tưởng của ông, dù sự chọn lựa ấy có làm cho đời ông phải trả giá. Ăn chay cầu nguyện một mình, tuyệt thực biểu tình trong phòng biệt giam, và chọn tiếp tục ở lại trong nhà tù – tất cả điều nói lên sức mạnh thật được xuất phát từ khao khát, “Thuỷ tự hạ - lửa phải chóng thành tro.”[3] Lạ thay, chính những chọn lựa nghịch lý như thế, ông lại trở nên mạnh, mà theo ông, đó là người “vô địch.” Với lý tưởng như thế, không lạ gì ông đã từ chối lời mời thiện chí của các viên chức toà đại sứ Hoa Kỳ, Canada, và Úc.

Những năm tháng tù đày còn lại của ông sẽ vẫn là những năm tháng tiếp tục nhận thêm mọi thiệt thòi. Thế nhưng chính khi ông can đảm đón nhận những thiệt thòi ấy, ông lại được tất cả - Ông ôm trọn được lý tưởng mà suốt đời linh mục của ông theo đuổi – Kenosis – Tự Huỷ Mình.

Giáng Sinh 2011 

Br. Huynhquảng


[1] Lm Nguyễn Văn Lý, Phác Thảo Chân Dung Người Chiến Sĩ Hòa Bình Việt Nam Hôm Nay, 30-5-2010

[2] Ipid

[3] Nguyễn Văn Lý, Những hạt sương ngọn cỏ, Những vần thơ trong tù Nam Hà, 1992.

 

 

VỀ MỤC LỤC
CARITAS PHAN THIẾT: THÀNH LẬP QUỸ TÍN DỤNG – TIẾT KIỆM TẠI ĐAGURY ĐA MI
 

Sáng Chúa Nhật 05.02.2012, Ban Caritas Phan Thiết đã chính thức thành lập Quỹ Tín Dụng Tiết Kiệm Đagury – Đa Mi cho phụ nữ nghèo với tổng số vốn ban đầu là 90 triệu đồng. 30 gia đình tham gia sẽ có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế và con em họ được tiếp tục đi học.

 

Sau một năm quỹ Tín Dụng – Tiết kiệm tương trợ do Caritas Phan Thiết tài trợ hoạt động mang lại hiệu quả cao, nhất là đối với phụ nữ nghèo ở 3 điểm Suối Sâu, Cà Tang và La Dày là những vùng nông thôn, đời sống khó khăn đã biết cách vận hành kinh tế để cải thiện và nâng cao đời sống gia đình. Năm nay, chương trình Tín dụng – Tiết kiệm sẽ ưu tiên cho vùng núi Đa Mi.

 

Đagury là Thôn thuộc  xã Đami, Huyện Hàm Thuận Bắc, Tỉnh Bình Thuận. Đa số người dân ở  nơi này sống bằng nghề nông, làm mướn và buôn bán nhỏ…Vì đây là Thôn thuộc Xã miền núi, vùng sâu vùng xa của Huyện, nên  người dân di cư đến đây khai hoang, phát rừng đề trồng mì, bắp, điều và càphê. Nơi đây có tiềm năng về kinh tế cao nếu người dân có vốn đầu tư và biết cách làm kinh tế. Vấn đề lớn của cộng đồng phải đối phó là vay nóng, nợ nần, bệnh tật, con em không đủ điều kiện đến trường. Về cơ sở hạ tầng : Các đường làng bằng đất đỏ, hẹp, gồ ghề và bụi bặm. Khoảng 50% người dân ở nhà đất vách gỗ và tre nứa dột nát, mức sinh hoạt của người dân thấp.

 

Các thành viên đã trải qua những buổi tập huấn về “Kỹ năng hoạt động nhóm Tín Dụng – Tiết kiệm cộng đồng”. Các nữ tu, nhân viên Caritas Phan Thiết đã trình bày và giúp các hội viên hiểu rõ về Tín dụng – Tiết kiệm qua các nội dung một cách chi tiết như: Các khái niệm về tín dụng – tiết kiệm; Mục đích, lợi ích của chương trình tín dụng - tiết kiệm; Cách quản lý tài chánh; Quản lý, sử dụng vốn hiệu quả…

 

 

 

Bên cạnh việc giúp 30 thành viên nghèo được vay vốn trong năm đầu để có vốn làm ăn, Nhóm Tiết Kiệm còn mong muốn các phụ nữ hỗ trợ nhau trong việc làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản…

 

Dự án Tín dụng - Tiết kiệm Đagury do Caritas Phan Thiết quản lý từ nguồn vốn do Ông Bernoit (Pháp) tài trợ sẽ thực hiện trong 3 năm. Mỗi năm sau khi hoàn hết vốn, tổ viên sẽ được vay lại cho năm sau. Số tiền tiết kiệm của nhóm sau 1 năm có được sẽ tuỳ theo quyết định của thành viên để tăng vốn hoặc cho một người mới gia nhập vào nhóm. Hướng sử dụng vốn tín dụng của các thành viên đầu tư vào buôn bán nhỏ, chăn nuôi và trồng trọt nhằm khắc phục cảnh khó khăn của gia đình.

 

Ngay sau phần thảo luận, các tổ viên nghe công bố quyết định thành lập Quỹ Tín Dụng – Tiết Kiệm  Đagury do Linh mục Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Giám đốc Caritas Phan Thiết đã ký căn cứ vào các điều khoản về dự án – Kế hoạch đã triển khai cho bà con và khả năng quản lý, điều hành dự án của ban thực hiện dự án. Linh mục FA Nguyễn Đức Quang, Quản xứ Đagury, được đề cử làm Trưởng ban thực hiện Dự án.

 

Điểm đặc biệt là ngay từ khi được tập huấn, hai tổ trong nhóm Tín Dung Đagury đã tự nguyện đóng tiết kiệm đến nay đã được 4 tháng. Số tiền tiết kiệm này các tổ viên sẽ lần lượt được vay với lãi suất thấp để tăng vốn sản xuất. Số tiền 3 triệu đồng vay của Quỹ Tín dụng – Tiết kiệm không phải là lớn nhưng nó chứa đựng bao kỳ vọng của các gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa để họ học cách tự lập về kinh tế và góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình một cách bền vững, cộng đồng được phát triển.

 

Nhìn niềm vui rạng rỡ trên gương mặt của 30 người phụ nữ nghèo được nhận vốn đợt này, các nữ tu trong Ban Caritas Phan Thiết vẫn thấy chạnh lòng khi nghĩ đến còn có 15 chị tại đây sau khi nghe về lợi ích của  chương trình Tín Dụng – Tiết kiệm tương trợ đã tự nguyện họp thành một tổ tiết kiệm nhưng Caritas Phan Thiết chưa tìm ra nguồn vốn để giúp cho họ làm ăn.

 

Chia tay với Đagury, Caritas Phan Thiết lại bắt đầu cho kế hoạch tìm kiếm nguồn vốn để thành lập một tổ tín dụng mới bởi chung quanh khu vực hồ thuỷ điện Đa Mi này, còn biết bao phụ nữ nghèo cần được hỗ trợ chút vốn nhỏ để bắt đầu xây dựng một tương lai lớn cho gia đình.

 

 Hồng Hương


VỀ MỤC LỤC
BẠN HỮU.
 

Sử nước Tàu ngày xưa có hai ông Quản Trọng và Bão Thúc Nha, ấu thời chơi với nhau thân lắm, tuổi tráng niên gặp thời binh lửa, hai hoàng tử tranh bá đồ vương, Trọng cùng Nha bèn ngóeo tay nhau thề mỗi người hết lòng phò tá một chúa, chúa của ai thắng thì sẽ đề bạt nhau, công tử Tiểu Bạch thắng công tử Củ, lên ngôi làm vua nước Tề. Bão Thúc Nha nhớ lời giao ước, tâu lên Tề Hòan Công tiến cử Quản Trọng, vua Tề có ý không dụng, quên sao được mũi tên Quản Trọng  súyt xơi mất thủ cấp năm xưa, nhưng vị nể Bão Thúc Nha năm lần bảy lượt thuyết phục, mới triệu vời Quản Trọng, về sau tể tướng Quản Trọng với tài kinh bang tế thế đã giúp vua Tề lập nên nghiệp bá hùng mạnh , uy trấn các nước chư hầu… 

Đệ ưng nhất là Bão Thúc Nha, một nghĩa khí bằng hữu cao thượng quên mình, chơi với nhau thì khiêm nhường nhận phần thua thiệt, ra trận giữa lằn đạn mũi tên lại hăng hái đi đầu, lấy thân mình chở che cho bạn, mã đáo thành công rồi lại hết lòng tiến cử bạn lên tột đỉnh triều đình, thậm chí chẳng hờn ghen trước di ngôn của bạn, làm cho Quản Trọng phải thốt lên :

-“Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu được ta chỉ có Bão tử”. 

Tích xưa có hai chàng Lưu Bình và Dương Lễ, cùng đèn sách chờ ngày khoa cử, Dương lễ con nhà giầu có, mê chơi phóng túng chểnh mảng học hành, Lưu Bình thân phận nghèo túng quyết tâm dùi mài kinh sử, tất nhiên đến ngày thi, chỉ có Lưu Bình bảng vàng chói lọi, võng lọng vinh hiển làm quan, còn Dương Lễ trượt xôi hỏng bỏng không,  cùng đường phải đến dinh Lưu Bình nhờ vả, nghĩ tình bạn hữu xưa chắc chẳng tệ, ngờ đâu thói đời đen bạc, Lưu Bình bố thí cho bạn bát cơm với một qủa cà muối mặn, còn xỉ nhục dể duôi miệt thị, ra về mà nước mắt đầm đìa phẫn hận, may sao trong lúc quẫn cùng, giữa đường gặp của Giời cho, môt người con gái tên Châu Long, thẽ thọt tự nguyện theo về khuyên nên nuôi chí sách đèn, chờ ngày ứng thí, đêm đêm bên song nàng quay tơ dệt vải, chàng chong đèn kinh sử chuyên chăm , chờ thời cá chép vượt vũ môn… Ngày đã đến, qủa nhiên Dương Lễ xướng tên đầu bảng, được bổ nhậm làm quan to, về mái tranh xưa thì …lạ chửa, Châu Long đã dạt phương nào! Chợt nhớ người bạn “tán tận” ngày xưa, Dương Lễ tiền hô hậu ủng thẳng đến dinh Lưu Bình rửa hận, phen này sẽ cho anh “đểu”  biết thế nào là lễ độ…Lưu Bình ra vẻ ngây thơ , xun xoe gọi vợ ra chào tân quan nhớn. Rèm vừa hé, nàng Châu Long hiện ra như một phép màu! Ối Giời ơi! Ngã bổ chẩng cả ra đấy!... 

Đệ phục sát đất cái anh Lưu Bình, dụng mưu xỉ nhục người bạn trót dại rong chơi, rồi âm thầm đưa nguyên một cô thiếp yêu dấu đến hầu, lam làm nuôi nấng khuyên lơn, ba năm  đằng đẵng chứ có ít chi, anh bạn Dương Lễ chắc trước đây đã tu mười kiếp. Đọan kết thật đẹp và có hậu, vô cùng hậu nữa là khác. 

Chuyện trên là sử có thật, chuyện dưới thì chẳng rõ chân giả, tuy cả hai đều rất xửa rất xưa, nhưng bài học rút ra thật vô cùng trân qúy, sách Mạnh Tử viết: “Trách thiện bằng hữu chi đạo giả (trách khuyên bạn để làm điều thiện, đó là đạo người vậy). Bạn xưa là vậy, còn bạn ngày nay ra sao, để đến nỗi những người đi trước phải thốt lên: “Người xưa mặt thú dạ người, người nay mặt người dạ thú”. 

Tào Tháo tay đại gian hùng thời Tam Quốc, một lần quân Đổng Trác truy lùng bán sống bán chết, trời tối trên đường bôn tẩu, vào nhà Lã Bá Xa vốn là người quen cũ, Lã Bá Xa thực lòng đón bạn, thân hành đi mua rượu và dặn dò gia nhân ở nhà mổ lợn đãi khách. Tháo lòng dạ bất an bị ám , nghe tiếng mài dao cùng lời nói lao xao của đám gia nhân nhà dưới, nào là trói nó lại - lấy dao - chọc tiết, Tháo hồn phi phách tán  tưởng bắt mình, dùng gươm giết cả nhà rồi phóng lên ngựa tẩu thóat, giữa đường gặp Lã Bá Xa hớn hở ôm vò rượu đi về, Tháo biết là mình lầm bèn nghĩ bụng, nếu Xa về nhà mà thấy cảnh tượng đó tất không ổn , nhất định tung tích sẽ bại lộ, bèn lén vung kiếm đàng sau giết nốt bạn hòng bảo tòan hành tung. Than ôi! Lã Bá Xa lòng dạ thẳng ngay, tòan gia phải chết thảm, gớm thay cho Tào A Man ác độc, đã biết nhầm lẫn còn đang tay cố tình giết bạn.  

Trong các pho sách của Tàu, nói đến tình bằng hữu nhiều nhất, chắc không quyển nào đề cập nhiều bằng Thủy Hử, 108 tội phạm triều đình, từ quan nhớn bé đến lục lâm thảo khấu, đều tiết lên một khí phách trượng nghĩa, đề cao tình bằng hữu kết bôi, bức tranh lớn minh họa đầy vàng và máu, chết chóc và ách nạn, tham vọng và bất công, lại phủ lên lớp son dầy tình bạn. 

Chuyện Tàu là thế, còn chuyện ta thì sao? Đệ xin thưa rằng: cũng phong phú ly kỳ đâu kém.

Sách ấu học có kể chuyện rằng:

Hai người bạn cùng đi trên một con đường, vừa đi vừa chuyện vãn thật tâm đắc, bỗng bên bìa rừng một con gấu phóng vụt ra lao thẳng đến, cả hai hỏang hốt bỏ chạy, một người nhanh chân leo lên được cành cây um tùm ẩn nấp, người còn lại sợ hãi ngã sấp bèn nhắm mắt giả chết, gấu đuổi kịp đến thấy người ấy nằm im bất động, bèn ngửi ngửi rồi bỏ đi. Khi gấu đã khuất trong rừng, người trên cây leo xuống thắc mắc hỏi bạn: “Gấu nói gì với anh vậy!”, người dưới đất trả lời: “Gấu nói với tôi, ai bỏ rơi bạn trong lúc khốn cùng, kẻ ấy thật không tốt!”. 

Bỗng dưng, ai gặp trường hợp đột nhiên này mà không chết khiếp, câu trả lời trách móc hờn giận cũng không thuyết phục. Rõ ràng là phịa, nhưng nhìn về góc độ nghĩa bóng, lại là phịa bài bản mang tính giáo dục, dậy cho thiếu nhi lòng dũng cảm, chia sẻ gian nan với nhau trong lúc khốn cùng.

 Thời tranh bá đồ vương giữa Nguyễn Tây Sơn và Gia Long Nguyễn Ánh có hai ông Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm (Ngô Thì Nhậm), cùng quê Hà Đông và là bạn học với nhau từ ngày để chỏm. Đặng Trần Thường thi đỗ sinh đồ thời Hậu Lê, ra làm quan theo trướng Gia Long, Ngô Thời Nhiệm thi đỗ tiến sĩ theo phò Tây Sơn, nhà Tây Sơn đến hồi suy vì, Gia Long tiến quân ra Bắc Hà tiêu diệt, Đặng Trần Thường lúc trước để bụng ghét ghen, vì cho rằng Nhiệm khinh mình kém tài, bèn lệnh bắt rồi ra câu đối như sau:

-         “Ai công hầu, ai khanh tướng, đường trần ai ai dễ hơn ai”.

Nhiệm ngẫm nghĩ đáp lại:

-         “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế”.

 Thường điên tiết sai lính trói và đánh Nhiệm bằng roi tẩm thuốc độc ngay trước cửa Quốc Tử Gíám. Nhiệm uất ức và thấm độc nên phải tử vong. Thương thay Ngô Thời Nhiệm, một quan văn đất Hà Đông, một chí sĩ tên tuổi, gặp bước cùng mạt lộ phải chết đớn đau dưới tay bạn đồng hương và đồng liêu cũ. 

Buồn quá! Kết thúc chẳng có hậu, nhưng ai ơi lại là sự thật, Đặng Trần Thường cũng là một nho sinh cửa Khổng sân Trình, lẽ nào chẳng đọc Bão Thúc Nha tiến Quản Trọng trọng Đông Châu Liệt Quốc, lẽ nào không biết “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo…”, để cuối đời phải chết rũ tù dưới triều Minh Mạng, rõ nhơ thay mà cũng đáng thương thay! 

Thời Pháp đô hộ nước ta, cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, mang cùng họ Phan nhưng không cùng huyết thống, đồng chí hướng nhưng khác chủ trương hành động. Cụ này lập phong trào Đông Du, cụ kia kêu gọi Tây Du, cả hai quyết lòng kỳ vọng cho thanh niên nước nhà học hỏi tinh túy hai cõi tòan cầu, để hậu duệ dùng tri thức cống hiến dân tộc, thóat nô lệ ngọai bang. Qúa trình họat động nay vào tù ra khám, mai đất khách quê người, thế mà  luôn khuyến khích chia sẻ lẫn nhau, nhớ nhau đến nỗi: “Tương tư lọ phải là trai gái, một ngọn đèn xanh trống điểm thùng!...”. Khi cụ Phan Chu Trinh thác, cũng là lúc cụ Phan Bội Châu được thả ra tù, câu đối viếng của Mai Đăng Đệ đã nói lên sự thương tiếc là ngần nào:

-“Nhất Phan tử khứ, nhất Phan sinh hòan, ta tai tổ quốc!

- Thiên cổ văn chương, thiên cổ tâm sự, thủy vi tiên sinh.

 (Một Phan chết đi, một Phan sống lại, than ôi tổ quốc! – Ngàn xưa văn chương, ngàn xưa tâm sự, ai là tiên sinh).

Đấy nhá! Tấm gương bằng hữu hai cụ đã cẩn thận lau chùi một đời dành cho hậu  thế, đẹp tuyệt! 

Một nhà văn Tây nói rằng:

-“Có một lọai hoa hồng không có gai, đó là tình bằng hữu”.

 Tam tự kinh đề cập đến đạo bằng hữu trong thập nghĩa ( Quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu). Thiên tự văn cũng nhắc :”Giao hữu đầu phân – Thiết ma châm quy” (kết giao tin tưởng – bàn luận khuyên lơn). Sách Minh Tâm Bảo Giám còn dành nguyên cả một thiên thứ 19 nói vế bằng hữu, bao năm trôi qua luôn là khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế. Trên đời này ai là người không có bạn, đi buôn có bạn, đi bán có phường… 

Thói đời đa phần khi hàn vi bạn bè thường có nhau, nhưng khi phú qúy lại hay quên lãng, cho nên ông Tống Hòang nhủ rằng:

-“Bần tiện chi giao bất khả vong”

(bạn bè khi nghèo nàn không nên vội quên ).

Tiền tài danh vọng không bao giờ mua được bạn chân thành, có chăng chỉ nước đục thả câu, có chăng chỉ  a dua xu nịnh “Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi”, vĩnh viễn không bao giờ có tri kỷ. 

Đừng như Tào Tháo, đừng theo Đặng Trần Thường, hãy giống Bão Thúc Nha, hãy noi gương hai cụ Phan nước nhà mà tiến bước.

VỀ MỤC LỤC
TÌM HIỂU HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (4)
 

NGUYỄN HỌC TẬP

 

Tân chủ thuyết Ki Tô giáo về xã hội của ĐTC Pio XII. 

Thái độ cứng rắn của Đức Thánh Cha Pio XI đối với

   - ý thức  hệ cộng sản sai lạc và băng hoại con người,

   - cũng như đối với tân chủ nghĩa tự do, tạo nên phe nhóm thu tóm quyền lực và của cải, đối xử vô nhân đạo với người yếu thế, chúng ta đã có dịp đề cập đến trong bài viết vừa qua.

Đức Thánh Cha Pio XII có một cái nhìn khoáng đạt hơn, tuy vậy  nhãn quang của ngài vẫn còn quá hạn hẹp, còn chịu ít nhiều ảnh hưởng của thời Trung Cổ.

ĐTC Pio XII vẫn còn khởi đầu về quan niệm xã hội bằng nhãn quang tiêu cực về các thực tại trần thế, măc cho những biến chuyển canh tân thế giới lúc đó:

   - " Những hạn hẹp hiện đại là một loại biện giáo ( apologia) cho Ki Tô giáo không còn có thể làm cho ai tha thiết gì... thật vậy, thời thế hiện đại, còn có những sai lạc mới cộng chung với những lạc lối tín lý trong quá khứ, làm cho con người bị xua đẩy đến cùng mức, mà không thể nào có thể bước đi thêm nữa, nếu không muốn rơi vào đổ nát đại họa " 

Nguyên nhân của những tai hoạ nầy, đó là sự tách rời, mà thế giới tân tiến lúc đó đang tạo nên, giữa Âu Châu và giáo lý của Chúa Ki Tô và của Giáo Hội, mà

   - " trong quá khứ giáo lý đó đã làm cho Âu Châu hiệp nhứt trong đức tin, được giáo dục, trở nên cao qúy và thanh lịch nhờ Thánh Giá, đã làm cho Âu Châu đạt đến văn minh tiến bộ dân sự, trở thành khuôn mẫu huấn dạy cho các dân tộc khác và các lục địa khác " ( ĐTC Pio XII, Summi Pontificatus ( 20.10.1939), nn. 11-13 ( IG). 

Như vậy, trước hiện trạng đã thay đổi lúc đó, không thể nào tái lập lại khuôn mẫu theo kinh nghiệm của thời Trung Cổ.

Con đường duy nhứt để thoát khỏi tình trạng hư đốn đương thời, đó là thiết lập lại trật tự xã hội Ki Tô giáo, tức là thiết lập nên một " ý thức hệ Ki Tô giáo mới ", được đặt trên nền tảng luật thiên nhiên và mac khải của Chúa, như những gì Giáo Hội dạy chúng ta.

Bởi đó các tín hữu giáo dân phải dấn thân vào lãnh vực xã hội và chính trị, để " Ki Tô giáo hoá lại " cơ cấu và định chế xã hội, làm cho công việc của Giáo Hội được dễ dàng hơn, đó là đem lại sự cứu rổi vĩnh cửu cho con người. 

Như vậy thì đây có phải là đông tác trở lại thời Trung Cổ chăng?

   - " Không ai nghĩ đến điều đó - ĐTC Pio XII xác nhận - Đúng hơn là trở lại việc tổng hợp giữa tôn giáo và đời sống. Đây hoàn hoàn không có gì là độc quyền của thời Trung Cổ: hoàn toàn vượt lên trên  mọi yếu tố nhất thời của hoàn cảnh, đây là công việc luôn luôn có giá trị hiện đại, bởi vì là chìa khoá chuyển đổi của mọi nền văn minh, linh hồn của mọi nền văn hoá phải sống theo" ( ĐTC Pio XII , Dicorso ai pellegrini elvetici ( 16.03. 1947), in Dicorsi e Radiomessaggi si SS Pio XII , IX: Nuovo anno di pontificato ( 2 marzo 1947), 1° marzo 1948, Tipografia Poliglotta Vaticana, Roma 1948, 78). 

Cách diễn tả mà ĐTC Pio XII vừa phát hoạ trên của một cuộc tổng hợp mới giữa tôn giáo và đời sống xã hội, không có gì khác hơn là nhắc lại khuôn mẫu cỗ về quan niệm cuộc sống xã hội của Ki Tô giáo, nhưng được thích ứng hoá vào tình thế biến chuyển của một xã hội không còn có văn hoá thuần nhất nữa.

Ngoài ra ĐTC Pio XII còn xác nhận là trước tình thế của một xã hội biến chuyển như vừa kể, xác nhận lại tư tưởng trừu tượng của Ki Tô giáo thôi, chưa đủ nhưng còn cần phải có

   - " những thực hiện thiết thực tư tưởng đó; tức là những tư tưởng, giá trị đó phải được thể hiện bằng luật pháp, thể chế, cơ chế được đặt nền tảng và được phát huy bởi những con người chuyên cần dấn thân cho Giáo Hội và tác động dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội, hay ít nhứt dưới những tư tưởng hướng dẫn của Giáo Hội. Đó cũng là những gì có giá trị cả trong xã hội đa dạng ngày nay. Người tín hữu Chúa Ki Tô không thể chỉ hài lòng cộng tác trên phương diện " nhân loại " thôi, mà lại bỏ qua đi căn tính của chính mình " ( ĐTC Pio XII, Radiomessaggio natalizio ( 22.12.1957), Tipografia Poliglotta Vaticana, Città del Vaticano 1958, 680-681).

 

Những đóng góp công sức của Jacques Maritain.

Chúng ta  vừa nói đến tư tưởng của ĐTC Pio XII về một chủ thuyết xã hội Ki Tô giáo mới.

Nhưng lý thuyết gia đích thực cho tân chủ thuyết xã hội mới của Ki Tô giáo chính là Jacques Maritain, mà chính ĐTC Pio XII cũng muốn noi theo tư tưởng của ngài.

Jacques Maritain là một đại triết gia công giáo làm nổi bậc giá trị cho dự án xã hội của một " Ki Tô giáo mới ".

Dựa trên phương thức phân tích các đẳng cấp và tầm mức khác nhau, chủ thuyết xã hội của một " Ki Tô giáo mới " khác với những gì đã được nghĩ đến trong thời Trung Cổ, nhứt là đối với nhãn quang về các sự việc trần thế.

Trong khi khuôn mẫu của thời Trung Cổ đặt nặng trên đặc tính " thiên thánh ", thì khuôn mẫu của J. Maritain nhấn mạnh đến đặc tính " trần thế ".

Trong khi quan niệm Ki Tô giáo của thời Trung Cổ cho rằng thực tại trần thế chỉ có giá trị như là phuơng thức, dụng cụ đối với các thực tại thiêng liêng, thì đối với J. Maritain các thực tại trần thế có giá trị tự lập của mình, cần phải lưu ý và bảo vệ. Tuy nhiên không ai có thể chối cải được vị trí thượng đẳng của các thực tại thiêng liêng.

Bởi đó, quan niệm Ki Tô giáo mới về xã hội không có nghĩa là thiết lập một " Quốc Gia Ki Tô giáo " , nhưng là một " Quốc Gia trần thế được kiến trúc một cách Ki Tô giáo ", trong khi vẫn tôn trọng tính cách đa nguyên ( J. Maritain, Umanesimo integrale, Borla, Torino 1962 ).

Tư tưởng của J. Maritain cũng ảnh hưởng sâu đậm đến Công Đồng Vatican II. 

Như vậy, đức tin

   - định hướng và hướng dẫn văn hoá,

   - gây cảm hứng ( ispirare) cho văn hoá,

   - nhưng không đồng nhất với văn hoá.

Và J. Maritain giải thích: đức tin thuộc về lãnh vực thiêng liêng và văn hoá thuộc lãnh vựcc trần thế: hai lãnh vực chắc chắn khác biệt nhau. Tuy nhiên là hai lãnh vực không thể tách rời nhau, mà gặp gỡ và đươn kết nhau trong con người.

Bởi đó cần phải vượt lên trên cách tổng hợp cổ của thời Trung Cổ giữa đức tin và văn hoá tây phương, mà do đó khiến cho nhiều người tin rằng

   - " Đức tin là Âu Châu  mở rộng Nước Chúa nơi các dân tộc là đem đến cho các dân tộc đó nền văn hoá tây phương " ( J. Maritain, La Chiesa cattolica e le civiltà, in ID., Questione di coscienza, Vita e Pensiero, Milano 1980, 49). 

Trái lại Ki Tô giáo phát huy tất cả các giá trị chính đáng của con người, bất cứ ở đâu, làm tăng trưởng các giá trị đó trong lòng các nền văn hoá khác nhau,

   - " không tiêu hủy tinh thần của các nền văn hoá khác nhau và cũng không đứng dững dưng tách biệt khỏi. Nhưng vì đặc tính siêu nhiên từ Thiên Chúa của chính mình, Ki Tô giáo thâm thấu vào và biến dạng, nhưng không tiêu hủy các nền văn hoá đó " ( J. Maritain, id., 52). 

Dầu vậy, mặc cho tầm quan trọng của các trực giác vừa kể, J. Maritain vẫn chưa thoát ra khỏi được nhãn quang cổ điển của " chế độ Ki Tô giáo ".

Như vậy với đồ án mới của mình, một đàng J. Maritain đã bước đi một bước tiến mới,

   - vượt thắng được quan niệm đồng nhất hoá lãnh vực đức tin với lãnh vực xã hội,

   - nhưng đàng khác ( vẫn còn theo tư tưởng của ĐTC Pio XI và của thời tiền Công Đồng Vatican II ) vẫn cho rằng Giáo Hội có nhiệm vụ hướng dẫn việc kiến tạo xã hội con người. qua " lãnh vực trung gian ", nơi đâu đức tin và văn hoá gặp gỡ đươn kết nhau.

Thật vậy, đối với J. Maritain, " lãnh vực trung gian " vừa kể là lãnh vực luân lý - thiêng liêng ( etico-spirituale) , thuộc thẩm quyền của Hàng Giáo Phẩm. 

Từ đó đưa đến hậu quả là,

   - nếu một đàng J. Maritain  nhận biết lãnh vực trần thế có địa vị tự lập của mình và từ đó mở rộng cửa ra cho các tín hữu giáo dân những viễn ảnh mới về trách nhiệm trong việc chuyên cần, dấn thân xã hội và chính trị,

   - nhưng đàng khác  Maritain vẫn không thay đổi nhãn quang cỗ truyền, theo đó thì chỉ có Ki Tô giáo mới có thể phát hoạ ra khuôn mẫu một nền văn minh nhân loại đích thực, mà việc kiến tạo thực hiện phải được Hàng Giáo Phẩm hướng dẫn.

Các biến chuyển nhanh chóng và sâu đậm xã hội-văn hoá của những thập niên gần đây và nền giáo hội học Công Đồng Vatican II đã vượt qua bên kia những suy tư của J. Maritain, khiến cho chủ thyết của J. Maritain về " một chủ thuyết xã hội mới Ki Tô giáo " không còn có thể áp dụng được.

Rất tiếc cho J. Maritain và cũng như cho bao nhiêu người khác của thời tiền Công Đồng ! 

( Tài liệu học hỏi thêm về ĐTC Pio XII đối với " một nền văn minh mới Ki tô giáo, cfr. n. 93 Tổng Lưọc Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội ).   

 

VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC GIÁO PHẬN TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ TRONG VIỄN ẢNH QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG LỜI

 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

CHƯƠNG SÁU 

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC (tiếp theo)

 

E. LINH MỤC GIÁO PHẬN TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ TRONG VIỄN ẢNH QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG LỜI

 

“Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”[1]

 

E.1. Trong Viễn Ảnh Quyền Bính Đích Thực

Ngày nay vấn đề quyền bính lắm khi gây đau đớn và chia rẽ trong Giáo Hội. Quyền bính của chính Chúa Giêsu cũng đã bị đặt thành vấn đề: “Do quyền bính nào mà ông làm những việc ấy? Ai cho ông quyền đó?.”[2] Dưới chân thập giá, các thủ lãnh chế nhạo Chúa Giêsu: “Nó cứu được người khác; hãy để nó tự cứu lấy mình, nếu nó là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Kẻ Ngài Tuyển Chọn!” Binh lính cũng chế nhạo quyền bính Ngài: “Nếu ông là vua dân Dothái, hãy cứu lấy mình đi![3] 

 

Thách đố ấy ngày nay vẫn tiếp diễn. Quyền bính của các Tông đồ và những người kế vị tiếp tục bị thách đố, như chúng ta thấy trong thời gian gần đây ở trong Giáo Hội hoàn vũ cũng như tại Việt Nam chúng ta. Nhiều cá nhân tự phụ giải thích quan điểm và ý kiến của mình như qui phạm, lại đặt thành vấn đề giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội.

 

Nguồn gốc quyền bính cũng bị lẫn lộn. Người ta đi tìm những kiểu mẫu mới của quyền bính, như minh tinh màn bạc, cầu thủ bóng đá, tiểu thuyết gia, nghệ sĩ dân nhạc… Quá nhiều người rập khuôn cách “nô lệ” lối sống của mình theo gương các “ngôi sao” hay thần tượng ấy. Có một số người đảo lộn giá trị và mục đích khi đưa ra mẫu linh mục mới phải có ba bằng (lái xe, vi tính, ngoại ngữ)! Quyền bính đã không được nhìn đúng theo ý nghĩa và mục đích của nó.

 

Việc đặt thành vấn đề quyền bính của Giáo Hội phải được nhìn trong một bối cảnh rộng lớn hơn và tích cực hơn. Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các tông đồ, được tuyên xưng là công giáo, thánh thiện và tông truyền. Mọi quyền bính đều phát xuất từ Thiên Chúa nên sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và điều khiển Dân Chúa của Giáo Hội dựa trên thần quyền, được trao phó cho những con người trong từng thời đại phát triển khác nhau. Và cũng trong từng giai đoạn lịch sử đó, chính Giáo Hội cũng nhìn nhận nhu cầu phải kiểm điểm và canh tân chính mình. Câu Ecclesia semper reformanda rõ ràng kêu gọi một cái nhìn thẳng thắn, thường xuyên và triệt để về quyền bính mà Giáo Hội đang thực thi.

 

Tuy nhiên, việc kiểm điểm đó sẽ không thành công, nếu nó chỉ được giới hạn vào các nguyên tắc tâm lý hay xã hội của loài người. Mọi quyền bính trong Giáo Hội đều bắt nguồn từ Chúa Giêsu. Do đó, để xem xét quyền bính, chúng ta phải quay trở lại với Chúa Giêsu, Đấng cai trị từ Thập giá. Ánh sáng của thập giá Chúa Kitô phải soi sáng mầu nhiệm quyền bính của Giáo Hội.

 

Bản chất quyền bính của Chúa Giêsu đã bị hiểu sai, thì bản chất quyền bính của Giáo Hội cũng sẽ bị hiểu lầm. Một số người coi quyền bính của Giáo Hội chỉ là một phương tiện để duy trì giáo thuyết và trật tự. Số khác lại coi quyền bính như một áp đặt bất công ý muốn của các lãnh đạo lên các thành viên của mình. Họ chỉ ra những lạm dụng quyền bính của Giáo Hội - một số lạm dụng có thật, một số được tưởng tượng ra - và kêu gọi Giáo Hội phải có một đường lối lãnh đạo cho phép một quyền hành rộng rãi hơn trong mọi lãnh vực của đời sống Giáo Hội. Cả hai quan điểm đều thiếu sót và sai lầm khi coi quyền bính Giáo Hội như không thích hợp và đặt thành vấn đề mọi quyền bính hiện hữu trong Giáo Hội theo cung cách đối xử của họ đối với quyền bính thế tục.

 

Vì thế, chúng ta thấy trong thế giới, trong Giáo Hội hoàn vũ cũng như tại Việt Nam thời gian qua có những hiểu lầm và thái quá, thể hiện nơi các phát biểu và tranh cãi thiếu kính trọng, gây tổn thương và xúc phạm đau lòng làm suy giảm uy tín và chứng tá Tin Mừng của Giáo Hội. Dĩ nhiên bên nào cũng có cái lý chủ quan của mình, muốn xây dựng và bảo vệ Giáo Hội theo cách nhìn cách nghĩ một chiều của mình, mà không thấy được những thiếu sót khách quan có thể gây nguy hại rất lớn. Chính ĐTC Biển Đức XVI, trong thư gửi Người Công Giáo Ái Nhĩ Lan, đã than phiền về «một sự bận tâm không đúng chỗ cho thanh danh của Giáo Hội và một ưu tư mang tính lạm dụng nhằm bảo vệ tiếng tăm của Giáo Hội khỏi những vụ tai tiếng, để tránh những gương xấu»[4], thậm chí vì vậy mà có những điều nói không đúng sự thật và bất công, khiến có những bức xúc mạo phạm, nhất là trên các trang mạng internet, dễ bị kế hoạch của Thần Dữ lợi dụng, mà không ai chịu cố gắng trả lời nghiêm túc câu hỏi của Chúa Cứu Thế: “Tinh thần nào đang xúi đẩy các con?”

 

Ngược lại, chúng ta xác tín rằng có quyền bính ở trong Giáo Hội và nó phải được thực thi. “Quyền bính xuất phát từ quyền điều khiển Giáo Hội được Chúa Kitô ủy thác cho các Tông đồ và những người kế vị[5]  Mục đích quyền bính Giáo Hội được mạc khải và tuôn đổ xuống trên Giáo Hội từ nơi Thập giá là để thiết lập vương quốc tình thương cứu độ. Tình thương cứu độ không che đậy tội lỗi, nhưng phơi bày tội lỗi như nó hủy diệt phẩm giá con người và tình thương. Tình thương cứu độ đó dùng sức mạnh của Chúa để chiến thắng tội lỗi. Quyền bính được trao ban cho Giáo Hội là để rao giảng, thanh tẩy, tha tội và qui tụ những ai được tái sinh bởi nước và Thánh Thần quanh bàn tiệc Hy Tế của Chúa.[6]

 

Chúng ta trăn trở làm cho Giáo Hội được lớn lên, mạnh mẽ và hiệp nhất hơn với Đức Giáo Hoàng trong nhiệm thể Chúa Kitô. Và ngày nay, quyền bính và sự hiệp nhất của Giáo Hội Địa phương được diễn tả qua nhiều vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là Giám Mục Bản Quyền: Ngài không chỉ là đầu, mà là con tim của giáo phận, tất cả đều qui về Giám Mục và tất cả quyền bính đều phát ra từ Giám Mục, đến đỗi “linh mục không thể làm gì mà không có Giám Mục”“Giám mục không làm gì ngoài Ý Thiên Chúa.”[7] Tất cả mọi luật lệ và áp dụng của quyền bính Giáo Hội phải được nhìn trong ánh sáng của mục đích ấy, mà chúng ta chỉ có thể hiểu được ở dưới chân thập giá.

 

Thập giá quan trọng biết bao cho chúng ta là những người thực thi quyền bính. Không bao giờ chúng ta được rời khỏi thập giá, nếu muốn hiểu và thực hiện tốt quyền bính. Mỗi quyết định của chúng ta phải được thực hiện với Chúa Giêsu chịu đóng đinh ở trước mắt. Thập giá của Ngài phải được nổi bật lên trong tất cả những gì chúng ta làm. Thập giá phải là thước đo mức độ tận hiến của chúng ta và cách chúng ta đối xử với người khác. Thập giá phải là dấu hiệu tình yêu đối với Chúa mà chúng ta biểu lộ qua lòng nhiệt thành, sẵn sàng cho đi tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là, trong khi giáo huấn, thánh hóa và dẫn dắt giáo dân.  

 

E.2. Trong viễn ảnh đức Vâng Lời Đích Thực

 

Trong ba lời khuyên Phúc Âm, Vâng Lời là nền tảng và khó nhất. Nhờ vâng lời triệt để trong mọi sự có liên quan, nguời sống đời độc thân thánh hiến mới có thể giữ được hữu hiệu đức khó nghèo và khiết tịnh.

 

Ngày thụ phong linh mục, chúng ta qùy trước mặt Giám Mục Bản Quyền, đặt tay chúng ta trong tay Ngài. Nhân danh Giáo Hội, Ngài hỏi chúng ta: “Con có hứa kính trọng và vâng phục Cha và những người kế vị cha không?” và chúng ta trả lời: “Thưa con hứa.” Đừng quên thời khắc ân sủng ấy. Đó là một sự cam kết với Chúa và với Giáo Hội, cho một tương lai vô định (có thể được sai tới nơi mình không muốn, ở với người mình không ưa, làm việc mình không thích). Đó là tiếng “Xin Vâng” của chúng ta trong mọi sự mà Chúa và Giáo Hội đòi hỏi. Chúng ta cam kết vâng lời Giám Mục Bản Quyền và những người kế vị Ngài, mà chẳng biết cái gì các ngài sẽ yêu cầu chúng ta. Như Mẹ Maria, lòng vâng phục của chúng ta được xây dựng trên đức tin và chấp nhận Lời Chúa trong cuộc sống. Nó cũng được xây dựng trong sự tin tưởng, phó thác vào ơn nâng đỡ của Chúa, tín nhiệm vào Giáo Hội, vì Giáo Hội đã nhận lãnh sứ vụ và quyền bính từ Chúa Kitô.

 

Trong cuộc sống trải dài, có khi chúng ta kinh ngạc, có khi hân hoan, có khi lo buồn về những gì mà Giáo Hội đòi hỏi chúng ta. Khi gặp thử thách lớn lao, khi phải đối mặt với những vấn đề và thách đố mà chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến, lắm lúc chúng ta tự hỏi: “Có phải Chúa đòi hỏi, và trao cho chúng ta những gánh quá nặng như vậy bắt phải vác không?” Sự vâng phục đòi hỏi chúng ta cái gì nhiều hơn là xác định chúng ta sẽ ở đâu và khi nào sẽ thi hành sứ vụ. Chúng ta không tự quyết định lấy sứ vụ của mình, song chúng ta sẽ được sai đi. Trong sự vâng lời, không thể tránh khỏi thập giá: Chết cho chính mình khó khăn dường nào!, vì không phải chỉ trong chốc lát, song trong từng phút giây của cuộc sống mỗi ngày. Có thể đó là một cuộc tử đạo liên lỉ mà Vaticanô II đã nói trong Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium rằng “cuộc bách hại không bao giờ thiếu vắng trong Giáo Hội”[8]: “Một lúc đổ cả máu đào, hay từng giọt một đàng nào công hơn?”

 

Chúng ta cần tiếp tục đào sâu và làm mới lại cái nhìn về bản chất của sự vâng lời mà Chúa và Giáo Hội đòi hỏi. Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, sống trong sự vâng lời Chúa Kitô, Đầu của Thân Thể, như Công đồng Vaticanô II dạy.[9] Và trong sự vâng lời, chúng ta tham dự đầy đủ vào công việc cứu thế đã được mạc khải và kiện toàn trong Chúa Kitô. Chúng ta có nhiệm vụ kéo dài sứ mệnh của Chúa Kitô, trong đức tin vâng phục, và sự quen thuộc sâu xa với đường lối của Chúa. Để kiện toàn sứ mệnh, chúng ta được mời gọi dõi bước theo cùng một con đường Chúa Kitô đã đi qua. Con đường đó dẫn đến thập giá, không thể tránh được. Dù vậy, chúng ta phải gắn bó với Giáo Hội trong tình thảo hiếu và vâng lời. Vâng lời đòi hỏi can đảm tuân giữ kỷ luật Giáo Hội, và thích ứng với những yêu sách đặc biệt của từng hoàn cảnh cụ thể.

 

Chúng ta cảm kích nhìn thấy nhiều linh mục vui lòng đảm nhận những trạch cử và nhiệm vụ khó khăn, không phải do họ chọn chúng, nhưng đơn giản do Giáo Hội đòi hỏi họ làm như vậy. Chúng ta nghĩ đến những linh mục sẵn sàng rời bỏ những nhiệm sở rất thoải mái và tiện nghi, để bắt đầu làm việc trong những giáo xứ nghèo nàn. Chúng ta nghĩ đến những linh mục sẽ đảm trách những phận vụ bạc bẻo trong Giáo phận, không phải hy vọng một phần thưởng nào đó, nhưng đơn giản chỉ vì đó là công việc của Chúa và của Giáo Hội. Chúng ta nghĩ đến những linh mục sẵn lòng nói lên sự thật Phúc Âm cho những kẻ mình phục vụ, mà không để mình bị tê liệt vì sợ làm như vậy người ta sẽ không ưa mình.

 

Nhưng sự vâng lời mà Giáo Hội đòi hỏi chúng ta đi xa hơn và tóm tắt lại trong câu sentire cum Ecclesia, tức là cùng cảm thông với Giáo Hội. Cảm thông với Giáo Hội đi xa hơn việc chấp nhận cách máy móc các công thức đức tin hay các khoản Giáo luật. Cảm thông với Giáo Hội là có mối thiện cảm sâu xa và trung thành với giáo huấn, phượng tự và sứ vụ của Giáo Hội. Truyền thống và quan niệm hiện hành của Giáo Hội phải được thấm sâu vào cuộc sống chúng ta, như chúng ta tuyên bố trong khi tuyên xưng đức tin trước ngày lãnh chức linh mục.

 

Vâng lời như thế loại bỏ đầu óc vụ hình thức vô bổ, nhưng dẫn đến một sự sống được lớn lên trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô, đến đỗi thánh Phaolô nói: “Không còn phải là tôi sống nữa, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi[10] Vâng lời đòi hỏi sự sẵn lòng để ra một bên mọi sự, vì tình yêu Chúa Kitô và Giáo Hội. Vâng lời không phải là nhu nhược và nhát gan đến phát sợ mà phải từ bỏ ý nghĩ và các lý do tốt nhất của mình. Đúng vậy, Đấng Bản Quyền luôn đáng được nghe ý kiến tốt nhất và những thỉnh nguyện đã được suy nghĩ chín chắn của chúng ta. Ngài có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận chúng. Nhưng chúng ta an tâm biết rằng Ngài có một ơn phân định đặc biệt của Chúa Thánh Thần, ơn đoàn sủng mà chúng ta không có. Chúng ta được mời gọi tận tâm vâng lời, nói lên sự thật như chúng ta nhận thấy, và luôn sẵn sàng vâng lời, dù có trái ý chúng ta. Đó là thực sự cảm thông với Giáo Hội. 

 

Với Vaticanô II, không còn “vâng lời tối mặt”; nhưng “vâng lời đối thoại” hay “vâng lời trưởng thành”, nghĩa là chúng ta được trình bày với Đấng Bản Quyền hết sự thật những gì chúng ta nhận thấy và suy nghĩ, với đầy đủ lý do và ước nguyện, có khi trái ý Ngài, nhưng lời nói cuối cùng thuộc về Ngài, và chúng ta phải vâng lời quyết định cuối cùng đó với tinh thần siêu nhiên và đức tin. Là người của Chúa và của Giáo Hội, chúng ta tránh những hình thức liên minh gây áp lực hay chống đối Đấng Bản Quyền, hoặc khi không được như ý thì thụ động tiêu cực và xa lánh (“kính nhi viễn chi”). Chúng ta biết rằng Ngài có quyền quyết định trái với ý của tất cả chúng ta, nhưng chính Ngài chịu trách nhiệm trả lời với Chúa. Đó là thực sự cảm thông với Giáo Hội. Điều đáng e ngại là có thể một số Vị “quá sính quyền bính” không dễ dàng lắng nghe và cho bề dưới cơ hội đối thoại hay giải thích! Nhưng đi cho tới cùng, vâng lời đòi hỏi mọi sự nơi chúng ta: trí khôn, con tim, ý muốn, đời sống: nhượng bộ mọi sự cho Chúa, coi vâng lời như diễn tả trọn vẹn sự lệ thuộc vào Chúa và Giáo Hội.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa và tâm thức do các cơ cấu xã hội, chính trị và tôn giáo. Chẳng hạn, vì bị ảnh hưởng của Khổng giáo, của chế độ phong kiến và thực dân, của các cơ cấu phẩm trật và gia trưởng, chúng ta lắm khi phải đương đầu với những thách đố và chiến đấu trăn trở về tự do và phục tùng với bộ ba “quyền phục, lý phục và tâm phục hay tâm bất phục.” Và trong những trạng huống bức xúc có thể “tức nước vỡ bờ” vì “vâng mà không phục” đó, chúng ta được khuyên “đào sâu lòng sông và khơi dòng cho nước chảy”. Công việc đi sâu vào lòng người và mở ra lối thoát này rất cần sự giúp đỡ của một người đồng hành thiêng liêng có kinh nghiệm sống tu đức, từng trải trường đời và thấm nhuần tinh thần Giáo Hội.

Xin nhắc lại rằng trong Huấn thị “Phục Vụ Quyền Bính và Vâng Phục,”[11] Bộ Tu Sĩ coi đức vâng lời là một hành trình cùng tìm kiếm Chúa và ý Chúa, nghe Lời Chúa và trở nên ý thức đối với ý định tình yêu của Chúa. Văn kiện khuyên vâng lời cách thanh thản và vì đức tin, đồng thời cũng cống hiến và liên kết các chỉ dẫn cho việc thực thi quyền bính như “mời người ta lắng nghe, ủng hộ đối thoại, chia sẻ, đồng trách nhiệm, đối xử đầy lòng thương xót…” Huấn thị này nói với Bề trên hơn là với bề dưới, khi đề cập đến phẩm chất và các điều kiện để bề trên có thể thi hành tốt nhiệm vụ, như có khả năng tinh thần và khả năng hiểu biết tương ứng với thời đại, đời sống nội tâm sâu xa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nghĩa là mỗi người tham gia vào công cuộc lãnh đạo, dù ở cấp độ nào, đều phải nỗ lực canh tân, điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp với các tiêu chí lãnh đạo, khiến bề dưới có thể vâng lời cách dễ dàng hơn. Mỗi người trong chúng ta cũng không quên liên tưởng đến chính mình trong đó.

Nhưng với đức tin mạnh mẽ và đâm rễ sâu trên nền tảng Thánh Kinh vững chắc, đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu, vào Phúc Âm, vào Giáo Hội và các linh hồn, cầu nguyện và biện phân dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ vâng lời cách sẵn lòng và siêu nhiên các vị lãnh đạo và cơ cấu Giáo Hội, không phải như những con người và cơ cấu nhân loại, nhưng là Ý Chúa ở trong và qua những con người và cơ cấu này. Nếu sự vâng lời được trọn vẹn thì các việc khác cũng sẽ được kiện toàn. Chúng luôn luôn tỉ lệ thuận với nhau.

 

Lạy Chúa, con xin dâng tư tưởng của con cho Chúa, để chúng luôn hướng về Chúa; để lời nói của con có Chúa làm đề tài; để việc làm của con phản ánh tình yêu của con cho Chúa; để đau khổ của con được chịu đựng cho vinh danh Chúa hơn. Con muốn làm những gì Chúa xin con, cách nào và bao lâu Chúa muốn ở con. Xin Chúa soi sáng trí khôn con, đốt nóng ý chí con, thanh tẩy trái tim con và thánh hóa linh hồn con. Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả tự do của con, ký ức của con, trí hiểu của con, trọn vẹn ý muốn của con, tất cả những gì con có và sở hữu. Chúa đã cho con mọi sự. Và mọi sự là của Chúa, xin hãy sử dụng như ý Chúa muốn. Xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa, và như thế đã đủ cho con. Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin hãy đến trợ giúp con, và cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục cho đến hoàn thành những gì Chúa đã khởi sự với con và cho con. Amen. 

 

 

[1] Dt 5, 7-9.

[2] Mt 21,23.

[3] Lc 23,35.37.

[4] x. VietCatholic News  ngày 21 Mar 2010, Thư ĐTC Biển Đức XVI gửi người công giáo Ái nhĩ Lan.

[5] Daniélou, Why the Church? Chicago, Franciscan Herald, 1974.

[6] x. Mc 16,15-16.

[7] x. Thư thánh Inhaxiô Antiôkia gửi thánh Polycap, Bài đọc 2 Kinh Sách thứ sáu XVII TN.

[8] Lumen Gentium số 42.

[9] x. LG 7; Eph 5,23-24.

[10] Gal 2,20.

[11] ĐTC Biển Đức XVI phê chuẩn ngày 5/5/2008 và ra lệnh công bố; và Huấn Thị này được ban hành ngày 11/5/2008 tại Vatican.

 

VỀ MỤC LỤC
PHÒNG NGỪA SÂU RĂNG

 

 

Từ thời cổ La Mã, Hy Lạp, các thầy thuốc đã thấy có sư liên hệ giữa thức ăn và bệnh của răng. Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Aristotle đã quả quyết ăn trái vả (figs) là một trong những nguyên nhân làm hư răng.

 

 

 Ngày nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sự ăn uống và thức ăn có vai trò lớn đối với sự mọc răng, sự vững chắc của răng cũng như các bệnh răng-miệng. Thành phần dinh dưỡng của một món ăn, cách tiêu thụ món ăn đó cũng có thể ngăn ngừa hoặc gây ra bệnh cho răng. Ngược lại, tình trạng tốt xấu của răng – miệng cũng có ảnh hưởng vào dinh dưỡng của cơ thể.

 

 

Sự mọc răng

 

Con người có hai thời kỳ tạo răng.

 

Ngay từ khi bào thai mới được 2 hoặc 3 tháng, răng đã bắt đầu thành hình. Sau khi sanh, từ tuổi 6 tháng tới 30 tháng, răng nhú ra và tăng trưởng. Đây là lớp răng sữa gồm có mười chiếc cho hàm trên và hàm dưới.

 

Rồi tới khoảng 6 tuổi thì răng vĩnh viễn thành hình với toàn bộ từ 28 tới 32 chiếc, tùy theo 4 răng khôn có mọc ra hay không.

 

Các chất dinh dưỡng mà người mẹ tiêu thụ cần đầy đủ cho sự cấu tạo và tăng trưởng của thai nhi.

 

 

Đạm, chất căn bản của mọi loại tế bào, trong đó có răng, là chất phải có đầy đủ trong thời kỳ mẹ mang thai. Bình thường, bà mẹ ăn khoảng 50gr đạm một ngày. Giai đoạn mang thai cần ăn thêm 10gr đạm dành cho thai nhi. Thiếu đạm, có nguy cơ răng sữa không nhú được mà sau này còn dễ bị hư răng.

 

Người mẹ  cũng cần tăng số lượng calcium trong thực phẩm lên khoảng 1200mg/ ngày để giúp thai nhi tạo mầm răng. Thiếu calcium trong thời kỳ tạo răng và xương hàm đều đưa tới răng không hoàn chỉnh, quá liền với nhau hoặc kém phẩm chất.

 

Đồng thời cũng cần gia tăng sinh tố D để calcium dễ được ruột hấp thụ. Thiếu sinh tố D, men răng xấu, có vết rạn dễ đưa tới hư răng.

 

Sinh tố C kích thích sản xuất chất tạo keo collagen mà chất này rất cần thiết cho việc tạo chất ngà răng (dentin)

 

Sinh tố A để tạo chất keratin cho men răng (enamel). Thiếu sinh tố A làm men nứt, xương hàm kém phát triển khiến răng mọc không ngay hàng

 

Fluor làm cứng răng trong thời kỳ tạo răng và để ngừa hư răng sau này;

 

Iod giúp răng mau nhú.

 

Nói chung về dinh dưỡng, người mẹ phải tiêu thụ thêm khoảng 300 calori mỗi ngày, với các thực phẩm đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng.

 

Người mẹ cũng nên tránh không dùng một vài thứ trong khi có thai để tránh ảnh hưởng tới thai nhi. Thí dụ như không uống thuốc Tetracycline để răng con không mang mầu vàng xỉn vĩnh viễn.

 

 

Và sau khi đứa trẻ chào đời cho tới suốt thời kỳ lớn lên và phát triển, sự vững chắc và toàn vẹn của răng tùy thuộc rất nhiều vào chế đô dinh dưỡng và sự chăm sóc răng miệng.

 

Răng có thể bị sâu răng, rụng; nha chu có thể bị viêm làm tổn thương tới răng.

 

 

Sâu Răng

 

Năm 1986, khi khai quật một ngôi mộ cổ bên Ai Cập, người ta đã thấy một hàm răng có chiếc răng được nhét một mẩu kim loại vào thân răng. Các nhà nghiên cứu suy luận rằng, vị cổ nhân này nhét mẩu kim loại vào răng để ngăn cho con sâu khỏi vào nằm trong đó mà phá răng. Như vậy thì bệnh sâu răng không phải là mới lạ, mà vốn đã xảy ra tự ngàn xưa.

 

 

 Ngày nay, y khoa học đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến bệnh sâu răng, nêu ra rất rõ ràng về những nguyên nhân gây sâu răng cũng như có nhiều phương thức phòng ngừa hữu hiệu.

 

 

1. Diễn tiến sâu răng

 

Sâu răng là một loại bệnh nhiễm khuẩn. Quan sát các động vật không có vi khuẩn trong miệng đều cho thấy chúng không bị sâu răng.

 

Trong bệnh này, các sản phẩm chuyển hóa acid hữu cơ sinh ra do tác dụng của vi khuẩn trên thực phẩm dính kẹt trong răng miệng, làm mất dần calcium ở men răng. Từ đó răng bị sói mòn phá hủy dần dần.

 

Sâu răng có thể xẩy ra cho bất cứ răng nào trong miệng cũng như bất cứ phần nào của răng. Răng mới mọc dễ hư hơn răng đã có từ lâu, vì thế khi mới mọc răng sữa hoặc răng thường là phải săn sóc kỹ hơn.

 

 

Vi sinh vật trong miệng làm hư răng nhiều nhất là loại Streptococcus Mutans, rồi đến loại Lactobacillus casein và Streptocoocus sanguis.

 

Sâu răng diễn ra như sau:

 

Sau khi ăn một món thực phẩm nào đó, thì một phần nhỏ thực phẩm  dính lại trên răng hoặc giữa các kẽ răng, tạo ra một mảng bựa (plaque). Bựa này là môi trường dinh dưỡng tốt cho vi khuẩn sinh sản. Bựa là hỗn hợp của 70% vi khuẩn và 30% chất đường, acid. Lâu ngày, calcium đóng vào bựa, cứng hơn, bám chặt vào răng và nướu răng. Tại đó, vi khuẩn làm thực phẩm lên men, sinh ra acid lactic. Acid ăn mòn chất bảo vệ men răng, vi khuẩn xâm nhập được vào cấu tạo răng để hủy hoại.

 

Cao điểm của tác hại là nửa giờ đầu sau khi ăn với mức độ acid lên cao nhất. Diễn tiến này xẩy ra rất âm thầm, đôi khi kéo dài cả vài năm và không gây đau đớn gì cho nạn nhân cho tới khi răng hỏng.

 

2. Dinh dưỡng với sâu răng

 

Thực phẩm các loại khi kẹt lại trong răng đều bị vi khuẩn chuyển hóa. Thời gian kẹt lại càng lâu thì lại càng có hại.

 

Carbohydrat dễ lên men như các loại đường sucrose, fructose, maltose, lactose; mật ong, đường vàng, mật mía; trái cây tươi, khô hoặc đóng hộp; nước ngọt ...đều  là những món ăn ưa thích của vi khuẩn. Chỉ một chút đường trong bánh kẹo cũng đủ làm cho các món này dính lâu trong miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho tác dụng của vi khuẩn.

 

Quan sát cho thấy người hay dùng chất ngọt bị hư răng nhiều gấp 12 lần người ít dùng. Đường hóa học saccharin, aspartame, cyclamate không làm hư răng; đường xylitol, sorbitol trong rượu  không lên men lại được coi như bảo vệ răng.

 

Chất đạm trong thịt, trứng, cá; chất béo, vài loại pho mát có tác dụng bảo vệ răng khỏi sâu.

 

Chất béo tạo ra một lớp dầu mỏng che răng nên có tác dụng làm giảm tác dụng  của đường, làm giảm độ dính của thực phẩm vào răng miệng.

 

Thực phẩm có nhiều xơ như dưa gang, rau riếp ...giúp làm sạch răng và loại bỏ mảng bựa vôi.

 

Thực phẩm không gây sâu răng là loại khi ăn không làm tăng nồng độ acid của nước miếng.

 

 

Ăn uống nhiều lần ( ăn vặt) trong ngày cũng làm thay đổi độ acid/kiềm của nước miếng và ảnh hưởng tới sự sâu răng. Thí dụ ăn năm cái kẹo một lúc rồi súc miệng thì ít có hại hơn là lai rai ăn số kẹo đó trong ngày. Ăn quà vặt cũng là một nguy cơ sâu răng vì độ acid trong miệng lên cao độ nhiều lần trong ngày.

 

 

Cần nhớ là mỗi lần một lượng nhỏ carbohydrat dễ lên men được đưa vào miệng là độ acid trong nước miếng tăng lên cao và ăn mòn men răng.

 

Thực phẩm ăn xen kẽ cũng có ảnh hưởng tới khả năng gây sâu răng. Thực phẩm gây sâu răng mà ăn xen kẽ với thực phẩm không gây sâu răng thì sẽ tốt hơn. Chuối thường hay dính răng, dễ đưa đến sâu răng, nhưng kèm theo ly sữa thì tác dụng xấu giảm đi. Tráng miệng với miếng bánh ga- tô dính răng mà sau đó lại nhai miếng pho mát Thụy sĩ thì miệng sạch mau hơn. Sữa có nhiều calcium, phosphore nên có tác dụng trung hòa với thực phẩm dễ gây sâu răng, như đường.

 

 

Dạng lỏng hay đặc của thực phẩm cũng là một yếu tố quan trọng.

 

Thực phẩm lỏng rời miệng mau hơn món ăn đặc nên độ acid cũng thấp hơn. Một cục kẹo cứng ngậm trong miệng cho tan dần tạo ra môi trường thuận lợi cho vi sinh vật. Kẹo cao su không đường nhai lâu làm tăng nước miếng và rửa sạch răng. Ngô rang có nhiều chất xơ, ít carbohydrat lên men nên cũng tốt cho răng.

 

 

Nước bọt có vai trò quan trọng trong sự tiêu hóa cũng như bảo vệ răng. Có ba tuyến nước miếng là tuyến mang tai, tuyến dưới lưỡi và tuyến dưới hàm.

 

Nước bọt có tính kiềm mà nhiệm vụ chính là giữ độ ẩm cho miệng, giúp tiêu hóa thực phẩm, giảm thay đổi acid trong miệng và tiêu hóa tinh bột. Nước bọt có nhiều calcium và phosphore cho nên sẽ trung hòa acid do vi khuẩn tạo ra. Sự nhai làm tăng nước bọt. Ngửi hoặc nhìn thấy món ăn ngon thơm cũng làm chẩy nước miếng.

 

Sự tiết  nước miếng giảm trong khi ngủ cho nên miệng thường khô, và cũng giảm trong một vài chứng bệnh hoặc do tác dụng của vài dược phẩm như thuốc trị kinh phong, trầm cảm, dị ứng, cao huyết áp, thuốc có chất á phiện, các tia phóng xạ trị liệu.

 

 

3. Phòng ngừa sâu răng.

 

 Sâu răng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhứt là khi còn thơ ấu. Sự chăm sóc những răng sữa liên quan đặc biệt tới sự tăng trưởng của hàm răng khôn sau này. Răng sữa giúp trẻ  nhai thực phẩm, giữ cho hàm ở vị trí tốt cho răng vĩnh viễn. Răng tạm thời mà rụng sớm thì khoảng trống sẽ bị các răng khác lấp vào và choán chỗ của răng khôn. Răng sữa có thể bị hư khi mới hai tuổi, vì thế cha mẹ cần lưu ý chăm sóc răng cho con.

 

Về dinh dưỡng, thì nên cẩn thận với thực phẩm có nhiều đường ngọt.

 

Mặc dù đường ngọt đã được chứng minh là nguy cơ số một gây sâu răng, nhưng khuynh hướng chung của chúng ta vẫn là thích các món ăn ngọt. Khuynh hướng này đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em đang độ tuổi phát triển, khi chưa có được ý thức tự bảo vệ trong việc chọn lựa món ăn tốt cho sức khỏe.

 

Nhiều bà mẹ dùng viên kẹo ngọt để khen thưởng con. Nhiều người cho con bú bình nước pha với đường, thay cho sữa. Có bà mẹ lại nhúng cái núm vú cao su vào mật ong rồi cho con ngậm.Tất cả đều là nguyên nhân dễ dàng làm hỏng  những chiếc răng non.

 

 

Khi ngủ, không nên cho ngậm bình sữa, vì có thể trẻ không nuốt hết, sữa đọng trong miệng và là môi trường tốt cho vi khuẩn. Có thể cho bé ngậm núm giả hoặc ngậm bình nước lã.

 

Ngoài việc sữa mẹ có nhiều bổ dưỡng, con hút núm vú mẹ còn giúp hàm răng ngay ngắn hơn.

 

Trẻ em cần chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng với đầy đủ calcium, phosphore để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của răng. Fluoride, một hóa chất ngăn ngừa sâu răng rất công hiệu, cũng cần được hiện diện trong thực phẩm, nước uống.

 

Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ em trong việc giữ gìn vệ sinh răng, cách dùng bàn chải, giây cọ răng (flossing). Bàn chải nên thay mới khi không còn bảo đảm làm sạch răng, và cần được thường xuyên rửa kỹ để loại bỏ thực phẩm cũng như vi khuẩn dính vào.

 

Vệ sinh răng miệng , nói chung, gồm có:

 

- Đánh răng mỗi ngày hai lần, nhất là sau bữa ăn.

- Súc miệng sau khi ăn hoặc uống ;

- Nhai kẹo cao su không đường trong 15 phút sau bữa ăn để nước miếng ra nhiều;

- Cọ khe răng mỗi ngày hai lần;

- Dùng kem đánh răng có fluoride;

- Súc miệng bằng dung dịch chlorexidine;

- Bớt ăn thực phẩm ngọt hoặc có nhiều carbohydrate dễ lên men.

 

Bác sĩ Nha Khoa Jeffry Hillman của Đại Học Florida đang nghiên cứu thay đổi biến dị của vi khuẩn Streptococcus mutans khiến chúng không còn khả năng gây sâu răng nữa.

 

Ngoài ra, các khoa học gia hiện đang tìm kiếm loại vaccin để ngăn ngừa sâu răng.

 

Hy vọng trong tương lai gần, vaccin này sẽ được bào chế để người người có hàm răng đều đặn trắng bóng hoặc “ Răng đen nhi nhí, ông Lý cũng khen”..

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
NÀNG DÂU THỜI NAY Chuyện phiếm của Gã Siêu

  

NÀNG DÂU THỜI XƯA 

Nếu như bây giờ gã đưa ra câu hỏi:

- Ai là người vợ hạnh phúc nhất trên trần gian?

Không chừng có người sẽ trả lời:

- Đó là bà Eva.

Đúng thế, vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, bên cạnh Adong không hề có hình ảnh một người đẹp nào cả, để rồi phải ghen lồng ghen lộn. Và nhất là bên cạnh Adong không hề có bóng dáng một bà mẹ chồng hà khắc và những cô em chồng chanh chua, để rồi phải ngậm đắng nuốt cay những giọt nước mắt tủi hờn. Như vậy quả là một niềm hạnh phúc tuyệt vời!

Nhưng rồi sau đó suốt dọc thời gian năm tháng, mối liên hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, cũng như giữa nàng dâu và mẹ chồng đã nhuốm đủ mùi vị hỉ nộ ái ố, đã thăng trầm đủ cả ba chìm, bảy nổi và chín cái lênh đênh, đúng như bài ca hài hước về “ba bà mẹ chồng” mà ban AVT ngày xưa đã trình diễn:

Vào một ngày thứ sáu đẹp trời, ba bà đi bán lợn con, được dịp gặp nhau, bà nào cũng hăng hái, cũng ồn ào tố khổ nàng dâu của mình. Lời ca thật châm biếm, nhưng cũng phản ảnh được phần nào sự thật. Nàng dâu thì nói xấu mẹ chồng, như hai cô ca sĩ chẳng hề khen nhau. Còn mẹ chồng thì tố khổ nàng dâu, như Nga với Mỹ có thương nhau bao giờ. Và rồi bài hài hước này đã kết thúc bằng một lời kêu gọi:

- Đình chiến với nàng  dâu, mẹ chồng đình chiến với nàng dâu, ôi thôi là thế gian hết loạn, bà ơi, hãy mau mau hòa bình.

Quả thực, đây là một kinh nghiệm chua xót, đã gây nên đổ vỡ cho nhiều gia đình. Mẹ chồng không ai nói tốt cho nàng dâu, còn nàng dâu thì cũng chẳng ai nói tốt cho mẹ chồng. Mẹ chồng thì nghi ngờ nàng dâu, còn nàng dâu thì lườm nguýt mẹ chồng.

Trong ngôn ngữ bình dân, tục ngữ ca dao cũng đã đề cập rất nhiều về vấn đề này:

- Thật thà cũng thể lái trâu

Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

- Mẹ chồng nàng dâu,

Chủ nhà người ở khen nhau bao giờ.

- Đói thì ăn khế ăn sung,

Trông thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng vô.

- Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói

Lý do gây nên tình trạng bất ổn trên cũng thật đơn giản và dễ hiểu. Người mẹ bao giờ cũng yêu thương con cái và muốn nó phải tuân theo ý muốn của mình, cũng như muốn độc quyền chi phối những tình cảm của nó. Thế nhưng bây giờ nó đã lớn và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình, nó dồn mọi yêu thương cho một kẻ xa lạ, nhất là khi kẻ xa lạ này lại không phải là người mình lựa chọn. Bởi đó, người mẹ cảm thấy tình thương như bị phản bội và hụt hẫng. Thành ra có ác cảm với nàng dâu. Tư nỗi ác cảm ấy, thường dễ có những thái độ, những lời nói thiếu tế nhị với nàng dâu và nhìn nàng dâu bằng cặp mắt soi mói để bắt lỗi: Xem nó nói năng, làm lụng như thế nào?

Với cặp mắt của một cảnh sát hình sự luôn dò xét, mẹ chồng dễ dàng nhìn ra những sơ hở, những khuyết điểm của nàng dâu, để rồi lên tiếng đả kích và chê bai, khởi đầu cho một tình trạng chiến tranh lạnh. Thêm vào đó, tình trạng chiến tranh lạnh này lại được cổ võ thêm bởi những cô em chồng, là những người con gái cưng của mình. Tục ngữ đã bảo :

- Một trăm ông chú không lo,

Lo về một nỗi mụ o nỏ mồm.

- Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng.

Những cô em này, trước kia chăm sóc cho ông anh của mình và cũng được ông anh thương mến. Bây giờ ông anh thương mến ấy lại đầu tư tình cảm cho một kẻ xa lạ, có khi chỉ đáng bậc đàn em của mình. Từ chỗ không ưa, nên mới hay “méc bu” về những sai lỗi của chị dâu, cũng như mới hay kiếm chuyện tỉ tê với má thế nọ thế kia. Người mẹ thế nào cũng sẽ nghiêng về phía con gái hơn con dâu, cũng sẽ nghe và chiều theo con gái hơn con dâu. Thế là có đủ đồng minh, có đủ phe cánh để cô lập nàng dâu. Và khi bầu khí căng thẳng xảy ra. Nếu như anh chồng nghe theo mẹ và những cô em nữa, thì quả thực nàng dâu lúc ấy sẽ chỉ là một người hùng cô đơn mà thôi.

Trong khi đó kể từ ngày khăn gói quả mướp “theo chàng về dinh”, nàng dâu phải gánh vác cả giang sơn nhà chồng, phải thực hiện câu nói ngày xưa các cụ ta đã đề ra: Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Có nghĩa là đi trên một khúc sông, thì phải lựa dòng của nó, còn bước vào một gia đình, thì phải tuân theo những tập tục của họ. Không được lấy gia đình mình làm khuôn mẫu cho gia đình họ. Không được lấy gia đình mình làm thước đo cho gia đình họ. Không được nhìn gia đình họ qua cái lăng kính của gia đình mình. Thế nhưng việc thích nghi với tình hình và nhiệm vụ mới không phải là không có những khó khăn.

Khó khăn ở cách xưng hô: Phải kêu những người lạ hoắc này là thầy, là bu, là anh, là chị, là em. Khó khăn ở những công việc lặt vặt trong nhà: Ngày xưa mình được chiều chuộng, chẳng phải động tay vào việc quét nhà, thổi cơm. Còn bây giờ phải loay hoay suốt ngày dưới bếp, đổ cả hôi hột mà nồi cơm vẫn trên sống dưới khê, tứ bề nhão nhoét. Khó khăn ở thói quen, ở cung cách cư xử cũng như sinh kế làm ăn.

Bởi đó, nếu không tế nhị và kiên nhẫn, thì sẽ không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những hiểu lầm, những buồn phiền. Và một khi đã va chạm, thì bản tính tự vệ bèn nổi lên đùng đùng. Người ta đã “pháo” mình thì mình cũng phải  tìm mọi cách để “phản pháo”. Và như thế chuyện bé liền bị xé ra to.

Âm ỉ tức tối, nên mỗi lần về thăm bu là lại tỉ tê hết chuyện nọ sang chuyện kia. Người mẹ và những cô em luôn đứng sau hậu thuẫn, bày mưu đối lại. Thế là chiến tranh bùng nổ giữa hai gia đình. Xui gia xui giáo thay vì nấu cháo nuôi nhau, thì nay sẵn sàng lấy giao mà đâm nhau. Một khi tình nghĩa đã sứt mẻ, rất khó mà hàn  gắn.

 

NÀNG DÂU THỜI NAY 

Tất cả những sự việc kể trên đã, đang và sẽ còn tồn tại trong cuộc sống gia đình của người Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay do những chuyển biến ngoài xã hội, những tập tục cũ dần dần bị đào thải, hay bị đổi thay. Nếu ngày xưa mẹ chồng được sánh ví như một cơn ác mộng, như một vì sao quả tạ chiếu vào số kiếp của nàng dâu, thì bây giờ “sao” đã đổi ngôi, nàng dâu bỗng trở thành một cơn ác mộng, một vì sao quả tạ tác oai tác quái trên vận mạng của mẹ chồng.

Theo sự suy nghĩ nông cạn của gã, thì có hai lý do chính yếu đã tạo nên sự đổi ngôi và đảo lộn này.

Lý do thứ nhất đó là vì nhiều nàng dâu ngày nay đã được học hành đến nơi đến chốn, không còn bị giam hãm trong căn bếp nhỏ hay trong bốn bức tường của một ngôi nhà, với những công việc thuộc phạm vi nồi niêu xoong chảo, hay tề gia nội trợ, nhưng đã ung dung tiến ra ngoài xã hội. Họ cũng đi làm, cũng kiếm tiền và cũng nắm giữ những địa vị quan trọng. Có khi họ còn kiếm được nhiều tiền và nắm giữ những địa vị quan trọng hơn cả anh chồng.

Ngoài ra, họ còn xã hội che chắn và bênh vực với những phong trào giải phóng đàn bà con gái, đòi cho được sự bình đẳng giữa nam và nữ. Mấy anh đàn ông con giai mà nổi máu “yêng hùng”, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với họ, thì lập tức liền bị cảnh sát mò tới hỏi thăm. Và khi phải đối chất trước ba toà quan lớn, thì luật pháp thường đứng về phía họ và bảo vệ cho họ.

Lý do thứ hai đó là vấn đề con cái. Các cụ ta ngày xưa cứ “vô tư” sinh sản, bởi vì đã có ông trời. Trời sinh, trời dưỡng. Ông trời đã sinh voi, thì ông trời cũng sẽ sinh cỏ cho voi ăn. Cho nên đa tử, đa tôn, đa phú quí. Đông con nhiều cháu là một niềm tự hào và là một phúc lộc do trời ban cho.

Còn ngày nay, trước tình trạng bấp bênh về công ăn việc làm, trước sự sa sút về kinh tế, tiền vô thì ít mà tiền ra lại nhiều, khiến việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái trở nên khó khăn. Vì thế, người ta hạn chế sinh sản, ấn định một số con nào đó phù hợp với khả năng của mình. Sự hạn chế này còn được xã hội ủng hộ mãnh liệt. Người đã vẽ ra cả một tương lai đen tối khi trái bom về dân số bùng nổ. Đi tới đâu cũng thấy nhan nhản những khẩu hiệu: Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ. Người ta sẵn sàng cung cấp những phương tiện để tránh thai, ngừa thai và phá thai. Một số nước trên thế giới còn liệt vấn đề này vào “quốc sách” và qui định mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép có một hay hai con là cùng. Nếu vượt quá số này, thì sẽ bị phạt tiền ngu và sẽ bị chế tài về nhiều phương diện khác nhau.

Con cái càng hiếm, càng quí và được cha mẹ hết sức cưng chiều. Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Ngày xưa con cái nghịch đất nghịch cát và lê la bẩn thỉu, còn ngày nay người ta cẩn thận giữ phép vệ sinh, áo quần lúc nào cũng thơm tho. Ngày xưa người mẹ thường mớm cơm cho con, ngày nay người ta dùng biết bao nhiêu loại sữa, từ sữa tươi cho đến sữa bột, thảo nào mà giá sữa cứ tăng lên vùn vụt.

Hơn thế nữa, một số nàng dâu còn sử dụng con cái làm vũ khí chống lại mẹ chồng, hay đỏi hỏi mẹ chồng phải thoả mãn những yêu cầu của mình. Trên báo “Phụ Nữ Chủ Nhật”, số 41 ra ngày 24.10.2010, trong một bài viết, tác giả Nguyễn Thiện đã có cùng một quan niệm trên, nhưng đưa ra những trường hợp cụ thể để minh chứng.

Chẳng hạn trường hợp của vợ chồng Hà. Hai vợ chồng xích mích nhau trong việc nuôi con. Phần lỗi của con dâu được mẹ chồng chỉ rõ cho con trai thấy. Để trả thù tội chỉ điểm, Hà bế cháu về ngoại, để mẹ chồng “biết thế nào là lễ độ”. Theo Hà, khi bị cách ly với con, với cháu, chồng khổ một, thì mẹ chồng sẽ phải khổ gấp mười! Y như rằng cả chồng lẫn mẹ chồng đều “ngấm đòn” chỉ sau một ngày xa con, xa cháu.

Được chồng yêu thương, Hà đã nhanh chóng khai thác “điểm yếu” của mẹ chồng vì không muốn cho con trai phải đau buồn, nên ngay “từ thuở bơ vơ mới về”, Hà đã giành được thế thượng phong. Ngôi vị của Hà càng được củng cố vững chắc khi Hà sinh con trai. Hà nhanh chóng biến đứa bé thành vũ khí tối thượng để đấu tranh.

Sau hai ngày trừng phạt, thấy chồng buồn, Hà cũng xao lòng, nhưng vẫn kiên quyết giữ vững lập trường. Muốn mang cháu về, thì bà phải thực hiện năm điều sau đây:

1- Móng tay bà phải luôn cắt ngắn.

2- Bà chỉ được cho cháu ăn và uống những thứ có trong danh sách đã “niêm yết”.

3- Dụng cụ cho cháu ăn, bà phải trụng nước sôi trước khi sử dụng.

4- Được bế cháu hai lần trong một ngày, sau khi bà đã tắm và thay đồ mới.

5- Không được chơi trò…”ú oà”, làm cháu hết hồn.

Chấp nhận năm điều kiện trên và được con dâu khoan hồng, khi bế cháu trên tay, bà thừa nhận:

- Thật ra những điều nó muốn, về lý thì không sai, nhưng về tình, thì thật là quá quắt.

Đúng là thời thế đã thay đổi. Những nàng dâu dám đặt điều kiện với mẹ chồng như Hà đang ngày càng phổ biến. Thậm chí không ít cô gái còn kén cả…mẹ chồng. Tôn ti trật tự truyền thống đang bị đảo ngược. Nhưng điều đáng nói hơn chính là sự “tự nguyện” xoay chiều của nhiều bà mẹ chồng theo hướng chịu phép nàng dâu, dù rất ấm ức.

Đó cũng chính là trường hợp của bà Thu Liên. Mặc dù đã chịu phép con dâu để giữ hoà khí trong gia đình, nhưng bà vẫn hậm hực liệt kê những điều “ngứa mắt” của nàng dâu thời hiện đại:

1- Không thích vào bếp.

2- Tự do đi sớm về khuya.

3- Làm hành làm tỏi với chồng.

4- Ăn mặc hở trên trống dưới.

5- Tiêu xài không biết thiếu thừa.

6- Sạch sẽ quá mức cần thiết.

7- Sẵn sàng đôi co với mẹ chồng.

Thế nhưng, bằng lợi thế trình độ học vấn cao hơn, giao tiếp rộng hơn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhanh hơn, bắt trúng điểm yếu của mẹ chồng chính xác hơn… các nàng dâu đang “nắm kèo trên” và cũng mắc không ít sai lầm khi muốn mẹ chồng phải theo ý mình.

Thực vậy, nếu hai bên cứ tiếp tục tố khổ và kể tội lẫn nhau, thì có lẽ “truyện phim buồn này” sẽ không có hồi kết thúc. Người khác đau khổ đành, mà chính bản thân mình cũng đau khổ không ít.

Vào năm 1946, sau đệ nhị thế chiến, nước Đức gặp phải nạn khan hiếm thực phẩm. Mùa xuân năm ấy, có một nhà văn đi qua một trang trại trong rừng Forêt Noir, trông thấy đàn gà tung tăng, anh ta thèm ăn trứng. Đánh bạo bước vào, anh thấy một bà già ngồi đan áo và một thiếu phụ trẻ đẹp đang ủi quần áo. Anh nói:

- Xin chào bà và cô, làm ơn bán cho vài quả trứng.

- Không có đâu ông ơi. Gà đang thay lông chưa có đẻ. Gà lúc này toi nhiều quá…

Hai mẹ con đã trả lời như thế. Anh nhà văn toan cáo lui, thì cả hai người đều mời:

- Xin ông chờ một chút để uống với chúng tôi một chén trà cho vui.

Trong khi cô con dâu vào trong bếp lúi húi pha trà, bà cụ gọi anh lại, trao cho anh quả trứng và nói:

- Ông dấu đi kẻo con dâu tôi thấy, nó lại càu nhàu. Con gái thời nay keo kiệt lắm, chỉ biết lo cho mình mà thôi.

Anh ta chưa kịp trả lời, bà cụ đã đi xuống bếp bảo con dâu đem nước lên. Giữa lúc anh ta đang cất trứng vào túi áo, cô dâu xuất hiện, đặt nước xuống bàn, đưa mắt giáo giác nhìn chung quanh, rồi bất ngờ dúi vào tay anh một quả trứng và bảo:

- Ông dấu đi, kẻo mẹ chồng tôi biết. Bà già hà tiện lắm ông ơi.

Sau đó, cả hai đến tiếp trà và còn đem cả bánh ngọt mời anh ta một cách vui vẻ.

Thật may mắn nếu chúng ta gặp được một bà mẹ chồng hiền lành và yêu thương. Như vậy cũng đáng đồng tiền bát gạo, bõ công trang điểm má hồng môi son. Còn nếu chẳng may gặp phải bà mẹ chồng quay quắt, thì cũng hãy bình tĩnh, đừng vội nản chí, vì như tục ngữ cũng đã bảo:

- Chồng dữ, thì em mới sầu,

Mẹ chồng mà dữ  giết trâu ăn mừng.

- Chồng dữ, thì em mới lo,

Mẹ chồng mà dữ mổ bò ăn khao.

Trước hết, chúng ta phải xác tín rằng: Một khi đã chọn lựa, thì cũng phải chấp nhận. Chấp nhận không phải chỉ bản thân của chồng mà còn phải chấp nhận cả môi trường sống và những liên hệ của nhà chồng, rồi cố gắng dùng những biện pháp thông thường để biến đổi mối ác cảm thành thiện cảm.

Nếu chẳng may xảy ra sự căng thẳng, hãy kiên nhẫn và tư từ giải quyết. Nhất là hãy biết cảm thông với chồng trong những hoàn cảnh như vậy, bởi vì tiến thoái lưỡng nan, bên hiếu bên tình, bên mẹ bên vợ, ngả sang bên nào cũng không ổn, mà giữ thái độ yên lặng cũng chẳng xong. Thật là nan giải. Bởi vì, neu yên lặng, bà mẹ sẽ nói:

- Đấy, con vợ mày nó như vậy, mà mày cứ câm như miệng hến được sao?

Trong khi đó, người vợ lại tỉ tê:

- Đó, mẹ mắng em như vậy mà anh cũng chẳng bênh em được lấy một nửa lời, hay là anh chẳng còn thương em nữa.

Để kết luận, tôi thiết tưởng không gì hơn, là mẹ chồng nàng dâu, mỗi người hãy kiểm thảo, hãy xét lại những thái độ cư xử đối với nhau từ trước cho đến bây giờ. Hãy lấp đầy hố sâu ngăn cách, hãy quên đi và tha thứ, hãy nhường nhịn và chịu đựng vì:

- Già néo thì đứt dây.

- Bên thẳng thì bên phải chùng,

Hai bên đều thẳng thì cùng đứt dây.

Nếu mẹ chồng và nàng dâu sống chung hòa bình, không còn giận hờn, không còn bới  móc và nói xấu nhau nữa, chắc hẳn bàu khí gia đình sẽ nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn rất nhiều.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

 

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************