Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 175, Chúa Nhật 15.07.2012


MỤC LỤC 

Duyệt Lại Các Môn Học Của Giáo Hội                                                                           Vatican 2

PHƯƠNG TIỆN VÀ TIN MỪNG                                                                  PM. CAO HUY HOÀNG

Mạc khải là gì? Thiên Chúa mạc khải Ngài cách nào cho con người?      Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

Một Vị Thiên Chúa ngỏ lời?         Chuyển ngữ: Thérèse Trần Thiết + Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

Đức Thánh Cha ca ngợi sáng kiến dùng âm nhạc phục vụ hòa bình    Lm. G. Trần Đức Anh OP

KỶ NIỆM XƯA…                                                                                         Lm. Vĩnh Sang, DCCT

PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO CỦA TRƯỞNG GIA ĐÌNH: PHỤC VỤ KHIÊM TỐN         Lm. Đan Vinh

Karl Marx phê-bình tôn-giáo (tiếp theo)                                                       Gs. Trần Văn Toàn

Vai trò trần thế không thể thay thế của Người Tín Hữu Giáo Dân        Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Thực tế bạn nghĩ                                                                                Lm. Minh Anh chuyển ngữ

Linh mục giáo phận luôn luôn ở với Chúa                      Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

Khóc                                                                                                    Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, MD.


Duyệt Lại Các Môn Học Của Giáo Hội

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục

Optatam Totius

(tiếp theo)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

V. Duyệt Lại Các Môn Học Của Giáo Hội

 

13. Giáo dục về nhân bản. Trước khi học các môn học riêng của Giáo Hội, các đại chủng sinh phải có một nền giáo dục về nhân bản và khoa học mà các thanh niên trong quốc gia họ phải đạt tới mới có thể theo học các bậc cao đẳng 53*, ngoài ra, họ phải thâu thập một vốn liếng La ngữ để có thể thấu hiểu và sử dụng những nguồn khoa học và tài liệu của Giáo Hội 27. Việc học ngôn ngữ phụng vụ riêng của từng lễ chế phải được coi là cần thiết, lại phải hết sức cổ động cho chủng sinh học hỏi đầy đủ về các ngôn ngữ dùng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. 54*

 

14. Lớp dự bị. Việc duyệt lại các môn học của Giáo Hội trước hết phải nhằm làm cho các môn triết và thần học được phối trí cách thích hợp hơn và cùng chung đường lối góp phần mỗi ngày mở rộng tâm trí chủng sinh đón nhận Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một mầu nhiệm liên hệ đến toàn thể lịch sử nhân loại không ngừng ảnh hưởng trên Giáo Hội, và nhất là không ngừng hoạt động qua chức Linh Mục 28.

Ðể các chủng sinh có được cái nhìn ấy, ngay từ bước đầu của cuộc đời tu luyện, trước khi học các môn của Giáo Hội, họ phải qua một lớp dự bị kéo dài trong một thời gian thích hợp. Lớp nhập môn này 55* sẽ trình bày Mầu Nhiệm Cứu Rỗi sao cho các chủng sinh nhận thức được ý nghĩa, chương trình và mục đích mục vụ của những môn học của Giáo Hội, đồng thời giúp họ lấy đức tin đặt nền móng và thấm nhuần cả cuộc đời mình, lại làm cho họ vững tâm theo đuổi ơn thiên triệu bằng một tâm hồn hân hoan tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình.

 

15. Các môn triết học. Phải dạy các bộ môn triết học thế nào để trước hết có thể dìu dắt các chủng sinh thâu thập được một kiến thức chắc chắn và có hệ thống về con người, về thế giới và về Thiên Chúa. Hãy lấy di sản triết học giá trị ngàn đời 56* làm điểm tựa, 29 đồng thời hãy sử dụng những công trình biên khảo triết học hiện đại, nhất là những chiếu hướng triết học đang ảnh hưởng mạnh nhất trong quốc gia mình 57* cũng như những tiến bộ khoa học mới nhất. Ðược chuẩn bị đầy đủ như thế chủng sinh sẽ hiểu đúng được tâm thức của thời đại để đối thoại được với người đương thời. 30

Phải dạy môn triết sử sao cho các chủng sinh nắm được các nguyên lý tối hậu của các triết thuyết khác nhau, biết giữ lại những gì được chứng minh là chân thật, có thể khám phá và luận bác các căn nguyên sai lầm. 58*

Trong cách thức giảng dạy, phải kích thích nơi chủng sinh lòng hâm mộ quyết liệt tìm kiếm, khảo sát và minh chứng chân lý, 59* đồng thời cũng nhận chân những giới hạn của trí óc con người. Phải cẩn thận quan tâm đến mối liên lạc giữa triết học và những vấn đề nhân sinh đích thực cũng như các thắc mắc làm giao động tâm trí chủng sinh, phải giúp họ nhận ra các mối liên hệ giữa các lý luận triết học và mầu nhiệm cứu rỗi mà họ sẽ khảo sát trong ánh sáng đức tin khi học thần học.

 

16. Các môn thần học. Phải dạy các môn thần học 60* trong ánh sáng đức tin 61* và dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội 31 để các chủng sinh chăm chú múc lấy học thuyết Công Giáo từ nguồn Mạc Khải của Chúa, thấu triệt rồi biến thành lương thực nuôi đời tu đức của họ 32, 62* lại có thể rao giảng, trình bày cũng như bảo toàn 63* học thuyết ấy trong khi thi hành chức vụ Linh Mục.

Phải đặc biệt chuyên lo dạy Thánh Kinh cho các chủng sinh, vì Thánh Kinh 64* phải như linh hồn của toàn thể khoa thần học 33; sau phần nhập môn thích hợp, phải cẩn thận khai sáng cho họ phương pháp chú giải, cho họ thấu triệt các đại đề của Mạc Khải, cho họ có hứng thú đọc và suy gẫm Thánh Kinh hằng ngày làm của nuôi dưỡng 34.

Môn tín lý thần học phải được phân phối theo thứ tự này: trước hết, trình bày chính các chủ đề Thánh Kinh. Phải tỏ cho các chủng sinh thấy các Giáo Phụ Ðồng và Tây Phương, cũng như diễn tiến lịch sử tín lý đã đóng góp gì trong việc trung thành lưu truyền và minh giải từng chân lý Mạc Khải, đồng thời cũng xét đến mối liên lạc của nó với lịch sử Giáo Hội tổng quát 35. Thứ đến, để khai sáng các mầu nhiệm cứu rỗi cách thật đầy đủ, các chủng sinh phải học đào sâu và nhận thức được mối liên hệ giữa các mầu nhiệm đó nhờ công việc suy tư với thánh Tôma 36 là một tôn sư 65*. Họ phải học hỏi cho thấy các mầu nhiệm ấy luôn luôn hiện diện và tác động trong các nghi thức Phụng Vụ 37 và trong toàn thể đời sống Giáo Hội. Họ phải học cho biết cách giải đáp các vấn đề nhân sinh theo ánh sáng Mạc Khải, biết áp dụng những chân lý Mạc Khải vĩnh cửu vào hoàn cảnh đổi thay của những thực tại nhân loại và biết thông truyền các chân lý ấy cho thích hợp với con người thời đại 38.

Những bộ môn thần học khác cũng phải được canh tân nhờ tiếp xúc linh động hơn Mầu Nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi. Phải đặc biệt chú ý cải thiện môn luân lý thần học 66*, với lối trình bày có khoa học và thấm nhuần giáo lý Thánh Kinh nhiều hơn, nó sẽ minh giải vẻ cao đẹp của ơn thiên triệu tín hữu trong Chúa Kitô cũng như nhiệm vụ của họ phải mưu cầu lợi ích cho đời sống thế giới trong đức ái. Cũng vậy, phải trình bày Giáo Luật và dạy Giáo Sử 67*, cho liên lạc với Mầu Nhiệm Giáo Hội, theo Hiến Chế tín lý "về Giáo Hội" do Thánh Công Ðồng này tuyên bố. Môn Phụng Vụ 68* phải được coi là nguồn mạch thiết yếu số một của tinh thần Kitô giáo đích thực, nên phải được giảng dạy đúng theo tinh thần các khoản 15 và 16 của Hiến Chế về Phụng Vụ 39.

Tùy theo hoàn cảnh từng miền, các chủng sinh phải được hướng dẫn để biết đầy đủ hơn về những Giáo Hội và những Cộng Ðoàn Giáo Hội ly khai khỏi Tông Tòa Roma, để có thể góp phần xúc tiến việc tái lập hiệp nhất 69* giữa toàn thể Kitô hữu theo các chỉ thị của Thánh Công Ðồng này 40.

Hơn nữa, phải mở đường cho họ hiểu biết các tôn giáo khác hiện đang quảng bá trong mỗi miền 70*, để họ nhận thấy rõ hơn những gì tốt lành và chân thật do Thiên Chúa an bài, đang tiềm tàng nơi các tôn giáo ấy, để họ biết luận bác những sai lầm và để có thể thông truyền ánh sáng chân lý đầy đủ cho những kẻ chưa được đón nhận ánh sáng ấy.

 

17. Duyệt xét lại phương pháp giáo dục. Việc huấn luyện học thuyết không chỉ nhằm thông truyền một số khái niệm, nhưng phải nhằm huấn luyện chủng sinh cách đích thực và sâu xa, vì thế phải duyệt các phương pháp giáo dục 71* về cách giảng dạy, thực tập, thảo luận, cũng như về việc khích lệ chủng sinh làm việc riêng rẽ hay từng nhóm. Phải liệu sao cho toàn thể chương trình huấn luyện được duy nhất và vững chắc; tránh gia tăng qua đáng các môn và giờ học, lại phải loại bỏ những vấn đề không còn quan trọng mấy, hoặc là những vân đề phải dành cho các bậc cao đẳng nghiên cứu sâu rộng hơn.

 

18. Các môn học cao đẳng. Các Giám Mục có nhiệm vụ gửi các chủng sinh có tư cách 72*, nhân đức và trí thông minh tới học tại những Học Viện chuyên biệt, tại các Phân Khoa hay Ðại Học, để chuẩn bị cho có những Linh Mục được học hành cao hơn và uyên thâm hơn về các khoa học đạo cũng như các khoa học đời xem ra thích hợp, khả dĩ có thể đáp ứng những nhu cầu tông đồ khác nhau; nhưng khong bao giờ được xao lãng việc huấn luyện tu đức và mục vụ, nhất là khi họ chưa chịu chức Linh Mục.

____________

 

chú thích

 

53* Sắc Lệnh định rõ những kiến thức cần thiết trước khi theo học những môn học kinh viện; trau dồi văn chương và khoa học của quốc gia. Nhưng Công Ðồng không nói về bằng cấp quốc gia vì tại một vài nước, chương trình quốc gia khó dung hòa với sự đào tạo Kitô giáo hoàn toàn cho các ứng viên muốn tới chức linh mục. Một đề nghị tu chỉnh (M 33; 84-85/1) đã nói: "Một vài chính phủ đòi hỏi những điều không chính đáng". LTCB số 65 muốn "họ phải được đào luyện cho xứng với tước hiệu".

27 Xem Phaolô VI, Tông thư Summi Dei Verbum, n.v.t. trg 993.

54* Ðây là một lời khẩn khoản dầu không bắt buộc mọi người, 66 Nghị Phụ đã yêu cầu phải bắt buộc biết tiếng Hy Lạp; nhưng Công Ðồng chỉ khuyên nhủ, vì các hoàn cảnh khác nhau trong toàn Giáo Hội (xem LTCB số 80).

Sau khi nói về các ngôn ngữ cần thiết, LTCB (số 67) đã thêm một đoạn về việc khai tâm đối với các phương tiện truyền thông xã hội (xem TT số 67 và 16).

28 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 7 và 28: AAS 57 (1965), trg 9-11; 33.

55* LTCB nói lớp nhập môn này "có mục đích rút ra ý nghĩa chiều hướng và mục đích của những môn học kinh viện ngoài ra nó còn phải giúp bảo đảm những nền tảng của đức tin, giúp hiểu sâu xa hơn rằng ơn thiên triệu linh mục phải được gìn giữ bằng một hành động có suy xét hơn" (LTCB số 62). Chỉ có một Nghị Phụ không đồng ý về sự cần thiết của lớp nhập môn này.

56* Xem LTCB số 71. Khi giới thiệu "di sản triết học ngàn đời", Ủy Ban đã muốn ta phải hiểu là các nguyên tắc của Thánh Tôma (xem Laplante, sd 153-156).

29 Xem Piô XII, Tđ Humani Generis, 12-8-1950: AAS 42 (1950), trg 571-575.

57* Công Ðồng không hề quên khía cạnh mục vụ đã là khởi hứng và là mục đích của tất cả việc đào tạo linh mục. Cũng thế, bản văn thường nhắc đến nỗi lo lắng chuẩn bị cho họ đối thoại với những người đồng hương và đương thời; xem LTCB số 64; đối với các xứ truyền giáo; xem TG 16, 4.

30 Xem Phaolô VI, Tđ Eccleiam Suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964) trg 637 tt.

58* Ðoạn này được thêm vào lược đồ G, theo nhiều đề nghị tu chỉnh.

59* Những từ ngữ đã được lựa chọn "tìm kiếm, khảo sát, minh chứng" nói lên bổn phận phải trau dồi chính xác, từ bỏ cái mơ hồ, nghiêm chỉnh với các lý chứng, trong công việc tìm kiếm và chuyển thông tư tưởng. Cần xem thêm LTCB, ghi chú 150 cho số 71 về sự quan trọng của các môn triết học.

60* Theo Giáo Luật (kh 1365, 2), LTCB lập lại rằng thần học phải kéo dài ít nhất là 4 năm (LTCB số 60 và 76).

Số này dài nhất trong Sắc Lệnh và đặc sắc nhất, đã được tất cả các Nghị Phụ đồng ý.

61* Ở đây đưa ra những hướng dẫn tổng quát về việc khảo cứu thần học: "trong ánh sáng đức tin". "Tất cả cuộc khảo cứu thần học, dầu theo ngữ học, triết học hay sử học, đều phải phát khởi từ ánh sáng nội tâm của đức tin". (Ðề nghị tu chỉnh 96/1). - "Dưới sự hướng dẫn của Giáo Quyền". Ðức Piô XII trong Tđ Humani genesis: "các nhà thần học phải tùy thuộc Giáo Quyền trong vấn đề về đức tin, phong hóa, luật trực tiếp hay phổ quát về chân lý, vì Chúa Kitô Chúa chúng ta đã ủy thác cho Giáo Quyền toàn bộ kho tàng đức tin". Ghi chú 31 của Sắc Lệnh lấy lại Hiến chế tín lý về Giáo Hội số 25 nơi đòi phải có sự "qui thuận tôn giáo trong cả ý chí lẫn lý trí đối với Quyền Giáo Huấn chính đáng của Ðức Thánh Cha, cả khi ngài không tuyên bố long trọng "ex cathedra". Ta còn có thể kể thêm đoạn văn của Hiến chế tín lý về Mạc Khải sô 10: "Nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa, thành văn hay truyền tụng, chỉ được ủy thác cho Quyền Giáo Huấn sống động của Giáo Hội mà uy quyền hành sự nhân danh Chúa Giêsu Kitô".

31 Xem Piô XII, Tđ Humani Genesis, 128-1950: AAS 42 (1950), trg 567-569. Diễn văn Si Diligis, 31-5-1954: AAS 46 (1954), trg 314 tt. - Phaolô VI, diễn văn đọc tại Ðại Học Gregoriô, 12-3-1964: AAS 56 (1964), trg 364. - CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 25: AAS 57 (1965), trg 29-31.

32 Xem T. Bonaventura, Itinerarium mentis in Deum, Prol số 4: "Ước gì đừng ai tự phụ rằng mình chỉ cần đọc qua mà không cần thấm nhiễm, chỉ cần thuyết lý mà không cần sùng kính, chỉ cần khảo cứu mà không cần khâm phục, chỉ cần chú tâm mà không cần hoan lạc, chỉ cần khéo léo mà không cần đạo hạnh, chỉ cần kiến thức mà không cần yêu đương, chỉ cần hiểu biết mà không cần khiêm tốn, chỉ cần chuyên chăm mà không cần ơn Thánh, chỉ cần ánh sáng mà không cần đức khôn ngoan thần linh" (S. Bonaventura, Opera Omnia, V. Quaracchi 1891, trg 296).

62* Có thể xem thêm Truhlar (Việc dạy thần học trogn đời sống thiêng liêng), trong Seminarium 1968, số 4.

63* Xem những khai triển về vai trò của các giáo sư thần học trong LTCB số 86-89.

64* Sắc Lệnh đặt Thánh Kinh vào tâm điểm thần học và cách nói "như hồn của toàn thể khoa thần học" đã được xử dụng trong Hiấn chế tín lý về Mạc Khải, số 24. Các nói đó đã được Ðức Lêô XIII dùng trong thông điệp Providentissimus Deus, 1893, về những môn học Thánh Kinh.

33 Xem Leô XIII, Tđ Providentissimus Deus, 18-11-1893: AAS 26 (1893-1894), trg 283.

34 Xem Ủy ban giáo hoàng về Thánh Kinh, Instructio de Sacra Scriptura recte docenda, 13-5-1950: AAS 42 (1950), trg 502.

35 Xem Piô XII, Tđ Humani generis, 12-8-1950: AAS 42 (1950) trg 568 tt: "Nhờ khảo cứu các nguồn gốc mà khoa thần học luôn trẻ trung, trong khi đó, sự thuyết lý không chịu đào sâu vào kho tàng Mạc Khải chỉ là sự thuyết lý khô cằn, như kinh nghiệm đã minh chứng".

36 Xem Piô XII, bài giảng cho các chủng sinh, 24-6-1939: AAS 31 (1939), trg 247: "Khuyến khích học thuyết của Thánh Tôma không có nghĩa là bóp nghẹt, nhưng là thúc đẩy và vững vàng hướng dẫn những cuộc thi đua khảo cứu và quảng bá chân lý". Phaolô VI, Diễn văn đọc tại Ðại Học Gregoriô, 12-3-1964: AAS 56 (1964), trg 365. "Các Giáo sư sẽ kính cẩn lưu tâm đến học thuyết của các Ðấng Tiến Sĩ trong Giáo Hội, và đặc biệt là Thánh Tôma Aquinô. Quả thật, nơi vị Tiến Sĩ Thiên Thần này, có một trí năng sâu sắc, một lòng yêu chân lý trung thực, một sự khôn ngoan phi thường khi đào sâu, tổng hợp và trình bày những chân lý cao sâu nhất, đến nỗi học thuyết của ngài đã thành khí cụ hiệu nghiệm nhất, không những để xây nền vững chắc cho đức tin mà còn để thu lượm một cách chắc chắn và hiệu nghiệm những kết quả của một bước tiến lành mạnh"; xem diễn văn đọc trước Ðại Hội Quốc Tế kỳ VI của học thuyết Tôma, 10-9-1965: AAS 57 (1965), trg 788-792.

65* Vấn đề này đã được tranh luận như sau: 161 Nghị Phụ muốn dùng từ ngữ "như mẫu mực"; 31 Nghị Phụ đề nghị: "và của các tôn sư khác", hay "nhất là Thánh Tôma"; 46 Nghị Phụ muốn nói tổng quát: "các thánh tiến sĩ". Nhưng có 459 Nghị Phụ muốn bảo vệ bản văn của lược đồ nên ủy ban đã để nguyên như lược đồ F: "với thánh Tôma là một tôn sư"; 1,500 Nghị Phụ khác mặc nhiên chấp thuận. (xem 1189, đề nghị tu chỉnh 11, 12, 13, 14).

37 Xem CÐ Vat II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrasanctum Concilium số 7 và 16: AAS 56 (1964), trg 100 tt và 104 tt.

38 Xem Phaolô VI, Tđ Ecclesiam Suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964), trg 640 tt.

66* Cả đoạn này hoàn toàn mới mẻ: các lược đồ từ A tới F không có. Xem vài ghi nhận trong LTCB số 79.

67* Giáo sử cần trình bày sự phát triển của giáo thuyết, những điều kiện xã hội, sự cộng tác kỳ diệu giữa hành động thần linh và hoạt động con người để những người thụ huấn có được "một cảm giác chân thực của Giáo Hội và của Truyền Thống". Ngoài ra còn phải chú ý tới lịch sử của mỗi miền (xem LTCB số 79).

68* Môn phụng vụ phải được coi như "một trong những môn học chính" (môn quan trọng trong các Ðại chủng viện và chính yếu trong các phân khoa thần học). Phụng vụ phải được dạy dưới khía cạnh thần học, lịch sử, thiêng liêng và mục vụ (xem LTCB số 79).

39 CÐ Vat II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrasanctum Concilium, số 10, 14, 15, 16. Thánh bộ Nghi lễ Instructio ad exsecutionem Constitutionis de Sacra Liturgia recte ordinandam, 26-9-1964, số 11 và 12: AAS 56 (1964), trg 879 tt.

69* Niềm lo âu tìm về hiệp nhất này như một dấu chỉ thời đại, sẽ giúp tìm thấy nhiều lợi ích qua việc học hỏi những nguyên tắc hướng dẫn việc hiệp nhất (Spiritus Dominus, do Văn Ph2ng Thư Ký về Hiệp Nhất xuất bản ngày 16-4-1970: trích dẫn Doc. Cath. 18-6-67 và 7-6-70), nhất là phần thứ hai; xem thêm những Sắc Lệnh về Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương và về Hiệp Nhất với các chú thích.

Tiếng "các Giáo Hội" có ý chỉ Giáo Hội Chính Thống, Hy Lạp, Anh Giáo v.v... và tiếng "các Cộng Ðoàn Giáo Hội" (do Ðức Hồng Y Koening đề ra) chỉ các Giáo Hội nhỏ. Sắc Lệnh về hoạt động Truyền Giáo nhấn mạnh đặc biệt tới tinh thần cộng đoàn này trong các xứ truyền giáo: số 15, 5.

40 CÐ Vat II, Săc Lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio, số 1, 9, 10: AAS 57 (1965), trg 90 và 98 tt.

70* Ðoạn này đặc biệt quan trọng đối với linh mục tương lai trong những miền đa số không phải là Kitô hữu. Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo cũng nhấn mạnh tới điểm đó: "Họ phải được chuẩn bị để thích hợp cho cuộc đối thoại huynh đệ với những người ngoài Kitô giáo" (TG số 16 và NK).

71* LTCB số 90-93 thêm những lời khuyên thực tế: đừng vội tăng thêm những môn học mới, nhưng nên đưa vào những vấn đề mới trong giáo huấn cổ truyền: đó không phải là nhiều khoa nhưng chỉ một khoa là khoa đức tin và Phúc Âm.

72* Ðoạn này xuất hiện lần đầu trong lược đồ E, vào tháng 4 năm 1965 và đã được nhuận chính nhiều lần. Vấn đề liên hệ nhiều tới các xứ truyền giáo. Lần can thiệp đầu tiên là do Ðức Cha Sani người Nam Dương. Nhiều vấn đề tiềm ẩn trong số này: một nhu cầu thực tế cho nhiều giáo phận là phải chuẩn bị các linh mục cho những trách vụ cao hơn, và các Giám Mục có nhiệm vụ phải chọn lựa. Cũng phải đọc thêm số 16, 4 và 7 của Sắc Lệnh TG. Xem thêm những yêu cầu của LTCB số 83-84.

 
VỀ MỤC LỤC
PHƯƠNG TIỆN VÀ TIN MỪNG
 
 

Suy niệm Tin Mừng CN 15 TN B ( Mc 6, 7 – 13 )

Từ câu chuyện chiếc Minsk

Sau khi về nhận xứ Malâm, Cha Gioan NVH có ngay kế hoạch bán chiếc xe máy Honda Nhật đang chạy để mua một chiếc Minsk. Bà con nực cười ông cha xứ mình chạy chiếc Minsk giống mấy người xe thồ, xe ôm, chẳng ra dáng vẻ ông cha xứ tí nào. Mãi đến mấy tháng sau họ mới hiểu, chiếc Minsk là phương tiện tốt nhất có thể đưa cha đi đến vùng Đami cách Giáo Xứ nhà 70 cây số về hướng Tây Bắc, giáp ranh với Bảo Lộc, Lâm Đồng, nơi ấy, có vài trăm con chiên đang tản mác trên các đồi chè ngập nắng.

Vào ngày 11.9.2001, chúng tôi được đi với cha Gioan đến thăm vùng Đami đèo núi.  Được biết, bà con hầu hết từ những tỉnh miền Bắc đến đây tìm kế sinh nhai. Họ sống trên đồi, nhà này cách nhà kia có khi cả cây số. Chỉ mới 6 tháng sau khi về nhận xứ và năm lần “đến xem nơi người ở và ở lại với người” mà cha Gioan đã thuộc hầu hết địa chỉ của con chiên và thành lập được ba điểm tập trung để dâng Thánh Lễ. Còn các Bí Tích hầu hết cử hành tại nhà dân. Sau hơn 10 năm, Đami nay đã tràn đầy sức sống mới của Tin Mừng, đã là Giáo Xứ với ba bốn Giáo Họ.

Chiếc Minsk là phương tiện, nhưng là phương tiện đơn sơ mà hiệu quả của một sứ giả có tấm lòng mang Sứ Điệp Tin Mừng đến cho muôn dân. Chiếc Minsk ắp đầy kỷ niệm của bao lần vấp đá, trượt đồi, té ngã, cán chó, tai nạn… và cả những lần bị rượt đuổi vì tội làm Lễ nhà dân không xin phép…

Các Linh Mục được sai đi

Hy vọng đây là một trong trăm ngàn minh họa rất hùng hồn về việc các Linh Mục, Sứ giả Tin Mừng tại Việt Nam đã và đang tuân thủ đúng lệnh truyền của Chúa Giêsu, Người Sai Đi: “đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo”.

Vâng, có thể nói, không vì hoàn cảnh quá sức khó khăn đến nổi Giáo Dân Việt Nam không lo lắng được, hoặc chính các Linh Mục không sắm sửa cho mình những phương tiện, tiện nghi thoải mái, nhưng vì các ngài muốn thực hiện cuộc sống đơn sơ khó nghèo như đòi hỏi của Tin Mừng, và hơn thế nữa, các ngài ý thức được việc chính yếu của lệnh sai đi là “rao giảng sự thống hối”.

Khi đề cập đến chi tiết này có thể có người bi quan vặn hỏi: “Được bao nhiêu phần trăm như thế mà dám cả quyết vậy ?” Chúng ta nên biểu quyết: “Gần trăm phần trăm”. Bởi vì, con số những người được sai đi hôm nay bị tục hóa, bị phương tiện hóa, không thi hành sứ vụ chính yếu của mình… chỉ là số phần trăm nho nhỏ thôi. Nhưng, bởi vì, sự xấu xa dễ ảnh hưởng nhanh và rộng hơn là điều tốt lành, nên khi có vài trường hợp không phù hợp là đã có thể gây hoang mang lớn lao cho mọi người.

Hơn nữa, cũng cần phải cẩn trọng trước những đồn đoán, phao tin làm mất danh dự của các Linh Mục bởi vì những người chống phá Giáo Hội cũng đang rắp tâm tìm các khe hở của các Linh Mục để thổi phồng lên cho thỏa mãn ý đồ đen tối. Thiết tưởng, dẫu sao, chúng ta cũng hãy cầu nguyện và tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần và tình yêu Chúa Kitô sẽ thúc bách các Linh Mục “thống hối, canh tân” trước khi rao giảng sự thống hối, đổi mới theo Tin Mừng.

Giáo Dân được sai đi

Không chỉ các Linh Mục mới là những người nhận lệnh sai đi loan báo Tin Mừng, mà cả mỗi tín hữu hôm nay, được sai đến trong môi trường sống của mình để làm chứng cho Thiên Chúa. Mỗi chúng ta cũng được mời gọi sống đời đơn sơ khó nghèo và đặc biệt quan tâm đến việc truyền giáo ngay trong chính lúc khó nghèo đau khổ nhất. Thế nhưng, chúng ta vẫn:

Từ chối một sẻ chia với người vì cho rằng phải đợi đến dư thừa mình mới chia sẻ được.

Từ chối thăm viếng người vì cho rằng mình không có thời gian cho việc vô bổ ấy.

Từ chối một chút chạnh lòng vì cho rằng lúc mình khốn khó chẳng thấy ai ngó tới.

Từ chối một lời tốt lành khuyên nhủ vì cho rằng người lòng chai dạ đá.

Từ chối một lời xin lỗi vì cho rằng người thấp bé hèn kém hơn mình.

Từ chối một lời cảm ơn vì cho rằng người làm ơn cho mình đang bố thí hơn là giúp đỡ.

Chúng ta đã bị lệ thuộc quá nhiều vào phương tiện, vào điều kiện, mà không chú tâm đến việc đáp đền hồng ân Thiên Chúa bằng cách loan báo sứ điệp Tin Mừng cho anh em, làm chứng về “cuộc sống bình an trong Chúa” cho mọi người.

Lời Chúa hôm nay đang nhắc nhớ chúng ta đơn sơ khiêm tốn bắt chước gương tiên tri Amos, nhận ra ơn gọi rao giảng Tin Mừng của mình là hồng ân cao cả vượt lên trên thân phận tầm thường và bất toàn của mình: “Tôi chỉ là người chăn chiên và đi hái sung vả, và Chúa đã gọi: Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân của Ta” ( Am 7, 15 ), và chu toàn sứ vụ của mình theo thể cách đơn sơ nhất, phù hợp nhất với Tin Mừng, để phục vụ cho Tin Mừng.

Nguyện xin Chúa cho các Linh Mục của Chúa chuyên tâm “rao giảng sự thống hối”, “trừ quỷ, xức dầu, chữa lành” cho đoàn chiên Chúa. Và xin cho các tín hữu Chúa không quá lệ thuộc vào phương tiện trần gian, những luôn năng nổ chu toàn sứ vụ tông đồ trong đời thường. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG, 12.7.2012

VỀ MỤC LỤC
MẠC KHẢI LÀ GÌ ? THIÊN CHÚA MẠC KHẢI NGÀI CÁCH NÀO CHO CON NGƯỜI ?

 

I-  Mặc khải là gì ?(Revelatio, revelation)

Sách Giáo lý Công Giáo giải thích về  mac khải như sau:

“ Trong sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Ngài, Thiên Chúa đã vui lòng đích thân tỏ mình ra và cho biết mầu nhiệm của thánh ý  Ngài , nhân đó và nhờ Đức  Kitô, Ngôi Lời nhập thể, con người có thể đến gần Đức Chúa Cha , trong Chúa Thánh Thần và được trở nên thông phân bản tính thần linh của Ngài.” ( SGLGHCG, số 51)

Như thể,  hiển nhiên có nghĩa là nếu Thiên Chúa không tự tỏ mình ra (tự mạc khải)  bằng nhiều cách mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây,  thì chắc chắn con người không có cách nào biết được Thiên Chúa là AI cũng như không thể hiểu được thánh ý của Chúa cho con người từ muôn thủa cho đến ngày nay và còn cho mãi đến ngày cánh chung tức là ngày hết thời gian.

Sở dĩ  chúng ta không thể biết được Thiên Chúa vì Ngài quả thật siêu vượt ra khỏi mọi khả năng hiểu biết của trí tuệ con người.

Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng “ẩn mình” như ngôn sứ I-saia đã nói :

“Lậy Thiên Chúa của nhà It-rael, Lậy Đấng cứu độ. Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình ( hidden)” (Is 45: 15)

Thánh Phaolô cũng  được soi sáng để nhận biết Thiên Chúa là Đấng “ngự nơi ánh sáng không ai đến được”, vì :

“ Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử - Ngự trong ánh sáng siêu phàm - Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy.” ( 1 Tm 6: 16)

Không thể biết và không thể thấy đối với mọi khả năng trí khôn và giác quan của con người, cho nên, nếu Thiên Chúa không tự tỏ mình ra thì không bao giờ con người có thể biết được gì về Ngài . Đó là sự thật không ai có thể phủ nhận.

 

II-    Vậy  Thiên Chúa đã  tự mạc khải hay tỏ mình ra cho con người biết phần nào về Ngài qua những phương cách  nào ?

1-  Trước hết , Thiên Chúa tỏ mình cho con người  qua công trình Người sáng tạo trong vũ trụ thiên nhiên hùng vĩ mà con  người có thể quan sát thấy:

Tôi quả rõ, CHÚA thật là cao cả

Chúa chúng ta trỗi vược trên hết chư thần

Muốn làm gì là Chúa làm nên

Chốn trời cao cùng nơi đất thấp

Lòng biển cả và đáy vực sâu

Từ cùng tận địa cầu xa tắp

Chúa đẩy  lên từng đám mây trời

Làm cho chớp giật mưa rơi

Mở kho thả gió khắp nơi tung hoành.”  ( Tv 135(134) :  5-7)

 

Hoặc :

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa

Không trung loan báo việc tay Người  làm

Ngày qua mách bảo cho ngày tới

Đêm này kể lại với đêm kia

Chẳng một lời  một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh

Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu

Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.” ( Tv  19 (18) :  2-5)

 

2- Qua các giấc mơ hay chiêm bao khi con người ngủ:

a- Cụ thể  là trường hợp vua A-vi-ma-lec( Abimelech) đã sai người đến bắt bà Xa-ra ( Sarah), vợ ông Ap-raham. Nhưng ban đêm, khi vua A-vi-ma-lec ngủ, Thiên Chúa đã cảnh cáo ông trong giấc mơ là  “Này ngươi sắp phải chết vì người đàn bà mà ngươi đã bắt, bởi người  ấy có chồng.”( St 20: 3). Vì lời cảnh cáo này của Chúa, vua A-vimalec đã trả bà Xa-ra về cho ông Ap-raham và được tha chết.

b- Đặc biệt là Giuse con ông Gia-cóp bị bán sang Ai Cập. Nhưng đã trở thành người cứu sống cho cả gia đình dòng họ sau này nhờ địa vị của ông trong triều đình vua Pharaon. Giuse có ơn giải mộng, nên một ngày kia vua Pharaon cho vời Giuse đến để giải mộng cho nhà Vua. Giuse đã nói với vua như sau : “ Không phải tôi mà là Thiên Chúa sẽ cho câu trả lời đem lại bình an cho Pharaon.”( St 41: 15-16)

c- Đặc biệt hơn nữa là Thánh Giuse, bạn thanh sạch của Đức Trinh Mữ Maria, đã được Thiên Chúa báo mộng trước hết là không được bỏ trốn khi  biết Maria có thai, sau là  phải đem Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai Cập; và sau cùng là  đem thánh  gia thất về sống ở Nazaret. Tất cả những việc trên đều được báo mộng trước cho Thánh Giuse và Ngài đã hoàn toàn thi hành những gì đã được báo cho biết trong giấc mơ. Như thể đủ cho thấy Thiên Chúa cũng dùng giấc mơ để mạc khải  cho con người biết về Chương Trình và Thánh Ý của Người.

 

3- Qua các Sứ ngôn (Prophets) trong thời Cựu Ước và các Tông Đồ của Chúa Giêsu trong thời Tân Ước:

Đây là những người  được Thiên Chúa đích thân kêu gọi để trao cho sứ mệnh loan truyền lại lời Chúa và thánh ý của Ngài cho con người ( cho dân Do Thái trước tiên, và cho các dân khác trên toàn thế giới sau này), như Ngôn sứ Amos  đã nói rõ như sau:

“ Vì Đức Chúa là Chúa thượng không làm điều gì

   Mà không bày tỏ kế hoạch của Người cho các ngôn sứ của Người được biết.” ( Am 3:7) 

Ông Mô-sê cũng nói thêm về ơn gọi  và vai trò của các ngôn sứ như sau :

“ Từ giữa anh em, trong số các anh  em  của anh  em, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh  em. Anh  em hãy nghe vị ấy.” ( Đnl  18:15)

Lại nữa, qua miệng ngôn sứ E-de-kien ( Êzekiel) Thiên Chúa đã nói với dân Israel như sau :

  “ Hỡi con người , hãy đi đến với nhà Israel và nói với chúng những lời của Ta…( Ez 2: 4)

Mặt khác, cũng có khi chính Chúa Cha mạc khải trực tiếp cho con người như Chúa Giêsu đã nói cho Phêrô biết rằng: này anh Si-môn, con ông Giona, anh thật là người có phúc , vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh biết điều ấy ( biết Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống  như Phêrô tuyên xưng (Mt 16: 16) nhưng  là  Cha của Thầy Đấng ngự trên trời.”  ( Mt 16:17)                    

Vì thể, sau khi Adam và Eva phạm tôi và bị đưổi ra khỏi địa đàng, cho đến khi có đông đảo con người trên mặt đất cùng với các sinh vật khác. Nhưng con người đã dần dần sa đọa và làm những sự dữ trái với ý muốn tốt lành của Thiên Chúa, nên Người đã nổi giận và quyết định tiêu diệt hết mọi người và sinh vật trên mặt đất,  trừ  ông Noe là người sống đẹp lòng Chúa. Cho nên,  Chúa đã   truyền cho ông: “ làm cho mình một chiếc tàu bằng  gỗ  bách” đủ sức chứa mọi loài sinh vật,  mỗi loài một đôi cùng với gia đình con cái  ông  lên tầu,  vì Thiên Chúa sắp cho Hồng Thủy, nghĩa là nước lụt, xuống trên đất để tiêu diệt mọi xác phàm có sinh khí dưới gầm trời; mọi loài trên mặt đắt sẽ tắt thở. Thiên Chúa đã giáng tai họa  nước lụt, vi  Người  “ thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều  và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu” (St 6: 5) , nên  Thiên Chúa đã tiêu diệt hết  mọi loài, mọi vật , trừ những sinh vật và người trong gia đinh ông Nô-E  đã lên  tầu trước khi mưa tuôn đổ xuống địa cầu để cuốn đi  mọi sinh vật bên ngoài con tầu này vào lòng đại dương. ( St 6: 6- 22; 7: 1-5)

Sau đại hồng thủy, Thiên Chúa lại tỏ mình cho ông Abraham, cũng  là người sống đẹp lòng Chúa, đã dám hy sinh con mình là Isaac theo lời Chúa thử thách ông và ông đã toan giết con làm lễ vật dâng lên Thiên Chúa. Nhưng Chúa đã kịp thời can thiệp để cứu Isaac vì đã thấy lòng tin  yêu đích thực của ông. Vì thế, Thiên Chúa đã phán bảo Abraham qua miệng  Sứ Thần của Chúa như sau:

Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi , sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển..”( St 22 : 16-17)

Nhưng đặc  biết hơn hết  trong thời các Tổ Phụ, sau Đại Hồng Thủy, là  Thiên Chúa đã tỏ mình cho ông Mô-Sê qua hình ảnh Bụi gai bốc cháy và từ giữa bụi cây Thiên Chúa đã nói với ông những lời sau đây:

“Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ap-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-Ác, Thiên Chúa của Gia-cóp..” (Xh 3: 2-6)

Thiên  Chúa đã gọi Mô-sê (Moses) để  truyền cho ông sứ mạng dẫn đưa dân Do Thái đang làm nô lệ và thống khổ trên đất Ai Cập trở về quê hương. Đưa họ  bằng an trở về, vì Thiên Chúa muốn chọn Israel làm dân riêng của Ngài, như ông Mô-sê đã truyền lại cho dân thánh chỉ  sau đây của Thiên Chúa:

“Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ Giao Ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.” ( Xh 19: 5-6)

Ngoài các ngôn sứ như Abraham và Môsê ra, Thiên Chúa còn gọi thêm nhiều ngôn sứ khác  trong thời Cựu Ước như Joshua, Samuel, Isaiah, Jeremiah, Ezekiel, Daniel…để qua họ, Chúa nói với Dân Israel những điều Người muốn họ  nghe và thi hành để được chúc phúc hoặc đe dọa trừng phạt nếu họ bất tuân thánh ý của Chúa và  làm những điều sai trái, những sự dữ  đáng phải phạt. Chúa đã truyền cho các Ngôn sứ không những  phải nói  lời của Người  cho  Dân mà còn  phải ghi  lại những thánh chỉ  của Người cho hậu thế  như ngôn sứ Isaia cho biết rõ  như sau::

“Bấy giờ trước mặt chúng

Ngươi hãy viết điều ấy trên một tấm bảng và ghi vào hồ sơ

Để lưu lại mai sau làm bằng chứng đến muôn đời.” ( Is 30:8)

Liên quan đến tệ trạng “hôn nhân đồng tính (same sex marriage) đang được đòi hỏi  và đã được cho phép ở  một vài tiểu bang Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, Thiên Chúa đã phán từ ngàn xưa với ngôn sứ Giê-rê-mia như sau :  

Đức Chúa phán thế này :

“chúng tôi đã nghe tiếng kinh hãi

Báo hiệu khiếp đảm chứ không phải bình an

Cứ hỏi mà xem : có đàn ông nào đẻ con không?" ( Gr 30 : 5-6)

Vậy tạo sao lại cho hai đàn ông hoặc hai đàn bà kết hôn như người ta đang làm hiện nay ở Mỹ, Anh, Canada…? Thật là điều kinh tởm cho con người ngày nay sống trái với luật thiên nhiên , trái với trật tự mà Thiên Chúa đã qui định từ đầu khi tạo dựng con người có nam có nữ và truyền cho ho : hãy sinh sôi nảy nở  thật nhiều cho đầy mặt đát và thống trị mặt đất.( St 1: 28)

Như vậy, cho hai đàn ông hay hai đàn bà lấy nhau thì làm sao sinh sản, hỡi những kẻ mê muội  đang nhắm mắt chiều theo đòi hỏi của những người bệnh hoạn tâm sinh lý kia ???Họ bệnh hoạn thì mặc kệ cho họ sống, không  cần phải  hợp thức hóa cho họ vì làm như thế là đảo lộn trật tự và mục đích của hôn nhân trong xã hội loài người.

Trên đây là một vài thí dụ minh chứng sự kiên Chúa đã tỏ mình hay tự mạc khải mình cho dân Do Thái trong thời Cựu Ước. Các Ngôn sứ lớn nhỏ là những phát ngôn viên của Thiên Chúa trong sứ mệnh truyền  lại cho dân những gì Thiên Chúa muốn họ biết và thi hành để được chúc phúc và tránh phải phạt. Các ngôn sứ  cũng cầu khẩn Chúa thay cho dân để xin Nguời  tha thứ mọi lầm lỗi của họ như ông Mô-sê đã làm khi dân Do Thái còn sống lưu đầy trong sa mạc, sau khi  từ Ai Cập  trở về :

Vậy xin Ngài tha thứ lỗi lầm cho dân này theo lượng cả ân nghĩa của Ngài, như Ngài đã từng chịu đựng dân  này từ Ai Cập cho đến đây.” ( Ds  14: 19)

Nhờ lời van xin tha thiết của ông Mô-sê thay cho dân mà Thiên Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ định giáng xuống trên dân ngỗ nghịch đó khi Ngài phán với ông :

“Ta tha thứ như lời ngươi xin.” ( Ds 14: 20)

Một thí dụ nữa về việc các ngôn sứ cầu xin Thiên Chúa thay cho dân. Đó là trường hợp con cái Israel nói với ông Samuel: “ xin ông chớ ngưng cầu kêu lên Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi để xin Người cứu chúng tôi khỏi tay người Philitinh.” ( 1 Sm 7: 8)

Ông Samuel đã dâng lễ toàn thiêu và cầu xin thay cho dân theo lời van xin của họ, và họ đã đánh bại quân Philitinh. ( cf. Sm 7:  9-11)

 

4-  Qua Chúa Giêsu-Kitô:

Sau hết, ngoài những phương thế trên đây, đến thời sau cùng, Thiên Chúa đã tỏ mình cách đẩy đủ nhất cho nhân loại qua chính Con Một Người  là Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã sinh xuống  trần gian làm Con Người để thi hành Chương Trình Cứu Độ loài người đáng bị phạt vì tội lỗi như ta đọc thấy trong Thư Do Thái sau đây:

“ Thủa xưa , nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ và đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa.”  ( Dt 1 : 1-3)1

Là hình ảnh hay hiện thân  trung thực nhất của Chúa Cha, nên Chúa Giêsu đã trả lời  môn đệ Philiphê như sau :

“Ai thấy Thầy thì thấy Chúa Cha

Sao anh lại nói : xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha.?” ( Ga 14: 9)

Hoặc rõ hơn nữa:

“Không ai  đến với  Chúa Cha mà không qua Thầy

Nếu anh  em biết Thầy, anh  em cũng biết Cha của Thầy

Ngay từ bây giờ, anh  em biết Người và đã thấy Người.” ( Ga 14:7)

Là hiện thân của Chúa Cha, Chúa Giêsu đã  mạc khải trọn vẹn những gì Chúa Cha muốn nói với con người qua những lời giảng dạy trong suốt 3 năm Người đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Nghĩa là : trong và qua Chúa Giêsu-Kitô, Thiên Chúa Cha đã mặc khải trọn vẹn thánh ý của Người cho nhân loại, và không còn nguồn mạc khải  nào lớn và  đầy đủ  hơn  nữa cho ai ngoài Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể. Do đó,  ai nghe Chúa Kitô là nghe Chúa Cha, ai biết và đón nhận Chúa Con thì cũng biết và đón nhận Chúa Cha như Chúa Giêsu đã nói thêm  với các môn đệ xưa như sau :

“ Ai  nghe anh  em là nghe Thầy, ai khước từ anh  em là khước từ Thầy;

Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” ( Lc 10: 16)

Như thế, các Tông Đồ lớn nhỏ của Chúa Kitô cũng được ơn mạc khải của Thiên Chúa để dạy dỗ trung thực , không sai lầm những gì các ngài đã nghe từ Chúa Giêsu-Kitô và lưu truyền lại cho các người kế vị  là các Giám mục trong Giáo Hội của Chúa cho đến ngày nay và mãi về sau.Do đó, nghe Giáo Hội là nghe các Thánh Tông Đồ và nghe các ngài  là nghe chính Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, hiện thân của Chúa Cha.    

Tóm lại, Thiên Chúa đã tự mạc khải hay tỏ mình ra cho con người  từ thời Cựu Ước qua các sứ ngôn  đến Tân Ước, đặc biệt là qua chính Chúa Kitô,  để con người biết Thiên Chúa là Đấng đầy yêu thương, Người có giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.” ( Tv 30(29) : 6).

Nói khác đi, chúng ta biết được Thiên Chúa là Cha nhân từ, quá yêu thương và hay tha thứ là nhờ ơn mạc khải  mà Thiên Chúa đã tỏ mình trọn vẹn  qua Chúa Giêsu-Kitô, Đấng Cứu Thế, đã đến trần gian làm Con Người để thi hành Chương Trình Cứu độ nhân loại của Chúa Cha. Do đó, ai tin và thực hành những lời giảng dạy của Chúa Kitô thì cũng tin va thực hành thánh ý của Chúa Cha để được sống hạnh phúc muôn đời với Chúa trên Nước Trời như Chúa Giêsu đã nói rõ với các môn đệ  Người như sau:

 “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa,! lậy Chúa ! là được vào nước trời cả đâu; mà chỉ  ai thi hành ý  muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7: 21)

Chúng ta hết lòng cảm tạ Chúa đã cho chúng ta biết Người là Cha cực tốt cực lành,

Và cầu xin cho những người  chưa biết Chúa được nhận biết Ngài  là Đấng duy nhất đã vì  yêu thương mà tạo dựng con người cùng mọi loài mọi vật, và quan trọng hơn hết,  là “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2 : 8) để hưởng hạnh phúc Thiên Đàng  sau khi chấm dứt hành trình đức tin trên dương thế này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn -3)xi

VỀ MỤC LỤC
MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI ? 

 

Tác Phẩm: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!

Thiên Chúa tỏ mình cho con người thế nào?

Chuyển ngữ:

Thérèse Trần Thiết

Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

 

Nguyên tác: 

Michel HUBAUT

UN DIEU QUI PARLE!

Comment Dieu se révèle-t-il à l’homme?  

 

Lời giới thiệu của nhà xuất bản "Les Editions du Cerf" (trang bìa 4).

Trên mỗi trang Sách Thánh, đặc biệt Cựu Ước, người ta có thể đọc: "Chúa nói với Áp-ra-ham", "Chúa nói với Mô-sê", "Sấm ngôn của Đức Chúa", chẳng khác gì Chúa đàm đạo thân mật với con người. Đã quá quen thuộc với kiểu nói này, chúng ta không còn lưu ý đến những gì có thể là khác thường. Thật ra những kiểu nói như thể gây nên nhiều vấn nạn. Bởi vì không một ai có thể thấy Thiên Chúa! Thiên Chúa không có miệng lưỡi! Làm sao Người có thể nói với loài người? 

Liệu các tác giả của Kinh Thánh có dám quyết rằng Áp-ra-ham, Mô-sê hay các ngôn sứ đã nghe được tiếng nói của Người, giữa Bụi Gai cháy sáng, trên núi, trong giông bão hay trong cơn gió thoảng nhẹ? Những người này có viết theo những gì Chúa đọc cho viết? Con người của ngày hôm nay có ấn tượng là Chúa không quá "lắm" lời! Liệu chúng ta không đối mặt với một trò lừa đảo hay đơn thuần một ảo tưởng của con người đứng trước nỗi cô đơn của kiếp vận phải chết, tự tạo cho mình một đồng minh giả tưởng rồi chính mình nêu lên những vấn nạn và những giải đáp? Phải chăng từ nghìn năm trước người ta đã không "bắt" Thiên Chúa "nói", ngay cả khuyến khích con người thực hiện chiến tranh và diệt trừ kẻ thù của mình, vịn cớ là để tôn vinh Thiên Chúa!

Do vậy Thiên Chúa có thể nói, ngỏ lời với con người thế nào? Con người có thể tiếp xúc với Người thế nào? Làm sao sự siêu việt thần thánh của Người, sự "Vô thủy vô chung" của Người có thể gặp gỡ sự "có cùng" của loài người chúng ta? Người ngỏ lời với chúng ta bằng thứ ngôn ngữ nào? Ngày nay Người còn nói với chúng ta thế nào? Tất cả vấn đề về Mạc Khải và nền tảng của Do thái–Kitô giáo được nêu lên như thế. Và cách thế chúng ta trả lời cho vấn đề này một phần điều động  cách thế chúng ta đọc Kinh Thánh (theo chủ thuyết cơ yếu, hay chủ thuyết văn tự), cách thế chúng ta quan niệm về Thiên Chúa (theo chủ thuyết quan phòng, hay chủ thuyết can thiệp), và cách thế chúng ta hiểu Thiên Chúa còn nói với chúng ta hôm nay như thế nào. Qua những trang sách này "MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI" – THIÊN CHÚA  TỰ MẠC KHẢI MÌNH CHO CON NGƯỜI THẾ NÀO", cha Michel Hubaut sẽ trả lời rất thỏa đáng cho những vấn nạn trên đây.

Cha Michel Hubaut thuộc dòng Phanxicô, là nhà thần học, giảng thuyết và linh hoạt viên của các cuộc tĩnh tâm, huấn luyện. Cha là tác giả nhiều đầu sách .

 

Chương 1: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI ? 

Linh hứng và tính cách lịch sử của “Lời”

Ngay từ nhỏ, mỗi khi nghe các tín hữu nói đến “Lời Chúa” đã làm tôi phải suy nghĩ. Và sau này khi mới bắt đầu đọc Sách Thánh, tôi vẫn luôn đặt vấn đề với những kiểu nói: “Thiên Chúa phán bảo Áp-ra-ham”, “Thiên Chúa phán bảo Mô-sê”, “Sấm ngôn của Đức Chúa” …! Hầu như “phán bảo” chính là một trong những đặc tính của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, nếu so sánh với với các tượng thần khác: “Có mắt có miệng, không nhìn không nói” (Tv 115, 5-7; Br 6, 7).

Tôi tự hỏi: Thiên Chúa, chẳng ai được thấy Người! Làm sao Người có thể phán bảo hay nói với con người được? Làm sao người ta dám nói: “Thiên Chúa nói với tôi thế này thế kia?” Tôi xem đó như một sự dối trá, hay đúng hơn chỉ là một ảo tưởng của con người, trong sự cô đơn của bản tính hay chết, đã sáng chế ra một đối tác thần thiêng trong tưởng tượng, rồi tạo ra những vấn nạn và những giải đáp.

“Lời Chúa!” Chúng ta đã quá quen thuộc với kiểu nói này, đến nỗi không còn nhận ra cái lạ lùng của nó! Mặc dù theo kinh nghiệm chung, thường chính là sự im lặng của Thiên Chúa. Giữa khung cảnh hỗn độn của tiếng nói và âm thanh trong thế giới hiện đại của chúng ta, Thiên Chúa hầu như không “lắm lời”!

Vậy các tác giả Sách Thánh muốn nói gì khi rất thường xuyên dùng kiểu nói “Lời Chúa”? Vì một dân thờ độc thần cách hết sức khắt khe, với khái niệm tuyệt đối về sự siêu việt của Thiên Chúa, họ thừa biết rằng Đức Chúa không có miệng như con người, và con người không ai dám nói rằng đã thấy mặt Chúa. Vậy làm sao tác giả Kinh Thánh dám viết: “Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33, 11).

Họ muốn gì khi dùng những cách nói: “Đức Chúa phán bảo Áp-ra-ham!”, “Đức Chúa phán bảo Mô-sê!”, giống như Thiên Chúa nói chuyện cách thân tình với con người? Phải chăng họ cho rằng Áp-ra-ham, Mô-sê hay Ê-li-a đã “nghe tiếng Chúa”, trong bụi cây rực lửa, trên núi, trong cơn giông hay trong ngọn gió hiu hiu? Những người viết Sách Thánh, phải chăng đã viết theo lời Chúa đọc, giống như Ma-hô-mét nhận kinh Co-ran?

Thiên Chúa nói với con người thế nào? Người giao tiếp với con người thế nào? Làm sao Đấng Vô Cùng có thể gặp sự “có cùng” của con người? Người nói bằng ngôn ngữ nào? Nhiều người đã chẳng có xu hướng “làm cho các thần thánh của họ nói” bằng chính những lời lẽ của họ đó sao? Hàng ngàn năm nay, người ta đã chẳng làm cho Chúa nói, ngay cả để xúi giục con người lâm chiến, tàn sát kẻ thù, vì “vinh quang cao cả” của Chúa đó sao!

Đó là cả một vấn đề về Mạc Khải được đặt ra ở đây: nó cũng là vấn đề nền tảng của Do-thái-Ki-tô-giáo. Và cách chúng ta trả lời cho những câu hỏi trên kia, một phần nào đó, sẽ ảnh hưởng đến cách đọc Kinh Thánh của chúng ta (theo chủ thuyết cơ bản hay lệ thuộc vào từ chương), và cả quan niệm của chúng ta về Thiên Chúa (Thiên Chúa của thiên mệnh hay Thiên Chúa can thiệp vào mọi sự).

Thật ra, môn học về ngôn ngữ Do-thái giúp chúng ta hiểu rằng hạn từ “lời” thực sự không có cùng một ý nghĩa đối với người Do-thái như đối với người Âu Châu. Với người Do-thái, cụm từ “Lời của Chúa” không phải là một “cuộc trò chuyện”. Từ dâvar trong tiếng Do-thái mà ta dịch là “lời” có rất nhiều nghĩa: một câu chuyện, biến cố đã xảy ra hay một tường thuật. Hiểu như thế thì Xuất Hành là một Lời Chúa. Lưu đày cũng là một Lời Chúa[1].

Trong Tin Mừng Lu-ca, ta có thể đọc: “Khi các thiên sứ từ biệt mục đồng để về trời, các bạn mục đồng bàn nhau:Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết”, - theo nguyên ngữ: “như lời đã được thực hiện” (Lc, 2, 15, cũng xem Lc 1, 65; Cv 10, 22. 37.

Và tiếp sau đó: “Còn bà Ma-ri-a, thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”, - theo nguyên ngữ: “…ghi nhớ những lời ấy và tìm hiểu ý nghĩa trong lòng” (Lc 2, 19).

Khái niệm về “Lời” trong ngôn ngữ Do-thái thật khác xa với tâm thức Hy lạp & La mã của chúng ta, thường chỉ xem “lời” như một âm được phát ra thành tiếng, một tiếng nói, lời nói.

 

Lời Chúa phát sinh từ các biến cố và từ lòng người

Trong Sách Thánh, Lời Chúa không từ trời vọng xuống. Nếu, một cách nào đó, người ta có thể nói là Thiên Chúa tỏ mình, Thiên Chúa “nói” qua vật thụ tạo của Người … thì cũng chính trong những biến cố đã xảy ra mà Lời Chúa được phát sinh. Lời Chúa được cấu tạo từ từ. Trong lịch sử Kinh Thánh, Thiên Chúa tỏ mình qua những biến cố lịch sử và qua lòng dạ con người. Chính vì vậy mà tôi luôn do dự khi giới thiệu Kinh Thánh như “Lời của Chúa”! Tôi thích nói Sách Thánh là lời của nhiều người mà qua đó chúng dần dần diễn tả một Lời, một sứ điệp của Thiên Chúa.

Thiên Chúa tỏ mình qua những biến cố mà những người được Thần Khí Chúa linh hứng, sẽ giải thích để loan truyền một sứ điệp, một Lời của Chúa. Lời linh hứng là như những chìa khóa để hiểu ý nghĩa trong Kinh Thánh về Lời Chúa. Ngay từ bài tường thuật đầu tiên trong sách Sáng Thế, Lời Chúa đã luôn kết hợp với “hơi thở” của Chúa, với Thần Khí (ruah). Ở đâu phát sinh ra Lời, thì ở đó Thần Khí cũng thổi hơi.

“Muôn loài Ngài dựng nên, phải phụng thờ Ngài!  Ngài phán, chúng liền xuất hiện. Ngài gửi sinh khí tới,  chúng được tác thành. Tiếng Ngài phán ra nào ai chống nổi”! (Gđt 16, 14).

Và khi Lời Chúa nhập thể nơi Đức Giê-su, Ngôi Lời, là với tất cả sức mạnh sáng tạo của Thánh Linh. Lời của Người sẽ là “Thần Khí và Sự Sống”.

Qua dòng lịch sử thăng trầm của dân tộc tuyển chọn, Thiên Chúa thôi thúc nhiều vị trung gian, được tác động cách đặc biệt bởi Thần Khí Người, như Áp-ra-ham, Mô-sê, các ngôn sứ, các nhà khôn ngoan, hiền triết… họ đã diễn giải ý nghĩa sâu xa những biến cố lịch sử của dân và thẩm định một sự hiện diện sinh động của Thiên Chúa. Những biến cố kia trở thành những Lời của Chúa, những sứ điệp dễ hiểu để chuyển đạt tới toàn thể dân chúng.

 

Thiên Chúa tỏ mình dần dần theo nhịp tiến của lịch sử con người

Ít-ra-en là một dân tộc đã từ từ khám phá ra, qua những biến cố lịch sử bi hùng của mình, một vị Thiên Chúa luôn yêu thương, quan tâm đến vận mệnh của họ và không ngừng mời gọi họ đi vào tương quan, mà Sách Thánh gọi là Giao Ước với Người, để được hướng dẫn và giải thóat. Tóm lại, Người là một vị Thiên Chúa thốt lên “lời”, tự tỏ mình trong mọi tác động. Qua một chuỗi những biến-cố-lời, Thiên Chúa vén mở từng tí một, kế hoạch yêu thương của Người, về vận mệnh và cùng đích lịch sử của con người. Điều này giải thích tại sao trong Kinh Thánh toàn là những câu chuyện đầy chất “người”, từ việc cưới hỏi, chiến tranh, nổi loạn, tình yêu ngang trái, phản nghịch. Tất cả những gì kết dệt nên cuộc sống thường ngày của con người, đều là nơi Mạc Khải, là Lời của Chúa. Lời này không phải là một thông tin về Thiên Chúa chỉ cốt thoả mãn tính hiếu kỳ thuần tuý về mặt kiến thức, nhưng là một Mạc Khải bằng hành động của Người.

Con người trong Kinh Thánh khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa qua những gì Người đã thực hiện cho loài người. Trước câu hỏi: “Thiên Chúa là ai?”, trẻ em Do-thái sẽ không trả lời như trong sách giáo lý cũ xưa của chúng ta: “Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi…”, nhưng: “Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi là Đấng đã đưa chúng tôi ra khỏi Ai-Cập” .

Kinh Thánh luôn liên quan mật thiết với tôi, vì đó là một cách ưu tiên, một cuốn “sách của sự Gặp Gỡ”. Trong đó tôi khám phá biết được Thiên Chúa nói với con người như thế nào, Thiên Chúa nói với tôi ngày nay ra sao. Tôi đọc Kinh Thánh, vì trong đó tôi khám phá ra chính mầu nhiệm đức tin của tôi. Để sống ngày hôm nay của Chúa, tôi phải khám phá ra ngày hôm nay của Kinh Thánh.

Cùng với việc “linh hứng”, chúng ta phải thêm ngay chìa khóa thứ hai để hiểu Lời Chúa trong Sách Thánh, đó là “lịch sử tính”. Ta nói rằng Kinh Thánh được “linh hứng” vì chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho các tác giả Kinh Thánh, nhưng vẫn tôn trọng văn hóa, cách diễn tả, và nhất là bước tiến chậm chạp của họ về mặt tâm linh.

Mạc Khải không từ trời rơi xuống. Không có “đường giây nóng” giữa trời và đất để Thiên Chúa đọc cho chúng ta những chân lý có sẵn. Mạc Khải là kết quả của một cuộc đối thoại. Kinh Thánh là một thực tập đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, nó tùy thuộc vào con người chúng ta, cũng như một bà mẹ dạy dỗ con, bà phải bập bẹ theo ngôn từ của con mình. Thánh Phao-lô nói: luật Mô-sê chính là môn sư phạm cần thiết để dân Chúa tiến bước đến với Mạc Khải tối hậu nơi Đức Ki-tô, Lời Thiên Chúa nhập thể.

Qua bao thế kỷ, Đức Chúa của Ít-ra-en đã được xem là Thiên Chúa của tổ tiên toàn thể chi tộc: là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp. Một Thiên Chúa thường tỏ ra rất thiện chiến, dành quyền định đoạt cho những chiến thắng hay chiến bại của dân, lên án hay tiêu diệt kẻ thù, kể cả người già lão, thiếu phụ và trẻ em! Điều đó làm ta khó chấp nhận, bởi vì có sự cách biệt quá lớn về thời gian, chúng ta đọc Kinh Thánh, bằng tâm thức của con người trong thế giới hiện đại của chúng ta ngày nay, những sự kiện đã xảy ra vào thời điểm của hơn hai mươi thế kỷ trước chúng ta!

Đây là cả vấn đề “lịch-sử-tính” của Lời Chúa. Thiên Chúa là một nhà mô phạm luôn kiên nhẫn, tôn trọng từng bước đi của con người. Chính qua lịch sử của họ mà con người, kể cả con người trong Kinh Thánh, dần dần thanh tẩy quan niệm của họ về Thiên Chúa và cách nhận biết hành động của Người trong đời mình. Ta có thể nói rằng Kinh Thánh vừa là Lời của Chúa vừa là lời của con người.

Lời Chúa không phải là một mớ những chân lý có sẵn, từ trời rơi xuống, một “kho chứa”, một truyền thống khô cứng, được bảo tồn cách tôn nghiêm và được lặp lại cách trung thành. Nhưng trong Sách Thánh, Lời Chúa là một cuộc khám phá từ từ ra một Thiên Chúa sống động, tự tỏ mình theo nhịp bước của lịch sử. Người để cho Lời của Người nẩy sinh nơi từng chuỗi biến cố, trong con tim, trong ngôn ngữ con người, như chúng có thể cảm nghiệm, có thể nói lên được. Chính điều này minh chứng rằng “Lời” luôn sinh động, luôn được cưu mang.

 

Kinh Thánh, một truyền thống sống động của lịch sử một dân tộc

Bạn có thể nói: Sách Thánh phức tạp quá! Mà đúng vậy, người ta có thể cảm thấy bị mất hút trong tất cả những cuốn sách, to, nhỏ, lại chẳng theo một thứ tự nào, mà từ lối hành văn đến ngôn từ, dường như quá xa cách với văn hóa, với những âu lo bận rộn của chúng ta hiện nay.

Ta nên nhớ rằng Sách Thánh, trong nhiều thế kỷ trước kia, đầu tiên đã chỉ là một truyền thống “truyền khẩu” rộng rãi trong dân gian. Giữa thời kỳ di dân của Áp-ra-ham (khoảng năm 1850 tr. CN), thời kỳ Xuất Hành với Mô-sê (khoảng năm 1250 tr. CN), và những văn bản đầu tiên được ghi chép dưới triều đại Đa-vít và Sa-lô-môn (khoảng năm 900 tr. CN), ta thấy tất cả có hơn tám thế kỷ truyền khẩu! Nói cách khác, một biến cố như việc Xuất Hành ra khỏi Ai-Cập, đã chỉ được ghi chép lại sau 350 năm truyền khẩu!

Là một dân du mục, các chi họ Do-thái thời ấy không có sách vở, cũng chẳng có đất đai cố định. Nhưng chỉ có một điều là họ đã không hề bị “quá tải” về những tin tức, để thường xuyên sống khép kín trong những tin tức thời sự hàng ngày như chúng ta hôm nay! Trái lại, họ đã có một “bộ nhớ” cộng đồng rất sống động, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia. Chiều đến, xum họp trong lều trại gia đình, hoặc quây quần chung quanh đống lửa cộng đoàn, những “người thuật chuyện” thường hâm nóng “bộ nhớ cộng đồng” bởi tài tường thuật những biến cố lịch sử dân tộc, với tất cả tình tiết, đặc biệt theo âm điệu nhịp nhàng của nó.

Một cách nào đó, việc sáng chế ra ngành in ấn đã hủy hoại đi “bộ nhớ vĩ đại” của tổ tiên chúng ta, nó đã có khả năng lưu truyền cách trung thực, qua nhiều thế hệ, biết bao bài tường thuật, biết bao vần thơ, điệu hát. Cứ như thế, mỗi chi tộc lưu truyền mọi kỷ niệm của nguồn gốc, của từng biến cố quan trọng, vui buồn đã kết dệt thành lịch sử dân tộc cùng với tổ tiên họ. Mọi biến cố đều được kể lại, được diễn giải và hiện thực hóa không ngừng.

Không chỉ có một, nhưng rất nhiều truyền thống “truyền khẩu”. Theo dòng thời gian và lịch sử của những người du mục này, nhiều chi họ khác nhau qui tụ lại và thành lập những cam kết mới, nên họ đã phải “tùy cơ ứng biến” mà sắp xếp lại hoặc thêm vào những tường thuật các biến cố liên quan đến toàn thể bộ tộc nới rộng! Tuy vẫn giữ tên tuổi các tổ tiên cũng như những biến cố quan trọng của toàn dân (dân Ít-ra-en đã chưa bao giờ được thống nhất hoàn toàn, vì thế họ cũng sẽ chẳng bao giờ chịu đóng khung trong một truyền thống duy nhất!).

Thế nên, khi các ký lục thời vua Đa-vít và Sa-lô-môn bắt đầu soạn thảo và ghi chép những tường thuật “truyền khẩu” kia thành văn bản, họ đã thu thập cả những chuyện kể đang lưu truyền trong các bộ tộc miền Bắc cũng như miền Nam. Và nhất là theo ánh sáng của niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất (thuyết “độc thần” đã dần dần được hình thành với thời gian), dưới sự linh hứng của Thần Khí, các ký lục đã cảm nhận được tác động của Thiên Chúa qua những biến cố kia. Một vị Thiên Chúa đã có sáng kiến tự tỏ mình, tự thông truyền, để đi vào tương quan với con người.

Sách Thánh, vì thế, không là tác phẩm của ông A, B hay C tự tay viết một lúc, nhưng là một cuốn sách vĩ đại của “toàn thể bộ nhớ”, của truyền thống sống động của cả một dân tộc, có thể nói đó thực sự là cả một “thư viện”, trong đó có những gia phả, lẫn lộn với những tường thuật về các kỷ niệm riêng của nhiều bộ tộc, về những cuộc giao tranh, những thắng bại, những ganh đua tranh chấp, những hy vọng cũng như thất vọng của dân tộc mình. Chúng là sản phẩm của rất nhiều người, đa số là vô danh. Hầu như toàn dân đều cùng ghi lại những gì họ đã trải qua, để nói lên quan niệm của họ về Thiên Chúa, ý nghĩa mà họ đã gán cho lịch sử của riêng mình và của toàn dân. Cứ thế, mỗi thế hệ lại thêm thắt, chỉnh sửa những văn bản thời trước, bằng cách thêm vào những gì họ vừa trải nghiệm. Cái di sản khổng lồ này luôn được đọc đi đọc lại, khiến nó có khả năng đối chiếu với niềm tin, với những xác tín của họ, trước những tình huống mới của cuộc đời và trước những nền văn hóa của mọi dân tộc khác.

 

Một dân tộc gương mẫu, một dân tộc rạng ngời

Nhưng chắc bạn sẽ hỏi tại sao lại ưu tiên chọn lịch sử dân này thay vì một dân tộc khác? Đúng là Thiên Chúa không thiên vị, và Thần Khí Người linh hứng trong tâm hồn mọi người. Có biết bao nền văn minh, có vô số sự khôn ngoan, hiền triết, tín ngưỡng khác nhau, minh chứng cho sự tìm kiếm ý nghĩa nơi con người đều được thôi thúc bởi Thần Khí. Nhưng Thiên Chúa, với sự tự do cao cả của Người, đã chọn một dân tộc du mục bé nhỏ này, làm nơi ưu tiên để từ từ vén mở căn tính và kế hoạch yêu thương của Người cho nhân loại. Cuộc đối thoại ưu tiên kia đã khiến cho dân tộc nhỏ bé này thành một dân tộc gương mẫu, một dân tộc rạng ngời. Qua dân tộc này, chính là toàn thể nhân loại đã được mời gọi đi vào cuộc đối thoại của tình yêu thương với Thiên Chúa duy nhất.

Ngay từ khi cuộc đối thoại khởi đầu trong lịch sử, với Áp-ra-ham, nó đã liên quan đến mọi người rồi: “Nhờ ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12, 3). Thế nên, tôi đọc Sách Thánh, vì những trang sử dài của dân tộc này, là một lịch sử liên quan đến tôi và toàn thể nhân loại. Chính vì lý do này mà, đối với mỗi người chúng ta, Kinh Thánh vẫn luôn mãi còn là Lời Chúa.

 

Một “Lời” vẫn luôn còn là hiện thực

Thiên Chúa có còn nói với chúng ta hôm nay không? Đây mới là một câu hỏi quan trọng! Vì nếu ngày nay Người không nói với chúng ta nữa, thì việc Người nói trong quá khứ nào có gì quan trọng! Tác giả Kinh Thánh đã không ngần ngại viết rằng Lời Chúa không ngoài tầm tay của ta: “Nhưng Lời ở gần kề bên bạn, nó ở trong miệng, trong tim bạn, để bạn đem nó ra thực hành” (Đnl 30, 13-14).

Ta đã thấy rằng Sách Thánh là một sự đọc lại không ngừng những biến cố nền tảng của dân tộc được tuyển chọn. Văn liệu Talmud ngày nay của các giáo trưởng Do-thái vẫn còn tiếp tục kiểu “đọc lại” này. Việc hiện thực hóa Lời Chúa kiểu này có tầm quan trọng đặc biệt, đến nỗi các giáo trưởng gọi đó là “Luật truyền khẩu” của họ.

Chính Chúa Thánh Thần, qua dòng thời gian, cũng linh hoạt Giáo Hội và các tín hữu, làm họ có khả năng đọc, diễn giải và hiện thực hóa các sách Kinh Thánh như thế, nhưng nhất là biến cố Đức Ki-tô Giê-su. Thần Khí Thiên Chúa còn tiếp tục đi xuống chiều sâu của con người. Người linh hứng cho các tác giả Sách Thánh, và cũng chính Người, ngày hôm nay giúp chúng ta đọc lại lịch sử đời mình và lịch sử dân Chúa, như những nơi ưu tiên để “Người nói”.

Trong cuộc sống của mỗi tín hữu và của Giáo Hội, luôn có những biến cố mới, phát sinh và kéo theo nhu cầu cho sự cảm thông, cho sự giải thích Kinh Thánh một cách mới mẻ. Mỗi thế hệ, ki-tô hữu chúng ta đều được mời gọi để hiện thực hóa Tin Mừng, mà xưa kia đã không đề cập đến những vấn đề của thời hiện đại, như thụ thai trong ống nghiệm, gây chết êm dịu, qui chế của mạng viễn thông…

Vì nếu Lời Chúa đem đến cho đời ta một ý nghĩa, một hướng đi cho lịch sử, thì nó cũng cho phép chúng ta minh định những ứng dụng mới. Lời Chúa và những biến cố lịch sử làm giầu lẫn cho nhau. Lời Chúa soi sáng cho lịch sử, còn lịch sử giúp con người đào sâu ý nghĩa Lời Chúa. Sự hỗ trợ song phương nòng cốt này được Thần Khí Chúa hướng dẫn và đảm bảo cho sự liên tục và hoà hợp với Mạc Khải về căn tính con người và cùng đích của lịch sử.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta đều kết dệt bằng những biến cố: hạnh phúc, bất hạnh, gặp gỡ, tranh chấp, vui vẻ, thử thách, dự án với thất bại… Và rất thường khi chỉ một thời gian dài, sau khi biến cố xảy ra, dù quan trọng hay bề ngoài xem như vô nghĩa, mà mỗi người mới nhận ra rằng những biến cố kia, thật sự mang tính quyết định cho những ngày còn lại của đời mình. Được Thần Khí Chúa soi sáng, ta có thể cảm nhận được, trong chính những biến cố ấy, một sự Hiện Diện đã đem đến cho những khúc quanh của đời ta một ý nghĩa. Niềm tin chính là “ánh sáng nội tâm” đã vén mở ra ý nghĩa chân thật cho những gì chúng ta đã sống, nó chiếu sáng trên hiện tại và soi dẫn tương lai của ta. Tất cả những điều này có thể trở thành “Lời Chúa” cho mỗi người.

Vì nếu trong Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã tỏ lộ điều chính yếu trong kế hoạch yêu thương của Người, thì chúng ta cũng phải nhập cuộc để không ngừng hiện thực hóa, Lời mà Người đã tỏ lộ cho chúng ta, theo dòng lịch sử. Thánh Linh Chúa giúp Giáo Hội, và các tín hữu đọc Sách Thánh, để luôn làm nảy sinh từ đó một Lời hiện thực. Một thí dụ cụ thể: con người chúng ta đã phải đợi biết bao thế kỷ để hiểu được rằng tình-bằng-hữu mà Thầy Giê-su mời gọi mỗi người ki-tô hữu chúng ta, đòi hỏi phải bãi bỏ chế độ nô lệ!

Quả thật Kinh Thánh là một nguồn linh hứng vô tận. Cách đọc và hiểu Sách Thánh thay đổi, vì điều kiện sống và lương tâm con người không ngừng thay đổi, tiến hóa. Ta chẳng bao giờ có thể kết thúc việc đọc, tìm hiểu và đào sâu Kinh Thánh, để kín múc từ đó những luồng sáng mới. Thường xuyên đọc Sách Thánh sẽ giúp ta ý thức hơn sự Hiện Diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố đời mình để qua đó nhìn ra tác động của Người trong thế giới.

Vào buổi đầu của Giáo Hội, chính Thánh Linh Chúa thúc đẩy những tín hữu tiên khởi và các Giáo Phụ đọc các Ngôn Sứ theo ánh sáng Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô. Cả Thầy Giê-su cũng thế, sau biến cố Vượt Qua, khi gặp các môn đệ trên đường về Em-mau: “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các Ngôn Sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27).

Bám rễ sâu trong thái độ nghe trân trọng những khát vọng và những vết thương của con người thời đại, chúng ta không phải nói nhiều về Thiên Chúa, cho bằng nói “Lời Chúa” cho họ. Chúng ta được mời gọi, bằng trọn cuộc sống của mình, làm cho mọi người phát hiện ra rằng Lời Chúa là nguồn sáng và thẩm định, giúp con người thực hiện công việc Nhân tính hóa và Thiên tính hóa con người cách trọn hảo nhất.

Lời Chúa còn là Lời sáng tạo. “Mỗi ngày Thiên Chúa vẫn tác tạo nên tôi bằng chính bản thân tôi”, Emmanuel Mounier đã phải thú nhận như thế. Đón nhận, nghiền ngẫm và cầu nguyện Lời Chúa, là để mình được yêu thương, uốn nắn tùy theo cường độ tình yêu của Người.

Từ Công Đồng Va-ti-ca-nô II, các tín hữu đã ý thức hơn rằng Thiên Chúa không chỉ nói qua văn bản Sách Thánh, nhưng còn qua “mọi biến cố, với những lời nói liên quan mật thiết với chúng nữa”[2]. Công Đồng còn yêu cầu các tín hữu là những người được Thần Linh Chúa ngự trị cần nên rất mực thận trọng chú ý đến những “dấu chỉ thời đại”, vì nó có thể là Lời Chúa cho chúng ta ngày nay.

Những điều kiện để thẩm định, trong những biến cố hay cuộc sống của các ngôn sứ hôm nay, đích thực cũng là một “Lời Chúa” như đối với các ngôn sứ và mọi nhân vật khác trong Sách Thánh xưa kia. Một niềm tin biết lắng nghe, sẵn sàng cởi mở cho Thần Khí Chúa, để “nhìn một cách khác” cuộc sống cá nhân hay cộng đoàn. Tín hữu không thể sống niềm tin của mình mà không học biết thẩm định sự Hiện Diện sinh động như “tiếng nói” của Thiên Chúa, tận chiều sâu cuộc sống hằng ngày của mình cũng như của cộng đoàn. Sứ vụ đầu tiên của Giáo Hội phải là một dân tộc biết lắng nghe, biết chấp nhận để Lời Chúa thúc giục. Sự đổi mới và phong phú của các cộng đoàn tín hữu tùy thuộc vào mức độ hướng mở đến với Thần Khí Chúa, chiêm ngắm, nghiền ngẫm, sống và hiện thực hóa Lời Người.

Chỉ có thái độ cùng-nhau-lắng-nghe Lời Chúa, mới cho chúng ta sự táo bạo để bắt tay vào một công việc mênh mông là hội-nhập-văn-hóa, để dám nói “một cách khác” về Thiên Chúa, Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội, Ơn Cứu Độ, các bí tích… trong sự hài hoà với những gì mà di sản của Tổ Tiên để lại cho chúng ta, với lòng biết ơn sâu xa đối với các vị tiền nhân.

Niềm tin của người ki-tô hữu hôm nay không đòi buộc phải ứng dụng mọi dữ kiện của những nền văn hóa trong Sách Thánh. Trái lại, niềm tin được tỏ ra như một sức năng động của cuộc sống, nó hướng dẫn cho sự hiện hữu của con người trong mọi thời đại. Chúng ta không bắt buộc phải chấp nhận quan điểm về nguồn gốc vũ trụ trong Kinh Thánh để tin vào Thiên Chúa Tạo Hoá. Đức Tin vượt trên mọi thể thức, mẫu mực.


(còn tiếp nhiều kỳ)


[1]   1. Ví dụ, khi ngôn sứ Giê-rê-mi-a viết: “ Lời Chúa nói với tôi” (Gr 1, 4), hiểu đúng nghĩa “những lời này” không chỉ thông báo những gì Giê-rê-mi-a nói, nhưng còn cả một phần thăng trầm cuộc sống của ông, của lịch sử thời ông sống mà sứ vụ của ông có liên hệ chặt chẽ. Những “Lời”, cũng có thể được dịch là “hành động”, “những chuyện”, những câu nói”, “những dữ kiện và cử chỉ”.

[2]  (Mạc Khải số 2)

 
VỀ MỤC LỤC
Đức Thánh Cha ca ngợi sáng kiến dùng âm nhạc phục vụ hòa bình

 

http://vietvatican.net/

CASTELGANDOLFO. ĐTC Biển Đức 16 ca ngợi sáng kiến của Nhạc trưởng Damiel Barenboim dùng âm nhạc để phục vụ hòa bình và sự hòa hợp giữa các dân nước.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong lời cám ơn vào cuối buổi hòa nhạc chiều ngày 11-7-2012, nhân lễ kính thánh Biển Đức, tại dinh thự Castel Gandolfo, với sự tham dự của Tổng thống Italia, Ông Giorgio Napoletano, và phu nhân, 5 HY và lối 200 khách mời. Ban nhạc đã hòa tấu hợp ca số 6 Fa trưởng và số 5 Do thứ của Ludwig von Beethoven.

Buổi hòa nhạc do Nhạc trưởng Daniel Baremboim đảm trách. Ông là người Argentina gốc Do thái. Hồi năm 1999 ông thành lập và điều khiển ban nhạc ”Divan Đông Tây” gồm nhiều nhạc sĩ người Israel, Palestine, Siri, Giordani, Ai Cập, Liban, Irak, Thổ nhĩ kỳ và Tây Ban Nha. Ban nhạc lưu diễn tại nhiều nước Âu Châu với mục đích thăng tiến đối thoại liên tôn và liên văn hóa.

ĐTC nói: ”Anh chị em có thể tưởng tượng tôi vui mừng dường nào khi tiếp đón một ban nhạc như ban nhạc này, được khai sinh từ xác tín, hay đúng hơn từ kinh nghiệm theo đó âm nhạc liên kết con người với nhau, vượt lên trên mọi chia rẽ; vì âm nhạc là sự hòa hợp những khác biệt.. Từ nhiều âm khác nhau của các nhạc khi đó thể nảy sinh một hợp thanh. Nhưng điều này không xảy ra một cách huyền bí hoặc tự động! Nó chỉ xảy ra nhờ sự dấn thân của nhạc trưởng và của mỗi nhạc sĩ. Một sự dấn thân kiên nhẫn, vất vả, đòi thời gian và hy sinh, trong nỗ lực lắng nghe lẫn nhau, tránh thái độ coi mình là nhân vật chính và dành ưu tiên cho sự thành công của tập thể”.

Và ĐTC kết luận rằng: Sứ điệp mà tôi rút ra ở đây là: để đạt tới hòa bình, cần phải dấn thân, gạt bỏ bạo lực và võ khí, dấn thân với sự hoàn cải bản thân và cộng đoàn, với đối thoại, kiên nhẫn tìm kiếm những thỏa thuận có thể” (SD 11-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

 

VỀ MỤC LỤC
KỶ NIỆM XƯA…

 

Ai trong chúng ta cũng đong đầy những kỷ niệm trong ký ức, những kỷ niệm đó theo mình suốt đời, chắc chắn nó làm nên con người mình trong mọi cách suy nghĩ và ứng xử. Chỉ cần một gợi nhớ, tất cả lùa đến một cách sống động kéo ta về với dĩ vãng xa xôi. Cũng tùy vào kỷ niệm đó, niềm vui hay nỗi buồn chi phối tâm tư tình cảm chúng ta.

Tôi lớn lên trong một Xứ Đạo toàn tòng di cư, những năm tháng đầu vào miền Nam, tuổi thơ chúng tôi hồn nhiên sống giữa trăm ngàn ngổn ngang của bậc cha mẹ, những lưu luyến lũy tre xanh ở mãi tận phương Bắc nghìn trùng xa cách, làm nền tảng cho bậc phụ huynh tổ chức một lũy tre mới trên một vùng đất mới.

 

Vâng, câu kinh tiếng kệ nhôi nhai đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi, thế giới quanh chúng tôi tái tạo lại thôn làng của cha ông, trung tâm sinh hoạt là ngôi Nhà Thờ vừa được dựng lên, nơi đó tiếng kinh trầm buồn đều đều vang lên thu hút chúng tôi, nơi đó có cả những ổ bánh mì, những ly sữa nóng trong những thùng nhôm lớn được pha sẵn, nóng hổi và có cả những miếng Pho-mai ( fromage ) mặn mà vàng ngậy, mà không hiểu sao những miếng pho-mai không đầy đặn mà lại thủng lỗ chỗ những lỗ nho nhỏ dễ thương làm sao; hình “bà sơ” ( ma soeur ) đội nón trắng rộng vành, gương mặt xinh đẹp in ngoài vỏ hộp bơ ( beurre ) và cả cái hình bắt tay có chữ USAID ( cơ quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ – United States Agency for International Development ) là những gì lạ lùng đối với chúng tôi.

 

Sau này lớn lên trên bước đường Tông Đồ tôi thường quí các soeurs Dòng Thánh Phaolô cách đặc biệt, đơn giản chỉ vì ngày xưa tôi thích được ăn bánh mì “viện trợ” quệt “bơ bà sơ”. Xin lỗi các soeurs khác vì sự thiên vị “đáng ghét” này, xin lỗi cả các soeurs Dòng Thánh Phaolô vì sự yêu thích kỳ quái của tôi, không lạ đâu, vì cũng từ đó mà một trong những điều hấp dẫn tôi vào Dòng Chúa Cứu Thế là… chiếc áo Dòng.

 

Tuổi thơ tôi là vậy, sáng chiều t ôi đến Nhà Thờ, để vui chơi cũng có, để đọc kinh “xem Lễ” cũng có, để được ăn uống cũng có, nhưng có một số người không phải như tôi, họ mê chơi những chỗ khác hơn là Nhà Thờ, họ thích tụ tập làm những chuyện khác hơn là xem Lễ đọc kinh. “Lũy tre” mới mà cha ông chúng tôi dựng nên lùa tất cả bọn họ vào Nhà Thờ, thế nhưng họ đã tìm cách lỉnh đi, vui chơi ở một chỗ nào đó, rồi khi hết Lễ, họ chặn đường hỏi chúng tôi đi Lễ về với một câu hỏi duy nhất: “Hôm nay cha mặc áo màu gì ?” Sau đôi ba lần trả lời họ, máu “công chính” trong tôi nổi lên, lần ấy tôi có tình trả lời sai màu áo, trả lời xong tôi quên ngay cái hành vi “công chính rơm” ấy, cho đến tôi lãnh đủ hai ba trận đòn liên tiếp của bọn họ những ngày sau đó, tôi mới hiểu lý do tại sao !

Cánh đi Lễ của bọn tôi tan tác hết, không dám cho bố mẹ biết, sợ bị phạt, chúng tôi âm thầm dậy sớm hơn và tìm những đường vòng thật xa để tránh bị đòn, nhưng hình như họ bắt nạt mình đã quen và thích thú với cái trò bắt nạt, chúng tôi đi đường nào cũng bị chận đánh, chia thành hai tốp đi hai ngã khác nhau cũng vẫn bị họ chia thành hai cánh để theo đánh cho bằng được, cái quạt lá cầm đi Lễ cũng bị chúng tước đoạt, xé tan tành ngay trước ánh mắt căm tức nhưng bất lực của chúng tôi.

Một hôm Long thẹo ( bây giờ ở Mỹ, cổ có vết thẹo rất lớn nên chết tên là Long thẹo ) bị đánh lăn từ trên dốc đường tàu xuống, đầu cấn phải cục đá to, loại đá 4x6 làm đường, máu chảy đầm đìa. Chúng tôi không dám về nhà, tụ tập ở nhà Tuyên méo ( anh này miệng bị máu, đi lính, rồi tù cải tạo, bây giờ cũng đang ở Mỹ ) để chữa thương cho Long và giặt áo sạch vết máu.

Tuyên méo lớn nhất đám tức giận tập họp anh em lại quyết định tuyên chiến, những tay mạnh khỏe trong đám hưởng ứng, chì nhất có Cừ lùn ( chết lâu rồi ) và Bình boong ( tu Dòng Đồng Công, bây giờ đang ở Mỹ ), có cả Tâm từ nữa ( Tâm bây giờ là Linh Mục Dòng Don Bosco ). Chúng tôi vạch kế hoạch chiến đấu. Một nhóm giả “hiền từ” đi Lễ như thường, vũ khi bình thường vẫn là những cái quạt lá, hai nhóm khác “võ trang” cẩn thận bọc chặn hai đường thoát, vũ khí tối tân nhất là các giàn ná bắn chim vì chúng tôi muốn triệt hạ bọn chúng từ xa trước khi để chúng tiếp cận. Cẩn thận hơn nữa, chúng tôi gọi thêm viện binh, bọn Huyến rù ( anh này mặt buồn buồn nên có tên là Huyến rù, rù là một loại bệnh cúm của gà, gà rù ) bên Xóm Chợ ủng hộ phe chúng tôi và phục sẵn ở chợ, làm sao dồn bọn chúng chạy về phía chợ là coi như bị… diệt gọn !

Hôm ấy chúng tôi thắng lớn, những tên hung bạo nhất đã bị anh em Xóm Chợ nhốt dưới mấy cái sạp bán thịt ( anh em dựng sạp lên, bắt chúng bỏ vào rồi hạ sạp xuống ) khóc ấm ĩ, nhưng tiếng reo hò chiến thắng của bọn tôi át cả đi, mãi đến khi một số người lớn can thiệp, chúng mới được giải thoát, từ đó chẳng bao giờ còn dám bắt nạt chúng tôi nữa, chúng tôi được bình yên để đi lại “thờ phượng Chúa”.

Chúng tôi phải trả giá cho “chiến thắng lừng lẫy” này bằng một trận phạt quỳ trong Nhà Thờ về tội “gây rối trật tự công cộng”, một bà Quản nhìn thấy đã thưa với cha Xứ, thế là…

Chúng tôi không quan tâm và cũng không hề có ý nghĩ bào chữa cho mình. “Quỳ trước đền vàng” nhưng lòng chúng tôi hỉ hả lắm, thậm chí ngày ấy chúng tôi đâu đã hiểu thế nào là bài học nhân bản hay giáo lý của sự kiện này, đối thoại hay không đối thoại, bạo động hay không bạo động ?!?

Thế nhưng chúng tôi đã học được bài học đoàn kết và vượt qua nỗi sợ hãi bị ức hiếp. Cũng từ ngày đó chúng tôi thương nhau hơn, ngày Cừ lùn chết, chúng tôi đứng trước quan tài như đứt ruột ra. Tuyên méo và Bình boong lâu lắm rồi không gặp nhưng chẳng bao giờ chúng tôi quên. Long thẹo mỗi lần về Việt Nam lại tìm đến anh em nhiều hơn ở nhà…

Kỷ niệm xưa của tuổi thơ ấy mãi luôn sống động trong tôi mỗi lần tôi gặp khó khăn trên đường đời, mỗi lần tôi phải đối diện với Sự Dữ.

Vâng, đoàn kết và vượt sợ hãi, bài học không bao giờ tôi quên…

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 8.7.2012
Một tuần sau sự kiện thương đau ở Con Cuông, Nghệ An (Ephata 517)

 

VỀ MỤC LỤC

PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO CỦA TRƯỞNG GIA ĐÌNH: PHỤC VỤ KHIÊM TỐN

 

1. LỜI CHÚA:

Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,26-28).

2. SUY NIỆM:

1) Lãnh đạo là gì? :

- Lãnh đạo là dẫn đường: Vậy người lãnh đạo, không những là người có chức vị lớn (như Chủ tịch, Tổng thống…), nhưng bất cứ ai có  ảnh hưởng trên người khác, có khả năng lôi cuốn người khác đi theo mình đều được coi là người lãnh đạo như: Linh mục, cha mẹ, Giáo viên, Giáo lý viên, Huynh trưởng… đều là người lãnh đạo.

- Lãnh đạo cũng được gọi là thủ trưởng: nghĩa là người đứng đầu, Nếu không có đầu để suy nghĩ chỉ huy thì tay chân sẽ cử động tùy tiện, thiện chí sẽ bị mai một, nghị lực sẽ dần tiêu tán, con người sẽ trở nên điên lọan, sứ mệnh sẽ không thể chu tòan

- Lãnh đạo là người biết, muốn và hành động theo lý tưởng của mình, đồng thời cũng có khả năng động viên người khác biết, muốn và hành động theo lý tưởng ấy.

2) Những đức tính của người lãnh đạo: 

Người lãnh đạo cần tiếp thu các ý kiến, nhưng không lệ thuộc vào những ý kiến ấy. Cần có sáng kiến đề ra phương thế thích hợp trong từng tình huống cụ thể. Lãnh đạo cần sống nêu gương sáng, nghiêm túc trong lời ăn tiếng nói và cách ứng xử thích hợp với từng đối tương mình tiếp xúc. Luôn quan tâm tìm hiểu thêm nhiệm vụ chính của mình và thực thi mệnh lệnh cách khôn ngoan hiệu quả. Lãnh đạo cần phải giàu nghị lực để thắng vượt các trở lực gặp phải trong cuộc sống. Tránh nói xấu, chỉ trích cấp trên cách vô trách nhiệm, vì sẽ gây chia rẽ nội bộ và mở đường cho cấp dưới cũng nói xấu và chỉ trích các sai sót khuyết điểm của chính mình

3) Lãnh đạo theo Lời Chúa dạy:

- Lãnh đạo là phục vụ Chúa trong anh em: Người đã dạy các Môn đệ phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, phục vụ cộng đòan hay việc chung. Đặc điểm của người có tài lãnh đạo là có sức thu hút được nhiều người khác cùng hợp tác với mình bằng cách: Tìm kiếm tuyển chọn họ, Huấn luyện và tín nhiệm giao việc cho họ, Quan tâm uốn nắn khích lệ để giúp họ ngày thêm hòan thiện.

- Lãnh đạo là khoan dung những lỗi lần thiếu sót: Không ai tự nhiên có thể là một người lãnh đạo hòan hảo. Chúa Giêsu không loại bỏ các môn đệ khi các ông có những sai sót bất tòan. Do đó chúng ta đừng nản lòng khi thấy cấp dưới có những biểu hiệu tiêu cực chưa tốt. Hãy nhẫn nại bao dung và cư xử tốt với những người bất thuận chống đối mình. Hãy cầu nguyện, làm tốt hết khả năng mình và phó thác cho Chúa quan phòng sắp xếp định liệu.

- Lãnh đạo là trở nên mọi sự cho mọi người: Trong bất cứ hòan cảnh nào, hãy chấp nhận mọi thử thách, nhọc mệt, chống đối và khi cần còn phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình để làm vinh danh cho Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Không bao giờ được nản chí bỏ cuộc.

- Lãnh đạo là khiêm tốn nhận khuyết điểm và tu sửa, không tự hào về thành tích của mình: Khi nhận lãnh một trách nhiệm lãnh đạo, ta phải nhớ rằng mình vẫn còn nhiều sai sót khuyết điểm nên sẽ không buồn phiền chán nản nếu bị cấp trên sửa lỗi hay bị người dưới hiểu lầm vô ơn chống đối. Không bao giờ kể công để đòi hỏi cấp trên về quyền lợi, nhưng luôn phải tự nhủ: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10)..

4) Lãnh đạo theo gương Chúa làm:

- Hãy tìm học nghề lãnh đạo nơi Chúa Giêsu, vị Lãnh Đạo Tối Cao, Người thầy lớn nhất như Người đã khẳng định:

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đòan chiện. Người làm thuê vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán lọan., vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiện. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đòan chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về . Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đòan chiên và một mục tử.  Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,1-16).

- Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. (Ga 13,12-15).

3. THẢO LUẬN:

1) Hãy cho biết người lãnh đạo cần có những đức tính nào theo Lời Chúa dạy và gương Người làm?

2) Trưởng lãnh đạo cần thể hiện tinh thần phục vụ và hy sinh thế nào để gây uy tín và tình cảm của người dưới?

3) Trưởng nên chia sẻ việc điều hành thế nào với các cộng tác viên?

4. LỜI NGUYỆN CỦA TRƯỞNG: Theo thánh I-nha-xi-ô:

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử Tối Cao.,
Xin dạy chúng con biết sống quảng đại,
Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng.

Biết cho đi mà không cần tính toán,
Biết chiến đấu mà không sợ thương tích,
Biết làm việc mà không tìm an nghỉ,
Biết hiến thân mà không mong chờ một phần thưởng nào khác,
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

VỀ MỤC LỤC
Karl Marx phê-bình tôn-giáo (tiếp theo)
 

Gs. Trần Văn Toàn

Bài đăng ở tập san Định Hướng

 

2- Thời-kỳ viết « Bản thảo về Kinh-tế và Triết-lý »  

Khi còn làm báo ở Đức, Marx đứng trong khuôn-khổ tư-tưởng triết-học Đức và quan-niệm tự-do chính-trị. Đã có lần bị Nhật-báo phổ-thông ở Augsburg (Ausburger Allgemeine Zeitung), tố-giác là cộâng-sản, Marx trả lời trong số báo 296 của ông, ngày 23/10/1842, là ông chưa biết cộng-sản là gì, nhưng ông hứa là sẽ tìm hiểu[11]. Nay sang Pháp, ông làm quen được với phong-trào xã-hội chủ-nghĩa của Proudhon và nhờ Engels giúp, ông hiểu ra tầm quan-trọng của kinh-tế, cho nên thấy cần phải tổng-hợp những điều sở-đắc,  để nhận-định cho rõ lập-trường của mình. Đó là nguồn-gốc tác-phẩm ta bàn đến ở đây.

Đây mới chỉ là bản thảo, không có ý-định cho in ra, cho nên tư-tưởng chưa được xếp cho có thứ-tự lắm, và lời văn còn rườm-rà, chưa được gọt dũa, nhưng tư-tưởng rất mực quan-trọng, vì đây là trọng-tâm của tư-tưởng Marx. Cần phải nói là tác-phẩm này ít được để ý tới, một là vì Marx không cho in ra, hai là vì khi cách-mệnh cộng-sản thành-công ở Nga năm 1917, thì những người làm cách-mệnh chỉ căn- cứ vào bộ Tư-bản-luận và vào các bài viết lên trên báo chương. Sau này, biết là có Bản thảo đó, nhưng thấy là không cần in ra, vì chẳng có nó thì cách-mệnh cũng đã thành-công rồi ; vả lại đó là tác-phẩm triết-lý, nói về nền-tảng đạo-đức cách-mệnh, cho in ra thì e rằng không hợp với chính-sách thời đó. Cho nên khi có nhắc đến nó thì người ta chỉ nói suông rằng nó thuộc về giai-đoạn mà Marx chưa gột rửa được hết tư-tưởng duy-tâm. Phải chờ đến năm 1932 nó mới được xuất-bản tại Berlin trong bộ MEGA cũ, I / 3 [12] .

Bản thảo được viết ra trong ba cặp vở. Các đề-tài chưa được xếp cho có thứ-tự. Đại-khái có những đề-tài sau đây : đồng tiền lương, lợi lãi của tư-bản, địa-tô, sức lao-động bị vong-thân, quyền tư-hữu, quyền tư-hữu đấât đai, tư-bản và lao-động, Cộâng-sản, con người toàn-diện, vấn-đề phụ-nữ, vấn-đề Thiên-Chúa, các nhu-cầu của con người, quyền-lực của đồng tiền, phê-bình triết-học Hegel[13]. Cũng thời-kỳ đó, Marx trình bầy những tư-tưởng đó và căn-bản lý-thuyết cộng-sản trong chương nhất của cuốn sách Ý-thức-hệ bên Đức ; chương nhất đó lấy đầu đề là « Feuerbach » ; những chương sau thì không có gì đặc-biệt, có thể bỏ qua được.

Đối với đề-tài của ta ở đây, thì dĩ-nhiên là phải nói đến những trang viết về Thiên-Chúa, nhưng để hiểu cho rõ, cần phải xem quan niệm Marx về con người, con người lao-động bị vong-thân và con người toàn-diện, con người nhân-loại (Gattungswesen), nghĩa là theo đúng chương-trình của Feuerbach : lấy nhân-loại đặt thay vào chỗ Thiên-Chúa.

 

2.1- Con người toàn-diện và con người bị vong-thân 

2.1.1- Phần tiêu-cực : nền tảng do Feuerbach xây dựng

Trong thư viết tại Paris, gửi cho Feuerbach ngày 11/08/1844, Marx nói lên món nợ tinh-thần đối với nhà triết-gia hơn ông 14 tuổi và lúc đó đã nổi tiếng vì cuốn sách Bản-chất đạo Thiên-Chúa (1841).  Oâng viết : « Thưa Ngài, Nhân có dịp, tôi xin mạn phép gửi cho Ngài một bài tôi đã viết xong rồi, nhưng lại đang sửa chữa để cho ai nấy đều hiểu được. Trong bài ấy tôi có đưa ra mấy ý-kiến để phê-bình triết-lý của pháp-luật [14]. Tôi không nghĩ rằng bài này có giá-trị gì đặc-biệt, nhưng tôi mừng vì có dịp để thưa với Ngài là tôi rất tôn-trọng Ngài và – xin Ngài cho phép tôi nói – quí mến Ngài. Cuốn sách Triết-lý của tương-lai, cũng như cuốn Bản-chất đạo Thiên-Chúa của Ngài, tuy rằng không dài lắm, nhưng lại có giá-trị hơn tất cả các sách vở hiện-thời trong nước Đức. Tôi không biết Ngài có chủ-ý như thế hay không, nhưng trong những tác-phẩm đó, Ngài đã cho xã-hội chủ-nghĩa có một nền tảng triết-lý, và những người cộng-sản đều đã hiểu các tác-phẩm đó như thế. Ngườt ta thật có khác nhau, nhưng sự hòa-hợp giữa người với người, cái ý-niệm nhân-loại (Menschengattung) đã được đưa từ vùng trời trừu-tượng xuống quả đất có thực, đó là ý-niệm xã-hội, chứ không phải là gì khác » [15].

Marx có mời Feuerbach cộng-tác trong hoạt-động chính-trị. Feuerbach không trả lời. Từ đó hết liên-lạc. Feuerbach tiếp-tục phê-bình tôn-giáo[16], Marx tiếp-tục làm chính-trị, và bắt đầu viết một cuốn sách dài nhan-đề là Ý-thức-hệ bên Đức (1845), trong đó có dành cho Feuerbach chương nhất, có lẽ là chương độc nhất có giá-trị trong sách đó ; đồng thời lại thảo ra Mười một luận-đề về Feuerbach. Có một số chuyên-gia cho rằng những luận-đề về Feuerbach, tuy chỉ vẻn-vẹn có một trang giấy, nhưng có giá-trị triết-lý hơn cả dăm sáu trăm trang của cuốn Ý-thức-hệ bên Đức. Nói như thế cũng là quá đáng, vì một trang giấy thì quả thực là vắn tắt quá : muốn hiểu được cho rõ, độc-giả lại phải biết những điều Marx bàn-luận trong chương sách về Feuerbach trên đây, và trong Bản  thảo viết năm 1844, nghĩa là cùng thời đó.

Trong phần cuối của Bản thảo dành vào việc phê-bình triết-học Hegel, Marx công-nhận công-lao của Feuerbach như sau : « Đối với phép biện-chứng của Hegel thì Feuerbach là người duy-nhất có thái-độ nghiêm-chỉnh và phê-bình. Về phạm-vi đó, ông cũng là người độc nhất đã đưa ra được những sáng-kiến thiết-thực. Nói tóm lại, ông là người đã thắng vượt được triết-học cũ. Công việc ông làm thật là mênh-mông, ông đem nó ra công-bố cho thiên-hạ một cách vừa giản-dị lại vừa kín đáo, thật là khác xa lối làm ăn của những người khác » [17].

Như thế đã rõ là quan-niệm về con người và về xã-hội của Marx đã được xây-dựng trên căn-bản triết-lý của Feuerbach. Khởi-điểm là ý-niệm « vong-thân », có thể dùng để hiểu rõ tình-trạng không ổn-thỏa của con người. Không ổn-thỏa ở bình-diện ý-thức, cho nên đánh mất bản-thân trong tôn-giáo : đem các đặc-tính của con người mà đặt cho Thiên-Chúa, và đó là quan-niệm của Feuerbach. Tuy vậy Feuerbach không dừng lại ở bình-diện ý-thức, vì, như Marx đã nhận-định trên đây, Feuerbach đã có chủ-trương phải trở về với thực-tại cụ-thể : trong cuốn Triết-lý của tương-lai, ông đưa ra cho triết-lý hai phương-hướng là thân-xác (Leiblichkeit) xã-hội (Gesellschaft)[18]. Nhưng cái xã-hội, cái nhân-loại ở đây, thì Feuerbach, tuy cũng biết là nó bao trùm cả những liên-quan pháp-lý, nhưng lại chú-trọng riêng đến cái liên-lạc giữa người phái nam và phái nữ . Marx cho như thế là lãng-mạn ướt-át, cho nên ông đi ngược lại và đặt trọng-tâm vào liên-quan chính-trị và nhất là kinh-tế nữa.  Vì thế ông đặc-biệt chú-ý đến cái không ổn-thỏa trên bình-diện thực-tế chính-trị, xã-hội và kinh-tế, cho đó là cái vong-thân thiết-thực.

Và để hiểu rõ cái vong-thân thiết-thực, ta lại cần phải biết con người toàn-diện, con người nhân-loại là như thế nào, nếu không vong-thân. Mà vong-thân – Marx đã quả-quyết theo như Feuerbach – là ở chỗ cái mà người ta gọi là Thiên-Chúa, thực ra chỉ là nhân-loại mà thôi.  Đó lại cũng là điểm mà Marx trình bầy trong phần phê-bình Hegel này. Như  thế tất-nhiên phải xem qua ảnh-hưởng của Hegel đối với Marx.

 

2.1.2- Phần tích-cực : vật-liệu do Hegel cung-cấp 

Tuy Marx tuyên bố là mình đã đảo ngược lại hệ-thống biện-chứng của Hegel mà ông cho là duy-tâm[19], thì ta cũng chẳng thấy rõ ông đảo ngược thế nào cho ra duy-vật biện-chứng cả. Thực ra Marx đã để tâm và bận tâm nhiều vào cuốn sách của Hegel về Triết-lý của Pháp-luật (1821). Trong thư viết cho Feuerbach, Marx đã gửi phần dẫn-nhập của bài phê-bình sách đó, và nói là còn đang sửa chữa thêm. Có điều là Marx chỉ phê-bình có 53 thiên, về phần cuối, từ thiên 261 cho đến thiên 313, nghĩa là chỉ phê-bình gần hết phần nói về quyền chính-trị trong nhà nước mà thôi[20]. Phần cuối cùng là 47 thiên, từ thiên 314 đến thiên 360, bàn về pháp-luật quốc-tế và lịch-sử thế-giới, thì không nói đến. Còn 260 thiên về phần trước, đặc-biệt là những suy-tư về lao-động và kinh-tế, thì Marx lấy lại mà không nói đến tác-giả nữa. Đọc sách đó của Hegel cho kỹ thì không thể nói rằng triết-gia đó là duy-tâm, chỉ  triết-lý suông, mà không biết gì đến thế-sự và lịch-sử, càng không thể cho rằng ông không có quan-niệm về con người toàn-diện

Theo thiển-ý thì phê-bình hay là đảo ngược cả một hệ-thống lý-sự như của Hegel không phải là truyện dễ, nhất là khi Marx còn bận tâm viết bài về chính-trị ; cho nên nếu không dùng được cả, thì tiện hơn hết là xem trong kiến-trúc đó, có gạch đá xà cột hay vật-liệu nào dùng được, thì tùy-tiện lấy ra mà xây nhà của mình  : đó cũng là lối làm ăn thường tình thiên-hạ. Thực ra cũng phải đợi 30 năm sau, nghĩa là đến năm 1873, mới thấy Marx trả món nợ tinh-thần đối với Hegel ; ông viết trong bài hậu-từ trong khi tái-bản sách Tư-bản-luận  một câu, nhưng câu đó chỉ nói trông-trống thôi về Hegel : « Thế là tôi đã công-nhận rằng tôi là học-trò của nhà tư-tưởng đại tài ấy » [21]. Như thế vật-liệu lấy từ Hegel ra để xây-dựng quan-niệm về con người quả thực là những suy-tư  triết-lý trong sách  Triết-lý của Pháp-luật về con người toàn-diện và giá-trị của lao-động.

Nên chú-ý là có nhiều người hiểu lầm rằng « con người » theo quan-niệm của Hegel và của Feuerbach thì có tính-cách duy-tâm và trừu-tượng, còn « con người » trong quan-niệm của Marx thì có tính-cách cụ-thể. Thực ra đã theo phương-pháp biện-chứng như Hegel, thì không có đặt vấn-đề một cách đơn-phương :« tâm sinh ra vật » hay là « vật sinh ra tâm » nữa, nhưng là tìm cách hòa-hợp cả hai. Có điều là khi muốn nói lên cho có mạch-lạc thì phải nói cái này trước, cái kia sau, theo thứ-tự nào cũng được. Ví-dụ trong Bách-khoa về các khoa-học triết-lý trong những nét căn-bản  (Enzyklopaedie der philosophischen Wissenschaften im Grundrisse, 1817) Hegel trình-bày theo ba giai-đoạn sau đây : trước hết là Khoa Lý-học (Wissenschaft der Logik), thứ hai là Triết-lý về Thiên-nhiên (Philosophie der Natur), thứ ba là Triết-lý về Tinh-thần  (Philosophie des Geistes). Trong sách Khoa Lý-học (Wissenschaft der Logik, 1812), ông lại theo ba giai-đoạn khác : một là Học-thuyết về Hữu-thể (Die Lehre vom Sein), hai là Bản-thể (Das Wesen), ba là Ý-niệm nhất-quán  (Der Begriff) [22]. Đại-khái trong hai ví-dụ trên đây thì giai-đoạn thứ nhất (tức là tiền-đề) luận về cái lý-sự trừu-tượng, giai-đoạn thứ hai (tức là phản-đề) luận về thực-tại cụ-thể, giai-đoạn thứ ba (tức là tổng-đề) đưa ra cái nhìn nhất-quán, nắm chặt được cả cái trừu-tượng lẫn cái cụ-thể. Nhưng không phải hễ cái gì nói ra trước thì phải coi nó là nguyên-nhân sinh ra cái sau, như trong khoa-học duy-vật.

Nay xin nói qua về sách Triết-lý của Pháp-luật [23], để nêu ra những yếu-tố được chuyển sang sách vở của Marx.

Vậy theo phương-pháp biện-chứng, Hegel chia tác-phẩm làm ba phần : 1) Pháp-luật (quyền-lợi) trừu-tượng ; 2) Đạo-đức chủ-quan bên trong ; 3) Đạo-đức khách-quan bên ngoài.

Phần thứ nhất nói một cách trừu-tượng về con người « linh ư vạn vật », nghĩa là có nhân-cách, lại có thân xác cùng ở trong một thế-giới với sự-vật tự-nhiên bên ngoài, cho nên có quyền dùng thân xác mà chiếm-hữu sự-vật bên ngoài. Nếu thân xác ta là nơi riêng ta hiện-diện trong trời đất, thì sự vật bên ngoài, những vật sở-hữu cũng như các dụng-cụ, không phải là như thế, cho nên người khác tiêu-dùng cũng được : tự bản-tính nó không phảøi là của riêng ta ; nó là của ta hay là của người khác, thì đó là do chúng ta thỏa-thuận lập khế-ước với nhau. Do đó mới biết thế nào là công-bình, thế nào là bất-công. Như thế đã rõ là liên-quan giữa ta và sự-vật bên ngoài đều bao gồm liên-quan giữa ta và người khác. Chính vì Marx lấy lại quan-niệm này mà ta không thể nói vu-vơ rằng Marx có lập-trường duy-kinh-tế,  và cố-tình bỏ qua liên quan giữa người với người.

Phần thứ hai nói về đạo-đức chủ-quan bên trong. Hegel gọi là « Moralitaet », người Pháp dịch là « Moralité », hay là « Moralité subjective » để phân-biệt nó với cái được thành hình ra bên ngoài, gọi là « Moralité objective ». Ngôn-từ dùng để chỉ luân-thường đạo-lý, thì người Pháp và người Aâu-châu thường gọi là « morale », hay là « éthique », hai ngôn-từ đó là do tiếng La-tinh « mores » và tiếng Hi-lạp « êthos », cùng có nghĩa là « phong-tục tập-quán », vì trong buổi đầu ngườt ta quan-niệm rằng ăn ở cho hợp vớùi phong-tục tập-quán cũng tức là hợp với luân-lý, với đạo-đức. Nhưng các triết-gia đã sớm đặt câu hỏi : chắc gì là phong-tục tập-quán bao giờ cũng hợp với đạo-đức, với công-bình ? Trong phần này, Hegel bàn đến các ý-niệm về đạo-đức-học, như : trách-nhiệm, dự-định, chủ-ý, cái chí thiện, v.v. ; cho nên không có liên-quan nhiều đến đề-tài của ta.

Phần thứ ba, Hegel gọi nó là « Sittlichkeit » , người Pháp quen dịch là « moralité », vì « Sitten », cũng như « mores » hay « êthos », là « phong-tục tập-quán », và « sittlich », « hợp với tập tục » được hiểu là « hợp với đạo-đức » (moral). Nhưng vì Hegel gán cho nó ý-nghĩa mới, như ta sẽ thấy, cho nên dịch-giả sách đó là André Kaan dịch ra Pháp-văn là « moralité objective », bây giờ có người lại dịch là « éthicité », cả hai lối phiên-dịch đều không nói lên được đúng ý, vì ở đây Hegel không nói đến đạo-đức trong thâm-tâm, không nói đến những sự-vật tự-nhiên có, nhưng nói đến những định-chế xã-hội, kinh-tế, chính-trị do tinh-thần của con người « linh ư vạn vật » tác-tạo và thấm-nhuần : đó là « tinh-thần dưới hình-thức khách-quan » (Objektiver Geist).  Tôi xin đề-nghị tạm gọi nó là « tập-tục khách-quan bên ngoài ».

Phần thứ ba này nói đến ba định-chế được thực-hiện ở ba cấp khác nhau trong đời sống xã-hội, đó là gia-đình, lao-động nhà nước [24]

Cấp thứ nhất là gia-đình thì Marx không quan-tâm đến làbao nhiêu.

Cấp thứ ba là nhà nước. Marx phê-bình Hegel vì ông này dùng những ý-niệm trừu-tượng và những lập-luận quanh-co để minh-chứng rằng chế-độ quân-chủ lập-hiến, cha truyền con nối, của nước Phổ thời đó là hợp lý[25]. Thực ra Marx không chú trọng nhiều vào việc tìm cho ra một chế-độ chính-trị thích-hợp với dự-định của mình ; ông chú-trọng vào vấn-đề kinh-tế, vấn-đề lao-động, là vì cho rằng cứ giải-quyết xong các vấn-đề về hạ-tầng kiến-trúc, thì tự-nhiên các vấn-đề khác về thượng-tầng kiến-trúc, như chính-trị, tôn-giáo, cũng đều được thanh-toán cả[26]û. Nói cho đúng ra thì thái độ ấy là do ảnh-hưởng của phong-trào xã-hội chủ-nghĩa tại Pháp, vốn có cái mơ ước là phế bỏ cái xã-hội người cai-trị người (gouvernement des hommes), để thiết-lập tổ-chức người ta cùng nhau quản-trị tài-vật (administration commune des choses). Trong phong-trào ấy lại có một khuynh-hướng vô-chính-phủ (anarchisme). Lịch-sử thế-kỷ XX vừa qua đã cho ta thấy đó là cái lầm to. Vì khi cộng-sản nắm được chính-quyền ở Nga, thì Lê-nin, tuy vẫn nói là phải dần-dần tiêu-diệt nhà nước, nhưng thực ra đã nhân danh vô sản chuyên-chế thành-lập nhà nước rất mực kiên cố, khó bề lay chuyển được.

Cấp thứ hai là đời sống kinh-tế (lao-động) và xã-hội. Ở đây, tuy Marx không tuyên-bố ra, mà cũng ít ai nhắc lại, nhưng quả thực Marx đã lấy lại được những suy-luận tích-cực và độc đáo của Hegel để thiết-lập một cách cụ-thể quan-niệm về con người toàn-diện, con người nhân-loại của lý-thuyết cộng-sản. Nói tóm tắt một câu, đó là con người có trí khôn thông-minh, lao-động để biến đổi thiên-nhiên, có liên-quan ổn-thỏa với người khác, đồng thời ý-thức được về chính mình.  Nhưng vì thấy con người đó chưa được thực-hiện, cho nên Marx hiểu là con người đó chưa đạt-thân, nghĩa là còn vong-thân. Về vấn-đề vong-thân, Feuerbach đã bận tâm rất nhiều về vong-thân trong tôn-giáo, nhưng cũng biết là khi đặt con người thay vào chỗ Thiên-Chúa thì cần phải đặt một cách cụ-thể trên bình-diện xã-hội và chính-trị [27], tuy rằng ông không tìm hiểu cho rõ. Marx lấy lại chương-trình ấy khi nói đến vong-thân toàn-diện, bàn rộng thêm, và nhấn mạnh vào điểm then chốt là cái vong-thân về kinh-tế, cái vong thân trong lao-động.

 

2.1.3- Phần áp-dụng : lao-động bị vong-thân 

Trong tác-phẩm đã dẫn trên đây, Hegel suy-luận xem đáng lý ra bản-tính của lao-động là thế nào. Cần phải nói ngay rằng đây không phải là hoạt-động của con vật vô-linh theo như bản-năng của nó, nhưng là lao-động của con người “linh ư vạn vật”[28]. Con người chiếm-hữu sự-vật, để tiêu-thụ (chuyển nó thành ra thân xác của mình), để biến đổi hình-dạng cho nó thành dụng-cụ cho mình dùng[29]. Mà chế ra dụng-cụ tức là đem dự-định, đem ý muốn, đem cái tinh-thần của ta đặt vào trong sự-vật bên ngoài (những cái « ngoại thân chi vật »), làm cho nó có ý-nghĩa đối với chúng ta, có mục-đích và tham-gia vào đời sống của ta, để nới rộng tầm cảm-giác của giác-quan và tầm hoạt-động của chân tay ta. Đó là những suy-tư mà Marx tiếp-thu được của Hegel. Mà đã tiếp-thu như thế, thì khó mà đứng trong lập-trường duy-vật thuần-túy[30]. Marx không bao giờ làm như Engels, coi lao-động là hoạt động của con khỉ trên đường biến-hóa ra thành con người.

Bây giờ ta nói rộng hơn về lao-động bị vong-thân mà Marx trình-bầy trong Bản thảo (1844)[31].

Trước hết Marx phân-biệt một cách hết sức rõ-rệt lao-động của con người và hoạt-động của con vật. Điểm dị-biệt là ở chỗ con vật có sinh sống có hoạt-động, nhưng không có tự-kỷ ý-thức, không tự tách rời ra, không đặt mình ra bên ngoài hoạt-động của mình ; còn con người thì có tự-kỷ ý-thức, biết suy-nghĩ, biết phản-tỉnh lại về các hoạt-động của mình, coi các hoạt-động ấy là đối-tượng của tư-tưởng của mình. Như thế tức là có tự-do, và đó là một đặc-điểm của con người toàn-diện, con người nhân-loại (Gattungswesen). Đặc-điểm thứ hai là biết biến-đổi thế-giới thiên-nhiên và tạo nên đồ-vật, dụng-cụ, nghĩa là tạo nên một thế-giới nhân-vi (do con người làm nên). Không những sản-xuất các thứ mình cần dùng ngay bây giờ, mà còn sản-xuất rộng hơn phạm-vi nhu-cầu của cá-nhân, vừa để cho người khác dùng, vừa để sáng-tác nữa. Kết quả là : sự-vật trong thiên-nhiên, tuy không phải là thân xác ta, nhưng cũng như là thân xác của ta được nối dài ra vậy, vì chúng được tham-dự vào đời sống của ta. Nói thế khác, vũ-trụ thiên-nhiên gắn liền với đời sống của con người : thiên-nhiên được mang bộ mặt con người, mà con người cũng mang được bộ mặt thiên-nhiên.  Marx chủ-trương rằng quan-niệm cộng-sản vừa là nhân-hóa thiên-nhiên, vừa là thiên-nhiên-hóa con người, làm cho con người và thiên-nhiên không còn chống đối nhau nữa. Và đó là công-trình của lao-động vậy.

Còn về liên-lạc giữa người với người thì Marx không đi vào chi-tiết, không nói rõ là phải như  thế nào, vì ông không đào sâu về mối tương-quan chính-trị.

Sau khi đã tựa vào những phân-tích về lao-động (do Hegel truyền lại) để quan-niệm thế nào là con người toàn-diện, thay chỗ cho vị Thiên-Chúa của tôn-giáo, thì Marx có tiêu-chuẩn để trình-bầy lao-động bị vong-thân, bị đánh lạc bản-chất, theo bốn phương-hướng, như sau :

Phương-hướng thứ nhất : sự-vật được sản-xuất ra, đáng lẽ nó là nơi kết tụ của tinh-thần con người, là như thân xác con người được nối dài ra, thì nay nó nằm ở trong tay người khác, và thành ra xa lạ và còn đối nghịch với người đã sản-xuất ra nó. Càng sản xuất nhiều, thì càng bị mất mát tinh-thần và sức lực, mất bản-thân. Cho nên lao-động không còn phải là cách-thức thực-hiện các khả-năng  con người, nhưng chỉ còn là phương-tiện để duy-trì đời sống sinh-lý mà thôi.

Phương-hướng thứ hai : tác-động sản-xuất, đã bán cho người khác để lấy tiền tiêu vào việc cơm áo, cho nên không còn phải là của người công-nhân nữa, mà là của người khác. Vì thế đi làm mướn, tức là như bị kết án đi làm khổ-sai, làm khổ-lực, hay là “cu-li”.

Phương-hướng thứ ba :  nếu bản-tính con người là “con người nhân-loại”, như đã trình-bầy trên đây, thì đi làm mướn tức là đánh mất bản-tính của mình, vì lao-động không còn làm cho mình hòa-hợp với thiên-nhiên và với người đồng-loại nữa.

Phương-hướng thứ tư : liên lạc giữa người với người cũng vì thế mà không còn ổn-thỏa nữa.

Tóm tắt lại : người ta vong-thân trong lao-động, tức là vong-thân toàn-diện, mất tính người, không còn hòa hợp với thiên-nhiên và với người đồng-loại nữa. Và như thế chỉ là vì phải đi làm công, đi làm mướn. Tình-trạng đó là do chế-độ tư-sản : người có của thì có thể mua sức làm việc, mua người làm, như mua một thứ hàng hóa, một thứ đồ-vật. Như thế người đi làm mướn chỉ còn được coi là đồ-vật mà thôi. Vì thế muốn giải-phóng con người toàn-diện thì phải giải-phóng lao-động, tiêu-diệt chế-độ làm công và tiêu-diệt tư-sản.

Có hai câu hỏi cần phải đặt ra đây. Một là Marx hình như không nhìn nhận tính-cách biệt lập của yếu-tố chính-trị đối với yếu-tố kinh-tế, của thượng tầng kiến-trúc đối với hạ tầng kiến-trúc, vì cùng trong một chế-độ kinh-tế mà người ta có thể có những chế-độ chính-trị, những hệ-thống tư-tưởng khác nhau. Có thể giải-thích rằng khác nhau là vì người ta không ở trong cùng một giai-cấp. Nếu vậy thì vì sao Marx là một trí-thức tiểu-tư-sản, chưa bao giờ sống bằng tiền lương lao-động chân tay, lại có thể có ý-thức vô-sản còn hơn cả người vô-sản nữa ? Người ta có thể không có tư-sản, mà vẫn có quyền hành, có tư-sản mà không có quyền hành gì cả. Đủ biết vấn-đề không đơn giản như người ta nghĩ. Hai là giữa tư-tưởng tôn-giáo, mà Marx cho là ýù-thức vong-thân, và những cái vong-thân thiết-thực về kinh-tế và chính-trị, ta cũng không thấy tương-đương như thế nào. Có thể lại giải-thích rằng thực-tại có thể là đã thay đổi, nhưng ý-thức cũ vẫn không chịu tiêu tan đi để nhường chỗ cho ý-thức mới. Nhưng như thế tức là ý-thức không phải chỉ là phản-ảnh của thực tại. Hơn nữa, vì sao người ta lại có thể có ý-thức cộng-sản, khi chế-độ cộng-sản chưa có ? Đủ biết ý-thức còn có khả năng dự phóng được thực-tại chưa có.

Marx không đặt ra hai câu hỏi trên đây.

 

2.2- Phi bác chứng-lý biện-minh rằng có Thiên-Chúa

Những người đương thời của Marx còn nhớ bài học của Auguste Comte dạy rằng lịch-sử nhân-loại phát-triển đi từ thời-đại tôn-giáo, qua thời-đại siêu-hình-học, rồi đến thời-đại thực-nghiệm, và còn dạy lấy nhân-loại làm đối-tượng của tôn-giáo. Riêng Marx đã đọc mấy cuốn sách của Feuerbach viết về vấn-đề Thiên-Chúa, và thấy không cần phải nói thêm gì nữa. Feuerbach có một câu tuyên-bố thời danh : “Thiên-Chúa là tư-tưởng thứ nhất của tôi, lý-trí là tư-tưởng thứ hai, con người là tư-tưởng thứ ba và là tư-tưởng cuối cùng của tôi. Thiên-Chúa là đối vật của lý-trí, và lý-trí lại là của con người”[32] . Marx cho rằng làm như thế là quanh co, mất thì giờ vô ích, chi bằng bắt đầu ngay từ  con người, từ nhân-loại, từ con người nhân-loại. Nói thế khác, lập-trường nhân-bản, trực tiếp lấy con người làm gốc, ngay từ đầu, chứ không cần phải hạ bệ Thiên-Chúa rồi mới đề cao con người.

Có điều là vấn-đề không đơn sơ như thế, vì lẽ kinh-nghiệm trực tiếp của con người là thấy mình hữu hạn, nhỏ bé, thực-tại của con người là thực-tại chưa đạt-thân, chưa thành người thật ; còn cái con người nhân-loại (Gattungswesen), hòa hợp với thiên-nhiên và với người khác, như đã trình bầy trên đây, thì mới chỉ là một ý-tưởng chứ chưa có thật, chỉ là một lý tưởng còn phải được thực hiện trong lịch sử xã hội và nhân loại . Làm sao có thể lấy đó làm khởi-điểm ngay được ? Lạ thay, về điểm này Marx không có thắc mắc gì cả, và cũng sẽ không có thắc mắc gì nữa.

Đáng chú ý là trong Bản thảo Marx có để ra độ hai trang để phi bác chứng-lý biện-minh rằng có Thiên-Chúa. Nếu ta không kể luận-điệu phi bác có tính cách duy-tâm trong luận-văn tiến-sĩ (1841), thì đây là hai trang độc nhất[33] nói lên lập-trường riêng của Marx về vấn-đề đó. Có thể chia đoạn văn làm bốn khúc như sau đây :

 

2.2.1- Đặt vấn đề 

Marx viết :

“Một vật nào đó chỉ được coi là tự-lập, khi nó đứng vững được trên hai bàn chân ; và nó chỉ đứng vững được như thế, khi nó tự mình mà có. Người nào nhờ vào kẻ khác mà sống, tất phải coi mình là một vật tùy-thuộc. Tôi sống hoàn-toàn nhờ vào người khác,  không những vì tôi nhờ người đó mà có phương-tiện sinh sống, mà còn vì người đó tạo ra đời sống của tôi, là nguồn gốc đời sống của tôi, và nếu tôi không tự tạo ra được sinh-mệnh của tôi thì nền tảng sinh-mệnh tôi là cái gì ngoại lai. Vì thế quan-niệm rằng có một vị tạo-thành trời đất, là một quan-niệm khó mà đẩy ra khỏi ý-thức của dân-chúng. Nói rằng thiên-nhiên và con người tự mình mà có, thì dân-chúng không thể hiểu được, vì đó là điều đi ngược lại những cái tai nghe mắt thấy trong cuộc sống thực hành”.

Nhận xét :

Trong đoạn văn này Marx bàn luận về quan-niệm của nhà thần-học và triết-gia Friedrich Schleiermacher (1768-1834), cho rằng người ta có tôn-giáo là vì cảm thấy là mình tùy thuộc vào ngoại-giả. Marx nhìn nhận sự-kiện ấy là đúng : dân-chúng thường tin có một vị tạo thành trời đất, vì cảm thấy mình tùy thuộc vào ngoại-giả. Nhưng ông cho rằng có thể tương-đối-hóa sự-kiện đó : có thể là sự-kiện ấy không phải lúc nào cũng đúng. Và, như sẽ giải-quyết sau đây, nếu ta làm được cho người ta cảm thấy là mình tự-lập chứ không tùy-thuộc vào ai, thì tất nhiên vấn-đề Thiên-Chúa tạo thiên  lập địa cũng tiêu tan đi [34]û.

Cũng vào thời đó, Feuerbach lại giải-quyết vấn-đề theo lối khác : nếu người ta đặt ra thần-linh để trả lời cho câu hỏi về thân-phận tùy-thuộc của mình, thì rốt cục chính mình là mục-đích tối cao của tôn-giáo, nghĩa là chính mình là vô thần [35].

 

2.2.2- Chứng-lý khoa-học 

Marx viết :

“Quan-niệm cho rằng trái đất này đã được tác tạo nên, đã bị lung lay vì khoa-học nghiên cứu về quả địa cầu tự mình thành hình và biến chuyển (Geognosie). Quan niệm “tự nhiên nhi sinh” (generatio aequivoca) là lý thuyết duy nhất phi bác một cách thực tiễn quan niệm “tạo thiên lập địa”.

Nhận xét :

Để phi bác quan niệm tạo thiên lập địa, Marx muốn tựa vào khoa học đang ở vào thế đi lên, nhưng chưa đi tới giai đoạn suy nghĩ lại xem các ý niệm và các lý thuyết khoa học do người ta tác tạo nên có giá trị đến mức nào. Không cần phải đi sâu vào phương pháp phê bình khoa học ta cũng nhận thấy rằng các lý thuyết khoa học đã thay đổi rất nhiều để duy trì được cái nhìn lý sự nhất quán mỗi khi các sự kiện ta quan sát trở nên phiền tạp mâu thuẫn. Vấn đề không phải là đưa hai lý thuyết ra chọi với nhau, nhưng là xem lý thuyết có ăn khớp được các sự kiện hay không, đồng thời lại phải phân biệt ra nhiều loại sự kiện, nhiều loại kinh nghiệm khác nhau. Vì thế ta không biết đối với Marx, chứng lý này có tầm quan trọng là bao nhiêu.

 

2.2.3- Tìm về đệ nhất nguyên nhân 

Marx viết :

“Muốn giải thích cho một cá nhân đứng riêng rẽ, thì rất dễ. Ta chỉ cần lấy lại lập luận của Aristoteles : Anh là do cha mẹ anh sinh ra. Con người của anh chứng tỏ rằng hai người hợp với nhau, thực hiện công tác của loài người[36], mà sinh ra người. Như vậy anh thấy được rằng ngay trên bình diện vật chất, thì con người nhờ có con người mà có. Vì thế anh không được để mắt nhìn vào một khía cạnh duy nhất, vào câu hỏi truy nguyên cho đến kỳ cùng : ai đã sinh ra cha tôi, ai đã sinh ra ông tôi, v.v... Anh cũng phải xác nhận rằng trong cái tiến trình cụ thể của việc sinh sản, thì người vẫn ï sinh ra người, người vẫn tự sinh ra mình, tiến triển theo vòng tròn, và vì thế con người lúc nào cũng là chủ động.  Nhưng anh có thể vặn lại tôi rằng : nếu tôi nhận với ông là có tiến triển theo vòng tròn, thì xin ông cũng nhận cho tôi có quyền truy nguyên cho đến câu hỏi này : ai đã sinh ra người đầu tiên, đã sinh ra thế giới tự nhiên ? Đến đây tôi chỉ có thể trả lời cho anh như sau : cái câu hỏi của anh chính là một sản phẩm trừu tượng. Anh thử tự hỏi xem vì sao anh đặt ra câu hỏi đó ; anh thử tự hỏi xem có phải vì anh đặt câu hỏi trong một quan điểm lộn ngược, mà tôi không trả lời được. Anh thử tự hỏi xem có thể có tiến triển như thế hay không đối với một người có tư  tưởng lý sự. Nếu anh đặt câu hỏi về việc tác tạo con người và thiên nhiên, thì tức là anh đứng ra ngoài thiên nhiên và con người. Anh giả thiết là không có thiên nhiên, không có con người, rồi anh đòi tôi phải minh chứng là có. Vậy tôi bảo thực anh : Anh hãy bỏ cái lối suy luận trừu tượng như thế, thì câu hỏi của anh cũng tiêu tan đi ; nhưng nếu anh còn cứ giữ lối suy luận trừu tượng như thế, thì anh phải đi cho đến cùng : nếu anh cho rằng không có con người, không có thiên nhiên, thì anh cũng phải cho rằng không có anh, vì lẽ anh cũng là thiên nhiên và là người. Thôi, anh đừng tư tưởng gì nữa, đừng hỏi gì tôi nữa, vì hễ anh tư tưởng, hễ anh đặt câu hỏi, thì cái giả thiết rằng không có  thiên nhiên, không có con người, cũng thành ra vô nghĩa. Hay là anh chỉ biết nghĩ đến anh mà thôi, anh cho rằng tất cả đều là không có, thế mà anh lại muốn rằng có anh ?

Đến đây anh có thể vặn lại tôi mà nói rằng : tôi đâu có giả thiết là không có thiên nhiên v.v. ; tôi chỉ hỏi ông xem có tác động nào đã phát sinh ra thiên nhiên, cũng như tôi hỏi nhà sinh lý học cho biết bộ xương thành hình như thế nào”.  

Nhận xét :

Cái chứng lý theo lối truy nguyên, tìm về đệ nhất nguyên nhân, để minh chứng là có Thiên Chúa, đó là một chứng lý rất thông dụng ở Aâu châu, lại vừa dễ hiểu. Triết gia Đức là Kant nghĩ rằng chứng lý này chỉ có thể đưa ta tới một vị kiến trúc sư an bài vũ trụ (Weltbaumeister), chứ không đưa tới vị Thiên Chúa tác tạo nên vũ trụ. Nhưng Marx tránh không bàn đến lập luận đó, ông muốn gạt nó ra ngoài, bằng hai cách :

1)      Con người tự làm ra mình

Marx không muốn truy nguyên, đi từ hiệu quả trở ngược vềø nguyên nhân. Oâng dừng ngay lại ở bước đầu cho rằng trong tiến trình sinh sản thì “người vẫn ï sinh ra người, người vẫn tự sinh ra mình, tiến triển theo vòng tròn, và vì thế con người lúc nào cũng là chủ động. Đây là một lối ngụy biện rất dễ vạch  ra : ai chẳng biết là người sinh ra người, cũng như trâu đẻ ra trâu, nhưng ai chẳng biết rằng người này sinh ra người kia, chứ không có người nào tự mình sinh ra mình cả. Thực ra chính Marx cũng đã phi bác cái ngụy biện đó trong cuốn Ý thức hệ bên Đức. Khi nói rằng người ta tùy thuộc lẫn nhau thi ông viết : “Quan niệïm này lại có thể được hiểu theo lập trường suy luận duy tâm, quá sức tưởng tượng, cho rằng ‘chủng loại tự mình sinh ra mình’, làm như thể là cái chuỗi các cá nhân kế tiếp nhau có thể được coi như là hiện thân của cái mầu nhiệm “tự mình sinh ra mình”. Ta thấy rằng các cá nhân tác tạo nên nhau, về bình diện vật chất cũng như tinh thần, nhưng không có tự tạo ra mình, như quan niệm vô lý của thánh Brunô, hay của (tác giả sách) Con người duy nhất[37].

2)      Đặt vấn đề như thế là phi lý

 Nếu trên đây Marx chuyển lập luận truy nguyên theo đường thẳng, đi từ hậu quả trở thẳng về nguyên nhân, thành ra đường vòng (con người tự làm ra mình), thì là vì ông cho rằng việc truy nguyên như thế cho đến kỳ cùng là một việc vô lý, vì đi không bao giờ đến, như trước đó 23 thế kỷ Aristoteles đã nhận định, và nói là phải biết dừng lại (anankê stênai). Marx đã mất bình tĩnh trước một đối thủ cứ nhất định đòi truy nguyên theo đường thẳng như thế, ông bảo : như thế tức là giả thiết rằng không có thiên nhiên, không có con người, rồi đòi ông phải minh chứng là có. Nhưng đối thủ không chịu và nói rằng mình không có giả thiết như thế. Câu trả lời của Marx không thỏa mãn được đối thủ, vì người ta chỉ hỏi làm sao mà có những cái đang có bây giờ, thế thôi.

Nhưng bây giờ chúng ta cứ giả sử là đối thủ đặt ra giả thiết như Marx gán cho họ, nghĩ là họ tư tưởng rằng không có thiên nhiên và không có con người. Như thế kết quả ra sao ? Marx nói rằng như thế thì đối thủ bó buộc phải tư tưởng rằng chính mình cũng không có nốt ! Nhưng Marx không thể bắt buộc như thế được, vì như đã nói ở đầu bài này, theo như suy luận của Descartes, ai nấy đều biết là : tôi tư  tưởng, thì tất nhiên  là có tôi (je pense, donc je suis) , nghĩa là tôi không thể nói là không có tôi, vì câu nói đó tự nó hủy diệt nó[38]. Vì thế theo đúng như đòi hỏi của Marx, người đối thủ lại bó buộc phải nhận rằng mình là có thực !

 

2.2.4- Chứng lý lấy từ đời sống thiết thực trong xã hội 

Marx viết :

“Nhưng đối với người theo xã hội chủ nghĩa thì tất cả cái gọi là lịch sử thế giới chẳng qua chỉ là sự sản xuất ra con người do lao động của con người[39], chỉ là sự biến chuyển của thiên nhiên theo hướng con người (das Werden der Natur fuer den Menschen), như thế là có được chứng cớ hiển nhiên không chối cãi được, là con người tự mình sinh ra mình, chứng cớ về lịch trình phát sinh ra mình. Vì lẽ rằng thực tại cốt yếu của con người đã xuât hiện ra tỏ tường trong thiên nhiên[40] ; vì lẽ rằng thiên nhiên là nơi người ta có mặt đối với nhau một cách thực tiễn, tỏ tường, ai nấy đều cảm thấy được, cho nên trong thực tế không còn có thể đặt vấn đề xem có một thực thể nào khác, ở ngoài và ở trên thiên nhiên và con người : vì đặt vấn đề như thế tức là nhận định rằng thiên nhiên và con người không có gì là chính yếu cả. Chính vì thuyết vô thần là phủ nhận cái nhận định ấy, cho nên nó cũng thành ra vô nghĩa, vì vô thần là phủ nhận Thiên Chúa để khẳng định thực tại của con người ; nhưng xã hội chủ nghĩa tự nó không còn cần đến thứ môi giới quanh co như thế ; vì bước đầu của xã hội chủ nghĩa là, trong lý thuyết cũng như  trong thực hành, ý thức ngay rằng con người và thiên nhiên là có thực. Như  thế là con người trực tiếp ý thức được về chính mình một cách tích cực, mà không cần gián tiếp đi qua giai đoạn phủ nhận tôn giáo nữa ; cũng như đời sống thiết thực là thực thể tích cực của con người, ta trực tiếp nhận ra thực thể đó mà không cần gián tiếp đi qua giai đoạn tiêu diệt tư sản, và đó là cộng sản [41]. Cộng sản là yếu tố tích cực, nó không nhận cái phủ nhận, vì thế nó chính là giai đoạn con người tự giải phóng, lấy lại được bản thân của mình, đó là giai đoạn cần thiết cho bước tiến triển tới đây của lịch sử. Cộng sản là hình thức cần thiết của động lực đưa tới tương lai gần đây, nhưng tự nó không phải là mục đích con người phải tiến tới, không phải là hình thức của xã hội loài người”.

Nhận xét :

Đoạn này khá dài dòng văn tự  - nên nhớ đây chỉ là cặp vở ghi chú, chỉ là bản nháp, không định để cho in. Đại ý là các vấn đề đặt ra không thể có câu giải đáp lý thuyết, nhưng phải giải đáp bằng thực hành.

Trong thực hành, lao động đóng một vai trò quan trọng, không phải là để cho con khỉ biến thành con người, như Engels quan niệm, nhưng là để đem tinh thần của con người vào trong thiên nhiên, biến đổi thiên nhiên, đem dự định của con người thực hiện trong sự vật, làm cho thiên nhiên có bộ mặt quen thuộc của con người; đồng thời con người thực hiện bản tính của mình trong thiên nhiên, và vì thế cũng có một bộ mặt thiên nhiên. Các sự vật trong thiên nhiên được chuyển thành dụng cụ, như thể là chân tay con người nối dài ra vậy. Như vậy thiên nhiên không còn phải là môi trường xa lạ đe dọa con người : nhờ có lao động mà con người sống an ninh trong thiên nhiên như trong nhà mình vậy.

Đối với duy tâm chủ nghĩa, thì liên quan giữa con người và vũ trụ là liên quan lý thuyết : vũ trụ là đối tượng của tri thức. Lấy thực hành, lấy lao động thay vào tri thức, Marx cho rằng vũ trụ chỉ được coi là có, khi nó có liên quan thực hành với con người biết lao động. Người duy tâm cho rằng bên ngoài tư tưởng thì không có gì hết, cũng thế Marx cho rằng không có gì ngoài thực hành cả. Nói thế khác, ngoài thế giới thiên nhiên đã được lao động làm cho có bộ mặt người, thì có gì, không có gì đáng kể cả. Chính vì thế mà ta không còn lý do gì để đặt câu hỏi xem ở ngoài và ở trên thiên nhiên và con người, còn có ai, hay là còn có gì không. Vì thế Marx chủ trương rằng lập trường của ông vừa là nhân bản (humanismus) vừa là nhiên bản (Naturalismus).

Đến đây ta thấy rõ là con người theo quan niệm Marx, lao động và sống trong xã hội, đã thành ra thực thể toàn diện, và thay thế cho tinh thần tuyệt đối của Hegel. Nhưng nếu ta nhớ lại rằng tinh thần, theo quan niệm của Hegel không phải là trừu tượng, nhưng còn tự thể hiện trong vật chất cụ thể, trong lao động, trong hoạt động kinh tế và chính trị, thì ta có cảm giác rằng Marx lấy lại quan niệm của Hegel, nhưng gọi khác tên đi, thay vì tinh thần thì nói vật chất, thế nhưng tựu chung thì trong tư  tưởng biện chứng thì tinh thần và vật chất không tách rời nhau được !

Cần phải nói thêm cho rõ, là các chứng lý cổ điển biện minh rằng có Thiên Chúa đã được đưa ra trong cách lập vấn hoàn toàn khác. Các chứng lý đó chỉ có tính cách lý thuyết mà thôi. Vì một là những người đưa ra chứng lý như thế họ đã tin có Thiên Chúa rồi, chứ không đợi phải có chứng lý đó mới tin ; hai là khởi điểm của lý luận là thiên nhiên có đó trước mắt, chứ không phải là thiên nhiên đã do bàn tay con người nhào nặn biến đổi. Vì không do con người biến đổi, cho nên thiên nhiên xuất hiện như  không phải là do con người tạo ra; từ đó người ta truy nguyên cho đến nguyên nhân đệ nhất.

Trong quan điểm biện chứng thì khác : ta trông vào thiên nhiên, thấy nó đã do con người nhào nặn, định hình rồi,  cho nên không tìm xem thiên nhiên tự nó là thế nào, từ đâu mà có ; chính vì người ta đã lao động và chiếm hữu thiên nhiên cho nên không thấy nó xa lạ, ỏ ngoài con người nữa. Vì con người lao động để thể hiện bản tính của mình trong thiên nhiên , cho nên Marx coi đó là chứng cớ hiển nhiên làm cho ta thấy rằng con người ta tự mình sinh ra mình, tự mình làm nên mình, không cần hỏi xem có ai tạo ra mình hay không.

Trong bộ sách dân tộc học, hơn một chục cuốn, Nguồn gốc ý tưởng Thiên Chúa (Ursprung der Gottesidee) xuất bản rải rắc trong tiền bán thế kỷ XX, Wilhelm Schmidt nhận định rằng các dân tộc sơ khai, hái quả và săn thú vật mà sống, chứ không can thiệp vào thiên nhiên, thì có ý tưởng về Thiên Chúa ; còn khi biết lao động, biết dùng kỹ thuật sản xuất, thì thấy rằng các sự vật trước mắt đều  là do con người làm cho nó ra như thế. Vì thế người ta không hiểu được những chứng lý cổ điển [42].

Nhưng phải chăng những chứng lý đó đã thành ra vô giá trị trong thời đại kỹ thuật ? Vấn đề cần phải xét lại cho rõ. Dĩ nhiên là thế giới chúng ta ở bây giờ là do lao động và kỹ thuật mà có. Nhưng lao động và kỹ thuật chỉ áp dụng được vào cái gì đã có sẵn đó trước, kỹ thuật của ta không tạo ra các định luật khoa học, nhưng phải tựa vào những định luật không do ta tạo ra, mới có công hiệu.  Thực ra kỹ thuật và lao động của ta đã định hình cho thiên nhiên có bộ mặt mới, chứ không tạo ra thiên nhiên.

Marx đã nhận thấy rằng ý tưởng tạo thiên lập địa đã in sâu vào tâm thức của dân chúng, vì không ai thấy một cách hiển nhiên rằng người ta tự mình sinh ra mình. Vì thế câu trả lời thực hành trên đây của Marx chỉ nhằm giải quyết một nửa vấn đề mà thôi.

Nhưng ngay một nửa vấn đề đó mà thôi thì thực hành của nhân loại cũng chưa giải quyết được bao nhiêu. Triết gia Pháp, đi theo học thuyết  của Marx, là Henri Lefèbvre đã viết về điểm đó như sau : “Trong vũ trụ này thì cái phần mà người ta chưa làm chủ được vẫn còn rất mênh mông. Trong phạm vi thiên nhiên, cái phần đó là các sự kiện [43], và những cái hoàn toàn ngẫu nhiên. Còn trong bản thân con người ta, cái phần chưa làm chủ được, đó là những hiện tượng bộc phát (spontanéité), những hiện tượng vô ý thức, đó là cái định mệnh trong đời sống tâm lý và xã hội. Cái phần đó gồm tất cả những tác động mà người ta không định hướng nổi, cũng không làm cho vững được, nghĩa là những cái mà người ta chưa “làm ra” (produit) được cho nhau. Đó là cái phần của thực tại chung quanh con người và chính ở trong con người, nhưng chưa được nhân hóa, chưa được tác động thực hành động chạm tới”[44]. Tác giả còn nhắc tới một vấn đề trong phạm vi đó là cái chết, nhưng không có bàn rộng ra. Tác giả cũng nghĩ rằng : đứng trước cái phần chưa làm chủ được, thì người ta thường phản ứng bằng cách dùng phù thủy ma thuật, giải thích bằng huyền thoại và tôn giáo, nhưng chỉ có khoa học là có thể giúp cho người ta làm chủ được vũ trụ.

Quan niệm đó đúng là tin tưởng của Marx : làm thế nào để tất cả những cái gì người ta chung nhau làm ra, như các sản phẩm, các định chế xã hội, đều không được biệt lập ra ngoài con người và chống lại con người. Nhưng chắc gì là người ta có thể hủy diệt được những sự kiện tự nhiên có đó và không do ta tác tạo nên, ví dụ như cái chết, vì dù sao cũng phải nhận rằng con người có giới hạn [45]

Có thể nói là tư tưởng của Marx tự đóng khung trong cách lập vấn của ông. Cái gì ông nghĩ con người ta làm chủ được thì ông xét, cái gì không làm chủ được thì ông cho là không có vấn  đề. Vì thế khi có đối thủ đặt câu hỏi mà ông không trả lời được, ví dụ như vấn đề Thiên Chúa, thì ông gạt đi, cho rằng không được hỏi, vì không có vấn đề. Theo đúng lập trường đó, Marx viết ra câu tuyên ngôn[46] :

Nhân loại chỉ đặt ra những vấn đề mà mình có thể giải quyết được

Như thế thiết tưởng có bàn luận thêm cũng không đi đến đâu cả.

__________

Chú thích

[11]  Xem MEGA I / 1 / 1, tr 260-265.

[12]  MEGA bộ mới (in tại Berlin năm 1982) là :  I / 2, tr 325-418. Trước đó thì chính-quyền Đông-Đức không cho in ra đầy-đủ trong bộ Marx-Engels Werke (MEW), lại phân-tán nó ra trong nhiều tập.

[13] Có mấy triết-gia đã bàn-luận giải-thích Bản thảo đó, như : Georg Lukàcs (Budapest), “Zur philosophischen Entwicklung des jungen Marx (1840-1844)”, trong Deutsche Zeitschrift fuer Philosophie, (Berlin), tập 2 (1954) , tr 288-342 ; và Auguste Cornu, Karl Marx – Die oekonomisch-philosophischen Manuskripte, Berlin, 1955. Từ đó người ta mới nhận ra tầm quan-trọng của nó.

[14]  Đó là bài « Phê-bình triết-lý của Hegel về Pháp-luật. Phần dẫn-nhập” vừa in ra trong Niên-san Đức Pháp. Cũng nên nhắc lại là tuy Marx phê-bình rất gắt-gao tác-phẩm Những nét đại-cương của Triết-lý về Pháp-luật của Hegel  (1821), nhưng thực ra là chỉ phê-bình lý-thuyết chính-trị trong đó mà thôi, còn những phân-tích rất hay của Hegel về kinh-tế và về lao-động, thì Marx lấy làm của mình, màkhông nhắc đến tên người đã xướng-xuất ra !

[15]  MEGA III / 1, tr 63.

[16]  Vì phê-bình tôn-giáo mà Feuerbach không được vào dậy đại-học. Sau khi viết về đạo Thiên-Chúa, ông còn lần lượt cho xuất-bản các khóa-trình về tôn-giáo nói chung và về nguồn gốc thần-linh.

[17]  MEGA I / 2, tr 400-401. – Oeuvres , Economie II, tr 120-121.  Marx viết tiếp : « Vậy công-lao của Feuerbach là thế nào ?  Một là : ông đã minh-chứng rằng triết-học chẳng qua chỉ là tôn-giáo được chuyển sang bình-diện tư-tưởng và được quảng-diễn thêm ra, và vì thế cũng đáng lên án như tôn-giáo, vì cùng là lối diễn-tả cái tình-trạng vong-thân của con người. Hai là : ông đã lấy liên-quan xã-hội, « liên-quan giữa người vơi người » làm căn-bản cho lý-thuyết, và như thế là ông đã đặt nền tảng cho chủ-nghĩa duy-vật chính hiệu và cho khoa-học thực thụ vế con người. Ba là : thay vì  coi sự phủ-định cái tiêu-cực làm cái tuyệt-đối tích-cực, thì ông lấy cái tích-cực tự nó làm nền tảng cho nó ».

[18]  Xem : Klaus Bockmuehl, Leiblichkeit und Gesellschaft, Giessen-Basel, tái bản và bổ-túc năm 1981.

[19] Trong bài hậu-từ viết khi tái-bản sách Tư-bản-luận, tập I, năm 1873, Marx viết : “Phương-pháp biện-chứng của tôi không những căn-bản nó khác cái của Hegel, mà nó còn ngược hẳn lại. Hegel cho rằng cái hành-vận của tư-tưởng, mà ông nhân-cách-hóa và gọi là Ý-tưởng, là cái tạo ra thực-tại, cho nên thực-tại là thể-thức xuất-hiện của Ý-tưởng. Ngược lại, tôi cho rằng cái hành-vận của tư-tưởng chỉ là phản-ảnh cái hành-vận của thực-tại, được di-chuyển và biến-chuyển trong đầu óc con người ta mà thôi. (...) Hegel đã lấy thần-bí mà làm méo-mó biện-chứng; tuy vậy ông vẫn là người đầu tiên trình-bầy ra được toàn-bộ cái hành-vận đó. Biện-chứng của Hegel đi ngược đầu xuống, bây giờ chỉ cần dựng đứng nó lên hai chân, là thấy được bộ mặt hoàn-toàn có lý-sự của nó” (Bản dịch Pháp văn của J. Roy, Le Capital, livre I, Paris, Garnier-Flammarion, tr 583-584. – Karl Marx, Oeuvres, Eùconomie I, (Eùd. par M. Rubel), Bibliothèque de la Pléiade, tr 558.

[20]  Kritik des hegelschen Staatsrechts (1843), MEGA , I / 2, tr 5-137. Bản dịch Pháp văn là Critique du droit politique de Hegel  (dịch-giả : Albert Baraquin), Paris, Ed. Sociales, 1975.

[21]  Cũng trong sách đã dẫn trong ghi-chú số 17 ngay trước đây, vài dòng sau đoạn văn đã dẫn.

[22] Thường-thường thì chữ Begriff  (gốc chữ là greifen, nghĩa là nắm chặt được), người ta quen dịch là ý-niệm, nhưng Hegel dùng nó theo nghĩa mới, không coi nó như là một ý-tưởng trừu-tượng trong đầu óc, nhưng coi nó là do lối nhìn tổng-hợp, nắm chặt được cả phần trừu-tượng lẫn phần cụ-thể của thực-tại, vì thế tôi đề-nghị dịch là « ý-niệïm nhất-quán ».

[23]  Hai chữ Hán-Việt « pháp-luật » không nói lên được hết ý-nghĩa của những chữ Â-châu : Recht (Đức), Right (Anh), Droit (Pháp), Diritto (Ý), Derecho (Y-pha-nho), v.v. Những chữ ấy có nghĩa gốc là « thẳng », « bên tay phải », rồi dùng để chỉ « tính-tình thẳng-thắn », « điều phải lẽ » ; ở đây nó vừa có nghĩa là « pháp-luật » (có tính-cách gò bó con người), vừa có nghĩa là « quyền-lợi » của con người.

[24]  Quan-niệm của Aristoteles (triết-gia Hi-lạp, 384-322 trước Tây lịch kỷ-nguyên) về đời sống xã-hội cũng nói đến ba thực-tại đó, nhưng ông cho rằng lao-động để có tài-sản nuôi sống con người, là hoạt-động thuộc vềø phạm-vi nội bộ của gia-đình, thuộc về « gia-pháp », do hai chữ « oikos » = cái nhà, và « nomos » = luật, hai chữ đó chắp lại thành danh-từ để chỉ « kinh-tế » (Pháp : économie ; Đức : Oekonomie). Nhưng Hegel nhận-định rằng hoạt-động kinh-tế vượt ra ngoài phạm-vi gia-đình, vì nó thuộc về phạm-vi xã-hội dân-sự (Pháp : société civile, Đức : buergerliche Gesellschaft), là cấp nằm ở giữa gia-đình và nhà nước.

[25]  Marx suy-luận như sau : đã chủ-trương là lấy cái Lý mà tổ-chức nhà nước  như Hegel, thì sao lại lấy cái yếu-tố sinh-lý vật-chất làm tiêu-chuẩn để chọn người đứng đầu nhà nước. Oâng viết : « Thân-xác của nhà vua là yếu-tố làm cho vua có chức-vị. Thế nghĩa là cái định đoạt ở trên chóp nhà nước không phải là cái Lý, nhưng là cái yếu-tố sinh-lý tự-nhiên. Chọn vua thì chọn người tốt giống, đó cũng là nguyên-tắc dùng trong việc chăn nuôi gia súc vậy » ( MEGA I / 2, tr 34. – OEUVRES  III, Philosophie, tr  906). 

[26]  Nếu Marx chỉ chú-trọng vào cấp thứ hai là lao-động và kinh-tế, thì Engels đã bàn tới cả ba cấp, trong sách Nguồn gốc gia-đình, tư-sản và nhà nước, 1884 (Marx-Engels, Oeuvres choisies, in tại Liên-Xô, năm 1970, tập 3, tr 200-354), nhưng không viết theo quan-điểm triết-học như Hegel, mà là viết theo giả-thuyết dân-tộc-học cuối thế-kỷ XIX của Lewis H. Morgan (Ancient Society, London, 1877), và đứng trong lập-trường duy-vật.

[27]  Xem bài Tựa viết năm 1845, khi cho in bộ Tác phẩm toàn tập , trong :Gesammelte Werke, tập 10, tr 189.

[28]  Chỉ có F. Engels không hiểu vấn-đề, đồng thời chịu ảnh-hưởng của thuyết biến-hóa « người bởi khỉ », mới dám viết năm 1876 một bài nhan đề là « Vai trò của lao-động trong lịch-trình làm cho loài khỉ biến thành loài người » , đăng trong tạp-chí Neue Zeit (Thời mới), Bộ 2, số 44, năm 1895-1896 (Marx-Engels, Oeuvres choisies, in tại Liên-Xô, năm 1970, tập 3, tr  66-78), và sau được đưa vào sách Thiên-nhiên biện-chứng (Dialektik der Natur, MEW, tập 20, tr 444-455.

[29]  Theo như cổ-vật-học thì sự xuất-hiện của dụng-cụ là dấu chỉ thời-gian nhân-loại phát-sinh.

[30]  Marx thường trách chủ-nghĩa duy-vật thế-kỷ XVIII bên Pháp là thứ duy-vật quê mùa, không có tính-cách biện-chứng.

[31]  « Entfremdete Arbeit und Privateigentum », MEGA  I / 2, tr 363-375. – Bản tiếng Pháp : Le travail aliéné, Oeuvres-Economie II, tr 56-70). Sau đây tôi trình-bầy đại-ý, nhưng không trưng-dẫn từng đoạn văn.

[32]  Trích dẫn theo : Michael von Gagern, Ludwig Feuerbach, Philosophie- und Religionskritik, Die Neue Philosophie, Muenchen-Salzburg, 1970, tr 118.

[33]  MEGA I / 2, tr 397-399. – Oeuvres-Eùconomie II, tr  88-90.

[34]  Thời Thượng-cổ đã có những triết-gia cho rằng đó là vì  sợ hãi và vì ngu-dốt : sợ các mãnh-lực thiên-nhiên, mà mình không giải-thích được. Schleiermacher chủ-trương rằng tôn-giáo không thuộc về phạm-vi trực-giác của giác-quan, cũng không nằm trong phạm-vi lý-luận của lý-trí, nhưng trong phạm-vi của tình-cảm.

Về điểm này, triết gia người Nga là N. Berdiaev (trước theo cộng sản, sau theo đạo Thiên Chúa trong tông phái chính thống, 1874-1948) có viết trong tiểu sử hành trình tinh thần của ông như sau : « Ngược lại quan niệm của Feuerbach và nhiều người khác, tôi tin rằng tôn giáo không phải là vì người ta cảm thấy mình tùy thuộc, nhưng là cảm thấy mình tự lập. Nếu không có Thiên Chúa, thì con người hoàn toàn tùy thuộc vào thiên nhiên và vào xã hội, vào vũ trụ và vào nhà nước. Nếu có Thiên Chúa thì về mặt tinh thần con người tự lập, có hành vi cử chỉ tự do, chứ không phải là tùy thuộc đối với Thiên Chúa. Có Thiên Chúa tôi mới được tự do và có phẩm giá về mặt tinh thần » (Essai d’Autobiographi spirituelle, NXB Buchet-Chastel, Paris, 1958, trang 222).

[35]  Xem lý-luận tỉ-mỉ hơn trong bàt « La critique de la religion par Marx », Revue philosophique de Louvain, tập 68 (1970), tr 69.

[36] Nên chú ý là quam niện về con người nhân loại như thế này là quan niệm của Feuerbach : đó là liên quan giữa hai người nam nữ. Quan niệm của Marx thì nhấn mạnh vào liên quan kinh tế va chính trị.

[37]  MEGA bộ cũ, I / 5, tr 27. – “Thánh Brunô” là cách nói chế diễu triết gia và nhà thần học Bruno Bauer (1809-1882), trước chơi thân với Marx, nhưng sau thành địch thủ của ông. Marx công kích kịch liệt Bauer trong hai cuốn sách Thánh gia (Die heilige Familie, oder Kritik der kritischen Kritik, 1845)  và Ý thức hệ bên Đức (Die deutsche Ideologie, 1845-1846). Còn tác giả sách Con người duy nhất và đặc điểm của nó (Der Einzige und sein Eigentum, 1845) là triết gia Johann Kaspar Schmidt (1806-1856) có bút hiệu là Max Stirner.

[38]  Xem : Norman Malcolm, « Descartes’s Proof that his Essence is thinking », trong The philosophical Review, vol LXXIV, số 3, tháng 7-1965, trang 333 : “I believe that the ultimate logical truth underlying Descartes’s Cogito is the fact that the statement “I do not exist” is necessarily self-defeating”.

[39]  Thiết tưởng ý kiến này đã làm cho Engels nghĩ rằng lao động làm cho con khỉ biến thành con người !

[40]  Ở đây tôi không theo cách đọc của bộ MEGA  (là : “Indem die Wesenhaftigkeit des Menschen und der  Natur ...”) vì không rõ nghĩa, nhưng theo cách đọc của Lieber và Furth (là : “Indem die Wesenhaftigkeit des Menschen in der Natur ...” , trong Marx-Werke  I, trang 607), vì hợp với tư tưởng của Marx.

[41]  Nên chú ý rằng từ ngữ “cộng sản” , vì nó chỉ nói đến tài sản mà thôi, cho nên không nói lên đủ ý nghĩa của từ ngữ “Kommunismus”, dùng để chỉ thực tại “con người nhân loại”, như đã trình bầy trên đây.

[42]  Tình trạng đó, Thánh kinh của đạo Thiên Chúa đã biết rồi. Ta có thể đọc trong sách Đệ nhị luật (Deutéronome), đoạn 8, câu 12-18, lời huấn nhủ sau đây  : “Khi anh em được ăn, được no nê, khi anh em xây nhà đẹp để ở, khi anh em có nhiều bò và chiên dê, nhiều vàng bạc và nhiều mọi thứ của cải, thì lòng anh em đừng kiêu ngạo mà quên Đức Chúa (...) Anh em đừng tự bảo : “Chính năng lực của tôi và sức mạnh bàn tay tôi đã tạo ra cho tôi sự giàu có này”. Anh em hãy nhớ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vì  Người ban cho anh em năng lực tạo ra sự giàu có (...)”.

[43]  facticité : sự kiện mà ta bó buộc phải công nhận vì nó không do con người tạo nên.

[44]  Henri Lefèbvre, Le matérialisme dialectique (Thuyết duy vật biện chứng), Paris, 1957, trang 122.

[45]  Bỉ nhân có viết một bài nhan đề là « Marx et le problème de la mort » (Marx và vấn đề cái chết), trong Universitas, số đặc biệt của tạp chí Mélanges de Science Religieuse , tập 34, năm 1977, trang 187-196, kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Công giáo Lille (Pháp).

[46]  Câu này ông Trần Đức Thảo trưng dẫn ở trang đầu trong sách bàn về Hiện tượng học và duy vật biện chứng (Phénoménologie et matérialisme dialectique, Paris, 1951). Thật là đúng tinh thần Marx.

VỀ MỤC LỤC
VAI TRÒ TRẦN THẾ KHÔNG THỂ THAY THẾ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN

 

NGUYỄN HỌC TẬP 

I - Vai trò không thể thay thế của người tín hữu giáo dân. 

1 - Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II trong phần đầu của Thông Điệp " Người tín hữu giáo dân của Chúa Ki Tô " ( Christifideles laici) đã đề cập đến vai trò không thể thay thế của người tín hũu giáo dân trong các lãnh vực trần thế như sau: 

- " Trong thời điểm huy hoàng và thảm đạm nầy của lịch sử, trước ngàn năm thứ ba đang đến, những hoàn cảnh mới, đối với Giáo Hội cũng như xã hội, chính trị và kinh tế, hiện nay đòi buộc với một động lực đặc biệt tác động của các người tín hữu giáo dân. Nếu thái độ dững dưng buông trôi lúc nào cũng có thể bị coi là cách hành xử không thể chấp nhận được, thì trước thời điểm hiện tại thái độ đó là thái độ phạm tội. Không ai được phép ăn không ngồi rồi phủi tay, điềm nhiên toạ thị " ( ĐTC Gioan Phaolồ II, Christifideles laici ( 30.12.1988), n. 3). 

Giải thích một cách nôm na câu văn vừa kể của Thông Điệp: người tín hữu giáo dân trưởng thành cần phải dấn thân rao giảng Phúc Âm và đem phục vụ Ki Tô giáo vào trần thế.

Nói cách khác, không có người tín hữu giáo dân trưởng thành và dấn thân, hiện nay Giáo Hội không thể  hiện diện được giữa trần thế với các động tác, để chu toàn sứ mạng rao giảng Phúc Âm của mình.

Nói như vậy không có nghĩa là từ nay Giáo Hội có thể rao giảng Phúc Âm không cần có hàng giáo phẩm, mà là một nhận thức đức tin trưởng thành, để truyền bá Phúc Âm trong môi trường đổi mới của thế giới hiện tại.

Nhận thức trên nói lên xác tín của mọi thành phần Giáo Hội đều có bổn phận  

   - " tham dự vào lãnh vực trần thế, là phận vụ phát xuất từ bản tính nội tại và sứ mạng của mình" ( ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 15).

Điều vừa kể về bổn phận hiện diện giữa trần thế của Giáo Hội đưa đến một kết luận quan trọng:

   - trần thế không phải là nơi lưu đày cần phải thoát ly, vượt ngục, trốn chạy,

   - mà là một " không gian thần học ", nơi mà mọi tín hữu Chúa Ki Tô, nhứt là người tín hữu giáo dân, đều được mời gọi sống và tác động để rao giảng và nhân chứng cho ơn cứu rổi của Chúa Ki Tô.

Người tín hữu giáo dân có bổn phận đặc biệt trong phận vụ tác động đó của cả Giáo Hội: 

- " Hình ảnh Phúc Âm về muối, ánh sáng và men bột, mặc dầu liên hệ đến bất cứ thành phần nào đối các môn đệ Chúa Giêsu, nhưng nói lên ý nghĩa áp dụng cá biệt đối với người tín hữu giáo dân. Đó là những hình ảnh mang những ý nghĩa huy hoàng, bởi vì nói lên không những người tín hữu giáo dân là những người được hội nhập  sâu đậm vào đất đai, vào trần thế, vào cộng đồng nhân loại, mà còn và nhứt là nói lên điều mới mẻ và đặc sắc của cộng cuộc hội nhập và tham dự của họ để phổ biến Phúc Âm cứu rỗi " ( ĐTC  G. Phaolo II, Christifideles laici, n. 15). 

Người tín hữu giáo dân, mặc dầu với đặc tính trần thế của mình ( Gioan XXIII, Mater et Magistra, n. 239), không phải là một cơ thể tách biệt, một tế bào lơ lửng trôi đó trôi đây trong cơ quan thân thể Giáo Hội.

Người tín hữu giáo dân không nhận lãnh lệnh dấn thân phục vụ xã hội và chính trị do Giám Mục hay Cha Sở " ủy thác" cho, mà lãnh nhận sứ mạng trực tiếp từ Chúa Giêsu trong Phép Rửa.

Ơn gọi sống và tác động giữa trần thế của họ là ợn gọi bẩm sinh, được củng cố thêm bằng Phép Thêm Sức và mỗi ngày lớn lên bằng Phép Thánh Thể, đặt người tín hữu giáo dân có địa vị và quyền hạn đầy đủ trong cộng đồng Giáo Hội.

Trong mối hiệp thông giữa các thành phần trong cộng đồng Giáo Hội với nhau, không có sự phân biệt về địa vị và trách nhiệm đối với sứ mạng chung của Giáo Hội:

" Một vài thành phần do ý muốn của Chúa Giêsu được thiết lập thành tiến sĩ, kẻ khác phân phát các Bí Tích , cũng như mục tử cho người khác, nhưng vẫn luôn hiện hữu quyền bình đẳng về địa vị và động tác chung đối với mọi tín hữu trong việc xây dựng thân thể Chúa Ki Tô" ( Lumen Gentium, n. 32). 

2 - Phận vụ tổng hợp của người tín hữu giáo dân.

Trở lại vai trò của người tín hữu giáo dân, chúng ta thấy được họ là những người có vai trò " tổng hợp".

Trước hết, trong cuộc sống cá nhân của mình, người tín hữu giáo dân là người tổng hợp

   - giữa đức tin và cuộc sống lịch sử trần thế,

   - giữa đức tin và văn hoá,

   - giữa đức tin và chính trị, mà chính Giáo Hội cũng phải hành xử tương tợ để có thể " hiện diện" rao giảng Phúc Âm giữa trần thế. 

   - " Nhân chứng huy hoàng và có sức thuyết phục của sức mạnh có khả năng  chuyển đổi của Phúc Âm là sự tổng hợp sống động mà người tín hữu giáo dân biết thực hiện giữa Phúc Âm và cuộc sống thường nhật " ( ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 34). 

Cũng vậy nhân chứng có khả năng thuyết phục của một nền văn minh mới mẻ đặt nền móng trên tình thương mà Giáo Hội có thể thực hiện được là

- khả năng tổng hợp giữa Lời Chúa và cuộc sống,

- giữa rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người,

- giữa tình thương đối với Chúa và phục vụ anh em.

Bổn phận không ai có thể thay thế được đó là bổn phận của người tín hữu giáo dân, đem ra thực hành những gì hàm chứa trong  huấn vụ xã hội của Giáo Hội.

Chỉ có thể qua người tín hữu giáo dân, mà Giáo Hội hiện diện được đầy đủ và hiệu nghiệm nơi trong các lãnh vực trần thế, và thực hiện được trung thành sứ mạng mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho, khi Người lập Giáo Hội: loan báo và thực hiện ơn cứu rỗi bằng rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người.

  

II - Vai trò người tín hữu giáo dân trong chính trị.

   a) Chưa bao giờ Giáo Hội nhấn mạnh đến việc người tín hữu giáo dân cần thiết phải hiện diện và hiện diện năng động, kể cả chủ động, trong lãnh vực xã hội và chính trị như hiện nay.

Giáo Hội luôn luôn nhắc đi nhắc lại và nói một cách rõ ràng việc cần thiết người tín hữu giáo dân trung thực biến đổi, chuyển hóa các nội dung huấn dụ xã hội, mà Giáo Hội đã liên tục huấn dạy trên 100 năm nay, thành thực hành, biến xã hội con người đang sống thành tổ chức một " xã hội tình thương".

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II đã khuyến khích người tín hữu giáo dân phải hiện diện tích cực, năng động và chủ động trong lãnh vực xã hội và chính trị, ngay cả việc dấn thân vào các lãnh vực vừa kể, lãnh vực của những ai hành xử công quyền, có thể là môi trường và cơ hội cho nhiều nguy hiểm lệch lạc luân lý: 

- " Người tín hữu giáo dân không thể vắng bóng trong việc tham dự vào chính trị (...).Những tố cáo cho rằng làm chính trị là làm để được thành đạt, lấy quyền bính làm thần tượng, là môi trường đầy tham nhủng (...) hay ngay cả ý kiến cho rằng (...) chính trị là môi trường chắc chắn sẽ đưa đến nguy hiểm luân lý. Tất cả những suy nghĩ đó không cách gì có thể biện minh cho tâm trạng tiêu cực, cũng như cho " thối thoát vắng bóng" của người tín hữu Chúa Ki Tô trong công việc chung " ( ĐTC  G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 42).  

Lý do tại sao Giáo Hội luôn luôn mời gọi khẩn thiết và nhấn mạnh sự hiện diện không thể thiếu của người tín hữu giáo dân trong chính trị?

a) Chuổi thứ nhứt của các lý do, đó là những thay đổi sâu đậm về xã hội trong thời đại chúng ta.

Những cuộc thay đổi và khủng hoảng của thế giới hiện đại trực tiếp kêu cứu đến Giáo Hội, đến suy tư và động tác của các tín hữu trong Giáo Hội.

Công Đồng Vatican II đã nhiều lần nhấn mạnh đến ảnh hưởng của Giáo Hội liên quan đến các hoàn cảnh lịch sử và đến các biến chuyển xã hội ,văn hoá:

   - " Giáo Hội cùng bước đi với cả nhân loại và có kinh nghiệm cùng chung số phận với thế giới" (Gaudium et Spes, n.41). 

Bức tường Bá Linh đã sụp đổ, vừa đánh dấu biến cố phá sản của ý thức hệ cuối cùng còn sót lại của thế kỷ 18. vừa báo động cho chúng ta biết những thử thách luân lý của thế kỷ 20 mà chúng ta còn đang nắm trong tay.

Giải quyết vấn đề, liên quan đến một tương lai tươi đẹp hơn cho nhân loại, hệ tại ở việc chuyên cần, dấn thân canh tân hoá xã hội và chính trị, có khả năng giải đáp thoả đáng các liên quan luân lý của những khúc mắc cần được giải quyết.

Hiện nay không ai còn ngây thơ cho rằng một xã hội lý tưởng mới được phát sinh chỉ  là kết quả của phương thức tổ chức hiệu năng và hữu hiệu kinh tế, luật pháp hay quân sự.

Tất cả chúng ta đều xác tín rằng, tương lai ngày mai sẽ sáng lạng hơn, cùng chung với việc thay đổi và thích hợp hơn các phương thức cấu trúc cho cuộc sống chung, nếu chúng ta thực hiện được những thay đổi về tâm thức và lối sống, được hướng dẫn bằng những thay đổi theo những giá trị chính xác luân lý và tôn giáo.

Nhìn lại thế kỷ 20 vừa qua đi, chúng ta thấy những gì đã xảy ra, chứng thực một cách thảm đạm và chính xác những gì Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI đã tiên đoán: 

   - " Con người chỉ có thể thực hiện được chính mình, bằng cách siêu nhiên hoá chính mình( se transcendendum)...Dĩ nhiên, con người có thể tổ chức cuộc sống trần gian không cần có Chúa, nhưng không có Chúa, thế nào rồi con người cũng sẽ tổ chức cuộc sống làm hại cho chính mình" ( Paolo VI, Populorum progressio, n. 42).  

Giữa cơn khủng hoảng siêu nhiên và luân lý như vừa kể của cuộc sống xã hội hiện tại, làm sao người tín hữu Chúa Ki Tô lại có thể vắng bóng được? 

b) Giáo Hội đã trưởng thành - nhứt là nhờ Công Đồng Vatican II -, ý thức hơn về các liên hệ của sứ mạng truyền giáo của mình, sứ mạng rao giảng Phúc Âm  mà mình có bổn phận đem đến cho con người liên hệ và hàm chứa bổn phận, ánh sáng và sức mạnh có thể góp phần để làm cho sinh trưởng ra một xã hội mới, công bằng hơn, thân hữu và liên đới hổ tương hơn, yêu thương hơn cho cộng đồng nhân loại.

Ý thức hơn về sứ mạng của mình và về mối liên quan nội tại giữa rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người, nói lên một chuổi các nguyên cớ khác, khiến Giáo Hội hôm nay xác nhận rằng mình có quyền và bổn phận hiện diện trong xã hội con người.  

Góp phần xây dựng một xã hội nhân bản hơn, liên đới thân hữu hổ tương hơn là phần thiết yếu của chính sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. 

Bởi đó càng lúc càng thường xuyên hơn, không những Giáo Hội cho biết lý do về việc huấn dạy,

   - đưa ra các chỉ thị liên quan đến khuôn mẫu xây dựng một xã hội nhân bản, xứng đáng với nhân phẩm con người, con Thiên Chúa của mình,

   - mà còn đưa ra những tiêu chuẩn phải có cho việc kiến tạo và thực thi xã hội lý tưởng đó. 

Qua những gì vừa kể, các tiêu chuẩn mà Giáo Hội đưa ra liên quan đến việc tổ chức một xã hội tốt đep hơn cho con nguời gồm hai lãnh vực:

   +) Việc lựa chọn đường lối xã hội- chính trị của người tín hữu giáo dân:  

   - " Người tín hữu giáo dân có bổn phận làm cho Giáo Hội thể hiện và năng động tích cực ở những nơi và trong những trường hợp, trong đó Giáo Hội không có cách nào trở thành muối cho thế gian, nếu không phải là qua chính họ" ( Lumen Gentium, n.33), nghĩa là trong những lãnh vực trần thế, để chia xẻ số phận và các vấn đề của người nghèo, của kẻ bị loại ra bên lề xã hội, bị cướp bóc, đàn áp, " trấn nước", " bịt miệng", dân oan bị đánh đập đối xử như súc vật, trong các hoàn cảnh tương phản và tranh chấp xã hội, trong lãnh vực việc làm, trong gia đình, học đường, nghề nghiệp. 

  +)  Việc lựa chọn có tính cách tôn giáo, của cộng đồng Giáo Hội:

Chính việc lựa chọn tính cách tôn giáo của cồng đồng Giáo Hội là hình thức hiện diện thứ hai trong xã hội của Giáo Hội, hiện diện qua những ai nhờ ơn gọi được mời gọi trở thành thừa tác viên, đáp ứng lại ơn kêu gọi của mình.

   Ơn gọi sống đời người tín hữu giáo dân và ơn gọi chủ chăn, thừa tác viên qua phép truyền chức, không phải là hai lối chọn lựa trái ngược nhau, cho bằng là hai cách sống bổ túc cho nhau.

Như mọi nổ lực rao giảng Phúc Âm cần được thể hiện bằng động tác phục vụ biến cải xã hội thành xã hội xứng đáng với nhân phẩm con người,

cũng vậy mọi cuộc dấn thân chuyên cần để thăng tiến con người, phục vụ dưới ánh sáng Phúc Âm, luôn luôn biến thành động tác rao giảng Phúc Âm: 

   - " Hành động vì công lý và tham gia cải tiến thế gian đều thể hiện rõ rệt cho chúng ta chiều hướng cấu trúc cho việc rao giảng Phúc Âm, nghĩa là sứ mạng của Giáo Hội đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại và giải phóng con người khỏi mọi trạng thái áp bức" ( Sinodo 1971, Documento sulla  giustizzia nel mondo, Introduzione, in EV IV/1243). 

Qua những tư tưởng dẫn nhập vừa được đề cập, lịch sử và thần học, Giáo Hội có thể rút ra những lý do chính cho việc nhấn mạnh mời gọi người tín hữu giáo dân dấn thân vào các lãnh vực xã hội, nhứt là lãnh vực chính trị.

 

III -

A - Tầm vóc quan trọng của chính trị.

Có hai lý do thúc đẩy Giáo Hội nhấn mạnh đến bổn phận của người tín hữu giáo dân tích cực dấn thân vào chính trị:

a) Lý do thứ nhứt được đặt nền tảng trên vai trò quyết định của chính trị đến đời sống cá nhân và xã hội của con người, mặc cho những bất toàn và giới hạn của nó.

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm trên bản thân những quyết định chính trị liên quan đến mình, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và xã hội của mình?

- Việc tăng thuế trên giá xăng dầu,

- tăng hay giảm thuế trị giá gia tăng của các sản phẩm nhu yếu,

- tăng giá phiếu khám sức khoẻ mỗi khi vào bệnh viện,

- tăng thêm hay giảm lệ phí học đường đối với con em, tùy theo lợi tức của phụ huynh,

- tăng thêm mức tuổi thối thiểu để được về hưu...

Đó là gì, nếu không phải là những quyết định chính trị, đụng chạm thẳng đến mức sống vá túi tiền của chúng ta?

Đó là chưa kể nên đánh hay làm hoà với Cam bôt, Ký thoả ước thương  mãi với Hoa Kỳ và Tây Âu hay với Trung Cộng, bán đất nhượng biển cho Trung Cộng, để Trung Cộng " gật đầu " cho phép " bịt miệng" đàn áp thẳng tay những ai " hó hé " đòi dân chủ, nhân quyền, những quan niệm mà Trung Cộng chưa bao giờ có khả năng hiểu nổi? 

b) Lý do kế đến có tính cách thần học: chính trị có nguồn gốc căn nguyên được đặt trên bản thể con người và cuộc sống xã hội của con người.

Nói cách khác, chính trị được đặt nền tảng trên chính bản thể con người, trên những gì Chúa muốn cho cách sống của con người, khi Ngài dựng nên con người:  

   - " Dĩ nhiên là cộng đồng chính trị và công quyền có nền tảng của chúng được đặt trong bản tính của con người và do đó thuộc về trật tự đã được Chúa thiết lập" ( Gaudium et Spes, n.74). 

Như vậy chính trị, nếu được tổ chức và sống hành xử một cách chính đáng phải có, trong tinh thần phục vụ, thành tín và tương ứng với khả năng, là một trong những hoạt động quan trọng nhứt.

Bởi vì chính trị ảnh hưởng một cách quyết định đến cuộc sống con người và liên hệ đến các khía cạnh nền tảng của đời sống cá nhân và chung sống xã hội: gia đình, việc làm, sức khoẻ, học đường, nhà cửa và cả đến việc bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người.

Hơn nữa, nhiều quyết định chính trị ảnh hưởng quan trọng đến các thế hệ tương lai và đến vận mệnh của nhân loại, nhứt là trong viễn ảnh liên hệ toàn cầu hoá của thế giới hiện tại của chúng ta.

Còn nữa, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ý thức hệ không tưởng của  Cộng Sản đã bị phá sản, cuộc chống đối giữa ý thức hệ Cộng Sản và không Cộng Sản không còn nữa, ít nhứt là đối với những Quốc Gia Tây Âu, ( nếu không phải là những cuộc chống đối cuối cùng để đánh sập tiệm một vài nhóm lãnh đạo cố chấp nào đó, còn cố bám díu để giữ lấy quyền hành, chà đạp con người và hút máu dân)

Nhưng một khi cuộc những cuộc chạm trán ý thức hệ không còn, xã hội dễ trở thành xã hội đa nguyên và nếu xã hội đa nguyên không có được những giá trị cố định về con người hướng dẫn, xã hội sẽ trở thành bất định và dễ băng hoại.

Người tín hữu Chúa Ki Tô là những người mang trong mình giá trị cao cả về địa vị con người, có thể góp phần quan trọng định hướng cho xã hội.

 

B - Thăng tiến con người là yếu tố thiết yếu của sứ điệp Phúc Âm.

Và đây là những gì chúng ta biết được về đề tài đang bàn qua các Văn Bản

Tổng Lược Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội:

( Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa).

N. 66:  Huấn dụ xã hội là phần thiết yếu của chức năng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội.

Tất cả những gì có liên quan đến cộng đồng con người, đến các hoàn cảnh và vấn đề liên quan đến công lý, giải thoát, phát triển, liên hệ giữa các dân tộc, hoà binh, không phải là những gì ngoại tại không liên quan gì đến rao giảng Phúc Âm. Và việc rao giảng Phúc Âm sẽ không đầy đủ, nếu lời kêu gọi vẫn tiếp tục không liên kết nhau giữa Phúc Âm và đời sống thực tế, cá nhân và xã hội của con người.

Giữa rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người có những mối liên hệ sâu đậm: 

   - Các mối liên hệ trên bình diện nhân loại, bởi vì con người được Phúc Âm rao giảng cho không phải là một con người trừu tượng, mà là con người với các điều kiện xã hội và kinh tế thiết thực của mình.

  - Các mối liên hệ trên bình diện thần học, bởi vì không ai có thể tách rời chương trình tạo dựng ra khỏi chương trình cứu rổi được. Bởi lẽ chương trình cứu rổi liên hệ đến cả những hoàn cảnh thực tại bất công cần phá đổ và hoàn cảnh thực tại công bình cần được xây dựng.

  - Các mối liên hệ đặc biệt trên bình diện Phúc Âm, đó là mối liên hệ đến bác ái: thật vậy, làm sao có thể tuyên bố một điều răn mới, mà không thăng tiến công lý và hoà bình thực sự, thăng tiến thực sự làm cho con người được triển nở hoàn hảo" ( ĐTC Phaolồ VI, Evangelium nuntiandi, n.31). 

N. 67:" Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội tự mình đã có giá trị là một dụng cụ để loan truyền Phúc Âm" ( ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 31).

Và Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội luôn luôn được phát triển và canh tân giữa sứ điệp Phúc Âm và lịch sử con người.

Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội là phương thức đặc biệt để thực thi phận vụ rao giảng lời Chúa và phận vụ ngôn sứ: 

   - " Đối với Giáo Hội, huấn dạy và phổ biến Huấn Dụ Xã Hội thuộc về sứ mạng rao giảng Phúc Âm của mình và là phần chính yếu của sứ điệp Ki Tô giáo, bởi vì các huấn dụ đó cống hiến cho con người những hệ trong trực tiếp đến cuộc sống xã hội, đặt khuôn viên cho các động tác thường nhật và chiến đấu cho công chính bằng nhân chứng rằng Chúa Ki Tô là Đấng Cứu Thế" ( ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, II, n. 5).  

Như vậy Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội không phải là một lợi điểm hay hành động ngoại vi, thêm vào sứ mạng của Giáo Hội, mà chính là trung tâm điểm của phận vụ.

Qua Huấn Dụ Xã Hội,

   - " Giáo Hội loan báo Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Giêsu cho mỗi con người, và đồng thời cũng mạc khải chính con người cho con người" ( id., n. 54).( Pontifico Consiglio della Giustizia e della Pace, Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticana, 2004, 35-36). 

Và phận vụ đó của Giáo Hội, được thực thi không những bằng lời rao giảng, mà còn bằng cả nhân chứng.

Thượng Hội Đồng các Giám Mục năm 1987 về " Ơn kêu gọi và sứ mạng của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và giữa trần thế ", lấy lại đề tài vừa đề cập đến, được Công Đồng Vatican II đưa ra ánh sáng và được Thượng Hội Đồng năm 1971 xác nhận, trong lời kêu gọi cuối cùng như sau: 

   - " Việc dấn thân vào động tác xã hội - chính trị của người tín hữu giáo dân, có nguồn gốc từ trong đức tin của họ, bởi vì đức tin soi sáng toàn vẹn con người và đời sống (...). Bởi đó muốn sống chính đáng đời sống đức tin và đời sống thường nhật của mình, cách sống đó phải được đi đôi với việc dấn thân của người tín hữu giáo dân vào lãnh vực công cộng, vào việc họ tham dự vào các cơ chế chính trị và xã hội, cũng như góp phần vào cuộc sống thường nhật để thấm nhuần các cấu trúc và hoạt động trần thế bằng ánh sáng Phúc Âm" ( Sinodo 1987, Vocazione e missione dei laici nella Chiesa e nel mondo, Appello finale, . 10, in EV  X/2230). 

 

Thăng tiến con người và rao giảng Phúc Âm liên hệ chặt chẽ với nhau.

Do đó, không thể có môt cuộc rao giảng Phúc Âm thực sự với ý nghĩa đầy đủ phải có, nếu không tạo được tiến bộ xã hội và thăng tiến con người.

Thật vậy, Đức Giáo Hoàng Gioan Pholồ II đã xác quyết với chúng ta:

   -  " Con người là con đường tiên khởi và căn bản của Giáo Hội, con người được hiểu theo chân lý trọn vẹn việc hiện hữu của mình, của cá nhân con người mình và của những gì liên hệ đến thực thể cộng đồng và xã hội của mình" ( ĐTC  G. Phaolồ II, Redemptor hominis, n. 14, in EV  VI/1209). 

Rao gỉảng Phúc Âm không chỉ có nghĩa là loan báo minh bạch sứ điệp Ki Tô giáo, mà đồng thời còn có nghĩa là soi sáng lương tâm và trí nảo bằng ánh sáng Phúc Âm, thông truyền cho con người nghị lực và phương thế có tính cách luân lý - tôn giáo, mặc dầu là nghị lực và phương thế có tính cách siêu nhiên, có khả năng định hướng các lựa chọn trần thế, văn hóa, xã hội, chính tri, kinh tế, để góp phần quan trọng xây dựng một cuộc sống xứng đáng với con người hơn, công chính hơn.

Điều vừa kể giải thích tại sao Lời Chúa, cần phải được " hội nhập văn hoá " ( inculturazione) , nếu muốn được mọi người hiểu rõ và tự do đón nhận.

" Hội nhập văn hóa" là Lời Chúa phải được diển dịch thành những giá trị, tư tưởng, ngôn ngữ và phong tục tập quán của mỗi dân tộc.

Và như vậy, một khi được tự do đón nhận, Lời Chúa  có thể định hướng, qua tiến trình trung gian điều giải ( mediazione) đối với chính trị, nền tảng cấu trúc và cơ chế Quốc Gia.

Không thể rao loan báo và sống Phúc Âm trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nếu chúng ta không thay đổi và cải thiện được thế giới con người, dĩ nhiên là cải thiện cả đường lối chính trị:

   - người công nhân hay chủ nhân hành động như là người tín hữu Chúa Ki Tô trong lãnh vực mình, thay đổi và cải thiện hoá thế giới làm việc.

   - học sinh, sinh viên và giáo chức sống sứ mạng học đường như là bổn phận phải có của người tín hữu Chúa Ki Tô, họ thay đổi và cải thiện hóa thế giới học đường.

   - nhà chính trị tác động lãnh vực chính trị, như là bổn phận phải có của người tín hữu Chúa Ki Tô, nhà chính trị thay đổi và cải thiện hóa thế giới chính trị.

Tất cả những gi vừa được đề cập sẽ không thể nào thực hiện thành tựu được, nếu không có nguời tín hữu giáo dân sống và chuyên cần dấn thân thực hiện.

Vai trò trần thế không thể thay thế của người tín hữu giáo dân là vậy.


VỀ MỤC LỤC
Thực tế bạn nghĩ  

 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

Chỉ dẫn: 

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

Lưu ý: 

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại. 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.  

LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề: Ý Thức (tiếp theo)

40. Thực tế 

Phần lớn thực tế, không phải là những gì chúng là chính chúng nhưng là những gì chúng ta gán cho chúng. 

Trên một chuyến bay, một bà Do Thái ngồi cạnh một thanh niên Thụy Điển to con, bà nhìn anh chằm chằm. Cuối cùng, quay qua anh, bà hỏi, “Xin lỗi, cậu là người Do Thái?”. 

Người thanh niên trả lời, “Không”. 

Vài phút sau, bà lại quay sang cậu và nói, “Cậu có thể nói cho tôi, cậu biết đấy, cậu là người Do Thái, không phải sao?”. 

Người thanh niên bẳn gắt, “Tuyệt đối không”.

Bà ấy tiếp tục quan sát cậu một lúc rồi nói, “Tôi có thể nói rằng, cậu là người Do Thái”. 

Để khỏi phiền hà, người thanh niên nói, “Thôi được, vậy tôi là người Do Thái!”. 

Bà ấy lại nhìn cậu ta rồi lắc đầu nói, “Nhưng trông cậu không giống Do Thái tí nào!”. 

Trước hết chúng ta đưa ra kết luận, rồi cách này cách khác, chứng minh chúng. 

ڰ  

41. Thực tế bạn nghĩ  

Tại hàng rau của siêu thị, một phụ nữ cúi xuống nhặt vài quả cà chua. Ngay lúc ấy, bà cảm thấy đau nhói ở lưng; bà không thể cử động và la lên. Một khách hàng đứng cạnh cúi xuống với vẻ cảm thông bảo rằng, “Nếu chị nghĩ cà chua đắt quá, chị nên coi lại giá cá”. 

Bạn ứng xử theo thực tế hay theo cái thực tế bạn nghĩ ra? 

ڰ  

42. Mất giày? 

Một người đàn ông bước lên xe buýt và thấy mình đang ngồi cạnh một cậu nhóc rõ là dân bụi. Cậu nhóc chỉ mang một chiếc giày.  

“Rõ là cậu mất một chiếc giày?”.

“Không, thưa ông”, cậu nhóc đáp, “cháu nhặt được một chiếc”. 

Điều hiển nhiên đối với tôi không hẳn là sự thật. 

ڰ  

43. Nghe gì từ đất? 

Một anh chàng cao bồi đang cỡi ngựa qua sa mạc, thấy một người da đỏ nằm sấp bên đường, đầu và tai nghiêng xuống đất. 

“Ông làm sao thế?”, chàng cao bồi hỏi. “Một tên da trắng tóc đỏ lái một chiếc Mercedes Benz xanh sẫm mang biển số SDT965, trong xe chở một con chó berger Đức chạy về hướng Tây”. 

“Ông ơi, ông muốn nói ông biết chuyện đó chỉ nhờ dán tai xuống đất?”. 

“Tôi không nghe gì từ đất cả. Chiếc SOB cán tôi và bỏ chạy”.   

ڰ 

44. Nhìn vào đâu?  

Một con trai thấy hạt ngọc của mình rơi vào kẽ đá dưới đáy biển. Sau mọi nỗ lực, nó nhặt lại hạt ngọc và tìm cách đặt trên một chiếc lá bên cạnh mình. 

Biết rằng con người đi tìm ngọc, nó nghĩ, “Hạt ngọc này sẽ hấp dẫn họ, họ sẽ nhặt ngọc mà không làm hại mình”. 

Tuy nhiên, khi anh thợ lặn tìm ngọc xuất hiện, mắt anh chăm chú tìm trai và không hề để ý đến viên ngọc trên chiếc lá. 

Anh chộp lấy con trai, một con trai không có ngọc và để viên ngọc rơi xuống kẽ đá. 

Bạn biết rất rõ bạn đang nhìn vào đâu. Đó là lý do tại sao bạn thất bại trong việc tìm kiếm Thiên Chúa.

ڰ  

44. Mẹ đây mà! 

Tại ngân hàng, một phụ nữ yêu cầu nhân viên cho bà rút một số tiền. 

Chiếu theo thể lệ, nhân viên yêu cầu bà xuất trình thẻ căn cước. 

Người đàn bà há miệng vì kinh ngạc. Cuối cùng, bà thốt lên, “Nhưng Jonathan, mẹ đây mà!”.  

Nếu bạn cho câu chuyện trên là buồn cười, thì có bao giờ chính bạn lại không nhận ra Chúa không?

 

VỀ MỤC LỤC
Linh mục giáo phận luôn luôn ở với Chúa

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI 

2011-2012

 

CHƯƠNG MỘT:

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

C. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN (tiếp theo)

 

 

C.3. Linh mục giáo phận luôn luôn ở với Chúa

Tất cả bốn sách Tin Mừng kết thúc bằng việc Chúa Giêsu kêu gọi và sai các tông đồ ra đi hoàn thành sứ mệnh cứu độ, trong sự hiện diện trường cửu của Ngài: “Ngài kêu gọi những kẻ Ngài muốn... họ đến với Ngài, Ngài đã đặt một nhóm mười hai mà Ngài gọi là tông đồ, để họ ở với Ngài và để Ngài trao cho quyền năng trừ quỷ và sai đi rao giảng.[165] Ơn gọi của các tông đồ là vì sứ vụ, nhưng trước khi các ngài có thể ra đi loan báo Tin Mừng, các ngài cần có thời gian sống với Chúa Giêsu và thiết lập mối tương quan cá nhân với Ngài. ĐTC Bênêđictô XVI nói: “Tông đồ là người được sai đi, nhưng trước đó họ phải là ‘chuyên viên về Chúa Giêsu.[166] Tông đồ được sai đi làm “chứng nhân” cho Đấng Phục Sinh,[167] để mời gọi thính giả gặp gỡ Lời Thiên Chúa nhập thể. Cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu và kinh nghiệm sâu thẳm về Thiên Chúa trong Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu là nền tảng cho linh đạo và sứ vụ của linh mục giáo phận. 

Chính nhờ việc “ở với Chúa Giêsu” mà các tông đồ trở nên người có linh đạo, có lối sống thiêng liêng. Các ngài gặp được Chúa Giêsu cầu nguyện và làm chứng cho lòng tín thác của Ngài dành cho Chúa Cha. Trọng tâm sứ vụ của Chúa Giêsu là kinh nghiệm và mặc khải về Thiên Chúa như Người Cha khả ái (Abba). Khi dạy cho các môn đệ gọi Thiên Chúa là “Cha,” Chúa Giêsu dạy cho họ sống phận làm con với Thiên Chúa như Cha. Việc phục vụ chính yếu của Giáo Hội là mặc khải Thiên Chúa như một người cha khả ái, một người cha của hết mọi người và tương quan với họ như với những người con. Do đó, kinh nghiệm về “Thiên Chúa là Cha” là đỉnh cao của linh đạo linh mục giáo phận, bởi vì nếu không liên kết với Chúa Cha nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Thánh Thần, linh mục giáo phận không thể làm được gì. 

Như Chúa Cha đã sai Ngài, Chúa Giêsu cũng sai chúng ta; và việc Chúa Cha sai Chúa Con trở thành kiểu mẫu giúp chúng ta hiểu sứ vụ linh mục giáo phận của mình: mọi lời nói và việc làm của Chúa Giêsu đều phản ánh những gì Ngài đã nghe, đã thấy nơi Chúa Cha, và nhiệm vụ của linh mục là trung thành làm chứng cho cuộc sống, giáo lý và tác vụ của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô tóm tắt cốt lõi thừa tác vụ của chúng ta “là những cộng tác viên của Chúa Kitô,[168] Đấng đã tuyên bố rằng “Cha Ta đến nay hằng làm việc, thì Ta cũng làm việc,[169] và linh mục giáo phận cũng có thể nói “Chúa Giêsu hằng làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Quả vậy, hoa trái do thừa tác vụ của linh mục giáo phận không tuỳ thuộc vào khả năng hay tài khéo của mình, nhưng lệ thuộc vào Đấng đã nói “Không có Thầy, các con không làm gì được.[170] Chúa Giêsu sinh nhiều hoa trái vì Ngài thường xuyên lệ thuộc vào Chúa Cha hoàn toàn, với sự tùng phục trọn vẹn “cho đến đỗi chết trên thập giá.” 

Để được sinh hoa trái giữa đàn chiên và cho đàn chiên, linh mục giáo phận phải cắm rễ trong cùng sự hợp nhất và tùng phục mến yêu nơi Ngài. Sống bên ngoài khung quy chiếu này là bước ra khỏi thực tại của chức linh mục, vốn là sự ở lại trong Chúa Giêsu: Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong anh em. Như ngành nho không thể tự mình ra trái, anh em không thể sinh trái nếu không ở lại trong Thầy…[171] Việc thừa tác vụ chúng ta tuyệt đối lệ thuộc vào Chúa nhắc chúng ta luôn để Chúa chỉ đạo, và nỗ lực làm việc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thần Khí Chúa Kitô. Chúng ta hiện hữu để làm dấu chỉ giới thiệu Chúa Kitô bằng cuộc đời của chúng ta.  

Linh mục giáo phận cần hoán cải sâu xa để trở về kinh nghiệm môn đệ đích thực của các Tông đồ, là những người đã được gọi để “ở lại với Chúa Giêsu” trước khi được sai đi. Chính trong bối cảnh này mà gương mẫu về linh đạo linh mục chiêm niệm trong hoạt động và hoạt động trong chiêm niệm của thánh Gioan Maria Vianney trở thành nguồn cảm hứng sâu sắc cho linh mục giáo phận. Tất cả mọi người đều được kêu gọi nên thánh và linh mục giáo phận xác tín rằng mình được gọi để nên thánh và sự thánh thiện có trong tầm tay mình nhờ trung thành chu toàn việc chăm sóc đàn chiên Chúa giao phó. 

Chúa Kitô luôn ở cùng linh mục, dùng linh mục để tiếp tục Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc. Ngài dùng bàn tay linh mục để chúc phúc và tha thứ, đôi môi linh mục để tiếp tục rao giảng; con người linh mục để tiếp tục đau khổ; con tim linh mục để tiếp tục yêu thương và cả cuộc đời linh mục để đổi mới cục diện Hội Thánh và thế giới, để thao thức tìm kiếm chiên lạc, để lau sạch nước mắt ưu phiền sầu khổ, để an ủi những con tim chán nản thất vọng buông xuôi, để đưa về sum họp những tâm hồn rời xa, để xây dựng chân lý, công bình, yêu thương và cứu độ. Linh mục phải phản ánh vẻ đẹp nhân từ của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành “hết mình vì đàn chiên,’ gần gũi, thân thương với hết mọi người, trở nên như người cha, người bạn, người cố vấn, và là chỗ dựa vững chắc để các con chiên được củng cố đức tin, bàn hỏi, tâm sự, nâng đỡ, khích lệ...  

Chỉ ở với Chúa và có Chúa ở với, linh mục giáo phận mới hoàn thành được những trách nhiệm của mình. Làm thế nào để dung hòa hai khía cạnh hoạt động và chiêm niệm của đời sống linh mục? Một cha sở bận rộn có lẽ không thể duy trì một “thời khoá biểu cố định” cho cuộc sống hàng ngày. Những nhu cầu mục vụ cấp bách có thể buộc ngài không có thời gian cố định cho việc cầu nguyện, ăn uống và những việc cần thiết cá nhân khác. Một cha sở bị áp lực của những trách nhiệm mục vụ lôi kéo có thể thấy khó cầu nguyện Phụng Vụ Các Giờ Kinh đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với linh mục giáo phận là không được quá đam mê ‘hoạt động’ và chìm ngập trong ‘sự bận rộn” mục vụ để trốn tránh những đòi hỏi khắt khe hơn của đời sống có kỷ luật: cầu nguyện, đọc sách, cập nhật hoá kiến thức, cùng thảo luận và suy tư với anh em linh mục khác, cũng như với giáo dân về những đề tài và vấn đề thích hợp với đời sống và sứ vụ của Giáo hội.

Thách đố lớn đối với một cha sở là ‘tạo ra’ thời gian để cầu nguyện Phụng Vụ Các Giờ Kinh, suy niệm, đọc sách thiêng liêng và nhất là Thánh lễ, không biến Thánh Lễ thành thói quen, thủ tục máy móc, dù chỉ mất hơn 30 phút mỗi ngày để cử hành do nhu cầu của giáo dân thúc ép. Linh mục giáo phận phải học cách làm cho chính đời sống mục vụ trở thành lời cầu nguyện, trải nghiệm hiệp thông thần bí với Chúa Phục sinh và Mục Tử Nhân Lành. Trong đời sống của một cha sở, không có sự phân đôi giữa đời sống hoạt động và chiêm niệm. Cái này phải hoà vào cái kia một cách hài hòa. Linh mục giáo phận là một nhà hoạt động chiêm niệm và cũng là một nhà chiêm niệm hoạt động. Nếu thường xuyên ‘ở’ trong Chúa, thì mọi lúc trong cuộc sống và hoạt động của linh mục giáo phận sẽ trở thành một thời khắc thần linh tràn đầy Thánh Thần như nó đã xảy ra trong cuộc sống của Chúa Kitô, Đấng ngài hằng cố gắng để nên đồng hình đồng dạng với.

Việc cử hành Thánh Lễ và Phụng Vụ Các Giờ Kinh liên kết nội tại với nhau: linh mục “tăng cường tình yêu của mình đối với vị Mục tử thần linh và làm cho Ngài hiện diện với các tín hữu, từ hiến tế trên bàn thờ đến việc cử hành Kinh Thần Vụ với toàn thể Giáo hội.” Đây là những hành vi thờ phượng công cộng nhân danh toàn thể Giáo Hội. Linh đạo linh mục giáo phận được đặt nền tảng trên sự gần gũi với chính con người của Chúa Kitô, được cử hành hoàn hảo trong Bí Tích Thánh Thể, là trung tâm và nguồn cội của toàn thể đời sống linh mục, để những gì diễn ra trên bàn thờ biến thành của linh mục[172] và thẩm thấu ngày càng sâu sắc vì linh mục được kêu gọi trở nên điều ngài cử hành trên bàn thờ, tức trở nên một với Chúa Kitô là tư tế và là của lễ.

 

C.4. Linh mục giáo phận sống Bí tích Thánh Thể 

Linh mục được phong chức để trở nên thừa tác viên bí tích trong Giáo Hội như là hiện thân của Chúa Kitô, mà Thánh Lễ là hình thức cầu nguyện cao nhất của đời sống phượng tự Kitô giáo, và là cái đặc trưng của chức linh mục. Thánh Thể là “suối nguồn và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh,” nên cũng phải là trung tâm đời sống và sứ vụ của linh mục, đặc biệt là linh mục giáo phận giữa đàn chiên Chúa. Linh mục tái hiện và cử hành những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm trong bữa Tiệc Ly, nhờ đó đời sống thiêng liêng của linh mục lớn lên tới độ “các sinh hoạt của đời sống hàng ngày của linh mục sẽ thực sự mang ý nghĩa và chiều kích Thánh Thể.”[173] Thiên Chúa tỏ lộ mầu nhiệm sứ điệp của Ngài trong phụng vụ Lời Chúa, mà linh mục  phải liên kết với các thực tại của cuộc sống, ngõ hầu cuộc sống được chính Lời ấy biến đổi.[174] Linh mục công bố Lời và Ý Chúa mà mình đã tin và đang sống để tín hữu suy gẫm và hành động cách thích đáng hầu được hoán cải và biến đổi.               

Khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, Chúa Giêsu cần đến năm chiếc bánh và hai con cá của các môn đệ. Ngày nay Ngài cũng cần đến phần cộng tác ít ỏi và nhỏ bé của bản thân linh mục như giọt nước pha vào rượu nho.[175] Và như đã làm trong bữa tiệc ly với bánh, Chúa Giêsu cũng cầm lấy linh mục và chúc phúc cho linh mục, bằng việc kêu gọi và tuyển chọn linh mục giữa nhiều người khác trổi vượt hơn linh mục. Linh mục vui mừng và hạnh phúc tạ ơn Chúa vì tình yêu vô điều kiện Chúa dành cho, và vì may mắn được chọn làm linh mục, dù chưa chắc linh mục đã tốt hơn những người khác. Ước gì linh mục giáo phận sẽ không sợ bị cầm lấy và chúc phúc như thế, bởi Chúa và bởi đoàn chiên được trao phó, kể cả qua những gánh nặng, những khó khăn trong đời sống và sứ vụ của mình.  

Như tấm bánh bị bẻ ra, linh mục giáo phận lắm khi cũng như bị bẻ ra, được trao ban và bị ăn bởi đoàn chiên như cha Chevrier nói “linh mục là người bị ăn.” Đôi khi còn bị bẻ ra vì hiểu lầm và đau khổ, vì sự cô đơn và những chiến đấu nội tâm chống lại những ước muốn tự nhiên và yếu đuối nhân loại bên trong, cùng các cơn cám dỗ tấn công từ bên ngoài. Qua việc bị bẻ ra và trao ban này, quyền năng Chúa làm cho thân xác nhân loại yếu hèn của linh mục trở nên một thân xác thánh thể như thân xác Chúa Giêsu. Chớ gì linh mục giáo phận thấu hiểu và sống ý nghĩa của đời sống bị bẻ ra vì Chúa và vì đàn chiên. Không dám tự nộp mình cho đến chết như Chúa Giêsu, nhưng linh mục giáo phận sẵn sàng hiến tặng thời giờ, của cải, sức khỏe, hạnh phúc, niềm vui, đau khổ và buồn phiền... của linh mục, những thứ đó cũng là chính cuộc sống và con người của linh mục, như Chỉ Nam 1994 nói: “Linh mục phải học biết kết hợp mật thiết với lễ vật, đặt trên bàn thờ hy lễ cả cuộc đời mình như dấu chỉ của tình yêu nhưng không và ân cần của Thiên Chúa.”[176]     

Máu các thánh tử đạo đổ ra vì Chúa và vì Nước Trời chỉ có một lần thôi. Máu của linh mục giáo phận đổ ra cách này hay cách khác, mỗi ngày, từng giọt một, qua trách nhiệm và bổn phận mục vụ giữa đàn chiên trong thời đại này, từng ngày từng ngày thì cam go hơn, khó khăn hơn, nhưng cũng công nghiệp hơn: “Một lúc đổ cả máu đào, hay từng giọt một đằng nào công hơn?” Như Thánh Phaolô, mỗi ngày, linh mục giáo phận bổ khuyết nơi thân xác mình phần còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Giêsu, kể cả “bước theo Ngài giữa những cuộc bách hại không hề thiếu vắng trong Giáo Hội.”[177] 

Bánh và rượu, tuy là vật chất, nhưng khi dâng lên sẽ được quyền năng Chúa biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô, vậy khi linh mục giáo phận dâng bản thân, những tình cảm và tình yêu, những vấn đề, những băn khoăn lo lắng, đau khổ và hạnh phúc của mình, cả những người ghen ghét hãm hại linh mục, hay những người linh mục không thương và khó tha thứ, thì quyền năng ấy cũng sẽ biến đổi thành những gì tốt đẹp hơn, hữu ích hơn cho họ, cho đoàn chiên, cũng như cho chính bản thân linh mục. Đặc biệt, khi linh mục dâng những yếu đuối và tội lỗi của mình, Chúa sẽ tha thứ, biến đổi và thánh hoá cho, như Chúa Giêsu đã hiện ra nói với thánh Hiêrônimô “con hãy cho Cha cả tội lỗi của con nữa để Cha tha thứ cho con”, bởi vì với Chúa chẳng có tội gì là quá nặng đến đỗi Chúa không thể tha thứ được! Có người hỏi Chúa Giêsu về tội của một linh mục kia và Ngài đã trả lời: “Nhiều, nhiều lắm, nhưng Cha đã tha thứ và đã quên đi hết rồi.”

 Qua việc cử hành Thánh Thể, sự hiệp nhất của Dân Chúa được biểu lộ và thể hiện, cũng như việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô được hoàn tất.[178] Máu Thánh Chúa Kitô lưu chuyển trong Giáo Hội, Mình Thánh Chúa Kitô được hiến dâng mang lại sự sống thần linh cho mỗi chi thể. Huấn thị Bí tích Cứu Độ nhấn mạnh: “Trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, các linh mục có trách nhiệm lớn, là làm chứng và phục vụ sự hiệp thông, không những đối với cộng đoàn trực tiếp tham dự vào buổi cử hành, mà còn đối với Hội Thánh toàn cầu.”[179] ĐTC Biển Đức XVI cũng nhắc: “Bí Tích Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất của Hội Thánh, bởi vì tất cả chúng ta hiệp thành một thân thể duy nhất của Hội Thánh mà Chúa Kitô là Đầu.”[180]

Cử hành và lãnh nhận Thánh Thể là cơ hội để hiệp nhất với nhau và hiệp nhất với Giáo Hội trên khắp thế giới: nhiều hạt lúa miến kết thành tấm bánh, nhiều trái nho ép thành ly rượu. Nhờ Thánh Thể mà mọi người được qui tụ lại trong ngôi nhà đức tin là Giáo Hội. Sự hiệp nhất này là nguồn mạch và là bằng chứng hữu hiệu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.[181] Nhờ việc cử hành thánh lễ mỗi ngày,[182] linh mục giáo phận hiểu hơn sức mạnh biến đổi của Bí tích Thánh Thể và tìm thấy nơi mầu nhiệm này nguồn can đảm và sức mạnh đi theo Chúa Giêsu và phục vụ Ngài nơi tha nhân: “Các tư tế nên luôn tâm niệm rằng công cuộc cứu chuộc hằng được tiếp tục thi hành trong mầu nhiệm Hy Tế Thánh Thể; do đó, họ nên siêng năng dâng lễ, hơn nữa, rất đáng mong ước các tư tế dâng lễ mỗi ngày, cả khi các tín hữu không thể hiện diện, bởi lẽ Thánh Lễ là tác động của Chúa Kitô và của Giáo Hội, chính khi cử hành Thánh Lễ mà các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính chính yếu của mình.[183]

Linh mục giáo phận sẽ kín múc dồi dào nguồn sức mạnh từ Bí tích Thánh Thể, được cử hành trong thánh lễ mỗi ngày và được tôn thờ nơi Nhà Chầu mỗi khi đến viếng Mình Thánh Chúa,[184] như chính Chúa Giêsu mời gọi “hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi.[185] Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ nạp lại năng lượng và tăng thêm nhiệt huyết tông đồ, nên Huấn thị Bí tích Cứu Độ dạy: “Cha xứ phải chăm lo sao cho Bí tích Thánh Thể trở thành trung tâm của cộng đoàn giáo xứ; ngài phải cố gắng làm cho tín hữu được dẫn dắt và nuôi dưỡng bởi việc cử hành sốt sắng các bí tích và đặc biệt làm cho tín hữu thường xuyên đến với Bí tích Thánh Thể và Bí tích Thống Hối.[186] 

Trong buổi triều yết chung ngày 24.11.2010, ĐTC Biển Đức XVI nói: “Thánh Thể là một hồng ân tình yêu phi thường, mà Thiên Chúa liên tục canh tân trong chúng ta, để dưỡng nuôi cuộc hành trình đức tin của chúng ta, tiếp thêm sức mạnh cho niềm hy vọng của chúng ta là khơi dậy tình bác ái của chúng ta để ngày càng trở nên giống Người hơn.”[187] Linh mục giáo phận nào cũng có không ít hơn một lần trải nghiệm những gánh nặng mục vụ và những thách đố trăn trở yếu đuối cá nhân, nên cần năng chạy đến với Thánh Thể: “Yếu hèn con đến Nhà Chầu, mở ra trao trút cả bầu tâm tư.  Đức Chân Phước Gioan Phaolô II chia sẻ với cảm xúc sâu xa chứng tá đức tin của chính ngài nơi Bí Tích Thánh Thể như là phương tiện đồng hành và tăng sức mạnh: “Lúc tôi dâng thánh lễ,... đôi mắt tôi chăm nhìn vào Mình Thánh và Chén Thánh, thời gian và không gian như cô đọng lại và thảm kịch đồi Golgota được tái hiện với sức mạnh, như đương xảy ra. Mỗi ngày, đức tin cho phép tôi nhận ra trong bánh và rượu đã được truyền phép Vị Lữ Hành Thần Linh ngày nọ đã đi đường với hai môn đệ Emau để mở mắt họ ra với ánh sáng và mở lòng họ ra với niềm hy vọng.”[188]  

Việc cử hành Thánh lễ kết thúc, nhưng việc sống Thánh Thể vẫn tiếp tục trong cuộc đời mục vụ của linh mục giáo phận. Lễ xong ra đi để sống mầu nhiệm vừa cử hành, để sẻ chia những gì mình vừa lãnh nhận, để đem yêu thương cho mọi người trong cuộc lữ hành đức tin. ĐTC Biển Đức XVI dạy: “Thánh Thể không tách xa chúng ta khỏi những người đương thời với chúng ta; ngược lại, bởi vì Thánh Thể là cách diễn tả hay nhất của tình yêu Thiên Chúa, nó mời gọi chúng ta cộng tác với tất cả anh chị em mình để đương đầu với những thách đố hiện tại và làm cho hành tinh này thành một nơi tốt đẹp để sống.[189]

Và ĐHY Francis Arinze cũng nói: “Bí Tích Thánh Thể sai chúng ta đi để bày tỏ tình yêu và tình đoàn kết với anh chị em của chúng ta... Chúng ta cũng được sai đi để an ủi những người đang sầu khổ, để giúp giải phóng những người đang làm nô lệ, kể cả các nạn nhân của những hình thức đàn áp về phái tính, chủng tộc hoặc những hình thức đàn áp khác, để đem hy vọng đến cho những trẻ bụi đường, và giúp nâng cao các dân chưa được phát triển lên một mức độ xứng hợp với phẩm giá con người, nhất là những người đang đói khát và thiếu thốn về tinh thần: Họ đang đói khát Lời Thiên Chúa, đói khát Tin Mừng giải phóng của Chúa Giêsu Kitô, cho nên việc truyền giáo, dạy Giáo Lý dưới nhiều hình thức, cùng việc dẫn đưa người ta đến với Hội Thánh và các bí tích là những cách bày tỏ cần thiết của tình yêu thương tha nhân.”[190] Xin Chúa ban cho chúng ta được ơn dâng lễ mỗi ngày thật sốt sắng như có thể đây là thánh lễ cuối cùng của cuộc đời chúng ta vậy.

 
VỀ MỤC LỤC
KHÓC

 

Khóc là nhỏ lệ trước một hoàn cảnh khốn cùng, đau đớn hoặc buồn rầu. Vĩnh biệt người bạn trăm năm, mất nước phải xa quê hương hoặc bị hành hạ tù đầy khiến nhiều người khóc thầm dai dẳng. Cũng có người khóc vì quá xúc động trước một hạnh phúc tân hôn.

Trong động tác khóc. miệng mếu máo đôi khi phát ra thành tiếng nức nở, nước mắt tuôn rơi. Đây là một diễn tiến liên tục do hệ thần kinh tự chủ điều khiển. Tuy nhiên đôi khi có người cũng có thể giả vờ sụt sịt với một mục đích nào đó. 

Phàm là người thì ai cũng có lúc khóc nhưng văn hóa mỗi quốc gia hoặc truyền thống mỗi gia đình có những luật bất thành văn khác nhau về khóc: khóc khi nào và khóc làm sao để được chấp nhận.

Theo Tom Lutz, tác giả sách Crying: The Natural and Cultural History of Tears: “Các nền văn hóa trên thế giới coi khóc là hành động để biểu lộ một tình cảm khi đau đớn thương tiếc. Mỗi văn hóa xác định khóc ở đâu và khi nào thì được chấp nhận”.

Có nhiều kiểu khóc khác nhau.

 Nếu có khóc âm thầm, khóc lén, khóc nỉ non tỉ tê thì cũng có khóc ròng, khóc bù lu bù loa to tiếng, mũi dãi lòng thòng, khóc như mưa, khóc như cha chết,  khóc đứng khóc ngồi, khóc dai, khóc tới liệt hơi khản tiếng, bất tỉnh nhân sự, ngất đi …

Bé mới sinh thì khóc tu oa, khóc dạ đề cả mấy tháng, khóc oe oe đói bụng đòi ăn, khóc vòi vĩnh điếc cả tai.

Cũng có người kịch tính, sụt sùi khóc mướn khóc thuê cho tang chủ, lâu lâu lại khóc rống lên với mục đích cho bàn dân thiên hạ hay là người quá cố được đông con nhiều cháu thương tiếc, tiễn đưa…

Có tiếng khóc đau đớn “Giọt châu lã chã khôn cầm” của Thúy Kiều khi bị Hoạn Thư đánh ghen hành hạ, thì cũng có tiếng khóc vì hoàn cảnh bần cùng của Trần Thế Xương “Vay nợ lắm khi trào nước mắt”; khóc khí khái “Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo” của Tôn Thọ Tường;

Hoặc tiếng khóc đa tình của người thiếu phụ trong thơ của Trương Tịch

Trả chàng đôi ngọc, đôi hàng lệ;

Hận chẳng gặp nhau lúc chưa chồng,”

Lại còn những tiếng khóc thâm độc, giả nhân giả nghĩa của Tào Tháo giết người rồi khóc rống, tỏ vẻ tiếc thương…

Hoặc tiếng khóc vui buồn khó hiểu của thiếu nữ vào ngày vu quy, khi bái biệt cha mẹ ruột để về với tân lang và cha mẹ chồng:

“Khấp như thiếu nữ vu quy nhật”.

Nhưng có lẽ tiếng khóc của Nguyễn Khuyến trước sự ra đi vĩnh viễn của bạn hiền Dương Khuê mới não nề tình cảm làm sao:

“Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”.

Như vậy thì khóc thường là đi đôi với nước mắt giọt ngắn, giọt dài tuôn rơi.

Nước mắt

Mà nước mắt cũng có nhiều ý nghĩa, cấu tạo khác nhau.

Nước mắt tuôn ra từ tuyến lệ hình hạt hạnh nhân nằm phía trên con ngươi, dưới xương trán. Có khoảng hơn chục ống nhỏ li ti từ tuyến tỏa ra dẫn nước mắt phủ nhãn cầu. Sau đó nước mắt theo một đường chảy từ góc con mắt vào túi lệ, thông xuống mũi, đôi khi có nhiều thì dàn dụa trên mi, xuống má, xuống môi.

Nước mắt thành hình từ dung dịch chất lỏng của hệ tuần hoàn với 0.9% muối.

Có 3 loại nước mắt:

- Nước mắt căn bản thường xuyên tiết ra để bảo vệ và làm ướt nhãn cầu nhờ đó mắt chớp lên chớp xuống, nhìn ngang nhìn dọc dễ dàng. Không có nước mắt, nhãn cầu sẽ khô, mắt chớp khó khăn và rát.

Mỗi ngày có từ 150-300 cc nước mắt với các chất khác nhau như glucose, chất đạm, muối sodium, Kali, magnesium, chất diệt trùng lysozyme, lactoferrin.

- Nước mắt phản ứng khi có một vật lạ hoặc ánh sáng quá mạnh xâm nhập kích thích mắt. Chẳng hạn như  khi thái củ hành tươi có hơi cay bay vào mắt hoặc mắt vướng bụi bặm. Dây thần kinh cảm giác ở nhãn cầu sẽ chuyển tín hiệu báo cho não biết có vật lạ vào mắt. Não bộ tác động lên tuyến nước mắt, nước mắt chảy ra để loại bỏ vật lạ.

- Nước mắt xúc động tiết ra trước một buồn rầu, đau đớn hoặc niềm vui… Nước mắt này có cấu tạo khác với các nước mắt kể trên vì có thêm các chất như prolactin, ACTH, chất chống đau thiên nhiên leucin enkephalin

Vì có muối, cho nên nước mắt hơi mặn và đã có nhận xét rằng cặp môi ướt nước mắt rất tốt khi hôn nhau. Vừa sạch miệng, vừa làm cho nụ hôn đậm đà, tình cảm, nhớ nhau hoài.

Mỗi lần mắt chớp là nước mắt được trải rộng trên mặt nhãn cầu. Mắt chớp có công dụng như những cái gạt nước trên mặt kính xe hơi, máy bay. Chớp mắt xảy ra mỗi dăm ba giây đồng hồ và là một động tác tự chủ. Tuy nhiên ta cũng có thể chớp mắt theo ý muốn tỏ vẻ e thẹn khi gặp chàng gặp nàng lần đầu, nhưng khó mà có thể ngưng chớp mắt lâu hơn một phút.

 Thực ra nước mắt trải trên nhãn cầu có những ba lớp: lớp trên cùng có chất dầu tiết ra từ hạch nhờn ở mi mắt để ngăn lệ bốc hơi; lớp thứ nhì là nước từ tuyến nước mắt và lớp dưới cùng là dịch nhày mucus. Bất cứ bệnh nào ảnh hưởng tới cấu trúc của ba lớp này đều gây trở ngại cho sự nhìn.

 Theo nhà sinh hóa học William H. Frey, Đại học Minnesota, nước mắt khi xúc động có nhiều chất đạm hơn nước mắt do vật chất hoặc hơi cay kích thích.

Nước mắt có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mắt với vật lạ như vi khuẩn bụi bặm và cũng là chất bôi trơn để mắt có thể điều tiết khi nhìn. Không có nước mắt, nhãn cầu sẽ trở nên khô, nhiễm trùng đưa tới khiếm thị, mù lòa.

Diễn tiến khóc:

Một xúc động mạnh, một kỷ niệm đau sót làm con người nín thở, cơ bắp ở miệng co thắt đột ngột, rồi nước mắt trào ra. Họ tiếp tục nức nở, dàn dụa một lúc rồi mọi sự lắng đọng, tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Diễn tiến này cũng tương tự khi vui thì cười.

Trong sự khóc, xúc động kích thích dây thần kinh não, não bộ bèn gửi tín hiệu tới hạch nước mắt khiến cho ta khóc và nước mắt tuôn trào. 

Theo Stephanie Shields, giáo sư tâm lý tại Đại học Pensylvannia, “Nước mắt tốt” là những giọt lệ nhỏ ra mà ta kiểm soát được. Nó chứng tỏ người đó rất xúc động nhưng vẫn làm chủ được lòng mình”.

Tại sao khóc?

Có nhiều lý do.

- Khóc khi chia tay tan rã hôn nhân, vì sinh ly tử biệt người thân vĩnh viễn ra, vì bực tức mà không giải tỏa, đè nén được, vì quá vui, vì đau đớn thể xác.

- Để diễn tả cảm xúc, làm dịu xúc động.

- Nghe bản nhạc, nghe bài quốc ca, xem một phim buồn, đọc chuyện thương tâm …là cảm động, dớm nước mắt.

- Khóc khi vui buồn, ngạc nhiên, sợ hãi, đau đớn, yêu thương…nhiều khi vu, vơ, không lý do… chỉ muốn khóc.

- Khóc để hàn gắn vết thương lòng hoặc để thông báo có chuyện chẳng lành để sửa đổi.

Tiến sĩ Judith Kay Nelson phân loại khóc như sau:

(a) những cơn khóc phản kháng để giải tỏa hoàn cảnh với tiếng gào thét tức giận; 

(b) cơn khóc thầm lặng chịu đựng để tạo ra quan hệ mới sau một mất mát;

(c)  khóc thờ ơ không nước mắt trong hoàn cảnh hoàn toàn thất vọng. 

Tác dụng của Khóc

Đã có nhiều nghiên cứu cũng như nhận xét về tại sao ta khóc và tác dụng của khóc.

Nhà tâm lý Sigmund Freud cho rằng sự kích thích hạch nước mắt giúp não bộ giảm tích tụ căng thẳng.

Giáo sư William H. Frey có ý kiến tương tự: những căng thẳng không được giải tỏa sẽ tăng rủi ro cơn đau tim và tổn thưong não. Theo ông, “Hít thở để loại thán khí, tiểu tiện loại chất thải urea và khóc để xả stress”.

Đi xa hơn, bác sĩ người Anh, Sir Henry Maudsley báo động “Nỗi sầu muộn không được giải tỏa bằng nước mắt sẽ làm các bộ phận khác rỉ nước”.

Giáo sư y khoa Trung Hoa Wan Chengkui lại có ý kiến rằng sở dĩ đàn bà sống lâu hơn đàn ông cả 5-7 năm là vì mỗi khi có chuyện ấm ức buồn bực là họ khóc ngay. Theo ông, nước mắt khi khóc vì xúc đông loại khỏi cơ thể nhiều độc chất. Nhưng cũng theo ông, không nên khóc quá năm phút.

Tác giả Lael Wertenbaker cho hay kìm hãm nước mắt làm cho stress tăng với các hậu quả như cao huyết áp, bệnh tim, loét dạ dày vì tác động của stress.

Nhà nhân chủng học Ashley Montagu quả quyết là nhỏ nước mắt không những tốt cho sức khỏe mà còn là phương tiện đối thoại hữu hiệu, tăng sự quan hệ thân thiện giữa người với người trong cộng đồng.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của các tác giả Susan M. Labott và Randall B. Martin cho hay, người dễ dàng khóc trước các hoàn cảnh tiêu cực của cuộc sống thường hay bị rối loạn tâm tư hơn là thoát khỏi hoặc bớt đi. 

Văn thi sĩ cũng có ý kiến về khóc.

Thi sĩ Richard Crashaw nói “Khóc là làm vơi đi niềm thống khổ”.

Còn thi sĩ người Anh Robert Herrick cho là “Giọt lệ là ngôn ngữ cao quý của đôi mắt. Khi tình yêu chân thật không đủ lời để nói ra, thì nước mắt thay lời nói trong những giây phút im lặng đó”.

Tình cảm hơn, nhà văn Pháp Valery Larbaud lại tâm sự “Nhưng tôi yêu những mùi vị của giọt lệ được giữ lại, những giọt lệ dường như chảy từ cặp mắt xuống trái tim. Tôi thu gom nó như một kho tàng”.

Nam nữ ai khóc nhiều?

Nam nữ, già trẻ lớn bé đều khóc, nhưng ở mức độ khác nhau.

Thường thường nữ giới hay khóc hơn nam giới, vì họ nhiều tình cảm, dễ xúc động. Ngoài ra, nhà sinh hóa học William H. Frey đưa ra giả thuyết là hormon prolactin làm giảm ngưỡng xúc động ở phụ nữ bằng cách kích thích hệ nội tiết khiến cho phụ nữ dễ dàng chẩy nước mắt. Prolactin là một loại kích thích tố có nhiêu ở nữ giới đặc biệt là ở tuổi dạy thì, khi có kinh, mang thai và cho con bú sữa mẹ cũng như khi bị căng thẳng tinh thần. Prolactin có ở cả nam lẫn nữ, nhưng tỷ lệ ở nữ cao hơn nam tới 60%.  Cho nên khi các bà các cô ở trong các giai đoạn này, xin đừng làm phiền lòng họ kẻo họ bù lu bù loa, khó dỗ.

Trước đây cứ nói là nam không khóc nhưng thực ra là họ có khóc nhưng ít hơn. Theo tạp chí Man’s Health tháng Tư, 2003 trong một năm, nam khóc 14 lần còn nữ khóc gấp ba gấp bốn, tới 64 lần. Sở dĩ như vậy là do nam giới có khả năng kìm hãm sự khóc hơn là nữ giới.

Với một vài văn hóa, khóc là dấu hiệu của yếu đuối, phản ảnh sự bất lực, không tự cường và cần nơi dựa dẫm, dựa vai người khác mà khóc.

Tại một số quốc gia, nam giới tự do khóc trong khi đó tại vài quốc gia khác như Hoa Kỳ, người nam mà khóc tu tu thì được cho là yếu đuối, không có nam tính, là “Sissy” là “Crybaby”.

Có người cho rằng nam giới mà khóc là do quá nhậy cảm mà nữ giới mà khóc thì lại bị gán cho là quá xúc động đôi khi mánh khóe, có dụng ý lung lạc, tư lợi.

Kết luận

Để kết luận, xin mượn lời của nhà giáo kiêm tâm lý gia trị liệu, Tiến sĩ Judith Kay Nelson: “Các bác sĩ và nhà tâm lý gắn liền khóc với cảm xúc nhưng lại quên rằng khóc còn là một chức năng căn bản của cơ thể. Khóc liên hệ tới sự sản xuất các loại hormon, sự co của cơ bắp, những thay đổi sinh hóa học, những tín hiệu thần kinh và các diễn tiến tuần hoàn, tiêu hóa hô hấp”.

 Do đó, tưởng như là giản dị nhưng nhỏ lệ là một thành phần quan trọng và cần thiết trong cơ thể con người. Không có những giọt lệ tuôn ra, trong ngắn hạn, cuộc đời sẽ gặp nhiều tâm trạng khó khăn và trong dài hạn, thị lực sẽ mờ dần.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas- Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************