|
"Ngày thứ ba Người sống lại như
lời Thánh Kinh"
Chào anh chị em buổi sáng.
Hôm nay chúng ta tiếp tục Giáo Lý của Năm Đức Tin.
Trong
Kinh Tin Kính chúng ta lập lại câu này: "Ngày thứ ba Người sống lại như
lời Thánh Kinh". Đây là biến cố chúng ta đang cử hành: Cuộc Phục
Sinh của Chúa Giêsu, tâm điểm của sứ điệp Kitô giáo, một sứ điệp đã vang
vọng ngay từ ban đầu và đã được truyền lại cho tới chúng ta đây.
Thánh Phaolô viết cho Kitô hữu ở Corintô rằng: "Về phần mình, tôi đã
truyền lại cho anh chị em trước hết điều tôi đã lãnh nhận, đó là Chúa
Kitô đã chết cho tội lỗi của chúng ta như lời Thánh Kinh, Người đã được
an táng, và vào ngày thứ ba Người đã sống lại từ trong kẻ chết như lời
Thánh Kinh, sau đó Người đã hiện ra với Cepha, rồi với 12 vị" (1Cor
15:3-5). Lời tuyên xưng đức tin ngắn gọn này là những gì loan báo mầu
nhiệm Vượt Qua, bằng những lần hiện ra đầu tiên của Chúa Kitô Phục Sinh
với Thánh Phêrô và 12 vị: cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu là
tâm điểm cho niềm hy vọng của chúng ta. Thiếu niềm tin vào cái chết và
sự phục sinh này của Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta sẽ yếu kém,
nó thậm chí không còn hy vọng nữa, mà thực sự cái chết và phục
sinh của Chúa Giêsu là tâm điểm cho niềm hy vọng của chúng ta. Vị Tông
Đồ này khẳng định rằng: "Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của
anh chị em chỉ là những gì phù phiếm và anh chị em vẫn ở trong tội lỗi
của mình" (câu 17). Tiếc thay, thường có những nỗ lực làm lu mờ đi
niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu, ngay cả nơi chính thành phấn
tín hữu cũng đã xuất hiện những sự ngờ vực. Chúng ta có thể nói
đó là sự sa sút đức tin; đó không phải là đức tin mạnh mẽ. Điều ấy
xẩy ra là vì tính chất nông nổi, hay đôi khi vì sự dửng dưng lạnh lùng,
vì bận bịu, khi con người ta lo lắng cho trăm công ngàn chuyện dường như
quan trọng hơn cả đức tin, hoặc vì quan điểm thuần chiều ngang về đời
sống. Thế nhưng chính cuộc phục sinh hướng chúng ta tới
một niềm hy vọng cao cả hơn, vì nó hướng đời sống của chúng ta và đời
sống của thế giới tới tương lai vĩnh hằng của Thiên Chúa, tới hạnh phúc
viên trọn, tới niềm tin tưởng rằng sự dữ, tội lỗi, sự chết có thể bị
đánh bại. Và điều này giúp sống những thực tại hằng ngày
một cách tin tưởng hơn, đương đầu với chúng một cách can trường và dấn
thân. Cuộc phục sinh của Chúa Kitô chiếu soi những thực tại hằng
ngày này bằng một thứ ánh sáng mới. Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô là sức
mạnh của chúng ta!
Thế
nhưng sự thật về niềm tin vào cuộc phục sinh của Chúa Kitô được
truyền đạt cho chúng ta ra sao? Có hai loại chứng từ trong Tân
Ước: một số chứng từ dưới hình thức tuyên xưng đức tin, tức là, những
công thức tổng luận nói lên tâm điểm của đức tin; những chứng từ khác
dưới hình thức truyện kể về cuộc phục sinh này cũng như về các biến cố
liên hệ đến nó. Trước hết, hình thức tuyên xưng đức tin, điển hình là
những gì chúng ta vừa nghe, hay những gì được đề cập đến trong Thư Rôma
của Thánh Phaolô: "Vì nếu anh chị em tuyên xưng bằng môi miệng rằng Chúa
Giêsu là Chúa và tin trong lòng anh chị em rằng Thiên Chúa đã làm cho
Người sống lại từ trong kẻ chết, anh chị em sẽ được cứu độ" (10:9). Ngay
từ ban đầu của Giáo Hội, niềm tin tưởng vào mầu nhiệm tử giá và phục
sinh của Chúa Giêsu đã mãnh liệt và rõ ràng. Tuy nhiên, hôm nay,
tôi muốn tập trung vào thứ hình thức thứ hai, vào chứng từ ở hình thức
trình thuật chúng ta thấy trong các Phúc Âm. Trước hết, chúng ta
chú ý thấy rằng những chứng nhân tiên khởi của biến cố này là phụ nữ.
Vào lúc tảng sáng, họ đã đi ra mồ để xức dầu cho thi thể của Chúa Giêsu,
và thấy dấu hiệu đầu tiên, đó là một ngôi mộ trống (cf. Mk 16:1). Sau đó
là cuộc gặp gỡ một Vị Sứ Giả của Thiên Chúa, vị tuyên bố rằng: Giêsu
Nazarét, Đấng Tử Giá, không còn đây, Người đã sống lại (cf.vv. 5-6).
Những người phụ nữ này được tình yêu thúc đẩy và biết cách tin tưởng
tiếp nhận lời loan báo này: họ tin tưởng và lập tức họ truyền đạt nó đi,
họ không giữ lấy cho mình. Niềm vui mừng khi biết rằng Chúa Giêsu đang
sống, niềm hy vọng tràn đầy lòng chúng ta ấy, không thể nào bị chất
chứa. Điều này cũng cần phải xẩy ra trong đời sống của chúng ta nữa.
Chúng ta hãy cảm thấy niềm vui là Kitô hữu! Chúng ta tin tưởng vào
một vị Chúa Phục Sinh, Đấng đã chiến thắng sự dữ và sự chết! Chúng ta
hãy can trường "xuất thân" để mang niềm vui này và ánh sáng ấy vào tất
cả những nơi chốn chúng ta sống! Cuộc phục sinh của Chúa
Kitô là niềm tin tưởng trọng đại nhất của chúng ta; nó là kho tàng quí
báu nhất của chúng ta! Làm sao chúng ta lại không mang chia sẻ với người
khác kho tàng này chứ? Không phải nó chỉ được thông đạt cho duy chúng
ta, nó cần phải được cống hiến cho người khác, được chia sẻ với người
khác. Đó chính là chứng từ của chúng ta.
Còn một yếu tố khác nữa.
Trong những cuộc tuyên xưng đức tin của Tân Ước thì chỉ có nam nhân,
là các vị Tông Đồ, được tưởng nhớ như là thành phần chứng nhân của cuộc
phục sinh này, chứ không phải nữ giới. Điều này là vì, theo luật
Do Thái thời bấy giờ, phụ nữ và trẻ em không thể cống hiến một chứng từ
xác thực, khả tín. Tuy nhiên, trong các Phúc Âm, phụ nữ lại có một
vai trò cơ bản, nền tảng. Ở đây chúng ta có thể nắm được một yếu
tố thuận lợi mang tính chất lịch sử về cuộc phục sinh, ở chỗ, nếu
là một biến cố tạo tĩnh trong bối cảnh bấy giờ thì nó không được gắn
liền với chứng từ của các người phụ nữ. Trái lại, các vị thánh
ký thản nhiên thuật lại những gì đã xẩy ra, đó là các người phụ nữ
là thành phần chứng nhân tiên khởi. Điều này cho thấy rằng
Thiên Chúa không chọn lựa theo tiêu chuẩn của loài người, ở chỗ, thành
phần chứng nhân tiên khởi về cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu là các mục đồng,
những con người đơn sơ và thấp hèn; những chứng nhân đầu tiên của cuộc
phục sinh là các người phụ nữ. Đó là điều tốt đẹp. Và ở một mức
độ nào đó đấy là sứ vụ của nữ giới, của thành phần làm mẹ, của những
người đàn bà! Cống hiến chứng từ cho con cái của mình, cho cháu chắt của
mình là Chúa Giêsu đang sống, Người là Đấng Hằng Sống, Người đã phục
sinh. Hỡi các bà mẹ và phụ nữ, hãy tiến bước với chứng từ ấy! Đối
với Thiên Chúa là Đấng chỉ cần tấm lòng, thì chúng ta cởi mở nó ra như
thế nào cho Ngài, nếu không phải ở chỗ chúng ta tin tưởng giống như con
trẻ. Thế nhưng, điều này cũng khiến cho chúng ta nghĩ đến cách
thức làm thế nào để nữ giới trong Giáo Hội và trong cuộc hành trình đức
tin, đã và hiện nay đang có một vai trò đặc biệt trong việc mở cửa cho
Chúa, trong việc theo Ngài và truyền đạt chân dung của Ngài, vì
ánh mắt đức tin bao giờ cũng cần đến ánh mắt chân tình và sâu xa của
tình yêu. Các vị Tông Đồ và các môn đệ đều thấy khó mà tin
vào Chúa Kitô phục sinh. Các phụ nữ thì không. Thánh Phêrô chạy
ra mồ, nhưng dừng bước trước ngôi một trống; Thánh Tôma thì cần phải
chạm đến các thương tích trên thân thể của Chúa Giêsu bằng đôi bàn tay
của mình. Trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta cũng thế, vấn
đề quan trọng đó là nhận biết và cảm thấy rằng Thiên Chúa yêu thương
chúng ta, đừng sợ yêu mến Ngài: đức tin cần phải được tuyên xưng bằng
miệng lưỡi và tấm lòng, bằng lời nói và tình yêu.
Sau những lần hiện ra
với nữ giới là những lần hiện ra khác, ở chỗ, Chúa Giêsu đích thân hiện
diện một cách mới mẻ: Người là Đấng Tử Giá, thế nhưng thân xác của Người
là một thân xác hiển vinh; Người không trở lại với cuộc sống trần gian,
mà đã trở lại trong một thân phận mới.
Mới đầu các vị không nhận ra Người, và chỉ nhờ lời Người nói và cử chỉ
Người làm mà mắt của các vị mới mở ra: cuộc gặp gỡ với Đấng Phục
Sinh đã biến đổi, cống hiến cho đức tin một năng lực mới, một nền tảng
bất khả lay chuyển. Đối với chúng ta cũng thế, có nhiều
dấu hiệu qua đó Đấng Phục Sinh đã tỏ mình ra: Thánh Kinh, Thánh Thể, các
phép bí tích, đức ái, những cử chỉ yêu thương chiếu tỏa một tia sáng về
Vị Chúa Phục Sinh. Chúng ta hãy để cho mình được chiếu
sáng bởi cuộc phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta hãy để cho mình được
biến đổi bởi sức mạnh của Người, nhờ đó, cũng qua chúng ta ở trên thế
giới này, những dấu hiệu của sự chết nhường chỗ cho những dấu hiệu của
sự sống. Tôi đã nhìn thấy có nhiều bạn trẻ ở Quảng Trường này.
Họ đó! Tôi muốn nói cùng các bạn rằng: hãy truyền đạt niềm tin tưởng này,
đó là Chúa đang sống và Người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Đó
là sứ vụ của các bạn! Hãy truyền đạt niềm hy vọng này. Hãy neo chặt vào
niềm hy vọng ấy: cái neo này thì ở trên trời; hãy nắm vững lấy sợi xích,
hãy neo chặt và truyền đạt niềm hy vọng. Hỡi các bạn là thành phần nhân
chứng của Chúa Giêsu, hãy truyền đạt chứng từ là Chúa Giêsu đang sống và
chứng từ ấy cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng, nó sẽ cống hiến niềm hy
vọng cho một thế giới dường như đã trở thành già lão bởi chiến tranh, sự
dữ, tội lỗi. Hỡi thành phần gioói trẻ, hãy thăng tiến!
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/4/2013 (nhan
đề và những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm
nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)
|
|