Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 171, Chúa Nhật 20.05.2012


MỤC LỤC 

Lời Giới Thiệu Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục (tiếp theo)                                           Vatican 2

Bẩy ơn Chúa Thánh Thần là những ơn nào? Ý nghĩa của mỗi ơn?              An-phong Minh, ofm

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BÍ TÍCH, Á BÍ TÍCH VÀ ÂN XÁ                              Lm. PX. Ngô tôn Huấn

Chân Phước G. Phaolô II bình luận về Thông điệp Rerum Novarum Bản dịch Đan Quang Tâm

CÙNG MẸ VỚI LỜI KINH LẠY CHA                                                 Lm. Giuse Hòang Kim Toan

Các phương cách gây thiện cảm - Thực tập sống Nhân Bản Kitô Giáo                 Lm. Đan Vinh

Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên ...(tiếp theo)            Gs. Trần Văn Toàn

Gía trị việc làm của Con Người trong Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội (3)       Tiến sĩ Ng Học Tập

Kẻ quấy rầy  (Anthony de Mello, S.J.)                                               Lm Minh Anh chuyển ngữ

Một mô hình Linh mục cho ngày hôm nay (tiếp)           Lm. Micae Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Chuột rút                                                                                            Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, MP.

Chuột trong đời sống dân gian -                                                      Chuyện phiếm của Gã Siêu


Lời Giới Thiệu Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục (tiếp theo)

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục

Optatam Totius

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Lời Giới Thiệu (tiếp theo)

 

III Tổng Quát Về Nội Dung Sắc Lệnh

 

Lời mở đầu: Tầm quan trọng và giá trị phổ quát của vấn đề đối với việc canh tân.

Chương I: Số 1: Phương thức đào tạo phải được áp dụng trong mỗi quốc gia: sự đồng nhất và thích nghi.

Chương II: Số 2: Ân cần cổ võ ơn thiên triệu linh mục là việc chung của mọi người: gia đình, giáo xứ, nhà giáo dục, linh mục, giám mục; chỉnh đốn hành động để đáp ứng với hành động của Chúa Quan Phòng; phương tiện cổ truyền và mới mẻ.

Số 3: Ðối tượng của số này: các Tiểu Chủng Viện; cung ứng một nền giáo dục vững chắc và thích hợp về nhân bản và thiêng liêng; về những thanh thiếu niên thuộc các ngành giáo dục khác và những ơn kêu gọi muộn.

Chương III: Tổ chức các Ðại Chủng Viện.

Số 4: Sự cần thiết và mục đích của mục vụ đòi phải đào tạo chủng sinh dưới mọi khía cạnh.

Số 5: Vấn đề quan trọng: các nhà giáo dục phải được chọn lựa, chuẩn bị, thống nhất chặt chẽ, được Giám Mục và tất cả các linh mục trong giáo phận khuyến khích: tất cả mọi người giúp đỡ chủng viện.

Số 6: Nghiên cứu về ơn thiên triệu: ý ngay lành, tự do, khả năng, sự kiên quyết.

Số 7: Chủng Viện từng vùng: để có một nhóm những nhà giáo dục hoàn hảo. Chú trọng đến phẩm cách những kẻ thụ giáo: nếu nhóm quá đông, nên thành lập những nhóm nhỏ hơn, có người hướng dẫn đàng hoàng.

Chương IV: Huấn luyện tu đức vững chắc.

Số 8: Ðào tạo đời sống mật thiết với Chúa Ba Ngôi, Chúa Kitô, Ðức Mẹ: một đời sống cầu nguyện theo tinh thần Phúc Âm và nhiệt thành.

Số 9: Ðào tạo tinh thần Giáo Hội: cộng tác viên tương lai của các Giám Mục, những cộng sự viên của các Linh Mục khác, trong tinh thần phục vụ khiêm nhượng, vâng lời với trách nhiệm, nghèo khó, tin tưởng vào ơn thiên triệu.

Số 10: Ðào tạo một đời sống độc thân linh mục: một động lực siêu nhiên, cánh chung và tông đồ, một ân huệ do sự kiên tâm cầu nguyện đem lại. Ý thức rõ ràng về hôn nhân. Chấp nhận sự từ bỏ ấy trong tự do và ý thức.

Số 11: Ðào tạo trưởng thành về nhân cách: tính tình, sự bền chí, những đức tính nhân bản, sống kỷ luật với tinh thần siêu nhiên và trong cách sử dụng tự do.

Số 12: Phương thế đặc biệt của việc đào tạo: thời gian đào tạo, thời kỳ tập sự giữa các năm học, tuổi truyền chức được ấn định cao hơn, thực tập chức phó tế.

Chương V: Các môn học của Giáo Hội.

Số 13: Trước hết phải có một nền giáo dục trung đẳng vững chắc về nhân bản và khoa học, phải biết La Ngữ và những cổ ngữ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Số 14: Ðịnh hướng tiên quyết; học về mầu nhiệm Chúa Cứu Thế và việc Cứu Chuộc, biết dung hòa môn triết học với thần học.

Số 15: Triết học: Mục đích: tìm hiểu về con người, vũ trụ, Thiên Chúa; trọng trách bảo vệ gia sản có giá trị ngàn đời, những tương quan triết học hiện đại, đào sâu lịch sử, khuyến khích việc học hỏi cá nhân, chứng minh sự liên quan giữa học thuyết với những vấn đề nhân sinh và mầu nhiệm Cứu Chuộc.

Số 16: Thần học: Mục đích: thấu triệt vấn đề mạc khải; sống mạc khải và biết trình bày mạc khải.

Thánh Kinh: linh hồn của môn thần học, học biết chú giải, biết những đề tài quan trọng của mạc khải. Thánh Kinh như món ăn thiêng liêng.

Tín lý: Bắt đầu từ những đề tài trong Thánh Kinh, minh chứng sự đóng góp của các Giáo Phụ, với sự liên quan lịch sử. Suy luận theo chiều hướng của Thánh Tôma.

Luân lý: có tính cách Thánh Kinh hơn và theo chiều hướng bác ái.

Giáo luậtGiáo sử: liên quan với mầu nhiệm Giáo Hội.

Phụng vụ: Theo "Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh". Học về hiệp nhất và các tôn giáo khác.

Số 17: Phương pháp sư phạm: Học hỏi kỹ càng, khuyến khích làm việc riêng, làm việc tập thể, nhằm sự hiệp nhất và tinh thần liên đới; tránh những phiền phức gò bó của luật lệ, nên chọn lựa những vấn đề thực tế hơn.

Số 18: Giáo dục nơi đại học: Lựa chọn cẩn thận những người có khả năng thích hợp theo các phân khoa đại học nhưng vẫn tiếp tục hướng dẫn họ về vấn đề tu luyện đạo đức.

Chương VI: Vấn đề đào tạo mục vụ nói riêng.

Số 19: việc đào tạo mục vụ phải chi phối tất cả các việc đào tạo khác; biết nghệ thuật linh hướng, biết phát triển mọi khả năng đối thoại, biết nghe, biết yêu thương.

Số 20: Những môn học bổ túc: Sư phạm, tâm lý xã hội, tông đồ giáo dân, tinh thần tông đồ phổ quát và truyền giáo.

Số 21: Thực hành việc tông đồ: Ðó là vấn đề cần thiết trong kỳ nghỉ và suốt thời gian học tập với một phương pháp được người có thẩm quyền hướng dẫn chu đáo; phải xác tín tầm quan trọng ưu tiên của những phương tiện siêu nhiên đối với việc tông đồ.

Chương VII: Việc huấn luyện bổ túc sau khi mãn trường.

Số 22: Tiếp tục đào luyện thường xuyên cho các giáo sĩ: nhờ các học viện, qua các kỳ hội thảo, bằng những hoạt động định kỳ.

Kết luận: Trong chiều hướng của Công Ðồng Triden nhưng với một tinh thần mới mẻ, Giáo Hội và Công Ðồng Vaticanô II hy vọng nhiều nơi các linh mục tương lai, vì nhờ sự huấn luyện kỹ càng và thích hợp, các linh mục đó sẽ đạt được những kết quả lâu bền.

 

IV. Viễn Tượng Mới Do Sắc Lệnh Mang Lại

Tuy được cưu mang trước Công Ðồng, nhưng Sắc Lệnh chỉ chào đời vào thời kỳ họp cuối cùng. Có thể nói Sắc Lệnh đã hấp thụ bầu khí của Công Ðồng để chín dần, đã được dinh dưỡng bằng nhựa sống dồi dào và phong phú trong khoảng đất đầy mầu mỡ do những dữ kiện học hỏi giáo lý và mục vụ ở những sắc lệnh khác.

Nơi đây ta còn nhận thấy các quan tâm và định hướng rõ rệt của Công Ðồng Vaticanô II: tính cách ưu tiên của mục vụ trong việc đào tạo, nhấn mạnh việc giáo dục nhân bản, tinh thần hiệp nhất, cởi mở với những trào lưu hiện đại để đưa đến một cuộc đối thoại thực sự, những hoạt động mục vụ trong toàn thể Giáo Hội đối với việc dìu dắt mầm non ơn thiên triệu, tinh thần mới mẻ trong việc học tập rộng rãi các huấn lệnh của Giáo Hội, trách nhiệm tiên phong của những Hội Ðồng Giám Mục đối với những việc liên quan đến phương thức đào tạo các linh mục, nhấn mạnh về vấn đề đào tạo trường kỳ cho giáo sĩ giữa một thế giới luôn luôn đổi mới của thời đại này.

Bởi vậy Sắc Lệnh này phù hợp với tất cả những văn kiện của Công Ðồng Vaticanô II. Tập "Giáo Huấn" ngày 6-1-1970 của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đã trình bày những tiêu chuẩn đào tạo linh mục tương lai. Với tài liệu này, các Hội Ðồng Giám Mục có trách nhiệm đã được chỉ dẫn đầy đủ. Các linh mục tương lai có thể vững tâm trông cậy hoàn toàn vào Thánh Thần Thiên Chúa, Ðấng đã linh ứng và hướng dẫn Giáo Hội không ngừng, để dọn mình làm linh mục của Chúa Kitô, linh mục của ngày mai và của hết thảy mọi thời đại.

Với Sắc Lệnh này, chúng ta thấy được biết bao tiến bộ về quan niệm đào tạo linh mục. Chỉ cần đọc lại những mệnh lệnh của giáo luật về vấn đề chủng viện cũng đủ để đi đến kết luận rằng: dù mối bận tâm của Giáo Hội đối với những linh mục tương lai trước sau vẫn là một, nhưng tinh thần những định hướng mới mẻ và những chú trọng đặc biệt trong Sắc Lệnh cho chúng ta thấy có một cái gì rất đặc sắc.

Linh mục theo Công Ðồng Vaticanô II là một linh mục kết hiệp với Thầy Chí Thánh, khao khát một đời sống Phúc Âm thực sự, đi theo đường Chúa Giêsu đã đi, và đồng thời là người lo lắng đem thân mình phục vụ anh em và mọi người trong một cuộc gặp gỡ cởi mở, chân thành và thích nghi. Nhờ đó linh mục có thể đem đến cho mọi người Sứ điệp của Chúa Kitô trong một ngôn ngữ dễ hiểu và linh động, cống hiến cho họ ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, Ðấng đã tự hiến qua một Giáo Hội có khuôn mặt trẻ trung, có vòng tay và con tim rộng mở chờ đón hết mọi con người của thời đại chúng ta và tất cả mọi dân tộc. Ðồng ý với một quan sát viên Công Ðồng, chúng ta tin rằng: "Ðó là một trong số những bản văn rất cởi mở và rất mới mẻ của Công Ðồng" (Etudes, tháng 1, 1968).

 

(còn tiếp nhiều kỳ)

 
VỀ MỤC LỤC
BẨY ƠN CHÚA THÁNH THẦN LÀ NHỮNG ƠN NÀO ? Ý NGHĨA CỦA MỖI ƠN ?
  

Tuần phòng đã khai mạc trong giờ chầu chiều hôm qua, nhưng hôm nay mới là thánh lễ khai mạc. Khai mạc bất cứ một biến cố nào, Hội Thánh thường có thói lệ tốt là cầu xin CTT, huống gì khai mạc tuần phòng, một biến cố quan yếu cho đời sống linh mục, càng cần cầu xin CTT biết là chừng nào. Vì thế thánh lễ khai mạc ta cầu xin ơn CTT quả là phải lẽ.

Những người lớn tuổi trong  chúng ta, chắc hãy còn nhớ nằm lòng một câu giáo lý xưa kia về 7 ơn cả của Chúa Thánh Thần : một là ơn khôn ngoan, hai là ơn hiểu biết, ba là ơn thông minh, bốn là ơn khéo liệu, năm là ơn mạnh bạo, sáu là ơn đạo đức, bảy là ơn kính sợ Đức Chúa Trời. Còn những ai nhiều lần tham dự hoặc chủ sự ba bí tích Khai Tâm cho người lớn trong đó có ban Bí tích Thêm sức ; hay những lần ĐGM làm phép xức trán cho các em tuổi mười trở lên, thì khi chủ sự giơ hai tay trên các người lãnh nhận cũng đọc lời nguyện liệt kê 7 ơn đó:

“Xin ban cho họ thần trí khôn ngoan thông hiểu, thần trí lo liệu va sức mạnh, thần trí suy biết đạo đức – xin ban cho những người này đầy ơn kính sợ Chúa.”

Xin thú thật mãi cho tới những năm gần đây vẫn không sao phân biệt nổi những ơn này khác nhau làm sao. Nhất là mấy ơn đầu: 1) Khôn ngoan, 2) Hiểu biết  3) Thông minh. Ba ơn này chẳng là một hay sao, tuy mức độ có chênh nhau hơn kém…Như khi người ta khen con cái mình rằng là nó nhỏ nhưng nó khôn lắm, nó thông minh lắm, nó hiểu nhanh lắm,  ta thấy ba cái khen đó, nó “xêm xêm” : chẳng khác gì đầu đề một quyển sách châm biếm của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nêxin: Con chúng ta giỏi thật !

Sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo” năm 1992 có nhắc tới 7 ơn này hai lần, một trong phần Nghi thức bí tích Thêm sức (số 1299) và một trong phần Hiệu quả bí tích (số 1303), nhưng chỉ liệt kê chứ không có một dòng giải thích.

Vậy muốn hiểu rõ 7 ơn CTT, ta phải coi lại bản gốc của nó : Isaia 11,2. Các nhà chuyên môn đã làm giúp ta, ta chỉ việc thu lấy kết quả của họ. Vì quả thật nếu dịch các ơn đó từ tiếng Hipri rồi Hy lạp qua Latinh, rồi mới từ Latinh chuyển qua tiếng Việt chúng ta đọc, thì thật khó lòng hiểu nổi các ơn đó muốn nói gì. Cần phải dịch lại mới sáng tỏ nội dung. Chúng ta sẽ không khởi đầu từ ơn khôn ngoan mà đi từ ơn thứ bảy, ơn dễ hiểu nhất để ngược lên tới ơn trên cùng là ơn khôn ngoan.

 

7- Ơn thứ bảy là ơn kính sợ ĐCT. Đây là ơn mà đọc lên chúng ta hiểu ngay muốn nói gì. Kính sợ  là úy kính, một tâm tình mà ở trần thế này con người cần có thì mới mong tránh loạn tặc. Khi một người nào đó ngang tàng, coi trời bằng vung, không biết sợ trời là gì, thì người ấy có thể làm mọi sự và thường là những điều tệ hại nhất.

6- Nhưng một ơn khác của CTT làm cho ơn kính sợ này trở nên tình yêu, đó là ơn đạo đức.  Sáu là ơn đạo đức : nghe “đạo đức”, ta nghĩ ngay đạo đức là năng đi nhà thờ, năng đọc kinh lần hạt. Nhưng đó mới là những diễn tả. Đạo đức chính là Đạo làm con. Một người con năng đến với cha là người con có hiếu. Và nếu cần dịch lại thì sẽ là ơn sùng hiếu (pietas). Ơn thứ 7 cho ta kính sợ Chúa, nhưng không phải kính sợ Chúa như một ông vua đầy uy quyền sát khí, một lời nói là đầu rơi, một chau mày là người chết. Nhưng ơn kính sợ Chúa cộng với ơn sùng hiếu này khiến ta kính sợ Chúa như người Cha của chúng ta. Đây phải là một ơn riêng của CTT khiến ta mới có thể dám xem Chúa là Cha của mình (x. Ga 4,6 ; Rm 8,15).

5-  Năm là ơn mạnh bạo hoặc ơn mạnh sức. Đây không phải là sức khoẻ phần xác thôi, nhưng là sự dũng cảm của một người con Chúa can trường và vui vẻ thực hiện ý của Cha mình. Do đó có thể dịch ơn mạnh bạo là ơn dũng cảm.

Thực vậy để thực hiện chứ không phải chỉ biết thôi –ý của Chúa- nhiều khi chẳng dễ nuốt ngon ăn. Phải dũng cảm lắm mới được. Chúa Giêsu đã nói : Từ ngày Gioan Tẩy Giả đến giờ, Nước Trời ở dưới sức cường bạo, và chỉ những ai mạnh bạo mới được vào Nước Trời (Mt 11,12). Một chỗ khác, Chúa Giêsu nói : Không phải cứ kêu ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời, nhưng là thi hành ý của Cha Ta (Mt 7, 21). Móc nối 2 câu này ta thấy phải dũng cảm lắm mới thực thi được ý Chúa để có thể chiếm Nước Trời.

4-  Bốn là ơn lo liệu. Ơn thứ năm mạnh bạo cho ta sự dũng cảm để làm theo ý Chúa, nhưng chính ơn lo liệu này, dịch rõ hơn phải là ơn chỉ giáo cho ta biết đâu là ý Chúa trong từng trường hợp cụ thể. Trong Tam Quốc Chí, Khổng Minh Gia Cát Lượng trao cho Triệu Tử Long trên đường sang Đông Ngô 3 túi gấm trong đó có sẵn những chỉ dẫn. Khi cần thì cứ mở cẩm nang (túi gấm) để biết phải làm gì làm gì làm gì. Tới bờ sông, mở túi gấm 1, gặp quả núi mở túi gấm 2…

Vì thế  ơn lo liệu tức là ơn cẩm nang, ơn túi gấm, ơn chỉ giáo: (conseil) là ơn hiểu biết ý Chúa trong từng trường hợp cụ thể để ơn dũng cảm cho ta sức mạnh thi hành.

Ba ơn còn lại liên hệ đến chữ BIẾT. Nhưng mỗi ơn cho ta biết Chúa mỗi cách.

3- Ba là ơn thông minh. Dịch như trong lời nguyện của Bí tích Thêm sức sẽ dễ hiểu hơn: ơn suy biết. Là ơn mình suy từ thiên nhiên vạn vật mà biết có Chúa là Đấng Tạo Hoá. Cách biết Chúa bằng lối này Chúa Thánh Thần ban cho rất nhiều người. Nhìn chiếc đồng hồ có các bánh xe ăn khớp nhau, ta suy biết có người làm ra đồng hồ. Thì nhìn trời đất muôn vật với trật tự lạ lùng, ta suy ra có ông Trời là Tạo Hoá. Đây là cách biết Chúa sơ đẳng nhất: biết Chúa qua thiên nhiên, biết Tạo Hoá qua mọi thọ tạo. Trước đây dịch là ơn thông minh. Dịch là ơn suy biết thì có lẽ thông minh hơn !

2- Ơn suy biết là biết Chúa qua thọ tạo (Science). Cách biết Chúa cao hơn là biết Chúa qua mạc khải. Đây chính là ơn thứ hai: hai là ơn hiểu biết, hay dịch đúng hơn: ơn thấu hiểu, ơn thông hiểu. Không phải là hiểu biết thường qua thọ tạo, nhưng là hiểu biết thấu đến chính Tạo Hoá đó đã tỏ mình ra với con người. Tiếng chuyên môn gọi là mặc khải. Nói rõ hơn, ơn này đòi hỏi ta phải tin nữa. Tin Thiên Chúa là Lời – Lời nói với con người – cụ thể là tin Kinh Thánh là Lời ngỏ của Chúa cho nhân loại. Ơn này cũng còn có nghĩa là hiểu lời ngỏ của Chúa nữa: nói nôm na là hiểu và giải thích Kinh Thánh. Các nhà chú giải Thánh Kinh có lẽ nhận được ơn này nhiều. Tất cả thuộc phạm vi của ơn thấu hiểu.

1- Và cuối cùng là ơn khôn ngoan : một là ơn khôn ngoan. Chữ “khôn ngoan” chưa nói được gì cả về ơn thứ nhất trong 7 ơn CTT này. Phải móc nối với một câu trong sách Khôn Ngoan ta mới khôn ra được, mới sáng trí hơn : Xin rộng ban cho tôi, Đức Khôn Ngoan hằng ở bên toà Chúa (Kn 9,4). Hoặc trong sách Huấn ca : Khôn ngoan đều xuất phát bởi Chúa, và khôn ngoan ở với Người muôn đời (Hc 1, 1). Vậy ơn khôn ngoan dịch cách khôn ngoan hơn phải là ơn thượng trí, tức là ơn “biết” Chúa thật sự, biết theo nghĩa Kinh Thánh—có thể nói như thế: Adong biết Eva, sinh ra Cain. Ơn thượng trí cho ta biết Chúa thật sự bằng cách bay vút lên trời (thượng trí mà !) để sống thân mật, sống kết hợp, sống kề cận ở ngay bên Chúa, nếm được Chúa, cảm được Ngài: Đức khôn ngoan hằng ở bên toà Chúa.

Chúa Thánh Thần cũng ban ơn thượng trí này cho một số vị tuy còn trong  thân xác trần gian, nhưng ngất trí, được đưa thấu tận trời xanh để cảm, để nếm Chúa, để  -nói theo lối nói của kẻ đã được đưa lên tầng trời thứ ba : có trong thân xác hay ngoài thân xác, người ấy không biết- đưa lên để nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại. “Về một người như thế, tôi sẽ tự hào.” Phaolo thuật như vậy trong 2Cr 12, 1-6.

Nhiều vị thánh khác, nhất là thánh nữ, được ơn thượng trí kết hợp với Chúa trong khi cầu nguyện. Toma Celano thì nói về Phanxicô Assisi như sau, “khi cầu nguyện, không phải là thánh nhân cầu nguyện mà Phanxicô là hiện thân của sự cầu nguyện” -một kiểu nói khác của sự kết hợp chiêm niệm, của ơn thượng trí. (Nếu các thánh khó khăn lắm mới được ơn này, thì hình như ta dễ dàng được ơn thượng trí, ngất trí này hơn, nhất là trong tuần phòng gặp những bài giảng khô và lâu, tức gặp những chuyên viên gây mê giỏi !). Thôi ta hãy khoan vội xin ơn thượng trí này, mà ta hãy cứ thấy Chúa bằng ơn suy biết khi đi dạo vườn hoa cây cối nơi TGM này. Xin CTT cho ta biết hô lên Eureka như Archimede ngày xưa khi ta khám phá được ý nghĩa hay ho của Lời Chúa qua ơn thấu hiểu.  Ta hãy xin cho ta biết ý Người muốn ta làm gì hôm nay, chốn này, qua ơn chỉ giáo. Lại xin ơn dũng cảm để ta thực thi điều Chúa chỉ dẫn. Và như thế ta là người con thật của Chúa là Cha qua ơn sùng hiếu và ơn kính sợ.

Còn nếu ta xin thẳng ơn thượng trí để “biết” Chúa, kết hợp với Chúa ngay từ đầu tuần phòng, thì chẳng cần mấy bài giảng của đức cha, chẳng cần lân la đến nhà thờ lễ lạy, vì ta đã đắm chìm trong Ngài rồi, thì quả là “khôn ngoan,” mà dịch là ơn khôn ngoan cũng chẳng sai vậy !

 

Ghi chú : ta thấy các ơn đi từng cặp :

- ơn sùng hiếu làm cho ta kính sợ Chúa như con kính sợ Cha

- ơn dũng cảm làm cho ta dám thực hiện ý Chúa trong giây phút hiện tại mà ơn chỉ giáo cho ta biết đâu là ý của Ngài lúc này.

- ơn suy biết cho ta biết Chúa qua thọ tạo thiên nhiên để rồi nhờ ơn thấu hiểu giúp ta biết Ngài ngỏ lời với con người

- cuối cùng,  khi biết Chúa  thì yêu Ngài (vô tri bất mộ) : lúc đó biết theo nghĩa thông thường trở thành “biết” theo nghĩa Kinh thánh, tức là yêu, là kết hợp với Chúa qua ơn thượng trí

An-phong Minh, ofm

 

VỀ MỤC LỤC
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BÍ TÍCH, Á BÍ TÍCH VÀ ÂN XÁ

 

Hỏi: Xin cha giải thích lại sự khác nhau giữa bí tích, á bí tích và ân xá. 

Trả lời

I-  Bí tích (sacrament) là gì?

Trước hết, nói đến bí tích (sacramentum) thì phải nói đến Chúa Kitô là Mầu Nhiệm (Mysterium) cứu độ độc nhất cho nhân loại, vì ngoài Chúa ra, không có Mầu Nhiệm nào khác mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người. Bí tích là những dấu chỉ hữu hình (visible signs) mà Chúa Thánh Thần dùng để ban ơn cứu độ  của Chúa Kitô cho chúng ta trong Giáo Hội. Đây là những  phương tiện cứu rỗi hữu hiệu mà chính Chúa Kitô đã thiết lập để ban phát ơn thánh hóa và cứu độ của Người cho chúng ta cho đến ngày mãn thời gian. (SGLGHCG số 774). Có bảy bí tích như chúng ta quen thuộc từ xưa đến nay. 

Điều kiện quan trọng nhất  để lãnh cách hiêu quả bất cứ bí tích nào, là phải có đức tin, tức là vững chắc tin về hiệu quả thiêng liêng thật sự của bí tích muốn lãnh nhận hợp pháp trong Giáo Hội. Thí dụ, khi lãnh bí tích Thánh Thể, tức là rước Mình Máu Chúa Kitô, thì phải tin chắc  rằng có Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh và rượu nho cho ta thờ lậy và xin ơn; nếu không, việc rước Chúa sẽ là vô ích và người rước Mình Máu Chúa cũng chỉ thấy mình ăn chút bánh và uống tí rượu nho mà không cảm nghiệm được điều gì có tác dụng đánh động tâm hồn cả.  Cũng vậy, khi đi xưng tội, nếu hối nhân không tin có Chúa Giêsu hiện diện và tha tội cho mình qua tác vụ của một linh mục, dù là bất xứng dưới mắt người đời, thì việc xưng tội cũng sẽ không mang lại lợi ích nào cho hối nhân. Nói rõ hơn, khi ta xưng tội thì ta xưng tội với Chúa qua vị linh mục và chính Chúa Kitô  sẽ tha tội cho ta qua công cụ loài người là linh mục hay giám mục, là các thừa tác viên chính thức của bí tích hòa giải. Có tin như vậy thì mới cảm thấy tội được tha và tâm hồn được an vui sau khi thành thực xưng các tội nặng nhẹ đã phạm vì yếu đưới con người.

Chính vì thiếu điều kiện đức tin này, nên có người đã nói: tôi được rửa tội rồi mà có thấy mình được “tái sinh” ở chỗ nào đâu, tôi vẫn thấy tôi nguyên vẹn như cũ! hoặc “sau mỗi mùa chay và tuần thánh, tôi đâu có thấy mình chết đi và được sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh như Giáo Hội nói đâu”!

Nói thế là vì không  có đức tin, nên không tin  có sự đổi mới trong tâm hồn sau khi nhận lãnh bí tích rửa tội, nhờ đó tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân được tẩy sạch và đươc  tái sinh trong sự sống mới, và  “mặc lấy Chúa Ktô” như Thánh Phaolô đã dạy.(x. Gl 3:27). Có đức tin thì mới tin có Chúa là Đấng tạo dựng mọi loài mọi vật, dù mắt ta không hề trông thấy Chúa, tai không hề nghe tiếng Ngài nhưng lòng trí vẫn tin chắc có Chúa như Giáo Hội dạy.

Giáo dân được khuyến cáo năng lãnh nhận các bí tích hoà giải và Thánh Thể để được thánh hoá, được giao hòa lại với Chúa, với Giáo Hội và với tha nhân sau khi đã lỡ sa phạm tội vì yếu đuối con người, và nhất  là vì bị ma quỷ cám dỗ với gương xấu của thế gian. Bí tích Thánh Thể cũng ban sức mạnh thiêng liêng để  giúp ta nên thánh,  sống đức tin, đức cậy và đức mến cách nồng nàn trong trần thế này, sau khi đã được tái sinh qua Phép Rửa và được thêm sức mạnh, trí hiểu và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm sức. Nhưng cần thiết phải có đức tin khi lãnh nhận bất cứ  bí tích nào, đặc biệt là hai bí tích hòa giải và Thánh Thể, thì mới có thể hưởng được các lợi ích hay hiệu quả thiêng liêng để nhờ đó,  ta được trở nên ngày một giống Chúa Kitô hơn cũng như được lớn lên trong đức tin có Chúa là Cha nhân từ và đầy lòng thương xót.  

 

II-  Á bí tích (Sacramentals)

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ( SGLGHCG)  định nghĩa  Á Bí tích " là những dấu hiệu linh thánh, phần nào giống  như các Bí tích, nhờ đó các hiệu quả thiêng liêng được  thông ban nhờ lời cầu nguyện của Giáo Hội. Nhờ các Á Bí tích này, chúng  ta được chuẩn bị để lãnh nhận hiệu quả của chính các bí tích." ( SGLGHCG số 1667). Nói rõ hơn, Á Bí Tích là những dấu chỉ hay  phương tiện có  liên hệ phần nào đến các bí tích hay thực tại thiêng liêng, đã được Giáo Hội  thiết lập để xin ơn Chúa cho người hoặc để thánh hoá đồ vật dùng trong phụng vụ thánh như: Thánh giá,  nước phép, nến, dầu thánh (Chrism), áo Đức Bà (scapular) tràng hạt, Kinh Thánh (Bible),  sách kinh, sách lễ, phép lành, (kể cả phép lành của Đức Thánh Cha), hài cốt các thánh, bình đựng Mình Máu Chúa (Ciborium, chalice, paten) khăn thánh (corporal, purificator), bàn thờ, khăn bàn thờ, áo lễ (chasubles, stoles, Albs), tro dùng trong Thứ tư  Lễ Tro (Ash Wednesday) và lá  làm phép (Chúa Nhật Lễ Lá)... tất cả đều là các Á Bí Tích mà người tín hữu phải tôn trọng với lòng mộ mến vì giá trị thiêng liêng của các Á bí tích nói này.

 

III- Ân Xá (Indulgences)

Là ân huệ thiêng liêng mà Giáo Hội, với quyền cầm buộc và tháo gỡ, lấy từ kho tàng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô và công nghiệp của Đức Mẹ và các thánh, để tha hình phạt hữu hạn (temporal punishment) cho người còn sống hay cho các linh hồn đang còn ở luyện tội . Hình phạt này là hậu quả của tội nặng, nhẹ đã được tha qua bí tích hòa giải mà hối nhân phải làm sau khi xưng tội. (việc  đền tội = penance). Nếu hối nhân không làm đủ việc đền tội này khi còn sống thì phải được thanh luyện sau khi chết ở nơi gọi là Luyện tội. Do đó, ân xá mà  Giáo Hội ban chỉ  có mục đích tha hình phạt hữu hạn này mà thôi,  chứ không tha các tội nặng, nhẹ  như mục đích và công dụng của bí tích hoà giải. Nói khác đi,  chỉ qua bí tích hoà giải, chúng ta mới được tha các tội nặng nhẹ đã phạm vì yếu đuối con người, và nhất là vì còn tin tưởng nơi lòng xót thương tha thứ của Chúa. Nếu không còn tin tưởng gì nơi lòng thương xót của Chúa để chậy đến xin Người tha thứ qua bí tích hòa giải, thì lại mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần, là tội  hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình yêu của Người. Như vậy,  bao lâu còn cứng lòng trong sự từ khước tình thương và ơn tha thứ của Chúa thì bấy lâu ở trong tội không thể tha thứ được như Chúa Giêsu đã nói rõ : "Bất  cứ ai nói phạm đến Con Người , thì còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha." Lc 12 :10).

Do đó, muốn được tha thứ, người ta phải có lòng tin nơi tình thương xót vô biên của Chúa và thành tâm muốn xin Người tha thứ mọi tội lỗi đã phạm vì yếu đuối  người.

Xin nói lại một lần nữa :  Ân xá không có mục đích tha bất cứ tội nào mà chỉ giúp tha hay tẩy xóa những hình phạt hữu hạn ( temporal punishments) là hậu quả  còn để lại trong tâm hồn hối nhân sau khi đã được tha các tội nặng nhẹ qua bí tích hòa giải. Ân xá có thể ban cho người còn sống và cho các linh hồn trong luyện tội để xin tha hình phạt hữu hạn nói trên. Ân xá có thể là toàn phần (plenary Indulgences) hay bán phần (Partial indulgences) để tha hết các hình phạt hữu hạn hay tha một phần hình phạt này.  Giáo Hội  ban phát ân xá trong những dịp trọng đại  như Năm Thánh (Jubilee Year) Kỷ niêm đăng quang của Đức Thánh Cha, kỷ niệm ngày thành lập Giáo Phận hay Dòng Tu, tham dự lễ mở tay của tân linh mục, viếng nghĩa trang trong tháng cầu cho các linh hồn, v.v. Người còn sống có thể lãnh ân xá cho mình hay để nhường lại cho các linh hồn trong Luyện tội nhưng không thể nhường lại  ơn huệ này cho tín hữu còn sống  được.

 

IV- Sự khác biệt giữa  Bí tích và Á bí tích  

Bí tích là chính phương tiện cứu độ mà Chúa Giêsu đã thiết lập để ban ơn cứu độ cho mọi tín hữu đã gia nhập và đang hiệp thông trọn  vẹn với Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa  trên trần thế. Do đó,  các bí tích đều liên hệ trực tiếp đến việc lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô, như bí tích rửa tội tha tội nguyên tổ và các tội cá nhân (đối với người dự tòng = catechumens) bí tích Thánh Thể biến bánh và rượu thành Mình Máu Chúa Kitô, bí tích hoà giải tha mọi tội nặng nhẹ trừ tội phạm đến Đức Chúa Thánh Thần như đã nói ở trên.  Bí tích Thêm sức cho ta những ơn sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần để giúp sống xưng đáng là Kitô hữu trong trần thế . Bí tích Truyền Chức Thánh tiếp tục truyền thống Tông Đồ để ban quyền Thánh ( Sacra potestas) cho các người được tuyển chọn làm Phó Tế, Linh mục và Giám mục để phục vụ , giảng dạy, thánh hóa và chăm sóc dân Chúa được trao phó cho các ngài coi sóc về mặt thiêng liêng. Sự khác biệt căn bản giữa Bi tích và Á bí tích là ở điểm  bí tích ban ơn thánh, tha tội và chữa lành ( hai bí tích hòa giải và xức dầu)  trong khi Á bí tích là phương tiện để xin ơn lành của Chúa ban qua  Phép lành mà  linh mục, Giám mục hay của Đức Thánh Cha ban cho tín hữu, hoặc để thánh hóa đồ dùng trong phụng vụ thánh (nước phép, bình đựng Mình Thánh, Chén Lễ, khăn thánh, tràng hạt và các ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh... Nhưng cần nói thêm là Phép lành (Blessing) dù là của Đức Thánh Cha, thì cũng không có mục đích tha tội nặng nhẹ nào cho người nhận lãnh. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha có thể ban phép lành Tòa Thánh và ơn toàn xá  cho bệnh nhân đang hấp hối , đã được xức dầu và tha mọi tội trong cơn nguy tử đó. Linh mục cũng được phép ban Phép lành này của Tòa Thánh cũng như tha mọi hình phạt cho người đang lâm cơn nguy tử với công thức qui định.  

Sau đây là một vài thí dụ về sự khác nhau giữa bí tích và á bí tích

-  Nước phép và dầu thánh là Á bí tích được dùng làm chất liệu cần thiết   để cử hành bí tích rửa tội. Dầu thánh (Chrism) cũng được dùng trong các bí tích thêm sức, xức dầu bệnh nhân và truyền chức thánh.

- Thánh giá với tượng Chúa chịu nạn (crucifix) hay bình đựng Mình Thánh Chúa (Ciborium), Chén lễ =(Chalice) là á bí tích nhưng bánh và rượu được truyền phép (consecrated)  là bí tích về sự hiện diện thực sự (real presence) của Chúa Kitô trên bàn thờ, trong nhà tạm (tabernacle). Do đó, chỉ phải thờ lậy (adore) Chúa Kitô trong hình bánh và rượu của bí tích Thánh Thể mà thôi. Đối với mọi ảnh tượng khác của Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Thánh nam nữ thì chỉ được tôn kính (honor, venerate) chứ không thờ lậy vì đây là những á bí tích giúp ta liên tưởng đến Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Thánh đang ở trên Trời  mà ảnh tượng kia là những biểu tượng hữu hình  (visible symbols) giúp ta dễ nâng lòng lên với Chúa và cầu xin (nhở cậy) Đức Mẹ và các Thánh chuyển cầu thay cho ta trước Tòa Chúa trên Thiên Đàng.  

- Toà giải tội là á bí tích được dùng làm nơi cử hành bí tích hoà giải (xưng và tha tội). 

- Áo lễ linh mục, giám mục mặc là á bí tích để cử hành bí tích Thánh Thể (Thánh lễ tạ ơn = the Eucharist). Vì thể không được mặc y phục hay quốc phục của bất cứ dân tộc nào khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn trong mọi dịp phụng vụ thánh, vì các y phục đó không phải là á bí tích được công nhận  để dùng trong phụng vụ thánh. Ai  mặc quốc phục khi cử hành Thánh Lễ là đã tự ý làm sai phụng vụ về lễ phục. 

Tóm lại, có sự khác biệt về mục đích và công dụng giữa các bí tích, á bí tích và ân xá như đã trình bày trên đây. Tuy khác nhau , nhưng đều có liên hệ với nhau trong mục đích lãnh nhận ơn thánh dồi dào của Chúa ban cho chúng ta trong Giáo Hội được thiêt lập như phương tiện hữu hiệu để ban phát ơn cứu độ của Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. 

Vì thế, mọi tín hữu đều được khuyến khích năng lãnh nhận các bí tích (Hòa giải, Thánh Thể và Xức dầu) dùng á bí tích với niềm tin và lòng mộ mến cũng như lợi dụng mọi dịp để lãnh ân xá hầu mưu ích thiêng liêng cho mình và cho các linh hồn trong luyện tội.  

LM. Phanxixô Xaviê Ngô tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
CHÂN PHƯỚC GIOAN PHAOLÔ II BÌNH LUẬN VỀ THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM

 

Ngày này cách đây 121 năm ra đời Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự), được xem là bức thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo hội. Chúng tôi  mời các bạn đọc phần tóm lược về thông điệp và phần bình luận sâu sắc của Chân phước Gioan Phaolô II nhân kỷ niệm 100 năm ngày ban hành thông điệp, trong đó ngài đưa ra nhận định và cũng là phương dược cho mọi vấn đề xã hội: “Giáo huấn xã hội của Giáo hội là một bộ phận không thể thiếu được trong sứ điệp Kitô giáo. Không thể có bất kỳ giải pháp nào cho “vấn đề xã hội” mà ở ngoài Phúc âm”.

Tóm lược về Thông điệp Rerum Novarum

(Thông điệp thời danh Rerum Novarum nay đang bước vào tuổi 121) 

 

Thông điệp Rerum Novarum (Tân sự) do Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII ban hành ngày 15 tháng 5 năm 1891, đề cập đến tình trạng của giai cấp công nhân. Ngài đưa ra câu trả lời của Giáo hội Công giáo cho cuộc xung đột xã hội đã phát sinh theo sau cuộc công nghiệp hóa và đã dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội. Đức Giáo hoàng nói rằng trong khi nhà nước đề cao công bằng xã hội bằng cách bảo vệ các quyền lợi của công dân, Giáo hội phải lên tiếng về những vấn đề xã hội để giảng dạy các nguyên tắc xã hội đúng đắn và bảo đảm sự hài hòa giữa các giai cấp. Ngài nhắc lại một giáo huấn vốn đã có từ lâu trong Giáo hội về tầm quan trọng của các quyền tư hữu, nhưng nhìn nhận rằng hoạt động tự do của các lực lượng thị trường  phải chịu sự kềm chế của những xem xét, ràng buộc về luân lý.

Lý do chính thúc đẩy Đức Lê-ô XIII viết thông điệp là ngài tin rằng thời đại của ngài đã trao những người công nhân nghèo vào tay những ông chủ tham lam và phi nhân. Ngài thấy các công nhân rơi vào tình trạng túng thiếu và vô phương tự mình cứu mình, không được nhà nước bảo vệ đủ trước những những bất công và bạo lực. Trong thông điệp, ngài khẳng định người nghèo phải có một tư cách đặc biệt cần phải được xem xét trong các vấn đề xã hội: đó là một nguyên tắc quan trọng của đạo Công giáo mà ngày nay chúng ta gọi là nguyên tắc “ưu tiên chọn lựa người nghèo” và tư tưởng Thiên Chúa đứng về phía người nghèo đã được diễn tả trong văn kiện này.

 

Đức Gioan Phaolô II bình luận về Thông điệp Rerum Novarum

 

Đúng 100 năm sau, Chân phúc Gioan Phaolô II đã bổ sung Thông điệp Rerum Novarum bằng cách viết Thông điệp Centessimus Annus (Bách niên). Trong chương I của thông điệp này (các số 4-11), ngài đã nhận định, bình luận về Thông điệp Rerum Novarum. Dưới đây, chúng tôi xin được đăng lại phần nội dung của chương đó, bằng cách dựa theo bản dịch tóm lược của Joseph Donders trong quyển sách John Paul II: The Encyclicals in Everyday Language, rồi chuyển sang Việt ngữ.

 

Chương I. Các “Sự Mới" cách đây một trăm năm

Số 4. Vào cuối thế kỷ trước, Giáo hội đang đối mặt với một thế giới mới. Một loại hình mới về quyền sở hữu và một hình thức lao động mới đã xuất hiện. Sức lao động của con người được mua bán theo luật cung cầu, khiến cho các công nhân tiếp tục bị đe dọa bởi nạn thất nghiệp, mà – nếu không có bảo hiểm xã hội – họ có nguy cơ chết đói. Xã hội chia thành hai giai cấp, cách biệt nhau một trời một vực. Khi người ta bắt đầu ý thức được tình trạng bất công này và một cuộc cách mạng đang đe dọa, Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII viết thông điệp này trình bày “tình trạng của công nhân”.

Số 5. Xã hội bị xâu xé bởi cuộc xung đột giữa tư bản và giới lao động, đây là “vấn đề công nhân”. Hai bên đối mặt nhau như những “con sói” một mất, một còn. Bởi vì đức giáo hoàng mong muốn hòa bình, nên ngài lên án cuộc đấu tranh giai cấp; nhưng ý thức rằng hòa bình được xây dựng trên công lý, ngài đề ra một số điều kiện. Không phải tất cả mọi người đều chấp nhận Giáo hội có quyền và có nhiệm vụ thực hiện điều này. Nhiều người cho rằng Giáo hội nên tự hạn chế ở chỗ chỉ rao giảng ơn cứu độ từ trời cao. Thông điệp của đức giáo hoàng đưa Giáo hội vào giữa đời sống công cộng. Giáo huấn xã hội của Giáo hội là một bộ phận không thể thiếu được trong sứ điệp Kitô giáo. Không thể có bất kỳ giải pháp nào cho “vấn đề xã hội” mà ở ngoài Phúc âm.

Số 6. Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII viết về phẩm giá lao động và về các quyền và phẩm giá của công nhân, họ “làm việc quần quật để có được những gì cần thiết cho các mục đích sống khác nhau, và trên hết là vì phải tự bảo tồn".  Năng lượng họ sử dụng đang khi làm việc là một phần của con người họ và thuộc về họ. Lao động là ơn gọi của con người thông qua đó chúng ta tự thể hiện bản thân. Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII nhấn mạnh "quyền tư hữu". Mọi người có quyền đối với những gì cần thiết cho bản thân và gia đình của mình.

Số 7. Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII nhấn mạnh quyền lập hội và công đoàn – một quyền không nhà nước nào có thể lấy đi mà không phản bội "chính nguyên tắc tự tồn tại của mình". Ngài đề cập đến quyền có số giờ làm việc được giới hạn và quyền nghỉ ngơi, không phân biệt nam nữ và trẻ em. "Bắt những người lao động nam nữ làm việc quá sức đến nỗi làm cho đầu óc của họ mụ mẫm và bào mòn thân thể của họ thật là bất công và phi nhân". 

Số 8. Ngài viết về quyền có đồng lương chính đáng: "Lương công nhân phải đủ để nuôi bản thân và vợ con của mình". Ngài tuyên bố quyền này cốt yếu đến nỗi không thể bỏ mặc cho các bên tự do giao kết. Nhiệm vụ của nhà cầm quyền là chăm lo phúc lợi của công nhân. "Mọi cá nhân đều có quyền tìm kiếm những gì giúp mình có thể sống. Và người nghèo chỉ có thể kiếm được điều đó nhờ đồng lương do lao động của mình". "Nếu người lao động phải chấp nhận các điều kiện rất khắc nghiệt, thì người đó là nạn nhân của bạo quyền và bất công".

Số 9. Đức Lê-ô XIII khẳng định, mọi người đều có quyền chu toàn các bổn phận tôn giáo của mình, đồng thời ngài nhấn mạnh quyền và nhu cầu được nghỉ ngơi ngày chủ nhật. Chúng ta có thể tự hỏi liệu các xã hội công nghiệp hóa có bảo đảm quyền cơ bản được nghỉ ngơi ngày chủ nhật không.

Số 10. Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII phê bình "chủ nghĩa xã hội" và "chủ nghĩa tự do".  Đối với "chủ nghĩa xã hội" ngài khẳng định quyền tư hữu. Đối với chủ nghĩa tự do, ngài bảo rằng nhà nước không được ưu đãi người giàu trong khi bỏ rơi người nghèo. Chính người nghèo có quyền được quan tâm đặc biệt. Giai cấp những người giàu có thể tự lo liệu lấy; người nghèo tự bản thân họ lại không có nguồn lực nào để tự lo cho mình. Họ chủ yếu nương tựa và sự trợ giúp của nhà nước. Điều này ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, nếu ta xem xét tình trạng nghèo khổ trên thế giới. Điều quan trọng là không được cậy dựa vào bất kỳ ý thức hệ hoặc lý thuyết chính trị nào, mà dựa vào nguyên tắc liên đới, có giá trị trong trật tự quốc gia và trật tự quốc tế. Đức Lê-ô XIII sử dụng thuật ngữ "tình bạn" để chỉ về liên đới. Đức Piô XI thì gọi là "bác ái xã hội"; Đức Phaolô VI, mở rộng khái niệm đó, đề cập đến một “nền văn minh tình thương".

Số 11. Diễn tả lập trường “ưu tiên chọn lựa người nghèo” của Đức Giêsu và của Giáo hội, Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII yêu cầu nhà nước làm một điều gì đó đối với tình trạng của người nghèo, dầu ngài không mong nhà nước giải quyết mọi vấn đề xã hội. Ngài đòi phải có những hạn chế đối với sự can thiệp của nhà nước. Cá nhân, gia đình và xã hội phải được nhà nước bảo vệ chứ không phải đàn áp.

Điểm chính yếu trong thông điệp của Đức Lê-ô XIII và trong học thuyết xã hội của Giáo hội là một cái nhìn đúng đắn về con người. Con người được Thiên Chúa mong muốn; họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Phẩm giá của họ không đến từ công việc họ làm, nhưng đến từ nhân vị của họ”.

Nhân dịp kỷ niệm bách chu niên Thông điệp Rerum Novarum và, Chân phúc Gioan Phaolô II không chỉ bình luận Thông điệp mà còn đưa ra những bổ sung, cập nhật, phân tích hoàn cảnh mới đúng một trăm năm sau ngày Thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo hội.

Đan Quang Tâm

(15.5.2012)

VỀ MỤC LỤC
CÙNG MẸ VỚI LỜI KINH LẠY CHA
  

 Đức Maria là vẻ đẹp tòan hảo trong lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện dâng lên Chúa Cha. Đức Maria đã biến đổi lời kinh Lạy Cha thành lời kinh thực hiện trong cuộc đời của Mẹ. Với tâm tình ấy, con xin dâng lên Mẹ Maria những tâm tình suy niệm này trong tháng hoa Mân Côi.

Tâm tình của người con nơi Mẹ Maria:

Lời kinh tán tụng Chúa Cha mà Mẹ dâng lên tuyệt hảo nhất là phần đầu của kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Tâm tình này biểu lộ một tâm tình của người con trìu mến đã thấm nhuần ân huệ của Cha. Đối với người con, không có tâm tình nào đầy đủ cho bằng một tâm hồn toát ra niềm vui hạnh phúc tràn đầy khi sống trong tình Cha. Chỉ với câu đầu thưa lên “Lạy Cha” thôi đã nhận ra một niềm vui khôn tả reo lên của người con, với Mẹ Maria là người được “đầy tràn Chúa Thánh Thần” reo lên “Lạy Cha” thì có lẽ đã trở thành niềm cảm hứng tuôn trào khi Thánh Phaolô viết ra: “không miệng lưỡi nào kêu lên “Cha Ơi” mà không do Chúa Thánh Thần” (Rm 8, 14), và trong niềm vui cảm xúc dâng trào ngập tràn Chúa Thánh Thần, nhân loại biết bao người từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng đã sống ngập trong hạnh phúc khi cùng Mẹ dâng lên lời kinh Lạy Cha. Tràn ngập Chúa Thánh Thần, nên Mẹ Maria dâng lên Cha những gì đặc sắc nhất, mà những điều ấy chính Mẹ đã nhận ra không phải là do Mẹ mà do “Chúa đã làm cho con những điều trọng đại”. Mẹ đã cảm nghiệm điều quan trọng của tâm tình người con hòan hảo, đó là “phận hèn bé mọn”. Trong vòng tay Cha yêu thương bao giờ con người cũng nhận ra sự bé nhỏ của mình, sự bé nhỏ này mang lấy một đời sống thơ ấu thiêng liêng thánh thiện nhất vì được hưởng nhờ sư thánh thiện trọn vẹn của Cha. Chỉ Cha là Đấng Thánh, trọn hảo Thánh, tuyệt đối Thánh, nên nơi Mẹ Maria được tinh tuyền là nhờ kết quả Cha thương ban Thánh Thần để thánh hóa Mẹ. Bao giờ chúng con, những người nhân loại chúng con mới đạt tới mức độ được Thánh Thần thánh hóa trọn vẹn để chúng con thật tình say sưa dâng lên lời cầu “Lạy Cha” một cách vui sướng nhất, hạnh phúc nhất trong những ngày đời của chúng con? Mẹ ơi, xin giúp chúng con Mẹ nhé, một tâm hồn bé nhỏ thật sự trong tình yêu của Cha.

Danh Cha cả sáng:

Danh Cha đã tỏa sáng trong công trình Sáng Tạo của Người, “các tầng trời thuật lại vinh quang Chúa”. Tiếc thay, nhân thế chúng con, trong tội lỗi đã che khuất vinh quang của Cha nơi chúng con, khiến chúng con đi trong mù tối không nhận được ánh sáng của Cha. Hướng về Mẹ Maria, chúng con mới lấy lại được niềm hứng khởi mà xa lánh tội lỗi, vì nơi Mẹ chúng con đọc thấy cuộc đời “sen nở giữa lầy”, từ bóng tối tăm đã lóe lên một ánh sáng. Nơi Mẹ Maria, chúng con nhận ra vinh danh Cha tỏa sáng nơi Mẹ bởi Mẹ vô tì tích, trắng trong, không vướng chút bợn nhơ tội lỗi. Cha thực hiện công trình kỳ diệu của Cha nơi người Mẹ trần thế chúng con, là một thụ tạo giữa muôn thụ tạo, một điển hình của lòng thương xót Cha nơi mẹ Maria. Làm sao cuộc đời chúng con thấy được Tình Cha yêu thương chúng con như Thánh Phao Lô chứng nghiệm: “không phải vì chúng ta hay, chẳng phải vì chúng ta ngoan mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhưng vì Tình yêu thương của Chúa muốn yêu thương”. Không có cuộc đời nào của con người nào mà không được Cha yêu thương, chỉ có chúng con không nhận ra tình yêu thương của Cha và khi chúng con sống trong tội lỗi chúng con chống lại tình yêu của Cha. Danh Cha cả sáng nơi Mẹ Maria, đó là ánh sáng mà những người con chạy đến kêu cầu cùng Mẹ đều nhận ra ánh sáng ấm áp của Tình Cha, ánh rạng ngời không làm chóa mắt chúng con nhưng là ánh sáng dẫn chúng con trở về cùng Cha qua Mẹ Maria.

Nước Cha hiển trị:

Một tâm hồn thanh tịnh reo vui là một tâm hồn biểu lộ an bình. An bình tỏ lộ nơi Mẹ Maria mà trong nhiều người chúng con chạy đến Mẹ xin ơn Bình An. Mẹ an bình vì Mẹ đón nhận tòan vẹn Con Cha sinh hạ dưới thế là Đấng Bình An. Mẹ Maria, làm sao chúng con đón nhận Đấng ban Bình An được tòan vẹn như Mẹ, bởi lúc nào chúng con cũng mang khát vọng đầy tham sân si thực hiện theo những nẻo gian tà.  Trong lối đường chúng con đi, thiếu vắng Đấng Bình An, chúng con “đã không tiếp nhân Chúa Con, mà Ngài đã đến nơi nhà Ngài” (Ga 1, 11), chúng con muốn sống tách biệt với Chúa, chúng con muốn tự tạo lập an bình cho chúng con không cần Chúa. Chúng con sai lầm không hiểu rằng: “không thể có an bình nếu không có Chúa”. Càng muốn thiết lập an bình lại càng gây nên chiến tranh, càng muốn an bình tự tại lại càng bị xâu xé bởi lòng dục, càng muốn bình an thiên hạ lại càng gây chia rẽ, chúng con thiếu vắng Chúa, chúng con xin Mẹ mang Chúa đến cho chúng con như xưa Mẹ mang Chúa đến thăm bà Elizabeth, để chúng con được thánh hóa nhờ Con của Mẹ.  

Nước Cha là một nước an bình vì chính Hòang Tử Bình An lãnh đạo, không những Ngài cai quản thế giới mà còn là Đấng cai quản từng tâm hốn trong bình an. Nơi Đức Maria, chúng con nhận ra chính Chúa Giêsu cư ngụ, Ngài là trật tự mới của tâm hồn người đón nhận, chính nhờ trật tự này mà tâm hồn không bị xáo động bởi những dục vọng đam mê, mà tất cả được quy hướng về Thiên Chúa là Cha, được thống nhất trong mọi chiều kích tâm hồn và thể xác. Trong khi chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng con tin chắc chắn rằng chỉ có thể có được bình an tự tại đích thực là đón nhận Chúa Giêsu Kitô trọn vẹn trong tâm hồn chứ không do hoàn tòan ý chí của con người nỗ lực diệt được những dục vọng mà thiết lập được bình an tự tại. Thế nên, Thánh Phaolô kinh nghiệm chỉ ra rằng: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24 - 25). Bình an thật sự mới là tâm hồn tạ ơn thực sự, xin Mẹ dạy cho chúng con biết đón nhận Chúa Giêsu, Con lòng Mẹ.

Ý Cha thể hiện.

Lắng nghe và suy đi nghĩ lại trong lòng là phương pháp của Mẹ để thực hiện cuộc đời theo Ý Thiên Chúa. “Xin Người cứ làm cho tôi như sứ thần truyền” (Lc 1, 38). Tâm hồn lắng nghe Ý Chúa để cả thân xác thực thi ý muốn của Người, đấy là một nỗ lực từ nơi Mẹ Maria. Chính vì vậy, Mẹ Maria đã vui mừng khi loan báo “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại”. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được những điều trọng đại kỳ diệu mà không gì sứt mẻ trong khi thực hiện nơi con người. Nếu con người, chúng con nỗ lực để đi đến thành công thì chính con người, chúng con cũng nhận thấy từ những thành công đó có thể làm chúng con vấp ngã. Vấp ngã ngay trong thành công của người đời, là một sự thực khó tránh khỏi. Chính vì vậy, chúng con khi chiêm ngắm cuộc đời của Mẹ Maria mới thấy rõ ràng, sự nỗ lực của Mẹ trở nên sức mạnh phi thường không rơi vào sụp đổ là do công trình của Thiên Chúa thực thi nơi Mẹ. Ý Cha bao giờ cũng tòan vẹn, nhưng con người lại đi tìm cho mình việc hòan thành thế giới này ngoài ý muốn của Cha. Hết sai lầm này đến sai lầm nọ, hòan thành thế giới theo ý muốn của con người trong lòng kiêu căng “con người tự tôn vinh nhau và đi tìm vinh quang lẫn nhau” (Ga 5, 44), nên con người cứ lạc lối, cứ đau thương, cứ mãi tủi buốn. Làm sao, chúng con có thể sẵn sàng đón nhận ý Cha như Mẹ Maria, để thưa xin vâng như Mẹ? Xin Mẹ dạy chúng con biết lắng nghe và suy đi nghĩ lại những điều Chúa nói với chúng con trong Thánh Kinh và trong Giáo Hội.

Lương thực hằng ngày

Lương thực hằng ngày là cách nói và mời gọi dùng của cải của mình sinh ơn ích cho người khác về phần hồn và phần xác.  Của cải, theo quan điểm của Thánh Gioan Kim Khẩu, của cải thuộc về một số người để những người này lập nên công trạng bằng cách chia sẻ cho người khác. Chắc chắn rằng Mẹ Maria sống trong gia đình Nazareth đón nhận sự nghèo khó là hướng tới thiện ích cho người khác và góp phần xây dựng xã hội công bằng. Chính trong môi trường Thánh Gia này mà Chúa Giêsu đã học cách bênh vực cho người nghèo khó và luôn đứng về phía họ để chống lại những kẻ áp bức, bóc lột. Đồng thời, qua giáo huấn của Chúa Giêsu mà Mẹ Maria cũng nhận ra đường hường của Chúa Cha trong việc quản lý các ân sủng của Thiên Chúa trong họat động linh họat của Chúa Thánh Thần. Đối với Đức Maria, khi chúng con chiêm ngưỡng Mẹ qua đời sống khó nghèo của gia đình Thánh Gia, chúng con vẫn luôn thao thức về cung cách quản lý và chia sẻ của chúng con. Dùng của cải để hưởng thụ xa xỉ bên cạnh người anh chị em thiếu ăn, rách rưới khốn cùng. Ngay cả khi chúng con dùng của cải cách chính đáng nhưng vượt xa mức cần thiết, chúng con cũng nghĩ tới đời sống thanh bần của Mẹ. Làm sao chúng con có được tâm hồn quảng đại đón nhận sự khó nghèo để anh chị em chúng con được sống dồi dào như Người Con của Mẹ trở nên nghèo khó để mọi người được giàu có trong ân sủng Thiên Chúa. 

Tha cho chúng con.

“Xin Cha tha cho chúng, đó là lời khấn nguyện của Chúa Giêsu trên Thập Giá và cũng là câu nói Mẹ nghe gần kề trong tâm khảm của Người Con. Mẹ nhiều lần nhắn nhủ con cái Mẹ: “Hãy ăn năn đền tội” vì đấy là điều kiện để được tình Cha tha thứ. Cha đã tha thứ cho nhân loại nhờ hiến lễ duy nhất của Chúa Giêsu trong đó Mẹ Maria cùng đồng công đau khổ để tham dự vào hy tế. Bởi thế trài tim Mẹ vẫn như lưỡi đòng đâm thấu trái tim như vẫn từng đâm thấu khi xưa trên núi thánh. Đau khổ vì tội lỗi của những đứa con bởi tội lỗi, bởi bất khoan dung, hận thù ích kỷ chai đá, không tha thứ… Trái tim Mẹ bị đâm thấu nên Mẹ vẫn khóc vì con cái loài người được trao phó cho Mẹ. Xin tha thứ cho chúng con và xin cho chúng con cũng biết tha thứ. Tha thứ là quyền năng của tình yêu phá tan hận thù.

Chớ để chúng con sa chước cám dỗ.

Cám dỗ thường xuyên, và cũng có hai mặt, xin chớ để sa chước cám dỗ là để chúng con trưởng thành hơn trong đời sống Kitô hữu và mặt khác sa chước cám dỗ làm chúng con xa cách tình yêu của Thiên Chúa. Chớ sa chước cám dỗ, hẳn là lời cầu nguyện không ngừng của Mẹ, bởi Mẹ cũng sống chật vật hơn chúng con, ngày nào cũng canh cánh nỗi lo cơm nước gạo tiền, nhưng nơi Mẹ vững lòng trông cậy vào Thiên Chúa và nhìn thấy biết bao ân lành tuôn đổ xuống trên Mẹ: Thiên Chúa đoái thương phận hèn tớ nữ. Trong ngày đời của chúng con, lắm phen sa ngã vì bon chen giữa cuộc đời mà quên mất lòng trông cậy, thiếu kém lòng tin và chẳng có lòng yêu mến. Lời Chúa nói với chúng con: Trong tình yêu thì không có sợ hãi, nhưng rồi chúng con cứ xa cách tình yêu, nhạt nhòa lòng mến nên còn nhiều sợ hãi và sa vào những cám dỗ trần thế. Mẹ ơi xin chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con.

Amen.

L.m Giuse Hòang Kim Toan    www.Joshkimt.blogspot.com        joshkimtoan@gmail.com

VỀ MỤC LỤC
CÁC PHƯƠNG CÁCH GÂY THIỆN CẢM - THỰC TẬP SỐNG NHÂN BẢN KITÔ GIÁO

1. LỜI CHÚA:

Thánh Phaolô khuyên tín hữu Cô-lô-xê: ”Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.  Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em phải có lòng bác ái: Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14).

2. CÂU CHUYỆN: ĐI TÌM MỘT CON NGƯỜI HOÀN HẢO.

NASRUDDIN là hiện thân của những anh chàng độc thân khó tính. Trong một buổi họp vui với bè bạn, khi được hỏi tại sao đến tuổi này mà chưa chịu lấy vợ, anh đã trả lời như sau :

”Tôi đã dành trọn thời gian tuổi thanh niên để đi tìm cho mình một người phụ nữ hoàn hảo: Tại Cairô thủ đô Ai cập, tôi đã gặp một người đàn bà vừa đẹp người lại vừa thông minh, với đôi mắt đen huyền như hạt ô-liu. Nhưng người phụ nữ này lại ăn nói cộc cằn không chút dịu dàng. Tôi đành bỏ Cairô để đến thành Baghdad thủ đô Irắc, hy vọng tìm được một người phụ nữ như lòng mong ước. Tại đây, tôi đã may mắn sớm tìm được một phụ nữ hoàn hảo đẹp người đẹp nết và thông minh. Nhưng khi tiếp súc, tôi thấy hai người chúng tôi lại khắc khẩu vì không đồng quan điểm về bất cứ điều gì. Rồi bỏ cô này tôi tìm đến cô khác: cô thì chấm được về điểm này nhưng lại thiếu mất điều quan trọng kia và ngược lại... Đến một ngày tôi thất vọng và nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể tìm được một con người lý tưởng làm vợ, thì một hôm tôi rất mừng khi gặp được một người phụ nữ toàn vẹn mọi bề: Nàng vừa đẹp, vừa bao dung nhân hậu và còn luôn biết cách ứng xử tế nhị thông minh… Nàng đúng là một mẫu người vợ lý tưởng. Nhưng các bạn có biết tại sao đến giờ này tôi vẫn còn độc thân hay không?... Vì khi nghe tôi ngỏ lời cầu hôn, nàng đã thẳng thắn từ chối vì nàng cũng như tôi: đang đi tìm một mẫu người chồng hoàn hảo, và tôi được nàng đánh giá là người đàn ông quá nhiều khuyết điểm!!!”.

3. SUY NIỆM:

1. Nhân vô thập tòan:

Thực tế cho thấy: Con người không ai là người hòan hảo, bởi vì ai cũng có tội, ai cũng sai lỗi hoặc lớn hoặc nhỏ, nên không ai có thể tự hào mình là người hoàn hảo, ngòai một mình Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo tuyệt đối. Do đó, thay vì đánh giá người khác cách khắt khe theo lăng kính của mình, thì chúng ta hãy chấp nhận người khác với cả ưu lẫn khuyết điểm của họ như thánh Gioan viết: ”Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,10).

2. Không thể làm vừa lòng mọi người ? 

  Chúng ta không thể tìm thấy trong xã hội một người nào hoàn thiện có thể làm vừa lòng được mọi người. Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, luôn quên mình vị tha bác ái, xót thương phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật và bất hạnh… thế mà Người cũng bị dân Do thái thù ghét và đòi đóng đinh vào thập giá như một tử tội đai gian đại ác. Còn chúng ta, là con người vốn yếu đuối mỏng dòn, chắc sẽ không bao giờ có thể làm vừa lòng hết mọi người được.

3. Các phương cách gây thiện cảm: 

Chúng ta khó có thể thay đổi được lòng người khác. Tuy nhiên điều có thể làm được là mỗi người hãy thay đổi bản thân bằng cách tập sống như một con người dễ thương. Sau đây là một số phương cách đề nghị thực hành để gây thiện cảm và sống vui vẻ hòa hợp với mọi người:

1) Nghĩ đến người khác: Cần luôn quên mình để nghĩ đến người khác. Hãy tập thành thói quen biết quan tâm đến người bên cạnh và sẵn sàng giúp đỡ hết mình.

2) Đến với tha nhân: Cần chủ động bắt chuyện làm quen với người mới gặp trên tàu xe, nơi công viên, tại nhà thờ hay trong các buổi sinh họat họp mặt. Nên tế nhị tìm hiểu về tên tuổi, địa chỉ, số điện thọai, gia cảnh nghề nghiệp… tùy theo từng trường hợp và mức độ tình cảm thân thiện.

3) Lắng nghe cảm thông: Nên gợi chuyện để người khác trình bày về họ và lắng nghe với sự cảm thông. Đây là phương pháp gây thiện cảm hữu hiệu. Tuy nhiên cần tránh thái độ tọc mạch, tò mò khi muốn biết các điều bí mật mà người kia không muốn tiết lộ.

4) Đáp ứng nhu cầu: Tìm hiểu nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần để đáp ứng theo kinh “Thương người” như: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống… Vì yêu thương phục vụ là dấu chỉ môn đệ đích thực của Chúa Giê-su.

5) Cho phúc hơn nhận (x Cv 20,35): Cần thực hành theo lời Chúa dạy. Những ai đã từng tham gia các chuyến đi công tác bác ái đều có thể cảm thấy hạnh phúc khi biết chia sẻ cơm áo cho người nghèo.

6) “Mau nghe chậm nói khoan giận” (x Gc 1,19): Trong cuộc sống cần quan tâm thực hành lời thánh Gia-cô-bê nói trên. Đây là phương cách hữu hiệu để gây thiện cảm với người chung quanh.

7) Nụ cười kết thân: Nên mỉm cười khi tiếp xúc với người khác. Mỉm cười là cách tốt nhất để làm quen và rút ngắn khỏang cách giữa hai người xa lạ và là điều kiện để xích lại gần nhau hơn.

8) Biết tên và ngày sinh của người khác: Biết tên và ngày sinh của ai là dấu tỏ ra sự quan tâm và là phương thế hữu hiệu để đạt được thiện cảm của người khác.

9) Xét đóan ý tốt: Cần luôn xét đóan ý tốt và nói tốt cho người khác. Tránh nghĩ xấu cho người mình không ưa. Vì từ nghĩ xấu sẽ dẫn đến nói xấu và quan hệ giữa hai bên ngày một xấu đi. Trước khi phê bình người nào, cần xét lại bản thân để tự sửa lỗi trước rồi mới đủ tự tin để giúp sửa lỗi anh em cách tế nhị khoan dung (x Mt 7,1-5). Nên khiêm tốn tự phê trước khi phê bình người khác

10) Khen ngợi thành thật: Nên rộng rãi về lời khen như người ta thường nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời khen phải thành thật chứ đừng khen giả dối hình thức, không đúng lúc đúng chỗ, vì sẽ dẫn tới kết quả trái ngược.

11) Tôn trọng tha nhân: Cần có thái độ tôn trọng tha nhân khi tiếp xúc nói chuyện. Sự tôn trọng biểu lộ qua cách xưng hô xứng hợp địa vị và thân sơ, lắng nghe người khác khi nói chuyện… Sự tôn trọng của ta chắc sẽ được đáp lại và quan hệ giữa hai bên ngày một tốt đẹp hơn.

12) Nhiệt tình dấn thân: Cần nhiệt tình trong mọi việc, sẵn sàng đi bước trước đến với người khác, nhất là người mới tiếp xúc để chủ động làm quen, sẵn sàng dấn thân phục vụ quét dọn, lau nhà, dọn bàn và rửa chén bát sau bữa liên hoan nội bộ… Tuy nhiên cũng cần động viên mọi người cùng làm, tránh bị hiểu lầm đó là nhiệm vụ của ta.

13) Khiêm tốn phục vụ: Sẵn sàng phục vụ tha nhân cách khiêm tốn. Không làm việc để tìm tiếng khen. Ánh sáng phục vụ sẽ có sức mạnh chiếu tỏa giúp tha nhân nhìn thấy việc lành chúng ta làm mà ngợi khen Chúa Cha trên trời.

14) Chia sẻ niềm vui: Nên chia vui sẻ buồn với nhau như lời thánh Phao-lô: “Vui với người vui khóc với người khóc” (Rm 12,15). Hãy noi gương Mẹ Ma-ri-a đem thai nhi Giê-su đến chia sẻ cho gia đình Gia-ca-ri-a làm cho thai nhi Gio-an nhảy mừng (x Lc 1,39-45). Tuy nhiên khi gặp gỡ nhau, cần tránh nói về những chuyện kín đáo trong nội bộ.

15) Cho phúc hơn nhận: Cần luôn sống quên mình vị tha. Tập quảng đại cho đi hơn nhận lãnh (x Cv 20,35). Tránh đòi tha nhân phải làm gì cho mình, nhưng luôn tự hỏi mình đã làm gì cho tha nhân?

16) Trạng sư chữa lỗi: Khi nghe một lời phê phán chỉ trích về một người khác, cần tránh nói thêm như “đổ dầu vào lửa”, nhưng nên phản ứng bằng sự im lặng và chuyển sang đề tài khác. Nhất là tích cực làm trạng sư bào chữa cho người bị chỉ trích, để minh oan hoặc ít là để giảm nhẹ sự kết án, noi gương Chúa Giê-su đã bênh vực người đàn bà cô thế bị bắt quả tang phạm tội ngọai tình (x Ga 8,1-11).

17) Viên thuốc bọc đường: Cần tế nhị khôn ngoan khi phải sửa lỗi tha nhân. Cần “khen trước chê sau” để lời chê giống như viên thuốc được bọc đường, sẽ làm cho kẻ có lỗi dễ dàng đón nhận và ít bị chạm tự ái hơn.

18) Thảo luận hơn tranh luận: Thảo luận là khi trao đổi nói chuyện người này biết tôn trọng người kia bằng cách chú ý lắng nghe, dù đó là ý kiến khác biệt để tìm ra chân lý. Còn tranh luận là thái độ của kẻ háo thắng, thể hiện qua sự không lắng nghe lý lẽ mà chỉ muốn “lấy thịt đè người”, thể hiện qua thái độ cướp lời người đang nói và nói to tiếng để lấn át đối phương.

19) Sứ giả hòa bình: Cần năng đọc “Kinh Hòa Bình” của thánh Phan-xi-cô để xin Chúa giúp chu tòan sứ mệnh làm chứng nhân Nước Trời, đem bình an và niềm vui của Chúa đến mọi người. Học cách giải hòa tranh chấp giữa hai người đang thù ghét nhau.

20) Công khai tài chánh: Cần làm các việc chung tập thể với tinh thần công minh chính trực. Khi quyên góp cần đi hai ba người, mang theo sổ sách và sớm báo cáo kết quả với cấp trên.

4. LỜI CẦU:

Lạy Chúa. Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu Cô-lô-xê cũng là khuyên chúng con: ”Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.  Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em phải có lòng bác ái: Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14). Xin Chúa đổ Thần Khí giúp mỗi người chúng con biết sống tinh thần “Hiệp Sống- xin vâng và phục vụ” noi gương Chúa Giêsu như Mẹ Maria xưa, để chúng con có thể gây được thiện cảm với người khác là điều kiện để chu tòan sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho mọi người.- AMEN.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

VỀ MỤC LỤC
Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên qua những sách đọc tham-khảo về tôn-giáo (tiếp theo)

 

Gs. Trần Văn Toàn

Bài đăng ở tập san Định Hướng

1. Marx đọc sách các triết-gia thời thượng cổ 

(tiếp theo)

 

1.2 - Tài-liệu phê-bình tôn-giáo trích từ các triết-gia thời thượng-cổ 

Trong 7 Cặp vở ghi-chú về triết-học của Êpicur (Berlin, 1839), những đoạn quan-trọng được trích ra là lấy từ tác-phẩm của Điogênê Laertios, Sextus Empiricus, Plutarch, Lucretius và Cicêrô. Những tác-giả này đã đem lại cho Marx nhiều tài-liệu bổ-túc cho những yếu-tố đã có trong triết-lý về thiên-nhiên của Êpicur. 

 

1.2.1 - Marx đọc sách của Cicêrô 

Nói chung thì không thấy Cicêrô và Marx có gì giống nhau : Cicêrô thì được xếp vào sổ các triết-gia phái Stoa (khắc-kỷ), còn Marx thì không theo lập-trường như thế. Nhưng Marx có đọc Cicêrô.

Trong các sách của Cicêrô thì Marx đã đọc De natura deorum (Về bản-tính của thần-linh), Tusculana, De finibus (Về các mục-đích), và ông đã trích ra nhiều đoạn có liên-quan đến đề-tài của luận-văn. Có thể chắc-chắn rằng ngoài những đoạn đó ra, Marx còn biết nhiều yếu-tố khác, tuy không được chép lại. Thực vậy, sách viết Về bản-tính của thần-linh thì chia ra làm ba quyển, Chắc là Marx đã đọc hết, nhưng ông chỉ chép lại những đoạn văn có liên-quan đến Êpicur trong quyển thứ I, đoạn thứ 8 và từ đoạn 13 đến 26. Trong một bài viết sau đó mấy năm, tức là bài Phê-bình triết-lý của Hegel về Pháp-luật. Phần dẫn-nhập (1843-1844), có một chi-tiết không quan trọng, mà tôi chưa thấy ai tò-mò tìm xuất xứ, đó là kiểu nói  La-tinh oratio pro aris et focis . Mà người ta thường để vậy chứ không phiên-dịch, đôi khi người ta chú-thích  rằng nó có nghĩa là bài để biện-hộ cho chính mình. Nay xin thưa rằng : đó là câu nói mà Cicêrô đặt vào miệng một trong ba nhân-vật đang thảo-luận trong sách Về bản-tính của thần-linh, trong phần cuối quyển thứ ba, tức là nhà khắc-kỷ (phái Stoa) tên là Lucilius Balbus. Chi-tiết đó cho ta biết là có những điều Marx đã đọc được, tuy không chép lại, nhưng vẫn để trong trí khôn. Có điều chắc, là Marx chỉ trưng-dẫn những tác-giả mà ông đã đọc và biết lập-trường triết-học tổng-quát.

Vậy khi đọc sách của Cicêrô, Marx đã tìm thêm được những yếu-tố nào để phê-bình tôn-giáo ?

Trong sách vừa nói trên đây, Cicêrô dàn cảnh ra cuộc đàm-đạo giữa ba nhân vật tượng-trưng cho ba lập-trường khác nhau : một là Valleius, thuộc học-phái Êpicur, hai là Lucillius, thuộc học-phái Stoa (khắc-kỷ), ba là Aurelius Cotta, thuộc học-phái Platôn. Trong quyển  I, Valleius bắt đầu phê-bình phái Stoa, rồi tóm-tắt quan-niệm của các triết-gia về thần-linh, sau đó thì trình-bày học-thuyết của Êpicur. Đến lượt học-thuyết này bị Aurelius Cotta phi-bác. Quyển II trình-bày quan niệm của học-phái Stoa về thần-linh. Quan-niệm này bị Aurelius Cotta đứng trong quan niệm Platôn  phi-bác trong quyển III, Theo như thế thì chỉ có quyển I là có liên-quan đến học-thuyết Êpicur mà thôi.

Lập-trường của Êpicur được Velleius tóm-tắt như sau :

‘’Các ông đặt chúng tôi suốt đời ở dưới ách của một ông chủ khắc-nghiệt, mà đêm ngày chúng tôi phải sợ. Thực vậy, một vị thần luôn luôn để ý đến mọi việc, nghĩ đến mọi sự, quan-sát hết mọi cái, một vị thần hoạt-động không có lúc nào ngừng, cái gì cũng nhúng tay vào, cái gì cũng cho là có liên-quan tới mình, một vị thần như thế thì ai mà lại không phải sợ ?’’  Ấy thế mà ‘’chính Êpicur là người đã làm cho chúng ta không còn phải sợ-sệt như trước nữa. Nhờ có triết-gia đó mà chúng ta dễ thở. Chúng ta biết rằng các thần-linh không hề có ý làm cái gì phiền-hà đến chính mình, cũng không hề tìm cách gây khó chịu cho kẻ khác. Chúng ta tôn-kính thiên-nhiên, vì bên trên thiên-nhiên thì không còn có gì nữa : thiên-nhiên mới là đáng chúng ta thờ-phụng’’  .

Như thế không có nghĩa là Êpicur phủ-nhận các thần-linh. Người theo học-phái Platôn biết như thế, nhưng đồng thời cũng thấy ngay hậu-quả của lập-trường đó, cho nên đặt câu hỏi :

‘’Khi người ta nói rằng nguồn gốc tất cả các tín-ngưỡng có liên-quan đến thần-linh bất tử, đều là do những người khôn-khéo bày-đặt ra vì lý-do công-ích, vì những kẻ không biết theo lý-trí cũng được thần-linh chỉ-dẫn cho làm việc bổn-phận hẳn-hoi, nói như thế phải chăng là tiêu-diệt tôn-giáo ?’’ Rồi kết-luận :’’Bây giờ trở lại Êpicur, khi chủ-trương rằng thần-linh không phải là những vị có đặc-tính là cứu-độ và ban phát đặc-ân cho người ta, thì tức là đã nhổ tận rễ cái tình-cảm tôn-giáo trong tâm hồn người ta ; chính trong khi ca-tụng bản-tính thần-linh là hoàn-hảo vượt bực, thì ông lại cho rằng thần-linh thiếu hẳn lòng nhân-ái, tức là  đặc-tính của vị nào thực là hoàn-hảo cao-minh’’  .

Hậu-quả đó, Marx đã thấy ngay. Ông đi theo quan-niệm duy-vật và vô-thần của Lucretius.

Có một điều rất quan-trọng ở đây, là cũng trong quyển I, từ đoạn 10 đến 15, có duyệt lại tất cả quan-niệm về thần-linh của các triết-gia, từ Thales và Anaximandre cho tới Zênôn và Chrisippe, tất cả hơn hai chục người. Trình-bày cả ra đây, thì quá dài, cho nên thiết-tưởng chỉ cần nêu ra mấy lập-trường căn-bản mà thôi. Có một số triết-gia cho rằng thần-linh chẳng qua chỉ là những yếu-tố vật-chất , hay là những tinh-tú trên trời. Một số người khác nghĩ rằng thần-linh là một thượng-trí tác-tạo và an-bài mọi vật, hoặc là một linh-hồn điều-động tất cả vũ-trụ. Lại có người do-dự không chắc có thần-linh hay không, vì thế đối với những ai tin, thì thần là có thực, mà đối với những ai không tin, thì thần-linh chỉ là do người ta bày-đặt ra để làm cho đời người dễ sống hơn. Tiếp vào đó thì Aurelius Cotta (học-phái Platôn) cho biết là :’’có những dân-tộc man-di đã tôn một số cầm-thú lên bậc thần-linh, vì đó là những loài vật có ích’’ 

Thế thì thần-linh là gì ? Thiên-Chúa là gì ? Là hữu-hình hay là vô-hình ? Là một hay là nhiều ? Là bất-diệt hay là có diệt-vong ? Ở ngoài vũ-trụ hay là ở trong vũ-trụ ? Là vô-tình đối với vũ-trụ hay là có quan-phòng cho vũ-trụ ? Chính vì có nhiều câu hỏi, nhiều câu trả lời như thế, cho nên không còn quan-niệm nào là tuyệt-đối nữa, mà chỉ còn là tương-đối mà thôi. Lại cũng không còn ai có uy-tín nữa, nhất là từ khi người Hi-lạp khám phá ra cái Lý, và bắt đầu triết-lý, thì :’’Trong khi tranh-luận thì không được tựa vào uy-tín mà bắt người ta phục, người ta có phục thì là phục những lập-luận có lý-sự mà thôi. Tôi muốn nói thêm nữa, là uy-tín của người làm thầy thường có hại cho học-trò : vì những người này chỉ biết tin-tưởng vào ông thầy và tin chắc những điều thầy dậy, mà không còn biết tự mình quyết-định lấy cho mình’’

Hơn nữa, nếu bàn-luận về một đối-vật mà mình không chắc là có thật, thì rõ-ràng là ta chỉ còn chắc được một điều, là có cái Ý-thức của ta, có cái Tự-kỷ Ý-thức, như Marx đã bàn-luận trên đây !

Từ quyển II và quyển III, thì Marx không trích ra đoạn văn nào cả, nhưng ông cũng lấy ra được ba ý-kiến sau đây :

Một là : con người ta có khuynh-hướng đem những đức-tính về luân-lý và những    người đã sáng chế ra những đồ-vật hữu-ích , tôn lên làm thần-linh. Thực vậy, người Hi-lạp  ‘’thường quan-niệm rằng tất cả những gì có ích cho nhân-loại đều phát-xuất do lòng nhân-hậu của một vị thần’’  . Nói thế khác, người ta thờ phụng là vì lòng biết ơn. Đó là  ý-kiến mà nhà khắc-kỷ Balbus trình-bày trong  quyển II, đoạn 23, mà sau này Marx cũng sẽ thấy trong tác-phẩm của Feuerbach.

Hai là : tiêu-chuẩn để phân-biệt tôn-giáo với mê-tín. Sau đây ta sẽ bàn tỉ-mỉ, khi nói vể Pluarch, là tác-giả một cuốn sách nhan đề là Bàn về mê-tín. Còn ở đây thì ta tạm trưng-dẫn mấy câu mà Cicêrô đặt vào miệng của Balbus, cũng trong quyển II :’’Không phải chỉ có các triết-gia, mà cả tổ-tiên chúng ta cũng đã phân-biệt tôn-giáo với mê-tín. Những người cả ngày cầu-khấn và cúng-tế thần-linh, để cho con cái được sống, thì người ta cho là mê-tín... Còn những người giữ cẩn-thận các điều phải làm khi thờ phụng thần-linh, thì cho là có tinh-thần tôn-giáo...  Như thế hai thái-độ khác nhau ở chỗ này : mê-tín là một nhược-điểm, còn tôn-giáo là việc làm đáng công’’ .

Ba là : ý-kiến về nguồn-gốc của ý-niệm về thần-linh. Sau đây là lời giải-thich của Cotta, triết-gia theo học-phái Platôn : ‘’Theo như tiên-sinh vừa nói, thì Clêanthe nghĩ rằng ý-niệm thần-linh được thành-hình trong tâm-hồn người ta do bốn lối : thứ nhất là vì, như đã nói, chúng ta có kiến-thức tiên-đoán về tương-lai, thứ hai là vì có thời tiết thay đổi bất-thường và có động đất, thứ ba là vì trong thiên-nhiên có dư-dật những sự-vật làm cho đời sống chúng ta thoải-mái, bốn là vì trên trời có thứ-tự điều-hòa và có tinh-tú vận-chuyển đều-đặn’’  .

Có lẽ không cần phải trình-bày nội-dung hai cuốn sách Tusculana De finibus của Cicêrô, vì Marx chỉ chép lại trong đó mấy câu đại ý nói rằng Êpicur đã giải thoát nhân-loại cho khỏi dốt-nát, khỏi mê-tín, vả khỏi sợ chết.    

 

1.2.2 - Marx đọc sách của Lucrêtius 

Marx đã đọc của Lucrêtius sách De rerum natura (Về bản tính của vạn vật), theo bản mới được in lại tại Eichstảdt năm 1801, sách viết theo loại thơ, có âm điệu hẳn-hoi,. Những đoạn văn đáng ghi thì Marx chép lại trong phần thứ hai của Cặp vở thứ tư và trong tất cả Cặp vở thứ năm .

Lucrêtius đi theo lập-trường của Êpicur, nhưng từ đó đã chuyển hướng rõ-rệt sang vô-thần. Ông ca-tụng Êpicur là đã giải-thoát tâm hồn người ta cho khỏi những dây ràng buộc của tôn-giáo. Thiết-tưởng chỉ cần trưng ra đây đoạn văn mà Marx chép lại về nguồn-gốc vì sao người ta tin có thần-linh (trích từ quyển V, câu 1168- 1182) :’’Ngay từ buổi sơ-khai thì trong lúc tỉnh-táo, người ta đã thấy được trong tinh-thần của mình những hình-dáng đẹp như thần như tiên, và khi ngủ lại thấy chúng có tầm-thước đồ-sộ. Họ cho rằng các hình-dáng ấy có sống-động, vì thấy tứ-chi có cử-động, lại nghe thấy nói lên những câu oai-vệ, tương xứng với uy thần và sức thần . Thế rồi cho rằng chúng được bất-tử, vì các hình-dáng ấy cứ hiện ra trước mắt mà không thấy kém vẻ đẹp, và vì thấy những vị hùng mạnh như thế không thế nào thua trận được. Thêm vào đó, lại đoán rằng các vị đó phải có một vận-mệnh không ai sánh kịp, vì các vị đó không sợ chết và vì người ta mộng thấy các vị ấy làm được những công-trình phi-thường mà không mệt-mỏi gì cả‘’ .

Marx không chép lại những câu thơ tiếp theo 1183-1188, trong đó Lucrêtius giải-thích thêm rằng người ta còn thấy các hiện-tượng trên trời và thấy bốn mùa nối tiếp nhau một cách đều-đặn, mà không hiểu được lý-do vì sao. Muốn khỏi thắc-mắc bận tâm, người ta gán tất cả cho thần-linh và cho rằng tất cả đều tùy theo thần-linh ra hiệu mà vận-chuyển. Nói tắt một câu, chỉ vì không biết được nguyên-nhân, cho nên người ta qui tất cả vào ý muốn của thần-linh và gán cho thần-linh một thứ uy-quyền tuyệt-đối.

 

1.2.3 - Marx đọc sách của Plutarch 

Marx coi thường Plutarch vì cho rằng ông này hiểu sai Êpicur, mà hiểu sai có lẽ là vì ông không phải là triết-gia, nhưng là sử-gia (sống vào thế-kỷ I-II trước TLKN). Trong luận-văn tiến-sĩ và nhất là trong phần phụ-lục, Marx đã chép  và trưng dẫn một số đoạn văn từ tác phẩm của Plutarch. Trong khoảng từ năm 70 đến 80, Plutarch có viết bằng tiếng Hi-lạp một cuốn sách có liên-quan đến tôn-giáo, nhan đề là Peri deisidaimonias (Luận về mê-tín). Tuy Marx không trích từ sách này ra một đoạn văn nào cả, nhưng có thể đoán rằng sách đó đã không thể qua mắt một người biết tham-khảo cẩn-thận như Marx.

Vấn-đề của Plutarch là xác định thế nào là kính thần cho phải phép, để chống lại hai thái-độ rất khác nhau là vô-thần và mê-tín.

Ông phân-biệt hai thái-độ đó như sau :’’Vô-thần là tư-tưởng sai lạc, chủ-trương rằng không có cái gì là chí-thiện bất hủ, do đó làm cho ta dửng-dưng đến chỗ phủ-nhận thần-linh, và vì tin rằng không có thần-linh, cho nên rốt cục không còn sợ thần-linh nữa ; ngược lại, theo như tên gọi nó, thì mê-tín là một quan-niệm quá nhiều tình-cảm, làm cho người ta tin rằng có thần-linh, nhưng các vị này lại độc-ác và làm hại ta, cho nên người ta sinh ra sợ quá hóa ra tê-liệt, mất can-đảm. Thực vậy, người vô-thần thì xem ra có lập-trường vững chãi đối với thần-linh, còn người mê-tín thì cựa quậy và có những tác-động bất-xứng. Như thế, vì không biết rõ, cho nên một bên thì nghĩ rằng không có thần-linh thiện-hảo, còn bên kia thì lại tin rằng có thần-linh độc-ác. Tựu chung ,vô-thần là một lập-luận sai lạc, còn mê-tín là một tình-cảm phát sinh từ một lập-luận sai lạc’’ .

Có nhiều đoạn văn khác cũng nóí lên như thế, ví dụ :’’Vô-thần là thái-độ dửng-dưng đối với thần-linh, đồng thời thiếu ý-tưởng về điều thiện ; còn mê-tín thì là cảm-xúc thái quá, đồng thời lại hiểu ngầm rằng điều thiện là điều ác. Những người mê-tín thì sợ thần và núp bóng thần, vừa nịnh thần vừa chửi thần, vừa cầu-khấn vừa oán-trách’’  . Và một đoạn văn khác :’’Người vô-thần thì nghĩ rằng không có thần-linh ; còn người mê-tín thì lại muốn là không có thần-linh, họ có tin thì là vì bất đắc dĩ, vì nếu không tin thì lại sợ... Thực ra người vô-thần thì hoàn-toàn không mê-tín ; còn người mê-tín thì tuy muốn là vô-thần, nhưng không vững tâm đủ để dám tự-ý quan-niệm về thần-linh như mình muốn’’  .

Và đây là kết-luận của Plutarch :’’Người vô-thần thì hoàn toàn không gây ra mê-tín ; còn người mê-tín thi lúc đầu cho rằng vô-thần có lý-do tồn-tại, rồi khi có vô-thần rồi thì đưa lý lẽ ra biện-chính’’ .

Nói tóm lại : theo như Plutarch thì thái-độ mê-tín là bất-kính thần-linh hơn thái-độ vô-thần. Vì thê thà rằng chẳng có tín-ngưỡng gì, còn hơn là tin vào một tôn-giáo vô-lý quái-đản. Và ông kết luận rằng phải tránh mê-tín, nhưng đừng rơi vào vô-thần, và con đường trung-đạo mới thực là kính thần cho phải phép.

Như ta biết, đó không phải là lập-trường của Marx. Marx muốn đem vô-thần ra để chống lại cả tôn-giáo lẫn mê-tín, vì cho rằng hai cái cũng là một.

Có đìều bất ngờ là lập-trường này không phải là không có chút nguồn-gốc trong tư-tưởng Hi-lạp thời thượng-cổ. Thực thế, từ-ngữ Hi-lạp deisidaimonia mà người La-tinh phiên-dịch là superstitio, thì vừa có nghĩa là sợ thần-linh, vừa có nghĩa là tôn-giáo. Một chữ mà hai nghĩa, cho nên cũng dễ chuyển từ nghĩa này sang nghĩa kia. Vì thế, khi Plutarch nói rằng Êpicur, là người tin có thần-linh, đã giải thoát nhân-loại cho khỏi sợ thần-linh, thì Lucrêtius và Marx có thể hiểu thêm ra là đã giải-thoát nhân-loại cho khỏi tôn-giáo. Và như thế ta hiểu vì sao cho đến ngày nay vẫn có người đinh-ninh rằng tôn-giáo phát sinh vì ngươì ta u-mê và sợ những mãnh-lực vô-hình, nghĩa là vì người ta mê-tín .

 

1.2.4 - Marx đọc sách của Sextus Empiricus 

Sextus Empiricus là nhà tư-tưởng thuộc phái hoài-nghi do Pyrrhon xướng xuất, ông sống vào thế-kỷ II-III. Marx đã đọc của ông này mấy cuốn sách, như : Chống lại các triết-gia, Chống lại các học-giả Những kiểu mẫu của Pyrrhon . Từ mấy cuốn sách đó Marx có chép vào Cặp vở về triết-học của Êpicur (vở thứ hai) một số đoạn văn, nay in trong bộ MEGA được chừng dăm sáu trang, trong đó có mấy đoạn nói về quan-niệm của Đêmocrit, của Êpicur và của Aristotêlês về thần-linh. Nhưng cũng trong mấy cuốn sách đó Sextus Empiricus còn trình-bày khá dài những quan-niệm khác nhau về Thiên-Chúa cũng như về sự hiện-hữu của các thần-linh. Tôi dám chắc rằng Marx đã đọc được cả, cho nên xin trình bày ra đây cho đủ ý-tứ.

Điểm thứ nhất : về ý-niệm Thiên-Chúa, về ý-niệm thần-linh,

Sextus Empiricus không trưng-dẫn nhiều tác-giả như Cicêrô, nhưng trưng-dẫn một cách chính-xác hơn. Theo như ông quan-niệm thì trong buổi đầu nhân-loại, những người đầu-mục đã bày vẽ ra các thần-linh và huyền-thoại về âm-phủ, để không một ai dám làm điều ác. Theo như Êvhêmêrus, thì các thần-linh chỉ là những người được tôn-phong làm thần, vì có sức, có trí phi-thường. Nhà ngụy-biện Prođicos quê ở đảo Kos, chủ-trương rằng thời xưa người ta coi là thần-linh tất cả những gì có ích lợi cho nhân-loại, như mặt trời, mặt trăng, sông, nguồn, và cả những người đã sáng chế ra các nghề-nghiệp nữa. Còn theo như Đêmôcrit thì người thời xưa căn-cứ vào những hình-ảnh (eidola) giống như người ta, có hình-ảnh có lợi, có hình-ảnh có hại, khủng-khiếp, mà đoán rằng có Thiên-Chúa là một vị có bản-tính bất-diệt

Riêng đối với Aristotêlês thì ‘’người ta có quan-niệm về thần-linh là do hai nguyên-lý, một là những điều nảy ra trong tâm-hồn, hai là những hiện-tượng trên trời. Có những điều nảy ra trong tâm-hồn khi được linh-ứng trong giấc mơ, hay là do lời sấm truyền lại. Vì lẽ rằng khi ngủ, thì hồn người ta trở về bản-tính của mình, cho nên có thể phát ra lời sấm và đoán trước được tương-lai. Hồn người ta cũng ở trong trạng-thái đó lúc sắp ra khỏi xác, lúc sắp chết’’ .

Từ đó người ta đoán rằng có cái gì thần-thiêng , giông-giống như linh-hồn. Và Sextus Empiricus giải-thích thêm :’’Lại có người khác nghĩ rằng tinh-thần là như cái gì nhọn và năng động, khi nó suy-xét về bản-tính riêng của mình, thì cũng suy nghĩ về vũ-trụ, và quan-niệm rằng có một quyền-lực có khả-năng hiểu biết tối cao, cũng giông-giống như mình (tinh-thần), nhưng lại có bản-tính thần-linh’’  .

Êpicur thì tin rằng ‘’Ý-niệm thần-linh là do người ta lấy ra từ những ấn-tượng thâu-nhận được trong lúc ngủ, khi ngủ mà thấy những hình người đánh mạnh vào cảm-quan, thì  người ta đoán là có thật những thần-linh có hình ngườì như thế’’  .

Về nguồn gốc các quan-niệm về thần-linh, cũng nên nói thêm rằng có nhiều người nhận ra như thế trong khi chiêm-ngưỡng thấy các tinh-tú trên trời lúc nào cũng vận-chuyển đều-đặn. ‘’Những người vượt biển muốn tìm cho biết ai đã an-bài trời đất như thế. Và vì nghĩ rằng cái thứ-tự đó không phải tự-nhiên mà có, cho nên tất phải là do một vị nào có bản-tính siêu-việt và bất diệt, vị đó là Thiên-Chúa’’  .

Bây giờ ta đặt lại câu hỏi : thần-tính là gì ? thần-linh là gì ? Đây là câu trả lời mà Marx chép ra từ sách Những kiểu mẫu của Pyrrhon do Sextus Empiricus viết :

‘’Có những triết-gia cho rằng thần-linh là hữu-hình, người khác lại cho rằng là vô-hình. Người này cho rằng thần-linh ở trong không-gian, người khác lại bảo là không như thế. Trong số những người cho là ở trong không-gian, thì kẻ này cho là ở trong vũ-trụ, kẻ khác lại cho là ở ngoài vũ-trụ. Như vậy làm thế nào ta có thể quan-niệm được thần-linh là gì, nếu không biết được bản-tính, hình-hài và chỗ ở của thần-linh ? Những người trên đây muốn phác họa cho ta mấy nét về thần-linh, thì họ cứ thỏa-thuận với nhau rằng thần-linh là thế nọ thế kia trước đi đã, rồi sau đó mới có thể bảo chúng ta quan-niệm về thần-linh. Bao lâu họ chưa đồng-ý được với nhau, thì chúng ta chưa thấy phải đồng-ý mà quan-niệm như thế nào.

Có thể là họ sẽ nói rằng : cứ tưởng-tượng ra một cái gì vừa bất-diệt vừa được hạnh-phúc, rồi bảo đó là thần-linh. Nhưng nói như thế là ngu : cũng như ai chưa quen biết Điôn, thì làm sao mà biết được Điôn có những đặc-điểm nào, cũng thế, chính vì chúng ta không biết bản-tính thần-linh, cho nên cũng không biết, không quan-niệm được các đặc-điểm của thần-linh’’  .

Như đã nói trên đây, Marx không chép lại những quan-niệm đó, có lẽ vì quá dài-dợ. Nhưng nếu Sextus Empiricus trình-bày cả ra, thì tất có dụng-ý : vì càng có nhiều quan-niệm khác nhau về thần-linh, thì người ta càng thấy rõ là các nhà tư-tưởng đó đều không biết chắc đâu là sự thật  .

Tuy nhiên ông có ý-kiến là người ta bẩm sinh đã có chút  tư-tưởng. Ông viết :’’Tất cả những người mà tôi nhắc tới, đều đã có từ trước một ý-kiến chung về Thiên-Chúa ? Theo đó, Thiên-Chúa là một hiện-hữu có sống-động, thánh-thiện, bấy-tử, hoàn-toàn hạnh-phúc, không vướng mắc điều ác. Vì nếu mọi người đều nghĩ về Thiên-Chúa với những đặc-tính như nhau, thì không có lẽ gì mà lại do ngẫu-nhiên, nhưng tất phải là do lẽ tự-nhiên như thế. Cho nên phải kết-luận rằng nếu cổ-nhân công-nhận là có thần-linh, thì không phải là vì đã thỏa-thuận với nhau, hay là vì có luật xác-định như thế’’ .

Quan-niệm bẩm-sinh đó làm cho Sextus Empiricus quan-niệm về Thiên-Chúa khác  Êpicur :’’Người ta có ý-tưởng về Thiên-Chúa, không phải là vì đã nới rộng tầm vóc của một tạo-vật có hình người, nhưng còn là vì đã thêm vào đó mấy đặc-tính, như : thánh-thiện, bất-tử và có quyền-lực trên vũ-trụ’’  .

Điểm thứ hai : Về sự hiện-hữu của các thần-linh.

Sextus Empiricus đưa ra bốn chứng-lý, mà sau này người ta hay dùng trong phần Thiên-Chúa-luận (théodicée).

Chứng-lý thứ nhất là mọi người đồng-ý như thế.

Chứng-lý thứ hai thì căn-cứ vào trật-tự trong vũ-trụ. Chứng-lý này lại chia ra làm nhiều hạng. Hạng thứ nhất tựa vào sự-kiện là vũ-trụ có xoay-vần và biến dạng. Hạng thứ hai cho rằng các sự-vật trong trời đất được hoàn-hảo theo nhiều mức độ, và vì thế phải có cái gì, hay là một vị nào, ở mức độ hoàn-hảo cao nhất. Quan-niệm rằng Thiên-Chúa là thượng-trí đã tác-tạo nên một thế-giới các sự-vật được an-bài có thứ-tự, và một thế-giới những con người có trí-khôn, quan-niệm đó đã được trình-bày theo nhiều kiểu. Ví-dụ như :’’Muốn sinh ra được loài có trí khôn, thì tất nhiên chính mình cũng phải có trí khôn ; vậy nếu quyền-lực mà ta nói trên đây đã tác-tạo ra được loài người, thì quyền-lực ấy tất nhiên phải có trí khôn, và đây là đặc-điểm của bản-tính thần-linh. Vì thế phải kết-luận là có thần-linh’’  .

Chứng-lý này cũng là của Xênôphôn : nếu khi thấy một pho tượng, ta nhận ra người nghệ-sĩ, thì khi thấy con người có linh-hồn linh-động lại có thân-xác khéo-léo, ta cũng phải nhận đó là công-trình của một vị thượng-trí. Đó cũng lại là chứng-lý của các triết-gia phái khắc-kỷ (phái Stoa) : vũ-trụ vận-chuyển có thứ-tự, như thế không thể do cơn gió lốc ngẫu-nhiên mà ra được, cho nên phải là do một thượng-trí, nghĩa là do Thiên-Chúa.

Chứng-lý thứ ba cho rằng nếu không có thần-linh thì sẽ có hậu-quả vô-lý. Vì rằng : nếu không có thần-linh, thì cũng không có nhân-đức kính-thần, không có công-bình, không có lời sấm (prophétie). Nhưng ta biết là có nghi-thức kính-thần và đó là nhân-đức kính-thần, ta biết là kính thần như thế là công-bình đối với thần và như thế là thánh-thiện, ta cũng còn biết là có khoa dạy giải-thích các điềm lành hay dữ, mà thần-linh cho ta biết (trong khoa chiêm-tinh, khoa bói-toán, khoa đoán tương-lai. Cho nên tất nhiên là phải có thần-linh.

Chứng-lý thứ bốn trình-bày khá dài các vấn-nạn chống lại sự hiện-hữu của thần-linh, của Thiên-Chúa, và nêu lên rằng các vấn-nạn đó sẽ đưa đến chỗ mâu-thuẫn, nếu ta quan-niệm Thiên-Chúa là một vị có linh-hồn, có hình-hài, có nhân-đức, lại để tâm quan-phòng cho người ta. Thiết-tưởng không cần đi vào chi-tiết của chứng-lý này, vì Marx cũng không coi là quan-trọng, hơn nữa tựu chung tất cả đều đưa tới lập-trường hoài-nghi của Sextus Empiricus : ’’Kết quả là những ngườì theo phái hoài-nghi đều ngừng không phán-đoán gí cả, nhất là vì quan-niệm của  quần-chúng về thần-linh rất là khác nhau. Khi nói về thần-linh thì những người khác nhau có những ý-tưởng khác nhau và chống nhau nữa. Ví thế nói chung thì không có một ý-tưởng nào có thể coi là đáng tin cả, và còn vì lẽ là có một vài ý-tưởng cũng vững như nhau, rồi sau cùng thì vì có nhiều người bày vẽ ra huyền-thoại, có những thi-sĩ đưa ra những điều thật là bất kính thần-linh. Cho nên trong khi phê-bình thi-sĩ Hômêr và Hêsiôde thì Xênôphan nói :’’Cả Hêsiode lẫn Hômêr đều gán cho thần-linh những hành-động mà loài người ta coi là xấu và đáng xấu-hổ, như : trộm cắp, ngoại-tình, lừa bịp nhau’’  .

Đoạn văn vừa trưng-dẫn ra đây làm cho ta nghĩ đến một triết-gia người Pháp thời Cận-đại, René Descartes viết trong Qui-tắc (thứ hai) để hướng-dẫn trí khôn (Règles pour la direction de l’esprit) :’’Về cùng một đề-tài, khi mà hai học-giả có ý-kiến khác nhau, thì chắc-chắn là một trong hai ngườì đã lầm, lại rất có thể là cả hai đều không nắm được kiến-thức vững-chắc, ví nếu chứng-lý của người này vừa vững-chắc vừa hiển-nhiên, thì tất-nhiên là phải có thể trình-bày sao cho người kia chịu phục’’  . Có đìều là Descartes không chịu dừng lại ở thái-độ hoài-nghi, nhưng đã cố gắng tìm ra tiêu-chuẩn đưa tới kiến-thức vững chắc và hiển-nhiên. Có thế tư-tưởng mới không bị ngừng-trệ. 

 

1.2.5 - Toát- yếu 

Đọc sách các nhà tư-tưởng thời thượng-cổ, nhất là của Cicêrô và Sextus Empiricus, Marx nhận thấy rằng về sự hiện-hữu và về bản-tính thần-linh, người ta đã có những quan-niệm rất khác nhau, có khi còn mâu-thuẫn nhau nữa, và vì thế không thuyết-phục được ai. Sextus Empiricus giữ một thái độ dè-dặt, hễ không biết thì nói là không biết, cho nên chủ-trương là trong tình-trạng ấy thì chỉ nên hoài-nghi, chứ không nên chọn lập-trường nào cả. Nhưng Marx thì lại không dè-dặt như thế : thay vì nói là mình không biết là có thần-linh hay không, thì ông quả quyết rằng mình biết và biết là không có thần-linh. Ông chọn hẳn lập-trường của Lucrêtius, và cao-tuyên là không có thần-linh nào hết. Nếu thái-độ ‘’không biết là có’’ không cần phải minh-chứng, thì thái-độ ‘’biết là không có’’ cần phải có chứng-lý thêm, Vì lẽ rằng nếu có quan-niệm nào về thần-linh hay là về Đức-Chúa, khác hẳn những quan-niệm đã nêu ra trong tôn-giáo Hi-lạp, mà mình chưa nghiên-cứu cho rõ, thì chưa đủ lý để tuyên-bố như thế.

Có lẽ đây là một chỗ sơ-hở trong qui-tắc nghiên-cứu, mà ta thường thấy nơi những người muốn biết thật nhiều nhưng lại thiếu nhẫn-nại : chưa biết tất cả mà đã đưa ra một câu phán-đoán tổng-quát. Vì như đã nói trên đây, sau khi khảo-cứu về tôn-giáo Hi-lạp, thì Marx đi thẳng luôn tới thời Cận-đại, và tìm đọc sách vở của những triết-gia phê-bình tiêu-cực tôn-giáo, và như thế là bỏ qua đi hơn một nghìn năm trong đó người ta trình-bày tích-cực đạo Thiên-Chúa, và đưa ra những quan-niệm ngược hẳn lại tôn-giáo Hi-lạp. Cũng rất có thể là Marx đã lấy lại thiên-kiến của một số người đương-thời, cho rằng trong một nghìn năm giữa thời Thượng-cổ và Cận-đại thì không có gì đáng kể, cho nên ông bỏ qua và rồi sau đó chỉ đọc những ai chống tôn-giáo mà thôi. Lựa chọn tài-liệu nghiên-cứu như thế, tức là đã chọn sẵn trước câu kết-luận. Nhưng có một điều chắc-chắn là cho dù thực sự có muốn đọc thêm về những lập-trường khác, thì khi soạn luận-văn tiến-sĩ trong một hai năm, Marx cũng không tài nào tìm ra thì-giờ để đọc qua được những điểm then chốt của một nghìn năm sách vở thời Trung-cổ.

 Thêm vào những nhận xét trên đây, ta cũng nên nhắc lại rằng : xét chung chung thì lập-luận của Marx về tôn-giáo, vào khoảng những năm 1840-1841, vẫn chưa được nhất-quán, vì có lúc thì nó là duy-vật, có lúc nó lại là duy-tâm, và còn duy-tâm hơn cả Hegel nữa. Sau đây Marx không còn lấy lại lập-trường duy-tâm căn-cứ vào Tự-kỷ Ý-thức nữa.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
Gía trị việc làm của Con Người trong Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội (3)
 

NGUYỄN HỌC TẬP 

Việc làm như là thống trị trên vạn vật.

   - " Ta hãy làm ra con ngươi theo hình ảnh Ta..., để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú , tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất... ( Gen 1, 26).

Ý nghĩa của câu Thánh Kinh vừa trích dẫn cho thấy địa vị trổi thượng và thống trị của con người trên các tạo vật được Chúa dựng nên.

Nhưng thống trị, theo HDXHGH không có nghĩa là con người áp đặt lên tạo vật những gì không thuộc về bản tính của chúng, hay nói cách khác là đàn áp vũ phu lên tạo vật. Các biến cố ô nhiểm môi sinh, ô nhiểm không khí do cách " áp đặt " vô ý thức của con người lên tạo vật đang diễn ra trước mắt chúng ta. Chính những tác động đó đang và sẽ đưa đến những tác hại quật ngược lại đối với mạng sống con người.

Thống trị trên tạo vật cũng không có nghĩa là chiếm hữu tạo vật, coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa là một siêu thị, một thi trường mở rộng để mỗi cá nhân tha hồ cạnh tranh, tha hồ chiếm hữu. Đó cũng là thái độ nguyên tội của kinh tế lắm khi tạo ra bao nhiêu tệ nạn cho con người.

 

Làm việc là cộng tác sáng tạo với Thiên Chúa.  

Điều vừa kể có nghĩa là tôn trọng và gìn giữ các mục đích mà Thiên Chúa đã đặt vào bản tính của tạo vật, khi Người dựng nên.

Ý nghĩa đó nói lên con người có những giới hạn rõ ràng trong động tác làm việc của mình, mặc dầu với trí khôn được Chúa ban cho, con người vẫn có nhiều khoản không gian rộng lớn để triển nở trí sáng tạo của mình.

Các giới hạn mà con người phải lưu ý đến, đó là vạn vật được sáng tạo có trật tự thứ bậc nơi chính mình và xử dụng vạn vật bị bắt buộc phải xử dụng để mưu lợi ích cho tất cả mọi người, không trừ ai, đảng viên của Đảng và Nhà Nước hay không cũng vậy.

Vạn vật được sáng tạo, được dựng nên có trật tự nơi mình và đối với các tạo vật khác, điều đó con người hiện nay thường hay quên đi.

Bởi đó phát minh ra một sản phẩm mới không phải chỉ có nghĩa là mãnh lực của gân cốt, bấp thịt, mà còn là kết quả của trí khôn ngoan. Không có tạo vật nào được tạo dựng nên riêng rẽ, tách rời, mà luôn luôn hoà hợp với môi trường của mình. Điều đó có nghĩa là mỗi tạo vật được xác định bởi mối liên hệ của mình với cả thể giới được tạo dựng nên.

Giữa các tạo vật và chính con người cũng có mối tương quan trong trật tự thế giới-vũ trụ vừa kể.

Như vậy

   - " Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để trồng trọt và canh giữ đất đai " ( Gen 2, 15) là động tác sản xuất và gìn giữ kính trọng các mối tương quan đó giữa các tạo vật. 

Đừng nên làm lẫn giữa tư tưởng về trật tự trong các tạo vật được Chúa sáng tạo với thứ tự phẩm bậc văn hoá, là những gì được các thói quen, truyền thống của con người đưa vào.

Cũng vậy, không nên tưởng rằng trật tự các tạo vật được dựng nên là trật tự, thứ bậc đã hoàn hảo rồi. Trật tự các sự vật được Chúa dựng nên là một nguyên tắc trật tự, thứ bậc được Chúa đặt vào để sống động hoá tạo vật  và mối liên hệ giữa chúng với nhau, chúng ta cần còn phải tìm hiểu để biết đưọc thoả đáng.

Lạm dụng và nô lệ hoá thiên nhiên đã khiến con người đặt mình trên trật tự các tạo vật được dựng nên và quên đi con người chúng ta cũng tùy thuộc phải lẽ vào tạo vật để sống.

Làm băng hoại môi trường, dùng súc vật một cách bất chính như là dụng cụ và cả việc pha trộn thủ chế ( manupuler) thân thể con người đang cho thấy là những hành động tai hại và hủy hoại đối với chính con người.

Ngày nay trong thế giới giàu sang dư dả của con người, không mấy ai còn nghĩ đến việc tiên liệu, giúp đỡ, giải quyết các vấn đề cho cuộc sống cá nhân, cho bằng mối lo âu làm sao bảo đảm cho sự sống còn của cả nhân loại. Càng ngày chúng ta càng ý thức rằng thái độ không tôn trọng đối với thế giới vật chất không con người, chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng thực hiện hoàn hảo con người. Bởi đó không phải ít khi nhiều người đang suy nghĩ rằng cần phải trở về trạng thái trật tự của tạo vật.

Việc làm của con người phải khởi sự lại từ đây, từ việc duyệt xét lại vị trí của con người giữa thể giới được dựng nên.

Như vậy trước khi có tác động thống trị qua động tác làm việc của con người, con người cần phải nhận thức rằng mình cũng là tạo vật như tất cả những tạo vật khác trên thế gian và có liên hệ với chúng bởi một số mạng sống còn hay bị tiêu diệt.

Duới nhãn quang vừa kể, mọi thái độ đề cao quá đáng địa vị thượng đẳng của con người trên mọi tạo vật là thái độ không phải cách, bởi lẽ chính đời sống chúng ta nhiều khi tùy thuộc vào cả những tạo vật bé mọn, gần như vô nghĩa. 

Nhu vậy, nếu một mục đích của việc làm là " ...và canh giữ đất đai " ( Gen 2, 45), bảo vệ và canh giữ tạo vật , thì phận vụ đó là bổn phận phải có của con người đối với tất cả các tạo vật hiện diện khắp đó đây trên thế giới.

Con người làm việc được mời gọi hãy nói lên tiếng nói cho các tặo vật, định chuẩn giá trị của chúng. Hiểu như vậy, kỷ thuật thay vì có thái độ khiêu khích, xem tạo vật như là kho năng lượng và nguyên liệu cần phải khám phá, khai khẩn và lợi dụng để cho thấy quyền năng thống trị con người trên tạo vậy, thì trái lại, có lẽ con người nên có nhãn quang mới mẻ hơn, làm việc là để đem ra ánh sáng những gì còn đang được ẩn giấu trong tạo vật.

Con người làm việc, hiểu như vậy, là con người " trồng trọt và canh giữ đất đai ", chớ không phải làm việc để thu tóm, chất chứa và lợi dụng, bốc lột, tước đoạt. 

Bởi đó canh nông   là lãnh vự tiêu biểu cho ý nghĩa vừa kể của làm việc và bởi đó HDXHGH luôn luôn nhìn canh nông dưới nhãn quang đầy cảm tình:

   - " Động tác của người nông dân không kích động đất đai đồng ruộng. Trong động tác gieo giống, người nông dân ủy thác hạt giống cho sức manh phát triển của thiên nhiên và trông coi cho chúng lớn lên " ( S. Mosso, La Chiesa e il lavoro, Ed. Lavoro, Bologna 1982, p.187). 

Cả kỷ nghệ cũng được coi là động tác con người trên động tác của thiên nhiên. Kỷ nghệ cũng có thể được coi là động tác rút ra năng lượng và nguyên liệu đang còn tiềm ần trong thiên nhiên, miễn là động tác kỷ nghệ không đi ngược lại và làm tiêu diệt bản năng của vật liệu được dùng cho kỷ nghệ và phá hoại môi trường hiện hữu của các vật thể đó.

Hiểu như vậy, sự sáng tạo của kỷ nghệ càng làm cho con người sát gần hơn với Đấng Tạo Hoá, nhưng đồng thời cũng nói lên một mức quân bình rất khó thực hiện giữa sáng kiến của người làm việc và và tiềm năng đang ẩn chứa trong thiên nhiên ( M. Heidegger, Saggi e discorsi, trad. it. di G. Vattimo, Mussa, Milano 1976, p. II).

Bởi đó " gìn giữ và thống trị " không chỉ có nghĩa là để cho vạn vật sống còn, không bi phá hủy tiêu diệt hay chỉ để cho vạn vật tự chúng nảy sinh theo bản tính của chúng, mà còn là mở ra con đường cho những thực, hiên những kết quả mới đang còn tìm ẩn trong khả năng của chúng: bón phân thêm, lựa chọn giống sinh nhiều hoa quả tốt hơn, họp tập những khả năng khác hơn của nhiều loại thực vật với thực  vật hay động vật với động vật khác nhau, để được hoa trái nhiều hơn, lớn hơn, ăn ngon miệng với nhiều hương vị hơn, hoặc nhiều động vật có nhiều sức lực hơn để giúp trong việc đồng áng chẳng hạn.

Nhưng nên coi chừng luôn luôn phải đặt hai đặc tính " gìn giữ và thống trị " đi đôi với nhau, nếu chúng ta không muốn đạt được tiến bộ, nhưng đồng thời lại phá hủy thiên nhiên. 

Hiểu như vậy chúng ta thấy được việc làm của con người

   - không thể chỉ được xác định để đáp nhu cầu sơ đẳng của con người,

   - nhưng còn có ý nghĩa căn bản là bổn phận làm cho thiên nhiên được phát triển,

   - định chuẩn giá trị của những gì tự chúng bất động và cho phần thiên nhiên câm nín cũng có tiếng nói của chúng.

Con người làm việc là để mưu ích tốt đẹp cho cả thiên nhiên vạn vật.

Ý nghĩa vừa kể cho phép chúng ta liệt kê vào việc làm của con người, cả những động tác không chỉ nhằm trực tiếp đáp ứng lại nhu cầu sống còn của con người.

Và ngay cả việc làm nhằm đáp ứng lại những đòi hỏi sống còn của con người cũng cần có những suy nghĩ rộng rãi hơn và thay đổi chiều hướng hạn hẹp, chỉ nhằm lợi thú trước mắt, cá nhân hay phe nhóm, không đếm xỉa gì đến sự sống còn và phát triển của thiên nhiên.

 

 Làm việc và quyền tư hữu.

Dưới một nhãn quang nào đó, con người cũng là tạo vật như những tạo vật khác, nhưng dưới một nhãn quang khác, không ai có thể chối cải được con người trong thiên nhiên có một sứ mệnh, phận vụ đặc biệt.

Điều vừa kể ai cũng thấy được, không những do những gì Thánh Kinh thuật lại, mà ngay cả trong kinh nghiệm của tất cả.

Tín lý về việc tạo dựng cho rằng địa vị cá biệt đó của con người trên thế giới là địa vị do Chúa muốn:

   - " Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào Vườn Địa Đàng, để trồng trọt và canh giữ đất đai " ( Gen 2, 15).

Địa vị đó của con người đối với thiên nhiên không phải là những gì con người chính phục được hay là một chiến thắng trong cuộc đấu tranh giữa các giống loại với nhau. Càng không phải chỉ là đặc ân dành riêng cho những ai có trí óc hơn, có khả năng hơn, hoặc của những ai thắng trận được trong cuộc chiến dành quyền sống còn, càng không phải do việc hên xuôi may rủi, như trong một cuộc xổ số.

Mỗi người, do sự kiện là người thuộc dòng gióng nhân loại, đã được Thiên Chúa nghĩ đến và muốn cho là người gìn giữ va thống trị thiên nhiên vạn vật, từ những giống vật khôn ngoan nhứt đến những giống kém nhứt, từ những giống đẹp nhứt đến những giống xấu xí nhứt, từ những giống lành mạnh nhứt, đến những giống èo uột yếu kém nhứt.

  - " Thiên Chúa phán: " Ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh Ta, giống như Ta, để cho con người làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất " ( Gen 1, 26).

Điều đó cho chúng ta hiểu được lý do cho sự biện minh địa vị thống trị con người trên tạo vật.

Nếu ai khước từ tín lý về công cuộc sáng tạo, ơn gọi trên của con người không còn là ơn gọi nguyên thủy nữa, mà chỉ là kết quả của những gì do nền văn minh phát triển chiếm được.

Và nếu hiểu như vậy, địa vị thống trị của con người trên vạn vật không còn có lề luật lằn mức nào nữa và cũng không phải cho tất cả mọi người, mà chỉ là quyên lực của những kẻ giàu có, uy quyền hoặc phe nhóm, phái giống nào đó.

Trái lại, nếu thống trị trên vạn vật là phận vụ được Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo vũ trụ giao cho mỗi ngưới, bất cứ ai là con người của dòng giống nhân loại, chúng ta thấy được địa vị đó được trải rộng ra cho mọi con người, như là đại diện Thiên Chúă Tạo Hoá trên trần gian.  

Hiểu được như vậy, chúng ta hiểu được tại sao các Thông Điệp về xã hội cuối cùng ( Laborem exercens, Sollecitudo rei socialis, Centesimus annus) nhấn mạnh đến đặc tính phổ quát của tài nguyên, của cải trên mặt đất ( CA, n. 31):

   - " Thiên Chúa đã ban mặt đất để dùng và hưởng thụ cho cả dòng giống nhân loại, bởi vì Thiên Chúa không ban cho con người để tất cả đều có quyền sở hữu chung và rối loạn. Đây không phải là ý nghĩa của chân lý đó. Điều đó chỉ có nghĩa là Thiên Chúa không giao một phần đất nào cho bất cứ một người cá biệt nào, nhưng để việc phân chia các quyền sở hữu cho khả năng sắp xếp của con người và cho các tổ chức cơ chế của các dân tộc. Nói cho cùng, mặc dầu được chia thành các quyền tư hữu, đất đai vẫn còn được dùng để phục vụ và lợi ích cho tất cả, như vậy không ai trên thế giới mà không tìm đuợc thức ăn từ các sản phẩm đồng áng " ( RN, n.7 ). 

Như vậy chúng ta có thể nói là mọi sự vật đều được ban cho mỗi người, để con người thống trị và quản trị theo đồ án của Thiên Chúa, nghĩa là có lợi ích cho tất cả mọi người.

Con người làm việc từ lúc khởi đầu đã có trước mặt mình cả cánh động được dựng nên. Như vậy anh ta có trăm phương ngàn cách để tác động khả năng sáng tạo của mình và phận vụ mình.

Mọi người đều có quyền tác động mỗi việc làm và không có việc làm nào dành riêng cho một người nào.

Tuy nhiên do tính cách giới hạn của con người ( mặc dầu trước viễn ảnh bao la của nhiều hình thức làm việc khác nhau, nhưng mỗi người chúng ta có giới hạn trong việc chọn lựa việc làm tùy theo khả năng cá nhân, trên thị trường làm việc hiện đại), chúng ta nhận thức được chúng ta còn xa xôi so với đồ án nguyêh thủy của công trình sáng tạo, của đồ án dành cho nhân loại và cuộc sống ngắn ngủi của con người, chúng ta bị bắt buộc đặt trọng tâm việc làm vào một lãnh vực xác định và cũng không phải lúc nào cũng có thể thay đổi việc làm trong cuộc sống.

Điều vừa kể có nghĩa là mỗi người chúng ta có một mối tương quan đặc thù với một phần bé nhỏ của thế giới được tạo dựng và điều đó có liên quan thiết yếu đến quyền tư hữu. 

Để có được quyền tư hữu tài nguyên của cải và chiếm hữu tài sản, cần phải có sự phân chia và quy hữu cho từng cá nhân, để cho tài sản được thể hiện một cách có trật tự theo mục đích nguyên thủy của mình, đó là  được cộng đồng con người quản trị.

Nhưng điều quan trọng là việc xử dụng các tài sản đó phải nhằm lợi ích cho tất cả.

Tư hữu có lý do chính đáng bởi vì đó là phương thế cho phép mỗi con người đều có thế dùng chung các tài sản.

Trái lại nếu tước bỏ đi quyền tư hữu, mỗi con người trong địa vị cá nhân của mình bị làm cho trở thành bất lực tự mình đáp ứng lại ơn gọi tiên khởi là thống trị mọi vạn vật được dựng nên.

Trong tình trạng như vậy, quyền thống trị vạn vật nguyên thủy được thiết dịnh lúc Thiên Chúa sáng tạo vạn vật sẽ bị ủy thác cho một công đồng vô danh tánh, chiếm hữu công quả việc làm của mỗi người, tước bỏ đi mọi trách nhiệm sản xuất và phân phối các tài sản đó.

Điều đó đưa đến kết quả là người làm việc bị giảm thiểu địa vị của mình và làm cho mình không có trách nhiệm gì nữa:

   - " Quyền tư hữu hay một quyền nào đó trên của cải vật chất bảo đảm cho mỗi người có được một khoản không gian tự lập cần thiết cá nhân và gia đình. Của cải vật chất bên ngoài đó phải được coi như là một sự nối dài của tự đo con người. Chính quyền tư hữu, tự bản thế mình, cũng có động tác xã hội, được đặt trên nền tảng luật về mục đích chung của tài sản " ( Gaudium et spes, n. 71)  

Thuộc về lãnh vục làm việc và người làm việc

   - không những là động tác sản xuất,

   - mà còn có động tác can thiệp vào việc phân chia các kết quả của việc mình làm ( S. Tommaso d'Aquino, Summa Theologia, II = II, q.66).

Quan niệm về chủ quyền hay sở hữu chủ của HDXHGH bao gồm cả tư tưởng nầy lẫn tư tưởng kia, bởi vì mục đích của làm việc được hàm chứa trong ý nghĩa của việc làm.

Quyền tư hữu là một trong những hình thức cần thiết để

   - bảo đảm cho phận vụ sản xuất

   - và phân chia trong ý nghĩa tổng quát của nó.

Về phía mình, quyền tư hữu trên phương diện lề luật luân lý , con người không được dùng của cải vật chất như là những gì riêng tư của mình, mà như là của chung, làm thế nào để cho người khác cũng có thể dự phần vào được trong trường hợp cần thiết.

VỀ MỤC LỤC
Kẻ quấy rầy  

 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Chỉ dẫn: 

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

Lưu ý: 

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại. 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.  

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề: CẦU NGUYỆN (tiếp theo)

15. Kẻ quấy rầy  

Một cụ già đạo đức cầu nguyện mỗi ngày năm lần đang khi bạn đồng nghiệp của ông chẳng bao giờ đặt chân đến nhà thờ. Hôm mừng sinh nhật thứ tám mươi của mình, cụ già cầu nguyện như sau: 

“Ôi lạy chúa! Từ lúc con còn trẻ, chưa một ngày nào mà con không đến nhà thờ buổi sáng và đọc kinh mỗi ngày năm lần. Con đi đâu, quyết định điều gì, quan trọng hay không quan trọng, không khi nào mà con không kêu danh Chúa. Nay, với tuổi già, con phải làm gấp đôi mọi chuyện đạo đức và cầu nguyện với Ngài không ngưng nghỉ, đêm cũng như ngày; vậy mà, con đây, vẫn nghèo đói như một con chuột nhà thờ. Ngài coi, ông bạn đồng nghiệp của con. Ông ấy uống rượu, bài bạc, thậm chí khi đã về già lại còn giao du với các bà xấu nết, vậy mà ông ấy cuộn mình trên vàng. Con sợ rằng chưa bao giờ ông ấy mở miệng cầu nguyện dù là một lời cầu nguyện đơn sơ nhất. Giờ đây lạy Chúa, con không cầu Chúa phạt ông ấy, vì như thế, con đâu còn là người có đạo. Nhưng xin Chúa hãy nói cho con, tại sao, tại sao, tại sao Chúa để cho ông ấy giàu có và tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?”. 

Chúa trả lời, “Bởi vì ngươi là kẻ quấy rầy Ta chưa từng thấy”. 

Nội quy của một đan viện kia không bảo: “Đừng nói”, nhưng “Đừng nói, trừ phi bạn làm cho sự thinh lặng có ý nghĩa hơn”. 

Về việc cầu nguyện, cũng có thể nói được như thế chứ?  

ڰ 

16. Lời cầu nguyện, người cầu nguyện 

Bà hỏi: “Tối nào con cũng cầu nguyện chứ?”.

Cháu nói: “Vâng, thưa bà!”.

Bà hỏi: “Mỗi sáng thì sao?”.

Cháu nói: “Không, vì ban ngày con không sợ”. 

ڰ 

17. Bà lão đạo đức  

Sau cuộc chiến, một bà lão đạo đức bảo: “Chúa quá tốt lành với chúng ta. Chúng ta đã cầu nguyện và cầu nguyện rất nhiều, thế là bao nhiêu bom đạn đều trút xuống thành phố bên kia!”. 

ڰ 

18. Cầu nguyện cho Hitler  

Cuộc bách hại người Do Thái của Hitler trở nên quá tàn bạo đến nỗi có hai người Do Thái quyết định ám sát ông. Họ ôm súng mai phục ở một địa điểm mà họ biết Hitler sẽ đi qua. Hitler đến trễ và một ý nghĩ kinh hoàng chợt đến với Samuel. “Joshua”, anh nói, “hãy cầu nguyện cho đừng có điều chi xảy ra với ông ấy!”. 

ڰ 

19. Bà dì đạo đức  

Mỗi năm, các cô cậu đều có thói quen mời bà dì đạo đức của chúng đi chơi xa. Năm nay, chúng quên mất. Nhưng rồi, giấy mời cũng đến vào phút chót, dì chúng bảo, “Trễ quá rồi. Mình vừa cầu nguyện cho trời mưa”. 

ڰ 

20. Cho đến khi Cha xen vào  

Một linh mục thấy có người phụ nữ tay ôm lấy đầu ngồi trong ngôi nhà thờ vắng tanh. Một giờ trôi qua, rồi hai giờ. Người phụ nữ vẫn ngồi đó. 

Nghĩ rằng đây là một linh hồn thất vọng. Nóng lòng giúp đỡ cô, vị linh mục tiến lại phía cô và nói, “Tôi có thể giúp cô điều gì chăng?”. “Không, thưa Cha”, cô ấy đáp, “Con đã có được tất cả những gì con cần”. 

Cho đến khi Cha xen vào! 

 

VỀ MỤC LỤC

MỘT MÔ HÌNH LINH MỤC CHO NGÀY HÔM NAY (tiếp theo)

 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://chivilongchuathuongtoi.blogspot.com/

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI 

2011-2012

 

CHƯƠNG MỘT:

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

 

A. MỘT MÔ HÌNH LINH MỤC CHO NGÀY HÔM NAY 

(tiếp theo)

 

A.5. Linh mục là người mở ra với hiệp thông

Hiệp thông và hiệp nhất là lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Cứu Thế cho các môn đệ của Ngài. Mối hiệp thông này bắt rễ trong Chúa Ba Ngôi và từ Chúa Ba Ngôi: sự hiệp thông và trao đổi tình yêu vĩnh cửu giữa ba ngôi vị trong chiều kích hướng nội (ad intra); ba ngôi hoạt động riêng biệt nhưng trong một thể thống nhất cho con người và mọi loài thụ tạo theo chiều kích hướng ngoại (ad extra).

Linh mục phải sống mối hiệp thông trọn vẹn của Hội Thánh phổ quát trong tâm tình vâng phục thảo hiếu, để xây dựng nhiệm thể toàn vẹn của Chúa Kitô.[32] Thánh Phaolô nói đến các yếu tố đa dạng xây dựng nên thân mình Chúa Kitô là Hội thánh, mà trước hết là các ân sủng;[33] tiếp đến là các bộ phân trong một thân thể, sánh ví với các loại người và các chức năng trong Hội Thánh, tuy nhiều nhưng hiệp thông với nhau nên một duy nhất,[34] và sự hiệp thông cao nhất và trọn vẹn nhất trong bí tích Thánh Thể: ngàn hạt lúa miến làm thành tấm bánh và muôn hạt nho ép thành chén rượu, các tín hữu hiệp thông với nhau trong đức ái kết dệt nên một Hội Thánh duy nhất.

Theo tinh thần Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu số 43, linh mục còn phải sống và làm việc trong tinh thần hiệp thông và cộng tác để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, góp phần xây dựng mối hiệp thông của toàn thể nhân loại và thế giới được tạo thành vẫn hằng ngóng chờ ngày được giải thoát.[35]

Đối với sứ vụ của Giáo Hội, hiệp thông và truyền giáo luôn song hành và kết nối không thể tách lìa nhau,[36] bởi vì trước khi nói về Chúa, thì phải sống hiệp thông mật thiết với Chúa, nói với Chúa và nghe Chúa nói đã: không ai có thể cho cái mình không có! “Chỉ khi chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta mới có khả năng dẫn dắt con người về với Chúa và mở lòng trí họ ra với tình yêu thương nhân từ của Chúa và như thế mở thế giới nầy ra với lòng thương xót của Thiên Chúa.”[37]

Nhưng sự hiệp thông đó ngày nay đang bị đe dọa, chúng ta phải nỗ lực xây dựng và bảo vệ nó. Cha Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, nói rằng đối với ĐTC Biển Đức XVI thì sự hiệp thông trong Hội Thánh là ưu tiên hàng đầu. Ngài đã đích thân và với hết sức lực dấn thân vào việc khử độc và lành mạnh hoá các căng thẳng vì không hiểu biết và cảm thông đang làm cho cộng đồng lo lắng đau khổ. Những nguy hiểm và các cám dỗ nghiêm trọng nhất với Hội Thánh ở ngay trong lòng Hội Thánh. Trong những thời kỳ khó khăn như những thời kỳ chúng ta đang trải qua, thì những căng thẳng từ bên ngoài đưa vào tạo điều kiện cho những căng thẳng bên trong nỗi lên, góp phần vào việc gieo rắc thêm hỗn loạn và bất ổn. Ngài nhấn mạnh rằng trong giai đoạn xung khắc và ngờ vực nầy, thế giới đang chờ đợi nơi các Kitô hữu một chứng từ về sự hoà thuận nẩy sinh từ cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô phục sinh, là căn nguyên sự tương trợ của họ, để xã hội nầy cũng tìm thấy được con đường đúng đắn của nó cho tương lai.[38] Chính trong chiều hướng đó mà ĐTC chọn chủ đề cho Ngày Truyền Giáo 2010 “Xây dựng sự hiệp thông Giáo Hội là chìa khóa của việc truyền giáo.”[39]

 

A.6. Linh mục là người hăng say truyền giáo

Chúa Giêsu là nhà truyền giáo được Chúa Cha thánh hóa và sai đi đầu tiên.[40] Đức Mẹ thực hiện sứ mệnh truyền giáo khi mang Chúa Giêsu đến thăm bà Elizabeth. Các tín hữu sơ khai đã hăng say truyền giáo, dù phải chịu bách hại: “Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri… những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa.”[41]

Công Đồng Vaticanô II, đặc biệt qua Sắc lệnh Ad Gentes, giúp Giáo Hội tái khám phá căn tính truyền giáo của mình. Truyền giáo là bản chất, là cảm thức và lẽ sống, là ý nghĩa, là nguồn gốc và mục đích của Giáo Hội.[42] Do đó, vừa tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu vừa lãnh nhận lệnh truyền của Ngài,[43] linh mục là nhà truyền giáo tự bản chất và phải luôn hăng say truyền giáo. Nếu không thế, linh mục sẽ không còn là linh mục nữa và đánh mất căn tính của mình: “Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm.”[44]

Đấng Cứu Thế đã sinh ra ở Á Châu, nhưng Kitô giáo ở Á châu ngày nay vẫn còn là một thiểu số tuyệt đối ở cái lục địa rộng lớn nhất địa cầu này, với gần hai phần ba dân số thế giới.[45] Vậy chúng ta phải có trong trí óc và con tim lời kêu gọi khẩn thiết tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu cho đồng bào mình, với ước vọng nồng cháy làm cho Ngài được nhận biết và yêu mến. Chúng ta phải “tự vấn lương tâm – trong tư cách cộng đồng Giáo Hội cũng như trong tư cách cá nhân – chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và có thể thực hành khá hơn sứ mệnh chúng ta đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu, Chúa chúng ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh ChaCon và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”(Mt 28, 19-20). Huấn lệnh này ngày nay rất khẩn trương và nghiêm khắc hạch hỏi lương tâm chúng ta, khi chúng ta nghĩ đến 94% người Việt Nam chưa biết Chúa Giêsu.[46]

Trong nỗ lực này, lời khuyên của thánh Phaolô cho Timôthêô vẫn luôn còn là thời sự và nặng ý nghĩa cho chúng ta hôm nay: Anh hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.”[47]

Vatican II mở rộng tầm nhìn của chúng ta ra với Nước Thiên Chúa (lớn hơn là Giáo Hội mà chúng ta thường quan niệm) và thúc đẩy chúng ta truyền giáo, tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần đã khơi dậy một tinh thần truyền giáo thực sự nơi con tim của nhiều người. ĐTC Biển Đức XVI dùng hình ảnh ngôi nhà chung của mọi dân tộc để diễn tả Nước Thiên Chúa này trong ý hướng truyền giáo như sau: “Trong một xã hội đa sắc tộc càng ngày càng kinh nghiệm những hình thức cô độc và dửng dưng đầy quan ngại, các kitô hữu phải học biết đề nghị những dấu chỉ hy vọng và trở nên những người anh em đại đồng, bằng việc vun trồng những lý tưởng lớn lao biến đổi lịch sử, và không ảo tưởng sai lạc hay sợ hãi vô ích, dấn thân biến hành tinh này thành ngôi nhà chung của mọi dân tộc.”[48]

Giáo Hội tại Á châu ngày càng thao thức sứ mệnh của mình: Tháng 10/2006 một Hội nghị được tổ chức tại Thái Lan với đề tài “Kể lại câu chuyện của Chúa Giêsu tại Á châu. Hãy đi và nói với mọi người;” và từ 30/8 đến 5/9/2010 có Hội nghị Giáo dân Á châu tại Séoul, Nam Hàn với đề tài “Loan báo Chúa Giêsu tại Á châu hôm nay.” Thông cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị như sau: “Sáng kiến của đại hội này muốn là một cử chỉ ân cần truyền giáo đối với một châu lục giàu các truyền thống văn hóa và tôn giáo, một châu lục chắc chắn đang nổi lên trên trường thế giới, trên bình diện chính trị nhưng cũng trên bình diện kinh tế, giữa những biến chuyển to lớn đủ loại.”[49] 

Có một tương tác chặt chẽ giữa phụng vụ đích thực và truyền giáo. Đỉnh cao của Phụng vụ là Thánh Thể.[50] Chúng ta truyền giáo là để đưa mọi người vào hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống trong phụng vụ Thánh Thể. Và chính kinh nghiệm hiệp thông với Thiên Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta truyền giáo. Phụng vụ mang lại cho chúng ta lòng nhiệt thành truyền giáo và thánh hóa thế giới. Việc dùng ngôn ngữ địa phương trong phụng vụ đã khuyến khích người giáo dân tham dự cách ý thức năng động và sáng tạo tích cực, không chỉ trong phụng vụ mà còn trong mọi khía cạnh của sứ vụ của Giáo Hội. Phụng vụ Thánh Thể còn được kết thúc bằng dấu chỉ truyền giáo: chúng ta được sai đi, được trao sứ vụ chia sẻ với tất cả mọi người kho tàng chúng ta đã khám phá trong thánh lễ qua hai bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.[51]

Nói như thế truyền giáo không chỉ nhắm tới lương dân, nhằm đưa người ngoài vào trong Giáo Hội, mà còn nhằm thăng tiến người ở trong Giáo Hội, nhằm làm cho Phúc Âm thấm nhuần đời sống người tín hữu, đời sống và mọi hoạt động của Giáo Hội và xã hội. Từ đó, chúng ta có cụm từ tái Phúc Âm hóa[52] và có thể liên kết với bất cứ phạm trù nào, ví dụ tái Phúc Âm hóa Phụng vụ, tái Phúc Âm hóa nhân sự, tái Phúc Âm hóa cơ cấu, tái Phúc Âm hóa cộng đoàn, tái Phúc Âm hóa giảng thuyết v.v... Và chính việc tái Phúc Âm hóa này làm cho chúng ta có đủ nội lực và khả năng thực hiện công cuộc truyền giáo hiệu quả, như thánh Phaolô quả quyết “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” khiến “tôi có thể làm đuợc mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.[53]

 

A.7. Linh mục là người của đối thoại

Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu và Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã chỉ rõ con đường hiện diện mới của Giáo Hội với ba chiều kích đối thoại: đối thoại với các nền văn hóa, đối thoại với các tôn giáo khác, và đối thoại với người nghèo. Con đường đối thoại bắt rễ trong Thiên Chúa và bắt đầu từ Thiên Chúa, Đấng luôn duy trì cuộc đối thoại cứu rỗi đầy yêu thương với nhân loại,[54] đặc biệt với người nghèo, người bị áp bức, người bị bỏ rơi… Là chứng tá của Tin Mừng, linh mục giáo phận phải là một con người của đối thoại, với cả bên ngoài lẫn bên trong Giáo Hội. Đáng buồn là lắm khi cuộc đối thoại bên trong Giáo Hội và cộng đoàn không mấy dễ dàng!

Đối với Á Châu, cái nôi của nhiều truyền thống văn hóa, tôn giáo lớn và đại đa số người nghèo của thế giới, sứ mệnh đối thoại và truyền giáo lại còn thích hợp và cấp bách hơn. Do đó, ứng sinh linh mục cần được đào tạo và tự đào tạo tốt các kỹ năng đối thoại. Điều tiên quyết là phải nắm vững đạo lý của mình trong tinh thần phục thiện khiêm tốn nhưng cương quyết: nhìn nhận cái chủ quan thiếu sót của mình mà sửa chữa và thừa nhận cái khách quan đúng của người mà học hỏi, hầu đi tới chỗ gặp gỡ được nhau, đồng thời đưa ra và cố gắng thuyết phục người ta đón nhận cái chủ quan đúng và chân lý của mình.  

Đối thoại nhằm đi tới một sự thật có thể khác hơn mình nghĩ, nên các bên tham gia phải sẵn sàng thay đổi cách hiểu cách nhìn chủ quan của mình để có thể đi tới một sự thật cao hơn. Nếu thiếu sự sẵn sàng đó thì không thể nào đối thoại được. Phải không ngừng phát triển và thăng tiến cuộc đối thoại theo mô hình biện chứng pháp tiến lên để đôi bên ngày càng hiểu nhau hơn (chính đề tương phản với phản đề làm phát sinh ra một hợp đề; hợp đề này trở thành một chính đề mới và bộ ba biện chứng mới lại bắt đầu; rồi cứ như thế mà tiến triển không ngừng).

Chúng ta cần, không chỉ đối thoại ba chiều như đường lối hiện hữu và truyền giáo mới của Giáo Hội, nhất là tại Á Châu; nhưng trong bối cảnh đặc biệt của Việt Nam, chúng ta còn cần đến chiều kích đối thoại thứ tư, đối thoại với người Cộng Sản.[55] Đối thoại với con người hơn là đối thoại với chủ nghĩa ý thức hệ, một cuộc đối thoại được mô tả là cuộc đối thoại giữa hai người điếc. Chỉ có thể đối thoại khi có phần truyền cảm, chứ không chỉ có phần truyền tin, nghĩa là cả người nói và người nghe đều biết và tôn trọng nội dung của nhau để có thể hiểu nhau và thông cảm nhau. Dù cái khác biệt tận căn hữu thần và vô thần không thể nào vượt qua được, hãy để thời gian và con người thử nghiệm: bất cứ cái gì đi ngược lại hay không đáp ứng được khát vọng sâu xa của con người sẽ bị đào thải, loại bỏ. Cuộc đối thoại với con người Cộng sản này bao gồm hai khía cạnh:

  • Đối thoại bằng cuộc sống là sống tinh thần cởi mở và thân thiện, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, những vấn đề nhân sinh và những mối bận tâm vì công lý, nhân quyền, hòa bình và tình thương.

  • Đối thoại bằng hành động là hợp tác lành mạnh[56] vì sự phát triển toàn diện con người và lợi ích của cộng đồng, nhất là bằng việc làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa đối với họ: một tình yêu lớn hơn vượt thắng một tình yêu nhỏ hơn và những lôi cuốn của nó, để:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. 

Tình yêu ấy biến đổi mọi sự, một sự biến đổi từ bên trong của mỗi cơ cấu. Ngày nay không ai tìm cách loại trừ và tiêu diệt người khác, không ai chờ đợi một Revolution (cách mạng), cho bằng mong đợi một Evolution (tiến hóa, biến đổi) từ nội bộ của mỗi phía.[57] Vì theo một tác giả nọ thì “Cuộc đối thoại ngày nay là đối thoại giữa những người có quan điểm khác biệt nhưng phải nhắm tới cái tốt đẹp chung cho xã hội trong tổng thể. Cuộc đối thoại này phải tiến về phía trước và phát triển lên một cách linh động và thường xuyên.” 

Nhưng trước hết, chúng ta phải bắt đầu, bắt đầu lại, và luôn tiếp tục cuộc đối thoại đại kết bên trong lòng Giáo Hội[58] vì lắm khi cuộc đối thoại với bên trong lòng Giáo Hội còn khó khăn hơn cuộc đối thoại với bên ngoài, như chúng ta thấy những tai tiếng và thiệt hại trong những thập niên gần đây! Nếu trong nhà có được hiểu nhau, yêu thương và hợp nhất với nhau thì nội lực mạnh mẽ đó sẽ đem lại thành công trong đối thoại hay bất cứ một hoạt động nào đối với bên ngoài. Sắc lệnh Chức vụ và đời sống linh mục (Presbyterorum Ordinis) nói nhiều đến các cuộc đối thoại đó: Đối thoại giữa Giám mục và linh mục, cũng như giữa linh mục với Giám mục (x. PO số 7); đối thoại giữa linh mục với linh mục: giữa già và trẻ, giàu và nghèo, mạnh và yếu (x. PO số 8); đối thoại giữa linh mục với giáo dân, và cả với lương dân (x. PO số 9) và đối thoại với người đương thời (x. PO số 19).

__________

Chú thích

[32] x. Eph 4:12

[33] 1 Cr 12, 4-1: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.”

[34] x. 1 Cr 12,12-30.

[35] x. Rm 8,18-23

[36] Ecclesia in Asia số 24

[37] ĐTC Biển Đức nói về thánh Piô X Giáo Hoàng, Zenit 18/8/2010.

[38] x. Zenit ngày 6/7/2010.

[39] x. Zenit.org Rôma này 25/3/2010.

[40] Ga 10,36.

[41] Cv 8,1.4.

[42] x. Ad Gentes số 2

[43] Mc 16,15: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

[44] 1 Cr 9,16

[45] Tính theo tỷ lệ, người Kitô hữu chiếm 33,1% và Công giáo chiếm 17,2% dân số trên toàn thế giới. Nhưng tại châu Á, tỷ lệ dân số Công giáo chỉ là 110 triệu trên tổng số 3,5 tỷ dân, nghĩa là khoảng 2,9%. Tuy nhiên, Giáo Hội tại Châu Á vẫn không ngừng phát triển: Năm 1988, dân số Công giáo tại đây là 84,3 triệu, nay tổng số đã là 110 triệu, tức tăng 25%. Cũng trong thời gian trên, số các linh mục tăng từ 27.700 đến 32.291. Các quốc gia có nhiều chủng sinh nhất là Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam. Ơn gọi tu sĩ cũng phát triển mạnh tại châu Á.

[46] Trích bài giảng của ĐHY Ivan Dias, đặc sứ của ĐTC Biển Đức tại Lavang ngày 6/1/2011.

[47] 2 Tm 4,2-4.

[48] x. Zenit.org Rôma này 25/3/2010.

[49] Zenit.org ngày 17/8/2010 http://www.zenit.org/article-25126?l=french.

[50] Hiến chế Sacrosantum Concilium số 10: “Phụng vụ là đỉnh cao hướng dẫn hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là suối nguồn trào tuôn sức mạnh cho Hội Thánh. Vì thế, mục tiêu và đối tượng của mọi hoạt động tông đồ là tất cả những người được làm con cái Thiên Chúa, nhờ đức tin và qua Bí tích rửa tội, sẽ tuôn đến hợp dâng lời chúc tụng Chúa giữa lòng Giáo Hội, tham dự vào lễ tế hy sinh và ăn bữa Tiệc Ly của Chúa.”.

[51] x. Bài nói chuyện của Đức Cha Chaput OFM, TGM giáo phận Denver ngày 24.06.2010, tại Học viện Phụng vụ Chicago do Anh Khoa dịch và đăng trên WHĐ ngày 27.07.2010.

[52] Người ta đếm được trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II 49 lần cụm từ tái Phúc Âm hóa được sử dụng.

[53] 2Cr 5,14; Phil 4:13.

[54] x. Giáo Hội tại Á Châu số 29.

[55] Micae-Phaolô Trần Minh Huy, Đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng của các linh mục tương lai trong bối cảnh Việt Nam ngày nay, ĐCV. Huế 2006, tr. 165-187.

[56] ĐGH Biển Đức XVI còn đẩy mạnh xa hơn đường lối hợp tác lành mạnh của ĐGH Gioan Phaolô II: “Anh Em cũng như Tôi đều biết rằng một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được. Về điểm này, Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo Hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân.” (Trích Huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại buổi triều yết dành cho các giám mục Việt Nam ngày 27-6-2009 tại Vatican).

[57] Chúng ta có thể liên tưởng đến lời dạy của ĐTC Biển Đức XVI “Mọi tín hữu đều được mời gọi… củng cố các mối liên hệ hiệp thông giữa họ và thực hiện một sự hoán cải cá nhân và cộng đoàn liên lỉ… vì bổn phận truyền giáo không phải là cách mạng hóa thế giới, nhưng là biến đổi thế giới, múc lấy sức mạnh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng triệu mời chúng ta đến bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể”

[58] Ecclesia in Asia số 30.

VỀ MỤC LỤC
CHUỘT RÚT
 

Ðang đắm mình trong giấc ngủ say, đột nhiên ông Vân thấy bắp chân co giựt liên hồi rồi đau nhức từ gót chân lên đầu gối, đau chịu không nổi, như cắt thịt đứt da.Ông nhăn nhó ôm chân la làng. Bà Vân nằm bên cạnh vội vàng nhổm dậy, kiếm hộp dầu cù là thoa thoa, bóp bóp, an ủi.

Mấy phút sau, cơn đau giảm dần nhưng bắp chuối còn mỏi. Ông bà Vân không ngủ trở lại được, bèn rủ nhau dậy nấu nước sôi pha trà Thái Nguyên uống, nhắc lại chuyện đời xưa

Sáng hôm sau lật đật đi bác sĩ để tìm hiểu nguyên do, điều trị. Từ mấy tuần lễ nay, chân ông cứ bị đau thắt như vậy nhiều lần.

Thưa đó là ông Vân đã bị chứng “chuột rút” ở bắp thịt dưới chân.

Ông Vân chẳng phải là người duy nhất với “nửa đêm thức giấc đau chân” như vậy. Cùng lúc đó có cả triệu người khác cũng đang ôm chân nhăn nhó. Con chuột nó rút cơ bắp chuối của quý thân hữu và nó không chịu nhả ra, cơ liên tục co cứng, gây đau.

Tiếng Hồng Mao gọi là “leg cramp”, tiếng lóng  “Charley horse”  người mình gọi giản dị là “Chuột Rút” hoặc “Vọp bẻ”. 

 

Vậy Chuột Rút là gì?

Chuột rút là sự co đột ngột, ngoài ý muốn và gây đau ở một bắp thịt làm cho cử động khó khăn. 

 Chuột rút có thể xẩy ra ở bất cứ bắp thịt nào, nhưng thường thấy ở bắp chuối giữa đầu gối và cổ chân, bắp thịt đùi và hông (cơ đùi trước và đùi sau giữa đầu gối và hông), dọc theo bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Cơ co có thể chỉ lâu vài giây đồng hồ tới vài phút nhưng cũng có thể hết đi rồi co trở lại.

Bệnh thường xẩy ra vào ban đêm khi đang ngủ hoặc mới thức giấc; sau khi vận động, sử dụng cơ bắp lâu dài.

Bệnh thấy ở mọi giới mọi tuổi nhưng nhiều hơn ở trẻ em và lão niên trên 65 tuổi, người mập phì , vận động viên thể dục thể thao, nam nhiều hơn nữ.

           

Nguyên Nhân

Nguyên nhân của chuột rút chưa được biết rõ, có thể là là do vận động quá mức hoặc trong tình trạng tĩnh tại quá lâu như khi ngủ ban đêm, khi ngồi lâu cùng vị trí. 

a- Chuột rút ban đêm có thể vì:

            - Ban ngày đứng lâu trên mặt bằng cứng, cơ bắp không hoạt động, cứng nhắc

            - Có tật ở bàn chân, như trường hợp không có độ cong của mu bàn chân, gót chân nằm phẳng trên mặt đất (flat-foot) khiến cho bắp thịt luôn luôn căng

            - Thiếu nước trong cơ thể

            - Người hơi mập, chân chịu sức nặng liên tục

            - Mang giầy quá chật, gót quá cao

            - Mất cân bằng chất điện giải trong máu

            - Tác dụng của một số dược phẩm như thuốc statin, prednisone, thuốc lợi tiểu chữa cao huyết áp làm giảm K và magnesium trong máu,

            - Thiếu K, Na. vì ói mửa, tiêu chẩy, đổ nhiều mồ hôi

            - Chuột rút trong các bệnh tiểu đường, Parkinson, đường huyết thấp, thiếu hồng cầu, bệnh tuyến giáp hoặc nội tiết, bệnh thận đang lọc máu...

            - Rối loạn tuần hoàn, bệnh mạch máu chi dưới khi đi lại nhiều

 

 b- Chuột rút sau khi vận động thường thấy ở các bắp thịt lớn, kéo dài tới vài chục giây đồng hồ. Nguyên do có thể vì:

            - Cơ bắp mệt mỏi

            - Vận động quá lâu, quá mạnh

            - Vận động khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh

            - Mất chất điện giải trong cơ thể như K, magnesium, muối natri, calcium.

            - Tích tụ acid lactic trong bắp thịt sau khi vận động lâu dài.

            - Mới đây có giải thích cho rằng, rối loạn dẫn truyền tín hiệu giữa cơ bắp và dây thần kinh bị rối loạn, cho nên dù não bộ muốn cơ thư giãn sau khi co nhưng cơ vẫn tiếp tục co, gây ra đau. Theo giải thích này, người ngồi làm việc lâu, ngồi không ngay ngắn đúng vị thế cũng hay bị chứng co cứng cơ đau nhức này.

c- Sách Danh Từ Y Học do bác sĩ Lê Khắc Quyến soạn có ghi nhiều chứng chuột rút liên quan tới một số nghề nghiệp khác nhau như chuột rút thợ cạo, chuột rút người đánh máy, chuột rút văn sĩ, chuột rút người hầu bàn, chuột rút điện báo viên, chuột rút người vắt sữa bò, chuột rút diễn giả... Ðây là những công việc mà người thực hiện phải dùng đi dùng lại một số bắp thịt. Riêng trường hợp chuột rút nhà diễn giả, chắc là hăng say, miệng dính chặt vào micro, nói thao thao bất tuyệt, nên con chuột trong bắp thịt lưỡi mệt mỏi, co cứng.

           

Ðiều trị

Thường thường chuột rút không kéo dài lâu và không gây ra hậu quả trầm trọng. Tuy nhiên, khi đang lái xe, điều khiển máy móc hoặc đang bơi lội thì tai nạn có thể xảy ra. Sau đây là một số phương thức nên áp dụng để giải tỏa cơn đau:

- Nhẹ nhàng thoa bóp bắp thịt bị co

- Khi chuột rút ở bắp chuối, nhè nhẹ vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn lên phía trần nhà, hướng về đầu gối.

- Khi co cơ bắp đùi, nhờ người kéo thẳng chân ra, nâng cao gót chân đồng thời ấn đầu gối xuống.

- Khi co cơ xương sườn, nên hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt quanh ngực

- Tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt

- Thong thả đạp xe đạp chừng dăm phút trước khi đi ngủ

- Ðặt một cái chăn ở cuối chân giường để các ngón và bàn chân khỏi chúi xuống trong khi ngủ. Bàn chân chúi xuống làm căng thẳng bắp chuối.

- Mang giày thích hợp, không bó chặt bàn chân, gót giày không quá cao.

- Bơi lội cũng giúp nhả duỗi cơ bắp, giảm co cứng cơ.

- Mang tất đàn hồi hơi ép vào mạch máu để tránh máu ứ đọng ở tĩnh mạch hạ chi.

Có người nói để một cục xà bông dưới khăn phủ giường để tránh chuột rút. Xin quý thân hữu áp dụng thử coi và “công bố” kết quả cho bà con biết mà làm theo.

Thuốc Quinine sulfate được coi như khá công hiệu để điều trị chuột rút, nhưng có nhiều tác dụng ngoại ý không tốt (ù tai, rối loạn thị giác, chóng mặt, buồn nôn, giảm tiểu cầu, rối loạn nhịp tim), cho nên cần được sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ khi dùng. Vì lẽ đó, từ năm 1995, Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ cấm bán tự do các loại thuốc bổ (tonic) có chất quinine. Ðang có thai, bệnh thận, bệnh tim không được dùng quinine.

Dược phẩm có hoạt chất diphenhydramine hydrochloride (benadryl), sinh tố E, thuốc thư giãn cơ (equanil, miltown), veramil hydrochloride (Calan, Isoptin, Verelan), chloroquine phosphate (Aralen Phosphate) và hydroxychloroquine sulfate (Plaquemil sulfate) cũng có đôi chút công hiệu.

 

Phòng ngừa 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, cho nên xin hiến vài mẹo vặt để phòng tránh:

- Uống nước đầy đủ. Liên hệ nhân quả giữa thiếu nước và chuột rút chưa được biết rõ, nhưng khi cơ thể thiếu nước thì chuột rút xẩy ra. Vì thế, cần uống nước đầy đủ trước, trong khi và sau khi tập luyện cơ thể và trước khi đi ngủ buổi tối. 

-Thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần vận động cơ thể. 

-Tập vươn duỗi chân mỗi buổi sáng, trước khi ăn và trước khi đi ngủ vào buổi tối:

a- Ðứng thẳng cách xa tường 15 cm, gót chân chạm đất

b- Giữ gót chân chạm mặt đất, ngả mình về phía trước, hai bàn tay chống lên tường

c- Ðẩy hai bàn tay lên trên, giống như lau tường, càng cao càng tốt

d- Giữ nguyên vị trí trong 30 giây, rồi buông tay xuống, thư giãn.

Nhắc lại các động tác trên năm lần. 

- Khi ngồi, co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt. Làm như vậy để máu dễ dàng lưu thông ở bắp chuối

Trước khi vận động cơ thể, nên dành mươi phút “hâm nóng” toàn thân và “vươn duỗi” cơ bắp để tránh chuột rút.

 

Chuột rút bắp chân khi có thai

Phụ nữ có thai thường hay bị chuột rút vào tháng thứ sáu của thai kỳ và kéo dài khi bụng ngày càng lớn. Khó khăn thường xảy ra vào ban đêm.

Nguyên nhân chưa được biết rõ. Có ý kiến cho là vì :

- Thiếu calcium, phospho, magnesium,

- Do các cơ ở dưới chân phải mang sức nặng quá lâu của dạ con, thai nhi nên mệt mỏi hoặc

- Thai nhi và tử cung lớn dần, cơ và dây chằng tử cung căng giãn

- Sức nặng và độ lớn của tử cung ảnh hưởng lên các mạch máu ở hạ chi.

 

Ðể tránh khó khăn này:

- Không nên đứng hoặc ngồi tréo chân quá lâu

- Vươn duỗi bắp thịt cẳng chân (bụng chân, bắp chuối) nhiều lần trong ngày và trước khi đi ngủ.

- Cử động khớp cổ chân, các ngón chân trong khi ngồi, ăn cơm, đọc sách báo hoặc coi TV

- Chậm rãi đi bộ nếu bác sĩ không cấm

- Tránh làm việc quá mệt mỏi, nằm nghỉ khi cần

- Uống nước đầy đủ.

- Tắm nước ấm trước khi đi ngủ để thư giãn bắp thịt

 

Nếu đang bị chuột rút, có thể thoa bóp bắp thịt hoặc chườm với bình nước nóng; vươn duỗi bắp chuối, kéo bàn chân và ngón chân về phía ống quyển, nhẹ nhàng đi lại để bắp thịt thoải mái, tránh chúi đầu ngón chân khi thả lỏng bắp thịt...

Có ý kiến cho là dùng thêm calcium hoặc magnesium cũng giúp giảm thiểu chuột rút, nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Nếu chuột rút kéo dài, xảy ra nhiều lần thì nên đi bác sĩ để tìm ra căn nguyên và điều trị, vì đôi khi có thể là do cục máu hạ chi.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
Chuột trong đời sống dân gian - Chuyện phiếm của Gã Siêu
 

Chuột và mèo là hai con vật rất quen thuộc và gần gũi đối với người nông dân Việt Nam. Ở ngoài đồng, chuột cắn lúa và phá hại mùa màng. Còn ở trong nhà, chuột cắn quần áo và làm hư hỏng đồ đạc. Để trị lũ chuột trong nhà, người ta thường phải nuôi mèo.

Thực vậy, tự bản chất mèo rất ghét chuột. Hễ gặp đâu là xơi tái liền tù tì. Chó với mèo tuy có ghét nhau thật đấy, nhưng thỉnh thoảng cũng vẫn có thể sống chung hòa bình với nhau. Còn với chuột thì khác. Gã chưa thấy con mèo nào lại nằm chung hay đùa dỡn với lũ chuột. Sự thù ghét này xuất phát từ lục phủ ngũ tạng và đã ăn sâu vào tim gan phèo phổi của loài mèo.

Theo sự diễn tả của ban AVT ngày xưa, thì Nga với Mỹ, vì lợi ích riêng tư của đất nước mình, mặc dù chẳng hề thương nhau, nhưng vẫn có thể ngồi chung một bàn tròn, để tính chuyện đại sự. Còn mèo với chuột thì không bao giờ.

Hai cô ca sĩ vì cạnh tranh nghề nghiệp, mặc dù chẳng hề thương nhau, nhưng nhiều lúc cũng vẫn phải xuất hiện bên nhau trên cùng một sân khấu. Còn mèo với chuột thì không bao giờ.

Mẹ chồng nàng dâu cũng vậy :

- Mẹ chồng nàng dâu,

  Chủ nhà người ở, khen nhau bao giờ.

- Thật thà cũng thể lái trâu,

  Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

Vì sợ tình cảm của mình bị chia sớt, nên thường hay đối đầu và đối chọi với nhau, thế nhưng vì  hạnh phúc gia đình, nhiều khi cũng đã phải nhường nhịn và chịu đựng lẫn nhau. Còn mèo với chuột thì không bao giờ. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, mèo mãi mãi là một cơn ác mộng đối với chuột.

Chính vì thế, người Pháp vốn thường nói :

- Mèo với chuột ký kết hòa bình, khi chuột chỉ còn là một bộ hài cốt. Mèo chính là một con sư tử đối với chuột.

Chuột thì chắc chắn chẳng bao giờ yêu thương mèo cả. Còn mèo, nếu có yêu thương, thì tình yêu ấy cũng chỉ là một tình yêu vị kỷ, một tình yêu vì mình, một tình yêu giả hiệu.

Sở dĩ mèo nói rằng mình yêu thương chuột, chỉ vì chuột là một món ăn khoái khẩu cho mình.  Và như vậy mèo yêu chính cái bao tử, chính cái dạ dày của nó, hay nói một cách mạnh mẽ hơn :

- Mèo yêu chính bản thân nó.

Cũng giống như một anh chàng nhìn vào cặp mắt người yêu không phải để thấy rằng cặp mắt ấy xinh, cặp mắt ấy đẹp, mà chỉ thấy hình ảnh của mình hằn in trên cặp mắt ấy.

Chàng yêu nàng nhiều lắm, chỉ vì nàng luôn….chiều chàng từ A đến Z , còn chàng thì  lại luôn bắt nàng phục vụ cho mình, từ việc nhỏ đến việc lớn, mà chẳng hề quan tâm mưu tìm hạnh phúc cho nàng. Nếu gọi đó là tình yêu,  thì quả thực chỉ là một loại tình yêu dổm mà thôi.

Trong cuộc sống, chúng ta phải biết vượt qua thứ tình yêu vị kỷ, thứ tình yêu vì mình này để tiến đến một tình yêu vị tha, một tình yêu vì người. Có nghĩa là chúng ta phải biết dấn thân để phục vụ và đem lại cho người mình yêu niềm vui và hạnh phúc.

Tuy nhiên, để được một tình yêu vị tha, một tình yêu vì người như thế không phải là chuyện dễ dàng, vì nó đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều cố gắng, để ra khỏi cái vỏ ốc sên, ra khỏi cái pháo đài kiên cố của bản thân mình.

Vì vậy, có những người, dù đã mang nặng tuổi đời, trên đầu muối đã nhiều hơn tiêu, mà tình yêu của họ vẫn cứ ấu trĩ, chưa trưởng thành cho đủ.

Trở lại với tình yêu mà mèo danh cho chuột, ca dao đã diễn tả :

- Con mèo mà trèo cây cau,

  Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.

  Chú chuột đi chợ đàng xa,

  Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo.

Nếu suy nghĩ một tí, gã sẽ nhận thấy rằng tất cả những “cử chỉ ưu ái” kể trên đều là giả dối. Nếu như lúc đó chú chuột đang ở nhà, thì chắc chắn mèo cũng chẳng tha cho chú chuột đâu. Còn đối với chú chuột thì làm gì có chuyện tổ chức cúng giỗ cho cha con mèo, gọi là để đền ơn đáp nghĩa.

Cũng vì tính cách giả dối này mà những hành động giữa chuột và mèo đều nói lên tính cách hão huyền, viển vông và xảo quyệt…

 

Trước hết là tính cách hão huyền và viển vông.

Chẳng hạn “chuột cắn dây buộc mèo”, theo nghĩa đen là giúp phương tiện cho kẻ thù trở lại sát hại mình, nếu có thì chỉ là một việc làm dại dột. Còn theo nghĩa bóng, thì đó là chuyện mỉa mai khó có thể xảy ra.

Cũng vậy, “chuột gặm chân mèo”, nghĩa là mơn trớn với kẻ thù mạnh mẽ hơn mình với ý đồ kết thân để cùng nhau chung sống, thế nhưng đó cũng chỉ là một hành động dại dột, chọc cho kẻ thù mau chóng hãm hại mình mà thôi.

Hôm nay, trong khi tìm hiểu về chuột, gã bắt gặp câu thành ngữ “cột lạc cổ mèo” hay “cột nhạc cổ mèo” với câu truyện như sau :

Trước tình hình dân số mỗi ngày một giảm sút, vì bị mèo xơi tái, dòng họ nhà chuột bèn tổ chức một đại hội hoành tráng để tìm mưu tính kế đối phó với mèo.

Các vị đại biểu dòng họ nhà chuột, từ chuột nhà đến đồng, từ chuột bạch đến chuột cống, đều thi nhau phát biểu. Ý kiến của chúng đều được ban thư ký ghi nhận và rồi sẽ…ngâm kíu sau.

Cuối cùng một bác chuột cống thâm niên quân vụ, trụi hết cả lông và giàu kinh nghiệm chiến trường, đã anh dũng leo lên diễn đàn và dõng dạc tuyên bố :

- Chỉ cần cột một cái nhạc (lục lạc) vào cổ mèo, để bất kỳ mèo đi tới đâu, thì chuông sẽ kêu, chúng ta nghe thấy và tìm đường chạy trốn.

Tất cả hội nghị đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Thế nhưng, khi đề cử người đi cột nhạc vào cổ mèo, thì chẳng ai dám liều, dám mạo hiểm. Rốt cuộc đành bó tay chịu thua, để cho mèo mặc sức tung hoành, xông xáo tìm mồi.

Câu truyện đó muốn nói lên rằng :

- Ý kiến ý cò thì rất hay nhưng khó thực hiện và cũng chẳng ai làm được.  Vì thế, đó chỉ là một kế hoạch không tưởng, viển vông mà thôi.

Tuy nhiên, hồi còn bé, có lần trong một giờ học tiếng Pháp, gã đã phải viết bài chính tả mang tựa đề “Conseil des rats”, tạm dịch là “Hội đồng chuột”. Gã không nhớ tác giả là ai, nhưng mang cùng một nội dung như trên. Vì thế, cho đến bây giờ gã vẫn cứ thắc mắc không hiểu tây lấy của ta, hay ta lấy của tây ?

Cũng trong chiều hướng ấy, gã xin ghi thêm một câu thành ngữ khác, đó là “đầu voi, đuôi chuột”. Câu thành ngữ này có hai ý nghĩa.

Ý nghĩa thứ nhất ám chỉ hành động ra oai để ức hiếp người khác, thế nhưng khi gặp phải một tay cự phách hơn, thì bèn cúp gập mình  xuống mà quị lụy.

Ý nghĩa thứ hai xuất phát từ một điển tích :

Trình Giảo Kim, sống đời nhà Tùy và nhà Đường, là một tay chơi…búa rất lợi hại. Tuy nhiên, chỉ có ba búa đầu là mạnh mẽ như trời giáng. Vô phúc cho tên nào lãnh đủ ba búa đầu này, thì chỉ có nước lăn dùng ra mà chết không kịp ngáp. Thế nhưng, từ búa thứ tư về sau thì lại yếu xìu và nhẹ hều.

Vì thế, đối phương thường tìm mọi cách luồn lách tránh né ba búa đầu thế nào, để Trình Giảo Kim luôn đánh vào không khí. Còn đến búa thứ  tư, lỡ có bị phang trúng, thì  vẫn cứ nhởn nhơ nhe răng cười, vì chẳng mệnh hệ gì cả.

Chính vì thế, mà câu thành ngữ trên muốn nói lên rằng :

- Công việc lúc khởi sự thì thật lớn lao to tát, như cái đầu con voi, nhưng đến khi kết thúc thì lại tầm thường và nhỏ bé như cái đuôi con chuột vậy.

 

Tiếp đến là tính cách xảo quyệt 

Bàn dân thiên hạ thường bảo “cháy nhà ra mặt chuột”, có những kẻ giả danh đạo đức, nhưng đến khi sự việc vỡ lở, mới thấy được bộ mặt điêu ngoa, xảo trá và gian dối của họ.

Sau tết Mậu Thân, gã phải lên Đalạt để tiếp tục việc học còn dang dở. Đi đương bộ thì sợ xe bị chặn, nên chỉ có một phương tiện duy nhất, đó là đi máy bay.

Gã tới trạm bán vé của Air Việt Nam thời bấy giờ ở đường Phạm Ngũ Lão, gần chợ Bến Thành. Thế nhưng, muốn lên Đàlạt thì phải chờ ba tuần lễ nữa vì đã hết vé. Gã tiu nghỉu và chán nản. Vừa bước chân xuống đường, thì một anh thanh niên, ăn mặc rất lịch sự, vỗ vai gã và hỏi :

- Anh lên Đàlạt hả.

- Đúng thế, nhưng không còn vé nữa, mà công việc lại rất gấp.

- Thật uổng quá, tôi mới vừa đem trả một vé đi Đàlạt, vì ngày mai ông cậu tôi có chuyến máy bay quân sự đáp xuống phi trường Cam Ly.

Anh ta tần ngần một lúc rồi nói tiếp :

- Được rồi, tôi sẽ về nói với ông cậu tôi cố dành cho anh một chỗ. Nhưng nhà anh ở đâu.

- Tôi trọ nhà người quen ở đường Nguyễn Thiện Thuật.

- Thế này nhé, sáng mai mình sẽ gặp nhau ở ngã ba Nguyễn Thiện Thuật và Hồng Thập Tự vào lúc bảy giờ. Tôi hy vọng ông cậu sẽ nhận lời.

Nói xong anh ta đưa thẻ căn cước cho gã xem. Anh ta đúng là dân Đàlạt, cắm dùi tại đường Phan Đình Phùng.

Anh ta mỉm cười và nói với gã :

- Ngày mai gặp lại nhé.

Gã vui mừng về nhà kể lại cho mọi người nghe sự việc kể trên và ai cũng nghĩ rằng gã được “quới nhân phò trợ”.

Đúng bảy giờ sáng hôm sau, gã khăn gói quả mướp ra ngã ba, thì đã thấy anh ta đứng chờ dưới cột đèn. Anh ta cười lớn và bảo gã rằng :

- Ông cậu tôi bằng lòng rồi. Thôi chúng mình đi điểm tâm để còn kịp chuyến bay.

Anh ta dẫn gã vào một tiệm ăn, mỗi người xơi một tô phở tái và một ly cà phê đen. Sau đó, anh ta vẫy taxi ra phi trường. Khi xe tới đường Công Lý, anh ta nói với gã :

- Tôi đặt mua một cái lư hương làm bàn thờ tổ tiên, nhưng còn thiếu tám trăm đồng. Nếu có thể, anh cho tôi mượn đỡ, tới Đàlạt tôi sẽ thanh toán sòng phẳng.

Tôi không ngần ngại đưa cho anh ta tám trăm đồng. Anh ta bảo tài xế dừng lại và nói với gã :

- Chịu khó chờ một chút, tôi sẽ ra ngay.

Nói xong anh ta rẽ vào một con hẻm. Gã chờ năm phút, mười phút, rồi hai mươi phút mà vẫn không thấy anh ta ra. Gã bèn nói với bác tài :

- Bác vui lòng đợi tí nhé, tôi vô nhà xem anh bạn thế nào.

Bước vào con hẻm, nhưng biết đâu mà tìm. Gã bỗng “ngộ ra” rằng mình đã bị lừa. Quay trở ra, gã đã phải nói dối bác tài :

- Bạn tôi mắc kẹt công chuyện không đi nữa. Vậy bác hãy cho tôi ra bến xe Đàlạt, gần Viện Hóa Đạo.

Chiếc xe Minh Trung rời bến. Gã vừa buồn, vừa tức, lại vừa thầm phục anh ta. Đúng là cháy nhà ra mặt chuột, bản chất của anh ta chỉ là một tên lừa đảo. Tám trăm đồng cũng là giá vé máy  đi Đàlạt lúc bấy giờ đấy.

Hạng người xảo quyệt này đã được tục ngữ ca dao diễn tả một cách chính xác :

- Khẩu Phật, tâm xà. Miệng thì gõ mõ tụng kinh, nhưng lòng thì lại hung ác như một loài rắn độc.

- Miệng nam mô, bụng bồ dao găm.

- Ngoài thì thơn thớt nói cười,

  Mà trong nham hiểm giết người không gươm.

Cũng trong chiều hướng ấy, người ta còn nói “chuột đội vỏ trứng”, để ám chỉ những kẻ giả nhân giả nghĩa để tự vệ, cũng như  để bóc lột người khác.

Có một câu truyện kể lại rằng :

Màn đêm vẫn còn bao phủ. Gió lớn và lạnh giá, mới khoảng hai giờ, chuông điện thoại nhà xứ bỗng reo vang. Có tiếng nói hốt hoảng la lên :

- Con nghĩ rằng ông ngoại con sắp qua đời.

Vì gia đình của người gọi điện thoại chỉ cách nhà xứ một con phố, nên cha sở chỉ  cần đi bộ tới. Khi bước chân vào một ngõ hẻm, ngài chợt thấy xuất hiện một bóng đen cầm súng tiến tới và truyền lệnh :

- Đưa tiền đây.

Ngài nói với tên cướp :

- Ví của tôi để ở trong áo khoác.

Khi ngài đưa tay mở nút áo khoác để lấy ví tiền, tên cướp chợt nhìn thấy chiếc cổ áo Rôma, liền ấp úng thưa lại :

- Con không biết là cha, con xin lỗi cha và xin cha cất tiền đi.

Khi đã bình tĩnh lại, cha sở đưa cho tên cướp một điếu thuốc lá, để hút cho đỡ lạnh, nhưng hắn vội lắc đầu và nói :

- Không, con cám ơn cha, vì trong mùa chay, con không hút thuốc.

Thật là chéo cẳng ngỗng và nực cười :

- Vừa sống tinh thần hy sinh mùa chay, lại vừa vô tư chặn đường cướp tiền bạc của người qua đường.

Người Pháp có câu thành ngữ “Absent le chat, les souris dansent”, có nghĩa là vắng mèo, lũ chuột nhảy múa. Cũng giống như người Việt Nam chúng ta thường bảo :

- Vắng chủ nhà gà vộc niêu tôm.

Để diễn tả một người có tài nhưng gặp bước đường cùng, nên cũng đành phải bó tay chịu vậy, vì bế tắc không tìm thấy phương cách giải quyết, cũng giống như một nhà thơ cổ đã viết :

- Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.

Theo định nghĩa thì chuột chù hay chuột xạ là một loại chuột mõm dài và nhọn, ban ngày không thấy đường, “lù đù như chuột chù phải khói”. Chuột chù không có tài leo, nhưng lại có mùi hôi.

Theo các nhà chuyên môn, thì mùi hôi này là một thứ vũ khí rất hiệu nghiệm để tự vệ, bởi vì các động vật khác, khi ngửi phải mùi hôi này, sẽ cảm thấy ngán ngẩm, chẳng thèm bắt ăn thịt, nhưng lo cao chạy xa bay.

Thế nhưng, trong cuộc sống đôi khi chúng ta gặp phải cảnh “chuột chù lại có xạ hương”. Có một loại chồn, được gọi là chồn hương, trong người mang một cục xạ, toát ra một chất rất thơm, thường được dùng làm nước hoa.

Câu thành ngữ này muốn nói lên rằng : Kẻ hèn hạ mà lại có tài cao. Cũng giống như khi bảo :

- Đất sỏi mà lại có trạch vàng.

Ngôn ngữ Việt Nam vốn lai láng tình cảm và thường dùng những hình ảnh cụ thể đối chọi nhau để diễn tả những sự việc rất tế nhị. Chẳng hạn như :

- Tiếc thay cây quế giữa rừng,

  Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.

Câu ca dao này nói lên thân phận cô gái xinh đẹp, con nhà quyền quí, mà vớ phải ông chồng thuộc vào hạng…”nông nãi, vũ phu chi cục mịch”. Cũng giống như việc Huyền Trân Công Chúa bị gả cho Chế Mân, vua nước Chiêm Thành.

Chuyện xưa kể lại rằng :

Vua Trần Anh Tông qua du lịch ở đất Chiêm Thành, gặp Chiêm Vương là Chế Mân. Ngài hứa gả Huyền Trân Công Chúa để tình Việt Chiêm được thêm đằm thắm. Sau khi trở về, vua Anh Tông đã giữ đúng theo lời hứa.

Chiêm Vương Chế Mân liền sai người mang lễ vật sang xin cưới. Triều đình nhà Trần có nhiều người phản đối cuộc hôn nhân này. Để thuyết phục vua Anh Tông, Chế Mân liền xin dâng châu Ô và châu Rí để làm hôn lễ…

Trong khi đó, “đũa mốc mà lại chòi mâm son”, có ý nói kẻ xưa nay vốn hèn kém và vô dụng, thế mà lại đòi sánh cùng người quyền quí, hay đòi lên chỗ cao sang, giống như một anh chàng vừa xấu trai, học dốt, con nhà nghèo, mà lại đòi lấy cho được vợ đẹp, con nhà giàu, thì quả thật đúng là…đũa mốc mà lại chòi mâm son.

Để kết thúc, gã cũng thấy người đời thường hay bảo :  “Chuột sa chĩnh gạo”. Câu này trước hết ám chỉ kẻ may mắn tìm được một chỗ làm tốt, dễ bề kiếm ăn.

Tuy nhiên, bàn dân thiên hạ vốn thường dùng câu thành ngữ này, điểm thêm một chút khinh bỉ, để ám chỉ một anh chàng khố rách áo ôm, nghèo rớt mồng tơi, nhưng lại may mắn được chui tọt vào làm rể nhà giàu.

Và từ đó, đối với anh ta, cuộc đời bỗng dưng “dzui” và lên hương phơi phới!!!

Gã Siêu   gasieu@gmail.com


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************