GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

"Thời gian là môi trường của việc Thiên Chúa tỏ mình ra ...

Tự do là những gì làm cho chúng ta sợ hãi ...

yêu thích 'củ hành củ tỏi' nô lệ hơn..."

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Kinh Tối 31/12/2014 Vọng Tân Niên 2015

 Anh Chị Em thân mến,

Lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta đặc biệt vào ý nghĩa của thời gian, với ý thức rằng thời gian không phải là một thực tại xa lạ với Thiên Chúa, bởi vì Ngài chỉ muốn tỏ Mình ra và cứu độ chúng ta trong lịch sử. Ý nghĩa của thời gian, của tính chất thời gian, đó là môi trường hiển linh của Thiên Chúa, tức là, môi trường của việc tỏ mình ra của Thiên Chúa và của tình yêu cụ thể của Ngài. Thật vậy, thời gian là sứ giả của Thiên Chúa, như Thánh Peter Favre đã nói.

Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta câu nói của Tông Đồ Gioan: "Hỡi các con, đây là giờ khắc cuối cùng" (1Gioan 2:18), cũng như câu nói của Thánh Phaolô là vị nói về "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4). Bởi thế, ngày hôm nay đây tỏ cho chúng ta thấy làm thế nào - có thể nói - thời gian được "chạm tới" bởi Chúa Kitô, Người Con của Thiên Chúa và của Mẹ Maria, và thời gian được nhận lấy từ Người những ý nghĩa mới mẻ và lạ lùng, ở chỗ, nó đã trở thành "thời gian cứu độ", tức là thời điểm tối hậu của ơn cứu độ và ân sủng.

Tất cả những điều ấy khiến chúng ta nghĩ đến tận điểm của cuộc hành trình đời sống, đến tận cùng nơi cuộc hành trình của chúng ta. Đã có khởi điểm thì sẽ có tận điểm: "có thời sinh ra cũng có thời chết đi" (Giảng Viên 3:2). Theo sự thật này, một sự thật rất giản dị và nống cốt nhưng lại rất bị coi thường và quên lãng, Mẹ Thánh Giáo Hội dạy chúng ta trong việc kết thúc năm nay cũng như kết thúc ngày sống của chúng ta bằng việc kiểm điểm lương tâm, nhờ đó chúng ta ôn lại những gì đã xẩy ra, ở chỗ, chúng ta tạ ơn Chúa về mọi thiện hảo chúng ta đã lãnh nhận và đã có thể thực hiện, đồng thời, chúng ta cũng nghĩ đến những khuyết điểm thiếu sót của chúng ta và tội lỗi của chúng ta - để tri ân cảm tạ và xin ơn tha thứ.  

Đó là những gì chúng ta cũng làm hôm nay vào lúc kết thúc năm này. Chúng ta ca ngợi Chúa bằng bài thánh ca Tạ Ơn Lạy Thiên Chúa Te Deum, đồng thời chúng ta xin Ngài ơn tha thứ. Thái độ tạ ơn này giúp chúng ta sống khiêm hạ trong việc nhận biết và lãnh nhận các tặng ân của Chúa.

Trong Bài Đọc của những Giờ Kinh Tối Vọng này, Tông Đồ Phaolô đã tóm lại cái động lực chính yếu của việc chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đó là Ngài đã làm cho chúng ta nên con cái của Ngài, Ngài đã thừa nhận chúng ta như là con cái của Ngài. Tặng ân không vì công lênh của ai này làm cho chúng ta tràn đầy niềm tri ân chan chứa lạ lùng! Người nào đó có thể nói rằng: "Thế nhưng chúng tôi không phải là con cái của Ngài, mà ở chỗ chỉ là con người?" Chúng ta đúng là như thế, vì Thiên Chúa là Cha của hết mọi con người sinh ra trên trần gian này. Thế nhưng đừng quên rằng bởi nguyên tội chúng ta đã bị cách xa Ngài, một thứ tội đã tách chúng ta ra khỏi Cha của chúng ta: mối liên hệ con cái của chúng ta đã bị thâm đậm tổn thương. Bởi thế, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến để giải cứu chúng ta bằng giá máu của Người. Mà nếu có việc giải cứu là bởi vì có cảnh nô lệ. Chúng ta đã là con cái, nhưng chúng ta đã trở thành các kẻ nô lệ, nghe theo tiếng nói của Tên Gian Ác.Không ai có thể giải cứu chúng ta khỏi cảnh nô lệ thực sự này ngoại trừ Chúa Giêsu, Đấng đã mặc lấy xác thịt của chúng ta nơi Trinh Nữ Maria và đã chết trên thập tự giá để giải thoát chúng ta khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và phục hồi thân phận làm con đã bị mất đi của chúng ta cho chúng ta

Phụng vụ hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng "từ ban đầu (trước thời gian) đã có Lời... và Lời đã hóa thân làm người", bởi thế Thánh Irenaeus đã khẳng định rằng: "Đó là lý do Lời đã hóa thân làm người, và Con Thiên Chúa đã trở thành Con người, nhờ đó loài người, vì được hiệp thông với Lời mà từ đó lãnh nhận thân phận làm con cái thần linh, có thể trở nên con cái của Thiên Chúa"  (Adversus Haereses, 3, 19, 1” PG 7, 939; Cf. Catechism of the Catholic Church, 460).

Hiện tại thì chính tặng ân chúng ta tạ ơn cũng là một lý do để chúng ta kiểm điểm lương tâm, duyệt xét lại đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta, bằng cách tự vấn xem: chúng ta đang sống ra sao? Chúng ta đang sống như là những người con hay là những kẻ nô lệ? Chúng ta có sống như thành phần lãnh nhận phép rửa trong Chúa Kitô, được xức dầu Thần Linh, được giải cứu và được tự do hay chăng? Hay chúng ta sống theo lý lẽ băng hoại trần tục, làm những gì mà ma quỉ xui giục chúng ta tin rằng đó là những gì lợi ích cho chúng ta? Trong cuộc hành trình đời sống của chúng ta bao giờ cũng có khuynh hướng chống lại việc giải phóng; chúng ta sợ tự do, và ngược ngạo thay, chúng ta vô tình lại yêu thích làm nô lệ hơn. Tự do là những gì làm cho chúng ta sợ hãi vì nó đặt chúng ta trước thời gian và cần phải đối diện với trách nhiệm của chúng ta trong việc sống trách nhiệm ấy một cách tốt đẹp. Nô lệ biến thời gian thành 'khoảnh khắc' và vì thế chúng ta cảm thấy an toàn hơn, tức là nó làm cho chúng ta sống những khoảng khắc chẳng liên hệ gì tới quá khứ của chúng và với tương lai của chúng ta. Nói cách khác, nô lệ là những gì ngăn cản chúng ta trong việc sống hiện tại một cách trọn vẹn và thực sự, vì nô lệ làm hiện tại trống rỗng quá khứ và bưng bít hiện tại trước tương lai, trước vĩnh hằng. Nô lệ làm cho chúng ta tin rằng chúng ta không thể nào mơ tưởng, bay lượn, hy vọng

Một đại nghệ công Ý quốc đã nói rằng mấy ngày trước Chúa dễ dàng mang dân Yến Duyên (Israel) ra khỏi Ai Cập hơn là Ai Cập ra khỏi tâm trí của dân Yến duyên. "Phải", họ đã được giải phóng khỏi cảnh nô lệ "một cách thể lý", thế nhưng trong cuộc hành trình băng qua sa mạc đầy những khó khăn khác nhau cùng đói khổ họ đã bắt đầu cảm thấy nhung nhớ Ai Cập là nơi họ "đã được thưởng thức... củ hành củ tỏi" (xem Dân Số 11:5); tuy nhiên, họ đã quên rằng họ đã ăn những thứ này ở mâm bàn nô lệ. Thứ nhung nhớ nô lệ này đang ẩn náu trong tâm trí của chúng ta, vì nó có vẻ chắc ăn hơn tự do là thứ đầy những nguy cơ. Chúng ta hào hứng biết bao khi say mê thấy được nhiều thứ pháo bông, bề ngoài đẹp đẽ đó nhưng thực sự thì là những gì thoáng qua trong giây lát! Đó là cái chiếm ngự của khoảnh khắc!

Như thế, việc kiểm điểm lương tâm này, cả đối với Kitô hữu chúng ta nữa, lệ thuộc vào tính chất tác hành của chúng ta, việc sống động của chúng ta, sự hiện diện của chúng ta trong thành phố, việc phục vụ của chúng ta cho công ích, việc tham phần của chúng ta vào các tổ chức quần chúng và Giáo Hội. 

Vì thế, là Giám Mục Rôma, tôi muốn chia sẻ về đời sống của chúng ta ở Rôma, một tặng ân lớn lao, vì được sống ở Thành Đô Vĩnh Cửu; nhất là đối với một Kitô hữu, thì điều ấy có nghĩa là thuộc về một Giáo Hội được xây dựng trên chứng từ và cuộc tử đạo của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Bởi vậy mà chúng ta cũng phải cám ơn Chúa về điều này nữa. Tuy nhiên nó đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn lao. Chúa Giêsu đã phán: "Ai được ban cho nhiều thì cũng sẽ bị đòi hỏi nhiều" (Luca 12:48). Thế nên, chúng ta cần phải tự vấn xem ở trong thành đô này, trong cộng đồng giáo hội đây, chúng ta là thành phần tự do hay chúng ta là các kẻ nô lệ, chúng ta có là muối ướp và là ánh sáng hay chăng? Chúng ta có là men bột chăng? Hay chúng ta đã sống một cách vô vị buồn tẻ, hận thù, chán chường thất vọng, tầm thường, mệt mỏi? 

Những biến cố băng hoại trầm trọng mới xẩy ra chắc chắn cần đến một cuộc nghiêm cẩn và ý thức hoán cải tâm hồn cho một cuộc tái sinh về tinh thần và luân lý, cũng như cho một cuộc dấn thân mới để xây dựng một thành đô công chính và đoàn kết hơn, nơi mà người nghèo, người yếu kém và người sống bên lề xã hội trở thành ưu tiên cho những mối quan tâm của chúng ta và các hoạt động hằng ngày của chúng ta. Thái độ tự do Kitô hữu cao cả hằng ngày cần phải tỏ ra can đảm để loan truyền ở thành đô đây đó là người nghèo cần phải được bênh vực chứ không phải bênh vực mình khỏi người nghèo, chúng ta cần phải phục vụ người yếu kém chứ không phải lạm dụng họ

Chúng ta có thể học được điều ấy nơi giáo huấn của một vị phó tế Rôma đơn sơ chất phác. Khi Thánh Lawrence được yêu cầu mang đến cho thấy đâu là các kho tàng của Giáo Hội thì ngài chỉ dẫn theo một số người nghèo. Khi người nghèo và người yếu kém được chăm sóc, nâng đỡ và trợ giúp ở một thành phố nào đó để cổ võ họ trong xã hội thì họ chứng tỏ họ là kho tàng của Giáo Hội và là kho tàng trong xã hội. Trái lại, khi xã hội khinh thường người nghèo, bách hại họ, gây tội ác phạm đến họ, và ép buộc họ <gia nhập băng Mafia> thì xã hội đó trở thành bần cùng đến độ khốn khổ, bị mất đi cái tự do của nó và yêu thích "củ hành củ tỏi" nô lệ hơn, thứ nô lệ cho cái vị kỷ của nó, thứ nô lệ cho cái hèn nhát nhu nhược của nó; xã hội ấy không còn là xã hội Kitô giáo nữa.  

Anh chị em thân mến, việc kết thúc năm này đó là việc tái khẳng định rằng "giờ khắc cuối cùng" đang hiện hữu và "thời điểm viên trọn" đang xẩy ra. Để kết thúc năm nay, để tạ ơn và xin ơn tha thứ, tốt nhất là chúng ta xin ơn để làm sao có thể tiến bước trong tự do hầu sửa lại nhiều hư hại và bênh vực mình khỏi những nhung nhớ nô lệ, không còn nhớ nhung đến những gì là nô lệ nữa.

Xin Đức Thánh Trinh Nữ, vị thực sự ở tâm điểm đền thờ Thiên Chúa, khi Lời - Đấng có từ ban đầu - biến Mình thành nên một với chúng ta trong thời gian; Mẹ là vị đã ban Đấng Cứu Thế cho thế giới, giúp chúng ta lãnh nhận Người bằng một con tim cởi mở để thực sự làm con cái của Thiên Chúa và sống tự do như con cái của Thiên Chúa.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (bao gồm cả nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý, trừ những chỗ in nghiêng vẫn giữ nguyên)

http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-homily-at-vespers-on-eve-of-new-year