
THÁNH THỂ VÀ LÒNG MẾN: TRƯỞNG THÀNH
Có người băn khoăn khi đón nhận mầu nhiệm Thánh Thể
này:
- Tội như thế nào thì không được rước lễ?
Họ nhìn bí tích tình yêu với một chọn lựa nguyên tắc
hơn là mức độ trưởng thành. Sợ lề luật hơn là thúc
đẩy bởi lòng mến. Khi nói tội như thế nào, nghĩa là
họ vẽ lằn mức. Họ nhìn tội là những đơn vị đo lường.
Nếu bảo tội nặng bằng này, không được rước lễ. Vậy
tôi bớt đi một chút, có được rước lễ chăng? Bớt bằng
nào thì vừa đủ để rước lễ?
Vị đạo sĩ đưa khúc mía cho người học trò. Khúc mía
rất ngọt. Người học trò đưa lên miệng lấy răng cắn
vào vỏ mía. Vừa cắn vào, đau buốt óc, anh không thể
cắn nổi vì răng anh đau. Càng cố cắn, càng khốn nạn
cho mình. Đây là cách hiểu lời Thánh Phaolô gởi giáo
đoàn Côrintô: “Ai nấy hãy tự xét mình rồi hãy ăn
Bánh và uống Chén này. Ai ăn và uống mà không phân
biệt được Thân Thể Chúa là tự chuốc lấy án phạt cho
mình” (1 Cor. 11: 22). Khúc mía vẫn ngọt. Anh từ
chối khúc mía? Hay khúc mía từ chối anh? Vị đạo sĩ
hỏi người học trò:
- Khúc mía có ra hình phạt cho con không?
Anh im lặng hỏi lòng mình:
- Có ai đem đĩa cơm thịt nướng rất thơm bón cho xác
chết trong nhà quàng không? Nhét đến đâu xác vẫn cứ
nằm đó. Mắt nhắm và môi cứ lạnh. Càng nhét vào
miệng, ta càng thấy rợn người. Anh hiểu xác chết
không có khả năng để ăn chứ không phải đĩa cơm từ
chối. Tội làm linh hồn tôi chết, nó không còn khả
năng thích hợp đón nhận sự thánh thiện. Bản chất của
bình an không đi với gian dối. Niềm vui không đi với
lỗi phạm. “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa
và chén của ma quỷ được” (1 Cor. 10:21).
Giáo lý trả lời, có tội trọng thì không được rước
lễ.
Dễ hiểu. Vấn đề là:
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Khi tôi
còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, suy nghĩ
như trẻ con. Nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì
tôi loại bỏ tất cả những gì là trẻ con.” (1 Cor.
13:11). Giả sử bạn nghe tiếng nhỏ to: “Bận rộn thế
này mà ngày mai lại phải vác mặt đến nhà ông ấy.” Họ
không muốn nhưng vì lý do xã giao phải đến. Rồi ngày
mai người đó phải đến nhà bạn. Rồi lại cũng xã giao
cười cười, nói nói, nhưng lòng dạ chán lắm. Bạn có
vui trong cuộc gặp gỡ không?
Đừng hỏi có ăn được khúc mía không. Mía bao giờ cũng
ngọt, cũng thơm ngon. Tùy khả năng của mình.
Lạy Chúa,
Có tình yêu thì Thánh Thể mới là hoa trái. Và hoa
trái của Thánh Thể là tình yêu.
Có những thánh lễ, có những bí tích tình yêu như thế
mà sao tâm hồn người tham dự thì như có nỗi chán
chường. Trong ngôn ngữ, chúng con diễn tả là “phải”
đi lễ. Trong khi các tín hữu sơ khai thì diễn tả
“được” tham dự. Đối với thánh lễ lúc ban đầu, sách
Tông Đồ Công Vụ tường thuật là họ tham dự với lòng
“vui vẻ”. Hôm nay, nhiều khi chúng con tham dự với
lòng nặng nề. Khi chúng con nói “phải” đi lễ chứ
không nói “được” là tâm hồn chúng con không nặng nề
đó sao. Nếu con không tha thiết với Thánh Thể thì
con rước Thánh Thể để làm gì?
Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J – trích trong “Thánh Thể -
Đường Đi Một Mình”