Tìm hiểu Xét Nghiêm Máu

 

Máu là một thành phần của hệ tuần hoàn chứa nhiều loại tế bào, sinh
hóa chất trong một dung dịch chất lỏng gọi là huyết tương. Môt người
trưởng thành có khoảng từ 3.8- 4.9 lít máu tức là 7% trọng lượng cơ
thể. Máu lưu thông tới tất cả các bộ phận để cung cấp dưỡng khí và
chất dinh dưỡng cho trên 300 tỉ tỉ tế bào. Máu cũng lấy đi các chất
cặn bã, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, làm vết thương mau lành cũng
như chống lại một số bệnh tật.


Có ba loại tế bào máu: hồng huyết cầu, bạch huyết cầu và tiểu bản.

Hồng huyết cầu chuyên chở dưỡng khí từ phổi nuôi tế bào và lấy khí
carbon loại ra ngoài qua phổi.

Bạch huyết cầu gồm năm loại khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ là
chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh và giúp vết thương mau
lành.

Tiểu bản điều hòa sự đông đặc của máu với tiếp sức của thành mạch máu
và các yếu tố đông máu..

Huyết tương có các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo,
carbohydrates, sinh tố, khoáng chất, kích tố, yếu tố đông máu, diêu
tố, kháng nguyên và kháng thể. Khi có bệnh nhiễm thì máu chứa thêm vi
trùng, siêu vi.

Vì máu chứa các thành phẩn kể trên nên thử nghiệm máu có thể ước lượng
được sự lành hay bệnh của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể.

Xin ghi lại sau đây một số thử nghiệm máu, để tiện tham khảo khi cần.
Các con số kết quả là của người đàn ông trưởng thành. Kết quả ở nam
nữ, trẻ già hơi xê xích nhau một chút.

1-Đếm tế bào máu.

Tiếng Anh gọi là Complete Blood Count (C.B.C). Kết quả thử nghiệm này
cho ta biết thiếu hoặc thừa tế bào máu, ung thư máu, máu loãng hoặc
đặc ..Đây là thử nghiệm mà hầu như mỗi lần khám bệnh là ta đều được
làm.

C.B.C nhắm vào các tế bào sau đây:

a-Hồng Huyết cầu (R.B.C)- Hồng cầu được sản xuất từ mô tạo máu của tủy
sống. Vì không có nhân nên H.H.C không phân bào được. Mỗi H.C. cần 6
ngày để thành hình và có tuổi thọ khoảng 120 ngày. Ở người trưởng
thành, mỗi giây đồng hồ có 3 triệu hồng cầu được sinh ra để thay thế
HC già nua mệnh một.

H.C. chứa huyết cầu tố mà chức năng chính là chuyên chở dưỡng khí nuôi
tế bào và loại khí độc CO2 ra ngoài.

Bình thường người trưởng thành có khoảng từ 4 đến 5 triệu H.C./ 1 mm ³
máu. Phụ nữ hơi thấp hơn nam giới một chút.
b-Bạch Huyết Cầu (W.B.C.)- B.H.C. có ba loại chính là bạch cầu hạt,
đơn bào và lymphô nhân.

Nhiệm vụ của B.H.C là chiến đấu chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật,
bảo vệ cơ thể bằng cách “sơi tái” các phần tử nguy hại lạ; sản xuất và
chuyên trở kháng thể.

Khi ta bị đứt da tay, nhiễm trùng thì B.H.C. được động viên kéo tới
vết thương đề tòng quân diệt giặc. Xác chết quân ta và địch lẫn với
bạch cầu sống sót tạo thành chất mủ.

Số lượng bình thường B.H.C. là 4000-5000/mm³. B.H.C có đời sống ngắn
ngủi hơn trong mạch máu, khoảng từ 6-8giờ, nhưng một số lớn vào trú
ngụ tại các tế bào thì tồn tại có khi cả năm.

c-Tiểu bản (Platelets)- Gọi là tiểu bản vì tế bào này có hình dạng
tròn dẹp khác nhau. Đây là những tế bào nhỏ nhất của máu, không có
nhân hoặc DNA, được tạo ra từ tủy sống. Mỗi mm³ máu có từ
150,000-450,000 tiểu cầu. Tuổi thọ trung bình là 10 ngày.

Nhiệm vụ chính của tiểu bản là tạo sự đông máu.

d- Huyết cầu tố (Hemoglobin)- Máu cần một số lượng đầy đủ H.C.T. để
chuyên trở dưõng khí.

Người trưởng thành có khoảng từ 14-17 g/ 100mL máu. H.C.T. Thấp dưới
mức này là dấu hiệu của thiếu máu (anemia).

Ngoài ra còn các chỉ số khác như Thể Tích Huyết Cầu Đặc (Hematocrit ),
MCH (mean Corpuscular Hemoglobin), MCV (Mean Corpuscular Volume) và
MCHC (Mean Corpuscular Hemoglobin Concentration).

2-Chất điện phân (Electrolytes) là những nguyên tử dẫn điện trong
huyết tương như Sodium; Potassium; Chloride; CO2; Calcium; Phosphore.

Khi nồng độ các chất này lên quá cao như trong bệnh thận suy hoặc quá
thấp như khi ói mửa, tiêu chẩy thì cơ thể đều bị ảnh hưởng. Và ta phải
lấy bớt ra hoặc tăng cường thêm.

Muối Sodium: trung bình là 140mmol/lít.

Potassium hoặc Kali: 4.5 mmol/lít

Choride: 103 mml/lít

Ba chất điện phân này cần cho sự cân bằng acid/base và duy trì áp xuất
thẩm thấu dung dịch chất lỏng trong cơ thể; dẫn truyền tín hiệu thần
kinh.

Calcium: 9.5 mg/dL. Calcium cần cho sự tạo xương, hấp thụ chất đạm,
chất béo; co cơ bắp, đông máu, dẫn kích thích thần kinh và tim.

Phosphore: 3.5 mg/dL.

3-Chức năng gan-

Khi gan bị viêm hoặc tổn thương, một số men gan sẽ thay đổi. Có mấy
loại men gan chính sau đây cần tìm kiếm:

a-sGOT (AST) và sGPT (ALT) tăng khi tế bào gan, tim, thận, tụy tạng,
cơ bắp bị tổn thương.

Bình thường AST thay đổi từ 0- 42 IU/Lít; ALT từ 0- 48 IU/lít.

b-Alkaline phospatase lên cao khi hệ thống mật bị tổn thương. Chỉ số
bình thường từ 44 – 147 IU/lít.

c-Billirubin là sắc tố mật tạo ra do sự phân hủy của huyết cầu tố.
Bình thường: 0.2- 1.5 mg/ 100ml. Billirubin tăng khi gan bị hư hao.

4-Chất protein.

a- Protein toàn phần là chất có nhiều nhất trong máu với mức độ thay
đổi từ 5.5 tới 9.0 g/100ml.

Protein giảm khi suy dinh dưỡng, bệnh gan, kém hấp thụ thực phẩm; tăng
khi có nhiễm trùng kinh niên, suy gan, ghiền rượu, ung thư bạch cầu,
lao phổi...

b-Albumin là thành phần lớn của protein trong máu và do gan tổng hợp.
Albumin giảm khi suy dinh dưỡng, bệnh gan, tiêu chẩy, nóng sốt, nhiễm
trùng, phỏng nặng, thiếu chất sắt. Albumin cao khi cơ thể thiếu nước.

Mức độ bình thường từ 3.5 tới 5.0 5/100ml.

c-Globulin là nhóm chất đạm đơn giản trong máu. Một số globulin có
nhiệm vụ quan trọng như kháng thể, một số khác chuyên chở các chất
béo, sắt hoặc đồng

Globulin tăng khi gan bị đau, nhiễm trùng kinh niên, thấp khớp; thấp
khi suy dinh dưỡng, suy miễn dịch, bệnh thận.

Chỉ số bình thường từ 2.0 tới 3.5 gr/100ml.

5-Chất béo-

Thử nghiệm máu nhắm vào mấy loại chất béo chính Cholesterol,
Triglyceride, LDL, HDL.

a-Cholesterol. Cholesterol có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể.
Nó là thành phần cấu tạo màng bao che các tế bào, mô thần kinh não bộ;
cần thiết cho sự tổng hợp kích tố steroids, mật; sinh tố D.

Hầu hết cholesterol được gan tạo ra nên nhiều khi ta không phải ăn
thêm thực phẩm có chất này.

Cholesterol có nhiều trong chất béo động vậy và hầu như không có trong
thực vật.

Trong máu, cholesterol được chất đạm protein chuyên chở, nên có tên
gọi là lipoprotein.

Mức độ Cholestretrol Toàn Phần lý tưởng là dưới 200 mg/ 100ml;

từ 200 -240 mg/ 100ml thì tạm chấp nhận được nhưng cần giảm tiêu thụ
chất béo, vận động cơ thể;

trên 240 mg/ml thì đến lương y ngay để khám nghiệm thêm rồi điều trị,
dinh dưỡng đúng cách ngõ hầu mang con số trở lại bình thường.

b- LDL- LDL viết tắt của chữ Low Density Lipoprotein, một thứ
cholesterol do protein cõng với tỷ trọng rất thấp. Thấp nhưng lại hay
gây bệnh hoạn cho cơ thể nhất là bệnh tim mạch khi mức độ trong máu
lên cao.

Dưới 100 mg/100ml máu là tốt, trên số này là hổng có được, phải giảm
tiêu thụ mỡ, uống thuốc.

c-HDL viết tắt của High Density Lipoprotein là cholesterol tỷ trọng
cao, được coi như lành tính có ích cho cơ thể.

Dưới 35 mg/100 ml là không tốt mà càng cao là càng tốt.

d- Triglycerides dưới 200 mg/100 ml là bình thường mà trên số này là
có rủi ro gây bệnh tim.

6-Đường huyết.

Glucose là đường lưu hành trong máu do tự tiêu hóa thực phẩm
carbohydrates mà ra.

Mức độ trung bình của đường huyết là từ 64- 109 mg/100 ml, đo khi đói.
Mức độ này được duy trì nhờ chất insulin của tụy tạng, kích thích tố
tuyến giáp, diêu tố của gan và kích tố của nang thượng thận.

Khi vì lý do nào đó mà insulin thiếu hoặc không còn tác dụng thì đường
huyết lên cao, ta bị bệnh tiểu đường.

Đường huyết cũng lên khi bị bệnh gan, mập phì, viêm tụy tạng, căng
thẳng tâm thần.

Đường huyết thấp trong bệnh gan, thiểu năng tuyến giáp, ghiền rượu.

7-Khoáng sắt Iron cần cho sự tạo hồng huyết cầu, chuyên trở dưỡng khí.

Mức cần có là từ 30- 170 ug/100 ml máu. Thiếu sắt ta bị thiếu máu (anemia).

8-Thử nghiệm tuyến giáp để coi chức năng của tuyến này.

Kích tố tuyến giáp (thyroid) rất cần thiết cho sự chuyển hóa căn bản
và sự phát triển tâm trí, cơ thể.

Thiếu thì bị chứng đần độn ở trẻ em, phù niêm ở người trưởng thành.

Tăng tuyến giáp thì tim đập nhanh, đổ mồ hôi, tay chân run rẩy, lo âu,
thèm ăn mà lại sút cân và không chịu đựng được sức nóng.

Thử nghiệm tuyến giáp thường đo là:

-mức đô Thyroxine (T4) bình thường là từ 4- 12 ug/100 ml;

-T3-Uptake =27- 47%;

-T4 tự do (T7) = 4- 12 và

-TSH=0.5- 6IU/L.

9-Hóa chất bã của sự tiêu hóa chất đạm cần được loại ra khỏi cơ thể
qua thận. Các chất này ứ đọng trong máu là chỉ dấu của nhiều bệnh khác
nhau như bệnh suy thận, thoái hóa cơ thịt, ăn nhiều thịt, tác dụng vài
loại dược phẩm, uống ít nước.

Có ba chất thường được thử nghiệm trong máu là

-B.U.N. (Blood Urea Nitrogen) bình thường từ 7- 25 mg/100ml;

-Creatinine =0.7- 1.4 mg/100ml và ,

-Uric acid dưới 3.5- 7.5. Uric acid lên cao trong bệnh thống phong (Gout).

TÀI LIỆU HAY RẤT CẦN MỖI KHI ĐI XÉT NGHIỆM MÁU HAYKHÁMTỔNG QUÁT