GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Về Nguồn Galilêa, Chân Trời Dân Ngoại

Đức Thánh Cha Phanxicô: Bài Giảng Lễ Vọng Phục Sinh 2014

 

 

Phúc Âm về cuộc phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được bắt đầu bằng hành trình của các phụ nữ đến mồ vào lúc rạng đông của ngày sau ngày Hưu Lễ. Họ đến mồ để tôn kính thân thể của Chúa, nhưng họ lại thấy nó đã được mở ra và trở nên trống không. Một vị thiên thần quyền uy mới nói với họ rằng: Đừng sợ! (Mt 28:5) và truyền cho họ hãy đi noí với môn đệ rằng Người đã sống lại từ trong kẻ chết, và Người thực sự đến Galilêa trước các vị (câu 7). Các phụ nữ vội vàng lên đường và trên đường đi thì đích thân Chúa Giêsu gặp gỡ họ mà bảo: Đừng sợ; hãy đi mà nói cho các môn đệ của Thày đến Galilêa; ở đó họ sẽ gặp Thày" (câu 10).

 

Sau cái chết của Thày mình, các môn đệ đã bị phân tán; đức tin của các vị hoàn toàn bị rung chuyển, mọi sự dường như chẳng còn gì nữa, tất cả những gì các vị tin tưởng đều trở nên tan tành và những gì các vị hy vọng đều tiêu tan. Thế nhưng, bấy giờ tin tức của các phụ nữ, bất khả tín thay, lại được mang đến với các vị như một tia sáng trong tăm tối. Tin tức được loan truyền ấy là Chúa Giêsu đã sống lại như Người đã phán. Rồi còn lệnh Người truyền cho các vị phải đến Galilêa nữa; các phụ nữ nghe thấy điều này 2 lần, lần thứ nhất từ thiên thần và sau đó từ chính Chúa Giêsu: Hãy báo cho họ đến Galilêa; ở đó họ sẽ gặp Thày.

 

Galilêa là nơi đầu tiên các vị được kêu gọi, nơi mọi sự được bắt đầu! Hãy trở về lại đó, trở về nơi các vị được gọi từ ban đầu. Chúa Giêsu đã bước đi dọc theo các bờ hồ khi những tay đánh cá ấy đang thả lưới. Người đã gọi các vị và các vị đã bỏ hết mọi sự mà theo Người (xem mathêu 4:18-22).

 

Việc trở lại Galilêa nghĩa là ôn lại hết mọi sự theo chiều hướng thập giá và cuộc vinh thắng của thập giá. Là ôn lại hết mọi sự Chúa Giêsu giảng dạy, làm phép lạ, lập cộng đồng mới, những hứng thú cùng với việc bỏ hàng ngũ ra đi, thậm chí cả việc bội phản, để ôn lại hết mọi sự từ một tận cùng lại là một khởi điểm mới, từ tác động yêu thương cao cả này.

 

Đối với cả từng người chúng ta nữa, cũng có một Galilêa ở vào khởi điềm cho cuộc hành trình của chúng ta với Chúa Giêsu. Việc đi đến Galilêa mang một ý nghĩa đẹp đẽ nào đó, nghĩa là tái nhận thức phép rửa của chúng ta như là một ngọn suối sống động, kín múc lấy một nghị lực mới từ nguồn mạch đức tin của chúng ta và cảm nghiệm Kitô hữu của chúng ta. Việc trở về Galilêa trên hết có nghĩa là trờ về với thứ ánh sáng rạng ngời mà nhờ đó ân sủng của Thiên Chúa đã chạm đến tôi ngay từ đầu của cuộc hành trình này. Từ ánh sáng ấy tôi có thể thắp lên một ngọn lửa cho hôm nay đây cũng như cho hết mọi ngày sống, và mang lại sức nóng cùng ánh sáng cho anh chị em của tôi. Ngọn lửa ấy làm bừng lên niềm vui nhẹ nhàng, một niềm vuị không thể bị mất đi bởi sầu đau và buồn khổ, một niềm vui tốt lành và êm dịu.

 

Trong đời sống của hết mọi Kitô hữu, sau phép rửa cũng có một thứ Galiêa sống động hơn nữa, đó là cái cảm nghiệm của một cuộc hội ngộ riêng tư với Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã kêu gọi tôi theo Người và tham phần vào sứ vụ của Người. Bời thế, việc trở về với Galilêa nghĩa là trân quí trong lòng mình cái ký ức sống động về ơn gọi ấy, khi Chúa Giêsu đi qua đời tôi, thương hại nhìn vào tôi và xin tôi hãy theo Người (biệt chú của người dịch: câu này hoàn toàn phản ảnh câu tâm niệm của ĐTC "vì thương được chọn" xuất phát từ cảm nghiệm của ngài vào năm ngài 17 tuổi trước khi ngài dấn thân đáp lại tiếng Chúa goị và theo Chúa cho đến nay trong vai trò đại diện Người để dẫn dắt Giáo Hội hiện nay). Nó có nghĩa là làm sống lại ký ức về giây phút mà ánh mắt của Người chạm phải đôi mắt của tôi, lúc mà Người làm cho tôi cảm thấy rằng Người đã yêu thương tôi.

Hôm nay, đêm nay, mỗi người chúng ta có thể đặt vấn đề là: Galilêa của tôi là gì? Galilêa của tôi ở đâu vậy? Tôi có nhớ nó hay chăng? Hay là tôi đã quên mất nó rồi? Phải chăng tôi đã bị lầm đường lạc lối nên quyên mất nó rồi? Chúa ơi, xin giúp con: xin hãy bảo cho con biết Galilêa của con là gì; vì Chúa biết rằng con muốn trở về đó để gặp gỡ Chúa và để cho con được tình thương của Chúa ấp ủ.

Bài Phúc Âm của Lễ Phục Sinh rất là rõ ràng, ở chỗ chúng ta cần trở về đó, để thấy Chúa Giêsu phục sinh và để trở thành những nhân chứng cho việc phục sinh của Người. Không phải là vấn đề trở về đó theo thời gian; không phải là một thứ nhung nhớ. Mà là cuộc trở về với tình yêu ban đầu của chúng ta, để nhận lấy ngọn lửa đã được Chúa Giêsu thắp lên trên thế giới này và mang ngọn lửa ấy cho tất cả mọi dân nước, cho đến tận cùng trái đất.

Một Galilêa của Dân Ngoại (Mathêu 4:15; Isaia 8:23)! Đó là chân trời của Chúa Phục Sinh, chân trời của Giáo Hội; với ước muốn thiết tha được gặp gỡ, nào chúng ta hãy lên đường!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/pope-francis-homily-at-easter-vigil