Trước đây chưa bao giờ con người
có được nhiều thiết bị giúp tiết
kiệm thời giờ như hiện nay. Thế
mà chưa bao giờ con người lại có
ít thời gian dành cho việc rảnh
rang hay ngơi nghỉ như hiện nay.
Tuy nhiên ít người để ý đến điều
này: quảng cáo đã nhồi nhét
trong tâm trí người hiện đại
khái niệm giả dối là nhàn rỗi và
không lao động đồng nghĩa như
nhau – là chúng ta càng có bên
cạnh đủ thứ linh tinh như then
cửa, vỏ xe, cầu dao và những
tiện nghi gia dụng khác thì
chúng ta càng tiết kiệm được
thời gian cho chính mình.
Tuy nhiên sự phân chia ngày giờ
của chúng ta thành lao động và
không lao động như thế thật là
quá đơn giản. Trong thực tế, đối
với đa số việc phân chia như thế
không đếm xỉa gì đến khả năng để
có được sự nhàn rỗi thực sự.
Người ta phí đi hàng giờ trống
vào việc lơ ngơ láo ngáo không
mục đích, vào việc tiêu cực chờ
đợi một điều thú vị nào đó sẽ
xảy đến cho mình…
Việc nghỉ ngơi đích thức không
phải chỉ là khoảng cách giữa
những hành vi trong sinh hoạt
đời sống. Nó cũng là một thứ
hoạt động mãnh liệt tùy thuộc
vào một loại khác. Cũng như giấc
ngủ không phải là sự ngưng lại
của sự sống mà chính là sự sống
dưới một hình thức khác so với
lúc thức thì sự nghỉ ngơi cũng
là một hoạt động chẳng kém về
mặt sáng tạo so với hoạt động
của những giờ lao động của chúng
ta.
Sự nghỉ ngơi – xét như sự nhàn
rỗi đích thực – không thể nào có
được nếu không kèm theo vài nhận
thức về thế giới tinh thần. Bởi
vì mục đích đầu tiên của sự nghỉ
ngơi là để chiêm ngắm điều thiện…
đích nhắm đích thực của nó là
nhìn ra tương giao giữa các sự
cố nhỏ mọn trong cuộc sống hàng
ngày và sự tốt đẹp rộng lớn hơn
đang vây phủ quanh chúng ta.
Sách Sáng Thế kể cho cho chúng
ta là sau khi tạo dựng thế giới:
“Thiên Chúa đã nhìn tất cả mọi
thứ Ngài đã làm và nhận thấy
chúng rất tốt đẹp”. Việc chiêm
ngưỡng như thế về công việc của
mình quả là tự nhiên đối với con
người bất cứ lúc nào họ dấn thân
vào phận sự sáng tạo. Anh hoạ sĩ
đứng sau khung vẽ để xem coi
những chi tiết cảnh biển có được
đặt đúng chỗ không. Sự nghỉ ngơi
đích thực chính là lùi lại để
duyệt xem những hoạt động xảy
đến với mọi ngày của chúng ta.
Chúng ta chỉ có thể mãn nguyện
thực sự với công việc của mình
nếu chúng ta thường xuyên dừng
lại để tự hỏi xem tại sao chúng
ta đang làm công việc ấy và mục
đích của nó có phải là điều mà
tâm trí chúng ta hoàn toàn ưng
thuận không. Có lẽ một lý do
khiến cho tại sao rất nhiều dự
án kinh tế và chính trị của
chúng ta bị thất bại là bởi vì
những dự án này nằm trong tay
những người chỉ biết quá dán
chặt đôi mắt vào những gì họ
đang làm đến nỗi chẳng bao giờ
dừng lại để chất vấn xem có nên
làm điều ấy không. Chỉ biết bận
bịu để lo kiếm được tiền thì
chẳng bao giờ có thể thoả mãn
nhu cầu của con người về một
công việc mang tính sáng tạo.
Bất cứ loại công việc nào cũng
đều có thể được thăng hoa và
khoác cho một mục đích siêu
nhiên nếu công việc ấy được nhìn
dưới viễn cảnh vĩnh cửu. Lau
nhà, đổ rác, dò bảng số xe chở
hàng… tất cả mọi điều này đều có
thể được “thực hiện tốt đẹp” nhờ
vào một cử chỉ đơn giản của ý
chí hướng chúng vào việc phụng
sự Chúa. Phận vụ đơn giản nhất
cũng có thể mặc lấy ý nghĩa
thiêng liêng và được thần thánh
hoá là thế đấy.
Nếu chúng ta biết hướng công
việc mình lên cùng Chúa thì
chúng ta sẽ làm việc tốt hơn
chúng ta thường nghĩ. Việc nhìn
nhận điều này cho thấy chúng ta
cần nghỉ ngơi. Trong khi nghỉ
việc một tuần một lần, con người
nên đến trước mặt Thiên Chúa của
mình để nhìn nhận bao nhiêu công
việc mình làm suốt tuần qua đều
là công việc của Đấng Tạo Dựng:
lúc ấy anh ta có thể nhắc nhớ
cho mình rằng mọi thành quả lao
động của mình đều đến từ đôi tay
khác, rằng các ý tưởng mà tâm
trí anh sử dụng cũng đến từ
nguồn cội cao siêu hơn, và ngay
cả năng lực anh ta sử dụng cũng
là quà tặng của Thiên Chúa.
Trong tâm trạng nghỉ ngơi thực
sự như thế, nhà khoa học sẽ thấy
rằng chính mình không phải là
tác giả những sưu tập của mình
về luật thiên nhiên, mà chẳng
qua chỉ là người đọc và sửa bản
in. Chỉ có Chúa mới là Đấng viết
ra cuốn sách ấy. Cũng trong lúc
nghỉ ngơi như thế, người thầy
giáo sẽ thú nhận mọi chân lý mà
ông ta truyền lại cho học sinh
của mình chỉ là tia nắng từ Mặt
Trời Khôn Ngoan Thần Linh. Anh
đầu bếp chuyên gọt khoai thì sau
một thời gian nghỉ ngơi như thế
sẽ biết cầm nắm những củ khoai
như là những quà tặng khiêm tốn
của chính Thiên Chúa.
Sự nghỉ ngơi giúp chúng ta chiêm
ngắm những sự việc nhỏ bé mà
chúng ta làm trong mối tương
giao của chúng với những sự việc
to tát là những thứ mới mang lại
cho chúng giá trị và ý nghĩa.
Nhờ nghỉ ngơi chúng ta mới nhớ
rằng mọi hành động đều tìm được
giá trị từ nơi Thiên Chúa: “Từ
ngữ Worship (thờ phụng) có nghĩa
là phục hồi lại cho cuộc sống
lao động hằng ngày giá trị đích
thực của nó bằng cách đặt nó
trong tương giao với Chúa là
cùng đích của nó và cũng là của
chúng ta.
Sự thờ phụng như thế cũng là một
hình thức nghỉ ngơi – là hình
thức chiêm ngắm hết sức tích cực
và sáng tạo những sự việc của
Chúa nhờ đó chúng ta được phục
hồi sinh lực trở lại; bởi vì lời
hứa của Phúc âm thánh Matthêu
vẫn luôn luôn chờ đợi những kẻ
biết sẵn sàng lắng nghe: “Hãy
đến với Ta, tất cả các ngươi là
những kẻ lao nhọc và vác nặng,
Ta sẽ cho các ngươi được yên
nghỉ”.
Đức cha Fulton Sheen. (Nguyên
tác: Way to Happiness)