Truyền thông tại Nam Hàn, Trung Quốc và Nga rất quan tâm tới tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng nhìn chung đều cho rằng sẽ không xảy ra chiến tranh.
Các ý kiến được phân rẽ giữa việc chính sách nào là tốt nhất trong lúc này, nên cứng rắn trước các đe dọa của Bắc Hàn, hay nên tìm kiếm việc trao đổi với chính quyền Bình Nhưỡng.
Một số cây viết nói Hoa Kỳ phải một phần chịu trách nhiệm về tình trạng căng thẳng và nói cuộc diễn tập quân sự chung với Nam Hàn đã dẫn tới sự phản ứng hung hăng từ Bắc Hàn.
Nhật báo Joong Ang của Nam Hàn
Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Tổng thống Park Geun-hye, theo đó triệu tập cuộc họp an ninh quốc gia đầu tiên, dẫu có đôi chút muộn màng...
Bất chấp tình hình nghiêm trọng, Tổng thống Park đã phản ứng một cách kiên quyết nhưng bình tĩnh trước hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, và chúng tôi đánh giá cao việc này.
Tổng thống Park đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không để đối phương khiêu khích, từ đó dẫn tới việc trả đũa dai dẳng. Hành động mạnh hơn lời nói. Chính phủ phải chuẩn bị đầy đủ cho bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.
Choson Ilbo của Nam Hàn
Hoa Kỳ đã có cuộc phô trương sức mạnh ghê gớm trong cuộc tập trận chung gần đây với Nam Hàn, nhưng Seoul và Washington rất sẵn sàng thảo luận với Bắc Hàn và cung cấp viện trợ kinh tế nếu Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Nếu miền Bắc thực sự muốn phát triển nền kinh tế, thì lối đi cho họ là rất rõ ràng.
Chuyên gia Huang Youfu, viết trên China Daily
Ít có khả năng Bình Nhưỡng sẽ có cuộc tấn công nhắm vào Hoa Kỳ... Những đe dọa từ Bắc Hàn là để nhằm thương lượng với Hoa Kỳ và chẳng có mấy tác dụng. Bắc Hàn cần phải nhận thức được rằng những gì họ đã làm thì không thể là giải pháp.
Chuyên gia Zhang Xudong, viết trên China Daily
Không tin cậy lẫn nhau là lý do cơ bản dẫn tới tình hình xấu đi trên bán đảo Triều Tiên. Mỗi khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc điều chỉnh chính sách đối với Bắc Hàn thì việc đó sẽ lại dẫn tới chuyện Bình Nhưỡng đe dọa về hạt nhân.
Chẳng có đối đầu quân sự hay đánh tiếng đe doạ nào có thể dẫn tới bước đột phá trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được cả. Tất cả các bên nên tiến hành thông qua ngoại giao và đối thoại.
Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc
Hoa Kỳ trên thực tế đã từ bỏ việc thuyết phục Bình Nhưỡng thôi theo đuổi chương trình hạt nhân. Trung Quốc không nên biến mình thành nạn nhân đầu tiên hoặc lớn nhất của một cuộc chiến trên bán đảo này.
Một khi Trung Quốc thực hiện điều này thì cuộc khủng hoảng trên bán đảo vẫn có thể xử lý bằng một chính sách không can thiệp.
Báo Ta Kung Pao ở Hong Kong
Chỉ có cuộc đối thoại Bắc Hàn - Hoa Kỳ là có thể giúp làm dịu tình hình và giúp tránh được một cuộc chiến ở đông bắc Á. Cả Bắc Hàn và Hoa Kỳ đều có lỗi, nhất là cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ với Nam Hàn.
Nhật báo Kommersant ở Nga
Một nguồn tin của Kommersant tại Moscow thừa nhận rằng ngay cả Nga là một bên trong các cuộc đàm phán sáu bên nhưng Nga từ lâu nay đã không còn ảnh hưởng tới Bình Nhưỡng nữa.
Moscow quan ngại rằng phương Tây có thể cố lợi dụng cuộc khủng hoảng để thúc đẩy hiện diện quân sự trong khu vực, và hy vọng là Bắc Kinh sẽ khiến Bắc Hàn "biết điều".
Nguồn của Kommersant nói rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên là "cực kỳ căng thẳng, nhưng không có lý gì để phải báo động nghiêm trọng vào lúc này".