Hỏa tiễn Nga giúp Syria ‘ổn định tình hình’

 

Nga cho biết họ vẫn xúc tiến bàn giao hỏa tiễn bắn máy bay S-300 cho Syria vì loại vũ khí này có thể giúp ngăn ngừa khả năng các cường quốc bên ngoài can thiệp quân sự vào nước này.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng các hỏa tiễn này là ‘nhân tố giữ ổn định’ và sẽ giữ cho ‘một số cái đầu nóng’ đừng dấn vào cuộc xung đột.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh BBC nghe thấy bằng chứng rằng 200 người đã bị giết hại trong một cuộc tàn sát ở miền tây Syria trong tháng này.

Hơn 80.000 người đã chết và 1,5 triệu người đã tháo chạy khỏi Syria kể từ khi cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu năm 2011, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc.

‘Hành động phá hoại’

Moscow cũng chỉ trích quyết định của Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phiến quân Syria.

Theo họ thì hành động này của châu Âu đã làm tổn hại trực tiếp đến kết quả được chờ đợi của hội nghị hòa bình quốc tế về Syria ở Geneva vào tháng tới do Moscow và Washington đề xuất.

“Người ta đã có một loạt các hành động mà các đối tác phương Tây của chúng ta, trong đó có Mỹ và Pháp, không phải là không tham gia và không ủng hộ. Những hành động này có thể phá hoại ý tưởng về một hội nghị hòa bình,” truyền thông Nga dẫn lời ông Sergei Lavrov, ngoại trưởng nước này, phát biểu hôm thứ Ba ngày 28/5.

"Chúng tôi xem những khí tài này là một nhân tố giữ ổn định và tin rằng những bước đi như thế sẽ làm chùn bước những cái đầu nóng đang xem xét các kịch bản quốc tế hóa cuộc xung đột này với sự can dự của các thế lực bên ngoài."

Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ động thái này của EU. Còn Bộ Ngoại giao Syria thì lên án quyết định này đã ‘ngăn trở những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc góp sức đạt được một giải pháp chính trị’.

Thứ trưởng Ryabkov cho biết hợp đồng chuyển giao hệ thống hỏa tiễn S-300 đã được Moscow và Damascus ký kết vài năm trước.

“Chúng tôi xem những khí tài này là một nhân tố giữ ổn định và tin rằng những bước đi như thế sẽ làm chùn bước những cái đầu nóng đang xem xét các kịch bản quốc tế hóa cuộc xung đột này với sự can dự của các thế lực bên ngoài,” ông nói với các nhà báo với ẩn ý nhắc đến việc Nato thiết lập vùng cấm bay ở Libya.

‘Nước cờ thay đổi cục diện’

Tên lửa S-300 rất mạnh trong khả năng đất đối không cũng như tấn công máy bay chiến đấu. Hệ thống tên lửa này cũng có khả năng đấu lại tên lửa đạn đạo.

Nó có thể được so sánh với hệ thống tên lửa Patriot đã từng được Nato triển khai để bảo vệ không phận Thổ Nhĩ Kỳ trước các cuộc tấn công từ Syria.

Trước đây các bên đều không muốn nêu đích danh các loại khí tài tinh vi được sử dụng trong cuộc chiến ở Syria.

Jim Muir, phóng viên BBC ở Beirut nhận xét động thái mới nhất của phía Nga có thể xem là sự leo thang.

Thật ra, một số nhà phân tích cho rằng việc Nga xác nhận bán vũ khí cho Syria là một ‘nước cờ thay đổi cục diện’ cuộc khủng hoảng Syria.

“Trên thực tế nó chứng tỏ rằng các cuộc thảo luận Mỹ-Nga để giải quyết vấn đề Syria là vô nghĩa, gửi các tín hiệu cảnh báo về các vụ chuyển giao vũ khí tương tự cho Iran, có thể lôi Israel vào cuộc chiến ở Syria và làm thay đổi toàn diện khả năng Mỹ và các đồng minh áp đặt vùng cấm bay,” phân tích gia Anthony Cordesman ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) bình luận.

Đã có tin rằng Moscow đã tạm thời hoãn việc giao các khí tài này để đổi lấy việc Israel cam kết không tiếp tục không kích và Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cho biết các tên lửa này vẫn chưa rời Nga.

“Tôi hy vọng rằng chúng sẽ không rời nước Nga và nếu chúng đến được Syria thì chúng tôi biết sẽ phải làm gì,” ông nói.

BBC