Người thân của ông Đoàn Văn Vươn nói tính đến chiều hôm 12/7, Tòa phúc thẩm Tòa án Tối cao tại Hà Nội vẫn chưa cấp giấy để các luật sư vào tiếp xúc với các thân nhân của bà, hiện đang bị giam giữ.
Bà Phạm Thị Hiền (c̣n có tên là Báu), em dâu ông Vươn, cho biết bà đã được tống đạt quyết định xử phúc thẩm vụ 'Giết người và Chống người thi hành công vụ' vào ngày 29 và 30/7 tới đây.
Sáu bị cáo là các thành viên trong gia đình ông Vươn, gồm các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ và các bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và Phạm Thị Báu (vợ ông Quý).
Cũng liên quan tới quá trình cưỡng chế trái pháp luật đối với khu đầm nuôi trồng thủy sản của nhà ông Vươn hồi tháng Giêng 2012, một phiên xử phúc thẩm khác cũng được mở đối với vụ án Hủy hoại tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vào ngày 1 và 2/8.
Trong vụ án này, năm bị cáo là các cựu quan chức địa phương cấp huyện và cấp xã.
'Cản trở việc mời luật sư, người bào chữa'
Trả lời BBC Tiếng Việt chiều hôm 12/7, bà Hiền cho biết về quá trình gia đình bà chuẩn bị cho công tác bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm tới đây:
Bà Phạm Thị Hiền: Ban đầu, chúng tôi mời ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản làm đại diện hợp pháp, bào chữa cho gia đình trong phiên tòa phúc thẩm.
Khi chúng tôi gửi đơn lên tòa phúc thẩm, tòa đã từ chối với lý do ông Luân không đủ điều kiện làm người bào chữa theo nội dung một nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã nghiên cứu nội dung nghị quyết đó và thấy không hề có điều khoản nào nói ông Luân không đủ điều kiện làm người bào chữa.
Chúng tôi căn cứ vào điều 50 và điều 56 [Bộ luật Tố tụng Hình sự] về quyền của các bị can, bị cáo thì thấy mình hoàn toàn có quyền mời ông Luân. Do tòa phúc thẩm từ chối, chúng tôi đã làm đơn khiếu nại và trong vòng một tháng họ phải giải quyết khiếu nại đó.
Luật sư nhà Đoàn Văn Vươn vẫn chờ tòa
Em dâu ông Đoàn Văn Vươn nói tòa phúc thẩm chưa cấp giấy để các luật sư vào tiếp xúc với hai bị cáo dù đã định ra ngày xử 29/7.
Thế nhưng chúng tôi vừa gửi đơn khiếu nại đi thì tòa phúc thẩm đã tống đạt cho chúng tôi quyết định về ngày xử phúc thẩm sắp tới, ngày 29/7.
Sau đó, chúng tôi mời tiếp hai luật sư, là Luật sư Hà Huy Sơn và Luật sư Trần Vũ Hải. Nhưng sau khi mời, chúng tôi có nhận được giấy ủy quyền của anh Vươn, anh Quý từ trong trại gửi ra về vấn đề mời luật sư, trong đó các anh có liệt kê một số các luật sư từng tham dự phiên sơ thẩm.
Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy ngoài những luật sư đã tham gia ở phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi vẫn muốn mời thêm hai luật sư Hà Huy Sơn và Trần Vũ Hải.
Tuy nhiên, khi hai luật sư này lên tòa phúc thẩm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho gia đình tôi, tòa đã không chấp nhận; tòa nói hai luật sư này không có tên trong danh sách các luật sư mà anh Vươn, anh Quý viết ra.
Theo chúng tôi, danh sách đó không quan trọng, bởi anh Vươn, anh Quý không biết một luật sư nào khác ngoài những người đã tham dự phiên sơ thẩm.
Hai anh liệt kê những người đó là điều bình thường, nhưng việc chúng tôi mong muốn mời thêm là điều luật pháp cho phép, và tòa cần lấy ý kiến của các anh ấy xem có đồng ý hai luật sư đó hay không, hoặc là hãy để các luật sư vào trực tiếp để thông báo việc được vợ các anh mời, các anh có đồng ý không. Như vậy mới đúng quy trình tố tụng.
"Nếu tòa không làm thủ tục cho chúng tôi vào gặp [ông Vươn và ông Quý] thì điều đó có nghĩa là tòa phúc thẩm đang cản trở việc chúng tôi mời luật sư, tước bỏ quyền lợi của chúng tôi."
Bà Phạm Thị Hiền (tức Báu)
Chưa có các động tác đó mà tòa phúc thẩm đã từ chối hai luật sư. Tòa nói rằng đây là ý chí chủ quan của các anh ấy, họ rất tỉnh táo trong việc chọn luật sư.
Chúng tôi không phủ nhận điều này, nhưng so với đơn ủy quyền lần trước, khi trong giai đoạn điều tra anh Vươn có viết giấy ủy quyền nói "tôi chỉ đồng ý mời luật sư Hùng và không chấp nhận bất kỳ luật sư nào khác ngoài luật sư Hùng" và chúng tôi chấp nhận ngay, không làm gì hơn được khi anh ấy viết giấy ủy quyền như thế.
Lần này, các anh ấy không có câu nào nói "tôi chỉ mời các luật sư này mà không mời bất kỳ luật sư nào khác", cho nên chúng tôi yêu cầu tòa phải trích xuất cho chúng tôi gặp các anh ấy để bàn bạc và thống nhất vấn đề mời luật sư.
Tòa cũng phải có trách nhiệm vào thông báo cho các anh ấy biết. Nếu tòa từ chối, các luật sư đó sẽ không thể vào tiếp cận thân nhân của chúng tôi trong trại. Cho nên tòa phải có trách nhiệm vào trại hỏi ý kiến các anh ấy.
Hôm qua, chúng tôi đã lên tòa khiếu nại và nói rõ chúng tôi làm đúng pháp luật. Sau đó họ [tòa án] nói ngày mai sẽ cầm lá đơn của chúng tôi vào trại và sẽ thông báo cho chúng tôi biết là các anh ấy có đồng ý hay không, nếu có thì sẽ báo để chúng tôi tiếp tục làm thủ tục cho các luật sư bào chữa.
Nếu các anh ấy không đồng ý, chúng tôi sẽ tiếp tục làm thủ tục xin vào gặp để thuyết phục.
Nếu tòa không làm thủ tục cho chúng tôi vào gặp thì điều đó có nghĩa là tòa phúc thẩm đang cản trở việc chúng tôi mời luật sư, tước bỏ quyền lợi của chúng tôi.
Nếu các anh ấy đồng ý, ngày mai tất cả các luật sư sẽ cùng làm thủ tục bào chữa.
BBC Tiếng Việt:Tức là đến thời điểm này, chưa có luật sư nào nhận được giấy tờ để làm thủ tục bào chữa cho ông Vươn và ông Quý?
Bà Phạm Thị Hiền: Đúng vậy. Tòa phúc thẩm bảo chúng tôi sớm chốt danh sách luật sư để làm thủ tục, nhưng chúng tôi nói chúng tôi còn chờ đợi luật sư Hải và luật sư Sơn. Nếu tòa phúc thẩm gây khó khăn, không cấp giấy chứng nhận cho hai luật sư này, thì cả gia đình chúng tôi sẽ không mời được luật sư, và tòa phải chịu trách nhiệm về chuyện đó.
Nếu hai luật sư này không được phép bào chữa cho gia đình tôi, chúng tôi sẽ đề nghị hoãn phiên tòa, và chúng tôi sẽ thông báo tới báo chí trong và ngoài nước về việc tòa phúc thẩm cản trở gia đình tôi mời luật sư, tước bỏ quyền lợi của chúng tôi.
'Phòng vệ chính đáng'
BBC Tiếng Việt: Đó là thủ tục mời luật sư, vậy còn về vấn đề nội dung bào chữa, gia đình bà đã trao đổi với các luật sư về hướng trình bày nội dung kháng cáo chưa ạ?
Bà Phạm Thị Hiền: Quan điểm của chúng tôi là các hành vi của chúng tôi là phòng vệ chính đáng trong tình thế cấp thiết theo điều 15 và điều 16.
Trong tình thế cấp thiết, luật quy định là để bảo về lợi ích của tập thể, cá nhân thì người ta có thể gây ra thiệt hại nhỏ để ngăn ngừa thiệt hại lớn.
Chúng tôi chứng minh được là tất cả các chiến sỹ, cán bộ được cho là bị hại, bị thương đều đã rút đơn yêu cầu bồi thường. Điều đó chứng tỏ họ thấy những tổn hại của họ là rất nhỏ so với những mất mát của gia đình chúng tôi. Chúng tôi không chống lại khi đó tức là là chịu mất hàng trăm tỷ đồng.
BBC Tiếng Việt: Như vậy là gia đình bà giữ nguyên những trình bày, lập luận đã nêu trong phiên tòa sơ thẩm?
Bà Phạm Thị Hiền: Vâng, chúng tôi giữ nguyên chân lý đó, không thay đổi.
BBC Tiếng Việt: Còn trong vụ xử phúc thẩm thứ hai liên quan tới các quan chức địa phương được cho là có tham gia quá trình cưỡng chế, gia đình bà cũng có đơn kháng cáo phải không? Vậy nội dung gia đình bà kháng cáo trong vụ án này là gì?
Bà Phạm Thị Hiền: Chúng tôi kháng cáo về việc giá trị thật của tài sản bị hủy hoại, bị cướp, bị đốt đã không được làm rõ, chưa được điều tra.
Cho nên chúng tôi yêu cầu thứ nhất là bác bản án sơ thẩm, thứ hai là điều tra bổ sung, và thứ ba là vấn đề tội danh. Các tội phạm với tính chất nguy hiểm như vậy không thể xử án treo được. Tại sao "nguyên nhân" thì được xử án treo, còn "hậu quả" lại bị xử án tù? Chúng tôi không chấp nhận như vậy.
Thêm nữa, họ nói chỉ bồi thường cho chúng tôi về tổn thất các căn nhà với mức 295 triệu đồng, chúng tôi không đồng ý.
Họ nói phải tính khấu hao tuổi thọ các căn nhà. Nhưng quan điểm của chúng tôi là chúng tôi không mua bán, trao đổi gì với các ông đó. Họ tự đến đập phá thì họ không thể tính khấu hao vào nhà ở của chúng tôi.
BBC