Nam Hàn đã điều động hai tàu chiến có trang bị hệ thống phòng thủ hỏa tiễn, tin tức cho hay, một ngày sau khi Bắc Hàn có vẻ như đã chuyển một hỏa tiễn tới bờ biển phía đông.
Các quan chức quân sự nói với truyền thông Nam Hàn rằng hai chiến hạm sẽ được triển khai ở vùng duyên hải phía đông và phía tây.
Seoul đã làm giảm nhẹ tầm quan trọng của động thái về hỏa tiễn của miền Bắc, nói có lẽ đó là để tiến hành thử vũ khí thay vì là một hành động thù nghịch.
Trong những tuần gần đây, miền Bắc đã gia tăng những tuyên bố hùng hồn và tỏ rõ đe dọa nhắm vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Một trong những mục tiêu mà Bình Nhưỡng nói đến là đảo Guam trên Thái Bình Dương, nơi có căn cứ quân sự của Mỹ.
Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ xác nhận sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tới Guam nhằm đối phó với những đe dọa trên.
"Những động thái mà chúng ta đang tiến hành là nhằm đảm bảo và tái đảm bảo với nhân dân Mỹ cùng các đồng minh rằng chúng ta có thể phòng vệ cho Hoa Kỳ," nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Victoria Nuland nói.
Ngoại trưởng Nam Hàn nói với các dân biểu hôm thứ Năm rằng miền Bắc đã chuyển một tên lửa tới bờ biển phía đông, nơi từng thực hiện các vụ thử quân sự trước đó.
Lời nói và hành động
Các tin tức chưa được xác nhận hôm thứ Sáu nói rằng miền Bắc đã dịch chuyển hai tên lửa và đã đưa chúng lên bệ phóng.
Các tên lửa được cho là loại Musudan tầm trung, có khả năng vươn tới Guam.
Hãng tin Yonhap của Nam Hàn nói hai tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ Aegis sẽ theo dõi tình hình.
"Nếu như miền Bắc phóng đi một quả tên lửa, chúng ta sẽ bám sát đường đi của nó," Yonhap trích lời một quan chức.
Mặc dù Bắc Hàn thường có những lời lẽ hiếu chiến nhưng các lời nói đó chưa từng biến thành hành động quân sự trực tiếp nào kể từ 2010, khi miền Bắc nã pháo vào một hòn đảo của miền Nam, giết chết bốn người.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây họ đă đe dọa tấn công hạt nhân và tiến hành tấn công vào Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng đã chính thức tuyên chiến với Nam Hàn, và nói sẽ mở lại một ḷ phản ứng hạt nhân bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Bắc Hàn cũng ra nhiều tuyên bố giận dữ theo đó nói cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là hành động khiêu khích.
Các máy bay ném bom có khả năng mang theo hạt nhân B-2 và B-51 của Hoa Kỳ đã bay trên bầu trời Nam Hàn như một phần của cuộc tập trận, và kể từ đó Hoa Kỳ đã triển khai các tàu chiến có hệ thống phòng thủ tên lửa tới khu vực.
Truyền thông chính thức của Bắc Hàn nói Hoa Kỳ đang bao vây bán đảo Triều Tiên với mối đe dọa hạt nhân từ đất liền, trên biển và trên không.
Trong những tuần gần đây, miền Bắc cũng đã cắt đường dây nóng quân sự giữa Seoul và Bình Nhưỡng, và không cho người Nam Hàn vào làm việc tại khu công nghiệp chung đặt tại miền Bắc.
Khu công nghiệp Kaesong, một trong những biểu tượng cuối cùng còn lại về sự hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng, chủ yếu sử dụng nhân công người miền Bắc nhưng được cấp vốn và quản lý bởi các hãng của miền Nam.