ĐTC Phanxicô – Bài Giảng Lễ Phong Thánh Nhị Vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II
Chúa Nhật 27/4/2014, Lễ Lòng Thương Xót Chúa.
Tâm điểm của Chúa Nhật này, thời điểm kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh và là
thời điểm Thánh Gioan Phaolô II muốn dành kính Lòng Thương Xót Chúa, là các
thương tích vinh hiển của Chúa Giêsu phục sinh.
Người đã tỏ những thương tích này ra khi Người hiện ra lần đầu tiên với các vị
Tông Đồ vào chính tối ngày đầu tiên sau Ngày Hưu Lễ, ngày phục sinh. Thế nhưng,
như chúng ta đã nghe, Tông Đồ Toma không có mặt tối hôm đó, và khi các tông đồ
khác nói với ông rằng họ đã thấy Chúa thì ông trả lời rằng ông không tin trừ phi
chính bản thân ông thấy được và chạm đến các thương tích này. Một tuần sau, Chúa
Giêsu đã hiện ra một lần nữa với các môn đệ đang tụ tập trên Căn Thượng Lầu.
Tông Đồ Toma cũng hiện diện; Chúa Giêsu hướng về ông mà nói cùng ông rằng hãy
chạm vào các thương tích của Người. Lập tức con người rất thẳng thắn và quen
thói đích thân trắc nghiệm hết mọi sự ấy liền quì ngay xuống trước mặt Chúa
Giêsu mà nói: “Lạy Chúa của con và lạy Thiên Chúa của con” (Gioan 20:28).
Các thương tích của Chúa Giêsu là một thứ
gai chướng,
một trở ngại đối
với đức tin,
thế nhưng các thương tích này cũng là một
thứ thử thách của đức tin.
Đó là lý do tại sao các thương tích này không bao giờ biến mất trên thân xác của
Chúa Kitô phục sinh: chúng vẫn còn đó, vì những thương tích này là dấu hiệu
trường tồn cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Những thương
tích ấy là những gì thiết
yếu cho việc tin tưởng nơi Thiên Chúa. Không phải là việc tin tưởng rằng
Thiên Chúa hiện hữu mà là tin tưởng rằng Thiên
Chúa là tình yêu, là lòng thương và trung tín. Thánh
Phêrô, trích lời Tiên Tri Isaia, đã viết cho Kitô hữu rằng: "Anh em đã được chữa
lành nhờ các thương tích của Người" (1Phêrô 2:24; xem Isaia 53:5).
Thánh Gioan XXIII và Thánh Gioan Phaolô II đã không sợ nhìn vào các thương
tích của Chúa Giêsu, chạm đến đôi tay thủng của Người và cạnh sườn bị đâm của
Người. Các vị không cảm thấy hổ thẹn về xác thịt của Chúa Kitô, các vị không
cảm thấy Người và thập giá của Người trở thành những gì là gai chướng; các vị
không khinh thường xác thịt của anh em mình (xem Isaia 58:7), vì các vị đã thấy
Chúa Giêsu nơi hết mọi con người chịu khổ đau và cố chống chọi. Các vị là
những con người can trường, đầy những tính chất cương trực của Thánh Linh, và
các vị làm chứng trước Giáo Hội và thế giới về lòng nhân lành và xót thương của
Thiên Chúa.
Các vị là những vị linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị đã
trải qua các biến cố tang thương của thế kỷ này, nhưng các vị đã không bị chúng
chi phối. Đối với các vị, Thiên Chúa còn mảnh lực hơn nhiều; đức tin còn mãnh
liệt hơn thế nữa - một đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân trần và
là Chúa của lịch sử; tình thương của Thiên Chúa, được tỏ hiện nơi năm thương
tích ấy, còn mạnh mẽ hơn nhiều; và cũng mãnh liệt hơn nữa đó là sự gần gũi
của Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
Nơi hai con người này, những vị đã nhìn lên các thương tích của Chúa Kitô và đã
làm chứng cho tình thương của Người, tỏa ra một niềm hy vọng sống động và một
niềm vui khôn tả và rạng ngời (1Phêrô
1:3,8). Niềm hy vọng và là niềm vui Chúa Kitô phục sinh ban cho các môn đệ của
Người, niềm hy vọng và niềm vui không gì và không ai có thể lấy mất của họ. Niềm
hy vọng và niềm vui Phục Sinh này, được
khuôn đúc trong cái lò chối bỏ bản thân mình, hư không hóa bản thân mình, hoàn
toàn đồng hóa với tội nhân, cho đến độ kinh tởm của chén đắng cay. Niềm
hy vọng và niềm vui ấy đã được hai vị giáo hoàng thánh thiện này lãnh nhận như
là một tặng ân từ Vị Chúa phục sinh và là những gì về phần mình, các vị dồi dào
tuôn đổ xuống trên Dân Chúa, khiến chúng ta mãi mãi ghi ơn.
Niềm hy vọng này và niềm vui này là những gì hiện hiện nơi cộng đồng tín hữu
tiên khởi ở Giêrusalem, như chúng ta đã nghe trong Sách Tông Vụ (xem
2:42-47). Đó là
một cộng đồng đã sống tâm điểm của Phúc Âm là yêu thương và xót thương,
một cách chân thành và huynh đệ.
Đó cũng là hình ảnh về một Giáo Hội được Công Đồng Chung Vaticanô II đề ra trước
mắt chúng ta. Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã hợp tác với Thánh Linh trong
việc canh tân và cập nhật hóa Giáo Hội để giữ được những tính chất nguyên thủy
của Giáo Hội, những tính chất được các thánh nhân đã cống hiến cho Giáo Hội
qua các thế kỷ. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã cống hiến hướng đi và
giúp vào việc tăng trưởng của Giáo Hội. Trong việc triệu tập Công Đồng Chung
Vaticanô II, Thánh Gioan XXIII đã cho thấy một tuyệt vời cởi mở trước Thánh
Linh. Ngài đã để mình được dẫn dắt và đối với Giáo Hội ngài là một vị mục
tử, một vị lãnh đạo phục vụ, được Thánh Linh hướng dẫn. Điều này đã giúp cho
Giáo Hội rất nhiều; vì lý do ấy mà tôi thích nghĩ về ngài như là vị giáo
hoàng cởi mở trước Thánh Linh.
Trong việc phục vụ Dân Chúa của mình, Thánh Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng
của gia đình. Chính ngài có lần đã nói rằng ngài muốn được tưởng nhớ đến như
là vị giáo hoàng của gia đình. Tôi đặc biệt vui mừng vạch ra điều này khi chúng
ta đang ở trong tiến trình hành trình với các gia đình hướng về Thượng Nghị
Giám Mục Thế Giới về gia đình. Một cuộc hành trình chắc chắn sẽ được ngài từ
trời cao hướng dẫn và nâng đỡ.
Chớ gì hai vị tân thánh và là mục tử này của dân Chúa chuyển cầu cho Giáo
Hội, để trong cuộc hành trình hai năm này hướng về Thượng Nghị Giám Mục Thế
Giới được cởi mở trước Thánh Linh cho việc mục vụ về gia đình. Chớ gì hai vị dạy
chúng ta đừng hổ thẹn trước các thương tích của Chúa Kitô và tiến sâu hơn nữa
vào mầu nhiệm lòng thương xót Chúa, một mầu nhiệm luôn hy vọng và bao giờ cũng
thứ tha, vì mầu nhiệm này luôn yêu thương.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo