GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

"Hôn nhân là một biểu hiện của cuộc sống, một cuộc sống thực sự chứ không phải là 'tiểu thuyết'! Nó là Bí Tích yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, một tình yêu được chứng tỏ và bảo đảm nơi Thánh Giá".


ĐTC Phanxicô - Bài Giảng cho Lễ Cưới

Chúa Nhật Lễ Tôn Vinh Thánh Giá 14/9/2014 ở Đền Thờ Thánh Phêrô 

bao gồm cả việc ngài Làm Phép Hôn Phối cho 20 cặp tân hôn thuộc Giáo Phận Rôma


Bài đọc thứ nhất hôm nay nói với chúng ta về cuộc hành trình qua sa mạc của dân Chúa. Chúng ta có thể mường tượng thấy họ như thể đang tiến bước theo ông Moisen; họ là các gia đình, là những người cha, người mẹ, con cái nam nữ, ông bà, thành phần nam nữ ở mọi lứa tuổi, bao gồm nhiều trẻ em và bậc lão thành là hai thành phần khốn khổ với cuộc hành trình này. Dân này nhắc nhở chúng ta về Giáo Hội, vì Giáo Hội đang băng qua vùng sa mạc của thế giới hiện đại, nhắc nhớ chúng ta về thành phần Dân Chúa được bao gồm hầu hết bởi các gia đình

Sự kiện này khiến chúng ta nghĩ đến các gia đình, các gia đình của chúng ta, đang tiến bước trên những con đường cuộc sống với tất cả mọi kinh nghiệm thường nhật của mình. Không thể nào đo đếm được sức mạnh và chiều sâu của nhân loại nơi gia đình: vấn đề tương trợ nhau, việc hỗ trợ giáo dục, những mối liên hệ phát triển khi các phần tử của gia đình trưởng thành, việc chia sẻ những niềm vui cùng với các khó khăn. Gia đình là nơi đầu tiên chúng ta được hình thành làm người, đồng thời cũng là "những viên gạch" để xây dựng xã hội

Chúng ta hãy trở lại với câu chuyện thánh kinh. Ở một mức độ nào đó, "dân chúng trên đường đi đã trở nên bất nhẫn" (Dân Số 21:4). Họ cảm thấy mệt mỏi, nước nôi thì cạn kiệt và thức ăn thì toàn là manna, một thứ lương thực cho dù có dồi dào do Chúa ban chăng nữa, cũng dường như đã trở nên quá nhàm chán trong lúc khủng hoảng. Bởi thế mà họ phàn nàn chống lại Chúa và Moisen: "Tại sao ông lại đem chúng tôi đi chứ?..." (Dân Số 21:5). Họ cảm thấy bị cám dỗ quay đầu lại và hủy bỏ cuộc hành trình này. 

Đến đây chúng ta nghĩ đến các đôi phối ngẫu, thành phần "trên đường đi đã trở nên bất nhẫn", con đường của cuộc sống hôn nhân và gia đình. Tình trạng khốn khổ của cuộc hành trình đang khiến cho họ cảm thấy nội tâm mệt mỏi; họ đã bị mất đi ân phúc của phép hôn phối và họ thôi kín múc từ cái giếng Bí Tích này. Cuộc sống hằng ngày trở nên nặng nhọc và thậm chí thường còn cảm thấy "nôn mửa" nữa

Trong những lúc lạc hướng như thế - Thánh Kinh cho biết - các con rắn độc xuất hiện cắn dân chúng khiến nhiều người bị chết. Sự kiện này làm cho dân chúng thống hối quay về cùng Moisen xin tha thứ, van xin ông cầu cùng Chúa để Ngài loại trừ loài rắn đi. Moisen đã cầu cùng Chúa và Chúa đã ban một phương dược đó là treo một con rắn đồng lên một cây cột để ai nhìn lên nó thì sẽ được lành khỏi nọc độc chết chóc của loại rắn.

Đâu là ý nghĩa của biểu hiệu này? Thiên Chúa không hủy diệt loài rắn, trái lại còn cống hiến nó như là "một chất giải độc", ở chỗ, qua con rắn đồng được Moisen thực hiện, Thiên Chúa truyền đạt quyền lực chữa lành là tình thương của Ngài, một tình thương còn mãnh liệt hơn cả nọc độc của Tên Cám Dỗ

Như chúng ta đã nghe thấy trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng hóa mình với biểu hiệu này, ở chỗ, vì yêu thương Chúa Cha "đã ban" Người Con duy nhất của mình để nhờ đó con người nam nữ được sự sống đời đời (xem Gioan 3:13-17). Tình yêu bao la này của Chúa Cha đã thúc đẩy Người Con hóa thân làm người, thành một người tôi tớ và chết cho chúng ta trên thập tự giá. Vì tình yêu thương ấy, Chúa Cha đã làm cho Con của Ngài sống lại, ban cho Người quyền thống trị trên toàn thể vũ trụ. Điều này đã được Thánh Phaolô diễn tả trong bài thánh ca ở Bức Thư gửi cho Giáo Đoàn Philiphê (2:6-11). Ai ký thác bản thân mình cho Chúa Giêsu tử giá thì lãnh nhận tình thương của Thiên Chúa và được chữa lành khỏi nọc độc chết chóc của tội lỗi.

Việc chữa lành Thiên Chúa cống hiến cho dân chúng cũng áp dụng một cách đặc biệt cho các đôi phối ngẫu, thành phần "trên đường đi đã trở nên bất nhẫn" và là những người đang chiều theo chước cám dỗ nguy hiểm của chán chường, bất trung, yếu dại, trút bỏ... Thiên Chúa là Cha cũng ban Giêsu Con của Ngài cho cả họ nữa, không phải để lên án họ mà là để cứu họ: nếu họ biết ký thác bản thân mình cho Người thì Người sẽ chữa lành họ bằng tình yêu nhân hậu là những gì được tuôn trào từ Thánh Giá, với sức mạnh của ân sủng Người để canh tân các cặp phối ngẫu và các gia đình, giúp họ lại tiến bước theo đường ngay nẻo chính

Tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu đã chúc phúc và thánh hóa mối hiệp nhất nên một vợ chồng, có thể bảo trì tình yêu của họ và canh tân tình yêu của họ khi nó, theo kiểu nói của loài người, bị mất đi, bị tổn thương hay bị hao mòn. Tình yêu của Chúa Kitô có thể phục hồi niềm vui cùng đồng hành cho các đôi phối ngẫu. Hôn nhân tất cả là ở chỗ đó, ở chỗ con người nam nữ cùng nhau bước đi, trong khi người chồng giúp cho vợ của mình trở nên một người đàn bà hơn bao giờ hết, và người vợ có nhiệm vụ giúp chồng mình trở thành một người đàn ông hơn bao giờ hết. Đó là công việc cả hai vợ chồng cùng chia sẻ. "Anh yêu em, và vì yêu em anh giúp em trở thành một người đàn bà hơn bao giờ hết"; "em yêu anh, và vì yêu anh em giúp anh trở thành một người đàn ông hơn bao giờ hết". Đến đây chúng ta thấy tính chất hỗ tương của những gì là khác biệt. Con đường này không phải bao giờ cũng bằng phẳng trơn tru, không xẩy ra bất đồng, bằng không nó không còn là nhân loại nữa. Nó là một cuộc hành trình gay go, có những lúc khó khăn và có những khi bấn loạn, mà đời sống lại là thế đó! Trong khoa thần học được lời Chúa cống hiến cho chúng ta đây, liên quan đến dân chúng đang thực hiện cuộc hành trình, các đôi phối ngẫu đang hành trình, tôi muốn cống hiến cho anh chị em một chút huấn dụ. Vợ chồng cãi cọ là chuyện bình thường: nó là chuyện thường. Nó bao giờ cũng xẩy ra. Thế nhưng tôi khuyên là đừng bao giờ để cho ngày sống kết thúc mà không làm hòa với nhau trước đã. Đừng bao giờ nhé! Chỉ cần một cử chỉ nho nhỏ là đủ. Nhờ đó mới có thể tiếp tục cuộc hành trình. Hôn nhân là một biểu hiện của cuộc sống, một cuộc sống thực sự ch không phải là "tiểu thuyết"! Nó là Bí Tích yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, một tình yêu được chứng tỏ và bảo đảm nơi Thánh Giá. Niềm mong ước của tôi nơi anh chị em đó là anh chị em có được một cuộc hành trình tốt đẹp, một cuộc hành trình sinh hoa kết trái, gia tăng yêu thương. Tôi chúc cho anh chị em được hạnh phúc. Sẽ có những thánh giá đau khổ! Thế nhưng Chúa luôn hiện diện ở đó để giúp chúng ta tiến tới. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em! 



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ website của Tòa Thánh

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20140914_omelia-rito-matrimonio.html

(nhan đề và những chỗ in nghiêng mầu là do tự ý của người dịch)


Một chút cảm nhận của người dịch về vấn đề nên cho thành phần ly dị tái hôn được rước lễ hay chăng?

Chúng ta đang cầu nguyện cho Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ lần 3, lần ngoại lệ này về Hôn Nhân Gia Đình, một dạo khúc cho cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV năm 2015. 

 

Giới truyền thông đã ồn ào lên trước thời gian Thượng Nghị 2014 này xẩy ra, khi họ tập trung vào một vấn đề duy nhất mà họ cho là nóng bỏng nhất và tranh cãi nhất, đó là vấn đề thành phần ly dị tái hôn được rước lễ. 

Họ đã nêu lên sự kiện đụng độ công khai giữa hai luồng tư tưởng nghịch nhau, một chủ trương phò, như của ĐHY Kasper, và một chủ trương chống, như của một trong các vị hồng y là vị Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin Muller.

Phần ĐTC Phanxicô thì tiếp tục lắng nghe và cho là lành mạnh, bởi thế trong bài giảng khai mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới 2014, ngài đã khuyến khích và thúc giục các nghị phụ tham dự hãy chân thành thẳng thắn phát biểu.

Chúng ta chắc chắn là cũng muốn biết dứt khoát chính bản thân ĐTC nghĩ sao, vị giáo hoàng chủ trương tình thương và đã từng tuyên bố Bí Tích Thánh Thể không phải chỉ giành riêng cho kẻ lành mạnh mà còn cho cả kẻ yếu đuối nữa. 

Trong bài giảng cho Lễ Cưới của 20 cặp tân hôn ngày 14/9/2014 được ngài chủ sự cách 3 tuần trước Thượng Nghị này (5/10/2014) trên đây ngài vẫn tiếp tục chiều hướng tình thương và cứu vớt qua câu nói ở đoạn áp kết sau đây:

"Việc chữa lành Thiên Chúa cống hiến cho dân chúng cũng áp dụng một cách đặc biệt cho các đôi phối ngẫu, thành phần 'trên đường đi đã trở nên bất nhẫn' và là những người đang chiều theo chước cám dỗ nguy hiểm của chán chường, bất trung, yếu dại, trút bỏ... Thiên Chúa là Cha cũng ban Giêsu Con của Ngài cho cả họ nữa, không phải để lên án họ mà là để cứu họ: nếu họ biết ký thác bản thân mình cho Người thì Người sẽ chữa lành họ bằng tình yêu nhân hậu là những gì được tuôn trào từ Thánh Giá, với sức mạnh của ân sủng Người để canh tân các cặp phối ngẫu và các gia đình, giúp họ lại tiến bước theo đường ngay nẻo chính" 

Chúng ta vẫn tiếp tục theo dõi phản ứng chung chung của các vị nghị phụ của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ lần ba 2014 này và chờ đợi quyết định tối hậu của Đức Thánh Cha Phanxicô, một quyết định sẽ được công bố vào năm 2015 sau Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XVI. 

Trong khi chờ đợi, tôi tự nhiên có những cảm nghĩ riêng tư sau đây:

1- Chiếc Tầu Noe là nơi nương náu cứu vớt cho một gia đình thì phải chăng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một trái tim đã được Mẹ tiết lộ cho chung 3 Thiếu Nhi Fatima nhất là cho riêng Lucia biết vào lần hiện ra thứ hai 13/6/1917, "là nơi cho con nương náu".

2- Nếu "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu" thì có thể được ví như Tầu Noe là nơi nương náu sống còn trong trận đại hồng thủy xưa (xem Sách Khởi Nguyên 7:1-12), mà Tầu Noe đã trở thành nơi nương náu cho một đại gia đình 8 người, thì phải chăng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cũng là nơi nương náu cho gia đình?

3- Nếu Tầu Noe được hoàn tất trong vòng 100 năm (xem Sách Khởi Nguyên 5:32 và 7:6) thì một trùng hợp bất ngờ đang xẩy ra đó là ngay trước Biến Cố Thánh Mẫu Fatima 100 năm (1917-2017), tức chỉ còn 2-3 năm nữa, lại xẩy ra hai Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới liền (2014-2015), nhất là cuộc Thượng Nghị 2014, một cuộc thượng nghị được vị tân Giáo Hoàng Phanxicô (13/3/2013) ngỏ ý muốn (21/9/2013) tổ chức sớm bao nhiêu có thể. 

4- Nếu văn hóa chết chóc từ thế kỷ 20 cho tới nay càng ngày càng trở nên ngập lụt khắp thế giới đến độ đã chẳng những tàn phá thiên nhiên tạo vật như đại hồng thy xưa, mà còn nhận chìm cả văn hóa nhân bản đích thực của loài người nói chung và cơ cấu hôn nhân gia đình nói riêng, thì Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới 2014-2015 về hôn nhân gia đình phải chăng là dấu chỉ thời đại cho thấy Thiên Chúa muốn cứu vớt chung gia đình nhân loại và riêng các gia đình Kitô hữu khỏi đại lụt văn hóa chết chóc - culture of death, gây ra bởi chủ nghĩa tương đối và duy nhân bản?

5- Riêng về trường hợp Kitô hữu Công giáo ly dị tái hôn có được rước lễ hay chăng, thì theo tôi nên cứu xét đến trường hợp rất đặc biệt và ngoại lệ của người phụ nữ tội lỗi trong thành ở cuối đoạn 7 của Phúc Âm Thánh Luca (36-50) sẽ thấy được phần nào hay tất cả câu trả lời một cách khá rõ ràng.

6- Người phụ nữ tội lỗi này (được cho là một Mai Đệ Liên - đối chiếu Phúc Âm Luca 8:2; Marco 16:9; Gioan 11:2), trong tình trạng tội lỗi, với đôi tay đàng điếm nhơ nhớp, lại dám tự động, trực tiếp và ngang nhiên chạm đến Thánh Thể vô cùng thánh thiện toàn hảo của Chúa Giêsu, đến độ khiến vị chủ nhà Pharisiêu cũng lấy làm bỡ ngỡ (7:39).

7- Thế nhưng, Chúa Giêsu lại cứ để cho Thánh Thể của mình "bị" chạm đến bởi đôi bàn tay bẩn thỉu xấu xa của chị, kể cả cho đôi môi vốn đã từng làm tình với bao nhiêu tên đàn ông dâm dục của chị hôn lên Thánh Thể của Người, chỉ vì Người thấy được tất cả "tấm lòng tan nát khiêm cung" đầy mến yêu chân tình sâu thẳm của chị đối với Người (7:47).

8- Chính Thánh Thể mà "người phụ nữ tội lỗi trong thành" (7:37) cả gan dám chạm đến bằng tất cả tấm lòng tin tưởng ấy đã chẳng những chữa lành cho chị: "Tội lỗi của con đã được tha" (7:48), như thể chị đã được giải thoát khỏi các thứ thần ô uế xấu xa (xem Luca 8:2; Mrco 16:9), mà còn biến chị trở thành một trong những nữ phục vụ viên (xem Luca 8:2), nhất là thành một vị tông đồ của các tông đồ trong sứ vụ loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Kitô (xem Gioan 20:17-18).

9- Như thế, căn cứ vào trường hợp vô cùng ngoại lệ của người phụ nữ tội lỗi trong thành này thì phải chăng thành phần ly dị tái hôn, nếu thật lòng thống hối ăn năn, được cụ thể tỏ ra bằng những hành động chân tình nhất, vẫn có thể đến với Chúa và đến gần Chúa? Cho dù bấy giờ họ đang nhơ nhớp như người nữ tội lỗi, ở chỗ họ chưa thể bỏ được dịp tội là đời sống hôn nhân bất chính của họ, dù họ rất muốn, bởi nó gây ra bởi những ràng buộc cần được từ từ giải quyết, một giải quyết không thể thiếu quyền lực thần linh phi thường mới có thể thực hiện, một quyền lực thần linh chỉ xuất phát từ Thánh Thể, nhờ đó họ mới có thể được chữa lành như người phụ nữ tội lỗi trong thành.

10- Đặt trường hợp người phụ nữ tội lỗi trong thành, với tất cả lòng tin yêu của mình vào Đấng duy nhất có thể tha thứ cho mình và cứu vớt mình là Chúa Giêsu bấy giờ, khi chị vừa tự động mạnh dạn chạm vào Thánh Thể của Chúa Giêsu, liền bị Người quắc mắt lên thậm tệ quát tháo xua đuổi: "Đồ Satan, hãy xéo đi..." (Mathêu 16:23), thì phải chăng chị sẽ cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng, và sẽ tiếp tục buông thả theo cuộc sống tội lỗi của mình. 

Tất cả mọi suy diễn trên đây xin hoàn toàn chờ đợi quyết định tối hậu của Giáo Hội qua Vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian. Amen.

"Thiên Chúa là Cha cũng ban Giêsu Con của Ngài cho cả họ nữa, không phải để lên án họ mà là để cứu họ: nếu họ biết ký thác bản thân mình cho Người thì Người sẽ chữa lành họ bằng tình yêu nhân hậu là những gì được tuôn trào từ Thánh Giá, với sức mạnh của ân sủng Người để canh tân các cặp phối ngẫu và các gia đình, giúp họ lại tiến bước theo đường ngay nẻo chính"


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL