"Tình huynh đệ,

nền tảng của hòa bình và đường dẫn đến hòa bình"

Tóm lược Sứ Điệp Hòa Bình 2014 của ĐTC Phanxicô

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Theo thông lệ hằng năm từ năm 1968 đời Đức Thánh Cha Phaolô VI, vị giáo hoàng đã thiết lập Ngày Hòa Bình Thế Giới hằng năm vào ngày đầu năm Dương Lịch 1/1 cũng là ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô hôm Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2013 đã ký ban hành Sứ Điệp 2014 với tựa đề "Tình yêu huynh đệ như nền tảng của hòa bình và như đường dẫn đến hòa bình".

Sứ Điệp Hòa Bình cho ngày đầu năm 2014 này được bố cục với 10 phân đoạn, thứ tự như sau: 1- dẫn nhập; 2- "Em của ngươi đâu?" (Khởi Nguyên 4:9); 3- "Còn các con tất cả đều là anh em" (Mathêu 23:8); 4- Tình huynh đệ, nền tảng và đường dẫn đến hòa bình; 5- Tình huynh đệ, điều kiện tiên quyết để chống nghèo khổ; 6- Tình huynh đệ cần được tái khám phá nơi kinh tế; 7- Tình huynh đệ dập tắt chiến tranh; 8- Tình huynh đệ bị đe dọa bởi tình trạng băng hoại và tổ chức tội ác; 9- Tình huynh đệ giúp bảo trì và chăm sóc thiên nhiên; 10- Kết luận.

Nhìn vào bố cục của bản văn sứ điệp, chúng ta thấy có hai phần rõ rệt: phần về tình huynh đệ theo mạc khải (đoạn 2 và 3) và phần về tình huynh đệ nơi nhân loại (đoạn 4-9).

Tình huynh đệ theo mạc khải.

Trước hết, ở đoạn 2, tình huynh đệ xuất phát từ dự án của Thiên Chúa, được thể hiện nơi gia đình đầu tiên, trong đó có hai anh em Cain và Abel: "Theo trình thuật thánh kinh về việc tạo dựng thì tất cả mọi người đều bắt nguồn từ cùng một cha mẹ là Adong và Evà, một cặp vợ chồng được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài, từ họ mà Cain và Abel được sinh ra".

Sau nữa, ở đoạn 3, vì tình huynh đệ có nền tảng nơi vai trò làm cha của Thiên Chúa, cũng như nơi cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô mà: "Trong gia đình của Thiên Chúa, nơi mà tất cả những người con nam nữ có cùng một Người Cha, và vì họ được tháp nhập vào Chúa Kitô, những người con nam nữ nơi Người Con, nên không có những 'cuộc sống vứt bỏ'".

Tình huynh đệ nơi nhân loại

Trước hết, ở đoạn dẫn nhập, Đức Thánh Cha đã nhận định về trường hợp của tình huynh đệ trong thời điểm hiện tại như thế này:

- "Ơn gọi hình thành một cộng đồng anh chị em biết chấp nhận và chăm sóc cho nhau... là những gì vẫn thường bị chối bỏ và coi thường trong một thế giới được đánh dấu bằng một thứ 'toàn cầu hóa sự dửng dưng lạnh lùng' khiến chúng ta quen trì trệ trước khổ đau của người khác và khép kín bản thân mình lại".

- "Nhiều trường hợp về tình trạng bất quân bình, nghèo khổ và bất công, là những dấu hiệu chẳng những cho thấy sâu xa thiếu vắng tình huynh đệ mà còn vắng thiếu một thứ văn hóa đoàn kết nữa".

- "Những thể chế đạo lý đương thời vẫn tỏ ra bất khả trong việc sản sinh ra những mối liên hệ đích thực về tình huynh đệ, vì một thứ tình huynh đệ không căn cứ vào một Người Cha chung như nền tảng tối hậu của mình thì không thể bền bỉ được".

Sau nữa, ở đoạn 5-9, Đức Thánh Cha cho thấy nhu cầu cần thiết của tình huynh đệ trong xã hội loài người trên toàn thế giới hiện nay, như sau: Về mặt tích cực, Tình huynh đệ là điều kiện tiên quyết để chống nghèo khổ (đoạn 5), Tình huynh đệ là những gì cần để giúp dập tắt chiến tranh (đoạn 7), và Tình huynh đệ là những gì cần để giúp bảo trì và chăm sóc thiên nhiên (đoạn 9); về mặt tiêu cực, Tình huynh đệ cần phải được tái khám phá nơi lãnh vực kinh tế (đoạn 6), và Tình huynh đệ bị đe dọa bởi tình trạng băng hoại và tổ chức tội ác (đoạn 8).

Sau hết, ở đoạn 4, một đoạn có tiểu đề "Tình huynh đệ, nền tảng và đường dẫn đến hòa bình", tương tự như chính tựa đề của toàn sứ điệp hòa bình, "Tình huynh đệ, nền tảng của hòa bình và là đường dẫn đến hòa bình". Bởi thế, cốt lõi của tất cả sứ điệp hòa bình 2014 nằm ở trong đoạn 4 này. Trong đoạn 4 chính yếu này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại 2 thông điệp của 2 vị tiền nhiệm, đó là thông điệp "Populorum progressio - Vấn đề phát triển các dân tộc" của Đức Thánh Cha Phaolô VI, và thông điệp "Sollicitudo rei socialis - Mối quan tâm về các vấn đề xã hội" của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Sở dĩ ngài đề cập đặc biệt đến 2 trong các thông điệp trong toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội về xã hội này là vì, mỗi thông điệp trên đây đều có một câu định nghĩa liên quan giữa xã hội và hòa bình như sau: "Việc phát triển toàn vẹn của các dân tộc là tên gọi mới của hòa bình" (Đức Thánh Cha Phaolô VI), và "hòa bình là hoa trái của tình đoàn kết - peace is an opus solidaritatis" (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II).

Tóm lại, đọc xong Sứ Điệp Hòa Bình 2014 của Đức Thánh Cha Phanxicô, ấn tượng còn lại trong tâm trí của một độc giả (như tôi) đó là chính câu ngài đã khẳng định trong đoạn dẫn nhập: "Không thể nào xây dựng một xã hội công chính và một nền hòa bình vững chắc và bền bỉ mà lại thiếu vắng tình huynh đệ".

Thế nhưng, muốn sống tình huynh đệ lại cần phải biết yêu thương và phục vụ, như ngài nhận định ở đầu đoạn kết: “Tình huynh đệ cần phải được khám phá, yêu chuộng, cảm nghiệm, loan báo và làm chứng. Mà chỉ có tình yêu được ban cho như tặng ân của Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta chấp nhận và trọn vẹn cảm nghiệm thấy tình huynh đệ”, cũng như ở câu áp cuối: “Phục vụ là hồn sống của thứ tình huynh đệ dựng xây hòa bình”.

Vậy, chúng ta hãy cùng ngài hướng về Mẹ Maria: “Chớ gì Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, giúp chúng ta hiểu và sống hằng ngày mối tình huynh đệ được xuất phát từ trái tim Con của Mẹ, để mang hòa bình đến cho từng người trên trái đất thân yêu này của chúng ta”.