Trung Quốc muốn theo dõi cả thế giới

Thứ Ba, 17/07/2012 22:30

Các chuyên gia cảnh báo rằng những thông tin đi qua bất kỳ mạng nào do Tập đoàn Viễn thông Huawei của Trung Quốc trang bị đều không an toàn

Chính phủ Trung Quốc có thể truy cập trên diện rộng đối với 80% thông tin liên lạc của thế giới, trao cho họ khả năng tiến hành hoạt động gián điệp công nghiệp từ xa và thậm chí phá hoại về mặt điện tử các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Mỹ và các nước công nghiệp khác. Đây là thông tin vừa được ông Michael Maloof, từng là nhà phân tích chính sách bảo mật tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tiết lộ với website WorldNetDaily (wnd.com) sau một thời gian tìm hiểu.
Tiếp cận thông tin nhạy cảm
Sử dụng thiết bị cung cấp bởi 2 tập đoàn viễn thông Huawei Technologies và ZTE, chính phủ và quân đội Trung Quốc có thể tiếp cận bằng “cửa sau” đối với một lượng thông tin điện tử khổng lồ của thế giới, trong đó có dữ liệu tình báo và quân sự nhạy cảm. Ông Maloof viết: “Hai công ty này đã cung cấp cho Trung Quốc khả năng truy cập từ xa thông qua thiết bị họ cài đặt trong các mạng viễn thông ở 140 nước.
Họ hiện đang  phục vụ 45 trong số 50 nhà điều hành viễn thông lớn nhất thế giới… Thông tin có thể bị theo dõi, thay đổi và trong một số trường hợp bị phá hoại”. Không dừng lại ở đó, ông Maloof cho rằng  người Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận đối với 20% thông tin liên lạc còn lại của thế giới.
Trụ sở Tập đoàn Huawei ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS
Năm 2000, Huawei hầu như không được biết đến bên ngoài Trung Quốc nhưng đến năm 2009, hãng này đã lột xác trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ericsson. Hệ quả là theo các chuyên gia viễn thông, những thông tin đi qua bất kỳ mạng nào do Huawei trang bị đều không an toàn trừ khi nó được mã hóa bởi quân đội. Một nguồn tin cảnh báo rằng người Trung Quốc thậm chí còn đang “nỗ lực giải mã bất kỳ thông tin mã hóa nào họ chặn được”.
Ngay cả khi người dùng tránh được các sản phẩm của Trung Quốc thì chưa chắc họ đã an toàn vì sự xâm nhập điện tử được thực hiện từ xa thông qua việc sử dụng các mạng thương mại do Huawei và ZTE thiết lập ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, theo ông Maloof, các công ty giao tiếp thông qua mạng riêng ảo (VPN) với các đối tác tại những nước sử dụng thiết bị mạng của 2 công ty Trung Quốc này đều đối mặt nguy cơ bị theo dõi.
Ngăn ngừa nguy cơ
Vấn đề là Huawei và ZTE vẫn đang bành trướng sự hoạt động bằng cách tham gia các dự án viễn thông khắp thế giới, từ Malaysia, Philippines cho đến Nga, Brazil, Ấn Độ… Các nguồn tin nói với ông Maloof rằng so với các đối thủ phương Tây, 2 công ty này có lợi thế là được sự trợ cấp của chính phủ nên sản phẩm của họ có giá rất cạnh tranh.
Dù vậy, một số nước đã bắt đầu  quan tâm nhiều hơn đến những nguy cơ từ việc làm ăn với 2 công ty Trung Quốc nói trên. Chẳng hạn, Chính phủ Úc gần đây đã cấm Công ty Huawei tham gia đấu thầu xây dựng mạng băng thông rộng quốc gia trong một quyết định mang “tính phòng ngừa” và nhằm bảo đảm an ninh cho hạ tầng quan trọng này.
Tương tự, Bộ Thương mại Mỹ vào năm ngoái đã cấm Huawei tham gia một dự án xây dựng mạng không dây ở nước này. Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cũng quyết định điều tra Huawei và ZTE nhằm xác định những mối đe dọa tiềm ẩn về hạ tầng và an ninh quốc gia từ 2 công ty này.
Mối đe dọa nghiêm trọng
Ủy ban xem xét các vấn đề an ninh và kinh tế Mỹ - Trung (thuộc Quốc hội Mỹ) gần đây cảnh báo rằng Huawei và ZTE là ví dụ về những công ty công nghệ cao mà Chính phủ Trung Quốc có thể dùng để tiếp cận dữ liệu nhạy cảm trong các hệ thống viễn thông và máy tính có liên hệ đến những doanh nghiệp này.
Báo cáo của ủy ban nói trên cũng chỉ ra rằng khả năng nói trên của Bắc Kinh đã đủ tiến bộ để gây ra mối đe dọa cho các hoạt động quân sự của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.
PHƯƠNG VÕ