GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tay Sát Thủ ĐTC GPII tái xuất hiện ở Rôma

 

Hôm Thứ Bảy 27/12/2014, Mehmet Ali Agca, tay sát thủ ĐTC GPII ngày 13/5/1981 đã tái xuất hiện ở Đền Thờ Thánh Phêrô để đặt 2 vòng hoa hồng mầu trắng trên mộ của vị thánh giáo hoàng này, một biến cố đã được chính đương sự khi được cảnh sát Rôma ở Cavour Square chất vấn về lý do đã trả lời rằng: "Tôi cảm thấy cần thực hiện cử chỉ này". 


Tay s
át thủ thuộc tổ chức khủng bố mang danh "Nhóm Sói Xám - the Grey Wolves", sau khi ra tay ám sát hụt ĐTC GPII đã bị tù chung thân tại Ý quốc nhưng đã được chính ĐTC GPII nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 xin tổng thống Ý bấy giờ là Carlo Azeglio Ciampi tha cho, và tay sát thủ này đã được thả ra vào Tháng 6/2000, nhưng sau 8 ngày anh ta lại bị tiếp tục cuộc đời lao tù tại nhà tù Yenikent ở ngay thủ đô Antaka Thổ Nhĩ Kỳ của anh ta bởi các tội ác khác do anh ta gây ra trước đó vào thập niên 1970, vì sát hại phóng viên Abdi İpekçi vào năm 1979. Anh ta đã mãn hạn tù vào năm 2010. 


Tòa Thánh đã cho phép anh ta đến thăm mộ của ĐTC GPII trong chốc lát rất ngắn vào chính ngày 27/12/2014 là ngày mà 31 năm trước Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm anh ta ở trong nhà tù Rôma là Rebbibia vào ngày 27/12/1983. Tuy nhiên, Tòa Thánh từ chối yêu cầu của anh ta 2 lần muốn xin được triều kiến ĐTC Phanxicô. 


Trong các cuộc phỏng vấn trước đây với tờ tạp chí Ý quốc là nhật báo La Repubblica tay sát thủ Alì Agca đã cho biết một số chi tiết đặc biệt về bản thân của mình như sau:

"Một khi được trả tự do, tôi muốn lãnh nhận phép rửa. Tôi muốn làm điều ấy trước mắt truyền thông, ở Vatican, ngay ở Quảng Trường Thánh Phêrô, nơi tôi đã bắn Giáo Hoàng Wojtyla (GH GPII)";

"Tôi nhớ đến đức giáo hoàng như là một con người đáng kính nhất và có lòng nhân hậu nhất của thế kỷ 21 này. Tôi muốn đến kính viếng ngài tại phần một của ngài".

Trong bức thư gửi cho tờ tuần san Diva e Donna Ý quốc, anh ta còn cho biết anh ta 1- muốn lập gia đình với người vợ Ý, 2- đã theo Công giáo vào ngày 13/5/2007, sau 26 năm ám sát ĐTC GPII, 3- muốn thành công dân Bồ Đào Nha vì lý do duy nhất đó là:

"Giáo Hoàng Ratzinger đã cho biết (biệt chú của người viết: khi còn là HY dưới triều ĐTC GPII) rằng nỗ lực ám sát là những gì đã tạo nên Bí Mật Fatima Phần Ba, đó là lý do tại sao tôi muốn thành công dân Bồ Đào Nha". 

V
ào dịp ĐTC GPII được tôn phong hiển thánh, qua cuộc phỏng vấn với ANSA là một cơ quan của Ý quốc, tay sát thủ này vẫn không tỏ ra hối hận gì về việc mưu sát của mình vì anh ta, căn cứ vào Bí Mật Fatima Phần Ba, tin rằng việc anh ta làm thuộc về một dự án thần linh:

"Tôi đã thấy được một chứng cớ bất khả chối cãi là vào ngày 13/5/1981, Thiên Chúa đã thực hiện một phép lạ ở Quảng Trường Thánh Phêrô.

"Tôi hết sức là vui sướng được trở thành trọng tâm của dự án thần linh mà tôi đã phải trả giá 30 năm địa ngục bị giam cầm cô độc". 
Không biết trong lần viếng thăm ngoại lệ này của anh ta, trong giây phút âm thầm đặt 2 vòng hoa tưởng niệm của mình, anh ta có ngỏ lời xin lỗi nạn nhân của anh ta hay chăng, vì anh ta chưa hề lên tiếng xin lỗi ngài, mà chỉ thắc mắc về Bí Mật Fatima phần thứ 3 mà thôi, như những gì ĐTC GPII viết ở phần phụ lục của tác phẩm Hồi Niệm và Căn Tính (Memory and Identity, 2005, ấn bản Anh ngữ trang 163-164) về con người này bấy giờ:

Thật vậy, trong cuốn “Hồi Niệm và Căn Tính - Memory and Identity, tác phẩm cuối cùng của mình, một tác phẩm về triết học luân lý là những gì đã được thai nghén từ năm 1993, một tác phẩm xuất bản 2 tháng trước khi tác giả của nó là Đức Gioan Phaolô II vĩnh viễn nằm xuống, Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thuật lại cảm nhận của bản thân ngài cũng như của kẻ ám sát ngài có thể tóm gọn như sau. 

Tại Quảng Trường Thánh Phêrô, vào lúc 5 giờ chiều ngày 13/5/1981, ngay trước buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần, đã đột nhiên vang tiếng súng……, thật ra là mấy tiếng súng chứ không phải một, những tiếng súng vang lên chỉ cách chiếc giáo hoàng xa của Đức Gioan Phaolô II có 20 bộ (hay 6 thước), khi ngài ở trên chiếc xe đang chạy chung quanh quảng trường này theo thường lệ để chào tín hữu đang qui tụ chờ ngài bấy giờ. Hậu quả là viên đạn phát ra từ nòng súng lục tự động 9 ly ấy đã xuyên vào thân thể của vị Giáo Hoàng này, trúng bao tử của ngài, cùi trỏ bên cánh tay phải của ngài và ngón tay trỏ bên trái của ngài. Ngài đã được cấp tốc đưa vào bệnh viện, và chỉ khi tới bệnh viện ngài mới hoàn toàn bất tỉnh nhân sự. Cuộc giải phẫu cứu mạng ngài đã kéo dài 5 tiếng 20 phút, và thân thể ở vào tuổi gần 61 của ngài bấy giờ đã bị mất đi tới 60% lượng máu loang chảy trong mình. 

 


​​
Đức Gioan Phaolô II đã cho biết những gì xẩy ra sau đó, sau tiếng súng nổ và sau khi ngài được đưa vào bệnh viện thế này: “Tôi đã không tỉnh dạy cho đến ngày hôm sau, vào khoảng buổi trưa” (ấn bản Anh ngữ trang 161). Cũng trong phần phụ trương này, (ở trang 163-164), ngài còn cho biết thêm về con người ra tay ám sát ngài như sau:

Vào khoảng Giáng Sinh năm 1983, tôi đã thăm kẻ tấn công tôi đang bị nhốt trong tù. Chúng tôi nói chuyện lâu giờ. Alì Agca, ai cũng đều biết, là một tay sát thủ chuyên nghiệp. Tức là cuộc tấn công này không phải bởi sáng kiến riêng tư của anh ta, mà là từ ý nghĩ của một người khác; một người nào đó đã sai khiến anh ta thực hiện điều này. Trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, Alì Agca vẫn còn tỏ ra lấy làm ngạc nhiên không hiểu tại sao một cuộc cố tình ám sát như vậy mà lại có thể bất thành cho được. Anh ta đã rất ư là thận trọng xếp đặt mọi sự, chú ý tới từng chi tiết nhỏ một. Thế mà nạn nhân được nhắm tới của anh ta lại thoát chết. Làm sao có thể xra như thế được cơ chứ? Cái hay là ở chỗ tình trạng bối rối của anh ta đã dẫn anh ta tới vấn đề về đạo giáo. Anh ta muốn biết về bí mật Fatima, và bí mật này thực sự là gì. Đó là mối quan tâm chính của anh ta; anh ta muốn biết điều này hơn bất cứ một cái gì khác. Có lẽ những vấn nạn dai dẳng đã cho thấy rằng anh ta đã nắm được một điều gì đó thực sự là hệ trọng. Alì Agca có lẽ đã cảm thấy được rằng có một quyền lực cao cả, vượt trên cả quyền lực của anh ta, trên cả khả năng bắn giết nữa. Bởi vậy anh ta đã bắt đầu tìm kiếm quyền lực cao cả này. Tôi hy vọng và cầu xin cho anh ta tìm thấy quyền lực cao cả ấy”. 

 

Trong khi Alì Agca chỉ quan tâm tới phương diện tự nhiên của biến cố động đến lịch sử thế giới này thì nạn nhân của anh ta là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại nhìn nó bằng con mắt đức tin, liên quan đến Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, như ngài đã bày tỏ trong tác phẩm Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, (ấn bản Anh ngữ, xuất bản năm 1994, trang 130, 131-132), để trả lời cho câu hỏi “Thiên Chúa có nhúng tay vào việc sụp đổ của Cộng Sản hay không? Was God at Work in the Fall of Communism?”, như sau:

Chúng ta phải nói sao về 3 trẻ ở Fatima, những em nhỏ, ngay trước cuộc bùng nổ của Cách Mạng Tháng Mười, đột nhiên nghe thấy rằng: ‘Nước Nga sẽ trở lại’ và ‘Cuối cùng, Trái Tim Mẹ sẽ thắng’…? Chúng không thể nào tạo ra những lời tiên đoán này. Chúng không biết đầy đủ về lịch sử hay địa dư, cũng không biết về những biến chuyển trong xã hội cũng như những phát triển về ý thức hệ. Thế mà, việc đã xẩy ra đúng như chúng đã nói. Có thể đây cũng là lý do tại sao mà một vị Giáo Hoàng từ ‘một xứ sở xa xôi’ đã được kêu gọi đến, đó có thể là lý do tại sao cần phải có một cuộc cố sát xẩy ra tại Công Trường Thánh Phêrô ngay vào ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm biến cố hiện ra lần thứ nhất ở Fatima – để tất cả mọi sự được trở nên thông suốt và thấu đáo, nhờ đó tiếng của Thiên Chúa nói trong lịch sử loài người qua những ‘dấu chỉ thời đại’ có thể dễ nghe và dễ hiểu hơn”. 

Triều Thiên

ở trên đầu Thánh Tượng Mẹ Fatima

(như tấm hình ngay dươi đây)

tại Linh Địa Thánh Mẫu Fatima,

một triều thiên vào ngày 13/5/1982

đã được gắn viên đạn bắn ĐTC Gioan Phaolô II ngày 13/5/12981,

viên đạn được gắn ở tâm điểm

còn thấy thòng xuống

giữa phần đỉnh bên trên

và phần vòng bên dưới.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL